Register
Page 63 of 63 FirstFirst ... 1353616263
Results 621 to 626 of 626
  1. #621
    Hái trăng

    Mẹ thích trăng, còn mình thích mây. Nên có lần, mình xem lịch, chọn ngày trăng tròn, để dẫn mẹ lên đỉnh Bà Nà ở qua đêm.

    Chiều tà, hai mẹ con đi hái mây. Từng cụm mây chen nhau, tranh nhau vờn quanh nơi mình đứng, chỗ mình ngồi. Mây và mình tha hồ bắt tay nhau, chào hỏi nhau.

    Rồi đêm khuya, hai mẹ con ra ngồi ghế đá giữa trời, ngắm trăng. Trăng ở xa, trăng không gần như mây.

    Nghe mình kể chuyện đi ngắm trăng trên núi, Anh hỏi: “Rồi có anh nào hái trăng xuống cho em không?” Có lẽ, đó là một cách để Anh hỏi có phải mình đi chơi với một anh nào đó. Mình chẳng trả lời. Cứ để anh thầm đoán mình đi với anh nào đó, cũng hay.

    Giả sử, ngày ấy, mình trả lời Anh bằng một câu hỏi, rằng: “Nếu không có anh nào ở đó ngoài anh ra, thì anh có hái trăng cho em không?”… Anh sẽ trả lời thế nào nhỉ. Chắc Anh sẽ im lặng, như cách mình đã im lặng ngày ấy, vì người hỏi biết chắc câu trả lời là không, còn người được hỏi thì biết mình đang được trêu. Hoặc có khi Anh sẽ trả lời bằng một câu hỏi mà người được hỏi cũng biết mình đang được trêu, ví dụ hỏi tiếp “Thế em có muốn anh hái trăng cho em không?” Vân vân, cứ thế, chúng ta trêu nhau.

    May là ngày ấy mình đã dừng lại sau câu hỏi đầu tiên của Anh.

    Một hôm, Em nói với mình: “Chiều hôm nọ, em thấy chị kéo rèm nhìn ra cửa sổ. Khi đó, trông chị thật bình yên.” Có lẽ, bình yên là nhờ thích ngắm mây và không mơ tưởng chuyện hái trăng.

    Gió


  2. #622
    Trông mặt, bắt hình dong


    Một sáng đẹp trời, trong phòng chờ sân bay Liên Khương. Theo thói quen, hễ vào phòng này là mình đến chiếc bàn sát cửa kính, phía trông ra ngoài trời, nơi nhìn thấy núi non xa xa.

    Nhưng hôm ấy, ngồi bàn đó không có ổ điện để cắm laptop sắp hết pin, mình bèn đi loanh quanh nhòm các bàn phía trong xem nơi nào có ổ cắm điện. Một chú khách bước từ cửa vào, vừa thấy mình đã hỏi: “Có gì ăn không cháu?” Hỏi thì mình đáp, huơ tay về phía dãy bàn bày đồ ăn, dạ đây, đồ ăn nè chú.

    Rồi mình cũng vào đấy để lấy đồ ăn, và đứng gần đĩa trứng cút luộc. Chú kia chỉ tay vào đĩa trứng, bảo: “Cho chú trái trứng!” Nhờ thì mình làm, mình gắp trứng vào đĩa của chú, lấy muối tiêu cho chú. Rồi chú hỏi tiếp: “Lấy nước sôi ở đâu vậy cháu?” Lần này mình không giúp nữa, vì cũng chưa thấy nước sôi ở đâu, bèn cười cười trả lời: “Dạ chú hỏi cái cô ngồi ngoài quầy giùm cháu, cháu cũng là khách, không phải nhân viên ở đây…”

    Chú rối rít xin lỗi. Khi mình vào bàn ngồi rồi, chú còn theo đến bàn để xin lỗi tiếp.

    Mình thường nói, khi đối diện ai mà ta nhìn từ cổ trở xuống, đó là hành vi khiếm nhã. Hôm ấy, mình nghĩ chú kia đã rất đàng hoàng, không màng nhìn từ cổ trở xuống tí nào. Chứ nếu có nhìn, chú sẽ thấy mình mặc T-shirt với quần jean, thì sao có thể là nhân viên phục vụ ở đó cho được.

    Mình thích cách nhìn từ cổ trở lên của chú.



    T.B. Chào anh Khoa (mặt cười)
    dựa cây cong

  3. #623
    Đi “lừa tình”


    Anh dẫn tôi vào rừng thông. Để tôi làm một việc mình vừa không thích làm vừa tò mò muốn thử, đó là làm người mẫu ảnh. Còn Anh làm một việc Anh đam mê, đó là nhiếp ảnh gia.

    Tôi áy náy cho Anh, vì biết, trời tuy mát mẻ, nhưng chụp hình tôi, chắc Anh mướt mồ hôi mới được một tấm ưng ý.

    Người ta thường nói: “Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối”. Hoặc có người nói huỵch toẹt hơn, rằng các hình ảnh lung linh là ảnh “lừa tình”. Có người nói với tôi: “Chị không lừa tình được đâu!” Ý bạn ấy chê tôi không ăn ảnh.

    Tôi thú nhận với Anh, tôi lên hình, thường trông đơ lắm. Anh gạt đi, chụp hình là phải tự tin lên, chứ cứ nghĩ thế, thì đơ là phải rồi! Các nhà thông thái chẳng đã khuyên rằng mình là cái mình nghĩ đó sao!

    Thì cứ thử phen này, xem các nhà thông thái nói đúng đến đâu. Chứ tôi đã nhận ra qua rất nhiều lần bị chụp hình: Khi thiếu tự tin, mình xấu kiểu đơ, kiểu ngượng; còn khi tự tin, mình xấu kiểu vô duyên.

    Nên tôi trả lời, chúc Anh may mắn, Anh chuẩn bị tinh thần như khi chụp hình sao băng nhé, vì giây phút nom tôi được được trước máy ảnh chỉ lóe lên một, hai giây rồi sẽ vụt tắt.

    Vào rừng, Anh chỉ cho tôi những nơi có thể “diễn”, ví dụ gốc cây này, thân cây nọ, và nơi chơi vơi giữa trời, giữa rừng thông vươn cao thẳng tắp, cứ thế ngồi, đi, đứng, múa may, quay cuồng…

    Bấm máy được vài chục phát, Anh hỏi tôi có đem theo bộ cánh nào khác không, để thay, để chụp loạt ảnh khác trong màu áo mới. Tôi nhìn quanh, hỏi, nhà vệ sinh ở đâu. Anh đáp, không có, cứ đi vào chỗ khuất đằng kia mà thay áo thôi. Lần này đến phiên tôi kiên quyết gạt đi, giữa nơi lộ thiên thế này, tôi chẳng thể thay xiêm y tự nhiên như ruồi đậu chén mắm tôm được.

    Chụp choẹt thỏa thích rồi, Anh mở lại các hình đã chụp, lướt lướt, xem xem. Rồi Anh sà đến gần tôi, rất gần, gần như đôi tình nhân đang tâm tình, chìa máy ảnh cho tôi cùng xem, và thao thao bình luận rằng tôi lên hình tấm này trông sáng, tấm nọ trông sang. Anh không nói gì về các tấm trông đơ, mà những tấm đơ mới chiếm số nhiều.

    Mối quan tâm lớn nhất của tôi khi đó, là chờ một phút sau để nhích ra xa, để khoảng cách giữa Anh và tôi đỡ gần. Chẳng lẽ, nhiếp ảnh gia khi tràn trề cảm hứng thì có thể quên cả khái niệm khoảng cách mà bình thường anh ta vẫn giữ?

    Tôi đã nghĩ nhiều về khoảng cách giữa Anh và tôi. Đã có lúc tôi muốn khoảng cách ấy thật gần. Nhưng nó chưa bao giờ gần như khi Anh đưa tôi đi “lừa tình” hôm ấy.

    Có những lý do để người ta giữ cho khoảng cách không gần. Ví dụ, vì muốn lửa xa rơm, vì không thích, vì không dám, vì đang mùa nhiều virus, hoặc vì không muốn mất thời gian cho những thứ mà Anh gọi là “phù du”.

    Chụp hình, xem ảnh xong xuôi, chúng tôi ra về, đi ngang một đôi trai gái đang ngồi dựa vai nhau dưới gốc thông. Khoảng cách giữa họ gần hơn khoảng cách giữa Anh và tôi khi nãy. Họ đang không nói gì với nhau, vì tiếng thông reo vi vu đang thay họ nói lời tình tự, hay vì họ chờ chúng tôi đi khuất rồi mới tình tự với nhau? Lời họ nói, có thể đậm đà hơn hoặc nhạt nhẽo hơn, thanh thoát hơn hoặc trần tục hơn lời thông reo. Nhưng có một điều gần như chắc chắn, tôi đoán, là họ đang ở giai đoạn mà khoảng cách gần vẫn còn là điều hấp dẫn.

    Anh quay sang nhìn tôi, không nói gì. Anh có đang nghĩ về những thứ như tình yêu, tình nhân, tình tự này kia như tôi vừa nghĩ? Hay chỉ đơn giản là Anh ngắm lại xem dung nhan bên cạnh Anh trông thế nào, mà lên hình trở thành thế kia?...
    Last edited by Lòng Như Gió; 02-02-2020 at 02:32 AM. Reason: Bỏ một dấu chấm thừa
    dựa cây cong

  4. #624
    Như ngày xưa


    Ngày đó, mẹ dắt đứa bé ba tuổi là tôi đi qua nhiều con phố Sài Gòn, đi đâu cũng cuốc bộ. Đi một quãng, mẹ hỏi con mỏi chân chưa, mỏi rồi thì mẹ bế. Một lúc, mẹ nói mẹ mỏi tay rồi, con tự đi nhé. Một lúc sau, mẹ lại hỏi con mỏi chân chưa… Cứ thế, mẹ và con thay phiên nhau mỏi tay và mỏi chân. Thật ra, tôi không nhớ khi ấy mình có mỏi chân hay không…

    Ngày nay, mỗi ngày tôi đi làm bằng cách cuốc bộ, quãng đường chưa đầy 2km. Tôi khoe với nhiều người, rằng dạo này bụng mình ít mỡ hơn, vì chăm đi bộ. Một hôm, mẹ cũng đi bộ quãng đường chưa đầy 2km này, những người tre trẻ nhìn mẹ thán phục, mẹ tỉnh bơ đáp rằng nhằm nhò gì, rằng mẹ còn đi được từ nhà đến sở thú cơ mà. Rồi một hôm khác, mẹ chợt nói với tôi, dịch Covid thế này mà con lặn lội đường xa đi làm, vất vả quá. Tôi trả lời, đường này mà xa gì, con có xe nhưng con thích đi bộ đấy chứ! Mẹ đáp, đi mỏi cả chân, xa chứ gì nữa, hay tại mẹ già rồi… Tôi không trả lời tiếp nữa. Vì nếu nhắc lại rằng quãng đường chẳng xa, mình chẳng mỏi chân, đó nghĩa là đúng mẹ già rồi. Còn nếu nói rằng đường có xa, chân mình có mỏi, mẹ sẽ càng lo lắng cho sự vất vả của con. Kiểu nào cũng là một nỗi buồn.

    Thời gian đã trôi qua vun vút, đã để lại dấu vết trên dáng dấp, trên tóc, trên da của mẹ; đã biến một đứa bé ba tuổi thành một người cũng sắp già; đã phủ rêu bao kỷ niệm; đã phủ bụi bao ký ức; đã chữa lành bao vết thương; đã cuốn bay bao hỉ nộ vô thường; đã xói mòn bao ái ố phù du; đã xóa phai bao dấu chân bước vào và bước ra khỏi đời nhau; tóm lại, đã đi cùng nhiều và rất nhiều thay đổi. Nhưng một điều không thay đổi, đó là mẹ ngày nay vẫn sợ con mình mỏi chân, như ngày xưa.
    dựa cây cong

  5. #625
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,563
    Đấy là một hiện tượng thiên nhiên có thật: những người đi chỉ mong cho đến nơi thì con đường tai quái sẽ dài thêm ra cho người đó mỏi chân; còn những người không muốn đến nơi mà lại thích nhẩn nha để hái hoa bắt bướm chụp ảnh... thì con đường sẽ cố tình ngắn lại cho người đó không có cơ hội hái được hoa, bắt được bướm hay chụp được ảnh gì (sất) cả.

    Có đường phố nào vui, cho ta đi cả ngày?

  6. #626
    Dạ em cảm ơn anh Ốc.

    Ngoài hiện tượng thiên nhiên có thật như anh Ốc vừa giải thích, em chợt nhớ ra một hiện tượng nhân tạo cũng có thật không kém, như sau: Khi người ta chưa biết rõ hoặc nhớ rõ đường đi, chưa biết bao lâu hoặc đến khúc đường nào là sẽ đến đích, họ cảm thấy đường xa. Ngược lại, khi đã quen thuộc quãng đường, đã nhớ rõ đến đâu có thể hái hoa, đến đâu bắt bướm, đến đâu selfie được, và đến đâu là đến đích, thì họ thấy đường gần.

    Như vậy, nhờ đăng bài lên phố rùm mà em được biết và nhớ ra hai hiện tượng, để có thể giả nhời mẹ em nếu mẹ em có khi nào băn khoăn lần nữa về đường xa.
    dựa cây cong

 

 

Similar Threads

  1. Xôn xao cuộc sống
    By maihoa_hoang in forum Tùy Bút
    Replies: 17
    Last Post: 10-19-2011, 04:00 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 02:03 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh