Register
Page 2 of 29 FirstFirst 123412 ... LastLast
Results 11 to 20 of 284
  1. #11
    Cám ơn các bạn đã vào đây thăm hỏi. NX mới trở về Cali, sẽ lại sinh hoạt bình thường trên diễn đàn, và sẽ chia xẻ vài cảm nghĩ về chuyến đi "Tìm Đường Biển Xưa" với các bạn.

    Tình thân,

    NX

  2. #12
    Biệt Thự aovang's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,517
    anh chị Cả đi chơi về,
    chờ nghe anh kể chuyện đây
    ngày vui,
    d


  3. #13

    Còn Một Chút Gì ...

    Còn Một Chút Gì …


    Bạn thân,

    ……….

    Biển và trời xanh ngát một màu. Vịnh Thái Lan phẳng lặng như mặt hồ, và xa xa rải rác những hải đảo đẹp như trong tranh. Con tàu lướt đi êm đềm trong nắng chiều. Nào đâu những con sóng phẫn nộ nhấn chìm những con thuyền mong manh của những người đi tìm tự do năm nào? Tôi đứng trên boong nghĩ về ngày tháng cũ, bùi ngùi thương nhớ bạn. Nguyễn Hoài Bích, Lưu Lương Cơ … có lẽ chìm sâu đâu đó trong lòng vịnh này, chẳng biết chết ngày nào cho người thân tưởng nhớ thắp nén hương!

    Hình ảnh những người Thái Lan hiền hoà chắp tay cúi chào ở chùa Phật Vàng tại Vọng Các không xóa tan được niềm kinh hoàng gây ra bởi hải tặc. Những trang sách chỉ đọc một lần để rồi một đời không quên. Tha thứ như lời Phật dạy cho lòng thanh thản mà sao mỗi lần nhớ về bạn bè nỗi oán hờn vẫn còn vương vấn đâu đây.

    Khi hoàng hôn xuống du thuyền qua mũi Cà Mâu. Tàu chạy xa ngoài khơi nên tôi chỉ thoáng thấy bờ đất liền, nhưng đảo Hòn Khoai (Polo Obi), nơi “trấn thủ lưu đồn” của những người thủ thủy ngang bướng bị lưu đày, hiện rõ trong tầm mắt trong lúc tôi dõi tìm một mảnh đất quê hương.

    Bạn còn nhớ không,VNCH không có vùng Năm Chiến Thuật, thế nhưng HQ/VNCH có vùng Năm Duyên Hải, vùng sông rạch của miền Cà Mâu, Năm Căn, U Minh …, nơi buổi tối muỗi mòng bay vi vu nghe như tiếng sáo diều. Tôi không thấy được cửa Bồ Đề để về “khoe” với “chị” Tư Quyên. Ngày xưa tàu nó bị thủy lôi, chìm giữa dòng nước đục, nó được cứu thoát, chấm rứt đời hải nghiệp, lên bờ ngồi ngậm nhấm nỗi buồn.

    Cà Mâu cũng có chuyện vui. Ngày còn làm hạm trường một chiếc tàu tuần duyên Phạm Văn Hàm đã cho tàu chạy sát vào mũi Cà Mâu để làm người Việt Nam độc nhất được … đái ở cái mỏm đất cực Nam của nước Việt. May mà lần đó tàu nó không mắc cạn, nhưng vì cái tính thích chơi ngông nó đã để tàu “cưỡi” lên một hòn đá ngầm cạnh cù lao Hàn ngoài Đà Nẵng, và hòn đá không tên đó được bạn bè gọi đùa là “cù lao Hàm” để đánh dấu một đời hải nghiệp của bạn ta.

    Bạn thân,

    Khi màn đêm buông xuống tôi cũng trở về phòng, vì biết sáng ngày hôm sau cần phải dạy sớm để thấy hải đăng mũi Cấp chớp sáng, để thấy cửa sông Long Tào, nơi chúng ta đi và về mỗi lần chiến hạm xa Sài Gòn công tác ngoài khơi. Gần 40 năm rồi, vẫn “còn một chút gì để nhớ, để quên …”.

    Ngụy Xưa
    May 9, 2012

  4. #14

    Khách Lạ Trên Quê Hương

    Bạn thân,

    Buổi sáng ngày 20 tháng Tư chỉ có tôi và Quýnh dậy sớm, tần ngần đứng ngay tại mũi tàu Diamond Princess. Trời hãy còn mờ tối, hải đăng mũi Cấp vẫn còn chớp sáng, tàu tiến chậm vào cửa Long Tào, và nước mắt chúng tôi đều rưng rưng. Đường biển xưa còn đó, ngọn đèn xanh đánh dấu xác tàu chìm London Maru vẫn còn đó, và đang nhấp nháy như gửi lời chào những người thủy thù già trở lại bến xưa.

    Cửa Long Tào có hai nhánh sông, nhánh bên trái dẫn về Sài Gòn, nhánh bên phải ngày xưa rất cạn, đã được vét cho sâu để những con tàu trên 100 ngàn tấn như Diamond Princess qua lại dễ dàng. Cảng Phú Mỹ nằm trên nhánh sông này, giữa một nơi đồng không mông quạnh gần Bà Riạ, còn đang được xây cất, có lẽ để thay thế thương cảng chật hẹp tại Sài Gòn.

    Tàu cặp bến, mới đầu chúng tôi chỉ có ý định tìm đường ra Cấp thăm lại bến xưa vì tàu chỉ ghé Phú Mỹ vài tiếng đồng hồ, nhưng vì nhớ tới ngày tháng cũ nên kéo nhau lên xe bus cùng với các du khách ngoại quốc về thăm lại Sài Gòn. Xe tới Thị Nghè, qua trường Trưng Vương, Thảo Cầm Viên … Sài Gòn đây rồi, nhưng không phải là Sài Gòn của tôi xưa. Thành phố lớn hơn, cao hơn và đẹp hơn (dù đường Thống Nhất hình như nhỏ lại) thế nhưng Sài Gòn bây giờ cũng giống như bao nhiều thành phố xa lạ trên thế giới tôi đã từng đi qua. Tôi chỉ là người khách lạ trên quê hương!

    Xe bus ngừng ở thương xá Tax để du-khách tự do du ngoạn, “Sài Gòn on your own”, trong ba tiếng đồng hồ. Mọi người tản mát trên đường phố, còn tôi, tôi thu mình trong một quán cà phê có máy lạnh để tránh cái nóng, hững hờ đưa mắt nhìn, để thấy đây không còn một chút gì thân quen. Sài Gòn đã mất tên, và người đi xa quá lâu như tôi trở về chỉ thấy ngỡ ngàng. Bạn bè cũ chẳng còn ai, người thân cũng tản mác nơi xứ người. Tôi cũng không còn là tôi của ngày xưa, tất cả đã thay đổi theo thời gian, có muốn niú kéo cũng không được, còn chăng chỉ là một chút ngậm ngùi.

    Ba giờ chiều xe bus đưa chúng tôi trở lại tàu. Xe chạy qua bến Bạch Đằng, bạn bè tôi dán mắt vào cửa kính nhìn những toà nhà cũ kỹ của BTL/HQ ngày xưa. Vẫn màu vôi vàng, nhưng không có màu cờ cũ tung bay. Tôi lại thấy thẫn thờ, và mắt hình như cay.

    Bạn thân,

    Năm 2004, sau 31 năm xa cách, tôi đã trở về thăm VN lần đầu. Tôi trở về làng cũ “tìm dấu chân xưa” nhưng không thấy, và tôi biết là tôi sẽ không trở lại thêm một lần. Sài Gòn cũng vậy, chỉ còn là những kỷ niệm nhạt nhoà, và tôi không biết là sẽ có còn lần nào cho tôi trở lại nữa hay không! Bạn có bao giờ nghĩ chúng mình là những thân cây đã trốc gốc, và đang được dòng đời cuốn đi xa, rất xa … cùng với một nỗi buồn?

    Ngụy Xưa
    May 12, 2012

    Còn tiếp … Nha Trang Ngày Về.
    Last edited by NgụyXưa; 05-12-2012 at 07:26 PM.

  5. #15
    Nha Trang Ngày Về


    Bạn thân,

    Sáng ngày 21 du thuyền Diamond Princess bỏ neo trong vịnh Nha Trang, nơi tôi thực tập những bài học vỡ lòng của người đi biển 50 năm trước. Tôi đứng trên boong đợi xuống tàu nhỏ để lên bờ, nhớ lại những ngày tháng cũ. Vẫn màu nước xanh thăm thẳm và những hải đảo chập trùng, nhưng mặt Hòn Lớn đã bị người ta khắc lên chữ “VinPearl”, và sợi dây cáp căng ngay vịnh làm mất đi cái vẻ thiên nhiên của biển, làm tôi chợt thấy buồn.

    Bến Cầu Đá hầu như vẫn như xưa, và con đường đưa chúng tôi về thành phố qua trường cũ, bây giờ đã được đổi tên là Hải Quân Học Viện, hình như bằng phẳng hơn. Trường cũ cũng cao và lớn hơn khiến Toàn không nhận ra nên ngơ ngác thở dài.

    Con đường Duy Tân, bây giờ là Trần Phú, không còn những bãi đất trống, những căn biệt thư khiêm nhường, thay vào đó là những khách sạn nhiều tầng sang trọng mang tên ngoại quốc, đẹp hơn bất cứ bãi biển nào tôi đã từng đi qua. Bãi cỏ hình như cũng xanh hơn cùng với cát vàng lung linh trong nắng nhưng tôi không thấy một tà áo dài thướt tha những chiều lộng gió của những năm nào.

    Xe bus ngừng lại gần cuối đường cho chúng tôi chụp hình. Lác đác vài bóng du khách ngoại quốc ngước mắt nhìn, không biết là những khách sạn sang trọng trên bờ biển của thành phố này sống ra sao vì “Việt Kiều” trung bình như chúng mình chắc là cũng khó bước chân vào!

    Trái lại với vẻ hào nhoáng của con đường Trần Phú, các khu phố bên trong gần khu Chợ Đầm hầu như vẫn như xưa, vẫn nhỏ hẹp và có vẻ nghèo nàn vì đông đúc người buôn bán lấn chiếm lề đường, và những cửa hàng vắng khách chỉ thấy chủ nhân ngồi buồn. Tôi và Quí đi lại những con đường xưa, cố tìm nhưng không nhận ra những căn nhà của những người con gái mà một thời bạn bè cũng lớp với chúng mình đã từng gắn bó yêu thương.

    Trên đường trở lại tàu chúng tôi ghé thăm “Dinh Bảo Đại”, bùi ngùi đứng nhìn biểu đồ vẽ một triều đại từ vua Gia Long cho tới Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng, người đã không nghe lời Trạng Trình, “Hoành Sơn Nhất Đái, Vạn Đại Dung Thân”, sống ở Cannes bên Pháp thay vì hoàng thành Huế của VN. Chắc là vận nước điêu linh và “gập thời thế, thế thời phải thế” chứ có vị vua nào không muốn ngồi trên ngai vàng cho thần dân chiêm ngưỡng, phải không bạn thân?

    Bạn thân,

    Nha Trang đối với tôi cũng như người tình đầu đời, người con gái đã bị ép gả cho người khác, và dù bây giờ “cô ấy” có đài các kiêu sa thì cô ấy cũng chỉ là của người. Tôi thỉnh thoảng vẫn nghĩ về người yêu cũ, vẫn muốn trở về đi qua ngõ xưa, nhưng chỉ thế mà thôi vì tôi biết hai chúng tôi mỗi người đều đã có một mảnh đời riêng, rất riêng. Cũng như Sài Gòn, tôi trở lại để thấy mình lạc lõng, Nha Trang ngày về mang lại cho tôi chút kỷ niệm êm đềm, cùng với tiếng thở dài luống tiếc chút hương xưa, thế thôi!

    Ngụy Xưa
    May 16, 2012

    Còn tiếp … Bông Hồng Cho Nhật Tảo

  6. #16
    Bông Hồng Cho Nhật Tảo


    Bạn thân,

    Diamond Pricess rời Nha Trang đi Hồng Kông đêm 21 tháng Tư, và theo lộ trình ấn định tàu sẽ chạy rất gần Hoàng Sa vào trưa ngày hôm sau. Buổi sáng hôm 22 tháng Tư tôi ở lỳ trong phòng, theo dõi vị trí của du thuyền trên TV cho đến khi tàu đã qua vĩ độ của Đà Nẵng tôi mới lên boong đứng nhìn.

    Trong lòng tôi thấp thỏm, chỉ sợ là tàu chạy không đủ gần cho mình thấy đảo thân yêu, nhưng gần trưa thì những cột antenna hiện rõ khiến cho tôi thêm bồi hồi, và tôi không cầm được nuớc mắt khi thuyền trường Dino Sagani nói trên hệ thống âm thanh là tàu đang đi ngang Paracells (Hoàng Sa), và “quần đảo này trước đây thuộc về Việt Nam”.

    Dưới đáy biển sâu thẳm đó là con tàu Nhật Tảo và thân xác Ngụy Văn Thà cùng với những người thủy thủ đã bỏ mình để cố giữ lấy một mảnh đất của quê hương. Thà vào trường HQ sau tôi một năm, và chúng tôi đã nhiều lần gặp nhau trên đường suôi ngược bến bờ VN, còn Nhật Tảo và tôi đã có những tháng ngày không quên. Năm 1964 Hoa Kỳ chuyển giao cho VN hai Hộ Tống Hạm tại Philadelphia. Tôi được tuyển chọn vào thủy thủ đoàn của HQ-11 (Chí Linh) còn bạn đồng khoá Nguyễn Hoài Bích có mặt trên HQ-10 (Nhật Tảo). Hai con tàu dắt díu nhau từ bờ biển miền Đông nước Mỹ, xuôi Đại Tây Dương, qua kinh đào Panama, vượt Thái Bình Dương về VN sau khi tạm dừng ở những nơi xa lạ như San Diego, San Francisco, Hawaii, Guam, Philippines … Chuyền hải hành một đời vẫn nhớ thế nhưng bây giờ Nhật Tảo nằm đây trong đáy nước, và Nguyễn Hoài Bích cũng đã tử nạn trên đường đi tìm tự do. Tôi nhớ tàu, nhớ bạn, và nước mắt tôi nhạt nhoà …

    Biển mênh mông nhưng vắng lặng, không có bóng dáng một con tàu nào ngoài chiếc Diamond Princess. Những ngày còn đi biển năm xưa tôi biết vùng nước này lúc nào cũng thấp thoáng vài ghe đánh cá mang cờ VNCH. Bây giờ biển vắng, người dân không dám ra khơi vì sợ “tàu lạ” bắt người đòi tiền chuộc. Không biết người dân đảo Lý Sơn lúc này sinh sống bằng cách nào khi mà vùng biển nuôi sống họ bao nhiêu đời bỗng dưng trở thành vùng biển cấm! Tôi không chỉ cảm thấy xót xa mà còn có cả chút căm hờn!

    Khi Hoàng Sa mờ dần vào chân mây tôi vẫy tay chào. Một bông hồng cho thủy thủ đoàn Nhật Tảo! Toàn dân VN sẽ mãi mãi ghi ơn các anh, và thế nào cũng có một ngày Hoàng Sa sẽ lại là của VN để cho chúng tôi dựng lại tấm bia chủ quyền, khắc tên các anh cho đời đời tưởng nhớ.

    Bạn thân,

    Khi Diamond Princess qua khỏi vĩ tuyến 17 tôi đã đi trọn đường biển xưa. Ngày đó chúng mình đứng trên đài cao, nhọc nhằn với sóng gió, nhưng thiết tha với đời thủ thủ cho đến tận bây giờ, như là tôi đã từng viết cho bạn ta Vũ Hữu San, hạm trưởng Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư tham dự trận Hoàng Sa, trong một ngày họp mặt:

    Mắt xưa vương bóng sông hồ
    Tóc xưa gió lộng bến bờ yêu thương.
    ….

    Chúng mình yêu biển và yêu quê hương VN, thế nhưng đành làm người đi tản buồn. Tôi trở lại đường biển xưa như một người khách lạ, lòng bùi ngùi, ước mơ là sẽ lại có một ngày về, nước mắt nhạt nhoà với niềm vui, như tôi đã tâm tình với một người bạn trẻ, khi viết về tấm lòng yêu thương quê hương.

    Ngụy Xưa
    May 22, 2012

  7. #17

    MỘt Chút Tình

    Môt Chút Tình


    Bạn thân,

    Sinh nhật vừa rồi tôi được các con tặng cho một chiếc tablet, và tôi đã dùng nó dỗ giấc ngủ ban đêm bằng cách xem những phim và shows đã trình chiếu trên TV nhưng tôi chưa có dịp coi qua một lần.

    Tôi đang xem lại “Prison Break” của những năm cũ, chuyện của những người tù vượt ngục vì bị hàm oan, vì hoàn cảnh gia cảnh, vì tình yêu hay chỉ vì một lý do riêng. Mấy cái shows loại này thường chỉ để giải trí, xem xong rồi quên, không cần suy tư vớ vẩn cho mất thì giờ. Thế nhưng có một đoạn rất ngắn về một người tù Puerto Rican làm tôi nghĩ ngợi rất nhiều về tình người.

    Anh chàng Puerto Rican còn trẻ đó bị tù về một tội băng đảng vớ vẩn, thực ra thì không cần vượt ngục vì chỉ hơn năm nữa cũng sẽ được thà ra. Anh ta có người yêu rất đẹp, và trong một lần thăm viếng nhau (một đặc ân của nhà tù) cô ta đã có thai nên đành nhận lời lấy một người khác. Đó là lý do thúc đẩy anh ta vượt ngục chung với một đám người, để đi tìm người yêu với đứa con còn trong bụng mẹ, ước mơ xây dựng lại cuộc đời, chứ không đành lòng để cô ta kết hôn với người khác.

    Đám tù vượt ngục cuối cùng chia tay. Trên đường lẩn tránh nhiều người bị bắt lại và bị giết bởi một viên thám tử hắc ám. Anh Puerto Rican đã trải qua những ngày nhọc nhằn đói khát, lúc đi bộ, lúc đi nhờ xe, cuối cùng qua được tới biên giới Mexico. Từ nơi đó tới nơi người yêu của anh ta đang trú ngụ còn rất xa. Anh ta được một ông già Mexican, bạn đồng hành trên xe bus, mời về nhà ngủ qua đêm và đãi anh ta một bữa ăn vì cảm nhận được tấm lòng tha thiết của anh ta với người yêu, và cũng vì ông ta cô đơn, bà vợ 42 năm tình nghĩa mới qua đời được một tuần.

    Mặc dù rất xúc động với tấm lòng của người bạn mới quen, nửa đêm anh Puerto Rican đã ăn cắp chiếc xe cũ kỹ của ông già, tiếp tục trên đường đi tìm người yêu, vì anh ta không có phương tiện nào ngoài đôi chân. Xe chỉ mới chạy được một đoạn đường đã bị cảnh sát chặn bắt và anh bị dẫn độ về gặp người chủ xe. Anh ta câm nín đứng cúi đầu trước mặt ông già, buồn bã và hối hận. Ông già lặng lẽ móc túi đưa cho anh ta một nắm tiền, và nói với người cảnh sát: “Tôi cho anh ta mượn xe, quên đưa tiền đổ xăng nên nhờ ông mang anh ấy về”.

    Màn hình mờ đi, và mắt tôi cũng nhạt nhoà. Câu chuyện chỉ có thế, nhưng có lẽ tôi là người đa cảm, và tôi muốn viết lại câu chuyện này để gửi một người bạn trẻ mà tôi vừa mới quen.

    Bạn thân,

    Cuộc sống này, dù trong tận cùng sầu thảm, vẫn còn có những giây phút cho ta yêu thương, cho ta nhìn về phía trước để đi hết đoạn đường đời. Quê hương còn đó, và gia đinh vẫn mong chờ đứa con ở xa. Hãy yêu người và yêu thương cuộc đời cho lòng mình thanh thản hơn. Mong bạn có những ngày vui và đêm đêm với giấc ngủ an bình. Bạn và tôi là những nhánh sông nhưng đều chảy ra biển, nên dù là bạn miền xa nhưng cũng thấy thật gần. Take care of yourself, dear.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    July 24, 2012
    Last edited by NgụyXưa; 07-26-2012 at 06:56 PM.

  8. #18
    Quote Originally Posted by NgụyXưa View Post
    Xe bus ngừng ở thương xá Tax để du-khách tự do du ngoạn, “Sài Gòn on your own”, trong ba tiếng đồng hồ. Mọi người tản mát trên đường phố, còn tôi, tôi thu mình trong một quán cà phê có máy lạnh để tránh cái nóng, hững hờ đưa mắt nhìn, để thấy đây không còn một chút gì thân quen. Sài Gòn đã mất tên, và người đi xa quá lâu như tôi trở về chỉ thấy ngỡ ngàng. Bạn bè cũ chẳng còn ai, người thân cũng tản mác nơi xứ người. Tôi cũng không còn là tôi của ngày xưa, tất cả đã thay đổi theo thời gian, có muốn niú kéo cũng không được, còn chăng chỉ là một chút ngậm ngùi.

    Ba giờ chiều xe bus đưa chúng tôi trở lại tàu. Xe chạy qua bến Bạch Đằng, bạn bè tôi dán mắt vào cửa kính nhìn những toà nhà cũ kỹ của BTL/HQ ngày xưa. Vẫn màu vôi vàng, nhưng không có màu cờ cũ tung bay. Tôi lại thấy thẫn thờ, và mắt hình như cay.
    Chào anh Ngụy Xưa - hôm nay NB rảnh đọc hết mấy bài của anh NX viết . Anh NX thật may mắn đã có 1 khoảng đời "dọc ngang", được đi và được thấy rất nhiều điều, nhiều nơi nên bây giờ chừng như nơi nào cũng có kỷ niệm buồn, vui ... Chẳng như NB, chỉ biết có mỗi vài nơi ở Saigon, ngay cả Cấp (Vũng Tàu ???) cũng chưa bao giờ tới . Tuy nhiên, như đoạn quote trên, NB cũng đã về lại Saigon và cũng có cùng cảm giác "không còn một chút gì thân quen", ngay cả ngôi trường ngày xưa ... Bến BĐ là nơi NB có kỷ niệm sâu sắc, NB chưa có dịp nhìn lại nhưng đoán có lẽ cũng thay đổi lắm ...

    buồn, ha anh NX ...

  9. #19
    Quote Originally Posted by Nghi Bình View Post
    buồn, ha anh NX ...
    Cám ơn Nghi Bình đã vào đây chia sẻ cảm nghĩ. Vâng, nếu không còn người thân thì hầu như không có lý do gì để trở về VN. NX đi lang thang tại các thành phố San Francisco, New York City ... mà còn thấy thân quen hơn là đi giữa Sài Gòn.

    Nhớ hoài câu hát "Sài Gòn ơi tôi đã mất người trong cuộc đời ..." Đúng vậy đó, NB. Mỗi lần nghĩ tới vẫn buồn ...

  10. #20

    Thần Tiên Gọi Bạn Bên Trời

    Bạn thân,

    Hôm nay trời ở đây không có nắng, sương mù vẫn còn lẩn quất trên đỉnh đồi. Thời tiết ảnh hưởng tới con người nên tôi dậy muộn, và hình như có cái gì đó không hẳn là buồn nhưng rất vu vơ. Những năm còn trẻ mỗi lần trời mưa tôi thường đội mũ, mặc áo mưa lang thang trên những con đường vắng của thành phố Đà Lạt. Cái cảm giác lạnh lẽo và cô đơn thật là thấm thía. Không biết đó có phải là cái thú đau thương mà người ta thường nói đến hay không. Bây giờ thì khó có những giây phút cuồng si như thế nữa, tôi bằng lòng với hạnh phúc nhỏ nhoi như một ly cà phê ấm nồng buổi sáng nghe chim hót sau vườn.

    Nỗi buồn vu vơ có lẽ vì tôi nghĩ tới bạn bè. Tám mưới mốt đứa trong quân trường nghe gió thổi qua hàng dương, mơ mộng đời hải hồ, bây giờ còn đúng sáu mươi đứa. Hai mươi mốt đứa đã giã từ vũ khi, bỏ cuộc chơi, và đứa cuối cùng là Nguyễn Nguyên.

    Chắc bạn nhớ Nguyên, biệt danh Nguyễn Ngố! Nó học trường Tây từ nhỏ, nói tiếng Việt lủng củng nên bị gọi là Ngố. Gọi lén thôi vì Nguyên ghét cái tên ấy, sẵn sàng ăn thua đủ nếu bị gọi đích danh trước mặt mọi người. Nguyên to con, cao lớn nên chẳng ai dại gì muốn đánh lộn với Nguyên, tuy thế cái biệt danh vẫn được lưu truyền cho tới ngày Nguyên nhắm mắt xuôi tay.

    Năm1975 chúng mình tan hàng, tản mác khắp bốn phương trời. Nguyên biết nói tiếng Tây nên qua Pháp, và là người độc nhất trong anh chúng mình tiếp tục nghề đi biển trên một thương thuyền của Pháp, trong lúc chúng mình vật vã làm lại cuộc đời bằng những nghề chân tay, hay trở lại trường bắt đầu từ con số không. Tưởng thế là yên nhưng đời sống của Nguyên lại gập những thăng trầm vì bản tính ngang tàng. Thuyền trưởng Tây đâu có hơn gì quan Năm tàu thủy Ta nên đã xảy ra xung đột, và Nguyên bỏ tàu, bỏ nước Pháp mang vợ con sang Mỹ tìm đất mới. Nguyên trôi dạt từ Cali qua Florida rồi Little Sàigòn, nhiều năm trên đất hứa nhưng vẫn không tìm ra được một con đường, cuối cùng gia đình tan vỡ nên lại trở về Pháp sống với bạn bè, âm thầm như bóng chim tăm cá. Anh em chúng mình nhiều lần qua Pháp đi tìm nhưng không gặp, có lẽ là Nguyên muốn giữ riêng cho mình một góc trời, cô đơn nhưng kiêu hãnh làm người “can trường trong chiến bại” như một số Bảo Bình ở bên đây.

    Bạn thân,

    Khi nghe tin Nguyên mất tại Sài Gòn tôi bâng khuâng buồn. Thế là xong một kiếp người ngang dọc. Bạn bè chúng mình nhiều đứa chết trên những dòng sông, ngoài biển cả, thân xác nằm trong đáy nước, còn Nguyên lang bạt một đời thế nhưng lại được về chết ở quê hương. Đặng Vĩnh Mai, Lê Tấn Đơn và vài đứa nữa chỉ còn một nắm xương được mang về cố quốc, nhưng có đứa “khi chết hãy mang tôi ra biển” để “Tro tàn theo dấu cố hương, hồn theo ngọn sóng về đường biển xưa”.

    Nguyễn Du tự hỏi không biết ba trăm năm sau còn ai khóc mình không. Cụ là danh sĩ và “nước Việt còn thì truyện Kiều còn” nên có lẽ cả ngàn năm sau vẫn có người tưởng niệm. Anh em chúng mình là những người vô danh, thương nhau nên nhỏ dòng nước mắt khóc người nằm xuống. Vẫy tay chào Nguyên! “Thần tiên gọi bạn bên trời”, cuối cùng thì Nguyên cũng đã bỏ lại những đau buồn nơi trần thế, thênh thang trở về trên đó, gặp lại Đơn, Lang, Mai, Lộc … và những Bảo Bình một thời sát cánh bên nhau.

    Xin một lời cầu nguyện cho Nguyên, và một phút tưởng niệm đến bạn bè đã nằm xuống cho quê hương.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Aug. 5, 2012

 

 

Similar Threads

  1. Miền Nam Việt Nam trong những ngày gần 30/4/1975
    By Vịnh Nghi in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 23
    Last Post: 04-26-2014, 05:40 PM
  2. Miền cát trắng ở Mỹ
    By V.I.Lãng in forum Thú Tiêu Khiển
    Replies: 2
    Last Post: 03-25-2012, 08:37 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:54 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh