Register
Page 31 of 31 FirstFirst ... 21293031
Results 301 to 310 of 310

Thread: Mầu Hoa Khế

  1. #301
    Nỗi Nhớ Dịu Dàng

    Nơi tôi đang cư ngụ chung quanh phần đông là những người khác chủng tộc, mãi cuối con đường, thật lâu tôi mới thấy thấp thoáng có một tà áo dài được một bà cụ tóc trắng như tuyết vẫn còn mặc mỗi khi đi đâu ra khỏi nhà . Bà cụ vẫn còn giử nguyên nếp truyền thống của người Việt Nam xưa mà chiếc áo dài tượng trưng cho vẻ đẹp tao nhã lịch sự của người phụ nữ . Cho nên mỗi cuối tuần khi tôi ra hộp thư để lấy thư, vẫn thường hay đưa mắt nhìn về hướng nhà bà cụ ở, để mong được thấy bà trong tà áo dài chuẩn bị đi lễ chùa. Tôi nghĩ như thế bởi khi đi ngang qua trước sân nhà của bà, tôi thấy nơi đó đặt hình pho tượng Phật Bà to cao thật trang trọng . Tà áo dài của bà luôn mang cho tôi những hoài niệm về một quê hương đã chìm khuất bên kia bờ đại dương .

    Tôi giống như một người bị một tai nạn mang thương tích ở đầu, trí nhớ tôi chỉ dừng lại những thời gian tuổi thơ trên quê hương Quảng Trị, thời thiếu nữ mộng mơ với Huế và Sài Gòn . Còn lại tất cả những tháng ngày khi quê hương tôi bao phủ lấy một màu đen tối, khi đất nước nằm trong tay của những kẻ xâm lăng. Những mảnh kỷ niệm đau thương bi hận đó tôi xin cuộn chặt lại bên trong trái tim sẽ cùng tôi mang xuống tuyền đài khi đã trả xong món nợ làm người.

    ...
    Sau 20 năm xa rời quê hương, tôi trở về thăm quê nhà Quảng Trị . Chiếc xe dừng lại giữa con đường Trần Hưng Đạo cả toàn thân tôi run rẩy khi nhìn thấy con đường của tuổi thơ, nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Tôi níu lấy tay của ba tôi ngơ ngác nhìn quanh, đưa mắt nhìn thật xa để hai cha con cùng định hướng căn nhà ngày xưa của mình đang nằm ở đâu ? . Tôi nhìn một hồi thì nước mắt muốn ứa ra bởi tất cả đã đổi thay, đã quá hết sức lạ lẩm . Buổi trưa con phố ít người qua lại, quê tôi vẫn còn nghèo như những ngày xa xưa ấy. Đi giữa con phố trưa im nắng, tôi nghe cả tiếng gà gáy khan, tiếng gà gáy nghe buồn đến nảo lòng, rồi tôi nghe tiếng heo kêu ụt ịch đòi ăn và tiếng cười trẻ thơ khanh khách trong căn nhà nào đó thật hồn nhiên, và cuối con đường mòn vang vọng tiếng chó sủa vu vơ .Tất cả những âm thanh đó đã làm cho tôi nhớ lại những hình ảnh thanh bình êm ả, êm ả như dòng sông Thạch Hãn vẫn chảy xuôi theo dòng ký ức mà tôi ghi khắc mãi hoài trong tâm khảm .

    Tôi muốn giử lại một người bộ hành để hỏi han tin tức, nhưng khi nghe tiếng nói của người dân miền Bắc, đặc sệt âm hưởng của những con người xuất hiện từ năm 75 tràn ngập trên mảnh đất miền Nam, đã làm cho tôi buông xuôi ý nghĩ . Quê hương của tôi sau khi trải qua cuộc chiến tranh i, người dân Quảng Trị đã bỏ quê làng ra đi lập nghiệp phương xa .Mảnh đất này đã rơi vào tay của những kẻ không sinh ra nơi đây, cho nên làm sao mà có cùng tiếng nói mộc mạc quê mùa giống như tôi . Họa hoằn lắm thì chỉ còn lác đác sót lại những người dân chân chất thủy chung không muốn rời bỏ mồ mã của tổ tiên . Trong đó có cậu tôi, vẫn còn ôm giử mảnh đất khô cằn cày lên sỏi đá nằm tận cùng trong những thôn làng hẻo lánh . Quảng Trị ngày trở về, tôi đã lạ xa trên chính quê hương của mình .

    ...
    Bánh xe quay trở lại Huế . Huế với cái vẻ trầm tư muôn đời vẫn thế, tôi dạo bước đi cùng với những kỷ niệm một thời, đi tới đâu cũng nghe giọng Huế dịu dàng để hình bóng những kỷ niệm cứ theo dòng ký ức cuồn cuộn quay về . Tôi nhớ hôm vừa đến Huế . Con tàu dừng lại trong cơn mưa ào ạt đổ xuống từ trời cao trắng xóa. Rồi bửa cơm đạm bạc với người O trong căn nhà xưa ở Thành Nội. Đêm nằm nghe tiếng mưa rơi rì rào trên tàng khế . Cây khế già, tôi vẫn còn nhớ nó đã theo năm tháng cùng tôi trưởng thành . Một chùm khế màu tim tím bên khung cửa sổ là dấu hiệu cho biết ...anh vừa ghé thăm ... Tôi của một thời hoa mộng, với áo lụa trắng ngà tóc mây buông dài như dòng sông hương, đã làm cho trái tim của anh cứ mãi lênh đênh giữa những cơn mơ khi tuổi vừa chớm biết yêu , những quấn quít hẹn hò tưởng như còn mãi hoài trong giấc mộng. Nhưng rồi giấc mộng cũng tỉnh thức và anh đã gục đầu ôm tiếc nuối mối tình đơn phương chưa một lần dám hé môi khi tôi rời Huế ra đi .

    ...
    Tôi luôn là người đắm chìm đi ngược lại thời gian. Khi người tiếp viên cho biết máy bay sắp đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, lượng máu qua tim tôi chợt như tắt nghẹt một nhịp đập, cảm xúc ùa tới vỡ bờ đã làm cho nước mắt tôi tuôn rơi dầm dề, vừa bước ra khỏi thân tàu bay tôi ngước mắt nhìn bầu trời quê hương xanh ngắt trong làn mây trắng phau .Nhìn xuống mảnh đất vẫn còn đâu đây những dấu tích của một cuộc chiến còn hằn dấu vết .Sau những thủ tục lề mề tuần tự diễn ra trong phi trường, đẩy ra bên ngoài hai chiếc va li với những món quà phương xa .Tôi bỗng đứng khựng lại cảm giác thấy chơ vơi lạc lõng như đang đi tới một xứ sở lạ xa nào đó . Sài Gòn của tôi đó ư ? tôi mơ hồ đi trong cơn nắng thiêu da đốt thịt, đi trong biển người náo động không dứt . Chen lấn xô đẩy mãi, cuối cùng mới được ngồi yên trên chiếc taxi, nhưng chưa thở phào nỗi bởi đường xá xe cộ kẹt cứng giống như một khung cởi chỉ bị rối ren bởi đường dọc đường ngang, đinh tai cùng với những tiếng còi xe thi nhau bóp lên in ỏi suốt cả chặng đường về nhà. Cuối cùng rồi cũng về tới căn nhà của tổ tiên nằm im trong một con hẻm nhỏ trên con đường Trần Quang Diệu.

    Đêm tới trên căn gác lửng đưa mắt nhìn hai bờ tường được xây lên khi ba tôi ăn nên làm ra lúc tuổi đời con gái đẹp nhất . Sài Gòn là quê hương thứ hai của tôi. Ngày đó ba tôi làm ăn thịnh vượng đã cưng yêu đặc biệt xây riêng cho tôi căn gác lửng này . Chiếc tủ vẫn còn đó, được treo những chiếc áo dài may bằng thứ lụa Hồng Hoa nổi tiếng ở sạp vải năm trên đường Tạ Thu Thâu . Màu sắc đang hiện rõ trước mắt, màu tím Huế dịu dàng, màu vàng hoàng yến tỏa sáng và màu đen của tuổi trâm cài muốn chia sẻ về những chuyện tình của thời chiến mà mâý ai ra đi hẹn ngày trở lại .
    Đêm đầu tiên sau 20 năm trở về lại quê hương trong giấc ngủ tràn ngập màu sắc của một quá khứ trôi xa, giấc mơ mang tôi trở về cùng kỷ niệm . Những sắc màu chiến y của một thời binh lửa . Những bộ chiến y đó được khoác lên những con người hiên ngang dũng mãnh quyết một lòng bảo vệ tổ quốc thương yêu .Chiếc mủ đỏ của thằng em họ trong binh chủng nhảy dù ngày nào bóng dáng vẫn in trên cây móc áo mỗi khi nó từ chiến trận được phép về thăm nhà, chiếc mũ đỏ như màu máu hào hùng trên chiến trận Hạ Lào năm nào mà thằng em may mắn còn sống sót.Và trận chiến đó đã cướp đi một người, để tình yêu của tôi mãi vùi chôn trong mộ huyệt tối đen .

    ...
    Bàn tay gõ trên phím tôi chợt ngừng lại, còn vài ngày nữa sẽ bước qua thêm một năm mới . Tôi mỉm cười thật nhẹ, nơi đây ngày tháng qua đi thật mau, mọi sự rồi người ta cũng sẽ quên đi thật mau . Nhưng với riêng tôi không hiểu sao mọi thứ trong quá khứ vẫn chưa hề phai nhòa và nỗi nhớ dịu dàng về một quê hương mãi nằm sâu kính, trang trọng giữa trái tim chưa ngừng nhịp thở ...

    Ngô Ái Loan
    Jan-2012

  2. #302
    Từ Ngày Tháng Đó


    Thế giới đã đổi thay, bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc sống đều phải chạy theo tốc độ. Chậm chạp sẽ được coi như bị đứng lại trong cái vòng quay luân chuyển của thời gian. Và đứng lại có nghĩa là thụt lùi trở về cùng thế kỷ rồi từ từ sẽ coi như bị đào thải ra khỏi vòng quay. Không đủ bản lĩnh lặng lẽ đứng nhìn sự văn minh biến hóa tiến triển không ngừng của con người. Để thấy mình trở nên thừa thải và thật vô dụng.
    Tôi đã ngồi yên để lắng nghe ông chuyện trò. Biết ông trong một sự gặp gỡ rất tình cờ. Người thanh niên cách đây trên 30 năm vì chữ hiếu với cha mẹ đang bệnh nặng đã tình nguyện ở lại để chăm sóc và để giử căn nhà tổ tiên trong cơn biến loạn của đất nước. Những người anh, người chị đều có những chức vị quan trong trọng trong chính phủ đương thời, đang hối hả tìm lấy con đường chạy ra khỏi đất nước. Tất cả gạt nước mắt trông nhờ vào cậu em trai út ở lại trông coi dùm mẹ cha. Tiếng đạn bom thôi không còn nghe vang dội nữa, nhưng sự đau thương mất mát sau cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. Những tên tay sai nằm vùng cấu kết với những con người xâm lăng sắt thép lạnh lùng đã gây ra biết bao sự âu lo hoang mang cho những người còn ở lại.
    Năm đó ông còn là sinh viên, nhưng bị liên quan tới cái gọi là con nhà "ngụy quyền" cũng bị làm phiền ngày đêm, quấy nhiểu đến cuộc sống thấp thỏm không biết ngày mai sẽ ra sao?. Gia sản còn cái gì đáng giá thì phải tự tay dâng nộp, cầu xin hoài không được thì cứ lì lợm mãi mới giử được căn nhà cho cha mẹ được sống an lành trong tuối già bóng xế. Từ một chàng sinh viên cửa nhà hiển hách, một sớm một chiều đã biến thành một người đạp xích lô chạy cong lưng, đổ mồ hôi lẫn nước mắt để kiếm miếng cơm ăn cho gia đình, rồi có khi lại trở thành người khuân vác nặng nhọc cho những công trình đang được xây cất đâu đó trong thành phố. Những việc làm quá sức đã làm cho bờ vai bị lệch ảnh hưởng tới những cơn đau nhức nhối khi mùa về trở lạnh. Nắng sớm mưa chiều không hề quản ngại vẫn một lòng hiếu thảo thờ phụng mẹ cha. Niềm đau, sự bất mản thời cuộc đổi thay. Sự uất ức chỉ biết viết xuống thành những dòng thơ, thành những câu truyện ngắn sâu sắc tình người.
    Mười năm sau, một cuộc hôn nhân đến như một định mệnh an bày để bù đắp bao nỗi cô đơn cay đắng. Đời sống có thêm vợ thêm con nhưng tương lai vẫn mãi đắm chìm trong màn tối thâm u của thói đời đen bạc. Rồi hai mươi năm sau, những người anh, người chị ra đi trong tâm trạng bàng hoàng vào những ngày tang thương mất nước. Bây giờ họ đã xênh xoang quần áo trở về thăm lại quê hương. Đồng tiền đưa ra thật hết sức dè sẻn dặn trước dò sau là phải dành riêng để chi tiêu cho cha mẹ, đã làm cho trái tim của người em trai bị tổn thương không ít.
    Ông bảo với tôi:
    - Không biết bên đó họ đã làm gì? sao mà nhìn thấy anh chị tôi như khổ lắm
    Tôi mỉm cười nghe ông nói bởi khi nhìn địa chỉ nơi họ cư ngụ thì đó là vùng của những người lắm bạc nhiều tiền.
    - Nhà ở vùng này giá cả phải lên tới bạc triệu.
    Ông nghe xong thì cất giọng cười thật ngạo mạn, tôi rất thích cái dáng vẻ của ông khi chua xót nghĩ tới một điều gì đó, bởi giữa chúng tôi như quá hiểu về nhau nên đã có một sự đồng cảm thật vô cùng thú vị. Chuyến về quê nhà lần đó tôi muốn gặp vợ ông nhưng người vợ cứ muốn tránh né. Sau này qua nơi ông tôi mới được biết là vợ ông mặc cảm vì có chút dị tật. Với ông tuy là có thân nhân giàu sang ở nước ngoài, nhưng ông không bao giờ nhận lấy một sự giúp đỡ nào, khi ông biết rõ việc làm của họ không được phát xuất từ trái tim biết quý mến thương yêu. Điều này đã làm cho tôi vô cùng ngưỡng mộ tới nhân cách của ông. Người đàn bà làm vợ của ông cũng biết ông là người rất gàn bướng, nhưng một khi ông đã quý mến ai thì bà cũng quý mến như ông. Bà biết sự quen biết giữa tôi và ông hoàn toàn trên tình bạn và tình thơ văn, nên bà cư xử rất tế nhị đã làm cho tôi vô cùng cảm động và thương mến. Trong thư đôi khi ông cũng cho tôi biết là bà đã nghĩ gì về tôi. Nghĩ về con người cũng như những dòng thơ rất lãng mạn.
    Sự quen biết của chúng tôi đã kéo dài nhiều năm qua. Tôi và ông luôn hiểu khi cả hai chọn sự im lặng là tự cho nhau những không gian riêng tư. Hôm nay của gần năm năm không liên lạc. Nhưng hình bóng của ông chưa hề biến mất trong tôi và tôi tin từ nơi ông cũng như thế. Chúng tôi đang sống giữa thế kỷ hôm nay, nhưng cả hai đã bị bay ra khỏi cái vòng xoáy của thế giới văn minh. Chúng tôi thường gửi cho nhau những lá thư được viết bằng tay nắn nót, phong bì dán tem thư đi qua đường bưu điện. Chúng tôi vẫn còn làm thơ cho nhau, vẫn còn sôi nổi bàn cải những ý tưởng cho những mẫu chuyện tưởng tượng hư cấu được viết ra. Thời gian như không can dự vào tình bạn của chúng tôi, đã làm cho tôi như thấy mình được trẻ lại.
    Qua những lá thư thăm hỏi, tôi đã thấy thật mừng khi cuộc sống của ông đã có chút thư thả với đời áo cơm, về con cái thì đã được lên đại học. Thỉnh thoảng hai vợ chồng của ông biết được tôi có người thân từ Mỹ về Việt Nam, thật dễ thương, họ cứ luôn tìm cách gửi quà cáp sang cho tôi. Những món quà không quý giá nhưng thật quý ở tấm lòng.
    Ở phương trời này mỗi lần nhìn thấy mưa rơi, tôi không sao quên được mùa mưa năm nào tôi tình cờ được quen biết ông. Nhìn những hạt mưa luôn gợi nhớ về nơi vùng trời Cao Nguyên mà ông đang sống. Mỗi sáng ông sẽ ra chăm sóc mảnh vườn nhỏ được trồng một ít cây cà phê và những loại trái cây ngon. Ông bảo " buổi sáng thơ chưa xuống dòng, nhưng khi chiều rơi lại cứ thấy nhớ gì đâu...". Thư ông hay nói lỡ dở thế đó mà cũng làm cho tôi cảm xúc thật vui. Cho tới bây giờ giữa chúng tôi chỉ biết nhau qua hình ảnh và chưa hề có được một lần hội ngộ. Có lẽ con người khi tới một tuổi nào, thì tình cảm sẽ bao la và rộng lượng hơn nhiều. Một góc đời bên phương trời này. Những lá thư của ông có hôm cũng đã mang tôi đi vào giấc mơ để cho tôi được trở về cái không gian lành lạnh dày đặc sương mù nơi có ông tháng ngày lặng lẽ nhìn mây trắng trôi theo dòng đời.Con đường về nhà hai bên đường trồng loài hoa dã quì, loài hoa tôi rất yêu vẫn ẩn hiện màu sắc vàng dịu thật kiêu sa như ông đã tưởng tượng về tôi.
    Tôi bất chợt nhìn thấy một người thanh niên, trên mình mang chiếc áo len màu đen, quần Jean và đôi giày màu da bò. Đây là món quà tôi gửi về cho ông vào dịp Giáng Sinh. Người có dáng dấp cao cao, đôi mắt thật đẹp nhưng sao ánh mắt buồn quá đang đứng giữa hai hàng cây trơ trụi lá đăm đắm nhìn theo tôi. Rồi tôi lại đi qua con suối, trời như bắt đầu sáng đang chiếu xuống những tia nắng ban mai soi rõ mặt nước. Tôi ngừng lại bên dòng suối, đưa mắt nhìn xuống dòng nước trong suốt như mặt gương soi. Người con gái có mái tóc mây đen dài, đôi môi hồng như một cánh sen. Rồi bất chợt gương mặt của người thanh niên bỗng hiện ra bên cạnh. Cả hai chúng tôi cùng nhìn nhau, cùng soi mặt dưới dòng suối đang gợn từng làn sóng lăn tăn. Sự rung động trong mơ đến làm cho tôi suýt vấp ngả. Thì một bàn tay thật ấm áp đưa ra níu lấy cánh tay tôi, trái tim tôi đập nhẹ, nhẹ như giọt sương ban mai đang vỡ trên cành lá non mởn. Tôi nghe trong không gian tiếng gió lao xao chạy qua chiếc phong linh đang treo bên cửa sổ. Âm thanh hun hút chập chùng vang vọng, dội òa ra từ phía vách núi một màu tím dần lan... "cẩn thận kẻo té "...
    ...
    Chỉ còn một đoạn đường nữa thôi sẽ trở về lại nơi chốn mà mình đã ngu ngơ từ một hạt bụi bước ra. Tôi thực sự là cảm thấy đời sống đã cho mình quá nhiều ân huệ, bởi ngay cả trong giấc mơ tôi vẫn có một người luôn muốn che chở và tận tình lo lắng thương yêu...

    Ngô Ái Loan
    Milpitas 2007

  3. #303
    BÀI THƠ CHO THÁNG TƯ

    Em mang thời gian đan lên tay
    Từng ngón buồn nghiêng nỗi héo gầy
    Anh ơi ! bây giờ là tháng mấy
    Mà gió vẫn hờn trên tóc mây

    Chiều nay em bước đi trong nắng
    Chiếc bóng đơn côi không có anh
    Em thèm được tựa lên vai rộng
    Để níu thời gian qua rất nhanh

    Anh ạ , góc vườn đã nở hoa
    Từng xác hoa rơi ngập lối đầy
    Em ngồi ôm nhặt từng kỷ niệm
    Thoáng tiếng anh cười vang đâu đây

    Tháng tư còn đó một nỗi đau
    Em vẫn sầu theo tháng năm dài
    Thương anh súng gảy gươm lìa vỏ
    Thân tội tù mịt mù tương lai

    Em vẫn yêu sao người lính trẻ
    Trách nhiệm danh dự đặt trên cao
    Lý tưởng cùng chung một chiến tuyến
    Như cùng chung nhau giọt máu đào

    Mấy mươi năm người lính đã già
    Mắt mờ ... tóc bạc bụi thời gian
    Quê người giọt lệ chưa hao cạn
    Mỗi tháng tư về sầu riêng mang

    Cũng vào tháng tư ta quen nhau
    Ngở ngàng cùng chung một mái trường
    Chung đường ta bước về chung lối
    Mà duyên phải đợi đến tha hương

    Anh ở bên trời nắng như nung
    Bên đây em lạnh rét run người
    Hai phương cách trở ơi nghìn dặm
    Chim mõi cánh bay rụng chân trời

    Ngô Ái Loan
    Tháng tư 2019

  4. #304
    DUYÊN

    Quảng trị là quê hương của tôi và cũng là quê hương của ca sĩ Duy Khánh . Bây giờ tôi kể về thời gian nơi thành phố tôi được sinh ra và lớn lên, thuở đó tôi biết ba tôi và chú Duy Khánh có quen biết nhau, thực ra thành phố Quảng Trị rất nhỏ và hầu như những người cùng chung một thế hệ với nhau thì họ rất dễ kết bạn, rồi như hợp gu với nhau thì đi đến kết thân .

    Tôi nghe ba tôi kể gia đình của chú Duy Khánh thuộc tầng lớp thượng lưu, cho nên chuyện chú muốn trở thành ca sĩ thì bị người nhà phản đối rất kiên quyết . Nhưng vì sự đam mê quá mãnh liệt với thế giới âm nhạc đến nỗi chú từ bỏ gia đình ra đi để đạt thành mộng ước của mình . Qua một thời gian dài tha hương lập nghiệp, cho tới khi chú đã nổi tiếng là một ca sĩ có một chất giọng đặc biệt và luôn những sáng tác thật hay đi sâu vào lòng người, thì không bao lâu chú theo đoàn hát trở về Quảng Trị . Để trình diễn trong một chương trình đại nhạc hội tại rạp chiếu phim Đại Chúng . Một rạp hát duy nhất của tỉnh nhà .

    Ba tôi gặp lại chú Duy Khánh . Cả hai người bạn thân thật mừng vui và ba tôi vô cùng hãnh diện khi thấy bạn mình đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng khắp cả mọi nơi . Trong trí nhớ của tôi từ khi còn bé là mỗi khi chú đứng trình diễn trên sân khấu thì thường hay mặc nguyên bộ đồ vest màu trắng tinh, với nụ cười thật tươi thật đẹp.

    Ba tôi lúc bấy giờ có mở một tiệm chụp hình trên đường Trần Hưng Đạo mang bảng hiệu là Thiện Phát . Thử hỏi bộ đèn đuốc trong tiệm là để hành nghề kiếm cơm ăn áo mặc cho gia đình . Vậy mà khi đoàn hát nhờ chú Duy Khánh hỏi mượn để cho sân khấu có thêm ánh sáng . Ba tôi không hề chần chừ do dự gì hết , thế là háo hức tự nguyện mang tới rạp ngay tức khắc . Đã nói bà nội tôi sanh ba ra trong dòng máu được di truyền là dòng máu nghệ sĩ của bà nội tôi, bà tôi một thời là cô đào hát bộ thanh sắc vẹn toàn . Nên bất cứ chuyện gì liên quan tới ánh đèn sân khấu luôn làm cho Ba tôi yêu thích tới say mê .

    Bánh ít qua đi bánh qui trả lại, thế thì đương nhiên tôi được mấy cô mấy chú nghệ sĩ trong đoàn cho tôi vào rạp không phải mua vé, được đứng coi cọp bên cánh mần nhung . Đoàn diễn bao đêm thì tôi có mặt bấy nhiêu đêm trong niềm say mê mẩn qua những tiếng hát và những vỡ kịch bi hài trên sân khấu.

    Rồi thì "cuộc vui nào cũng tàn", tới lúc đoàn hát dọn dẹp tháo gở phong màn . Ngày đoàn hát rời đi tôi với ba cũng có mặt để đưa tiễn. Ba tôi đứng bịn rịn nói câu từ giã với chú Duy Khánh mong hẹn ngày tái ngộ . Bao năm trôi qua tôi nhớ như in trong đầu khi chú đưa tay nhéo hai cái má bầu bỉnh của tôi rồi nói : " con nhỏ ni có đôi mắt thật đẹp " .

    Đoàn xe lăn bánh cùng những bàn tay đưa lên vẫy chào từ giả thành phố Quảng Trị để lên đường lưu diễn tới nơi một thành phố khác . Tôi cùng ba đứng nhìn theo cho tới khi những chiếc xe chở đoàn hát xa khuất, trả lại quê nhà với cuộc sống thanh bình êm ả như dòng sông Thạch Hãn vẫn lặng lờ trôi qua cùng ngày tháng . Trả lại quê nhà với những mùa mưa da diết mù trời thúi đất, với những mùa nắng khô khốc thiêu cháy ruộng nương.

    Phải nói hơn mười năm sau gia đình tôi mới gặp lại chú Duy Khánh tại Sài Gòn . Chú vẫn thế rất thân gần với gia đình tôi thật dễ thương như những ngày trên quê hương . Lúc này chú làm ăn rất phát đạt, mở một lớp dạy hát rất đông học trò rồi chú cũng đã ra nhiều băng nhạc và được mời hát trên đài truyền hình .

    Còn ba tôi lúc đó chỉ là ông Hạ Sĩ làm việc trong Nha Chiến Tranh Tâm Lý với chức vụ coi về những phim ảnh tài liệu rất đúng với sở thích của mình. Gia đình chúng tôi từ khi bước tới Sài Gòn ở trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Quang Diệu, an cư trong một căn nhà bằng gác gổ rất khiêm nhường . Vậy mà lâu lâu chú Duy Khánh rủ vài người bạn tới nhà cùng ba tôi bày tiệc nhậu tâm tình bên nhau . Nhà chật hẹp nên phải kéo chiếc bàn nhỏ ra trước cửa nhà với mấy chiếc ghế xếp mở ra ngồi cũng chẳng thoải mái gì cả . Nhưng cái tình cảm của họ thật dễ thương . Họ là ai ? chính là những người nghệ sĩ có tên tuổi lúc bấy giờ . Như bác Châu kỳ là nhạc sĩ với rất nhiều ca khúc nổi tiếng, chú Tô KIều Ngân là một nhà thơ và chú Tuấn Hùng tôi nhớ chú là kịch sĩ tài ba. Lúc đó tôi đã mười lăm tuổi, tuổi đủ biết lăng xăng đi mua thêm rượu, biết đồ nhậu quán nào ngon để cho họ chén chứ chén anh suốt cả đêm khuya .

    Tôi nhớ bác Châu Kỳ bác kể chuyện bằng tiếng Huế dẻo hơn cả kẹo kéo, có câu chuyện mà mỗi khi tôi nhớ về bác Châu kỳ là không sao nhịn được cười, bác kể :" Có một mệ được mời đi ăn giổ, vô tình mệ thấy chiếc nhẫn vàng ở nơi rữa mặt, mệ vội đánh cắp nhét vô trong gói xôi bảo là xin về cho đứa cháu . Nhưng xui xẻo cho mệ vì tiệc chưa tan nhưng người mất chiếc nhẫn đã hốt hoảng đi tìm kiếm . Sau khi điểm mặt hết mọi người, thì mệ là người cuối cùng xin được khám xét . Chuyện khả nghi nằm trong gói xôi của mệ và họ đã tìm ra chiếc nhẫn vàng trong đó . Để chửa lại chuyện xấu hổ, mệ to tiếng la làng lên chửi ... mã cha đứa nào dám nhét cái chiếc nhẫn trong xôi của mệ, may mà cháu mệ chưa ăn, chứ mà nó ăn bị mắc cổ thì tau bới cả mồ mã tổ tiên ra tau chưởi, rồi tau đi kiện cho mà tàn mạt cả lũ tụi bây ..." .

    Những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống cứ thế mà cù cưa chén chú chén anh cho tới khi đêm vào sâu khuya khoắc, họ mới đứng lên ngã nghiêng kéo nhau ra về . Lúc nào ba tôi cũng tiễn chú Duy Khánh với vòng ôm trìu mến. Và rồi mỗi khi chú ra cuốn băng nhạc nào cũng cho người mang tới nhà biếu cho ba tôi cuốn băng nhạc đó . Cuốn băng nhạc hồi xưa cuộn lại to như cuộn phim ảnh chiếu trên màn bạc . Ngoài ra thỉnh thoảng chú mời cả gia đình tôi đi ăn ở những nhà hàng sang trọng có những món ăn thật ngon . Tình anh em cùng quê hương giữa ba tôi với chú vẫn như nhất không hề thay đổi ... cho tới khi biến cố đau thương của đất nước .

    ...

    Chúng tôi hoàn toàn mất tin tức về chú Duy Khánh . Chúng tôi nghĩ có lẻ chú đã ra đi trong những ngày biến loạn .Và rồi gia đình tôi những người bị ở lại trong cái địa ngục trần gian sau năm 1975 cũng phải lo chạy cơm hằng bữa . Cuộc sống khắc khoải lo sợ luôn bị rình rập ngày đêm của những con mắt cú vọ nằm vùng bấy lâu nay . Đó là những bộ mặt ngu ngơ hiền lành qua thân phận thằng đổ rác, con gánh nước mướn trước đây. Tất cả đã lộ nguyên hình với bộ dạng lạnh lùng gian ác .

    Những kỷ niệm tưởng chừng như đã chết theo ngày tháng hay đã được giấu kín im nằm dưới mộ huyệt tối đen . Thì bỗng dưng có một buổi tối chú Duy Khánh xuất hiện trước cửa nhà, đó là vào năm 1978 . Lúc này tôi đã có đứa con thứ hai . Gia đinh ngở ngàng gặp lại chú . Nhìn chú thật khắc khổ buồn rầu thật trái ngược với những hình ảnh gương mặt tươI vui với nụ cười sảng khoái của chú trên bàn rượu và dáng vẻ bề thế trong công việc làm ăn đang trên đà phát triển lớn mạnh ngày nào.

    Gia đình mừng rơi nước mắt khi thấy chú vẫn còn sống sót và chú cũng mừng khi thấy gia đình chúng tôi trải qua cơn biến loạn vẫn còn đông đủ không thiếu một ai . Chúng tôi ngồi xuống bên nhau, kể lể cho nhau biết bao nhiêu nỗi niềm thương cảm . Từ đó chú thỉnh thoảng ghé qua có khi ở lâu, có khi chỉ trong chốc lát . Nhưng rồi khoảng thời gian về sau bỗng dưng chú không còn lui tới nữa . Gia đình nghĩ chắc chú đang tìm đường vượt biển để đào thoát ra khỏi đất nước .

    ...

    Năm 1991 tại San Jose trong hội chợ xuân, tôi gặp lại chú đang đứng trong quầy hàng bán CD tiếng hát của ca sĩ Duy Khánh . Tôi tớI gần bên chú dạ thưa chú một tiếng thật lớn . Chú quay lại nhìn tôi với đôi mắt mở to với miệng cười thật đẹp . Chú cháu nhìn nhau thật bồi hồi xúc động, nhưng trong mắt thực đã nói ra hết biết bao nhiêu điều cay đắng nghiệt ngả đã từng trải qua khi còn ở lại nơi quê nhà .
    Vì cuộc sống mới mẻ trên một đất nước lạ xa, chú cùng gia đình của chú lại phải bắt đầu lại từ con số không . Tâm trạng chưa được ổn định còn phải bỡ ngở quá nhiều điều trước mắt . Tôi nhìn thấy chú bị bận rộn với khách tới mua CD thật đông nên không có thời gian để chuyện trò . Tôi mừng cho chú buôn may bán đắt và mỉm cười chào chú sau khi đã ghi lại số phôn để cho chú tiện liên lạc về sau . Cái trẻ trung chú vẫn còn sót lại bấy nhiêu năm qua khi chú nghiêng qua tai tôi thầm thì :" nì răng mờ đẹp rứa, đẹp hơn hồi trước nhiều nì " . Tôi thấy vui và cũng nói nho nhỏ lại :" Thiếp đã năm con rồi " chú ơi ...

    Không biết có ai tin vào chữ " Duyên " không ? . Còn tôi thì tin lắm, tôi tin cái duyên giữa gia đình tôi và chú coi như đã hết . Cho dù chúng tôi đã có cơ hội sống cùng trên một đất nước tự do, nhưng kể từ mùa xuân năm đó . Hình ảnh của chú đã lấy lại ít nhiều phong độ trước kia tôi thật sự mừng cho chú . Cho dẫu chú sau này chưa hề gọi phôn để hỏi thăm gia đình tôi, nhưng tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng ở nơi chú đã có sự đổi thay với tình cảm đã vun đắp từ những tháng ngày còn xưa hơn cả trái đất giữa chú và gia đình tôi .

    Đời sống luôn có những tình huống đôi khi đã khiến cho mình không sao tự làm chủ lấy bản thân . Tôi lại nằm lòng những điều Phật dạy " Mọi sự tùy duyên, duyên tận, duyên diệt " . Và cho đến khi biết tin ca sĩ Duy Khánh qua đời trong radio vào một buổi chiều tôi đang lái xe đi làm về . Trái tim tôi nhói lên bên trong lồng ngực . Tôi bị mất bình tĩnh vội tấp xe vào bên lề đường, ngồi im lặng với những kỷ niệm ngày xưa cho tới khi đèn đường bật sáng .

    Hình ảnh người ca sĩ với gương mặt khôi ngô tuấn tú trong bộ đồ vest màu trắng tinh ngày nào, với giọng hát mang nặng âm hưởng tiếng nói quê hương Quảng Trị của chúng tôi . Cùng với những sáng tác âm nhạc đẹp đã đi sâu vào lòng người hâm mộ . Và hình ảnh con bé con năm tuổi từ ngày xa xưa đó đứng lấp ló bên cánh gà sân khấu để nghe ca sĩ Duy Khánh hát . Con bé giờ đây tóc cũng đã hoa râm . Trăm năm con đường trước mặt, chú đã bỏ cuộc giữa chừng để thảnh thơi ra đi . Thôi thì để con bé ngày xưa đi tiếp tục quảng đường còn lại ... rồi sẽ có một ngày nó cũng rũ bỏ hết những nỗi ai bi ...tháp cánh bay lên trời cao thênh thang ... theo mây trôi ... gió thoảng ... . Giả từ kiếp nhân sinh như một cơn mộng dài ...

    Ngô Ái Loan
    June-2013

  5. #305
    Sài Gòn với kỷ niệm một thời
    Hồi ký Ngô Ái Loan

    Để bắt đầu cho một cuộc hành trình tìm nơi định cư, ba tôi chọn Sài Gòn sau tìm hiểu về phong tục tập quán và đó cũng là thủ đô của nước Việt Nam còn được gọi tên Hòn Ngọc Viễn Đông . Chỉ nghe cái tên đẹp đẽ đó thôi bầy con nít anh chị em chúng tôi lúc bấy giờ đã hình dung ra một nơi thật đẹp như trong những câu chuyện thần tiên, nơi chỉ có trong những giấc mơ tiên .

    Thế là một buổi sáng nơi sân ga Quảng Trị, cơn mưa đầu mùa rơi thật nhẹ từ bầu trời cao không đủ làm ướt áo, mưa như những giọt sương mong manh bám nhẹ trên cây cỏ. Gia đình chúng tôi lên chuyến tàu lửa để đi vào miền Nam trong sự háo hức anh chị em tôi, trong niềm tin mạnh mẽ của ba,người đàn ông gan dạ mang nhiều hoài bão với bản tánh phiêu lưu mạo hiểm . Còn mạ tôi, một người đàn bà chân chất với ruộng nương khoai sắn, tầm nhìn hạn hẹp loanh quanh trong lũy tre làng bụi mù đất đỏ, hồn nhiên giặt dũ bên dòng sông Thạch Hãn những ngày nắng hạn nước trong xanh biếc chảy êm đềm cùng giấc mơ thiếu nữ hiền hòa cam phận. Rồi tới khi lập gia đình mạ tôi với tình yêu tuyệt đối dành cho người chồng với trái tim thủy chung không bao giờ ngần ngại cùng nắm tay nhau mấy sông mấy núi cũng lặn lội theo sát bên cạnh chồng mình .

    Lúc đó tôi cô bé với nước da đen dòn như những dân tộc thiểu số sống trong rừng trong rú thật hoang sơ, dưới hàng lông mày rậm đôi mắt to ngơ ngác như những con chim se sẻ dễ thương, vẻ nhìn ngơ ngác tới cô giáo tiểu học phê bình trong học bạ, cô ghi " Trong lúc học hay nhìn ra ngoài cửa lớp " .
    Cô bé chỉ đưa mắt nhìn những vạt nắng xuyên qua cánh lá xanh mướt trên những cành cây cao, để tìm những chú chim non đang đùa hót vô tư. Khi mùa mưa tới nhìn mưa bay nhẹ rơi xuống mái hiên trường tìm coi đàn chim se sẻ đã có chỗ an toàn để trú mưa chưa với tâm hồn thơ ngây đẹp như những bông hoa dại trên cánh đồng mênh mông .
    Tuổi thơ hồn nhiên ngu ngơ khi vừa đặt chân xuống sân ga rộng lớn Sài Gòn, một nơi chốn đầy tiện nghi văn minh đến choáng ngợp trong đôi mắt cô bé nơi tỉnh nhỏ, không như sân ga nơi quê nhà chật hẹp với vách tường loang lổ bám đầy rêu phong, nhà ga với những hàng ghế theo thời gian màu sơn cũng bị phai mờ, đôi mắt vốn ngơ ngác của cô bé thì lại càng ngơ ngác hơn thêm trước khung cảnh mới lạ lần đầu được nhìn thấy tận mắt.

    Người ra đón nơi ga tàu hôm đó là dì dượng của tôi, họ rời quê nhà Quảng Trị sớm hơn chúng tôi rất nhiều năm trước đó, nhìn qua sự hiểu biết sành sõi của Dượng khi đứng ra chỉ huy sắp xếp cho gia đình chúng tôi thật nhanh và gọn gàng không giống như ngày nào sống ở quê nhà mà trái lại cho tôi có cảm tưởng giống hệt như người được sinh ra ở Sài Gòn .
    Chúng tôi lên xe taxi, anh chị em ngồi sát bên nhau trong niềm vui toát lên gương mặt rạng ngời được đưa về cơ ngơi của họ. Đó là căn nhà sàn trên dòng kinh nước đen nằm sau ngôi chợ Trương Minh Giảng lúc bấy giờ.

    Trước mắt tôi những dãy nhà sàn san sát cạnh nhau thật thân tình và ấm cúng, nhìn những người sinh sống ở nơi đây sao mà giống như người trong một gia đình . Khi chúng tôi vừa đến nơi ai cũng bước ra trước cưả với nụ cười thật tươi để chào đón gia đình chúng tôi. Giọng nói miền Nam lần đầu tôi được nghe thật ngọt ngào trìu mến, còn có người tự nhiên dang tay ôm tôi vào lòng rồi nói trong sự thương yêu " Con nhỏ này ngộ ghê nghen, thiệt giống như con búp bê mọi " làm cho tôi đỏ mặt mắc cỡ trước bao đôi mắt hàng xóm chung quanh nhìn vào mình, rồi có tiếng nói nghe thật gần gủi thương yêu hỏi tôi " Cưng đói bụng chưa nè ? "Tôi chưa kịp nghĩ ra cái chữ " cưng " của người miền Nam là gì thì tiếp theo tiếng dõng dạc bảo " Bây vô bếp lấy cái rỗ khoai mới luộc qua đây mau " . Và cứ thế hết người lớn đến đám con nít xúm vô cái nhà sàn đơn sơ của dì dượng mang cho hết cái này cái kia như một hình thức chào mừng những người vừa mới đến để định cư .

    Sau một giấc ngủ ngon cho dầu nhà sàn vẫn luôn vang ra thật nhiều tiếng động nhỏ to đều có, tôi mở bừng mắt đi ra phía ngoài sau nhà đứng giữa trời gió thổi lồng lộng bốn phía vì ở trên đầu không có mái che để rữa mặt súc miệng bên cái lu hứng nước mưa và chỗ này cũng là nơi tôi tự nhiên đứng trần truồng tắm rữa với bốn cái tường vách hờ hửng lợp bằng những mảnh tôn mỏng manh . Dòng nước được gánh về từ những vòi nước của chính phủ ở bên kia nhà sàn để xài hàng ngày trong sinh hoạt, nước chảy xuống con kinh nước đen thùi luôn mùi hôi thúi xông lên nồng nặc cả mũi. Nhưng chỉ một tuần sau thôi cũng hòa nhập vào môi trường đang ở nên ngửi riết cũng bị quen.

    Trong thời gian đó, dượng tôi năng nổ giúp ba tôi tìm kiếm việc làm để dọn đi một nơi ở khác trả lại không gian riêng tư cho gia đình dì dượng tôi . Tới nơi một vùng đất mới, anh chị em chúng tôi quẩn quanh trên những con đường nhỏ trong phạm vi nhà sàn, chung quanh chẳng có gì đẹp đẽ sau khi theo lũ trẻ con bằng tuổi nhau nói cười thân thiện như ruột thịt . Tôi mang tâm hồn thơ mộng nên chiều nào cũng hay ra phía sau nhà ngồi nhìn xuống dòng kinh màu nước đen sì được trồng nhiều rau muống, rau muống mọc lên một màu xanh mượt, lẫn trong đám rau muống có những đám lục bình hoa nở ra màu tim tím nhìn đẹp hẳn lên vậy mà cũng thu hút tôi mỗi ngày nhìn không biết chán .

    Và rồi gia đình tôi sau một thời gian đã ổn định nơi ăn chốn ở tại Sài Gòn, căn nhà mướn trên đường Trần Quang Diệu khoảng cách không xa mấy nơi những căn nhà sàn của dì dượng tôi. Ba tôi sau khi suy tính về buôn bán thì vốn liếng không đủ nơi xứ sở phồn hoa thịnh vượng. Nên sự chọn lựa cuối cùng ba tôi đi vào binh nghiệp với cấp bậc Hạ Sĩ .
    Chúng tôi tất cả đều được đi học miễn phí do chính phủ trợ cấp, chúng tôi sống dưới thời của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, là một vị Tổng Thống nhân từ thương dân yêu nước, và cho dù đồng lương cấp bậc Hạ Sĩ hạn hẹp của ba mang về nhưng cuộc sống trong gia đình lại vô cùng vui vẻ hạnh phúc bên những người hàng xóm bỗng dưng như người thân. Người Sài Gòn, họ thật chân chất và gần gủi sẳn sàng giúp đở cho gia đình chúng tôi khi tối lửa tắt đèn .

    Sài gòn ngày đó với những gói xôi trên chiếc bánh tráng được kẹp lại chỉ với 5 cắc bạc, Sài Gòn có những cây kem lạnh làm bằng khoai môn đậu đỏ, Sài Gòn với những sáng trưa chiều tối đứng xếp những chiếc thùng thiếc ra hàng dài chờ hứng nước ở phông- tên .Sài Gòn còn có những bộ phim Ấn Độ được chiếu độc quyền ở rạp hát Long Phụng mà tuổi thơ coi đến say mê .

    Tôi đã có một thời nhỏ dại vậy đó, chơi banh đũa chơi nhảy dây chơi u mọi cùng đám bạn trong xóm, tụi nó hay nhái giọng miền Trung " Đi mô đi tê răng với rứa " lúc đầu tôi cũng có tự ái vì nghĩ tụi nó cho tôi là dân quê mùa, nhưng về sau thì tôi biết cái tiếng nói miền Trung của tôi thật sự là khó nghe khó hiểu đối với người Sài Gòn và chuyện họ nhái giọng bằng với tấm lòng mến thương mà thôi .

    Theo năm tháng tôi lớn lên trên mảnh đất đi đâu cũng có người tốt, người thật lòng, tôi đã có một cuộc sống không chứa vào đầu những nghi ngại những mưu toan . Lối sống với trái tim chân thật cũng từ nơi mảnh đất Sài Gòn đã nuôi dưỡng tôi khôn lớn .
    Cho tới bây giờ khi trên mái đầu đã lấm tấm những sợi tóc bạc trắng như mây trời, trái tim tôi vẫn mãi là trái tim chân thật của người Sài Gòn ... ôi Sài Gòn xưa của tôi ...

    Ngô Ái Loan
    Apr 16 .2018
    Hình mấy chị em tôi ở Sài Gòn

  6. #306
    Mảnh Ghép ...

    Bỗng dưng có một ngày giữa dòng đời trôi mênh mông, có hai mảnh linh hồn đi giữa hàng ngàn hàng vạn năm biến hóa khôn lường .Trong ba nghìn thế giới lửng lơ như những tinh cầu giữa vũ trụ, lạnh lẽo cô đơn đi qua vô lượng kiếp luân hồi rồi cứ thế thoát thai dưới những chiếc vỏ bọc bên ngoài nhưng bên trong chiếc vỏ bọc đó vẫn là một linh hồn không hề thay đổi .

    Hai mảnh linh hồn đã cùng nhau vượt qua thời gian mê mãi kiếm tìm. nhất định phải tìm lại một thứ tình yêu thiêng liêng được gọi tên “ Thiên trường, Địa cửu “ . Cuối cùng phút giây của trời đất giao hòa một cuộc hội ngộ đã xảy ra cho dầu quá đổi muộn màng, muộn màng trên một ý nghĩa áp đặt của loài ngườì .

    Bởi tình yêu vẫn mãi là lứa tuổi 20 và hầu không hề bị lão hóa khi mà trái tim của họ vẫn còn đó với nhịp đập xôn xao với những quấn quít hẹn hò .

    Tại sao họ lại có những ý tưởng trùng lắp như đang cùng chia nhau một hơi thở . Tại sao họ có những nỗi đau bị cào cấu những vết xước in hằn khó có thể gột rữa, có cùng một mảnh vỡ bạo tàn nơi trái tim đau .

    Và bắt đầu từ đâu ? …không ai có thể biết trước được định mệnh của chính mình, trong vô thức họ bỗng nhận diện ra nhau nhận ra khi mà tháng ngày đang cạn dần với bóng chiều tím ngắt chân mây, họ rung động bồi hồi cùng chia cho nhau những giọt hạnh phúc muộn màng hầu như đã bị cạn khô .

    Khoảng cách của không gian vời vợi tưởng chừng sẽ nghìn trùng cách trở, nhưng trái tim bỗng nhiên được tháp vào đôi cánh thiên thần để cùng bay đến bên nhau, họ như hòa lẫn vào nhau bởi những giấc mơ bởi những ước ao rất đời rất thường nhưng lượng trời vẫn chật hẹp và chẳng hề bao dung .

    Tuổi tác ư … hãy vất đi đôi mắt phàm tục khi nhìn những vết hằn trên khóe mắt hay những sợi tóc buồn màu mây, tất cả chẳng là tấm lá chắn ngăn chia khi mà họ nhìn nhau bằng đôi mắt của trái tim cuồng nhiệt nhuộm đỏ màu máu thắm tươi no nê chất ngất .Trái tim của lứa tuổi đôi mươi nàng e ấp thẹn thùng, của tuổi trẻ chàng ngang tàng đạp bừa lên trên tất cả những thành trì khuôn khổ hạn hẹp của cuộc đời .

    Như những cơn sóng vỗ đập vào mạn bờ cứ thế mà đong đưa mà nhấp nhô uốn mình chao lượn . Tình yêu như những giọt sương long lanh dễ tan biến, như những làn khói nhẹ nhàng dễ tan loãng trong không gian …tình yêu huyễn hoặc nhiệm mầu khi chỉ cần nhắm kín đôi mắt thì họ vụt đến bên nhau còn hơn cả tốc độ của nghìn năm ánh sáng …

    Có phải những mảnh vỡ giữa vũ trụ huyền bí bao la đang tìm đến ghép lại bên nhau để hoàn tất một bức tranh của định mệnh ?.

    Ngô Ái Loan
    May 24 2018

  7. #307
    Một ngày thấy đời là hư không ...

    Hôm nay loay hoay lo dọn dẹp cửa nhà để chuẩn bị " về nơi xa lắm ..." nghe ra thấy như theo chàng về dinh thiệt, giá mà có chàng thiệt thì cũng dám theo lắm đây, đùa một chút cho vui khi trong lòng cảm xúc đang bị xáo trộn giữa một tin vui và một tin thật buồn .
    Một người bạn từ lâu vốn là ngườI rất ít nói, cho nên sự im lặng của bạn đã trở thành một thói quen và tôi rất tôn trọng với cách sống của bạn, nhưng rồi linh tánh của tôi mấy ngày qua như có một điều gì bất ổn, lòng tôi thấy nôn nao làm gì cũng quên trước quên sau, còn trong lồng ngực trái tim thỉnh thoảng cứ nhói lên như muốn mách bảo cho tôi một điều gì đó thật vô hình . Vậy là trước khi đi ngủ tôi nhắn cho bạn một câu " Anh khỏe không ? " rồi tôi chìm vào giấc ngủ đầy những cơn mơ chắp vá không đâu vào đâu có lẻ do những tin tức tôi đọc ban ngày rồi hóa ra thành những cơn mơ .

    Trời chưa sáng rõ thì tôi bừng tĩnh từ cơn mơ, trong mơ tôi đi lạc đường gọi chiếc xe nào cũng không dừng lại, tôi cứ thế mà đi ...đi trong sự mỏi mệt gần như không còn lê bước nổi thì đúng lúc chiếc phon bên cạnh có tín hiếu nhắn tin, tôi mở phôn ra thì thấy câu trả lời " Ko anh bị cancer " . Cả sống lưng tôi bỗng dưng lạnh buốt hốt hoảng gọi liền cho bạn, nhưng anh không bắt phôn để trả lời, tôi run tay nhắn tin cho anh trong nước mắt "Phải anh đang ở bệnh viện ? làm ơn gọi lại cho em " .

    Nhưng bạn tôi hoàn toàn im lặng và tôi chỉ biết ngồi yên trên gường với một cõi lòng thật buồn bã khi nghĩ về anh về khoảng thời gian chúng tôi quen nhau . Tôi ôn lại toàn bộ hình ảnh trong lần đầu vừa mới nhìn thấy anh, trực giác đã cho tôi biết ở nơi anh, nơi con người ấy như đang che giấu một điều gì đó bởi tôi thấy anh đứng giữa một cuộc vui bạn bè họp mặt, nhưng trên gương mặt của anh lại lộ ra vẻ trầm tư buồn buồn và chính hình ảnh đó anh đã thu hút tôi ngay ở cái nhìn đầu tiên .

    Và rồi tôi quen anh thật tự nhiên qua một người bạn chung của nhau .Thực sự thế giới này mẫu người như anh hầu như đã biến mất, anh luôn giữ khoảng cách với tôi để cho tôi luôn tự hỏi mình có gì sai với anh không ? hay tôi đã mất đi cái dáng vẻ ngày xưa chăng, bởi tôi rất tự tin về bản thân của mình là một phụ nữ sống rất thành thật và biết điều biết chuyện .
    Chỉ một câu nhắn tin ngắn ngủi sáng hôm nay đã làm sụp đổ những dự tính anh đã hứa với tôi là sau khi anh lãnh tiền hưu trí sẽ có nhiều thời gian đến thăm tôi nhiều hơn, sẽ giúp cho góc vườn đẹp thêm với những sắc hoa, sẽ đưa tôi đi tới những nơi có phong cảnh đẹp mà bấy lâu nay tôi chưa được tận mắt nhìn thấy. Rồi tôi cũng có chút tự trọng phân vân không biết có nên tìm gặp anh khi mà anh cố né tránh, tôi cảm thấy thật buồn tâm trạng không yên về một ngườI mà tôi rất quí mến chỉ mới vừa quen biết không bao lâu . Tôi chỉ biết cầu xin ơn trên cho anh tai qua nạn khỏi để cho tôi vẫn còn có anh hiện hữu bên cạnh cuộc sống, cuộc sống của hai người bạn mà ai cũng đang sống lẻ loi .

    ....

    Tôi phải thoát ra khỏi những cảm xúc đang đè nặng trong tim, tôi mạnh mẽ hơn để thu vén đồ đạc trong nhà cho gọn gàng thì trong lúc thu dọn để giử cái này bỏ cái kia, tình cờ trong một cuốn sổ nhỏ đã bạc màu thời gian, tôi thấy có số phôn của một ngườI bạn quen biết trên 27 năm qua . Tôi có chút hồi hộp cầm phôn gọi thử nhưng không hy vọng gì cho lắm, thì bất ngờ có người trả lời, qua giọng nói của người đàn bà tôi nghĩ là khá lớn tuổi . Tôi liền hỏi thăm về ngươI bạn cũ ngày xưa thì được biết tin tức bạn tôi đã đi tu hơn 10 năm qua . Quá bất ngờ với nguồn tin về bạn, tôi bị sững sờ nhưng tôi lại mừng vui cho bạn khi đã tìm thấy một con đường chính đạo giải thoát giữa cõi đời đầy dẫy những sự khắc nghiệt ở nơi một người có cả một quá khứ vô cùng đen tối . Một người đàn ông rất bản lĩnh trong cái thế giới đầy tội lỗi của những con người sống thách đố với pháp luật.

    Ngày tôi quen người bạn này cũng rất tình cờ lúc anh ra tay giúp cho tôi khi nhìn thấy bánh xe của tôi bị xẹp dí trên đường, xe anh chạy theo ra dấu cho biết và không ngần ngại giúp cho tôi thật tận tình . Bắt đầu từ đó tôi và anh trở thành đôi bạn, anh thích nơi tôi vì tôi biết lắng nghe tâm sự về những thành tích giang hồ đến trợn mắt và nghẹt thở của anh . Từ nơi anh đã cho tôi nhớ lại những cuốn phim như Điệu Ru Nước Mắt và những cuốn tiểu thuyết như Kinh nước đen viết về thế giới du đãng của nhà văn Nguyễn Thụy Long .

    Nếu ai nhìn vào giữa tôi với anh lúc đó chắc họ sẽ nhìn thấy giống như một con nai hiền đang đi bên một con sư tử, một con sư tử dũng mãnh phong độ . Có lẻ chính ở sự khác biệt này mà anh dành cho tôi một sự quan tâm rất chân tình . Rồi bẳng đi một thời gian anh đi đây đi đó buôn bán làm ăn và tôi cũng phải dọn nhà rất nhiều lần nên chúng tôi hoàn toàn mất đi sự liên lạc đã lâu năm .

    Anh bây giờ đã trở thành một nhà sư đi thuyết giãng khắp nơi, tôi nghe nói những buổi nói chuyện của thầy rất đông phật tử lắng nghe . Một con người đã xuống tận cùng địa ngục hay đã từng có những vinh hoa phú quý mà nay đã nhìn ra mọi thứ trên đời chỉ qua là một giấc mộng. Tôi hy vọng sẽ có một ngày được gặp lại thầy cho dẫu rất mong manh . Thôi thì cứ như trong kinh Phật dạy " Mọi sự tùy duyên, duyên tận duyên diệt " .
    .

    Tôi nghĩ trong cuộc sống mọi việc xãy ra đều có sự sắp xếp của đất trời, nỗi buồn về tình trạng bệnh hoạn của một người bạn chưa biết lành dữ ra sao và niềm vui về một ngườI đã tìm ra chân lý trong cuộc sống . Một ngày thôi mà đã cho tôi ngộ ra rất nhiều điều về lẽ tự nhiên của đất trời , một người " quay đầu là bến " người khác thì đang đứng giữa đôi bờ sinh tử thật bi ai .

    Ngoài kia cơn nắng ban trưa không gay gắt mấy vì thỉnh thoảng có vài cơn gió lay động mấy tàng cây cao lungg linh trong nắng, nhìn ra cho ta liên tưởng đến những giọt nước mắt đang nhỏ giọt hay là những viên kim cương lấp lánh, tất cả rồi cũng sẽ tan nhòe trong đôi mắt trần gian . Hoa mùa này đang nở rộ trước sân nhà, màu hoa tím trắng đang chen đua khoe hương sắc . Nhưng bên trong căn nhà một tôi đang im lặng với một khoảng trống tới vô cùng ...

    Ngô Ái Loan
    Apr 12 2017

  8. #308
    CƠN LỐC
    Hồi ký Ngô Ái Loan

    Cũng như mọi ngày trên con đường Trương Minh Giảng . Tôi đi qua đi lại không biết bao nhiêu lần vì công việc của tôi ở chợ là đi đưa hàng hóa hàng ngày với giá tiền công rẻ mạt . Đồng tiền đổi lấy bằng mồ hôi và nước mắt tủi nhục để đong từng lon gạo lẻ nuôi con bữa cơm bữa cháo .

    Năm 1976 người mẹ trẻ có đứa con đầu lòng trong sự thiếu thốn mọi bề ... đó là những năm tháng cho tới chết tôi cũng chẳng thể nào quên . Những nổi cơ cực rơi tận cùng địa ngục mà tôi phải cúi đầu gánh chịu .

    Vào giữa trưa dưới cơn nắng quái ác từ trời cao dội xuống trên người khi tôi băng qua con đường Trương Minh Giảng .Tôi nghe tiếng máy xe HonDa đang rè rè chạy sát theo sau lưng . Cho tới khi tôi vào hẳn trên lề đường nghe tiếng gọi một người đàn ông

    - Em , em … Loan ...

    Một giọng Huế dịu dàng vang lên tôi bị đứng khựng lại . Nghe rõ như ai đó đang gọi mình . Và khi quay đầu lại nhìn thấy một người đàn ông . Đầu đội nón rộng vành đang ngồi trên xe HonDa . Trên khuôn mặt còn đeo cặp kính mát màu tối nữa làm tôi ngờ ngợ thấy như quen quen . Chừng anh mở miệng cười thì tôi nhận ra ngay anh Hoa . Anh là đạo diễn Lê Hoàng Hoa của một thời có tiếng tăm trong thế giới điện ảnh nước nhà trước 1975 với những cuốn phim nổi tiếng trên màn ảnh được chiếu rộng rãi khắp các rạp lớn tại Sài Gòn .

    Thời gian mới thay đổi chính quyền ở miền Nam xe cộ chưa nhiều lắm . Trên con đường còn thưa vắng xe cộ dưới màu nắng chói chan gay gắt, đứng giữa không gian nóng như thiêu đốt . Vậy mà hai anh em tôi nhìn nhau bên lề đường mừng vui với nụ cười như muốn khóc .
    Anh thấy tôi trong bộ đồ đơn giản, chân đi đôi dép bằng mũ cao su . Trên đầu che bằng chiếc nón lá cũ.
    Ánh mắt của anh lúc đó thật buồn rồi bảo .

    _ Khổ quá em hỉ ?.

    Tiếng nói nhẹ như một tiếng thở dài đầy sự cam chịu những người còn bị kẹt lại sau tháng Tư năm 1975 .
    ...
    Vẫn cái giọng Huế dịu dàng của anh không hề thay đổi . Mỗi khi anh ghé qua nhà rủ mấy chị em đi dạo chơi một vòng Sài Gòn trên chiếc xe hơi màu trắng cho vui . Để nghe anh khoe một vài công việc đã thành công . Nhà anh ở trong hẻm Lưu Luyến, người ta gọi vậy vì ngay đầu ngỏ là tiệm chụp hình với bảng hiệu Lưu Luyến . Còn nhà của tôi thì ở gần cây xăng Trương Minh Giảng . Khoảng cách hai nhà không xa cho lắm có thể đi bộ được.

    Những ngày xưa đó, anh rất thân với gia đình, nên thường lái xe đưa chị em chúng tôi đi chơi đó đây khi có thời gian. Bây giờ gặp lại anh sau biến cố đau buồn của đất nước, nhìn anh lái chiếc HonDa với bộ đồ trên người tôi nghĩ là một trong những bộ đồ xấu nhất chưa bao giờ nhìn thấy trước đây .

    Xã hội hổn mang, đang ở trong giai đoạn tranh sáng, tranh tối . Luật lệ chưa rõ ràng nên có thể xảy ra những vụ thanh toán riêng tư theo cái gọi là luật rừng. Cho nên không phải chỉ riêng anh, mà hầu như người dân miền Nam đang cố gắng thay hình đổi dạng để che giấu trước những con mắt cú đêm nằm vùng rình rập vách lá tìm sâu, tìm cho ra những sơ hở hầu kết tội thành phần tử tư sản để dễ bề ăn cướp trắng trợn giữa ban ngày .

    Thật khó ai có thể biết trước đây anh là một nhà đạo diễn lớn ở Sài Gòn với cung cách điệu nghệ lịch lãm .Với chỗ đứng bề thế trong nền điện ảnh của Việt Nam . Tôi nghe anh nói tiếp, giọng nói trầm xuống thật bùi ngùi

    _ Gặp em làm anh nhớ những ngày xưa của tụi mình quá !..

    Vâng cái ngày xưa huy hoàng trong những buổi dạ tiệc .Trước khi ra mắt những cuốn phim đã hoàn tất đưa vào rạp hát công chiếu . Tôi và các em luôn phụ anh trong ban tiếp tân . Với áo đầm dạ hội dài chấm gót chân . Với mái tóc lợn sóng rất thích hợp với thời trang . Chúng tôi và thêm một nhóm phụ trách, thường đứng ngay cửa để đón chào quan khách đến tham dự . Đêm dạ hội dành riêng cho những tài tử nghệ sĩ và luôn cả những người quyền cao chức trọng lúc bấy giờ. Buổi dạ tiệc luôn được tổ chức ở một trong những nhà hàng khách sạn nổi tiếng giữa thủ đô Sài Gòn .

    Thuở đó, tôi chỉ là cô bé 17 tuổi với nhan sắc đáng yêu cũng khá nổi bật không thua gì các tài tử hay nghệ sĩ . Tôi biết vì mỗi khi đi tới đâu đều được rất nhiều người mở lời khen tặng . Tôi vẫn còn nhớ trách nhiệm nhiệm của mình khi gắn vào ngực áo của những khách mời đến tham dự một cụm hoa lan màu tím trắng . Tôi thật vui đón nhận những ánh mắt trìu mến và lời cám ơn thật ngọt ngào.

    Làm sao tôi có thể quên được hình ảnh về anh trong những buổi dạ hội đó .Nhà đạo diễn Lê Hoàng Hoa trong bộ đồ màu sắc nhả nhặn tất bật đi tới đi lui giữa đại sảnh sang trọng thật lịch lãm. Miệng luôn nở nụ cười thật tươi, tay bắt mặt mừng chào đón các vị quan khách được mời tham dự .

    Qua sự quen biết với gia đình của anh . Tôi thực sự đã bước vào thế giới của những người làm điện ảnh, những tài tử nổi tiếng, nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ và luôn cả ca sĩ . Đó là thế giới mà những đứa con gái còn ngồi trên ghế nhà trường thực sự rất khó tiếp cận .
    Hôm đó tôi được nhìn thấy vợ chồng của tài tử Kiều Chinh đẹp đôi như tài tử điện ảnh của Hollywood qua báo chí. Tài tử Nguyễn Chánh Tín lúc đó thật đẹp trai với dáng dấp sinh viên . Và còn quá nhiều người nổi tiếng trong cái thế giới nghệ sĩ . Nếu như phải ngồi nhớ thì chắc tôi phải cần có thêm nhiều thời gian .

    Rồi tôi cũng được anh Lê Hoàng Hoa cho tham dự vài cuốn phim trong những vai phụ của cảnh quay gọi là vai quần chúng, như được ngồi ăn tiệc, hay đứng trên đường làm bình phong cho cảnh quay chẳng hạn . Anh thất vọng nói tôi không đóng phim được vì mất bình tỉnh khi đứng trước ống kính . Anh cố gắng nâng đỡ cho thử vai diễn chỉ cần một câu nói, vậy mà tôi nói cũng bị cà lăm phải quay đi quay lại nhưng không đạt theo ý muốn của đạo diễn, anh bật cười bảo cho tôi đi kéo màn sân khấu mà thôi. Đó là một trong những kỷ niệm mỗi khi nhớ lại vẫn làm tôi mỉm cười.

    Cuối cùng thì anh hứa sẽ giúp cho tôi một việc làm với vai trò gọi là thư ký trường quay .Có nghĩa tôi sẽ ghi vào sổ tay cảnh quay còn bỏ dở mọi chi tiết, dầu là chi tiết cái đồng hồ đeo tay chẳng hạn vì nếu như cảnh quay lại mà quên, thì khán giả sẽ thấy buồn cười bỗng dưng trên tay cái đồng hồ biến mất trong một không gian và thời gian chưa hề thay đổi .

    Và tôi ở khoảng thời gian đó đã từng ngồi cùng bàn ăn với những tài tử như Thẩm Thúy Hằng, như Kiều Chinh, đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, tài tử Lê Quỳnh với nhạc sĩ Vũ Thành An, nhạc sĩ Châu Kỳ, ca sĩ Duy Khánh và còn nhiều, nhiêù lắm những người trong giới văn nghệ sĩ. Hầu như buổi tiệc nào anh cũng luôn cho tôi đi theo tham dự và tôi có nghe từ đâu đó người ta nói " Con bé nào đi bên cạnh đạo diễn LHH, có duyên ghê " .

    Cho tới khi anh lập gia đình với một ca sĩ trong ban nhạc Nguyễn Đức, chị rất dễ thương, nhưng từ đó thì thỉnh thoảng tôi mới ghé qua nhà thăm mạ của anh để nghe bác nói tiếng Huế rất đài các . Vợ của anh luôn tiếp đón trong sự thân tình .
    ...
    Chỉ đứng chuyện trò với anh chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, cả hai chúng tôi nói với nhau thật nhiều như gặp lại tri âm tri kỹ, cùng nhau ôn lại cả một quá khứ vàng son của anh nói riêng và nói chung cho cả nền điện ảnh Việt Nam đã qua .

    Anh cho tôi biết thêm về sự mất mát quá lớn lao khi vợ cùng hai đứa con trai đã mất tích trong một chuyến vượt biển . Tôi rưng rưng nước mắt chia sẻ cùng anh trong nỗi ngậm ngùi tiếc thương và cái vổ nhẹ trên vai tôi trước khi chúng tôi chào tạm biệt nhau . Tôi không bao giờ ngờ đó là cái vổ nhẹ trên vai trìu mến cuối cùng của anh dành cho tôi . Anh như muốn chia sớt cùng tôi những nỗi khổ đau đang ập phủ xuống cuộc đời trước một tương lai đầy bóng tối.

    Tôi chỉ gặp lại anh đúng một lần hôm đó sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản, rồi đời ai cũng đã có lối rẻ để bước đi .Tôi và anh chưa bao giờ gặp lại nhau thêm một lần nào nữa .

    Cho tới khi được biết anh qua đời .Ngồi hồi tưởng lại phút giây gặp anh lần cuối . Trong đầu tôi, anh bỗng hiện ra thật lịch lãm ở những buổi dạ tiệc sang trọng và anh rất quyền uy trong vai trò đạo diễn giữa một phim trường với những cuốn phim được người Sài Gòn chen chúc mua kín phòng vé … mà nay tất cả những hình ảnh đó đã trở thành quá khứ vàng vọt rêu xanh ...

    Ngô Ái Loan
    May 11-2013

  9. #309
    Tháng Tư hoài niệm

    Tháng Tư " nước chảy đá mòn " ?
    Tháng Tư sao mãi vẫn còn thương đau
    Thuở tóc xanh giờ bạc đầu
    Chiêm bao chìm đắm cung sầu ngàn sau

    Tháng Tư ai người quên mau
    Tháng Tư ai kẻ nát nhàu tâm tư
    Miền Nam ngày đó tạ từ
    Rời xa quê mẹ xứ người lưu vong

    Thời gian tưởng xoá dấu mòn
    Vẫn còn nguyên vẹn sắc son ngọn cờ
    Da vàng dòng máu đỏ còn
    Hồn thiêng tử sĩ núi non chập chùng

    Tháng Tư đêm lặng tiếng bom
    Cửa địa ngục mở đọa đày tàn quân
    Tháng Tư mộng dữ cho dân
    Chiếm nhà, mất đất, đồng tiền tả tơi

    Tháng Tư biển gào trùng khơi
    Thân con thuyền đắm chơi vơi giữa dòng
    Xác cha, xác mẹ , xác con
    Đại dương nấm mộ tìm đường ra đi

    Tháng Tư bao nỗi ai bi
    Dân Nam vết sẹo khắc ghi đáy lòng
    Sài Gòn thất thủ bàng hoàng
    Tháng Tư trời đất một màu tang thương

    Ngô Ái Loan
    Apr 2021

  10. #310
    Tháng Tư Đen

    Tháng Tư Đen về sừng sững trước mắt
    Những ngày mưa theo gió lạnh tê lòng
    Tôi tháng Tư xưa nước mất nhà tan
    Lê từng bước theo hạt cơm manh áo .
    Con đói khát thiếu ăn xanh xao vàng vọt
    Mẹ trơ xương sau manh áo ngả màu
    Tôi tháng Tư xưa tim khô giọt máu
    Cạn queo dòng lệ làm kẻ lưu vong
    Trên chính quê hương những kẻ tanh lòng
    Cưỡng đoạt áp bức đuổi cùng sự sống
    Mưa đang rơi rớt tự trời cao
    Từng ký ức đổ ào như mưa bão
    Tôi của tháng Tư cánh cò lặn lội
    Nuôi con thơ cùng ngày tháng mòn hao
    ...
    Tháng Tư xứ người ngày nắng vàng hanh
    Tấm hình cũ vẫn còn nguyên kỷ niệm
    Bốn mươi chính năm gần nửa thế kỷ
    Đại lộ buồn, tôi bên lề tháng năm
    Ngước mặt lên trời hướng vọng quê hương
    Nước mắt chảy ngược quặn đau tim thắt
    Người xưa đâu biệt tăm ngày mất nước
    Tiếng súng im thay tiếng oán thở dài
    Nhớ miền Nam ruộng thẳng cánh cò bay
    Nhớ Sài Gòn từng ngọn đèn xanh đỏ
    Thuở thanh bình yên ấm tuổi thần tiên
    Nhớ Huế thơ núi Ngự nắng đỏ hồng
    Nhớ Quảng Trị chiều êm dòng Thạch Hãn
    ...
    Tháng Tư về sừng sững giữa hồn anh
    Giữa hồn em chia nhau lời khấn nguyện
    Tưởng tiếc người nằm xuống cùng đất nước
    Một tấc lòng ghi nhớ chẳng hề quên
    Bốn mươi chín năm kẻ còn người mất
    Tháng Tư Đen vành tang trắng bầu trời...

    Ngô Ái Loan
    Apr 2024

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:49 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh