Register
Page 19 of 29 FirstFirst ... 91718192021 ... LastLast
Results 181 to 190 of 284
  1. #181
    Bạn thân,

    Mới đi xa về, viết vài hàng để báo tin chứ không bao giờ quên "Bạn Miền Xa".

    Khi nào hết "jet lag" sẽ tâm tình với bạn về chuyến đi và những cảm nghĩ vụn vặt của cuộc đời.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Oct. 10, 2016

  2. #182
    Mặt Trời Đông Phương


    Bạn thân,

    Mùa thu năm nay hình như tới muộn. Đã giữa tháng Mười mà thời tiết Nam Cali vẫn còn nóng như mùa hè, thế nhưng mấy hôm nay buổi sáng trời nhiều mây, và đêm đã đủ se lạnh để giấc ngủ bớt vật vờ do “jet lag” vì mới trở về sau chuyến đi xa.

    Chuyến du hành bằng cruise ship vừa rồi là chuyến thứ ba chúng tôi tới thăm Nhật Bản. Đã có rất nhiều sách vở và bài viết trên Internet ca ngợi quốc gia và dân tộc này nên tôi thấy không cần viết thêm mà chỉ muốn chia sẻ với bạn một vài cảm nghĩ nhỏ nhoi.

    Tôi trở lại nơi đó tới ba lần trong vòng hai năm vì tôi thật tình yêu thích những hải đảo và những bờ biển nhìn từ xa không khác gì miền trung của đất nước Việt Nam! Tôi xúc động đứng trên boong tàu ngắm nhìn mây nước trong Seto Inland Sea, vùng biển giữa ba hòn đảo lớn của Nhật Bản, mà cứ tưởng như mình đang hải hành trong vịnh Cam Ranh hay Vịnh Hạ Long.


    Bao nhiêu năm khi còn mặc áo “sương gió nên mầu đã bạc phai”, theo tàu xuôi ngược bến bờ Việt Nam, những hình ảnh của đất nước hầu như chưa bao giờ phai mờ, và mỗi lần đi qua những vùng biển lạ mà tôi vẫn cứ tưởng như là vừa nhìn thấy cù lao Chàm, cù lao Xanh, hòn Tre, hòn Miếu … v.v… Japan đã cho tôi cái cảm giác thân quen đó, tôi đã tới và sẽ còn trở lại, vì ngoài cảm giác thân quen vẫn còn nhiều cái cho tôi đi tìm.

    Không phải tất cả mọi người đều ưa thích nước Nhật. Chỉ trong một chuyến cruise vừa rồi hành khách trên con tàu Diamond Princess phải phải chờ đợi, chụp hình, lăn tay để đi qua Immigration tới … vài ba lần. Tới Phi trường Narita, ra khỏi tàu và trở về sau khi ghé thăm Busan của Đại Hàn và Korsakov của Nga, hành khách đều phải xếp hàng trình thông hành mệt nghỉ! Cũng tốt thôi vì nhờ thế không có ông Hồi Giáo quá khích nào tới nước Nhật để khủng bố, nhưng chờ đợi lâu quá cũng mất vui. “It takes the fun out of travel” như một người ngoại quốc xếp hàng cạnh tôi càu nhàu!

    Người Nhật lễ phép, lương thiện và ngay thẳng như tôi đã từng kể với bạn trong một lá thư trước khi tôi bỏ quên passport tại một quán cà phê, nhưng tôi nghĩ họ không … hiền bạn ạ. Chắc là bạn cũng như tôi đều đã nghe, đã đọc về tội ác của quân phiệt Nhật trong thế chiến thứ hai. Đó là chuyện xưa thế nhưng khi đi thăm một viện bảo tàng tại Aomori, quan sát những xe hoa (floats) và những khuôn mặt như ác quỉ của các nhân vật cổ tích được họ tôn thờ, cũng như nghe tiếng trống chát chúa rồn rập trong những màn trình diễn vũ điệu, tôi có cảm giác bất an như đang lọt vào trong một trận chiến sát phạt khốc liệt. Chia sẻ với bạn vài tấm hình của những “ông ác” chụp được trong phòng triển lãm của viện bảo tàng:


    Những bóng dáng dữ dội đó hầu như hoàn toàn trái ngược với hình ảnh yên bình đến gần như thoát tục trong một khu vườn của ngôi “Chùa Vàng” thuộc vùng cố đô Kyoto:


    Du thuyền hải hành vòng quanh nước Nhật, thăm viếng những nơi hẻo lánh ở miền Bắc mà ngay cà người Nhật cũng ít biết đến, (cũng như không phải người Việt nàocũng đã tới thăm Cà Mâu hay Năm Căn). Tuy nhiên, như đã nói với bạn, đất nước đó vẫn còn có nhiều điều tôi vẫn chưa “cảm” thấy hết, và do đó tôi sẽ trở lại thêm một lần, để đi xuyên Thái Bình Dương, từ Tokyo/Yokohama của Japan lên Bắc cực, qua Alaska, tới Vancouver của Canada là hết hải trình. Vé đã booked nhưng ngày đi còn xa, vào tháng Tư năm 2018, khi hoa anh đào nở trên đất Phù Tang!

    Một lý do nữa là K. và vài người bạn đã “khám phá” ra những cửa tiệm bán những vật dụng cho nhà bếp, cho phòng tắm … mà món nào giá cũng chỉ có 100 yen (99 xu Mỹ). Hàng giá rẻ nhưng “made in Japan”, tốt và tiện dụng chứ không như hàng hoá dởm “made in China”. Một bà bạn mua mấy chục dollars những món lặt vặt cồng kềnh, đã phải sắm thêm một chiếc valise để chứa! Có lẽ đó cũng là một lý do để trở lại, “vơ vét” nữa cho “đáng đồng tiền bát gạo” (hơn $100 dollars) bỏ ra mua cái valise!

    Bạn thân,

    Tôi thấy thương người Nhật bạn ạ. Họ lúc nào cũng vội vàng chạy theo xe điện ngầm, giá sinh hoạt lại đắt đỏ, $1.6 dollars một chai Coke mua từ máy bán ngoài đường, $25 dollars một quả dưa (cantaloop) trong chợ, và $150 một miếng … thịt bò Kobe trong tiệm ăn, trong lúc lương bổng trung bình của một gia đình tại Japan cũng chỉ tương đương với Hoa Kỳ, nơi giá sinh hoạt chỉ bằng một nửa, hay thấp hơn. Có lẽ chúng ta nên cám ơn thượng đế, vì dù tha hương, chúng ta đã không phải quá nhọc nhằn lo nghĩ nhiều cho cơm áo đời thường.

    Không phải chỉ có Japan mà Australia cũng là nơi tôi sẽ trở lại thêm một lần, nơi đó có những người “bạn miền xa” mà tôi đã từng gặp gỡ trên diễn đàn. Chắc bạn chưa quên “Hoàng Bà Bà”, “Chú Lái”, “Nguyên Nhân” … những người đã “vang bóng một thời” trên Phố Rùm Đ/T hiện thời cư ngụ tại Brisbane. Brisbane là đất hiền hoà, dân chúng trên đường phố thong thả chứ không vội vã như người dân Japan. Chưa định được ngày, nhưng bạn nhớ chờ tôi nhé, bạn miền xa! Mến chúc bạn những ngày an vui.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Oct. 14, 2016

  3. #183
    Cánh Đồng Bắp Ngô Đồng's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Milpitas, California, United States
    Posts
    2,211
    Có những thâm tình mình không sao quên được anh nhỉ - biết anh chị ngao du sơn thủy bình an n đ vui lắm lắm luôn . Anh có gần SJ tuần sau không anh ơi ?

  4. #184
    Chốn Quạnh Hưu


    Bạn thân,

    Đã tám năm nay, từ ngày dọn về nơi quạnh hưu này, buổi tối Halloween năm nào tôi cũng ngồi ôm một giỏ bánh kẹo để chờ nhưng vẫn chưa thấy một đứa trẻ nào tới gõ cửa nói câu: “trick or treat”. Khu nhà nơi tôi cư ngụ là một gated community nằm trên đồi cao, đa số cư dân là những người đã hồi hưu nên ngay cả những ngày cuối tuần đẹp trời cũng chỉ thấy lác đác một hai đứa bé chơi đùa trong công viên cạnh nhà. Buổi sáng thỉnh thoảng thấy vợ chồng Steve già hàng xóm đi bộ trên con dốc vẫy tay chào. Thế thôi, không gian yên tĩnh như cuộc đời những người đã qua một thời sóng gió đa đoan.

    Vắng người nên muông thú thường tới thăm. Lá non và cây trái sau vườn được những con thỏ rừng và những chú sóc “hỏi thăm” kỹ càng, và lâu lâu mấy “cụ” cò trắng cổ cao từ biển bay vào kiếm cá trong cái ao nhỏ sau nhà làm món sushi. Cái ao với dòng suối nhỏ và những bông hoa súng vàng ban đầu đầy cá koi nhưng sau khi chim ăn hết tôi chỉ thả cá vàng (feeders). Đàn cá nhởn nhơ trông cũng vui mắt nhưng chỉ được ít lâu là mất dần, còn lại được hai con. Chúng mau lớn, đẹp mã và thường trốn dưới những lá súng cho đến khi nào tôi thả những viên thức ăn nhỏ xuống mới quẫy nước, trồi lên đớp mồi. Tôi nghĩ hai “đứa” là vợ chồng vì lúc nào chúng cũng quấn quít bên nhau, và đôi khi rượt bắt nhau như trẻ thơ chơi đùa.

    Tưởng là chúng sẽ mãi bên nhau, thế nhưng có một đêm có con raccoon tới thăm, phá nát những cây hoa súng trong ao và bắt mất một con, không biết là vợ hay chồng, chỉ còn lại một con trốn biệt trong hốc đá, buổi tối mới xuất hiện, lờ đờ nổi lên há miệng đớp viên thức ăn nhỏ rồi lặng lẽ lặn xuống tìm nơi trú ẩn. Đời vắng em/anh rồi, vui với ai! Mấy hôm nay K. phài lên Palo Alto làm việc, tôi một mình hưu quạnh nên càng thấy thương con cá cô đơn. K. nói đừng nuôi bất cứ con vật nào nữa vì khi có chuyện gì xảy ra cho chúng mình cũng cảm thấy buồn. Goku, con chinchilla chúng tôi nuôi năm nào lăn ra chết đúng vào ngày 30 Tết khiến chúng tôi ngỡ ngàng, và mỗi khi từ trên lầu đi xuống tôi lại nhớ tới những lần nó nhẩy lên mừng rỡ, nghiêng đầu nhắm mắt, đứng bằng hai chân cho tôi vuốt ve.

    Sống ở nơi quạnh hưu này nên nguồn vui của tôi là TV, là Internet và thư từ của bạn bè thân sơ, thế nhưng dạo này mở TV ra chỉ thấy Trump và Hillary, nhiều thư từ nhận được từ người quen và từ những người không quen cũng thường khuyến dụ mình nên bầu cho “Dân Chủ” hay “Cộng Hoà”. Còn một tuần nữa mới tới ngày Nov. 8, 2016 nhưng tôi bỏ phiếu bằng thư rồi bạn ạ. Lúc này tạm thời tôi ít còn quan tâm tới chuyện bàu cử, và hầu như không còn tham dự vào những cuộc tranh luận chính trị mà tôi nghĩ là để công kích nhau chứ không ai thuyết phục được ai.

    Người Việt mình tập trung sống ở hai nơi đông đảo là Cali và Texas, và bạn biết đó: Cali là đất của đảng Dân Chủ còn Texas là nơi của đảng Cộng Hoà. Năm nay nước Mỹ có hơn 200 triệu người ghi danh đầu phiếu trong lúc số phiếu của người Việt quá ít ỏi, may ra thì có chút ảnh hưởng tại chính trường địa phương nhưng sẽ không gây được ảnh hưởng nào trong cuộc bầu cử tổng thống. Bàn cho vui thôi nhé, bạn thân.

    Viết thêm vài dòng này cho một người bạn miền xa đang ở “miệt dưới”: bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống mà bạn thấy đồng cảm, để vui để buồn với kết quả sau ngày Nov. 8, thế nhưng xin bạn đừng coi nhẹ những người trẻ cấp tiến cũng như xin đừng chê bai những những cựu quân nhân VNCH già yếu đang sống tại nước Mỹ nhưng vẫn suy nghĩ như thể đang còn chiến đấu tại VN trước năm 1975. Chắc là bạn biết Trump hay Hillary cũng chỉ nghĩ đến quyền lợi của đảng phái, của nước Mỹ trước khi nghĩ đến đồng minh. Đảng Dân Chủ chống chiến tranh Việt Nam còn đảng Cộng Hoà bắt tay với Tàu bán rẻ đồng minh để chúng mình “được” làm người tha hương.

    Bạn thân,

    Đã là giữa mùa thu, bầu trời Nam Cali nhiều mây nhưng vẫn chưa có “giọt mưa thu thánh thót rơi” như tại quê nhà yêu dấu xa thật xa. Cuối tháng Hai năm tới tôi sẽ lại tìm về thăm mảnh đất nơi tôi sống thởi trẻ dại. Lúc đó chắc là Hà Nội có mưa xuân nhưng không biết là tôi có thể tìm lại được những những cảm giác của thời xa xưa khi co ro đi bộ dưới làn mưa bụi tới trường tiểu học Quang Trung năm nào? Tí Ve, thằng bạn hàng xóm thơ dại thời đó, ngày nào cũng cùng đi với tôi tới trường để chọc ghẹo nhau cho vui, bây giờ không biết ở đâu, còn sống hay đã bỏ xác trên đường mòn Trường Sơn? Trong những phút giây hưu quạnh bỗng dưng tôi nhớ tới nó, và nhớ về một đoạn đời mà có lần tôi đã viết: “Mùa hè năm 1954 gia đình tôi di cư vào Nam, bố tôi cho phép tôi mang theo những viên bi lóng lánh, một món đồ chơi khác của thời thơ ấu, nhưng không cho tôi mang theo cây súng cao su lên máy bay. Tôi tần ngần đưa tặng “Tí ve” cây súng mà rưng rưng muốn khóc. Mấy chục năm đã qua nhưng nhiều lúc tôi vẫn nhớ cái trạc ổi lên nước bóng loáng, cái ổ đạn da đã sờn, và tiếng “đạn” bay mỗi lần tôi buông tay cho sức đàn hồi của cao su đẩy viên sỏi vút vào không gian.

    Chợt nhớ tới hai câu của một khúc nhạc mà ca sĩ Thanh Lan thường hát: “Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà. Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa.” Bạn có bao giờ nhớ về quá khứ thiết tha như tôi lúc này không, bạn miền xa?


    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Nov. 1, 2016
    Last edited by NgụyXưa; 11-02-2016 at 06:56 PM.

  5. #185
    Biệt Thự HXhuongkhuya's Avatar
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    4,662
    Quote Originally Posted by NgụyXưa View Post
    Chốn Quạnh Hưu

    Đã là giữa mùa thu, bầu trời Nam Cali nhiều mây nhưng vẫn chưa có “giọt mưa thu thánh thót rơi” như tại quê nhà yêu dấu xa thật xa. Cuối tháng Hai năm tới tôi sẽ lại tìm về thăm mảnh đất nơi tôi sống thởi trẻ dại. Lúc đó chắc là Hà Nội có mưa xuân nhưng không biết là tôi có thể tìm lại được những những cảm giác của thời xa xưa khi co ro đi bộ dưới làn mưa bụi tới trường tiểu học Quang Trung năm nào? Tí Ve, thằng bạn hàng xóm thơ dại thời đó, ngày nào cũng cùng đi với tôi tới trường để chọc ghẹo nhau cho vui, bây giờ không biết ở đâu, còn sống hay đã bỏ xác trên đường mòn Trường Sơn? Trong những phút giây hưu quạnh bỗng dưng tôi nhớ tới nó, và nhớ về một đoạn đời mà có lần tôi đã viết: “Mùa hè năm 1954 gia đình tôi di cư vào Nam, bố tôi cho phép tôi mang theo những viên bi lóng lánh, một món đồ chơi khác của thời thơ ấu, nhưng không cho tôi mang theo cây súng cao su lên máy bay. Tôi tần ngần đưa tặng “Tí ve” cây súng mà rưng rưng muốn khóc. Mấy chục năm đã qua nhưng nhiều lúc tôi vẫn nhớ cái trạc ổi lên nước bóng loáng, cái ổ đạn da đã sờn, và tiếng “đạn” bay mỗi lần tôi buông tay cho sức đàn hồi của cao su đẩy viên sỏi vút vào không gian.

    Chợt nhớ tới hai câu của một khúc nhạc mà ca sĩ Thanh Lan thường hát: “Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà. Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa.” Bạn có bao giờ nhớ về quá khứ thiết tha như tôi lúc này không, bạn miền xa?

    Thưa chú , đọc bài chú viết mà rưng rưng . HX muốn viết cùng chú xong ngại nên chỉ để dấu tay và sẽ viết trong không gian riêng của mình . Chúc chú nhiều sức khoẻ , tháng hai chú về , HX mong chú tìm được ngày xưa của chú .

  6. #186
    Biệt Thự ndangson's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    dangsonfr.blogspot.com
    Posts
    4,379
    .....






    Ghé đọc và thăm anh .








    đs


















    .

  7. #187
    Chuyện Bên Lề


    Riêng tặng Vũ Thất và Cá Sơn

    Bạn thân,

    Có lần tôi đã viết cho bạn: “Tôi có số “sát chủ” bạn à, vì công ty lớn nhỏ nào tôi làm việc cho cũng đểu chết mất xác hoặc ngắc ngư con tàu đi, chờ lên bàn mổ. Đầu tiên là BDM (một hãng về quốc phòng), sau đó là CRI Computer Resource Inc., rồi Sun Microsystems, Acuson (hãng chế tạo máy siêu âm), DFX, Sillicon Graphics Inc., Quantum, Flextronics, Knight Ridder (hãng báo chí đứng thứ nhì trên nước Mỹ), tất cả đều đã đi đong, trừ Flextronics còn đang ngắc ngoải! Nếu bạn có thể kể thêm cả HQ/VNCH của thời xa xưa khi chúng mình làm lính nước thì cũng không sai.

    Đó là chuyện “ngày xưa” bạn ạ, lúc tôi còn phải cáng đáng gia đình, lo lắng cho cuộc sống thường ngày, còn bây giờ tôi đã hồi hưu, đời sống nhẹ tênh, lâu lâu phải đi bầu, thi hành bổn phận công dân, thế mà làm cũng chẳng ra gì vì cứ bỏ phiếu cho ai thì người ấy … tiêu luôn!

    Tôi là “đảng viên” (nói cho oai) của đảng Cộng Hoà, và lần nào cũng bỏ phiếu cho phe ta, thế nhưng John McCain rồi Mitt Romney đều bị Obama đánh cho phù mỏ, về nhà khóc thầm, cho nên năm nay vì không thích cá tính của Mr. Trump (not my president) tôi phản đảng, bầu cho Hillary Clinton, tưởng là chắc ăn như bắp nhưng không ngờ ngựa lại về ngược, đau như hoạn! Không phải chỉ ứng cử viên tổng thống, ngay cả những chức vụ tiểu bang, và nhất là các luật lệ được đem ra trưng cầu dân ý (initiative), thí dụ như có cho hút cần sa thả dàn hay không, cái nào tôi cũng bầu trật đường rày, vote “no” thì “yes” thắng, còn vote “yes” thì quá nửa dân chúng gào lên “no”!!! Từ nay về sau nếu ghét ai thì tôi bầu cho người ấy, cái gì mình thích thì bỏ phiếu chống, như thế cho … chắc ăn. J/K.

    Life is going on …, ai làm tổng thống Mỹ thì “Mít ta” tại đất nước này vẫn phải đi cày trả nợ nhà nợ xe, gửi tiền về VN nuôi thân nhân, hoặc già quá rồi như Ngụy Xưa (chắc phải đổi tên là Ngụy Lão) thì yên chí đã có tiền hưu, tiền già, tiền welfare …, hàng ngày tiếp tục ra Phúc Lộc Thọ đánh cờ tướng, tới Coffee Factory ăn sáng, chê Mỹ “ngu như bò”! Thế nhưng buổi tối ngày bầu cử nghe mấy ngài analysts bàn loạn là nếu Trump thắng cử các chỉ số chứng khoán sẽ xuống ít nhất là 5 phần trăm, và thấy thị trường Asia tuột dốc không phanh khi Trump đã bỏ xa Clinton, dành được gần đủ 270 cử tri đoàn, tôi buồn nẫu ruột vì có tí tiền còm để dành trong trương mục 401-K không biết sẽ đi về đâu!

    Thiên hạ phù thịnh chứ không ai phù suy bạn ạ. Ngay cả cái các thị trường chứng khoán cũng thế mà thôi. Ngày hôm sau (Nov./9/2016) stock markets đổi chiều, cổ phiếu lên như diều gặp gió, mọi người vỗ tay, tôi cũng thở phào bớt lo lắng, nghĩ thầm chắc là Cá Sơn bạn ta nói đúng: “Ông ni có dị tướng, thế nào cũng đắc cử, và sẽ “Make America Great Again”, tin tui đi”. OK, bây giờ tôi tin bạn, và xin chúc mừng bạn đã có những phút giây vui sướng của cuộc đời.

    Bạn thân,

    Chuyện đi bầu coi như đã xong thế nhưng chuyện nước non vẫn còn nhiều vấn đề cho mấy ông bà “mặt to” lo lắng. Khi tranh cử hứa hẹn thật nhiều, bây giờ làm sao đây, cái gì trước, cái gì sau, đào đâu ra tiền, etc… Những ứng cử viên tranh chức tổng thống không phải vì tiền mà vì danh vọng và quyền lực, thế nhưng quyền lực đi đôi với trách nhiệm và ưu tư. “Ai bảo chăn trâu là khổ” và “Ai bảo mần tông tông là sướng”, câu nào đúng hơn hả bạn thân?

    Năm nay đã có một nữ cử tri gốc Việt được bầu vào hạ viện liên bang Hoa Kỳ, thôi thì mọi việc cứ để bà ấy lo, còn bạn và tôi chúng mình hãy chuẩn bị đi giang hồ, về lại đường biển xưa, ghé thăm bến cũ thêm một lần, và biết đâu chẳng là lần cuối cùng, vì nói bạn nghe, chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ xin visa Tàu để về thăm cố hương.

    Tặng bạn tấm hình, chụp trên đỉnh núi khi chúng mình đi hành hương tại Aomori, Japan, để ngắm nhìn và giữ cho tâm hồn được thanh tịnh những lúc băn khoăn về cuộc đời.


    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Nov. 10/2016

  8. #188
    Bên Kia Bờ Đại Dương


    Bạn thân,

    Khi biết là tôi sẽ lại về thăm VN vào cuối tháng Hai năm tới, một người bạn trẻ miền xa đã yêu cầu tôi viết cho cô ấy về những nẻo đường quê hương vì cô ấy đi xa từ khi còn nhỏ, hầu như không biết gì nhiều về đất nước ba miền.

    Lời yêu cầu của cô ấy làm tôi chợt nhớ tới một truyện ngắn tôi đã viết về hai người trẻ lớn lên tại Hoa Kỳ nhưng vẫn đi tìm cho mình một quê hương. Họ yêu nhau nhưng sống xa cách. Người con trai trở về Việt Nam, lang thang qua các nẻo đường, và viết những bài bút ký về chuyến đi để ký thác tâm tình. Anh muốn gửi những bài viết cho người yêu ở xa, nhưng rồi bâng khuâng:

    Gửi cho em những gì để em biết về Việt Nam đây? Điêu tàn của chiến tranh trong quá khứ, ngỡ ngàng với đổi thay của của hiện tại, hay tương lai bấp bênh của Việt Nam vì sự đe dọa từ phương Bắc? Dũng nhẹ thở dài, mà thôi, anh sẽ gửi cho em những bài viết về gió heo may và lá vàng của mùa thu Hà Nội, về đồi thông và sương mù của Đà Lạt, về giòng sông Tiền Giang hiền hoà của miền Nam. Cho em những hình ảnh quê hương để em và những người trẻ lớn lên ở hải ngoại biết về giang sơn gấm vóc, để em yêu thương và mong một ngày trở lại cội nguồn.”

    Tôi đã đem tâm sự của mình gửi gấm vào nhân vật đó vì tuổi thơ của tôi là Hà Nội nơi có mưa phùn gió bấc, thuở thiếu thời là Đà Lạt mù sương, và gần nửa đời lang bạt với bến bờ và sông nước miền Nam, trước khi qua Mỹ làm người di tản buồn. Bạn bè của tôi đa số đều như vậy, sinh ra và lớn lên ở một nơi gọi là quê hương nhưng rồi cuộc đời đưa đẩy, trôi nổi tới miền đất hứa này, tìm được một chút bình yên cuối đời, thế nhưng vẫn khắc khoải nhớ hoài về một nơi ở bên kia bờ đại dương:

    Nhưng em biết không, anh yêu và biết ơn xứ sở tự do Hoa Kỳ mà sao mà sao anh vẫn mơ màng một nơi có em và có anh, có tình yêu và tình người nhưng không có hận thù, về một nơi có hồn thiêng sông núi, một nơi mà mọi người đều có thể tự do sống như là họ ước mơ.”

    Với một số anh em Bảo Bình chúng mình thì niềm mơ ước nhỏ nhoi đó đã không thành. Gần hai mươi đứa đã bỏ mình trên đất khách, và cũng chỉ có Mai và Đơn được gia đình mang tro cốt về Nha Trang an táng trên ngọn đồi trông ra Biển Đông. Những đứa còn lại “vẫy tay chào buồn anh đi”, và chẳng biết bao giờ tới lượt mình về với cát bụi, xác thân vùi lấp ở một nơi nào đó, hay là tro tàn đi vào lòng đại dương!

    Bạn thân,

    Gần ngày Thanksgiving một cơn bão nhỏ thổi qua miền Nam Cali nhưng mưa cũng chỉ vừa ướt đất, và sau cơn mưa nắng ấm vẫn dịu dàng để cho chuyến hành trình gần 8 giờ lái xe về San Jose thăm nhà không đến nỗi vất vả. Mẹ tôi đã 98 tuổi, xưa cũng như bây giờ, lúc nào cũng mong những đứa con ở xa về thăm. Đời lính tráng năm xưa có khi mấy năm mới được đi phép một lần. Một đêm giao thừa say mèm, viết cho người bạn thiếu thời trên cao nguyên:

    Quê mình ở chỗ mây và núi
    Xuân có hoa đào với nắng tưoi.
    Lâu quá không về thăm phố nhỏ,
    Có nhớ thằng ta ở góc trời?”

    Bây giờ đời thênh thang, mỗi năm về thăm mẹ vài lần, không sợ VC chôn mìn, đắp mô, gián đoạn giao thông, ngủ bờ ngủ bụi hay bị bắt cóc, dẫn vô rừng!

    Mùa Thanksgiving, xin cám ơn cuộc đời, cám ơn đất nước tự do này, dù bà Hillary hay ông Trump làm tổng thống cũng thế mà thôi, phải không bạn miền xa?

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Nov. 28, 2016

  9. #189
    Nhân mùa lễ hội thân chúc các bạn miền xa và các ACE những ngày an vui và một năm mới 2017 an khang, thịnh vượng.

    Nhân dịp này Ngụy Xưa cũng xin cám ơn các bạn đã tới thăm viếng nơi chốn quạnh hiu này, và nhất là đã để lại dấu ấn dồng cảm, cũng như chia sẻ tâm tình ấm áp trong những tháng năm vừa qua.




    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Dec. 16, 2016

  10. #190
    Có Tin Vui …


    Bạn thân,

    “Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng” là một ca khúc của cố nhạc sỹ “Trầm Tử Thiêng” vì “người đã cứu người”, tuy nhiên đối với NX thì đây lại là một chuyện khác, chẳng liên quan gì đến âm nhạc hoặc thuyền nhân, có chăng chỉ là một chút tình vui.

    Có những chuyện chỉ để cho riêng mình, không cần phải “khoe” với ai, thí dụ như tai bên trái của tôi từ thuở thiếu thời hầu như đã chẳng nghe được tiếng động thế mà mấy chục năm sau khi lập gia đinh K. mới biết. Nhiều lần khi thấy tôi không muốn nghe than van về một chuyện gì đó K. lại thấy tôi úp cái tai bên phải xuống gối, “cool like a cucumber”, cứ thắc mắc hỏi han nên tôi đành cười tình, thú thật về môn võ “mũ ni che tai” của mình!

    Thính lực của tôi thực sự đã suy giảm nhiều cùng với những tháng năm sống đời sông nước, trên những chiến hạm cũ kỹ của HQ/VNCH, suốt ngày nghe tiếng máy tàu, tiếng máy phát điện ồn ào, và lâu lâu đinh tai vì tiếng đại pháo ru đêm. Sau này chen vai thích cánh trên đất hứa mặc dù không gặp trở ngại khi theo học postgraduate school nhưng khi đi làm tôi đã đôi lần “ngơ ngác” vì hiểu lầm khi họp hành hoặc nghe thuyết trình. Những lần như thế tôi cứ dấu diếm bằng câu “my English is not so good”, (mà phần nào cũng đúng), vì sợ bị chê cười.

    Mấy năm gần đây nghe lời dụ dỗ của một chàng audiologist tôi đã bỏ ra mấy ngàn dollars mua một cái máy trợ thính, loại có thể dấu kín trong lỗ tai, thế nhưng cái hearing aid đó vẫn không giúp ích gì mấy vì nó khuếch đại bacground noise quá lớn khiến tôi không nghe được tiếng người trong đám đông, nên đành bỏ trong ngăn kéo, lâu lâu mang ra nhìn để … tiếc tiền!

    Mặc dù với thính lực giới hạn tôi hầu như vẫn sinh hoạt bình thường, vẫn nghe được tiếng hát êm đềm của các ca sĩ mình ưa thích từ TV, và vẫn “đấu láo” ồn ào với bạn bè trong nhưng lần họp khoá, tranh nhau kể chuyện ngày xưa thân ái khiến các bà phải nhăn mặt nhăn mày! Đôi khi có gặp trở ngại chút ít tôi chỉ tặc lưỡi, tự an ủi: “Trời gọi ai người ấy “dạ”, mình không nghe được chắc là còn sống lâu”! Hơn thế nữa, cuộc đời cũng đã đủ vui, ước mơ chi nhiều cho khổ thân!

    Thế nhưng, cái chữ nhưng …, một buổi sáng ngủ dậy bỗng dưng tôi không nghe được tiếng nói của xướng ngôn viên từ chiếc TV trong phòng ngủ, mặc dù volume đã mở lớn hết cỡ, cứ tưởng là TV hư tôi đã định đi mua cái khác, cho đến khi tôi không nghe được cả tiếng K. gọi xuống nhà ăn sáng, K. phải lại gần, ghé sát vào tai, tôi mới biết là mình … đã điếc thật rồi! Ngẩn ngơ … buồn năm phút, nhờ K. gọi bác sĩ ENT (Ear, Nose & Throat, chuyên khoa tai mũi họng), xem mình mắc chứng gì mà chỉ qua một đêm không còn nghe được tiếng động, và ngay cả tiếng nói của chính mình cũng trở nên rất lạ, như của một người tự một hành tinh nào xa xôi.

    Tìm mãi trên Internet mới thấy một bác sĩ ENT trong vùng cư ngụ được thân chủ phê bình “5 stars”, và khi gọi xin hẹn tôi mới biết là thế giới này có quá nhiều người … nặng tai, phải chờ hơn một tháng mới tới lượt mình. Trong suốt thời gian chờ đợi tôi chỉ biết đọc sách, hoặc xem phim … câm, nghe ngóng chi thêm cho đời mỏi mệt! “Có một lần mất mát mới thấy thương người đơn độc” (Đời Đá Vàng – Vũ Thành An). Thú thật với bạn là trong thời gian chờ đợi bác sĩ đó tôi rất là cô đơn, lẩn tránh những chỗ đông người, và phải nhờ K. thay mặt vài lần họp mặt mà đáng nhẽ trong cương vị gia trưởng của một đại gia đinh tôi phải đứng ra gánh vác.

    Bạn thân,

    Nhìn biểu đồ sau khi thử nghiệm do audiologist cung cấp ông bác sĩ già đứng trầm ngâm, và dù ông ấy có nói thì tôi cũng đâu có nghe. Cuối cùng ông ấy biên cho tôi một toa thuốc 63 viên steroid, mỗi buổi sáng uống có … sáu viên trong vòng một tuần, rồi sau đó bớt dần … Ông ấy lại chỉ vào một bức tranh vẽ chi tiết tai trong tai ngoài to tướng treo trên tường, và nói thêm cho tôi biết là ông ấy sẽ chích thuốc vào giữa tai tôi ba lần! Nhìn cái ống chích dài thòng tôi rùng mình, hỏi bác sĩ chích thế có đau không, và chọc thủng màng nhĩ thì làm sao chữa lành. Ông ta tủm tỉm cười, an ủi tôi là sẽ có thuốc tê nên chỉ đau ít thôi, màng nhĩ cũng chỉ là da thịt, rồi nó cũng sẽ tự lành, tuy nhiên chích xong tôi phải nằm bất động độ chừng 40 phút đồng hồ. Tôi thở dài nghĩ thầm: “Không biết sẽ ra sao, nhưng thế là đủ … chít cha ngộ dồi”!

    Tôi uống những viên kích thích tố đó được vài ngày thì một buổi sáng tôi bỗng dưng nghe như có tiếng nổ ròn trong tai, và ông thấy Trump trong TV không … câm nữa, mà hình như đang nói gì đó về “no One-China policy”. Tôi lắng nghe và ngỡ ngàng nhận thấy mình lại nghe được tiếng nói, và hình như còn rõ ràng hơn xưa. Niềm vui chợt đến, tôi cho K. biết, và các con tôi cũng oà lên reo mừng. Đúng là “có tin vui giữa giờ tuyệt vọng, một vòng tai vừa mới mở ra … người đã cứu người!

    Sau một tuần lễ tôi đã trở lại gặp ông bác sĩ già thêm một lần, nói cho ông ta biết là tôi đã nghe lại được, ông ta cũng tỏ vẻ vui mừng, khuyên tôi tiếp tục uống cho hết thuốc, và khỏi cần phải đâm thủng màng nhĩ của tôi để bơm thuốc nào nữa. Tôi nhẹ thở phào, dù chưa hết phân vân.

    Tôi hiểu là ảnh hưởng của khích thích tố, uống hay chích, đều có giới hạn, và khó biết được là hậu quả lâu dài sẽ ra sao, tuy nhiên một năm hay sáu tháng có phải trở lại thăm ông bác sĩ Jacobs già một lần thì cũng đâu có sao. Mình đã thuộc loài “cổ lai hy”, thể xác còn còn một ngày mạnh khoẻ là tâm hồn còn một ngày vui.

    Đầu năm khai bút viết để chia sẻ với bạn một niềm vui, mong là lúc nào bạn cũng an khang, gặp nhiều may mắn trong năm 2017, và nếu bạn có hỏi tôi nghị quyết của năm mới là gì thì xin thưa với bạn là hãy cứ yêu người và yêu thương cuộc đời.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Jan. 1, 2017
    Last edited by NgụyXưa; 01-01-2017 at 12:05 PM.

 

 

Similar Threads

  1. Miền Nam Việt Nam trong những ngày gần 30/4/1975
    By Vịnh Nghi in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 23
    Last Post: 04-26-2014, 05:40 PM
  2. Miền cát trắng ở Mỹ
    By V.I.Lãng in forum Thú Tiêu Khiển
    Replies: 2
    Last Post: 03-25-2012, 08:37 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 04:55 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh