Register
Page 16 of 23 FirstFirst ... 61415161718 ... LastLast
Results 151 to 160 of 221
  1. #151
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566
    Dạ không bác HV ơi ! Lễ hội bia Ðức có lẽ tổ chức từ cuối tháng 9 đến tuần đầu tháng 10 . Có lẽ nhờ anh Triển nói về vấn đề này hay hơn . Qua tháng 10 trời bên Ðức bắt đầu lạnh và ẩm ướt .

    https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%B...6%B0%E1%BB%9Di

  2. #152
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Anh Chim ảnh đi chơi thì kể có lớp có lang, có tình có cảm. Chứ tui không có đi kể nghe như trả bài chán lắm.

    Dạ, phải, năm nay ở Wiesn, lễ hội bia bọt bắt đầu từ 16 tây tháng Chín đến hôm nay là đóng cửa. Năm nào cũng vậy. Các cô chú bé sinh viên đi bưng bia chạy bàn trong 3 tuần lễ mà cầm tay tới 7 ngàn euro để thừa tiền ăn học cho gần cả năm, vị chi gần 187 triệu đồng VN. Thử hỏi cái lễ hội bia này có nên duy trì không?
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  3. #153
    Biệt Thự RaginCajun's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,795
    Quote Originally Posted by Triển View Post
    Anh Chim ảnh đi chơi thì kể có lớp có lang, có tình có cảm. Chứ tui không có đi kể nghe như trả bài chán lắm.

    Dạ, phải, năm nay ở Wiesn, lễ hội bia bọt bắt đầu từ 16 tây tháng Chín đến hôm nay là đóng cửa. Năm nào cũng vậy. Các cô chú bé sinh viên đi bưng bia chạy bàn trong 3 tuần lễ mà cầm tay tới 7 ngàn euro để thừa tiền ăn học cho gần cả năm, vị chi gần 187 triệu đồng VN. Thử hỏi cái lễ hội bia này có nên duy trì không?
    Nên chứ, nhưng chỉ sợ tụi nó lại xài tiền đó nhậu sạch
    Laissez les bon temps rouler!

  4. #154
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Quote Originally Posted by RaginCajun View Post
    Nên chứ, nhưng chỉ sợ tụi nó lại xài tiền đó nhậu sạch
    Giỡn không hà, sức lao động chơn chánh đó. Đồng tiền kiếm nhiều nhưng là cũng bằng mồ hôi nước mắt á, không có tiêu phí phạm dễ dàng đâu. Vác bia nặng thấy tía.

    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  5. #155
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566
    Cám ơn anh Triển và các bạn góp ý

    ---------------------------------------------------------

    Một chuyến qua Ðức 2017

    Chương 5

    Sáng thứ tư 20/7 chúng tôi vào khoảng 30 người già trẻ lớn bé chia nhau lên mấy chiếc hơi để lên đường qua Hoà Lan mò cua bắt ốc . Theo sự phân công của cháu Oanh , vợ chồng tôi cùng anh chị Hi lên xe van Mercedes do con trai anh Hi lái . Dù trên xe có hệ thống na vi ( viết tắt của navigation , bên Mỹ gọi là GPS) chỉ đường nhưng cháu Tài vẫn dùng GPS điện thoại di động riêng và cháu mở cái áp ( application) bằng tiếng Phần Lan chỉ đường . Ra tới xa lộ mạnh xe ai người ấy phóng đi .

    Theo bảng chỉ dẫn chúng tôi sẽ đi về hướng thành phố Düsseldorf , qua thành phố Venlo của Hòa Lan , qua thành phố Bruxelles của nước Bỉ và đi về miền biển phía tây nam của Hòa Lan . Khi đến thành phố Bruxelles thì bị kẹt xe nên cháu Tài phải đi tìm đường vòng khác . Cháu Tài cùng gia đình anh chị Hi qua Phần Lan định cư năm 1990 và ở thành phố Helsinki . Cháu đã học xong master về điện , bây giờ gọi là thạc sĩ và có ý định lấy bằng tiến sĩ .

    - Thế cháu tính làm luận án về cái gì vậy ?

    Nó ngập ngừng một lát rồi nói :
    - Không biết cháu nói chú có hiểu không ? Nó hơi chuyên môn .

    - Cháu cứ nói đi , chú có học về điện tử , chắc biết chút chút .

    - À à , chú biết từ xưa đến nay đồ gia dụng trong nhà dùng điện AC xoay chiều . Cháu làm luận án về điện DC một chiều để xài cho tất cả đồ trong nhà .

    - Chà ! Cái này mà được thì cả một sự thay đổi lớn cho toàn thể thế giới . Hiện giờ trên toàn cầu các nhà sản xuất xe hơi đang thiết kế các loại xe chạy bằng điện năng như hãng xe Tesla , hãng Ford sẽ cho ra những xe cơ khí nặng chạy bằng điện . Xưa chú quen một thằng bạn , hắn tính lấy luận án về cách trồng đậu xanh trên biển . Chú mới nói với nó là khi nào mày làm xong luận án đó thì cho tao mượn tao về cũng làm luận án nhưng với đề tài khác là Cách Trồng Ðậu Ðỏ Trên Biển .

    Cháu Tài cười hề hề :
    - Chú làm xong rồi cho cháu mượn , cháu đổi thành Ðậu Ðen .

    - Cháu giỏi như vậy sao cháu không qua Mỹ làm .

    - Có mấy hãng Mỹ nó mời , nhưng bây giờ có gia đình nên ngại đi lắm chú . Bên này lương không cao , nhưng ở đâu thì quen đó . Các chương trình giáo dục từ mẫu giáo đến đại học đều miễn phí . Sướng không chú !

    Anh Hi chợt chen vô :

    - Ðúng vậy chú Anh , ngoài ra chính phủ còn trợ cấp đầy đủ tiền mướn nhà , tiền điện tiền nước . Mỗi tháng mỗi người được 400 Euro mua thức ăn .

    - Vậy sống trong đất nước như vậy còn hơn là thiên đàng xã hội chủ nghĩa . Không làm mà vẫn hưởng lương . Em còn nhớ ngày xưa sống dưới chế độ bao cấp không biết cái ông nhạc sĩ nào sáng tác ra cái bản gì mà trẻ con thì cắp sách đến trường , ba mẹ ra công trường thi đua sản xuất , ông nội bà nội già cả thì ra cánh đồng thi đua trồng bắp trồng khoai . Trên các báo đài ra rả khen quá sức hay , nhưng bà con quần chúng chửi quá : " Già cả như tụi tao còn bắt ra đồng trồng lúa trồng khoai . " Nhưng với trợ cấp như vậy đủ sống không ?

    - Sao mà đủ chú ! Bên Phần Lan vật giá mắc mỏ lắm , thịt bò mấy chục Euro một kí , tôm cá cũng mắc . Mình dân Việt ăn toàn đồ Việt , rau muống rất đắt , bầu bí cũng đắt . Chị thỉnh thoảng qua Ðức mua một trái bí mấy chục Euro .

    Lòng tôi bỗng nỗi lên ân hận tiếc nuối . Giàn bí bà nhà tôi trồng cứ vài tuần ra chục trái . Khệ nê mang biếu người này biếu người kia . Trái bí nó nhiều lông gai nhỏ bén nên cầm nó trên tay gai đâm đau lắm . Tôi đem cắt nhỏ trái bí xanh ra đem xay thành nước sinh tố uống giải khát . Một trái bí hai kí lô vắt được 2/3 lít . Ly sinh tố bí này đắt thật , 30 Mỹ kim . Giống bí xanh này đem nấu canh nếm ngọt , nước trong .

    Xe chạy vào những con tỉnh lộ bé nhỏ và ngoằn ngoèo . Ở Hoà Lan miền biển Breskens các con đường ngả ba ngả tư ít có bảng stop ngừng . Thay vì đó là Turn About , tạm dịch là bùng binh nhỏ , xe cộ tới đó sẽ nhường cho xe khác bên trái , rồi mình rẽ phải đi theo vòng tròn và thoát ra . Dọc theo hai bên đường có những cánh đồng bắp xanh rì vượt cao hơn đầu người , có cánh đồng trồng lúa mạch lúa đã vàng ươm , củ cải đường xanh ngắt một màu . Xe chúng tôi đi vào một ngôi làng nghỉ mát , nơi đây có nhiều căn nhà xây đơn giản không cầu kỳ như ở thành phố . Tuy nhiên mỗi nhà nghỉ đều có hàng rào cây bao bọc , có cây cao bóng mát . Có nhà trồng bông hồng , uất kim hương , bông bụp . Nhà nghỉ cháu Oanh mướn có năm phòng ngủ nho nhỏ , giá hai ngàn Euro cho ba ngày . Vì số người đông nên cháu Oanh phải mướn hai cái .

    Chú Hi và tôi không muốn làm phiền mấy bà vì ngáy to nên xung phong ra ngoài phòng khách . Nhà có xây thêm một patio rộng , phía trên là kính trong . Bà nhà tôi cứ nhìn cái patio này thì thích lắm , mùa đông mang hết cây kiểng cây bông vô hết , không sợ cây cảnh bị đông giá .

    Thành phố Breskens là một thị tứ ngư cảng Westerschelde thuộc tỉnh Zeeland tây nam Hòa Lan . Dân số 4787 (năm 2010) . Nó nổi tiếng với Lễ Hội Cá Visserijfeesten (Fishery Festival) của tỉnh Zeeland . Sau khi con đường hầm Western Scheldt Tunnel gần Terneuzen năm 2003 thì các phà chỉ dùng chuyên tải xe đạp và khách bộ hành . Hải đăng ở đây là coi như là trong những hải đăng còn lại được xây dựng bằng gang thép . Nó được xây vào năm 1867 và trở thành một đài kỷ niệm cho du khách tham quan .

    Sáng hôm sau tôi theo anh chị chồng cháu Oanh đi tản bộ dọc theo những con đường làng khu nghỉ mát . Cánh đồng lúa mạch vàng ngả nghiêng theo chiều gió trong ánh nắng ban mai . Bên cạnh đó là cánh đồng trồng củ cải đường với những lá cải xanh um . Nơi đây không có xe cộ qua lại nhiều , nhà cửa tuy nhỏ nhưng nằm riêng biệt , chung quanh có hàng rào che chở . Nhà xây không đồng nhất có cái tường bằng gạch đỏ nâu có cái sơn trắng . Mái nhà lúc đỏ lúc xám đen hay xám xanh . Tỉnh lỵ Breskens có lẽ là một nơi nghỉ hưu lý tưởng cho những người già có mức hưu bổng trung bình , nó gần biển có khí hậu ôn hòa , cảnh vật trông bắt mắt , không khí trong lành không nhiễm nhiều bụi xăng khói của xe cộ qua lại .



    Bùng binh nhỏ này còn gọi là Roundabout hay Turn about
    Last edited by hoanghac; 10-15-2017 at 05:57 PM.

  6. #156
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566


    Hải đăng thành phố Breskens



    Bãi biển thành phố Breskens mùa hè
    (Hình lấy từ trên nét )

  7. #157
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566
    Một chuyến qua Ðức 2017

    Chương 6

    Ðường hầm Western Scheldt được xây cất do nhiều công ty hỗn hợp Franki Construct, Heijmans, Royal BAM Group, Philipp Holzmann, TBI Beton- en Waterbouw Voormolen và Wayss & Freytag . Nó được khánh thành 14 tháng ba năm 2003 , gồm hai ống được khoan bằng máy khoan đường hầm ( tunnel boring machine ). Mỗi ống chứa được hai tuyến đường , nhưng không có đường rìa . Cứ mỗi 250 mét , hai ống này được nối kết bằng một lối thông . Bình thường nó được khóa lại , nhưng trong trường hợp khẩn cấp , cửa này sẽ tự động mở khóa . Xe cộ bên tuyến trái sẽ bị tạm thời ngừng di động để khách bộ hành có thể băng qua đường hầm bên kia . Nó dài 6,6 km , có đường kính 11,3 mét . Ðộ cao là 4,3 mét và khúc sâu nhất chìm dưới dòng sông là 60 mét .

    Chừng hơn mười phút chúng tôi dừng xe lại tại một cầu mở để một con thuyền du lịch băng qua để ra biển khơi . Bên trái một dải cát xám kéo dài qua những ghềnh đá . Giờ đây nước thủy triều dâng cao . Trên bãi biển có ít người tắm . Ðoàn chúng tôi kéo qua một chỗ ít người , nơi đây bãi đá phủ đầy rong biển nâu dật dờ theo sóng . Thế là giăng lều trải những tấm bạt , mang thức ăn đồ uống chuẩn bị picnic ngoài trời . Chừng chục đứa cháu lớn bé cầm dây nhợ có cột miếng thịt sườn heo thảy tới thảy lui chen giữa những tảng đá trơn trượt . Những con cua biển ở đây chỉ to bằng con cáy ở Việt Nam . Khi chúng bám vào miếng thịt thì chúng tôi kéo từ từ vào gần bờ và dùng vợt hớt chúng lên cho vào thùng nhựa .

    Bên dốc đá cháu Ðồng xách cây ghi ta ra ngồi gần đấy và cất giọng oanh vàng thỏ thẻ :
    - Chiều nay em đi bắt cá ...

    Tôi phụ họa theo :
    - Và nhớ đem giỏ theo bắt cua . Làm sao cho được kha khá về cho má nấu canh chua .

    Thế là tất cả chúng tôi đồng ca thêm :
    - Ô kia con cua ! Mình đừng la lớn nó chun xuống hang .

    Một bà người Hoà Lan đi ngang trông thấy chúng tôi đang lò mò bắt cua hỏi bằng hai ba thứ tiếng :
    - Quí vị đi bắt cua bắt ghẹ ở đây có xin giấy phép không ?

    Chúng tôi cứ gật đầu đại , dù rằng không có một ai có giấy phép câu cá bắt cua mò ốc .

    Nước thủy triều rút dần lộ ra những tảng đá cùng những sợi rong biển . Cua còng bây giờ trốn mất biệt . Tuy vậy chúng tôi cũng bắt được hai thùng sô cua và không quên đổ đầy nước biển lên đầy sô . Bây giờ nước rút xuống gần tới bãi cát , trên các tảng đá bám đầy những con ốc be bé như ốc gạo Việt Nam , vỏ chúng đen hơn và chúng tôi lọ mọ cũng được đầy một sô . Ngoài ra còn có loại hào (hà) bám chung quanh những tảng đá đó . Vì chưa có kinh nghiệm cạy hào nên chúng tôi bắt rất chậm . Vậy mà cũng đầy sô và mang lên trên bờ để các đầu bếp cho lên bếp than nướng hào ăn tại chỗ .

    Cháu Ðồng trông thấy tôi cầm miếng bánh mì chấm vô ly co ca (coke) bèn hỏi :
    - Chú ăn uống kiểu gì mà sao thấy khổ vậy ?

    Tôi cười cười nói :
    - Qua Ðức được hơn tuần ăn toàn bánh mì trong người nóng quá nên miệng lở hết trơn . Ăn đâu được gì , ăn miếng chuối cũng xót . Cho nên chấm bánh mì vô nước cô la cho dễ nuốt .

    - Chị Oanh cháu hôm bữa đám cưới , chỉ cũng giống như chú . Có người biểu ăn lá cây lược vàng hết bệnh liền .
    - Ừ , để khi nào về nhà chú thử ăn xem sao .

    Tuy vậy tôi cũng ráng ăn thử một miếng thịt hào nướng xem sao . Nó hơi mặn hơn so với hào sống trong cửa hàng đồ biển . Tuy nhiên nó thơm hơn và có hương vị đồ nướng khói .

    Chiều đang xuống dần trên bãi biển cát xám đục . Hai ba người đầu đen bỗng xuất hiện , tay cầm sô tay cầm búa đầu nhọn và cái tô vít to . Họ bước dọc theo những tảng đá bám đầy rêu và không đầy một giờ họ đã được đầy hai sô hào .

    Tôi bước tới gần họ và hỏi thăm :
    - Chắc ông là người Việt Nam ? Người Hải Phòng ?

    Ông ta ngước đầu lên , cười toe toét .
    - Ðúng vậy , các bác có hay lên đây chơi ?

    Tôi lắc đầu :
    - Không , tôi từ bên Mỹ đến . Có người từ Canada , có người từ Phần Lan từ Ðức . Nhìn quí vị cạy những con hào sao khéo quá , hay đến đây bắt hả ?

    Ông ta cười cười nói :
    - Dạ không , thỉnh thoảng thôi . Khi nào có khách đến chơi , chúng em mới mò đến đây bắt hào về đãi khách . Hình như các bác cũng đi mò cua bắt ốc thì phải . Thế các bác có mò được bào ngư không ?

    Nghe vậy tôi rất ngạc nhiên hỏi lại :
    - Ở đây có à ! Chúng như thế nào ?

    Cách đây một năm khi tôi xuống thành phố Houston thăm con gái đang học ở đấy , ghé vô một chợ H mart . Trong này có bày bán bào ngư sống . Chúng giống như những con sò hay ốc , chỉ to như hay giống như con chuột máy vi tính .

    Ông ta dắt chúng tôi xuống xem xét những tảng đá .
    - Ồ ! Chỗ này không có , à để xem có một con .

    Ông ta chỉ vào một con bào ngư bé xíu , chỉ to bằng đồng xu Mỹ đang bám vào tảng đá . Tôi kể lại cho ông ta nghe một câu chuyện bắt bào ngư mới xảy ra bên Mỹ .

    Bên tiểu bang Oregon có những bờ biển đầy đá . Nước biển sâu và lạnh rất thích hợp cho loài sò ốc . Tuy vậy không hiểu sao dân Việt ta biết chỗ bèn chạy xe tới , xách thùng , mang đồ nghề tới mò bào ngư . Nào quần áo lặn , ống thở với bình dưỡng khí , rồi phải bơi lặn sâu hàng năm sáu mét để cạy nạy những con bào ngư bám chặt vào tảng đá chìm sâu dưới nước biển lạnh . Mày mò chừng vài tiếng họ được vài chục kí bào ngư và đang chuẩn bị xách bỏ vào cốp xe thì bỗng dưng xuất hiện hai ông Mỹ to con , bên hông áo phồng phồng ra cái gì tưà tựa như khẩu súng .

    Họ lên tiếng :
    - Các ông bắt bào ngư có giấy phép không ?

    Mấy ông Việt nhỏ con sợ sệt đáp lại :
    - Dạ không , chúng em không có . Thế mua ở đâu vậy ?
    - Thì vô thành phố mà mua . Còn bây giờ các ông bắt bào ngư trái luật nên cái này sẽ bị tịch thu . Các ông đi tới dốc đá đằng kia , quay mặt ra biển . Khi nào chúng tôi cho phép mới được quay đầu lại . Nghe chưa !

    Ðợi một lúc các ông Việt quay đầu lại thì họ đã lên xe tải nhỏ chạy mất dạng cùng với mấy thùng bào ngư mà họ vất vả bơi lặn mày mò dưới biển . Thế là công dã tràng xe cát biển đông .

    Tôi hỏi ông người gốc Hải Phòng :
    - Thế ông có giấy phép bắt hào không ?

    Họ đều toét miêng ra cười hà hà .





    Bãi biển Breskens và những con ốc gạo trên bàn ăn .

  8. #158
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566
    Một chuyến qua Ðức 2017

    Chương 7

    Buổi tối chúng tôi quay trở về nhà nghỉ mát . Mấy bà mấy cô sửa soạn nấu ốc gạo và món bún riêu cua . Bên Mỹ bà nhà tôi hay nấu món bún riêu bằng tôm khô xay nhuyễn . Bún riêu cua còn tươi nên nước ngọt béo thơm tho . Ốc gạo tuy tươi nhưng bé quá khi luộc khêu nó ra chỉ to như hạt đậu xanh . Nếu như thay vì mấy ông Việt qua Âu châu trồng cỏ thì mang giống ốc bưu ốc hương qua đây gây giống thì hay biết mấy .

    Qua sáng sớm thứ bảy mấy đứa con anh chị Hi phải bay về Phần Lan nên có mấy cháu con chị Các chở thẳng ra phi trường Dussedorf và Frankfurt . Ðến trưa sắp xếp lại người để về Ðức . Vì thiếu tài xế nên tôi bị chỉ định lái xe . Dĩ nhiên tôi không rành đường , vả lại lái xe theo cháu Niêm chồng cháu Oanh dẫn đường . Ðồng thời tôi cũng mở cái áp ứng dụng trong điện thoại di động . Các bạn biết tự lái xe thì thoải mái , còn phải theo xe người khác lái thì mệt . Thứ nhất phải giữ khoảng cách bốn năm xe tùy theo tốc độ , thứ hai rồi phải canh chừng đừng cho xe khác chen vô giữa .

    Anh Hi ngồi ghế hành khách chỉ vào xe cháu Niêm nói :
    - Chú phải chạy nhanh lên , theo sát với xe đó . Chú chạy xa như vậy thì coi chừng lạc .

    Xa lộ bên Hòa Lan , Bỉ tốc độ tối đa cho phép là 130 km giờ nên cũng không khó khăn lắm . Ðược một lát cháu Oanh ngồi sau băng xe thắc mắc :
    - Sao chú đổi tuyến đường lại phải quay đầu sang trái sang phải vậy ? Chú cứ việc ngó vào kiếng chiếu hậu cũng biết .

    Tôi cũng gật đầu :
    - Bên Mỹ hồi chú đi thi bằng lái , Mỹ nó dạy vậy đó . Hễ đổi len (lane) thì phải nghiêng cái đầu xem có xe bên cạnh hông hay không rồi mới đổi .

    Chừng một lúc sau bà nhà tôi lên tiếng :
    - Ông chạy xe kiểu gì mà cứ nhỏm đít lên vậy ?
    - Thì ... tui xem cái xe dẫn đường chạy tới đâu rồi .

    Khi xe sắp sửa vô gần thành phố Venlo của Hòa Lan bỗng dưng cái điện thoại tôi hết pin , nên bảng chỉ đường biến mất . Tôi vội vàng gọi cháu Oanh đang ngủ gà ngủ gật :
    - Cháu Oanh ơi ! Bây giờ theo đường nào đây cháu ? Hướng bắc hay hướng nam ?

    Hệ thống xa lộ bên Âu châu tương đối phức tạp , hễ chạy lạc là mất dấu luôn . Muốn quay đầu trở lại cũng mất cả tiếng đồng hồ . Bên Mỹ đi quá lối rẽ exit thì cứ chạy thẳng chừng mươi phút là có đường vòng chữ U quay xe lại .

    Cháu Oanh mở to mắt ra nhìn chung quanh .
    - Ồ ! Không sao đâu chú , mình đang đi lòng vòng thành phố Venlo . Chú theo đường này ... rồi đường kia nè . Lần trước cháu ngồi xe con em dâu cũng đi từ Bỉ về Muenster . Ðang ngủ gật nó gọi giật cháu vậy hỏi : " Chị Oanh ơi ! Sao em chạy hoài mà hổng thấy tới Muenster vậy ? Cháu xem cái bảng chỉ đường đằng trước , giật mình nói : " Trời đất ! Em chạy gần tới thành phố Berlin rồi ! "

    Từ thành phố Venlo tới Muenster chỉ mất gần hai giờ lái xe . Từ Muenster tới Berlin thêm năm tiếng nữa . Hèn gì chạy hoài mà không tới nhà .

    - Mà chú Anh à ! Chú đổi qua tuyến đường bên trái xong , qua mặt xong là chú phải vô tuyến đường bên phải lại .
    Tôi cười hà hà nói :
    - Xưa chú lái thuyền vượt biên vừa là tài công vừa là thuyền trưởng . Bây giờ chú lái xe một tài công mà có đến bốn thuyền trưởng .

    Bà nhà tôi ngồi đằng sau lên tiếng :
    - Ông cứ lái xe đi thắc mắc làm gì .

    Tôi mới kể lại một câu chuyện mới xảy ra bên Mỹ . Một cô vợ về nhà gặp ông chồng đang loay hoay sửa xe nói : " Anh ơi ! Xe của em sao nhiều nước quá ! " . Ông chồng mặt mày lem luốc nhớt xe gắt lên : " Em biết cái gì về ô tô . Nhớt xe còn chưa biết thay , làm sao em biết trong máy xe có nước ? Thế xe em đâu rồi ? . Dạ, nó đang nằm dưới đáy hồ . "

    Thật tình mà nói lái xe trên xa lộ nước Ðức không thoải mái tí nào . Thứ nhất nó thường có hai tuyến , đường hơi nhỏ hơn bên Mỹ . Thứ hai muốn vượt xe trước phải qua tuyến bên trái , qua xe trước xong rồi phải quay xe vô tuyến phải vì có thể có xe đằng sau muốn qua mặt xe mình . Xa lộ Ðức không giới hạn tốc độ , khi mình muốn đổi qua tuyến trái , nhìn kiếng chiếu hậu cho cẩn thận rồi mới sang . Nếu không xe khác bên trái đang chạy tốc độ cao hơn sẽ ủi đít xe mình . Cho nên lái xe ra rồi lại chen vô làm tinh thần mệt mỏi . Ở bên Mỹ xa lộ có giới hạn tốc độ , bây giờ các xa lộ xuyên bang thường là 75 dặm một giờ (125 km) . Thường các xe tốc độ chạy chênh lệch không bao nhiêu , nên thích chạy tuyến nào thì cứ giữ tuyến đó , nếu gặp phải tên khùng nào muốn giữ khư khư tuyến trái thì mình chen vào tuyến phải mà qua mặt . Mặc dù trên xa lộ có bảng chỉ dẫn : " Left lane for passing only " , Tuyến đường bên trái chỉ dùng vượt qua .

  9. #159
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566
    Một chuyến qua Ðức 2017

    Chương 8

    Nghỉ chơi được hai ba ngày chúng tôi lên đường qua Bỉ để thăm bà Thanh , dì vợ của tôi . Vì liệt nửa người , không tự lo cho bản thân nên dì được các con gởi vô một viện dưỡng lão gần nhà . Khi gặp các con cháu dì Thanh đôi khi lẫn lộn người này người kia . Lúc chúng tôi mới ghé vô viện dưỡng lão thì nhân viên y tế nơi đây dùng máy nâng cả người dì lên và đặt vào một chiếc xe lăn . Dì Thanh tuy thấp người nhưng hơi quá tải nên không ai bế dì được . Cách đây ba chục năm tôi có tranh luận với một đồng nghiệp người Mỹ vì hắn ta gởi bố anh ta vô viện dưỡng lão . Tôi nói anh ta là bất hiếu , không chịu phụng dưỡng đàng hoàng . Ở Mỹ vài chục năm mới hiểu ra tại sao họ lại làm vậy . Con cái người nào đều có gia đình có vợ con . Chồng vợ đi làm , con cái đi học . Nếu để bố mẹ già ở nhà trong khi con cái đi làm , nhỡ khi bố mẹ già bị té hay bị đột quị thì không ai đưa họ vào bệnh viện kịp thời .

    Tôi nói với bà nhà tôi :
    - Tui cầu xin sao ngủ một giấc sáng đi luôn là sướng nhất . Chớ mà vô viện dưỡng lão , chiều chiều nhìn qua cửa kiếng trông về quê ngoại , nhớ về mấy con cháu , buồn lắm .
    - Ông hả ! Ðưa thẳng vô nghĩa trang luôn !
    - Thôi mà em , đừng bỏ anh một mình ... trời lạnh lắm .

    Chiều về chúng tôi ghé qua nhà cô em họ bà nhà tôi , con dì Thanh , Tuyết Lan . Nhà cô ta cách thành phố Bruxelles Bỉ không xa lắm . Ngày xưa chúng tôi có ghé qua đây nhà cô Lan có nuôi một hai con ngựa , giờ đây sân sau nhà vắng bóng chúng . Tuyết Lan ngậm ngùi kể lại :

    - Em thì lấy ông chồng người Bỉ , bây giờ ảnh mất rồi, ảnh là chánh án ở quận này . Ảnh mê cưỡi ngựa lắm , dạo ấy em không biết làm gì bèn hỏi ổng tập tành cưỡi ngựa chơi . Ảnh nói nếu muốn học thì phải qua thời gian tập huấn . Các anh chị biết tập huấn là gì không ?

    Tôi cười giã lã :
    - Chắc tập leo lên leo xuống lưng ngựa , nhưng có khi nào quay mặt vô đuôi ngựa không ?

    - Làm gì có chuyện đó . Bài học đầu tiên là đi hốt phân ngựa . Bài thứ hai là đi cạy phân ngựa nó dính cứng ngắt dưới bốn móng ngựa , kế tiếp là học cách chải lông ngựa rồi tắm rửa cho ngựa . Chưa hết đâu còn phải tập đóng móng cho nó .
    - Vậy có khi nào nó giở chứng đá giò lái lung tung không ?
    - Không có đâu , mình phải thân thiết với nó , vuốt ve nó , vỗ vỗ nó coi nó như con cháu mình thì mình mới đến gần nó được .

    - Vậy thời Thành Cát Tư Hãn các chiên binh Mông Cổ mỗi người hai ba con tuấn mã chắc phải săn sóc nó kỹ lắm . Và khi anh chàng Quách Tĩnh tặng cho Hoàng Dung con Hãn Huyết Ngân Câu ắt hẵn cô Hoàng Dung phải đi làm những công việc như cô phải không ?
    - Cái đó thì em không biết . Ðến khi năm ngoái ông chồng em mất , em buồn quá nên bán ngựa đi .

    Heo bò gà thì tôi biết giá cả bao nhiêu , nhưng về ngựa thì tôi mù tịt .
    - Chừng vài ngàn một con phải không dì Lan ?

    - Nếu mua thì tuỳ loại , có con ngựa giống tốt thì vài trăm ngàn , thường một vài ngàn . Em bán hai con có bảy trăm Euro , tiếc quá biết làm sao .

    Nhìn qua sân sau tôi trông thấy có một cái hồ nuôi cá chép koi đang bơi lượn dưới hồ . Bên cạnh là một chú cá sấu giả đang há mõm nằm phơi nắng , phía trên là một tấm lưới ni lông phủ trên cao .

    - Giăng lưới làm gì vậy ?

    Dì Lan cười toe toét nói :
    - Mới đầu ông chồng em mua con cá sấu giả để hù mấy con cò xuống gắp cá ăn trộm của em , nhưng mấy con cò khôn lắm , nó biết là cá sấu nộm nên chúng tự nhiên mò xuống bắt cá em , nên em mới mua lưới về giăng không cho chúng xuống .

    Cạnh bên lò sưởi có hai con chó chihuahua nằm chèo queo trong cái ghế có nệm . Giống chó tuy nhỏ con nhưng miệng chúng sủa to lắm .
    - Hai con này sao nó ngoan thế , nhà tôi cũng có hai con nhưng khách đến nhà cứ sủa hoài biểu thế nào cũng không im .
    - Thì mình phải biết cách huấn luyện chúng chớ . Tập cho chúng khi nào muốn đi vệ sinh , khi nào muốn ăn muốn uống . Dạo ấy ông chồng em đột quị té ngã ngoài sân . Chiều tối khi về nhà em mới hay , em tá hỏa gọi cho xe cứu thương tới cứu cấp mà làm sao cứ gọi cho sở thú y .

    "- Cục cưng của tao bị đột quị rồi , té ngã nằm dưới đất rồi , các ông mau mau tới .
    - Xin lỗi bà , làm sao bà biết cục cưng của bà bị đột quị . Tôi làm nghề này bao năm chưa hề nghe chó bị đột quị .
    - Không phải chó cưng của tôi mà là ông chồng của tôi .
    - Xin lỗi bà , bà gọi lộn số rồi . Ðây là sở thú y , clinique pour animaux ."

    Anh biết không , đến khi cảnh sát cứu thương đến . họ khiêng ổng qua cái đường hẻm bên hông nhà . Họ rào hết chung quanh nhà , cấm tất cả mọi người ra vô nhà , kể cả em . Hai ba giờ sau em muốn đi vệ sinh trong nhà , phải có nữ cảnh sát bám sát em như thể mình là tội phạm vậy . Ðến khi tụi pháp y xong cuộc điều tra , họ nói là chồng em bị đột quị chớ không phải bị ám sát .

    - Sao họ hay vậy ?
    - Thì đó là nghề của họ . Họ nói là khi ông chồng em ra sân lúc năm giờ chiều lên cơn đột quị , té ngã như vầy . Ðầu đập xuống đất như vầy , gọng kính bể ra sao , tư thế tay xoải dài ra sao . Lúc đó họ lột áo quần ra , mổ ra để nghiệm thi . Về sau này hai con chó này nhất quyết không đi qua cái hẻm bê hông nhà , em cũng không biết tại sao . Thôi bây giờ em mời anh chị ăn tối rồi mình đi xuống phố .

    Gần tám giờ chiều chúng tôi ngồi xe Toyota Sequoi của dì Lan .
    - Chiếc này tuy cũ nhưng khỏe lắm .

    Tôi không biết cái xe cũ mà khỏe để làm gì . Xăng bên Âu châu cỡ 1,4 Euro một lít , xe này to khổng lồ mỗi lần đổ xăng cũng gần trăm Mỹ kim .

    - Anh chị biết không ông chồng em mua xe này để kéo cái chuồng ngựa . Xin lỗi các anh chị nhé , từ nãy giờ em đi lòng vòng kiếm đường xuống phố cả nửa giờ vì đây là lần thứ hai em chở khách tham quan thành phố .
    - Vậy lần trước là hồi nào ?
    - Ùm ùm ... là năm 1985 là ba chục năm rồi . Cậu em bên Ðan Mạch qua chơi , em chở cậu đi chơi cho biết .

    Từ xa tôi thấy một cảnh quan nổi bật trên nền trời hoàng hôn . Một kiến trúc hình dạng một nguyên tử Atomium có chín dương điện tử chạy quanh . Ðây là một đài kỷ niệm tiêu biểu của nước Bỉ , được khánh thành năm 1958 trong hội chợ Expo 1958 . Bây giờ nó trở thành bảo tàng viện , cao 102 mét , được nối kết bằng chín trái cầu thép không rỉ . Nó tượng trưng cho nguyên tử sắt (unit cell of Iron crystal) phóng đại 165 triệu lần . Những trái cầu đường kính 18 mét này liên kết bằng những trục thép 3 mét ngang dọc để có thể tham quan năm trái cầu khác mà trong đó trưng bày triễn lãm exhibit và public spaces . Bên trong có cả thang bậc , thang tự động và thang máy cho trục thẳng đứng trung tâm .

    Vì trời tối quá 6 giờ chiều nên đài kỹ niệm này không mở cửa cho khách thăm viếng . Chúng tôi lại đi lòng vòng thành phố , băng qua con kênh đào Senne .

    Dì Lan ngừng xe bên một bờ kênh , nói :
    - Mình đậu xe ở đây rồi đi bộ vào trung tâm phố , bên trong xe không được vào .

    Ði ngang con đường tôi không nhớ tên qua những quán ăn của dân Trung Ðông , mùi dê nướng bay tỏa ra cả ngoài đường . Có những tiệm cà phê quán ăn đông khách ngồi bên vỉa hè . Qua vài con đường nhỏ , một quan cảnh đẹp rực rỡ ánh đèn vàng một góc phố . Một quảng trường rộng , Grand Place Square có lẽ nhỏ hơn sân bóng đá đầy các khách du lịch đang ngắm nghía hay đang chụp selfie (tự chụp ảnh) . Chung quanh là bốn toà dinh thự cao opulent guild houses , hai tòa editfices và thị sảnh thành phố Bruxelles , tất cả phủ đầy những ngọn đèn vàng sáng rực rỡ tạo nên một cảnh đẹp như thiên đàng nơi hạ giới . Nơi đây được UNESCO công nhận là World Heritage Merit năm 1998 . (Di sản Thế Giới )

    Nhưng dù có ở thiên đàng hạ giới đẹp cách mấy , chúng tôi cũng phải trở về nhà để ngủ nghỉ , sáng sớm mai bốn giờ sáng phải lên đường đi thành phố Paris , nước Pháp .

  10. #160
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566


    Ao cá chép với con cá sấu nộm



    Kiến trúc Nguyên Tử Sắt



    Grand Palace Squares

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 04:47 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh