Register
Page 190 of 332 FirstFirst ... 90140180188189190191192200240290 ... LastLast
Results 1,891 to 1,900 of 3313
  1. #1891
    Ăn cái gì bi giờ? Angie's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,759
    Chuyện này không phải của Mario Puzo. Coi trang cuối toàn chữ nghĩa ở VN hiện nay. Mario Puzo viết kịch bản của 3 tập phim GodFather. Ai thích thì coi hết phim được rồi. Tuy nhiên cuốn truyện đầu tiên là cuốn có vẻ đáng đọc nhất vì bản dịch hay.

  2. #1892
    Quote Originally Posted by Angie View Post
    Chuyện này không phải của Mario Puzo. Coi trang cuối toàn chữ nghĩa ở VN hiện nay. Mario Puzo viết kịch bản của 3 tập phim GodFather. Ai thích thì coi hết phim được rồi. Tuy nhiên cuốn truyện đầu tiên là cuốn có vẻ đáng đọc nhất vì bản dịch hay.
    Hi Angie,

    đúng vậy không phải của Mario Puzo, 35 năm sau tiểu thuyết gia Mark Winegardner tiếp tục viết phần còn lại.

    Có điều dịch giả dịch không hay, nhiều chỗ tối nghĩa.

    ****

    The Godfather Returns Mass Market Paperback
    Thirty-five years ago, Mario Puzo’s great American tale, The Godfather, was published, and popular culture was indelibly changed. Now, in The Godfather Returns, acclaimed novelist Mark Winegardner continues the story–the years not covered in Puzo’s bestselling book or in Francis Ford Coppola’s classic films.


    https://www.amazon.com/Godfather-Ret...dfather+return
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  3. #1893
    Đọc truyện và xem phim Bố Già (sưu tầm trên net)

    Mario Puzo, nhà văn người Mỹ gốc Ý, xuất bản The Godfather năm 1969. Cuốn sách đã nhanh chóng trở thành best-seller và được giới phê bình sách coi là cuốn tiểu thuyết hay nhất về “thế giới ngầm” Mafia, trải dài từ đảo Sicily bên Ý qua đến New York bên Mỹ.

    Năm 1996, ông viết The Last Don (Bố Già Cuối Cùng), nhưng không mấy ăn khách. Tác phẩm cuối cùng của Mario Puzo là Omerta (Luật Kín Miệng) được ấn hành năm 2000, cuốn sách này tác giả không có dịp nhìn thấy mặt mũi đứa con tinh thần của mình khi ông từ trần ngày 1.7.1999 tại Bay Sore (New York), thọ 78 tuổi.

    Ngay khi The Godfather ra đời, cuốn sách đã nằm trong danh sách best-seller suốt 67 tuần trên New York Times. Tác phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng, nhiều đến nỗi chính Mario Puzo không thể liệt kê truyện của ông đã được lưu hành tại bao nhiêu quốc gia và đã dịch sang bao nhiêu ngôn ngữ.

    Tại miền Nam Việt Nam, vào năm 1970, nhật báo Chính Luận đã đăng The Godfather dưới dạng tiểu thuyết nhiều kỳ (feuilleton) với tựa đề Cha Đỡ Đầu do nhà văn Trọng Tấu dịch từ bản tiếng Pháp. Bản dịch của Trọng Tấu chỉ xuất hiện trên Chính Luận trong vài tháng rồi ngưng nửa chừng. Có lẽ vì không hấp dẫn người đọc với lối hành văn quá chân phương, không hợp với loại truyện gangster, giang hồ, súng đạn.

    Phải đợi đến năm 1972, cuốn Bố Già do Ngọc Thứ Lang dịch từ The Godfather (bản gốc từ tiếng Anh) mới bắt đầu thu hút sự chú ý của người đọc. Dịch giả Ngọc Thứ Lang đã khiến người đọc say mê suốt 32 chương của cuốn truyện với một giọng văn của giới côn đồ, du đãng, rất thật và rất đời thường. Tôi tạm gọi đó là thứ “ngôn ngữ giang hồ” hay “ngôn ngữ Mafia” mà người dịch nếu là một học giả ngồi trong tháp ngà không thể nào có được bút pháp như vậy.

    Tuy nhiên, những người đọc khó tính không khỏi nhíu mày khi đọc những đoạn người dịch quá cường điệu đến độ tác phẩm dịch của Mario Puzo trở thành… phóng tác qua tài “phóng bút” của Ngọc Thứ Lang. Đa số các nhân vật, ngoại trừ Bố Già và các consigliere (cố vấn), đều bị Ngọc Thứ Lang gọi bằng Thằng, Hắn, Mi… Ta hãy nghe Ngọc Thứ Lang mô tả Santino "Sonny" Corleone, cậu con trai trưởng của Bố Già:

    “Khuôn mặt hắn đều đặn và rõ nét đa tình, miệng rộng, môi dày và cằm lại lẹm vô một chút nên trông càng dâm. Người hắn hùng hục như trâu đến nỗi mụ vợ khốn khổ cứ nhác thấy cái giường là hết hồn! Người ta còn đồn rằng hồi còn nhỏ cậu Sonny đi chơi bời đã vô động nào thì chỉ những em lỳ lợm, gân guốc nhất mới dám tiếp và chị em nào cũng nằng nặc tăng giá gấp đôi hết”.

    Hai bản dịch Cha Đỡ Đầu và Bố Già có nhiều khác biệt:

    (1) trong khi Trọng Tấu dịch từ bản tiếng Pháp năm 1970 thì hai năm sau Ngọc Thứ Lang dịch từ nguyên bản tiếng Anh;

    (2) văn phong của hai người dịch cũng khác hẳn nhau, bản dịch của Ngọc Thứ Lang, như đã nói, có tính cách phóng khoáng bao nhiêu thì Trọng Tấu lại chừng mực, theo sát nguyên bản tiếng Pháp bấy nhiêu;

    (3) nội cái tựa đề của Godfather cũng nói lên tất cả: trong khi Trọng Tấu chọn cái tên Cha Đỡ Đầu thì Ngọc Thứ Lang lại dùng hai chữ Bố Già mà ngày nay ta vẫn còn gặp trong ngôn ngữ hàng ngày. Bố Già là một cái tên “vô tiền khoáng hậu” mà Ngọc Thứ Lang đã dùng để chỉ người đứng đầu thế giới ngầm…

    Dù sao đi nữa, phải công nhận Ngọc Thứ Lang đã quá thành công với Bố Già mặc dù ông còn chuyển ngữ tác phẩm “Đất tiền đất bạc” (The Pilgrim) cũng của Mario Puzo và một số sách khác. Tôi nghĩ người dịch truyện thì rất nhiều nhưng những dịch giả mang lại cho người đọc cảm giác họ chính là tác giả của tác phẩm thì rất hiếm. Ngọc Thứ Lang là một trong số ít những khuôn mặt dịch giả hiếm hoi đó.

    Sau 1975, hai nhà xuất bản ở Việt Nam giành nhau in lại bản dịch Bố Già của Ngọc Thứ Lang có lẽ một phần vì họ không phải trả tiền bản quyền, dù chỉ một đồng, cho người dịch. Một nhà xuất bản Việt ở hải ngoại cũng đã in Bố Già và nay cũng miễn chi tiền bản quyền cho Ngọc Thứ Lang vì ông đã qua đời.
    Theo Hoàng Hải Thủy, Ngọc Thứ Lang qua đời tại trại cải tạo Phú Khánh năm 1979. Nếu Hoàng Hải Thủy có bút hiệu Công Tử Hà Đông thì Ngọc Thứ Lang lại có biệt danh Công Tử Bắc Kỳ. Hai chàng Công Tử gặp nhau năm 1951 tại Sài Gòn, khi đó họ còn đang ở độ tuổi đôi mươi.

    Nguyễn Ngọc Tú, tức Ngọc Thứ Lang, thuộc loại “văn sĩ giang hồ”. Khi đó ông độ 25 tuổi nhưng đã kiếm được nhiều tiền nhưng cũng là khách hàng thường xuyên của các sòng roulette ở Kim Chung và những tiệm hút tại Sài Gòn. Ông ăn diện như một “tay chơi thứ thiệt”: áo sơ mi nhập từ Paris chỉ có trong một cửa tiệm trên đường Catinat, đồng hồ vuông mặt đen, mũ mossant, cặp da, viết văn bằng máy đánh chữ, hút thuốc lá Phillip Morris vàng loại king size, dùng bật lửa Dupont, ăn cơm Tây, uống rượu chát…

    Cũng như bao thanh niên khác, Ngọc Thứ Lang không tránh khỏi “lưới tình” nhưng lại là loại “lưới tình khó gỡ”: người yêu của ông tự tử vì tình duyên trắc trở. Cuộc đời nhà văn bắt đầu… xuống dốc không phanh kể từ đó. Ông “ăn ngủ” trong một tiệm thuốc phiện tại hẻm Monceaux, khu Tân Định, và mau chóng trở thành người nghiện nặng. Những năm 70 ông viết cho Tuần san Thứ Tư của Nguyễn Đức Nhuận và nhiều báo khác với bút hiệu Ngọc Thứ Lang. Khi Nguyễn Đức Nhuận đưa cuốn The Godfather cho Ngọc Thứ Lang dịch, nhà văn đã chọn ngay tên Bố Già cho bản dịch của mình.

    Năm 1976, ông bị chính quyền mới bắt đi “phục hồi nhân phẩm” tại Trung tâm Cai nghiện Ma túy nằm trong tòa nhà Tu viện Fatima, Bình Triệu. Một nữ ký giả ngoại quốc có lần đến thăm Trung tâm Cai nghiện kể lại, cô rất ngạc nhiên khi biết Nguyễn Ngọc Tú, một con người thân tàn ma dại đang đứng trước mặt mình là dịch giả cuốn The Godfather của Mario Puzo.

    Trên danh nghĩa, Bố Già là cha nuôi của Tom Hagen (người giữ vai trò xử lý thường vụ chức cố vấn pháp lý) nhưng lối xưng hô giữa hai người lại là “Bác, Cháu”. Nghệ thuật chuyển ngữ của Ngọc Thứ Lang rất khéo. Trong nguyên bản của Mario Puzo chỉ giới hạn qua hai từ “You” và “I” nhưng tiếng Việt phong phú hơn nên dịch giả đã chọn Bác và Cháu, một lối xưng hô đậm mối thân tình.

    Ở Chương 1, trong bản dịch của Ngọc Thứ Lang, ông chủ nhà đòn Bonasera tại tòa xử vụ con gái ông bị hai tên vô lại làm bậy, ông tự hỏi: “Vậy là tòa phường tuồng còn gì?”. Mario Puzo chỉ viết: “It had all been a farce”. Ngay sau đó là câu “Kìa, cha mẹ chúng đang tíu tít bao quanh hai cậu quý tử”,nguyên bản là “He watched the happy parents cluster around their darling sons”. Có lẽ không cách nào tuyệt hơn là dùng cụm từ “hai cậu quý tử” để dịch “darling sons”.

    Bonasera uất ức hét lên với bố mẹ chúng: “Được rồi! Tụi mày sẽ được khóc như tao. Con cái tụi mày làm khổ tao thì tao sẽ cho tụi mày thử nếm mùi đau khổ!”. Quả thật tôi thấy những lời Bonasera thống thiết hơn những gì Mario Puzo viết: “You will weep as I have wept – I will make you weep as your children make me weep”.

    Có tìm hiểu, so sánh giữa nguyên tác và bản dịch ta mới thấy nghệ thuật “phóng tác” của Ngọc Thứ Lang: không dịch từng chữ nhưng cũng không đi ra ngoài ý của tác giả. Quan trọng hơn cả là việc dùng những thuật ngữ tiếng Việt để chuyển tải ý của tiếng Anh khiến người đọc cảm thấy gần gũi hơn và, như đã nói, người đọc có cảm giác dịch giả chính là tác giả của cuốn truyện đang đọc.

    Xin được bàn thêm về bút pháp của tác giả Mario Puzo và dịch giả Ngọc Thứ Lang. Thế mạnh của cả hai là những đoạn mô tả các cuộc đọ súng, đấm đá, đậm chất giang hồ nằm rải rác khắp 32 chương của cuốn truyện. Tuy nhiên, ở Chương 1 chỉ xoay quanh những diễn biến trong đám cưới nhưng cũng nhờ đó người đọc được thưởng thức tài năng đa dạng của tác giả và dịch giả. Lối hành văn đó không chỉ giới hạn trong việc mô tả những hành động côn đồ của một tiểu thuyết thuộc loại gangster.

    Cô phù dâu Lucy Mancini mà cậu cả Sonny theo đuổi là một thí dụ điển hình cho lối mô tả rất “đời thường” nhưng cũng rất ý nhị pha chút khôi hài. Mario Puzo viết về quá khứ của người đẹp Lucy với hai người tình thời còn đi học: “In her two college love affairs she had felt nothing and neither of them lasted more than a week. Quarreling, her second lover had mumbled something about her being “too big down there.” Lucy had understood and for the rest of the school term had refused to go out any date.”

    Ngọc Thứ Lang chuyển ngữ đoạn trên một cách phóng khoáng nhưng vẫn giữ ý của tác giả: “Hồi ở Đại học, Lucy có hai kép thật, song anh trước anh sau đều "chạy", chỉ một tuần lễ du dương là tối đa. Thằng bồ thứ hai còn phê phán: "Đàn bà con gái gì mà… vĩ đại kinh khủng thế" làm nàng hiểu ngay thân phận khác người của mình, không bắt bồ thêm thằng nào nữa trong suốt cả một niên học.”

    Cụm từ “too big down there” trong tiếng Anh được thay thế bằng một câu cảm thán “Đàn bà con gái gì mà… vĩ đại kinh khủng thế!”. Cả hai cách viết đều có cái hay riêng. Rõ ràng là một bên tiếng Anh và một bên tiếng Việt đều nhắm vào ý lột tả một bộ phận “thái quá” của Lucy mà không cần phải nói huỵch tẹt bộ phận đó là gì.

    Thật là kỳ phùng địch thủ: Lucy “quá khổ” gặp Sonny “quá cỡ”. Ta hãy nghe Mario Puzo tả đoạn Sandra, vợ Sonny, kể với cô dâu Connie về ông anh Sonny trong đêm động phòng: “My God, when I saw that pole of Sonny’s for the first time and realized he was going to stick it ito me, I yelled bloody murder. After the first year my inside felt as mushy as marcoroni boiled for an hour. When I heard he was doing the job on other girls I went to church and lit a candle…”.

    Có điều dò lại bản dịch của Ngọc Thứ Lang tôi thấy dịch giả không chuyển ngữ đoạn đối thoại trên mà chỉ vỏn vẹn có một câu: “Sandra dọa dẫm cô em chồng Connie về vụ động phòng kinh khủng”. Tôi không nghĩ Ngọc Thứ Lang vô tình bỏ sót mà chắc vì dịch giả cố ý “tự kiểm duyệt”, e rằng phạm“thuần phong mỹ tục” chăng?

    Ở một đoạn ngay sau đó, Mario Puzo tả lại cảm giác của Lucy lúc lén lút gặp gỡ Sonny ngay trong lễ cưới:: “… she felt his hand come up beneath her bridesmaid’s gown, heard the rustle of material giving way, felt his large warm hand between her legs, ripping aside the satin panties to caress her vulva…”.

    Đoạn này Ngọc Thứ Lang cũng không dịch theo nguyên bản mà thay vào đó là câu: “Nàng hé môi nín thở vì dưới lớp lụa mát dịu, bàn tay hắn bỗng nóng như lửa, tới chỗ nào là nhột nhạt, khó chịu chỗ ấy…”. Phải chăng đây cũng là cách dịch giả né tránh những đoạn Mari Puzo “tả chân” nên… tự kiểm duyệt?

    Ở Chương 6, Ngọc Thứ Lang dùng thuật ngữ giang hồ “Trải Nệm” chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh “mattress”. Trải nệm là một truyền thống của Mafia và có “trải nệm” là có đổ máu. Các tay giang hồ trước khi thanh toán lẫn nhau cần tìm một địa điểm bí mật, kín đáo, thường là một căn nhà trống để các tay súng tập hợp lại… “trải nệm” ngủ trước khi ra tay. Mafia “trải nệm” để giữ bí mật tuyệt đối cho các cuộc thanh toán và một lần nữa ta thấy Ngọc Thứ Lang là một dịch giả có tài dùng chữ để chuyển tải ý chính của nguyên tác. Sau này, “trải nệm” trở thành một thuật ngữ trong giới giang hồ Sài Gòn.

    Dịch giả còn sử dụng những thuật ngữ bình dân một cách khéo léo như “nhà quê” (paisan), “chọc quê” (tease), “đi thưa lính” (report to the police), “đĩ bán trôn” (whore), “ăn nên làm ra” (prosper)… Nhưng nổi bật hơn cả là cụm từ “nói chuyện phải quấy” mà Ngọc Thứ Lang dùng để diễn tả câu “I want to make an offer that he can't refuse” trong nguyên tác. Rất nhiều lần trong suốt cuốn truyện, câu“nói chuyện phải quấy” xuất hiện, nhiều lúc chỉ để dịch động từ “to reason” trong tiếng Anh. Thiết nghĩ, đó là sự khéo léo của người dịch, sử dụng “thủ pháp văn hóa Việt” khi chuyển ngữ từ tiếng Anh.

    Nhân vật Bố Già ngoài đời chính là Don Vito Cascio Ferro, một trong những thủ lĩnh quan trọng đầu tiên của giới Mafia Ý di cư sang Mỹ. Ông cầm đầu giới giang hồ ở Sicily, và sau đó thống lãnh nhómMano Nero (Bàn tay đen), tiền thân của giới Mafia Mỹ, còn được gọi là tổ chức La Cosa Nostra(Chuyện làm ăn của chúng ta).

    Ngoài Bố Già thực Don Vito Cascio Ferro, trong truyện còn có một nhân vật thực khác: “Kép” Johnny Fontane chính là Frank Sinatra, ca sĩ và tài tử nổi tiếng của Mỹ trong thập niên 60, bạn thân của Tổng Thống Reagan và là một trong những nghệ sĩ giàu có ở Mỹ. Nhân vật “kép” Johnny Fontane chính là bản sao của danh ca Frank Sinatra được Mario Puzo tiểu thuyết hóa dù tác giả đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.

    Sự thật thì Frank Sinatra khi đang xuống dốc nhưng cuối cùng vẫn nhận vai Maggio trong phim “From Here to Eternity” là do áp lực của Mafia. Kép Fontane trong The Godfather cũng vậy: dưới bàn tay“đạo diễn” của Bố Già, ông chủ hãng phim Jack Woltz đã phải cắn răng để Fontane đóng phim của mình dù hắn đã “phỗng tay trên đệ nhất đào văm” đáng yêu nhất. Đòn phép của Bố Già rất đơn giản, chỉ cần “khủng bố” Wolf bằng thủ cấp của con ngựa Khartoum trị giá 600.000 đô la.

    Báo chí cũng đã đề cập đến vụ Frank Sinatra gặp rắc rối qua hợp đồng trình diễn ký với trưởng ban nhạc Tommy Dorsey. Theo hợp đồng đã ký, ban nhạc của Dorsey được hưởng 1/3 doanh thu từ các buổi trình diễn của Sinatra lúc mới vào nghề ca hát. Đến khi Sinatra trở thành ca sĩ được nhiều người ưa thích, bản hợp đồng suốt đời trở thành một ràng buộc miễn cưỡng đối với danh ca gốc Ý.

    Vào năm 1943, Sinatra đề nghị một khoản tiền bồi thường 60.000 đô la với Dorsey để “thanh lý’ hợp đồng. Dorsey không chấp nhận việc để “mỏ vàng” Sinatra vọt khỏi tầm tay. Ông Trùm Willie Moretti thuộc nhóm Mafia New Jersey vào cuộc với 3 đại diện đến để…“nói chuyện phải quấy” bằng một khẩu súng. Cuối cùng, Sinatra đạt được mục đích: hợp đồng bị xé bỏ với giá… “1 đô la danh dự”. Ông Trùm Corleone trong Bố Già của Mario Puzo cũng giải quyết chuyện của thằng con nuôi Johnny Fontane bằng một cách tương tự: khi súng đạn lên tiếng, mọi chuyện sẽ êm đẹp!
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  4. #1894
    Ăn cái gì bi giờ? Angie's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,759
    Sách bỏ quên mua ở San Francisco từ thế kỷ trước


  5. #1895
    Quote Originally Posted by Angie View Post
    Sách bỏ quên mua ở San Francisco từ thế kỷ trước

    vậy là Angie có đủ bộ Anh-Pháp-Việt.
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  6. #1896
    Tiểu thuyết “Bố già” ra đời vì... tiền (sưu tầm trên nét)


    Độc giả Việt Nam hẳn không xa lạ gì với “Bố già” - cuốn tiểu thuyết được đánh giá là hay nhất về giới giang hồ, mafia ở Mỹ. Nhà văn Mario Puzo, cha đẻ của “Bố già” lại thú nhận rằng ông không hề hào hứng khi viết cuốn sách bán chạy nhất này, ông chỉ viết nó vì đang... túng tiền!

    Mario Puzo sinh năm 1920, trong một gia đình người Italia nhập cư sang Mỹ. Cha mẹ Mario hoàn toàn mù chữ và tuổi thơ của cậu bé này đã trôi qua “dưới đáy” xã hội ở New York. Trong Chiến tranh thế giới II, Mario Puzo phục vụ trong quân đội Mỹ. Ông từng có mặt trên chiến trường nước Đức và vùng Đông Á. Sau đó Puzo học Cao đẳng Khoa học Xã hội New York và Đại học Tổng hợp Colombia rồi công tác gần 20 năm tại các cơ quan của Chính phủ ở New York và nước ngoài.

    Năm 1955, Puzo cho ra đời tác phẩm đầu tay mang tên “Đấu trường đen”. Đây không phải là một cuốn sách về mafia mà về cuộc đời một chàng cựu binh Mỹ trong bối cảnh thành phố Berlin hoang tàn sau chiến tranh với những vụ áp phe, buôn lậu, lừa đảo và cả những mối quan hệ nồng ấm tình người. Tuy nhiên, “Đấu trường đen” không thuộc số những cuốn sách ấn tượng nhất của Puzo.

    Từ năm 1963, Mario Puzo bắt đầu tác nghiệp như một phóng viên tự do, đồng thời coi viết văn là công việc nghiêm túc của mình. Năm 1969, với sự xuất hiện lừng lẫy của “Bố già”, Puzo đã trở thành nhà văn được cả thế giới ngưỡng mộ. Suốt một thời gian dài, “Bố già” luôn chiếm vị trí đầu trong bảng xếp hạng sách bán chạy nhất hành tinh. Nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và có con số xuất bản đáng kinh ngạc: 11 triệu bản trong năm 1969 và 21 triệu bản tính đến tháng 7/1999.

    Bố già Don Vito Corleone trong tiểu thuyết của ông và những sự kiện bạo liệt quanh ông ta dường như được bao phủ bởi một màu sắc lãng mạn khiến cuốn sách có sức hấp dẫn kỳ lạ. Tuy nhiên Puzo không chỉ dừng lại ở việc lãng mạn hóa “Bố già”. Tác giả đã xây dựng câu chuyện dựa trên những chất liệu có thật, đã tiểu thuyết hóa các nhân vật bằng những nét miêu tả chân chất. Nhiều tư liệu gần đây về mafia cho biết bố già ngoài đời chính là Don Vito Cascio Ferro, một trong những thủ lĩnh đầu tiên của giới mafia Italia di cư sang Mỹ. Ông này cầm đầu giới giang hồ ở Sicily (Italia) và sau đó là thống soái của nhóm “Bàn tay đen”, tiền thân của mafia Mỹ.

    Tuy nhiên, bản thân Puzo thì nói rằng ông chưa bao giờ tiếp cận với một tay gangster bằng xương bằng thịt, rằng nguyên mẫu cho nhân vật bố già chẳng phải ai xa lạ mà chính là mẹ ông, một phụ nữ Italia nhập cư đã phải làm mọi thứ để có thể nuôi sống con cái và giữ cho gia đình hòa thuận. Trong cuốn “Bố già” Puzo cũng cẩn thận ghi chú rằng: Tất cả nhân vật trong truyện đều là hư cấu và bất kỳ sự trùng hợp nào nếu có đều là ngẫu nhiên… Độc giả cũng như giới phê bình đều công nhận rằng, Puzo đã miêu tả thế giới của Bố già tuyệt vời đến nỗi có người còn ngờ ông là “tay trong” của mafia.

    Năm 1972 Francis Coppola đã chuyển thể “Bố già” thành phim. Sau đó vị đạo diễn tên tuổi này lại đề nghị Puzo hợp tác để viết tiếp kịch bản “Bố già II”. Bộ phim bất hủ này đã đi vào lịch sử Hollywood và điện ảnh thế giới với các giải Oscar cho phim hay nhất và cho kịch bản hay nhất. Vai diễn Bố già cũng đem đến cho hai diễn viên gạo cội Marlon Brando và Robert De Niro 2 giải Oscar. Kịch bản cho phim “Bố già III” (xuất hiện trên màn bạc vào năm 1990) cũng được viết chung bởi Puzo và Coppola.

    Puzo tâm sự về việc viết “Bố già” như sau: “Một lần tình cờ có một đồng nghiệp ghé đến chỗ tôi. Tôi đã đưa bản thảo “Fortunate Pilgrim” (bản tiếng Việt là “Đất khách quê người”) cho anh ta đọc. Một tuần sau anh ta quay lại và tuyên bố: Mario là một nhà văn vĩ đại! Tôi rất phấn chấn và đã thết anh bạn một bữa thịnh soạn tại nhà hàng. Trong khi ăn, tôi kể cho anh nghe những câu chuyện về mafia và đọc một vài đoạn trong bản thảo “Bố già”. Bạn tôi đã bị sốc. Một tuần sau anh ấy lại đến và nói rằng đã lên lịch hẹn cho tôi gặp một chủ xuất bản.

    Tại cuộc gặp đó, tôi cũng kể rất nhiều về mafia. Ông chủ xuất bản rõ ràng là rất thích. Vì vậy ông ta đặt tôi viết một cuốn tiểu thuyết về những chuyện đó và ứng trước cho tôi 5 nghìn đôla. Chuyện xảy ra như thế đấy. Thật kỳ lạ và không thể hiểu nổi. Tôi đã bắt tay vào viết “Bố già” nhưng thực lòng không hề thấy hứng thú… Tôi viết cuốn sách trong vòng 3 năm. Thời gian ấy tôi đồng thời còn viết cho Martin Gudman một số truyện phiêu lưu mà không đòi hỏi nhuận bút…

    Còn với “Bố già”, tôi cảm thấy xấu hổ khi nói về điều này, nhưng quả thật tôi đã viết chỉ vì lý do duy nhất là... kẹt tiền. Tôi buộc phải hoàn tất “Bố già” vào tháng 7/1968, bởi vì tôi rất cần đến 1.200 đôla mà nhà xuất bản còn giữ. Trước đó tôi đã đưa vợ con đi nghỉ ở châu Âu và khi trở về thì khoản nợ của chúng tôi đã lên đến 8 nghìn đôla… Tôi đi gặp người trợ lý của mình và thật bất ngờ khi được thông báo: một nhà xuất bản muốn mua bản quyền phát hành “Bố già” với giá 410 ngàn đôla! Tôi gọi điện báo tin tốt lành cho anh trai tôi và quyết định bỏ luôn chân phóng viên hợp đồng ở tờ tạp chí trinh thám để lao vào viết. Trong khoản nhuận bút “Bố già”, tôi dành 10% cho anh tôi, người đã đỡ đần tôi rất nhiều trong suốt thời gian tôi viết tác phẩm này”.

    Mafia đã trở thành chủ đề ám ảnh Puzo suốt đời. Những cố gắng của ông nhằm bứt ngòi bút khỏi “thế giới ngầm” ấy dường như đều thất bại. Phần lớn những cuốn sách mà ông viết về chủ đề khác đều không gây tiếng vang. Tuy nhiên, theo lời Puzo, chính cuốn “The Fortunate Pilgrim” (kể về cuộc đấu tranh ngoan cường của một phụ nữ Italia vì sự sống còn của gia đình mình trên đất Mỹ) mà ông cho ra mắt trước “Bố già” mới là tác phẩm văn học hay nhất của ông. Về chủ đề khác ông còn có các cuốn: “Ngu thì chết” (xoay quanh việc kinh doanh cờ bạc); “Người mang họ Kenedy bị ám sát” (nói về bi kịch của gia đình Tổng thống Kenedy).

    Năm 1984 ông trở lại đề tài mafia với cuốn “Sicilian khúc ca bi tráng”. Cuốn này đã được Michel Trimino dựng thành phim vào năm 1987. Năm 1991 Puzo suýt bỏ mạng vì nhồi máu cơ tim tại thủ phủ cờ bạc Las Vegas, nơi ông đã nhiều lần mất toi cả gia sản. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, ông lại phục hồi và tiếp tục viết. Năm 1996, Puzo trở lại văn đàn với tiểu thuyết “Bố già cuối cùng”. Ngay sau đó, một xêri phim truyền hình cùng tên đã ra đời. Tác phẩm này cũng kể về gia đình bố già Corleone nhưng ở thời điểm 30 năm sau.

    Ngày 2/7/1999, Mario Puzo qua đời vì bệnh tim tại nhà riêng ở Long Island, thọ 79 tuổi. Trước khi qua đời không lâu, ông còn kịp hoàn thành một tiểu thuyết nữa về mafia - “Luật Omerta”. Cuốn sách này được ấn hành vào năm 2000. Nhưng đây chưa phải là tác phẩm cuối cùng của Puzo. Mùa thu năm 2001, người ta còn thấy tiểu thuyết “Gia đình” dưới tên Mario Puzo ra đời. Đây là cuốn sách ông chưa kịp hoàn tất và bà Carol Zina, người vợ gắn bó với Puzo suốt 20 năm, đã làm thay ông.

    Mùa Giáng sinh 2004, bạn đọc lại thấy xuất hiện một cuốn tiểu thuyết mới với nhan đề “Bố già trở lại”. Tất nhiên, Mario không thể đội mồ sống dậy để viết. Tác giả cuốn sách này là nhà văn Mark Winegardner, người đã chiến thắng trong cuộc thi viết tiếp về gia đình bố già do Nhà xuất bản Random House và Mario Puzo đứng ra tổ chức trước khi ông qua đời. “Bố già trở lại” cũng rất thành công và đã chiếm được vị trí sách bán chạy nhất một thời gian dài. Tuy nhiên, theo giới phê bình, tiểu thuyết của Puzo vẫn “kinh khiếp” và đặc trưng hơn, các nhân vật hấp dẫn và sắc bén hơn, các chi tiết “đắt giá” và khó quên hơn
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  7. #1897
    Đi đường gặp xe điện lái tự động Tesla này tránh cho xa nếu không muốn chết.

    Xe lái tự động vẫn còn bị nhiều lỗi mà hãng xe dấu. Tesla làm giầu về loại xe này nếu không thành công coi như phá sản.

    Mới cách đây 2 tháng trước xe lái tự động bị lỗi, xe đã vượt đèn đỏ, chắc trông gà hóa cuốc, hay xe bị mắt quáng gà.


    ***
    Tesla bị Hội đồng An Ninh Vận Tải Quốc Gia khiển trách

    SAN FRANCISCO (BBC) – Công ty chế tạo xe hơi điện đã bị NTSB (Hội Ðồng An Ninh Vận Tải Quốc Gia) khiển trách trong vụ điều tra về tai nạn hôm 23 tháng 3 làm thiệt mạng Walter Huang, kỹ sư của Apple.

    NTSB nói rằng không hài lòng việc Tesla công bố các chi tiết cuộc điều tra theo đó hệ thống lái tự động của xe Model X đã được dùng lúc xảy ra tai nạn. Dữ kiện ghi lại trong computer của xe cho biết bàn tay của viên kỹ sư 38 tuổi không đặt trên tay lái 6 giây trước khi xảy ra tai nạn ở xa lộ 101.



    https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/te...a-khien-trach/
    Last edited by Lê Nguyễn Hiệp; 04-03-2018 at 10:21 AM.
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  8. #1898
    Bớ bà con! cứu tui với con vơ già nó đánh tui chết mất.

    Đời tàn trong ngõ hẻm.

    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  9. #1899
    Nhớ nhà thờ Đức Bà và Thảo cầm viên thời trước 1975.


    ****

    ‘Sunny Saigon’, ký ức đẹp về Sài Gòn năm 1967 qua ống kính một tình báo Mỹ
    April 5, 2018

    Chụp lúc vừa xuống sân bay của ông nội anh Aaron Tock. (Hình: Aaron Tock cung cấp)

    CHICAGO, Illinois (NV) – Những hình ảnh của Sài Gòn xưa lúc nào cũng nằm trong ký ức không chỉ của những người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ mà còn của những người Mỹ từng đến Việt Nam trong thời chiến tranh. Một người đàn ông nay ở tuổi 79, hiện sống ở Florida, “từng là một nhân viên tình báo,” thông qua cháu ngoại mình, là anh Aaron Tock, muốn chia sẻ với độc giả Người Việt những hình ảnh ở Sài Gòn mà ông đã từng chụp trong khoảng thời gian một năm làm việc tại đây.


    Các bé gái vui cười khi thấy ông ngoại của anh Aaron Tock. (Hình: Aaron Tock cung cấp)

    Anh Aaron Tock, một giáo viên dạy tiếng Anh đang sống ở Chicago, cho biết nhật báo Người Việt biết lý do vì sao ông ngoại anh lại muốn chia sẻ những bức hình này: “Tôi và ông nghĩ rằng những bức hình này có ý nghĩa rất lớn đối với những người Việt từng sống ở Sài Gòn nên chúng tôi muốn chia sẻ những bức hình này để họ nhớ lại những ký ức đó.”

    Anh Tock cho biết anh từng đến nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và từng sống ở Trung Quốc hai năm để dạy tiếng Anh, nên những bức hình này rất có ý nghĩa với anh.


    Sở thú ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn năm 1967. (Hình: Aaron Tock cung cấp)

    Ông ngoại của anh, hiện đang sống ở Florida, vì muốn ẩn danh nên không trực tiếp nói chuyện với phóng viên Người Việt nên phải liên lạc qua anh Tock.

    Ông cho biết tuy nhập ngũ, nhưng ông là “một nhân viên tình báo, không phải ra trận.” Ông kể qua email: “Tôi có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhứt, Sài Gòn vào ngày 19 Tháng Mười Hai năm 1966. Tôi đón xe taxi để đến khách sạn. Nơi này nhìn ra một con đường nhộn nhịp. Tôi rời khỏi Sài Gòn gần đúng một năm sau đó, vào ngày 12 Tháng Mười Hai năm 1967.”


    cụ ông đạp xích lô. (Hình: Aaron Tock cung cấp)

    Nói về vai trò của mình trong quân đội, ngoại của Tock chỉ cho biết ông “là một nhân viên tình báo, đi thu thập thông tin rồi viết báo cáo.” Ông cho biết mình không có quân phục và chưa dùng súng bao giờ.

    “Tôi muốn thấy, muốn nghe được phản hồi của những người từng sống ở Sài Gòn và có ký ức sâu đậm về nơi này, sau khi họ thấy được những bức ảnh này,” ông chia sẻ lý do tại sao ông muốn thông qua người cháu của mình, chia sẻ những bức hình này đến những người từng gắn bó với Sài Gòn.


    Khung cảnh yên bình của Sài Gòn vào năm 1967. (Hình: Aaron Tock cung cấp)

    Cũng theo ông, lý do ông chụp những bức hình này khi đó chỉ nhằm mục đích gửi kèm theo thư về Mỹ cho các cháu trai và cháu gái của ông để họ biết Sài Gòn là một nơi yên bình và gia đình không cần phải lo lắng về ông.

    Trong một năm ở Sài Gòn của mình, ông ngoại của Tock thường hay đi chụp hình. Nhiều lúc ông chụp hình các em nhỏ, rồi hôm sau quay lại gặp các em để đưa tặng tấm hình đó. Vì sống ở đó một năm, ông trở nên rất quen thuộc với thành phố và rất thích chụp hình. Cũng chính vì thế, ý nghĩa của những bức hình này đối với ông là để ông nhớ lại những khung cảnh đẹp đẽ, yên bình của Sài Gòn trong khoảng thời gian mà ông còn ở đó.


    Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn năm 1967. (Hình: Aaron Tock cung cấp)

    Ông chia sẻ một kỷ niệm khó quên: “Nhiều lúc ra đường, bọn trẻ thấy tôi mặc thường phục nên cứ gọi tôi và đồng nghiệp là CIA.”


    Một khu chợ nhộn nhịp ở Sài Gòn. (Hình: Aaron Tock cung cấp)

    Tock cho biết, những bức hình này đã hơn 50 năm tuổi và anh đang có dự định biến những tấm hình này thành một quyển sách có tên “Sunny Saigon”. Như đã nói ở trên, anh và ông ngoại hy vọng những bức hình này sẽ gợi lên được những ký ức đẹp đẽ về Sài Gòn của những con người đã từng sinh sống ở thành phố này.

    Những tấm hình của ông ngoại anh Aaron Tock đã được anh đưa lên trang Facebook của “Sunny Saigon” và trang web http://sunnysaigonbook.com/ ai cũng có thể vào xem. (Thiện Lê)

    https://www.nguoi-viet.com/little-sa...-mot-tinh-bao/
    Last edited by Lê Nguyễn Hiệp; 04-05-2018 at 10:33 PM.
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  10. #1900
    Đám cưới trung bình ở quận cam tốn khoảng $37.000.

    Có đám sài tốn hơn $80.000

    Có đám tiết kiệm chỉ khoảng $5.000

    Đám cưới phải chăng và coi được tốn vào khoảng $20.000.

    Đây là một trong những nhà thờ nổi tiếng tọa lạc tại Sandiego, có nhiều đám cưới đã diễn ra tại đây, tiền mướn nhà thờ $1.000.

    https://www.google.com/maps/uv?hl=en...VPwsy0V_unHkGU


    Hôm nào phải làm lại cái đám cưới thứ nhì kỷ niệm 40 năm.
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 06:58 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh