Register
Page 23 of 29 FirstFirst ... 132122232425 ... LastLast
Results 221 to 230 of 284
  1. #221
    Mưa Đầu Mùa


    Cuối cùng mưa cũng rơi xuống miền đất sa mạc khô cằn của miền Nam Cali. Tiếng mưa rơi trên mái ngói hoà lẫn vào những cảm nghĩ buồn vui khi tôi ngồi viết những dòng tâm tình gửi bạn miền xa.

    Tại bữa ăn trưa đầu năm 2018 các bạn cùng khoá Bảo Bình hiện đang sống tại miền Nam Cali đề nghị là chúng ta nên gặp nhau một lần trong năm nay vì còn quá lâu mới tới ngày kỷ niệm 60 năm ngơ ngác bước chân vào quân trường (tháng Tám năm 2021) , và như De Gaulle Hàm phát biểu: “tới lúc đó thì chết … mẹ nó hết rồi!”

    Mọi người đồng ý và ban tổ chức đã được thành lập, đang chờ các bạn ở xa góp ý để lựa chọn một thời điểm thích nghi. Dù gặp mặt ở bất cứ nơi đâu thì chúng ta cũng sẽ có những ngày vui bên nhau để siết chặt tình thân, phải thế không bạn thân?

    Mưa và gió lạnh cũng nhắc nhở những kỷ niệm của những ngày tháng cũ tại thành phố Đà Lạt mù sương. Bố mẹ chúng tôi nghèo và thời thế đổi thay nên 7 anh chị em chúng tôi mỗi người đều có một số phận riêng. Kém may mắn nhất là cô Út, “người duy nhất trong nhà không có tuổi trẻ, kể cả cái tuổi trẻ xã hội chủ nghĩa điên cuồng. Năm 1975, lúc vừa 16 tuổi, mọi ước mơ trở thành hoang tưởng. Tuổi thiếu nữ thần tiên chả có gì ngoài quần đen áo bà ba nhem nhuốc, tay xách cặp, tay vác cuốc đến trường. Học xong trung học, đứa dốt nhất lớp cũng được vào cao đẳng sư phạm, trong khi em thì ngồi vêu vao chờ ngày vào thanh niên xung phong (vì lý lịch Ngụy của các anh). May sao chui vào được cái trường không ai muốn vào, học nấu cơm tập thế với những cái chảo khổng lồ, xới cơm lên bằng xẻng xúc đất.” Đời còn có gì vui!

    Vì cái tuổi trẻ lầm than của Út đó nên anh em chúng tôi đã cố gắng lo cho em trở lại sân trường đại học khi em đến đất nước này vào năm 1992, và em đã không phụ lòng mong mỏi của chúng tôi. Chỉ trong vòng 5 năm em đã xong “Master in Computer Science” tại SJ State University, được một hãng high-tech trong vùng Bay Valley tuyển dụng, và vẫn còn làm việc cho hãng ấy cho đến ngày hôm nay. Các con của Út cũng thành đạt, có đứa còn vượt xa bố mẹ trên con đường sự nghiệp. “Tiền hung hậu kiết” như các cụ mình ngày xưa thường nói đó bạn thân!

    Đầu năm (Tây) “vui như Tết” nhưng cũng có những chuyện buồn phiền. Một nhà văn bạn ta bây giờ hầu như ít ra khỏi nhà, không lái được xe vì một mắt đã loà, không những thế ngồi trên ghế cũng phải có người đỡ mới đứng dậy được một cách vững vàng. Mấy “niên trưởng” khoá đàn anh, chỉ nhập ngũ trước chúng mình có một năm, bây giờ chiếm mấy phòng cạnh nhau trong … nhà thương, bạn bè vào thăm nắm chặt bàn tay mà nói không ra lời.

    Bạn thân,

    Đoạn này viết cho C.. Bạn và tôi nên cám ơn trời vì chúng mình vẫn còn sức khoẻ để tung tăng góc biển chân trời. Bonus đó bạn thân. Bạn vẫn “cuồng Trump” như ngày nào nhưng chúng mình không còn bàn cãi như xưa. Một người đàn bà có tiếng trong cộng đồng, và tài sắc vẹn toàn, nhưng chỉ vì “khẩu nghiệp” mà cuộc đời long đong. Tôi sợ lắm. Chúng mình không cần tranh luận những vấn đề ngoài tầm tay. Thực ra thì dù không bỏ phiếu cho Trump, tôi vẫn đồng ý với vài mục tiêu ông ấy theo đuổi tuy rằng không đồng ý được với cách thức ông ấy thi hành, nhất là vấn đề di dân. Xin bạn hãy coi đây như là những lời tâm tình chứ không phải là tranh cãi hơn thua.

    Nhiều đứa trẻ được bố mẹ chúng mang tới đất nước này, dù bất hợp pháp, nhưng đã lớn nên ở đây, chỉ biết có một quê hương là nước Mỹ. Nếu bây giờ họ là người lương thiện và nhất là đang đóng góp cho xã hội, thì họ đáng được hưởng quyền công dân chứ không nên bị trục xuất khỏi một nơi mà hơn 200 năm trước mọi người từ Âu Châu cũng đến nơi đây bằng cách này. Đòi hỏi quốc hội cung cấp 18 tỉ US dollars để xây tường biên giới mới hợp thức hoá những người trẻ được mênh danh là Dreamers mà đa số đều cho là hợp lý, thì không khác gì blackmail (hăm dọa để làm tiền)!

    Đồng ý với ông Trump là chúng ta cần ngăn chặn những thành phần bất hảo vào nước Mỹ tuy nhiên điều lệ thanh lọc cần được tu chính theo một tiêu chuẩn mới, và phải được thi hành đúng đắn chứ không thể bằng một quyết định vội vàng, “tạm thời” ngăn cản tất cả công dân của một nước nào đó, tạo ra những xáo trộn khiến nhân viên công quyền không kịp trở tay.

    Nhiều người vẫn nghĩ rằng bức tường biên giới khó ngăn cản được làn sóng di dân nghèo khó, muốn thoát khỏi một nơi bất an để tìm một nơi làm lại cuộc đời. Giá mà chính phủ Mỹ đem 18 tỉ để giúp các nước láng giềng diệt trừ những tổ chức tội phạm (drug cartels) và phát triển kinh tế thì có lẽ làn sóng di dân sẽ giảm bớt đáng kể. Không ai muốn rời bỏ quê hương mình nếu được ấm no hạnh phúc và mạng sống không bị đe dọa bởi đám côn đồ cướp của giết người. Quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc là những điều khoản căn bản trong tuyên ngôn độc lập của Mỹ nhưng cũng cần được áp dụng cho tất cả mọi người không phân biệt quốc gia.

    Khi ra tranh cử ông Trump đã gọi những người di dân Mexican là những kẻ xấu xa, (“They're bringing drugs. They're bringing crime. They're rapists. And some, I assume, are good people.”). Trong nhiều năm sống tại đất nước này tôi đã gặp nhiều người Mexican hiền lành hơn là hung dữ. Người làm vườn hiện tại giúp tôi dọn dẹp cây cỏ hai tuần một lần lúc nào cũng lễ phép, cần cù và khả ái, mặc dù chỉ kiếm được đồng lương tối thiểu mà không một ông Mỹ trắng hay một bà Mỹ đen nào muốn làm. Xin hãy mở rộng vòng tay.

    Bạn thân,

    Đầu năm hoài cảm, viết lăng nhăng đủ thứ chuyện, mong bạn “tha Tào”. Khi gặp nhau tôi sẽ mời bạn một ly, “bottom up”, để tạ tình nếu chẳng may tôi làm bạn không vui.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Jan. 9, 2018
    Last edited by NgụyXưa; 01-09-2018 at 08:05 PM.

  2. #222
    Mỗi Năm Hoa Đào Nở


    Bạn thân,

    Cám ơn các bạn miền xa đã ghé thăm và để lại dấu ấn đồng cảm, nhất là các bạn đã gửi thư chia sẻ nỗi niềm, chúc mừng năm mới vì Tết cũng đã gần kề.

    Người ta nói “vui như Tết” thế nhưng với tôi Tết chỉ vui khi tôi còn thơ ấu, lúc gia đinh tôi còn sống tại Hà Nội, và tôi còn là đứa bé hàng ngày lóc cóc tới trường tiểu học Quang Trung! Lúc đó tôi thường đếm từng ngày, chờ đến Tết để được mặc quần áo mới, được tiền mừng tuổi, và nhất là được theo bố mẹ về quê. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên quê tôi nhiều hội hè đình đám và nhiều trò vui như đánh đu, đấu vật, chọi trâu, cờ người … Với đứa bé chưa đầy 10 tuổi dù chỉ được hoà mình vào đám đông cũng thấy vui, nhất là lại có những đứa em họ đồng trang lứa lôi kéo nhau, rúc rích cười đùa.

    Ngày vui qua mau, di cư vào Nam bố mẹ tôi hầu như bỏ lại hết tài sản ngoài Bắc nên gia đinh tôi thật nghèo. Tết trên cao nguyên có gió lạnh, có hoa đào và có những người con gái má đỏ môi hồng trưng diện trên đường phố, nhưng tôi không thấy nôn nao như thuở còn thơ dại. Anh em chúng tôi cũng có những bữa cơm ngon hơn ngày thường và những chiếc áo len mẹ đan vội buổi tối dưới ánh đèn mờ, thế nhưng quả tình tôi không thấy một chút vui vì thấy bố mẹ thức khuya dậy sớm, vật lộn với đời sống hàng ngày. Đó cũng là một trong những lý đo khiến tôi bỏ nhà, gia nhập quân đôi khi khi chưa đầy 18 tuổi, và mới chỉ học xong trung học.

    Đời quân nhân nay đây mai đó, chẳng có Tết nào tôi được về thăm nhà. Không cắm trại “100 phần trăm, em ơi” thì cũng góc biển chân trời, và đôi khi còn hơn 10 ngàn dậm xa, bên kia bờ đại dương. Có những cái Tết “rượu uống say mèm nên chẳng nhớ, hỏi bạn bao giờ xuân mới qua”, và bạn biết không: “áo trận chứ đâu nào áo mới, sương gió nên màu đã bạc phai” , ngậm ngùi nhớ những ngày trẻ dại, ước gì mình có lại một mùa xuân của tuổi thơ.

    Bạn thân,

    Nhữg ngày mới làm người di tản buồn Tết nào tôi cũng tìm đến những hội chợ của cộng đồng Việt Nam. Đến không để tìm vui nhưng để tìm kiếm bạn bè và người quen thất lạc sau biến cố đau buồn năm 1975. Bây giờ nhờ Internet tôi đã biết hết ai sống ai còn, ai chìm sâu đáy nước, ai lưu lạc đâu đó trên địa cầu, nên ít còn bén mảng tới những nơi đông đúc xô bồ. Năm nay cộng đồng người Việt miền Nam Cali cũng sẽ lại tổ chức hội Tết và có cả xe hoa diễn hành. Nghe nói là một chiếc xe truck sẽ được trang hoàng như Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, con tàu tôi có nhiều kỷ niệm, đang ngủ yên dưới lòng biển sâu vì đã tham dự trận hải chiến Hoàng Sa. Tôi sẽ không tới xem diễn hành vì sợ là mình sẽ khóc thầm, nhớ Ngụy Văn Thà, nhớ Bích Cà Chua, thằng bạn thân cùng khoá, theo Nhật Tảo từ Mỹ về VN nhưng đã bỏ mình đâu đó trên đường đi tìm tự do.

    Tết này mẹ tôi vừa đúng 100 tuổi. Tôi sẽ về thăm mẹ, ăn một bữa cơm với đại gia đinh, đi thăm mộ ông thân sinh, và lên chùa Giác Minh, nơi tôi gửi hình Bích Cà Chua, thắp nhang cho bạn bè đã qua đời. Dù không có gì vui nhưng trong lòng yên ả, cám ơn thượng đế đã cho chúng tôi thêm một mùa xuân để yêu thương cuộc đời, vì dù sao tôi cũng cảm thấy mình đã may mắn hơn nhiều người.

    Bạn thân,

    Chắc là bạn biết bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên, gửi bạn bốn câu thơ “nhái”, cảm khái nhân dịp xuân về:

    Mỗi năm hoa vàng nờ
    Lại thấy người lính già
    Buồn vương đôi mắt đỏ
    Nhắc chuyện tháng ngày qua



    Chuyện tháng ngày qua buồn nhiều hơn vui , thôi thì cứ coi đó như là phận mình. Thân chúc bạn năm mới Mậu Tuất an vui, sức khoẻ dồi dào và gặp nhiều may mắn.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Feb. 2, 2018
    Last edited by NgụyXưa; 02-03-2018 at 08:40 AM.

  3. #223
    Lãng Đãng Hương Xưa


    Bạn thân,

    Tôi trở về San Jose ăn Tết với mẹ và các em, và mặc dù không tìm lại được hương vị năm mới của những ngày trẻ dại nhưng hình như “lãng đãng hương xưa” đâu đó vẫn còn.

    Mẹ tôi thuộc lớp người của thế hệ cũ, rất cũ, nên dù sống tại nước Mỹ nhưng vẫn tha thiết với những tục lệ cổ truyền, tuyệt đối tin là linh hồn tiền nhân hiện hữu đâu đó trên trời, ngày Tết sẽ về quanh quẩn với gia đình cho tới hết Tết mới lại ra đi. Ba mươi Tết mẹ tôi thắp nhang khấn khứa mời các cụ về, và ngày mồng ba Tết mới “hoá vàng” tiễn các cụ đi. Thờ cúng tổ tiên là một truyền thống lâu đời của người Việt, và mẹ tôi đã sống với phong tục làng quê 100 năm, từ lúc sinh ra cho đến bây giờ.

    Phong tục với thời gian rồi cũng sẽ thay đổi hoặc là sẽ phôi pha, nhất là với những người trẻ đang sống xa quê hương, như một đoản khúc vui vui về chuyện “hoá vàng” cô em tôi viết trên facebook:

    Trưa ngày mồng 3 tết, mẹ bảo đi đốt giấy tiền vàng bạc tiễn các cụ về trời. Trời nắng đẹp, nhưng bắt đầu trở gió. "Con đi đốt bây giờ nhé? Tí nữa trời gió lắm, không khéo tàn lửa bay cháy nhà". Mẹ lắc đầu: "Không được, phải đốt khi trời tối. Bây giờ trời sáng, ăn cướp nó trông thấy thì sao?". Một lúc sau mẹ nghĩ lại "Nhưng mà ở bên Mỹ không có cướp, chắc không sao đâu. Tí nữa đốt cũng được".

    Mẹ chia giấy tiền vàng bạc ra làm hai xấp: một cho bố, một cho bà nội. Tiền nhiều lắm, không đếm xuể, nên chỉ tách làm đôi. Còn 5 thỏi vàng thì mẹ chia cho bố 3, bà nội 2. Lý do là "bố mày hay đi đánh bạc, cho ông ấy thêm một thỏi."

    Mấy tờ giấy bạc trông giống như thật, có lúc đang đốt bỗng giật mình vì tưởng là mình là công tử Bạc Liêu. Không biết các cụ có khi nào bị thiếu tiền không nhỉ? Hay là làm cái ngân hàng bằng giấy, đốt cho chắc ăn. Còn muốn tiện lợi hơn thì đốt vài cái debit cards, mỗi cái khoảng $50,000. Đốt 4 cái là đủ xài một năm, mình đỡ tốn giấy in tiền [IMG]file:///C:/Users/Thieu/AppData/Local/Temp/msohtmlclip1/01/clip_image001.png[/IMG]. Kim Hằng.”

    Bà nội tôi mất đã hơn 60 năm, và bố tôi cũng đã qua đời khá lâu, tháng Tư sắp tới sẽ là 18 năm. Dù có còn sống chắc là bà tôi cũng chẳng cần tiền vì bà một đời cần kiệm, tương cà quanh năm, dành dụm “cho bố thằng Đài để nuôi vợ, nuôi con”. Riêng bố tôi, công tử nhà quê, thuở thiếu thời mê tổ tôm xóc điã, tuy nhiên về già con cái biếu tiền để ông cụ chơi “slot machine” tại Vegas mà ông cụ chỉ cười, lắc đầu đứng nhìn chúng tôi hò hét mỗi lần thấy máy móc reo vang!

    Tôi xa quê nhà từ nhỏ, năm 2004 về thăm lại làng xưa lối cũ, ngậm ngùi vì vật đổi sao dời. Căn nhà to lớn của bà nội tôi đã bị người ta chiếm mất nhưng bàn thờ gia tiên ở gian giữa vẫn còn đó vì người ta tin là bà tôi linh thiêng nên không dám phá bỏ. Mộ của bà tôi nằm trong một thửa ruộng ngập nước gần cầu Vương của làng Thuận Tốn, tôi lội bùn xuống cắm ba nén nhang gần mộ bia, cúi đầu buồn muốn khóc: “Bà ơi, thằng Đài về thăm bà …”.

    Có lẽ sang năm tôi sẽ lại về. Làng Thuận Tốn bây giờ đã là một phần của Hà Nội như thế bây giờ Hà Nội là quê tôi, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi tuổi thơ êm đềm. Chẳng biết tôi còn trở về được bao nhiêu lần trước khi nước Việt trở thành một vùng tự trị như Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng và Mãn Thanh của Tàu. Nếu chuyện này xảy ra thì “buồn ơi chào mi”, tôi sẽ không bao giờ trở về, mặc dù còn rất nhớ thương.

    Bạn thân,

    Mẹ tôi vẫn tin là "mèo đến nhà thì (nghèo) khó, chó đến nhà thì (giàu) sang”. Năm nay là năm Mậu Tuất, năm của chú cẩu, nên cúng giao thừa xong mẹ sai em tôi dắt con Cookie ra khỏi nhà đi dạo, lúc trở về để Cookie xông nhà, tin tưởng là đại gia đinh sẽ gặp nhiều may mắn, an vui và thịnh vượng. Niềm tin này, cùng với những tục lệ của ngày Tết, còn thì nước Việt vẫn còn, phải thế không bạn thân?

    Với tôi thì có lẽ năm nay sẽ là năm may mắn thật đấy bạn ạ. Đầu tháng Feb. thị trường chứng khoán xuống dốc không phanh, cái portfolio nhỏ bé của tôi tưởng là “tiêu tùng” thế mà bây giờ đã lại hùng dũng ngoi lên! Thực ra chúng mình bây giờ chỉ cần sức khoẻ chứ không cần tiền, tuy nhiên nếu có tí tiền còm để ngao du góc biển chân trời thì cuộc đời còn có chút vui! Vẫn không quên được những ngày tháng cũ nên tháng Tư sắp tới tôi sẽ từ Japan vượt Thái Bình Dương về Mỹ, bạn đi với tôi nhé.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Feb. 23, 2018

  4. #224
    Quote Originally Posted by NgụyXưa View Post
    Lãng Đãng Hương Xưa


    ... Còn 5 thỏi vàng thì mẹ chia cho bố 3, bà nội 2. Lý do là "bố mày hay đi đánh bạc, cho ông ấy thêm một thỏi."


    Ngụy Xưa
    Feb. 23, 2018
    NB bật cười khi đọc câu này nhưng thấy dễ thương quá . Chúc anh NX và gia đình năm mới an mạnh và như ý.

  5. #225
    Cám ơn Nghi Bình và các bạn đã vào thăm. Thân chúc các bạn những ngày an vui.

    NX

    ***

    Một Nơi Nào Cho Cánh Chim Thiên Di


    Bạn thân,

    Thấm thoát thế mà đã mười năm từ ngày tôi rời Thung Lũng Hoa Vàng về nơi hoang dã này. Carlsbad bây giờ không còn là nơi vắng vẻ như ngày tôi mới tới. Các ngọn đồi xanh lá cây rừng xung quanh La Costa Ridge đã lác đác những subdisivions với những căn nhà mái ngói ẩn hiện trong sương mù lúc ban mai. Buổi chiều mây vương đỉnh núi, phản chiếu ánh hoàng hôn tím khi mặt trời khuất núi chìm vào lòng biển khơi. Tháng ngày thật bình yên nhưng không biết là tôi sẽ còn ở mãi nơi này hay là lại thêm một lần như cánh chim biển tìm về một nơi nào đó xa xôi.

    Nếu phải rời đi nơi khác một phần là vì tử vi của tôi có số “thiên di”, một phần khác là tại vì ... luật thuế mới của ông Trump đó bạn thân.

    Nơi chúng tôi ở là vùng đất mới, chính quyền địa phương phải bán công khố phiếu (bond) để lấy tiền làm đường, xây cầu cống, etc… Nợ này cư dân phải trả như một thứ thuế phụ trội. Trước đây chính phủ liên bang cho phép khấu trừ tất cả các thứ thuế trả cho tiểu bang và địa phương (SALT=State And Local Tax) trước khi tính thuế liên bang. Cư dân ở những vùng đắt đỏ, giá nhà cao, lợi tức lớn, có thể khấu trừ hàng chục ngàn dollars. Tuy nhiên theo luật mới SALT bây giờ bị giới hạn ở mức $10K nên trong năm 2018 đa số cư dân ở những vùng như San Francisco, Silicon Valley, San Diego sẽ bị tăng thuế chứ không được bớt như ông Trump hồ hởi tuyên bố.

    Đó là lý do nhiều cư dân California nghĩ tới chuyện di chuyển tới một nơi giá nhà và thuế thổ trạch thấp hơn, nếu không bị ràng buộc vì công ăn việc làm! Vài tiểu bang còn không có cả thuế lợi tức, có thể là nơi lý tưởng cho những người làm việc trong nghành điện toán của những công ty kỹ thuật cao tại Silicon Valley nhưng được phép telecommute, ngồi làm việc tại nhà.

    Mà thôi, chuyện thuế má chán phèo, thế nào bạn cũng sẽ than: “Biết rồi, khổ lắm nói mãi!” Ai chẳng biết “Chết” và “Thuế” là hai điều không thể tránh khỏi trên cái cõi đời ô trọc này, và kiếm được tiền thì đóng thuế, đâu có chết thằng Tây say nào! Tuy nhiên vừa mới làm xong thuế má năm nay, nghĩ tới chuyện sang năm người ta sẽ được bớt còn mình sẽ phải đóng thêm ít nhiều nên than với bạn một chút cho đỡ buồn vậy thôi.

    Bạn thân,

    Tôi nghĩ tới chuyện di chuyển tới một chỗ khác để bớt gánh nặng tài chính, thế nhưng tôi vẫn chưa định được nơi đó là nơi nào. Tôi có tuổi thơ êm đềm tại Hà Nội, và một thời hoa niên thơ mộng với núi rừng cao nguyên Lâm Viên. Tôi cũng đã từng có một căn nhà nhỏ ở Sài Gòn, và mặc dù đời lang bạt nay đây mai đó nhưng thành phố mưa nắng hai mùa đó là tổ ấm của những ngày tháng yên vui với một tình yêu thiết tha. Tôi muốn trở về chốn cũ sống những tháng năm vàng còn lại của cuộc đời để đi lại những con đường thân quen, thế nhưng bạn biết là những nơi đó bây giờ đã đổi thay, không còn dấu chân xưa nên có trở về cũng sẽ lạc lõng, ít ra là lúc này.

    Thôi thì hãy cứ nhận nơi này làm quê hương vì dù sao tôi cũng đã gắn bó với đất nước này quá nửa đời người, ở đây cho đến khi nào Mr. Trump đánh văng được Tàu khựa ra khỏi biển Đông rồi sẽ tính sau. Chắc là bạn sẽ mỉm cười: “Oh yeah? You wish!” Chỉ là ước mơ thôi, thế nhưng không có ước mơ đời sẽ rất buồn.

    Cuối tuần này tôi lại lênh đênh góc biến chân trời để tìm quên cho tới cuối tháng May mới trở về nhưng rất tiếc là bạn phải hủy bỏ chuyến đi chung vì lý do sức khoẻ. Cũng biết thêm là lúc này bạn rất buồn vì ngày 30 tháng Tư sắp đến. Nỗi đau còn dài, phải thế không bạn thân?

    Mong bạn hãy bảo trọng, và hẹn một ngày gặp lại để chúng mình cạn chén, khóc cười với chuyện của một thời theo con nước nổi trôi.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    April 15, 2018
    Last edited by NgụyXưa; 04-17-2018 at 07:29 AM.

  6. #226
    Góc Biển Chân Trời


    Bạn thân,

    Hơn tháng nay tôi vắng bóng, không phải vì tôi quên bạn mà vì tôi “dại dột” vượt Pacific Ocean bằng con đường cực bắc nên bị sóng gió đại dương hành hạ tơi bời, bây giờ mới hồi tỉnh để tiếp tục tâm tình với bạn miền xa.

    Con tàu Golden Princess cũng không hẳn là nhỏ bé, gần ba ngàn du khách, từ Japan qua Alaska với tốc độ tối đa (22 hải lý/giờ) cũng mất hết 7 ngày. Biển tên là “Thái Bình” nhưng những ngày đó chẳng thái bình chút nào, gió có lúc lên tới 60 dậm/giờ và sóng cao vài thước đập vào thành tàu, tiếng động nghe như ai đó đánh trống bên tai. Con tàu lắc lư khiến bạn tôi ở trên cao, từng 12, chịu không thấu, ban đêm phải xuống quán cà phê ở lầu 5 tìm chiếc ghế bành, ngủ vật vờ qua đêm. Hành khách than phiền quá nhiều nên cuối cùng thuyền trưởng cho giảm tốc độ xuống còn 13 hải lý/giờ, du thuyền mới bớt vặn vẹo “kêu gào”, và hành khách mới có được một ngày yên ả trước khi tàu tới Alaska.

    Golden Princess khởi hành từ Singapore nhưng chúng tôi chỉ lên tàu tại Japan, sau vài ngày thăm viếng đất nước của con cháu của Thái Dương Thần Nữ. Những lần trước tới đây chúng tôi đều theo đoàn du lịch, “cưỡi ngựa xem hoa” nên cũng chẳng biết gì nhiều về nước Nhật, lần này tự lang thang thăm viếng Tokyo tôi mới nhận thấy là mình đã may mắn được tị nạn tại nước Mỹ chứ không phải vất vưởng nửa đời người tại Đông Kinh. Ngay từ sáng sớm, và nhất là vào giờ tan sở, những đoàn người lầm lì trong complet đen, giống như một bầy quạ, ào ra từ những train stations, đi như chạy, cuốn theo những du khách đi phất phơ ngắm phố phường như chúng tôi. Ai cũng cắm cúi, và hình như chẳng ai để ý đến gì đang xảy ra xung quanh.

    Có lẽ vì đất đai chật hẹp, nhà cửa nhỏ bé, nên người Nhật ít nấu ăn tại nhà. Tầng hầm (basement) của những khu thương mại đầy những nhà hàng bé nhỏ với vài ba bàn lúc nào cũng đông khách ăn uống một cách vội vàng, Mọi người phải xếp hàng ngoài cửa, cứ thấy có chỗ trống là ngồi vào chứ chẳng hề quen biết nhau. Chung bàn nhưng họ không hề chuyện trò, như thể là ăn để mà sống chứ không phải để thường thức những gì thượng đế dành cho con người. Nước Nhật thật huy hoàng và người Nhật thật đáng phục nhưng đời sống quá stressful, nhất là đối với giới trẻ làm việc trong các cao ốc của thành phố. Tôi nghĩ thầm nếu kiếp sau không được làm cây thông đứng giữa trời mà reo thì xin cho tôi lại được làm người Việt Nam.

    Alaska biển êm đềm vì tàu hải hành trong inner passage, giữa các đảo xanh phủ tuyết trắng đẹp như tranh vẽ. Không khí thật trong lành, nhưng quá lạnh nên chúng tôi cũng ít lên bờ phiêu lưu, chỉ quanh quẩn trong tại mấy phố chính mỗi lần tàu ghé bến, hoặc nấp trong phòng, qua cửa kính quan sát những tảng băng trôi trên biển. Sau biến cố tháng Tư năm 1975 Alaska đã có một thời là đất hứa cho người Việt tha hương tìm đến kiếm sống bằng nghề đánh bắt cua, đánh cá, nhưng hình như không chịu được khí hậu mùa đông khắc nghiệt nên bây giờ họ đã tìm về những vùng đất ấm như California, Texas, etc…

    Tôi đi vì nhớ đường biển xưa. Tới vùng biển nào tôi cũng nghĩ thầm: “Chỗ này sao giống vịnh Cam Ranh … đảo này chẳng khác gì Cù Lao Chàm …”. Hơn mười năm hải vụ xuôi ngược bến bờ VN những địa danh đó đã in sâu vào tâm khảm, dù sóng gió, dù nhọc nhằn, và dù chỉ là một bãi san hô cũng vẫn là một mảnh đất của quê hương cho tôi thiết tha. Hoàng Sa và Trường Sa đã mất, mới đây lại nghe tin là Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc sẽ trở thành những đặc khu kinh tế, “người lạ” sẽ được phép thuê đất tới 99 năm với quyền tài phán, tôi đã thật nghẹn ngào vì đất nước đang mất dần về tay ngoại bang. Quê hương tôi đâu, và có còn một chỗ nào cho tôi trở về, dù chỉ là để thăm viếng cho nguôi niềm nhớ thương?

    Bạn thân,

    Tôi đi đã khá nhiều nơi nhưng có lẽ cũng đã gần tới ngày “dừng bước giang hồ” vì như trong thư trước gửi bạn, tôi đang nghĩ tới chuyện “thiên di” mặc dù chưa biết là sẽ tìm về nơi nào để sống cho đến lúc cuối đời. Hơn thế nữa “bạn ta” lúc này cũng đã khá mòn mỏi, sợ rằng ít lâu nữa sẽ chẳng còn ai để củng ngao du. Cá Sơn Q. đã đã phải hủy bỏ chuyến đi vừa qua vì tình trạng sức khoẻ. Mã Xa B. cũng bắt đầu thấy “mã thể bất an”, chắc là sau chuyến Dubai/Ấn Độ đầu năm tới cũng sẽ chỉ ở nhà làm bạn với keyboard, du lịch ảo mà thôi!

    Thú thật với bạn là sống ở đất nước này gần 50 năm nhưng tôi cũng chưa biết hết các danh lam thắng cảnh của nước Mỹ. Nếu không thể ngồi máy bay hơn 10 tiếng đồng hồ để tới những nơi xa xôi, hoặc đã bắt đầu e ngại sóng gió đại dương, chúng mình vẫn còn có thể lái xe tìm đến những nơi yên bình để hoà mình với thiên nhiên cho tâm hồn thảnh thơi, hoặc là để nhớ về một nơi xa, rất xa …

    Mùa hè sắp tới, ngày sẽ dài hơn cùng với những nỗi nhớ thương. Nếu có buồn bạn gọi tôi để chúng mình hàn huyên nghe.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    June 5, 2018

  7. #227
    ( Ngô Thị Lú tự Lú-Xì ) ntđl's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    1,422
    *

    Quotẹ
    Mùa hè sắp tới, ngày sẽ dài hơn cùng với những nỗi nhớ thương. Nếu có buồn bạn gọi tôi để chúng mình hàn huyên nghe.

    Ửa, gọi liền, bác Nguỵy bắt phôn gấp hổng thôi đức sóng.

    Bác đi chơi dữ heng, đi bù cho ông anh bên đây heng.
    Thì cái ông y sĩ trung tá trưởng phòng hành chánh cục quân y bộ tổng tham mưu đó chớ ai nữa
    - còn ông dược sĩ thiếu tá kia thì hẳn mồ đã xanh cỏ từ nẳm dzồi -

    Ổng ni chừ bết bát lắm bác Nguỵ ôi. răng cỏ đã theo nhau đi nghỉ hè dài hạn. Vậy chớ... ra tiệm ăn ổng kêu cơm tay cầm.
    Tui hỏi cơm tay cầm là cơm chi, ổng nói cơm cầm lên tay được chỉ có thể là cơm cháy. Tui hết hồn, cơm cháy rồi ổng sẽ ăn làm sao đây trời.
    Tướng công và tui lóng rày hết dám đớp đồ cứng, sợ răng rụng xuống cầu chỉ còn nước húp cháo chờ thời.
    Hồi đĩa cơm bưng ra, nó là lớp cơm cháy thiệt, bên trên rau cỏ và thịt xắt "cube".
    Ngó ổng trệu trạo thương hết sức thương.

    Khổ cái ông ni cứng đầu hết nước, nói cái chi về security đề phòng tai nạn hàng ngày thì ổng bác hết, cứ yên trí rằng mình còn ngon lành thứ thiệt.
    ổng impaired cognition nhiều rồi, trừ cái memories cũ mèm đã download - không gỡ được vì quên password, hổng phải vì không muốn gỡ đó thôi -
    Tui nói với ổng, lúc hai anh em ngồi chờ tướng công đi lấy xe "đại ca ơi, em hổng muốn sống thọ đâu anh à, em tính 78 là xong thôi" ổng nói... ừa già rồi coi vậy khổ lắm. Nghe thiệt bùi ngùi !

    Bác Ngụy có thì giờ thỉnh thoảng phôn nói chuyện tào lao cho ổng vui.
    Nhớ để phôn reng 7-8 tiếng, bị thường khi ổng chậm nên hổng bắt kịp.
    Chào tạm biệt Hải quân thiếu tá Ngụy văn Xựa

    Đại úy hải quân Ngô thị Lú
    Ký tên và đóng dấu.

    TB :
    Bác đừng có nói hổng biết cái khác biệt giữa 2 terms này heng.
    Thì tui nghe ông nhảy dù kia chỉ bảo vậy, và tin vậy !
    Make the long story... short !

  8. #228
    Quote Originally Posted by ntđl View Post
    *

    Quotẹ
    Mùa hè sắp tới, ngày sẽ dài hơn cùng với những nỗi nhớ thương. Nếu có buồn bạn gọi tôi để chúng mình hàn huyên nghe.

    Ửa, gọi liền, bác Nguỵy bắt phôn gấp hổng thôi đức sóng.

    Bác đi chơi dữ heng, đi bù cho ông anh bên đây heng.
    Thì cái ông y sĩ trung tá trưởng phòng hành chánh cục quân y bộ tổng tham mưu đó chớ ai nữa
    - còn ông dược sĩ thiếu tá kia thì hẳn mồ đã xanh cỏ từ nẳm dzồi -

    Ổng ni chừ bết bát lắm bác Nguỵ ôi. răng cỏ đã theo nhau đi nghỉ hè dài hạn. Vậy chớ... ra tiệm ăn ổng kêu cơm tay cầm.
    Tui hỏi cơm tay cầm là cơm chi, ổng nói cơm cầm lên tay được chỉ có thể là cơm cháy. Tui hết hồn, cơm cháy rồi ổng sẽ ăn làm sao đây trời.
    Tướng công và tui lóng rày hết dám đớp đồ cứng, sợ răng rụng xuống cầu chỉ còn nước húp cháo chờ thời.
    Hồi đĩa cơm bưng ra, nó là lớp cơm cháy thiệt, bên trên rau cỏ và thịt xắt "cube".
    Ngó ổng trệu trạo thương hết sức thương.

    Khổ cái ông ni cứng đầu hết nước, nói cái chi về security đề phòng tai nạn hàng ngày thì ổng bác hết, cứ yên trí rằng mình còn ngon lành thứ thiệt.
    ổng impaired cognition nhiều rồi, trừ cái memories cũ mèm đã download - không gỡ được vì quên password, hổng phải vì không muốn gỡ đó thôi -
    Tui nói với ổng, lúc hai anh em ngồi chờ tướng công đi lấy xe "đại ca ơi, em hổng muốn sống thọ đâu anh à, em tính 78 là xong thôi" ổng nói... ừa già rồi coi vậy khổ lắm. Nghe thiệt bùi ngùi !

    Bác Ngụy có thì giờ thỉnh thoảng phôn nói chuyện tào lao cho ổng vui.
    Nhớ để phôn reng 7-8 tiếng, bị thường khi ổng chậm nên hổng bắt kịp.
    Chào tạm biệt Hải quân thiếu tá Ngụy văn Xựa

    Đại úy hải quân Ngô thị Lú
    Ký tên và đóng dấu.

    TB :
    Bác đừng có nói hổng biết cái khác biệt giữa 2 terms này heng.
    Thì tui nghe ông nhảy dù kia chỉ bảo vậy, và tin vậy !
    Chị Ngô à, theo bà chị vợ của tôi thì cái ông anh cột chèo ở bên đó hết thuốc chữa rồi! Sống lâu và sống dai dễ sợ quá, phải không chị? Tôi tính sang năm sẽ sang Montreal thăm ông ấy vì năm nay đã lỡ book hai chuyến đi khác. Hết thuốc chữa nhưng cái ông b/s đó vẫn còn gân lắm, ở trong nhà già nhưng vẫn cứ mắng mỏ y tá phục vụ mình y như thể là “quan đốc” vẫn đang hành nghề. Còn lâu ông ấy mới lên tàu về “Vùng 5 Chiến Thuật”!

    Cấp bậc và danh xưng của HQ rắc rối lắm, và cái ông nhẩy dù đó nói đúng đó Madame. Hải Quân Đại Úy khác với Đại Úy Hải Quân vì một ông xuất thân từ trường SQHQ còn một ông thì từ các quân binh chủng khác chuyển qua Hải Quân.

    Xuất thân trường SQHQ thì có cơ hội chỉ huy tầu chiến, và được gọi là “Hạm Trưởng/Captain” mặc dù cấp bậc có thể chỉ là Trung Úy/Lieutenant quèn. Việt hay Mỹ gì cũng vậy. Tuy nhiên hạm trưởng chẳng bao giờ phải lái tàu, chỉ đứng đút tay túi quần, miệng hô: “trái năm” hoặc “phải năm” để cho người thủy thủ quay bánh lái về bên trái hoặc bên phải 5 độ! Có ông lại còn ngậm pipe, cứ như là … bố chó xồm!

    Các sỹ quan từ các binh chủng khác chuyển qua HQ để làm thầy (thuốc) người ta, hoặc ngồi trên bờ làm cha chú thiên hạ, trừ mấy ông không phải là “cocc”, xuất thân từ quân trường Thủ Đức, có thể phải phục vụ tại các giang đoàn thuộc vùng sông nước Cửu Long để đánh giặc mệt nghỉ vì các vị đó biết bắn súng, (trong lúc các SQHQ thực thụ thì chỉ biết bắn súng … nước mà thôi)!

    Thỉnh thoảng tôi mới vào diễn đàn nhưng vẫn thường nghĩ tới các bạn miền xa. Thân chúc chị và các ACE của Đ/T những ngày an vui.

  9. #229
    ( Ngô Thị Lú tự Lú-Xì ) ntđl's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    1,422
    *

    Bác Ngụy.

    Bác đừng, đừng bao giờ tính tới chuyện đi thăm ông nọ nữa hết. Bị vì khi ra về, bác sẽ ngậm ngùi một kiếp nhơn sanh.
    Hồi đi thăm ổng, tui có rủ một quan đốc khác, nhưng ông ấy nói bận. Sau té ra ông ấy thú nhận chỉ muốn giữ lợi hình ảnh đẹp đẽ khi xưa.

    Ông cột chèo của bác hổng biết có ra trận ngày nào (tui ngại hổng dám hỏi) trước khi về ngồi bàn giấy, chớ còn quan này là y sĩ tiền tuyến thứ thiệt trong binh chủng nhảy dù, và đóng ở An-Lộc. Bà An-lộc kể, thời nhỏ, thấy ông bận quân phục 2 bông mai trắng, tay xách cập leo lên xe jeep với tài xế đậng vô bộ Tổng Tham Mưu. Oai phong lắm lận - khi này dám bác chưa vào trường hải quân. Bác thành cột chèo của ổng mãi sau này nên bảo đảm hổng nhìn được hình ảnh nớ.

    Bác Ngụy.
    Sáng qua tui nói chuyện với ông Nguyễn Hữu Phước. Ông ni là "hải quan sĩ quan" tốt nghiệp ở Nha Trang như bác heng. Rồi vừa học xong cái ông được miếng giấy sang huê kỳ tu nghiệp cùng với bạn đồng khóa (là con trai phó đề đốcTrần Văn Chơn) Học xong hai ông về làm việc trong bộ tư lệnh. 75 ông Phước kẹt lợi rồi đi học tập, và cũng vì cái ghế ngồi mà ổng học tập hổng có ngày dzìa, rồi ông nhứt chín nhì bù mần màn trốn trại. Chuyện ni nếu muốn sẽ kể cho bác nghe sau.

    Chuyện Hải quân thích biết thêm chắc phải kiềm ông Vũ Trọng Đệ hỏi tới. Bác Nguỵ đừng hỏi Vũ Trọng Đệ là ai heng.
    Ông ấy nay đã 86 rồi và hiện đang sanh sống tại Cali.
    Thỉnh thoảng bác vô đây bàn chuyện đời cho tui nghe giải sầu.
    Thấy bác và phu nhơn đi ngược đi xuôi tui sanh lòng tị nạnh, ghen tương quá xá !
    Thân ái cùng bác.
    Make the long story... short !

  10. #230
    Có Những Tàn Phai


    Bạn thân,

    Đã lâu lắm tôi mới gặp lại H. vào tháng Sept. vừa rồi. Nhiều năm trôi qua nhưng H. hình như không thay đổi mấy, vẫn niềm nở và thân tình, nhưng cặp mắt đôi khi có vẻ thoáng buồn. “Nhà tôi mất rồi”, H. tâm sự, “cũng đã vài tháng mà tưởng chừng như vừa mới hôm qua.”

    Khi chị H mất chúng tôi có nghe tin nhưng không biết rõ nội tình, gặp lại H. tôi mới biết là chị mất vì ung thư phổi, mặc dù trong suốt 70 năm cuộc đời chưa bao giờ chị cầm một điếu thuốc trên tay. Buổi sáng bên chiếc bàn nhỏ sau vườn, H. ấp ủ ly cà phế nóng bằng cả hai bàn tay, mơ màng nhớ lại những chuyện vui buồn của đời mình:

    “Dù đã có tuổi chúng tôi vẫn xưng hô với nhau như lúc chỉ mới ngoài 20, khi cô ấy đã chọn tôi, một anh trung úy quèn, thay vì nhận lời cầu hôn của một ngài đốc sự, phó tỉnh trưởng ở gần nhà. Chúng tôi đã có những ngày hạnh phúc, mặc dù trong chiến tranh tôi thường phải đi xa. Qua đến đất Mỹ này, để đền bù tôi thường chiều theo ý thích của vợ, đưa cô ấy du lịch khắp nơi, thăm viếng thân nhân và bạn bè, nhất là vào các dịp họp mặt của các cựu nữ sinh Trưng Vương.

    Khi biết nhà tôi mắc phải căn bệnh quái ác, và bác sĩ cũng đã bó tay, là lúc các bạn thấy tôi “tuyệt tích giang hồ”. Tôi dành hết thời gian để chăm sóc người tôi thương yêu. Ruột gan tôi hầu như thắt lại mỗi lần tôi thấy nhà tôi quằn quại trong cơn đau, Tôi chưa bao giờ cảm thấy bất lực như vậy trong đời, vật vờ như một chiếc bóng, không còn để ý tới đời sống của riêng mình. Bạn bè thăm hỏi, và đôi khi trách móc vì những lần vắng mặt trong các kỳ hội họp của của các đơn vị cựu quân nhân nhưng tôi chỉ biết câm nín, hoặc nhẹ nhàng xin lỗi chứ không đành lòng đem niềm bất hạnh của riêng mình để biện minh.

    Tôi không thích cờ bạc, nhưng nhà tôi lại thường theo các cô em tới casino kéo máy, và trong những lúc say mê với đỏ đen cô ấy hầu như không còn biết đến mệt nhọc hay đau đớn là gì. Người xưa đem ngàn vàng đổi lấy nụ cười, còn tôi, tôi cũng đã mang tiền tài đổi lấy những ngày hạnh phúc mong manh, dù không giầu có như những người được gọi là “đại gia”. Tôi đã rút ra gần hết số tiền trong qũy tiết kiệm, hàng ngày tới casino để nhà tôi kéo máy cho thoả thích trong lúc tôi ngồi bên tựa nhẹ bờ vai. Nhà tôi đã có những ngày cuối đời thật thoải mái, trước khi nhắm mắt cô ấy đã để lại cho tôi một nụ cười và một lời giã biệt: “Cám ơn anh yêu”.

    Bây giờ tôi lại tự do như chim trời, tìm về với các bạn, vì dù nhiều năm không gặp nhưng không bao giờ quên. Các con tôi đã lớn, đã có đời sống riêng, tôi không giàu có nhưng tiền hưu bổng đủ sống thoải mái. Các bạn ngao du góc biển chân trời hãy cho tôi đi theo vì trong thâm tâm tôi cũng còn mang nặng trong lòng những ngày tháng cũ.”

    H. nhìn tôi bằng đôi mắt buồn. Tôi nhẹ thở dài: “Những chuyện buồn phiền như thế của cuộc đời mọi người đều đã hoặc sẽ trải qua. “H. hãy cố quên để sống cho mình những ngày còn lại. Tháng Ba tới chúng tôi sẽ bay qua Dubai xuống tàu thăm Ấn Độ. Sẽ gửi information để bạn đi cùng cho vui.”

    Bạn thân,

    H. đã nhận lời đi chung trong chuyến hải hành năm tới. Riêng tôi, tôi mới trở về sau hai tuần thăm viếng vài quốc gia miền Nam Âu Châu. Trước ngày đi không biết “bấm độn” tiên đoán thời tiết nên vất vả vì mưa gió ngập trời. Hơn thế nữa, khi bay về tới Chicago trời đất nổi cơn gió bụi, chuyến bay chuyển tiếp bị hoãn lại rồi hủy bỏ vào lúc 11:30 PM, không thể ra ngoài mướn khách sạn nên đành làm người homeless, ngủ vật vã tại những hàng ghế trống trong phi trường O’Hare cho tới sáng ngày hôm sau mới book được chuyến bay trở về Cali.

    Chuyến đi vất vả nhưng nhiều kỷ niệm. Barcelona vui nhộn và ồn ào như những người Tây Ban Nha máu nóng, Sicily có khu phố cổ (Taormina) làm nhớ lại một ngày lang thang ở Hội An năm rồi. Khi du thuyền tới Athens chúng tôi “hop-on” sightseeing bus nhưng chẳng bao giờ “hop-off” vì mưa gió, chỉ nhìn thấy thành phố lờ mờ qua cửa kính. Cũng may là chúng tôi đã tới thủ đô của Hy Lạp một lần trước đây, và cũng đã thăm viếng vài địa danh, nên lần này cũng không có gì luống tiếc.

    Hy Lạp có nhiều hòn đảo nổi danh. Nhờ chuyến đi này mà chúng tôi mới biết là tên của tiếu bang “Rhode Island” của Mỹ cũng là tên của một hòn đảo của Hy Lạp, và theo người tour-guide, “Rhodes” trong tiếng Hy Lạp có nghiã là “hoa hồng”. Chúng tôi đã leo hàng trăm bực thang lên thăm đỉnh đồi Acropolis of Lindos để bùi ngùi nhìn thấy những hàng cột chơ vơ cùng năm tháng và những tấm bia ghi lại dấu tích của một thời huy hoàng đã qua.

    Không phải tất cả chuyến du lịch đều là để đi tìm cổ tích. Có những nơi như Santorini của Hy Lạp với kiến trúc hiện đại và thiên nhiên đẹp như tranh vẽ. Mời bạn xem tấm hình dưới đây để bạn thấy là góc biển chân trời vẫn có những nơi đáng cho ta đến tìm đến để chiêm ngưỡng.

    Santorini01.jpg

    Santorini: Khu nhà vòm xanh

    Người tour-guide cho biết một đêm tại căn nhà vòm xanh đó du khách chỉ phải trả tới 7,000 Euro (hơn $8,000 dollars Mỹ), và giá tiền không bao gồm “chân dài”! Những du khách ngủ đêm tại đó chắc chắn là “filthy rich”, và có lẽ … hơi điên cuồng! Bạn có nghĩ như tôi không?

    Địa danh cuối cùng của chuyến du lịch là Malta, một quốc gia nhỏ bé giữa Điạ Trung Hải, dân số chưa tới 500 ngàn. Malta từng là thuộc địa của Anh, còn lại là những đền đài và thành quách trông từ xa thật huy hoàng nhưng lại gần sẽ thấy rõ là có những tàn phai, và những chắp vá để níu lại thời gian.

    Malta nhin từ ngoài biển

    Đã chớm thu, Nam Cali trời se lạnh, chợt nhớ Hà Nội ngày tháng cũ, và lời hứa trở về thêm một lần nhưng có lẽ không thực hiện được vì niềm băn khoăn về những đổi thay mới đây của đất nước.Vài hàng thăm bạn, hẹn ngày gặp mặt ở một nơi nào đó, và mặc dù chỉ là “bạn miền xa”, nhưng tôi thường nghĩ tới bạn luôn.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Oct. 10, 2018
    Last edited by NgụyXưa; 10-13-2018 at 06:40 PM.

 

 

Similar Threads

  1. Miền Nam Việt Nam trong những ngày gần 30/4/1975
    By Vịnh Nghi in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 23
    Last Post: 04-26-2014, 05:40 PM
  2. Miền cát trắng ở Mỹ
    By V.I.Lãng in forum Thú Tiêu Khiển
    Replies: 2
    Last Post: 03-25-2012, 08:37 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:58 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh