Register
Page 8 of 8 FirstFirst ... 678
Results 71 to 73 of 73

Thread: Tu Giữa Chợ

  1. #71

    lắng đọng và xôn xao
    tôn thất tuệ

    Bức hình trên đây chụp trên bờ sông Amazone. Vùng rain forest đem chúng ta về những bờ nước trên những mạch máu của miền Nam. Nhưng châu thổ Amazone mang nhiều tính chất kỳ quái và thiêng liêng của thiên nhiên. Nhiều bộ lạc có lối sống ít văn minh hơn cảnh nhà mái lá dừa nước. Cảnh nầy cũng văn minh hơn những vùng thượng du mà tôi có dịp xem qua.
    Tôi tin còn có rất nhiều bộ lạc được mô tả trong vài danh từ không đẹp cho lắm như mọi rợ, bán khai, hiện sống xa khuất tầm mắt của cộng đồng người trên hành tinh nầy. Có thể họ theo chủ thuyết cơ vật sinh cơ tâm nên không chịu làm cái cần cẩu mà xuống dưới mé suối đem nước từng chiếc bầu hồ lô. Họ không làm cái cộ đập lúa mà lấy tay truốt hạt từ nhánh rơm.
    Vì sao tôi lại nói chuyện nầy vào lúc các thân hữu đề cập đến chuyện tận thế, đến bão mặt trời, trăng rụng xuống cầu?
    Tận thế lúc nào không biết, trái đất tung vỡ lúc nào không biết, nhưng trên lý nhân quả, lý duyên khởi và diễn trình thành trụ hoại không, những việc ấy ắc xẩy ra. Nói tận thế thì to quá cho nên nói đến các nền văn minh bị suy thoái. Rất nhiều nguyên do: thay đổi khí hậu, phát minh mới, lòng người ly tán, hành sử trái với lẽ thường của đạo, nghịch thiên dả vong. Khảo cổ tìm ra những thành phố bị chôn vùi dưới đất hay chìm sâu xuống biển (Venise sẽ như vậy chăng?)
    Tôi tin những tia sáng sao, tia sáng như tôi đốt củi vào mùa đông, bắt nguồn từ một bếp lò ngoại tầng. Những thiên thể ấy cháy, ở vào giai đoạn hoại không. Nhưng nó có thể tạo ra các khối hơi (nebulas), như khói lò của tôi vợn thành khối trên mặt hồ, để rồi bắt đầu giai đoạn thành. Không có cái gì mất đi, hay được tạo ra; rien ne se perd, rien ne se crée, Lavoisier.
    Một trong những phương cách tận thế là điên khùng hay vô ý, các kho vũ khí hạch nhân nổ và tự động qua lại như đánh vô lây. Trái đất có thể thành quá lạnh, hay quá nóng, thiếu ôc xi, các nơi mỏng của vỏ trứng gà nức cho lửa nước trào ra, khí độc đi kèm. Hai quả bom nguyên tử ở Nhật 1945 so với kho hạch nhân ngày nay còn tệ hơn chiếc xe nhựa đồ chơi với xe tăng thiết giáp. Tình trạng nầy không thể thỏa mãn Mao Trạch Đông trong hy vọng còn hai hay ba trăm triệu dân Tàu cầm tầm vông gậy gộc làm chủ thế giới. Thế giới đâu còn mà thống trị; vả lại xin hỏi ngộ chết mà nị không chết hay sao còn nhiều như vậy.
    Quả đất cháy không riêng gì những chất hữu cơ mà những thứ như sỏi đá cũng biến thành năng lượng. Cơ duyên sẽ tạo ra hiện tượng. Phòng thí nghiệm của một đại học Mỹ đã biến chế khí hydro thành kim loại dẫn điện thần tốc. Dưới một áp suất rất cao khí hydro biến thành chất đặc không dẫn điện, rối biến thành chất dẫn điện rồi thành superconduct. Vậy thì ngược lại, đá sỏi, tàu bè, dinh thự có thể thành chất đốt để phát ra ánh sao. Và xa xa trong vũ trụ có người hát nhạc Lê Trạch Lựu: em tôi ưa đứng nhìn trời xanh xanh, đêm đêm u tối về đây thắp sao.
    Hoặc cháy chưa hết rồi ngưng, hoặc không cháy nhưng mọi thứ đều tiêu ma. Người chết hết, không ai than khóc, không còn nhà quàn funeral home, không còn chim ăn thịt thối.
    Nếu không có cái gì tuyệt đối, và nếu nghiệp lực và duyên hành vẫn còn, những con người mọi rợ bán khai và có thể hai đứa bé trên bức hình nầy còn sống sót. Vì sao, khó hiểu nhưng có thể đã nhờ cái mọi rợ mà ăn vào thân thể, thấm vào da những thứ chống với phóng xạ.
    Những kẻ sống sót ấy từng vùng riêng rẻ xa cách nhau. Họ tiếp tục sống, cải thiện dần dần, phát minh từ những dụng cụ thô sơ, vài ngàn năm vài chục ngàn năm họ sẽ có nhà chọc trời như ở Chicago, New York, có computer và liên lạc với nhau bằng internet. Lại đánh nhau, lại cùng nhau chết.
    Trong số mấy tỷ con người hiện nay, có vài chục vài trăm người đã mất trí nhớ, có sự sống như thực vật, hồi sinh dần dần. Internet, vệ tinh v.v... tìm thấy họ trong những khu rừng xanh và phán một chữ mọi rợ nhưng trong họ có tiềm tiếm năng thay thế ông chủ tòa Hắc Ốc, Thanh Ốc, Huỳnh Ốc và chủ công ty Macrohard, đi xe không người lái, có những em bé về sau là Beethoven, là Albert Einstein, thành Al Capone...
    Ngã kim nhật tại tọa chi địa, cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi. (Nguyễn Công Trứ)
    Khi đã nắm vững quy luật thì không có gì sợ hãi, thì có tự do. Khi biết đâu rẻ trái được, đâu đi nhanh đi nhậm, các con đường thành phố và xa lộ... đều thuộc về bạn. Bạn không sợ bị tù hay phạt vạ và tránh tai nạn ở mức tối đa.
    Khi có ân sủng phân biệt thiện ác, tốt xâu, con người sẽ hành sử thích đáng tạo sự an bình cho chính mình và không gây náo động chung quanh.---
    Last edited by tonthattue; 12-10-2012 at 12:45 PM.

  2. #72

    cần sa

    tôn thất tuệ

    Sáng tinh sương, một loại nai đi tìm những thứ lá ăn ngay để say thuốc nằm phê rồi mới thức dậy. Nai thì không có giờ ngủ giờ ăn, đi ăn đêm nhiều hơn ngày. Các nhà khoa học quan sát có sự trùng hợp ở nhiều loài thú rừng. Họ cho rằng việc hút thuốc rất tự nhiên. Các thứ "doping" có khắp nơi trong không gian và thời gian.
    50 năm trước ở miền Thượng Kontum Darlac, trẻ con cho đến già đều hút thuốc trong những ống dố (pipe) bằng tre rất dễ cháy (không như các pipe bruyere). Lúc tôi làm ở Bộ Xã Hội, bs Quế mua thuốc rê đưa cho đồng bào thượng di tản khỏi làng vì chiến tranh.

    Uống rượu cũng là một thứ "high making". Có thể trong thời gian hái trái, cổ nhân ăn nhằm trái chín quá hóa rượu (tinh bột > đường > rượu). Như các bạn thường ăn những khúc mía có chấm đỏ đã lên men. Người Thượng biết cách cho lên men sắn. Sắn đập dập bỏ men, rồi để vào ghè, dùng lá tranh dằn xuống đáy rồi cứ châm nước vào mà hút cho đến khi không còn mùi rượu. Vì hút bằng cây trúc thông lõi cho nên gọi là rượu cần, không liên hệ đến cần sa.

    Những bộ lạc văn minh hơn có áo quần màu mè khắp nơi đều có hương vị của thuốc lá. Lửa ở trên môi, lửa ở giữa nhà là những "tượng" dương chống với khí âm của núi đồi; (núi âm sông dương, tĩnh / động). Có thể khí âm khắc chế trở ngược để hóa giải độc tính của thuốc. Không ai thèm nghiên cứu ảnh hưởng của nó mãi cho đến gần đây. Nhưng hai thứ thuốc lá ấy hoàn toàn khác nhau. Một bên văn minh trồng với nhiều hóa chất độc hại, rồi lại tẩm bằng hóa chất tạo mùi, cái đầu lọc làm bằng nylon đốt nóng kẹo thành đặc, giấy quấn cũng nhiều hóa chất như làm cho nó trắng tinh, và nhất là chất lưu huỳnh làm cho thuốc tự cháy sau khi mồi lửa. Thuốc người thượng thì khác, trồng tự nhiên và không có filter và giấy và các thứ khác.

    Các hãng bảo hiểm nhân thọ ở Mỹ cách đây 30 năm (không hiểu bây giờ thì sao), xem người hút ống dố và cigar là "non smoker". Đấy chỉ là một cách mua bán bảo hiểm, vì pipe tobacco và cigar đều có hóa chất.

    Trà, cafe, chocolat đều là doping cỏn con.

    Về chuyện con nai ăn lá, người ta dùng nó để đưa ra việc hợp pháp hóa cần sa mà họ cho là hợp với thiên nhiên. Họ kèm theo những cảnh thú vật đùa vui như người. Một loài khỉ nhảy lên cây nghiêng ra bờ nước nhào xuống rồi trở lại như hồi nhỏ học sinh thường lên cây sung plonger xuống sông Bến Ngự. Chụp được bức ảnh con quạ dùng cái nắp nhôm hộp kẹo trược tuyết trên mái nhà. Chẳng có chi lạ, con chó con mèo trong nhà vẫn có những trò chơi. Tuy vậy tôi không tin các nhà khoa học biết được cái dụng của các hành động của thú rừng.

    Nước Mỹ giống như một freeway, hai chiều nam bắc, đông tây. Người đi nam đã khô cổ khô họng đòi hạn chế hút thuốc, bảo vệ chính người bập phà và người thứ hai (second smoker). Có vài điều lệ đi đến chỗ dị hợm. Không phải là cấm hút trong công viên hay trong bãi đậu xe của chính phủ. Cái nầy mới là tầm phào. Nếu bạn không hút thuốc mà làm nghề sửa ống nước hay thợ điện, sửa bếp gas. Bạn có quyền cho chủ nhà biết và chủ nhà không được hút thuốc trong thời gian service của bạn. Không có anh thợ nào đòi hỏi như vậy nếu không muốn nhận câu trả lời: forget it.

    Bên kia người đi bắc thì xin bỏ phiếu cho hút cần sa. Vài tiểu bang đã có đa số thuận trong kỳ bầu cử chung tháng qua; Colorado và Washington State. Chưa được ban hành thành luật mà đêm ấy khi ông bà Obama reo vui thắng cuộc thì ở các bar hai tiểu bang nầy đã đốt marijuana. Chỉ thấy đề cập đến khía cạnh pháp lý. Tòa án tối cao sẽ chấp thuận? Các cơ sở của chính phủ trung ương hoặc tự trị nhưng nhận tiền trợ cấp của chính phủ không cho phép hút trong khuôn viên.

    Không hiểu họ sẽ điều hành ra sao việc phân phối. Có quyền mua trực tiếp từ Mexico? Nếu được thì chấp nhận việc đem cần sa lên máy bay hay di chuyển trên xe qua biên giới và đi qua các tiểu bang cấm. Số lượng thuốc tích trữ lậu nay đem ra thị trường bán thỏa thích. Xin tưởng tượng những điều lệ về cigarette và rượu sẽ áp dụng cho việc bán ma túy nầy. "We Card" xem thẻ căn cước. Ngoài ra có thêm chuyện trồng cần sa. Các tiểu bang không chấp nhận sẽ có những pháp định khắc khe nếu bạn ở trong tình trạng bất ổn tuy hút từ bên ngoài, hay bạn có thuốc trên người hay trên xe.

    Tại Colorado, chỉ được phép hút ngoài campus. Ví dụ, sinh viên John Doe ra khỏi rào một thước đứng hút cần sa, rồi trở vô trong tình trạng under influence; anh có thể có những hành vi nguy hiểm. Cần sa có tác dụng gây những ảo giác, hallucination, hoang tưởng. (xin xem các di luỵ khác ở đây). Cần sa và các đèn màu nhất là tím đưa bạn vào một thế giới hội họa khác với các cuộc triển lãm cổ điển. Bộ Quốc Phòng Mỹ ghi nhận cần sa đã tạo ra nhiều tai nạn, bắn súng bất thường trong giới nhà binh. Nó mang tính chất bạo động.

    Từ nhỏ, tôi nghe nói những mưu sĩ thâm trầm hút thuốc phiện đen sẽ đưa ra nhiều kế hoạch. Như vậy nếu đúng thì tác dụng của opium đem lại một lối hành sử khác coi bộ êm ả hơn. Người Pháp đã lập công quản Régie d'Opium (RO) và nếu bạn muốn đi ro một hơi thì mua một ngao. Các nhà văn như Vũ Trọng Phụng cũng ro. Nhưng có trường hợp ro - hy vọng không đúng - của Lưu Trọng Lưu: nghe nói ông đi mua thuốc cho con thì đi ro và trở về, tuy có đem thuốc, nhưng quá trễ, con đã chết. Thời xưa không có những cuộc nghiên cứu xã hội học để biết kỷ càng hơn.

    Lấy lập luận tự nhiên thì tôi xin nói một điều tự nhiên, tự nhiên hơn con nai ăn lá say, đã không được dùng tới. Đó là trường hợp loạn luân. Levy Strauss, sáng lập thuyết cơ cấu luận, cho rằng từ khi thành người hiểu biết (homo sapien) tiền nhân đã ngăn cấm loạn luân (incest) và đề phòng bức bách bằng cách che kín việc giao hợp nam nữ. Nhờ vậy giống người không trùng chủng nhỏ con như mấy con gà tre to bằng cái chén. Những việc làm như porn, nudisme = ít nhất cho đến bây giờ = còn ít hơn con muỗi trên lưng khổng đại tượng tức là ý thức hằng triệu năm của nhân loại.

    Với những bạn trên dưới thất thập, các con đã lớn cho nên lo âu về cần sa nên hướng đến thế hệ tiếp, cháu nội cháu ngoại.----

    Last edited by tonthattue; 12-10-2012 at 02:41 PM.

  3. #73
    [QUOTE=tonthattue;62300] tranh Degas
    Còn o bán rượu anh còn say sưa

    Một người ngồi tham thiền dưới gốc cây lớn. Xuất định, ông đứng dậy. Việc làm êm ả ấy vẫn khiến cho con chim trên cành bay lên vì sợ hãi. Trong lúc ấy một người đứng quanh vùng đưa súng bắn chết con vật có cánh. Người kia cảm thấy mình có lỗi, nên ngồi trở lại suy nghiệm về nhiều thứ nhưng chú ý đến sự tương hệ, liên hệ giữa các yếu tố, giữa thời gian, không gian, nghiệp quả v.v…

    Những sự việc rời rạc như một kẻ ngồi rồi đứng dậy, con chim từ đâu bay đến đậu rồi cất cánh, một người đứng chơi chưa hẵn với ý định săn bắn nhưng có tâm thức muốn sát sanh v.v… Những thứ ấy tạo nên một chuổi nguyên nhân, kết quả, hổ tương, lui tới. Người và vật đều dự phần vào những sinh thành ấy, ít hay nhiều.

    Lebos, một người Pháp chỉ viết tiếng Anh, trong một cuốn sách đã ghi lại sự ngạc nhiên của Tây Âu trong việc nầy: Hảng xe hơi Toyota đã xây một cái chùa, có sư sải tụng niệm, hương khói hằng ngày để cầu siêu cho những ai đã chết liên quan đến xe Toyota: ngồi trên xe hoặc bị xe kẻ khác đụng, cầu nguyện cho mọi nạn nhân từ những xế hộp mình chế ra.

    Người Thái Tây cho đó là chuyện ruồi bu. Toyota không nên bị mặc cảm tội lỗi ám ảnh. Họ đã xong trách nhiệm, các tiêu chuẩn ethique đã hội đủ: không nói dối, xe ra thị trường đã được kiểm phẩm; nếu có hư sót thì thâu hồi, hoặc đã bồi thường đầy đủ cho nạn nhân theo lệnh tòa hay thương thuyết đôi bên. Tai nạn có vô số lý do: người lái xe cẩu thả, xe khác chạm vào xe mình, thời tiết, tình trạng đường sá, ngoài sự kiểm soát của kẻ làm ra xe.

    Lập luận trên thật đúng, và rất đúng trên quan điểm pháp lý. Nhưng nếu đi lên một vài cấp nữa, có tính chất hoàn vũ thì sẽ thấy hãng Toyota có tham dự vào sự cấu kết tương duyên; vì có cái xe ấy, hoặc vì dùng cái xe ấy v.v…Nếu sự việc là một bức tranh thì nó cũng mang hình ảnh của Toyota, dù rất nhỏ, một chấm trên khung vải to lớn.

    Đây không đề cập đến hình thức tôn giáo là ngôi chùa; nạn nhân đa số có thể không ở trong tín ngưỡng nầy.

    Điểm chính yếu là sự tương quan mật thiết giữa các yếu tố. Triết học Đông phương nhấn mạnh đến nhân và duyên; lắm lúc duyên thành nhân. Đang lúc nóng giận mà có cây súng trong tay thì bóp cò. Người Pháp nói “muốn là được” (vouloir c’est pouvoir) trong trường hợp nầy ngược lại làm được gây nên ý muốn làm. Chừng mười năm trước tại Mỹ có sự nghịch thường về tội phạm. Thống kê cho biết các vụ sát nhân có chủ mưu thuyên giảm rất nhiều nhưng chuyện giết người ngẫu hứng gia tăng phi tiển: bắn nhau trên freeway khi kẹt xe mà bóp còi chửi nhau, dành nhau một chỗ đậu xe, một câu nói bị hiểu lầm trong quán tạp hóa… Đó là những chuyện mà quá lắm là đấm nhau vài cú, thế nhưng có sẵn súng thì ông bắn cho mà coi. Đối với bây giờ thì chẳng có nghĩa lý gì nhưng chừng đầu thập niên 1960, cái váy ngắn (mini jupe, mini skirt) đã gây nhiều vụ tấn công tình dục.

    Tâm thức độc ác là một yếu tố lớn đưa đến những sự việc đáng buồn, tâm thức ấy đã điều kiện hóa sự nhận biết, thúc đẩy con người hành động theo chiều hướng sai lệch. Khổng Tử, tuy nhấn mạnh đến việc trị dân, yêu cầu “quân tử thận kỳ độc”, khi ở một mình riêng rẻ huân tập suy nghĩ nhân ái.

    Chừng nào chưa ra đến ngoại tầng không gian, mọi vật từ con muỗi cho đến boeing vĩ đại vẫn theo sự điều dẫn của trọng lực trong một tập hợp liền lạc. Sự phung phí giấy vệ sinh trong phòng tắm góp phần trong việc tạo nên cái nóng kinh khủng, bây giờ gọi là hiệu ứng nhà kính (green house effects).

    Ca dao VN thì bình dân hơn, nó nằm giữa chợ:

    Còn trời còn nước còn non

    Còn o bán rượu anh còn say sưa
    .


    tiếp theo với chuyện súng đạn


    Tuy đã post khá lâu, bài ngắn nầy được vài thân hữu nhớ và đem ra dùng khi bàn luận về súng ống sau vụ bắn hại trẻ con ở Connectitcut. Đến tay một quan thầy thuốc ở San Jose, câu ca dao cuối được thêm:

    Còn o bán rượu anh còn say sưa
    Còn ai bán súng còn người chết oan.
    Án mạng ghê gớm cũng không buông tha khối người Việt. Mỗi khi có chuyện cướp phá và bắn nhau, điều tra viên dòm ngó người Việt. Các nhà tội phạm học nói rằng người Miên bắn người Miên, người Lào bắn người Lào, người Việt cũng thế, các dân thiểu số cũng cùng mô thức ngay cả người Mỹ đen.
    Các vụ bắn giết nầy như tội phạm thường, không mang tính chất chính trị, ngoại trừ hai trường hợp: thứ nhất là nhân viên báo Văn Nghệ Tiền Phong bị sát hại, với lời cáo buộc do Mặt Trận (tiền thân của Việt Tân) thanh toán, và Trần Khánh Vân bị Trần Văn Bé Tư bắn bị thương. Ngoài ra nhiều bài báo có đăng cáo buộc Mặt Trận giết nhiều người để thị uy nhưng xẩy ra bên Thái Lan.
    Có hai trường hợp dùng súng thương tâm vô cùng.
    Thứ nhất, ở San Jose 1984, một học sinh tự vận bằng cây súng nhỏ của cha vì không được điểm A cuối năm để vào đại học danh tiếng như bố mẹ ước vọng. Thứ hai ở Santa Ana chừng 1987, một thiếu phụ, làm việc tại Bank of America, dùng súng bắn con tật nguyền, bệnh down, xong đến tối lên nằm giữa freeway Garden Grove và bị xe 18 bánh nghiến nát.
    Nhưng dù với lý do nào, các sự việc nầy đều xẩy ra trong nền văn minh súng đạn ở Bắc Mỹ. Sự đam mê súng đạn đã đến mức khó tưởng tượng. Một công ty ở Alabama đã thành công với một nghề mới: lấy tro thiêu xác độn vào đạn súng lục, súng săn và súng trường; lý thuyết marketing là vinh danh và đưa người thân vào chốn vĩnh cửu, làm cho vong linh thỏa thích khi hạ được con nai, hay bất cứ thú rừng nào. (xem tin ở đây).
    Tại Connecticut mấy tuần trước khi có vụ thảm sát ở trường, chính quyền địa phương đã bắt đầu chiến dịch mua lại súng một cách vô danh. Người đem đến không cần khai tên họ; nhưng nếu cần, họ khai đã làm chủ cây súng bất hợp pháp để xóa hồ sơ. Có bà tìm ra trong tủ áo lâu năm một cây súng máy của Đức thời Hitler mà Nga đã dùng làm mẫu cho AK. Bà không biết và sau khi được chỉ rõ bà nói sẽ bán cho người thích đồ cổ với giá 25 ngàn MK.
    Nhưng cũng tình cờ trong lịch sử. Connecticut là đất dụng võ của “đế quốc Colt”.
    Với cơ sở chính to lớn bên bờ Connecticut River, từ giữa thế kỷ 19 cho đến nay, công ty Colt sản xuất rất nhiều súng, có M16. Nhưng “lịch sử” nhất là Colt 45 vô cùng đắc lực trong việc bành trướng qua miền Tây, chống lại các nhóm thực dân khác và các bộ lạc thổ dân Da Đỏ. (Súng nầy là loại súng lục, sáu viên, khác với Colt 45 tự động mà VN hay nói là Colt Douze; 12 ly tương đương với 0.45 inch).
    Khi ra tranh cử phó TT 2008, nữ thống đốc Alaska, Sarah Palin, được xem là ứng viên mà giới bảo thủ trông chờ cả 30 năm. Bà là tay súng cừ khôi, bắn các thú lớn. Văn phòng của bà đã bị chiếm gần hết bởi một con cọp độn bông gòn. Một chủ quán vùng quanh Ngũ Hổ đã vẽ hình bà ở truồng cầm cây súng M16 cười thỏa thich, thiên hạ đùng đùng đi xem.
    Chính trị gia cả hai đảng CH và DC đều nhận tiền của giới làm súng, buôn bán súng. Cổ súy cho việc dễ dàng dùng súng là đảng CH; Town House, web gần như chính thức của đảng luôn chủ xướng mở rộng tu chính án số 2; đảng CH đang tìm cách ngăn chận việc phê chuẩn hiệp ước do Liên Hiệp Quốc bảo trợ kiểm soát vũ khí.
    Nhưng một đảng viên CH lâu năm, sau khi đã trực diện với tội ác, đã phải kêu gọi kiểm soát vũ khí. Bloomberg, thị trưởng New York đã dùng mấy triệu thành lập một PAC (political action committee) giúp cho các ứng viên các cấp cùng chủ trương nầy.
    Một bình luận gia bảo thủ chống việc bà gọi là chính trị hóa vụ trường học . Ann Cutler kêu gọi ai cũng mang súng, khi ấy những kẻ như cậu Lanza sẽ run mà không dám hành động. Ý kiến nầy gây nhớ một phim Western. Có chàng thanh niên mất người yêu vì không đeo súng, nàng xem là cù lần yếu hèn, không giống ai. Rồi ra chúng ta sẽ làm nghề thợ da, làm nịt và bao súng, hay nghề cắt lõm các cuốn sách dày như tự điển Larousse, Thánh Kinh, Bộ Đại Bát Nhã.. để cất dấu súng.
    Tin mới nhất của ngày tận thế hôm nay 21 thg 12 ghi nhận hội người có súng đề nghị vũ trang tất cả nhân viên ngành giáo dục. Song song với tin bắn vô tội vạ ở một nhà thờ Pennsylvania, 4 người chết và 3 trọng thương.
    To lớn hơn, vào thời sau nguyên tử là hạch nhân. Có người chủ trương rằng bom hạch nhân trong tay kẻ yêu hòa bình ít nguy hiểm hơn lưỡi dao cạo trong tay kẻ ác, vì không bao giờ dùng. Không bao giờ dùng thì chế làm chi.
    Nhưng thế giới có ai yêu hòa bình đâu. Ciné thời trước xem người Da Đỏ là thứ hạ tiện cần tiêu diệt trong bước tiến mà họ cho đã được linh thiêng sắp sẵn.
    Trái với Ann Cutler, một linh mục ở Los Angeles mấy chục năm trước đã đề nghị cấm làm đồ chơi theo bạo động như súng và xe tăng. Một tờ báo lớn đã hoan nghênh bằng cách xin xóa bỏ những điều không hay ông đã làm. Nếu nhà tu nầy còn sống thì ông sẽ hoảng hốt vì một trò chơi mới ở Florida. Mua vé vào cửa, bạn được giao một cây súng thật 100% và một số đạn giả; bạn sẽ thấy những mục tiêu là (hình ảnh) người thật đang trốn chạy, nếu bạn bắn trúng người ấy sẽ ngả lăn ra chết máu me tùm lum. Khi ra về bạn sẽ được cấp một chứng chỉ bắn bao nhiêu viên đạn trúng bao nhiêu người để kỷ niệm, biết đâu sẽ dùng làm credit đi xin việc v.v…ví dụ như trình diễn súng; Paula Broadwell, bồ tèo của tướng Petraous là tay súng trên màn ảnh của nhà làm súng ở Virginia.
    Giáo sư Nguyễn Đăng Thục nói trong giờ triết đông rằng một đứa bé nếu được huấn luyện làm sao có cùng cảm giác khi đánh vào hòn đá và vào đầu con chó, thằng bé sẽ giết người rất dễ dàng. Tôi xin được phép nói, người chơi trò chơi vừa nói sẽ giết người dễ hơn đứa bé nầy
    .
    Nói tới đứa bé, tôi liên tưởng đến Elian Gonzales sống sót trong chuyến vượt biên từ Cuba đến Miami cùng người mẹ và cha ghẻ tháng 11, 1999, sau đó người cha đã yêu cầu trả về xứ. Tôi xin đứng ra ngoài mọi ý kiến quốc cọng, mọi di lụy về chính trị. Nhưng trong khối bòng bong hổn loạn ấy, tôi chú ý đến ý kiến của một nhà văn xứ Nam Mỹ. Thật tình Gabriel Garcia Marquez không dấu được lối viết có phần thiên vị chống Mỹ khi viết trên New York Times. Nhưng phải đồng ý với tác giả “Trăm Nam Cô Đơn” trong sự lo âu rằng đứa bé đã được nuôi dưỡng trong tinh thần bạo động. Theo ông, không có ai ở Miami để ý đến sự nguy hại cho sức khỏe tâm thần của Elian. Bằng chứng là tấm hình ngày sinh nhật thứ sáu, Elian đội nón trận, súng đạn đầy người và la liệt chung quanh. Marquez tiếp: chẳng bao lâu sau buổi tiệc nầy một đứa bé cùng tuổi ở Michigan bắn chết đứa bạn cùng lớp với khẩu súng lục. Bài tham luận của cây bút gốc Colombia mang tựa đề: Shipwrecked On Dry Land, ý nói Elian không chết chìm trên biển (nghĩa đen) mà chết chìm trên cạn.
    Xin cảm ơn tất cả đã đọc những dòng lộn xộn không đầu đuôi. Để bù đắp, người tình (sic) không chân dung, thuộc loại tình câm của tôi sẽ tấu nhạc chúc mừng các bạn Noel vui và năm mới vui luôn. Tháng 12, 2012






    Last edited by tonthattue; 12-22-2012 at 05:47 AM.

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 12:45 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh