Register
Page 4 of 4 FirstFirst ... 234
Results 31 to 32 of 32
  1. #31
    Đi tìm con người Saigon cũ NGUYỄN NGỌC LINH
    Xuân Mỹ

    Trong việc truy tìm những con người Saigon cũ đang ngày càng vắng bóng, người ta có thể gặp ông Nguyễn Ngọc Linh. Hiện nay đang ở Virginia, trong tháng Bảy tới ông có thể bay qua Orange County, California, để làm "key note speaker" cho một cuộc gặp mặt của những người trước đây đã đứng trong hàng ngũ của Bộ Thông tin Dân vận. Ông năm nay bao nhiêu tuổi? 81! Nhưng tuổi tác chỉ là yếu tố làm cho con người nhiều khi thấy lực bất tòng tâm, ý chí mà thôi chưa đủ để cho con người đi tới với những dự định của mình. Tuổi tác không thể ngăn cản người ta gặp nhau, tâm sự với nhau, nói với nhau ba điều bốn chuyện - cho dù nhiều khi nói chỉ để mà nói.

    Nguyễn Ngọc Linh, tổng giám đốc của Việt Tấn Xã trong những năm sau của thập kỷ 60 của thế kỷ trước của Việt Nam Cộng Hòa, làm sao có thể không có bạn bè trong tập thể đó (Ngành thông tin là một trong những ngành dân sự hiếm hoi mà người ta còn tổ chức thỉnh thoảng gặp nhau. Tác giả bài này từng làm việc tại Bộ Kinh Tế nhưng chưa hề có dịp gặp lại đồng nghiệp cũ của mình). Mà đã là bạn bè, làm sao không có chuyện nói, chuyện đã qua nói mãi không hết, chuyện trước mắt: chúng ta không nghĩ được nên làm gì sao, cho dù chưa làm được?

    Đó là chuyện Nguyễn Ngọc Linh ngày nay. Chuyện ông Linh ngày xưa phức tạp hơn. Kiếm được ông đã là khó, nói chuyện với ông còn khó hơn. Ông ngồi đâu vào lúc đó? Có khi ông ở khách sạn Majestic đầu đường Tự Do Catinat nhìn ra bến Bạch Đằng - nơi tọa lạc của Hội Bang giao Phát triển Quốc Tế (Vietnam Council on Foreign Relations) mà ông là một trong số ít người đứng ra sáng lập và là tổng thư ký điều hành hội. Cũng là nơi phát hành tạp chí bán nguyệt san Vienam Report mà ông là chủ nhiệm và người đứng mũi chịu sào là em ruột của ông, nhà báo Nguyễn Ngọc Phách, một tay thực sự cự phách hiếm hoi trong cái xóm (tức chưa lớn đủ để gọi là làng) báo những người viết báo Anh ngữ đếm được trên đầu ngón tay. Chẳng có hiệp hội này và tờ báo này, những nhà ngoại giao ở Saigon có nơi nào mà lui tới và hiểu được phần nào cuộc chiến đấu cam go, ngược dòng cho sự sinh tồn của chế độ Việt Nam Cộng Hòa; một công cuộc Việt Nam hóa chiến tranh vội vã, không tính toán, vô trách nhiệm; một nền kinh tế chưa đủ cơ sở để tự lực cho nên vừa phải "tay làm, hàm nhai", vừa phải tính chuyện "phát triển hậu chiến", một xã hội chính trị mà quyền lực đã làm cho nhiều người có trách nhiệm mờ mắt không thấy được giặc đã đến nhà...

    Cũng có khi ông đến Mekong University, đại học còn trẻ hơn hiệp định hòa bình Paris, ông thành lập trong "bách niên chi kế" của ông. Muốn cho đất nước đi lên, xã hội tiến bộ hơn, người ta cần phải đầu tư vào con người, vào giáo dục. Ở Saigon đã có hai đại học tư vào thời đó: Đại học Minh Đức của Linh mục Bửu Dưỡng và Đại học Vạn Hạnh của Thượng tọa Thích Minh Châu. Đại học Mekong là trường tư duy nhất ở Saigon không có hình ảnh của Phật hay Chúa ngự trị. Đại học Mekong vừa không có tham vọng (nó chỉ có hai ba ngành trên một khoảng đất nho nhỏ trên đường Công Lý), vừa có tham vọng (chỉ tập trung vào hai ba ngành kinh doanh, báo chí, sinh ngữ... mà đại học này cho là có "lợi thế tương đốì" (comparative advantage) và đáp ứng được một nhu cầu phát triển vượt bậc của Miền Nam trong thời hậu chiến. Viện trưởng đại học này là Tiến sĩ Trần Quí Thân, và người điều hành là Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích, một nhân vật quen thuộc trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, nhất là ở phía đông. Ông Bích là em của ông Nguyễn Ngọc Linh.

    Tuy nhiên, mục tiêu mà ông Linh mặn mà nhất có lẽ là thập niên chi kế, làm kinh doanh. Kế một năm thì ngắn quá, chỉ để cho người ta tồn tại qua ngày theo kiểu "from hand to mouth”. Kế 100 năm thì dài quá, liệu có đủ sức đi đến đó hay không. Kế thực tiễn nhất, in the American style, là làm ăn. Miền Nam lúc đó đang mở thềm lục địa cho nước ngoài vào khai thác dầu - điều khiến cho ông Thiệu cứ mơ tưởng vì vậy Mỹ không dại gì bỏ Miền Nam. Mở khu chế xuất cho nhà đầu tư nước ngoài vào xây dựng một nền kỹ nghệ hướng vào xuất cảng - cũng khiến ông Thiệu nằm mơ Nhật Bản sẽ nuôi dân ta đủ sống trong thời Việt nam hóa. Nhưng một nền kinh tế quốc gia làm sao đi lên được nếu chỉ dựa hoàn toàn vào đầu tư nước ngoài, nếu không có đối tác dân tộc bản xứ, những đối tác cân xứng để người ngoài có thể làm việc chung được. Khoảng trống đó là khá lớn trong nền kinh tế của chúng ta thời đó, và nếu chúng ta cứ để người Hoa lấp khoảng trống đó, thì nó sẽ càng lúc càng lớn thay vì nhỏ đi. Từ sự thách đố đó cho giới tư sản dân tộc mà Nguyễn Ngọc Linh lập ra tập đoàn Mekong với cả chục công ty trực thuộc, cùng đại học Mekong nhằm đào tạo "con người mới" cho môi trường kinh doanh và truyền thông đầy thách đố "mai sau".

    Dĩ nhiên, biến cố 30-4-1975 làm cho Nguyễn Ngọc Linh tiêu tan cả sự nghiệp, ông mất cả, không chỉ những thứ vật chất như ngôi trường, hay mấy công ty, hay ngôi nhà, hay mấy chiếc xe Ford mà ông đại diện, hay cuộc sống hào hứng đến mức khi bừng con mắt dậy thấy mình tay không thì đã quá muộn màng, Mất mát lớn lao hơn là tiêu tan hoài bão, mục tiêu, lý tưởng, động lực, mất cả bạn bè và những người cùng chí hướng - như vậy thì cuộc sống còn gì, có cách nói nào khác hơn là đã bị tước đoạt cả cuộc đời của mình.

    Năm ngoái, 2010, ông Nguyễn Ngọc Linh có dịp nhìn lại đoạn kết cuộc chiến tranh trên đất nước ngày xưa của mình đã khiến cho không chỉ mình ông, mà hàng triệu người đã tức tưởi nhận chân được "mirage de la vie" (tên của một phim nổi tiếng ở Saigon vào năm 1960 mà thủ diễn là Lana Turner, Sandra Dee và John Gavin) - sự khác biệt sâu sắc giữa cuộc sống và cuộc đời. Là một người từng được xã hội Saigon xem là "thân Mỹ", cũng từng là một nhân vật cao cấp của chính quyền Saigon (tổng giám ốc Việt tấn Xã, tổng giám đốc Đài Phát thanh Quốc gia, thành viên phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa tại hòa đàm Paris năm 1969), ông Linh đủ "biết người biết ta" để thấy rõ "something wrong" trong quan hệ giữa hai nước đồng minh "đồng sàng, đồng mộng, dị hướng" này. Trong một bài nói chuyện trước một cử tọa tiếng Anh ở Washington tại một cuộc hội thảo đánh dấu 35 năm ngày Saigon sụp đổ, ông Linh đã chỉ tay vào cả người Mỹ và cả một chính quyền đã quá vãng ông từng phục vụ khi rút bài học về sự sụp đổ của chế độ VNCH, mà ông tóm gọn trong hai từ "cultural gap" - khoảng cách văn hóa là yếu tố quyết định. Vì khoảng cách này mà đôi bên cứ ngộ nhận những khái niệm về "power", "sovereign right", "authority", Mỹ có "power" cứ dành quyền (sovereign right) điều khiển cuộc chiến, và phía Miền Nam nhận viện trợ thì cứ buông lỏng "authority" của mình để mặc khiến Mỹ phạm nhiều sai lầm về chiến tranh, về chính trị. Đến khi thấm đòn, mệt mỏi quá, muốn buông tay, Mỹ chuyển qua chính sách Việt Nam hóa, một chương trình quá trễ (thay vì phải thực hiện từ đầu cuộc chiến) và quá sớm (khi Miền Nam chưa đủ sẵn sàng) chính là để dọn đường rút lui, nhưng cũng chẳng cho Miền Nam biết rằng từ ngày áp dụng chính sách Việt Nam hoá chiến tranh chúng ta phải tự quyết.

    Trong bài nói chuyện, ông cũng xác nhận trách nhiệm, hay bài học lớn nhất, chính là sự thất bại của người Miền Nam. Thất bại vì lệ thuộc vào Mỹ đến độ mất hết chính nghĩa, thất bại vì tướng tá tranh chấp với nhau và vì những người mang danh nghĩa tôn giáo phá hoại khiến trong nước các thành phần vô trách nhiệm, vô lương tâm có cơ hội lèo lái quốc gia theo một nghĩa nào đó, và thất bại vì sao lãng hoặc gần như quên hẳn mặt trận vận động dư luận ở các quốc gia trên thế giới và đặc biệt quan trọng là ở Hoa Kỳ. Năm ngoái, ông Linh đã viết "Từ 1965 đến 1972, trong cương vị người đứng đầu cơ quan Truyền Thanh Quốc Gia, Tổng giám đốc Việt Nam Thông Tấn Xã, và là Phát Ngôn Viên của Thủ Tướng, sau đó là Tổng Giám Đốc Thông Tin và Tuyên Truyền đồng thời là Thành Viên Nội Các, và Ủy Viên Báo Chí trong Phái Đoàn VNCH tại Hòa Đàm Paris, cá nhân tôi phải nhận lãnh một phần trách nhiệm vì đã không làm hết sức mình để thuyết phục Tổng Thống Thiệu và chính phủ đề cử những nhân vật giầu khả năng nhất sang Hoa Kỳ để đương đầu với nhóm phản chiến và phổ biến những điểm tốt về nỗ lực của miền Nam Việt Nam nhằm ngăn chặn bước tiến của cộng sản xuống các quốc gia Đông Nam Á."

    Ông Nguyễn Ngọc Linh đang ở một nơi được xem là "land of opportunities" - vùng đất của cơ hội. Nhưng ông nói rằng đối với những người thực sự tìm kiếm những cơ hội thăng tiến, chẳng có nơi nào lắm cơ hội như quê nhà thuở trước, chỉ tiếc rằng Miền Nam chẳng những là một "vùng đất của cơ hội", mà còn là “vượng địa" của những cơ hội bị bỏ lỡ - lịch sử, chính trị, dân tộc, kinh tế...

    Sinh quán ở Bắc Ninh, nơi cha ông làm tổng đốc, Nguyễn Ngọc Linh từng lớn lên với "Cách mạng tháng tám" ở Hà Nội, là năm ông phải trốn chui trốn nhủi vì bị Việt Minh truy lùng tưởng ông là "phần tử phản động". Ông 20 tuổi từ Hà Nội đi Mỹ du học từ năm 1949 năm ông Nguyễn Xuân Oánh cũng đến Mỹ từ Tokyo để vào Harvard sau này thành tiến sĩ kinh tế đầu tiên của Việt Nam xuất thân từ trường này - nhưng lúc đó ông Oánh đã 29 tuổi. Ông Linh theo học khoa chính trị tại Bowdoin College thuộc tiểu bang Maine, và sau khi tốt nghiệp làm việc tập sự trong ngành truyền thông, báo chí điện ảnh, có lúc làm cả "copy boy” trong tờ New York Times, đó là thời gian ông tiếp nhận được nhiều kiến thức và kinh nghiệm quí báu về báo chí của Mỹ khiến cho sau này, giấc mộng canh tân làng báo cứ hừng hực trong người của ông cho đến năm 1975. Đến năm 1955, đang làm việc ở Mỹ, ông nghe lời ông Diệm, người ông Linh đã từng lui tới thăm viếng khi ông Diệm còn ở Mỹ, trở về nước phục vụ tổ quốc, "rốt cuộc chỉ đi làm tờ Điện Anh phục vụ nhu cầu giải trí". Và đi lính, chịu sự bầm dập "trên bốn vùng chiến thuật" chỉ vì một vài người quanh ông Diệm vừa không ưa người Bắc vừa nghi kỵ người ở Mỹ về. Trong những năm cuốì của thập niên 50, khi ngưòi dân Saigon đổ xô đi học tiếng Anh vì người Pháp đã ra đi và người Mỹ đang đổ tới với đồng đô la hùng mạnh, người ta không thể quên được trường "Anh văn Nguyễn Ngọc Linh" ở góc đường Trần Quí Cáp và Bà Huyện Thanh Quan - một sự cạnh tranh can đảm với Hội Việt Mỹ ở 55 đường Mạc Đĩnh Chi, Quận 1.

    Với ngày 30-4 trở lại bình thường như mọi năm, và đặc biệt khi người ta giật mình nhớ lại ba giáp tức 36 năm đã trôi qua từ ngày ấy, nhiều người đang trầm tư nhớ lại chuyện ngày xưa. Nguyễn Ngọc Linh chỉ có một tâm sự, nhưng tâm sự của ông mang tính tổng hợp kinh nghiệm của một nhà báo, một doanh nhân, một nhà giáo dục, một nhà ngoại giao, một nhân vật cao cấp trong chính quyền. Nói chuyện với ông, hỏi ông "nhìn lui nhìn tới, ông nghĩ thế nào về cộng đồng người Việt tại Mỹ và người dân Việt ở trong nước, ông bi quan, hoài nghi, dè dặt, hy vọng, tin tưởng.., ông đáp: "Tôi phục sức tranh đấu để sống và sự thành công của người Việt hải ngoại. Tôi rất cảm thương nỗi khó khăn của người Việt trong nước. Được tin là dân trong nước kể cả nhiều người Cộng Sản mất tin tưởng nơi giới lãnh đạo, biểu tình đòi quyền sống chống ăn cướp tham nhũng và cửa quyền thì cũng hy vọng rồi có một ngày nhưng cũng không tin tưởng lắm. Người Việt trong nước tinh thần thay đổi nhiều lắm so với cách đây năm sáu chục năm. Người hải ngoại thì chống Cộng Sản nhưng cũng chẳng làm được gì cụ thể mà còn tức nhau tiếng gáy, kèn cựa, chỉ trích, đội nón cối cho nhau."

    Nơi ông Nguyễn Ngọc Linh, nói chuyện với ông, người ta có thể cảm nhận một nỗi mất mát giống như tâm sự đã khiến cho Doãn Quốc Sỹ làm nên đại tác phẩm "U Hoài" trong tập truyện chỉ khoảng 150 trang của mình. Năm 1954, chúng ta mất con người Hà Nội. Năm 1975, chúng ta lại mất con người Saigon. Ở Việt Nam hiện nay, người ta có Hà Nội, có Saigon, nhưng không bao giờ có được nữa người Hà Nội, người Saigon cả. Trên đất Mỹ này, cũng khó tìm ra con người Hà Nội cũ, con người Saigon cũ quá. Con người Việt Nam đẹp đẽ, tử tế một thời nay chỉ còn trong trí tưởng của một số ít người. Có những khoảng cách thế hệ, khoảng cách văn hóa mà chúng ta, những người Việt với nhau, không vượt qua được trong quá trình tìm cách hội nhập và cứ loay hoay trước "American way of life".


    https://www.nguoi-viet.com/phan-uu/g...n-ngoc-linh-4/

  2. #32
    VÌ TA HOA NỞ
    HÀ HUYỀN CHI

    Ta nằm trong bệnh viện
    Ðêm trăng soi nhớ nhà
    Trăng đầy rồi trăng khuyết
    Tương tư nụ quỳnh hoa

    Nửa khuya thèm khói thuốc
    Lên xuống sáu từng lầu
    Nơi hàng hiên giá buốt
    Gan lập loè cơn đau

    Ðốt ta mau xanh cỏ
    Cho em tạnh mái sầu
    Tro than mùa nghịch lữ
    Bón xanh đời mai sau

    Nhìn trăng suông muốn khóc
    Mây bạc tuôn về đâu
    Quê vẫn ngùi tang tóc
    Khuất bên kia địa cầu

    Ta thành người bất trí
    Giấu cơn đau mà về
    Thách đời nay y sĩ
    Chữa được niềm đau quê

    Ðường trường trăm dặm mỏi
    Ta về núi cư tang
    Cỏ cây ngơ ngác hỏi
    Thềm rêu vui bàng hoàng

    Nụ hoa quỳnh nín thở
    Lá nhớ ửng gân vàng
    Hoa vì ta rộn nở
    Thả hương đêm nồng nàn

    Lại cất công nấu nước
    Pha bình Cửu Thập Tam
    Có hoa trong từng hớp
    Khói Ô Long dịu dàng

    Chợt thấy đời trân quý
    Lại yêu người thiết tha
    Giọng cười thơm hậu vị
    Hương quỳnh chen hương trà.

 

 

Similar Threads

  1. tháng ba
    By muavalam in forum Thơ
    Replies: 0
    Last Post: 03-22-2012, 01:40 AM
  2. 8 tháng ba muộn
    By TL4 in forum Thơ
    Replies: 2
    Last Post: 03-18-2012, 07:39 PM
  3. Vần thơ tháng hạ
    By Man Ho in forum Thơ
    Replies: 18
    Last Post: 11-25-2011, 02:18 PM
  4. Góc nhìn của Khế
    By MưaPhốNúi_ in forum Thú Tiêu Khiển
    Replies: 12
    Last Post: 10-30-2011, 08:55 PM
  5. Sao không nhìn thấy chữ ký ?
    By thangtram in forum Hướng Dẫn Sử Dụng Diễn Đàn
    Replies: 3
    Last Post: 10-03-2011, 07:59 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:02 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh