Many Lives, Many Masters của Dr Brian Weiss
http://www.tgot.org/images/1_File-PDF-MLMM.pdf

Sống nhiều đời chết nhiều lần
Hay chỉ sống và chết một lần?

Huyền Ký

Có lẽ chúng ta ai cũng rất tò mò, muốn biết về các chuyện đã xảy ra trước khi mình sanh ra làm người, và sau khi chết, thì mình sẽ đi đâu, về đâu hay tất cả chỉ thành ra tro bụi, không còn chút gì hết?

Chúng ta sẽ chỉ sống một đời, chết một lần? Sau đó, mọi người đều được Thượng Đế phán xét để cho phép lên Thiên Đàng hay bắt xuống Hỏa Ngục, tùy theo cách ăn ở hiền lương hay dữ dằn của mình? Hay là chúng ta sẽ còn sống nhiều đời, chết nhiều lần khác, vui khổ tùy theo các duyên nghiệp mình đã tạo ra trong kiếp này?

Tùy theo tín ngưỡng tâm linh, chúng ta có những câu trả lời khác nhau cho những thắc mắc nói trên. Riêng trong giới y khoa Âu Mỹ, từ vài thập nhiên qua, càng ngày càng có nhiều bác sĩ và các nhà tâm lý bỏ công nghiên cứu để tìm hiểu về ”Đời sống sau khi chết”, về những câu chuyện tái sinh khó tin nhưng kiểm chứng được rõ ràng. Nhiều bệnh nhân đã bị y giới coi là chết - sau ít giờ bỗng nhiên sống lại, tường thuật về những cảnh giới tương đồng một cách lạ lùng với những mô tả của các vị tu sĩ Phật Giáo Mật Tông, từ thế kỷ xa xưa, thí dụ như trong cuốn Tử thư của Tây Tạng (Tibetan book of the death).

Mấy bài sau đây kể lại câu chuyện rất bí ẩn, hầu như khó tin nhưng có thực, liên quan tới tiền kiếp của nữ bệnh nhân Catherine, do bác sĩ tâm thần Brian L. Weiss thuật lại.

Catherine là một cái tên giả do bác sĩ Brian L. Weiss đặt cho một nữ bệnh nhân có thật của ông, để cô không bị làm phiền sau này. Bác sĩ Brian L. Weiss đã viết lại tất cả những gì ông được nghe từ miệng cô Catherine nói ra trong những buổi ông chữa trị cho bệnh trầm cảm nặng của cô, bằng thuật Thôi miên (Hypnosis).

Bác sĩ Brian L. Weiss là ai?

Tốt nghiệp ưu hạng tại đại học Columbia năm 1966, Brian L.Weiss được nhận vào học ngành Y Khoa tại đại học Yale, một đại học nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp Y Khoa Bác Sĩ vào năm 1970. Sau khi tập sự tại bệnh viện Bellevue Nữu Ước, ông trở lại Yale để học chuyên ngành về Tâm Lý trị liệu. Tốt nghiệp và làm việc ít năm tại Miami - Florida, Bác sĩ Weiss trở thành giáo sư về tâm lý trị liệu tại đại học Miami và là giám đốc chuyên ngành này tại nhà thương liên hệ với đại học đó.

Ông đã xuất bản hàng mấy chục bài tham luận, nổi danh trong ngành chuyên biệt của ông. Là người bảo thủ, ông không hề chú ý gì tới các nghiên cứu ngoài lãnh vực Tây Y thuần túy ông đã theo học. Theo đạo Do Thái, ông tin tưởng vào Thượng Đế và không có ý niệm gì và không hề tin có chuyện luân hồi hay tái sinh như trong các truyền thống Ấn Độ Giáo và Phật giáo. Cho tới khi bác sĩ Brian Weiss gặp và chữa trị những căn bệnh tâm lý cho cô Catherine.

Khoảng đầu thập niên 1980, sau 18 tháng chữa trị Catherine theo các phương pháp thông thường của khoa tâm lý tây y, Brian Weiss thấy bệnh tình của Catherine hầu như không thuyên giảm. Sau cùng ông dùng tới thuật thôi miên. Trong nhiều buổi trị liệu liên tiếp từ khi dùng thuật đó, Catherine đã nhớ lại được các tiền kiếp của cô, trong đó có những ký ức gây ra các bệnh hay hoảng sợ, lo lắng và trầm cảm của kiếp này. Cô cũng đã đóng vai trò trung gian cho các vị “Thầy tâm linh”, nói lên nhiều bí mật về sự Sống-Chết của kiếp người. Và chỉ sau ít tháng, Catherine lành bệnh, trở thành một con người rất hạnh phúc và bình an.

Bác sĩ Weiss viết: “Tôi không hề được sửa soạn để tiếp nhận câu chuyện lạ lùng này. Tôi hoàn toàn kinh ngạc trước những diễn biến của việc chữa trị cho Catherine.Tôi không thể giải thích bằng khoa học những gì tôi đã xảy ra, vì trí óc con người không thể hiểu được những chuyện đó. Có lẽ trong khi bị thôi miên, Catherine đã có thể làm hiển lộ được những ký ức về tiền kiếp được ghi dấu trong tiềm thức (tàng thức hay subconsciouss) của cô. Và có lẽ cô cũng đã ghi lại những ký ức đó trong cái mà triết gia Jung gọi là Vô thức chung (hay Tâm thức cộng đồng - collective unconscious) - tức là nguồn năng lượng bao quanh chúng ta gồm ký ức của toàn thể nhân loại

Điều giải thích của Bác sĩ Weiss có nhiều tương đồng với những luận cứ trong Pháp Tướng tông tức phái Duy Thức (Tâm Lý học trong Phật Giáo). Theo Duy Thức, trong cuộc sống, tất cả các hành nghiệp (actions) chúng ta từng làm, từng nói năng hay suy nghĩ (ba nghiệp Thân/Khẩu/Ý) đều được ghi dấu trung thực và toàn vẹn trong Tàng thức A-Lại-Gia (Alaya) của mỗi người. Và tổng kết của những hành nghiệp đó sẽ là hành trang duy nhất chúng ta mang sang kiếp sau. Tùy theo nghiệp lành hay dữ đã tạo ra trong suốt cuộc đời mà chúng ta sẽ được tái sinh vào các cõi an vui của trời, người hay chúng ta sẽ bị đọa đầy trong các thế giới đói khát, sân hận và khổ đau của ngã quỷ, súc sanh, địa ngục....

Qua những buổi chữa trị cho cô Catherine, Bác sĩ Weiss bắt đầu để tâm nghiên cứu, mới hay trong thư viện đã có biết bao tài liệu của các bạn đồng nghiệp ông viết về những câu chuyện tương tự, liên can tới những bí mật sau cái chết. Ông viết:

“Khoa học chỉ mới bắt đầu đi vào lãnh vực này mà thôi, chúng ta đi rất chậm và còn bị nhiều người trong giới khoa học cũng như trong quần chúng hết sức cản trở. Trong lịch sử nhân loại, hình như loài người thường có thói quen chấp nhận một cách rất khó khăn những gì mới mẻ. Các nhà tâm lý trị liệu đa số có khuynh hướng nhắm mắt hoặc bỏ qua những khám phá liên quan tới các tiến kiếp của bệnh nhân, các chứng cớ do người chết sống lại tường thuật”.

Trình bày lý do thôi thúc ông viết ra toàn bộ những buổi đối thoại của ông với bệnh nhân Catherine trong giấc thôi miên, ông cho biết:

“Tôi viết cuốn sách này, như một đóng góp nhỏ nhoi của tôi vào việc nghiên cứu thuộc lãnh vực “Cận Tâm Lý” (Parapsychology), đặc biệt về những gì xảy ra trước khi chúng ta ra đời và sau khi chúng ta chết đi. Tất cả những lời Catherine kể ra đều được giữ nguyên. Tôi không thêm bớt chút nào, chỉ bỏ đi những gì cô lập đi lập lại mà thôi.

“Tôi mất 4 năm để viết lại câu chuyện của Catherine, 4 năm để có can đảm tường thuật lại những dữ kiện “không chính thống” này, có thể làm nguy hại cho nghề nghiệp chuyên môn của chính tôi.. . Một đêm nọ, khi tắm dưới vòi hoa sen, tôi chợt thức tỉnh, thấy là mình phải viết ra cho hết câu chuyện đó để chia sẻ với mọi người những gì tôi đã được học hỏi được về sự bất tử và ý nghĩa đích thực của cuộc đời.”

Phê bình về cuốn sách của Bác sĩ Brian Weiss, nhiều khoa học gia, nhất là trong ngành Y Khoa Tâm lý trị liệu, đã khen ngợi ông hết lời. Trong số đó, bác sĩ Joel Rubinstein, giáo sư Tâm lý trị liệu tại đại học Havard đã viết:

“Bác sĩ Weiss đã kết hợp được khoa tâm lý trị liệu với sự khám phá tiềm thức của bệnh nhân. Từ nay, tôi không còn xét đoán tôi và người khác như trước được nữa.”.

Edith Fiore, tiến sĩ tâm lý và là tác giả cuốn sách “Bạn đã ở đó thời xưa”, phê bình sách của BS Weiss: “Cuốn sách rất hay này làm cho chúng ta phải suy nghĩ nhiều. Nó phá vỡ được những rào cản của phương pháp trị liệu tâm lý thông thường và trình bày một cách chữa bệnh mới mẻ có hiệu quả lớn lao. Các nhà trị liệu chuyên môn về bệnh tâm thần cần trân trọng sách này.”

Tác giả nhiều sách về Sống-Chết, ông Richard Sulphen cho rằng: “Câu chuyện hấp dẫn của Bác sĩ Weiss chứng tỏ ta có thể chữa bệnh bằng cách tìm hiểu tiền kiếp. Cuổn sách này mở ra những cánh cửa mới cho đa số chúng ta, thường cho là hiện tượng tái sinh không thể hiện hữu.”

Bác sĩ Harry Prosen, giám đốc phân khoa tâm lý tại đại học Y Khoa Wisconsin: “Cuốn sách này là tổng hợp của tâm lý và con đường huyền bí của việc đi tìm Sự Thật và chuyện tái sinh của con người. Giống như một cuốn tiểu thuyết ly kỳ, nó “bắt hồn” người đọc, không cho phép chúng ta bỏ sách xuống trước khi đọc hết!”.

Theo Tiến Sĩ Y Khoa Andrew Staby, giám đốc bệnh viện Fair Oaks: “Đây là một cuốn sách viết rất hay, ly kỳ và lôi cuốn người đọc trong việc tìm hiểu các kiếp trước để chữa bệnh tâm lý cho kiếp này. Chúng ta không thể không đồng ý với bác sĩ Brian Weiss sau khi đọc xong.”