Register
Page 241 of 332 FirstFirst ... 141191231239240241242243251291 ... LastLast
Results 2,401 to 2,410 of 3313
  1. #2401
    Biệt Thự SauDong's Avatar
    Join Date
    Nov 2013
    Posts
    1,460
    Thiệt tình, đi vắng 1 lúc, về thăm nhà bác, cứ ngỡ là Vũ Như Cẩn, ai dè lại là Duy Tân, đổi mới hết. Vậy là bây giờ bác là The Six Dollar Man rồi hử.

  2. #2402
    Quote Originally Posted by SauDong View Post
    Thiệt tình, đi vắng 1 lúc, về thăm nhà bác, cứ ngỡ là Vũ Như Cẩn, ai dè lại là Duy Tân, đổi mới hết. Vậy là bây giờ bác là The Six Dollar Man rồi hử.
    Tưởng bác SD join navy seal rồi chứ? Tại thấy bác lặn sâu và lặn lâu.
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  3. #2403
    Môt loạt bài sưu tầm về Yakuza ở Nhật.

    ****

    Yakuza
    Yakuza (やくざ hay ヤクザ), thường được biết đến như là gokudō (極道), là một danh từ thường được dùng để chỉ mafia hay các tổ chức tội phạm truyền thống ở Nhật Bản. Ngày nay Yakuza là một trong những tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới.

    Nguồn gốc ra đời và lịch sử phát triển
    Vào thời kỳ các sứ quân (thời kỳ Ê đô) (1603-1867), Yakuza chỉ gồm những nhóm tội phạm nhỏ, chuyên bảo kê cho các chợ phiên sau đó thì làm lính đánh thuê cho các sứ quân. Năm 1881, Yakuza được tập hợp lại trong một tổ chức có tên "Thương hội Biển đen" - chuyên hoạt động trên biển và giết người thuê.

    • Cũng theo một số nguồn tin khác, Yakuza xuất phát từ Samurai, vào thời kỳ Tokugawa (1543 - 1616) người sáng lập ra thời kỳ Mạc phủ Edo đã không cần sử dụng hàng chục vạn Samurai, dẫn tới nhiều người trong số này không có kế sinh nhai, chuyển thành đội quân chuyên cướp phá làng mạc tại những nơi mà họ đi qua trong đất nước, và đây cũng là tiền thân cho tổ chức Yakuza sau này.

    Từ Yakuza ám chỉ: dãy chữ số "8-9-3" (Ya - Ku - San theo âm Hán Nhật onyomi), một phức hợp số căn bản trong một trò chơi Nhật cổ truyền (Hanafuda); Điều này cũng có nghĩa là "vô dụng" hoặc "đồ bỏ" cách chơi bài Hanafuda theo lối đánh 3 cây khi mà 8 + 9 + 3 hợp thành con số 20 (Con số lớn nhất có thể hợp được từ ba lá bài tuy nhiên lại bị tính là thua cuộc. 8 9 3 là cảm giác khi lặn bài được con 8, con 9 rồi mà lại bị dính con 3 thật là vô dụng).

    Cơ cấu tổ chức và các hoạt động
    Là tổ chức phi chính phủ có quy mô lớn trên thế giới, chuyên về các hoạt động thuộc lĩnh vực "thế giới ngầm" và thực thi công lý theo cách riêng của họ.

    Các hoạt động chính
    Yakuza sau khi dần đi vào ổn định tổ chức, thì chúng nặng về mưu lợi kinh tế, thoát ly chính trị, ban đầu Yakuza không dính líu gì đến những nhóm yêu nước trên toàn Nhật Bản. Nhưng đến đầu thế kỷ 20, phong trào công nhân Nhật Bản phát triển mạnh, hàng loạt tổ chức công đoàn mang khuynh hướng chính trị thiên tả được lập nên trong các nhà máy, đe dọa loại bỏ ảnh hưởng và quyền lợi của các nghiệp đoàn đen đã khiến các ông trùm Yakuza hoảng sợ, ngả dần về phía chủ nghĩa dân tộc cực hữu. Chúng nhanh chóng bị hấp dẫn và gia nhập hàng ngũ Kokuryu-kai (Hắc Long giang túy hội), do Ryohei Uchida, người kế tục Mitsuru Toyama trong Huyền Dương xã thành lập năm 1901 (một liên minh của những hiệp hội dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản). Kể từ đó, từ chỗ chỉ là những tên tội phạm đường phố, Yakuza đã chính thức tham gia vào những biến cố chính trị, trở thành những "nhà ái quốc bẩn thỉu" (lời các nhà sử học Nhật) với tôn chỉ hoạt động gồm 3 chống: chống chủ nghĩa tư bản, chống chủ nghĩa cộng sản và chống nền dân chủ kiểu phương Tây.

    Năm 1919, được Toyama thu nạp, những ông trùm Yakuza đã dẫn 60 ngàn "lính" của mình tham gia và làm lực lượng nòng cốt cho tổ chức Dai Nippon Kokusa-kai (Đại Nhật Bản túy hội) do nhà chính trị cực hữu này thành lập, đẩy nước Nhật trượt dài theo khuynh hướng phát xít. Trong vòng 15 năm, từ 1930 đến 1945, Yakuza đã gây ra 29 vụ chính biến, ám sát 2 thủ tướng, 2 bộ trưởng, góp phần đưa nước Nhật nhảy vào vòng xoáy Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 trong tư cách là thành viên phe phát xít.

    Dù có nhiều băng nhóm khác nhau, mỗi băng nhóm lại do những ông trùm khác nhau lãnh đạo, nhưng nhìn chung chúng đều tham gia hoạt động trên các lĩnh vực như kiểm soát thị trường lao động, kiểm soát việc kinh doanh... và đều có những âm mưu tham gia chính trường. Mặc dù có thời gian Yakuza chủ trương không dính líu tới ma túy, không buôn bán, sản xuất nhưng gần đây chúng đã tham gia rất tích cực vào buôn bán ma túy. Ngoài ra, chúng còn chi phối phần lớn lĩnh vực cờ bạc tại Nhật.

    Theo số liệu của cảnh sát Nhật, vào thời hoàng kim, Yakuza Nhật kiểm soát được từ 50 đến 150 tỉ USD ngoài sự kiểm soát của nhà nước, thu lãi khoảng 16 tỉ USD mỗi năm. Chỉ tính riêng Inagawa, "ông trùm của mọi ông trùm", đã nắm trong tay gần 800 doanh nghiệp hợp pháp, thu về mỗi năm 200 triệu USD lợi nhuận, đồng thời được 119 ông trùm khác cống nạp liên tục mỗi người 1.300 USD mỗi tháng.

    Thế lực của Yakuza tiếp cận vào nhiều lĩnh vực khác nhau như tống tiền, cờ bạc, buôn lậu, cho vay nặng lãi, rửa tiền, buôn bán ma túy, lừa đảo, mại dâm... Thành viên Yakuza lên đến 90.000 người, chia thành hàng trăm băng nhóm nhỏ, nhưng nổi bật nhất là băng đảng quyền lực Yamaguchi Gumi. Yamaguchi Gumi là băng nhóm tội phạm lớn nhất thế giới, có đến 20.000 thành viên. Năm 2011, Nhật Bản xôn xao vì ông trùm của băng nhóm được thả sau 6 năm ngồi tù. Dưới sự điều hành của ông trùm này, nhóm Yamaguchi Gumi đã thu về 80 tỷ USD mỗi năm với các hoạt động đánh bạc, buôn bán ma túy và tống tiền.

    Tuy nhiên, có một điều rất lạ là dù thế nào đi nữa, dù có tham gia rất nhiều vào các hoạt động phi pháp nhưng Yakuza lại rất ít dính líu tới các vụ giết người hay thanh toán lẫn nhau. Minh chứng cho điều này: cả nước Nhật cũng chỉ ghi nhận được trên dưới 20 vụ giết người mỗi năm (như năm 1981 có 22 vụ giết người).

    Thành viên và luật lệ

    Yakuza có khoảng 90.000 thành viên, chia thành khoảng 3.000 băng nhóm khác nhau hoạt động khắp nơi trên lãnh thổ Nhật Bản và một số quốc gia khác. Các con số thống kê khác cho thấy sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thành viên Yakuza lên đến 184.000, đông hơn cả quân đội Nhật Bản vào thời điểm lúc bấy giờ.

    Sau đó quân số của Yakuza giảm dần, từ năm 1963 đến 1988 giảm chỉ còn khoảng 8 vạn thành viên. Một người nào đó muốn gia nhập Yakuza sau khi đã đủ các "điều kiện" đều phải trích máu ăn thề và phải xăm mình, thường là những hình như rồng, phượng, núi non, hoa... trên khắp cơ thể.

    Yakuza đang lâm vào một giai đoạn thoái trào chưa từng có: số lượng thành viên sụt giảm mạnh. Số lượng các thành viên Yakuza đã giảm sút liên tục trong 13 năm liền. Theo số liệu của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật, con số này vào năm 2017 là 34.500 người – mức thấp kỷ lục kể từ khi cảnh sát bắt đầu thống kê từ 60 năm trước. Đó là chưa kể số các thành viên chủ chốt của Yakuza chỉ còn khoảng 16.800 người, số còn lại chỉ được coi là các thành viên thuộc loại “bán thường trực”. Các tập đoàn Yakuza lớn nhất hiện nay chỉ còn có Yamaguchi-gumi (4700 người); Sumiyoshi-kai, Kobe Yamaguchi-gumi và Inagawa-kai (chưa đầy 2.000 người).

    Một điều đặc biệt của các thành viên Yakuza giúp ta có thể nhận dạng dễ dàng đó là phần lớn đều có ngón tay út ngắn hơn bình thường hoặc mất hẳn. Nguyên do của điều này là theo luật của mafia Nhật, bất kỳ thành viên nào không hoàn thành lệnh cấp trên, lệnh của các ông trùm đều phải tự chặt một đốt ngón tay út. Những lần vi phạm sau sẽ lần lượt lấy đi những đốt tiếp theo của cả hai ngón tay út và có khi ở những ngón khác. Chính vì thế cho nên phần lớn thành viên Yakuza mang những bàn tay không nguyên vẹn. Tuy vậy, ngày nay, xăm mình và chặt ngón tay chỉ còn mang tính chất nghi thức. Theo thống kê trong những thành viên Yakuza hiện đại, có hơn 90% tên xăm mình, 43% tên có bàn tay cụt ngón, nhiều tên cụt 2 ngón và hơn nữa.

    Ngày nay
    Yakuza do gặp nhiều vấn đề khó khăn về tiền bạc buộc phải liên kết với cả Hangure (ý nói đến các băng nhóm tội phạm đường phố nhỏ lẻ, không thuộc về các tổ chức lớn). Tuy nhiên, thực trạng này chỉ có thể nhận thấy tại các thành phố lớn như Tokyo và Osaka. Còn Yakuza tại các vùng nông thôn còn lâm vào tình cảnh cùng cực hơn.

    Ngoài việc trộm rau quả, Yakuza giờ đây cũng tham gia cả các hoạt động săn bắt trái phép: chẳng hạn như săn lùng hải sâm tại biển Nhật Bản và chuyển lậu sang Trung Quốc. Hiện tại, hình phạt cao nhất cho hoạt động đánh bắt trộm hải sâm chỉ là 6 tháng tù và khoản tiền phạt rất nhỏ là 10 ngàn yên, dù một kilogram hải sâm khô còn cao gấp 3 lần số tiền này. Vì miếng cơm manh áo, nhiều thành viên Yakuza giờ đây cũng không nề hà bất cứ công việc gì từ bán hàng lưu niệm, bói toán, bán tranh giả; thậm chí xin làm nhân viên bảo vệ v.v…
    Chính quyền giải thích tình trạng sụt giảm liên tục là nhờ vào các đạo luật và biện pháp hạn chế mới. Tokyo bắt đầu tích cực đấu tranh chống các phe nhóm tội phạm từ những năm 1990. Đến năm 2011, các biện pháp triệt để nhất được áp dụng, đáng chú ý là quyết định cấm hợp tác với các tổ chức, băng nhóm tội phạm. Theo đó, các công ty bị phát hiện có liên quan đến tội phạm bị tước bỏ các dịch vụ ngân hàng và thu hồi các diện tích thuê mướn.

    Những nguyên nhân riêng tư phổ biến nhất dẫn tới tình trạng rời bỏ Yakuza chính là nỗi lo sợ phải đi tù, cũng như sinh kế đối với những thành viên có gia đình. Trong bất cứ trường hợp nào, chủ yếu vẫn là vấn đề tiền bạc: sau một loạt những lệnh cấm đoán của chính phủ, những thành viên thông thường đến nuôi thân cũng còn gặp khó khăn chứ đừng nói đến chuyện lo cho vợ con.

    Một phần những thành viên Yakuza sau một thời gian hoàn lương vẫn buộc phải quay lại với con đường tội phạm. Nhật Bản hiện vẫn chưa có một hệ thống chính sách giúp những người từng là thành viên của tổ chức Yakuza tái hòa nhập cộng đồng. Sau một thời gian không thể tìm kiếm một công việc lương thiện, nhiều người không còn cách nào khác là quay trở lại với hoạt động tội phạm – có điều chủ yếu tham gia vào những hành động hạ cấp nhất như trộm cướp hay lừa đảo.

    Trên thực tế, Yakuza sẽ khó có thể biến mất hoàn toàn mà chỉ đơn giản lui vào hoạt động kín đáo và bí mật hơn trước cái nhìn của công chúng. Hình ảnh một thành viên Yakuza đã thay đổi rất nhiều từ vài năm qua: không còn là những kẻ với hình xăm khắp người với những ngón tay bị chặt cụt sau những lần mắc lỗi trước ông chủ.

    Một phần nào trong số này đã trở thành những thương gia tháo vát, táo bạo, có quan hệ thân cận với giới chức thượng lưu trong xã hội. Họ điều hành các câu lạc bộ thoát y, cho vay nặng lãi, các cửa hàng bán đồ khiêu dâm, ma túy hay vũ khí. Nói cách khác, các công ty của Yakuza từ vài thập niên qua đã dần dần “hợp pháp hóa” thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực kinh doanh. Chẳng hạn như tại Tokyo, bất cứ ai cũng có thể thưởng thức một tách cà phê, đăng ký đi nghỉ ở nước ngoài, mua thực phẩm, đi xem hòa nhạc, thậm chí học tiếng Anh qua dịch vụ do các công ty của Yakuza cung cấp.

    Ảnh hưởng trong xã hội Nhật Bản
    So với các tổ chức tội phạm như Cosa Nostra ở Ý, Mafia ở Mỹ, Hội Tam Hoàng của người Hoa, thì hoạt động của Yazuka tại Nhật vẫn công khai, tại nhiều thành phố ở Nhật, các hội sở của chúng thường được thể hiện qua các logo và biển báo đặc trưng. Không những thế, Yakuza còn được xem là có mối liên minh chính trị lâu đời với những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu cực đoan.

    Ít người biết rằng, trong hai thảm họa ghê gớm động đất Kobe 1995 và động đất và sóng thần Tōhoku 2011, Yakuza là những người đầu tiên gửi hàng cứu trợ đến cho các nạn nhân của thảm họa. Họ làm điều này một cách lặng lẽ và nhanh chóng hơn nhiều các quan chức chính phủ. Một nhà nghiên cứu về Yakuza cho biết, họ làm điều này hoàn toàn vì thiện nguyện chứ không phải để quảng bá tên tuổi.
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  4. #2404
    Biệt Thự dulan's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    3,165
    ...


    Xin chào Vũ Như Cẩn và quan khách trong nhà anh Hiệp nhé!


    ...


    Dulan xin cám ơn anh Hiệp cho đọc bài sưu tầm về Yakuza ở Nhật bằng tiếng Việt nhé!


    ...




    Tuần thứ 3 năm 2018 dulan cũng có đọc bài về Yakuza trên báo:










    Bài Yakuza trong tuần báo của Thụy Điển:










    ...



    Thân mến và chúc vui
    Dulan


    ...




  5. #2405
    Quote Originally Posted by dulan View Post

    Xin chào Vũ Như Cẩn và quan khách trong nhà anh Hiệp nhé!
    chào Du Lan ghé thăm quán,

    sẽ tiếp tục pót tiếp mấy bài về Yakuza

    và giới thiệu về mấy cuốn phim nói về yakuza hoàn lương.
    Last edited by Lê Nguyễn Hiệp; 11-12-2019 at 01:40 PM.
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  6. #2406
    Yakuza - băng đảng quyền lực nhất Nhật Bản

    • 15:03 25/10/2014

    Ra đời cách đây khoảng 400 năm, Yakuza (Nhật Bản) ngày nay đã trở thành một trong những tổ chức tội phạm nguy hiểm và có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới.



    Một băng đảng Yakuza. Ảnh: Anton Kusters

    Tầng hai của một tòa nhà nhỏ tại quận Ginza, thành phố Tokyo (Nhật Bản), là nơi tọa lạc của một câu lạc bộ tư nhân. Hàng đêm, dưới ánh đèn neon lập lòe, hàng chục người đàn ông trong bộ vét đen thường xuyên lui tới. Tiếng nhạc xập xình, khói thuốc mù mịt, hòa cùng tiếng ồn phát ra từ hàng trăm quả pachinko (một loại bóng nhỏ làm bằng Crom dùng để chơi trên một loại máy đánh bạc giống như máy pinpall) tạo thành một khung cảnh kì dị.

    Vài người đàn ông túm tụm ở một góc thì thào bàn tán chuyện gì đó. Một số khác tỏ vẻ tự đắc trước những người đẹp đang lượn lờ trong căn phòng mù mịt khói thuốc. Người đàn ông lớn tuổi ngồi ở phía cuối căn phòng nom vẻ trịnh trọng. Những thanh niên trẻ vây quanh kính cẩn cúi đầu đáp lại mệnh lệnh và yêu cầu của ông ta bằng những tràng "Hai! Hai!" (Dạ! Dạ!). Hai phụ nữ trẻ, một người mặc một chiếc váy ngắn màu đen và người còn lại mặc trang phục giống như nữ sinh trung học với áo sơ mi trắng và váy xếp ly, ngồi sát hai bên sườn người đàn ông đó. Họ che miệng cười khúc khích mỗi khi những lời cục cằn của ông ta vang lên.

    Đột nhiên, một gã thanh niên trẻ tuổi trong bộ vét sáng bóng bước vào phòng và cúi đầu. Những tiếng xì xào bỗng chấm dứt. Tất cả mọi người trong phòng đều hướng ánh mắt về phía gã. Gã tiến lại gần phía người đàn ông lớn tuổi và không dám ngước mắt lên. Không nói một lời, gã kính cẩn trình lên một thứ gì đó được bọc rất kỹ. Thứ đó không lớn, chỉ nhỏ bằng một mảnh kẹo. Gã dùng cả hai tay và đặt nó cẩn thận lên mặt bàn. Người đàn ông lớn tuổi nhìn chằm chằm vào món đồ trên bàn rồi lại quay sang nhìn ngón tay út bị thương trên bàn tay trái của gã.
    Không khí trong phòng vô cùng căng thẳng cho đến khi người đàn ông lớn tuổi gật đầu và khuôn mặt có vẻ giãn ra một chút. Ông ta lệnh cho thuộc hạ vứt thứ đồ đó. Tuy không ai mở ra nhưng mọi người trong phòng đều biết đó là một đốt ngón tay út của gã thanh niên trẻ.
    Theo luật của Yakuza, mọi thành viên trong tổ chức phạm sai lầm phải tự chặt một đốt ngón tay út. Những đốt tiếp theo của ngón tay đó và những ngón khác trên bàn tay sẽ lần lượt ra đi sau mỗi lần phạm lỗi tiếp theo. Yakuza coi chặt ngón tay là hình thức xin lỗi đối với thủ lĩnh.

    Nguồn gốc và truyền thống
    Hiện nay, nguồn gốc của Yakuza vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Một số người cho rằng, Yakuza là hậu duệ của các Kabuki-mono (những kẻ điên cuồng) ở thế kỷ 17. Kabuki-mono là những samurai lập dị. Họ thường đeo những thanh kiếm dài bên sườn, mặc trang phục, để kiểu tóc và hành động kỳ quặc.

    Các Kabuki-mono còn mang biệt danh là Hatamoto-Yakko (tôi tớ của tướng quân). Trong suốt thời kỳ Tokugawa, một giai đoạn hòa bình ở Nhật Bản, vai trò của các samurai đã thay đổi và không còn quan trọng như trước. Một số kiếm sĩ trở nên tha hóa, biến chất và trở thành quân du thủ du thực, chuyên cướp phá những nơi mà chúng đi qua.

    Tuy nhiên, các Yakuza ngày nay đã bác bỏ giả thuyết này. Họ cho rằng, họ là hậu duệ của các Machi-yokko, những người bảo vệ các ngôi làng khỏi sự đe dọa của các Hatamoyo-Yakko.

    Các Yakuza phân chia thành 3 nhóm chính: Tekiya (những người bán hàng rong trên phố), Bakuto (những con bạc) và Guirentai (lưu manh). Tekiya và Bakuto xuất hiện từ thế kỷ 18 trong khi Gurentai ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi nhu cầu hàng hóa chợ đen phát triển nhanh chóng.

    Theo truyền thống, các Tekiya hoạt động tại các khu chợ trong khi những Bakuto xuất hiện tại các thị trấn và đường lớn. Ngược lại, Gurentai thường dùng các thủ đoạn như đe dọa và tống tiền để đạt được mục đích. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quyền lực của chính phủ Nhật Bản giảm, các Gurentai phát triển mạnh. Chúng đã đẩy tình trạng tội phạm có tổ chức ở đất nước này lên một tầm cao mới về vấn đề bạo lực. Những thanh kiếm truyền thống dần nhường chỗ cho những vũ khí hiện đại.


    Trong tiếng địa phương, "ya" nghĩa là 8, "ku" là 9 và "za" là 3.Ảnh: Anton Kusters

    Yakuza tự hào là tập hợp những kẻ mà xã hội ruồng bỏ và bản thân cái tên "Yakuza" cũng phản ánh sự nhận thức của những con người sống ngoài vòng pháp luật đó về thái độ của xã hội đối với họ. Trong tiếng địa phương, "ya" nghĩa là 8, "ku" là 9 và "za" là 3. Tổng của 3 số đó là 20, số điểm khiến người chơi thua trong trò hana-fuda (bài hoa).

    Hình xăm (thường là hình rồng, phượng, núi non, hoa) là một nét đặc biệt trên người các Yakuza. Đó không phải là một hình xăm bình thường mà là một bức tranh nghệ thuật phủ kín toàn bộ cơ thể, trừ đầu. Để sở hữu những hình xăm cầu kỳ như thế, họ phải trải qua một quá trình đau đớn về thể xác trong hàng trăm giờ. Đây là thử thách đối với khí phách của một đấng nam nhi. Yakuza ở mỗi vùng sở hữu một số dạng hình xăm khác nhau. Chẳng hạn, Yakuza ở thủ đô Tokyo chỉ xăm trên tay và lưng.

    Trong con mắt của người phương Tây, phong cách trang phục theo kiểu băng nhóm từ những năm 1950 của Yakuza trông có vẻ khôi hài. Chúng ưa chuộng những bộ đồ bó sát và sáng bóng, những đôi giày mũi nhọn và mái tóc hơi dài vuốt gel - phong cách thời trang đã lỗi thời ở Mỹ. Họ cũng thích các loại xe lớn và sang trọng như Cadillac và Lincoln.

    Không giống các nhóm tội phạm có tổ chức khác trên thế giới, Yakuza không thích ẩn mình. Trong thực tế, ở hầu hết các thành phố của Nhật Bản, các câu lạc bộ và trụ sở của Yakuza thường được đánh dấu rõ ràng với các dấu hiệu và biểu tượng đặc trưng.

    Yakuza có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với xã hội Nhật Bản và được cho là có mối liên kết chính trị lâu đời và bên chặt với những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu. Không chỉ vậy, quyền lực của Yakuza còn vươn tới các quốc gia khác tại châu Á và Mỹ.

    Thứ bậc và sự quản lý
    Cũng giống như Mafia, cấu trúc quyền lực của Yakuza trải ra theo hình kim tự tháp với một tộc trưởng đứng đầu và sau đó là các thuộc hạ trung thành với các cấp bậc khác nhau. Hệ thống thứ bậc của Mafia tương đối đơn giản. Capo (ông chủ) điều hành tổ chức dưới sự trợ giúp của các trợ thủ thân cận và cố vấn. Tiếp đến là những thủ lĩnh quản lý một đám thuộc hạ (những kẻ chưa phải là Mafia chính thức) và các đầu mối làm ăn.
    Hệ thống của Yakuza cũng tương tự như vậy nhưng phức tạp hơn. Nguyên tắc cơ bản trong một tổ chức Yakuza là mối quan hệ oyabun-kobun. Oyabun nghĩa là "vai trò người cha" và Kobun nghĩa là "vai trò người con". Khi một người bước vào thế giới của Yakuza, anh ta phải chấp nhận mối quan hệ này. Anh ta phải nguyện trung thành và tuân phục lệnh của ông trùm. Các Oyabun, giống như những người cha tốt, có trách nhiệm bảo vệ và chỉ dạy cho người con. Tuy nhiên, người Nhật có câu: "Nếu ông chủ của bạn nói rằng con quạ bay qua màu trắng thì bạn cũng phải đồng ý". Yakuza cũng vậy. một Kobun phải biết trở thành một teppedama (viên đạn) của Oyabun.

    Các cấp quản lý trong tổ chức Yakuza phức tạp hơn nhiều so với Mafia. Dưới Kumicho (ông trùm) là Komon saiko (cố vấn cao cấp) và Sohonbucho (các thủ lĩnh). Wakahashira (nhân vật số hai) là những sếp của một khu vực và chịu trách nhiệm quản lý nhiều băng nhóm. Phụ tá cho Wakahashira là Fuku-honbucho, người đứng đầu một vài băng nhóm. Sếp của các địa bàn nhỏ hơn gọi là Shateigashira, thường được phụ tá bởi Shateigashira-hosa. Một bang Yakuza điển hình sẽ có hàng chục Shatei (đàn em) và nhiều Wakashu (sếp nhỏ).

    Khi một ai đó gia nhập vào giới Mafia, người này sẽ phải thực hiện một nghi lễ: chích máu và bôi lên bức tranh của một vị thánh. Sau đó, thành viên mới sẽ cầm bức tranh trên tay. Những người khác sẽ châm lửa. Với bức tranh đang bốc cháy trên tay, anh ta sẽ đọc lời thề trung thành với tổ chức.

    Trong lễ kết nạp của Yakuza, máu sẽ được thay bằng rượu sake. Oyabun và thành viên mới sẽ ngồi đối diện với nhau. Azularinin (người bảo lãnh) sẽ chuẩn bị rượu. Rượu sake này sẽ được pha với muối và vảy cá, rồi rót ra cốc. Cốc của Oyabun được rót đầy đến miệng, tượng trưng cho địa vị của ông ta; cốc của thành viên mới thì ít hơn rất nhiều. Họ uống một chút rồi đổi cốc, người này uống của người kia. Khi đó, người xin gia nhập đã chứng tỏ được sự tận tụy của mình đối với ông trùm. Kể từ lúc đó, vợ con của anh ta cũng phải tuân theo các nghĩa vụ đối với tổ chức.


    Nếu một Yakuza khiến ông chủ của anh ta không hài lòng hoặc thất vọng, anh ta sẽ phải cắt bỏ một đốt ngón tay. Ảnh: Anton Kusters

    Nếu một Yakuza khiến ông chủ của anh ta không hài lòng hoặc thất vọng, anh ta sẽ phải cắt bỏ một đốt ngón tay. Khi đó, cấp trên trực tiếp sẽ đưa cho anh ta một con dao và một sợi dây để cầm máu và không nhất thiết phải nói bất cứ lời nào. Nguồn gốc của hình phạt này liên quan đến thời của những samurai. Vào thời đó, những kiếm sĩ cần một bàn tay khỏe để cầm chắc thanh kiếm dài. Trên bàn tay, ngón út là ngón tay hữu dụng nhất đối với việc này và tiếp đến lần lượt là các ngón đeo nhẫn, ngón giữa và ngón trỏ. Với một bàn tay mang thương tật, kiếm sĩ sẽ trở nên phụ thuộc vào sự bảo hộ của chủ nhân. Ngày nay, nghi lễ cắt đốt ngón tay chỉ còn mang tính tượng trưng và là dấu hiệu chỉ ra những Kobun từng phạm lỗi.

    Giống như Mafia, trong những năm gần đây, Yakuza buộc phải hạ thấp tiêu chuẩn trong việc thu nhận thành viên mới. Kết quả là một số người cảm thấy rằng tổ chức của họ không còn mạnh mẽ như xưa. Trong quá khứ, những kẻ được tuyển chọn thường xuất thân từ các Bakuto và Tekiya. Nhưng ngày nay, mọi thứ gần như đã thay đổi. Hầu hết các thành viên mới hiện nay đều là những con ma tốc độ luôn mang tư tưởng nổi loạn và sẵn sàng phạm tội để phục vụ cho Oyabun. Chính vì thế, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã đánh đồng Yakuza với những loại tội phạm khác. Đây là một sự xúc phạm đối với những Yakuza coi mình là hậu duệ của các samurai thời xưa.
    Kinh doanh

    Thế lực của Yakuza tiếp cận vào nhiều lĩnh vực khác nhau như tống tiền, cờ bạc, buôn lậu, cho vay nặng lãi, rửa tiên, buôn bán ma túy, lừa đảo, mại dâm,...

    Các công việc kinh doanh liên quan đến sex là một miếng ngon béo bở đối với Yakuza. Chúng thường xuyên "vận chuyển" các bộ phim và tạp chí khiêu dâm từ Mỹ và châu Âu vào Nhật Bản cũng như tổ chức các đường dây "gái gọi". Những kẻ sống ngoài vòng pháp luật này mua các bé gái từ Trung Quốc, đất nước trọng nam khinh nữ và lưu hành chính sách một con, để phục vụ trong các quán bar, nhà hàng và hộp đêm.

    Ngoài Trung Quốc, nguồn gái mại dâm của Yakuza còn đến từ Philippines. Chúng dùng những lời mời gọi hấp dẫn về một công việc với mức lương cao để lừa các cô gái nghèo và nhẹ dạ. Sau khi đến Nhật Bản, những cô gái này sẽ làm những công việc như gái điếm hoặc vũ nữ thoát y. Tuy bị lừa, nhưng họ thường không phản ứng với những kẻ đã lừa họ bởi số tiền mà họ kiếm được tại đây nhiều hơn nhiều lần số tiền mà họ kiếm được ở quê. Mỗi khi gửi tiền về nhà, những cô gái này thường nói rằng họ đang làm nhân viên lễ tân tại Nhật.

    Sex tour cũng là một phương hướng kinh doanh béo bở. Yakuza thường xuyên tổ chức các sex tour mà địa điểm tới là các thành phố như Bangkok, Manila và Seoul.

    Ngoài ra, Yakuza cũng hứng thú với việc buôn bán súng, mặc dù mặt hàng này bị cấm tại đất nước mặt trời mọc. Nguồn hàng thường đến từ các nước phương Tây và phương thức thanh toán là trao đổi ma túy lấy vũ khí.

    Tống tiền cũng là một "hình thức kinh doanh" hái ra tiền. Thông qua "hình thức kinh doanh này", các Yakuza kiếm được hàng triệu USD mỗi năm. Để công việc được trôi chảy, chúng thường thu thập các thông tin bí mật mà công ty hoặc những người đứng đầu muốn giấu, đặc biệt là các hành động vi phạm pháp luật. Sau đó, chúng sẽ liên lạc với quản lý của công ty và đe dọa sẽ tiết lộ những thông tin xấu hổ đó nếu công ty không chịu "bồi thường" một khoản. Như vậy, giám đốc điều hành của công ty thường chấp nhận các yêu sách mà Yakuza yêu cầu.

    Tuy nhiên, Nhật Bản là nơi mà sự thẳng thắn đôi khi đồng nghĩa với sự thô lỗ. Chính vì vậy, các Yakuza cũng tốn khá nhiều công sức để các yêu sách của chúng nom vẻ "khả ái" nhất. Một trong những phương thức ưa thích của những kẻ sống ngoài vòng pháp luật này là lập ra các tờ tạp chí hoặc tổ chức các sự kiện và yêu cầu sự tài trợ hoặc tham gia của các công ty mà chúng đang uy hiếp. Như vậy, chúng có thể "rút" tiền từ các công ty một cách tương đối hợp pháp và lịch sự.
    Last edited by Lê Nguyễn Hiệp; 11-13-2019 at 02:57 PM.
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  7. #2407
    Làn sóng hoàn lương của các thành viên băng đảng yakuza ở Nhật Bản

    • Chi Lê
    • 16:02 03/06/2018

    “Tôi tham gia xã hội đen từ khi còn thiếu niên. Trong suốt thời gian bị giam giữ, tôi luôn ấp ủ mong muốn thoát khỏi con đường lầm lỡ”, Yasumasa Aoki, cựu thành viên mafia chia sẻ.
    Nhắc lại quá khứ vào tù ra tội, Yasumasa Aoki dường như có chút dè chừng và lảng tránh.

    Từng là thành viên thân tín của băng đảng yakuza khét tiếng Inagawa-kai, người đàn ông 69 tuổi này khẳng định mới chỉ thực hiện một vụ bắt cóc. Ông Aoki phân trần rằng vụ việc đã được giải quyết ổn thỏa.

    Trả giá bằng bản án tù 15 năm, dường như ông muốn chôn chặt quá khứ và giúp đỡ những tội phạm hoàn lương.
    Kêu gọi tội phạm hoàn lương: Lời thách thức với các yakuza

    “Tôi tham gia xã hội đen từ khi còn thiếu niên. Trong suốt quãng thời gian bị giam giữ, tôi luôn ấp ủ mong muốn thoát khỏi con đường lầm lỡ”, ông chia sẻ.

    Giờ Aoki tự tin bản thân đủ bản lĩnh để vượt qua mọi cám dỗ. Tháng 1/2014, ông mạnh dạn thành lập Olive House, văn phòng trợ giúp cho những người gặp rắc rối với chính quyền. Tọa lạc ở thành phố Kumamoto, văn phòng luôn mở cửa chào đón cả những tên “đầu trộm đuôi cướp” có quyết tâm từ bỏ nghiệp đâm thuê, chém mướn.



    Những người xăm mình ở Nhật Bản được coi là có mối liên hệ với xã hội đen. Ảnh: AFP.

    “Nhiều người bị kết án tù, nhưng lại thấy mất phương hướng khi được trả tự do. Điều đó vô tình khiến họ dễ sa ngã, phạm tội trở lại”, Aoki bộc bạch với chuyên trang This Week in Asia của SCMP.

    “Tôi muốn giúp đỡ họ, dù ít hay nhiều. Olive House có thể không phải là nơi đủ an toàn để họ trú tránh lâu dài, song cơ sở vật chất đầy đủ đảm bảo cho họ cuộc sống yên ổn. Là một người theo đạo cơ đốc, tôi mong rằng sẽ cống hiến đến hết phần đời còn lại của mình”, ông Aoki nói.

    SCMP đánh giá đây là quyết định dũng cảm, có phần liều lĩnh của ông Aoki. Một luật bất thành văn của thế giới ngầm là người lôi kéo các thành viên rời bỏ băng đảng sẽ bị trả thù. Trong khi đó, thành viên bất tín cũng bị chịu hình phạt dã man như cắt ngón tay. Thậm chí, họ có thể bị đánh đập tới chết.

    Được thành lập từ năm 1949 ở thị trấn vùng biển thuộc Atami, băng đảng Inagawa-kai nhanh chóng kiểm soát các ngành nghề nhạy cảm trong khu vực. Thành viên của Inagawa-kai kiếm sống chủ yếu từ các hoạt động phi pháp như cờ bạc, ma túy, tống tiền và mại dâm. Chúng cũng không ngần ngại đối đầu với đối thủ khi tranh giành địa bàn, khiến hàng chục cuộc đụng độ đẫm máu xảy ra trong nhiều năm qua.


    Sau 14 năm ẩn náu, ông trùm yakuza Nhật Bản Shigeharu Shirai bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ. Ảnh: AFP.

    Số băng đảng yakuza suy giảm kỷ lục

    Nhận tài trợ từ các tổ chức tôn giáo và chính phủ, Olive House giúp được khoảng 71 người, bao gồm cả những phạm nhân đang thi hành án treo và thành viên của các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Ngoài việc cung cấp nơi cư trú trong khoảng 6 tháng, Aoki còn giúp họ tìm kiếm việc làm ổn định.

    Tuy nhiên, người thành lập Olive House thừa nhận rằng 10% khách hàng của họ tái phạm tội. Mới đây, cảnh sát Nhật Bản quyết tâm lùng sục hoạt động của thế giới ngầm. Ông Aoki tin rằng những nỗ lực của mình sẽ hỗ trợ đắc lực cho cảnh sát.

    “Động thái của cảnh sát cho thấy tội phạm đang gặp khó khăn khi sống nương nhờ vào các tổ chức ngầm. Yakuza sớm muộn cũng không thể trụ vững nổi”, ông nói.

    Theo thống kê của Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số lượng các băng đảng yakuza liên tục giảm trong suốt 13 năm qua và hiện ở mức thấp kỷ lục, khoảng 34.500 nhóm trong năm 2017. Trong khi đó, vào năm 1964, Nhật Bản có hơn 184.000 băng đảng hoạt động khắp cả nước.

    Bên cạnh đó, số lượng thành viên các băng đảng giảm khoảng 4.600 người năm 2017, còn khoảng 16.800 thành viên cốt cán. Trong đó, 17.700 người được xác định là thành viên không thường xuyên hoặc kết nối lỏng lẻo với hoạt động của yakuza.


    Vào thế kỷ 17, các băng đảng yakuza thực chất là những nhóm samurai không liên kết. Những nhóm này đưa ra nhiều nguyên tắc ứng xử nghiêm ngặt, chặt chẽ.

    Sau đó, do hoạt động biến tướng, cảnh sát chính thức gọi chúng là “băng đảng bạo lực”. Thành viên xăm hình toàn thân, bảo kê cho các tụ điểm chơi sòng bạc, mại dâm, cũng như buôn bán vũ khí, ma túy ở các thành phố lớn.

    Trong vài thập kỷ qua, giới chức Nhật Bản có nhiều nỗ lực để triệt phá hoạt động của các băng đảng yakuza. Tuy nhiên, nhiều yakuza thành lập những công ty bình phong trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, tài chính, để lấy cái mác hợp pháp. Bọn chúng cũng tìm kiếm nhiều cơ hội phát triển ở thị trường nước ngoài, như tại Mỹ và Đông Nam Á, dù sự hợp tác quốc tế chống tội phạm xuyên biên giới dần là bước cản lớn.

    Tại xứ sở hoa anh đào, Yamaguchi-gumi vẫn là băng đảng yakuza độc lập lớn nhất, ước tính sở hữu 4.700 thành viên cốt cán. Nhóm liên kết Kobe Yamaguchi-gumi có 2.500 thành viên nòng cốt, trong khi đó, Sumiyoshikai có quy mô nhỏ hơn khoảng 2.900 cộng tác viên.
    Người dân tạo sức ép, chính quyền thưởng tiền

    Thống kê của cảnh sát còn chỉ ra rằng thành viên của các yakuza có liên quan 17.737 vụ án hình sự vào năm 2017, trong đó có 4.693 vụ ma túy, 2.095 các tai nạn thân thể (tra tấn, giết người) và 1.974 vụ trộm cắp.

    Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng sửa đổi luật, yêu cầu thủ lĩnh các băng đảng phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu thành viên có hành vi giết người hoặc vi phạm pháp luật. Điều này có nghĩa các thủ lĩnh không thể đứng ngoài vòng pháp luật và phải chịu trách nhiệm với mọi hoạt động của băng đảng.

    Người dân Nhật Bản ngày càng thể hiện rõ quan điểm, sẵn sàng đứng lên chống lại yakuza. Thậm chí, người dân còn tạo sức ép để các băng đảng đóng cửa văn phòng trong các khu dân cư, do sự ảnh hưởng tới đời sống.


    Cảnh sát Nhật Bản thống kê thành viên của các yakuza có liên quan 17.737 vụ án hình sự vào năm 2017. Nguồn: Cơ quan Cảnh sát Nhật Bản. Đồ họa: Trà My.

    Chính quyền địa phương cũng có nhiều động thái sáng tạo, nhằm giảm liên kết chặt chẽ giữa yakuza và thành viên.

    Fukouka nổi tiếng là địa bàn hoạt động rầm rộ của nhiều yakuza. Vào tháng 2, nhà chức trách vùng này đã thiết lập chương trình hỗ trợ tài chính cho các thành viên băng đảng bị bỏ rơi hoặc muốn hoàn lương. Chính quyền tỉnh Fukouka dành 4,2 triệu yên (gần 39.000 USD) trong ngân sách hàng năm, chi trả cho các dịch vụ ăn ở, đi lại, phí tham dự lễ hội việc làm cho các thành viên yakuza.

    "Những tên côn đồ ở Fukouka và phía bắc Kuyshu rất liều lĩnh, chính quyền địa phương vẫn treo thưởng 1.000 USD cho những ai tự nguyện giao nộp lựu đạn. Vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi sáng kiến này giúp làm giảm số lượng xã hội đen", Jake Adelstein, phóng viên Mỹ chuyên trách về Nhật Bản của Vice, chia sẻ và cho rằng có thể thấy biện pháp này đang có tác động tích cực, dẫn đến nhiều tổ chức xã hội đen phải tan rã.

    Bên cạnh đó, nhiều tòa án ở Nhật Bản đang nỗ lực để làm giảm ảnh hưởng tiêu cực của các băng nhóm lên cộng đồng xã hội. Tòa án Gia đình Tokyo cẩn trọng thực hiện từng bước để thay đổi danh tính của những người đồng ý cung cấp thông tin mật cho cảnh sát.

    Cần phải nói rằng việc đổi thông tin cá nhân trong sổ hộ khẩu là việc làm khá miễn cưỡng với chính quyền Nhật Bản. Song, vì sự an nguy của người cung cấp thông tin, tòa án chấp nhận thay đổi tên họ của một vài trường hợp đặc biệt, nhằm che giấu danh tính thực sự và đảm bảo an toàn cho họ. Nỗ lực này kéo dài vài năm, bởi Tòa án Gia đình Tokyo cho rằng nó có thể “gây nhầm lẫn trong xã hội".

    Những người này thường là thành viên lâu năm của các băng đảng yakuza ở Tokyo. Nhờ sự thuyết phục của cảnh sát, họ đồng ý trở thành những “nguồn tin thân cận”. Họ được đặt một cái tên tạm thời và sống trong sự bảo vệ gắt gao của cảnh sát.
    Last edited by Lê Nguyễn Hiệp; 11-14-2019 at 02:23 AM.
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  8. #2408
    Băng đảng mafia Nhật "sống dở chết dở", bị bủa vây không lối thoát
    Thứ Năm, ngày 09/05/2019 14:00 PM (GMT+7)

    Số thành viên băng đảng mafia Nhật Bản, hay còn gọi là Yakuza, đã giảm liên tục ở mức 10% mỗi năm, từ năm 2011, theo số liệu của cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật.
    Sự kiện:

    Tin tức Nhật Bản


    Thành viên băng đảng mafia Nhật không còn đất sống.

    Theo Japan Times, có nhiều lý do cho sự sụt giảm mạnh này, một phần là sự mạnh tay truy quét của cảnh sát Nhật.

    Các thành viên băng đảng giờ đây không còn nơi để nương náu. Nhiều kẻ bị bắt chỉ vì cố gắng che giấu danh tính hoặc che giấu bằng chứng phạm tội.

    Theo Sở Cảnh sát Osaka, năm ngoái, một số thành viên băng đảng Yamaguchi-gumi, tổ chức mafia ớn nhất Nhật Bản, đã tấn công thành viên băng đảng đối thủ trên đường phố. Hình ảnh về màn ẩu đả được camera an ninh ghi lại chi tiết.

    Cảnh sát sau đó bắt 5 thành viên băng Yamaguchi-gumi về tội cố ý gây thương tích và yêu cầu băng đảng này tự nguyện giao nộp bằng chứng nhưng băng đảng này từ chối tuân thủ yêu cầu.

    Sau khi xin được lệnh khám xét, cảnh sát đột kích văn phòng của băng đảng Yamaguchi-gumi. Nhưng các bằng chứng đều đã bị phi tang. Tháng 11 năm ngoái, cảnh sát Osaka bắt thêm 11 thành viên băng Yamaguchi-gumi về tội cố ý tiêu hủy bằng chứng và phạm tội có tổ chức.

    Một cựu quan chức cảnh sát Nhật, chuyên điều tra những vụ án phạm tội hình sự có tổ chức, nói việc khởi tố các thành viên băng đảng về tội tiêu hủy bằng chứng là biện pháp mới đánh vào các băng đảng Yakuza.

    "Có thời gian tình trạng bạo lực giữa các băng đảng bị làm ngơ. Bằng cách khởi tố các thành viên băng đảng, chúng tôi cũng đang gây thêm áp lực cho tội phạm, buộc chúng phải thú nhận tội ác, giống như thời kỳ trước đây", quan chức cảnh sát nói.

    Năm 2011, Nhật Bản đã áp dụng nhiều quy định chống tội phạm có tổ chức, bao gồm hình sự hóa hành vi bảo kê của các băng đảng. Các ngân hàng, công ty bất động sản cũng bị cấm giao dịch với băng đảng phạm pháp.

    Chỉ cần đăng ký thẻ tập gym, người tham gia cũng phải xác nhận rằng mình không phải là thành viên Yakuza. Nếu bị phát hiện nói dối, người xác nhận có thể bị bắt vì tội lừa đảo.

    Theo tờ Yomiuri Shimbun, 59/120 ngân hàng của Nhật đã hủy hợp đồng với các thành viên băng đảng. Hơn 1.300 tài khoản ngân hàng cũng bị đóng vì chủ tài khoản là thành viên Yakuza.


    Các mafia Nhật đi đến đâu cũng bị xa lánh.

    Một số thành viên băng đảng mafia Nhật cho rằng, các quy định trên vi phạm quyền con người, nhưng tòa án Nhật bác bỏ. Trong một vụ việc, tòa án Fukuoka đã ra phán quyết rằng “các quy định là điều cần thiết để hạn chế những hoạt động kinh tế của băng đảng cũng như hạn chế thành viên băng đảng thâu tóm tài sản”.

    Quan trọng hơn, tòa án Nhật nói về việc đảm bảo hòa bình và an ninh xã hội. Do đó, các quy định là hoàn toàn hợp pháp.

    Trong những năm qua, các thành viên băng đảng mafia Nhật rơi vào tình trạng bế tắc. Nếu cố ý che dấu danh tính hoặc bằng chứng, họ sẽ bị bắt. Nếu để lộ thân phận, họ không thể mở tài khoản ngân hàng, thuê xe hay thuê phòng khách sạn.

    Các thành viên băng đảng cũng đối mặt nguy cơ bị bắt nếu che giấu thu nhập thực tế. Tháng 7.2018, thủ lĩnh băng Kudo-kai ở Kitakyushu, tỉnh Fukuoka, bị kết tội trốn thuế lên tới 3 triệu USD. Y bị tuyên án 3 năm tù giam và bị phạt 80 triệu yen.

    Tòa cho rằng các khoản tiền bảo kê mà băng Kudo-kai kiếm được từ công ty xây dựng là tiền phạm pháp. Một phần khoản tiền này được chuyển trực tiếp cho thủ lĩnh. Tháng 1.2019, một thành viên băng đảng đã 60 tuổi, bị cảnh sát bắt giữ vì che giấu thân phận. Người này khi đó làm việc cho một bưu điện và đã ký xác nhận rằng mình không phải thành viên băng đảng tội phạm.

    Chỉ sau 4 ngày, người này thừa nhận mình là thành viên một băng đảng và nghỉ việc. Tuy vậy, người đàn ông 60 tuổi vẫn bị bắt.
    Năm ngoái, đài truyền hình NHK dẫn lời một cựu thủ lĩnh yakuza ở vùng Tokai, nói rằng không còn đường làm ăn nên một số thành viên băng đảng thậm chí phải hái trộm nông sản để bán kiếm tiền.

    Theo thống kê của cảnh sát Nhật, chỉ 2,6% các cựu thành viên băng đảng Yakuza là có công ăn việc làm.
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  9. #2409
    Đường cùng của yakuza

    Nhật BảnYakuza kiếm thu nhập bằng tống tiền, bảo kê, môi giới mại dâm, ma túy nhưng giờ họ phải làm điều "tầm thường" hơn: đánh bắt cá trộm.

    Các thành viên của một nhóm yakuza bị cảnh sát bắt vào tuần này, sau khi bị phát hiện đánh bắt trái phép cá và sò ốc ngoài khơi tỉnh Nagasaki, tây nam Nhật Bản. Giới chức cho biết các thành viên băng đảng đã mượn thiết bị lặn biển để thu thập sò ốc và đánh bắt trộm trong khu vực này ít nhất ba năm.
    Cảnh sát cho rằng số thủy hải sản yakuza đánh bắt được bán cho một nhà hàng ở thành phố Nagasaki do họ hàng của một kẻ có vai vế trong thế giới ngầm quản lý. Nhà hàng này báo cáo doanh thu hàng năm là 2,8 triệu USD.

    Jake Adelstein, ký giả chuyên viết về thế giới tội phạm, cho biết cảnh sát từ lâu đã biết về sự tham gia của các băng đảng trong ngành đánh cá nhưng đã nhắm mắt làm ngơ cho đến khi tác giả Tomohito Suzuki năm nay phát hành cuốn sách "Cá và Yakuza: Cách thức tổ chức tội phạm kiếm tiền bằng đánh bắt trộm".

    Các băng đảng đã đánh bắt cá trái phép trong một thập kỷ sau khi cảnh sát nhắm vào các nguồn thu nhập truyền thống của họ, đặc biệt khi luật được đưa ra vào năm 2011, cấm trả tiền bảo kê cho xã hội đen", ông nói. "Mọi người ngừng trả tiền bảo kê vì họ có thể bị bắt. Thay đổi này đã cắt đứt nguồn thu lớn cho các băng đảng".

    Khi thế giới ngầm đột nhiên phải vật lộn để kiếm sống, các thành viên lựa chọn rời đi hoặc đa dạng hóa hoạt động. Nhiều người chọn cách thứ nhất. Số thành viên yakuza giảm xuống mức thấp kỷ lục 34.500 vào năm 2017, theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật. Nước này từng có 184.000 yakuza năm 1964.

    Một số người cố gắng chen chân vào các ngành hợp pháp, tuy nhiên, xã hội Nhật ngày càng khó chấp nhận họ "hoàn lương".

    "Rõ ràng họ không thể tự tung tự tác phạm tội như ngày xưa mà không bị trừng phạt. Tôi cho rằng các băng đảng yakuza đang bị dồn đến đường cùng", Mieko Nakabayashi, cựu chính trị gia hiện là giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Waseda, nói.

    "Họ đã cố gắng thay đổi để hòa nhập vào cộng đồng, không chỉ công việc mà còn cả cách ăn mặc", bà nói. Trước đây người ta có thể dễ dàng nhận ra yakuza với cách ăn mặc điển hình: áo hoạ tiết lòe loẹt, quần rộng thùng thình, giày da, đồng hồ đeo tay lớn, nhiều đồ trang sức, kính râm và tóc uốn xoăn. Yakuza giờ đây không còn diện mạo như vậy nữa.

    Do đối mặt với phản ứng dữ dội từ công chúng và chính quyền, các thành viên băng đảng giờ kín tiếng hơn và gần như không thể phân biệt được với những người Nhật Bản bình thường.

    Mặc dù người Nhật lớn tuổi có thể vẫn e dè các thành viên băng đảng, người trẻ coi họ như những kẻ hết thời. "Họ không còn sợ yakuza nữa và sẽ ngày càng có nhiều người giữ thái độ đó", Nakabayashi nói.

    Mặc dù cảnh sát gần đây thực hiện vụ bắt yakuza ở Nagasaki, Adelstein cho rằng nỗ lực truy đuổi yakuza đang chững lại để tránh báo chí quốc tế đưa tin tiêu cực trước khi Tokyo tổ chức Thế vận hội Olympic vào mùa hè tới. Khi Thế vận hội kết thúc, chính quyền sẽ đẩy mạnh chiến dịch để xóa sổ những phần tử họ coi là "phản xã hội".

    "Trước hội nghị thượng đỉnh G7 tại Osaka hồi tháng 6, chính quyền đã đánh tiếng với các băng đảng trong thành phố rằng họ không muốn có bất kỳ vấn đề nào trước thềm hoặc trong thời gian diễn ra sự kiện", Adelstein nói. "Nhật không muốn báo chí đưa tin tiêu cực. Và đó chính xác là những gì đã xảy ra, sự kiện trôi qua yên bình".

    "Sau hội nghị thượng đỉnh, ba băng đảng đang tranh giành địa bàn ở Osaka lại tiếp tục đấu đá nhau, nhưng chính quyền đã nới lỏng chiến dịch chống lại thế giới ngầm trước thềm Thế vận hội. Điều họ không muốn nhất là những hình ảnh yakuza bắn nhau hoặc đụng độ với cảnh sát xuất hiện trên khắp phương tiện truyền thông thế giới".

    "Nhưng một khi thế vận hội kết thúc, cảnh sát sẽ không án binh bất động nữa", Adelstein nói. "Họ sẽ dốc hết sức để truy đuổi băng đảng nhằm triệt tiêu họ".

    Phương Vũ (Theo SCMP)
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  10. #2410
    Cuộc đời đầy bi kịch của con gái ông trùm băng đảng khét tiếng nhất Nhật Bản

    Chan, Theo Helino 21:45 28/01/2019

    Sinh đã mang số mệnh gắn liền với Yakuza, Shoko Tendo không ngờ rằng chính điều đó đã tạo nên những tháng ngày địa ngục trong suốt thời kỳ tuổi trẻ của cô, khi bị chính cha ruột ép làm nô lệ tình dục.

    Chắc hẳn ai cũng từng nghe đến cái tên Yakuza - thường được dùng để chỉ mafia hay các tổ chức tội phạm truyền thống ở Nhật Bản. Ngày nay Yakuza là một trong những tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới. Băng đảng này nổi tiếng với những phi vụ giết người vô cùng tàn bạo, mua bán nội tạng và nghi thức cắt ngón tay út của thành viên như một cách trừng phạt khiến người khác dựng tóc gáy.

    Không giống như trong bộ phim truyền hình, con gái của những ông trùm Mafia đều là các cô tiểu thư giàu có, sang chảnh và được nhiều người cung phụng. Shoko Tendo, con gái của ông trùm băng đảng liên minh với Yamaguchi-gumi, tổ chức Yakuza đông đảo nhất Nhật Bản ngoài đời thực đã phải sống một cuộc đời đầy bi kịch và nước mắt.
    Tuổi trẻ đau thương

    Kể từ khi còn bé, Shoko Tendo đã thường xuyên phải chứng kiến những cảnh sát phạt đáng sợ trong bang hội của người cha bạo lực. Ông ta từng đánh đập một thuộc hạ ngay trước mặt vợ và con gái, dù người đó đã chặt ngón tay út để tạ tội. Hình ảnh kinh khủng đó đã in sâu vào trí óc non nớt của cô bé Tendo 6 tuổi.

    Không những vậy, phụ nữ có rất ít quyền hạn trong các băng đảng Yakuza. Các thành viên thậm chí sẵn sàng để vợ và con gái mình biến thành nô lệ tình dục, phục vụ cho thú tiêu khiển của tất cả những người được coi là "anh em" trong băng đảng. Và cô gái Tendo đáng thương khi ấy còn rất trẻ cũng không thoát khỏi số phận nghiệt ngã, bị chính cha ruột mình để cho những chủ nợ của ông ta thay nhau cưỡng hiếp như một hình thức chi trả.

    Sau này, khi kể lại những kí ức đau thương trong cuốn hồi ký của mình, Shoko Tendo vẫn không thể quên được sự đau đớn khi bị làm nhục, đánh đập không thương tiếc với những vết thương nặng, bầm tím, chảy máu khắp cơ thể. Mà thủ phạm không ai khác lại chính là những người anh em của cha cô.


    Phía sau những vết xăm chi chít trên thân mình là cả một thời niên thiếu đầy nổi loạn nhưng cũng nhiều đau khổ của Tendo
    Vết trượt dài của con gái ông trùm Mafia

    Không được lựa chọn nơi mình sinh ra, Tendo còn thường xuyên đối mặt với định kiến và sự xa lánh của bạn bè trong trường học vì là con gái của ông trùm Yakuza. Cô tỏ ra bất cần và buông thả bằng cách gia nhập một băng đảng khác, bị chúng cho sử dụng ma túy để biến cô thành con nghiện. Tendo sau đó còn cặp bồ với một số tên xã hội đen và khi chưa đến tuổi trưởng thành, cô đã kết hôn với một thành phần bất hảo. Tuy nhiên mối quan hệ này cũng không kéo dài được bao lâu.

    Phải đến khi trải qua những trận đòn tàn nhẫn đến thừa sống thiếu chết, suýt mất mạng vì sử dụng ma túy quá liều, cô gái 19 tuổi ngày đó mới tỉnh ngộ và quyết định thay đổi cuộc sống của mình. Giờ đây khi là một người phụ nữ ngoài 50 tuổi, trải qua nhiều lần phẫu thuật thẩm mỹ nhưng Tendo vẫn không thể nào xóa bỏ hết được những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể và trong tâm hồn. Cô nhớ lại: "Tôi từng rất ghét cách hành xử của cha. Nhưng sau đó lại trượt dài trong chính con đường đen tối của ông. Tôi sa vào nghiện ngập, thích gây sự và cả bạo lực, không khác gì một thành viên trẻ mới gia nhập Yakuza mà chẳng cần biết người khác nghĩ thế nào về mình".


    Shoko Tendo, nay đã 51 tuổi, từng xuất bản cuốn tự truyện kể về cuộc đời đầy đau thương của mình

    Mặc dù vậy, khi nhắc đến người cha của mình và những gì ông đã gây ra, Shoko Tendo vẫn không có chút nào oán trách: "Tôi đã từng phải trải qua những tháng ngày khó khăn vì là con gái một ông trùm. Nhưng kể cả có quay ngược lại quá khứ, tôi cũng sẽ không thay đổi cuộc sống của mình. Tôi vẫn tự hào vì bố tôi. Mặc dù thế giới của ông không có vị trí đàng hoàng cho những người phụ nữ, nhưng tôi vẫn là con gái của ông ấy".

    Thế giới ngầm với nhiều góc khuất đáng sợ ở xứ sở mặt trời mọc

    Hiện nay, khi đã thoát ra khỏi thế giới ngầm đầy những mưu mô, tranh đấu để trở thành một nhà văn và là một bà mẹ đơn thân, Shoko Tendo mới đủ dũng cảm kể lại quá khứ của mình và những điều mà ít ai còn chưa biết về Yakuza.

    Nhìn bề ngoài, ai cũng cho rằng họ là một tổ chức đầy trung thành với tình huynh đệ thắm thiết, luôn sát cánh bên nhau. Nhưng trên thực tế, Tendo nói rằng họ sẵn sàng phản bội những người anh em của mình nếu người đó lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như khi việc kinh doanh của cha Tendo xuống dốc, vướng phải nợ nần, chỉ một số ít người bạn bè chịu đến thăm ông ở bệnh viện.


    Yakuza - Băng đảng Mafia khét tiếng ở xứ sở mặt trời mọc

    Bên cạnh đó, Yakuza cũng nổi tiếng với các phi vụ kiếm lợi truyền thống của thế giới ngầm như môi giới mại dâm, buôn ma túy. Tổ chức này được cho là điều hành hoạt động mua bán dâm ở Nhật Bản. Họ dụ dỗ phụ nữ từ khắp nơi trên thế giới bằng những lời hứa về thị thực, khiến họ mắc nợ nên phải làm việc trong nhà thổ để hoàn trả. Tuy nhiên, về sau, chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần cố đàn áp các hoạt động trái phép này. Yakuza từ đó bắt đầu lùi về phía sau và hoạt động một cách khéo léo, khiến việc theo dõi ngày càng khó khăn hơn.

    Nhắc đến Yakuza, ngoài những hình xăm phủ kín cơ thể, nghi thức cắt ngón tay út nổi tiếng được gọi là "Yubitsume" cũng chính là một trong những điều tạo nên sự khác biệt của tổ chức. Vào thế kỷ 18, người ta quan niệm rằng mất đi ngón út tức là mất đi khả năng nắm chặt thanh kiếm Kendo, khiến các chiến binh trở nên yếu đi và buộc phải phụ thuộc vào người lãnh đạo. Vì vậy, những thành viên Yakuza vi phạm luật lệ, không hoàng thành nhiệm vụ sẽ buộc phải tự cắt ngón tay mình để tạ lỗi, mục đích tiếp tục được ở lại trong băng đảng.

    Cho đến ngày này, Yakuza đã không còn áp dụng những tục lệ truyền thống quá nghiêm ngặt như xưa. Tuy nhiên, con gái ông trùm Yakuza két tiếng một thời - Shoko Tendo cho biết người thực sự muốn gia nhập tổ chức tội phạm này vẫn là những kẻ đầy toan tính, vô cùng đáng sợ và nguy hiểm không kém gì ngày xưa.
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 11:15 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh