Register
Page 9 of 10 FirstFirst ... 78910 LastLast
Results 81 to 90 of 98
  1. #81
    Sinh Tử và Hậu Sự
    Phùng Annie Kim

    Ngôn ngữ văn chương ví cuộc đời con người như một chuyến tàu. Sáu mươi năm là cái mốc vừa đủ cho một đời người. Những con số sau đó là phần thưởng (bonus). Con tàu ấy sẽ bắt đầu lên đường từ ba chữ “sinh, lão, bệnh... Nó sẽ chạy mãi để rồi chấm dứt ở nhà ga cuối cùng là “tử”, cái chết.

    Việt Bút là một nhóm văn chương gồm các bạn đa số đều được lãnh giải thưởng từ mục “Viết Về Nước Mỹ”. Đầu năm con gà, một số các bạn trong nhóm phải đối diện với sự ra đi của những người thân. Đầu tiên là người chị gái của họ Phùng. Tiếp đó là mẹ của chị “huyền thoại TH”. Gần đây là hai bà má ruột và má vợ của giám khảo Nguyễn Viết Tân. Cùng một ngày, má chồng chị bảy Song Lam vừa mất ở Việt Nam.

    Trong số những người ra đi có người đã gần “thất thập cổ lai hy”. Tuổi thọ như thế đã là hiếm nhưng chị ra đi nhanh và bất ngờ quá khiến người em vẫn còn ngơ ngẩn, bàng hoàng. Có bà mẹ già thọ hơn trăm tuổi, con cháu đã chuẩn bị hậu sự và tâm lý để chờ đợi cụ về với Chúa, thế mà khi cụ về, người con trai ngày thường vẫn mang nụ cười đến cho mọi người đã phải nghẹn ngào khóc lên “Má ơi, con đây nè má”. Người con gái ở xa, ray rứt mãi vì lý do sức khỏe không về dự đám tang mẹ, nàng ôm nỗi đau khóc mẹ âm thầm. Có người ra vào bệnh viện chứng kiến từng ngày cơn bệnh và cái chết của bà má.

    Hóa ra bài thuyết pháp đầu tiên của ông Phật ở vườn Nai cho năm người đệ tử đầu tiên là bài nói về “Khổ”(Tứ Diệu Đế). Một trong tám cái khổ “ái biệt ly khổ” thương mà phải xa nhau hay “ sinh ly tử biệt” sống phải xa nhau, khi chết phải lìa nhau là những kinh nghiệm về “khổ” mà đời người ai cũng trải qua.

    Đạo Phật bình thản đối diện với nổi “khổ” và cái chết, ví cái chết như thay chiếc áo cũ, mặc một chiếc áo mới và tái sinh vào một cảnh giới mới theo vòng luân hồi sinh tử. Trong kinh kể chuyện hồi Phật còn tại thế, các thầy tỳ kheo ra nghĩa địa nhìn và quán tưởng những xác chết thối rữa để thấy sự vô thường và lìa bỏ sự tham đắm. Các thiền sư Phật giáo thực hành và quán chiếu chữ “tử” khắc trên trán mỗi ngày để ra đi không sợ hãi. “Sinh tử trọng đại” trong Nho giáo coi cái chết là chuyện lớn và quan trọng cũng như sự sống của đời người. Quan niệm dân gian “sinh ký tử quy”, “sống gửi thác về” gần giống với đạo Phật.

    Văn hóa Việt nam ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa từ ngàn xưa. Đời Lê có vị tiến sĩ tên là Hồ Sỹ Tân, hiệu là Thọ Mai soạn sách “Thọ Mai Gia Lễ” dựa vào quyển “Chu Công Gia Lễ” của Trung Hoa nhưng có sửa đổi ít nhiều cho hợp với phong tục cổ truyền của người Việt. Các nghi lễ tang ma phức tạp về hình thức đã được đơn giản hóa như tục lệ để tang, coi ngày tốt xấu... Một số tục lệ dân gian vẫn còn giữ như đập niêu đất khi quan tài ra khỏi nhà, mở cửa mả ở mộ sau ba ngày chôn cất, đốt vàng mã... Ngoài ra có các hủ tục đã lược bỏ nhiều như tục khóc lóc, khóc mướn, lăn đường, chống gậy, kêu hồn người chết trên mái nhà, kết hình người bằng vải trắng gọi là lễ thiết hồn, cưới chạy tang, ăn uống linh đình, “rả nợ miệng”, vay nợ làm đám tang cho “hoành tráng”, quàn người chết trong nhà quá lâu, kiêng cữ nghiêm khắc quá đáng đi đến chỗ mất vệ sinh trong thời gian cư tang như không tắm rửa, đi chân đất, mang giầy cỏ, mặc áo xô gai...

    Từ khi tượng hình trong bào thai mẹ, con người sinh ra có thể biết được thời gian chào đời vào khoảng chín tháng mười ngày. Nhưng cái chết không ai có thể đoán biết được. Vì thế có nhiều người khi còn sống đã chuẩn bị cho mình hình thức mai táng sau khi chết. Thông dụng nhất là thiêu còn gọi là hỏa táng và chôn cất gọi là địa táng. Người chọn hỏa táng vì sạch sẽ, bảo vệ môi trường, phí tổn rẻ, không phải mua đất chôn, không muốn linh hồn vướng mắc với thân xác đã thối rữa, không có thân nhân thăm viếng mộ phần. Người chọn địa táng muốn chôn cất vì quan niệm “mồ yên mả đẹp”, “sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ”, “lá rụng về cội”, con cháu có dịp thăm viếng vào các ngày lễ tảo mộ như “Thanh Minh trong tiết tháng ba”, rằm tháng bảy, ngày lễ Cha hoặc lễ Mẹ. Ngày xưa có tục xem phong thủy. Gia đình tìm thầy địa lý và địa thế tốt để chôn, hy vọng sau này con cháu làm ăn khấm khá.

    Điểu táng hay thiên táng chỉ còn tồn tại ở xứ Tây Tạng. Xác chết nằm phơi ngoài trời trên núi đá làm thức ăn cho bầy kên kên. Thủy táng là chôn trên cánh đồng, mùa nước lũ biến thành biển nước mênh mông như trong phim “Mùa Len Trâu”. Thủy táng cũng là nghi thức chôn đặc biệt cho trùm khủng bố Bin Laden từ chiến hạm USS Card Vinson. Ngoài ra còn có “huyền táng” hay táng treo. Tục lệ này rất hiếm. Người ta tìm thấy những quan tài đặt trên những vách đá cheo leo khi đi thuyền qua sông Dương Tử hoặc treo lơ lửng trong hang động sâu ở Trung Quốc. Lịch sử kể hai vị sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường thị tịch trong tư thế thiền định còn gọi là Thiền táng. Nhục thân của hai vị vẫn còn thờ trong chùa Đậu.

    Trong Nam hầu hết tang ma được cử hành ở tư gia, nhà thờ hoặc chùa. Ở thôn quê, nhà nào cũng đất rộng nên có tục lệ chôn thân nhân vĩnh viễn ở vườn sau nhà cho gần gũi và ấm cúng gia đình. Ngoài Bắc nhà cửa chật hẹp nên không chôn cất ở nhà. Thân nhân quàn người chết ở các nhà quàn lớn như Hội Hợp Thiện, Nhà Tang Lễ Thành Phố...Chôn ở nghĩa trang Văn Điển là nghĩa trang lớn ở Hà Nội cũng chỉ ba năm, thân nhân sẽ làm lễ bốc mộ, đem hài cốt đến một nơi khác để chôn như đất tư nhân, nghĩa trang gia đình hay nghĩa trang của làng. Vì thế chôn người chết lần thứ hai ở một địa điểm khác gọi là cải táng.

    Thế giới ngày nay có tục lệ hiến xác.Ở Mỹ có chương trình nguyện vọng hiến xác (Willed Body Programs). Người sống tuy chưa chết nhưng có tấm lòng nghĩ đến người bệnh còn sống đang trong danh sách chờ đợi nội tạng thay thế có khi kéo dài hàng năm. Với tình người, họ hiến tặng các bộ phận cơ thể cho bệnh viện để cấy, ghép như giác mạc, tim, gan, thận, phổi, da... Xác của họ có khi được các chuyên gia y tế dùng trong các mục đích khoa học như con tàu vũ trụ Orion chở người vào không gian. Cơ quan hàng không vũ trụ Nasa đã sử dụng ba tử thi của người để kiểm nghiệm mẫu trang phục du hành, thiết kế ghế ngồi và sự hạ cánh an toàn.

    Muốn được hiến xác, người cho phải là người khỏe mạnh và không bị bệnh nan y. Phải có công ty tiếp nhận tử thi được hội đồng giải phẫu của tiểu bang cho phép để tránh các công ty bất hợp pháp bán xác cho các phòng thí nghiệm hay những người giàu mắc bệnh tìm mua nội tạng. Vì thế, theo kinh nghiệm của người Mỹ, hiến xác cho các trường đại học y khoa là tốt nhất.

    Văn học dân gian thường nhắc đến các từ ngữ “ba hồn bảy vía” hay “ ba hồn chín vía”. Quan niệm xưa cho rằng con người ta có phần hồn và phần xác. Phần “hồn” là phần không thấy, không sờ mó mà chỉ cảm nhận được. Có ba hồn là “tinh” còn gọi là nhận thức, “khí” còn gọi là năng lượng và “thần” là thần thái của sự sống. Phần xác còn gọi là vía. Đàn ông có bảy vía là bảy lỗ thông thoát ra từ cơ thể như nước mắt, nước mũi, tai, miệng, mồ hôi, đường tiểu tiện, đại tiện. Đàn bà có thêm hai thành chín vía vì làm mẹ có sữa cho con bú và hành kinh. Vì thế vía của đàn bà được coi là nặng hơn đàn ông.

    Đạo Phật quan niệm con người có hai phần là “danh” hay tâm và “sắc” hay thân. Cái vòng “sinh lão bệnh tử”, từ khi “sinh” ra cho đến khi “già” hoặc “bệnh”, cơ thể con người còn gọi là thân “tứ đại” gồm “đất” là những chất cứng như tế bào, “nước” chiếm bảy mươi phần trăm trong lượng cơ thể, “gió” là hơi thở, “lửa” là hơi ấm. “Tứ đại” này theo tiến trình “sinh, trụ hoại, diệt” sẽ dần tan rã đưa đến “tử” là giai đoạn cuối cùng. Lúc ấy linh hồn hay thần thức của người chết sẽ ra đi theo “nghiệp lực”. Có nhiều loại “nghiệp”. “Cận tử nghiệp” là nghiệp dẫn dắt đi thọ sanh.

    Tư tưởng hay suy nghĩ cuối cùng của người hấp hối trong giây phút lâm chung sẽ quyết định sự tái sanh của họ. Khi còn sống, nếu làm những điều lành, thiện, khi chết sẽ thanh thản, bình an. Vì thế các nước theo đạo Phật khuyến khích tín đồ làm lành tránh ác, tạo những nghiệp lành trước giờ phút lâm chung như đọc kinh, niệm Phật, bố thí...để ra đi thọ sanh ở những cảnh giới lành.

    Vào thời chưa có các phương tiện y khoa, đa số người hấp hối chết già hay bệnh đều được tẩm liệm ở nhà. Người nhà theo dõi lời trăn trối hay di chúc của họ, đặt nằm đầu quay về hướng đông, xem các dấu hiệu như bắt mạch, sờ chân tay đã lạnh hay còn ấm, xem hơi thở bằng cách đặt miếng bông gòn ở lỗ mũi. Nếu biết chắc đã chết thật rồi, khi làm lễ khâm liệm, họ xem giờ để tránh trùng tang hoặc xem tuổi kỵ của người chết với thân nhân để tránh mặt. Họ làm lễ mộc dục là lau hoặc tắm khô cho người chết bằng rượu hay nước ngũ vị hương, sau đó chải tóc, thay quần áo mới. Áo phải cắt hết nút. Người tu theo đạo Phật thì mặc thêm bộ áo hải hội màu vàng. Tiếp đó họ làm lễ phạn hàm, cho vào miệng người chết ít vàng, bạc, nhúm gạo gọi là có tiền đi đường tránh tà ma ác quỷ và không bị đói.

    Ngày xưa chưa có dịch vụ mai táng như bây giờ. Thi thể người chết đặt trên giường phủ một miếng vải liệm trắng, lớn sao cho quấn đủ thân người. Họ xé vải trắng buộc ngang vai, hai bên hông, hai đầu gối, hai ngón chân cái. Hai tay đặt trên bụng, phủ vải trắng trên mặt. Có nơi dằn trên bụng người chết một nải chuối xanh. Đầu giường người chết họ đặt một bát cơm úp, quả trứng, đôi đũa, bát nhang.

    Ngày nay người ta đã bỏ lễ thiết hồn tức là kết vải trắng thành hình người có hai tay và hai chân đặt lên ngực người chết và thay vào đó là bức ảnh. Họ chọn giờ tốt làm lễ khâm liệm, rải trà khô chung quanh, khiêng xác cho vào hòm, dán kỹ bằng keo rồi đóng đinh. Có nơi họ cho cỗ bài tổ tôm vào hòm để ngừa ma quỷ và một ít đồ vật dụng ưa thích của người chết khi còn sống. Sau lễ khâm liệm là lễ thành phục, gia đình sẽ mặc đồ tang và làm lễ cúng cơm ngày ba lần, mời người chết về ăn cơm như lúc còn sống.

    Lễ phúng viếng người chết bằng vòng hoa, vòng cườm, trái cây, nhang đèn,tiền, liễn, triệu, trướng, câu đối vẫn còn được áp dụng. Người đi phúng lạy người chết bốn lạy. Thân nhân người chết đáp lễ phân nửa hai lạy. Nếu người phúng lạy ba lạy, thân nhân đáp lễ một lạy kèm theo lời chia buồn. Tục lệ mướn phường bát âm còn gọi là dàn nhạc ta có tiếng đàn cò ò- í- e, tiếng trống tùng tùng, tiếng sáo hay dàn nhạc tây có tiếng kèn đồng “trombone”, tiếng chập chỏa lèng xèng vẫn còn là những âm thanh quen thuộc thường có trong đam ma. Họ cho rằng không có văn nghệ, thiếu ban nhạc, đám ma…buồn. Thực tế có đám ma nào vui?

    Ở Việt Nam, thôn quê cũng như thành phố, hiện nay có phong trào chơi nhạc sống “live show” trong các đám ma của giới đồng tính. Nếu gia chủ đồng ý, họ tình nguyện kéo đến ca hát, nhảy múa “giúp vui” mặc dù tang ma đang trong lúc bối rối.

    Tại Mỹ hoặc các nước Tây Phương, tang lễ thường tổ chức vào những ngày cuối tuần để con cháu đi làm hay ở xa có dịp về tham dự. Tang lễ thường được tổ chức ở nhà quàn trang nghiêm và yên tĩnh. Có dịch vụ trọn gói từ a đến z cho thân nhân người chết tự do chọn lựa. Tùy theo quan tài tốt hay thường, các dịch vụ mai táng sang trọng hay trung bình, chôn hay thiêu, đất đai ở lô nào mà giá cả có chênh lệch và khác nhau.

    Đám tang ở xứ Mỹ lại càng thiêng liêng, trang trọng và yên tĩnh. Những người đến chia buồn ăn mặc lịch sự và tươm tất. Phụ nữ Mỹ đi dự đám tang trang điểm đẹp chứ không bèo nhèo, nhếch nhác. Có những người thuộc giai cấp thượng lưu mặc những chiếc áo tang sang trọng, đội những chiếc mũ lông thời trang hay che những chiếc mạng đắt tiền. Tất cả là một màu đen. Cung cách của họ rất nghiêm trang, chuyện trò chừng mực khi đến chia buồn với tang gia.

    Chuyện hậu sự của người chết cũng phản ánh được phần nào sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Mỹ, Việt.

    Người Việt thích dịch vụ của những nhà quàn có người Việt làm quản lý để dễ thương lượng và có sự cảm thông. Trung bình chôn một người chết, giá rẻ nhất cũng từ năm đến sáu ngàn. Có những chi phí lên tới hai chục ngàn tùy theo lô đất và mộ bia nằm. Mộ bia đứng là hai mươi lăm ngàn. Nếu ít tiền, thân nhân có thể chọn nghĩa trang xa hơn trung tâm Little Saigon mất nửa tiếng lái xe, lô đất chỉ có khoảng hai ngàn, chi phí trọn gói khoảng bảy ngàn. Dịch vụ hỏa thiêu, quan tài, giấy tờ, linh tinh cũng vào khoảng bảy ngàn. Dù sao các nhà quàn trong cộng đồng người Việt ở Mỹ vẫn là nơi được người đồng hương yên tâm và tin tưởng giao phó “chuyện hậu sự” cho họ.

    Ở Mỹ, đa số người Mỹ cho rằng chết là dịch vụ tốn tiền nhất bằng mua một chiếc xe hơi hay đám cưới. Cơ quan quản lý tang lễ tiểu bang Cali CFA ước lượng giá chôn cất ở các tiểu bang như Washington hay thành phố Atlanta cao hơn ở quận Cam có lẽ vì các tiểu bang đó không bị cạnh tranh nhiều như ở Cali. Luật sáu trăm năm mươi tám ra đời năm hai ngàn mười ba buộc các nhà cung cấp dịch vụ tang lễ phải ghi rõ chi tiết giá cả trên trang mạng cho người tiêu thụ chọn lựa như giá quan tài, thuê nhà quàn, trang điểm cho người chết, đào mộ, bia mộ, giá đất, thuê xe Limousine, hoa… Tính ra giá chôn cất rẻ nhất từ năm cho đến hai chục ngàn, giá thiêu từ ba ngàn rưỡi đến chín ngàn tùy theo chất lượng dịch vụ.

    Trong các nghi lễ, nghi lễ quan trọng nhất trong tang ma đó là lễ động quan hay di quan. Tục lệ ngày xưa nếu ở thôn quê, thân nhân sẽ đi bộ đưa người chết ra nghĩa trang trong làng. Quan tài sẽ đặt trên chiếc xe kéo gọi là linh xa. Ở thành phố, các gia đình khá giả tiến hành lễ di quan rất phức tạp. Trước bảy lăm, trong Chợ Lớn, người Hoa còn giữ tục lệ này. Đám ma của họ rất dài, đông và ồn ào làm tắc nghẽn lưu thông. Họ có người đi đầu cầm ảnh hai vị thần mặt mày dữ dằn gọi là Phương Tướng dẫn đường. Một người cầm một bức hoành bằng vải trắng ghi bằng chữ Hán “ Hổ Sơn Vân Ám” nếu cha mất và “Dĩ Lĩnh Vân Mê” nếu mẹ mất. Qua đó, người đi đường có thể biết được người chết là đàn ông hay đàn bà. Tiếp đó là có người cầm hai đèn lồng trắng và cái minh tinh bằng vải đỏ ghi tên tuổi, chức tước, công trạng của người chết. Sau nữa là hai người khiêng hương án có nhang đèn, ngũ quả và bộ tam sơn gồm thịt quay, bánh, trái. Nếu có các nhà sư, họ sẽ vừa đi vừa tụng niệm.

    Đám tang người Việt cũng như người Hoa ở Việt Nam thường có phường bát âm hay còn gọi là dàn nhạc ta. Khá giả hơn, tang chủ mời thêm dàn nhạc tây với kèn, trống, phèng la, chập chỏa vang lên om sòm đường phố. Con trai hay con gái của người chết ôm bức ảnh, bát nhang, chén cơm đi thành hàng. Một dãy những người mang các câu đối, liễn, trướng. triệu của những người phúng viếng tuần tự theo sau. Thân nhân đi sau xe tang một đoạn đường rồi mọi người mới lên xe buýt đến nghĩa trang làm lễ hạ huyệt hoặc đến lò thiêu. Dọc đường họ rải giấy tiền vàng bạc để “hối lộ” (lại hối lộ) cho ma quỷ đừng kéo quan tài chậm khó đi hay gây trở ngại dọc đường.

    Đám tang của người chết theo đạo Phật thường mời các sư hay các thầy cúng đến làm lễ cầu siêu. Các chùa cũng có những nhà quàn cho người chết được làm lễ khâm liệm, phúng viếng và động quan. Nếu thiêu, chùa có gian thờ các vong. Thiêu xong, hũ cốt đặt ở chùa để vong hồn người chết có dịp nghe kinh. Nhà chùa sẽ cúng cơm và làm lễ cầu siêu trong vòng bảy tuần. Biết đâu nhờ “nghiệp” nhẹ mà các vong hồn siêu thoát được và đi đầu thai kiếp khác.

    Nghi thức trong dân gian hiện nay vẫn còn “thất thất lai tuần” là nghi lễ cúng bảy tuần tính từ ngày chết. Sau bốn mươi chín ngày là cúng một trăm ngày. Sau một năm sẽ có ngày giỗ đầu gọi là tiểu tường, hai năm gọi là đại tường. Thân nhân thọ tang tùy quan hệ với người chết. Con cái thọ đại tang cha mẹ là ba năm. Vợ, chồng, anh, chị, em ruột là một năm. Do công ăn việc làm và kiêng cữ, thân nhân có thể làm lễ xả tang ngay khi hạ huyệt.

    Đối với các tôn giáo khác như đạo Tin Lành có các mục sư làm lễ cầu nguyện ở nhà thờ. Các mục sư đọc kinh bình an cho người hấp hối, làm lễ Xức Dầu ký thác linh hồn cho Chúa để người chết an lòng ra đi hoặc đọc Kinh Thánh, dẫn những lời Chúa dạy để an ủi tang quyến và nhắc nhở người sống về ngày qua đời sắp tới của mình phải đối diện trước Chúa.

    Đạo Công giáo có các vị linh mục làm lễ Xức Dầu là lễ quan trọng với người chết. Tang lễ được tiến hành theo ba giai đoạn. Canh Thức là giai đoạn đọc kinh cầu nguyện ở nhà, nhà quàn hay nhà thờ. Giai đoạn Thánh Lễ An Táng là giai đoạn các vị linh mục làm phép xác, rảy nước thánh, xông hương ở nhà thờ. Giai đoạn Nghi Thức Phó Dâng là nghi thức các linh mục, các vị phó tế và giáo dân cử hành ở mộ, lăng hay nhà nguyện. Nói chung, hình thức nghi lễ của đạo Công giáo đơn giản và trang nghiêm, tập trung vào sự cầu nguyện cho linh hồn được về nước Chúa hay lên cõi Thiên đàng. Những bài thánh ca là “lời cầu nguyện được hát lên” làm cho tang lễ ở nhà thờ thêm phần thiêng liêng mà không bi lụy.

    “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Tại xứ Mỹ, có những cụ ông, cụ bà lớn tuổi thường có nguyện vọng chôn cất ở quê nhà vì các cụ có tiền, còn con cháu đông ở Việt nam, con cháu ở Mỹ bận rộn không có thì giờ chăm sóc mồ mả cho các cụ. Vì thế mới có dịch vụ chết ở Mỹ nhưng chôn cất ở Việt nam.

    Hiện nay “chuyện hậu sự” này có những nhà quàn như Peek Funeral, Thiên An Môn, An Lạc làm rất chuyên nghiệp. Tùy theo loại hòm tốt hay loại thường mà giá cả thay đổi. Một “package” trọn gói từ lúc lo giấy tờ hợp pháp ở Mỹ và Việt nam, khâm liệm, cúng kiếng theo nghi thức người Việt và tôn giáo, liên lạc với Việt nam và giao quan tài đến tận nhà, giá cả trung bình khoảng mười hai ngàn đến mười lăm ngàn trong thời gian một tuần. Nếu nhà quàn chỉ lo giấy tờ ở Mỹ và mang thi hài về, thân nhân ở Việt nam ra đón và lo việc chuyên chở quan tài từ phi trường về nhà, giá cả rẻ hơn vào khoảng từ bảy đến chín ngàn trong vòng hai tuần. Thai Airways Cargo là hãng chuyên chở đủ loại hàng hóa trong đó có quan tài của người Việt từ Mỹ về Việt nam.

    Ngoài ra còn có dịch vụ gửi tro cốt về Việt nam chỉ có một trăm đô cho những đứa con ở Mỹ tôn trọng ý nguyện của cha mẹ muốn chôn cất ở Việt nam nhưng vì dịch vụ chuyên chở thi hài quá tốn kém đành phải đem thiêu. Tro cốt được cho vào hũ rồi gửi về Việt nam theo đường bưu điện. Giá cả như thế sẽ rẻ lại an toàn. Tóm lại, “Chuyện hậu sự” là chuyện lo liệu của người sống đối với người thân đã qua đời. Từ xưa cho đến nay, dù tổ chức dưới hình thức nghi lễ nào, tôn giáo nào, hoàn cảnh nào, người nằm xuống khi nhắm mắt, xuôi tay đều mong ước được “ngậm cười nơi chín suối”, hưởng nhan thánh Chúa”, “về miền Tịnh Độ”..v..v hay còn gọi là một cái chết bình an về một cảnh giới thiện lành.

    “Sống hạnh phúc”. (1) là sống biết đủ, biết cho đi, làm nhiều việc thiện và biết buông bỏ để có được cái chết bình an. “Chết bình an” (1) vì người ra đi không luyến tiếc đời, vướng mắc người, chuẩn bị một chuyến đi xa cuối cùng sau khi đã làm tròn nghĩa vụ với bản thân, gia đình và xã hội.

    Thời gian là liều thuốc nhiệm mầu sẽ phôi pha những niềm đau nỗi khổ. Chuyện “sinh tử” mãi mãi vẫn là những câu hỏi có nhiều đáp án và “chuyện hậu sự” vẫn luôn luôn là chuyện dài nhân sinh hệ lụy của kiếp người.

    Chú thích: (1) “Sống hạnh phúc. Chết bình an”. Sách của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

  2. #82
    Sống gửi...thác về…
    Nguyễn Thị Hồng Diệp

    Chắc quý bạn ngạc nhiên vì sao tôi lại chọn đề tài bi thảm này để đăng dưới đề mục gia đình? Nếu bạn chịu khó bỏ một phút thôi để suy nghĩ về cái chết, nhất là cái chết tại nơi này, nơi mà phí tổn y tế và phí tổn ma chay có lẽ cao nhất hơn ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, thì quý cụ thấy ngay rằng chết chưa phải là hết chuyện mà còn đưa tới rất nhiều điều lo lắng cho những người sống. Những người di tản chúng ta, liệu có được bao nhiêu gia đình coi là khá giả để khi hữu sự có ngay một món tiền lớn để báo hiếu cho cha mẹ? Hay là lại mang công mắc nợ?

    Cụ Charles N. Barnard đã nghĩ tới chuyện này và cụ đã làm một màn nghiên cứu và quyết định sẽ lo việc hậu sự cho mình trước khi từ giã cõi đời để cho vợ con cụ khỏi phải lo. Tôi thấy cụ này thật là có tình có lý nên mới cóp tác bài của cụ để cống hiến bà con. Sau khi đã giải quyết chuyện hậu sự cho mình, cụ Barnard, hay có thể là bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể quẳng gánh lo đi, không những cho chính bản thân mình mà còn cho cả những người thân yêu của mình. Và từ nay, cụ có thể vui sống nốt những ngày còn lại, với vợ con, cháu chắt, mà không cần phải bận tâm. Sau đây là những lời tâm sự của cụ Charles Barnard.

    Ông giám đốc nhà hòm mở cánh cửa có đề chữ Lò Đốt Xác và dẫn tôi vào - tôi đây là Charles Barnard - Chỉ có một mình chúng tôi ớ trong lò. Căn phòng có thể là một phòng chữa răng, chỉ có cái nơi tiếp khách hơi nóng. Ông Giám Đốc nói với tôi như xin lỗi: “Chúng tôi vừa có hai vụ hỏa táng xong. Vì thế nhiệt độ quá cao”.

    Một vách tường, trông giống như một tủ để hồ sơ khổng lồ bằng sứ trên đó có nhiều nút mầu đỏ có đề tên Lò Đốt, Thông Hơi, Sau khi Đốt, Quạt Gió. Ở phía cuốì cái tủ lớn này có một cánh cửa giống như cửa lò, hé mở. Tôi ghé mắt nhìn vào. Một hố sâu màu xám tro, tỏa ra ánh sáng và hơi nóng giống như một lề đường vào mùa hè. Một lớp tro nhẹ trải dưới đáy. Thật khó có thể tưởng tượng rằng sau khi tôi chết, thân xác tôi sẽ được tiêu tan trong cái dụng cụ này. Tuy nhiên, thực tế thì đúng như vậy. Tôi đang đứng ở đây, tôi đang sửa soạn cho đám ma của tôi.

    Các bạn có nghĩ rằng tôi quá bi quan và có những tư tưởng hắc ám không? Tôi không nghĩ như thế. Rất nhiều người trong chúng ta hiện nay cũng đang ở trong vòng nghiên cứu như tôi. Giống như họ, tôi quyết định rằng cái chết của tôi, dù xẩy ra ở đâu và bất cứ lúc nào, cũng sẽ được coi như một biến cố bình thường trong cuộc sống của tôi mà tôi bắt buộc phải có trách nhiệm. Tôi cương quyết không muốn để vấn nạn này lại, sau khi tôi chết, cho gia đình tôi phải giải quyết. Tôi không muốn gia đình tôi phải đoán mò xem ước nguyện cuối cùng của tôi là gì. Cách tốt nhất để cho họ biết tôi muốn gì là tôi tự ý quyết định lấy hậu sự của tôi khi tôi còn khỏe mạnh và tinh tường.

    Ông chủ nhà hòm đóng cửa lò lại và nói với tôi: “Đẹp quá phải không cụ. Tôi mua tại California với giá 27,000 đồng đó. Sức nóng của nó lên tới 2500 độ, thiêu một xác người chỉ mất có hai giờ rưỡi đồng hồ. Không có mùi, không có khói chỉ bay hơi mà thôi. Những nhà môi sinh học đã tính làm khó dễ tụi tôi, nhưng cuối cùng tôi cũng vượt qua được tiêu chuẩn của họ.”

    Tôi nghĩ thầm... cứ cho là được đi, cho tới đây...

    Tất cả mọi nhà hòm tôi tiếp xúc đều rất hồ hởi cho tôi một cái hẹn và ghi danh tôi vào sổ “Những người lo xa, muốn tự quyết định”, một loại khách hàng mới của kỹ nghệ nhà hòm. Một cô thư ký trả lời điện thoại đã cho tôi biết rằng: “Sắp-Đặt-Trước, Preplaning chỉ mất chừng 45 phút”. Tôi cảm thấy yên tâm. Dù sao việc làm của tôi cũng không kỳ lạ gì.

    Vì tôi không có những điều kiện, những đòi hỏi đặc biệt của một tôn giáo nào và cũng không có những tin tưởng nào về sự sống đời sau cho nên sự lựa chọn việc ma chay tống táng cho tôi rất là cởi mở dễ dàng. Tôi có rất nhiều chọn lựa: hỏa thiêu, chôn cất. Tôi có thể muốn yên nghỉ dưới lòng đất hay là rắc tro theo chiều gió. Nhiều lúc tôi còn nghĩ đến việc cho xác cho Cơ Thể Học Viện. Còn nghĩa trang thì tôi có thể chọn một nơi gần biển, gần núi hay một chỗ nào trong thành phố để tiện việc thăm nom cho các con tôi. Về đám táng thì tôi có thể chọn một hình thức tôn giáo, có sự hiện diện của linh mục với đông đủ bạn bè, gia đình, người thân đưa tiễn tôi tới nơi an nghỉ cuối cùng. Hay là tôi lẳng lặng chết một mình, không rình rang, phiền hà tới ai. Cái đó tôi có toàn quyền quyết định.

    Phí tổn cho một đám ma giản dị nhất tại xứ này cũng phải mất 2,500 đô la, người ta bảo tôi thế nhưng tôi biết rằng chúng ta có thể chỉ tiêu một phần mười hay là 10 lần số tiền đó. Vốn là một người giản dị, tôi không muốn bày vẽ tốn kém. Mặt khác, không phải tôi đang đi khảo giá để có được một giá hời cho chuyện ma chay của tôi hay là tìm cách lật mặt nạ những nhà hòm cắt cổ trong nghề. Tôi muốn có một cái nhìn toàn diện về kỹ nghệ chôn cất trước khi quyết định cho tôi.

    Tôi tới gặp một ông chủ nghĩa trang trong vùng tôi ở. Ông ta đưa tôi đi xem khu nghĩa trang bằng xe hơi của ông. Ông hỏi: “Cụ đi coi cho cụ hả?” Tôi trả lời đúng thế. Trước hết ông đưa tôi tới khu không đắt lắm gồm những mộ đôi. Ông nói:”Khu này hệ thống cống rãnh rất tốt,” Rồi ông nói tiếp “Nếu ông mua ngay bây giờ thì ông sẽ được lời là được thêm ba feet chiều dài vì nó ở ngay lối đi” Tôi nghỉ thầm: “Mại dô! Mại dô! Cơ hội cuối cùng để có một cái giường king size!”

    Sau đó chúng tôi nói chuyện giá cả. Ông ta nói ông ta không thể bảo đảm giá cả sẽ như thế này mãi được trong tương lai. Ông thở dài và tiếp: “ Mua trước luôn luôn được giá hời”. Theo ý ông, lời hơn hết là mua mộ đôi, chôn một hố là rẻ nhất. Tôi hỏi: “Nghĩa là một quan tài chôn ở dưới một cái ở trên hả? Ông nhắc lại với ý sửa lại lời tôi “Hai chiều sâu!”

    Tôi nhận thấy rằng trong chương trình preplaning thì việc xem áo quan trước hay sau cũng không khác biệt gì. Nếu bạn tính hỏa thiêu thì sự lựa rất giản dị: một loại áo quan bằng giấy bồi mà nhà đòn nào cũng có, nếu bạn yêu cầu giá chỉ chừng năm chục bạc (nên tránh dùng chữ cạc tông, nhưng thật tình thì nó là cạc tông). Nếu bạn tính chôn thì bạn có thể lựa chọn quan tài sau khi đã mua đất hoặc ngược lại cũng chả sao.

    Lựa chọn áo quan cũng giống như lựa chọn một ca bin khi đi “cui” trên tàu biển; cái gì cũng có hạng, có giá. Một cái áo quan đắt tiền phải đi đôi với một đám ma đắt tiền. Tôi đi thăm nhiều phòng triển lãm, tất cả đều giống nhau. Họ trưng bầy từ 12 đến 20 chiếc rất cầu kỳ, có nắp mở lên để phô bầy ra những gối chăn bằng lụa là bên trong. Có nhiều cái lại còn có cả nệm lò so nữa cơ, tôi không nói láo đâu. Ông nhà hòm gõ gõ mấy ngón tay lên nắp các áo quan và quảng cáo: “Cái này làm gỗ Mahogany Phi Châu…cái này bằng gỗ gụ....gỗ thật đấy...cái này cùng kiểu với cái quan tài của Tổng Thống Kennedy. Chúng tôi gọi tên nó là Kiểu Tổng Thống.” Xem chừng chôn cất cầu kỳ thật.

    Tôi hỏi: “Ông có cái nào giản dị hơn không?” Ông nhà hòm mỉm cười thương hại: “Ai cũng nói thế, nhưng sự thật thì cái đó không phải là cái họ muốn.” Tôi đoán rằng những tang gia không muốn tỏ ra là bủn xỉn với người quá cố. Nhưng tôi thì khác, tôi mua cho tôi mà!

    Bất đắc dĩ, ông nhà hòm dẫn tôi đến khu rẻ tiền, một cỗ áo quan sơ sài ở trong lót mầu xám chuột với giá 500$. Sau đó tôi được biết rằng những hòm bằng gỗ thông chỉ có 200$. Ngay với giá này tôi cũng thấy rằng tôi có thể làm lấy một chiếc, đẹp hơn và chắc chắn rẻ hơn nhiều. Ờ! tại sao không nhỉ? Tôi có đủ đồ nghề mà!

    Cuối cùng thì cuộc nghiên cứu của tôi đã hoàn tất một cách tốt đẹp và cũng không khó khăn gì bởi vì tôi làm việc này với hình ảnh những người thương yêu trong trí óc. Bây giờ thì tôi có nhiều ngày giờ để suy nghĩ trước khi quyết định. Tôi sẽ lựa chọn cửa tiệm nào tôi có cảm tình để làm bi si nét với họ. Tôi sẽ cân nhắc giữa cái hòm bằng gỗ thông và cách thức tống táng. Tôi sẽ quyết định giữa cái lò “Bát Quái” sạch bóng mua ở Cali với ngôi mộ “hai chiều sâu” ở ngoài nghĩa trang trong phố. Sự lựa chọn cũng không khó khăn gì.

    Tất cả công việc này kết quả rất khả quan và không phải vì thế mà tôi lôi cái chết lại gần. Tất cả là vì những người thân yêu của tôi, tôi chỉ muốn chứng tỏ cho họ biết là tôi yêu họ đến chừng nào và tôi không muốn cho họ phải khổ sở, đau đớn hơn nữa khi tôi qua đời nên tôi đã quyết định mọi sự dùm cho họ.

    Mụ Xệ cà nhỏng của tôi, cà nhỏng trong tất cả mọi chuyện, nhưng chuyện hậu sự mụ lại lo xa. Mụ đã tậu đất đâu vào đấy rồi. Mụ còn khoe là đất mụ mua đã có lời bộn rồi đó. Mụ thích làm ma to, có hòm đẹp để “diện” cái hình măng dê phô tô của mụ cho bà con lé mắt chơi. Nhưng mà Xệ vốn con nhà bình dân, chẳng khoái mấy cái lời khen lẻ tẻ đó, chỉ nghĩ đến sự phí phạm đồng tiền. Hỏa táng, như ông cụ trên đây đã nghiên cứu, có gì là ghê rợn đâu, lại còn sạch sẽ gọn gàng nữa chứ. Chôn cất rình rang tốn kém hàng chục ngàn đồng, thà để tiền đó lại cho con cho cháu còn bổ ích hơn, mặc dù chúng nó chẳng cần thì với 10 ngàn đó mình làm được thiếu gì việc thiện. Chết rồi thì khen chê có nghĩa lý gì. Bây giờ Công Giáo cũng cho hỏa táng, tội gì mất tiền chôn. Xệ nhất định mụ muốn làm gì thì làm, riêng phần Xệ thì tro bụi lại trở thành tro bụi là tốt nhất. Thấy Xệ cương quyết, mụ cũng nghe theo nhưng vẫn còn sân si hám hư danh hão. Mụ dặn con rằng: “mai kia mẹ chết, đốt xác xong đem về nhà gắn lên hòn non bộ giữa hồ cá vàng cho mẹ, để hàng ngày mẹ ngắm cá vàng bơi lội trong hồ và nghe hơi gió thổi xem trời kéo mây.” Thật là dấm dớ đã chết lại còn tiếc của trời đòi ngắm cá vàng!

    Thằng con không thấy bố dặn dò gì, nó nắm lấy tay bố thì thầm: “Còn bố, sau khi đốt xong, con sẽ đem tro của bố về Yên Bái con rắc trên mộ 13 Liệt sĩ Quốc Dân Đảng cho bố. Bố có chịu không?”

    Xã Xệ bùi ngùi nhìn thằng Cu nghĩ thầm trong bụng nó đúng là một thằng con hiếu thảo biết rõ tâm ý của bố, nhưng ngoài miệng lại ậm ọe cằn nhằn: “Làm gì rắc rối thế cho thêm tốn tiền. Cứ vứt mẹ nó đi đâu chả được. Mày chỉ bày vẽ!”

    Nhân tiện đang trong môi trường thích hợp để dặn dò, Xã Xệ thủ thỉ: “Con ạ, bố không thích rình rang đâu. Khi bố chết, cứ việc làm ma, hỏa thiêu đâu đấy xong xuôi đâu đó rồi hãy thông báo cho bà con xa gần biết. Lúc chết bố chả muốn làm phiền ai.” Thằng Cu còn đang do dự thì Mợ Cả Đoảng nhẩy vào can thiệp: “Không được đâu bố. Tại sao lại phải làm lúi xùi thế! Bố muốn hỏa táng tụi con không phản đối, nhưng nhà mình bố mẹ quen nhiều, bà con cũng bộn. Con nghĩ rằng phải làm đủ nghi thức đời đạo đâu đấy rồi hỏa táng. Con không chịu làm âm thầm thế đâu.” Xã Xệ nổi nóng vì con này giống mẹ nó, hơi tí là nghĩ đến sĩ diện: “Tao chết chứ có phải mày chết đâu mà muốn hoa hòe hoa sói. Làm um xùm bố có sống lại được đâu mà ham. Kệ tao, tao thích như vậy đó.”

    Thấy coi mòi gay cấn đến nơi, mụ Xệ xông vào giải quyết: “Cả Đoảng nói đúng, mình chết chứ có ăn trộm ăn cướp đâu mà phải dấu diếm. Mẹ đề nghị thế này là dung hòa cả đôi bên. Sau khi bố hay mẹ chết, các con cứ việc cáo phó cáo phiếc theo ý tụi mày. Để tại nhà hòm, thăm viếng, đọc kinh cầu nguyện, bao lâu tùy ý nhưng sau khi làm lễ ở nhà thờ rồi thì mẹ muốn tất cả mọi người về hết, kể cả các con các cháu. Để cho tụi nhà hòm nó xe hòm đi nó đốt. Khi nó bỏ vào hũ vào lọ xong xuôi nó gọi tụi con đến lấy thì tụi con đến. Đừng đi theo, chứng kiến cảnh nó bỏ áo quan vào lò, ghê lắm con ạ. Mẹ còn nhớ hoài đám tang cô Chi, khi nó cho hòm vào lò, rồi bật lửa phụt lên, ruột mẹ nó thắt lại từng hồi. Mẹ không muốn các con phải chứng kiến cảnh ấy. Nhất là tụi trẻ con.

    Quay sang Xã Xệ mụ hỏi: “Như vậy được không?” Xã Xệ thấy rằng khi hai mẹ con nó hùa vào với nhau, có cãi mấy cũng chẳng lại nên bất đắc dĩ gật đầu, nhưng vẫn còn cố cải chính cho các con yên tâm: “Mẹ mày nói thế mà nghe được. Lò bên Việt Nam hạng bét mới thế chứ, lò bên này nó kín như bưng làm gì thấy lửa phựt mà sợ đứt ruột mí chả đứt gan.”

    Mợ Cả Đoảng thấy hết hồi gay cấn, thấy ỏng già tự nhiên hiền khô, Mợ nghĩ đến sự quan trọng của câu chuyện, Mợ làm như sắp mồ côi cả cha lẫn mẹ đến nơi, bèn mếu máo sụt sùi. Ông Xã Xệ cũng cảm động không kém một tay ôm thầng Cu, một tay ôm Cả Đoảng, đánh trống lảng bằng cái điệp khúc muôn thuở: “Nói thế chứ còn lâu bố mới chết. Nhiều thì không dám hứa nhưng Bố sẽ cố gắng sống với mẹ con tụi bay mươi năm nữa. Chịu không?”

    Thôi thế là xong. ít nhất cũng giải quyết được một vấn đề cần giải quyết. Cám ơn cụ Charles Barnard.

  3. #83
    Chết ở Mỹ, chôn ở VN – chi phí của lần ‘quy cố hương’ cuối cùng
    Kalynh Ngô/Người Việt

    WESTMINSTER, Calif (NV) – Sinh tử là quy luật hiển nhiên của tạo hóa. Cái chết là điểm dừng chân cuối cùng không ai tránh được. Đối với nhiều người Việt tha hương, chết không chỉ là hết, mà còn là sự chuẩn bị cho một ngày “trở về” – “quy cố hương.”

    Về bằng cách nào?

    Tuấn Nguyễn, người thành lập nhà quàn Thiên Môn, là người đến Mỹ từ lúc còn rất nhỏ tuổi, cho biết: “30% những gia đình đến nhờ nhà quàn Thiên Môn mang thi hài người thân về Việt Nam đều là người miền Nam. Và đặc biệt, tất cả họ là những người đã đặt chân đến xứ sở này bằng con đường vượt biển.”

    Anh Minh, cư dân của thành phố Santa Ana, người vừa thực hiện xong ước nguyện cuối đời của mẹ mình là di quan thi hài về Việt Nam, cho biết: “Gia đình tôi, bên này lẫn bên Việt Nam, không phải lo gì cả ngoài tờ giấy chứng nhận của bác sĩ. Sau đó thì nhà quàn Thiên Môn lo hết tất cả những gì còn lại, cả giấy tờ cần thiết bên Việt Nam. Gần đến ngày thi hài mẹ tôi được đưa về đến Qui Nhơn, nhân viên của họ gọi điện thoại cho chúng tôi biết để người nhà bên Việt Nam chuẩn bị. Sau đó, họ mang thi hài mẹ tôi đến tận nhà.”

    Là một người lớn lên ở Mỹ, nhưng vì tính chất công việc, anh Tuấn tìm hiểu rất nhiều về phong tục tập quán của người Việt. Chính vì vậy, “chúng tôi cung cấp một dịch vụ chu toàn từ phong tục truyền thống như ma chay, tụng liệm, cho đến đáp ứng thời gian nhập quan theo ý của gia đình. Chúng tôi làm với một mức giá phù hợp với người Việt.”

    Nói thêm về công việc của mình, Tuấn cho biết: “Tất cả những gì anh mong muốn là giúp cho người Việt mình phương cách thỏa đáng nhất để cho dù có nằm lại đây thì sẽ là một lễ tang đúng theo truyền thống, hay muốn đưa thi hài quay về cố hương thì cũng bằng dịch vụ tốt nhất và khả thi nhất.”

    “Trong dịch vụ này, giai đoạn đầu tiên là lâu nhất. Đó là lúc chờ nhận tờ giấy ‘chứng tử’ từ bác sĩ có thẩm quyền,” Tuấn nói về điều đầu tiên cần phải cho việc mang thi hài ra khỏi nước Mỹ.

    Điều này được ông Khang Lê, chủ nhà quàn An Lạc cũng đồng ý: “Phần quan trọng nhất là giấy xác nhận với chữ ký của bác sĩ thì việc di quan về Việt Nam mới thực hiện được. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng mau chóng. Vì có khi người bác sĩ đó bận đi công tác hoặc vì một công việc gì đó thì thời gian sẽ bị lâu hơn.”

    “Chúng tôi kết hợp với một nhà quàn đối tác ở Việt Nam để thực hiện giai đoạn nhận thi hài ở phi trường và mang đến tận nhà cho gia đình. Thời gian từ năm đến bảy ngày hoặc có thể lâu hơn một chút,” ông Khang nói.

    Cô Lynda Trần, quản lý của nhà quàn Peek Funeral Home tọa lạc trên đường Bolsa có cách giải thích rõ ràng hơn về những thủ tục pháp lý: “Chúng ta đang sống ở Mỹ, một đất nước mà mạng sống của con người rất được trân quí. Xã hội này lo cho chúng ta từ sống cho đến khi mất đi. Nói cách khác là cái chết của mỗi con người cũng phải được chứng nhận rõ ràng. Nó liên quan đến luật pháp, đến y tế. Đó là lý do mà gia đình phải có được tờ giấy chứng nhận người thân mình đã chết với chữ ký của bác sĩ thì lúc đó những chuyện tiếp theo mới được tiến hành.”

    Để chứng minh cho điều mình nói, cô Lynda kể một trường hợp của một gia đình có người thân vừa mất: “Đó là một người không có tiền sử bệnh nan y. Thế nhưng, trong một lần uống thuốc, vì lý do gì đó mà viên thuốc khi vào trong đường thở, làm chặn lại đường hô hấp. Trường hợp này phải đợi đến bác sĩ giảo khiệm, tìm ra nguyên do, sau đó gia đình mới có được giấy phép để hỏa táng.”

    Điều này cũng cùng nhận định với anh Tuấn Nguyễn và ông Khang Lê về thủ tục pháp lý cần phải có đầu tiên cho dịch vụ hậu sự, dù là hỏa táng ở Mỹ, chôn cất ở Mỹ hoặc đưa thi hài về Việt Nam.

    Một chia sẻ rất chân thành của cô Lynda, đó là: “Với tôi, đây là một thủ tục rất tình người. Đó là cái tình cho người ở lại. Người ở lại sẽ không bị liên lụy đến cái chết không rõ nguyên nhân của người đã mất.”

    Cô Lynda cho biết có hai lựa chọn trong dịch vụ di quàn thi hài về Việt Nam. Lựa chọn thứ nhất là Peek Funeral Home sẽ lo tất cả giấy tờ hậu sự cần thiết ở Mỹ và Việt Nam. Sau đó, thi hài được đưa về đến tận gia đình.

    Lựa chọn thứ hai là gia đình ở Việt Nam tự đến phi trường để nhận thi hài người thân. Với lựa chọn này, gia đình người mất phải cung cấp cho nhà quàn “Đơn xin nhận thi hài” (xin bên phía Việt Nam). Sau khi có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, Peek Funeral Home sẽ lo phần “visa cho người chết” (theo cách nói của cô Lynda).

    Bao nhiêu cho một lần trở về?

    Nói về chi phí, Tuấn Nguyễn cho biết: “Có hai trường hợp. Nếu gia đình cần chúng tôi lo hết mọi thứ, từ giấy tờ ở đây và ở Việt Nam, cho đến di quàn về đến tận nhà, thời gian mất một tuần. Gia đình không phải lo gì cả. Giá là $11,500. Còn nếu gia đình lo giấy tờ ở Việt Nam, chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm giấy tờ ở Mỹ và mang thi hài về đến phi trường thì thời gian là hai tuần. $9,500 là chi phí tổng cộng khách hàng trả cho trường hợp này.”

    “Đặc biệt, Thiên Môn có một quy tắc, đó là khi mọi chuyện xong xuôi, chúng tôi mới lấy chi phí,” Tuấn nói thêm.

    “Những gia đình nào muốn làm tang lễ cho bạn bè, thân hữu thăm viếng, chúng tôi sẽ giúp tổ chức phần đó. Sau khi xong, chúng tôi đưa quan tài về Việt Nam. Thường thì công ty của tôi gửi qua Thai Airway, một loại máy bay cargo, không dùng để chở hành khách.”

    Anh Minh, người vừa đưa thi hài mẹ của mình về Quy Nhơn cũng bày tỏ sự hài lòng và cả biết ơn với dịch vụ của Thiên Môn, “xong xuôi hết chúng tôi mới phải trả tiền.”

    Ông Khang Lê, nhà quàn An Lạc, cho biết tổng chi phí một dịch vụ hậu sự mà An Lạc nhận sẽ bao gồm từ việc lo tang lễ bên này, tùy theo tôn giáo từng gia đình, cho đến di quàn thi hài người mất về đến Việt Nam là trên dưới $15 ngàn.

    Tuy nhiên, ông Khang Lê cho biết mức giá có thể cao hơn tùy theo loại quan tài mà gia đình sử dụng.

    “Hình thức và cả chất lượng,” ông nói.

    Không chỉ áp dụng một mức giá mà ông gọi là “dành cho người Việt,” ông Khang, một trong hai người Việt ở Little Saigon được tiểu bang California cấp chứng nhận Funeral Director, cho biết: “Đã sống đến tuổi này, tôi hiểu và chứng nghiệm rất rõ câu ‘có nhân thì có quả.’ Công việc của chúng tôi thực sự gọi là giúp cho người đã chết. Và tôi sẽ luôn luôn đặt chữ đạo đức lên hàng đầu.”

    “Dù là Phật giáo hay Công giáo, bất cứ lúc nào, dù là nửa đêm, tôi cũng có thể gọi giúp ngay một nhà sư hay một cha xứ đến để đọc kinh cầu nguyện cho gia đình có hậu sự.”

    Tuấn Nguyễn thì cho biết thêm về những gì nhà quàn Thiên Môn có thể đáp ứng cho khách. “Người Việt mình có một phong tục là coi ngày giờ tốt cho lễ nhập quan. Cho dù thời gian đó là vào lúc nửa đêm, tôi vẫn thực hiện được.”

    Ông Khang chia sẻ thêm rằng ông đến với công việc này cũng vì “một phần là cái nghề, một phần là không muốn người Việt mình ở đây bị các công ty nhà quàn của Mỹ ‘bắt chẹt.’”

    Ông kể ra một câu chuyện vui mà ông cho là “không biết nên cười hay nên khóc.” Một người bạn nói với ông “sau khi xem chi phí của dịch vụ mai táng của một số nơi, tôi tự nói với mình là thôi mình khoan chết. Vì chết tốn tiền quá.”

    Ông Khang chia sẻ: “Những công ty nhà quàn của Mỹ nắm được tâm lý ‘chịu chi’ của người Việt Nam. Chính vì vậy, họ thuê nhân viên là người Việt làm ‘salesman’ và cho người đó tùy ý đưa ra giá cả. Những ‘salesman’ đó được tiền ‘hoa hồng’ trên giá mà họ ‘bán’ được cho khách hàng.”

    “Đây gọi là kinh doanh trên thân xác người chết,” ông nói.

    Cô Lynda Trần cho biết tổng chi phí của Peek Funeral Home cho dịch vụ di quàn thi hài vào khoảng $7,000 – $15,000, tùy lựa chọn của gia đình. Chi phí khoảng $15,000 là cho những gia đình muốn tổ chức tang lễ thăm viếng ở đây trước khi di quàn thi hài về Việt Nam.

    Tuấn Nguyễn cũng thế: “Giá cả dịch vụ của tôi thấp hơn những công ty Mỹ hơn một nửa. Đơn giản vì công ty Mỹ nắm được điểm mấu chốt của người Việt mình là rất trọng nghi thức như chôn ở đâu, tang lễ thế nào. Tôi là người Việt nên tôi hiểu và tôi không để cho người Việt của mình thiệt thòi.”

    “Dù là công việc gì, cũng phải cần đạo đức,” anh nhấn mạnh.

    Nhà quàn An Lạc cũng cho biết, so với di quàn thi hài, dịch vụ đưa tro cốt về Việt Nam không những dễ mà chi phí còn thấp hơn rất nhiều.

    Nhưng theo ông Khang thì “không có nhiều người Việt hải ngoại chọn cách này. Thật sự cá nhân tôi không rõ vì sao. Tôi chỉ đoán có thể là do phong tục tập quán của người Việt mình là muốn con cháu nhìn mặt lần cuối.”

    Riêng cô Lynda Trần thì cho biết: “Khách hàng gần đây nhất của tôi là bác Trợ, ở ngay Santa Ana. Chính tôi đã tư vấn cho bác ấy cách gửi tro cốt về Việt Nam bằng đường bưu điện, với giá $100. Và bác cho tôi biết gia đình bên Việt Nam đã nhận được. Đó là một trong những cách mà tôi nghĩ tôi có thể giúp cho cộng đồng của mình.”

    “Công việc tôi đang làm trước nhất là giúp cho những người đã chết, và sau đó là người thân của họ,” cô nói thêm.

    Vì sao họ quay về?

    Anh Tuấn Nguyễn cho rằng sở dĩ người Việt mình thích “quay trở về nằm ở quê hương” vì đó là tâm lý người Á Đông, nhất là người Việt Nam, khi mất đi rồi thì ai cũng muốn được nằm kề cận bà con dòng họ, vì “người Việt mình … thích vui lắm!”

    Ông Khang cũng nói rằng đa số những người Việt đã mất ở xứ Mỹ và di quàn về Việt Nam là người miền Nam. Theo suy nghĩ của riêng ông, đó là “do tâm lý thôi. Người miền Bắc có cuộc sống chắt chiu hơn. Đối với họ ‘chết đâu cũng là chết’.”

    Chia sẻ từ cô Lynda Trần thì: “Hầu như nhu cầu di quàn thi hài về Việt Nam thuộc về những người lớn tuổi. Họ có bà con thân nhân ở Việt Nam nhiều hơn ở bên này. Cho nên khi mất rồi, họ muốn quay trở về cố hương. Lá rụng về cội. Đó là ước nguyện của họ”

    Đúng vậy. Đó cũng chính là nỗi niềm của bác Xuân, một người cao niên sống ở Santa Ana, đặt chân đến Hoa Kỳ từ những năm 80, tâm sự rằng “Tôi hay nói với tụi nhỏ ở nhà tôi là ông bà mình xưa nay có câu ‘sống gởi, thác về’ ý để nói vợ chồng tôi vẫn muốn quay về ‘kề cận’ bên ông bà khi đến ‘ngày trăm tuổi.’”

    Đó là lý do vì sao mà người mẹ quá cố của Minh nhắn gửi trước khi mất rằng bà không muốn thiêu hay chôn ở đây, mà bà “muốn được trở về nằm cạnh phần mộ của họ hàng.”

    Không phải chỉ riêng những người lớn tuổi vừa mới đến Mỹ đoàn tụ gia đình, con cháu mới có mong muốn ấy. Mà họ còn là những người tìm đường thoát đến xứ tự do khi tuổi đời còn rất trẻ và đã sống ở Mỹ hơn nửa đời người. Con cháu của họ giờ đây là thế hệ thứ hai, thứ ba của nước Mỹ.

    Và đó còn là những người chưa từng một lần quay trở lại quê hương trong mấy mươi năm họ xa xứ.

    Đó là trường hợp của bác Bình Nguyễn, một người Việt tị nạn ở Mỹ gần 40 năm: “Gia đình tôi làm nghề đánh cá. Tôi cùng với anh em trong nhà là dân đi biển. Năm đó tôi cùng với hai người anh đánh tàu tìm đường thoát đi. Chúng tôi may mắn vượt biển thành công và định cư ở Mỹ từ năm 1975 đến nay. Anh em chúng tôi mỗi người sống một tiểu bang khác nhau. Tôi ở Philadelphia, còn hai người anh thì ở Houston. Bao nhiêu năm nay tôi chưa một lần về thăm quê nhà. Nhưng tôi vẫn nói với con của mình là sau khi tôi mất, hãy mang tôi về chôn cất bên cạnh ông bà tổ tiên.”

    “Lá rụng về cội mà,” bác Bình nói, mắt nheo nheo để lộ những vết tích thời gian trên gương mặt.

    Nỗi niềm của người nằm lại

    Tuy nhiên, là thủ phủ của người Việt tị nạn với dân số đông nhất nước Mỹ, mang thi hài về quê hương không phải là lựa chọn duy nhất của hầu hết người Việt ở Little Saigon.

    “Nói riêng cộng đồng chúng ta ở Little Saigon này thì số người nằm lại cũng tương đương với số người chúng tôi di quàn về Việt Nam. Có thể nói là 50-50. Không phải gia đình nào cũng có chung một cách giải quyết cho việc hậu sự của người thân của mình. Vì còn tùy hoàn cảnh từng gia đình. ” Tuấn Nguyễn nói về những trường hợp khác mà anh từng gặp.

    Hoàn cảnh mà Tuấn nói đến là những gia đình không còn ai ở lại Việt Nam.

    Bác Hồng ở Hội Người Già Westminster cho biết mình vừa đến Mỹ đoàn tụ con cháu chỉ vỏn vẹn gần ba năm. Cho nên “nhớ Việt Nam lắm. Nhớ bà con láng giềng hủ hỉ sớm tối,” bác tâm sự.

    Nhưng nói đến “ngày trăm tuổi” của mình, bác Hồng không nghĩ rằng mình sẽ lựa chọn quay về quê hương. Vì “tôi là người cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Con cháu của tôi đều ở đây hết. Công việc làm tụi nó sẽ không cho phép tụi nó đi về thường xuyên để lo mồ mả,” bác nói.

    Bác Hồng là một trong những người biết rằng ngày mình nằm xuống, nơi này sẽ là nơi mình gửi thân. Và bác chấp nhận điều ấy, vì con cháu của mình.

    “Có những người tìm đến đây và hỏi ý kiến của tôi về việc khuyên bố, mẹ của họ như thế nào khi mà các ông, bà cụ cứ muốn được chôn cất ở nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng con cái của họ thì lại muốn ông bà cụ chôn cất bên này để thuận tiện cho những ngày giỗ kỵ,” anh Tuấn kể về những trường hợp mà anh gặp.

    Thế nhưng, “cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng tôi sẽ làm theo mong muốn cuối cùng của ba mẹ tôi. Vì đơn giản, tôi nghĩ đó là bổn phận một người con.”

    “Con người có tổ có tông.
    Như cây có cội như sông có nguồn.”

    Với một số người Việt hải ngoại, cái tổ cái tông đó là ước mơ cuối cùng của họ. Và có những người như Tuấn Nguyễn của Thiên Môn, như ông Khang Lê của An Lạc, như cô Lynda Trần của nhà quàn Peek Funeral Home sẽ giúp họ đạt được tâm niệm đó.

  4. #84
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Quote Originally Posted by chielavotinh
    “Đã sống đến tuổi này, tôi hiểu và chứng nghiệm rất rõ câu ‘có nhân thì có quả.’ Công việc của chúng tôi thực sự gọi là giúp cho người đã chết. Và tôi sẽ luôn luôn đặt chữ đạo đức lên hàng đầu.”

    Theo quan niệm của Phật Giáo (Liễu sanh thoát tử) thì thần thức sẽ không còn bên cái thân xác muộn nhất là ngày thứ 49 (thất tuần). Tái sanh rồi. Vui vẻ gì với bà con nữa. Chỉ tốn tiền người tại thế thôi. Bày vẽ chi cho thêm chuyện. Cho nên nếu theo quan niệm Phật giáo thì nên giản tiện cho người thân. Tái sanh rồi có nhận biết ai mô.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  5. #85
    Quote Originally Posted by Triển View Post
    ... Bày vẽ chi cho thêm chuyện. Cho nên nếu theo quan niệm Phật giáo thì nên giản tiện cho người thân. Tái sanh rồi có nhận biết ai mô.
    Cũng nghĩ như bác. He is a businessman!

    SỐNG VÀ CHẾT
    Song Thao

    Chuông điện thoại reo chát chúa. Từ bên kia đầu dây giọng dẻo quẹo của một người đàn ông vang lên:

    - Chào ông. Chúng tôi ở hãng bảo hiểm M.

    Đầu óc tôi nghĩ nhanh tới bảo hiểm xe, bảo hiểm nhà, bảo hiểm tai nạn... Chẳng có một cái bảo hiểm nào ăn nhậu tới cái tên M. lạ hoắc này.

    - Xin lỗi ông, hình như tôi không có bảo hiểm gì của hãng M. thì phải.

    - Thưa đúng vậy. Chúng tôi chỉ muốn hỏi ông ít câu để làm bản thăm dò thôi.

    - Tôi rất ít thời giờ.

    - Thưa chúng tôi không dám làm phiền ông lâu. Thưa ông, ông có mua bảo hiểm nhân thọ chưa ạ?

    - Tôi không có ý định mua!

    - Thưa ông, ông có gia đình chứ ạ?

    - Có!

    - Ông có nghĩ nếu ông mệnh hệ nào thì mọi chuyện sau đó sẽ được giải quyết ra sao không ạ?

    - Tôi không cần biết!

    - Ông cũng nên nghĩ tới vợ con ông chứ?

    - Cám ơn ông. Tôi không cần ông quan tâm tới chuyện riêng của tôi!

    Tôi dằn mạnh điện thoại thiếu điều muốn bể chiếc máy. Tôi nổi giận thực sự. Mấy thằng cha này coi bộ hết thứ buôn bán rồi sao mà buôn bán tới chuyện sống chết của người khác!

    Tôi ngồi thừ người chờ cơn giận lắng xuống. Mấy câu thơ mới đọc hồi chiều lùng bùng trong đầu tôi. Không hiểu sao hai ông bạn tôi lại hè nhau nói tới chuyện chết vào cùng một lúc trên báo Nắng Mới số tháng 5 vừa rồi. Ông Lưu Nguyễn dặn dò:

    Mai này ta sẽ ra đi
    Đừng thương tiếc (bởi) có gì tiếc đâu
    Ở vui đi cũng chẳng sầu
    Đời cho quá hậu cơ cầu làm chi.

    Ông Luân Hoán còn dặn dò kỹ càng hơn:

    Khi tôi chết đừng chia buồn, phúng điếu
    Đừng tiễn đưa, đừng gắng lập bàn thờ
    Bởi tôi sẽ đi đầu thai tức khắc
    Làm một cọng mây tuyệt cõi lửng lơ.

    Đọc những câu thơ chia lìa của bạn bè lòng tôi đang bâng khuâng ngơ ngẩn; vậy mà cái anh bán bảo hiểm vô duyên lại “thương mại hóa” nỗi xúc động của tôi. Làm gì tôi không nổi giận! Tìm ra nguyên cớ của ông Trương Phi nằm trong lòng mình tôi bỗng thấy nhẹ nhàng thanh thản.

    Ở bên mình người ta cũng lo hậu sự kỹ lắm chứ. Các cụ ông cụ bà khi đã “tri thiên mệnh” thì đón đợi cái chết một cách bình thản an nhiên. Làm như thể sắp đi chơi xa một chuyến. “Về với các cụ”. Nghe sao mà nhẹ hẫng nhẹ hơ. Có cụ sắm sẵn một cỗ hậu sự bằng gỗ vàng tâm để vào một góc nhà đi ra đi vào ngắm nghía thú vị như vừa sắm được một chiếc va ly vừa ý cho một chuyến đi xa. Có cụ lại lo xây sẵn kim tĩnh, làm lăng làm mộ như tậu được một căn nhà mới trong bụng rất ưng. Lo hậu sự xong xuôi, các cụ bình tĩnh ngồi chờ ông Thần Chết tới đón đi. Ông thần này là một anh chàng bất lịch sự chẳng bao giờ hẹn hò gì cả, xoạch một cái là tới dắt người ta đi. Vậy mà các cụ cứ thản nhiên như không. Có cụ chờ tới cả chục năm mà vẫn không sờn lòng sờn chí!

    Con cái cũng sửa soạn hậu sự cho bố mẹ như một cách trả hiếu lần cuối cho các bậc sinh thành. Cô con gái lẳng lặng nuôi một cặp heo như một cách để dành tiền phòng khi các cụ về với tổ tiên. Cô con dâu âm thầm chơi bát hụi nhỡ khi có chuyện sẽ hốt hụi lo cho bố mẹ chồng cho trọn đạo làm dâu.

    Bằng cách này hay cách khác người ta thản nhiên sửa soạn chuyện chung sự. không mong mỏi nhưng cũng không tránh né. Hoa nở hoa tàn, trăng tròn trăng khuyết, xuân qua hạ tới, trời đất có sự tuần hoàn của trời đất. vòng tử sinh là chuyện tuần hoàn của con người, có chi mà thắc mắc!

    Mai này ta sẽ ra đi.
    Trăm năm cũng thế có gì khác đâu. (thơ Lưu Nguyễn).

    Chứ có đâu lại sỗ sàng tính toán hơn thiệt như bảo hiểm nhân thọ. Nói chuyện tình cảm ở một xứ sở văn minh làm như có chút ngớ ngẩn lạc lõng. Thì cái chết cũng chỉ là một thứ business như mọi thứ business khác chứ sao! Khéo vẽ chuyện là cái anh đồ gàn.

    *

    Giữa sự sống và sự chết có cái biên giới mỏng như một tờ giấy quyến. Tôi nhớ hồi nhỏ đã có lần nhìn mọi người quây quần quanh một ông bác đang hấp hối. Một người cầm miếng giấy quyến nhỏ để trước mũi ông bác tôi. Tờ giấy gượng gạo phập phồng một cách khó khăn như đang cố gắng giữ lại chút sinh lực nhỏ nhoi. Rồi tờ giấy yếu dần trước khi đứng sững bất động. Một người òa lên khóc kéo theo những cái miệng méo xệch chu chéo ầm ĩ cả nhà. Từ sự sống qua cái chết chỉ là một chớp mắt mảnh mai.

    Xa lộ Métropolitain, xa lộ vòng đai thành phố Montreal, một buổi chiều mùa đông ảm đạm. Trận bão tuyết từ tuần trước còn để lại những đống tuyết dơ dáy bên thành xa lộ. Chiếc xe chạy ngay trước xe tôi lăn bánh với tốc độ vừa phải. Bỗng chiếc xe lạc tay lái quay ngang trước đầu xe tôi và lao về phía thành xa lộ cao khoảng một thước. Chiếc xe lướt qua hai hàng xe phía bên phải, leo qua đống tuyết thoai thoải, nhảy phắt lên thành xa lộ rơi qua phía bên kia, rớt xuống con đường dốc của một exit. Đầu xe quay ngược trở lại làm tôi nhìn thấy người lái xe khoảng ba chục tuổi ngồi chết trân sau tay lái. Cả thân người bất động chỉ có đôi mắt trợn trừng mở to muốn rách mí mắt. Khoảng nửa phút sau bộ râu mép mới rung động báo hiệu ông tài xế đầy may mắn này mới chỉ “dựa lưng nỗi chết”.

    Chiếc xe lao qua hai làn xe đầy nhóc xe cộ mà, lạ lùng thay, không đụng vào một chiếc xe nào. Nếu không có đống tuyết thoai thoải thì xe đã chắc chắn tan tành khi húc vào bức tường chắn bằng bê tông cao khoảng một thước. Khi xe nhảy qua tường nếu không gặp đường exit thì đã rơi xuống đường phố chằng chịt xe cộ ở phía dưới xa khoảng hai chục thước. Xe nào mà chịu thấu! May mắn cuối cùng là đường exit lúc đó không có một chiếc xe nào nên xe quay ngược đầu lại mà không đụng chạm gì cả. Chỉ thiếu một trong nhửng cái may mắn trên thì ông tài xế chắc chắn đã về với tổ tiên rồi. Giữa sự sống và cái chết mỏng manh biết bao!

    *

    Cái biên giới mong manh giữa cõi nhân gian và miền miên viễn có nhiều người muốn xóa nhòa đi. Cuộc sống tù đầy nhọc nhằn, tăm tối, tủi nhục trong các trại tù cộng sản có khác chi cõi chết. Bước từ cái chết này qua cái chết khác coi bộ thong dong như không.

    Ông bạn vong niên “hàng xóm” của tôi trong trại tù cải tạo cứ nằng nặc đòi chết. Ngồi trên chiếc chiếu cá nhân bên cạnh chiếc chiếu của tôi, ông quay qua gục gặc mái đầu mới trên năm chục mà đã nả trắng mệt mỏi bảo tôi:

    - Toa ạ, chắc moa tỏi mất.

    Tôi nói đùa xóa đi nỗi u ám đang đè nặng lên con người đầy thất vọng:

    - Thưa Ngài Đại Sứ, Ngài còn lâu mới tỏi được!

    Đại sứ thứ thiệt Phạm Trọng Nhân cười bày ra hai hàm răng hơi hô:

    - Moa muốn tỏi thiệt đó!

    Tết năm đó, cái tết đầu tiên sau ngày cộng sản cưỡng chiếm toàn thể đất nước, được gọi là tết Thống Nhất.

    Trong tù, chúng tôi cũng được động viên làm bích báo mà lúc đó được diễn nôm là “báo tường” để đón xuân Thống Nhất. Ông Đại Sứ đa tài ngồi hí hoáy làm thơ. Bài thơ nói lên tâm trạng người mẹ già ngóng chờ đứa con xa nhà về ăn tết có hai câu chót rất ngang tàng:

    Xuân nay đoàn kết, xuân đoàn tụ
    Sao mãi thằng Nhân chửa thấy về!

    Được tôi hỏi nhỏ Ngài không rét sao mà làm thơ hách xì xằng như vây, nhà thơ Lương Giang tỉnh bơ bảo tôi:

    - Moa đã bảo là moa muốn chết thì moa còn sợ đếch gì nữa!

    Tám năm tù từ Nam ra Bắc gian khổ biết mấy mà anh Thần Chết vẫn chưa rước được người muốn chết đi.Cuối cùng nhà tù cũng phải mở rộng cửa để cụ về đi Pháp đoàn tụ với gia đình.

    Vài năm trước đây, cụ qua Montreal nói chuyện về nhà thơ bạn của cụ, thi sĩ Bàng Bá Lân, hai chúng tôi gặp lại nhau. Tôi nheo mắt hỏi cụ:

    - Cụ này, khó tỏi gớm nhỉ!

    Cụ cười hết gân phán một câu xanh rờn:

    - Tỏi thế chó nào được!

    Sau đó mỗi dịp xuân về chúng tôi không bao giờ quên gửi thiệp chúc tết cho nhau. Tết vừa rồi, thiệp tôi gửi đi mà không thấy thiệp cụ gửi lại. Tôi nghĩ là cụ bận việc quên gửi thiệp cho tôi thôi. Đầu năm đọc báo mới thấy báo loan tin cụ đã vĩnh viễn ra đi. Tôi nhìn hình của cụ trên báo, thầm nói với người đã khuất. Cụ Nhân ạ, cụ tỏi thế chó nào được. “Thằng” Nhân chỉ về đó thôi!

    *

    Về với đất là kết thúc một chu trình làm người. Có sinh có tử. Lẽ thường! Cát bụi rồi sẽ trở về với cát bụi. Trừ có một người không chịu như vậy: ông Luân Hoán.

    Không từ đất sao phải về với đất
    Thịt xương này không thể mất khơi khơi
    Khi tôi chết xin đem giùm thi thể
    Chia cho thù lẫn bạn nhậu chơi.

    Hừm! Lại thêm một anh đồ gàn!

  6. #86
    ĐIỀU GÌ XẢY RA SAU KHI CHẾT?
    Từ Quán

    Sự chết của con người là một giai đoạn trong chu trình biến thiên bất tận sinh-lão-bệnh-tử. Đầu tiên, tim ngừng đập rồi đến phổi, sau đó đến não; cuối cùng cơ thể phân hủy. Từ lúc tim ngừng đập đến lời thông báo chính thức rằng một người đã chết, các bác sĩ chờ đợi 2,3,5 hoặc 10 phút, nhưng "thời gian chuẩn" mà ngành y gọi là asystolic là bao nhiêu vẫn còn có sự khác biệt giữa hai quan điểm của "y học cổ truyền Tây Tạng" và y học hiện đại. Theo "Tạng thư sống chết" và "Tử thư Tây Tạng", phải mất 8 giờ sau khi tim ngừng đập và tắt hơi, con người mới chết hẳn và các nghi thức tẩn liệm chỉ được phép thực hiện sau 8 giờ. Theo y học hiện đại thì bệnh nhân chỉ thực sự chết sau khi tim ngừng đập nửa giờ. Bốn giờ sau khi tim ngừng đập thì não mới chết hẳn và không còn "hoạt động điện não"... Sau đó, cơ thể người chết trở nên lạnh cứng, lộ rõ âm khí và hoại tướng của một tử thi. Thiền sư Hakuin có nói: "Kẻ nào thấu triệt được lẽ sống chết, kẻ ấy mới thực sự là một con người vĩ đại".

    Những thời điểm quan trọng của sự chết

    Khi hơi thở ra chấm dứt thì sinh lực bị rơi vào trung khu thần kinh của "sự biết" (sushuma nadi) và "người biết" sẽ kinh nghiệm được "ánh sáng trong suốt" trong điều kiện tự nhiên của nó. Lúc đó, sinh lực bị phóng xuất chạy xuống dọc theo các dây thần kinh sinh lý bên phải và bên trái cột xương sống (ida nadi và pingala nadi). Sau khi sinh lực đã đi qua trung khu thần kinh ở rún, nó lan ra trong đường gân bên trái và bên phải. Thời gian cần thiết cho sự vận chuyển này của sinh lực khi hơi thở còn thoi thóp vào khoảng thời gian một bữa ăn. Thời gian của sự hấp hối là thời gian mà sinh lực còn ở trong đường thần kinh chính giữa - đó là lúc tri thức ngất lịm. Thời gian này bất định, nó tùy thuộc vào thể chất tốt hay xấu, tùy thuộc vào tình trạng các dây thần kinh và sinh lực của mỗi người. Những người có kinh nghiệm thiền định vững vàng và yên tĩnh hay những người có cá tính trầm tĩnh thì thời gian đó có thể kéo dài từ 4 cho đến 7 ngày. Những người có đời sống bê bối, trụy lạc hay những người tâm thần không bình hòa thì tình trạng trên không kéo dài lâu hơn một cái búng ngón tay. Nơi những người khác thì có thể kéo dài trong thời gian một bữa ăn. Đây là giai đoạn đầu của chi khai bardo: ánh sáng trong suốt ban đầu được thấy vào lúc chết.

    Ánh sáng trong suốt ban đầu, nếu được nhận ra thì có thể giúp người chết đạt đến giải thoát; bằng không, sau cái hắt hơi cuối cùng của một bữa ăn, người chết sẽ có khả năng thấy được sự loé sáng của ánh sáng trong suốt bậc nhì. Tùy theo nghiệp tốt hay xấu, sinh lực chạy xuống trong đường thần kinh bên phải hay bên trái và thoát ra một trong chín cửa của thân thể (còn gọi là cửu khiếu: 2 mắt, hai tai, hai lỗ mũi, miệng, hậu môn và đường sinh dục). Lúc đó, một tình trạng khác của tinh thần sáng suốt khác lại hiện ra. Suốt trong giai đoạn hai của thân trung ấm, người chết (linh hồn) ở trong tình trạng gọi là "thân thể sáng chói của ảo tưởng". Người chết trong tình trạng này vẫn không biết là mình đã chết hay chưa, nếu họ được một pháp sư rành pháp "chuyển duy tư tưởng" giúp họ hội nhập vào "nguồn sáng" này thì nghiệp lực sẽ không ngăn cản, họ sẽ hội nhập vào "thực tại tối thượng" và đạt được giải thoát.

    Nếu sự giải thoát không thực hiện được trong giai đoạn hai, thì người chết sẽ bước vào giai đoạn gọi là thân trung ấm thứ ba hay chonyid bardo. Trong giai đoạn ba này, các ảo tưởng theo nghiệp thức sẽ nổi dậy, kéo dài cho đến hết ngày 49 sau khi chết, và được phân thành 6 tình trạng:

    - Tình trạng ảo giác tự nhiên theo tạp niệm, vọng tưởng hay quan niệm kiến chấp.
    - Tình trạng ảo giác như các giấc chiêm bao.
    - Tình trạng ảo giác cực kỳ hỷ lạc của trạng thái nhập thiền sâu.
    - Tình trạng ảo giác chuyển tiếp lúc chết.
    - Tình trạng trải qua kinh nghiệm thực tại.
    - Tình trạng trải qua tiến trình ngược lại của kiếp sống luân hồi (nhớ lại các sự việc từ bé đến lớn hay các tiền kiếp quá khứ).

    Sau 49 ngày hay hết giai đoạn 3, người chết sẽ đầu thai theo một trong sáu cõi của lục đạo luân hồi.

    Tiến trình của sự chết

    Theo các kinh sách Tây Tạng nói về sự chết, tiến trình chết là quá trình tan rã gồm hai giai đoạn: một sự tan rã bên ngoài, khi các căn và tứ đại phân tán; và một sự tan rã bên trong, thuộc về các ý tưởng và cảm xúc thô và tế.

    Sự tan rã bên ngoài

    - Lục căn phân tán và ngưng hoạt động: nếu có người đứng xung quanh giường người đang chết mà nói chuyện, sẽ đến một lúc y có thể nghe âm thanh tiếng nói của họ, mà không thể nghe ra một lời nào. Đây là dấu hiệu nhĩ thức đã ngưng hoạt động. Khi y nhìn một vật trước mặt mà chỉ có thể thấy hình dạng lờ mờ, không rõ chi tiết và dấu hiệu nhãn thức đã suy. Tương tự, các dấu hiệu suy kiệt cũng xảy ra đối với các khả năng ngửi, nếm, sờ. Khi các giác quan không còn cảm nhận được một cách trọn vẹn thì đó là giai đoạn đầu tiên của tiến trình tan rã.

    - Địa đại tan rã: Thân xác chúng ta khởi sự mất hết sức mạnh, kiệt quệ, không còn chút năng lực nào: không thể ngồi thẳng, đứng lên hay cầm bất cứ vật gì; thậm chí không giữ được cái đầu của mình. Ta cảm thấy như mình đang té xuống, đang bị nhận chìm xuống đất hay đang bị một sức nặng ghê gớm như trái núi đè bẹp và nghiền nát. Ta cảm thấy nặng nề, khó chịu trong bất cứ tư thế nào. Màu da ta phai nhạt dần và một màu tái xanh hiện ra. Má hóp lại, những vết đen xuất hiện trên răng, càng lúc ta càng thấy khó mở mắt, nhắm mắt. Khi sắc uẩn phân tán, ta bất động, tâm thần dao động, miệng có thể nói nhảm, sau đó đi vào trạng thái hôn trầm.

    - Thủy đại tan rã: Ta khởi sự mất khả năng kiểm soát chất lỏng trong thân. Mũi ta bắt đầu chảy nước và miệng rỏ nước miếng. Có thể nước mắt chảy ra và ta có thể mất tự chủ. Lưỡi không còn di động, lỗ mắt khô cạn, môi tái lại và thụt vào. Tay run rẩy, co giật và rất khát nước. Mùi tử khí bắt đầu tỏa ra chung quanh. Khi thọ uẩn phân tán, những cảm giác của thân yếu dần, khi khổ khi vui, lúc nóng lúc lạnh. Tâm thức ta trở nên mờ mịt, bất mãn, bực tức và nóng nảy. Kinh điển nói chúng ta cảm thấy như bị dìm trong đại dương hay bị cuốn trôi trong dòng nước lớn.

    - Hỏa đại tan rã: Miệng và mũi ta hoàn toàn khô cạn. Tất cả hơi ấm trong cơ thể bắt đầu mất dần, từ dưới chân lạnh ngược lên đến tim. Một luồng khói có thể thoát ra từ đỉnh đầu. Hơi thở trở nên lạnh khi qua miệng và mũi. Ta không còn ăn uống gì được nữa. Tưởng uẩn đang phân tán. Tâm trí bắt đầu lộn xộn: không thể nhớ được tên bà con, bè bạn hay nhận ra họ. Ta càng lúc càng khó nhận ra những gì ở bên ngoài, vì âm thanh và hình ảnh luôn trộn lẫn. Kalu Rinpoche cho biết: "Đối với người sắp chết, kinh nghiệm bên trong là như thể bị nuốt chửng trong một ngọn lửa lớn, ở giữa một cái hỏa lò hừng hực, hay toàn thế giới đang bị thiêu đốt".

    - Phong đại tan rã: Ta càng lúc càng khó thở. Không khí dường như thoát ra ngõ yết hầu chúng ta. Hơi thở vào càng lúc càng ngắn và khó nhọc, hơi thở ra càng lúc càng dài (thở hào hển). Ta nằm bất động với đôi mắt trợn trừng lên. Khi hành uẩn phân tán, tâm trở nên hoang dã, không biết gì về thế giới bên ngoài. Mọi sự trở nên một khối mờ mịt. Cảm giác liên lạc cuối cùng của chúng ta với tình trạng xác thân đang tan mất. Ta khởi sự có ảo giác và thấy các cảnh tượng: nếu trong đời, ta đã tạo nhiều nghiệp ác, ta có thể trông thấy những hình thù ghê rợn. Rồi những ám ảnh và những giây phúc kinh hãi của đời ta bây giờ quay lại, có khi chúng ta hét lên vì kinh hoàng. Nếu ta sống đời với tấm lòng từ bi, bác ái, xót thương và độ lượng, chúng ta có thể kinh nghiệm những cảnh thiên đường đầy hỷ lạc, gặp các bạn bè thân yêu hoặc những bậc giác ngộ. Những người sống đời lương thiện, khi chết cảm thấy bình an thay vì sợ hãi. Kalu Rinpoche viết: "Kinh nghiệm nội tâm đối với người sắp chết là một ngọn cuồng phong quét sạch toàn thế giới, kể cả chính mình, một trận gió xoáy cuốn hút toàn vũ trụ".

    Vào thời điểm này, máu tụ lại đi vào trong "kinh mạch của sự sống" nằm chính giữa tim ta. Ba khối máu lần lượt tụ lại gây nên ba hơi thở ra cuối cùng. Rồi thình lình hơi thở ta chấm dứt. Chỉ một chút hơi ấm còn lại trong tim ta. Một dấu hiệu của sự sống không còn, và đây là điểm mà sự xét nghiệm lâm sàng cho là: "chết". Tuy nhiên, các bậc thầy Tây Tạng cho rằng vẫn còn tiếp diễn một tiến trình bên trong.

    Sự tan rã bên trong

    Trong quá trình tan rã nội tâm, ở đấy những tâm trạng và cảm xúc từ thô đến tế tan rã, có bốn tầng lớp tâm thức vi tế được gặp gỡ. Ở đây, tiến trình chết phản ảnh ngược lại với tiến trình đầu thai. Khi tinh huyết cha mẹ gặp gỡ, tâm thức ta do nghiệp thúc đẩy, bị kéo vào. Trong thời kỳ phát triển bào thai, tinh chất của cha, một hạt nhân "trắng và phúc lạc" an trú trong luân xa ở đỉnh đầu, trên cùng của huyệt đạo trung ương. Tinh chất của người mẹ, một hạt nhân "đỏ và nóng" an trú trong luân xa nằm dưới rốn chừng bốn ngón tay. Chính từ nơi hai tinh chất này mà những giai đoạn kế tiếp của sự tan rã xảy ra. Với sự biến mất của ngọn gió giữ nó lại đấy, tinh chất màu trắng đi đến huyệt đạo về phía trái tim. Bên ngoài có tướng màu "trắng" hiện ra như "một bầu trời trong sáng dưới ánh trăng". Bên trong, ý thức chúng ta trở nên vô cùng sáng suốt, và tất cả những tâm trạng do sân giận, gồm 33 thứ, đều dứt. Giai đoạn này gọi là "xuất hiện". Rồi tinh chất của mẹ bắt đầu đi lên qua huyệt đạo trung ương, khi ngọn gió giữ nó nguyên chỗ đã biến mất. Tướng bên ngoài là một màu "đỏ" như mặt trời chiếu trên nền trời trong. Bên trong, có một cảm giác phúc lạc phát sinh, và những tâm trạng do tham dục, gồm 40 thứ tất cả, ngưng hoạt động. Giai đoạn này gọi là "tăng trưởng".

    Khi hai tính chất đỏ, trắng gặp gỡ ở tim, tâm thức được kèm theo trong ấy. Tulku Urgyen Rinpoche, một bậc thầy lỗi lạc ở Nepal, nói: "Kinh nghiệm ấy giống như bầu trời và trái đất gặp nhau". Bên ngoài, chúng ta thấy xuất hiện một màu "đen", giống như một bầu trời trống rỗng chìm trong màn đêm dày đặc. Tướng bên trong là một trạng thái tâm thức không có tư tưởng. Bảy trạng thái tâm do ngu si và vọng tưởng đi đến chấm dứt. Điều này được gọi là "thành tựu". Khi chúng ta hơi tỉnh giác trở lại, ánh sáng căn bản lóe lên như một bầu trời vô nhiễm không mây mù. Đôi khi đấy gọi là "tâm với ánh sáng trong của sự chết". Đức Đạt lai Lạt ma nói: "Tâm thức này là tâm thức sâu xa nhất. Chúng ta gọi nó là Phật tính, suối nguồn thực sự của mọi thức. Dòng tương tục của tâm thức này kéo dài ngay cả đến khi thành Phật quả;.

    Đặc tính phổ quát của tiến trình chết đối với mọi loài chúng sinh

    Tiến trình chết là một tiến trình phổ quát mà tất cả chúng sinh từ lớn nhất cho đến nhỏ nhất như côn trùng cũng đều trải qua như nhau. Tuy nhiên, tiến trình này có thể đổi khác tùy từng cá nhân và những thay đổi này có thể xảy ra do hậu quả của những chứng bệnh đặc biệt và tùy thuộc vào tình trạng các huyệt đạo, khí lực hay tinh thần của người sắp chết. Trong trường hợp chết bất ngờ hay chết vì tai nạn, tiến trình này cũng vẫn xảy ra, nhưng cực kì nhanh chóng.

    Tóm lại, để hiểu một cách rốt ráo điều gì xảy ra khi chết là xem sự tan rã bên trong và bên ngoài như một sự sinh khởi và phát triển tuần tự những tầng lớp tâm thức càng lúc càng vi tế. Khi tiến trình chết tuần tự diễn ra, mỗi tầng lớp tâm thức nổi lên trên sự tan rã liên tục của hợp thể thân tâm để đi dần đến sự hiển lộ hoặc là thanh tịnh giải thoát, hoặc là tùy theo nghiệp báo chiêu cảm vào trong lục đạo.

  7. #87

  8. #88
    “Sân ga một đám đứng chờ tàu,
    Toàn bạn già xưa biết mặt nhau.
    Tàu chật, có người lên được trước;
    Chậm chân, kẻ đợi chuyến tàu sau.
    Một đi là chẳng quay đầu lại,
    Áo trắng trên người đủ kín thân.
    Ra đi giống thuở ai vừa đến,
    Tàu suốt trăm năm chỉ một lần.
    Sân ga thấp thoáng bóng người già,
    Họ sẵn sàng về cõi thật xa.
    Hình như trong đám trông chờ ấy,
    Có bạn thân tình, có cả ta”.


    Tử Biệt
    Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

    Cổ nhân ta vẫn thường nói tới chu kỳ kín của đời người “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”.

    Vâng: có sinh thì có tử, nhưng “sinh thì hữu kỳ, tử thì vô hạn”. Nặng bụng cưu mang chín tháng mười ngày là biết rằng con sẽ “nhập thế cuộc”, chào đời. Còn mặc áo mới vĩnh viễn ra đi thì chẳng biết khi nào, ra sao.

    Sinh ly, tử biệt. Vào đời là tạm thời chia ly với cơ thể người mẹ. Rời khỏi cuộc đời là tạm biệt với nhân gian. Hẹn lại cùng nhau gặp ở “cõi thật xa”: Niết Bàn, Thiên Đàng, Aara, Elysium, Soma, Jahannan...Hoặc Địa Ngục để mặt đối mặt với Diêm Vương, luận tội kể công.

    Với thân xác, bệnh tật thì học giả Ngô Tất Tố đã thoát dịch bốn câu thơ của vua Trần-Thái-Tôn như sau:

    “Cũng bởi có thân mà có bệnh
    Ví bằng không xác quyết không đau.
    Phép tiên chớ vội khoe không chết,
    Thuốc thánh còn chưa chắc sống lâu”.

    Chưa chắc sống lâu thì có ngày phải biệt tử.

    Mà Voltaire đã nói “Lúc ta chào đời là đã một bước đi về cõi chết”. Đúng chăng là con người bắt đầu chết ngay từ lúc sinh ra và trong chu kỳ kín, cái kết cuộc nối liền với khởi điểm.

    Guillaume Amerye (Abbé de Chaulieu) thì rõ ràng hơn “Cái chết chỉ là sự kết thúc cuộc đời; Nỗi thống khổ, niềm sung sướng không cùng mang theo”-.La mort est seulement le terme de la vie; De peine ni de biens elle nest point suivie”.

    Với Napoleon Đại Đế “Chết là giấc ngủ không mơ” và Shakespeare:“ Kẻ nào chết rồi là sạch nợ”.

    Nói vậy thì chết cũng đơn giản như sanh, đôi khi ồn ào, lộn xộn hơn.

    Có người đã ví sự chết của cơ thể như sự tắt của một nhà máy với những động cơ, giây điện. Nhà máy không im lặng ngưng hoạt động khi ta ngắt nút kiểm soát tắt mở mà mọi bộ phận còn cót két rên rỉ kêu trong khi chậm lại rồi ngưng.

    Ngoại trừ bất thần chết vì tai nạn, thương tích hoặc cơn dột quỵ suy tim, cơ thể cũng cót két, rên xiết trước khi sự sống hoàn toàn ngưng.Vì thế Dylan Thomas có nhận xét rằng “Chúng ta không nhẹ nhàng đi vào tử biệt mà thịnh nộ, nổi khùng trước sự tắt lịm của ánh sáng”.

    Nhưng có người tin rằng ở nội tâm thì lại bình an.Tuy ồn ào nhưng sự chết luôn luôn xác thực. Nhiều người đã tìm được bình an và chân giá trị trong sự xác thực này.

    Tư Mã Thiên có ghi: “Nhân cố hữu nhất tử: Tử hoặc trọng ư Thái Sơn, hoặc khinh ư hồng mao”. Do đó mới có nguời khi đối diện với tử thần thì sợ hãi, phủ nhận, cô lập, giận dữ rồi năn nỷ điều đình để rồi cuối cùng cũng phải chấp nhận. Vì số trời đã định.

    Y giới thường được huấn luyện để cứu chữa bệnh nhân và kéo dài sự sống trong đó họ đạt được phần thưởng về tinh thần cũng như tài chánh.Nhưng khi không ngăn chặn được sự chết thì họ hết hứng thú và thường chuyển sang đối tượng khác. Và nguời bệnh đôi khi bị quên lãng, đơn độc ra đi trong tình cảm gia đình, tôn giáo.

    Mà ra đi thì xác còn đó, hồn đi đâu, chẳng ai hay. Cho nên Shakespeare đã ví “ Chết chỉ là một cuộc du lịch nhưng chẳng ai quay trở lại”. Để nói cho nhau biết chết ra sao, như thế nào, và bên kia vui hay buồn, thái bình hay binh đao, độc tài hoặc dân chủ...Chẳng ai “báo cáo” nên người tiễn đưa phải suy luận, tìm hiểu về người ra đi. Đi như thế nào, lúc nào, ra sao.

    Từ nhiều thế kỷ, chết được hiểu như là khi con người mất hết các chức năng sống: tim ngừng đập vĩnh viễn, hơi thở không còn. Nhưng khi nào thì mạng sống đó được coi như là không còn sống. Đó là điều mà giới y, luật gia, triết nhân, các vị học giả, thường dân, người làm chính trị đã và đang ồn ào, hăng say thảo luận, góp ý.

    Vì tạm thời tim ngưng đập, hơi thở gián đoạn khoảng 6 phút mà các bộ phận sinh tử chưa bị tổn thương, con người tưởng như đã mãn phần thì y học hiện đại đã phục hồi được các chức năng và cứu sống nhiều người.

    Vì vậy tiêu chuẩn não-tử brain death được thêm vào.

    Não là trung tâm của hệ thần kinh.

    Cuống não kiểm soát các chức năng duy trì sinh lực của các cơ quan, bộ phận.

    Não trên điều hòa ý nghĩ, trí nhớ, tình cảm con người.

    Năm 1968, Đại Học Y Khoa Harvard đề nghị bốn tiêu chuẩn cho não tử:

    a- Không đáp ứng với cảm giác sờ mó, âm thanh và các kích thích ngoại vi;

    b- Không còn cử động và không còn hơi thở tự phát (spontaneous breathing);

    c- Không cón tác động phản xạ.

    Phản xạ (reflex) là một sinh hoạt tự động hay không chủ ý do một vòng thần kinh tương đối đơn giản gây ra mà không nhất thiết liên quan tới ý thức. Chẳng hạn khi dùng kim chích nhẹ vào tay một người, thì kim đau sẽ gây ra cử động phản xạ tự vệ tức thì để rút ngón tay lại trước khi não có thời gian gửi cảm giác đau tới các cơ quan liên hệ.

    d- Không còn ký hiệu não điện đồ hoặc bất cứ hoạt động điện năng nào từ tế bào não.

    Từ năm 1929, bác sĩ thần kinh tâm trí người Đức Hans Berger đã khám phá ra là não bộ có những luồng điện phát ra trong khi não hoạt động. Nhưng khi đó không ai tin. Phải đợi tới khi nhà bác học người Anh Edgar Adrian cụ thể chứng minh được sinh hoạt điện năng này của não thì mọi người mới chấp nhận và Edgar được Nobel Prize vào năm 1932 cùng với Sir Charles Sherrington nhờ kết quả việc nghiên cứu này.

    Ngày nay nhiều máy móc tối tân đã ghi nhận được các sinh hoạt điện năng của não bộ với các sóng alpha, beta, delta, theta. Rồi lại còn MRI, PET scan ghi lại các tín hiệu cũng như thay đổi hóa chất của não khi nghỉ cũng như khi làm việc.

    Trong tương lai gần đây, chắc là các ý nghĩ thầm kín của ta cũng sẽ được máy móc tìm ra, đọc được.

    Tiêu chuẩn não-tử của đại Học Harvard cũng không được mọi giới công nhận là một thử nghiệm để kết luận sự chết. Mỗi quốc gia có những tiêu chuẩn khác nhau.

    Từ năm 1981, Hoa Kỳ định nghĩa chết như sự ngưng không đổi ngược của toàn bộ não kể cả phần cuống là nơi điều hòa hô hấp, tuần hoàn và các chức năng khác.Và về pháp lý, các điều kiện trên phải kéo dài sau 12 giờ.

    Khi còn ở trong tình trạng thực vật (vegetative state) thì cuống não còn hoạt động và tiếp tục giúp hoàn thành sự hô hấp, tuần hoàn và vài nhiệm vụ khác; nhưng phần não trên điều hòa sự suy tư, thu nhận cảm xúc không còn nữa.

    Khi rơi vào tình trạng Permanent vegetative state là tình trạng không có ý thức vĩnh viễn, không đổi ngược trong đó không có cử động tự ý hoặc bất cứ khả năng nhận biết nào; không còn khả năng chủ ý truyền đạt hoặc tương tác với ngoại cảnh. Người bệnh đôi khi rơi vào tình trạng nhìn theo mà không còn biết gì (coma vision.)

    Cho nên rơi vào Não Tử thì ít khi thoát lưỡi hái Tử Thần dù có cấp cứu tiến bộ tinh vi; tình trạng thực vật vegetative lại vẫn còn nhờ sự toàn vẹn của cuống não để điều khiển một số chức năng của cơ thể cho nên có thể kéo dài sự sống vật vờ cả nhiều năm...

    Tử biệt

    ...Maria được Chúa và Đức Mẹ ban cho tuổi thọ 94, kéo dài sự sống được 10 năm sau khi người chồng thân yêu của bà bình an vĩnh viễn ra đi trong một cơn stroke vào ban đêm. Từ đó bà ở với con này con kia mỗi nơi một vài tháng, nửa năm để bớt đơn côi.

    Bà tương đối vẫn mạnh khỏe ngoài vài bệnh thông thường của tuổi già, rất siêng năng lần hạt mân côi và luôn luôn liên lạc, khích lệ con cháu trong sự nghiệp, bổn phận đối với gia đình và xã hội.

    Mấy tháng gần đây, bà cảm thấy trong người như không được khỏe cho lắm và bà được đưa vào điều trị tại bệnh viện hơn một tuần rồi xuất viện, về nghỉ ngơi theo dõi bệnh tình ở Skill Nursing Facility do các nữ tu dòng Franciscan tổ chức có nhân viên tận tình chăm sóc. Bà enjoy nếp sống ở đây, tham gia tất cả các sinh hoạt, vui vẻ với mọi người. Bà luôn luôn điện thoại cho con cháu xa gần, khoe là bà cảm thấy hạnh phúc sung sướng lắm…

    Rồi một đêm, người nhà được thông báo là bà cảm thấy trong người mệt mỏi, ngực hơi đau, khó thở, đầu hơi choáng váng và được đưa vào phòng cấp cứu. Bà yếu dần, nằm mấy ngày, rồi nhẹ nhàng ra đi trước sự chứng kiến của các con. Bà đã được gọi về nước Chúa, sau khi đã được chịu các phép bí tích của giáo hội…

    Trong khi đó, sự ra đi của Lão Tam, một người thân quen trong gia đình, lại có tính cách kinh điển hơn.

    Lão được Trời ban cho tuổi thọ gần bát tuần. Ông tương đối vẫn mạnh khỏe, không bệnh kinh niên, không phải dùng thuốc gì, ngay cả Tam Tinh Hải Cẩu hoặc nhân sâm, cao hổ cốt..

    Nhưng từ nửa năm nay, Lão thấy sức khỏe mỗi ngày mỗi giảm.Lão không còn sinh lực như mấy năm trước, ít quan tâm tới mọi sự chung quanh, đôi khi muốn xa lánh mọi người. Khẩu vị giảm, nhai nuốt khó khăn và ông thấy thực phẩm là không cần thiết. Ông rất sợ khi người thân ép uống súp, ăn thịt, chỉ sợ bị nghẹn, ói. Có những ngày ông ngủ li bì, như để tiết kiệm sinh lực cho những chức năng quan trọng.

    Ông bồn chồn trong lòng, nằm ngồi không yên như nhớ như quên điều gì muốn làm muốn thôi, muốn nhắc nhở vợ con. Rồi thở dài, ngán ngẫm. Vào đêm khuya vắng, ông dường như thấy cha mẹ ông xuất hiện đâu đây, ân cần nói chuyện với ông.

    Có lúc ông lên kinh, chân tay co giựt, hàm cứng lại. Giá có ai bóp tay bóp chân cho mình lúc này nhỉ!.

    Ông thấy nhịp tim chậm dần, nhẹ hơn. Hơi thở đôi khi như hụt và nông. Tuần hoàn kém, thân ông giá lạnh vì thiếu máu. Da ông xanh nhợt. Não thiếu oxy nên ông hay choáng váng mày mặt, kèm theo những cơn nhức đầu kéo dài khó chịu. Ngượng ngùng hơn là nhiều lần ông không kềm hãm được đại tiểu tiện, bài tiết trên giường. Người toát ra mùi hôi; nước miếng hoen khóe mép, đóng cặn.

    Xương thịt, nội tạng ông đôi khi đau nhức, nhưng không kéo dài lâu. Ông nhớ có người nói, cận tử thì cơ thể tiết ra vài hóa chất giúp giảm sự đau, sự quằn quại khi mô bào, bộ phận bước vào giai đoạn đau đớn của sự chết (agony phase of death). Các bộ phận trong hình hài ông ngưng dần, bộ phận nọ tiếp nối bộ phận kia như những quân bài domino đè lên nhau mà ngả xuống.

    Ông mỉm cười chờ đợi. Một ngày đẹp trời nào đó, mắt ông sẽ mờ dần, đồng tử mở rộng nhưng bất động, để đón nhận thêm nhiều ánh sáng. Không gian tối dần, như Victor Hugo than phiền “ Tôi chỉ thấy bóng tối” hoặc Emily Dickinson “...sương mù đang bao phủ quanh tôi”. Bắt chước Goeth, ông kêu lên “ Light! more light”, cho tôi thêm ánh sáng !. Để lần cuối nhìn thấy cuộc đời. Rồi ông lịm dần, lịm dần.

    Chỉ trong vài giờ, cơ thịt ông co cứng, giá lạnh, xanh lợt. Rồi vài chục giờ sau, cơ thể ông mềm, mô bào tự hủy hoại vì hóa chất tiết ra, rồi thoái rữa vì đám vi khuẩn trong ruột già ruột non đua nhau lan tràn phá phách đó đây.

    Rồi thân xác này sẽ được chôn cất dưới lòng đất xâu. Cát bụi lại về cát bụi…

    Ông nhớ là cách đây vài tháng, khi linh cảm rằng sẽ đi xa, ông đã làm di chúc. Xin đừng móc dây móc máy vào người tôi khi tôi hấp hối. Cho phép tôi ra đi lành lặn như khi tôi tới. Trên giấy tờ hộ tịch sẽ được ghi tôi chết vì natural cause, rất tự nhiên, điều mà nhiều người mong ước. Và xin cảm ơn mọi người đã chăm sóc tôi, đã lưu tâm tới “những nhu cầu cận tử” nhu cầu của người trên ngưỡng cửa tử vong”.

    Lão Tam sẵn sàng ra đi.

    Như Thomas Edison reo lên Bên kia thế giới sao mà đẹp “It is beautifull over there”!

    Và bình thản đợi chờ như nhà văn lão thành MặcThu viết nhân chuyến “tiễn đưa” nhà văn Mai Thảo.

    “Sân ga một đám đứng chờ tàu,
    Toàn bạn già xưa biết mặt nhau.
    Tàu chật, có người lên được trước;
    Chậm chân, kẻ đợi chuyến tàu sau.
    Một đi là chẳng quay đầu lại,
    Áo trắng trên người đủ kín thân.
    Ra đi giống thuở ai vừa đến,
    Tàu suốt trăm năm chỉ một lần.
    Sân ga thấp thoáng bóng người già,
    Họ sẵn sàng về cõi thật xa.
    Hình như trong đám trông chờ ấy,
    Có bạn thân tình, có cả ta”.

    Vâng. Có cả ta.

  9. #89
    What is a good death? How my mother planned hers is a good road map for me.
    Cynthia Miller-Idriss

    Years ago, I called my brother to ask whether he would serve as my health proxy, charged with making decisions about my care in the event of some unforeseeable disaster.

    “Sure,” he said affably, and then added: “You should be mine, too. I mean, if I lost a leg or something, I wouldn’t want to live. You’d pull the plug, right?”

    Unsettled by our widely disparate visions of a good life — and a good death — I quickly hung up and called my sister instead.

    But more than a decade later, as we saw our mother succumb to the final stages of an indignant, drawn-out death from Alzheimer’s disease, I find myself returning to my brother’s words. I still find his view of a good life terribly narrow: If I lost a leg, I would certainly want to live. But I have also come to appreciate his utter certainty about what a good life — and a good death — looks like for him.

    Most of us avoid thinking about death, which makes a good one harder to come by. Two-thirds of citizens in the United States do not have a living will. Although most Americans say they want to die at home, few make plans to do so, and half will die in hospitals or nursing homes instead — a situation Katy Butler, author of “The Art of Dying Well,” attributes in part to our “culture-wide denial of death.”

    Even healthy people need a living will, but many don’t want to think about it.

    Specifying what a good death means is especially important for dementia patients, who will lose the ability to express their own wishes as the disease progresses. In the early stages, patients have time to reflect and clarify what they do and do not want to happen at the end of their lives. But these options dry up quickly in later stages.

    This means that most families are left with a terrible series of guesses about both medical interventions and everyday care. Are patients still enjoying eating, or do they just open their mouths as a primitive reflex, as one expert put it, unconnected to the ability to know what to do with food? What kinds of extraordinary resuscitation measures would they want medical staff to undertake?

    In the absence of prior directives, such considerations are estimates at best. As I sat beside her one recent morning, my mother repeatedly reached a shaky hand to her head, patting the side of her face. Puzzled, I leaned in.

    “Does your head hurt?” I wondered. She moved her palm with painstaking slowness from her head to mine, cradling my cheek. “Are you in pain?” I asked. Her mouth parted, but no words came. My eyes welled. Is this the path to the good death she wanted?

    I may never know the answer. But over time, I did learn how to help her have a better one. One afternoon, after she was frightened by the efforts of two nurses in her residential dementia care facility to lift her from a wheelchair, a quiet phrase slipped out of her mouth. “There you go,” she murmured calmly, just as she had for a thousand childhood skinned knees and bee stings. She was consoling herself, I realized, and teaching me how to do it at the same time.

    I learned to read micro-expressions, interpreting small facial shifts for fear, anxiety or contentment. I discovered I could calm her breathing with touch: holding her hand or settling my hand on her leg. She would visibly relax if I made the shushing sounds so second-nature from the sleepless nights I’d rocked my own babies.

    “It’s okay, love, you’re okay, I’m here, I love you,” I would murmur, patting her shoulder. She would sigh, and close her eyes.

    Some of the path to her good death was luck. Michelle, another dementia resident, decided she was my mother’s nurse. She sat beside her constantly, holding her hand and tucking small morsels of coffeecake between her lips. Whenever I arrived, Michelle would spring up, give me a surprisingly fierce hug and offer her informed assessment of how my mother was doing. “I take care of her,” she told me repeatedly, stroking my mother’s cheek.

    Other parts of her good death came through privilege. She was the last of a generation of teachers to retire with a significant pension, easing the substantial financial burden of 24-hour care. My father’s own secure retirement enabled him to care for her at home for years, and to spend hours with her every day after she moved into a residential care facility.

    But her good death is also a result of planning. Having laid out her wishes with some precision, my mother was part of the minority of Americans with an advanced directive specific to dementia. This means that we knew she wanted comfort feeding, but no feeding tube. A DNR (do not resuscitate) order helped guard against unnecessary pain and suffering — the broken ribs common in elderly resuscitation attempts, for example — in case of a catastrophic event. In the end, her wishes were followed: there were no tubes and no machines.

    Some indications suggest more Americans are starting to think about what a good death will look like.

    There are initiatives to encourage people to talk about end-of-life care. The Death over Dinner movement suggests groups of friends host dinner parties to process how they feel about death. “How we want to die,” the movement’s website prompts, “represents the most important and costly conversation America isn’t having.” Indeed, advising people on how to die well may be the logical next step for a burgeoning wellness industry that has captivated the attention of a generation trying to live a better, more balanced life.

    There is no way to know for certain whether my mother’s death was the good death she wanted. But her willingness to think it through left us with less guesswork than most — and provided a good map for me as I tried to figure it out.

    I am not sure I could ask for anything more.

  10. #90
    Near Death Experience (NDE): Kinh nghiệm cận tử

    https://shop.goop-img.com/cdn-cgi/im...506556911.webp


    Cảnh Giới Bên Kia Cửa Tử
    Nguyên Ngọc

    Hiện nay luân hồi tái sinh là một đề tài nóng bỏng ở xã hội Tây Phương nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Chương trình 60 Minutes ngày 30 tháng 10, năm 2005 có đề cập đến vấn đề luân hồi tái sinh và báo cáo hiện nay có đến 78% người Mỹ - vào khoảng 200,000,000 dân -- tin có kiếp trước kiếp sau.

    Ông Raymond Moody, một giáo sư tiến sĩ và bác sĩ y khoa mà cũng là một nhà nghiên cứu tiền phong về vấn đề luân hồi tái sinh, nói rằng sự hiểu biết về hiện tượng có đời sống khác sau đời sống này (life after life) đã được giấu nhẹm rất kỹ cho đến bây giờ. Nếu ai tò mò muốn tìm hiểu xem người Mỹ nghĩ thế nào về luân hồi chỉ việc vào thăm GOOGLE website, ghi chữ “books on reincarnation” thì thấy một con số khổng lồ là hơn 2,000,000 tài liệu gồm sách và các bài luận giải về nhân quả và luân hồi (karma and reincarnation).

    Năm 1975 khi cho in cuốn sách đầu tiên Life After Life sau nhiều năm tiếp xúc với những bệnh nhân chết đi sống lại, bác sĩ Moody nói ông chỉ ghi lại trung thực những câu chuyện này mà không cố ý chứng minh là có một đời sống khác sau khi chết. Ông cũng nói thêm rằng hiện nay chưa ai có thể đưa ra một bằng chứng cụ thể để chứng minh có một cảnh giới bên kia cửa tử nhưng người ta cũng không thể phủ nhận kinh nghiệm của hơn 8 triệu người lớn ở Mỹ và mấy triệu trẻ con, chết đi sống lại đã kể những gì họ thấy được sau khi lìa khỏi xác thân vật lý.

    Bác sĩ Moody kể lần đầu tiên ông được nghe tả về cảnh giới bên kia cửa tử do người chết hồi dương kể lại (Near Death Experience) là khi ông còn là sinh viên ban triết ở University of Virginia. Một giáo sư y khoa dạy môn tâm thần học (psychiatry) kể cho sinh viên nghe chính ông đã “chết” đi rồi sống lại hai lần, cách nhau 10 phút. Ông kể lại những chuyện ly kỳ ông được chứng kiến trong thời gian ông “chết”. Thoạt nghe thì anh sinh viên Moody cũng lấy làm lạ nhưng không có ý kiến gì. Anh chỉ cất cái băng thu thanh câu chuyền này để làm tài liệu thôi. Mấy năm sau, ông Moody bây giờ là giáo sư tiến sĩ dạy môn triết ở một trường đại học ở North Carolina. Trong một buổi giảng dạy về thuyết bất tử (Phaedo) của Plato, một nhà hiền triết nổi tiếng của Hy Lạp, một sinh viên xin gặp riêng để hỏi thêm về vấn đề sống chết vì bà của chàng ta đã “chết” trên bàn mổ, sau đó hồi sinh và kể những chuyện bà đẵ chứng kiến rất hấp dẫn. Giáo sư Moody yêu cầu anh sinh viên này kể lại từng chi tiết và ông rất đỗi ngạc nhiên khi thấy những chuyện xẩy ra cho bà già này gần giống những mẩu chuyện ông được nghe từ miệng ông thầy của ông mấy năm về trước. Từ đó ông cố ý thu thập tài liệu về hiện tượng chết đi sống lại. Ông cũng đưa vấn đề này vào trong các bài giảng của ông, nhưng ông không đề cập gì đến hai trường hợp ông được nghe. Ông nghĩ rằng nếu có nhiều người chết đi sống lại thì thế nào sinh viên cũng sẽ nói ra trong các giờ triết. Quả vậy, trong mỗi một lớp học chừng 30 sinh viên khi nào cũng có một anh xin gặp riêng sau giờ học để kể cho ông nghe một câu chuyện chết đi sống lại. Có điều lạ là những mẩu chuyện này có nhiều tình tiết giống nhau tuy người có kinh nghiệm chết đi sống lại gồm nhiều thành phần khác nhau, khác về tôn giáo, về học vấn, và địa vị xã hội.

    Khi ông Moody theo học y khoa năm 1972 thì ông đã có một hồ sơ dày cộm về những trường hợp chết đi sống lại. Ông bắt đầu nói đến công cuộc nghiên cứu của ông với nhũng người ông gặp ở trường y. Sau đó, theo lời yêu cầu của một người bạn, ông nhận lời thuyết trình về hiện tượng chết đi sống lại tại một hiệp hội y sĩ và nhiều hội đoàn khác. Và sau mỗi buổi thuyết trình, thế nào cũng có người đứng lên kể lại kinh nghiêm chết đi sống lại của chính mình. Dần đà ai cũng biết tiếng ông nên nhiều bác sĩ đã giới thiệu những bệnh nhân họ cứu sống được mà có những kinh nghiệm lạ lùng trong thời gian họ “chết”. Sau khi vài tờ báo đăng tải tin tức về công cuộc nghiên cứu của ông thì nhiều người tự động gởi những mẩu chuyện xẩy ra cho họ. Ông quyết định chỉ chú ý đến trường hợp những người do bác sĩ chứng thực là đã chết (clinical death tức là tim ngừng đập, óc ngưng hoạt động) rồi được cứu sống lại, và trường hợp những người bị tai nạn, hồn lìa khỏi xác ngay nhưng sau đó lại hoàn hồn, đã kể những sự việc họ chứng kiến.

    Trong mấy trăm câu chuyện chết đi sống lại mà tác giả được trực tiếp nghe, bác sĩ Moody nhận thấy tuy kinh nghiệm của mỗi người có điểm khác nhau nhưng tựu trung thì có thể nói có chừng 15 điểm mà ông thấy người ta hay nhắc nhở. Ông dựng lên một trường hợp điển hình như sau:

    Bệnh nhân đang giẫy chết, cảm thấy đau đớn vô cùng trong phút giây hồn lìa khỏi xác, rồi đương sự chợt nghe bác sĩ tuyên bố mình đã chết. Y bắt đầu nghe một tiếng động khó chịu, một tiếng kêu ù ù trong tai và đồng thời cảm thấy mình đang lướt đi thật nhanh qua một đường hầm dài tối thui. Sau đó y chợt nhìn thấy thân thể mình bất động nằm đằng kia. Y đứng nhìn bác sĩ, y tá đang cố cứu tỉnh cái thân thể bất động ấy và y cảm thấy tâm thần bị xúc động mãnh liệt. Sau một lúc, y lấy lại bình tĩnh và bắt đầu để ý đến tình trạng kỳ cục đang xảy ra. Y thấy mình vẫn có một “thân thể ” nhưng thân thể này khác hẳn với thân thể mà y vừa trút bỏ lại đang nằm bất động ở đằng kia. Rồi y thấy có nhiều người bước đến thăm hỏi, và trong thâm tâm y hiểu rằng đây là hồn ma của bà con, bạn bè đã qua đời đến giúp đỡ đón tiếp. Y cũng thấy một vị toàn thân tỏa ra một thứ ánh sáng kỳ diệu, dịu dàng hỏi han y nhưng không bằng lời nói, chỉ như theo thần giao cách cảm thôi. Vị này gợi ý cho y tự đánh giá cuộc đời của mình ở cõi trần, giúp y thấy lại những biến cố đã xẩy ra trong đời rõ ràng như nhìn chúng trên màn ảnh. Rồi y thấy mình bước về hướng một hàng rào hay một ranh giới ngăn chia hai cõi: cõi giới bên này và cõi trần. Đồng thời y cũng vừa được biết rằng y phải trở lại cõi trần vì “chưa đến số.” Nhưng y không muốn trở lại chút nào vì y thấy thích thú cõi giới bên này. Y đang cảm thấy được phúc lạc và bình an vô cùng. Tuy nhiên không muốn cũng không được, tự dưng y thấy mình nhập vào cái thân xác vật chất kia và trở lại cõi trần. Sau đó y muốn kể lại những sự việc y chứng kiến nhưng cảm thấy khó khăn. Thứ nhất là chữ nghĩa của thế gian không thể dùng để diễn tả cảnh giới ngoài thế gian. Thứ hai là bị người ta cười, cho là y bịa đặt câu chuyện hoang đường cho nên y ngưng, không muốn kể cho ai nghe nữa. Tuy nhiên cái kinh nghiệm “chết” này đã ảnh hưởng sâu đậm con người y, ảnh hưởng nhất là lối suy nghĩ về sự sống chết ở đời.

    Đây chỉ là tổng hợp những chi tiết mà nhiều người nói đến. Không phải ai cũng trải qua những kinh nghiệm như thế. Tác giả nhấn mạnh là không có trường hợp nào giống hệt trường hợp nào, không có ai kinh qua hết 15 điều, nhiều lắm là 12 thôi. Có người chỉ kinh nghiệm chừng tám hay chín điều. Có người khi tỉnh lại thì không nhớ gì hết. Thứ tự những sự việc xảy ra mà họ nhớ được cũng thay đổi, thí dụ có nhiều người nói họ thấy “người ánh sáng” (the “being of light”) khi gần chết, hay ngay sau khi hồn lìa khỏi xác chứ không phải về sau mới gặp. Tuy thế, đây là trường hợp rất hiếm. Phần đông đều kể những sự việc xảy ra theo thứ tự trên.

    Sau đây là tóm lượt 15 điều thường xẩy ra:

    1. Ngôn ngữ bất đồng

    Người nào cũng tỏ vẻ bực bội rằng ngôn ngữ của cõi trần (3-dimensional world) không thể diễn tả đúng những sự việc xẩy ra ở cõi giới kia. Một bà nói rằng “Tôi biết thế giới mà tôi được thấy là một thế giới có hơn 3 chiều nên không thể nào diễn tả được hết những điều tôi muốn nói với thứ ngôn ngữ của thế giới 3 chiều của chúng ta.”

    2. Nghe tin mình đã chết

    Nhiều người kể rằng họ nghe được chính bác sĩ hay những người ở bên cạnh họ tuyên bố họ đã chết. Sau đây là câu chuyện của bà Martin: “Tôi vào bệnh viện nhưng họ không tìm ra bệnh. Dr. James đưa tôi sang phòng quang tuyến để soi gan tìm bệnh. Vì tôi bị dị ứng với nhiều thứ thuốc nên họ thử trên cánh tay tôi trước. Thấy tôi không có phản ứng gì, họ liền chích cho tôi thứ thuốc ấy. Nhưng lần này thì tôi phát dị ứng liền và chết ngay. Tôi nghe bác sĩ quang tuyến, người vừa chích thuốc cho tôi, bước đến dở máy điện thoại. Tôi nghe rõ tiếng ông quay từng con số và nghe ông nói, 'Dr. James, tôi đã giết bệnh nhân của ông. Bà Martin chết rồi.' Nhưng tôi biết tôi không chết. Tôi cố cử động, cố tìm cách nói cho họ biết là tôi chưa chết nhưng tôi không thể làm gì được. Rồi thấy họ làm thủ tục cấp cứu. Tôi nghe họ nói cần bao nhiêu dung lượng (cc -- centicube?) thuốc chích cho tôi nhưng tôi không cảm thấy gì khi ông chích đâm vào da. Tôi cũng không có cảm giác gì khi họ chạm vào người.” Trường hợp một thanh niên “chết” sau một tai nạn xe cộ nhớ lại rằng anh ta nghe một bà đứng gần đó hỏi, “Ông ấy chết rồi há?” và một người khác đáp, “Vâng, ông ta chết rồi.”

    3. Tâm an bình và tịch tịnh

    Số đông kể rằng họ tận hưởng được một cảm giác thật an lạc, thật khoan khoái khi mới thoát ra khỏi cái xác phàm của mình. Một người bất tỉnh ngay sau khi bị thương nặng ở đầu kể rằng khi mới bị chấn thương thì anh cảm thấy đau nhói nhưng chỉ một thoáng thôi, rồi sau đó anh có cảm tưởng như mình đang bình bồng trôi trong một phòng tối. Mặc dù hôm ấy trời lạnh lắm mà anh cảm thấy rất ấm áp trong khoản không gian âm u này. Anh thấy tâm thần mình bình an thoải mái lạ lùng và anh chợt nghĩ “chắc là mình đã chết rồi.” Một bà vật vã, đau đớn và ngất đi sau một cơn đau tim. Khi được cứu tỉnh bà kể, “Tôi bắt đầu cảm thấy sung sướng lạ, mọi lo âu buồn phiền biến mất, chỉ còn lại một cảm giác bình an, thoải mái, thanh tịnh. Tôi không còn cảm thấy đau đớn nữa.” Một người lính “chết” trận ở Việt Nam kể khi bị trúng đạn tự nhiên anh thấy như trút được một gánh nặng. Anh không cảm thấy đau đớn gì mà trái lại anh thấy khoan khoái, an lạc vô cùng.

    4. Âm thanh

    Nhiều âm thanh lạ được tả lại, hoặc khi sắp chết hoặc khi vừa tắt thở. Người thì nghe một thứ tiếng rất khó chịu như trường hợp một người đàn ông “chết” trong thời gian 20 phút trên bàn mổ (mổ bụng) nói là ông nghe một tiếng kêu ù ù rất khó chịu. Tiếng kêu như phát ra từ trong đầu mình chứ không phải từ bên ngoài. Ông không bao giờ quên được tiếng kêu rù rù quái ác ấy. Một người đàn bà kể khi vừa ngất đi thì bà nghe một tiếng rì rì lớn và bà đang chơi vơi bay lộn lòng vòng trong không gian. Bà còn nghe một thứ tiếng khác cũng khó chịu lắm như tiếng động lạch cạch, tiếng va chạm hay tiếng rống mà cũng như tiếng gió hú. Những người khác thì nghe một âm thanh dễ chịu như âm nhạc như trường hợp một bệnh nhân “chết” trên đường đến bệnh viện, khi được cứu tỉnh lại ông kể là ông nghe một âm thanh như âm ba của nhiều cái chuông nhỏ từ đằng xa theo gió vọng lại làm ông nghĩ đến mấy cái chuông gió (wind bells) của Nhật và ông chỉ nghe một âm thanh này thôi. Một người đàn bà trẻ thì kể khi vừa bất tỉnh, cô nghe một thứ âm nhạc kỳ diệu mà cô không tả được.

    5. Đường hầm tối

    Đồng thời vừa khi nghe tiếng động thì người ta cảm thấy như bị hút mạnh vào một khoảng không gian u tối. Người thì nói giống như vào một hang động; người thì bảo sâu hút như một cái giếng; người khác thì tả như một khoảng không, một đường hầm, một ống xoắn, một cái chuồng, thung lũng, ống cống, hoặc khoảng không của một vật thể hình trụ. Tuy được diễn tả khác nhau nhưng điều này cho thấy người nào cũng trải qua kinh nghiệm này. Một người đàn ông 36 tuổi kể lại kinh nghiệm chết của ông lúc còn là đứa trẻ 9 tuổi. Ông nói tuy đã 27 năm rồi nhưng không bao giờ ông quên được kinh nghiệm lạ lùng này. Người nhà đưa đứa nhỏ vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ quyết định mổ liền nên chụp thuốc mê (ether) vào mặt. Khi đứa nhỏ ngửi thuốc mê thì tim ngừng đập ngay. Người ta kể cho nó nghe sau này chứ lúc đó nó nói nó chỉ nghe tiếng reo brrrrrrnnnng - brrrrrnnnng - brrrrrnnnng đều đặn, rồi thấy như mình di động qua một chỗ tối tăm, nghe thì có vẻ kỳ cục vì chỗ ấy dài và tối như ống cống hay cái gì đó mà nó không tả được. Trong khi nó bị đẩy đi trong chỗ tối ấy thì tai nó vẫn nghe tiếng reo.

    Một bệnh nhân khác kể khi tim anh ngừng đập vì bị dị ứng với thuốc mê thì anh thấy mình như bay qua một quãng không tối tăm có thể ví như một đường hầm với một tốc độ cực nhanh như một con tàu đang lao đầu bay xuống ở một công trường giải trí (roller coaster train at an amusement park). Một đứa trẻ khác kể kinh nghiệm chết của nó sau khi bị té xe đạp, “tôi có cảm tưởng như đang đi qua một thung lũng rất tối, tối đến nỗi không nhìn thấy gì khác nhưng trong tâm lại cảm thấy bình yên phúc lạc lạ lùng, một tâm vô quái ngại không còn sợ hãi điều gì nữa.” Một bà “chết” vì bệnh viêm phúc mạc (peritonitis), nói, “Khi ấy, bác sĩ gọi anh và em gái tôi vào nhà thương nhìn mặt tôi lần cuối. Y tá chích cho tôi một mũi thuốc để tôi được đi một cách nhẹ nhàng. Tôi thấy mọi sự vật bắt đầu chập chờn lùi ra xa và thấy mình chui đầu vào một đường hầm rất tối và hẹp chỉ vừa đủ chỗ cho một người. Và cứ thế tôi trượt dần xuống...” Một bà khác kể sau khi “chết” vì tai nạn xe cộ, bà thấy mình êm đềm chui qua một đường hầm vòng tròn. Về sau khi thấy một chương trình TV có nhan đề “Đường Hầm Thời Gian (The Time Tunnel) mà người ta phải chui qua để đi ngược về thời quá khứ thì bà nói đường hầm mà bà đã đi qua có thể ví như đường hầm hình xoắn ốc này.

    6. Giây phút bước ra khỏi xác phàm

    Tuy ai cũng biết rằng cái “ta” gồm hai phần, thân thể và trí óc (body and mind), nhưng ít ai để ý đến phần trí óc vì cho rằng có thân xác vật lý thì trí óc mới hoạt đông được. Vì vậy nên nhiều người cho rằng không thể nào có một đời sống nào khác ngoài đời sống với tấm thân vật lý này. Cho nên trong quá trình chết đi sống lại, ai cũng bị ngạc nhiên quá mức khi họ được ngắm nghía thân xác bất động của họ như một khách bàng quan. Một bà kể, “Tôi nhập viện vì đau tim. Sáng hôm sau, khi cảm thấy đau nhói ở ngực, tôi vội bấm nút gọi y tá. Họ chạy vào và bắt đầu làm thủ tục cấp cứu. Đang nằm ngửa khó chịu quá nên tôi trở mình muốn nằm sấp, và khi vừa trở mình thì tôi thở hắt và tim ngưng đập. Tôi nghe mấy bà y tá la lên, 'Code pink! Code Pink' báo hiệu tôi vừa tắt thở. Khi nghe mấy bà la lối thì tôi cũng vừa thấy mình bước ra khỏi thân thể, tụt dần khỏi tấm nệm xuyên qua mấy song chắn ở giường và tụt xuống sàn nhà. Khi đã đụng sàn rồi thì tôi bắt đầu bay lên, cũng vừa lúc tôi thấy nhiều y tá khác chạy tới, bác sĩ gia đình của tôi đang đi thăm bệnh nhân trong nhà thương nên họ gọi ông đến. Tôi thấy mình bay lên gần chạm trần nhà rồi dừng lại và nhìn xuống. Tôi cảm thấy mình nhẹ như một tờ giấy bị ai thổi lên trần nhà. Lơ lửng ở trên ấy, nhìn xuống tôi thấy mọi người đang loay hoay lo cứu sông thân xác bất động của tôi trên giường. Một bà y tá nói, ‘Lạy Chúa tôi, bà đi rồi!’, một bà y tá khác cúi xuống miệng áp vào miệng tôi cố chuyền hơi thở cho tôi. Tôi chỉ nhìn thấy phía lưng bà. Tôi vẫn còn nhớ mái tóc ngắn của bà, vừa lúc ấy thì người ta đẩy vào phòng một cái máy cứu cấp chạy điện và người ta để bàn xốc lên ngực tôi. Tôi thấy toàn thân tôi giật nẩy lên và nghe xương cốt trong người kêu răng rắc, một cảnh tượng hãi hùng! Bỗng dưng tôi nghĩ sao họ phải nhọc nhằn như vậy chứ, tôi vẫn yên ổn ở đây mà.”

    Một người trẻ tuổi kể rằng hai năm trước khi anh vừa 19 tuổi, anh lái xe đưa một người bạn về nhà. Khi đến một ngã tư, anh thắng lại, nhìn hai bên rồi nhấn ga thì vừa nghe người bạn hét lên và anh thấy ánh đèn pha thật chói của một chiếc xe chạy quá tốc độ đang đâm sầm vào xe anh và anh nghe cả tiếng “rầm” chát chúa khi xe kia húc bên hông xe anh; và trong chớp mắt anh thấy mình như đang đi vào một vùng tăm tối, nhưng chỉ một thoáng thôi, rồi anh thấy mình chơi vơi bay bổng lên hỏng mặt đất chừng một thước rưỡi, và cách chiếc xe bị bẹp dúm chừng hơn bốn thước. Anh thấy nhiều người chạy đến xúm xít quanh chiếc xe, anh thấy bạn anh bước ra khỏi xe ngơ ngác như người mất hồn. Anh cũng thấy cả người anh bị kẹt trong xe và người ta đang cố tìm cách kéo anh ra; hai chân anh quyện vào nhau và máu vung vãi khắp nơi.

    Thật là khó mà tưởng tượng được tâm trạng của những người này khi họ thấy mình đứng đây mà sao lại còn có thân hình mình nằm bất động ở đằng kia! Khi hồn vừa lìa khỏi xác, họ chưa ý thức được mình đã chết nên ngẩn ngơ không hiểu được hiện tượng này. Nhiều người muốn nhập vào xác mình lại nhưng không biết làm sao. Có người hoảng sợ lắm nhưng cũng có người không sợ như người bệnh nhân này kể: “Bệnh tôi trở nặng, bác sĩ bắt phải vào nhà thương. Sáng hôm ấy tôi thấy một lớp như sương mù bao phủ quanh tôi và cùng lúc ấy tôi thấy mình bước ra khỏi xác. Tôi thấy mình bình bồng bay lên phía trên và nhìn xuống cái xác mình nằm ở giường nhưng tôi không thấy sợ. Tôi không thấy sợ chút nào, chỉ thấy một cảm giác bình yên trong một khung cảnh êm ả thanh bình. Và tôi nghĩ có lẽ tôi đang đi về cõi chết. Và tôi tự nhủ rằng nếu tôi không nhập trở lại được vào cái xác kia thì tôi chết thật rồi và như vậy cũng không sao.” Một bà bệnh nhân khác, sau một hồi ngơ ngác cố tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra cho mình thì chợt nghĩ ra chắc mình đã chết và thốt ra, “Ô, tôi chết rồi! Thật là êm ái!”

    Có một hai trường hợp, người “chết” kể sau khi hồn, ý thức, hay thần thức (soul, mind, consciousness) lìa khỏi thân xác vật lý rồi thì họ biết họ không hiện hữu trong một thân xác nào khác nữa. Mặc dầu họ thấy được hết mọi sự việc chung quanh nhưng không phải thấy qua một thân xác mà chỉ như cảm biết vậy thôi. Có người thì nói họ không nhớ là mình có một tấm thân khác không khi họ lìa khỏi tấm thân vật lý vì họ quá bàng hoàng với những sự việc kỳ lạ đang xảy ra. Nhưng phần đông thì nói rằng vừa lìa khỏi thân xác vật lý thì họ thấy mình có một thân xác khác liền và ở đây thật khó mà diễn tả tấm thân mới này. Mỗi người nói mỗi cách vì ngôn ngữ của thế gian không thể diễn tả cho đúng những hiện thượng ngoài thế gian. Có người dùng chữ thể hồn (spiritual body) để tả tấm thân mới này. Sau một lúc họ nhận ra rằng với thể hồn, mặc dầu họ thấy được, nghe được nhưng những người kia (cõi trần) không thấy họ, không nghe họ. Một bà chết giấc vì ngột thở được đưa vào phòng cấp cứu. Bà lấy làm lạ tại sao bà lại lơ lửng bên trên nhìn về phía mọi người đang cứu cấp cái xác của bà. Bà cố nói chuyện với họ mà chả ai nghe, chả ai để ý đến bà cả!

    Nhiều người nói rằng sau giây phút hoang mang lúc đầu, dần đà họ thấy giác quan mới của thể hồn bén nhạy hơn. Họ có thể nhìn thật xa, nghe thật rõ, đọc được ý nghĩ của người khác và chỉ nghĩ đến chỗ nào họ muốn đi thì đã thấy mình ở đó rồi. Nhưng vì họ không trao đổi gì được với những người chung quanh nên họ thấy cô đơn buồn tủi.

    7. Gặp những thể hồn khác

    Nhiều người kể họ chỉ cảm thấy cô đơn trong chốc lát thôi vì sau đó họ gặp và chuyện trò được với những thân nhân bạn bè đã quá cố đến tiếp đón họ. Một bà kể trường hợp đẻ khó, bà bị mất máu rất nhiều trong khi sinh. Bà nghe bác sĩ nói là bà không sống được nhưng bà thấy mình vẫn tỉnh táo và ngay lúc đó bà thấy nhiều người ở trong phòng xúm xít quanh bà nhưng lạ là chỉ thấy mặt thôi. Đông người lắm, lơ lửng ở phía trần nhà. Bà nhận ra đó là những người đã qua đời, bà thấy bà ngoại và một cô bé bạn học hồi nhỏ cùng nhiều người bà con quen biết khác. Ai cũng có vẻ tươi cười như chào đón bà ở xa về. Một ông khác kể rằng sau khi người bạn thân tên Bob chết vài tuần thì ông cũng suýt chết. Ông thấy mình bước ra khỏi thể xác vật chất và có cảm tưởng như Bob đang đứng cạnh mình. Ông biết đó là Bob nhưng một Bob không giống như hồi còn sống, tuy ông nhìn thấy Bob nhưng không phải nhìn bằng mắt vì chính ông cũng không có mắt! Nhưng lúc ấy ông không nghĩ đến điều này là lạ vì ông không cần có mắt mà vẫn thấy. Ông hỏi dồn Bob, “Bây giờ tôi phải đi đâu, chuyện gì đang xảy ra? Có phải tôi chết rồi không? Nhưng Bob không nói gì cả. Suốt mấy ngày tôi ở bệnh viện, Bob vẫn ở bên cạnh tôi nhưng vẫn không trả những câu hỏi của tôi cho đến ngày bác sĩ tuyên bố là tôi đã thoát chết thì Bob bỏ đi.

    8. Đối diện với với “người ánh sáng“

    Tuy tình tiết về kinh nghiệm “chết” của mọi người khác nhau nhưng ai cũng nói đến cuộc gặp gỡ một vị thân toàn ánh sáng. Đây có lẽ là một chi tiết lạ lùng nhất đã làm thay đổi cuộc đời của những người chết đi sống lại. Lúc đầu vị này hiện ra trong một thứ ánh sáng lờ mờ, rồi ánh sáng trở nên rõ dần và sau cùng thì hiện toàn thân trong một thứ ánh sáng rực rỡ. Có điều lạ là tuy rực rỡ mà không làm chói mắt (có lẽ họ không thấy chói vì họ không còn có con mắt trần tục nữa). Tuy vị này hiện ra như một tòa ánh sáng mà ai cũng hiểu đây là một người (being) với đầy đủ cá tính nhân phẩm của một cá nhân và vị này đã ban phát cho họ một tình thương yêu không thể dùng lời nói mà diễn tả được và ai cũng quyến luyến muốn kề cận vị này. Có điều lạ là hầu hết mọi người đều tả dung mạo, phong cách của người ánh sáng này giống nhau nhưng khi được hỏi người ấy là ai thì mỗi người nói một cách khác tùy theo niềm tin tôn giáo của họ. Mấy người Do Thái cho rằng họ đã gặp “thiên thần”, người theo đạo Cơ Đốc (Christians) thì nói người ánh sáng này là đấng Christ, người thì cho là mình đã gặp Thượng Đế. Sau khi hiện ra đối diện với thể hồn, vị này bắt đầu hỏi hồn đã sẵn sàng ra đi chưa và trong đời họ đã làm được những gì hay ho đáng nói không. Nói là hỏi và trả lời nhưng không ai dùng ngôn từ bình thường hay nghe giọng nói bình thường. Vị kia hỏi nhưng có vẻ không chờ đợi câu trả lời, làm như vị ấy biết hết rồi. Đặt câu hỏi chỉ như để nhắc nhở hồn nhớ lại những việc mình đã làm trong đời thôi.

    9. Nhìn lui quãng đời mình

    Sau câu hỏi của “người ánh sáng” nhắc nhở hồn tự kiểm thảo đời mình, vị này cho hồn xem lại quãng đời của mình rõ ràng như được chiếu trên màn ảnh lớn, từ lúc còn nhỏ ở với cha mẹ, lớn lên đi học, đỗ đạt, công danh sự nghiệp vân vân đều hiện lên rất rõ mà dường như “người ánh sáng” nhắc nhở rằng ở trên đời không có gì quan trọng ngoài tình thương. Ai cũng nói khó mà diễn tả quang cảnh này. Làm như họ nhớ lại rõ ràng như thấy nhưng không phải thấy bằng mắt. Họ thấy mình là vai chính đang diễn xuất trên màn ảnh. Họ xúc động, buồn bã, ân hận hay vui cười với diễn viên. Tuy nói là như xem một đoạn phim về đời mình nhưng từ đầu đến cuối chỉ chừng vài phút thôi hay có thể vài chục giây thôi. Họ không khẳng định được thời gian bao lâu. Khi hình ảnh trên màn ảnh bắt đầu xuất hiện thì họ không thấy “người ánh sáng” nữa nhưng họ biết người ấy vẫn ở gần và vẫn chuyện trò với họ. Một người kể rằng khi ông được xem lại quãng đời niên thiếu của ông với cô em gái, người mà ông rất thương yêu; “người ánh sáng” cho ông xem những lúc ông hành động một cách ích kỷ với em mình, nhưng ông cũng thấy những lúc ông tỏ lòng trìu mến săn sóc em. “Người ánh sáng” nhấn mạnh đến việc nên giúp đỡ người khác. Dường như vị này rất chú tâm đến sự học hỏi, cứ nhắc nhở ông phải lo trau dồi sự hiểu biết của mình và nói rằng sau này khi ông thật sự giã từ thế gian (lần này thì ông phải trở lại cõi trần) để sang cõi này ông cũng vẫn phải tiếp tục học hỏi vì đó là một qui trình không gián đoạn.

    10. Ranh giới giữa hai cõi

    Nhiều người nhớ rằng họ đi dần đến một chỗ giống như một bờ ranh. Người thì nói như đến một bờ sông, một cánh cửa, một vùng sương mù màu xám, một hàng rào, hay chỉ như một đường vẻ dưới đất. Một người kể mình “chết” vì bệnh tim: “Sau khi lìa khỏi xác tôi thấy mình đang đi trên một cánh đồng thật đẹp, toàn một màu lục nhưng khác hẳn với màu lục của thế gian và chung quanh tôi tràn ngập một thứ ánh sáng kỳ diệu. Xa xa đằng trước là một cái hàng rào, tôi vội rảo bước về phía đó thì thấy có một người phía bên kia đang tiến về hàng rào như để gặp tôi nhưng bỗng nhiên tôi có cảm tưởng bị kéo thụt lùi và người phía bên kia thì ngoảnh lưng lại đi về hướng xa hàng rào.” Một thiếu phụ kể kinh nghiệm chết của bà sau khi sinh đứa con đầu lòng. “Mới được tám tháng nhưng bác sĩ bắt vào bệnh viên cho đẻ sớm vì tôi bị nhiễm độc. Sau khi sanh, máu ra nhiều quá (sản hậu?). Là một y tá, tôi hiểu tình trạng này rất nguy hiểm. Ngay lúc đó thì tôi ngất đi. Tôi thấy mình ở trên một chiếc tàu nhỏ đang chạy sang bờ bên kia của một con sông lớn. Rồi tôi thấy những người thân của tôi đã qua đời, cha, mẹ, chị và nhiều người khác nữa, đứng trên bờ vẫy tay như muốn kêu tôi về với họ nhưng tôi lắc đầu nói rằng tôi chưa sẵn sàng về theo họ, tôi chưa muốn chết. Có điều lạ là khi thấy mình đang đi trên thuyền, tôi vẫn thấy quang cảnh trong phòng bệnh viện rất rõ ràng, bác sĩ, y tá đang bận rộn cố cứu sống tôi. Tôi nhìn thấy mọi sự như mình là khách bàng quan. Tôi cố hết sức nói cho họ biết là tôi không chết nhưng không ai nghe tôi cả. Trong khi ấy thì chiếc tàu vẫn di chuyển nhưng khi tàu sắp đến bờ thì bỗng dưng quay lại và đi trở về. Và khi ấy thì tôi vừa tỉnh lại. Bác sĩ nói tôi mất máu nhiều quá đã tưởng không cứu được.”

    11. Trở lại cõi trần

    Dĩ nhiên tất cả những người có kinh nghiệm chết này đều sống lại. Và điều đáng nói là tất cả đều đổi khác sau khi nhìn thấy thế giới bên kia. Phần đông nói rằng khi vừa tắt thở, họ tiếc nuối thân xác vật chất lắm và cố tìm cách chui vào lại. Nhưng dần đà khi thấy được nhiều điều mới lạ ở cảnh giới bên kia thì họ không muốn trở về nữa, nhất là những người đã được gặp gỡ “người ánh sáng) (being of light) và cảm thấy mình được vị này ban cho một thứ tình thương bao la vô điều kiện. Tuy cảm thấy hạnh phúc trong tình thương mới này, nhiều bà mẹ trẻ muốn trở về cõi trần vì con còn nhỏ. Có người thì muốn trở về để tiếp nối một công việc đang dở dang. Có người nghĩ rằng vì người thân của họ níu kéo, cầu nguyện nên họ không “đi” được như câu chuyện sau đây: “Tôi săn sóc một người cô già. Cô bị bịnh lần này khá lâu. Đã mấy lần cô tắc thở nhưng lại đước cứu sống có lẽ vì mọi người trong gia đình ai cũng thương cô và cầu nguyện cho cô bình an. Một hôm cô nhìn tôi và bảo, 'Joan, cô đã thấy cõi giới bên kia đẹp lắm. Cô muốn ở lại bên đó nhưng con và mọi người cứ cầu nguyện cố giữ cô lại bên này nên cô không đi được. Thôi, con nói mọi người đừng cầu nguyện cho cô nữa.” Và chúng tôi ngưng cầu nguyện thì cô mất một cách bình yên sau đó.”

    Phần đông nói rằng họ không nhớ đã “trở về” như thế nào. Họ nói họ chỉ thấy buồn ngủ, rồi mê đi và khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trên giường bệnh như trước khi được chu du sang thế giới bên kia. Nhưng cũng có người nhớ rõ chi tiết khi bị lôi trở về. Một ông kể lại là khi hồn vừa lìa khỏi xác, ông thấy mình bị cuốn đi nhanh qua con đường hầm tối. Khi sắp ra khỏi đường hầm thì ông nghe ai gọi giật tên mình ở phía sau và bất thần ông bị lôi tuột trở lại. Một ông khác kể là hồn ông bay lên trần nhà nhìn xuống bác sĩ y tá đang cuống quýt cứu chữa. Khi bàn sôốc đặt vào ngực, toàn thân ông giật nẩy lên và đúng lúc đó ông bị rớt xuống thẳng đứng như một tảng đá và chui tuột vào thân thể trên giường. Có người kể thể hồn có hình dáng giống như hai trái cầu, một đầu lớn và một đầu nhỏ. Ông nhớ là khi hồn lìa khỏi xác thì đầu lớn thoát ra trước nhưng đầu nhỏ lại nhập vào trước khi hồn trở về. Một ông khác kể là ông thấy hồn thoát ra từ đỉnh đầu như được tả trong cuốn Tử Thư Sống Chết của Tây Tạng.

    Thường thường ai cũng tiếc nuối cảnh giới bên kia nên khi tỉnh lại họ buồn bã trong một thời gian. Có người nói họ buồn đến phát khóc vì họ thật sự không muốn trở lại cõi Ta Bà sau khi được thấy cõi giới bên kia.

    12. Kể lại kinh nghiệm“chết"

    Những người đã trải qua kinh nghiệm này nhớ rất rõ là họ đã ngạc nhiên sửng sốt khi chứng kiến những sự việc đang xảy ra cho họ. Họ bảo chúng đã thật sự xảy ra chứ không phải do trí tưởng tượng hay ảo giác. Tuy thế, nhiều người không dám kể hay chỉ kể cho một vài người thân thôi vì họ biết ở xã hội này không ai tin những chuyện như thế mà còn cho là họ bị bệnh tâm thần. Một cậu bé kể cho mẹ nghe nhưng vì em bé quá nên bà mẹ không để ý đến những lời em kể. Từ đó em không kể cho ai nghe nữa. Người thì cố kể cho mục sư của mình nghe nhưng bị vị này phê bình là ông ta bị ảo giác nên ông im luôn. Một cô học trò trung học muốn kể cho bạn nghe kinh nghiệm lạ lùng của mình nhưng bị cho là điên rồ nên cô đành nín lặng. Cô nghĩ, “Tuy lạ lùng nhưng chính tôi đã được sống qua kinh nghiệm này, tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng có nhiều khía cạnh về đời sống mà xưa nay tôi không hề biết, tôi chắc chắn các bạn cũng không ai biết.” Một người khác kể cho mấy bà y tá nghe thì các bà này bảo không nên tưởng tượng bậy bạ. Vì vậy nên ai cũng câm nín và cứ tưởng chuyện này chỉ xảy ra cho một mình mình thôi. Một người kết luận: “Tôi đã đi đến một nơi mà xưa nay chưa ai biết.” Khi bÿc sĩ Moody nói với họ rằng có nhiều người đã có kinh nghiệm tương tự thì họ có vẻ mừng vì thấy không phải mình “điên”, không phải chỉ một mình mình thấy những chuyện lạ lùng của cõi giới bên kia.

    13. Thay đổi tâm tư

    Như đã trình bày trên, những người trải qua kinh nghiệm này thường không muốn kể lể với ai nhưng họ cảm thấy những gì họ kinh nghiệm đã để lại một dấu ấn sâu xa trong đời họ, đã mở rộng tầm mắt của ho, đã thay đổi hẳn lối nhìn của họ về cuộc đời. Một ông tâm sự, “Kể từ ngày ấy, tôi thường tự hỏi tôi đã làm gì với cuộc đời của tôi, và khoảng đời còn lại này tôi sẽ phải sống như thế nào. Ngày trước muốn gì là tôi làm liền, không suy nghĩ đắn đo. Nay thì tôi thận trọng lắm. Trước khi hành động tôi tự vấn tâm xem việc này có đáng làm không hay chỉ có lợi cho tôi thôi, có ý nghĩa gì không, có ích lợi gì cho đời sống tâm linh không v.v... Tôi không phê phán người khác, không thành kiến, không tranh cãi. Và tôi thấy hình như mình hiểu rõ mọi sự việc chung quanh một cách đúng đắn hơn, dễ dàng hơn.” Người thì nói rằng họ như sực tỉnh thấy xưa nay mình chỉ “lo sống”, lúc nào trong tâm cũng lo lắng, mưu cầu, sắp đặt cho ngày mai hay luyến tiếc quá khứ mà quên sống với giây phút hiện tại. Họ khám phá rằng đời sống tinh thần thật sự quí báu hơn đời sống vật chất nhiều, rằng thân xác vật chất chỉ là nơi tạm trú cho phần tâm linh. Ai cũng nói một bài học từ “người ánh sáng” là ở trên đời chỉ có tình thương không vị kỷ là quan trọng. Tiền tài, danh vọng, hay bằng cấp cao cũng không đáng gì, chỉ có tình thương, ý tưởng phụng sự người khác mới đáng kể. Thông điệp thứ hai từ vị này là người nào cũng phải lo trau dồi kiến thức, tiếp tục học hỏi vì đây là một quá trình được tiếp nối không ngừng. Khi thần thức rời ngôi nhà tạm trú (thân xác vật chất) chỉ có thể đem qua cõi giới khác tình thương và kiến thức tích lũy được mà thôi. Vì vậy, nhiều những người chết hồi sinh thường quyết định đi học trở lại.

    Nói tóm lại, người nào trở về cũng thấy đời mình có một mục đích rõ ràng hơn, tâm tư thoải mái hơn, đầu óc rộng rãi cởi mở hơn, mọi hành động hướng về đời sống tâm linh hơn, họ nhấn mạnh đời sống tâm linh (spiritual life) là quan trọng chứ không phải đạo giáo (religious life). Một anh chàng trẻ tuổi đang học làm tu sĩ Tin Lành kể trước kia anh nghĩ chỉ có những người theo giáo phái của anh mới được cứu rỗi, còn ngoài ra là tà đạo cả và sẽ xuống hỏa ngục hết. Sau khi gặp “người ánh sáng” mà anh cho là đấng Christ thì anh thay đổi hoàn toàn. Anh thấy vị này hiền hòa, nhân từ chứ không như đấng Christ mà anh được học trong nhà tu, một đấng Christ hay trừng phạt như được tả trong thánh kinh mà anh thường sợ hãi. Vị này không hề hỏi han gì về giáo phái của anh mà chỉ hỏi anh có biết yêu thương người khác không, thế thôi.

    14. Quan niệm mới về cái chết

    Sau khi được thấy cảnh giới đẹp đẽ bên kia, không còn ai sợ chết nữa. Nói như thế không phải là họ chán sống và muốn đi tìm cái chết. Trái lại họ thấy quí đời sống hơn và hiểu rằng đời sống này là một môi trường tốt cho họ học hỏi. Họ hiểu là họ còn nhiều việc cần phải làm nên mới “bị” trả về và họ lo làm cho xong để được ra đi một cách nhẹ nhàng sau này. Một người kể, “Kinh nghiệm này đã thay đổi hẳn cả cuộc đời của tôi mặc dù chuyện xảy ra lúc tôi mới 10 tuổi. Từ đấy tôi tin tưởng hoàn toàn rằng có một đời khác sau đời sống này và tôi không hề sợ chết. Tôi thường tự cười thầm mỗi khi nghe có người nghi ngờ về sự hiện hữu của cõi giới bên kia, hay cho rằng chết là hết. Có một lần tôi bị người ta dí súng vào màng tang dọa bắn mà tôi cũng không sợ lắm. Tôi nghĩ nếu hắn bắn mình chết, thì mình cũng sẽ sống ở một nơi khác thôi”. Có người nói họ vui vẻ trở lại cõi trần vì “người ánh sáng” (the light) hứa sẽ có mặt để đón họ khi họ thực sự từ giã cõi đời sau này. Có người thì ví cái chết như một sự di chuyển từ một nơi này sang một nơi khác, hay từ một con người vật chất sang một thể tâm linh cao hơn. Có một bà, sau khi thấy nhiều người thân đến chào mừng, có cảm tưởng như mình được đón tiếp về nhà sau một thời gian đi chơi xa. Người khác thì nói rằng dùng danh từ chết để tả lại cảnh tượng này là không đúng vì đây chỉ giống như học xong tiểu học thì lên trung học, và khi xong trung học thì lên đại học thôi. Một người khác nữa thì ví thân thể mình như nhà tù và khi chết thì được thoát ra khỏi cái ngục tù đó!

    15. Chứng cớ cụ thể

    Dĩ nhiên có nhiều người đặt câu hỏi những chuyện do những người chết hồi sinh này kể lại có thể tin được không, có chứng cớ gì không. Và câu trả lời là có. Thứ nhất là các bác sĩ thấy rõ ràng tim bịnh nhân đã ngưng đập, bệnh nhân đã tắt thở nên họ mới dùng phương pháp cấp cứu, vậy mà sau khi hồi sinh, bệnh nhân đã dùng danh từ y khoa kể lại đầy đủ chi tiết những gì xảy ra trong khi họ nằm bất động trên giường! Một cô gái sau khi lìa khỏi xác đã đi qua phòng bên cạnh và thấy chị mình đang ngồi khóc và kêu thầm “Kathy, đừng chết, em ơi đừng chết”. Sau khi hồi tỉnh cô kể lại chi tiết này và chị cô không hiểu sao cô biết rõ như vậy. Một nạn nhân kể lại đầy đủ tình tiết từ khi một người đàn ông kéo cô ra khỏi chỗ tai nạn, quần áo của người ấy mặc, những người chung quanh đã nói những gì v.v... và cha cô đã chứng nhận những tình tiết ấy rất đúng mà sao cô biết được vì cô đã bất tỉnh trước khi được kéo ra ngoài, trừ phi cô đã thoát xác và hồn cô chứng kiến mọi sự việc xẩy ra nơi ấy. Một bà kể khi bay lên gần trần nhà, bà thấy một chùm chìa khóa trên một góc tủ. Chùm chìa khóa này của một bác sĩ trong lúc vội vàng đã vứt lên đó mấy ngày trước và đã quên bẵng đi.

    Các bạn nào muốn tìm hiểu chi tiết về cánh giới bên kia cửa tử có thể tìm đọc tài liệu nghiên cứu của nhiều tác giả người Mỹ. Chỉ cần vào Google website và ghi "the life beyond", "life after death", hay "near death experience” thì sẽ thấy vô số tài liệu. Tôi cũng đã được đọc cuốn Tử Thư Tây Tạng (Tibetan Book of the Dead) và thấy có nhiều điểm tương đồng với cảnh giới được diễn tả trong cuốn Life After Life của bác sĩ Raymond Moody. Có một điều lạ là những người chết đi sống lại đều nói đến một luồng ánh sáng (the light), hay một người sáng (being of light) mà họ cho là thiên thần, hay thượng đế tùy lòng tin tôn giáo của họ còn cuốn Tử Thư Tây Tạng thì nói đó là đức Phật Tỳ Lô Giá Na ngự trong biển sáng.

    Người ánh sáng được tả trong cuốn sách của bác sĩ Moody không nói mình là ai. Vị này dường như thương mến tất cả mọi người và dạy mọi người rằng làm người phải biết thương thân mình, và thương người khác, rằng hành trang mà người chết có thể mang theo chỉ là tình thương thôi, một thứ tình thương vô vị kỷ. Tôi thấy những lời dạy này cũng quen thuộc như những lời Phật dạy.

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 40
    Last Post: 11-16-2011, 10:29 AM
  2. Tưởng Vậy Nhưng Cũng Không Phải Vậy
    By Mr Cù in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 82
    Last Post: 10-19-2011, 10:29 PM
  3. Bé 3 tuổi chăm mẹ chết mòn trên giường bệnh
    By tử đằng in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 0
    Last Post: 10-12-2011, 07:59 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 09:21 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh