Register
Page 3 of 4 FirstFirst 1234 LastLast
Results 21 to 30 of 32

Thread: Mời đọc

  1. #21
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566
    Chào quí bạn

    Hồi xưa tôi thích nghe Thái Thanh hát , đa số là nhạc Phạm Duy . Bây giờ nghe tiểu sử PD oải quá nên không thích nữa . Ý Lan thì tôi thích nhất là bản Mình Ơi . Mới đây là bản Đừng Nhìn Nhau Anh Ơi .

    Hình như còn có ca sĩ Thái Lan hát ở Chiang Mai nữa . ( Cô này ca bản Ai ơi ăn ớt đừng nhỏ giọt sầu .)

  2. #22
    Còn anh lúc đó thế nào? Kể cho Trầm nghe đi.

    Hương-Trầm

  3. #23
    Ông Bà ta đã phán một câu xanh ... lè rằng thì là "xướng ca vô loại". Phạm-Duy, Trịnh-Công-sơn, Vũ-Thành-An v..v.. đều có những "tiểu-sử" bá chấy bò cạp. Vì vậy kệ nó đi anh, mình nghe nhạc, không thèm nghe người.

    Hương-Trầm

  4. #24
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,669
    Quote Originally Posted by hoanghac View Post

    Hồi xưa tôi thích nghe Thái Thanh hát , đa số là nhạc Phạm Duy . Bây giờ nghe tiểu sử PD oải quá nên không thích nữa . Ý Lan thì tôi thích nhất là bản Mình Ơi . Mới đây là bản Đừng Nhìn Nhau Anh Ơi .
    Anh Cò , khi người ta về già thường muốn vớt vát mọi thứ ( kể cả các chính chị gia !)




    Quote Originally Posted by Hương-Trầm View Post
    . Vì vậy kệ nó đi anh, mình nghe nhạc, không thèm nghe người.

    Hương-Trầm
    ....đồng ý 100 phần 100...

  5. #25
    ....đồng ý 100 phần 100...[/QUOTE]

    Cám-ơn anh!
    Trầm chợt nhớ bài 100% mà Hùng-Cường, Mai-Lệ-Huyền hát .

    Hương-Trầm

  6. #26

    huế và chiến tranh
    vũ anh
    Cố đô Huế đối với tôi có khá nhiều gắn bó, có thể nói suốt trong thời chiến tranh. Có lẽ vì thế hình ảnh của Huế trong tôi cũng hơi khác những người bạn Huế của tôi và ngay cả với người bạn đời của tôi bây giờ, một người Huế chính hiệu. Tôi không phải là quân nhân của Sư Đoàn 1 Bộ Binh, cũng chẳng phải là lính của Đại Đội Hắc Báo. Vào thời đi lại nhiều với Huế, tôi chưa bị gọi động viên vào quân đội, nhưng lại làm cái nghề có nhiều liên quan đến những mặt trận từ Quảng Trị vào đến Quảng Ngãi. Là phóng viên mặt trận cho Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia liên tiếp 7 năm không kể thời gian bị gọi động viên thụ huấn tại trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi đã có dịp đi khá nhiều trong phạm vi Huế, vùng phụ cận và tỉnh Thừa Thiên. Dường như hai phần ba thời gian nói trên tôi dùng để tường thuật tất cả những gì xảy ra ở vùng Hỏa Tuyến nói chung và Huế-Thừa Thiên nói riêng.
    Tôi không sống ở Huế như một người dân Huế, nhưng vui buồn theo cái vui buồn của họ. Tuy chiến tranh tàn phá hàng ngày ở vùng phụ cận, nhưng Huế không bao giờ mất đi cái vẻ mơ mộng của đất thần kinh, nhất là không bao giờ mất đi nét văn hóa đặc biệt của Huế. Tôi gọi một cách nôm na và bình dân đó là văn hóa Huế. Thế nhưng muốn hiểu thật cặn kẽ đất thần kinh, tôi nghĩ chúng ta cần có một cuộc nghiên cứu rất công phu và khoa học về nét văn hóa đặc biệt của vùng đất này thì mới nói hết được cái tinh chất cốt lõi của nó.
    Hiện nay, theo những thông tin từ trong nước và từ tổ chức American Joiner thì công trình nghiên cứu của Hoàng Phủ Ngọc Phan cũng có những điểm đáng chú ý, nhưng ông Phan lại là một nhân vật gây tranh cãi và những tin đồn ông dính dấp tới vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế khiến nhiều người Việt ở hải ngoại và ngay cả người Huế hiện nay nghi ngờ giá trị thực của công trình nghiên cứu này. Riêng bản thân, tôi không dám viết về văn hóa Huế vì sự hiểu biết rất giới hạn của mình mà chỉ viết ra ở đây vài kỷ niệm về Huế vào thời chiến tranh.
    Huế là đất của văn học và đồng thời cũng là quê hương của các cuộc tranh đấu. Điều này có lẽ không ai phủ nhận được. Có lẽ vì thế mà một số đông người dân ở Huế thường hay bị ngộ nhận là Tả phái. Nhưng nếu nhìn sâu vào những sinh hoạt của giới trẻ ở Đại Học Huế, người ta thấy rõ phần đồng họ không cực đoan trong các khuynh hướng xã hội và chính trị như người ta tưởng. Phần cốt lõi trong tư tưởng của họ vẫn chỉ là làm sao giữ cho xã hội của Huế không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi do chiến tranh hay do nhà cầm quyền gây ra. Nhà văn Đỗ Tấn, một bạn vong niên của tôi vào thời ấy có lần nói với tôi tại văn phòng của ông ở Đài Phát Thanh Huế vào Mùa Hè 1967: “Cậu cứ kiếm khắp thành phố xem có một snack-bar nào cho lính Mỹ không. Dân chúng ở đây họ buộc hội đồng thành phố và áp lực với ông thị trưởng không cho phép bất cứ người nào kinh doanh loại hình giải trí này, bởi nó sẽ xé nát cái xã hội đang có trật tự ở đây. Sở dĩ người ta hoài nghi lớp thanh niên và sinh viên Huế có đầu óc quá cấp tiến là vì những luồng gió mới về tự do dân chủ khiến cho họ không chấp nhận ngồi yên để cho chính quyền địa phương muốn làm gì thì làm. Họ không thích chiến tranh, nhưng điều đó không có nghĩa là họ chống chiến tranh, bởi vì một điều rất rõ: Họ không muốn chiến tranh làm thay đổi Huế của họ. Cho nên chính quyền địa phương ở đây nếu không hiểu rõ những suy nghĩ và mối quan tâm của người Huế mà chỉ giản dị chỉ ngón tay và bảo họ là Tả phái hay thiên Cộng.”
    Đỗ Tấn nổi tiếng với những truyện ngắn rất sâu sắc của ông đăng trên các nhật báo ở Saigon. Đã có thời gian ông làm việc cho Đài Phát Thanh Huế, hoạt động đảng phái ở Huế và Đà Nẵng. Huế thực ra chỉ là nơi tôi thường tạm dừng chân khi phải làm nhiệm vụ tường thuật ở các mặt trận vùng Quảng Trị. Tôi ít khi lưu trú tại Quảng Trị lâu mà thường sau mỗi công tác tôi quay trở lại Huế. Thứ nhất nếu lưu trú ở Quảng Trị, tôi không có phương tiện gởi tin hay băng ghi âm. Thứ hai, về Huế tôi dễ tìm chỗ trọ hơn và phương tiện gởi tin qua điện thoại quân sự ở đồn Mang Cá, nơi là bản doanh của Sư Đoàn 1 Bộ Binh hoặc có thể vào Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương thường dễ dàng cho tôi hơn.
    Thời gian vào giữa thập niên 60, bọn phóng viên mặt trận chúng tôi thường không được chính phủ chi trả đủ tiền ăn và ở khách sạn. Chúng tôi có được trả một số tiền công tác phí nhưng phải một tháng sau mới lãnh được. Cho nên khi nhận lệnh công tác, tôi phải bỏ tiền túi ra trước, rồi lãnh công tác phí sau. Mọi phương tiên di chuyển và lưu trú chúng tôi phải tự lo do quen biết bên Không Quân và những đầu mối liên lạc của chúng tôi ở mỗi địa phương. Ở Huế chỉ có một số ít khách sạn, nhưng giá tiền một đêm đều là giá trên trời, chúng tôi không thể nào chịu nổi. Nhưng nhà văn Đỗ Tấn đã chỉ cho tôi biết hai phương tiện rẻ nhất để trọ tại Huế, đó là thuê đò và thứ hai là ở trọ tại nhà một số quân nhân cơ hữu của Sư Đoàn 1 Bộ Binh.
    Nói đến Sông Hương và đò, tôi bỗng nhớ lại rằng đã có lúc tại hải ngoại có một nhà văn nữ viết bằng tiếng Anh, những điều hơi quá đáng về nước sông Hương và chuyện ngủ đò. Chính vì thế mà nhà văn nữ này đã bị nhiều người chỉ trích. Tôi không bênh vực tác giả cũng như không ngả theo những người chỉ trích. Tôi chỉ viết ra một kinh nghiệm vào thời gian tôi còn là phóng viên lao vào cuộc chiến ở miền hỏa tuyến đó. Thật ra mới đầu, nghe nhiều người đàm tiếu về chuyện ngủ đò, tôi cũng ngại và đem câu chuyễn này ra nói với Đỗ Tấn. Ông cười khà khà: “Thì mi cứ theo tao rồi biết thôi”. Người bạn vong niên của tôi dẫn tôi xuống bến đò Gia Hội. Không cần phải trả giá gì cả bởi vì ông biết rõ từng người chủ đò ở Huế. Chúng tôi hẹn xuống đò vào lúc 7 giờ tối và sẽ xuôi ngược lên cầu Bạch Hổ, và trở lại Gia Hội trước giờ giới nghiêm.
    Khi xuống đò mới nhận thấy cái nếp Huế: gia đình chủ đò ở phía sau, một nửa khoang phía trước dành cho khách thuê. Mọi thứ đều tươm tất. Trời tháng 10, Huế đã lạnh lắm. Chủ đò trải chiếc nệm bông ngoài có bọc nhiễu hoa văn và hai tấm mền nhồi bông gòn giống như chăn bông miền Bắc. Nhà văn Đỗ Tấn đã đặt chủ đò cho ăn cơm hến. Lần đầu tiên tôi ăn cơm hến và nhận thấy được cái vị đặc biệt của nó. Ông Tấn nói: “Lợi tức của người dân Huế thua xa người dân ở các nơi khác trên đất nước. Tuy nghèo nhưng lúc nào cũng phải tươm tất. Cậu cứ nhìn gia đình người chủ đò, chỉ ở một nửa khoang thuyền thôi nhưng họ xếp đặt đâu ra đó. Vừa rồi bạn ăn cơm hến là chính hiệu Huế đó, vì ở thành phố này không thiếu gì cơm hến không phải là cơm hến”. Cơm nước xong chủ đò pha cho một bình trà Huế. Theo lời ông bạn vong niên của tôi, gói trà này là do ông đưa cho chủ đò, được hái từ môt vài đồn điền trà còn an ninh tại Bạch Mã. Tôi nghe thì cũng biết vậy thôi, nhưng khi uống loại trà Huế tôi thấy nó hơi khác. Vị chát trong nước trà có vẻ chát hơn so với trà Bảo Lộc, nhưng cái hậu có vẻ ngọt hơn nhiều.
    Bến đò chỉ ồn ào vào lúc 7 hay 8 giờ, nhưng nó trở lại yên tĩnh khi các con đò có người thuê lần lượt rời bên. Tôi giục ông Tấn: “Mình đi chứ”. Ông nói chờ một chút để đón ban nhạc. Chỉ khoảng 15 phút sau, một ban nhạc cổ Huế gồm 2 nữ và 2 nam, tất cả đều đã lớn tuổi, lục tục kéo nhau xuống đò. Nhà văn Đỗ Tấn nói cho tôi biết những người này là thành viên của ban nhạc Đại Nội hoặc thuộc gia đình họ. Họ làm thêm để giúp thêm cặp vào ngân sách gia đình. Các nhạc công chơi hai loại đàn, tỳ bà và đàn tranh cho hai ca nữ hát. Họ ngồi chung quanh lò sưởi than hồng trên bong trước của con đò. Người đàn ông chơi đàn tì bà có lẽ là trưởng toán giải thích cho chúng tôi ý nghĩa của mỗi làn điệu ca cổ của Huế. Con đò cứ lững thững bồng bên trên dòng sông lên tới cầu Bạch Hổ rồi tiến lên thêm một quãng nữa. Có lẽ trong suốt thời gian chiến tranh, cái buổi tối ngồi trên đò, nghe những nghệ nhân xứ Huế nói và hát những Nam Ai, Nam Bình, tiếng đàn tranh và đàn tì bà réo rắt trong đêm khuya thanh vắng giữa Hương giang đã trở thành một hình ảnh không bao giờ phai nhạt trong tim tôi. Đò Huế là như thế và dĩ nhiên nó vẫn có những trò làm vẩn đục nét thanh cao của đò Huế do khách trọ, nhưng đây là cá biệt, không thể vơ đũa cả nắm.
    Những người Huế mà tôi quen biết phần lớn là quân nhân và công chức. Họ rất quan tâm đến tình hình đất nước và chính trị. Sự phức tạp của đảng phái ở Huế chỉ sau có Quảng Nam và Đà Nẵng, và chính vì thế mà khi chính quyền ở cố đô được trao vào những người thiếu kinh nghiệm và mang tinh thần quân phiệt nặng nề nên dân chúng xa lánh. Ai cũng biết cơ bản của văn hóa Huế là văn hóa Phật giáo. Ấy vậy mà đã có nhiều giai đoạn nhà cầm quyền ở Huế đã dễ dãi phủ nhận nó và cáo buộc các chùa Phật giáo ở Huế là “ổ Việt Cộng”.
    Tôi không bao giờ phủ nhận là có thể có cán bộ Cộng sản trà trộn vào những ngôi chùa này, nhưng không phải là tất cả. Trong cuộc chiến tranh không có chiến tuyến rõ rệt và bí mật, cần phải tỉnh táo, không thể đập chuột trong lọ sành bằng búa tạ. Do xa rời văn hóa Phật giáo và tạo ra nhiều ngộ nhận đẩy lớp thanh niên trí thức Huế sang cánh tả, một môi trường dễ khuyến khích họ lọt vào tay Việt Cộng, chính quyền Huế thường không phải là chính quyền được lòng dân chúng. Người dân Huế hầu hết chịu đựng được cảnh nghèo, nhưng họ không thể chịu đựng được cảnh bất công. Đã tranh đấu là họ tranh đấu tới cùng. Cuộc khủng hoảng Phật giáo năm1963 vì thế đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm. Chế độ đó sụp đổ không có gì oan uổng cả, nhưng hậu quả nguy hiểm không lường.
    Nếu những ai đã có dịp sống với người dân thường ở Huế thời gian sau cuộc đảo chính 1-11-1963 thì sẽ thấy niềm tin vào chính quyền của dân chúng Huế hoàn toàn tan vỡ. Một khi niềm tin không còn thì hệ thống tình báo nhân dân, một hệ thống rất quan trong trong cuộc chiến ở Miền Trung nói chung và Huế nói riêng cũng sẽ kém hữu hiệu. Đó là lý do tại sao khi Thân Trọng Một đưa cả một trung đoàn địa phương vào Huế đêm giao thừa mà chính quyền địa phương không hay biết gì cho đến khi tiếng súng bắt đầu nổ trong thành nội.
    Tết Mậu Thân, tôi chỉ đến được Huế vào ngày Tết Đống Đa tức ngày Mồng 5 Tết. Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia ở Saigon bị đánh sập, chúng tôi phải di chuyển lên Đài Dự Phòng ở Quán Tre để làm việc. Những phương tiện hàng không quân sự đến phi trường Phú Bài chỉ dành cho việc chuyển quân. Nhưng do quen biết, tôi có được một chỗ ngồi trên chuyến C-47 chở đạn dược ra Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng tôi phải xin phương tiện di chuyển bằng PT-Boat của Lực Lượng Vùng I Duyên Hải vào đến Bao Vinh. Từ Bao Vinh đành phải đánh liều cuốc bộ vào thành phố Huế, nhưng may mắn đến nhờ được một ông chở xe ôm đưa đến Đài Phát Thanh Huế, và may mắn hơn nữa ông chở xe ôm này không phải là Việt Cộng.
    Ngày tôi đến Huế, lực lượng Nhảy Dù đã giải tỏa được cửa Thượng Tứ, nhưng các trận đánh trong thành nội vẫn còn tiếp diễn khá nặng. Do cuộc chiến diễn ra ngay trong thành nội, tôi được chứng kiến những bức tường của Hoàng thành Huế nó vững vàng như thế nào và tôi cho rằng có lẽ Việt Nam là một dân tộc nhỏ bé dễ bị xâm lăng cho nên những thành quách được dựng lên là kết quả của những sáng kiến quân sự đầy trí tuệ.
    Đi ở phía ngoài Hoàng thành Huế, người ta chỉ nghĩ rằng đấy là một thành quách rêu phong, chỉ có giá trị một thời khi người ta chưa có bom đạn như ngày nay. Nhưng tôi đã chứng kiện tận mắt một phi tuần 3 khu trục cơ AD-6 đánh bom và hỏa tiễn vào một ổ kháng cự của Việt cộng cố thủ tại bức thành nằm về phía bên phải Phú Văn Lâu. Bom nặng nhất của không lực VNCH lúc đó là 750 pounds và hỏa tiễn Sidewinder sức công phá cũng tương đương với một trái bom 750 pounds. Những phi công đánh bom và hỏa tiễn rất chính xác nhưng hết một phi tuần, bức tường thành chỉ bị “mẻ” một miếng lớn chứ không sập được, nhưng nếu có lên đứng trên bức tường thành ấy mới thấy rằng hoàng thành chỉ là bức tường dầy vài thước bằng đất nện và trong và ngoài được che chắn bằng đá ong. Nhưng không triệt hạ được những ổ kháng cự gần Phú Văn Lâu thì không kéo lá cờ Mặt Trận Giải Phòng Miền Nam xuống và kéo cờ VNCH lên cột cờ lớn ở đây được. Vì thế cái giá xương máu mà đại đội Hắc Báo của Sư Đoàn 1 Bộ Binh đã phải trả để hoàn thành nhiệm vụ nói trên đắt lắm.
    Nhưng điều làm tôi hoảng kinh nhất vẫn là những ngày tôi theo chân đoàn người cả quân lẫn dân đi khai quật những nấm mồ tập thể ở khu trường tiểu học Gia Hội, ở quận Phú Thứ và Giạ Lê Thượng. Những nấm mồ tập thể này gồm thi thể đã rữa thối thuộc đủ mọi thành phần trong khối dân chúng ở Huế bị Việt Cộng bắt khi chiếm Huế. Dân có, cảnh sát có, quân nhân có, tu sĩ có, sinh viên học sinh có.
    Trước khi rút hỏi Huế vào ngày 20 tháng Giêng, Việt Cộng đã tập trung số người bị bắt tại những địa điểm nói trên và giết chết họ bằng cuốc, búa và cả rìu bổ củi. Hàng ngàn người bị Việt Cộng xử tử đã bị chôn như vậy, chân tay họ còn bị trói vào nhau bằng giây điện thoại. Thân Trọng Một (người Huế gọi ông ta là Một“chột”) khi chiếm được Huế liền tập trung dân chúng lại và phân loại. Nhà văn Đỗ Tấn cho biết những người bị đem đi thủ tiêu được Thân Trọng Một xếp vào loại nợ máu với nhân dân. Ông nói: “Cái cách giết người ghê tởm như thời trung cổ tôi tưởng chỉ có thể tái hiện dưới thời bọn Đức Quốc Xã, nhưng không ngờ ngày nay (1968) nó lại xuất hiện ở giữa cái đất Huế này”.
    Theo ước lượng có khoảng độ 6,000 người bị giết vì họ bị đập vỡ sọ. Cảnh giết người này trên một cánh đồng rộng ở Phú Thứ là đáng sợ nhất. Nó ám ảnh tôi đến cả mấy năm sau đó. Do Việt Cộng giết vội vã và chỉ vùi xuống sơ sài, những cơn mưa xuân ở Huế khiến cho cả một cánh đồng rộng, những bàn tay của người chết bật lên thẳng đứng, mùi hôi thối của thịt người tan rữa, cho nên dù mang khẩu trang dày đến đâu cũng không chịu nổi. Ấy vậy mà thân nhân của các nạn nhân đã nhào những chiếc hố lớn như thế để tìm ra thân nhân họ. Chỉ nhìn vào cảnh ấy, nhiều người đã bật khóc như những đứa trẻ.
    Tuy nhiên, theo tôi một cách nào đó, chính cách giết người man rợ đó của Việt Cộng tại Huế đã làm thức tỉnh tất cả những người dân Miền Nam chứ không phải chỉ có Huế. Cái nhìn của người Huế đã có thiện cảm hơn đối với lính, đối với chính quyền địa phương. Dù họ vẫn không ưa gì những việc làm tệ hại của một số quan chức chính quyền Huế, nhưng thảm kịch đã làm cho người dân Huế phải tạm chấp nhận chế độ và kể từ năm 1969, hệ thống tình báo nhân dân mới được lập lại tinh vi hơn và đã làm cho kế hoạch bình định tại Thừa Thiên và Huế hữu hiệu hơn. Chỉ có một điều đáng tiếc là chính quyền Trung Ương tại Saigon đã không có một kế hoạch qui mô hơn để cho toàn thế giới biết người Cộng sản xử sự với dân chúng Miền Nam Việt Nam như thế nào.
    Truyền thông của chính phủ đã có đầy đủ những băng ghi hình, ghi âm phỏng vấn những nhân sĩ trí thức, đảng phái và gia đình nạn nhân, nhưng Bộ Thông Tin không hề có một chuẩn bị nào làm một phim tài liệu lớn hay cho in những tài liệu sách báo về Tết Mậu Thân ở Huế. Cuốn phim tài liệu duy nhất liên quan đến Tết Mậu Thân ở Huế là phim “Sóng Đỏ” của Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh, nhưng phim tài liệu này không phản ảnh được đầy đủ tính chất của thảm kịch Tết Mậu Thân ở Huế.
    Cách đây khoảng một chục năm, một cộng đồng ở đây đã lập ra một ủy ban sưu tập lại những tài liệu liên quan đến cái chết của 6,000 người Huế trong Tết Mậu Thân để lập hồ sơ truy tố nhà cầm quyền Việt Nam ra trước tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh. Cho đến nay, ngoài một tác phẩm của cựu dân biểu Nguyễn Lý Tưởng không được mang tính chất của một hồ sơ có thể kiện ra tòa án quốc tế, dường như cái ủy ban soạn thảo tài liệu nói trên cũng không còn hiện hữu. Cá nhân, tôi cho rằng thời điểm của năm 1968, chúng ta còn cả một chính phủ, còn đất, còn quyền lực và lại ở ngay ở hoàn cảnh thuận lợi mà đã không làm được điều nói trên thì 44 năm sau, liệu chúng ta còn cơ hội nào có thể làm được những điều mà ai trong cộng đồng cũng mong muốn: để lại một hồ sơ chi tiết cho con cháu mai sau về một trong những thảm kịch lớn nhất, bi thảm nhất mà Huế phải chịu đựng không?
    Thật ra khi viết về Huế và chiến tranh, tôi không muốn nhắc lại thảm kịch Tết Mậu Thân. Lý do rất dễ hiểu: Việt cộng phạm vào tôi giết người kinh tởm ở Huế, điều đó không ai có thể phủ nhận được, nhưng nó mới chỉ là vế đầu. Còn vế thứ hai là một câu hỏi: Một thành phố có cả một sư đoàn bộ binh đồn trú, một tiểu khu với những người lính địa phương thuần thục trong chiến tranh, một ty cảnh sát đông đảo với một ban tình báo tinh nhuệ mà để cho Thân Trọng Một kéo cả một trung đoàn vào và chiếm Huế chỉ trong đêm giao thừa? Sao vậy? Chưa có một lời giải thích, chưa có người nào nhận lỗi và từ chức vào thời điểm sau Tết Mậu Thân của chính quyền Huế thời Đệ Nhị Cộng Hòa.
    Trong thâm tâm, khi viết về Huế, tôi muốn Huế trong trí nhớ của tôi không có thảm kịch. Huế phải là những buổi sáng, buổi chiều lặng lẽ như nước sông Hương lững lờ chảy. Huế trong tôi phải là mầu tím thẫm của sương chiều mùa Đông trên Ngự Bình. Huế phải là Huế trong quá khứ thấp thoáng những tà áo trắng trên những đường mòn trong thành nội hay trên cầu Tràng Tiền những buổi tan trường. Huế trong tôi phải là những mơ ước thanh bình nương theo giọng Nam Bình hay hò Mái Nhị trên những chuyến đò bập bềnh trôi về Kim Long. Và cuối cùng Huế trong tôi vẫn còn là những hình ảnh trong sáng của nghệ thuật ẩm thực từ nem, tré, bún bò cho tới những loại bánh, chè được chế biến tinh tươm.
    Tôi không phải là người Huế, cũng không phải là người hiểu hết văn hóa Huế. Nhưng vì tôi đã có những năm tháng chia sẻ với Huế niềm vui nhẹ nhàng cũng như nỗi buồn day dứt của những biến cố tai ương cho nên thành phố này cũng dạy cho tôi nhiều hiểu biết về con người đất thần kinh. Không đến Huế, không sống ở Huế thì sẽ không hiểu tại sao lửa đạn chiến tranh không làm thay đổi được nếp sống và nét văn hóa Huế, không hiểu được ngay trong lòng của cuộc chiến ngày một lan rộng lúc bấy giờ, Huế vẫn là:
    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

    (Sống Magazine)

    ảnh: tìm xác thân nhân


    vài dòng

    vài dòng viết thêm của người gởi

    Nhà văn Đỗ Tấn nói trong bài có vợ là con bác ruột của tôi. Tên thật là Đỗ Tấn Xuân. Khi anh Xuân xuất hiện trong già đình thì tôi còn nhỏ và ở tận Bến Ngự. Lại biết rất lõm bõm về con người ấy. Anh Xuân từ trong khu chiến Quãng Ngãi về tề. Lúc ấy có phong trào về tề từ Quảng Ngãi như thầy Diêu dạy Việt Văn, thầy Phi dạy Anh văn. Tôi cũng chì biết anh viết cho tập san Nhành Lúa Mới và làm cho Đài Phát Thanh Huế.
    Nhà anh Xuân là nhà ông nội tôi, nơi trú ngụ của mấy cặp vợ chồng con cái. Nhà ở đường Âm Hồn góc Kiệt 1. Nhà phía sau cùng ranh và ngó ra Kiệt là của ông hiệu trường Huỳnh Hoà và tổng giám thị Nguyễn Đoá. Cả hai ông nầy đều người trong Quảng. Trong dịp Mậu Thân, theo như cáo buộc của nhiều tài liệu, con gái ông Đoá là Đoan Trinh là tay sát thủ chạy xe Honda gặp lính và công chức là bắn ngay.
    Nhà bên anh Xuân có đồng hồ điện nên cho nhà ông Hoà câu đồng hồ phụ. Khi Mậu Thân xấy ra, tại đây chỉ có gia đình em vợ anh Xuân. Người nầy cũng chết phía trên núi khi VC rút lui.
    Anh Xuân đã dọn nhà về gần Ngã Tư Anh Danh, đường Hoà Binh và Thượng Tứ. Mấy đứa con nít vào hỏi thăm thì bác gái tôi nói không có ai ở nhà, anh Xuân đi ăn Tết đâu xa không thấy về. Thấy không xong, sẩm tối hai ông bà tầu thoát.
    Đỗ Tấn đã chết sau 75; bà vợ còn sống đã 90.
    Tôi chưa hề đọc Đỗ Tấn, và trong đời chỉ giao tiếp qua loa vài lần.






  7. #27


    Đã biết Huế, không cần là dân Huế, thì Huế hôm nay so với ngày xưa thay đổi nhiều lắm, không còn là "Huế xưa" nữa! Cũng như Sài-gòn bây giờ không còn là Sài-gòn xưa...

    Hương-Trầm

  8. #28
    Tiểu em nghĩ lại rồi. Chổ đại-ca phải nghe bản Aranjuez mới hay chứ không phải là bản Bolero của Ravel. Cái hùng tráng của núi đồi, của những cánh đồng cỏ vô-tận làm mình liên-tưởng đến những bầy ngựa hoang dã ngẫng đầu hí vang khi bốn vó không hề chậm lại. Những dòng sông xinh đẹp gợi trong tâm-hồn mơ đến một cõi thiên-thai nào đó.
    Em mời đại-ca, đại-tẩu nghe nhạc. Em làm tỳ-nữ đứng hầu nghe ké. Second movement là hay nhất theo ngu-ý của tiểu em.
    Xem như tiểu em chúc mừng anh chị năm mới nghe,
    Thân kính,

    Hương-Trầm

  9. #29


    le Christ jaune, Gauguin

    Xin chúc mọi người an lạc
    ******************************************
    chuyện dưới thế:
    Joaquin Rodrigo mù từ nhỏ và học dương cầm, không chơi guitar sành nhưng ông hiểu hơi nhạc trong dòng máu Tây Ban Nha. Bây giờ nói đến cầm tấu khúc nầy, người ta chỉ nghĩ đến hành âm adagio. Nó được trình diễn khắp nơi dưới nhiều hình thức, nhiều lời nhạc. Adagio dễ được tiếp nhận vì tính cách du dương nhẹ nhàng, không riêng gì trong nhạc phẩm của Rodrigo. Nhưng có thể suy diễn sự bất quân bình về phương diện quảng bá, một phần vì ba hành âm rời rạc. Hành âm cuối không hấp dẫn so với hai phần trước. Tuy vậy tác phẩm nầy tạo cho Rodrigo chỗ đứng chắc chắn trong ngành âm nhạc.
    Tự điển bình dân Wiki viết: The Concierto de Aranjuez was inspired by the gardens at Palacio Real de Aranjuez, the spring resort palace and gardens built by Philip II in the last half of the 16th century and rebuilt in the middle of the 18th century by Ferdinand VI. The work attempts to transport the listener to another place and time through the evocation of the sounds of nature.
    Như vậy ông đã dùng thính giác làm thị giác vì ông mù từ nhỏ. Những bậc tài danh đã vượt quá giác quan đến một siêu thức. Rodrigo, tuy vậy, không sánh kịp Beethoven điếc mà vẫn tuyệt chiêu, nhất là hoà tấu khúc số 9; trong khi ấy Rodrigo vẫn còn giữ kho vàng quí nhất của âm nhạc là lỗ tai.

    nhạc nắng

    tôn thất tuệ

    Mắt tôi tối lại
    tôi nghe nhạc nắng hôm nay
    khi mất sức thấy của ngày
    khi tay nhìn rõ heo may.

    Đưa tay lên màu đen mới.
    Gai nhọn đâm đầy hàng dây kẻm.
    Bước chân nhẹ đất ẩm mưa đêm qua.
    Nhạc nắng của ngày, nhạc lắng thật yên.

    Nhạc nắng hôm nay, nhạc trổi bình minh.
    Mưa vào đêm nên đem nhạc vào sáng.
    Tấu nhạc hừng đông không cần ánh sáng.

    Tấu nhạc ban mai;
    trùng dế ngủ say, ếch nhái sợ ngày
    bỏ mất sức thấy để nghe nhạc nắng hôm nay.

    Tôi nghe nhạc nắng hôm nay
    nhạc nắng của người ấy đứng may.
    trong xanh nhạc nắng trên tay.-

    xin mời thưởng thức nhạc giữa đường phố


    Last edited by tonthattue; 12-23-2012 at 10:00 AM.

  10. #30

    rừng cao su
    Giới thiệu Nửa Hồn Xuân Lộc của Thái Luân
    tôn thất tuệ
    Khi xuân Tân Mão 2011 còn nóng hổi mới ra lò, tôi viết một lời bàn ngắn về cái video có Khánh Ly hát tặng lãnh sự CSVN tại San Francisco. Theo tôi việc nầy đã manh nha từ ngàn xưa, ngày xưa thì đúng hơn vì cô Mai (tục danh Mai Đen) đã tham dự nhiều buổi sinh hoạt tại Đà Lạt trước những biến động đấu tranh miền Trung; trong dịp nầy Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan đã minh thị nói VN chỉ có một con đường là đi theo MTGPMN tuy ông không chịu nói đã nhiều lần vô bưng. Ở đoạn nầy tôi viện dẫn hồi ký của Nguyễn Đắc Xuân, ông viết thêm rằng các người tham dự đã đọc và bình luận thơ của Thái Luân. Ngoài LM Lan còn có nhiều nhân vật trí vận và có Trịnh Công Sơn. Sau đó TCS cho ra những bản nhạc phản chiến mạnh mẽ, tăng cường bởi tiếng hát Khánh Ly đến tầm mức công phá.
    Nguyễn Đắc Xuân không nói nội dung các bài thơ của Thái Luân. Tôi còn nghi vấn phải chăng Thái Luân có mặt. Sau khi tra cứu và hỏi các nhân vật sống, tôi ghi nhận Thái Luân không có mặt ở Đà Lạt bao giờ cũng như mất tích trên địa bàn sinh hoạt ở Huế. Nhưng không khí, như mô tả qua ngòi bút của NĐX, đã gây ấn tượng không tốt cho Thái Luân.
    Thái Luân trong quá khứ đã gây cho vợ chồng tôi một ấn tượng khó tả khi chúng tôi đến thăm Phạm Duy vào lúc nhạc sĩ nầy vừa hoàn tất phổ nhạc Bi Hài Kịch thơ của Thái Luân. PD chỉ nói tác giả là một sĩ quan QLVNCH ngành tâm lý chiến ở Huế. Bi Hài Kịch là bi hài kịch (tragécomédie) thực sự của chúng ta, khi hai bên tương tranh chém giết nhau chỉ như công cụ của đạo diễn. Diễn viên ôm súng bắn, diễn viên gục đầu đường, diễn viên đang tra tấn, diễn viên chịu cực hình, tất cả xẩy ra trên quê hương, mà quê hương là ba má, quê hương là khoai sắn, là con thơ.
    Tôi tin NĐX đã chuyển tập thơ nầy cho PD vì PD đã phổ mấy bài của NĐX trong Tâm Ca. PD nói ông đang phổ bài thứ hai thuật lại lời nói của một một kỹ nữ với học sinh Đồng Khánh: em đừng cười chị, để chị diễn lại trò móc túi để cho thằng lính Mỹ thỏa mãn thú con heo, nếu không chúng sẽ đè em ra mà làm. Vợ chồng tôi thấy khó chịu vì nó hoàn toàn khác với tính cách cao thượng và nghệ thuật của Bi Hài Kịch và tôi mất cảm tình với Thái Luân. Tâm cảm nầy tôi vẫn còn giữ khi viết về các buổi họp tại ĐaLạt như trên.
    Sau khi viết xong lời ghi vội, tôi gặp bài Nửa Hồn Xuân Lộc. Tôi chưa nhất thiết đã kéo Thái Luân vào một chiều hướng nào nhưng tôi thấy sự thiết tha của TL là chân thành. Tôi tìm hiểu thêm. PD hay thay đổi lời thơ của kẻ khác, theo ý mình, thêm nhân vật tên Duyên vào thơ Nguyễn Tất Nhiên; chỉ dùng ý thơ từ một bài rất dài của Phạm Thiên Thư thành bàiLên Non Tìm Động Hoa Vàng. Ông cũng đã phổ bài Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm theo một lối khác với nguyên bản. Việc nầy không tác hại quyết liệt, hơn nữa ông phải uyển chuyển lời cho ăn khớp với nhạc. Nhưng lời diễn dịch của PD trong trường hợp nầy đã quá xa với một đoạn ngắn Thái Luân viết như sau:
    Xin cám ơn những cô gái bán bar nhỏ con
    Đã gồng mình chịu đựng
    Vì cuộc sống .Của các cô
    Và của Việt Nam.
    Thưa thầy giáo, thưa công chức:
    Xin đừng vênh vênh cái mặt đạo đức
    Chửi người ta
    Con gái Huế bây giờ đi bán bar!

    Tôi không biết PD có hoàn tất dự định hay không. Tôi chỉ thấy bài Bi Hài Kịch trên một nguyệt san của Thích Đức Nhuận.
    Đoạn thơ ngắn trên đây tôi vừa tìm gặp đã đảo ngược cái nhìn của tôi về Thái Luân, cho nên tôi đã chuyển bài Nửa Hồn Xuân Lộc cho nhiều thân hữu.
    Một người bạn ở bên Đức đọc và nói với tôi rằng ông nổi da gà và thích cái hào hùng chân thành của Nguyễn Phúc Sông Hương tức Thái Luân; một nhà văn ở đường Thượng Tứ nói sẽ học thuộc bài thơ. Thái Luân lúc còn là thiếu úy ở Huế có 25 bài thơ trong đó có bài Bi Hài KichCảm ơn Bar nói trên. Ông bị phạt 40 ngày trọng cấm và ba tháng tù. Nhưng sau đó tiếp tục đời lính và chức vụ cuối cùng là thiếu tá tiểu đoàn trưởng vùng 2 chiến thuật.
    Xin hẹn khi có cuốn sách mới của Thái Luân, sẽ hầu các bạn vài nhận định và thảo luận về bài giới thiệu của một ông tiến sĩ mà tôi thấy hơi khó hiểu, nhiều méo mó như ông đã nhiều lần méo mó.
    Bài viết đã xưa nay đem ra với lời cầu chúc an vui cho mọi người, cầu mong có thái luân trường cửu như tên Thái Luân; nhịp nhàng của triệu chòm thiên thể, nhịp nhàng của loài ong trong tổ mật, nhịp nhàng trong ý nguyện tình đời.
    Nửa hồn? hà tiện à? Hồn đã nát, chụp lại một mãnh vỡ nhỏ xíu, nói dốc thành một nửa cho oai. Nhưng nửa hồn của Thái Luân được liệt kê trong những nửa hồn đông tây kim cổ, trong đó có nửa hồn định mệnh của một người điếc lừng danh muôn thuở. 2012 năm cùng tháng tận.

    Nửa Hồn Xuân Lộc


    Nguyễn Phúc Sông Hương


    Nếu được như bố già thượng sĩ
    Nghe tin lui quân chỉ nhìn trời,
    Vỗ về nón sắt, cười khinh bạc,
    Chắc hẳn lòng ta cũng thảnh thơi.

    Còn ta nhận lệnh rời Xuân Lộc
    Lại muốn tìm em nói ít lời,
    Nhưng sợ áo mình đầy khói súng
    Cay nồng mắt người gục trên vai.

    Vì chắc ôm nhau em sẽ khóc,
    Khóc theo, vợ lính cả trăm người!
    Em biết dù tim ta sắt đá
    Cũng vỡ theo ngàn giọt lệ rơi.

    Mây xa dù quen đời chia biệt
    Ngoảnh mặt ra đi cũng ngậm ngùi.
    Rút quân, bỏ lại hồn ta đó
    Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời!

    Bí mật lui quân mà đành phụ
    Mối tình Long Khánh tội người ơi.
    Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn
    Núm ruột miền Trung đứt đoạn rồi.

    Sáng mai thức dậy, em buồn lắm
    Sẽ khóc trách ta nỡ phụ người.
    Lòng ta như trái sầu riêng rụng
    Trong vườn em đó vỡ làm đôi!

    Đêm nay Xuân Lộc vầng trăng khuyết
    Như một vành tang bịt đất trời!
    Chân theo quân rút, hồn ta ở
    Sông nước La Ngà pha máu sôi.

    Thương chiếc cầu tre chờ thác lũ
    Cuốn qua Xuân Lộc khóc cùng người
    Ta đi, áo nhuộm màu đất đỏ
    Cao su vướng tóc mãi thơm mùi.

    Tiếc quá nắng vàng phơi áo trận,
    Vườn nhà em chuối chín vàng tươi.
    Ta nhớ người bên đàn thỏ trắng,
    Cho bầy gà nắm lúa đang phơi,

    Chôm chôm hai gốc đong đưa võng,
    Ru nắng mùa xuân đẹp nụ cười...
    Nếu được đưa quân lên Định Quán
    Cuối cùng một trận cũng là vui

    Núi Chứa Chan kia sừng sững đứng
    Sư đoàn 18 sao quân lui?
    Thân ta là ngựa sao không hí
    Cho nỗi đau lan rộng đất trời.

    Hồn ta là kiếm sao không chém
    Rạp ngã rừng xanh, bạt núi đồi.
    Hỡi ơi! chân bước qua Bình Giã
    Cẩm Mỹ nhà ai khói, ngậm ngùi!

    Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy
    Xóm làng Gia Kiệm nhớ khôn nguôi.
    Đêm nay Xuân Lộc, đoàn quân rút
    Đành biệt nhau, xin tạ lỗi người.

    Chao ơi tiếng tắc kè thê thiết
    Kêu giữa đêm dài sợ lẻ loi,
    Chân bước, nửa hồn chinh chiến giục
    Nửa hồn Xuân Lộc gọi quay lui.

    Ta biết dưới hầm em đang khóc
    Thét gầm pháo địch dập không thôi...


    Buổi chiều nhận lệnh rời Xuân Lộc
    Ta muốn tìm em nói ít lời,
    Nhưng sợ em buồn, không nói được
    Nên đành lặng lẽ mà đi thôi!

    Ngại phút rời xa em sẽ khóc,
    Bao người vợ lính sẽ buồn theo
    Yếu đuối tim ta người chiến sĩ
    Loạn rừng, tội nghiệp tiếng chim kêu.

    Rút quân bỏ lại đời ta đó,
    Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời,
    Lửa ngút, trái tim ta lửa ngút,
    Trái tim người lính mới yêu người.

    Vì bí mật quân, ta đành phụ
    Mối tình Long Khánh tội người ơi
    Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn,
    Núm ruột miền Trung càng xa vời.

    Sáng mai chắc chắn em buồn lắm
    Sẽ trách sao ta lại phụ người.
    Lòng ta như trái sầu riêng rụng
    Trong vườn em đó vỡ làm đôi

    Cao nguyên bài học đầy cay đắng
    Lớp lớp người rơi, lớp lớp rơi ...
    Ta chẳng muốn làm người bại trận
    Thành người tình phụ đó em ơi.

    Ðêm nay quân rút hồn ta ở
    Nhìn nước La Ngà pha máu sôi,
    Thương chiếc cầu chờ cơn thác lũ
    Tràn qua Xuân Lộc cuốn theo người.

    Ta đi áo nhuộm màu đất đỏ
    Cao su vướng tóc mãi thơm mùi,
    Tội nghiệp nắng vàng chờ áo trận
    Khi tàn chinh chiến sẽ đem phơi.

    Em hỡi, em thương đàn thỏ trắng,
    Bầy gà mất mẹ sống mồ côi
    Em hỡi em thương người lính trận
    Người lính đêm nay phụ bạc rồi.

    Bao năm ta trọn tình đất đỏ,
    Một phút này thôi thẹn với đời
    Sốt rét đêm run, ngày không ngã
    Bao lần máu đổ dửng dưng cười.
    Một phút này thôi, hừ lại ngã,
    Bỏ thành, bỏ đất nhục nào vơi.

    Nếu được đưa quân lên Ðịnh Quán,
    Cuối cùng một trận cũng là vui.
    Sáng mai chân bước qua Bình Giã,
    Cẩm Mỹ nhìn lui luống ngậm ngùi!

    Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy,
    Một trời Gia Kiệm nhớ khôn nguôi.
    Muôn năm em hỡi trời xuân Lộc
    Giữ nửa hồn ta mãi với người.

    Giữ nửa hồn ta bên chiếc võng
    Dưới giàn thiên lý bóng trăng soi .. .
    Ðêm nay quân rút sầu riêng rụng
    Trong vườn em và trong tim tôi!

    Tôi sợ một ngày mai bại trận
    Ðể em côi cút lại trên đời.
    Nếu phải một ngày mai bại trận
    Ðêm nay sao ta lại bỏ người!

    Em hỡi, dưới hầm ai đang khóc,
    Thét gào pháo địch mãi không thôi.
    Xuân Lộc trời ơi Xuân Lộc cháy
    Ai gọi tôi về trời Gia Rai!! ./-


    (xuất xứ: Đặc Trưng cũ)








    Last edited by tonthattue; 12-23-2012 at 04:21 PM.

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 09:26 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh