Register
Page 14 of 29 FirstFirst ... 4121314151624 ... LastLast
Results 131 to 140 of 284
  1. #131
    Cám ơn anh ĐS, anh SD và Bo đã để lại chữ chúc mừng.

    Tháng đầu tiên của năm mới mở cho mọi người một trời hy vọng thế nhưng với người dân nước Việt thì cũng là tháng của u buồn vì ngày 19 tháng này là ngày giỗ Hoàng Sa.

    Ngày giỗ năm nay tôi sẽ không có mặt cùng các bạn vì tôi đang trên đường về thăm lại vùng biển xưa. 41 năm đã trôi qua mà mỗi lần nghĩ tới “mảng san hô nhưng cũng là da thịt” đó tôi vẫn chưa hết nghẹn ngào, gửi bạn một bài viết cũ, đã post trên diễn đàn này cách đây gần 8 năm, để chia sẻ với các bạn chút tâm tình, nhất là với các bạn mới tại Đ/T.

    ***

    Nỗi Đau Còn Dài


    Bạn thân,

    Chỉ còn hơn một tuần nữa là ngày giỗ Hoàng Sa, anh em chúng mình lại bùi ngùi, lại tưởng nhớ, và có nhiều người sẽ lại không cầm được nước mắt khóc bạn thân.

    Năm 1974 miền Nam Việt Nam có khoảng 19 triệu người. Khi mất Hoàng Sa, 19 triệu người lòng đau như cắt, nhưng cũng có một người dân miền Bắc viết một bài thơ chia sẻ niềm đau.

    Hoàng Sa

    Xin kể thêm tôi
    Thành mười chín triệu một người
    Trái tim tôi đập về trong nớ
    Dòng máu xa nguồn bỗng giận sôi

    ***
    Xin kể thêm tôi thành mười chin triệu một người
    Thành viên gạch hồng tươi

    Làm bức tường thành ngăn triền sóng dữ
    Làm chiếc vò đựng mùa xuân ngọt lự
    Giữ không rơi một giọt mật nào
    Mỗi giọt ra đi, chính giọt máu đào
    Từ cuộc đời cha ông nhỏ xuống

    ***
    Hoàng Sa, ơi Hoàng Sa
    Cái tên nghe buồn như thủơ ban sơ
    Ðối với tôi đã là da thịt
    Dầu chỉ là một mảng san hô

    ***
    Lại đau chăng vết buốt tự ngàn xưa
    Trang sử cũ còn hằn dấu ngựa
    Từ thảo nguyên xa, từ biên ải lửa
    Khói tràn về đen thẫm những giấc mơ
    Khói tràn về đen thẫm ước mơ

    ***

    Xin kể thêm tôi
    Thành mười chín triệu một người

    Trái tim tôi đập về trong nớ
    Dòng máu xa nguồn bỗng giận sôi

    ***
    Người bạn Hải Quân Miền Nam ơi !
    Trên đảo mù sương hôm đó có anh tay cầm súng
    Từ những hạm tàu rẽ sóng đại dương
    Tôi thấy pháo anh dương nòng sừng sững

    ***
    Cuộc chiến kết thúc dù bi thảm
    Bài ca anh hùng vẫn vọng trời cao
    Xin cho thơ tôi góp phát súng chào
    Vĩnh biệt tuần dương chìm dần giữa sóng
    Ðáy biển âm thầm, ngàn năm lạnh cóng
    Vẫn mặn nồng lòng tổ quốc ta

    ***
    Xin cho thơ tôi làm thảm sóng ngân nga
    Ru giấc ngủ những chàng trai dũng cảm
    Ðếm biết bao nhiêu người vợ đợi chờ
    Em ơi, trên từng trang sử nhỏ


    ***
    Hoàng Sa, xa vời ơi Hoàng Sa!
    Ngực đảo còn đau ngàn bàn chân lạ
    Tôi biết mùa xuân chưa đến bao giờ

    Hoàng Sa, xa vời ơi Hoàng Sa!
    Tên người ngân buồn như bản thánh ca….

    Hoàng Sa, xa vời ơi Hoàng Sa!
    Tên người ngân buồn như bản thánh ca….


    Vô Danh
    (thơ Dân Bắc)

    Bài thơ này được nhạc sĩ Nguyên Văn Thành phổ nhạc, và các bạn hãy nghe anh hát để thấy niềm đau này là niềm đau chung của dân Việt chứ không không phải chỉ là của miền Nam: http://vinasoft.com/nhac_hoangsa.mp3

    Trung Quốc đang vẽ lại bản đồ. Hoàng Sa và rồi Trường Sa đã bị cuỡng chiếm. Nỗi đau còn dài.

    Vài hàng ngắn ngủi gửi bạn, vì bỗng dưng tôi thấy nghẹn ngào, không viết được thêm.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Dec. 14, 2007
    Edited Jan. 2015

  2. #132
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,669
    Quote Originally Posted by NgụyXưa View Post
    Trung Quốc đang vẽ lại bản đồ. Hoàng Sa và rồi Trường Sa đã bị cuỡng chiếm. Nỗi đau còn dài.

    Vài hàng ngắn ngủi gửi bạn, vì bỗng dưng tôi thấy nghẹn ngào, không viết được thêm.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Dec. 14, 2007
    Edited Jan. 2015
    Chào Bác NX , chỉ khi nào Việt Nam tổ chức công khai ngày tưởng niệm chiến sĩ trận vong HS - TS thì bác mới đỡ nghẹn ngào

  3. #133
    Trong Nỗi Ngậm Ngùi


    Bạn thân,

    Biển Java êm đềm, sóng gió nhẹ nhàng khác hẳn ngày khi chiếc phi cơ của hãng hàng không AsiaAir rơi xuống lòng đại dương. Cũng ở chỗ này hơn 50 năm xưa khi chúng mình vừa tốt nghiệp, một số anh em chúng mình đã vất vả thực tập trên các chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ.

    Chắc bạn còn nhớ khi đó chúng mình vừa ra khỏi quân trường, tiếng Anh chỉ mới tới trình độ vỡ lòng, nên hai ba đứa lúc nào cũng bám vào nhau ngơ ngác trên con tàu to lớn, cố gắng học hỏi những điều mới lạ mà chưa bao giờ được thấy trên các chiến hạm của VN mình!

    Trở lại vùng biển xưa trên du thuyền Millennium của hãng Celebrity, con tàu cũ kỹ bên trong đã được “điểm phấn tô son lại” nhưng bên ngoài vẫn phơi rõ nét phong sương, làm tôi nhớ lại những chiến hạm thân thương của Hải Quân VNCH. Bạn biết là các con tàu Hoa Kỳ chuyển giao cho chúng mình phần lớn đã được đóng từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, và hơn thế nữa các vũ khí tấn công hiện đại, như những giàn phóng ngư lôi chẳng hạn, đã được tháo gỡ vì Hoa Kỳ tin rằng chúng ta không cần những chiến cụ đó để chống lại kẻ thù vì lực lượng Hải Quân miền Bắc lúc đó không đáng kể. Nhận định một chiều đó đã khiến chúng ta thất bại tại Hoàng Sa, mặc dù anh em chúng mình đã đã chiến đấu một cách kiên cường với các chiến hạm của Trung Cộng tối tân hơn và hoả lực mạnh hơn. Nghĩ lại thân phận của những nước nhược tiểu, phải nhờ vả và nương tựa vào các nước khác, nhiều lúc thấy thật đau lòng!

    Trở lại vùng biển cũ sau hơn 40 năm sống tên xứ người, Anh ngữ bây giờ không còn là một vấn đề, tôi không còn “ngơ ngác” như những ngày tháng trước, và trong những lúc chuyện trò với những người ngoại quốc mới quen, tôi vẫn hãnh diện nhận mình là người lính VNCH, thế nhưng nỗi mỗi lần nhắc tới chuyện xưa tôi không khỏi ngậm mgùi, và càng ngậm ngùi thêm khi ghé thăm các nước lân cận để nhận thấy rằng họ đã vượt qua VN về mọi mặt, nhất là về kỷ luật giao thông trên đường phố. Kuala Lumpur với những cao ốc và xa lộ hiện đại, xe hơi và xe gắn máy lưu thông đầy đường thế nhưng không một tiếng còi thúc dục, tranh dành nhau từng chút như Sài Gòn bây giờ.

    Trong chuyến đi này du thuyền từ Singapore vượt qua đường xích đạo, tới điểm tận cùng của Indonesia, nên mọi người đều được cấp giấp chứng nhận của thủy thần “Neptune, the Great God of all the high seas”, một truyền thống của người đi biển để kỷ niệm những lần viễn du qua những nơi sóng gió. Ngày xưa theo chiến hạm từ Hoa Kỳ về VN tôi đã hãnh diện nhận được giấy chứng nhận là đã vượt qua “Đường Sang Ngày” (kinh tuyến 180 độ), bây giờ có thêm chứng nhận vượt qua đường xích đạo, thôi thì cứ coi như là đã thoả mộng hải hồ!

    Bạn thân,

    Trời mùa đông Cali chỉ se lạnh khi tôi trở về thế nhưng chắc là những ngày qua nơi tôi sống cũng đã trải qua những cơn mưa gió bão bùng vì sân sau nhà “ngổn ngang trăm mối”, hoa lá rơi đầy! Cũng không sao, lại có việc để tôi làm cho ngày tháng bớt cô liêu, ít ra cũng tới cuối tháng Tư, lúc đó tôi lại lên đường vượt Đại Tây Dương, từ Miami qua Bồ Đào Nha. Có điều emails chồng chất vài trăm cái trong thời gian tôi đi xa nên tôi vẫn chưa xem hết, và nếu tôi có chậm trễ trả lời bạn, mong là bạn sẽ “tha Tào”, bạn nhé.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Feb. 5, 2015

  4. #134
    Ký Ức Mù Sương


    Bạn thân,

    Mấy hôm nay buổi sáng ở nơi hoang dã này sương mù dày đặc. Gần trưa nắng lên thế nhưng thung lũng sau nhà sương vẫn còn lảng vảng che phủ những hàng cây dưói chân đồi. Sương mù khiến tôi bùi ngùi nhớ những ngày trẻ dại trên cao nguyên Lâm Viên, và nhớ tới một người bạn thời còn ngồi trên ghế nhà trường nên viết vài hàng kể bạn nghe.


    Buổi Sáng Sau Nhà

    Lúc đó tôi vừa mới lớn, lòng còn mang đầy những ước mơ. Có những buổi sáng cuối tuần cùng với Huỳnh đạp xe trong sương mù quanh hồ Xuân Hương, suýt xoa với cái lạnh thâm bờ môi, nhưng cả hai chúng tôi vẫn cảm thấy thật yêu đời vì những hoài bão của tuổi trẻ. Đà Lạt lúc đó vẫn còn là một thành phố trầm lắng và thơ mộng, thích hợp với những tâm hồn chan chứa yêu thương.

    Huỳnh và tôi ngồi gần nhau trong lớp dưới mái trường trung học T.H.Đ, và chúng tôi thân nhau vì cả hai đều ôm ấp giấc mộng văn chương. Huỳnh học giỏi, đẹp trai, làm thơ rất là lãng mạn, (bạn bè gọi nó là “thi sĩ Trữ Tình”), thế nhưng không phải là con nhà giầu, và đó cũng là lý do cho chúng tôi thân nhau vì hai gia đình đều nghèo rớt như nhau.

    Bố Huỳnh bỏ nhà, theo Cộng Sản tập kết ra Bắc năm 1954. Mẹ Huỳnh vất vả trồng rau trong ấp Đa Thiện nuôi một đàn con nhưng căn nhà gỗ trên sườn đồi lúc nào cũng ấm áp, mặc dù có chỉ có khoai lang cho chúng tôi ăn sáng những ngày tôi tới nhà Huỳnh cùng nhau làm làm bích báo treo tường!

    Huỳnh không chỉ học giỏi mà còn rất hào hiệp với bạn bè, sẵn sàng giúp đỡ những người học kém hơn. Có lần H. để cho một người bạn chép nguyên bài giải toán của mình, khi chấm bài thầy Ph. thấy hai bài giống nhau và bài của H. có vài chỗ bôi xóa nên tường là H. chép bài của bạn, bắt H. đứng lên để mắng mỏ, thế mà H. chỉ cúi đầu im lặng, không phân trần hay tố cáo người đã chép bài của mình.

    Chúng tôi đều có những mộng ước như nhau, thế nhưng xong trung học hai đứa đi hai con đường, tôi ra Nha Trang mơ đời hải hồ, Huỳnh xuống Sài Gòn thi vào Đại Học Sư Phạm, trở thành giáo sư toán. Hai đứa hai cuộc đời nhưng chúng tôi vẫn giữ mối liên lạc mật thiết, và có một thời còn chia nhau căn gác trọ tại đường Trương Minh Giảng, nơi Huỳnh làm gia sư và sau đó … lấy luôn cô học trò làm vợ. Đúng là “thi sĩ Trữ Tình”, phải thế không bạn thân?

    Tháng Tư năm 1975 thay đổi bao nhiêu cuộc đời. Huỳnh có bố là liệt sĩ nên không bị “mất dậy”, trái lại còn được lên chức “hiệu phó” và được chia một căn phố trên đường Võ Tánh để gia đình mở quán cà phê kiếm sống thêm. Huỳnh được chế độ mới ưu đãi nhưng cũng vì vậy mà bạn bè cũ e dè xa lánh, để cho Huỳnh hắt hiu với nỗi buồn. Lúc đó tôi đã đi xa, mất liên lạc với Huỳnh nhiều năm, cho đến một ngày …

    Lời nhắn trên điễn đàn Đ/T, nơi tôi sinh hoạt từ năm 2003 dưới bút hiệu Ngụy Xưa, hỏi tôi có phải là người thường trốn học cùng với anh ta ra ngồi ngoài bờ hồ Vạn Kiếp mơ mộng về cuộc đời hay không. Người nhắn ký tên là Hoàng Hoa, nhưng như thế cũng đủ cho tôi nhận ra đó là Huỳnh, người bạn cũ năm xưa. Chúng tôi liên lạc lại với nhau từ ngày đó, cũng đã gần mười năm, và H. đã từ VN sang thăm tôi mới đây vì H. cũng có người con gái đang du học, và rồi lấy chồng ở lại bên này.

    Huỳnh cũng đã tỉnh mộng, đã nhìn rõ bản chất của những người cai trị mới, nên bán căn nhà trời cho, di chuyển về một nơi ở bên kia sông Sài Gòn, gửi con ra ngoại quốc để các con có một tương lai sáng sủa hơn, thay vì sống gò bó như mình, nhai đi nhai lại những giáo điều chán ngấy nhưng vẫn cứ phải nhồi nhét vào đầu óc lũ học trò thơ ngây.

    Ngày xưa bố của Huỳnh “đánh Mỹ cứu nước” thế nhưng Mỹ lại cứu Huỳnh vì trong thời gian thăm con ở Hoa Kỳ Huỳnh bị đau bụng, phải đưa vào bệnh viện khẩn cấp. Ruột của Huỳnh bị lủng bạn ạ! Bác sĩ Mỹ phải cắt bỏ một khúc và nối lại mới cứu sống được Huỳnh. Giá mà đang ở VN thì có lẽ Huỳnh đã đi thăm “Bác Hồ”!

    Bạn thân,

    Huỳnh đã thoát chết một lần nên sau khi trở về VN bây giờ không còn sợ chết nữa. Tết vừa rồi thư cho tôi chỉ than già, và cuộc đời buồn tênh. Tôi viết cho Huỳnh, nói là chúng mình đã qua tuổi cổ lai hy, mỗi ngày còn lại là một ân sủng của thượng đế, và may mắn vẫn còn những người bạn từ thời trẻ dại để xưng hô “mày, tao”, như thế cũng là đủ vui với đời. Chắc là Huỳnh cũng đồng ý tới tôi, còn bạn, bạn có bao giờ nghĩ như vậy hay không?

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Feb. 21, 2015
    Attached Images Attached Images

  5. #135
    ( Ngô Thị Lú tự Lú-Xì ) ntđl's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    1,435
    *

    Bác Nguỵ.

    Bác ngồi thẳng lên nghe tui chúc tết nè ..
    Chu1c bác và gia đình một năm con dê đầy may mắn, muốn chi được nấy, nhứt là sức khoẻ.
    ...
    And so... and so... cho tới hết năm rồi lại nghe chúc tiếp.
    Tình thân.
    Make the long story... short !

  6. #136
    Biệt Thự SauDong's Avatar
    Join Date
    Nov 2013
    Posts
    1,460
    Quote Originally Posted by NgụyXưa View Post
    Ký Ức Mù Sương


    Bạn thân,

    Mấy hôm nay buổi sáng ở nơi hoang dã này sương mù dày đặc.
    wow, khu vườn nhà bác ... nhìn đã thật, cứ như đang ở trên mây. Còn tui thì sắp sửa về lại vùng biển xanh cát trắng NT xa xưa, kg có mù mà cũng chẳng có sương; nếu có thì cũng chỉ có mù tạt hoặc sương sa hột lựu cộng mực nướng, hột vịt lộn mà thôi. Kỳ này bác có ao ước 1 kỷ niệm nào nữa kg vậy bác ?

    Năm mới .. nhiều sức khoẻ nhé bác

  7. #137
    Thốn Tâm Thiên Cổ


    Bạn thân,

    Bạn biết không, tôi đã quên hết những gì ngày xưa học được ở trường Văn Khoa, chỉ còn nhớ dòng chữ “Ta hồ, văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ” in ở trang đầu cuốn sách dạy chữ Hán của thầy Lưu Khôn. Tôi ôm giấc mộng văn chương từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thế nhưng vào lúc gần 60 tuổi mới có cơ hội viết được dăm ba truyện ngắn và ít bài tạp ghi gửi gấm chút tâm tình.

    Thời đại Internet nên viết được bài nào cũng đem post lên diễn đàn, chia sẻ với bạn bè, và như bạn biết, post trên diễn đàn là “gửi gió cho mây ngàn bay”, bài của bạn có thể bị nhiều websites sao chép. Cũng đâu có sao, hãnh diện nữa là khác, vì bài viết phải có ý nghĩa nào đó người ta mới mang về websites của họ, thế nhưng nhiều lúc cũng thấy đau lòng vì người ta … quên tên tác giả, cắt xén và thay đổi cả nội dung. Tôi biết là bạn cũng viết lách lăng nhăng như tôi, và tôi chắc là bạn cũng đã gặp những trường hợp tương tự, hay còn hơn thế nữa, thí dụ một truyện tình trong sáng của bạn được người ta mang về một trang web dành riêng cho người lớn, chung một nơi với những truyện tình “con heo”!

    Tôi có viết một truyện ngắn, “Hạt Bụi Nào Trong Mắt”, nói về tâm tình của hai cha con xa cách nhau một đại dương. Truyện được nhiều websites đăng lại, và nhiều nhóm thân hữu khác nhau chia sẻ với thành viên. Hình thức của bài viết đã bị hoán chuyển trong lúc luân lưu trên Internet nên rất khó đọc, và nội dung cũng đã được chỉnh sửa cho thích nghi với chủ trương của từng nhóm thân hữu. Vài câu viết có tính cách chính trị bị cắt bỏ, thí dụ như câu chữ: “ra chiến khu, theo kháng chiến chống Pháp. Tuổi trẻ của bố là những ngày nằm gai nếm mật, tưởng là đóng góp được chút gì cho quê hương, nhưng rồi một chiều chợt thấy mình bơ vơ lạc lõng trong đám người không còn lý tưởng quốc gia. Bố trốn về thành, mang nỗi buồn ‘sinh lầm thế kỷ’,”. Vì có sự cắt xén đó mà câu đối thoại với người con trai: “Núi rừng Bắc-Việt tôi còn biết đường đi.” bị lạc lõng, độc giả chẳng hiểu tại sao ông cụ Cầu trong truyện lại nhắc tới nơi xa xôi đó!

    Những dòng chữ tô đậm trên là tâm tình của các người thuộc thế hệ đi trước bạn và tôi. Họ cùng thời với Doãn Quốc Sỹ, với Phạm Duy … những người đã đi theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp nhưng rồi thất vọng vì đám người CS đó không cùng lý tưởng quốc gia. Tôi đã viết những dòng đó khi tưởng nhớ tới bố tôi, và để nói với người thày học cũ là: “Con đã hiểu thế nào là “Sợ Lửa” mà thày muốn nói với chúng con ngay khi chúng con còn thơ ngây”.

    Cũng còn may là người ta chưa thêm vào đâu đó trong bài viết của tôi một câu thí dụ như “trước tháng Tư năm 1975 bố đã hết lòng hoạt động nội thành cho cách mạng! Nếu có câu đó chắc là Ngụy Xưa đã được chụp cho cái nón cối to đùng! Đôi khi trạnh lòng tôi đã nghĩ như cụ Tú Xương: “một việc văn chương thôi cũng nhảm, trăm năm thân thế có ra gì”, thế nhưng nghĩ vậy mà vẫn cứ loay hoay với chữ nghĩa, không biết cho đến bao giờ!

    Bạn thân,

    Trước Tết tôi có về “Thung Lũng Hoa Vàng”, nơi tôi đã từng sinh sống hơn 30 năm, thế nhưng tôi đã không tới gặp bạn nói chuyện văn chương như đã hứa chỉ vì mẹ tôi phải vào bệnh viện cấp cứu, và anh em chúng tôi lúc nào cũng đứng ngồi không yên. Gần Tết mẹ tôi mới được về nhà, nhưng còn rất yếu nên anh em chúng tôi không “ăn Tết” năm nay vì sợ khuấy động mẹ già. Tôi trở về Carlsbad lòng không yên, đêm đêm giật mình vì tiếng điện thoại reo. Nhờ trời mẹ tôi đã khoẻ lại, thế nhưng người già 97 tuổi như ngọn đèn trước gió, mỗi ngày đều là ân sủng của thượng đế đó bạn thân.

    Các em gái tôi thay nhau trông mẹ 24 giờ một ngày. Ban đêm cô Út ngủ chung phòng, và có đêm cô ấy text: “Em nằm mơ thấy một đám người xa lạ đẩy cửa xông vào, em cố gắng chống cự vì sợ họ bắt mẹ đi, đẩy giường ra chắn cửa thế nhưng giường vỡ tung, em la lên và tỉnh dậy, mắt hoa lên tưởng là mẹ đang nằm dưới đất! Khi nhìn rõ thấy mẹ còn trên giuờng em mới hoàn hồn, chảy nước mắt vì mừng vui …”. Em tôi sống với mẹ từ nhỏ, và bây giờ đã có gia đình riêng, con cái đã thành đạt, thế nhưng em vẫn dịu dàng quanh quẩn bên mẹ như những ngày thơ dại. Xin cám ơn các em, và cả K. nữa, đàn ông như tôi chẳng làm gì được cho mẹ trong lúc ốm đau.

    Các em gái tôi thật là vất vả nhưng cũng may là tuần ba lần có y tá tới chẩn bệnh, có therapist tới tập đi, và có cả người tới tắm rửa cho mẹ tôi vì bà già có bảo hiểm Medical. Đất nước này quá tốt đối với người nghèo, xin được tri ân, và xin cám ơn bạn đã nghe tôi tâm tình về “thốn tâm thiên cổ”, dù là chuyện văn chương, hay chỉ là chuyện gia đình. Mong là lúc nào bạn cũng an vui.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    March 8, 2015

  8. #138
    Một Ngày Không Như Mọi Ngày


    Bạn thân,

    Hôm nay là ngày 20 tháng Ba, ngày đầu tiên của mùa Xuân, ngày sinh nhật “Con Nhà Ngụy” (bạn bè thân thiết ngày xưa thường gọi tôi như vậy), và cũng là ngày giỗ thứ mười của HQ Trung Tá Nguyễn Văn Lộc, con Nai Tơ của Đệ Nhất Bảo Bình.

    Chắc bạn cũng còn nhớ tháng này 40 năm trước Cộng Sản Bắc Việt đã chiếm được nhiều tỉnh miền Trung của VNCH, và Dương Vận Hạm HQ 503 do Lộc chỉ huy được điều động ra Phan Thiết để đón đoàn quân bạn đang trên đường triệt thoái về miền Nam. Pháo của địch từ trên bờ bắn ra trúng đài chỉ huy và trung tâm chiến báo làm 20 thủy thủ tử thương. Riêng Lộc bị thương nặng nhưng cũng cố gắng đưa được tàu ra khơi, mang luôn một mảnh đạn trong đầu suốt 30 năm, và Lộc đã viết về niềm đau đó trong Niên Giám Bảo Bình năm 2001:

    “Ôi! mảnh đạn oan nghiệt kia, nó không kết liễu đời tôi để được trọn vẹn chung thủy với 20 đồng đội đã vĩnh biệt ra đi lúc đó, không có lễ lạc, không có vòng hoa, cũng không có điếu văn giã từ. Nhưng các bạn đó là người của biển, đã hãnh diện bỏ mình ngay trên mặt biển, được biển đón về trong tiếng sóng êm đềm thiết tha… Mảnh đạn oan nghiệt đó không lấy đi đời tôi nhưng đã hủy hoại một bộ phận trong não bộ của tôi, nơi có chức năng sinh sản chất dopamine, vì vậy đã gây cho tôi một căn bệnh mà hiện nay trên thế giới chưa có thuốc chữa, chỉ có thuốc cầm chừng và giảm đau. Cơn bệnh càng ngày càng trầm trọng và có lẽ nay đã đến giai đoạn cuối cùng…”

    Ngày mới di tản qua Mỹ cơn đau chỉ nhẹ nhàng nên Lộc vẫn còn tỉnh táo và vẫn có thế đi làm cho một hãng điện tử. Theo thời gian mảnh đạn dần dần lún sâu vào trong óc khiến cơn đau càng ngày càng thêm khốc liệt, và xảy ra thường xuyên hơn. Hàng đêm cứ vài tiếng đồng hồ là Lộc phải uống thuốc giảm đau để rồi mơ màng thiếp đi trong tiếng mõ và tiếng kinh cầu của chị Lộc. Thế nhưng khi những cơn đau trở nên liên tục, và thuốc giảm đau không còn hiệu quả nữa, Lộc đã đồng ý để bác sĩ giải phẫu óc lấy mảnh đạn ra, mặc dù biết rằng hy vọng sống sót rất là mong manh.

    Rời bàn mổ Lộc đã không bao giờ tỉnh lại, chính thức lìa đời lúc 3 giờ 24 phút sáng ngày Chủ Nhật 20 tháng 3 năm 2005, ngày đầu tiên của mùa xuân, sau đúng 30 năm chịu đựng, mặc cho thân xác bị dày vò! Bạn bè từ khắp nơi kéo nhau tới Thung Lũng Hoa Vàng tiễn đưa Lộc về miền miên viễn. Không có lá cờ phủ áo quan (vì Lộc không muốn thế, mặc dù Lộc xứng đáng mang vinh dự là người “Vị Quốc Vong Thân”), chỉ có bài thơ tôi đọc trong lúc nghẹn ngào:

    Đưa Bạn Về Trời

    Ngày anh mất
    Cali mưa thật buồn
    Bạn bè cúi đầu thương nhớ
    Chị Lộc cố ngăn dòng nước mắt tuôn

    Ngày anh mất
    Mặt trời qua điểm xuân-phân
    Mà thôi, quên đi bài thiên văn hàng hải cũ
    Phù sinh, hơn 60 năm trần thế nợ nần.

    Anh sẽ nhẹ như bông, trôi trên tầng mây trắng
    Anh sẽ đi theo ánh sáng mặt trời
    Ngân-hà cũng trong vòng tay với
    Và bây giờ anh bắt đầu những ngày vui.

    Này bạn Lộc, “Thôi đi hỉ”.
    Con Nai Tơ ngơ ngác ở đời
    Trên đó đã có Ðơn và Lang vừa tới
    Chốn thiên đường các bạn hãy rong chơi.

    Bạn thân,

    Thấm thoát thế mà Lộc mất đã mười năm. Trên thiên đường Lộc đang có những ngày vui, riêng anh em chúng mình còn ở trên trần thế bây giờ đời sống cũng nhẹ như tơ trời. Chúng mình mặc dù chẳng có danh gì với núi sông nhưng nợ nần coi như cũng đã trả xong, ngày nào bây giờ cũng là ngày Chủ Nhật, và nếu nhớ biển thì lâu lâu lại kéo nhau xuống tàu, thăm viếng những bến bờ xa lạ để mơ màng về những tháng ngày bồng bềnh sóng nước Thái Bình Dương.

    Tháng Tư năm nay tôi sẽ từ Miami xuống tàu vượt Đại Tây Dương thăm Bồ Đào Nha (Portugal), Anh và Pháp. Tôi chưa bao giờ đặt chân tới Portugal, đất nước của những nhà hàng hải thời xa xưa mà anh em chúng mình từng ngưỡng mộ, nên đang nao nức đợi chờ ngày khởi hành. Tiếc là lần này không có bạn đi cùng, nhưng thôi, sẽ gặp bạn vào chuyến viễn du cuối năm nay, khi chúng mình theo tàu về thăm lại bến xưa.

    Vài hàng thăm bạn và thân chúc bạn những ngày an vui.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    March 20, 2015

  9. #139
    Miền Hoang Dã


    Bạn thân,

    Vinasoft.com nguyên là tên miền của Theta Information Services, Inc., một hãng chuyên về software development và consulting tại California do tôi thành lập, tuy nhiên công ty đã giải thể từ ngày tôi hồi hưu. Chúng tôi giữ tên miền này làm kỷ niệm, và dùng nơi đó để viết lách lăng nhăng, tâm tình với bạn bè. Đã có nhiều người hỏi mua lại tên miền đó vì vinasoft.com rất thích nghi với những công ty software đang phát triển tại VN, thế nhưng chúng tôi đã không bán vì ai lại bán đi kỷ niệm của mình bao giờ!

    Mới đây tôi lại mới nhận được thư của một người trẻ từ VN, tha thiết mong tôi chuyển nhượng tên miền:

    “…Nghe bác giới thiệu đã hồi hưu chắc cũng đã lớn tuổi, con thì chỉ mới 24 tuổi thôi, cũng chia sẻ với bác là con cũng đang thành lập công ty, cũng cùng các anh em start up được mấy năm rồi nên quyết định chính thức thành lập công ty. Thật sự đang trong quá trình suy nghĩ và lựa chọn tên miền, chúng con thấy tên miền vinasoft.com rất hay, vừa đề cao được con người Việt Nam vừa có từ khóa soft là một từ khóa rất rộng trong lĩnh vực công nghệ thông tin….”

    Có quá nhiều tin tức không mấy tốt đẹp trên Internet về xã hội VN hiện tại. Mới đây tôi lại được xem trên Youtube vài cảnh học sinh đánh bạn một cách dã man trong lúc các bạn khác thản nhiên đứng xem và quay phim chứ không hề can gián, khiến tôi thất vọng ít nhiều về tuổi trẻ tại quê nhà. Thế nhưng lá thư lễ độ của người không quen đó làm tôi suy nghĩ thật nhiều. Mặc dù quê hương đang có những xáo trộn thế nhưng đâu đó cũng vẫn có những người trẻ còn giữ được truyền thống của dân tộc, và đang cố gắng vươn lên, hoà mình vào đời sống văn minh, tìm đường tiến thân, đóng góp cho gia đình và cho xã hội, nên tôi đã viết trả lời bằng tấm chân tình chứ không phải chỉ là lá thư ngắn ngủi, từ chối một cách nhẹ nhàng:

    “…Cám ơn Duy đã coi trọng người có tuổi như bác, một nét văn hoá đặc thù của người Việt mình, nên bác cũng sẽ thành thật chia sẻ với Duy một chút tâm tình, và hy vọng góp ý với Duy trong lãnh vực phát triển nghề nghiệp chuyên môn.

    Bác chưa có thể sang nhượng tên miền vinasoft.com trong lúc này, mặc dù trong cộng đồng mạng tên miền đó chỉ là một nơi hoang dã ít người biết đến, nhưng đối với bác đó là nơi thân quen, nơi ẩn nấp để tìm niềm thanh thản cho tâm hồn. Các bài viết đang trong website đó có ít nhiều riêng tư nhưng cũng đã được sao chép bởi rất nhiều websites khác của các cộng đồng người Việt trên khắp thế giới, và cũng là nơi bạn bè của bác tìm đến để nhớ lại chút kỷ niệm trong đời. Nếu vinasoft.com không còn sẽ gây ra ít nhiều hụt hẫng, và như Duy biết, với những người già, một chút thay đổi nhỏ cũng làm xáo trộn đời sống vì họ không còn dễ dàng gia nhập vào cuộc sống mới muôn màu. Một hãng software ở VN đề nghị với bác là họ sẽ thành lập cho bác một website khác đẹp hơn, “hoành tráng” hơn, nếu bác chịu sang nhượng tên miền vinasoft.com nhưng bác cũng đã từ chối vì ở vào tuổi 72 này bác đâu có còn ý định đi tìm những gì hào nhoáng ở đời, chỉ còn chút kỷ niệm để lưu luyến mà thôi.

    Vinasoft.com.vn cũng đã được một công ty ở VN chọn sau khi bác từ chối sang nhượng tên miền vinasoft.com. Theo bác nghĩ thì Duy có thể chọn tên miền vinasoftsmith.com hoặc vina-softsmith.com cho công ty của mình. Chữ “smith” trong tiếng Anh dùng để chỉ người sáng tạo trong một nghành nghề nào đó thí dụ như goldsmith, gunsmith v.v…

    Rất tiếc là bác không thể nào tới gặp Duy để thảo luận thêm như Duy muốn vì lúc này bác đang ở California. Bác rời Hà Nội vào Nam năm 1954, và ra khỏi Việt Nam năm 1973, năm 2004 bác có về thăm quê nhà sau mhiều năm xa cách nên thấy quá ngỡ ngàng. Lúc này bác thường đi du lịch bằng cruise ships, và cuối tháng 11năm nay trên đường từ Hongkong tới Singapore tàu sẽ ghé vào vài thành phố của VN nhưng mỗi nơi cũng chỉ một vài tiếng đồng hồ. Bác chắc là Duy đang sống ở Sài Gòn nên biết đâu nếu có duyên khi đó bác sẽ gặp được Duy. Bác cũng có vài bạn văn hiện đang sống tại VN nhưng chưa gặp nhau lần nào, lần này trở về tìm nhau để uống với nhau một ly café.

    Vài hàng tâm tình để cám ơn Duy, và thân chúc Duy gặp nhiều may mắn trong công việc…”

    Bạn thân,

    Chắc bạn cũng như tôi đã thấy VN mình đang bị Hán hoá dần dần. Ngày xưa “một nghìn năm đô hộ giặc Tàu …” đã là một vết hằn đau thương, thế nhưng may mà ông cha chúng mình đã vùng lên lấy lại được quê hương. Thời kỳ lệ thuộc mới này sẽ kéo dài một vài năm, một trăm năm, hay lại một ngàn năm là tùy thuộc vào tuổi trẻ VN bây giờ và mai sau.

    Lại thêm một tháng Tư đen sắp tới. Bạn và tôi ở tuổi này sẽ chẳng còn đóng góp được gì thêm cho quê hương hơn là một tiếng thở dài. Buồn quá, phải không bạn miền xa?

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    March 31, 2015

  10. #140
    Tháng Tư Có Những Niềm Riêng


    Sơn thân,

    30 tháng Tư sắp tới. Hàng năm cứ vào thời điểm này chú thường nhớ Sài Gòn, nhớ lắm, và nghĩ tới Sơn còn ở bên đó nên chú viết vài hàng thăm Sơn, chia sẻ với Sơn một chút tâm tình.

    Chú được biết là Sơn sẽ được nghỉ một tuần để kỷ niệm “ngày đại thắng” như chính quyền bên đó tự hào, trong lúc bạn bè đồng ngũ của chú còn ở tại VN sẽ lại cúi mặt đau buồn vì vẫn còn bị coi là kẻ thù, có “nợ máu” với nhân dân. Ước gì “bên thắng cuộc” biết cách đối xử với người bại trận, như là tướng Grant đã mở rộng vòng tay đón nhận “bên thua cuộc” trong trận nội chiến của Hoa Kỳ. Sau cuộc chiến những người chiến binh hai phe đã coi nhau như anh em một nhà để rồi cùng nhau xây dựng một nước Mỹ hùng cường. Người Việt có lẽ bị ảnh hưởng của truyện kiếm hiệp Tàu nên thù dai, mối hận nào cũng là truyền kiếp, ngay cả giữa người Việt với nhau. Ảnh hưởng của Trung Hoa đang lan tràn trên đất Việt, gần như là họ đang đô hộ Việt Nam. Chú sợ rằng vô tình tâm hồn mình cũng sẽ bị Hán hoá nên dạo này chú hầu như không còn đọc truyện Tàu mà một thời chú đã say mê.

    Chính quyền VN lúc này đang nêu cao chiêu bài “hoà hợp hoà giải”, tuy nhiên chuyện đó khó có thể thành công. Muốn thực thi hoà giải chính quyền hãy đối xử công bằng với tất cả mọi người, hãy tôn trọng nghĩa địa của chiến binh miền Nam giống như nơì chôn cất cán binh miền Bắc, hãy coi sóc thương binh cả hai miền như nhau, hãy đền bù cho các người bị tập trung “cải tạo”, hay ít ra hãy công khai xin lỗi những người đã bị lưu đày và hành hạ một cách dã man. Bắc cũng như Nam, nơi nào cũng có những người chiến đấu vì lý tưởng, thế nhưng bao nhiêu người đã bị vùi dập trong các trại tập trung chỉ vì họ đã thi hành bổn phận công dân với chính quyền nơi họ sinh sống. Họ chẳng có tội tình gì, và nhất là không có “nợ máu” với nhân dân. Một lời xin lỗi chắc chắn là chưa đủ đền bù để cho những mất mát lớn lao mà chỉ là một bước ban đầu để có thể nhìn thẳng vào mắt nhau.

    Bốn mươi năm đã qua, mãi tự hào về ngày “chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975” chỉ làm cho người dân hiểu biết coi thường chính quyền khi họ nhìn sang những tiến bộ của các nước láng giềng. Chưa kể tới chính trị và chính thể, vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết để VN có thể được coi là một quốc gia văn minh như an ninh xã hội, đạo đức học đường, tự ái dân tộc, v.v… Làm sao có thể tự hào khi mà VN có “phở chửi”, “bún mắng” hay cảnh người bán đối xử tàn tệ với khách hàng, nhất là với những du khách ở xa về thăm quê hương? Tự do, công bình, bác ái vẫn còn là những danh từ xa lại trên đất nước chúng mình, phải thế không Sơn?

    Sơn thân,

    Đa số người Việt sống tại hải ngoại vẩn còn đau buồn với “Tháng Tư Đen”, trong đó có chú, và vào ngày 30 tháng Tư năm nào cũng thường cùng nhau tưởng niệm một ngày đen tối của quê hương.

    Đời sống của chú vẫn bình thường, bệnh suyễn cũng đã bớt nhiều nhờ thời tiết ấm áp. Một năm vài lần chú theo bạn bè lênh đênh sóng nước để nhớ về ngày tháng cũ. Tháng Mười Một năm nay chú sẽ ghé Sài Gòn vài tiếng đồng hồ, và sẽ tìm gặp Sơn, chuyện trò thân tình với nhau bên ly cà phê như chú và Sơn đã bao lần hứa hẹn.

    Ngày xưa ba của Sơn làm việc tại toà nhà bên cạnh Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH ở ngoài bến Bạch Đằng, gần nơi chú đã một thời ngồi ôm những ước mơ. Tháng Năm năm 1975 ba của Sơn bị bắt đưa ra Bắc, và bị tra tấn đến chết tại Hoả Lò. Chú biết đó là một niềm đau Sơn khó có thể nguôi ngoai, nhất là trong lúc ngày 30 tháng Tư lại gần kề. Chú thật tình không biết phải nói với Sơn thế nào, quên hận thù cho lòng thanh thản hay là nuôi ngọn lửa căm hờn chờ một cơ hội vùng lên? Mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng nên có những suy nghĩ riêng, và dù thế nào đi nữa chú vẫn mong là Sơn sẽ đạt được hoài bão của mình.

    Vài hàng thăm hỏi, hẹn ngày gặp mặt, và thân chúc Sơn cùng gia đình những ngày an vui.

    Tình thân,

    Chú Ngụy Xưa
    April 15, 2015
    Last edited by NgụyXưa; 04-16-2015 at 04:00 PM.

 

 

Similar Threads

  1. Miền Nam Việt Nam trong những ngày gần 30/4/1975
    By Vịnh Nghi in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 23
    Last Post: 04-26-2014, 05:40 PM
  2. Miền cát trắng ở Mỹ
    By V.I.Lãng in forum Thú Tiêu Khiển
    Replies: 2
    Last Post: 03-25-2012, 08:37 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 05:02 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh