Register
Page 3 of 29 FirstFirst 1234513 ... LastLast
Results 21 to 30 of 284
  1. #21
    Bèo Nước Tương Phùng


    Bạn thân,

    Có nhiều chuyện cũ tôi tưởng như là đã quên, thế nhưng bất ngờ chợt nhớ lại rất rõ ràng từng chi tiết vì nhìn thấy một vật gì đó thân quen trong quá khứ, như một khuôn mặt, một tấm hình hay nghe được một câu nói đã khắc sâu vào tâm.

    Đã mấy chục năm trôi qua, hôm nay nhớ lại kể bạn nghe chuyện này, không phải là một chuyện tình mà là một câu chuyện trong thời chiến, buồn nhiều hơn vui.

    Hồi đó tôi đang làm hạm trưởng một chiếc tàu chở dầu, trên đường từ Phú Quốc trở về Sài Gòn sau chuyến công tác mệt nhoài nên ghé Vũng Tàu nghỉ xả hơi. Tôi nằm trên ghế bố ngoài bãi biển, nửa thức nửa ngủ, che mặt bằng một tờ báo vừa đọc xong. Trong lúc mơ màng tôi nghe tiếng động lao xao, và giọng nói nhỏ nhẹ của một người xin mượn tờ báo. Hơi bực mình nhưng thấy đó là một cô gái khá đẹp nên tôi chỉ biết mỉm cười bắt chuyện làm quen. Cô ta đi chung với một người bạn, cũng vừa tới thành phố, ra bãi biển ngồi chơi trước khi đi tìm khách sạn. Nói chuyện một hồi tôi mới biết cả hai trốn nhà từ vùng Cần Thơ lên Sài Gòn rồi ra Cấp, mong tìm được việc làm trong các quán bar vì bị bố mẹ ép gả cho người cô ấy không thương. Vân, cô gái trắng như bông bưởi, và còn nguyên cái vẻ hiền lành của dân miệt vườn khiến tôi động lòng thương xót vì họ quá ngây thơ khi tâm sự với tôi là chỉ mong kiếm được ít tiền rồi sẽ trở về quê khi bố mẹ đã nguôi giận. Các cô ấy đâu biết rằng họ đang đi vào nơi đầy cạm bẫy, khó có đường về vì chiến tranh đã biến thành phố biển này thành một nơi cho lính tráng, và nhất là quân nhân ngoại quốc tới tìm vui.

    Cấp là nơi tôi thường hay neo tàu, và những lúc buồn thường cùng bạn bè tới một quán bar uống cho quên những ngày sóng gió, tới nhiều nên trở thành thân quen đến độ dù khuya quán đã đóng cửa nhưng bà chủ quán vẫn vui vẻ tiếp đón như thường. Cái bar đó tương đối hiền hoà, khách thường là những người lính xa nhà tới tìm quên. Tôi đã dẫn Vân và cô bạn tới đó gửi gấm, nhờ bà chủ quán cho họ một nơi trú chân và một việc làm tạm thời, hy vọng rằng ít lâu sau họ sẽ tìm về với gia đình. Lúc chia tay Vân quyến luyến chạy theo cho tới khi tôi lên xe trở lại bến tàu. Tôi nhớ mãi câu nói “chừng nào dzìa anh nhớ tới thăm em”, giọng nói miền Nam hiền hoà và ngọt như ly chanh đường. Tôi gật đầu nhưng không hứa hẹn vì biết con tàu nay ở mai về theo con nước nổi trôi, chẳng bao giờ đến và đi như lòng người mong mỏi vì VN còn đang trong thời loạn ly.

    Vài tháng sau tôi mới có dịp trở lại Vũng Tàu. Tôi rủ bạn bè trở lại quán cũ thân quen vì thật tình tôi cũng muốn gập lại Vân, xem đời sống của cô gái tỉnh lẻ đó bây giờ ra sao. Vân không còn ở đó nữa, cô ấy đã bị đạn lạc chết trong lần đụng độ của hai người lính trong cơn say tìm quên vì họ vừa sống sót từ mặt trận trở về. Người bạn được bà chủ quán giúp đỡ đưa xác Vân về quê. Chỉ là bèo nước tình cờ gặp nhau một lần thế nhưng tôi cũng thấy thật là bồi hồi xót xa.

    Bạn thân,

    Chuyện xảy ra đã quá lâu, tưởng như là đã quên, thế nhưng mấy hôm rồi khi thấy những tấm hình một cô gái mặc áo bà ba có khuôn mặt xinh xắn trên Internet, tôi đã nhớ tới Vân, và có lúc tưởng như là người quen cũ trở về trong kiếp này. Ngày xưa vì chiến tranh bao nhiêu cô gái quê trôi dạt lên tỉnh kiếm sống, bây giờ hoà bình đã gần 40 năm thế nhưng vẫn có những người con gái phải bỏ nhà lên Sài Gòn, trần truồng cho người ngoại quốc chọn lựa như một món hàng. Hai cảnh đời, nhưng cảnh đời nào chua xót hơn? Và có bao giờ bạn buồn thấm thiá như tôi lúc này?

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    SEpt. 2, 2012
    Last edited by NgụyXưa; 09-01-2012 at 07:07 PM.

  2. #22

    Smile Tình Nghĩa Giang Hồ

    Bạn thân,

    Qua phone chắc là bạn không thấy tôi tủm tỉm cười khi nghe bạn kể chuyện bị “giới giang hồ” bóc lột. Bạn độc thân, ăn bánh trả tiền mà còn bị xin thêm tí chút thì kể ra cũng đáng bực mình, nhưng kết luận là “chị em ta” ai đểu cáng như nhau thì có lẽ không đúng. Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện xa xưa từ những ngày chúng mình còn trẻ, chia sẻ với bạn chút cảm nghĩ về tình người.

    Hôm đó tôi say và mệt, đi tìm một khách sạn rẻ tiền ở Vũng Tàu nghỉ qua đêm thay vì trở lại tàu đang neo ngoài khơi, sợ đàn em chê trách “hạm trưởng bê bối”! Cô gái đó ngồi buồn ở phòng khách, nhìn tôi mời gọi “đi không anh?” Tôi lắc đầu nhưng rồi nhìn ánh mắt gần như tuyệt vọng của người con gái tôi tặc lưỡi móc ví đưa cho cô ta tờ giấy 500 đồng (thời giá qua đêm lúc bấy giờ [-X). Cô gái vui mừng cầm tiền kéo tay tôi vào phòng, không phải là phòng của cô ta mà là một phòng có vài ngưởi đang chơi tứ sắc với nhau. Cô ta sà xuống nhập cuộc, kéo tôi ngồi cạnh, thì thầm “đợi chút nghe”.

    Tôi vừa buồn ngủ vừa mệt nên ngồi đó gật gù, và vài phút sau đó lăn xuống chiếu ngủ ngay tại chỗ, cho đến lúc cô ta đánh thức tôi dậy, dẫn về phòng vì canh bạc đã tàn. Về tới phòng cô ta lại hỏi một cách máy móc “đi nhé”! Tôi vẫn còn buồn ngủ và thấy cô ta nhếch nhác, son phấn nhạt nhoà nên lắc đầu, leo lên giường ngủ tiếp.

    Khi tôi thức dậy ngạc nhiên khi thấy người con gái hôm qua bây giờ khác lạ hoàn toàn, mặt mũi mộc mạc không son phấn, quần áo bộ trong nhà chứ không phải là váy ngắn áo pull như đêm qua. Cô ta pha cho tôi ly nước chanh, hỏi tôi “lính hả”, tôi gật đầu nói “thủy thủ trên tàu”. Cô ta ái ngại “cực quá ta”, và lôi ra từ trong túi hai tờ giấy 500 đồng dúi vào tay tôi “chia cho anh đấy, tiền anh hên quá, đêm qua em được mấy ngàn”. Lẽ dĩ nhiên là tôi không nhận, chỉ nói “em cẩn thận coi chừng lại cháy túi”. Cô ta cười “cho vui, đời buồn quá mà anh”.

    Tôi chưa hề nói với ai về chuyện này, dù rằng say rượu hay đi tìm vui khi tàu ghé bến cũng chỉ là chuyện bình thường của những người đi biển còn trẻ như chúng mình hồi đó. Những hành động đó dù có xấu xa đi chăng nữa cũng vẫn là một phần của quá khứ dầy đặc của bạn và tôi, làm thành con người chúng ta bây giờ. Nhân hôm may nghe bạn than phiền về những cô gái làm tiền tôi muốn chia sẻ với bạn một điều, đó là sự lựa chọn của con người. Cô gái tôi gặp chọn lựa nếp sống đó chứ không ai bắt buộc. Cái “nghề” cô ta làm bị xã hội coi là xấu xa nhưng vẫn có nhu cầu vì những người như bạn, như tôi ngày xưa. Cô ta không làm hại ai, và biết thương xót những người gian khổ như những chàng thủy thủ nghèo hay những anh binh nhì mà cô ta thường gặp trong đêm. Đó là tình người, mà tình người thì đâu đâu cũng có, trong bất cứ giai cấp nào của xã hội ngày đó và bây giờ.

    Bạn thân,

    Có thể bạn nghĩ là tôi yếu mềm, thương người dưng khác họ, nhưng muốn cho cuộc đời thanh thản thì xin bạn đừng ghét bỏ ai, hãy nhìn những khía cạnh đẹp của cuộc đời để yêu thương. Cái người con gái giang hồ cướp ví tiền của bạn biết đâu chẳng đem về giúp người hàng xóm bệnh hoạn không có tiền mua thuốc bấy lâu nay. Cứ tin như thế đi cho bạn bớt buồn, và nếu có gặp cô gái ấy bạn cứ cho cô ấy thêm vài trăm, và hỏi là em có cần thêm nữa không. Just kidding, thương người chứ bộ ngu sao!

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Sept. 11, 2012
    Last edited by NgụyXưa; 09-11-2012 at 07:59 PM.

  3. #23

    Đỉnh Bình Yên

    Các bạn thân,

    Mấy tuần rồi viết về thân phận những người con gái quê VN, và những ngày lưu lạc ở Vũng Tàu năm xưa, khiến bạn bè trách móc, hỏi kể chi những chuyện đau lòng như thế cho đời thêm buồn. Vâng buồn thật, thôi thì hôm nay nói “chuyện chúng mình” chút cho vui. Chuyện chúng mình là chuyện mấy “cụ” Bảo Bình, trẻ nhất cũng đã hơn sáu bó, già hơn chút cũng vào hàng cổ lai hy. Thực ra thì tôi chỉ muốn kể chuyện một người ở nơi có mùa thu đẹp như mơ của xứ Hoa Kỳ, và cứ tạm thời gọi là “bạn ta”, nhưng các bạn thừa biết là ai.

    Mấy tháng trước bạn ta hồ hởi gọi tôi, khoe ầm ĩ là vừa có tình yêu mới. Thật là khó tin, chuyện tình của bạn ta đến quá bất ngờ, và bạn ta trẻ lại như vừa mới hai mươi. Bạn ta nói nói về người tình cũa mình bằng những ngôn ngữ nồng nàn say đắm như thể mới biết yêu lần đầu, mặc dầu bạn ta cũng đã dăm bảy cuộc tình và người yêu của bạn ta cũng đâu còn là con gái ngây thơ. Bạn ta không chỉ gọi một lần, mà hầu như ngày nào phone của tôi cũng reo vang, và câu chuyện càng ngày càng dài, hầu như dứt không ra.

    Thế nhưng, ôi chữ nhưng …, cái gì khó tin thường không có thật. Những ngày hoa bướm muộn màng của bạn ta chợt tan như bọt sóng đại dương. Bạn ta gọi tôi, cho biết cuộc tình vừa tan vỡ, và đời chia như nhánh sông. Tôi hỏi tại sao, bạn ta chỉ ngậm ngùi nói về những khác biệt và con đường xa vận dậm. Tôi an ủi bạn là không ai hiểu được tình yêu, và mất mát là những gì không tránh được trong cuộc đời. Mất để rồi lại có như lẽ tuần hoàn của kiếp người, hơn thế nữa “có tình nào không phai” như một câu trong bài hát cũ!

    Thực ra thì tôi cũng đã tiên đơán được đoạn kết của cuộc tình này ngay khi bạn ta kể lể dông dài về người con gái bạn ta yêu. Thứ nhất, Hoa Kỳ và quê người cũng đâu xa xôi gì, cách nhau chỉ vài giờ bay. Bạn ta đã đến đó ít ra cũng đã một lần, và người yêu của bạn cũng đã từng sống ở đất nước Mỹ này một thời gian trước khi gặp bạn, nhưng tôi đồng ý với bạn về sự khác biệt, và nhất là mục đích tìm đến nhau của hai người.

    Bạn ta đến với người tình bằng trái tim mù loà, không toan tính chỉ mong có nhau bên đời. Người đàn bà tinh tế hơn, cô ta có thể yêu bạn, hay ít ra thích bạn, nhưng họ không chỉ yêu bằng trái tim, mà còn bằng khối óc, nhất là người đàn bà của bạn cũng đã có một quá khứ trong tình trường. Cô ấy đã nói với bạn về ông Tây già ở đâu đó rất gần, về ngài bác sĩ ở miền Nam nước Mỹ mà có lúc cô ta đã có lần tính truyện trăm năm. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ chuyện vụn vặt, mối tình lớn nhất của cô ta là với người chồng cũ mà dù cô ta bây giờ có cố quên nhưng những dấu ấn vẫn còn đâu đó, còn theo cô ta suốt cuộc đời, khó cho cô ta có một tình yêu mới như thể là mới biết yêu lần đầu. Cô ta đã nói với bạn ta về ex. của cô ta hơn một lần, mặc dù bạn ta không quan tâm, nhưng tôi nghĩ là cô ta vẫn còn rất nhớ, rất đau buồn và rất xót xa.

    Tôi cũng đọc đâu đó về chuyện những người đi săn nhưng không thích ăn thịt. Những con thú bị bắn chết bị bỏ lại bên đường trong lúc họ tiếp tục đi tìm vui. Người yêu xinh đẹp của bạn ta đã có vài cuộc tình, và lúc này hình như cũng không thiếu người săn đón, thế nhưng mấy chục năm nay cô ta vẫn cô đơn. Chẳng nhẽ bạn ta cũng chỉ là một con mồi để cô ta chinh phục? Thoáng nghĩ thế thôi chứ tôi không tin đó là sự thật, trái lại là đàng khác, vì theo bạn ta cô ấy là người đàn bà dễ thương, mong manh như một cành lan.

    Có lẽ bạn ta không đồng ý nhưng tôi cũng nghĩ rằng người đàn bà nào cũng nghĩ tới tương lai khi yêu, không như bạn ta, chỉ biết rong chơi trong trời quên lãng! Bạn ta sẽ mang được gì đến cho người bạn ta yêu? Có lẽ cô ta không cần tiền tài và danh vọng, nhưng ít ra cũng cần một mái ấm an toàn để dung thân khi bạn ta không còn trên cái cõi đời ô trọc này. Nói bạn ta đừng buồn, ngoài trái tim nóng hổi hình như bạn ta không muốn hy sinh cái đỉnh bình yên mà bạn ta đã có sau những ngày mệt nhoài trên đất Mỹ, bạn ta không “vẽ” được đoạn kết của cuộc đời cho cô ta, như thế tôi chẳng ngạc nhiên gì khi thấy cuộc tình tan như khói sương. Những tháng ngày hạnh phúc vừa qua là một ân huệ thượng đế đã ban cho bạn ta, chỉ tiếc là cuộc tình đó đã bay qua hơi mau, nhưng chắc là bạn ta sẽ gữi gìn kỷ niệm suốt cuộc đời.

    Các bạn thân,

    Lời chúc mừng chúng mình gói ghém để gửi cho bạn ta đành bỏ cho lãng quên. Bạn ta thuộc nòi lãng mạn đa tình, đa đoan có tiếng nên trước sau gì rồi bạn ta cũng sẽ quên. Công bình mà nói tôi thông cảm và thương người đàn bà trong những cuộc tình tan vỡ. Có lẽ họ thiệt thòi hơn đàn ông chúng mình, nhất là khi ra đi trong cô đơn. Họ có quyền sống, có quyền quyết định cho tuơng lai của chính họ, và đôi khi cho cả hai người vì họ nghĩ như thế tốt đẹp hơn cho mọi người.

    Bạn ta muốn có người đi chung trong chuyến cruise năm tới cùng với chúng mình thế nhưng đời chia như nhánh sông, sẽ không có ai để bạn ta cùng rong chơi trong cõi tạm. Bạn ta không buồn đến nỗi “đập cổ kính ra tìm lấy bóng”, nhưng chắc là lúc này cũng thấy cô đơn. Nói thế thôi bố ai mà biết được “ông ấy”. Không chừng bạn ta lại đang sắp gọi Ngụy Xưa, cười tủm tỉm kể chuyện tình sắp có không chừng. Nhưng ở vào tuổi này nếu có ai hát bài “Have I told you lately that I love you” thì hãy cứ nghĩ đó là chuyện nói đùa cho chắc ăn . Chỉ muốn nhắn bạn ta là dù thế nào đi nữa vẫn cố giữ tâm hồn thanh thản, yêu người và yêu đời, dù đường đời có đầy chông gai.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Sept. 18, 2012

  4. #24

    Mùa Thu Yêu Đương

    Mùa Thu Yêu Đương


    Bạn thân,

    Bạn có biết là ngày đầu tiên của mùa thu thay đổi hàng năm không? Năm 2011 mùa thu bắt đầu ở Bắc bán cầu vào ngày Sept. 23, nhưng năm nay (2012) lại là ngày Sept. 22! Rắc rối quá phải không bạn, thế nhưng với những người đi biển thời xa xưa của chúng mình thì mùa thu bắt đầu vào ngày mặt trời “di chuyển” trong cùng mặt phẳng với đường xích đạo của trái đất, để rồi nghiêng dần xuống Nam bán cầu, mang cái không khí se lạnh về với chúng ta, và mùa thu bắt đầu ngày hôm nay khi tôi viết những dòng này để tâm tình với bạn về những giấc mơ tình yêu.

    Với nhiều người, và với Ngụy Xưa, mùa thu là mùa yêu đương và cũng là mùa ly biệt. Cái không khi se lạnh làm người ta cảm thấy cô đơn nên dễ tìm tới nhau. Se lạnh chứ không quá lạnh, chỉ một chiếc áo khoác mỏng, hay một vòng tay là đủ ấm, đủ cho những bước chân quấn quít trên lá vàng, đủ cho nụ hôn nhẹ trên bờ môi làm cháy bỏng cuộc tình. Mùa thu cũng là mùa bắc cầu Ô Thước trên trời cho Ngưu Lang Chúc Nữ của chuyện thần tiên gặp nhau sau những ngày xa cách. Không biết áo nàng Chúc Nữ qua cầu có bị gió bay hay không nhưng yêu nhau cởi áo cho nhau, cho niềm đam mê vô tận, và để rồi khi xa nhau nước mắt biến thành những giọt mưa thu.

    Mùa thu yêu đương nào của tôi cũng ngọt ngào và chua xót, chẳng khác gì Ngưu Lang Chúc Nữ trên trời. Tôi xa Đà Lạt vào mùa thu, mang theo mối tình học trò làm hành trang vào đời, để sau này những lúc nhớ thương chỉ muốn quay tàu về hướng núi, dù đường biển xanh xa cách muôn trùng. Mối tình thời mới lớn rồi cũng tan dần như bọt sóng đại dương. Tàu tôi ghé bến sông Hàn, và tôi lại có một mùa thu yêu đương, một mùa thu ly biệt vì ngu ngơ đi tìm hạnh phúc ở bên kia đường chân trời.

    Chưa hết, mùa thu năm 1971 tôi rời New Port, Rhode Island, sau hai năm lưu lạc xứ người, bỏ lại sau lưng một người con gái tóc vàng mắt xanh gặp nhau ở một lớp học ban đêm tại Boston University. Chỉ là một mối tình thoáng qua nhưng cũng đủ xót xa cho thân phận con người vì tôi không thể mang cô ấy về VN trong lúc chiến tranh đang mịt mù trên quê hương nghèo đói, và hơn thế nữa có một người đang đang đợi tôi trở về, chấp nhận và tha thứ cho tôi những mùa thu đi hoang.

    Tôi chưa bao giờ đếm những cuộc tình nhưng khi nghe Khánh Ly hát “Nhìn Những Mùa Thu Đi” tôi không bao giờ đồng ý với TCS về những câu:

    Chuyện chúng mình ngày xưa
    Anh ghi bằng nhiều thu vắng
    Đến thu này thì mộng nhạt phai.

    Với tôi “chuyện chúng mình” của những cuộc tình xa xưa hay gần gụi cũng chỉ đi sâu vào ký ức chứ chưa bao giờ nhạt phai, mặc dù tôi đã có một gia đinh rất êm ấm, tràn đầy yêu thương.

    Bạn thân,

    Tôi thường bị gán cho cái tội “lãng mạn đa tình”, nhất là trong thế giới ảo, vì những truyện ngắn tôi viết, và vì tôi biết yêu rất sớm, khi còn rất trẻ. Thằng cháu ngoại tôi chưa đầy 5 tuổi, mới học mẫu giáo, hôm qua về nhà thủ thỉ với mẹ nó “I have a crush on Emily …”. Nó nói tiếp Emily là con bé Vietnamese bé tí tẹo trên vai mang cái “Hello Kitty” backpack, và “looks so cute”. Mẹ nó hết hồn, rồi bật cười ha hả, kết luận là thằng nhỏ “có máu ông ngoại”. Không biết là có “oan ôi ông địa” hay không nữa, nhưng phải công nhận là hậu sinh khả úy, và “quan ta” đã thực sự hết thời!

    Bạn và tôi chỉ còn một chút quá khứ làm hành trang, lâu lâu kể chuyện ngày tháng cũ cho vui cuộc đời, chứ thực sự chúng mình bây giờ hiền khô, phải thế không bạn thân?

    Ngụy Xưa
    Sept. 22, 2012 – Ngày Thu Phân (Autumnal Equinox)

    ****
    Note: The word equinox comes from the Latin words for "equal night." The fall and spring equinoxes are the only days of the year in which the Sun crosses the celestial equator.

  5. #25

    Năm Hai Mươi Tuổi

    Năm Hai Mươi Tuổi


    Em thân mến,

    Em hỏi vì sao tôi muốn sống lại một ngày năm tôi hai mươi tuổi dù có phải bớt đi một năm của cuộc đời. Xin kể em nghe, một lần rồi thôi vì tôi thực sự không muốn mang cái tôi đáng ghét ra trình diễn với người đời.

    - 16 tháng 4 năm 1963, tôi vừa 20 tuổi, là ngày Đệ Nhất Bảo Bình của trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang mãn khoá, tôi được chọn làm sĩ quan đại diện, vung kiếm chào trước sân cờ rồi qùy xuống cho Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH, lúc đó là Thống Tướng Lê Văn Tỵ, gắn lon trên cầu vai. Tay phải đưa lên cao, tôi hô lớn “Xin thề: hy sinh vì dân tộc, trung thành với tổ quốc”, nghe các bạn cùng khoá đồng thanh đáp lại “Xin thề”, sức sống trong tôi bùng lên như sóng trùng dương những ngày trời trở gió, đâu có như lúc này làm người di tản buồn, không có chỗ đi về dù quê hương còn đó bên kia bờ đại đương.

    - Ngày hai mươi tuổi tôi mắt sáng môi tươi, nho nhã nhưng dắn dỏi (và chắc là không xấu trai như bây giờ, nếu không đâu có được chọn làm sĩ quan đại diện), ngày đó tôi leo dây, cử tạ, chạy 1500 thước nhưng hơi thở vẫn đều hoà, không như bây giờ sớm mai thức dậy phải ngồi yên trên giường xoa bóp cho máu nóng trước khi đặt chân xuống sàn.

    - Ngày đó đứa em lớn nhất mới 15 tuổi, đứa nhỏ nhất còn chưa biết nói. Mỗi lần tôi về đứa sà vào lòng, đứa bá cổ ôm vai, đứa giật lấy mũ đội thử chạy lon ton trong nhà, đâu có như bây giờ em tôi có đứa ngày ngày ngồi khóc bên mộ vợ, có đứa long đong một phương trởi, cô đơn vì tình yêu tan vỡ, lâu lâu ban đêm gọi anh, nước mắt vỡ oà …

    - Ngày đó có những buổi chiều tôi theo bạn bè tới sân trường Văn Khoa nghe hát tình ca, đêm ngồi uống café ở “Hầm Gió” tại đường Võ Tánh, tâm tình về những ước vọng tương lai, không như bây giờ buổi sáng một mình với ly café hoài niệm những ngày tháng cũ, nhớ đến bạn bè đứa chìm đáy nước, đứa đâu đó bốn phương trời.


    Nhưng em biết không, đó là năm 20 tuổi của tôi, cái tôi đáng ghét. Ngày 20 tuổi của anh tư bản đỏ với nhà lầu xe hơi, với hàng trăm triệu dollars gửi ở ngân hàng ngoại quốc, có thể là những ngày chân lấm tay bùn nơi đồng ruộng, hoặc còn là lúc ẩn núp trong rừng cho muỗi cắn đến xanh xao. Họ đâu có muốn nhớ đến những ngày tháng đó, dại gì đem đổi một năm đang phè phỡn của cuộc đời.

    Còn em, ngày 20 tuổi em là tiểu thư kiêu hãnh, bực mình vì một đàn ruồi nhặng vo ve, hoặc chán ngấy những chàng công tử đẹp mã nhưng rỗng tuếch, đến với em vì vẻ bên ngoài, muốn em như môt món đồ chơi hoặc một viên ngọc để trưng bày chứ họ có biết thế nào là yêu thương. Em không muốn sống lại một ngày vô vị đó là phải, có đâu như tôi, tôi có một trời thương nhớ để tiếc nuối.

    Em thương mến,

    Em còn tuổi trẻ, em còn cả một tương lai, con đường em đi còn dài, dù có chông gai nhưng em có thời gian để đạt được mục tiêu miễn là em bền lòng cố gắng và tin tưởng vào những gì em đang theo đuổi. Còn tôi, tôi chỉ có quá khứ làm hành trang cho nên nếu được sống lại một ngày của năm “twenty and something” đó, tôi sẵn sàng đổi một năm của cuộc sống còn lại mà tôi vẫn mến yêu. Người ta muốn đổi cả thiên thu lấy một nụ cười, một năm có là bao, phải thế không em?

    Vài hàng gửi tới em và tới những người bạn trẻ tôi quen. Mong em hãy giữ gìn và trân trọng tuổi trẻ của mình. Thân chúc em những ngày vui.

    Tình Thân,

    Ngụy Xưa
    Sept. 27, 2012
    Last edited by NgụyXưa; 09-27-2012 at 11:02 AM.

  6. #26

    Tình Yêu Và Nỗi Nhớ

    Tình Yêu Và Nỗi Nhớ


    Em yêu,

    Xin em cho tôi gọi “em yêu” thêm một lần, dù tôi biết rằng sẽ không bao giờ em nghe được tiếng tôi, hoặc đọc được những dòng này tôi viết cho em.

    Tôi không bao giờ quên được những ngày tháng đó, khi cuộc đời trôi nổi đưa tôi tới Nha Trang, và tôi gặp em một buổi tối mùa thu, trong mảnh vườn nhỏ trước sân nhà. Đôi mắt em mở lớn, và em cười thật tươi chứ không e thẹn như những người con gái khác, khi người bạn đi cùng, và cũng là người quen của gia đinh em, giới thiệu tôi với em. Em hỏi ngọn sóng nào đưa tôi tới đây, và em vừa lắc đầu vừa cười khúc khích, khi tôi nói với em là tôi đi tìm cô gái liêu trai tôi đã gặp trong giấc mộng môt lần.

    Em mỉm cười nói “Đường nào dài hơn đường Trần Hưng Đạo, lính nào xạo bằng lính Hải Quân” nhưng đôi mắt em long lanh dưới ánh trăng mờ . Tôi ngồi nghe em nói về trường Văn Khoa, về văn chương của những tác giả đương thời, về những bản tình ca của một thời ly lọan, về bạn bè xa gần, và cả về những ước mơ rất nhỏ, rất dễ thương của một người con gái mới lớn. Em chăm chú nghe tôi nói về cuộc đời lang bạt nhọc nhằn, nhẹ thở dài như cảm thông, và tôi chợt nhận ra rằng tôi lại thêm một lần “ngất ngư con tàu đi” vì đôi mắt em. Tôi mới vừa 25 tuổi, vừa mới tan vỡ một cuộc tình, sự nghiệp chỉ là những ngày long đong sóng nước, chưa thể dừng chân trên một bến bờ nên khi chia tay tôi không dám hẹn ngày gặp lại, mặc dù tôi thấy trong mắt em hình như có gì gửi gấm lúc tôi từ giã em ra về.

    Đâu có ngờ mấy tháng sau tôi gặp lại em ở Sài Gòn trong một buổi chiều mưa, để tôi lau cho em mái tóc đẫm nước, đề cho chúng mình lao vào một cuộc tình say đắm và đẹp như là một giấc mơ. Một tuần lể bên nhau tưởng như là đã có nhau bên đời thế nhưng thật là oan nghiệt vì chúng mình gặp lại nhau quá muộn màng. Lúc đó em đã hứa hôn với một người, nhưng em đã dấu tôi để cho tôi những ngày thật trọn vẹn, cùng với cuộc đời con gái của em. Tôi chỉ biết được niềm đau của em qua lá thư sau khi đã chia tay để em về một nơi thật xa làm tròn bổn phận với gia đình. Tôi bàng hoàng, nhưng không có cách nào tìm lại được em, và nhiều lúc tôi đã nhớ em đến thẫn thờ.

    Em,

    Chúng mình không gặp nhau kể từ ngày tháng đó, và năm năm sau tôi mới lập gia đinh, khi những hình bóng cũ đã chìm vào chân mây. Mấy chục năm nước chảy qua cầu, mới đây qua người bạn năm xưa tôi lại được tin em. Tôi đã nghĩ tới chuyện gặp lại em một lần, tuy nhiên vẫn cứ ngại ngùng, không dám khơi lại đống tro tàn năm xưa. Thế nhưng bây giờ thì đã quá muộn, H. gọi tôi lúc trời chưa sáng, báo tin là em đã qua đời. Tôi lặng người cố ngăn dòng nước mắt thế nhưng K. cũng nhận ra, ôm nhẹ tôi vào lòng an ủi. K. biết về những mối tình cũ cũa tôi, và luôn luôn tôn trọng những gì của riêng tôi, để cho tôi sống những ngày thật hạnh phúc.

    M., xin em hãy ngủ yên, và xin cám ơn em đã cho tôi một mảnh đời để nhớ để quên.

    Ngụy Xưa
    Oct. 12, 2012

  7. #27

    Trở Lại Bến Xưa

    Trở lại bến xưa


    Bạn thân,

    “Bến xưa” này là Hawaii chứ không phải là con chữ đã mòn dùng để chì người tình cũ. Hải đảo du lịch này thì hầu như ai cũng biết nên chẳng có gì đáng đem ra khoe với bạn, tôi viết về chuyến đi sắp tới này vì nơi đó một thời đã là kỷ niệm của chúng mình ngày xưa.

    Năm 21 tuổi tôi đã theo tàu thăm viếng Hawaii lần đầu tiên, con tàu nhỏ bé lắc lư hơn một tuần lễ từ San Francisco mới đến được chỗ dừng chân này trên đường trở về VN. Tàu ghé bến, tôi và Bích Cà Chua mặc quân phục trắng tinh đi dạo phố, gặp một người Mỹ già có cảm tình với VN hỏi thăm “how are you doing” mà chỉ biết ngượng ngập gật đầu cười trừ, không dám chuyện trò làm quen.

    Khi đó tôi còn quá trẻ, viết những câu thơ vụng dại:

    Hai mươi tuổi nên mắt buồn vì vướng núi.
    Chợt một chiều nghe sóng gọi từ biển khơi.
    Giã từ em, giã từ phố nhỏ.
    Anh lang thang theo gió bốn phương trời.


    Nghe “sến” ơi là “sến”, thế nhưng đó là tâm tình rất chân thật của một người bước chân vào đời mà hành trang chỉ là một mối tình học trò để đi tìm cho mình một khoảng trời xanh trong tương lai.

    Lần này trở lại tôi không còn là người thủy thủ non dại ngày nào mà một người tóc đã phai màu vì thời gian. Con tàu sẽ mang tôi tới đó là một du thuyền xa hoa lộng lẫy, vững vàng rẽ sóng băng trùng chỉ trong bốn ngày là tới nơi chứ không miệt mài lắc lư như chiến hạm năm xưa, và tôi sẽ là người du khách đứng trên boong, mơ mộng nhìn về phía chân trời xa xanh ngắt chứ không phải là sỹ quan hải hành đứng trên đài cao, nhìn sóng, nhìn gió, nhìn mây đen phủ kín bầu trời, lo sợ cho phận người nhỏ bé trên đại dương mênh mông.

    Ngày đó chúng mình không có GPS (Global Positioning System), hệ thống định vị bằng vệ tinh, để bấm nút là biết mình đang ở chỗ nào trên địa cầu. Ngày đó khi không nhìn thấy đất liền chúng mình chỉ có trăng sao dẫn đường và kính lục phân để đo góc độ mặt trời vào những chiều hoàng hôn, phỏng định xem là mình đang ở đâu. Đi biển lúc đó là nhọc nhằn, và bất trắc chứ không an toàn như bây giờ, thế nhưng đời sống phiêu lưu, mạo hiểm đó là ước mơ của những người còn trong tuổi thanh xuân.

    Mười bốn năm từ lúc vào trường cho đến khi tan hàng vì miền Nam sụp đổ, giấc mộng hải hồ của nhiều đứa chúng mình đã đứt đoạn vì chiến tranh. Long, Bảo rồi Quợt bỏ mình trên những dòng sông. Cung, Thông, Dần và rồi Ngọc Báu giã từ vũ khi tại các miền duyên hải. Còn nữa, có đứa trả giá cuộc sống phiêu lưu bằng một con mắt, bằng một cánh tay như Vinh như Bân, hay mang một mảnh đạn oan nghiệt trong đầu hơn 30 năm cuộc đời như Lộc, trước khi trở về nơi an nghỉ cuối cùng. Hai mươi đứa đã giã từ vũ khi, đã bỏ mình trên đường đi tìm tự do hay đã chán cuộc chơi, thôi không làm người di tản buồn, là một phần tư của Đệ Nhất Bảo Bình. Mỗi lần trở lại biển tôi nhớ về những người bạn đó nhiều hơn là nhớ về những người con gái mà tôi đã từng gặp gỡ tại những bến bờ yêu thương.

    Bạn và tôi là những người may mắn sống sót trong cuộc chiến tương tàn nên chẳng có gì cho chúng mình phải than van. Nhiều đứa như Diệp Cóc lưu lạc sang Úc sau gần 10 năm “cải tạo” để rồi trở thành “đại gia”, nhờ tấm lòng kiên cường của đời quân ngũ, như thế cũng đủ để cám ơn trời. Tháng Ba năm tới (2013) chúng mình sẽ kéo nhau sang bên đó họp mặt, chẳng biết được bao nhiêu người, nhưng dù ít nhiều gì thì tình thân cũng sẽ rất đậm đà.

    Bạn thân,

    Ở bên đó bây giờ đã là muà đông lạnh lẽo, gợi cho bạn những chuyện buồn, nhất là những cuộc tình vừa thoáng qua, nhưng ở đây Cali mới chỉ là giữa mùa Thu yêu đương, nắng vẫn ấm nồng, nghe “Thu Hát Cho Người” vẫn xúc động, nhớ bạn và nhớ những ngày vui qua mau.

    Christmas năm nay tôi sẽ trở về Thung Lũng Hoa Vàng thăm mẹ, viếng mộ ông già, và lên chùa Giác Minh thắp huơng cho Bích Cà Chua. Tôi và bạn, dù xa cách nhưng cuộc đời trên đất lạ khá yên lành, và mong là sẽ còn có dịp cho chúng mình nhắc lại kỷ niệm của những ngày xa xưa. Thế thôi cũng đủ cho chúng ta cám ơn đời. Thân chúc bạn những ngày vui.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Octocber 27, 2012

  8. #28

    Đời Đá Vàng

    Đời Đá Vàng

    Bạn thân

    Những ngày lênh đênh trên biển từ Cali tới Hawaii tôi đã được nghe V.T. kể chuyện đời mình, một câu chuyện khiến tôi hiểu thế nào là khổ đau và hạnh phúc, thế nào là đời đá vàng.

    Tháng Tư năm 1975 bạn ta đi tù "cải tạo" tưởng là một tháng như cộng sản nói nhưng thực tế là mút mùa lệ thủy. Sau ba năm, bạn ta nghe vợ đã vượt biên sang Mỹ, thấy việc gặp lại vợ con là việc không tưởng nên quyết định viết thư mở lời “trả tự do” cho vợ: "Hãy coi như là anh đã chết được 3 năm, và hãy coi như em cũng đã mãn tang chồng. Hãy quên anh đi và đừng chờ anh nữa. Hãy tìm một người tử tế để nương tựa và nuôi con nên người". Vợ bạn ta không những chẳng nghe theo, mà trái lại còn viết tặng những lời “âu yếm”: “Anh coi em là hạng người nào? Anh cứ yên trí ở tù, em sẽ thay anh nuôi con ăn học thành tài và luôn đợi chờ anh”.

    Bạn ta nhận thư rất vui nhưng ngày qua ngày, năm qua năm ngày về cứ mù mịt. Chừng đó bạn ta thắm thía cái lời hứa “nuôi con ăn học thành tài” của vợ. Lời hứa chân thành nhưng vô tình cho thấy khoảng thời gian gặp lại còn lâu hơn anh có thể tưởng tượng. Yên trí ở tù cho đến khi con thành tài có nghiã là cho đến khi con lên 24, 25 tuổi mà hiện nay đứa nhỏ nhất lúc anh vào tù chỉ mới thôi nôi!

    May nhờ thời thế đổi thay, cộng sản buộc phải trả tự do cho bạn ta sau 10 năm giam giữ. Thế là quan tư tàu thủy không còn chọn lựa nào khác hơn là hành nghề 10 năm về trước, làm một màn… lái ghe vượt biển chui, tìm lại vợ con ở bên kia đường chân trời.

    Nếu câu chuyện chỉ có thế thì chẳng có gì đáng kể cho bạn nghe vì chúng mình đã biết hàng ngàn thảm cảnh với những gương hy sinh làm rơi nước mắt, mặc dù lần đầu tiên được nghe chồng khuyên vợ "Hãy đi lấy chồng vì coi như đã mãn tang", và vợ khuyên chồng cứ "yên trí ở tù"!

    Sau 6 tháng ở trại tị nạn “Buồn Lâu Bi Đát”, bạn ta “đáp xuống” nước Mỹ và hoa cả mắt trước cảnh huy hoàng của phi trường và trước vô số con người ăn mặc sang trọng đang chờ đón thân nhân. Bạn ta nhận ra cha mẹ vợ lẫn trong đám người đứng đón và vội bước đến. Một người đàn bà tươi trẻ xa lạ ở đâu bỗng xuất hiện chắn ngang đường và mở choàng hai tay ôm lấy bạn ta. Bạn ta giật mình gạt tay người ấy ra và bước đến gần bà mẹ vợ lắp bắp hỏi: "Mẹ, vợ con đâu?" Có nhiều tiếng cười rộ của toàn gia đình 12 người đi đón bạn ta. Khi thấy bà mẹ đưa tay chỉ người vừa bị bạn ta gạt tay đẩy bật ra, bạn ta mới nhận ra đó đúng là người mình từng 4 năm đầu ấp tay gối… Tất nhiên lần này bạn ta ôm chặt người vợ hoàn toàn mới, vừa mừng rơi nước mắt vừa nói lời xin lỗi… Còn vợ của bạn ta thì thầm: “ Gặp anh ở nơi khác chắc em cũng không nhận ra. Đâu có ngờ chồng em ngày nay răng thì sún, ốm nhách ốm nhom, đen đúa, quê mùa…”

    Bạn thân,

    Hoàn cảnh sống đã thay đổi hình dáng con người, và mười năm xa cách khiến người ta không còn nhận ra nhau, thế nhưng nhà tù tại rừng núi Bắc Việt cũng như đời sống êm ấm tại Hoa Kỳ không thay đổi đươc tình yêu chồng vợ. Xin chúc mừng bạn ta. Và nhân ngày lễ Thanksgiving xin gủi lời cám ơn tới đất nước đã mang tới cho chúng mình một đời sống thanh thản để cho chúng mình có cơ hội ngồi trên du thuyền đi lại đường biển xưa, nhớ về những thăng trầm của cuộc đời.

    Tình thân,

    Ngụy Xưa
    Nov. 23, 2012

    P/S: Cám ơn bạn VT đã chỉnh sửa bài viết để câu chuyện đúng với sự thật.

  9. #29

    Bẻ Kiếm Bên Trời Tưởng Đã Quên

    Bạn thân,

    Gần cuối năm tôi nhận được nhiều email và điện thoại của bạn bè xa gần, nhất là những người bạn từ thời trung học tưởng như đã chìm vào chân mây, chợt hiện về nói cười như thể chưa bao giờ xa nhau.

    Sau năm cuối cùng của thời trung học tại Đà Lạt chúng tôi bùi ngùi chia tay mỗi đứa đi một phương. đứa may mắn xuất ngoại, đứa về Sài Gòn tiếp tục con đường học vấn, đứa ra Nha Trang vì mơ mộng hải hồ, đứa tình nguyện vào trường Võ Bị làm người lính chiến vì lúc bấy giờ VN còn đang trong thời loạn ly.

    Chia tay rồi hầu như khó gặp nhau, vui khi nghe được tin nhau qua bạn bè, buồn khi đọc được những dòng cáo phó/phân ưu trên báo vì bạn mình đã vị quốc vong thân, như Vinh, như Dung, như Chính … và vài người nữa tôi không còn nhớ tên.

    Những người may mắn như Lạc, tốt nghiệp ở ngoại quốc về, vợ đẹp con khôn và đầy danh vọng, tuy nhiên cũng có những người không biết có được gọi là may mắn hay không mặc dù tốt nghiệp tiến sĩ về khoa học không gian tại UCLA như Cường nhưng “mát giây” nên chẳng làm được gì cho đời.

    Thằng bạn điên đó vào cuối năm thường gọi cho tôi nói chuyện độ chừng … vài tiếng đồng hồ về thuốc men nó đang nghiên cứu để chữa bệnh cho chính nó vì bác sĩ nào cũng bó tay, hay có lúc vui hơn, nói về Trang Tử, về người đàn bà quạt mồ, và vài chuyện người ta điên chứ nó không điên! Tôi yên lặng nghe để rồi bùi ngùi nhớ tới những ngày hai đứa sống với nhau trên thành phố cao nguyên, khi nó còn sáng suốt, biết gẩy đàn madoline, cours cô Thái trắng sau nhà.

    Bạn thời trung học của tôi cũng có những người sống trầm lắng như Hoa, một đời bận rộn với phấn trắng bảng đen, lấy vợ sinh con và đang chờ chết già, như Hùng công tử bột, làm lính cậu khi còn ở VN, và bây giờ ở Cali, chờ cuối tuần đi đánh chắn với mấy bà già gần đất xa trời, nếu không bận lên chùa làm chân hộ niệm cho mấy ông sư! Hùng này tôi gọi là Đông Phương Hùng vì nó mới lấy vợ được vài tháng đã chia tay, thế nhưng nó là thằng bạn dễ thương dù đầu đã bạc nhưng gặp tôi nó vẫn “mày tao”, và chỉ nhe răng cười, hoặc cùng lắm là chửi “tiên sư mày”, mỗi khi tôi hỏi nó là hôm nay có đi “thăm chị Mão” hay không. Nếu bạn cũng già như tôi thì chắc bạn biết chị Mão là người nuôi em út ở Gò Vấp khi xưa, thời còn VNCH!

    Không thể nào tôi kể ra đây được hết về những người bạn của những ngày tháng cũ. Tắc Huỳnh và tôi đêm qua điểm danh những đứa đã có một thời là học trò cụ Trứ, thày Hiếu, thày Kim, thày Phụng … dưới mái trường THĐ, Đà Lạt, và ngậm ngùi nhắc tới những người, thày cũng như trò, đã không còn trên thế gian. Tắc vừa mới liên lạc được với tôi qua Nghiã, hẹn tới Carlsbad thăm tôi vì:

    Mười năm tìm kiếm may mà gặp
    Bẻ kiếm bên trời tưởng đã quên.


    Tắc này là cựu sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia, từ ngày tan hàng vẫn ngậm ngùi với nỗi buồn của kiếp người lính chiến lưu vong.

    Bạn thân,

    Hôm nay là ngày cuối cùng của mùa thu, mùa thu dịu êm cho tôi yêu thương. Tôi yêu thương mùa thu cũng như tôi yêu thương những người bạn của thời thanh xuân dưới cùng một mái trường. Mai này là mùa đông khắc nghiệt, thời gian khó khăn cho những bạn đang bước vào tuổi vàng thế nhưng mong là bạn lúc nào cũng vẫn vui, cũng vẫn yêu đời. Chúng mình đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của để có được ngày hôm nay cho chúng mình ngồi đây thương nhớ nhau, dù bạn ở xa hay gần, phải thế không bạn thân?

    Merry Christmas & Happy New Year.

    Ngụy Xưa
    Dec. 20, 2012

  10. #30
    Biệt Thự bonita's Avatar
    Join Date
    Sep 2012
    Posts
    1,517
    Quote Originally Posted by NgụyXưa View Post
    Năm Hai Mươi Tuổi

    ...

    - Ngày đó đứa em lớn nhất mới 15 tuổi, đứa nhỏ nhất còn chưa biết nói. Mỗi lần tôi về đứa sà vào lòng, đứa bá cổ ôm vai, đứa giật lấy mũ đội thử chạy lon ton trong nhà, đâu có như bây giờ em tôi có đứa ngày ngày ngồi khóc bên mộ vợ, có đứa long đong một phương trởi, cô đơn vì tình yêu tan vỡ, lâu lâu ban đêm gọi anh, nước mắt vỡ oà …
    ....

    Ngụy Xưa
    Sept. 27, 2012
    chú Ngụy Xưa ơi !

    bo hay thầm lặng vào đọc bài của chú viết ... gợi bo nhớ lại những kỷ niệm xưa với anh Nam của bo ...

    chắc chú đã về lại San José, chú có gặp vợ chồng chị Ấu Tím và vợ chồng bố lynh thì cho phép bo gửi lời kính thăm cùng tấm thiệp thay lời chúc ...





    @};-@};-@};-

 

 

Similar Threads

  1. Miền Nam Việt Nam trong những ngày gần 30/4/1975
    By Vịnh Nghi in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 23
    Last Post: 04-26-2014, 05:40 PM
  2. Miền cát trắng ở Mỹ
    By V.I.Lãng in forum Thú Tiêu Khiển
    Replies: 2
    Last Post: 03-25-2012, 08:37 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 03:19 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh