Register
Page 12 of 29 FirstFirst ... 2101112131422 ... LastLast
Results 111 to 120 of 284
  1. #111
    Nắng Gió Mùa Thu Cali


    Bạn thân,

    Thấm thoát tôi về nơi mù sương này cũng đã được gần 6 năm? Sáu năm của tuổi trẻ năm xưa là một đoạn đời rất ngắn vì đời sống thay đổi đến chóng mặt, chứ không dài bất tận như sáu năm của tuổi già bây giờ. Từ dạo về đây nếp sống của tôi hầu như không có gì mới lạ, vẫn là những ngày êm đềm với ly cà phê buổi sáng, với những chiều nắng nhạt đi bộ trên con dốc trước nhà, và thỉnh thoảng là những chuyến đi xa để nhớ để quên.

    Báo tin bạn biết là tuần tới tôi sẽ lại đi xa ít lâu, gần cuối tháng Mười mới trở về. Chuyến đi này có vẻ hơi “vất vả” vì các nước của miền Nam Âu Châu gần nhau nên ngày nào du thuyền cũng ghé bến, và từ hải cảng phải mất vài giờ xe bus mới vào thăm được các thắng cảnh trong đất liền. Tôi sẽ ghé vào Vatican, và dù là người ngoại đạo, tôi cũng sẽ thầm cầu nguyện cho bạn, và cho cả những người không quen vì chiến tranh mà gia đình phải xa cách, chia lìa.

    Đi du lịch xa bằng tàu thủy thì tương đối an toàn, thế nhưng trước khi xuống được tàu đã phải qua trải qua ít nhiều đắng cay. Chuyến bay từ Mỹ sang Âu Châu là một hành trình dài khá mệt nhọc cho những hành khách mua vé “kiệm ước” như tôi. Thủ tục an ninh, cời giày, cởi áo cho người ta sờ nắn, và vật vã chờ đợi ở phi trường đủ làm mình bực bội, và đôi khi còn lo sợ là chuyến bay có thể bị mấy ông Hồi Giáo quá khích “hỏi thăm sức khoẻ” nữa chứ! Biết vậy mà “dòng máu giang hồ” vẫn chưa cạn khô, vẫn lang thang đi tìm những hình bóng cũ không quên.

    Tháng ngày trầm lặng nên nhiều lúc đầu óc trống rỗng, chẳng biết viết gì thăm bạn, thôi thì hôm nay tào lao nắng mưa là chuyện của trời, vậy nhé bạn thân.

    Đã vào thu nhưng thời tiết Cali vẫn chưa se lạnh như những mùa thu dịu êm trước đây. Buổi chiều có nhiều hôm rất nóng, và hạn hán nữa, nên cháy rừng liên miên. Năm ngoái những ngọn đồi quanh nơi tôi cư ngụ đã cháy trơ trụi nên năm nay chắc chẳng còn gì cho thần hoả viếng thăm. Ông hàng xóm của tôi cũng vừa lên đường đi chơi xa, nhờ tôi trông nhà dùm, và nhắn tôi là nếu “có gì” thì điện thoại cho ông ta biết. Tôi nghĩ thầm, nếu “có gì” xảy ra thì cũng chỉ còn một đống tro tàn, và tôi chắc cũng chẳng còn lòng dạ nào gọi cho ông ta để báo tin!

    Cali hạn hán, cháy rừng thế nhưng tiểu bang của bạn lại mưa giớ tơi bời, cuồng phong và lũ lụt gây ra bao nhiêu là đổ vỡ hoang tàn. May là bạn vẫn yên lành, mừng cho bạn. Tôi từng nghe người ta kể chuyện về một gia đình người Việt sợ Cali động đất nên bán nhà, di chuyển về một tiểu bang miền Đông, thế nhưng trên xa lộ xuyên bang xe của họ gặp tại nạn thảm khốc. Đúng là trời gọi ai người ấy dạ, chứ biết làm sao mà tránh được thiên tai!

    Bạn thân,

    Dạo này tôi coi TV hơi nhiều bạn ạ, và có lúc chợt thấy buồn vì tin tức thời sự mặc dù những chuyện xảy ra trên thế giới hầu như chẳng có gì ảnh hường tới đời sống của chúng mình, và nếu có thì cũng chỉ là những gì vụn vặt chứ không thê thảm như đang xảy ra ở những nơi xa xôi như Gaza, Iraq hay Syria … nơi khói lửa mịt mù, chẳng khác gì VN chúng mình thời loạn ly trước năm 1975.

    Nhớ VN nên Q. và tôi đã hoạch định xong chuyến hải hành ‘nam tiến” từ Hồng Kông trong năm tới. Chúng tôi sẽ ghé vào vài hải cảng của đất nước mình nhưng chỉ là một hoặc hai ngày ngắn ngủi, không đủ thời gian cho tôi lên Đà Lạt thăm lại thành phố thời hoa niên.

    Bạn bè Bảo Bình chỉ còn Vinh ở Sài Gòn và Vĩnh Lợi ở Đà Nẵng. Không biết bạn ta bây giờ ra sao. Bốn mươi năm không gặp nhưng tình chưa cũ, phải thế không “Mệ” **, và không biết “Ba Cụt” còn nhớ “Cá Sơn” và tôi?

    Tình thân,

    Ngụy Xưa,
    Sept. 24, 2014

    ** Nick names do bạn bè đặt ngày chúng tôi còn ở trong quân trường.
    Last edited by NgụyXưa; 09-24-2014 at 05:34 PM.

  2. #112
    Buồn Vui Đất Lạ


    Bạn thân,

    Tôi từ Venice trở về từ hôm cuối tuần thế nhưng … mệt quá nên hôm nay mới viết thăm bạn được đôi dòng.

    Trước khi đi tôi đã biết là chuyến hải hành này sẽ vất vả vì hầu như ngày nào tàu cũng ghé bến để du khách đi thăm những di tích của các nền văn minh cổ như Colosseum của Ý, Acropolis của Hy Lạp, Ephesus của Thổ Nhĩ Kỳ …, và chuyến đi nào cũng sẽ kéo dài từ 8 tới 10 tiếng đồng hồ! Nhiều hôm về muộn tàu đang chuẩn bị rời bến làm mình cuống quít vội vàng.

    Bạn còn nhớ Cường Điên, thằng bạn thời thơ ấu, tiến sĩ về khoa học không gian, nhưng lâu rồi cóc thèm đi làm, chỉ ở nhà cho vợ nuôi? Tôi rủ nó đi du ngoạn cho biết đó biết đây, nó lắc đầu nói là chỉ cần vào Internet là biết hết mọi thứ, đi đâu xa cho mệt. Tôi cố thuyết phục nó, lý luận là đọc Internet cũng giống như coi hình đàn bà đẹp, đâu có thể nào so sánh được với gặp mặt, nhìn nhau bằng ánh mắt long lanh, nắm được bàn tày mềm mại và ngửi được mùi hương tử hơi thở nồng nàn. Nghe vậy mà nó chỉ cười khẩy, nghĩ là tôi điên chứ nó không điên!

    Trong nhiều chuyến đi trước tôi thực tình đã “enjoy” hết mình. Bồng bềnh mây nước góc biển chân trời, thăm viếng các thành phố, các thắng cảnh tôi đều thấy xúc động, và thường so sánh những nơi đó với quê hương VN mình để bùi ngùi nhớ thương, thế nhưng chuyến du hành các nước miền Nam Âu Châu vừa rồi thì có nhiều lúc tôi thấỳ ông bạn Cường điên có lý hơn mình!!!

    Tôi đã một lần thất vọng khi thăm Vạn Lý Trường Thành, không tìm được cái không khí “Trống trường thành lung lay bóng nguyệt” trong văn chương, chỉ thấy những tường gạch và một lũ người chen chúc, mồ hôi nghễ nhại như tôi đã kể với bạn trong những lá thư trước đây. Colosseum, vận động trường danh tiếng của nền văn minh La Mã, Acropolis huyền thoại của nền văn minh Hy Lạp, và Ephesus, thành phố cổ bị tàn phá vì động đất của Thổ Nhĩ Kỳ còn … tệ hơn Vạn Lý Trường Thành của Trung Hoa. Chắc bạn cũng đã nhìn thấy hình ảnh huy hoàng của những phế tích này trên Internet, và tôi cũng đã nghĩ tới những lúc mình hiện hữu trong khung cảnh đó, thả hồn sống với dĩ vãng hoang đường của những nền văn minh cổ xưa. Thế nhưng …

    Các di tích đó thường ở trên đồi cao, đường đầy sỏi đá trơn trượt, rất khó đi và thời gian đã tàn phá nên có nơi chỉ còn vài hàng cột đứng chơ vơ cùng những tảng đá điêu khắc ngổn ngang trên đường. Vài di tích còn giữ được hình hài để du khách có thể nhận ra đâu là phòng ốc, đâu là nhà hát, đâu là đấu trường … nhưng tất cả đều được vá víu bằng những vật liệu hiện đại như xi măng và thanh sắt để niú kéo thời gian vì các di tích là nguồn lợi khổng lồ cho quốc gia, không thể nào để sụp đổ, tiêu tan. Ephesus là nơi các nhà khảo cổ vẫn còn đang làm việc. Nhà cửa tạm thời, dụng cụ đào đất, lướí sắt, giây nhợ giăng khắp nơi khiến di tích cổ đại này trông nham nhở , mất đi cái vẻ huyền bí của cổ tích hoang đường.

    Hàng ngày có hàng ngàn du khách tới Thổ Nhĩ Kỳ, mua vé vào cửa để thăm Harem của các Sultans, nơi giam giữ các cung nữ và nô lệ tình dục ngày xưa. Nhà thờ hồi giáo nào của cũng đòi lệ phí rất cao để vào xem những kiến trúc cầu kỳ đầy màu sắc, và để được các giáo dân đang cầu nguyện chổng … mông vào mặt mình! Có một chuyện tức cười nữa, đó là mỗi du khách được phát cho một cái túi để bỏ giầy vào đó, xách theo tòn ten khi đi chân trần thăm viếng thánh đường, trông không giống ai! Đàn bà còn được cho mượn khăn quàng để che đầu và mái tóc. Bộ đầu đàn bà … có vấn đề, hả bạn thân?

    Tuy vậy tôi không hề hối tiếc đã đi chuyến du lịch vừa rồi vì tôi đã có những ngày rất vui ở Barcelona (Spain), Venice (Ý), leo lên được đỉnh đồi nhà thờ Notre-Dame De La Garde tại Marseille của Pháp, và nhất là được vào thăm thánh đường Vatican tại La Mã, nơi hai nền văn minh kim cổ hiện diện một cách hài hoà. Các kiến trúc cổ xưa đều được bảo trì và xử dụng liên tục nên sống động chứ không tàn phai như những di tích khác. Có một điều đáng tiếc là du khách đông quá (khoảng 20 ngàn người tới thăm hàng ngày) nên thánh đường ít nhiều mất vẻ trang nghiên trầm lắng. Tôi là người ngoại đạo, và không rành lịch sử Âu Châu cho lắm, nên đôi lúc bị lạc lõng trong các câu chuyện của hướng dẫn viên du lịch.

    Bạn thân,

    Tâm tình với bạn cảm tưởng về các nơi chốn đã đi qua mà không có chút nhận xét về con người thì có lẽ hơi thiếu xót. Theo tôi thấy thì dân Âu Châu lúc nào cũng lịch sự và dễ thương, trừ dân Thổ Nhĩ Kỳ! Thành phố Istanbul thực ra nằm trên cả hai lục địa Âu và Á, và dân chúng đa số theo Hồi Giáo nên có vẻ dữ dằn. Một bà bạn của tôi trả giá nhưng rồi không chịu mua món hàng đã lựa họn bị người bán hàng đuổi thẳng cánh: “You, China (sic)! Get out”. Cứ thấy da vàng thì tưởng người ta là Tàu nên bà bạn tôi tỉnh bơ. “Nó chửi Tàu chứ có chửi mình đâu!”. Tôi ngứa miệng định nói: “You, Turkey” nhưng nghĩ chắc là người bán hàng không hiểu. Người Thổ trong tiếng Anh là Turkist còn Turkey là nước Thổ nhưng cũng có nghiã là con gà tây, là … thằng ngu! Dù sao thì “Turkey” cũng là đồng minh của Mỹ, xin giữ cho nhau một chút tình!

    Mấy hôm nay đã đỡ mệt, tỉnh táo rồi nên lại nghĩ tới chuyến đi Nam Á, những nơi gần gũi với quê nhà, vào đầu năm 2015. Ngày xưa khi mới ra trường, đi thực tập trên Đệ Thất Hạm Đội của Mỹ, bạn đã từng đặt chân tới Singapore, Thailand, Indonesia, Malaysia và nhiều bến bờ trong biển Thái Bình, những nơi dù chỉ đi qua một lần những vẫn không quên. Bạn giữ gìn sức khoẻ để cùng nhau về thăm chốn cũ nhé.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Oct. 22, 2014
    Last edited by NgụyXưa; 11-26-2014 at 11:38 AM.

  3. #113
    Mùa Thu Ngày Nắng Muộn


    Bạn thân,

    Nghe tin những tiểu bang miền Bắc Mỹ mấy hôm nay gió tuyết và mưa bão ngập trời, tôi lắc đầu thương bạn ta quá đi thôi! Cali nơi tôi sống mùa thu năm nay tới muộn, nắng vẫn vàng, trời vẫn đủ ấm cho thiên hạ dập dìu ngoài bãi biển, và riêng tôi vẫn còn có thể dạy sớm ra hồ bơi, vui với tuổi vàng.

    Thành phố này tiền thuế nhiều quá, không biết làm gì cho hết nên ho xây một cái park rộng mêng mông cho cả … chó và người! Chó có chỗ riêng để chạy rông còn người ngoài những tiện nghi khác còn có hai hồ bơi nước ấm ngoài trời, đủ rộng cho những người chậm chạp như tôi chiếm riêng một lane, nằm ngửa thả trôi nhìn trời xanh mây trắng hững hờ mà chẳng làm phiền ai.

    Bạn còn nhớ trường SQHQ Nha Trang của chúng mình ngày xưa không? Cái trường do Tây xây để lại cho VN mình, có hai sân tennis nhưng không có hồ bơi, (có lẽ vì Tây ở bẩn, lười tắm), nên anh em chúng mình hàng tuần bị luấn luyện viên thể thao dẫn ra biển, từ cầu tàu nhẩy xuống nước, bơi cho đủ 50 thước mới được ra về. Đứa nào bơi không nổi, gần hết hơi mới được vớt lên để tuần sau … bơi tiếp. Mấy thằng miền sông nước Hậu Giang, hoặc con nhà giàu hội viên của “Cercle Sportif Saigonnais”, nhẩy xuống nước bơi như nhái, còn dân nhà quê Đà Lạt như tôi bơi … chó được vài thước đã muốn chìm. Huấn luyện như vậy mà khi ra trường tôi cũng bơi được đủ 50 thước, và may mắn là sau này khi chỉ huy chiến hạm tôi đã không bao giờ phải khoe tài bơi lội với nhân viên!

    Cái công viên của thành phố không chỉ có hai hồ bơi mà còn có cả spa nước nóng đủ chỗ cho 25 người! Bơi mệt nghỉ xong vào ngồi spa cho jet stream đấm bóp đã lắm bạn ạ. Thú thật với bạn là đi bơi tốt cho sức khoẻ, và đôi khi tốt cho cả con mắt vì được thưởng thức nét đẹp của những thân hình căng nhựa sống! Tuy nhiên bạn hãy nghe tôi, đừng bao giờ tới hồ tắm trên những cruise ships! Nơi đó dành riêng cho những ông bà già bụng phệ nằm phơi nắng, nhìn thấy là đủ chán đời!

    Bạn thân,

    Mùa thu Cali năm nay tới muộn nhưng hoa cúc vàng đã nở rộ sau vườn và buổi chiều sau khi tắt nắng cũng đủ se lạnh, phải mặc áo ấm để có những phút bình yên, đi bộ trên con dốc trước nhà.

    Từ dạo hồi hưu ngày nào của anh em chúng mình cũng là ngày cuối tuần, thế nhưng tâm hồn chúng mình vẫn chưa hoàn toàn yên tịnh, phải thế không bạn thân? Chúng mình vẫn nhận được những email về tình trạng tồi tệ của xã hội Việt Nam hiện thời, và đâu đó trên thế giới vẫn còn đầy những bất trắc, bao nhiêu người vẫn chết vì bệnh dịch, vì bom đạn, vì bị chặt đầu phân thây, man rợ như thời hồng hoang! Toàn những chuyện ngoài tầm tay, đọc xong chỉ biết thở dài ưu tư, và cảm thấy bất lực vì ảnh hưởng của nước Mỹ với thế giới càng ngày càng suy sụp. Người Mỹ bây giờ không còn là người hùng, thấy chuyện bất bình tức thời ra tay nghĩa hiệp như thời xa xưa.

    Cũng may là thành phố nơi tôi cư ngụ rất thanh bình nên tôi vẫn còn những phút bình yên để nhớ về bạn bè và những ngày xưa thân ái của thời hoa mộng trên cao nguyên Lâm Viên. Tháng May năm 2015 trường cũ sẽ tổ chức đại hội, bạn nhớ về họp mặt nhé, để chúng mình có dịp nhắc nhở nhau những ngày vui.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Nov. 11, 2014

  4. #114
    Biệt Thự SauDong's Avatar
    Join Date
    Nov 2013
    Posts
    1,460
    Bác Ngày Xưa, nghe nói sông Nhà Trắng cũng nhỏ (hihi khúc xóm Bóng đó), chắc họ tập cho bác bơi từ bờ này đến bờ kia đấy. Tui sắp nghỉ mát 1 tuần ở đó nên sẽ ngắm cho bác cái đoạn nước 50m gian truân ngày nao của bác.

  5. #115
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,669
    Quote Originally Posted by SauDong View Post
    Bác Ngày Xưa, nghe nói sông Nhà Trắng cũng nhỏ (hihi khúc xóm Bóng đó), chắc họ tập cho bác bơi từ bờ này đến bờ kia đấy. Tui sắp nghỉ mát 1 tuần ở đó nên sẽ ngắm cho bác cái đoạn nước 50m gian truân ngày nao của bác.
    Anh Sáu lầm to rồi ! Bác Nguy Xua đã từng đuổi theo Mỹ Nhân Ngư đấy ......
    Mong bác Ngụy Xưa gạt bỏ được những chuyện người hùng để vui sống những ngày còn lại .

  6. #116
    Biệt Thự SauDong's Avatar
    Join Date
    Nov 2013
    Posts
    1,460
    Quote Originally Posted by hoài vọng View Post
    Anh Sáu lầm to rồi ! Bác Nguy Xua đã từng đuổi theo Mỹ Nhân Ngư đấy ......
    Mong bác Ngụy Xưa gạt bỏ được những chuyện người hùng để vui sống những ngày còn lại .
    Hình như bây giờ bác NX vẫn đuổi theo Mỹ nhân đấy chứ.

  7. #117
    Quote Originally Posted by SauDong View Post
    Hình như bây giờ bác NX vẫn đuổi theo Mỹ nhân đấy chứ.
    Anh SauDong,

    Qua rồi thuở ấy tình sâu nặng
    Trăng mới cuồng si nụ bán khai (Đinh Hùng)


    NX hết thời rồi anh SauDong. Mong anh mau trở lại Hoa Kỳ để tôi được thấy lại hình ảnh căn nhà xưa.

    ***

    Căn Nhà Trong Trí Tưởng


    Bạn thân,

    Bạn còn nhớ không, Sài Gòn thời thập niên 60 là những năm đầy biến động, hết đảo chánh tới chỉnh lý, hết Phật Giáo xuống đường đến VC tấn công vào dịp Tết Mậu Thân (1968). Lúc đó chúng mình còn đang theo chiến hạm, lênh đênh góc biển chân trời, lâu lâu mới được về Sài Gòn nghỉ bến vài tuần, thế nhưng Sài Gòn biến động cũng làm những ngày nghỉ bến của chúng mình không được bình yên.

    Thường thì vì cấm trại “trăm phần trăm, em ơi” nên thỉnh thoảng chúng mình mới được phép về thăm nhà, thế nhưng tôi lại không có một nơi gọi là nhà tại thành phố thân quen đó. Gia đình tôi ở tuốt trên cao nguyên nên mỗi lần “đi bờ” tôi thường ngủ vật vã trên căn gác xép của “Thịnh Mù” hoặc chia nhau một tấm divan với “Cóc Cần” tại căn nhà gỗ trong con hẻm gần bến xe đò An Đông. Bố mẹ tôi thương thằng con trai long đong nên vay mượn người quen, mua cho tôi căn nhà nhỏ gần Việt Nam Quốc Tự trên con đường Trần Quốc Toản để tôi có chỗ trú ngụ mỗi lần được về nghỉ bến Sài Gòn.

    Những ngày Phật Giáo biểu tình khu Việt Nam Quốc Tự mịt mù khói lựu đạn cay, nhiều hôm ngồi trong nhà mà nước mắt tôi giàn giụa, đành phải “di tản chiến thuật” tới nhà “Thịnh Mù” ở tuốt bên Phú Nhuận lánh nạn, và ăn cơm nhờ, hoặc trở về chiến hạm đêm nằm nghe tiếng mình thở dài.

    Thấy tôi thường bỏ nhà hoang, bố mẹ tôi xót của nên để đứa em trai tôi từ Đà Lạt xuống sống với tôi cho có anh có em, và trông coi nhà cửa mỗi lần tôi đi xa. Em tôi mới 17 tuổi, còn thơ dại thế mà cũng đã trải qua một ngày thật hãi hùng ở nơi đó. Ngay sáng mồng một Tết Mậu Thân chúng tôi nghe tiếng súng nổ, hé cửa ra nhìn, thấy một người Cảnh Sát bị VC bắn nằm rên la ngay trước cửa nhà. Dù sợ hãi anh em chúng tôi cũng ra đường, cố tìm cho được một chiếc taxi, khiêng người Cảnh Sát lên xe, chở vào bệnh viện Bình Dân để cấp cứu. Ông tài xế xua tay không nhận tiền chúng tôi đưa trả, vội vã bỏ đi ngay sau khi nhân viên bệnh viện mang người bị thương ra khỏi xe. Anh em chúng tôi nép vào hành lang những căn nhà kín cửa trên con đường vắng, đi bộ về nhà, không biết số phận của người cảnh sát đó sau này ra sao vì không thấy ông ta trở lại nơi mình bị bắn, hỏi thăm hay cám ơn người đã đưa mình đi cấp cứu.

    Căn nhà nhỏ trở thành một ám ảnh nên chúng quyết định bán đi, tìm một chỗ khác yên lành, và tôi đã chọn được một căn nhà … ngay trước cửa nghĩa địa! Bố mẹ tôi và bạn bè ai cũng can ngăn thế nhưng lúc đó tôi tin là sống gần người chết có lẽ yên thân hơn là sống gần mấy … ông sư, và tôi cũng chẳng tin ma quỉ nên không e ngại cái nghĩa địa bên kia đường ngay trước cửa nhà.

    Căn nhà trước đó xây cho Mỹ mướn nên đầy đủ tiện nghi. Sân trước đủ rộng cho xe hơi đậu, và có cây huỳnh anh trước ngõ lá lúc nào cũng xanh ngắt, và hoa vàng hầu như nờ quanh năm, thoáng nhìn thật là nên thơ. Thật là bất ngờ, khi dọn vào tôi mới biết, một bên hàng xóm của tôi là gia đình một ông công chức đã hồi hưu, có hai cô con gái học trường Tây (Marie Curie), nói tiếng Việt không rành để tôi bập bẹ tiếng Pháp đã rơi rụng từ ngày tôi rời ghế nhà trường. Lúc đó tôi còn độc thân, nhọc nhằn với sóng nước, nay ở mai về, nhưng đối với những người con gái kín cổng cao tường thì đó là cuộc sống đầy bí ẩn và quyến rũ. Tôi lần lượt trước sau rơi vào vòng tay của … cả hai chị em. Đó là những mối tình trong sáng, và nhẹ như mây trời, để rồi vội tan như sương mai vì cả hai chị em đều theo nhau giã từ VN, qua Pháp du học.

    Căn nhà trước cửa nghĩa địa đó không chỉ là một mái hiên che nắng che mưa mà còn là một nơi mang đến cho tôi nhiều may mắn, có lẽ nhờ những hồn ma không quen nằm bên kia đường phù hộ. Vài năm sau khi vào sống trong căn nhà đó tôi được thuyên chuyển khỏi chiến hạm, lên Bộ Tư Lệnh Hải Quân làm việc ngay tại bờ sông Sài Gòn, thành hôn với người yêu dấu, và năm 1973 tôi được học bổng du học tại Hoa Kỳ, một ước mơ tới muộn màng vào tuổi 30, thế nhưng nhờ vậy mà tôi đã không phải bị lưu đày trên núi rừng Bắc Việt, hoặc cay đắng trong “Chuyến Hải Hành Cuối Cùng” như bao nhiêu bạn bè cùng khoá vào cuối tháng Tư năm 1975.

    Bạn thân,

    Em trai tôi ở lại căn nhà đó cho đến năm 1990 mới đoàn tụ với chúng tôi tại Hoa Kỳ, và căn nhà được bán đi với giá rẻ mạt, gần như cho không. Năm 2004, sau 31 năm xa cách, tôi có trở về Sài Gòn một lần thế nhưng đã không có thì giờ tới thăm chốn cũ, nhìn lại căn nhà xưa, tuy nhiên tôi cũng được biết là người ta đã hốt hết cốt tại nghĩa địa bên kia đường, và chỗ đó bây giờ là cái chợ nhỏ. Cây huỳnh anh trước ngõ cũng đã bị chặt bỏ, sân trước trở thành một … pharmacy, chứ không còn là nơi tôi đứng chuyện trò với hai người con gái bên kia hàng rào những buổi chiều không có nắng.

    Căn nhà, “nơi sống bao ngày giờ đằm thắm…”, chỉ còn trong trí tưởng, và tôi biết dù có trở về tôi cũng sẽ không bao giờ tìm lại được những bóng hình ngày xưa. Tiếc quá, tôi cũng chẳng có một tấm hình nào của cây huỳnh anh trước ngõ. Thôi cũng đành, phải thế không, bạn ta?

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Nov. 25, 2014
    Last edited by NgụyXưa; 11-26-2014 at 02:33 PM.

  8. #118
    ...for keeps... passenger's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    4,141
    "Căn Nhà Trong Trí Tưởng"
    Love những câu chuyện kể vương vấn chút sương khói của SG xưa...

    Happy Thanksgiving, Mr. DN!
    (and many Thanks for Giving/Sharing all the best of Memory!)

  9. #119
    Chúc anh Ngụy Xưa và gia đình ngày lễ Tạ Ơn đầm ấm, an vui . Cám ơn anh NX vẫn "cặm cụi" viết lại tâm tình và nỗi nhớ về ngày cũ ... Xin chúc cho các "bạn thân" của anh luôn luôn tâm lac.

    Chào làm quen Passenger và cũng chúc Passenger Happy Thanksgiving nha.

  10. #120
    Biệt Thự bonita's Avatar
    Join Date
    Sep 2012
    Posts
    1,517
    kính chúc cô chú một mùa lễ tạ ơn tràn đầy bình an

 

 

Similar Threads

  1. Miền Nam Việt Nam trong những ngày gần 30/4/1975
    By Vịnh Nghi in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 23
    Last Post: 04-26-2014, 05:40 PM
  2. Miền cát trắng ở Mỹ
    By V.I.Lãng in forum Thú Tiêu Khiển
    Replies: 2
    Last Post: 03-25-2012, 08:37 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 09:07 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh