Register
Page 16 of 29 FirstFirst ... 6141516171826 ... LastLast
Results 151 to 160 of 284
  1. #151
    Chỉ Nhớ Người Thôi …


    Bạn thân,

    Thi sĩ DTL nhớ người yêu nên đã viết: “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời”. Tình quá, phải không bạn thân? Chúng mình đã qua cái thời lãng mạn đó từ lâu, nếu có thoáng nghĩ tới chuyện ngày xưa thì cũng chỉ nhẹ thở dài!

    Riêng tôi thì lúc này “chỉ quét sân thôi đủ hết ngày” vì mùa thu đã về với Cali, và mặc dù thời tiết còn oi bức nhưng lá trên cây đã vàng, rụng đầy lối đi. Hơn thế nữa lá từ công viên cạnh nhà, và “lá rơi hàng xóm lá bay sang” nên tôi quét mệt nghỉ, nhất là từ ngày tôi cho ông làm vườn người Mễ nghỉ việc vì ông ta quá bận rộn, giao việc cho mấy người học nghề thiếu kinh nghiệm làm cho cây cối trong vườn méo mó chẳng ra hình thù gì rõ ràng!

    Bạn biết không, mỗi lần đi xa tôi thường nhớ nhà, nhất là những chuyến đi kéo dài vài tuần lễ, mong được trở về nằm dài trên chiếc giường êm ái, ngồi trước chiếc TV với màn hình “to đùng”, thế nhưng chỉ được ít lâu những công việc thường nhật lại trở thành tẻ nhạt, và tôi lại mơ màng một chuyến viễn du. Như đã “khoe” với bạn trong thư trước, tuần tới tôi lại lên đường, và lần này sẽ ghé vào Hà Nội để nhớ để thương, dù Hà Nội bây giờ không còn tí gì giống Hà Nội của tôi xưa.

    Năm 2004, sau 50 năm xa cách tôi cũng đã trở về Hà Nội một lần, và tôi đã ngơ ngác đi giữa phố phường như người mộng du. Lần này trở lại ngoài việc gặp vài người bạn văn tôi không biết là mình sẽ tìm lại được gì, nhất là mới đây đọc “Đội mưa mà đi …” của nick “sôngthương” đăng trong phòng “Tùy Bút” của diễn đàn Đặc Trưng, viết về cảm xúc của một người ở xa vể thăm, tình cảm lấn cấn giữa Hà Nội xưa và nay, tôi sợ rằng mình rồi cũng lại thêm một lần ngỡ ngàng. Hà Nội bây giờ cũng đang là mùa thu, nhưng chắc là tôi sẽ chẳng tìm được “Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu”. Những cái đó nếu có còn thì cũng chỉ những người một đời gắn bó với Hà Nội mới cảm được, còn những người đã hơn 40 năm trôi dạt nơi xứ lạ như chúng mình thì hình ảnh cổ kính đó chỉ còn là một thoáng trong mơ.

    Hầu như chuyến viễn du nào tôi cũng có Q. đi cùng, và lần này cũng vậy, mặc dù Q. vừa bị giải phẫu cột xương sống để hàn gắn lại những nơi bị lệch. Đêm hôm vừa qua Q. viết cho tôi:

    Từ ngày được giải phẩu đến giờ tôi ăn uổng̀ rất khó, một muỗng cháo hoặc một hớp nước là tôi ho rung cả người, kết cuộc đến hôm 21 Oct. 15, tôi bị sưng phổi, đang chữa với trụ sinh. Còn hai ngày nữa uống xong thuốc, hy vọng cơn đau xung quanh lá phổi trái sẽ thuyên giảm, và tình trạng tổng quát sẽ khá hơn để đi cruise với các bạn như đã dự trù, dù đi mà chỉ ớ trên tàu để nhìn lại các hải đảo, các bải cát, các cầu tàu của quê hương, là cũng thấy được an ủi rồi…”

    Ngày xưa Q. là hạm trưởng một chiếc tuần đương hạm của HQ/VNCH, bây giờ người thủy thủ già đó dù thân xác đã mòn mỏi nhưng tấm lòng với quê hương, với đại dương và với đường biển xưa vẫn còn y nguyên. Đọc thư Q. tôi thấy một nỗi buồn, nhất là trong lúc đang nghe Elvis Phương hát “Bến Thượng Hải”, nên khi viết trả lời tôi đã kèm theo vài dòng của bài ca để gửi chút tâm tình tới bạn miền xa:

    Biển sóng … dạt dào
    trùng dương lớp lớp trôi đi về chốn nao,
    đời như những cơn sóng đùa
    mà ngàn năm biết nơi đâu là bến bờ.

    Cuộc đời vui, cuộc đời buồn,
    nào ai hay biết cho đâu là bến mơ,
    niềm hạnh phúc hay nỗi sầu,
    dòng đời trôi cuốn ta qua ngàn năm.

    https://www.youtube.com/watch?v=L7z9DiD1nRg

    Tôi cũng nói với Q. : “Ở vào tuổi “cổ lai hy” như anh em chúng mình thì mấy ai được khoẻ mạnh hoàn toàn. Bạn cứ yên tâm tĩnh dưỡng rồi chúng mình sẽ gặp lại nhau một ngày rất gần.” Viết vậy mà thực tình trong lòng tôi rất băn khoan, chỉ còn độ một tuần nữa là chúng tôi phải bay qua Hongkong để xuống tàu, không biết Q. có đủ sức khoẻ để ngồi 10 tiếng đồng hồ trên máy bay. “Đời như những cơn sóng đùa … biết đâu là bến bờ”, thôi thì cứ để thời gian trôi, phải thế không bạn thân.

    Bạn thân,

    Vài năm trước đây mỗi lần đi chơi xa chúng mình là một bọn đông vui, có khi tới vài chục người. Bây giờ chẳng còn được bao nhiêu vì mặc dù có thời gian, có phương tiện và vẫn có đôi có lứa, thế nhưng sức khoẻ của các bạn ta mỗi ngày mỗi mỏi mòn cho nên nhiều người chỉ còn có thể đứng trên bờ nhìn ra đại đương. Cụ Thộn vừa rồi gọi cho tôi, nói: “Mày đi rồi về kể cho tao nghe nhé. Tao bây giờ không ra được khỏi sân nhà …”. Cụ biết tôi sẽ ghé Đà Nẵng, nơi Cụ đã từng gửi gấm cuộc đời cho một người con gái, và mặc dù bây giờ mối tình đã tan vỡ nhưng lúc nào Cụ cũng vẫn nhớ thương. Đà Nẵng cũng là nơi Cụ và tôi một thời đi tìm phiêu lưu trong chiến tranh với những đêm hoạt động ngoài vịnh Bắc phần.

    Tôi bùi ngùi nghe Cụ Thộn than thân, và tự hỏi rồi bao giờ tới phiên chúng mình, tới ngày đứng gọi: “Đường biển xưa ơi, chỉ nhớ người thôi đủ hết đời.” Ngày nào đó rồi cũng sẽ đến, còn bây giờ mong là lúc nào bạn cũng an vui.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa,
    Oct. 27, 2015
    Last edited by NgụyXưa; 10-27-2015 at 04:21 PM.

  2. #152
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,354
    Quote Originally Posted by Ngụy Xưa
    ...nhất là mới đây đọc “Đội mưa mà đi …” của nick “sôngthương” đăng trong phòng “Tùy Bút” của diễn đàn Đặc Trưng, viết về cảm xúc của một người ở xa vể thăm, tình cảm lấn cấn giữa Hà Nội xưa và nay, tôi sợ rằng mình rồi cũng lại thêm một lần ngỡ ngàng ...


    Chú Ngụy Xưa kính mến,

    Thưa chú ,

    sôngthương ghé qua đây để cám ơn chú Ngụy Xưa đã đọc và chia sẻ những cảm nghĩ về một nơi chốn .

    Có lẽ cảm giác ngỡ ngàng sẽ không thể tránh khỏi khi chú trở lại Hà Nội lần nữa , nhất là sau chừng đó năm. Một nơi chốn nào , khi trở lại sau nhiều năm, cũng sẽ nhiều thay đổi – tốt hơn hoặc xấu hơn – đều đem lại cảm giác ngỡ ngàng, và đôi lúc vô cùng xa lạ . Nhưng ngẫm nghĩ lại , đối với đất nước nhỏ bé triền miên chiến tranh của chúng ta , thì . Một thời thịnh, Một thời suy, Hưng vong lẽ thường. , cũng là điều có thể hiều , vì mọi thứ đều khởi nguồn từ con người , chừng nào con người chỉ biết đến tham vọng điên rồ và ích kỷ , chừng đó phố phường còn là miền loạn gió ... Và điều này không chỉ xảy ra ở nước ta ...

    Nhưng ở một góc bất chợt nào đó, ta vẫn tìm thấy những điều đáng nhớ , những cô hàng hoa với đôi quang gánh khiến St nhận ra những gì mẹ kể , những cánh hoa còn đẫm sương làm ấm cả một góc phố . Hay cội bàng già cỗi thả lá đỏ đầy đường , rất giống những gì được tả trong truyện Tự Lực Văn Đoàn...

    St thường đọc những gì chú viết , và cũng luôn nghĩ ” ” Để viết đựơc như thế, ngoài kinh nghiệm sống, tác giả hẳn phải mang theo cả một tình yêu khắc khoải …” . Chú Ngụy Xưa và những người bạn, những đồng đội thân thiết , đã trải qua cuộc đời sóng gió hải hồ , đã nếm trải mọi niềm vui nỗi đau , thì nỗi khắc khoải đó sẽ càng ray rứt .Nhưng St vẫn nghĩ rằng, quan trọng nhất là, ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời, chú và các bạn, các đồng đội của chú đã sống hết mình , đã làm mọi điều có thể , đã cống hiến phần đời đẹp nhất cho quê hương , thì không có gì để phải trách mình . Trong nhiều cuộc cờ , có những khi tiến thoái lưỡng nan, mà chỉ những ai trong cuộc mới có thể thấu hiểu ...

    "Đời như những cơn sóng đùa /mà ngàn năm biết nơi đâu là bến bờ." St luôn nhận ra rằng , chúng ta sinh ra vốn đã nhận được những niềm vui , hay phải đối diện với những nỗi buồn. Có khi do chính ta , có khi do cuộc sống chung quanh mang lại . Niềm vui thường qua mau , nỗi buồn - có khi ta vượt qua được, có khi phải mang theo đến cả cuối đời . Nhưng ít nhất , chúng ta có những người bạn , những người thân yêu để chia sẻ, để trao nhận niềm vui , và gửi gấm nỗi buồn . Biết rằng cuộc đời là hữu hạn , biết rằng mọi thứ là phù vân, cho nên , một ngày nào đó , nếu những người ấy không thể cùng ta song hành, hoặc không còn nữa , thì những gì tốt đẹp họ từng làm cho ta cũng sẽ khiến lòng ta ấm áp mỗi khi nghĩ về . Khi ấy , ta sẽ đặt bút xuống viết về họ với lòng nhớ thương vô hạn . Như chú đã mượn câu thơ của DTL ”chỉ nhớ người thôi đã hết đời” ...

    St kính mến chúc chú và các bạn chú sức khỏe ổn định , cùng sự an lạc trong tâm .
    sôngthương

  3. #153
    Cám ơn “sôngthương” đã chia sẻ cảm nghĩ. Tuy ít còn chuyện trò với các ACE trên diễn đàn như xưa nhưng tôi vẫn đọc hầu hết những bài viết có chủ đề, thí dụ như “Đôi mưa mà đi…” của “sôngthương”, để thấy mình được đồng cảm với các tác giả. Nhân tiện đây xin cho tôi gửi lời thăm hỏi, cám ơn “sôngthương” và các ACE đã đóng góp những bài viết có giá trị để diễn đàn Đ/T mãi còn tồn tại với thời gian.

    Khi xa Hà Nội tôi mới 11 tuổi nên chỉ nhớ căn nhà ở phố Phan Bội Châu và con đường tới trường tiểu học Quang Trung, nhưng từ ngày lớn lên ít nhiều bị ảnh hưởng của văn chương Tự Lực Văn Đoàn, của Đêm Giã Từ Hà Nội (Mai Thảo), và gần đây những qua bài hát của TCS, của Phú Quang … nên Hà Nội trong trí tưởng của tôi cũng đầy ắp những hình ảnh cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, mái ngói thâm nâu,cùng những những cây sấu già và tiếng ve kêu mùa hè của thời thơ dại.

    Biết là sẽ ngỡ ngàng thế nhưng tôi đã trở về, và sẽ trở về ít ra thêm một lần, vì những thôi thúc trong tim của người tha hương. Không cứ gì Hà Nội, ngay cả Sài Gòn, nơi tôi sống thời trai trẻ, khi về thăm tôi cũng thấy mình là người khách lạ trên quê hương, thế nhưng lòng nhớ thương hầu như chưa bao giờ nguôi.

    Cuộc đời là những đổi thay, vẫn biết thế mà sao vẫn cứ tìm về dĩ vãng để rồi thẫn thờ. Có lẽ chúng ta là những cây sậy yếu đưồi, phải thế không sôngthương?

    BTW, anh bạn Q. của tôi đã tái nhập viện để bác sĩ hút bớt nước từ trong phổi. Q. vẫn chưa nói được, nhưng thở đã dễ dàng hơn qua ống plastic thông qua cuống họng. Q sẽ còn phải nằm lại bệnh viện thêm ít ngày và chắc chắn là sẽ không thể cùng chúng tôi đi xa vào tuần tới. Tôi biết là Q. sẽ rất luống tiếc, nhưng cũng đành. Biển Đông có thể sẽ lại dậy sóng thế nhưng đường biển xưa vẫn còn, và biết đâu chẳng có một ngày nào đó Q. lại có cơ hội trở về. Cứ tin như thế cho cuộc đời được vui.

    Một lần nữa xin cám ơn sôngthương và các ACE của diễn đàn.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    10/29/15

  4. #154
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,354
    Chú Ngụy Xưa kính mến,

    Dạ, thưa chú , sôngthương cũng phải cám ơn những bài viết của chú, của các anh chị và các bạn đem vào diễn đàn , nhờ đó mà st cũng được mở mang ở nhiều lĩnh vực .

    St không sinh ra ở Hà Nội , nên hay nghĩ về những người thân đã từng ở đó .những St vẫn có thể nhận ra nỗi nhớ thương ấy . Điều đó gọi là tình hoài hương phải không chú . Chú Ngụy Xưa rời Hà Nội khi còn nhỏ , nhưng chừng đó thời gian cũng đủ khắc ghi những dấu ấn quan trọng vào tâm khảm . Điều St nuối tiếc nhất là đã không còn có dịp đưa bố trờ về thăm lại chốn cũ, và nhiều nơi mà St muốn đưa người đến , nên những gì còn lại cũng chỉ là thương nhớ …

    Thưa chú, St thấy rằng, những kỷ niệm có được làm cuộc sống tràn đầy. Nếu không có gì để nhớ , chắc sẽ cảm thấy …bơ vơ lắm . Như có những người vì lý do gì đó bị mất trí nhớ, trông họ vừa lơ ngơ vừa lạc lõng . St cứ nghĩ , quá khứ tựa như chiếc neo níu ta với nguồn cội . Chắc chúng ta không đến nỗi là những cây sậy đâu ạ , vì những cây sậy thì rỗng ruột , còn trong chúng ta, ai cũng đầy ắp những nỗi niềm . Có lẽ đa phần lại giống cây thông hơn , vì gió chỉ làm cây nghiêng mà không gãy .

    Thật tiếc vì chuyến đi này chú Q lại không tham dự được chú nhỉ . Nhưng biết sao được …Đôi khi , St nghĩ , với một khoảng trống bên cạnh, ta lại trân quý thêm những ngày tháng có nhau .

    Biển Đông sẽ vẫn còn , chỉ là sóng gió nhiều hơn , St vẫn tin là như vậy đó chú , cho dù bao nhiêu đổi dời .

    Cháu chúc chú có một chuyến đi bình an , và sẽ trờ về mạnh khỏe, với nhiều điều để kể cho chú Q, bạn bè và anh chị em trong ĐT nghe , chú nhé !

    Kính mến
    sôngthương
    ---------


    @ St vẫy tay chào anh Khúc Dương , Du Lan và cả nhà , anh KD và DL tiếp tục họa thơ cho st đọc với nhé

  5. #155
    Đường Xưa Lối Cũ: Hà Nội


    Bạn thân,

    Nov. 7, 2015:

    Khi du thuyền chỉ mới vào tới vịnh Hạ Long tôi đã thấy bồi hồi. Đúng là thượng đế đã ưu ái cho VN chúng mình một mảnh giang sơn mỹ lệ, thế nhưng rồi chợt thấy xót xa khi thấy những con thuyền mỏng manh với vài ba đứa trẻ được bố mẹ áp sát vào du thuyền để … ăn xin! Tôi bùi ngùi quay mặt, không muốn nhìn cả những thân xác khô gày trên những chiếc xà lan xuôi ngược, chở đày vật liệu để xây cất những nhà cao từng trên bờ, đón người ngoại quốc sang nghỉ ngơi. Thiên nhiên mỹ lệ nhưng đa số dân chúng vẫn đói khổ, và mảnh đất nước này có còn giữ mãi được không hay là rồi sẽ lại thuộc về đám người phương Bắc gian tham!

    Trên đường từ Bãi Cháy/Quảng Ninh, nơi tàu thả neo, về Hà Nội chúng tôi đã đi qua vài nơi quen thuộc như Hải Dương và Bắc Ninh. Quê tôi chỉ cách Hà Nội hơn 10 cây số, trước đây thuộc về Bắc Ninh nhưng nay đã là một phần của Hà Nội, mặc dù phần đất đó vẫn còn rất chân quê. Dân làng tôi thường nói ngọng, lẫn lộn giữa “l” và “n”, nên một ông anh họ từ quê ra Hà Nội học đã từng bị chế giễu là tác giả được giải “Lobel” với tác phẩm “Nàm Thế Lào Để Không Lói Ngọng”, thế nhưng mỗi lần nghĩ tới nơi chôn nhau cắt rốn đó tôi vẫn không khỏi thẫn thờ nhớ thương.

    Cô em tôi sinh ra là lớn lên tại Đà Lạt, chỉ nghe mẹ tôi mỗi lần nhớ nhà lại nhắc đến “Đình Đào, Miếu Thượng, Chùa Lê”, nên lần này về qua đất tổ đã đi đến tận những nơi đó, và nhất là ra xem cầu Vương bắt ngang con sông đào uốn lượn quanh làng, nơi chị tôi thường dắt tôi ra đứng ở đầu cầu chờ mẹ tôi gánh lúa về từ bên kia sông. Em tôi đã không tìm được những gì mẹ tôi thương nhớ vì làng tôi bây giờ không còn nhà tranh vách đất, không có cây đa và lũy tre, và cũng chẳng còn cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Người dân đã bán đất cho Tàu, cho Đại Hàn xây nhà máy, lấy tiền cất nhà lầu, đi làm công thay vì “chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa” như xưa. Hơn 40 năm trôi qua, làng tôi và Bắc Ninh bây giờ trông như ngoại ô Sài Gòn trước năm 1975, dân làng không đói khổ nhưng đất nước này vẫn còn thua kém xa những nước láng giềng.

    Chiếc xe du lịch đưa chúng tôi vào Hà Nội bằng cầu “Nhật Tân”, cây cầu “hoành tráng” mới nhất vừa mới được khánh thành. Người lái xe hình như rất tự hào nhưng với chúng mình những người đã từng có dịp đi đây đi đó thì cầu Nhật Tân cũng giống như những cây cầu tầm thường mà chúng mình đã từng vượt qua bên trời Âu Mỹ. Qua cầu Nhật Tân “hoành tráng”thế nhưng tôi lại nhớ cây cầu Long-Biên ọp ẹp mà ngày xưa mỗi lần nghỉ lễ tôi được ngồi xe hàng, về quê để câu cá, bắn chim hay ôm thân cây chuối tập bơi ngoài sông đào.

    Mười năm trước tôi đã có dịp về Hà Nội tìm dấu chân xưa, và đã có chút ngỡ ngàng, nên lần này trở lại tôi không mấy còn nôn nóng. Người lái xe đưa chúng tôi “tham quan” những thắng cảnh tiêu biểu của thành phố, và tôi chỉ hững hờ đưa mắt nhìn. Xe qua hồ Tây, một người bạn đi chung vốn rất trầm lặng bỗng la lên thảng thốt: “Đó, chỗ đó là nhà tôi ngày xưa, phiá trước là đường Cổ Ngư, tôi và bố tôi vẫn thường ngồi câu cá bên bờ hồ…”. Anh lạc giọng thẫn thờ … Đường xưa lối cũ còn sống mãi với những người tha hương. Bốn mươi năm hay 100 năm cũng chỉ là một khoảng thời gian rất ngắn trong giấc mơ trở về quá khứ, phải thế không bạn thân!

    Thật ra lần này về Hà Nội tôi muốn tìm gặp hai người bạn văn. T.L. và tôi biết nhau từ lâu, từ khi cô bạn trẻ đó còn là sinh viên trên đất Pháp, nhưng chưa hề gặp nhau. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, T.L. về nước làm việc cho một cơ quan tài chánh ngoại quốc, và thường viết cho tôi, mong một ngày nào gặp mặt để cùng nhau đi dạo trên con đường Trường Thi dưới trời mùa thu Hà Nội. Mặc dù đã hứa hẹn nhiều lần nhưng bây giờ tôi mới có dịp trở về, và chúng tôi đã gặp nhau trong quán cà phê Thủy Tạ bên hồ Hoàn Kiếm. T.L. đằm thắm và dễ thương hơn là tôi tưởng. Người con gái đó cũng rất lễ phép và giữ được giọng nói “Bắc Kỳ” xưa, không bị pha trộn âm hưởng của vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh như những người Hà Nội mà tôi đã từng gặp gỡ.

    Chỉ tiếc là mùa thu Hà Nội năm nay nóng quá, và tôi cũng chỉ có vài tiếng đồng hồ tại thành phố, nên chúng tôi chỉ trao đổi với nhau một chút tâm tình chứ không có thì giờ đi tìm “cây bàng lá đỏ, mái ngói thâm nâu” như chúng tôi hằng ước ao. Chia tay, hẹn gặp lại nhau một ngày nào khác, ở bên đó hay bên này, vì với địa vị và thân thế, có lẽ T.L. có thể xuất ngoại bất cứ lúc nào nhưng điều tôi mong mỏi là tương lai của Việt Nam sẽ thuộc về những người trẻ như T.L., những người có kiến thức và nặng lòng với quê hương.

    Người bạn thứ hai tôi muốn gặp là một nhà văn đã đứng tuổi, nhưng tiếc thay vì thì giờ eo hẹp nên chúng tôi chỉ trao đổi qua điện thoại. Anh D. sinh ra và lớn lên tại miền Bắc nhưng anh và tôi đồng cảm về thân phận con người, nhất là những người lính, dù là bộ đội miền Bắc hay quân nhân VNCH. Anh cũng như tôi đều ước gì sau cuộc chiến chính quyền đối xử với những người lính miền Nam giống như là tướng Grant đã mở rộng vòng tay đón nhận “bên thua cuộc” sau trận nội chiến của Hoa Kỳ để cùng nhau xây dựng một nước Mỹ hùng cường. Tôi không thể gặp anh để cùng uống với anh một chén tương phùng như anh muốn thế nhưng tôi tin là chúng tôi đã hiểu nhau hơn. Tôi nói với anh là một ngày nào đó tôi sẽ trở lại nếu như vẫn còn một nước Việt Nam!

    Bạn thân,

    Vì nhớ thương quê cha đất tổ nên tôi đã trở về thăm thêm một lần thế nhưng thực tình tôi không có nhiều kỳ vọng về chuyến đi. Tôi cũng đã không thất vọng vì đâu đó trong niềm nhức nhối của quê hương tôi vẫn thấy còn có tình người. Riêng K. và một người bạn đã có những ngày vui vì được nếm và mua tất cả những món quà quê hương. Mấy món quà đó thì ngay cả bên Mỹ này cũng có, và có thể còn ngon và sạch hơn, thế nhưng cốm Vòng bọc bằng lá sen thì không phải chỉ để ăn mà còn để nhìn, để thấy cả một trời thương nhớ đó bạn thân.

    Vài hàng thăm bạn, “đường xưa lối cũ” còn có những nơi mà anh em chúng mình đã một thời hy sinh cả tuổi xuân, và tôi đã về gặp bạn cũ. Bạn chờ tôi viết tiếp nghe.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Dec. 12, 2015

  6. #156
    Biệt Thự HXhuongkhuya's Avatar
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    4,679

    Cám ơn bài viết của chú NguỵXưa đọc mà như đồng hành chuyến đi của chú vậy . HX mang lại đường Cổ Ngư ( hình nét ) , con đường trong thi ca , sách vở mà khi đến Hà Nội , HX đã tìm tận nơi , tản bộ dọc con đường , một bên là Hồ Tây , một bên là Hồ Trúc Bạch , ăn bánh tôm ở nơi này trong khung cảnh rất Hà Nội . Đặc biệt được nghe giọng Hà Nội xưa nhẹ nhàng đài các và lịch lãm còn sót lại trong lòng Hà Nội .

    Một vài con đường chú nhắc tới như Tràng Thi , Nhật Tân , cầu Long Biên ... Không sinh ra ở Hà Nội , chẳng lớn lên ở nơi này mà luồng cảm xúc vẫn cứ chạy nhanh qua bài chú kể tựa như HX cũng vừa đi ngang qua những nơi ấy trong cùng chuyến xe của chú .

    " Xe qua hồ Tây, một người bạn đi chung vốn rất trầm lặng bỗng la lên thảng thốt: “Đó, chỗ đó là nhà tôi ngày xưa, phiá trước là đường Cổ Ngư, tôi và bố tôi vẫn thường ngồi câu cá bên bờ hồ…”.

    Cám ơn chú chia sẻ , HX mong đọc thêm bài viết của chú .








    Gửi chú và thân hữu trong nhà chú bài hát Hà Nội Ngày Tháng Cũ với giọng hát Sĩ Phú .


    https://www.youtube.com/watch?v=gOFiLiuFV_Y

    Last edited by HXhuongkhuya; 12-07-2015 at 06:18 PM. Reason: Sĩ Phú ...

  7. #157
    Xin cám ơn HX đã để lại chữ và một tấm hình thật đẹp. Xin mời HX và các bạn tiếp tục về thăm "Đường Xưa Lối Cũ" với NX.

    ***
    Đường Xưa Lối Cũ: Đà Nẵng


    Bạn thân,

    Khi du thuyền kéo neo giã từ Hạ Long tôi đứng lặng người trên boong đưa mắt nhìn bao quát như thầm nói lời giã biệt, vì không biết tôi còn có dịp trở lại nơi này. Ngày cuối cùng ở Quảng Ninh tôi đã được người cháu đưa tới thăm “Thiền Viện Trúc Lâm” (chùa “Cái Bầu”). Chùa đẹp và “hoành tráng”, xây trên một ngọn đồi cao nhìn xuống vịnh nhưng tôi không nghe tiếng kinh kệ u trầm qua hệ thống phóng thanh từ trong chùa mà chỉ đứng ngoài sân ngắm nhìn một mảnh giang sơn gấm vóc. Hạ Long, con rồng xuống biển vẫy vùng, hy vọng là sẽ ngăn được “tàu lạ” chận bắt ghe đánh cá của dân mình!

    Sept. 13, 2015: Du thuyền cặp bến Chân Mây. Đây là vùng đất thuộc Lăng Cô, giữa đường từ Đà Nẵng đi Huế. Bến cảng chỉ là một bãi đất trống mới xây cất, và vì nước cạn nên khó khăn lắm con tàu to lớn mới cặp được vào cầu sau khi đã quậy bùn lên đục ngầu. Từ Chân Mây du khách có thể đi thăm Huế hoặc Đà-Nẵng/Hội An. Các em tôi và bạn bè đều đi thăm cố đô, riêng tôi đi Đằ Nẵng thăm đường xưa lối cũ, và để tìm gặp một trong hai người bạn đồng khoá còn ở lại Việt Nam.

    Đã lâu lắm rồi tôi mới lại có dịp trở về Đà Nẵng (lần cuối vào năm 2004), về để thấy bùi ngùi ngẩn ngơ. Đà nẵng là nơi anh em Bảo Bình chúng mình một thời đi tìm phiêu lưu trong cuộc chiến. Gia nhập lực lượng đặc biệt Hải Tuần tại bán đảo Sơn Chà hồi đó (1964,1965) gồm có T.Đ.Cẩm, N.V.Tánh, P.V.Hưng, P.Đ.Riễn, N.M.Thành, L.T.Chiêu, L.K.Lợi, P.V.Minh và tôi… Chắc là còn vài người nữa mà tôi không nhớ tên, nhưng thế cũng đủ cho khoá BB nổi đình đám hơn bất cứ khoá đàn anh nào. Ngày đó đêm đêm vượt tuyến ra vùng biển bắc vẫy vùng thế nhưng may mắn thay, trừ P.Đ. Riễn, ngày tàn cuộc chiến anh em chúng mình vẫn còn sống sót để lưu lạc xứ người!

    Tôi chỉ phục vụ lực lượng một thời gian ngắn, nhưng khi từ giã, vì một lý do riêng tư, tôi không khỏi mang theo một nỗi buồn vì phải bỏ lại tình yêu đầu đời. Bây giờ trở lại, Sơn Chà còn đó nhưng người xưa đã vắng bóng, “nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi…”, tìm về quá khứ để hoài niệm một chút mà thôi.

    Đà nẵng bây giờ không còn là Đà Nẵng của chúng mình ngày xưa. Thành phố mở mang và hiện đại hoá, toà đô chính cao mấy chục tầng, khách sạn nhiều sao ngất ngưởng soi hình bên bờ sông, thế nhưng đó là thành phố của người chứ không còn là thành phố của ta. Có những khu vực riêng của người Tàu mà người Việt không được quyền lai vãng. Trên con đường mới làm dọc theo bờ biển, từ Đà Nẵng đi Hội An, nhiều khu cũng thuộc về “người lạ”. Bãi biển Mỹ Khê và những khu resort cao cấp của ngoại quốc hầu như không có người Việt lai vãng, và “Việt Kiều” trung bình như chúng mình quả tình cũng khó chen chân.

    Tôi không thể vào thăm lại căn cứ Hải Quân Tiên-Sa nhưng có một nơi cho tôi đứng nhìn ra biển để nhớ về một đoạn đời cũ, đó là chùa Linh Ứng mới xây trên một ngọn đồi thuộc bán đảo Sơn Chà. Từ đó tôi có thể nhìn thấy Cù Lao Chàm xa xa ngoài biển, và lờ mờ như thể là Hộ Tống Hạm Kỳ Hoà, với Tiếp, với Đăng, với Cẩm, với Thiện của những ngày xa xưa, vừa thả neo cho chúng tôi lên đảo thăm dân cho biết sự tình. Chỉ là tưởng nhớ mà mắt hình như cay.



    T.H.Quýnh và tôi hẹn nhau về lại thành phố xưa cũng vì một người bạn. Cuối cùng vì vấn đề sức khoẻ, chỉ có mình tôi tìm đến thăm Vĩnh Lợi, “Mệ” của khoá Bảo Bình. Lợi cũng vửa trải qua những ngày nằm trong bệnh viện, tưởng là không qua khỏi, và nếu tôi tới sớm vài ngày thì cũng chẳng gặp được nhau. Bạn ta bây giờ trông khá già, tóc đã bạc phơ, và không còn nhớ nhiều cho đến khi tôi nhắc lại những nick names, những kỷ niệm xưa thời quân trường thì ký ức như uà về. Bạn ta trở thành linh hoạt, nhắc nhở tới bạn bè cùng khoá, tới các vị giáo sư trong quân trường, tới thầy Kiểm, thầy Sơn, nhất là thầy Sơn, người đã giúp đỡ Lợi rất nhiều trong thời gian thụ huấn tại quân trường Nha Trang. Lợi nhờ tôi chuyển lời thăm hỏi tới bạn bè và tất cả các giáo sư huấn luyện viên.

    Lợi bây giờ nghĩ nhiều về một nơi trong thế giới tương lai hơn là hiện tại, bằng lòng với cuộc sống gia đình đơn sơ, cạnh người vợ hiền và những đứa con ngoan, không còn quan tâm tới những khúc mắc của cuộc đời, dù là những nhức nhối của quê hương. Tới một tuổi nào đó anh em chúng mình rôi cũng như thế mà thôi, phải không các bạn thân.

    Tiếc là Lợi không đủ sức khoẻ theo tôi thăm viếng Hội An. Tôi vẫn mong trở lại Phố Cổ, nơi còn còn chút di tích của văn hoá cổ truyền. Tiếc thay Phố Cổ Hội An đã xuống cấp, du khách cũng chỉ lác đác, hàng hoá cũng chẳng có gì đặc biệt để phải mua làm kỷ niệm, và Thu Bồn đục ngầu, trông như là một vũng nước hơn là một giòng sông lai láng chúng mình vẫn thường đọc được trong văn chương. Tôi không ra cửa Đại vì được khuyến cáo là nơi ấy bây giờ biển đang lấn bờ. Sông Thu Bồn bị người ta khai thác quá độ tại thượng nguồn, cát không còn được cuốn ra cửa sông nên sóng tàn phá những kiến trúc dọc theo bờ biển, trông nham nhở chứ không còn thơ mộng như xưa.

    Bạn thân,

    Mỗi lần trở lại là mỗi lần ngậm ngùi, và đôi khi còn có cảm tưởng mình như người xa lạ trên quê hương, thế nhưng lòng hoài hương, tấm tình thương yêu đường xưa lối cũ, nên tôi đã tìm về, ít ra là cũng đã hai lần. Tôi vẫn mong trở về ít nhất thêm một lần nữa, nhưng không biết rồi có còn một nơi gọi là “nước Việt Nam” cho tôi, cho bạn trở về nữa hay không, vì VN có thể trở thành “đất lạ”, để cho chúng mình đời đời tiếc thương.

    Chuyến đi từ Hong-Kong sang Singapore, du thuyền đã thả neo tại Vịnh Hạ Long cho tôi về thăm Hà Nội. Sau Đà Nẵng là cửa Soài Rạp dẫn về Sài Gòn, xin hẹn các bạn thư sau, tôi sẽ viết thêm về nỗi ngậm ngùi của những ngày đi lại đường biển xưa. Mong là các bạn lúc nào cũng an vui.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    12/8/2015

    T.B.: Khi tôi đang viết những dòng này thì cháu Quỳnh Thy gọi cho tôi biết là đêm qua bố cháu, Phạm Văn Hưng, aka “Cụ Thộn” của khoá Đệ Nhất Bảo Bình, đã ra đi vì trụy tim. Thêm một chiếc bình vỡ, và tôi mất một người bạn thân “mày/tao”, học chung với nhau từ thời trung học trên Đà Lạt. Hưng ơi, trước khi đi vào miền miên viễn linh hồn mày hãy bay về thăm lại Trường Sa nơi chúng mình theo tàu ra đặt bia chủ quyền năm 1963. Về thăm đường xưa lối cũ để nhớ để thương vì nơi đó không phải là vùng “đất lạ” mà là một mảnh giang sơn của ông cha. Có gì về báo mộng cho tao nghe Hưng. L

  8. #158
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,354
    Chú Ngụy Xưa kính mến ,

    Cháu cám ơn chú đã chia sẻ về chuyến đi, và chia sẻ cả những nỗi buồn ...

    Cháu tin rằng , ở nơi miên viễn ấy , những chiếc bình sẽ gặp lại nhau . Còn ở nơi đây, chú và các bạn chú sẽ cất những chiếc bình trong tim mình, trong mỗi bước chân ngược về Đường Xưa Lối Cũ .

    Luôn được an lành trong tâm chú nhé

    Kính mến
    Sôngthương .

  9. #159
    Cám ơn Sôngthương đã chia sẻ cảm nghĩ, và xin chúc Sôngthương cùng các ACE của diễn đàn một năm mới 2016 an khang và hạnh phúc.

    Ngụy Xưa

    ***
    Đường Xưa Lối Cũ: Sài Gòn


    Bạn thân,

    Tháng Tư năm 2012 tôi đã trở về thăm Sài Gòn một lần. Khi đó du thuyền chỉ mới tới gần Vũng Tàu, thấy ánh đèn hải đăng chớp sáng, nước mắt tôi đã nhạt nhoà vì nhớ thương. Lần này tôi trầm tĩnh hơn, chỉ bồi hồi khi thấy lại đường biển xưa.

    Nov. 15, 2015: Tàu vào cửa Soài Rạp khi trời vừa sáng tỏ, tôi đứng lặng trên boong ngắm nhìn rừng Sát xa xa xanh ngắt một màu và tầu thuyền tấp nập trên dòng sông nước đục ngầu. Có những chiếc xà lan chở đầy cát hướng về cửa biển, tôi nghĩ thầm chắc là họ đang vét nạo dòng sông cho tàu bè dễ đi lại, và mang cát đổ ra biển, thế nhưng sau này về lại Cali, đọc tin tức từ bạn bè mới biết rằng người ta chở cát ra Trường Sa bán cho Trung Cộng để xây cất phi trường trên những hòn đảo chiếm được của Việt Nam. Bán đất, bán đảo, bán người và bây giờ bán cả cát nữa thì còn gì là Việt Nam của chúng mình. Buồn quá, phải thế không bạn thân?

    Tàu cập cảng Cái Mép, một đám đông du khách ngoại quốc lên đường đi thăm … địa đạo Củ Chi! Có lẽ họ ngây thơ tin vào những gì hoang đường đọc được trên nét nên chắc chắn là khi trở về họ sẽ thất vọng, và sẽ mất cảm tình với đất nước họ tới thăm.

    Tôi lên xe do một người cháu thuê dùm về Sài Gòn nhưng thật tình tôi không biết trở lại thành phố đó để thăm viếng những gì vì biết rõ là đường xưa lối cũ đã phai mờ, và ngay cả căn nhà cũ gần cổng xe lửa số 6 cũng đã bị người ta phá đi, (cám ơn anh saudong cho tin trước khi tôi bay sang Hong-Kong), thế nhưng K. và người bạn lại rất náo nức về thăm lại “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu”.

    Xe mới ngừng K. và người bạn đã ngẩn ngơ đứng nhìn rồi lang thang trong sân trường cũ, nhìn từng gốc cây, từng cánh cửa, từng bức tường, thầm thì nhắc với nhau những kỷ niệm từ thời hoa niên, mặc cho một số học sinh cả nam lẫn nữ đang tụ họp tò mò đưa mắt nhìn hai người đàn bà xa lạ nước mắt lưng tròng. Trường Trưng Vương bây giờ vẫn giữ lại tên cũ nhưng dành cho cả nam lẫn nữ, đâu còn những tà áo dài tung bay những chiều tan trường năm xưa để cho những người con trai si dại đứng chờ trông! Bà cụ bán hàng rong trước cửa trường nói với K. là thỉnh thoảng vẫn có những bà đứng tuổi từ xa về, tới đứng nhìn rồi cúi đầu, dụi mắt quay đi.

    Người cháu đưa chúng tôi tới ăn trưa tại quán “Cục Gạch”, một nhà hàng không bình dân nhưng lại cố ý khơi lại khung cảnh những ngày đói khổ bằng cách dùng chén bát mẻ và thức ăn “nhà quê” như thịt heo kho, dưa muối … để cho những người đã có một thời phải chịu những đắng cay trong trại “cải tạo” nhớ lại kỷ niệm xưa. Tôi may mắn không phải trải qua thời kỳ đau buồn đó nhưng một người bạn đi cùng hình như khá xúc động, trầm lặng nhìn hơn là đưa đũa gắp thức ăn.

    Sài Gòn bây giờ cao và đẹp hơn nhưng không còn thương xá Eden, không còn những quán kem, những nơi ngày xưa chúng tôi thường hẹn hò, cho chúng tôi tìm lại chút kỷ niệm. Đường Nguyễn Huệ cũng đã trở thành một “quảng trường” và đường Lê Lợi đang bị ngăn chặn để xây cất trạm tàu điện ngầm nên trung tâm thành phố chỉ có một nơi để chúng tôi thăm viếng là Vương Cung Thánh Đường và Bưu Điện, những kiến trúc tiêu biểu còn lại của một thời xa xưa.

    Những nơi đó bây giờ quá đông đúc và ồn ào nhưng cũng tại nơi đó tôi đã có cơ hội quan sát và chuyện trò với lớp người trẻ. Môt vài cặp tân hôn đứng chụp hình bên cạnh nhà thờ, họ chỉ vào khoảng đôi mươi, có lẽ còn quá trẻ để kết hôn, không như chúng mình trước năm 1975, vào tuổi đó chưa dám lập gia đình vì thương người yêu bé nhỏ “lấy chồng thời chiến chinh, mấy người đi trở lại”! (HL).

    Đám người trẻ tụ tập trong những quán nước bên đường phục sức “văn minh” hơn chúng mình thời xưa. Tôi có dịp nói chuyện với vài người, kể cả một người đang rao bán những chung cư mới xây, nhận thấy họ không còn e dè đối với “Việt Kiều” như những năm trước đây. Có lẽ nhờ Internet và những cơ hội thăm viếng nước ngoài nên tầm hiểu biết của giới trẻ đã mở rộng, và tâm hồn cũng cởi mở hơn. Hy vọng là lớp người trẻ này nhìn thấy mối đe dọa từ phương Bắc, và họ sẽ là những người đứng lên cứu lấy quê hương.

    Sài Gòn hôm đó cũng có những cơn mưa, và tôi chợt nhớ tới câu thơ cũ “mưa sa trên màu cờ đỏ” của Trần Dần. Không phải chỉ màu cờ đỏ mà còn cả màu vàng chữ đỏ của những biểu ngữ “tự sướng” (không phải selfie, mà là self-satisfied) của chính quyền giăng ngang phố phường và công viên nhân dịp đại hội đảng sắp tới. Tháng 11 nhưng Sài Gòn không có mùa thu, và tôi giã từ thành phố chiều hôm đó trong nỗi bùi ngùi.

    Khi du thuyền rời cảng Cái Mép trên đường qua Thailand tôi đã lại đi trọn đường biển xưa thêm một lần, và không biết sẽ còn có một lần nữa hay không. K. vẫn muốn trở về thăm sông nước miền Nam, thăm Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên … những nơi tôi cũng đã từng đặt chân, và để lại những kỷ niệm một đời khó quên, thế cho nên năm 2017 có lẽ chúng tôi sẽ lại trở về.

    Bạn thân,

    Hôm nay mới viết cho bạn được đoạn cuối về một chuyến đi vì những ngày cuối năm 2015 gia đình Bảo Bình đã có những nỗi buồn. Như bạn biết “Cụ Thộn” đã từ giã cuộc chơi vào ngày 7 tháng 12. “Mệ” Vĩnh Lợi mà tôi mới gặp lại tại Đà Nẵng trong chuyến đi vừa qua cũng đã bỏ bạn bè để về nơi miên viễn đúng vào ngày Chúa giáng sinh. Trong vòng một tháng hai Bình đã vỡ đôi! Biết là Bình nào cũng đã già, đã qua tuổi tri thiên mệnh, và sống gửi thác về, mà sao vẫn mênh mông một nỗi buồn.

    Cuộc đời vui, cuộc đời buồn…”, thôi thì bạn cố giữ gìn sức khoẻ nhé, năm tới chúng mình vẫn còn vài chuyến lãng du, và trong tương lai mặc dù “đường về quê xa lắc lê thê” thế nhưng hãy cứ hẹn nhau một ngày về.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Dec. 31, 2015

  10. #160
    Biệt Thự dulan's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    3,164
    ...



    Dulan đọc mà cay cay mắt...


    Last edited by dulan; 12-31-2015 at 11:43 AM.

 

 

Similar Threads

  1. Miền Nam Việt Nam trong những ngày gần 30/4/1975
    By Vịnh Nghi in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 23
    Last Post: 04-26-2014, 05:40 PM
  2. Miền cát trắng ở Mỹ
    By V.I.Lãng in forum Thú Tiêu Khiển
    Replies: 2
    Last Post: 03-25-2012, 08:37 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 11:25 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh