Register
Page 21 of 29 FirstFirst ... 111920212223 ... LastLast
Results 201 to 210 of 284
  1. #201
    trus
    Quote Originally Posted by Mang Mộc View Post
    Chữ đúng là "giăng giối" hoặc "trăng trối" đấy anh Ngụy ạ. TRUST ME!
    You're right, and I trust you. Tìm trong tự điển chỉ thấy "trăng trối" chứ không thấy "trăn trối". Thế nhưng search net thì lại thấy nhiều người viết sai như NX, chẳng lẽ vì "trăn trối" nghe quen thuộc hơn "trăng trối"?

    Xin cám ơn anh Mộc nhé.

  2. #202
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843
    Bắc kỳ đôi khi có những tự hào sai (me same, me bắc kỳ), cũng như 100 bắc kỳ đều dùng danh từ kép "đậu hũ" chỉ vì nghĩ nam kỳ "bỏ dấu sai", nhưng thực ra cái chữ đó là "đậu hủ". Hủ ở đây là hủ lậu, cũ kỹ, chứ không phải là đậu ở trong hũ. Vâng, đúng là thói quen và nhất quyết "cừ tưởng thế là phải thế" làm cho sự kiện cứ đi xa xa tít, nhất là về ngôn ngữ. Ngày vui tới anh.
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


  3. #203
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431
    Quote Originally Posted by Tự Quào
    Bắc kỳ đôi khi có những tự hào sai (me same, me bắc kỳ]
    May phước cho tui, là tui chỉ lai Bắc Kỳ 50% nên tui hổng có "tự" bậy! Mà nè, chữ "tự hào" phải song hành với chữ "tài" đó nha Tía! Dòm lại nha ông...

    Hổng phải hễ cứ "bắc" là phải "tài" đâu nhe!


    You got it, dude?

  4. #204
    Quote Originally Posted by NgụyXưa View Post
    Bạn thân,

    Tháng Tư hầu như tất cả các cựu quân nhân VNCH ai cũng nhớ tới những chuyện buồn. Trước đây NX đã viết một bài tùy bút ngắn về tâm sự của một người bạn cùng khoá, bài “Tình Sông Nghĩa Biển”. Bài viết đã được posted tại Phố Rùm Đ/T từ lúc NX mới gia nhập diễn đàn, (cũng đã đến hơn 15 năm), và được copied tới một vài điễn đàn khác. Tuy nhiên hôm nay NX xin được đăng lại bài này tại đây để chia sẻ với các bạn mới, và để tưởng nhớ tới một người bạn xưa.

    Vài lỗi chính tả đả được sửa lại, và địa danh cũng đã được thay đổi cho đúng với tinh thần của câu chuyện. Xin cám ơn các bạn miền xa đã tới thăm nơi chốn này, và thân chúc các bạn những ngày an vui.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    April 24, 2017

    Tình Sông Nghĩa Biển
    (Chúc Thư Tình Yêu, viết theo tâm tình một người bạn.)

    Tôi viết những dòng này cho bạn bè để chia sẻ một nỗi niềm, cho con tôi và cho H. như một lời trần tình, và cho chính tôi như một lời trăn trối.

    Cũng như tôi, đa số các bạn đã từng trải qua những ngày tù đày đói khổ trên cao-nguyên hay núi rừng Bắc Việt. Nhưng nhửng đau đớn thể xác đó không thể so-sánh được với niềm thống khổ mà tôi đã trải qua. Một năm sau ngày tôi bị cưỡng bách học tập cải tạo, nhà tôi mang đứa con chưa đầy năm tuổi vượt biên. Vợ con tôi được một tầu Hòa Lan cứu vớt và định cư tại xứ tự do này. Mười bốn năm tù đầy là mười bốn năm hy-vọng, vì qua em gái tôi, tôi được biết rằng vợ con tôi đã có một đời sống yên lành.

    Ngày tôi trở về thành phố củng là ngày xót xa nhất cuộc đời, còn hơn cả lúc tôi lên xe đi cải tạo. Em gái tôi ngập ngừng cho tôi biết là vợ tôi đã sống chung với một người khác. Những lá thư cuối cùng H. viết về em tôi đã giấu kín vì sợ rằng tôi không chịu được thêm niềm đau tinh thần trong lúc tù đày.

    "Trăm nghìn lạy anh, xin anh tha thứ và quên đi người đàn bà không xứng đáng … ". Tôi vò nát lá thư, đau và tủi, nhưng không có nước mắt để khóc cho mình, cho đời!

    Nhưng niềm đau nào rồi cũng nguôi ngoai. Tôi vẫn còn đứa con mà 15 năm tôi chưa gập mặt. Tôi viết thư cho người vợ cũ, chúc H. hạnh phúc và cám ơn H. đã thay tôi nuôi nấng con nên người.

    Năm 1991, sau khi đã định cư ở Hoa-Kỳ, tôi lại nhận được thư H.. H. nhắc tới tình yêu đầu đời, êm như dòng sông nhỏ nơi quê nàng, và xin gập tôi một lần: "Một lần với anh, rồi để tùy anh, em bao giờ cũng như dòng sông cũ".

    Lòng tôi chùng xuống và tôi háo hức mong ngày tái ngộ như thủa mới yêu nhau. Mùa hè năm ấy, H. gọi tôi từ một góc phố, hỏi đường đến căn phòng trọ tôi chia sẻ với người bạn cùng cảnh ngộ. Tôi run-rẩy chải lại mái tóc đã điểm sương để đón H. và thấy mình lúng túng như thủa hai mươi, khi mới biết yêu lần đầu.

    Đêm đó H. kể với tôi nỗi cô đơn và niềm thống khổ vô-tận của người đàn bà với đứa con nhỏ trên xứ lạ. Từ con sông hiền-hòa, dòng đời đã đưa H. ra biển, và X., một sinh viên du-học, thông dịch viên trong phái đoàn cứu trợ, là cái phao cho H. bám víu, chịu ơn nghĩa, nuôi con và nuôi chồng trong tù.

    "Chúng mình sống với nhau được mấy năm, anh thường đi xa, và cuối cùng đi biền biệt, không biết ngày về. Em lúc nào cũng thương nhớ anh, Nhưng X. cho em và con đời sống. Hơn 10 năm nay X. quanh quẩn bên em, tha-thiết và dịu dàng, đưa con đến trường ngày bé dại, đón em những chiều mưa, và hôm qua cặm cụi xếp quần aó cho em sang thăm anh. Đưa em ra phi-trường, X. không nói, chỉ cầm tay, nhưng ánh mắt co trăm điều gửi gấm. Trăm nghìn lạy anh, anh quyết-định sao em cũng chịu. Em không thể nào trọn cả nghĩa lẫn tình."

    Tôi ứa nước mắt vì bồi hồi. Trong tù, tôi đau khổ, nhưng tôi không bao giờ cô đơn. Tôi có bạn bè xung quanh, có cái điếu cầy và những cơn say choáng váng đủ để lãng quên đời. Tôi đã may mắn hơn vợ tôi nhiều mà tôi không biết. Lúc đó tôi mới thấy thương nàng, và thương cả X.. Tình yêu của chúng tôi như dòng sông, nhưng X. tới với H. bằng tấm lòng của biển.

    "Em nên về bên đó. Con đã trưởng thành và anh cũng đã yên phận. X. cần có em hơn là anh. Cho anh gửi lời cám-ơn."

    H. khóc, nhưng trong niềm đau như có cái gì rất an-ủi.

    Mùa đông năm ấy con gái tôi cũng qua thăm. Cháu hầu như không nói được tiếng Việt mà tiếng Anh của tôi lúc đó còn rất kém. Người bạn giúp đỡ mỗi lần cha con tôi lúng túng. Tôi tuy nói rất ít nhưng cháu Âu Cơ hình như hiểu rất nhiều. Cháu gọi “Bố” rất rõ ràng, và trước khi trở về Hòa Lan, cháu mua một chậu hoa hồng, trồng ở đầu hè:

    "So you know that I'm around, and that I love you".

    Tâm hồn tôi bây giờ rất bình yên. Lâu lâu tôi lên chùa Từ Sơn nói chuyện “thiền” với thầy Đức. Một mai tôi ra đi, xin các bạn hỏa táng tôi và rắc tro ngoài biển. Gió sẽ đưa tôi về bên kia đại-dương:

    Tro tàn theo dấu cố hương
    Hồn theo ngọn sóng về đường biển xưa.

    Như các bạn đã biết, quê tôi ở ven giòng Tiền Giang. Lúc đó tôi thật sự vẹn cả 'Tình Sông Nghĩa Biển’.

    Ngụy Xưa
    April 2001

    Phụ chú: Nhân vật chính trong câu chuyện này, anh Đ.V.M., đã qua đời năm 2006 tại California. Anh yêu cầu được hoả táng và mang tro tàn về quê hương, an táng cạnh mộ phần cha mẹ, thay vì trải ngoài biển như anh ước mong trước đây. Bạn bè đã làm tất cả những gì anh trăn trối, và người vợ cũ cũng từ Âu Châu sang để tang anh.

    Ngày đưa hình Đ.V.M. lên chùa cho anh nghe kinh kệ chúng tôi cũng viết thêm vài hàng để tưởng nhớ anh:

    Bạn thân,

    Chúng mình tuổi trung bình cũng đã 60. Ra đi chỉ là vấn đề thời gian mà sao mỗi khi có đứa lìa đàn những người còn lại vẫn thấy thật là xót xa. Lần cuối cùng vào thăm bạn khi bạn còn tỉnh táo, bạn cười cười: “… Bác sĩ nói tớ còn chừng 2 ngày nữa là hôn mê …”. Bạn nhắn nhủ bạn bè chuẩn bị cho bạn những giây phút cuối đời. Giọng bạn thản nhiên như kể chuyện: “Đi gặp tụi thằng Đơn, thằng Lang và thằng Lộc. Đủ 4 chân mà-chược, tha hồ vui. Mà nhớ phủ cho tớ lá cờ…”

    K.K. bỏ ra hành lang chùi nước mắt. Tôi cầm tay bạn ngậm ngùi. Ngày đó, khi mà chúng mình còn “mắt sáng môi tươi”, tôi từ biển Bắc về thăm bạn ở Đà Nẵng, bạn say mèm, ngồi khóc hu hu: “Thông Sứt vừa tử trận đêm qua. Tiêu-Phong cũng mới chết ngoài Nhạn Môn Quan. Buồn quá.”

    “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Chúng mình như thế đã là muộn. Từ từ rồi anh em mình sẽ lại gặp nhau. Vài hàng trong góc riêng này viết cho bạn, dù bạn đang phiêu du hay ngồi xoa mà chược trên trời. Thân.

    Ngụy Xưa
    June 2006
    Cảm ơn tác giả đã cho tôi được đọc một câu chuyện hay!

    Kính,
    Việt Hạo Nhiên_
    ___"In the end, it's not the years in your life that count. It's the life in your years." (Abraham Lincoln)

  5. #205
    Cám ơn anh Việt Hạo Nhiên_ và các bạn miền xa đã ghé thăm.

    ***
    Về Miền Quá Khứ


    Bạn thân,

    Có những câu thơ chỉ đọc qua một lần nhưng nhớ mãi. “Bên này đất nước nhớ thương nhau” trong bài “Đôi Bờ” của Quang Dũng chính là tâm sự của tôi khi xa quê hương gần hai năm trời (1970-1971), làm sĩ quan liên lạc tại trường Officer Candidate School, Newport (Rhode Island), trong lúc người tôi yêu ở bên kia bờ đại dương.

    Nhiều năm sống đời sông nước, lang bạt các bến bờ, không có một nơi gọi là nhà, tôi thường dùng một câu thơ của Tản Đà Nguyễn Khác Hiếu, “Giang hồ mê chơi quên quê hương”, để che giấu một nỗi buồn mỗi khi tàu khởi hành, xa bến thân quen.

    Như các bạn đã biết quê quán của Quang Dũng và Tản Đà đều là Sơn Tây cho nên trên đường từ Hà Nội đi Sapa trong chuyến trở về thăm Việt Nam vừa qua tôi đã ghé qua thành phố đó để được biết đến miền đất thiêng với núi Tản sông Đà. Tản Viên cũng gợi nhớ câu chuyện thần thoại Sơn Tinh và Thủy Tinh của một thời trẻ dại mà mỗi lần nghĩ tới tôi vẫn còn thấy tiếc thương, nhất là khi ghé thăm “Đền Và”, nơi thờ thần núi, và cũng còn được gọi là “Đông Cung”.

    Đền Và

    Đền cổ xưa, kiến trúc không có gì đặc sắc nhưng trông thân quen, không khác gì những miếu đình tại quê tôi, làng Thuận Tốn hay còn được gọi là làng Thượng, bên bờ sông Hồng. Mẹ tôi thường nhắc tới “Đình Đào, Miếu Thương, Chùa Lê”, những nơi chốn thâm nghiêm nhưng bây giờ đã rất xa, và vì tuổi tác nên dù rất muốn nhưng mẹ tôi không thể nào trở lại chiêm ngưỡng thêm một lần.

    Từ Đền Và băng qua những con đường nhỏ bé chúng tôi ghé thăm làng cổ Đường Lâm, đất của hai vua: Phùng Hưng và Ngô Quyền. Bài học lịch sử về Phùng Hưng thì tôi không còn nhớ nhiều thế nhưng Ngô Quyền, người đại thẳng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt một ngàn năm Bắc Thuộc thì làm sao tôi có thể quên! Và cũng rất tình cờ người tour guide đưa chúng vào thôn Mông Phụ, quê hương của người bạn đi cùng. Bạn tôi bàng hoàng nhận ra xóm cũ vì cũng đã lâu lắm rồi mới lại trở về chốn xưa. Cô ấy tần ngần vuốt ve những bức tường đá ong và bờ giếng cạn, cúi đầu chắp tay trước sân đình, nơi ông thân sinh của cô ấy hàng năm vẫn gửi tiền về để tu bổ cho đến phút cuối đời.


    Đình Mông Phụ

    Những căn nhà trong làng được giữ nguyên vẻ cổ xưa với mái ngói, sân gạch, chum tương và vại cà, hai thứ thức ăn bình dân không thể thiếu của những gia đinh miền Bắc cổ xưa, dù nghèo hèn hay giầu sang.


    Nhà Cổ Làng Đường Lâm

    Với đa số du khách hình ảnh đó hầu như rất tầm thường, thế như lại làm tôi cay mắt vì tôi chợt nhớ đến bà nội tôi và căn nhà ở quê xưa. Có thể nói là bà nội tôi giầu lắm. Nhà ngói ba gian với sân gạch rộng mênh mông để phơi thóc thế nhưng bà tôi một đời cần kiệm, tương cà quanh năm, chỉ khi tôi từ Hà Nội về thăm mới có một nồi thịt kho, dành cho “thằng Đài”, mong cho nó hay ăn chóng lớn, học hành tấn tới để nên người. Bà gọi tôi là “Thằng Đài” thay vì tên trong giấy khai sinh vì tên tôi trùng với tên một chức sắc trong làng, và cũng vì tôi biếng ăn, chỉ thích nghịch ngợm, phá phách hơn bất cứ đứa trẻ nào trong làng.

    Khi gia đinh tôi di cư vào Nam năm 1954 bà nội tôi ở lại miền Bắc, và mất trước khi có phong trào cải cách ruộng đất nên may mắn không bị đem ra đấu tố. Khi biết tin tôi bật khóc! Ông tôi nhiều vợ, bà tôi là bà thứ Tư, và Ông mất khi bố tôi còn rất nhỏ nên tôi chỉ biết có Bà chứ không hề biết đến Ông! Bà tôi giàu có nhưng gia tài để lại cho chúng tôi chỉ là một bức hình trên bàn thờ gia tiên. Ngày giỗ Bà cũng là ngày giỗ tổ Hùng Vương nên chúng tôi không bao giờ quên. Không có cỗ bàn, tôi chỉ thắp vài ba nén nhang, cúi đầu tưởng niệm. Nhìn lên bàn thờ tôi lại nhớ tới niêu thịt kho và lời mắng mỏ thân tình: “Cha bố cái thằng Đài biếng ăn”, và tôi cảm thấy thật là bâng khuâng.

    Bạn thân,

    Làng cổ Đường Lâm và Đền Và đã mang tôi về miền dĩ vãng, và tôi biết là tôi không thể nào quên. Những tấm ảnh chụp tại hai nơi mang dấu tích lịch sử đó đều có hình bóng bạn bè đi chung, không thích hợp đem post lên diễn đàn, nên tôi đã dùng hình ảnh tìm thấy trên Internet để chia sẻ với bạn vài cảm nghĩ đơn sơ và riêng tư. Còn nhiều nơi tôi muốn tới thăm như chùa Yên Tử, thác Bản Giốc, và những tỉnh địa đầu như Cao Bằng, Lạng Sơn … nên tôi sẽ trở về thêm một lần trước năm 2020. Rất mong là sẽ có bạn đi cùng.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    May 11, 2017

  6. #206
    Biệt Thự SauDong's Avatar
    Join Date
    Nov 2013
    Posts
    1,460
    Hy vọng bác kg phải lấy visa Tàu để ghé thác Bản Giốc !

  7. #207
    Quote Originally Posted by SauDong View Post
    Hy vọng bác kg phải lấy visa Tàu để ghé thác Bản Giốc !
    Hi Anh Sầu,

    Mình vẫn còn một nửa thác Bản Giốc. Đứng bên này khóc nửa bên kia cho thoả lòng nhớ thương.

    ***
    Vụn Vặt Trong Đời Sống


    Bạn thân,

    Đầu tháng Sáu vừa qua tôi trở về San Jose tham dự đại hội HQ/VNCH, tổ chức cho tất cả quân nhân các cấp từ thủy thủ tới đô đốc, từ khắp nơi trên thế giới, kể cả từ VN. Bằng hữu và chiến hữu xa cách lâu ngày gặp lại nhau trong niềm xúc động và ngậm ngùi. Có những người tưởng như xa lạ thế nhưng khi xưng tên, nhắc tới đơn vị cũ mới nhận ra nhau, nắm tay nhắc những kỷ niệm mà tưởng như chuyện cũ vừa mới xảy ra ngày hôm qua.

    Người thủy thủ trẻ nhất về tham dự cũng đã ngoài 60 tuổi, còn vị đô đốc nguyên tư lệnh HQ một thời bây giờ đã 97. Nhiều người không còn đứng vững trên đôi chân, và mái tóc đen nhánh bồng bềnh lộng gió trên boong tàu của những ngày tháng cũ bây giờ đã điểm sương, thế nhưng những bàn tay trao nhau vẫn ấm áp như thuở nào.

    Chuyện xưa kéo dài hầu như không thể chấm dứt, những người không có mặt được nhắc tới, và những người đã qua đời được tưởng nhớ trong niềm tiếc thương. Chúng tôi bây giờ sống bằng kỷ niệm, nhớ tới bạn cũ bằng những câu thơ buồn:

    Tóc tớ bây giờ không xanh nữa
    Chỉ còn một chút nhớ thương thôi.

    Mà thôi, bạn ạ. Gặp nhau một ngày thế là đủ. Quá khứ nhắc mãi cũng mỏi mòn nên hôm nay xin kể chuyện đời, chuyện người với bạn cho vui. Bạn biết không, tôi đã từng làm việc như một statistician gần 10 năm cho một hãng đầu tư trước khi đổi nghề, chuyển sang IT (Information Technology). Hồi đó nhóm của tôi gồm năm người, đứa nào cũng bằng cấp đầy mình và sếp sòng là một ông Ph. D. tốt nghiệp tại một đại học danh tiếng. Chúng tôi dùng computer để phân tích dữ kiện từ thị trường chứng khoán, và cố gắng xây dựng một mô hình tiên đoán giá cả cổ phiếu (stock) và nhu yếu phẩm (commodity futures) trong tương lại. Chúng tôi dùng nhiều kỹ thuật, từ “time series” đến “causal feedbacks” nhưng không mô hình nào đứng vững được lâu dài, cuối cùng đành tuyên bố là giá cả chứng khoán “random walk”, có nghĩa là không tiên đoán được, và “tan hàng”! Sếp của tôi trở về trường dạy học, tôi đầu quân cho Sun Microsystems khi công ty này còn trứng nước, và các đồng nghiệp khác cũng “giã từ vũ khí”, tản mác trong vùng Bay Valley, trở thành nhân viên cho các hãng hi-tech, không còn dám lạm bàn tới stock hay commodities. Đó là lý do dù đã sinh hoạt trên diễn đàn này hơn 10 năm tôi không hề bén mảng vào khu “Tài Chánh Cá Nhân, Đầu Tư” để “Mao Tôn Cương”, chỉ mong các bạn trong đó gặp nhiều may mắn.

    Thực ra dù không “trade” nhưng tôi vẫn có một số stocks để giữ về lâu về dài, nếu không cuộc đời sẽ tẻ nhạt vô cùng, sáng ngủ dậy chẳng biết thị trường hôm nay ra sao để vui để buồn. Thú thật với bạn là 10 stocks tôi mua thì có tới … 9 stocks gần như tiêu tùng, thế nhưng may mà những stocks còn lại “cứu bồ” nên chưa đến nỗi “bị gậy” tới văn phòng chính phủ xin welfare. Mấy thằng cứu bồ là “Netfix” và “Facebook”, mua từ lúc mới ra chào đời nhưng vẫn chưa bán, và không biết bao giờ nên bán vì mua stock thì dễ nhưng bán ra thì khó vô cùng!

    Có những hôm (đúng hơn là nhiều hôm liên tiếp) sáng thức dậy, mở TV thấy các chỉ số chứng khoán Down Jones, S&P 500 và Nasdaq đỏ lòm, tôi thờ dài, nhái hai câu thơ nhớ bạn ở trên thành:

    Stock tớ bây giờ không xanh nữa
    Chỉ còn một chút tiếc thương thôi.

    K. may mắn hơn tôi trong lãnh vực đầu tư, đi làm 28 năm cho hãng Hewlett Packard, được mua cổ phần và stock option với giá rẻ nên bây giờ “financial independent” trong những tháng năm còn lại của cuộc đời. Mặc dù stock của HP cũng lên thác xuống ghềnh, nhưng lại “đẻ” ra được bốn năm thằng con mang tên A, HPE, HPQ, KEYS, DXC cho vui vẻ với làng xóm. Chưa hết, hiện thời K. làm việc cho VMWare, và stock của hãng này cũng mang tới cho K. thêm chút tiền còm, đủ để cho cháu ngoại đi học đại học nếu sau này thằng bé không theo gách xiệc làm nghề đu bay!

    Bạn thân,

    Hãy còn là những ngày cuối cùng của mùa xuân nên buổi sáng trời Carlsbad vẫn đầy sương mù, không khí ẩm ướt, đủ lạnh để mặc áo ấm và để nhớ về một nơi trên cao nguyên bên kia biển Thái Bình. Qua lá thư của một cô bạn nhỏ từ Hà Nội tôi được biết thành phố đó bây giờ đã là mùa hè, hoa phượng, hoa bằng lăng, hoa sen nở đầy, và có những hôm ngoài trời nóng tới 46 độ C. Thế nào tôi cũng sẽ về thăm thành phố đó thêm một lần, dù chưa định được ngày đi nhưng chắc chắn phải là trước năm 2020; bạn biết vì sao mà, phải không?

    Thân chúc bạn một mùa hè rực rỡ cùng với những ngày an vui.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    June 11, 2017

  8. #208
    Biệt Thự dulan's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    3,166


    ...



    Xin chào mừng "Kỷ niệm ngày QLVNCH 19 tháng sáu đến với Gửi Bạn Miền Xa và quan khách trong nhà chú Ngụy Xưa nhé!









    Xin mời bánh và cà phê:





    ...



    Thân mến và chúc vui,
    Dulan


    ...



  9. #209
    Xin cám ơn các ACE đã vào thăm, và đặc biệt cám ơn Du Lan đã nhớ tới ngày Quân Lực của VNCH, "tặng quà ủy lạo chiến sĩ" với bánh ngọt và cà phê thơm nồng.

    14 năm quân ngũ nhưng vì đời phiêu bạt nên NX chưa bao giờ được một lần tham dự Ngày Quân Lực 19 tháng Sáu. Mới đây xem các cuộc diễn hành trên youtube NX chợt thấy bùi ngùi.Các chiến sĩ một thời oanh liệt của các quân binh chủng như Nhẩy Dù, Thùy Quân Lục Chiến ngày đó thật oai hùng vậy mà vận nước lại điêu linh! Những người chiến sĩ đó dù bây giờ ở đậu người dân VN cũng không bao giờ quên ơn các anh.

    NX lúc này ít viết, nhất là truyện ngắn, một phần vì đã có tuổi, và một phần vì tâm tư lúc này không còn sôi nổi như trước đây, Xin chia sẻ với các ACE một chuyện vui buồn của đời thủy thủ khi còn đi hoang (i.e. chưa lập gia đinh ), viết đã khá lâu, và đã được post trên Phố Rùm năm 2007. "Mưa Cho Tình Nồng" dù với ít nhiều hư cấu nhưng phần nào phản ảnh đời sống của những người con trai thời chiến, cuộc đời bị đưa đẩy giữa tình yêu và số phận.

    Mưa Cho Tình Nồng


    Một lần nữa xin cám ơn các bạn, và thân chúc các bạn một mùa hè rực rỡ, an vui.

    Tình thân,

    NX
    Last edited by NgụyXưa; 06-27-2017 at 01:19 PM.

  10. #210
    Một Chút Tình


    Bạn thân,

    Tôi buồn thẫn thờ sáng nay khi nghe tiếng kèn truy điệu bảy người thủy thủ của chiến hạm USS Fitzgerald bỏ mình trong tai nạn đụng tàu tại Yokosuka, Japan. Tiếng kèn của người thủy thủ đứng trên cầu tàu nhìn ra biển, dù chỉ nghe qua TV trong căn phòng khách yên vắng, cũng thấy thật là thiết tha. Tôi nghĩ là thân nhân của những người quá cố và thủy thủ đoàn dự lễ truy điệu chắc là khó cầm được nước mắt.

    Những người đã một thời cùng một mầu áo trắng, dù khác mầu da hay quốc tịch, vẫn cảm thấy như có chút gì liên hệ nên thường đồng cảm với niềm vui hay nỗi buồn, nhất là trong những người bị nạn có một thủ thủy gốc Việt, tuổi còn rất xanh.

    Hạm trưởng của chiếc khu trục hạm, đang ngủ trong phòng riêng khi tại nạn xẩy ra trước khi trời sáng, cũng bị thương và được trực thăng vận đưa vào bờ cứu cấp. Mặc dù không có mặt trên đài chỉ huy nhưng theo hải qui hạm trưởng vẫn là người sẽ phải chịu trách nhiệm các lỗi lầm của thủy thủ đoàn, và đời hải nghiệp coi như là chấm dứt từ đây, chưa kể còn có thể bị truy tố trước toà án quân sự, bị giải nhiệm hoặc tù đày. Bất công quá phải không bạn thân, thế nhưng đó là giá phải trả để có quyền hạn “magister post diem”, trên là trời dưới là ta! Mấy chục năm về trước bạn ta để tàu đụng phải mìn trôi trên dòng Cổ Chiên cũng thân bại danh liệt. một đời gậm nhấm nỗi buồn.

    Có nhiều trường hợp khiến chúng ta gián đoạn cuộc đời, thế nhưng không có biến cố nào làm bạn bè Bảo Bình thay đổi đời sống như là biến cố tháng Tư năm 1975! Vài năm trước đây gặp nhau ở Washington DC để kỷ niệm ngày tốt nghiệp, những dòng thơ “Bảo Bình Trên Xứ Lạ” đã được viết ra để kiểm điểm lại cuộc đời.

    Có những người mới ra khỏi quân trường là đã ngang dọc trên những dòng sông đầy lửa đạn của miền Nam cũng như đã từng liều mình ngoài biển Bắc cùng với lực lượng đặc biệt thế mà bây giờ:

    Biển Bắc ta hề coi nhẹ không
    Phong sương dầy dạn kiếp tang bồng
    Bỗng dưng nghiêng ngửa đời lưu lạc
    Ðất liền thủy thủ bàn tay không
    Cúi đầu hiu hắt trên đường phố
    Chiều về ra biển đứng chờ trông.

    Nhưng dù sao thế cũng là may mắn vì đã đế được đất nước tự do này. Nhiều bạn ta chịu cảnh tù đày, và khi trở về gia đình tan tác cho lòng xót xa:

    Khi anh về hoa rơi trên lối cũ
    Chim xa rừng và lá đã thay mầu
    Mây cũng u buồn bay đi viễn xứ
    Và chúng mình thôi không còn có nhau

    Thuyền xa bỏ bến Sông Cầu
    Trong cơn gió lộng, xa nhau mịt mù
    Mùa sang trở giấc đêm thu
    Mơ nghe em gọi tận từ miền xa.
    Thấy em theo gió về nhà
    Gót chân quất quít theo tà áo xưa.

    Có những bạn hoàn cảnh còn đau đớn hơn, vượt tuyến tìm tự do nhưng rồi thấy vợ con chết trên biển trong cơn tuyệt vọng. Biết gì hơn là tỏ lòng tiếc thương:

    Em ơi chín nhớ mười thương
    Em đi để sóng đại dương nghẹn ngào
    Anh ngồi dỗ giấc chiêm bao
    Ðợi em cùng với trăng sao hiện về

    Đau đớn quá phải không bạn thân? Sang tới đất nước này, ngoài chuyện phấn đấu để thích nghi với đời sống mới, nhiều người đã biệt tích, qui ẩn để gậm nhấm nỗi buồn riêng:

    Ta riêng ở một góc trời
    Một trang tâm sự, một đời phế hưng.

    Thế nhưng có một ngày bỗng dưng niềm tin được sống dậy để làm chuyện đội đá vá trời :

    Mười năm tìm kiếm may vừa gặp.
    Bẻ kiếm bên trời tưởng đã quên
    Uống đi, một chén tương phùng nữa
    Mai mình nương gió kéo buồm lên.

    Cánh buồn không đủ gió để về đến bến bờ VN, trái lại bạn bè tan tác trên chiến trường Hạ Lào, đã chua xót lại càng chua xót thêm, thế nhưng “không thành công cũng thành nhân” , bạn không có gì hổ thẹn với lương tâm.

    Bạn thân,

    81 anh em Bào Bình bây giờ chỉ còn lại hơn năm chục, và chỉ có MỘT người sống tại VN. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng nên cũng đành:

    Cây da rễ bám bên đình
    Mang đi không được nên mình xót xa.

    Riêng những người ở trên xứ lạ thì dù sao bây giờ cũng đã có một đời sống bình thường, và ít ra thì cũng đã mang đến cho lớp người sau một một niềm hạnh phúc đơn sơ :

    Dù không thỏa mộng sông hồ
    Cho con cha dựng bến bờ yêu thương
    Cho em giấc ngủ bình thường
    Cho anh một chút tơ vương cuối trời.

    Thôi thì, hãy cứ coi đó là triết lý để sống cuộc đời còn lại. Tuy nhiên dù thế nào đi nữa chẳng bao giờ chúng mình quên được màu biển xanh và những bến bờ đã đi qua một lần :

    Mắt xưa vương bóng sông hồ
    Tóc xưa gió lộng bến bờ yêu thương
    Mê man giấc mộng đêm trường
    Hồn theo ngọn sóng, về đường biển xưa.

    Xót thương những người vừa tử nạn trên biển, và nghĩ đến thân phận anh em Bảo Bình, nên trích lại vài dòng thơ cũ để tâm tình với bạn. Mong là bạn được an vui trong những tháng năm vàng.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa,
    June 27, 2017

 

 

Similar Threads

  1. Miền Nam Việt Nam trong những ngày gần 30/4/1975
    By Vịnh Nghi in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 23
    Last Post: 04-26-2014, 05:40 PM
  2. Miền cát trắng ở Mỹ
    By V.I.Lãng in forum Thú Tiêu Khiển
    Replies: 2
    Last Post: 03-25-2012, 08:37 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 03:21 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh