Register
Page 3 of 4 FirstFirst 1234 LastLast
Results 21 to 30 of 33

Thread: Bà là ai

  1. #21
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566
    “Các con hãy phó thác hoàn toàn cho Ngài - để rồi các con sẽ hiểu được và sẽ cháy lửa tình yêu Thiên Chúa...”


    Chương 14
    VỀ TỔ ẤM

    Khi máy bay của chúng tôi tăng tốc xuôi theo đường băng của sân bay Dubrovnik, sáng sớm ngày thứ sáu, tôi vẫn không ngớt suy nghĩ về sự biến đổi của nhóm chúng tôi từ khi đến đây tám ngày trước. Mễ Du đã ảnh hưởng sâu đậm trên mỗi cá nhân cũng như trên tập thể cả đoàn chúng tôi. Chúng tôi đã chia sẻ kinh nghiệm phi thường này, và sự chia sẻ ấy đã tạo nên một mối liên kết sẽ tồn tại suốt một đời người.

    Tôi đã có một hiểu biết mới về việc thế nào là một người hành hương, ấy là chia sẻ kinh nghiệm và cảm tưởng của mình với những người khác - vốn đến từ mọi khuynh hướng và hoàn cảnh xã hội khác nhau, và được sắp xếp sống cùng bạn trong một khoảng thời gian. Theo mặt tự nhiên, chúng tôi có thể đã không bao giờ thành bạn bè - nhưng chúng ta không ở trên mặt tự nhiên mà là trên mặt siêu nhiên. Bằng cách này cách nọ, tôi biết là những tình bạn như thế sẽ luôn bền chặt, dù chúng ta không gặp nhau hằng nhiều năm. Khi đèn báo thắt lưng vào ghế trên máy bay tắt đi, từng nhóm nhỏ chúng tôi tụ tập trên lối đi, trao đổi về kế hoạch và sắp xếp những cuộc gặp gỡ khi về đến nhà.

    Maureen sẽ sớm đi về một tỉnh lẻ ở biên giới Texas-Mexicô, để làm việc tại một dưỡng đường phụ sản dành cho người nghèo trong một năm. Lương bổng ở đấy rất ít - chỉ được cấp chỗ ăn ở với một ít tiền mua sắm đồ cần thiết, còn công việc thì khó nhọc và lâu giờ. Tôi rất cảm kích cái quyết định dấn thân như vậy, còn cảm kích hơn vì quyết định ấy đã có từ lâu trước khi cô biết mình sẽ đi Mễ Du, ấy là vào lúc - theo lời cô - cô là một người Công giáo không tốt lắm. Tuy vậy, cô y tá tương lai này đã yêu mến Chúa đến nỗi dâng hiến năm hành nghề đầu tiên của cô cho người nghèo. Cô đã hứa hôn, nhưng cả hai lại quyết định đợi cho đến năm công tác tình nguyện của cô hoàn tất. Cô đồng ý sẽ ghé qua Myrtle Beach với Fred, chồng chưa cưới của cô, trên đường đi Texas, để thăm Terri và tôi.

    Thời gian vừa qua thật là thời gian hạnh phúc, vui vẻ cho hết cả chúng tôi - nhưng trong trí tôi vẫn còn lấn cấn một điều mà tôi biết tôi phải giải quyết, vì còn nhiều điều về cha Svet mà sơ Margaret chưa nói hết cho tôi. Tôi đã không có thời gian gặp riêng chị để biết được các chi tiết. Nhưng bây giờ, chúng tôi đang trên đường về nhà, tôi nhất định phải hỏi. Cũng may, lúc ấy có một cái ghế trống bên cạnh chị. Sau khi xin phép nói chuyện với chị một chút, tôi đi thẳng vào vấn đề: “Thưa sơ, làm sao cha Svetozar chỉ gặp tôi có mấy phút lại có thể biết chắc tôi là người sẽ giúp ông sửa bản thảo của ông? Ông có biết tôi là ai đâu?”

    Chị nhìn tôi một lúc rồi mỉm cười: “Được rồi, để tôi nói cho anh nghe: khoảng hai tháng trước chuyến đi này, tôi có ghé thăm cha Svet tại nhà dòng của ngài ở Konjic. Cha yêu cầu tôi đọc bản thảo của ngài và tôi đã đọc. Ngài hỏi tôi nghĩ sao, tôi nói nó rất tuyệt. Nhưng ngài thấy không chắc, nên ngài hết sức mong ước tìm được một người tinh thông tiếng Anh để giúp về cú pháp và biên tập - và là một người có thể làm việc trực tiếp với ngài. Cha hỏi tôi có chịu làm việc đó không.”

    Chị mỉm cười hồi tưởng: “Tôi nói với cha tôi không đủ trình độ, mà dù có đủ, tôi cũng chẳng có thời gian. Khi về đến nhà, lịch công tác của tôi đã kín mít cho đến chuyến đi Mễ Du lần sau. Thế là ngài hỏi tôi xem có biết ai có khả năng giúp Ngài. Khi tôi nói không biết, ngài rất bối rối, vì ngài cần có gấp một người giúp Ngài. Tôi đề nghị chúng tôi cầu nguyện cho việc này. Anh biết không?” chị lại mỉm cười, “Tôi rất tin vào lời cầu nguyện.”

    Tôi gật đầu: “Thế sơ cầu nguyện cái gì?”

    Im lặng một lát, chị nói: “Tôi cầu rằng trong cái nhóm hành hương sắp tới của Trung Tâm Hòa Bình - tức là nhóm này đây - sẽ có một nhà văn hay nhà báo người Mỹ, và chúng tôi đã có anh.”

    Tôi nhìn chị sửng sốt: “Thật không thể tin được!” Tôi kêu lên, vì thấy một bước tiến nữa của hành trình thiêng liêng - mà Đức Maria yêu cầu tôi đảm trách - đã được thực hiện. Nhớ lại thời gian tôi hầu như bị ám ảnh phải đến Mễ Du vào tháng năm, mặc dù có sự phản đối kịch liệt của Terri, tôi bỗng bàng hoàng hiểu ra: “Như vậy nghĩa là tôi chắc chắn sẽ trở lại đó...”

    Chị nhẹ nhàng nhắc tôi: “Đừng quên là anh còn phải vượt qua cái chướng ngại này: đi về nhà và nói chuyện với Terri.”

    Tôi cụt hứng. Tôi nghĩ nếu tôi đã đến được Mễ Du vào tháng năm như một phép lạ, do lời cầu nguyện của sơ Margaret, thì việc tôi sẽ trở lại đó để làm việc với cha Svet, cũng phải được coi như là tiền định. Thế nhưng bây giờ tôi lại không chắc gì hết. “Tôi phải làm sao đây? Tôi phải trở lại thôi.”

    “Làm đúng như tôi đã làm,” chị trả lời thẳng thừng theo kiểu dân New York của chị. “Hãy cầu nguyện cho việc đó đi!”

    Cảm thấy hơi xấu hổ, vì sau tám ngày ở Mễ Du mà vẫn cần phải được nhắc nhở cầu nguyện, tôi cám ơn và cam đoan với chị tôi sẽ làm.

    Về chỗ ngồi, tôi nhắm mắt lại, lặng lẽ cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu Ngài muốn con trở lại - mà thật tình ngay cả nghĩ đến việc ấy, con cũng không dám - thì khi con nói với Terri chuyện đó, nếu nàng chỉ hơi phản đối một chút xíu thôi, con sẽ biết đó không phải là Ý Chúa. Con sẽ đành bỏ lửng như vậy. Lạy Chúa - tôi vội thêm vào - con xin Chúa chớ gì câu trả lời của Terri sẽ là đồng ý. Amen!” Nói thẳng ra như vậy, tôi nghĩ cũng khó chịu, nhưng thôi, cái gì đã làm là đã làm.

    Chúng tôi đáp xuống sân bay Kennedy và rời máy bay - rơi vào sự hối hả của một sân bay không ngớt hoạt động, vào tiếng ồn và sự nhộn nhịp có tổ chức của thành phố New York, với bao lớp người hối hả đi đến chỗ này, chạy qua chỗ kia, qua lại khắp nơi... Chúng tôi trở lại với thế giới mà sự khác biệt làm chúng tôi choáng váng - càng choáng váng hơn khi ra đến bên ngoài, người ta đang ơi ới la hét gọi taxi và các tài xế taxi cũng đang la hét lẫn nhau.

    Sau khi cả nhóm chào tạm biệt nhau và hứa giữ liên lạc, thấy còn ít phút trước khi bay tiếp về Myrtle Beach, tôi liền kiếm điện thoại để gọi cho Terri. Có quá nhiều điều để nói: trong suốt bằng ấy năm hôn nhân, đây là lần đầu tiên chúng tôi xa nhau lâu như vậy mà không thể ít nhất là gọi điện cho nhau. Tôi nóng lòng được nghe tiếng nàng! Vậy mà khi đã bấm xong số và bắt đầu nghĩ mình sẽ nói gì, tôi khựng lại. Tôi không nói được. Đặt ống nghe xuống trước khi chuông kịp reo, tôi lắc đầu. Phải chờ về đến nhà thôi.

    Tôi vào phòng rửa mặt, cố gắng sao cho có vẻ chỉnh tề - và giật mình khi thấy một khuôn mặt xạm nắng đang nhìn lại tôi từ tấm gương. Mắt tôi sâu hoắm, nhưng không chỉ vì đã hơn mười tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay không ngủ, hoặc chỉ vì bị sụt cân do ăn uống thất thường. Đôi mắt ấy trông đã già đi.

    Khi chuyến bay kế tiếp đáp xuống sân bay tỉnh nhà, tôi đã bay hơn mười sáu giờ - thế mà vẫn chưa kềm chế được những xúc động của mình. Bình thường, tôi luôn là người đầu tiên rời khỏi ghế và đứng sẵn ở lối đi; tối nay, tôi lại rất sung sướng nhường cho người khác đi trước. Ngồi lại đó, cố trấn tĩnh để có thể gặp lại Terri như một người trưởng thành chín chắn, tôi đã là người cuối cùng rời máy bay.

    Tôi vừa qua khỏi cửa phi trường đã thấy nàng đứng đó, đẹp tuyệt trần! Có một vẻ kinh ngạc trên nét mặt nàng khi thoạt nhìn thấy tôi - nhưng rồi nàng mỉm cười và giơ tay ra. Ngay giây phút tôi ở trong vòng tay ấy, nước mắt tôi tuôn trào, không thể kềm hãm. Sự sum họp gia đình cộng với tác động sâu xa của tám ngày sống nơi ngôi làng nhỏ bé, thánh thiện ấy, đối với tôi là quá sức chịu đựng.

    Terri ôm chặt tôi, hỏi đi hỏi lại: “Chuyện gì vậy anh?” Tôi không trả lời được, nhưng cuối cùng cố kềm chế nói: “Em đi lấy xe đi, anh cần về nhà ngay.”

    Chúng tôi ngồi bên nhau im lặng. Khi lái xe đến cổng nhà, lòng tôi mừng rộn rã được về nhà - nhưng vẫn cảm thấy sự khao khát trở lại Mễ Du rất dữ dội ấy. Và, bây giờ, bao nhiêu dồn nén về tâm lý, thể lý, bải hoải thần kinh bắt đầu ập đến, và tôi ngã gục trên đi văng.

    Terri hỏi: “Anh có cần gì không?” Tôi chỉ lắc đầu. Nàng đến trước mặt tôi, chăm chú dò xét: “Anh trông khủng khiếp quá,” nàng nói với một nụ cười, “nhưng có vẻ khoẻ. Em không thể tưởng được anh sụt ký đến thế.”

    Nàng tiếp tục kể những chuyện linh tinh, còn tôi cũng cố gắng thỉnh thoảng mỉm cười và trả lời. Rồi quyết định cứ kể hết ra cho nàng nghe, tôi bắt đầu nói về những gì đã xảy ra và ảnh hưởng của chúng trên tôi. Tôi đã phải dừng lại nhiều lần, không thể tiếp tục được.

    Chúng tôi nói chuyện trong hai tiếng đồng hồ - nhưng chỉ đá động sơ sơ trên mặt thôi. Cuối cùng, khoảng 11 giờ đêm, tôi đi ngủ. Dù thức suốt gần hai ngày, thế mà bây giờ tôi cũng chỉ ngủ được khoảng bốn tiếng. Tôi đứng dậy, đi vào phòng khách và cầu nguyện, rồi ra ngoài đi bách bộ một lát dưới trời đêm ấm áp. Tôi thèm khát lời kinh, tiếng hát của ngôn ngữ Croát đẹp đẽ mà tôi quen nghe mỗi buổi chiều. Tám ngày ở Mễ Du, giờ đây như cả một cuộc đời đối với tôi, và tôi nhớ quay quắt ngôi làng với người dân ở đó.

    Cuối cùng, tôi cố đi ngủ trở lại, và đánh một giấc cho đến khi bọn trẻ ùa vào và bắt đầu nhảy loi choi trên mình tôi. Tôi thấy khoẻ khoắn hẳn.

    Chúng hét om xòm: “Ba ơi, ba ngủ lâu rồi, dậy đi!”

    Chúng tôi đùa nghịch ầm ĩ với nhau một hồi, rồi tôi xua chúng ra ngoài, đi tắm, cạo râu và thay quần áo. Suốt ngày hôm đó, tôi không làm được gì mấy; chỉ biết mở vali và lấy các thứ trong đó ra. Nhưng chúng tôi nói chuyện với nhau mỗi khi một ít và ôm hôn nhau rất nhiều.

    Ngày hôm sau là Chúa nhật, và là ngày đi Nhà thờ. Tôi bắt đầu sửa soạn chỉnh tề, nhưng rồi ngừng lại, bảo Terri là tôi đi không tiện. Tôi chưa sẵn sàng gặp mọi người, nhất là các mục sư của chúng tôi. Tôi nhớ lại sự cự tuyệt, sự từ chối chấp nhận bất cứ điều gì ngoài đường lối đức tin của Hội Thánh Tin Lành Lutêrô. Theo họ, những vụ hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc nằm ngoài giáo lý của họ. Thế mà tôi đã đến đấy. Đối với tôi, tính xác thực của Mễ Du không còn là vấn đề nữa: tôi tin đó là một biến cố quan trọng nhất đang xảy ra trong thế giới ngày nay.

    Terri nài nỉ: “Đi đi anh! Anh sẽ không sao đâu.”

    Cũng may là khi chúng tôi vừa lái xe vào bãi đậu xe Nhà thờ, thì có một anh bạn nhận ra tôi. Anh chào tôi, tay bắt mặt mừng vì được gặp lại tôi, rồi thêm: “Trời ơi, tôi dám cá là anh rất sung sướng được trở về nước Mỹ ngon lành này!”

    Tôi trừng mắt nhìn anh, cười khó hiểu, không nói gì. Tôi không sung sướng trở về nước Mỹ ngon lành này. Tôi chỉ muốn đi ngay lúc ấy, nhảy lên chuyến bay đầu tiên tôi gặp để đến Nam Tư. Terri trấn an anh ta là tôi không sao, chỉ vì hiện đang bị bần thần khó chịu do ngồi lâu trên máy bay.

    Bước ra khỏi xe, tôi nói nhỏ với Terri là chúng tôi phải về nhà ngay, tôi không muốn vào Nhà thờ. Nhưng nàng cứ nắm chặt cánh tay tôi và bảo mọi sự sẽ êm xuôi.

    Thế là chúng tôi đi vào Nhà thờ, người này người kia hỏi tôi về chuyến đi, tôi chỉ mỉm cười, nói mọi sự đều tốt đẹp, v.v... để cố giữ bình tĩnh. Terri cứ lẽo đẽo theo sau, khỏa lấp hậu quả gây ra bởi thái độ kỳ lạ của tôi và xin lỗi mọi người.

    Chúng tôi ngồi ở ghế cuối Nhà thờ, và thêm lần nữa, tôi lại thấy yêu thích Lễ nghi Phụng Vụ̣ của Hội Thánh Tin Lành Lutêrô quá chừng - một lễ nghi rất gần với Thánh Lễ bên Công giáo hơn tôi tưởng -, nhưng không gì có thể so sánh với Nhà thờ Thánh Giacôbê - niềm hân hoan, lời kinh vang rền của tín hữu, tiếng hát làm sôi động tâm hồn. Tôi chỉ biết nhắm mắt lại và tưởng tượng như mình vẫn ở Mễ Du.

    Lúc ra về, mục sư Wingard chào hỏi chúng tôi nồng hậu tại cửa Nhà thờ, thế là tôi lại bị xúc động. Đã từng thấy ông đôi khi xúc động đến rơi lệ tại bục giảng, tôi biết ông sẽ hiểu. Tôi chỉ nói với ông rằng: đó là một chuyến đi hành hương rất sâu sắc, và tôi muốn ngồi lại với ông để nói về chuyến đi ấy, vào một ngày rất gần đây.

    Ông nói: “Tuyệt quá! Tôi mong mau đến ngày ấy.”

    Sự việc đã xảy ra tốt đẹp hơn tôi ngờ. Nhưng tôi vẫn thích về nhà để được một mình với những hoài niệm của tôi.

    Qua ngày sau, sự buồn ngủ do thay đổi múi giờ quả nhiên ập đến. Ngay cả khi đi vào phòng làm việc, tôi cũng không muốn ráng, nhưng cứ ngủ gà ngủ gật bất cứ lúc nào đến cơn - mà cái lúc ấy lại có vẻ như đúng vào lúc tôi muốn lảng tránh. Nhiều lần trong ngày hôm ấy, tôi nói với Terri là có chuyện quan trọng cần bàn với nàng; nhưng rồi tôi lại ngủ thiếp đi. Cuối cùng, vào khoảng 10 giờ 30 tối ấy, tôi xin nàng tắt tivi, chúng tôi cần nói chuyện với nhau.

    Cố gắng kềm giữ cảm xúc, tôi kể cho nàng nghe về việc gặp cha Svet và tôi đưa cho nàng quyển sách đầu tiên của cha mà trước kia nàng đã đọc. Tôi kết luận: “Còn lâu anh mới tin nổi là ông đã xin anh trở lại đó mười ngày hoặc vài tuần, để giúp ông làm cho xong quyển sách kế tiếp.”

    Không nhìn tôi, cũng không nói gì, nàng bắt đầu lật từng trang của quyển sách màu xanh. Tôi ngồi đó, khốn khổ - ba mươi giây - bốn mươi giây...

    Rồi nàng nhìn lên, cười nhẹ: “À, nếu Đức Maria muốn anh trở lại và làm việc đó, em nghĩ em phải đồng ý thôi. Nhưng anh coi anh đang bịp ai đấy? Không chỉ là mười ngày, nhưng phải hơn ba tuần.”

    Tôi không thể tin được điều tôi vừa nghe. Tôi chồm qua ôm siết nàng vào lòng và nói tôi yêu nàng quá chừng. Terri lắc đầu, cười nói: “Này, em không biết mình có đang bị lừa hay không đấy? Nhưng...”

    Tôi ngắt lời nàng: “Terri, em không bị lừa đâu! Nếu em muốn đổi ý...”

    Nàng thở dài: “Không, không, em hiểu. Bao giờ anh phải trở lại Mễ Du?”

    Tôi đáp, cố không lộ vẻ mừng rỡ: “Giữa tháng sáu.”

    Chúng tôi còn nói về chuyện ấy thêm một giờ nữa, và khi sắp sửa đi ngủ, nàng nói: “Anh biết không, em không mảy may hiểu tại sao em lại đồng ý về việc này. Thật là kỳ cục!” Nhưng nhìn thấy nét mặt lo âu của tôi, nàng tiếp: “Đừng lo, coi như chuyện anh phải làm thôi!”

    Tôi đi ngủ, đầy tràn hạnh phúc.

  2. #22
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566
    “Mẹ kêu gọi các con hãy là gương mẫu cho mọi người, nhất là trong việc cầu nguyện và làm chứng...”
    Chương 15
    KỂ CHUYỆN

    Sáng thứ ba, tôi thức dậy trong trạng thái sảng khoái. Tôi sắp trở lại Mễ Du! Tôi nán lại trên giường một lát cho niềm vui ngấm sâu. Sau cùng, cảm thấy mình gần như bình thường, tôi nôn nóng bắt tay vào việc. Tốt hơn là ghi lại những ý tưởng trong khi chúng còn nóng hổi. Tôi ước tính phải mất ít nhất hai bài xã luận để kể về chuyến đi.

    Tuy nhiên, có một đám mây nhỏ ở chân trời. Hôm qua, tôi đã nhớ lại là tôi được chỉ định nói chuyện, trong bữa điểm tâm sáng nay tại một câu lạc bộ dân sự địa phương. Bây giờ, kiếm người thay thế thì đã quá trễ; vả lại, nếu không để nói về chuyến đi của tôi đến Nam Tư như tôi dự đoán, thì tôi hoàn toàn không biết mình sẽ phải nói về đề tài gì.

    Vẫn không có gì rõ rệt hơn khi tôi đến lữ quán - nơi chúng tôi gặp gỡ mỗi sáng thứ ba. “Ít nhất mình cũng đến đúng giờ”, tôi nghĩ thế khi bước vào phòng ăn lớn cũng là phòng hội nghị. Đồng hồ treo tường chỉ đúng 7 giờ 30 phút. Liếc quanh, tôi thấy đã có độ 40, 50 người có mặt - một sỉ số không tồi cho một cuộc họp đầu mùa hè.

    Thường thường, tôi hay ngồi vào một trong mấy cái bàn phía sau, nhưng sáng nay, tôi phải ngồi ở bàn đầu, gần bục diễn đàn, cạnh bên chủ tịch câu lạc bộ. Chúng tôi nói chuyện xã giao và tôi không ăn nhiều được. Tôi không quen nói trước công chúng, và khi tôi phải làm, đối với tôi đó là một tai họa tôi không tránh được. Bất kể lý do hoặc số lượng thính giả, tôi luôn cảm thấy như muốn bệnh, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi và không thể theo dàn bài đã soạn sẵn để nói cho mạch lạc được. Dứt khoát, đó không phải là cái mà tôi khoái làm, nhất là trước các vị tai to mặt lớn trong giới kinh doanh.

    Và bây giờ, tôi lại sắp nói với họ về Mễ Du, về một chuyện có tính chất tôn giáo.

    Tôi cố gắng xếp đặt những điều tôi sắp nói, viết nghuệch ngoạc dàn bài trên khăn ăn. Khi ngẩng lên, tôi mới biết mục sinh hoạt câu lạc bộ đã xong, và ông chủ tịch đang giới thiệu tôi. Bấm chặt vào bục để giữ cho tay khỏi run, tôi đi thẳng vào đề: “Này, tôi quen hết các bạn, chúng ta là thành viên của câu lạc bộ này, và tôi đã làm việc với nhiều người trong các bạn. Tôi không biết phải nói thế nào với các bạn điều tôi sắp nói hôm nay, vì đó là điều tôi không định nói.” Tôi nghỉ một lát và hít một hơi dài: “Nhưng nếu tôi nói ra được với các bạn, tôi sẽ nói được với bất cứ ai.”

    Với cách nhập đề đó, tôi dần dần kể cho họ nghe về những cuộc hiện ra ở Mễ Du - những gì đang xảy ra và đã bắt đầu như thế nào. Tôi nói: “Tôi đã có mặt ở đó, tôi đã gặp những người đó, tôi đã ở trong ngôi Nhà thờ đó và tôi đã cảm nghiệm những điều đang xảy ra.”

    Lần đầu tiên trong đời, tôi bắt đầu nói công khai về Đức Giêsu Kitô - và bỗng nhiên, tôi không còn bối rối, không còn sợ hãi, không còn đổ mồ hôi tay... Không gì cản được tôi, tôi cứ tiếp tục suốt 40 phút, lâu gấp hai lần bình thường. Điềm tĩnh và thanh thản, tôi thao thao bất tuyệt như thể lời nói cứ trào ra khỏi miệng tôi.

    Thông thường, những người có cuộc hẹn sớm hay đứng dậy ra về trước khi người nói kết thúc, và đã có những ngày thứ ba xem ra số người có những cuộc hẹn sớm lại hơi nhiều. Còn những người không mắc hẹn thì đứng lên pha cho mình một tách cà phê khác, hoặc liếc nhìn vào tờ báo mới ra. Sáng nay, không ai bỏ về, ngay cả không ai rục rịch cử động.

    Cuối cùng, tôi đi đến kết luận. Tôi chỉ biết là đã đến giờ kết thúc, tôi bèn kết thúc. Tôi nói: “Tôi không biết tại sao tôi đã làm như vậy, vì thường thì tôi không bao giờ nói những điều tôi vừa nói với các bạn. Tất cả những gì tôi có thể nói, đó là: những điều này đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời tôi, đến nỗi tôi sẽ không bao giờ là tôi như trước kia nữa, và tôi chỉ có thể tạm biệt các bạn với những lời ấy thôi.”

    Một phút im lặng, rồi tiếp theo là một tràng pháo tay. Tôi hoảng hốt: “Lạy Chúa, con đã nói gì?” Bây giờ, tôi mới thật sự thấy bối rối, cũng giống như lúc tôi đem bài xã luận thứ nhất về Mễ Du đi in. Như trước đây, tôi hoảng hốt nghĩ: “Giá mà tôi có thể rút lại những lời ấy! Nhưng đương nhiên là đã quá muộn!”

    Ông chủ tịch đứng dậy và lẩm bẩm nói: “Đây là một trong những chương trình độc đáo nhất chúng tôi từng có.” Rồi ông cho giải tán chúng tôi, mà tôi là người thấy nhẹ nhõm nhất. Một vài người đến hỏi chuyện tôi, và tôi không thể nào quên được người đầu tiên. Ông ấy nhìn tôi và nói: “Việc đó đòi hỏi can đảm hơn bình thường mà tôi không hề có được.” Ngừng một chút, ông tiếp: “Nhưng câu chuyện thật tuyệt vời! Anh làm tôi cảm động thật đấy.” Rồi ông ta quay lưng bước đi.

    Những người khác đưa ra nhiều bình luận tích cực, và cũng có vài người mời tôi đến nói chuyện tại Nhà thờ họ. Khi mọi người đã ra về, tôi ra khỏi nơi ấy, bối rối và hoang mang. Tôi vào xe, ngồi yên đó một lát. Sau đó, tôi lái xe đến văn phòng, lòng tràn đầy tri ân.

    Tâm tình ấy đã biến thành nỗi hân hoan, vui sướng khi tôi đến văn phòng. Tôi cũng chẳng màng để ý đến chồng thư từ của cả một tuần lễ mà Denease đã cẩn thận chất trên bàn giấy tôi. Tôi đi thẳng tới bàn máy chữ và bắt đầu ngay bài xã luận tiếp theo, bài thứ bảy trong loạt bài về Mễ Du. Ý tưởng lưu loát không khác nào viết một lá thư cho một người bạn cũ thân thương.

    Ngày 13 tháng 5 năm 1986
    Một chuyến thăm Mễ Du


    Cách đây vài tuần, tôi gặp một người bạn cũ tại phi trường. Lúc ấy, tôi đang đợi giờ khởi hành của chuyến đi chín ngày đến Mễ Du, Nam Tư. Qua vài lời trao đổi, tôi hỏi anh đi đâu. Anh nói đi Cancun, Mêhicô, vừa lo công việc, vừa nghỉ xả hơi. Rồi anh cũng hỏi lại: “Còn anh đi đâu?”

    Tôi nói ngập ngừng: “Ờ,... tôi đi Nam Tư.”

    Vẻ mặt của anh nói lên tất cả, nhưng anh cũng hỏi: “Anh đi Nam Tư làm cái quái gì vậy?”

    Sau gần hai tuần lễ sống ở đó, tôi có thể hiểu tại sao người ta lại thắc mắc về chuyện đi Nam Tư. Đấy là một nước xã hội chủ nghĩa, núi non hiểm trở, không mấy hiếu khách, nhất là đối với người Mỹ. Nhưng tôi đâu có đến đó với tư cách du khách! Những ai đã đọc cột xã luận này đều đặn trong sáu tháng qua, hẳn biết tại sao tôi đến Mễ Du.

    Đã gần năm năm nay, ngôi làng bé nhỏ này đã lôi kéo sự chú ý của thế giới như một nơi mà Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, Thân Mẫu Đức Giêsu, được cho là hiện ra hằng ngày với sáu thiếu niên, tại ngôi làng miền núi xa xôi ấy. Mặc cho mọi nỗ lực của chính quyền nhằm gây khó khăn cho việc lui tới, hàng triệu người trên khắp thế giới đã đến và còn tiếp tục đến, để nhìn thấy tận mắt điều đang xảy ra.

    Đây là điểm du lịch hấp dẫn số một tại Nam Tư. Do đó, đang khi chính quyền vẫn tiếp tục quấy rầy dân địa phương và du khách, thì họ cũng đành phải chấp nhận cho phép làn sóng người tuôn đến để thu ngoại tệ. Nhà trọ đang được cất vội vã, do chủ đất chứ không do các công ty xây dựng lớn. Mức phát triển xã hội rất chậm. Ở đấy cũng có hàng rong bán đồ ăn và đồ vật lưu niệm, nhưng không sao đáp ứng được với tỷ lệ du khách. Ngay các phương tiện vệ sinh cũng không có, cũng không có cả những tiện nghi cần thiết cho du khách được thoải mái trong mấy ngày lưu lại. Thế nhưng, hằng ngàn người vẫn đến hằng tuần.

    Tin vào một biến cố như vậy đối với một thế giới kỹ thuật ngày nay quả thật là khó! Tuy nhiên, những ai đến đấy và ở lại đấy một thời gian, sẽ không còn nghi ngờ rằng một sự kiện vượt trên những lý giải kỹ thuật và khoa học đang xảy ra.

    Tình trạng đa tôn giáo và đủ thứ sùng bái trên thế giới ngày nay, cộng với thái độ thờ ơ của những người đi Nhà thờ, và sự chia rẽ ý kiến ngay trong nội bộ Giáo Hội Công giáo, khiến cho người ta nghi ngờ hiện tượng siêu nhiên này. Thế nhưng, sự can dự trực tiếp của tôi và những hoàn cảnh đưa đẩy đến, khiến tôi tin rằng đó là một lời kêu gọi đích thực cho toàn thể nhân loại trên thế giới: hãy hòa giải và quay về với đường lối của Thiên Chúa. Tôi cũng tin rằng Đức Maria, Thân Mẫu Đức Giêsu, chính là sứ giả. Tôi đã tin điều này trước khi đến Mễ Du. Trở về nhà, tôi càng tin chắc, không chút nghi ngờ.

    Tôi cứ tự hỏi: tại sao lại tôi? Tôi là một nhà báo, mà nhà báo thì luôn đòi hỏi những sự kiện và bằng chứng cứng ngắc, lạnh lùng, có thực chất giá trị. Tôi lại không phải là người Công giáo, biết rất ít về sự tôn kính Đức Trinh Nữ Maria của Giáo Hội Công giáo. Tín lý giáo phái Tin Lành Lutêrô của tôi thực sự không biết gì về Đức Maria, ngoài vai trò làm Mẹ Chúa Giêsu của Bà.

    Sự quan tâm của tôi trong việc tìm hiểu thêm về sự kiện Mễ Du chỉ là do tò mò: tôi nghĩ sẽ lấy đó làm một bài báo thú vị cho ngày lễ Giáng Sinh. Sự tò mò này đã biến thành bốn bài báo dài trong suốt tháng 12. Từ đó, chúng tôi đã nhận hơn 250 thư của bạn đọc, kèm theo bì thư dán sẵn tem và ghi sẵn địa chỉ - yêu cầu gởi cho bản sao của loạt bài ấy. Những thư yêu cầu này vẫn tiếp tục đến mỗi ngày. Sự tò mò ấy, giờ đây, đang khiến tôi ước ao sử dụng những ngày còn lại của đời tôi, để loan truyền sứ điệp Mễ Du cho bất cứ ai và cho hết những người muốn nghe. Tôi quyết định chỉ làm điều ấy thôi.

    Những gì tôi đã thấy và đã cảm nghiệm không dễ diễn tả bằng lời. Nó lại càng khó chấp nhận, khó tin đối với nhiều người. Thế nhưng, tôi đã có mặt ở đó và tôi hiểu những gì tôi thấy và những gì tôi cảm nghiệm. Tôi đã thấy mặt trời múa, di chuyển, xoay tròn và nhợt nhạt đến nỗi tôi có thể nhìn trực tiếp bằng mắt trần. Điều không thể có nhưng tôi đã thấy. Nó chính là cái mặt trời mà bạn và tôi đều thấy hằng ngày.

    Tôi cũng đã thấy cây Thập giá khổng lồ - đúc bằng xi măng, nặng 14 tấn, dựng chót vót trên một đỉnh núi nằm tận xa phía sau Nhà thờ Mễ Du - hoàn toàn biến mất vào một buổi sáng quang đãng và chan hòa ánh nắng. Cũng chính cây Thập giá đó được tôi quan sát - vào một buổi sáng sớm khi trời còn tối - đã sáng rực lên và chói lòa như thể nó được bao bọc bởi đèn điện. Một điều chắc chắn không thể có đó là: không có điện ở trên núi, thế mà tôi đã thấy hiện tượng ấy...

    Còn nhiều nữa, nhưng vấn đề ở đây là người ta không thể giải thích những hiện tượng này. Chúng thường diễn ra vào lúc Đức Trinh Nữ Diễm Phúc đang hiện ra cho các em. Có người thấy, có người không thấy. Nhiều người khác đã thấy vào những lúc mà tôi không thấy.

    Tuy nhiên, hiện tượng quan trọng nhất tại Mễ Du không phải là các sự kiện vượt trên tự nhiên, nhưng là sự dấn thân tuân hành hầu như nhất trí của dân làng đối với các sứ điệp mà Đức Maria đã gởi đến cho họ. Ngôi làng này là một mẫu rất gần với hình ảnh một cộng đoàn hoàn thiện, sống trong tình yêu và gắn bó với đường lối của Thiên Chúa.

    Trước khi những cuộc hiện ra bắt đầu vào tháng 6 năm 1981, cộng đoàn này mặc dù đơn giản, quê mùa, lạc hậu và thiếu thốn vật chất, nhưng về nhiều mặt, họ không khác gì những cộng đoàn của chúng ta. Họ cũng có những tệ nạn như rượu chè, gian lận, tham lam, ẩu đả... Các ngày Chúa nhật, họ đi Nhà thờ rất thưa thớt.

    Ngày nay, lối sống này không còn nữa. Không chỉ vào ngày Chúa nhật, mà cả các ngày thường, Nhà thờ cũng luôn chật ních người tham dự. Sống tận tình cho Chúa là hướng đi chính của đời họ. Đây mới thật là phép lạ, là sứ điệp đích thực của Mễ Du. Đấy chính là điều người ta nhấn mạnh cho khách hành hương lưu tâm.

    Một trong các thiếu niên được thấy Đức Maria hằng ngày nói rằng điểm sáng trong ngày của em không phải là sự hiện ra của Thân Mẫu Đức Giêsu, mà là tham dự Thánh Lễ tại Nhà thờ. Đó là điều mà Đức Trinh Nữ Diễm Phúc mong muốn nơi tất cả chúng ta.

    Vậy thì câu chuyện dẫn đến đâu? Tuần sau có thể sẽ là bài báo cuối cùng của tôi về vấn đề này.... Tôi cũng sẽ rất sung sướng được đến nói chuyện với bất kỳ nhóm nào và chiếu băng vidéo cho họ xem. Tuy vậy, điều quan trọng hơn cả là tôi sẽ cố hết sức trung thành nắm giữ sứ điệp Mễ Du. Ước mong sao sứ điệp của Đức Maria sống mãi trong tất cả chúng ta.

    * * *


    Hai tuần sau, bài báo thứ tám và là bài cuối cùng về Mễ Du đã được viết ra dễ dàng:
    Ngày 28 tháng 5 năm 1986
    Lời cuối cùng về Mễ Du

    Hai tuần trước đây, tôi trở về từ một chuyến đi chín ngày đến Mễ Du, nước Nam Tư, một làng nhỏ bé miền núi, nơi mà Đức Trinh Nữ Maria, Thân Mẫu Đức Giêsu, được cho là đang hiện ra với một nhóm sáu thiếu niên. Các cuộc hiện ra - như người ta gọi thế - đã xảy ra từ 24 tháng 6 năm 1981 đến nay, một thời gian kéo dài gần 5 năm. Tháng 12 vừa qua, tôi đã viết một loạt bốn bài xã luận đề cập đến biến cố tôn giáo siêu nhiên này, và tiếp đó là một số bài tường thuật cập nhật vào đầu năm nay.

    Đây sẽ là bài cuối cùng tôi viết về Mễ Du... Bài cuối cùng này có liên quan đến nhiều sứ điệp mới nhất được Đức Maria ban. Tuy vậy, xin cho phép tôi nói lạc đề một chút về một trong những người đã đến Mễ Du với nhóm Trung Tâm Hòa Bình của chúng tôi.

    Anh Frank Fiamingo Jr., bị liệt hai chân. Anh 33 tuổi, nhưng đã sống với chiếc xe lăn 19 năm. Lý do đến Mễ Du của anh rất đặc biệt đối với tôi.

    Cha mẹ anh Frank, ông Frank và bà Yolanda sống tại đây, trên Grand Strand, Surfside Beach. Chỉ cần gặp ông Frank ít phút, bạn sẽ biết ngay ông là một trong những người hạnh phúc nhất, lạc quan nhất mà bạn đã từng gặp. Bà Yolanda thì trầm tĩnh và luôn có vẻ một người biết tự chủ. Cả hai rất tận tâm phục vụ Giáo Hội và gia đình họ. Và điều đó dễ nhận ra. Điều làm cho tôi thấy chuyến đi của họ đến Mễ Du vô cùng đặc biệt, là họ đã biết được sự kiện Mễ Du qua các bài báo tôi viết trong tháng 12. Lúc ấy, họ đã điện thoại cho anh Frank Jr. đang sống tại Columbus, bang Ohio, và quyết định cả ba người sẽ cùng đi chung với nhóm chúng tôi.

    Tôi hỏi anh Frank, một nhà nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Y khoa, tiểu bang Ohio, tại sao anh quyết định đến Mễ Du, và anh có nghĩ sẽ được chữa lành tại đó chăng.

    Anh suy nghĩ rất cẩn thận trước khi trả lời: “Tôi nghĩ tôi cũng có cùng một lý do như anh và các người khác trong nhóm. Tôi muốn tìm hiểu thêm về những gì đang xảy ra ở đây. Tôi đến vì những lý do riêng và cũng để bồi dưỡng về mặt thiêng liêng cho tôi.”

    Anh nghỉ một lát, rồi tiếp: “Nhưng để trả lời câu hỏi kia của anh, không, tôi không đến để cầu mong một sự chữa lành về thân xác.”

    Tôi cho là không ngoa, khi nói anh đã tìm thấy những gì anh muốn tìm tại Mễ Du. Anh được Vicka, một trong các thị nhân đã được trông thấy Đức Trinh Nữ Maria hằng ngày, tiếp đón nồng nhiệt. Vicka chụp ảnh chung với anh và gia đình, cũng như đọc kinh chung với họ. Về sau, anh cũng được mời vào căn phòng nơi Đức Maria hiện ra, và anh đã có mặt một lần trong lúc Đức Maria đến.

    Anh Frank Fiamingo Jr. rời Mễ Du cũng với tình trạng như khi anh đến: trên một chiếc xe lăn; nhưng tôi cũng lại cho là không ngoa nếu nói anh ra về cũng hạnh phúc, sung mãn, dồi dào phần tâm linh như mỗi người trong nhóm chúng tôi.

    Mỗi ngày thứ hai và thứ năm, Đức Trinh Nữ Maria ban cho các em những thông điệp cho giáo xứ Mễ Du và đồng thời cho cả thế giới. Người gọi tất cả mọi người là “Các con thân yêu”. Mỗi sứ điệp đều được kết thúc bằng: “Cám ơn các con đã đáp lời Mẹ kêu gọi”.

    Chiều thứ năm, ngày 6 tháng 3 (năm 1986) :

    “Các con yêu dấu, hôm nay, Mẹ kêu gọi các con mở tâm hồn ra cho Chúa hơn nữa, để Người có thể hoạt động qua các con. Các con càng mở tâm hồn ra bao nhiêu, các con càng lãnh nhận hoa trái bởi đó nhiều bấy nhiêu. Một lần nữa, Mẹ muốn kêu gọi các con cầu nguyện.”

    Chiều thứ năm, ngày 27 tháng 3 (năm 1986):

    “Các con yêu dấu, Mẹ cám ơn về những hi sinh của các con. Mẹ mời gọi các con làm một hi sinh to lớn hơn: là hi sinh vì yêu. Không yêu thương, các con không thể chấp nhận Mẹ và Con Mẹ. Không yêu thương, các con không thể làm chứng về những cảm nghiệm của các con cho người khác được. Bởi vậy, Mẹ mời gọi các con hãy bắt đầu sống yêu thương trong tâm hồn các con.”


    Chiều thứ hai, ngày 17 tháng 4 (năm 1986): “Các con yêu dấu, bây giờ, các con đang bận tâm về các thứ vật chất, và vì những sự ấy, các con đã đánh mất hết những gì Thiên Chúa muốn ban cho các con. Mẹ kêu mời các con, hỡi các con yêu dấu, hãy cầu xin Chúa Thánh Linh ban cho các con những ơn hiện tại các con đang cần, để các con có thể làm chứng cho sự hiện diện của Mẹ tại đây và cho mọi điều Mẹ đang ban cho các con. Các con yêu dấu, hãy phó thác các con cho Mẹ, để Mẹ có thể hướng dẫn các con một cách trọn vẹn. Đừng bận tâm về vật chất thế gian!” Sứ điệp chiều thứ hai, ngày 5 tháng 5 rất đặc biệt. Hầu hết những người trong nhóm chúng tôi đã có mặt lúc các em nhận sứ điệp. Chúng tôi được cho biết vào lúc 9 giờ 45 phút tối hôm đó, một trong các thị nhân nói rằng Đức Maria đã mời một số khách hành hương Mễ Du đi lên Đồi Hiện ra, để dự một cuộc hiện ra đặc biệt với các em. Trời tối như mực, nhưng chúng tôi vẫn trèo lên được lối mòn dốc dác, lởm chởm đá dẫn đến đỉnh đồi, nơi đã diễn ra những cuộc hiện ra đầu tiên. Lúc Đức Maria hiện ra, Người rất sung sướng và hài lòng nói với các em: “Ngợi khen Chúa Giêsu!” Rồi Người cầu nguyện trên chúng tôi và chúc lành cho chúng tôi. Sau đó, khi một trong các thị nhân “gửi gấm” chúng tôi cho Người, thì Người lại chúc lành chúng tôi lần nữa. Sứ điệp của Người chiều hôm ấy như sau: “Các con yêu dấu, Mẹ muốn cộng tác với các con, và trước nhất, Mẹ muốn các con làm tông đồ truyền bá sứ điệp của hòa bình, hòa giải, cầu nguyện, ăn chay và thống hối. Mẹ khuyến khích mọi người trong các con sống các sứ điệp này, nhằm thay đổi lối sống của các con.” Sau đó, Người nói Người rất hạnh phúc vì tất cả chúng tôi đều có mặt ở đấy. Rồi Người ra đi trong ánh sáng chói lòa của cây thập giá.

    Tôi chỉ có thể kết thúc bài báo này như cách Đức Maria kết thúc những lần hiện ra với các em thị nhân: “Hãy ra đi trong bình an của Thiên Chúa!”

    * * *

    Giờ đây, sau khi kết thúc bài cuối cùng của loạt bài về Mễ Du, tôi liền chuẩn bị cho chuyến trở lại đó. Khi bắt đầu biên tập bản thảo của cha Svet, tôi đã nhận ra rằng đây sẽ là một công việc khó khăn, vì tiếng Croát và tiếng Anh hết sức khác nhau. Tôi đã khâm phục người đàn ông này với quyển sách thứ nhất của ông ấy biết bao, nhưng quả thực, quyển kế tiếp này đòi hỏi một công việc biên tập rất lớn. Terri cũng đã đọc vài phần của bản thảo và nàng rất cảm kích - một điều mà tôi rất biết ơn, - và giờ đây, nàng đã hăng hái khuyến khích tôi trở lại Mễ Du.

    Hầu như trước khi chúng tôi kịp nhận ra, thì ngày lên đường đã đến, ngày 15 tháng 6.

  3. #23
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566
    “Quanh mỗi ốc đảo bình an, thì có một sa mạc nơi Satan đang rảo quanh, rình rập. Chỉ bằng cầu nguyện, các con sẽ thoát khỏi mọi ảnh hưởng của Satan...”
    Chương 16
    TRỞ LẠI MỄ DU

    Bay một mình tới Dubrovnik thật khác hẳn. Không có những người hành hương khác để cùng chia sẻ nguyện ước, trao đổi chuyện trò, chuyến bay dài chín giờ xem ra lâu gấp đôi chuyến đi lần trước. Chúng tôi đáp xuống phi cảng, và tôi càng thấy đơn độc hơn khi người phụ nữ mặc đồng phục, mặt lạnh như tiền ngồi ở quầy kiểm tra giấy thông hành cầm lâu giấy thông hành của tôi - giữ nó một hai phút, từ từ giở từng trang từ đầu tới cuối, trước khi quẳng nó lại cho tôi... Không một lời giải thích, bà ta chỉ muốn cho tôi biết ai là người nắm quyền kiểm soát ở đây.

    Tôi cứ tảng lờ, rồi đi tìm hành lý. Ruột gan tôi như thắt lại. Thật là hoàn toàn khác với chuyến đi lần trước: không có ai hướng dẫn tôi phải đi đâu và phải làm gì, không có chiếc xe buýt thân thiện nào đưa tôi tới Mễ Du, không có một tiện nghi nào dành cho tôi khi đến đó. Ngay cả ở trạm cho mướn xe, bản đồ chỉ đường cũng không có. Hãng du lịch chuyên lo những chuyến bay công tác cho tôi đã đặt sẵn một chiếc Renault, và ngay khi tôi làm quen được với cần sang số nhô lên từ cái bảng điều khiển, tôi đã sẵn sàng để đi.

    Năn nỉ mãi, tôi mới được nhân viên cho mướn xe miễn cưỡng cho mượn bản đồ chỉ đường độc nhất của ông, với lời hứa phải trả lại cho ông ta. Tôi quay chiếc xe màu đỏ nhỏ xíu ra khỏi bãi đậu xe của phi trường, đầu óc chỉ nhớ mang máng nơi tôi phải đến, nhưng lòng tôi thì quá hồi hộp.

    Tôi dừng xe lại cho một bạn trẻ quá giang: hi vọng anh ta có thể chỉ cho tôi đi đúng đường tới Mễ Du, mà tôi biết là cách đó 150 cây số. Anh ta nói được đôi chút tiếng Anh, nhưng đã chỉ đúng hướng, và nói rằng: từ (phi trường) Dubrovnik tới vùng chúng tôi sắp đi tới không có nhiều đường xá ngang dọc, nên không khó tìm ra ngôi làng ấy.

    Tôi bắt đầu thưởng thức cảnh đẹp trên đoạn đường ven bờ biển Adriatique, chạy ngoằn ngoèo qua xóm nhà bé xíu bám vào vách đá cheo leo. Cả một vùng bờ biển lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Ngay cả những tay lái xe điên rồ đang qua mặt tôi vèo vèo ở những khúc ngoặt thật gắt cũng không làm tôi khó chịu; tôi đang trở về với ngưỡng cửa của thiên đường.

    Mễ Du không có tên trên cái bản đồ cũ mèm mà nhân viên cho thuê xe đã cho tôi mượn hồi nãy. Nhưng có tên Mostar, và thành phố đó, tôi biết chỉ cách Mễ Du khoảng 30 cây số. Lái xe độ một giờ dọc theo bờ biển thì đến chỗ rẽ dẫn tới vùng ấy. Càng đến gần, tôi càng hồi hộp. Cuối cùng, khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ sau khi rời khỏi phi trường, phong cảnh bắt đầu trông quen thuộc.

    Citluk đây rồi! Tôi lái xe thẳng đến căn nhà nhóm chúng tôi đã trọ, và tôi xin thuê phòng với bà chủ nhà rất đỗi ngạc nhiên khi nhận ra tôi, nhưng chỉ được thuê trong ba ngày thôi. Ngay lúc ấy, tôi nhớ ra một người đàn ông tôi gặp ở đó hồi tháng năm. Ông ta có một tiệm buôn nhỏ và đang xây một căn nhà để cho khách du lịch thuê. Ông đã dặn tôi nếu có bao giờ trở lại đây và cần phòng trọ thì đến gặp ông. Tôi tự dặn mình phải nhớ đi tìm ông ngày hôm sau.

    Nôn nóng trở lại Nhà thờ để một lần nữa cảm thấy sự bình an, thanh thản của ngôi làng và những người dân ở đó, tôi vội vàng tháo hành lý ra, rồi lên xe trực chỉ Mễ Du. Núi Krizevac hiện ra, tim đôi đập mạnh và miệng tôi kêu lên lớn tiếng những lời cảm tạ và biết ơn Thiên Chúa đã đem tôi trở lại chốn này.

    Sự vui mừng của tôi đột ngột bị ngưng lại khi tôi rẽ vào khúc ngoặt kế tiếp và nhìn thấy một xe cảnh sát màu trắng, trên đỉnh có đèn xanh và bên hông có chữ Milicia màu xanh to tướng. Cảnh sát nổi tiếng là hay chận xe lại chỉ để quấy rầy. Lúc ấy tôi nghĩ: thay vì đi làm nhiệm vụ đơn độc như thế này, giá có phải đi cùng với một nhóm đông người thì tôi cũng chẳng lấy gì làm phiền. Nhưng không ngờ họ không quấy rầy tôi; thở dài nhẹ nhõm, tôi đi thẳng luôn. Qua khỏi chiếc cầu nhỏ, tôi liền thoáng thấy hai tháp chuông Nhà thờ Thánh Giacôbê. Tôi đã về lại với Mễ Du rồi!

    Đậu xe trước Nhà thờ, tôi chạy ào vào bên trong và quỳ ngay xuống một chỗ ở cuối. Không lời nào diễn tả được nỗi lòng của tôi - sung sướng biết bao khi lại được ở giữa những người dân này, được nghe những âm thanh của Mễ Du, được gặp lại những khuôn mặt quen thuộc từ chuyến đi đầu tiên, và - một lần nữa - được ở giữa đoàn người được đặc ân đến đây hành hương. Khi một nhóm phụ nữ cao tuổi, với y phục đen và khăn choàng đầu đen vừa đi quanh tượng Đức Maria (ngoài sân Nhà thờ) bằng hai đầu gối, vừa cầu nguyện sốt sắng, thì tất cả sự thánh thiện và sùng mộ cao độ - vốn là hiện thân của sự cải hối chung của dân làng - chất đầy trong tim tôi giờ đây rồi trào dâng lai láng. Mới hơn bốn giờ chiều mà Nhà thờ đã đầy ắp người đến để cầu nguyện, đọc kinh và chuẩn bị dự Lễ chiều theo lệ thường vào lúc sáu giờ. Khi khách hành hương bắt đầu ngồi chật các hàng ghế dài, tôi lại sửng sốt lần nữa trước sự biến dạng không thể tin được của làng quê bé nhỏ này nhờ một biến cố siêu nhiên, vốn đã mang cả thế giới đến đây thờ kính. Biết bao Nhà thờ trên khắp nước Mỹ đang phải van xin người ta đến; còn ở đây, người ta đến trước hai giờ chỉ để được lọt vào bên trong...

    Tôi đang mải mê suy nghĩ, thì bỗng thấy Cha Tomislav Pervan, cha xứ Nhà thờ Thánh Giacôbê, đang đi lên từ lối đi chính trong Nhà thờ. Cha Svet đã dặn tôi: khi đến nơi phải liên lạc với ông qua cha Pervan, vì đó là cách tốt nhất và an toàn nhất để gặp ông tại Konjic.

    Tôi nhớ lại lần nói chuyện với cha Svet qua điện thoại, sau khi Terri đồng ý để tôi trở lại làm việc với cha. Tôi đoán lần nói chuyện đó đã bị theo dõi. Quả thực tôi đã mất một lúc mới hiểu ra. Vị tu sĩ ở tu viện Konjic (trực và) trả lời điện thoại không biết nói tiếng Anh, nên tôi đoán là ông không hiểu những lời tôi nói gì mấy.

    Sau một hồi lâu mới thấy cha Svet cầm máy. Tôi hỏi: “Cha Svetozar phải không?”

    - “Vâng, ai ở đầu dây đó?”

    - “Tôi là Wayne Weible, gọi từ bên Mỹ. Cha có nhớ tôi không?”

    - “À, vâng, anh Wayne, nhóm Trung Tâm Hòa Bình. Anh có khoẻ không?” Có điều gì như do dự, ngập ngừng trong giọng nói của ông, như thể ông không thoải mái nói chuyện...

    - “Vâng, tôi rất khoẻ, thưa cha. Tôi gọi để cho cha hay là tôi sẽ trở lại Mễ Du vào tháng sáu để giúp cha làm xong quyển sách. Tôi sẽ đến...”

    - “Không, không”, ông vội vàng ngắt lời tôi, rồi tiếp: “À, tôi biết là anh sắp đến với một đoàn hành hương - tốt, rất tốt đấy!”

    Tôi chưng hửng, nín khe, rồi ngay đó, tôi chợt hiểu ra vấn đề. Nam Tư là một nước xã hội chủ nghĩa và cha Svet là một khuôn mặt hết sức nổi tiếng và có ảnh hưởng (cũng giống như cha Jozo, khi còn là Cha xứ của giáo xứ Thánh Giacôbê, đã bị tù khổ sai 18 tháng). Cha Svet luôn bị Nhà Nước theo dõi chặt chẽ và bị làm khó dễ thường xuyên, kể từ ngày ông đi tham quan nước Mỹ về, tại đó ông có trình bày một số vấn đề bị Nhà Nước cho là chống chính phủ. Điện thoại của loại người này thì tất nhiên phải bị theo dõi.

    Biết vậy, tôi cố nói với giọng thờ ơ: “Vâng, tôi sẽ đến với nhóm Trung Tâm Hòa Bình để viết cuốn sách của tôi. Tôi rất mong gặp lại cha.”

    Bây giờ, quỳ trong Nhà thờ Thánh Giacôbê, tôi thấy như sự quan phòng đã sắp xếp cho tôi được gặp cha Pervan khi tới đây chưa được mười phút. Tôi lách ra lối đi và tự giới thiệu với vị linh mục Phan Sinh có bộ mặt cương nghị với đôi mắt nâu lấp lánh này. Tôi nói với ông tôi đến để làm việc với cha Svet về quyển sách mới của ngài, và tôi nhờ ông gọi cho cha Svet biết tôi đang ở đây.

    Cha Pervan nói vỏn vẹn: “Anh đến đây với tôi!” Tôi đi theo ông đến Nhà xứ, ngang qua “gian phòng hiện ra”, vào bên trong một cái cửa dẫn đến khu sinh hoạt. Ông mời tôi ngồi rồi gọi điện. Nói vài tiếng Croát rồi đợi, sau đó ông đưa điện thoại cho tôi.

    - “Cha Svet?”

    - “Vâng, ai đó?”

    - “Thưa Wayne Weible trong nhóm Trung Tâm Hòa Bình. Cha khoẻ không?”

    Một phút im lặng rồi: “A, anh Wayne, được nghe tiếng anh tôi vui lắm!” Tôi nói với ông là tôi ở đây ba tuần để viết sách. “Thế thì tuyệt quá! Tối nay tôi sẽ đến đó, chúng ta sẽ nói chuyện sau Thánh Lễ.”

    Tôi chào tạm biệt rồi gác máy. Tôi cám ơn cha Pervan đã giúp đỡ, ông chỉ mỉm cười và tiễn tôi ra tận cửa Nhà xứ. Trên đường ra ngoài, tôi dừng chân một lúc bên ngoài “gian phòng” - khoảng không gian nhỏ bé mà hằng triệu người trên thế giới mong được có mặt, khi Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc hiện ra cho các thị nhân Croát. Một giờ nữa thôi, nơi đây sẽ diễn ra những cảnh năn nỉ, chen lấn, cãi cọ và cầu nguyện sốt sắng như thường xảy ra mỗi buổi chiều. Tôi nghĩ chưa bao giờ tôi đến được gần “gian phòng” ấy như bây giờ.


    Đã gần 4 giờ 30 chiều, nghĩa là tôi còn khoảng bốn tiếng nữa trước khi cha Svet đến. Mệt rã rời, nhưng phấn khởi được ở đây, lại đã nhanh chóng thu xếp một cuộc hẹn với người bạn dòng Phan Sinh của tôi, tôi bắt đầu thả bộ quanh làng - với cảm giác kỳ quặc là mình đang thực sự hít vào những hình ảnh, những âm thanh, và sự thần bí của nó.

    Khi nhìn quanh, tôi giật mình nhận thấy Mễ Du, với tất cả dáng vẻ bên ngoài của nó, khó có thể được coi là nơi xảy ra một biến cố như thế. Mặc cho mọi sự giao động đang dồn dập đến, ngôi làng vẫn lặng lẽ, bình thản trong nếp sống đơn sơ, dân dã. Tôi tránh qua một bên lề đường, nhường chỗ cho một phụ nữ đi qua với bầy dê của bà. Bà mỉm cười và gật đầu với tôi, nói vài câu, tôi đoán là để chào tôi. Cử chỉ hiếu khách của bà đối với tôi - một người ngoại quốc đang đến với đất nước của bà - tiêu biểu cho thái độ của đa số dân làng, vốn vẫn tiếp tục sống như trước, không hề bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện thường xuyên của khách hành hương ngày càng đông.

    Tuy nhiên, làn sóng người nước ngoài quả đã tác động mạnh trên sinh hoạt hằng ngày tại Mễ Du và vùng lân cận. Bây giờ bắt đầu có tiền, rất nhiều so với mức sống địa phương, mà các loại ngoại tệ đều có giá trị hơn đồng đi-na của Nam Tư.

    Ngày nay đã có nhiều quán cà phê hơn. Còn những con đường hẹp, có vỉa hè sơ sài hoặc không có gì hết nối liền năm thôn xóm của Mễ Du, thì chỉ thích hợp để đi bộ, lùa gia súc, hoặc làm sân chơi cho trẻ em hơn là để từng dòng xe hơi, xe buýt khổng lồ chở khách liên tục lăn bánh choán hết chỗ.

    Với tất cả cơ sự này, dân làng trông vẫn như có một sự bình an trong nội tâm và một sự đại lượng trước những xáo trộn ngày càng gia tăng này. Một số người cũng đã vật lộn với nó và bực bội trước những thay đổi; một số khác chào đón nó, đơn giản vì nó có lợi cho mặt thương mại. Nhưng phần lớn lại rất lịch sự và ân cần giúp đỡ người hành hương - như người đàn bà chăn dê kia đã làm. Trong một vùng nổi tiếng vì những mối thù truyền kiếp giữa các cộng đồng cư dân, chính sự thay đổi này của Mễ Du đã nổi bật lên như ngọn đèn hiệu dẫn đường trong đêm tối, minh chứng cho tính xác thực của những cuộc hiện ra.

    Khi lang thang trên đường, tôi thấy những công trình xây dựng mọc lên khắp nơi. Điều mỉa mai là, trong năm năm đầu tiên, chính phủ đã nhìn sự kiện hiện ra với con mắt nghi ngờ và thù địch, thì nay lại ra công tới tấp lợi dụng nó. Từ “lợi dụng” thật đúng cho trường hợp này: không cần phân biệt khách du lịch hay khách hành hương, họ chỉ chằm chằm nhắm vào lợi nhuận người nước ngoài đem đến. Tuy vậy, mặc dù những tiện ích đang tăng vọt, những nhà hàng và vệ sinh công cộng vẫn còn thiếu một cách đáng ngạc nhiên.

    Trong khi đó, đa số khách hành hương vẫn tiếp tục ở trọ tại nhà của dân làng, nhiều người trong số họ đang ghép thêm phòng vào những căn nhà bằng đá trần trụi của họ. Đây là một phương sách chậm chạp, buồn tẻ. Họ phải đợi đến khi có đủ tiền mới mua vật liệu xây dựng - nếu có bán ở cửa hàng - rồi mới làm việc ngày đêm, kể cả ngày nghỉ cuối tuần để có được căn phòng phụ. Tất cả mọi thành phần trong gia đình đều tham gia vào công việc đó, từ đứa con nhỏ nhất đến ông bà ở chung trong nhà.

    Tôi ghé vào một quán cà phê để nhâm nhi một tách cà phê đậm đà, đặc sánh, đặc sản truyền thống từ thời thống trị lâu dài của Hồi giáo. Ở đây, phòng tắm thì không có bao nhiêu, nhưng những loại quán cóc và quày hàng bán đồ vật̀ lưu niệm thì dầy dẫy khắp nơi. Họ bán đủ thứ, từ ảnh tượng Đức Mẹ bằng nhựa, cho đến món bánh pizza, và họ lấn dần vào đất Nhà thờ. Phần nhiều quán xá đều do các đảng viên hoặc người Hồi giáo gốc dân du mục Gypsy quản lý; cả hai nhóm đều hăm hở làm ăn nhờ vào đoàn lũ người hành hương Kitô giáo. Các linh mục địa phương dùng đủ mọi biện pháp để gìn giữ tinh thần của sự kiện hiện ra khỏi bị lấn áp bởi thói buôn bán vụ lợi, đã khuyến cáo dân làng không mua gì ở các quán xá. Nhưng chính Nhà Nước đã cho phép họ đặt địa sở trên đất Nhà thờ và vùng quanh đó.

    Kinh doanh chỉ là một khía cạnh của những đụng độ liên tiếp giữa các linh mục Phan Sinh và viên chức chính quyền, kể từ khi có những cuộc hiện ra. Trong năm năm đầu, họ hạch sách, làm khó dễ các linh mục, các thị nhân, dân làng và cả khách hành hương; những khách hành hương đầu tiên thường bị chận xe dọc đường, ngoài lãnh địa Mễ Du (nơi mà tôi đã gặp xe cảnh sát) để lục soát hành lý. Nếu người nào bị phát giác đem đồ đạo “buôn lậu” vào trong vùng, thì sẽ bị thẩm vấn rất lâu giờ. Máy bay trực thăng đến từ Mostar thường là là trên khu vực đó để quan sát, và liệng thật thấp trên mái Nhà thờ trong các giờ kinh lễ.

    Do sự phát triển kinh tế phát xuất từ sự kiện hiện ra, chính quyền buộc lòng phải giảm bớt thái độ cứng rắn, nhưng vẫn cứ khó chịu về điểm cốt yếu của tình hình [......]. Và thêm một cảnh trớ trêu nữa trong vụ Đức Maria này, mà họ châm biếm gọi là “Đức Bà đỏ”, đó là: Mễ Du nay đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của Nam Tư.

    * * *

    Tôi quay về Nhà thờ vừa kịp giờ Lễ chiều. Trời đẹp quá!

    Thay vì gắng đi vào bên trong, tôi ngồi lại trên mấy bậc cấp trước Nhà thờ, nơi các gia đình Croát đang tụ tập vì bên trong đã đông nghẹt. Thật là tuyệt diệu khi được nghe lại tiếng hát cung đàn trong Nhà thờ vang lên hòa với tiếng chuông ngân. Sự thanh thoát, an bình của Thánh Lễ và làn gió hiu hiu của mùa hè ấm nóng hầu như xóa tan mọi nhọc mệt. Đây quả là ngưỡng cửa của thiên đàng.

    Những dịp lễ lớn, trong Nhà thờ không còn chỗ, dân chúng tràn ra ngồi đầy ngoài sân.

    Đến phần giảng thuyết, tôi thấy cha Pervan đi len lỏi giữa đám đông ngồi ngoài Nhà thờ. Tôi mỉm cười, nhớ lại những gì đã đọc về ông. Ông đến Mễ Du ít lâu sau những ngày hiện ra đầu tiên, và đã hết sức nghi ngờ tính xác thực của sự kiện. Ông đòi phải có một cuộc tra xét kỹ càng và ngay lập tức chống đối với các em về mọi mặt, thậm chí còn đề nghị trừ tà cho các em. Sau khi cha Jozo bị bắt không lâu, cha Tomislav Pervan đã phải sửng sốt khi được ủy nhiệm làm vị Chánh xứ mới của giáo xứ Thánh Giacôbê, và như thế, đảm nhiệm luôn công việc liên quan đến cuộc hiện ra mỗi ngày.

    Sau đó không lâu, sự kiên định trước sau như một và sự thành thật của các thị nhân đã mạnh mẽ thuyết phục được ông tin rằng đang có một điều phi thường xảy ra. Nếu không nhờ lòng tin và sự lãnh đạo mạnh mẽ, vững chắc của ông, không biết Mễ Du có phát triển được thành một thánh địa linh thiêng, hùng mạnh như ngày nay không.

    Hồi mới bắt đầu nghiên cứu, tôi có xem một băng vidéo, trong đó, cha Pervanmô tả những thay đổi trong làng: “Có thể vạch một lằn ranh kể từ ngày 24-6-1981: có một Mễ Du trước ngày đó và một Mễ Du sau ngày đó; trước kia, nó là một ngôi làng như mọi làng khác; sau khi Đức Mẹ bắt đầu hiện đến, nó khởi sự thay đổi, và dân làng khởi sự sống Phúc Âm. Có thể sánh họ với các môn đệ Chúa Giêsu trước sự kiện phục sinh: trước khi Chúa sống lại, họ là những môn đệ bình thường; sau khi Chúa sống lại, họ thành những môn đồ được giác ngộ.”

    Có vẻ như các linh mục dòng Phan Sinh tại Nhà thờ Thánh Giacôbê và nhiều linh mục ở các làng lân cận đều được soi sáng bởi sự hiện ra của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc. Được Thiên Chúa kêu gọi trông coi những gì Người đang làm tại Mễ Du, các ông là một nhóm người cũng được trưởng thành trong khôn ngoan và thánh thiện. Và một khi danh tiếng sự hiện ra lan rộng, các ông đã đáp ứng một cách khôn ngoan và đầy năng lực mọi đòi hỏi dồn dập đặt ra cho các ông. Pervan rảo quanh đám đông, tự hi sinh niềm vui được cử hành Thánh Thể bên trong Nhà thờ, để có thể hiện diện bên ngoài đây với một phần của đàn chiên này.

    Sau Thánh Lễ, tôi đợi cha Svet ở gần Nhà xứ, vừa nóng lòng bắt tay vào việc, vừa muốn đi ngủ, vì tôi đã quá mệt do thiếu ngủ. Một tiếng đồng hồ đã trôi qua, cha Svet vẫn chưa xuất hiện. Cuối cùng, cha Pervan ở Nhà xứ bước ra, tôi đến hỏi ông có gặp hoặc có nghe cha Svet nói gì không, vì nghĩ có lẽ tôi đã lỡ dịp gặp ông mất rồi. Cha Pervan trả lời hầu như không dừng bước: “Ngài sắp đến đấy!” rồi đi thẳng vào Nhà thờ.

    Quá 10 giờ đêm một chút, có một chiếc Volkswagen nhỏ sơn trắng ngừng lại ở bãi đậu xe của Nhà xứ. Cha Svet ra khỏi xe, ôm hôn tôi và dẫn tôi đến một đống ván để gần đó đang khi chúng tôi trao đổi những câu chào hỏi nhau.

    Ông nói năng dịu dàng, dễ nghe, khiến người nghe lập tức thấy thoải mái được ở bên ông: “Nào, kể cho tôi nghe về gia đình anh đi, về mối liên hệ của anh với những cuộc hiện ra, và về chính anh. Bây giờ chúng ta có rộng thời giờ mà.”

    Ý nghĩ tôi đã phải thức và di chuyển suốt 38 giờ qua xẹt ngang đầu tôi, nhưng đã vội bị quên đi khi chúng tôi ngồi xuống đống gỗ, và thế là tôi bắt đầu kể lại câu chuyện của đời tôi rồi đủ thứ. Sau đó, ông kể chuyện đời mình cho tôi, kể mãi cho đến hơn nửa đêm. Rồi đến câu chuyện này mới là khổ sở cho tôi: “Wayne, anh bạn của tôi, tôi rất hân hạnh được anh từ tít nơi xa ấy đến đây giúp tôi sửa chữa bản thảo. Nhưng, phải nói thật với anh, tôi chỉ có thể về lại Mễ Du để làm việc cùng anh sau lễ kỷ niệm những lần hiện ra (tức là sau ngày 25 tháng 6). Tôi hi vọng anh có thể làm việc một mình và hưởng được cảnh thanh bình của Mễ Du cho đến khi tôi trở lại...”

    Tôi điếng người: “À, vâng, tất nhiên, thưa cha.” Tôi nghe mình trả lời: “Tôi rất biết ơn vì có dịp làm việc với cha, và được ở lại đây lần nữa.” Thế nhưng, tôi lại nghĩ tôi sẽ làm cái gì đây trong chín ngày tới?

    Bàn với nhau sẽ gặp lại trưa hôm sau để thảo luận về những phần tôi đã làm xong trong bản thảo của ông trước khi đến đây, chúng tôi chia tay nhau. Tôi vượt 5 cây số đường trở về Citluk trong hoang mang, bối rối với một ý nghĩ cứ đến trong đầu: Bây giờ thì tôi đã có mặt ở đây, mà ông linh mục hết sức thánh thiện nhưng hơi vô tổ chức này lại không biết làm gì với tôi...

    ---o0o---

  4. #24
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566
    “Hãy coi trọng những sứ điệp Mẹ ban cho các con. Mẹ đã ở lại lâu như thế này là để giúp các con thực hành các sứ điệp...”

    Chương 17
    THỜI GIAN HỌC HỎI

    Sáng hôm sau, tôi thức giấc vào khoảng 9 giờ, ánh nắng chói chang, thời tiết nóng ấm và làn gió hiu hiu chào đón tôi. Trời hôm ấy quá đẹp, đủ đẹp để xua tan tâm trạng u ám của tôi lúc ấy. Được trở lại thật thú vị! Tôi yêu đời sống đơn sơ của dân chúng ở đây và sự công khai dấn thân sống tận tình cho Thiên Chúa của họ. Và đây cũng là một dịp thư giãn - ít ra tạm thời - để thoát khỏi mọi nỗi lo âu của thế giới đang vây quanh mình. Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy mình có lỗi - là tự cho rằng mình đến đây để làm việc với cha Svet, ngờ đâu chỉ để phát hiện mình không có gì làm trong chín ngày tới. Tôi thở dài, quyết định sẽ lao đầu vào việc sửa bản thảo của cha cho đến khi ông trở lại.

    Cái cảm tưởng “bị ở không” tan nhanh khi ngày bắt đầu sáng hẳn. Tôi tìm ra người đàn ông đã hứa dành cho tôi một phòng nếu tôi trở lại Mễ Du. Ông tên Primo, chủ một tiệm giặt ủi tại Citluk. Vì căn nhà ông xây để cho thuê phòng chưa hoàn tất, nên ông mời tôi ở nhà ông như một người khách. Khi tôi lắc đầu, cố đòi trả tiền phòng, ông miễn cưỡng chấp nhận, với điều kiện tôi trả cho con trai của ông, vì tôi sẽ sử dụng căn phòng của cậu ta.

    Xong việc đó thì đã đến lúc tôi phải tới Nhà xứ để gặp cha Svet. Ông hẹn tôi vào giờ trưa, nhưng vốn biết giờ giấc co giãn của ông linh mục bí ẩn này, tôi đã tới sớm hơn khoảng 45 phút. Tìm thấy một băng ghế nhỏ kê bên bậc cấp dẫn vào Nhà xứ, tôi ngồi xuống thoải mái; rồi trong nửa giờ kế tiếp, tôi vùi đầu vào việc sửa chữa bản thảo của cha Svet. Bỗng nhiên, dòng tư tưởng của tôi bị cắt đứt khi nghe thấy tiếng một phụ nữ trẻ hỏi với giọng Anh: “Ông viết gì đấy?”

    Tôi nhìn lên thì thấy một thiếu nữ tóc vàng chưa đến 20 tuổi, ngồi vắt vẻo ở đầu băng bên kia đang đăm đăm nhìn tôi: “À, tôi đang viết sách về Mễ Du. Cô từ nước Anh phải không?”
    Cô cười: “Dĩ nhiên là không. Ông chưa bao giờ nói chuyện với một người Úc à? Vậy ông từ Mỹ đến, phải không?”

    Tôi mỉm cười ấp úng: “Cô nói đúng, người Mỹ chúng tôi dễ bị lộ diện thật!”

    - “Tôi tên Tanya, còn ông?”

    - “Wayne.”

    Cô lại cười lớn: “Tôi sẽ gọi ông là John Wayne, tên một ngôi sao điện ảnh.”

    Bị thu hút bởi cô gái người Úc này, tôi ngồi nghe say sưa những câu chuyện không dứt của cô. Thỉnh thoảng, cô cũng hỏi tôi về công việc và lý do tại sao tôi đến đây. Cô không dễ gì chờ cho tôi trả lời xong một câu, nhưng cứ chen vào một câu hỏi khác hoặc tiết lộ thêm một chi tiết giật gân mới về đời tư của cô.
    cha Slavko Barbaric



    Cô mới 16 tuổi, và đã ở lại Mễ Du gần hai tháng dưới sự chăm sóc của cha Slavko Barbaric, một trong những vị linh hướng của các thị nhân. Đúng mốt các thiếu niên choai choai tiêu biểu, Tanya kể chuyện cô bị nhiễm ma túy từ khi mới 13 tuổi, và phải đi bệnh viện bảy lần để cai nghiện trong thời gian dài. Đó là lý do tại sao cô đến đây. Thay vì trở lại nhà thương sau khi lên cơn ghiền lần cuối, cô đã năn nỉ mẹ để được đến Mễ Du, nơi cha Slavko - với một học vị về tâm lý học và đã thiết lập một chương trình tư vấn cho những người trẻ có vấn đề - đã đồng ý trị liệu cho cô.

    Một khi đã bắt đầu nói, Tanya có vẻ như bị buộc phải tuôn ra hết chuyện của đời cô. Cô nói càng nhanh càng tốt, và thỉnh thoảng mới ngưng lại để đánh giá mức độ khủng hoảng trong đời tư gia đình cô. Tôi bị sốc, nhưng cố gắng không để cho cô thấy. Cha mẹ cô đã xa nhau, mẹ cô ngẫu nhiên lại là người Croát - sống trên một hòn đảo nhỏ ở vùng ven biển Adriatique, gần thành phố Split, quản lý một khu du lịch; trong khi cha cô sống và làm việc tại Úc. Hơn một năm nay, cô không được gặp cha.

    Tanya đã sống khá lâu tại Nam Tư, nên nói thạo tiếng Croát. Cô được có mặt trong phòng hiện ra nhiều lần, quen biết các thị nhân, và cảm thấy mình đang được chữa khỏi ma túy với những rối loạn tình cảm gây ra bởi nghiện ngập, bằng cách lưu lại Mễ Du trong thời gian dài.

    Câu chuyện đang tuôn ra ào ào của cô bị ngắt quãng, khi có một thiếu phụ khác đến với chúng tôi. “Ô, đây là Kathleen, bạn tôi; chị cũng là người Mỹ.” Tanya giải thích: “Chúng tôi ở cùng phòng, và chị giúp cha Slavko chăm sóc tôi.” Rồi quay sang Kathleen: “Và đây là người bạn Mỹ mới của tôi, tên John Wayne. Ông ấy là một nhà văn.”
    Kathleen (bên trái), trong một buổi dự hiện ra của Đức Maria với thị nhân Marija (giữa) bên Hoa Kỳ. Kathleen đi theo làm thông dịch viên cho Marija.


    Kathleen có vẻ dè dặt, dò xét tôi trước khi nói quá nhiều chuyện. Nhưng chỉ sau ít phút, Kathleen đã thư giãn và bắt đầu kể đôi chút về đời cô và hoàn cảnh đã đưa cô đến Mễ Du. Tôi để ý thấy cô đi chân không, nhưng trước khi tôi hỏi tại sao, Tanya đã tuôn ra là Kathleen đang làm tuần chín ngày ăn chay với bánh mì và nước lã, và đi chân không để đền tội một cách đặc biệt. Tôi thầm nghĩ: vậy là hơi quá đáng. Trong chuyến đi lần trước, tôi đã gặp nhiều người mà tôi xếp vào loại lập dị, cuồng tín, hoặc khùng điên. Phản ứng đầu tiên của tôi là xếp Kathleen vào loại đó. Làm như muốn khẳng định điều ấy, cô còn có nét đồng bóng, tóc để xõa xuống đến eo. Kathleen lớn tuổi hơn Tanya, tôi đoán trên dưới 30 tuổi, sinh trưởng ở Miami, bang Florida. Mới đây, cô chuyển qua sống ở Thụy Sĩ, và bây giờ, theo lời yêu cầu của cha Slavko, cô ở lại phục vụ với tư cách người chị lớn của Tanya. Trách nhiệm của vai trò này, cộng thêm lòng nhân ái thiên phú của cô đã sớm làm tôi phải xét lại những đánh giá ban đầu của mình.

    Câu chuyện giữa chúng tôi đột ngột chấm dứt, khi cha Svet xuất hiện trên đầu thềm: “A, Wayne, chào anh! Bây giờ tôi đã sẵn sàng, chúng ta có nhiều việc lắm. Anh vào đây đi, chúng ta bắt đầu.”

    Ông cũng chào hai cô bạn tôi nữa, và qua cuộc trao đổi, rõ ràng là ông biết họ. Tôi nhìn đồng hồ: 12 giờ 40. Thôi, không sao, tôi đã được thời gian nói chuyện thoải mái với Tanya và Kathleen. Chúng tôi hẹn sẽ gặp nhau chiều hôm ấy ở lùm cây nhỏ trước mặt Nhà thờ.

    Ông dẫn tôi vào một văn phòng nhỏ bên kia cái sảnh nối với phòng hiện ra. Vội đóng cửa lại, ông nói: “Đây là một chỗ rất tốt, làm việc không bị quấy rầy.” Tôi hỏi ông: “Cha Svet, cha có biết hai người đó không?”

    - “Ồ, biết chứ, Kathleen ở đây giúp chúng tôi bằng đủ mọi cách có thể, còn Tanya - em này có nhiều vấn đề lắm. Anh hãy cẩn thận trong liên hệ với nó.”

    - “Nghĩa là thế nào?”

    Ông cân nhắc cẩn thận từng lời: “Tanya rất cần được giúp đỡ. Em có nhiều khó khăn riêng tư. Nhiều lúc, em rất vui vẻ, dễ chịu, lúc khác em lại rất khó tính. Cứ thận trọng, đừng để mình liên can quá nhiều. Em được cha Slavko giúp đỡ rất nhiều.” Ông mỉm cười: “Thôi, đừng lo lắng về chuyện ấy. Nào, ta xem anh đã làm đến đâu rồi!”

    Trong ba giờ sau đó, chúng tôi duyệt lại những gì tôi đã làm trên bản thảo của ông. Ông cũng hỏi tôi tại sao tôi lại thay đổi hoặc thêm vào một vài đoạn trong đó. Được làm việc với người đàn ông thánh thiện dễ nể này, nên lúc đầu tôi cứ ngần ngại không dám nói nhiều; nhưng cuối cùng, hết căng thẳng và quên hết mọi sự, tôi chỉ còn biết đến công việc trước mắt chúng tôi thôi.

    Khi chúng tôi duyệt xong phần đã làm, ông đứng dậy, đặt tay trên vai tôi cười rạng rỡ: “Tuyệt thật! Chắc chắn là chúng ta có thể làm việc chung với nhau - đúng như tôi đã biết.”
    Tôi quá phấn khởi, không nói nên lời. Chúng tôi thỏa thuận với nhau là chín ngày tới, tôi sẽ đến ở Mễ Du, tiếp tục việc biên tập, sau đó ông sẽ đưa tôi về giáo xứ của ông ở Konjic, khoảng hai tiếng rưỡi lái xe, về hướng bắc, và gần Sarajevo. Tôi sẽ ở tại Nhà xứ đó một tuần, ban ngày không bao giờ được mạo hiểm đi ra ngoài, để cảnh sát không biết tôi đang ở đấy. Suốt thời gian ấy, chúng tôi sẽ duyệt lại bản thảo từng hàng một. Còn bây giờ, ông sẽ không gặp lại tôi cho đến ngày 25 tháng 6 năm 1986, là ngày kỷ niệm giáp năm thứ năm Đức Maria hiện ra. Ông còn nói: “Chúng ta sẽ lên đường đêm hôm sau để khỏi bị người ta để ý.”

    Khi nói tạm biệt nhau, tôi hơi khó chịu vì cái lối sắp đặt vụng trộm này: dính líu vào một sự cố quốc tế là điều tối kỵ đối với tôi bấy giờ. Nhưng công việc là trên hết. Cha Svet vẫy tay chào và lái chiếc xe nhỏ màu trắng ra khỏi bãi đậu xe của Nhà xứ. Khi đó, tôi đã lén liếc quanh để xem có ai đang rình chúng tôi không. Chưa có gì, nhưng tôi bắt đầu có cảm tưởng mình là một gián điệp quốc tế.

    Chiều hôm đó, tôi gặp Tanya, Kathleen và một cô gái khác dưới lùm cây trước mặt Nhà thờ. Họ đang hát, còn Kathleen đệm đàn guitar. Nhìn thấy tôi, Tanya rối rít ngoắc tôi đến nhập bọn, và tôi đã làm theo. Với lời cảnh giác của cha Svet vang lên trong đầu, tôi thắc mắc sao mà cô gái có vẻ hạnh phúc và an bình này lại có thể có những vấn đề khủng khiếp như vậy.

    Sau đó, tôi được biết cô gái thứ ba là người Đức, tên Agnès, trước kia cũng đã đến Mễ Du với nhiều rối loạn tâm lý cũng như với đôi chân tàn tật làm cô chỉ đi được nhờ cặp nạng. Cô này cũng vậy, cô cũng từng được cha Slavko chăm sóc, ông đã cho phép cô có mặt ở “gian phòng” ấy, trong một lần Đức Mẹ hiện ra. Cô kể lại là cô đã được chữa lành ngay lập tức, và cô đã bỏ lại cặp nạng trong phòng hiện ra, rồi đi ra một mình không cần người đỡ. Sau khi trở về Đức, cô đến cho bác sĩ khám. Ông này đã công nhận cô không còn triệu chứng gì của bệnh, và công bố cô hoàn toàn khoẻ mạnh.

    Lần này, tôi thấy được nhiều điều về Mễ Du hơn lần trước. Bên cạnh những hiện tượng thiêng liêng và phép lạ, cùng với những trường hợp cải hối thống thiết, còn có nhiều điều hơn nữa đang xảy ra theo nhiều mức độ. Cũng phải kể đến những đấu tranh, bất mãn - và thất bại. Không phải ai tới đó cũng đều được thay đổi về phần thiêng liêng. Và tất nhiên, không phải bệnh nhân nào đến đây cũng được chữa lành. Thực vậy, cái làng Mễ Du nhỏ bé này, trên nhiều phương diện, không khác gì lắm với thị trấn Myrtle Beach của tôi. Tốt có, xấu có; theo nghĩa rộng, nó là một tiểu vũ trụ của thế giới, chỉ khác một điều là nó được biến đổi do phép lạ của sự hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc.

    Đa số những người đến Mễ Du cũng giống như các cô gái tôi vừa mới gặp kia. Họ có vấn đề, và đến để tìm ra giải pháp kỳ diệu cho các vấn đề đó. Agnès đã tìm ra giải pháp cho vấn đề của cô, nhưng Tanya vẫn còn tìm kiếm và hi vọng, cũng như hằng ngàn người khác đã đến đây cùng với một ý nguyện như vậy. Tôi nhớ lại lời của anh Frank Fiamingo, bệnh nhân bại liệt đã đi cùng chúng tôi trong chuyến tháng năm. Lúc đó, tôi có hỏi anh ấy muốn được ơn gì trong chuyến hành hương này - anh có mong được chữa lành không? Nhưng anh đã trả lời: “Tôi không đến để tìm sự chữa lành, tôi đến để tìm điều mà anh và mọi người khác đang tìm: cho những lý do riêng và để được bồi dưỡng về phần thiêng liêng.”

    Trước khi Tanya và Agnès phải đi vì có hẹn, Tanya đã buộc tôi hứa vào hôm sau chúng tôi sẽ gặp nhau nói chuyện tiếp. Khi tôi cũng đứng dậy ra về, Kathleen tỏ vẻ muốn ở lại thêm một lát nữa. Cô hỏi: “Tanya có nói gì với ông về quá khứ của nó không?”

    Tôi kể cho cô ấy nghe câu chuyện buổi sáng giữa tôi và Tanya, không sót một điểm nào. “Được!” rồi cô tiếp: “Vấn đề của nó không phải chỉ là nghiền (ma túy). Nó còn uống rượu nữa - và nhiều thứ khác. Tuần đầu ở đây, Tanya nằm liệt giường vì quá bệnh. Tanya bị bất an tối đa, vì vậy, cha Slavko yêu cầu tôi ở với nó và để mắt đến nó. Tôi chỉ muốn ông biết như thế, và xin ông nên rất cẩn thận với nó. Tanya có khả năng khiến người khác quyến luyến mình rất nhanh và rất mạnh.”

    Tôi bảo đảm với cô là tôi sẽ giữ khoảng cách trong tiếp xúc với em ấy. Vả lại, tôi còn nhiều việc phải làm cho quyển sách của cha Svet, cũng như những nghiên cứu cho công việc của tôi. Kathleen gây ấn tượng nơi tôi. Chẳng phải có nét đồng bóng như tôi tưởng, cô gái Mỹ sống xa quê này là một người đầy lòng nhân ái. Điều trước đây tôi xem như là một lối chay tịnh và đền tội cuồng tín, hóa ra chỉ là một sự đáp ứng bình thường của cô - cái cách cô nói “Xin vâng” với Chúa. Cô đang sống sứ điệp mà Đức Trinh Nữ Maria đang mang đến cho Mễ Du, và sự vâng phục của cô còn đầy đủ hơn sự vâng phục của tôi. Từng ấy dủ để đánh bạt những cảm tưởng đầu tiên sai lầm của tôi về cô.

    Tuy nhiên, giữ khoảng cách với Tanya thì dễ nói hơn là làm. Sáng hôm sau, trong giờ Lễ, em lại ngồi cạnh tôi, hỏi tôi em ngồi gần có được không. Tôi nói tất nhiên là được. Sau đó, Kathleen cho tôi hay là từ lâu, đây là lần đầu tiên Tanya dự Lễ tiếng Anh. Cô đề nghị để cô nói với Tanya là tôi có nhiều việc phải làm và em cần để tôi yên, nhưng tôi từ chối. Tôi cho cô thấy những lúc chúng tôi quây quần bên nhau rất giúp ích cho Tanya, và Kathleen cũng đã phải công nhận.

    Suốt mấy ngày tiếp theo, sau những giờ nỗ lực làm việc trên bản thảo của cha Svet, tôi cũng có dịp nói chuyện với Tanya về các vấn đề của em ấy. Cha Svet rất đúng khi nói: nhiều lúc em như là một thiên thần, những lúc khác lại khó mà tin được thái độ thay đổi ngược ngạo của em. Em ưa làm hoặc nói nhiều điều cố ý để chọc tức tôi, và hay ghen tức kiểu trẻ con những khi tôi nói chuyện với người khác.

    Điều này đặc biệt đúng với nhóm Trung Tâm Hòa Bình, vốn đã đến vài ngày trước đó. Sơ Margaret lại một lần nữa làm hướng dẫn viên về mặt thiêng liêng với sự trợ giúp của Rose Finnegan, người luôn luôn lạc quan. Cha mẹ của Maureen Thompson: ông John và bà Maryam với cô em gái Sheila cũng có mặt trong nhóm. Đây thật là một tuần lễ đoàn tụ và dễ chịu, vì không có người Mỹ nào ở đây, cho đến khi nhóm Trung Tâm Hòa Bình tới. Tôi đặc biệt thích thú những lúc ở cùng với cha mẹ và em gái của Maureen, và tôi đã để vào đó khá nhiều thời gian - thời gian mà trước đó đã dành cho Tanya.

    Một chiều kia, sơ Margaret, sau khi nghe tôi tóm lược tình trạng của Tanya, đã đề nghị tôi mời em ấy, sau Thánh Lễ chiều đi dùng cơm tối với cả nhóm tại khách sạn Citluk, để cho em làm quen và thoải mái với nhóm người Mỹ ấy. Tôi hỏi ý kiến Kathleen trước, và Kathleen hỏi ý cha Slavko. Theo lời yêu cầu của cả nhóm, trước đó, tôi có đến gặp cha Slavko vào buổi sáng, vì cha cũng muốn biết anh chàng người Mỹ nào đã làm quen được với cái gánh nặng trẻ tuổi này của ông. Giờ đây, hài lòng vì thấy những tiếp xúc của tôi với Tanya đã nâng đỡ em, nên ông cho phép em đi cùng tôi - với điều kiện phải về nhà lúc 10 giờ đêm.

    Bữa ăn tối đã là một dịp gặp gỡ thú vị cho mọi người tham dự. Tanya vui vẻ như trước, vì đã thật sự mê hoặc cả nhóm một cách nào đó. Chúng tôi giống như một gia đình đối với em, và tôi nhận ra gia đình có lẽ là cái mà cô gái bất hạnh này cần hơn hết. Để giữ lời hứa với cha Slavko, tôi đưa Tanya về nhà đúng giờ, rồi trở lại Citluk đón sơ Margaret để chở chị về nhà trọ ở ngoài Mễ Du. Lúc quay về lại Citluk, tôi thấy hai cô gái đang nhảy múa trên đường bỗng hiện ra trước đèn xe; nhận ra một trong hai cô là Tanya, tôi ngừng xe. Khi thấy tôi, em cũng sửng sốt không kém. “Tanya, em làm gì ở đây? Em biết luật của cha là phải về nhà lúc 10 giờ mà!”

    Bị bắt gặp tại trận, và không muốn mất mặt trước bạn bè, em trả lời giận dữ: “Tôi cóc cần luật với lệ của cha già đó! Tôi đủ lớn để làm những gì tôi muốn!”

    Tôi cố thuyết phục để em thấy mình sai, và ở đây, em đang được cha coi sóc, nhưng Tanya không thèm nghe. Em còn báo cho tôi biết tôi không được bảo em phải làm gì cả. Tôi cố lờ đi câu em nói làm tôi đau lòng:

    - “Thôi lên xe đi, tôi lại đưa em về nhà.”

    - “Không! Chúng tôi đang vui vẻ, tôi sẽ ở lại đây!”

    - “Ô kê! Muốn làm gì thì làm!” tôi trả lời cộc lốc rồi lái xe đi luôn. Làm sao mà cũng một cô gái dịu dàng, dễ thương, mới vừa làm cho cả nhóm Trung Tâm Hòa Bình cảm thương và thích thú ấy lại có thể trở thành hỗn láo, nổi loạn - nhất là đối với tôi như vậy? Những buổi nói chuyện nhiều khi vui vẻ cũng như đôi lúc giận dữ giữa chúng tôi đã tạo nên một mối liên hệ cha-con chân thành. Còn bây giờ thì tôi không biết thời gian tôi dành cho em vừa qua có ích lợi gì không.

    Thêm một bất ngờ nữa đến với tôi trong đêm đó. Khi trở lại nhà ông Primo, tôi gặp một khách trọ khác: một phóng viên nhiếp ảnh của tờ Time thuộc văn phòng châu Âu. Anh đến để làm phóng sự về buổi lễ kỷ niệm giáp năm thứ năm ngày Đức Maria hiện ra sẽ diễn ra vào ngày mai. Những vấn đề của Tanya được tạm quên. Tôi sung sướng thấy những cuộc hiện ra, cuối cùng, đã được báo chí quốc tế đề cập đến, đặc biệt từ khi biết hơn 100.000 người dự kiến sẽ có mặt tại làng. Chúng tôi nói chuyện đến khuya. Trong hơn hai tiếng đồng hồ, tôi cố gắng nhồi nhét cho anh ta càng nhiều thông tin càng tốt, thậm chí đề nghị đưa anh đi tham quan trong làng. Và ngay sáng hôm sau, tôi còn đưa anh tới nhà Vicka để chụp một số ảnh đặc biệt.

    Khi đang lái xe đến đó sáng hôm sau, anh nói: “Tôi muốn nói với anh chuyện này từ tối hôm qua, nhưng tôi không muốn nói ở trong nhà đó: cảnh sát đang tìm anh. Sáng hôm qua, họ đến gặp Primo, nhưng ông ta không biết khi nào anh về.”

    - “Cái gì?” Tôi đạp chân lên thắng, làm chiếc xe suýt lao xuống mương. “Tại sao? Họ muốn gì với tôi?” Tôi hoảng sợ, rất hoảng sợ. Anh ta mỉm cười: “Anh yên tâm đi, họ biết anh là nhà báo và họ muốn biết tại sao anh không đăng ký anh là nhà báo.”

    - “Tôi không thể. Tôi không muốn họ biết tôi đang làm việc với linh mục Svetozar. Mà làm sao họ biết tôi là nhà báo nhỉ?”

    Nhà nhiếp ảnh cười khúc khích: “À, anh lăng xăng chỗ này chỗ kia với cái máy chữ, rồi còn đặt đủ thứ câu hỏi với đủ thứ người...” Anh không cười nữa: “Này, anh không qua mặt họ được đâu. Họ có thể bắt anh để thẩm vấn với bất cứ lý do gì, nhốt anh lại ít ngày, rồi tống anh ra khỏi nước họ. Một kịch bản không tồi, phải không?” Anh ta lắc đầu: “Anh phải nhớ: anh đâu phải đang ở bên Mỹ!”

    Bất chợt, tôi nhận ra mình thật ngu ngốc, vì đã quá lộ liễu trong những việc mình làm. Những thái độ e dè của cha Svet đáng lý ra đã đủ cảnh giác tôi... Bây giờ, tôi mới hiểu tại sao cần phải đề phòng như thế, chẳng hạn đi Konjic vào ban đêm và phải không được ló mặt khi ở lại đấy; nhưng bây giờ đã quá trễ.

    Tôi hỏi yếu ớt: “Tôi phải làm gì bây giờ?” Nhà nhiếp ảnh đề nghị hoặc là tôi tự đến cảnh sát đăng ký, may ra..., hoặc rời khỏi nhà ông Primo.

    - “Tôi sẽ đi! Không có vấn đề đi ra đồn cảnh sát. Tôi biết tại Mễ Du có vài chỗ tôi có thể ở mà không ai phát hiện ra.” Tôi chắc chắn là tôi sẽ được ở cùng một chỗ với sơ Margaret, nếu chỉ trong một vài ngày.

    Tôi chỉ muốn quay xe lại ngay và dọn đồ đi khỏi Citluk, nhưng nhà nhiếp ảnh này, người từng sống một năm tại Balan, biết rõ những trò đó, liền lắc đầu nói: “Thế là quá lộ liễu, tốt hơn nên đi vào ban đêm.”

    Khi chúng tôi đến nhà Vicka, anh ta muốn đi loanh quanh một mình để chụp hình, nên tôi đã để anh xuống xe và tôi trực chỉ Nhà thờ để dự Thánh Lễ. Thời gian giúp tôi bình tĩnh lại và bắt đầu sắp xếp một kế hoạch hành động. Gặp sơ Margaret gần Nhà thờ, tôi bèn kể lại những gì đang xảy ra.

    Chị nói bình thản: “Được rồi! Anh chỉ cần một chỗ trong một đêm, rồi ngày mai đi Konjic với cha Svet. Đương nhiên, anh có thể trọ tại chỗ tôi đang ở, và vì nhà này ở xa Nhà thờ, nên không ai biết anh ở đấy.” Rồi chị cười, tiếp: “Đừng quá lo lắng về việc ấy! Cứ nghỉ ngơi, cầu nguyện và vui hưởng ngày tươi đẹp này.”

    Tôi đành để chị xoay sở hoàn cảnh theo cách nhìn riêng của chị. Tôi quyết định nghe theo lời khuyên của chị. Gặp gia đình Thompson sau lễ, chúng tôi đi với nhau suốt ngày, leo đồi, thưởng thức không khí lễ hội tại quán cà phê Antonio, một tụ điểm nhỏ của nhiều người trong làng. Hồi đầu tuần, chúng tôi đã phát hiện người chủ quán cà phê này là anh ruột của thị nhân Marija, và cô em ruột là Milka cũng làm việc tại đó.

    Milka đã có mặt lúc Đức Maria hiện ra lần thứ nhất và chỉ được thấy Đức Trinh Nữ Diễm Phúc một lần đó thôi. Năm nay cô 18 tuổi. Đó là một thiếu nữ thon thả, nhiệt tình, khôn ngoan trước tuổi, rất được dân làng quý mến. Chúng tôi thành bạn bè ngay lập tức. Cô chỉ biết vỏn vẹn mấy câu tiếng Anh, nhưng rồi chúng tôi cũng xoay sở nói chuyện với nhau được. Có nhiều khi tôi đi với Tanya đến thăm cô, thì Tanya thông ngôn giúp. Có tư chất thông minh, học nhanh, Milka nói thông thạo tiếng Ý, nhờ tiếp xúc với khách hành hương người Ý đến đây rất đông vào những năm đầu.

    Tôi cảm phục Milka đã biết chấp nhận được thấy Đức Trinh Nữ chỉ có một lần duy nhất, trong khi chị cô (Marija) lại trở nên một trong sáu thị nhân. Trong cuộc phỏng vấn tôi thực hiện sau đó trong tuần, tôi hỏi cô về vấn đề này, cô nhún vai và đáp: “Được thấy một lần còn hơn là không thấy lần nào.” Không biết có bao giờ cô mong được trở thành thị nhân như cô chị ruột không?

    Cô cười lớn: “Ồ không! Như vậy suốt ngày tôi cứ phải tiếp chuyện các nhà báo như ông!”

    Tôi thấy ở Milka có một điều gì đặc biệt. Cô biết chấp nhận số phận của mình, tuy vẫn tỏ lộ ra ý muốn được là một trong các thị nhân để được nhìn thấy Đức Maria mỗi ngày; cô cố che đậy, nhưng sự thực là như vậy. Cho đến lúc tôi trở về nước, Milka đã trở thành một trong những người tôi yêu thích nhất tại Mễ Du.

    Tối hôm lễ kỷ niệm giáp năm năm Đức Maria hiện ra lần đầu tiên là một buổi tối huy hoàng, hằng ngàn người đứng chật ních Nhà thờ và chung quanh Nhà thờ. Chiếm chỗ trên bãi cỏ sau lưng Nhà thờ, gia đình Thompsons và tôi cùng vừa lần hạt Mân Côi, vừa thưởng thức vẻ đẹp của bầu trời trong cảnh hoàng hôn, với làn gió nhẹ hiu hiu thổi. Suốt ngày nay, tôi không gặp Tanya, rồi bỗng nhiên em xuất hiện, tỏ vẻ hối lỗi về những hành động em đã làm tối hôm trước. Em năn nỉ: “Xin ông vui lòng đến đây với em, em không cầu nguyện được. Em cần nói chuyện với ông.”

    Tôi xin kiếu các bạn khác và tìm một góc yên tĩnh dưới lùm cây xa hơn ở sau Nhà thờ để nói chuyện. Tanya bắt đầu khóc. Em và bạn gái của em hôm qua đã gặp hai thanh niên trong làng và đã ở lại với họ tới khuya - rất khuya. Bây giờ, em xấu hổ quá và không biết phải ăn nói làm sao với cha Slavko. “Cha sẽ biết chuyện này, em tin chắc như vậy! Cha sẽ đuổi em về nhà. Phải làm sao bây giờ?”

    - “Em phải tự thú với cha, Tanya, và chấp nhận bất cứ hành động nào của cha.”

    Tanya lắc đầu quầy quậy, đứng lên bỏ đi: “Không!” Tôi nhẫn nại nêu lên cho em thấy những gì mà người ta đã cố gắng giúp em và cả những gì em đã nhận được. Bây giờ, em phải chọn: hoặc đón nhận sự hỗ trợ của cha Slavko và ở lại Mễ Du, hoặc tiếp tục làm hỏng cuộc đời mình. Tôi ngạc nhiên sao tôi có thể bình tĩnh như thế. Lần nói chuyện đó không khác gì một sự la rầy, trách mắng thẳng thắn của người cha đối với đứa con gái - và lại có hiệu quả. Tanya lặng lẽ ôm chào tôi, hứa sẽ đến tự thú với cha Slavko ngay sau Thánh Lễ và chấp nhận bất cứ điều gì xảy đến cho em.

    Chúng tôi quay lại với gia đình Thompsons và tham dự Thánh Lễ. Sau đó, Tanya chạy lại chỗ chúng tôi trên bãi cỏ, nơi chúng tôi đã tụ họp để trao đổi về những gì diễn ra trong ngày. Qua nét mặt em, tôi thấy mọi sự đã được cha Slavko giải quyết ổn thỏa. Em ào ào kể lại: “Ồ, lúc đầu cha nổi giận, nhưng cha khen em làm đúng vì đã thú tội với cha - em có nói với cha là ông đã bảo em làm như vậy - và ông thử đoán xem? Cha nói là cha chấp nhận để ông phỏng vấn như ông xin, nếu ông đến được vào buổi sáng. Và cha sẽ để cho em thông dịch! Ôi sung sướng quá!”

    Hài lòng vì mọi sự đã trở nên tốt đẹp cho Tanya, tôi sắp xếp để gặp em trước Nhà xứ vào lúc 9 giờ sáng. Hôm ấy thật là một ngày tuyệt vời - và cái thời gian “chín ngày không có gì để làm” này đã được lấp đầy một cách kỳ diệu. Tôi cho đây đúng là một thời gian để học tập, và khi nghĩ sâu thêm, tôi mới nhận ra: điều này đã được tiền định như vậy.

    Nhưng còn một vấn đề nữa: cảnh sát. Tôi hầu như đã quên bẵng chuyện đó cho đến khi lái xe trở về nhà Primo tại Citluk. Đến nơi, tôi định nói với Primo vụ đó, và nếu Primo cũng nghĩ là tôi phải đến trình cảnh sát, thì giống như Tanya, tôi cũng sẽ chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra cho tôi, và tôi sẽ làm theo. Chàng phóng viên nhiếp ảnh báo Time đã ra đi từ lúc chiều để ra khỏi Mostar cho kịp chuyến bay, cho nên chúng tôi chỉ có một mình. Liền đó, Primo xin kiếu để đi ngủ sớm, vì sáng mai phải ra cửa hàng sớm. Tôi về phòng, và sau một lúc lâu cân nhắc nên bỏ đi ngay lúc ấy hay đợi đến sáng mai, tôi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hướng dẫn con...”
    ---o0o---

  5. #25
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566
    "Hãy cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện!"
    Chương 18
    TRONG PHÒNG HIỆN RA

    Thức dậy khoảng năm giờ sáng hôm sau, tôi soạn vali và lặng lẽ ra đi, không đánh thức ai. Đây xem ra là giải pháp hay nhất để tránh cảnh sát: lặng lẽ bỏ đi, rồi lẩn vào đám đông ở Mễ Du. Đến chiều tối, tôi sẽ quay trở lại nhà Primo trả tiền phòng và chào từ giã ông ấy.

    Mới sớm tinh mơ mà tỉnh lẻ Citluk đã tấp nập, nhộn nhịp, tôi ngạc nhiên nhận ra điều đó - và cũng rầu rĩ nhận ra mình phải lái xe ngang qua sở cảnh sát. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi vượt qua được mà không bị để ý. Rồi tôi đi thẳng luôn tới một quán cà phê bên ngoài Mễ Du để ăn sáng.

    Đang thưởng thức một bữa sáng ngon lành với trứng, xúc xích và bánh mì nóng hổi mới ra lò, tôi lại nghĩ đến chín ngày qua. Sao mà nó qua mau thế? Hôm nay đã 26 tháng 6 rồi - sinh nhật của tôi! Trong sự vội vã và phấn khích, tôi đã hoàn toàn quên mất ngày này. Bây giờ, nhân ngày đặc biệt này, tôi sẽ phỏng vấn cha Slavko, nhấm nháp cái thú của một ngày đầy bất ngờ tại Mễ Du, và rồi đến đêm sẽ ra đi với cha Svet đến Konjic. Thật là một ngày sinh nhật đáng ghi nhớ!

    Chín giờ sáng, tôi đã ở trước Nhà xứ đợi Tanya đến. Cánh cửa Nhà xứ bỗng mở ra và cha Svet xuất hiện. “A, Wayne, bạn tôi! Làm ơn đến đây với tôi!” ông nói với vẻ bình tĩnh nhưng nghiêm trọng, rồi nắm cánh tay tôi dẫn đến một nơi vắng vẻ phía sau Nhà thờ. “Chúng ta sẽ được yên ở đây.”

    Tôi chưa bao giờ thấy ông tỏ vẻ nghiêm trọng như vậy, và như thể đọc được ý tôi, ông thêm: “Anh đừng sợ, nhưng chúng ta phải thay đổi kế hoạch. Vì những lý do tôi không thể nói ra, anh không nên đến Konjic với tôi vào lúc này.” Ông nghỉ một lát, rồi đặt tay trên vai tôi trấn an: “Chúng ta phải sắp xếp cách khác. Ngày mai, tôi sẽ mang bản thảo đã cập nhật của tôi đến cho anh, sơ Margaret sẽ cầm nó về Mỹ và sẽ làm cho anh một bản sao. Chúng ta sẽ làm việc riêng rẽ và Trung Tâm Hòa Bình là người đưa thư của chúng ta.”

    - “Nhưng thưa cha, tôi không sợ gì...”

    Ông ngắt lời tôi bằng cách níu mạnh vào cánh tay tôi: “Hãy tin tôi, làm như vậy tốt hơn. Ngày mai, tôi sẽ gặp anh và chúng ta sẽ nói thêm. Bây giờ tôi phải đi.”

    Cố gắng xua đuổi nỗi thất vọng khi chúng tôi bước ra xe của ông, tôi nghĩ: thế là xong, như vậy sẽ thay đổi mọi thứ. Khi ông đã đi khuất, tôi nhớ ra cuối cùng tôi còn cần một chỗ trọ, hi vọng sẽ kiếm được nơi sơ Margaret. Nhưng cũng tốt thôi: bây giờ rảnh rồi, tôi có thể trở về nhà - mà tôi lại rất nóng lòng. Tôi sẽ ở lại đến hết tuần, rồi đi Dubrovnik sáng sớm thứ hai, kịp giờ bay chuyến 7 giờ 10 phút để trở về nhà.

    Khi đứng trong bãi đậu xe gần Nhà xứ, bỗng có người túm lấy tôi từ phía sau và ôm chặt: “Chúc mừng sinh nhật, John Wayne, chúc mừng sinh nhật!” Tanya nhảy quanh tôi, quá vui sướng vì sắp được thông ngôn cho tôi và cha Slavko. Em la lớn: “Em sẽ tặng cho ông một món quà đặc biệt, nhưng ông phải đợi đến sau cuộc phỏng vấn mới được nhận.”

    - “Tốt, tôi cũng có một món quà cho em, mặc dù hôm nay là sinh nhật của tôi!” Tanya hơi buồn vì tưởng tôi phải đi Konjic tối hôm đó. “Này, Tanya, chương trình thay đổi rồi, tôi không đi Konjic nữa, nghĩa là tôi còn ở đây với em ba ngày nữa.” Nghe vậy, Tanya ôm chặt tôi lần nữa, hò hét om xòm vì mừng rỡ. Em đã cư xử rất đàng hoàng kể từ cái sự cố đêm ấy, và tình cảm nồng nhiệt của em làm tôi động lòng.



    Phòng làm việc của cha Slavko là nơi Đức Maria thường hiện ra vào năm 1987. Trên hình : Marija ở gần cửa, còn Jakov bên trái cô, vì nhỏ hơn nên hơi bị che khuất . năm 2002.


    Nhưng đã đến giờ phỏng vấn. Khi đi vào phòng cha Slavko, tôi phát hiện ra đây chính là căn phòng Đức Trinh Nữ

    Maria hiện ra mỗi chiều tối. Trước kia, cuộc hiện ra xảy ra ở trong Nhà thờ, chính xác là ở phía nhà mặc áo lễ, bên phải bàn thờ, cho đến khi ông Giám mục địa phận Mostar ra lệnh dời ra khỏi Nhà thờ. Giám mục Pavao Zanic, trong mấy tháng đầu của sự kiện này, đã là một người tin mạnh mẽ; ngày nay, ông lại là người chống đối số một. Không thuộc dòng Phan Sinh, ông đã tuyên bố những cuộc hiện ra này là trò lừa bịp, được duy trì và khích lệ bởi các linh mục dòng Phan Sinh đang ở tại Nhà thờ Thánh Giacôbê. Trong hai năm rưỡi qua, những cuộc hiện ra đã diễn ra trong cái phòng ngủ kiêm phòng làm việc chật chội, tù túng này.

    Run rẩy xúc động vì được ở trong nơi đặc biệt ấy, tôi càng sung sướng hơn khi có cơ hội phỏng vấn nhà thần học tâm lý học có khuôn mặt gầy và căng thẳng, với mái tóc xám và đôi kính gọng đen này. Điều trớ trêu là ngay từ đầu, ông được chính Giám mục Zanic bổ nhiệm đến Mễ Du để bác bỏ những cuộc hiện ra và tố giác chúng như một trò dối trá, lừa bịp - điều mà hiện nay ông Giám mục rất tin. Ông Giám mục nghĩ rằng nếu có ai làm được việc đó, người ấy chính là linh mục Slavko Barbaric. Chắc chắn, vị học giả nói lưu loát bốn thứ tiếng, cũng là một trong những giáo sư thần học lỗi lạc nhất Nam Tư, sẽ mau chóng chấm dứt mọi thứ vớ vẩn này.

    Tôi khởi sự bằng các câu hỏi về những ngày đầu tiên của ông với các thị nhân. Vừa mới gặp và tra vấn các em, ông đã tin chắc không có sự lừa gạt nơi các em. Và nếu các em không lừa gạt, thì những cuộc hiện ra đã thực sự xảy ra đúng như các em mô tả. Ngoài ra, ông còn cảm thấy có trách nhiệm đặc biệt về đời sống thiêng liêng của các em này - giờ đây đang chịu quá nhiều áp lực; thực tế, ông thấy mình có trách nhiệm với tất cả những người trẻ trong giáo xứ. Vì nay – do được cảm hứng bởi những người được Đức Maria hiện ra, vốn cũng là bạn bè của họ từ tấm bé; và do đã nhìn thấy sự thay đổi trong đời sống của các thị nhân ấy – một số lớn trong giới trẻ đó đang xem xét lại mối quan hệ giữa họ với Thiên Chúa và với Giáo Hội của Người. Họ cũng thành lập những nhóm cầu nguyện, và nhờ cha Slavko Barbaric linh hướng.

    Bất chấp cơn giận dữ của Giám mục Zanic, cha Slavko hết lòng phục vụ cộng đoàn, làm việc nhiều giờ và giúp đỡ bằng mọi cách có thể. Nhóm tư vấn dành để lo cho những thiếu niên bị khủng hoảng, là một kết quả của sự tận tụy của ông. Trách nhiệm khó khăn nhất của ông là gì? Đó là phải phụ trách phòng hiện ra mỗi buổi chiều; phải làm người quyết định ai được hoặc không được vào phòng đó. Khi được hỏi tại sao các em này được chọn làm thị nhân, ông đã trích dẫn câu mà Đức Maria trả lời cho các em khi chúng cũng hỏi như vậy: “Mẹ không luôn luôn chọn những người tốt nhất.”

    Ông nói thêm: “Nghe có vẻ chói tai, nhưng việc Đức Maria cố tình chọn những người bình thường đã mang lại sự tin tưởng không còn thể nghi ngờ gì được cho một hiện tượng như thế.” Tôi hiểu ông muốn nói gì: Thật khó mà tưởng tượng rằng có người nào đó nghi ngờ những trẻ em đơn sơ như vậy lại có thể dàn dựng - hoặc bị sai khiến - một trò lừa bịp có tầm cỡ như thế trong năm năm trời!





    Được Đức Mẹ cho phép, các nhà khoa học đã đến làm nhiều cuộc trắc nghiệm. Ba thị nhân được xét nghiệm đang lúc diện kiến. Ở giữa là Ivanka, trên đầu gắn đủ thứ máy đo, đặc biệt là bị che mắt bằng một tấm bảng rất dầy, nhưng em vẫn nhìn thấy Đức Mẹ.

    Chắc chắn là trong suốt thời gian đó, sự tra xét không khoan nhượng của hàng đoàn những nhà điều tra thuộc các môn khoa học, y học, giáo luật đã thừa sức lật tẩy trò bịp bợm này. Cha Slavko còn nói: đó là lý do tại sao ông để cho các nhà báo, các giáo sĩ và các nhóm khoa học gia được ưu tiên có mặt trong giờ Đức Maria hiện ra.

    Ông còn đề cập đến một điểm quan trọng khác: khi hiện ra với các trẻ em ít học, Người muốn đòi hỏi một lòng tin tinh tuyền, tuyệt đối. Khi được hỏi Người mong đợi gì ở dân chúng (tại Mễ Du và sau này khắp thế giới), Người đáp: “Họ hãy tin như thể chính mình đã được thấy.”

    Trước khi được thấy Đức Maria, lòng tin của các thị nhân như thế nào? Cũng giống như bao thiếu niên cùng tuổi trên khắp thế giới, chúng cũng ý thức về tầm quan trọng của lòng tin, nhưng lòng tin ấy đã phải vật lộn với các bận tâm, lo lắng của đời sống tuổi thanh thiếu niên. Chúng đi lễ ngày Chúa nhật, nhưng nếu bỏ lễ thì chúng cũng chẳng lấy gì làm quan trọng. Những kinh nguyện như kinh Mân Côi, chúng chỉ đọc vào những ngày lễ đặc biệt.

    Còn bây giờ? Bây giờ thì các em dồn hết tâm lực vào vai trò tiếp đón những lần viếng thăm (của Đức Maria) và tập luyện sống đời thiêng liêng hằng ngày.

    Giữ lòng tin có khó đối với các em không? Khách hành hương cứ tuôn đến để gặp, để chạm đến các em và để nói chuyện với các em, khiến các em không còn thời giờ sống cho riêng mình. Tuy vậy, mỗi em hiện nay đều được đầy sự bình an nội tâm, và biết chấp nhận vai trò của mình. Trải qua năm năm, các em đã được trưởng thành về mặt thiêng liêng, khiến các em không còn tầm thường như trước kia nữa.

    Tôi gật đầu tán thành, cứ ghi nhớ mãi thái độ tự tin và vẻ thanh thoát, nhã nhặn của các em, khi đáp ứng các đòi hỏi không ngớt đặt ra với các em. Tôi nhớ lại lời cha Pervan nói về các em: “Trước khi Đức Mẹ hiện đến, các em là những đứa trẻ bình thường y như những đứa khác trong làng. Bây giờ, các em đã được chọn và đặt vào một con đường mới, một lối sống mới.” Cha Slavko nói: “Con đường mới đó được tóm tắt hay nhất bằng câu trả lời của Marija, khi một ký giả hỏi rằng phải chăng được thấy Đức Trinh Nữ Maria là điểm sáng chói nhất trong ngày của em: “Điểm sáng chói nhất trong ngày của tôi là tiếp đón Đức Giêsu qua phép Thánh Thể trong Thánh Lễ.”

    Nghe cha Slavko nói chuyện chẳng khác nào đi ăn một bữa tiệc, tôi được biết về các em thị nhân nhiều hơn những gì tôi đã đọc trong tất cả các sách về Mễ Du trước đó. Điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi biết ông đã được tín nhiệm thế nào và biết ông hiện đang là linh hướng của các em. Chúng tôi tiếp tục nói chuyện gần một tiếng đồng hồ. Tanya dịch rất cừ, hoạt động như một người máy, mắt nhìn thẳng và dịch rõ, cẩn thận từng chữ một. Cha Slavko cũng nói cho Tanya biết là cha rất hài lòng việc làm của em.

    Sau cùng, tuy còn muốn tiếp tục, nhưng tôi nghĩ cũng đã đến giờ phải kết thúc buổi phỏng vấn này. Tôi cám ơn cha Slavko về thời gian dành cho tôi, rồi quay gót đi ra ngoài. Nhưng Tanya cuống quít ra dấu bảo tôi đợi, rồi nói thầm gì đó với linh mục. Ông mỉm cười: “Ừ nhỉ, tôi suýt quên mất!” và bằng tiếng Anh rất chuẩn, ông tiếp: “Chiều nay, lúc 5 giờ, hãy đến Nhà xứ, nếu anh muốn có mặt lúc Đức Mẹ hiện ra. Điều này sẽ cần thiết cho quyển sách anh viết về những cuộc hiện ra đấy.”

    Tôi lặng người. Là một nhà báo đang chuẩn bị viết một quyển sách, tôi biết ông đánh giá tôi đủ tiêu chuẩn, nhưng đây không phải thế. Rõ ràng Tanya đã cho ông biết hôm nay là sinh nhật của tôi, và đây chính là quà tặng đặc biệt của em. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là món quà sinh nhật tuyệt vời nhất mà tôi từng nhận. Tôi đứng đó một lúc, quá bàng hoàng không biết làm gì hơn là lặng lẽ lặp đi lặp lại câu “Cám ơn”, “Cám ơn” và nước mắt tràn mi. Tôi bước ra ngoài trong bàng hoàng, đang khi Tanya nhảy nhót mừng rỡ vì đã làm tôi bất ngờ. Tôi nhìn lên trời, không ngớt thầm thì: “Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Ngài!”



    Khách hành hương tụ tập đông đảo trước phòng Nhà xứ nơi Đức Maria hiện ra. Ai cũng muốn được vào dự cuộc hiển linh hồng phúc của Người, nên dễ xảy ra cảnh chen lấn nơi cầu thang. Nhưng chỉ những ai được mời mới được vào. Người đứng ngoài sốt sắng thông công bằng cầu nguyện.

    Chiều hôm đó, một tiếng rưỡi trước giờ hẹn, tôi đã đứng dưới chân bậc thềm dẫn đến cửa Nhà xứ, mặc dù còn nửa tiếng nữa dân chúng mới bắt đầu tụ tập. Khoảng 4 giờ 30, đám đông như tăng dần lên. Người ta chen vào từ tứ phía, cố lách sao cho càng gần với bậc thang lên Nhà xứ càng tốt. Nhiều người cầu kinh rất sốt sắng, hi vọng cha Slavko nhìn thấy, vì một đôi khi, nếu trong phòng còn chỗ, ông sẽ chọn bất kỳ một hoặc hai khách hành hương nào.

    Tuy đã được ông đích thân mời, nhưng tôi cứ nghĩ vẩn vơ: ông có thể quên tôi; hoặc trong đám đông xô đẩy chen lấn, ông có thể không nhận ra tôi. Bởi đó, tôi không muốn chuyện may rủi, nên cứ bám trụ gần chân thang trước bất cứ ai đến. Thực tế, tôi đã loanh quanh ở khu vực đó hơn hai tiếng đồng hồ rồi.

    Đứng bên cạnh tôi lúc bấy giờ là một phụ nữ người Ý. Bà ta bỗng nhiên cất tiếng than khóc, rên rỉ, nài xin, vò đầu bứt tai khổ sở, trong khi đám đông đùn đẩy về phía trước. Tôi nhìn lên, cha Slavko đang đứng ở lối ra vào, vội vã ra dấu cho tôi và vài linh mục khác bước lên, rồi đi nhanh vào phòng. Chúng tôi chen lấn tìm đường đi lên những bậc thang và cuối cùng vào được bên trong.

    Người phụ nữ Ý không ngừng van nài, chen sát sau tôi, cho đến khi bà ấy bị cha Slavko chận lại, và dùng tiếng Ý nói với bà rất nhanh và cương quyết. Sau nhiều cử chỉ và lời nói qua lại giữa hai người, cha đẩy nhẹ bà ấy ra khỏi cửa. Nhưng không dễ dàng bỏ cuộc, bấy giờ bà khóc lóc, kêu van inh ỏi, hai tay bà níu lấy cánh cửa, cản lại không cho cha đóng. Tôi phát hoảng, người phụ nữ đáng thương này xem ra quá khẩn thiết muốn được vào bên trong phòng. Có lẽ bà cần được vào trong hơn tôi. Tôi có nên nhường chỗ cho bà ấy không? Giữa lúc cha Slavko đang lúng túng giằng co với bà ấy, thì có nhiều người nhào tới gỡ bà ra khỏi cánh cửa. Cuối cùng, cánh cửa được đóng và khóa lại.

    Phải một hồi lâu, tôi mới nhận ra mình đang đứng ở lối vào và không lâu nữa sẽ được chứng kiến cảnh hiện ra. Nhưng tôi không thể xua đuổi ra khỏi đầu hình ảnh bàn tay người phụ nữ bám chặt vào cánh cửa. Cha Slavko đưa tôi về thực tế, khi nhẹ nhàng giải thích với tôi: “Chiều nào cũng vậy. Ai cũng nghĩ là mình phải được vào bên trong và nhu cầu của họ lớn hơn của người khác.” Ông nhẫn nhục lắc đầu: “Tôi không thể cho tất cả mọi người vào được, không thể được!” Cũng dễ hiểu tại sao ông lại coi đây là một trong những trách nhiệm nặng nề nhất của ông.

    Cha Slavko mở cái cửa dẫn vào văn phòng, và chúng tôi bước vào. Tôi vội vàng kiếm chỗ đứng xa xa bên phải đằng đầu căn phòng, để có một góc độ tốt mà chụp cận ảnh nét mặt của các thị nhân. Cạnh bên tôi là một đoàn người quay vidéo của một đài truyền hình nào đó.

    Trong hai mươi phút kế tiếp, căn phòng trở nên ngột ngạt, vì chứa đầy hết cỡ các linh mục, nữ tu và giáo dân. Không một ai có vẻ quan tâm về chuyện đó.

    Tôi quỳ gối, cố gắng không để ý đến mồ hôi đang nhỏ xuống từ trán, tham gia vào tiếng thì thầm đọc kinh, khi một trong các linh mục bắt đầu xướng kinh Mân Côi. Bên ngoài cửa sổ vang lên tiếng rì rầm vì họ cũng bắt đầu đọc kinh. Nhìn quanh căn phòng, tôi xúc động vì sự đơn giản của khoảng không gian nhỏ hẹp này mà biết bao người khao khát được vào. Một chiếc sơ mi lẻ loi treo trên móc, ở đằng sau cánh cửa. Một chiếc trường kỷ nằm dọc theo tường, chất đầy ảnh tượng khách hành hương gởi vào, để được Đức Trinh Nữ Maria đích thân làm phép. Phía bên trường kỷ là một kệ sách với một Thánh giá treo ngay phía trên ngăn cao nhất, (trong hình, tượng thánh giá bị che khuất chỉ còn thấy chân), đánh dấu chính nơi được cho là Đức Mẹ đã hiện ra với các thị nhân.

    Tôi đưa mắt liếc nhìn nét mặt của những người khác ở trong phòng, và thấy tất cả mọi người - ngay cả các linh mục và các nữ tu - đều ý thức là mình sắp được tham dự vào một kinh nghiệm để đời. Chỉ vài phút nữa, chúng tôi sẽ được Vị sứ giả thiên đàng, Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc đến viếng thăm. Các thị nhân đã mô tả Người như một phụ nữ trẻ khoảng 20 tuổi, mặc áo dài màu xám bạc và đầu đội khăn choàng trắng. Nước da Người trắng hồng, mái tóc Người đen nhánh, và Người có một giọng nói - theo các thị nhân - êm ái, du dương hơn mọi thứ âm nhạc mà các em từng nghe.

    Bỗng nhiên, Marija Pavlovic và Jacov Colo, hai thị nhân sẽ có mặt tại đây chiều nay, bước vào phòng. Chúng tôi liền ngưng đọc kinh, khi Marija quỳ ở lối vào và Jacov, cao, gầy, với vẻ ngượng ngùng của một thiếu niên 15 tuổi, đến góc phòng quỳ sụp xuống, tay đặt trên đầu gối. Cha Slavko quỳ khoảng giữa hai em và bảo Marija xướng kinh Mân Côi. Cô khoan thai bắt đầu. Tôi không thể rời mắt khỏi cô và giật mình khi cô bỗng nhìn tôi và mỉm cười. Tôi đã nhìn thấy thiếu nữ này, nay đã 21 tuổi, rất nhiều lần trên vidéo. Cô luôn có vẻ rụt rè và hơi hoảng sợ trước toàn bộ sự việc này. Giờ đây, một vẻ đẹp nội tâm đang rực rỡ tỏa sáng chung quanh cô.

    Khi cô đã đọc xong chục kinh thứ nhất của chuỗi Mân Côi, cha Slavko ra dấu cho Jacov bắt đầu chục thứ hai. Em đọc từng chữ rõ ràng, thong thả, và tôi ngạc nhiên về sự nghiêm túc ấy - cho đến khi nhớ ra em đã được Đức Maria dạy dỗ từ khi em lên mười. Giây lát sau, hai thị nhân đứng dậy, đứng bên nhau trước tràng kỷ và lại bắt đầu đọc kinh.

    Thình lình, họ ngừng lại và quỳ xuống. Tim tôi đập mạnh khi thấy chính mình đang quỳ cạnh Marija, cách cô chưa đến ba tấc! Và rồi tôi bàng hoàng nhận ra là Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc đang hiện diện... Marija có một vẻ tôn kính sâu xa. Miệng cô mấp máy, nhưng không có tiếng phát ra. Miệng Jakov cũng mấp máy. Tôi nhìn về hướng nhìn của họ. Tôi không thấy gì ngoài cây Thánh giá trên tường; tuy vậy, một cảm giác ấm áp, an bình bao phủ tôi. Tôi quên cả chụp hình và không làm gì được, trừ việc tạ ơn Chúa cho tôi được đặc ân có mặt ở đây.

    Cũng căn phòng nói trên nơi Đức Maria hiện ra. Đây đang lúc Đức Maria hiện ra với Marija và Jakov. W.Weible đã được vào và tham dự.


    Lòng cung kính của tôi bị xáo động, khi hai người trong đoàn quay phim của đài truyền hình đứng dậy. Họ đến bên Jacov, mỗi người một bên, nhấc em lên bằng cách nắm lấy khuỷu tay em, toàn thân em như đông cứng trong tư thế quỳ gối, đang khi họ nhấc bổng em lên trên không; và máy camera quay xè xè... Hai mắt em cũng không hề rời khỏi điểm mà em đang đăm đăm nhìn từ lúc cuộc hiện ra bắt đầu. Khoảng mười giây sau, họ hạ em xuống, đặt em lại chỗ cũ. Jakov cứ tiếp tục, không hề biết cái gì đã xảy ra cho em.

    Tôi cảm thấy quá mau chóng, vì Marija và Jacov đã làm dấu Thánh giá rồi đứng lên. Cuộc hiện ra chấm dứt, Đức Maria đã đi rồi. Marija ra khỏi chỗ đó, đi vào phía sau Nhà xứ để ghi lại sứ điệp cô mới nhận. Lòng tôi buồn rười rượi, chỉ mong cuộc hiện ra tiếp tục mãi; nhưng cũng đầy tràn niềm tri ân, vì đã được hiện diện.

    Tôi không muốn rời khỏi căn phòng - và thấy những người kia cũng nghĩ như vậy. Nhưng đã đến giờ ra đi, giờ trở về với thế gian. Khi bước ra khỏi cửa, tôi giật mình trước một biển người đang ngước mặt nhìn lên. Ngay giây phút Marija và Jacov bước vào phòng, tôi đã quên hết đám đông bên ngoài. Bây giờ, họ đang nhìn vào tôi và những người kia, dò tìm trên nét mặt chúng tôi chút manh mối của điều chúng tôi vừa chứng kiến. Tôi mong chia sẻ điều đó với họ - với tất cả mọi người - nhưng lòng tôi lại khao khát được ở một mình nơi nào đó, để hấp thụ tất cả những gì mới chứng kiến và cảm nghiệm. Tôi không có cách nào để cám ơn cô bạn bé nhỏ người Úc của tôi cho đủ về món quà sinh nhật đặc biệt này - hoặc cám ơn cha Slavko đã vui lòng cho tôi được có mặt trong buổi hiện ra. Nhưng, một cách nào đó, tự đáy lòng tôi, tôi biết Đấng mà tôi phải hết lòng tri ân là chính Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc...

    ---o0o---

  6. #26
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566
    “Mẹ yêu tất cả các con... ngay cả khi các con sống lìa xa Mẹ và Con Mẹ...”
    Chương 19

    NHỮNG LÚC NGHI NAN

    Tôi không có cách nào để thoát ra khỏi biển người đang đứng dưới chân thang. Bây giờ, người ta cứ xô lấn tới phía trước, để sáp lại với Marija và Jacov gần chừng nào hay chừng đó, và cố sức để chạm được vào họ khi họ ra khỏi phòng (nơi Đức Mẹ vừa hiện ra) để đi dự lễ. Tôi chen qua giữa đám đông để thoát ra, mong sao tìm được một chỗ yên tĩnh và kín đáo - bất kỳ chỗ nào.

    Nhưng tôi bị trệch đường; vừa mới thoát khỏi đám đông thì gia đình Thompson, Tanya và nhiều bạn khác xấn đến tôi. Buổi hiện ra như thế nào? Người nói cái gì? Anh có thấy gì không?

    Điều mà tôi không muốn làm một chút nào vào lúc này là nói chuyện với bất cứ ai - kể cả mấy người bạn thân. Nhưng tôi làm sao từ chối họ được? Tôi cứ lắp bắp trong miệng: “Đó là - tôi cảm thấy - đó là một cảm giác tuyệt vời nhất của sự bình an và tình yêu trọn hảo mà tôi chưa từng biết đến.” Tanya, mắt sáng rực, ôm hôn tôi. Sau cùng, tôi nói: “Này các bạn, tôi xin lỗi, tôi cần ở một mình vài phút - tôi hi vọng các bạn thông cảm.” Họ đều đồng ý.

    Tôi vội vàng rút lui về phía lùm cây ngay sau lưng Nhà thờ, và tìm ra được một bãi cỏ, từ đó tôi có thể ngắm được cây Thập giá trên núi Krizevac. Thật là tuyệt! Ngồi xuống cỏ, tôi đăm đăm nhìn lên cây Thập giá. Chính xác thì tôi đã cảm thấy như thế nào, khi có mặt vào lúc Đức Trinh Nữ Hồng Phúc hiện ra với Marija và Jacov? Có một điều là tôi đã không thể chụp hình hoặc ghi nhận các chi tiết theo cách khách quan được - cả hai điều này tôi đã hi vọng làm được cho cuốn sách của tôi. Thay vào đó, tôi được cảm nghiệm riêng cá nhân về một tình yêu cao cả và một sự bình an sâu xa. Về mặt thể lý, tôi đã cảm thấy một hơi ấm bao phủ tôi, nhưng như thế thôi - không có ánh chớp chói lòa ngoạn mục hoặc âm thanh du dương nào.

    Theo một nghĩa nào đó, đây là một sứ điệp khác, cũng mạnh mẽ như sứ điệp thứ nhất mà tôi đã nhận được từ Đức Trinh Nữ Diễm Phúc. Tuy lần này không có tiếng nói, nhưng cũng là cùng một ý thức rằng Thiên Chúa đã chọn tôi cho một ân huệ rất đặc biệt. Tôi không rõ những người khác ở trong phòng cũng có những cảm tưởng tương tự hay không.

    Điều thú vị nhất về toàn bộ kinh nghiệm này, đó là một nhận thức đột ngột không thể giải thích được, rằng sự hiện diện của tôi ở đó, trong căn phòng đó, thực sự không khác gì hơn nếu tôi đã ở trong đám đông bên ngoài Nhà xứ, hoặc chỉ đơn giản có mặt tại Mễ Du. Lời chúc lành hoặc ân huệ đặc biệt đều được ban cho mọi người đang hiện diện, bất kể chỗ nào. Tôi mỉm cười khi nghĩ về điều đó; lại thêm một bài học nữa về sự đơn giản của lòng tin.

    Hối hả quay về Nhà thờ, tôi đến đúng vào phần cuối Lễ và các kinh nguyện tiếp theo sau. Sơ Margaret thấy tôi và bảo đảm với tôi mọi sự đều được thu xếp để tôi được ở tại căn nhà mà sơ đang trọ, nhưng chỉ một đêm thôi. Còn thời gian sau đó, tôi phải ở chỗ khác.

    Sáng hôm sau, tôi vội vàng thay quần áo, bỏ điểm tâm, đi thẳng tới Nhà thờ, vì nhóm Trung Tâm Hòa Bình sẽ lên xe đi Dubrovnik ngay sau Thánh Lễ sớm. Tôi muốn có mặt ở đấy khi cha Svet từ Konjic đến để giao bản thảo của ông cho sơ Margaret, rồi tôi có thể bố trí công việc cho những ngày tới tôi còn ở đây. Tôi hi vọng vẫn còn cơ hội đi Konjic như đã định từ đầu. Thánh Lễ bế mạc lúc hơn 8 giờ sáng. Trong số những người mới đến hành hương lần đầu đang bước ra khỏi Nhà thờ, trong ánh sáng ban mai, tôi thấy lộ ra trên nét mặt họ cũng một nỗi buồn bã, chần chừ vì sắp phải ra đi mà tôi đã kinh nghiệm một tháng trước đây. Nhưng lần này, tôi chưa cảm thấy điều đó, lần này thì chưa. Tôi nhìn đồng hồ. Cha Svet đâu?

    Nhìn lướt qua đầu người lô nhô, tôi không thấy chiếc xe Volkswagen nhỏ của cha đằng sau Nhà xứ. À, bây giờ tôi đã quen với cái lối hẹn giờ của ông; chắc chắn, trước sau gì ông cũng đến.

    Lúc 8 giờ 30, nhóm Trung Tâm Hòa Bình khởi sự lên xe. Vẫn không thấy cha Svet. Tôi nói với sơ Margaret: “Này sơ Margaret, chị cứ đi trước, nếu cha đến, tôi sẽ nhảy lên xe, sẽ bắt kịp chị tại khách sạn ở Dubrovnik và sẽ giao lại bản thảo cho chị. Rồi tôi trở lại đây, hi vọng sẽ làm việc với cha một tuần.” Chị cười đồng ý, rồi họ lên đường.

    Tôi đợi. Nửa tiếng qua đi, rồi một tiếng - rồi lại một tiếng rưỡi - và tôi bắt đầu sợ. Nhớ lại mấy lời nghiêm trọng ông nói với tôi, rằng chúng tôi sẽ không đi Konjic vì “không thuận lợi vào lúc này” - bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.

    Đến trưa, tôi đã quá thất vọng. Tôi vào Nhà thờ để tìm Kathleen. Cô ấy biết người phụ tá cha Slavko là Milona, và hi vọng cô này sẽ gọi điện đi Konjic để xem có việc gì xảy ra. Kathleen đang ngồi trong Nhà thờ ở phía trước trên chiếc ghế dài để dọc theo tường. Tôi chen vào ngồi ở ghế trước mặt cô và hỏi nhỏ: “Này Kathleen, cô giúp tôi với, tôi cần lắm! Cô làm ơn nói với Milona gọi điện về Konjic xem có gì xảy ra cho cha Svet không. Ông muốn gặp tôi tại đây lúc 8 giờ sáng nay, và...”

    Cô bình thản nhìn tôi, mỉm cười: “Bình tĩnh nào, anh Wayne! Tại sao anh thất vọng như vậy? Anh biết tính ngài rồi. Mọi sự rồi sẽ ổn thôi. Đừng lo !”

    Tôi đăm đăm nhìn Kathleen: “Cô nói gì? Cô bảo đừng lo hả? Chuyện nghiêm trọng quá mà!” Tôi thêm vào, quên là phải nói nhỏ trong Nhà thờ: “Tôi cần gặp ông!”

    Cô vẫn điềm tĩnh: “Anh Wayne, anh đang ở Mễ Du, và anh đang làm việc với cha Svet. Hãy trông cậy Chúa, Người sẽ liệu cho.”

    Tôi gắt gỏng đáp lại: “Rõ ràng là cô chẳng hiểu chuyện này quan trọng như thế nào!” rồi tôi đứng dậy, ra khỏi Nhà thờ.

    Không biết làm gì khác, suốt ba tiếng đồng hồ sau đó, tôi lang thang ở khu Nhà thờ và Nhà xứ, vẫn hi vọng cha Svet sẽ xuất hiện. Chiều ấy, tôi cứ rảo bước như người không hồn, cũng chẳng cầu nguyện gì hết. Chuyện gì đã xảy ra? Ơ, tôi đang làm cái gì ở đây? Tại sao tôi lại bỏ gia đình, vợ con thân yêu mà tôi thương nhớ, để vượt bảy tám ngàn cây số đến với cái thôn làng xa xôi bụi bặm này? Tại sao tôi lại để cho hàng ngàn người vây quanh xô đẩy mà vẫn lẻ loi một mình, vẫn nhớ nhà thế này? Tức khắc, tôi không còn là một phần của Mễ Du nữa. Tôi chẳng quen biết ai trong đám người này...

    Tôi bước tới, ngồi trên bờ tường thấp xây dọc theo khoảng sân trống ở phía đông Nhà thờ. Hơn bao giờ hết, tôi hiểu ý nghĩa câu nói đã ám ảnh ông Môisen ngày xưa: “một người lạ nơi đất khách...”

    Tôi chao đảo. Chuyện gì đã xảy ra cho lòng tin của tôi? Cho cái nhìn về ơn gọi của tôi? Cho sứ mạng đã đưa tôi đến đây? Cách đây chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, tôi được có mặt trong căn phòng hiện ra, với sự hiện diện của Đức Maria. Sự bình an có được từ kinh nghiệm ấy đã rời bỏ tôi hẳn rồi. Những gì tôi trông thấy bây giờ là bụi mù, là đám đông những người hành hương chen lấn, xô đẩy, là cánh cửa sổ bể nát bên hông Nhà thờ và là rác rến khắp nơi. “Đó mới là thực tế”, một giọng nói cứng rắn cất lên trong tôi, “đã đến lúc ngươi phải đối mặt với nó.”

    Đúng vậy, tôi đã tự lừa dối mình hằng mấy tháng trời, thêu dệt một câu chuyện thần tiên, lãng mạn. Sao tôi lại có thể ngu ngốc đến thế? Tôi lắc đầu và quyết định về phòng sửa soạn hành lý. Vé máy bay của tôi ghi tôi sẽ đi sáng thứ ba tới, nhưng tôi chỉ cần đến văn phòng hãng hàng không Pan Am tại Dubrovnik xin sửa lại ngày về thôi.

    Tôi cảm thấy một bàn tay đặt nhẹ trên vai. Đó là cha Pervan. Ông trao cho tôi một phong bì và mỉm cười nói: “Anh Wayne, cái này do cha Svet gởi.”

    - “Do cha Svet? Bằng cách nào? Bao giờ?”

    - “Hôm nay, vì không đến đây được, nên ngài nhờ người đưa đến.” - “Cám ơn, cám ơn cha rất nhiều.”

    Ông gật đầu rồi đi. Tôi xé phong bì. Bên trong có một tràng hạt đen rất đẹp với mấy dòng chữ:

    “Wayne, người anh em của tôi! Tôi không đến được vì những lý do khó giải thích. Tôi đã thu xếp để gởi bản thảo sang Mỹ cho anh, nên anh đừng lo gì về chuyện đó. Bây giờ anh rảnh rồi, vì tôi không thể trở lại Mễ Du trước cuối tuần sau.
    Chúng ta sẽ liên lạc nhau. Đang khi đó, hãy ở lại và thưởng thức Mễ Du cho đến ngày anh phải đi. Sau đó, hãy về nhà và hưởng hạnh phúc gia đình bên vợ con anh.
    Xin Thiên Chúa ở cùng anh và gia đình anh.
    Svet”

    Bỗng nhiên, tôi cảm thấy lòng mình như trút được một khối nặng. Ngay giữa đám đông ồn ào, nhốn nháo - một lần nữa - tôi lại trở nên một thành phần của cảm nghiệm Mễ Du. Tôi vừa mừng lại vừa hổ thẹn. Sao tôi có thể quay lưng đi như thế? Sao tôi lại có thể nghi ngờ - và để cho nỗi lo sợ che khuất không chỉ mục đích của chuyến đi, mà còn cả Mễ Du, cả ơn gọi của tôi, cả mọi thứ? Sao tôi có thể đánh mất những điều đó cách dễ dàng đến thế?

    Lúc ấy, tôi đã học được một bài học ghi nhớ suốt đời: Đừng bao giờ tin vào những cảm xúc hơn vào những sự chắc thật của lòng tin. Cảm xúc thường dối trá, chúng có thể lừa được bạn, làm bạn nghi ngờ đủ thứ, ngay cả lòng tin của bạn. Satan thường dùng cảm xúc để tách ta ra khỏi Thiên Chúa.

    Đâu là thuốc giải độc? Cầu nguyện! Đó chính là điều lẽ ra tôi đã phải làm khi tôi lang thang trong hoài nghi. Thế mà tôi đã không làm. Thay vào đó, cứ tưởng tượng ra đủ chuyện bi thảm dông dài – đáng lẽ tôi nên chiến đấu mà tìm đường về với thực tại của Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện.

    Từ bây giờ trở đi, tôi sẽ nỗ lực “cầu nguyện không ngừng”, như lời Đức Trinh Nữ Diễm Phúc yêu cầu chúng ta trong hầu hết các sứ điệp của Người. Và điều đó không có nghĩa là liên tục cầu kinh bằng môi miệng cách máy móc; nhưng là sống thực với lời cầu nguyện, không ngừng. Bằng cách sống trong Chúa, hãy để cho cuộc sống các bạn trở thành lời cầu nguyện. Các bạn không thể bị tách rời khỏi Thiên Chúa, nếu các bạn không tự lìa xa Người. Người là thực tại chứ không phải là những hoài nghi, sợ hãi và lo âu của thế gian. Tôi đã chọn một thực tại sai lầm.

    Chỉ một bài học này cũng đủ làm cho chuyến du hành của tôi đáng giá - tôi nghĩ như thế, khi đứng lên đi thẳng về Nhà thờ. Tôi ngước nhìn và thấy Kathleen đang đi về phía Nhà xứ. Tôi liền đến với cô ấy, ôm hôn cô, lắc đầu và nói: “Cám ơn”.

    Cô ngạc nhiên hỏi: “Về cái gì?”

    Tôi mỉm cười: “Chẳng về gì cả. Tôi chỉ cám ơn cô, vậy thôi.”

    Vừa bước lên bậc cấp, tôi vừa nghĩ không có cách nào để diễn tả bằng lời tất cả những điều đã xảy ra. Kathleen có được sự bình an nội tâm không thể lay chuyển mà tôi thèm khát, một sự bình an mà ta không đánh mất trong khi gặp khủng hoảng. Những gì cô đã nói với tôi trong Nhà thờ - hãy bình tĩnh, đừng lo, mọi sự rồi sẽ ổn - lúc đó, tôi coi là điên khùng, là một biểu lộ nữa của nét đồng bóng nơi cô. Nhưng nó đã đúng tuyệt đối. Và bây giờ, tôi có trọn một kỳ cuối tuần chỉ để thư giãn và tận hưởng Mễ Du.

    Sáng thứ bảy, tôi lần theo lối mòn đến với đỉnh núi Krizevac và cây Thập giá kỳ diệu - là nơi tôi thích nhất tại Mễ Du, và là nơi tốt nhất để tôi cầu nguyện cho đến nay. Dừng lại trong chốc lát trước mỗi chặng của 14 chặng đường Thánh giá, tôi tạ ơn Thiên Chúa một lần nữa, về đặc ân được tham dự vào tất cả những sự kiện này. Tôi cũng xin Chúa tha thứ vì những nghi ngờ tôi đã ngã phạm vào chiều hôm trước.

    Đỉnh núi vắng người, chỉ trừ một phụ nữ đang chìm đắm trong nguyện ngắm. Sau khi kiếm được chỗ ngồi trên một tảng đá bằng phẳng, tôi bị giật mình vì một giọng rất phấn khởi: “Chào anh!” Tôi đáp lại lời chào của bà ấy và bắt đầu trao đổi các thông tin thông thường. Bà ấy tên Francesca Lovatelli, từ Ý đến, đã tới Mễ Du nhiều lần. Khi nói chuyện với bà về lý do đến đây, tôi chợt nhắc đến việc tôi cần một chỗ trọ cho vài đêm nữa. Rồi cũng như bao nhiêu sự “trùng hợp ngẫu nhiên” khác đã xảy ra quá thường xuyên ở nơi thánh thiêng này, hóa ra bà đang trọ ở một gia đình hiện có một phòng còn để trống, đúng ngay lúc tôi cần đến. Thế là Chúa đã giải quyết vấn đề nhà trọ cho tôi.

    Bây giờ, chỉ còn giải quyết vé máy bay thôi. Tôi phải bay sáng thứ ba, nhưng muốn đến Dubrovnik sớm vào thứ hai, để yên chí là mọi việc đều êm xuôi. Lại còn cái bóng đen của cảnh sát đang tìm kiếm tôi vẫn còn lảng vảng đâu đây, mà tôi lại không muốn liều mạng. Tuy vậy, trong thời gian này, một lần nữa, tôi lại tận hưởng từng giây phút ở lại đây, từng bữa ăn, từng cuộc gặp gỡ. Tanya ở lại với tôi gần cả ngày Chúa nhật, và tối đó, chúng tôi chia tay thật là cảm động, chan hòa nước mắt. Tôi bảo đảm với Tanya tôi sẽ trở lại vào cuối năm để hoàn thành quyển sách, và sẽ biên thư cho em ấy biết khi nào.

    Sáng thứ hai, tôi thức dậy lúc 3 giờ 30 phút, hầu như một thói quen của tôi ở Mễ Du. Tôi đã chất đồ đoàn lên xe và chia tay Francesca cùng với gia đình người chủ trọ từ tối hôm qua, nên ban ngày tôi rảnh rang. Tôi vui mừng vì đã giải quyết đâu vào đấy mọi việc.

    Con đường đến Dubrovnik rất ngoạn mục, và tôi muốn được thong thả ngắm cảnh. Nhưng tôi sực nhớ ra chuyến bay thường nhật đi New York chỉ cất cánh vào lúc 7 giờ sáng. Nếu tôi đến đó sớm và trả xe xong, tôi có thể lấy chuyến bay hôm nay, thay vì ngày mai. Với hình ảnh vợ con hiện đầy trong trí, tôi lên đường trước bình minh đi tới Dubrovnik, nhanh hơn rất nhiều so với dự tính.

    Trước khi tôi tới bờ biển, trời đã bắt đầu mưa - nhẹ nhàng từng hạt vào lúc đầu, sau đó trở thành cơn mưa phùn dầy đặc. Tôi cóc cần biết, mưa đến mấy cũng không làm cùn được ý chí của tôi. Tôi đang về nhà đây!

    Tôi đến phi trường lúc hơn 6 giờ, đậu xe rồi chạy vội vào trong tìm quầy vé. Nhưng - không có quầy vé của hãng Pan Am, cũng chẳng có người nào đổi vé cho tôi. Tôi được báo là phải đi lui về Dubrovnik, tới văn phòng Pan Am ở gần khu phố cổ. Đi tới đó mất khoảng 20 cây số - không mong gì chạy tới rồi chạy lui mà kịp giờ. Với tiếng thở dài, tôi vẫn lái xe đi; may ra máy bay đến trễ... Tôi chẳng để ý là mưa đã nặng hạt hơn, đường càng trơn trợt hơn.

    Lẽ ra, tôi không nên có ý nghĩ trở về nhà sớm một ngày, nhưng lúc ấy, tâm trí tôi chỉ có thể nghĩ đến chuyện ấy thôi. Tôi không thể nhẫn nại đợi thêm trọn một ngày nữa mới được thấy vợ con. Tôi liếc nhìn lên, thấy có một chiếc xe ngừng lại ở giữa đường, ngay trước mặt tôi...

    Tôi đạp thắng - quá mạnh: hai bánh xe phía sau trượt, và bỗng nhiên, xe mất điều khiển lạng qua lạng lại, lao tới thẳng xe trước. Tôi kêu lên: “Ôi, Chúa ôi! Không, không!” Lúc ấy, chỉ có điều này xẹt qua trong trí tôi: hoặc tôi sẽ chết tại đây, ở xứ Nam Tư này, hoặc tôi sẽ tông bể nát chiếc xe này, rồi cảnh sát sẽ phát hiện là chính quyền ở Citluk đang tầm nã tôi.

    Trong cơn thất vọng, tôi bẻ mạnh tay lái, và làm cho chiếc xe xoay tít - một, hai, ba lần... Tôi thét lên: “Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con! Xin cứu con!” Cuối cùng, bánh xe sau chợt đụng phải lề đường, giật nẩy lên, chiếc xe liền đứng khựng lại. Chết máy và im lặng. Tôi chỉ còn nghe tiếng lách cách đều đặn của hai cây gạt nước trên mặt kính trước của xe. Nhìn qua mặt kính trước, tôi chẳng thấy bóng dáng của chiếc xe đã chặn đường tôi. Ngó quanh, tôi mới thấy là tôi đang dừng cách trạm xe buýt khoảng 30 mét, nơi người ta đang đứng chờ xe - và đang chòng chọc nhìn tôi. Có ai đến để xem tôi có hề hấn gì không? Không, họ chỉ nhìn chòng chọc vào tôi. Tôi đã trở lại với thế giới thực một lần nữa.

    Tôi bắt đầu run rẩy. Tôi bước ra khỏi xe và đi một vòng quanh xe quan sát. Không một vết trầy xước, nhưng phía sau xe, trên mặt đường là những vệt bánh xe ngoằn nghoèo in trên khắp mặt đường, trông như những sợi mì ống đen sì - và rất gần với đoạn đường đèo không có rào cản. Tôi thầm thì: “Con tạ ơn Chúa!” Chắc chắn đã có thiên thần canh phòng hai bên xe tôi.

    Tôi ngồi vào xe, thử bật công tắc thì xe liền nổ máy. Cẩn thận, tôi lái xe đến khu phố cổ và tìm văn phòng hãng hàng không Pan Am. Đi chuyến bay hôm nay thì quá muộn rồi, nhưng tôi xác nhận với họ sẽ đi chuyến sáng mai. Sau đó, tôi tìm được một khách sạn và cả ngày đó chỉ chờ cho đến hôm sau.

    Sáng thứ ba, khi chiếc phi cơ phản lực khổng lồ cất cánh rời khỏi Dubrovnik, tôi mới thở ra nhẹ nhõm. Bỏ lại phía sau mọi lo lắng về cảnh sát, rồi họ sẽ sớm quên tôi thôi. Còn Tanya - tôi cầu nguyện cho em tìm được sức mạnh thiêng liêng, để được bình phục hoàn toàn và sống hữu ích. Có một điều tôi rất chắc chắn: khi rời khỏi Mễ Du lần này, tôi biết tôi sẽ trở lại.

  7. #27
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566
    “Hãy sống các sứ điệp!””
    Chương 20
    LOAN TRUYỀN SỨ ĐIỆP

    “Con sẽ dâng hết đời mình để loan truyền sứ điệp...”

    ... Đã tám tháng qua, từ khi tôi nghe lần đầu tiên những lời này do Đức Trinh Nữ Maria phán bảo trong lòng tôi, tôi chưa bao giờ quên. Những lời này đang trở lại với tôi khi đang bay về nhà, cố sắp xếp các chi tiết của chuyến đi lần này. Tôi đã trở lại Mễ Du, cho rằng mình sẽ giúp cha Svet sửa quyển sách của ông. Kế hoạch đó đã chẳng thực hiện được bao nhiêu, nhưng tôi lại có dịp hiểu rõ rằng: đó không phải là mục đích của Thiên Chúa khi đưa tôi trở lại đây. Mà thật ra, đó là một thời gian để học hỏi và trưởng thành; rất nhiều điều đã được hoàn thành nơi tôi để chuẩn bị cho những gì còn ở phía trước.

    Dĩ nhiên sẽ phải có một chuyến đi nữa, tự thâm tâm tôi biết điều đó, mặc dù trong cơn căng thẳng khô khan vừa qua, tôi đã nghi ngờ và phi bác đủ chuyện. Tôi sẽ trở lại có lẽ trước cuối năm. Nhưng, trong khi đó, Terri cũng phải đến để cảm nghiệm trực tiếp những gì đang ngày càng chiếm cứ đời tôi - vì đó là cuộc đời của chúng tôi, sứ mệnh của chúng tôi. Điều mà tôi đang được yêu cầu thực hiện cần phải có sự cộng tác toàn diện của Terri, nếu muốn thành công. Thời gian thuận tiện cho Terri đi Mễ Du có lẽ vào tháng tám, trước ngày tựu trường của bọn trẻ.

    Dĩ nhiên, nàng đã không nhìn sự việc hoàn toàn theo cách đó, khi tôi nêu lên vấn đề chẳng bao lâu sau khi về đến nhà. Tôi nói với nàng khi đã kể xong những chi tiết của chuyến đi vừa qua: “Em phải đi. Anh còn phải hoàn thành nhiều việc mà lại không có sự yểm trợ và thông cảm toàn diện của em về những gì đang xảy ra ở Mễ Du.”

    Nàng đáp: “Coi kìa, em đã đọc những sách về Mễ Du, và cả bản thảo của cha Svet nữa. Em tin mà. Em tin những việc đó xác thực, do Thiên Chúa mà đến. Vậy cần gì em phải đi?”

    Tôi lắc đầu: “Em sẽ không bao giờ có thể cảm nghiệm được tác động đầy đủ của nơi ấy qua một người khác đâu.” Tôi bỏ lửng vấn đề ở đó, vì cảm thấy phản ứng chống đối của nàng.

    Nhưng tôi không bỏ cuộc. Không một buổi tối nào qua đi mà chúng tôi lại không nói đến Mễ Du. Một tuần sau, tôi lại đề cập đến. Nàng thừa nhận: “Nếu đích thân can dự vào thì thật là hào hứng!”

    - “Vậy em sẽ đi chứ?”

    - “Em đâu có nói vậy! Tại sao anh không đi vào tháng 11 thay cho cả hai chúng ta?”

    Thật đáng ngạc nhiên! Nàng đồng ý mà không tranh luận gì cả, khi tôi cho nàng hay tôi cần phải trở lại để tiến hành quyển sách của tôi.

    - “Terri, anh đã hai lần đến đó rồi; anh muốn em đi vào tháng tám.”

    - “Em không đi vào tháng tám; như vậy là điên!”

    Tôi vẫn kiên trì: “Không điên đâu! Con mình sẽ nghỉ hè và anh chăm sóc chúng được. Nếu cần, chúng ta có thể nhờ một người đến đây lo cho chúng.”

    Terri tuyên bố, quai hàm đanh lại: “Em không muốn đi, chấm hết!”

    Tôi rút lui. Tôi đã hiểu ra vấn đề: con cái. Từ trước tới nay, nàng chưa bao giờ rời xa con cái. Nhưng bây giờ Kennedy đã lên sáu, Rebecca lên hai; chúng có thể sống không có mẹ trong vòng một tuần. Tôi không ép nữa, nhất là vào lúc này.

    Tuần sau, tôi đặt lại vấn đề. Một lần nữa, tôi nhấn mạnh cho nàng hiểu rằng việc nàng biết trực tiếp những gì mà tôi được yêu cầu tiếp xúc thật là quan trọng. Và một lần nữa, nàng khẳng định một cách sắt đá rằng nàng sẽ không rời bỏ các con mà nhào tới một nước Xã hội chủ nghĩa, để cảm nghiệm về một điều nàng đã tin là xác thực.

    Tôi nói với sự bình tĩnh có tính toán: “Terri, lý do đích thực đó là: đối với em, con cái quan trọng hơn Thiên Chúa!” Tôi nghĩ: rồi, thế là xong. Bây giờ nàng sẽ không bao giờ đi. Và có thể nàng cũng sẽ không thèm nói chuyện với tôi trong một thời gian dài nữa.

    Nhưng tôi đã lầm; ngay cả khi nàng trừng trừng nhìn tôi, tôi có thể nói là nàng vẫn nghe tôi. Tôi dịu dàng: “Chúng ta phải học để biết đặt Thiên Chúa lên trên hết, trên cả con cái chúng ta.”

    Nàng thở dài: “Được rồi, được rồi, em sẽ đi! Nhưng không đi trong tháng tám.”

    Tôi ngây ngất: “Vậy bao giờ?”

    - “Em không biết. Để rồi tính.”

    Ngày hôm sau, tại phòng làm việc, tôi gọi cho Trung Tâm Hòa Bình ở Boston và được biết chuyến thứ nhất sau tháng tám sẽ đi vào ngày 9 tháng 9. Tôi xin họ giữ một chỗ cho Terri và gửi tiền đặt cọc đi ngay. Khi Terri bước vào, tôi nói với nàng điều tôi đã làm. Nàng chỉ nhìn tôi nói: “À, thế đấy, em biết mà!”

    * * *


    Loan truyền sứ điệp... Mặc dù tôi vẫn chưa biết chắc tôi sẽ làm như thế nào, nhưng có một điều tôi đã học được từ tám tháng qua: Nếu Thiên Chúa gọi bạn làm một việc gì, Người sẽ chỉ cách cho bạn và giúp đỡ bạn. Phần bạn, chỉ cần lắng nghe cẩn thận, rồi làm đúng những gì Người bảo bạn làm.

    Với loạt bài xã luận và một số bài mở đầu cho quyển sách của tôi, những gì tôi đã làm cho đến nay chỉ ở dạng chữ viết. Thế còn bằng lời nói? Sau khi kết thúc chứng từ ứng khẩu tại câu lạc bộ Sertoma, một người bạn mời tôi đến nói chuyện tại lớp Trường Chúa nhật của Nhà thờ Methodist (Giám Lý) của anh, rồi các lớp Trường Chúa nhật khác cũng mời theo.

    Tiếng đồn loan ra là tôi đã có một kinh nghiệm cá nhân mạnh mẽ lúc ở Mễ Du - đó là kinh nghiệm xác nhận Thiên Chúa đang hoạt động ở đó. Hơn nữa, cách tôi thuật chuyện đã tăng cường ý thức về Thiên Chúa nơi mọi người nghe, bất luận họ thuộc giáo phái nào. Tuy nhiên, vẫn là một cú sốc cho tôi khi sau đó, có người không kềm chế nổi cảm xúc, tiến đến nói với tôi rằng câu chuyện ấy đã làm họ xúc động sâu xa như thế nào. Tôi không ý thức mình đã nói điều gì đặc biệt: tôi chỉ kể lại cách đơn sơ, hết sức trung thực những xúc cảm nội tâm của chính mình.

    Khi tôi bắt đầu nhận những lời mời của các Nhà thờ và các nhóm dân chính ở những nơi mỗi ngày một xa hơn, tôi bèn nhớ lại lời tiên tri của cha Scotti: Đây mới chỉ là khởi đầu... Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn những lời mời đều đến từ những người Tin Lành, giống như tôi. Mễ Du không chỉ là một hiện tượng cho người Công giáo - mà là cho tất cả mọi người - là một sứ điệp tuyệt vời, mời gọi mọi người trở lại với Chúa Giêsu. Và điều này thì lây nhiễm tràn lan: sự kiện Thiên Chúa đang từ trời hạ cố và chen vào đời sống thường nhật của mọi người nam nữ ở thế kỷ 20 này, khiến ai cũng phải suy nghĩ lại. Nếu Thiên Chúa tỏ mình ra ở đấy, trong ngôi làng nhỏ bé vô danh đó, thì... tại sao lại không ở đây?

    Khi ngày 9 tháng 9 đến gần, tôi luôn hi vọng Terri sẽ bắt đầu thấy nôn nóng ra đi. Trong khi đó, tôi lại rất hào hứng về một việc sẽ xảy ra tại Boston trước khi Terri trở về. Trung Tâm Hòa Bình sẽ đưa cha Tomislav Pervan, vị chủ chăn Nhà thờ Thánh Giacôbê qua Mỹ, để đi các nơi nói chuyện về Mễ Du trong vòng hai tháng, và họ bắt đầu bằng một ngày tĩnh tâm cuối tuần tại Boston - dành cho những người bạn của Mễ Du, những người coi việc loan báo sứ điệp là sứ mạng của mình. Tôi sung sướng quá vì được mời tham dự.

    Cuối cùng, ngày khởi hành của Terri đã đến. Tôi cố gắng không tỏ vẻ quá phấn khởi, vì tâm trạng của nàng lúc ấy hầu như trái ngược lại, nhưng tôi cũng không thể hoàn toàn nén được niềm vui; tôi biết những gì đang chờ đợi nàng. Tôi cũng biết Trung Tâm Hòa Bình sẽ chăm sóc nàng. Và nhất là tôi biết nàng ở trong tay Thiên Chúa. Người sẽ làm cho cuộc hành hương này đầy ý nghĩa vô song đối với nàng.

    Từ phi trường về, tôi đến thẳng văn phòng gặp cô thư ký Denease của tôi đang cuống cuồng. Bài xã luận thứ tám và cũng là bài cuối cùng trong loạt bài về Mễ Du đã được đăng ngay trước khi tôi đi Mễ Du lần thứ hai, và yêu cầu về bản sao cứ tiếp tục tăng lên. Denease nổi nóng: “Anh biết không, trước đây họ chỉ cần các bài họ chưa có, còn bây giờ họ cần cả tám bài để gửi cho bạn bè!”

    Tôi phá lên cười - tuy biết làm thế là không đúng lúc. Cô nói tiếp, với cái nhìn làm tôi hết cười: “Anh có biết là phải tốn mất chín trang giấy để sao lại toàn bộ loạt bài ấy không? Anh có biết phải mất bao nhiêu thời gian không? Anh có biết máy sao chụp (photocopy) còn thọ được bao lâu không? Rồi có đến một nửa khách hàng quên kèm theo bao thư có ghi sẵn địa chỉ và dán tem!”

    Tôi nói, cố giữ không cười nữa: “Bình tĩnh, bình tĩnh! Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề đó, tôi xin hứa như vậy. Hiện nay có bao nhiêu thư yêu cầu gởi đến?”

    Cô có vẻ nhượng bộ khi thấy tôi coi vấn đề cô nêu ra là nghiêm túc: “Mỗi ngày có từ 15 đến 20 thư yêu cầu.”

    - “Nhiều vậy hả?”

    Cô gật đầu: “Tính tổng cộng, tôi đoán chúng ta đã gởi đi độ một ngàn rồi.”

    - “Cô không đùa đấy chứ?”

    Tôi không ngờ lại nhiều như vậy. Tôi đi vào văn phòng, đóng cửa lại - và nghĩ xem còn có cách nào để việc phân phối những bản sao được dễ dàng và bớt tốn kém. Tôi bỗng nhớ là chúng tôi còn sở hữu nhà in. Chúng tôi có thể in bất cứ cái gì chúng tôi cần... Vậy thì tại sao lại không in theo kích thước của loại báo khổ nhỏ, chỉ bằng nửa khổ tờ báo hằng ngày? Như vậy vừa rẻ, vừa dễ cầm, dễ gởi đi các nơi bằng tàu, máy bay; và tôi còn có thể thêm vào đấy một số hình ảnh từ mấy chuyến đi Mễ Du của tôi. Trước hết, chúng tôi sẽ in khoảng 3.000 bản và cũng dùng để phát trong những lần tôi nói chuyện tại các câu lạc bộ và Nhà thờ.

    Suốt buổi sáng, tôi sửa chữa và cập nhật các bài xã luận, sắp xếp bản in. Xong, tôi gọi Denease vào, cho cô ấy biết tôi đã giải quyết vấn đề phân phối các bài báo. Cô rất sung sướng - cho đến khi tôi giao cho cô những bản đã sửa chữa để đem đi lên khuôn. Cô than thở: “Tôi sẽ mất hai, ba ngày.” Tôi chỉ mỉm cười; Denease có cái tật phóng đại hai, ba ngày - nhưng rồi cô thường ào ào thanh toán nó chỉ sau bốn, năm tiếng đồng hồ thôi. Trong vụ này, cô cũng làm y như vậy.

    Trong thời gian đó, tôi viết lời dẫn nhập, kể ngắn gọn hoàn cảnh tôi đã can dự vào hiện tượng này và đã nghe tự trong tim một sứ điệp rõ rệt, bắt đầu bằng: “Con là con của Mẹ...” Suốt một thời gian dài, tôi đã do dự không muốn thuật lại câu này trên giấy trắng mực đen. Tôi đã không ngần ngại kể cho bạn bè, nôn nóng chia sẻ với những người hành hương khác. Nhưng viết nó ra cho người lạ đọc và đánh giá, lại là một việc khác. Thôi, cái thời của “tính khách quan nhà báo” đã qua lâu rồi. Nếu đây sẽ là tác phẩm của đời tôi, tôi sẽ phải kể lại một cách trung thực như nó đã xảy ra.

    Khi việc lên khuôn đã xong, tôi trải từng tờ lên bàn và bắt đầu sắp xếp lại thành tờ báo. Vài ngày sau, việc in ấn hoàn tất. Denease khoái chí lắm; tờ báo mới khổ nhỏ, có tám trang, bỏ vừa vặn vào một phong bì giao dịch công việc và chỉ cần dán một con tem, thay vì hai.

    Cao hứng, tôi gói 500 bản đem theo đi tĩnh tâm. Sơ Margaret trước đó có xin bản sao các bài xã luận cho Trung Tâm Hòa Bình, và biết đâu có nhiều người khác ở đó cũng cần đến nữa. Tất cả chúng tôi hẹn nhau tại phi trường Kennedy để có thể có mặt tại đó khi cha Pervan đến, và sau đó, tất cả sẽ lái xe đến nhà Ephrata House, một trung tâm tĩnh tâm cách Boston độ một tiếng đồng hồ lái xe.

    Vẻ ngạc nhiên trên nét mặt cha Pervan khi nhìn thấy chúng tôi, làm cho mọi sắp xếp, tổ chức của chúng tôi trở nên rất đáng công. Thực sự, chúng tôi không đông lắm, nhưng những người có mặt đều thuộc thành phần nòng cốt. Có Stan và Marge Karminsky, một cặp vợ chồng ở Pennsylvania, là những người đã tự thu băng vidéo chuyến hành hương của họ ở Mễ Du, băng ấy đã được sang lại hằng ngàn bản và phân phối trên toàn thế giới; có Terry Colafrancesco, một nhà kinh doanh trẻ, người đã lập một trung tâm thông tin Mễ Du tên là “Caritas” tại Birmingham, Alabama; có sơ Margaret và nhiều thành viên khác của Trung Tâm Hòa Bình mà tôi đã gặp. Tổng cộng có khoảng 40 người đến từ mọi miền đất nước. Đó là những người đã dấn thân làm cho các sứ điệp của Mễ Du - xuất phát từ những cuộc hiện ra - được mọi người biết đến.

    Trên đường đi tới Nhà Ephrata, có người trong xe hỏi tôi đã liên quan đến Mễ Du như thế nào - và tôi đã kể hết cho họ. Tôi chấm dứt đúng lúc xe tới nơi, và ngạc nhiên khi thấy có nhiều người chảy nước mắt.

    Sáng hôm sau có nhiều cuộc chia sẻ hơn, sau khi John Hill nói về Trung Tâm Hòa Bình, và về chuyến đi sắp tới của cha Pervan. Lại thêm nhiều nước mắt nữa, bởi Thiên Chúa đang kéo chúng tôi gần lại với nhau. Sung sướng biết bao khi được ở với những người cùng một ơn gọi và cũng đã trải qua nhiều thử thách.

    Trong bữa ăn tối hôm ấy, ai đó đã đặt một cái bàn, bày ra nhiều sách, phần lớn rất quen thuộc với tất cả chúng tôi. Tôi hỏi họ có thể cho tôi để bài báo của tôi ra đấy không, họ đều nói là tất nhiên. Chỉ trong nửa giờ, chúng được hốt trọn không còn một tờ. Lúc ấy, tôi gặp Peter Crary, một luật gia ở Fargo, Bắc Dakota. Ông này, cũng giống như John Hill, chưa bao giờ đến Mễ Du, mặc dù hoàn toàn khẳng định giá trị và tầm quan trọng của hiện tượng này. Ông rất xúc động, vì một người Tin Lành Lutêrô lại quá tha thiết với những cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria. Ông rút trong ví ra tờ một trăm đô đưa cho tôi, rồi nói: “Khi nào anh về nhà, ráng gởi cho tôi một số bản vừa với số tiền này.”

    - “Trời ơi, khoan đã Peter! Mấy cái này tôi không bán, tôi biếu không. Chỉ cần nói anh muốn bao nhiêu, tôi sẽ gởi liền cho anh.”

    Ông ấy lắc đầu: “Anh không hiểu đâu. Tôi có nhiều bạn Lutêrô ngoài đó, và cho tới bây giờ, những gì mà tôi nói hoặc làm liên quan đến Mễ Du, họ đều không quan tâm. Nhưng tôi linh cảm mạnh mẽ là cái này sẽ làm được. Nào, bây giờ tôi có thể có bao nhiêu bản?”

    Tôi phỏng chừng tiền in và tiền cước gởi đi khoảng 25 đô cho một ngàn bản, và tôi hứa sẽ gởi cho ông ấy 4.000 bản ngay khi nó được tái bản.

    Nghe chúng tôi dàn xếp như vậy, một bà ở Michigan nói bà cũng muốn 4.000 bản và Terry Colafrancesco đặt in 2.000 bản cho Caritas. Tôi sửng sốt. Tôi chẳng cần cố gắng gì hết mà đột nhiên người ta đặt cả 10.000 bản!

    Nhưng không còn giờ để chăm chú vào chuyện này, vì Terri đi hành hương (Mễ Du) sắp về rồi. Mong ước nàng bước ra khỏi máy bay về nhà với cùng một tâm tình như tôi trước đây thì hơi quá đáng, tuy nhiên, tôi vẫn thầm hi vọng.

    Hi vọng của tôi buộc phải gác lại để chờ. Terri đã sống một kỳ hành hương Mễ Du khởi đầu đáng ghi nhớ, nhưng việc đó không đảo lộn cuộc sống của nàng như đã xảy ra nơi tôi. Nàng vui vì đã đi, và tỏ ra có lẽ sẽ đi lại - nhưng không phải ngay bây giờ. Rồi nàng nói một điều, khiến mọi nỗ lực của tôi để nàng chịu đến đó trở thành xứng đáng: “Khi em ở đó rồi, em quên mất anh, quên cả con cái, quên luôn cả đường về, địa chỉ. Đây là lần đầu tiên trong đời em, lòng yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự đã nên như mục tiêu duy nhất cuộc đời, đã trở thành thực tại.”

    Khi Terri hết mệt mỏi vì chuyến bay và đến văn phòng, Denease đưa nàng xem một bản sao những bài xã luận in dưới dạng báo khổ nhỏ, hai người liền đi vào văn phòng tôi, Terri dẫn đầu.

    Terri la lên, với một cái cười trêu chọc: “Anh in 3.000 cái này đó hả? Để làm gì vậy?”

    - “Em không thích sao?”

    - “À, báo này làm có vẻ đẹp đó, nhưng anh chỉ cần in 500 tờ thôi cũng đủ để phát hành hai năm mới hết, và chúng sẽ được người ta dùng để lót lồng chim hoặc thùng rác cho khắp vùng này!”

    Nàng cười vang, cả Denease đứng phía sau cũng thế: “Em không ngờ anh lại in nhiều như vậy!”

    Tôi nói: “Được, trước khi để cho hai người cười bể bụng, tôi xin báo là người ta đã đặt tôi in 10.000 bản rồi!” Thế là họ hết cười.

    Terri hỏi: “Ai đặt 10.000 bản?” Và tôi đã nói đầu đuôi cho họ nghe. Trong một lúc, họ chỉ biết đứng đó, không nói được lời nào. Rồi Terri thừa nhận như vậy tốt quá và nói thêm: “Nhưng không cách nào anh in được với giá 25 đô cho 1.000 bản.”

    Tôi thở dài, điều này thì nàng hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đó là con số tôi đã hứa với họ, nên chúng tôi quyết định cứ giữ cái giá đó, để xem sao.

    Chúng tôi in 10.000 bản, và thêm một tờ phụ trương thông báo giá báo: 25 đô cho 1.000 bản, 15 đô cho 500, v.v... rồi gởi đi. Chẳng bao lâu, chúng tôi bắt đầu nhận đơn đặt mua hằng chục, hằng năm chục rồi hàng trăm... Rồi Peter Crary gọi tôi: “Anh có thể gởi cho tôi thêm 5.000 bản nữa không? Tôi đã chuyển tiền cho anh rồi.”

    - “Peter, anh có mất trí không? Anh làm gì với ngần ấy tờ?”

    - “Ở ngoài này, người ta từ khắp nơi cứ hỏi xin tôi, mà tôi hầu như chẳng còn tờ nào!”

    Tôi không tin nổi. Ít lâu sau, Terry Colafrancesco gọi điện và đặt mua thêm 10.000 bản nữa. Giá bán vẫn giữ nguyên 25 đô/1.000 bản, và khi Terri thấy tôi tái bản đợt thứ hai mà không tăng giá, nàng bắt đầu lo: “Với giá đó thì chúng ta sẽ bán hết quần áo đi để trang trải!” Nàng nói đúng: chúng tôi đã lỗ hằng ngàn đô. Nhưng tôi cóc cần, cả Terri cũng thế, thật vậy. Như nàng nói, đó là một cách đền đáp lại bao nhiêu điều tốt đẹp đã xảy đến cho chúng tôi suốt 11 tháng qua. Chúng tôi đã bán được báo, còn việc kinh doanh nhà in vẫn đem lại lợi nhuận. Quả là chúng tôi chẳng có gì nhiều để than phiền.

    Nhưng chúng tôi biết mình không thể tiếp tục mãi như thế: nếu thư đặt mua báo cứ tăng đều, chúng tôi buộc lòng phải tăng giá. Cuối cùng, đến khi tái bản lần thứ ba, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Tôi tăng giá đến cái mức mà nếu số lượng in đủ lớn và đều đặn, chúng tôi có thể hòa vốn. Terri nói: “Thế này, nếu chúng ta phát hành báo này như một loại phi lợi nhuận, thì ta cũng có thể điều hành nó như một tổ chức phi lợi nhuận.” Thế là Công Ty Những Bài Xã Luận Của Weible (Weible Columns, Inc.) nộp đơn xin chứng nhận tư cách doanh nghiệp phi lợi nhuận.

    Thế rồi, chuyện kỳ lạ bắt đầu xảy ra: người ta bắt đầu gởi tiền đến hơn giá ấn định. Một số người đặt mua 1.000 bản, nhưng gởi đến cho chúng tôi 100 đô và yêu cầu dùng tiền còn dư cho những gì cần thiết nhất. Tôi lại nhận được thư của một người trông coi một trạm bảo dưỡng thực vật tại Spokane, kèm theo một ngân phiếu 500 đô. Ông muốn đặt mua chỉ 7.000 bản; phần tiền còn dư ông có ý đóng góp vào việc in ấn, để có thể tặng báo cho những người không có điều kiện mua. Sững sờ, tôi viết thư bày tỏ lòng biết ơn của tôi về món quà này.

    Tuần sau, ông điện thoại cho tôi: “Ông đã gởi cho tôi 7.000 cái tờ đó!”

    - “Vâng, tôi biết.”

    - “Nhưng tôi chỉ đặt mua có 700 thôi!”

    - “Xin ông đợi một lát!” tôi nói và rút lá thư của ông ấy từ ngăn kéo ra. “Thưa ông, tôi xin lỗi, nhưng ông thực sự đã đặt 7.000 bản.”

    - “Thật hả? Lạy trời, tôi sẽ làm gì với 7.000 bản đó?”

    Tôi cười đáp: “Bây giờ, tôi tin đến độ tôi cho là không có gì ngạc nhiên hay tình cờ xảy đến nữa. Rõ ràng là Chúa định cho ông có số báo nhiều gấp mười lần số mà ông tưởng mình cần. Ông đừng lo, Chúa sẽ chỉ cho ông cách sử dụng.” Và Chúa đã làm như thế thật.

    Rồi tôi lại nhận thư của một bà ở California đặt mua 500 bản và trả 1.000 đô. Tôi biên thư hồi âm: “Thưa bà, tôi muốn cho bà biết rõ bà đang làm gì. Nếu đó là một quà tặng, tôi xin hết lòng cám ơn bà, nhưng tôi vẫn muốn được biết chắc chắn.” Đó là một quà tặng. Khi tôi biết ra thì tất cả số tiền chúng tôi bị lỗ đều đã được đền bù.

    Trong thời gian đó, thư đặt mua báo cứ đến tới tấp, kèm thêm nhiều lá thư riêng tư tâm sự với chúng tôi. Hiển nhiên là Chúa Thánh Linh đang sử dụng những bài xã luận như một dụng cụ, để lay động nhiều con tim và thay đổi nhiều cuộc đời. Tôi bị xúc động sâu xa bởi những lá thư bắt đầu bằng:

    “Chính khi tôi đọc câu ‘Con là con Mẹ’ mà hồn tôi đã bị lay động. Và tôi hiểu ngay là tôi sẽ̃ phải đọc các bài xã luận của ông - và nó đã thay đổi đời tôi biết bao!”

    Đọc xong những lá thư ấy, tôi chỉ còn biết lắc đầu: thế mà tôi đã từng ngần ngại đề cập đến sứ điệp của Người, chỉ vì sợ người ta cho mình là thằng điên.

    Người ta gửi thư tới cho biết các bài xã luận là một cách tốt nhất để thông tin cho người ta về Mễ Du - dễ đọc và dễ thấm hơn một cuốn sách, mà lại dễ hiểu, đủ để có thể kể lại câu chuyện cho người khác. Cho tới lúc tôi chuẩn bị trở lại Mễ Du vào tháng 11, chúng tôi đã gởi đi 40.000 bản, một con số khó tin!

    Terri nói chúng tôi có thể đạt đến con số 150.000 bản, nhưng trong thâm tâm tôi lạc quan hơn nhiều: tôi dám mơ đến con số một triệu.

  8. #28
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566
    “Các con đã quên rằng bằng lời cầu nguyện, các con có thể chận đứng chiến tranh và thay đổi luật thiên nhiên...”
    Chương 21

    CHUYỆN CỦA RITA

    Nhiều điều kỳ diệu đã xảy ra tại Nhà (tĩnh tâm) Ephrata. Việc cha Pervan có thể đi khắp nước Mỹ, để mang sứ điệp Mễ Du đến mọi ngõ ngách của đất nước này là một hồng ân lớn lao. Đây cũng là một dịp giúp ngài hiểu những người Mỹ lì lợm này, giờ đây đang lũ lượt hằng ngàn người kéo đến cái làng nhỏ bé ấy. Buổi tĩnh tâm cũng đánh dấu lần đầu tiên, những người lo việc truyền bá sứ điệp Mễ Du họp nhau lại để chia sẻ kinh nghiệm và ý kiến, đồng thời tung ra các bài xã luận như một dụng cụ loan truyền sứ điệp. Nhưng biến cố đáng ghi nhớ nhất là chứng từ mạnh mẽ của Rita Klaus, một nữ giáo viên tiểu học ở Evans City, bang Pennsylvania, một thị trấn nhỏ gần Pittsburgh. Chuyện của Rita là tiết mục cuối cùng của chương trình - và đó đúng là chỗ của nó, vì không gì có thể tiếp theo nó được.

    Khi chị bắt đầu kể lại những biến cố đã dẫn đến sự có mặt của chị ở buổi tĩnh tâm, chúng tôi ngồi đó nghe đờ đẫn, say mê. Quả thật, cô Ann Debeats, người phụ nữ trẻ tuổi, năng động đang điều hành Trung Tâm Hòa Bình giúp John Hill, và đang phục vụ như người hướng dẫn buỗi tĩnh tâm, đã dọn thứ rượu hạng nhất vào cuối buổi tiệc bằng chứng từ ấy:

    “Mễ Du đối với tôi rất mới mẻ. Thật vậy, mãi đến tháng 2 năm nay tôi mới nghe nói đến. Tôi đọc nó trong bản Niên Giám Công giáo quốc gia (National Catholic Register) và rất quan tâm. Sau đó không lâu, tôi đặt mua một quyển sách có tựa đề: “Đức Trinh Nữ Maria có thật đang hiện ra tại Mễ Du không?” của tác giả (linh mục) René Laurentin. Tôi đọc và tin ngay. Tôi bắt đầu cầu nguyện nhiều hơn và ăn chay, cũng như yêu cầu con cái tôi lần hạt Mân Côi. Nhưng kể chuyện như vậy là tôi đang đốt giai đoạn.

    Đã ba tháng nay, tôi bị chứng đa xơ cứng. Tôi mắc bệnh này đã hơn 25 năm. Theo chẩn đoán của bác sĩ, tôi mắc bệnh này khi mới 20 tuổi. Thật khó mà chấp nhận. Dĩ nhiên là tôi tìm mọi cách để phủ nhận nó, vì tôi không chấp nhận được. Mãi cho đến khi cơn bệnh phát triển, tôi mới nhận ra vấn đề. Cuộc sống tôi đang bị hủy hoại, tôi thất vọng và rất tức giận trong lòng - và cảm thấy bị tổn thương nữa. Tuy vậy, tôi vẫn muốn tuân theo ý Chúa.

    Khoảng 5 năm nay, một người bạn mời tôi đến dự một buổi cầu nguyện chữa lành, nhưng vì tôi không tham gia Phong trào Canh tân đặc sủng, nên tôi thoái thác không đi. Nhưng bạn tôi vẫn giữ thái độ khăng khăng, không cho tôi từ chối; chồng tôi thì bảo là tôi đã làm đủ cách để chữa trị, còn việc này, nếu đi thì có làm hại gì đâu?

    Buổi cầu nguyện bắt đầu bằng chuỗi Mân Côi, kể ra như vậy cũng không tồi. Tôi đang ngồi trên một ghế dài để phía cuối Nhà thờ, đến khi đoàn linh mục đi vào, tôi cảm thấy có người chụp lấy tôi từ phía sau. Lúc đầu, tôi khó chịu lắm, bởi vì tôi đã quyết định sẽ không tự nguyện đi lên phía trước để xin (đặt tay trên tôi) cầu nguyện đặc biệt hay làm bất cứ việc gì khác. Thế rồi, một điều kỳ lạ xảy ra: tôi cảm thấy một sự bình an tuyệt vời bao phủ tôi. Như thể là tất cả mọi nỗi bất hạnh của những năm đau đớn vì bệnh tật bỗng nhiên biến mất.

    Trở về nhà chiều hôm đó, tôi cam kết sẽ cải thiện đời sống thiêng liêng của tôi. Từ trước cho đến lúc bấy giờ, tôi còn nhiều ác cảm đối với Giáo Hội Công giáo. Tuy tôi vẫn tiếp tục đi Lễ, nhưng chỉ đi chiếu lệ. Bây giờ, tôi muốn bù lại những thiếu sót đó. Tôi kể lại những gì đã xảy ra nơi tôi cho vị chủ chăn của tôi và xin ngài cầu nguyện để tôi được tiếp tục sống trong bình an.

    Vào cuối năm đó - tứ chi tôi đều bị liệt. Sự cố này dĩ nhiên làm tôi rất thất vọng, vì nghề của tôi là giáo viên, và vì sự bận rộn của việc nội trợ sẽ trút lên chồng con tôi. Nhưng tôi ở trong một giáo xứ tốt đạo đẹp đời. Hàng xóm chở tôi đến trường, chồng tôi lau nhà, còn bọn trẻ con tôi làm phụ những việc chúng làm được.

    Trong thời gian đó, hai chân tôi bị biến dạng nặng nề, xương bắt đầu cong. Đầu gối chân phải hoàn toàn bị trệch đi do chứng rối loạn trương lực cơ gây ra, xương bánh chè bị dời chỗ và chạy vào giữa bắp chân. Và tôi không còn cảm giác gì nữa.

    Đến mức độ này, tôi buộc phải đi bệnh viện phục hồi chức năng. Đã đến lúc tôi phải đối mặt với sự thật tôi là một người tàn tật - và bắt đầu cuộc sống trên chiếc xe lăn. Chồng tôi có thể chấp nhận cho tôi dùng nạng chống và dụng cụ chỉnh hình, nhưng không chịu nổi chiếc xe lăn. Tuy vậy, hai chúng tôi vẫn phải đối mặt và sống chung với nó. Chúng tôi thích sống ngoài trời và đi cắm trại. Nhưng căn bệnh đã cản trở thú vui này rất nhiều.

    Nhưng lại có nhiều điều may mắn xảy đến. Nhiều người ghé qua giúp đỡ tôi, và Nhà Nước tốn cả ngàn đô ráp máy móc tại trường tôi đang dạy và cả trong nhà tôi nữa.

    Như tôi đã nói trên kia, tôi có gởi mua sách nói về Mễ Du, sách đó đã làm tôi rất cảm động, và tôi đã kể cho chồng tôi việc ấy, nhưng anh không phải là Công giáo - anh là Tin Lành Lutêrô; nên chuyện đó không ảnh hưởng gì trên anh. Dù sao, chúng tôi cố gắng cải thiện đời sống của chúng tôi, và riêng tôi, tôi dành thêm một giờ mỗi ngày để nguyện ngắm.

    Thế rồi, vào một đêm trong tháng 6 năm nay, khi tôi đang nằm lần hạt trong giường, tôi nghe có tiếng nói: “Tại sao con không xin?” Tôi cũng không hiểu tại sao, vì chưa bao giờ tôi xin được chữa lành. Tôi chỉ biết chấp nhận sự tàn phế của mình. Nhưng tiếng ấy vẫn vọng đến bên tai khi tôi đang nằm đây. Vì vậy, tôi liền hết lòng cầu nguyện với Đức Mẹ xin Chúa Giêsu chữa lành những gì tôi cần được chữa lành. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy một cảm giác phấn khởi xâm chiếm toàn thân tôi, và tôi không nhớ gì nữa vì ngủ thiếp đi.

    Khi thức dậy sáng hôm sau, tôi không nghĩ về việc xảy ra đêm hôm trước. Tôi chuẩn bị đi dự lớp học Kinh Thánh tại một trường trung học gần nhà. Chồng tôi giúp tôi ngồi vào chiếc xe tải nhẹ của gia đình tôi, vốn đã được trang bị cần điều khiển bằng tay cho tôi, và đưa chiếc xe lăn lên xe như anh vẫn làm. Khi đến trường, luôn có sẵn người giúp tôi đi vào lớp học.

    Tôi không để ý có gì bất thường ngay lúc ấy. Khi đang ngồi học với tất cả lớp, bỗng nhiên, tôi cảm thấy nóng ran ở hai bàn chân và bắp chân với sự ngứa ngáy dữ dội. Nhưng không thể nào chuyện ấy xảy ra được, vì hai bàn chân và bắp chân của tôi đã bị mất cảm giác từ nhiều năm. Thế rồi tôi nhìn xuống đôi chân, không những chúng ngứa, mà mấy ngón chân còn động đậy nữa! Tôi chết lặng đi.

    Tôi không nhớ gì về lớp học, thật ra, tôi cũng chẳng nhớ lúc ra về và lúc ngồi vào xe như thế nào. Tôi chỉ muốn một điều duy nhất là về nhà và kể lại cho gia đình những gì đã xảy ra cho tôi.

    Khi về đến nơi, tôi nhớ lúc ấy chẳng có ai ở nhà. Hồi sớm, tôi đã than phiền nhà hết dâu tây để ăn, nên yêu cầu ai đó có thời giờ, ghé qua vườn dâu hái cho tôi một ít. Vậy chắc là người nhà tôi đã đi kiếm trái cây, và chưa trở về đúng giờ để đưa tôi vào nhà. Họ lo để sẵn cặp nạng của tôi ở cuối ba bậc cấp dẫn vào nhà. Thỉnh thoảng, khi cần, tôi đi bằng cặp nạng vào nhà, nhưng khó khăn lắm.

    Rồi, tôi ngồi lại trong xe đợi khoảng 15 phút. Tôi đã rất chán nản, vì tôi nôn nóng muốn nói với họ về việc mới xảy ra. Hơn nữa, tôi cần phải đi toa lét. Bệnh liệt của tôi gây thêm trục trặc ở bàng quang, vả lại tôi đã phải ngồi trong lớp học cả buổi sáng..., nên tôi cần phải đi toa lét ngay lập tức!

    Tôi ráng lết ra khỏi xe và nắm lấy cặp nạng mà anh Ray, chồng tôi, đã để sẵn cho tôi lấy. Dù vậy, tôi không sao nhấc chân lên nổi bởi khối lượng nặng nề của mấy dụng cụ chỉnh hình đang mang. Tôi đứng đấy ít phút, rồi nghĩ nếu tôi có cảm giác ở chân, thì tôi cũng có thể nhấc chân lên được. Tôi liền thử, và tôi cất bước lên các bậc thềm không khó khăn gì hết. Tim tôi đập như muốn vỡ tung ra.

    Khi đã vào nhà, tôi đi vào phòng ngủ của tôi ở tầng dưới, dựa vào thành giường để tháo nẹp chân, rồi nhìn xuống cặp chân của tôi. Tôi tưởng là nó dị dạng lắm, thế nên tôi cứ nhìn đi nhìn lại, và cuối cùng tôi bàng hoàng nhận ra là chân phải của tôi hoàn toàn thẳng! Trước kia, tôi đã qua hai lần giải phẫu để nắn chân lại cho thẳng, nhưng đều không thành công. Thực ra, lần cuối cùng, các bác sĩ đã mổ để giải tỏa xương bánh chè, hầu nó đi theo phần còn lại của đầu gối. Họ nói rằng khả năng họ chỉ đến đó thôi. Chứng rối loạn trương lực cơ trong nhiều năm khiến chân tôi bị vẹo ra ngoài rất nặng.

    Bây giờ, khi tôi nhìn, chân tôi thẳng băng. Cái xương bánh chè trở lại chỗ bình thường của nó. Đôi chân tôi đã hoàn toàn bình phục!

    Mừng quá sức, tôi hoàn toàn điên đầu và la to lên là chân tôi đã thẳng rồi. Tôi cứ luôn miệng: “Cám ơn Đức Mẹ! Tạ ơn Chúa Giêsu!” Dầu vậy, tôi vẫn chưa chắc hẳn là tôi đã được chữa lành. Người tôi run rẩy, tôi tháo nẹp ra và đứng hẳn lên một mình - lần thứ nhất không cần ai giúp đỡ sau nhiều năm bại liệt. Tôi lại nhìn xuống cặp chân: tưởng chừng như chúng là của ai đấy! Sau hết, tôi vô cùng bàng hoàng vì một điều kỳ diệu đã xảy đến cho tôi.

    Tôi bước xuống hành lang, đi xuống hàng lang với cặp nạng dưới nách. Khi đến cuối bậc thang, tôi nghĩ: Được rồi, nếu tôi được chữa lành thật sự, thì tôi có thể chạy lên cầu thang được. Thế là tôi ném cặp nạng xuống đất và chạy lên rồi chạy xuống cầu thang. Tôi cứ luôn miệng la lên: “Tạ ơn Chúa!” Tôi như người bệnh tâm thần, vừa khóc vừa cười... Thật là quá bất ngờ cho tôi! Tôi tưởng mình cũng giống Thánh Phaolô bị cú sốc làm ngã ngựa.

    Cuối cùng, khi đã bình tĩnh đôi chút, tôi quyết định nói chuyện với một ai đó, nên tôi gọi điện thoại cho cha xứ của tôi. Nhưng tôi lại cứ bấm số điện thoại của nhà mình. Đến khi liên lạc được với ngài rồi, tôi nói: “Cha Bergman ơi, con lành bệnh rồi! Con lành rồi! Con không còn bị bệnh liệt nữa!” Ngài trả lời: “Ai đầu dây đó?” Tôi đáp: “Rita đây cha! Con khoẻ rồi. Cha không hiểu đâu, con lành rồi!” Rồi, sau một lát im lặng, cha nói: “Này Rita, cha xin con ngồi xuống, uống vài viên aspirine, rồi gọi bác sĩ. Hãy hứa làm theo lời cha nhé!”

    Tôi không biết nói gì hơn, đành cúp máy, rồi gọi cho một người bạn thân đang dạy ở trường Gregory. Chị ấy nhận ra tiếng tôi, nhưng vì giọng tôi hơi khác thường, nên chị ấy tưởng đã có sự cố khủng khiếp nào xảy đến cho tôi. Chị lái xe như bay đến nhà, mà đó là cả một kỳ công, vì nhà chúng tôi ở miền quê. Tôi còn nhớ khi chị ấy đến, tôi đang đứng giữa phòng khách, nhảy lên nhảy xuống. Và khi nhận ra điều gì đang xảy ra, cả hai chúng tôi cùng nhảy lên nhảy xuống.

    Bạn tôi giúp tôi bình tĩnh lại, và nói chúng tôi cần phải tìm gia đình để kể cho họ biết, vì vậy chúng tôi tới trại dâu tây. Vì phải đi ngang qua Nhà xứ, chúng tôi quyết định ghé lại và cho cha xứ xem tôi đã được chữa lành. Lúc ấy, cha đang ở trong phòng làm việc, và khi trông thấy tôi đứng trước mặt ngài, ngài bàng hoàng chợt hiểu ra sự việc. Cha chỉ biết đăm đăm nhìn tôi, và luôn miệng: “Này Rita, con ngồi xuống đây đi, con đã không sử dụng mấy cơ bắp này từ lâu!” Tôi nói với cha tôi rất khoẻ và cảm thấy như đang trở lại tuổi 17.

    Rồi chúng tôi đi tới nông trại, nhưng khi đến nơi thì gia đình tôi đã đi về, thế nên chúng tôi lại phải quay về nhà. Về đến nhà, bạn tôi chạy vào để gọi chồng tôi, anh chạy ra, mặt tái nhợt như tờ giấy. Anh ấy nghĩ chắc đã có chuyện xảy ra, vì chiếc xe con của tôi còn ở đó, còn nạng và nẹp thì vứt tứ tung trong nhà, và chắc là xe cứu thương đã đến mang tôi đi bệnh viện.

    Tôi nhảy ra khỏi xe và chạy đến với anh. Đứa con gái lớn của tôi chỉ đứng đấy khóc, lặng người đi vì quá nghẹn ngào. Cháu mới 12 tuổi, và hai cháu gái khác, một đứa lên mười và một đứa lên bảy. Từ nhỏ, chúng chỉ luôn thấy tôi là một người tàn tật.

    Thật là... một cảnh tượng khó diễn tả: đứa lớn khóc, đứa giữa chỉ đứng đấy miệng há hốc, còn đứa bé nhất nói: “Ôi, sướng quá, bây giờ mình không phải dọn dẹp nhà cửa nữa!” Rồi nó nói tiếp: “Mẹ coi kỳ quá!”

    Sau một hồi, tất cả chúng tôi đã bình tĩnh lại và định gọi điện cho bác sĩ của tôi. Ngờ đâu, ông ấy đi chơi gôn rồi. Hôm sau, tôi trở lại lớp học Kinh Thánh, nhưng tôi không biết phải làm sao với các bạn trong lớp. Nếu tôi nói ra, chắc chắn cả lớp sẽ loạn lên, vì vậy tôi quyết định đi vào lớp bằng xe lăn. Tôi thấy hết sức khó chịu khi phải ngồi xe lăn, trong khi mình đã được khỏi bệnh. Sau đó, khi tôi về nhà, chúng tôi đã có thể liên lạc được với bác sĩ của tôi.

    Chúng tôi kể hết cho ông nghe, ông ấy vẫn cứ nói: “Chuyện đó không thể có được, không thể xảy ra được. Không thể được!” Ông hỏi chồng tôi xem tôi có đi được không, chồng tôi đáp: “Không, cô ấy không đi, mà lại chạy!” Bác sĩ yêu cầu chúng tôi đến bệnh viện ngay.

    Khi chúng tôi đến nơi, tất cả mọi nhân viên đang chờ. Tôi đã đến đó cách nay vài tuần. Họ đều sửng sốt. Bác sĩ của tôi cho đó là một trò đùa, nói tôi là chị em sinh đôi của Rita. Ông liền làm nhiều xét nghiệm thần kinh cho tôi và thấy mọi sự trong tôi đều hoàn hảo. Sau nhiều xét nghiệm mệt nhoài, ông chỉ còn biết ôm tôi mà khóc, rồi hỏi tôi đã làm những gì. Tôi trả lời là tôi chỉ có cầu xin. Bao nhiêu lần? Một lần thôi, nhưng nhiều người đã cầu nguyện cho tôi nhiều năm qua. Rồi ông hỏi tôi đã xài hết những lời cầu nguyện ấy chưa, bây giờ còn dư chút nào cho ông không? Thật là tuyệt vời!

    Từ khi tôi được chữa lành, nhiều điều trong đời tôi đã thay đổi. Tôi làm chứng về quyền năng của Chúa cho những bệnh nhân khác và cho các nhóm cầu nguyện. Tôi cầu nguyện rất nhiều với Chúa Giêsu và Mẹ Rất Thánh của Ngài. Tôi chỉ xin các bạn cầu nguyện cho tôi biết làm thật tốt những gì tôi phải làm. Xin cám ơn và xin Chúa chúc lành cho các bạn!...”

    * * *


    Chúng tôi ngồi đấy, kinh ngạc, bất động - rồi sau đó, một tràng pháo tay nổi lên như sấm. Câu chuyện của Rita là điểm kết thúc của một kỳ cuối tuần tĩnh tâm thiêng liêng đầy dẫy những chuyện khó tin.

    Nhưng không phải chỉ có câu chuyện của Rita liên kết tôi với chị. Tôi đã cảm thấy rất thân thiết với chị ấy. Chị ruột của tôi là Lola cũng bị chứng đa xơ cứng. Tôi đã giới thiệu với chị tôi về sự kiện Mễ Du và để cho chị tự quyết định nên tin vào sự xác thực của nó hay không. Ban đầu, chị tôi hơi ngập ngừng do dự, vì chị cũng là tín đồ Tin Lành Lutêrô. Nhưng sau khi đã đọc nhiều tài liệu, xem băng vidéo, và nghe tôi kể chuyện của chính tôi thì chị đã tin.

    Bây giờ tôi phải gấp gấp kể lại cho chị Lola về Rita và sự khỏi bệnh của chị ấy - cũng như phải kể cho Rita về Lola. Ngay khi chen qua đám đông đang vây quanh Rita, chúng tôi ngồi xuống và bắt đầu nói chuyện. Tôi nói: “Tôi nghĩ nếu Lola có được một tấm ảnh của chị để minh họa câu chuyện, chắc hẳn Lola sẽ tin hơn và hi vọng hơn.” Thế là Rita để tôi chụp một tấm riêng cô, và một tấm chung với tôi.

    Khi giã từ và cám ơn chị, tôi biết thế nào tôi cũng sẽ gặp lại Rita Claus.

  9. #29
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566
    “Mẹ ước mong mỗi người trong các con đều trở nên thánh thiện...”
    Chương 22

    HÃY HOÀN TẤT NHỮNG GÌ CON ĐÃ BẮT ĐẦU

    Lịch công tác của tôi đã nhanh chóng bị phủ kín với những buổi nói chuyện trong và ngoài vùng Myrtle Beach, và những bài xã luận về Mễ Du ngày càng được đặt mua nhiều hơn. Jim và Rosie Stoffel đã trở thành hai người bạn tuyệt vời, và họ đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong bước đường thiêng liêng của tôi. Nhiều lần, tôi đã có thể giúp Jim chiếu phim vidéo của Trung Tâm Hòa Bình, còn Rosie là một nguồn cảm hứng đặc biệt. Cô đã nhiều năm chống chọi với bệnh ung thư cổ họng, nhưng vẫn luôn tỏ ra hăng say và lạc quan. Vợ chồng anh chị Stoffel đã vài lần tham dự các Thánh Lễ cầu nguyện chữa lành, nhưng như vẫn thường thấy, sự chữa lành thật là sự chữa lành về mặt thiêng liêng - cho cả hai người. Và nhờ vậy họ đã sống được một cuộc sống như bình thường.

    Nhưng đâu phải tất cả đều là một thảm hoa hồng? Tôi bắt đầu thấy việc viết một quyển sách có thể khó khăn như thế nào. Nó đòi hỏi bao nhiêu ngày giờ để sắp đặt tư liệu và phác họa đại cương của đề án, rồi mới đến lúc ngồi xuống, đặt bút viết tư tưởng ra giấy.

    Thực sự, tôi muốn viết quyển sách này. Nhiều sách đã được viết rồi, nhưng hầu hết các tác giả là các linh mục Công giáo, và chỉ kể lại sự kiện của những ngày đầu tiên và cố gắng giải thích ý nghĩa theo quan điểm thần học; cho đến nay, chưa có một ai viết về những điều xảy ra cho một người đã đến Mễ Du, được trông thấy, được cảm nghiệm và được trở lại với Thiên Chúa một cách toàn diện. Đó chính là điều tôi muốn viết ra.

    Nhưng khi nhiều ngày đã trôi qua mà tôi chỉ biết ngồi nhìn sững vào trang giấy trắng trên máy chữ, sự hoài nghi bắt đầu tấn công tôi, từng đợt như sóng. Làm sao mà một người Tin Lành Lutêrô - dù giờ đây đã dấn thân một cách sâu xa và đầy xúc động - lại có thể viết một cách khách quan về một hiện tượng tôn giáo vượt trên tự nhiên, vốn rất ăn sâu vào lịch sử và truyền thống Công giáo? Tại sao giới truyền thông trong cả nước lại cố tình phớt lờ trước một chuyện quan trọng như vậy? Và quan trọng nhất là ai sẽ thật sự tin rằng chính cá nhân tôi đã nhận được một sứ điệp từ Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc?

    Đột nhiên, toàn bộ sự việc của tôi xem ra quá khó tin đối với ai xem xét cách nghiêm túc. Tôi cố phục hồi lại sự nồng nhiệt mà tôi từng cảm thấy một lần, nhưng trạng thái hớn hở, chất ngất của toàn bộ kinh nghiệm nay đã giảm đi, và chỉ còn lại sự ngờ vực và thiếu tự tin. Những ngày tôi dành để bắt đầu viết sách biến thành những tuần lễ chẳng làm được gì, khi tôi cứ càng lúc càng viện lý do không có giờ viết, vì những lời mời diễn thuyết đang tới dồn dập.

    Tôi không phủ nhận bất cứ những gì đã xảy đến cho tôi: tâm tình hối cải và đổi mới vẫn còn đó. Nhưng khi số lượng bản sao các bài xã luận được in lại ngày càng nhiều và bắt đầu lan đến nhiều tiểu bang khác, thì tôi cũng bắt đầu tin rằng có lẽ chúng mới chính là “quyển sách” mà tôi đã cảm thấy hết sức thôi thúc phải viết ra.

    Vào khoảng cuối tháng mười, sự tê liệt của tôi trước máy đánh chữ đã đến mức tuyệt vọng. Rồi một buổi sáng, khi tôi ngồi trong văn phòng, cố động viên mình, tôi cầm lấy quyển Kinh Thánh tôi vẫn để trong văn phòng. Tôi nhìn quyển sách một hồi rồi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết phải làm gì.” - và mở ra hú họa một trang. Mắt tôi nhìn nhằm câu 10, đoạn 8, thư thứ hai gởi giáo đoàn Corintô:

    “Về điều này, tôi xin đưa ra một ý kiến. Ý kiến đó thích hợp với anh em, vì anh em là những người đầu tiên, chẳng những đã thực hiện công cuộc đó, mà còn đã quyết định làm ngay từ năm ngoái. Vậy nay anh em hãy hoàn thành công cuộc đó...”

    Tôi ngồi đó lâu - lâu lắm, cơ thể tôi run lẩy bẩy. Cái cách đơn giản và trực tiếp mà Chúa dùng để nói với chúng ta làm tôi vừa sợ hãi vừa tôn kính. Sự hăng say và tin tưởng đã trở lại, chúng che lấp mọi nghi ngờ. Tôi thầm thì: “Con tạ ơn Chúa!” rồi lo chuẩn bị trở lại Mễ Du vào tháng 11, và bắt tay vào công việc viết sách với tất cả sự nghiêm túc.

    Cho đến lúc bước lên máy bay ở New York, tôi đã khá chắc chắn về những gì cần phải làm. Trước hết, tôi sẽ phỏng vấn càng nhiều thị nhân càng tốt, và việc này tôi cần nhờ cha Svet hỗ trợ. Tôi đã có lần xin ông giới thiệu tôi với các em và giúp làm thông ngôn. Dù hoàn cảnh thế nào, tôi vẫn sẽ tiếp tục giúp biên tập quyển sách của ông.

    Chuyến đi này nữa, tôi cũng mướn một chiếc xe hơi ở Dubrovnik, và lần này, tôi dễ dàng tìm ra đường đến Mễ Du. Qua trung gian chị Rose Finnegan của Trung Tâm Hòa Bình, tôi đã biên thư cho Grgo Vasilj, xin được trọ lần nữa tại gia đình ông ấy.

    Trầm tĩnh và suy tư, Grgo là một người cha cần mẫn của sáu người con. Có lòng đạo rất sâu sắc, ông đã xây một phòng cầu nguyện cho gia đình ông, trong đó có cả cha mẹ ông, và mỗi sáng, vào lúc 6 giờ 30, họ thường quây quần ở đó đọc kinh với nhau trước bữa ăn sáng. Trong chuyến đi lần trước, tôi đã coi là một đặc ân lớn khi tôi được mời cầu nguyện chung với họ.

    Là một viên đốc công xây dựng, Grgo được ơn soi sáng xây căn phòng cầu nguyện đó cho con gái ông là Jelena Vasilj. Trầm tĩnh và có đôi mắt đẹp nổi bật, Jelena đã nhận một quà tặng đặc biệt từ trời vào tháng 12 năm 1982. Một chiều nọ, tại trường học, em nghe tiếng nói của Đức Trinh Nữ Maria - một hiện tượng quen gọi là “tiếng nói bên trong”.(7) Quà tặng đó cũng được ban cho bạn thân thường chơi chung với em là Marijana Vasilj (không bà con), cả hai cô bé năm ấy đều lên mười. Cũng giống như các thị nhân, ơn đặc biệt này đã xảy ra cho các em đều đặn từ đó đến nay.

    Jelena và Marijana không thấy Đức Trinh Nữ như các thị nhân được thấy, mà chỉ thấy Người “bằng con tim”. Tuy vậy, lời thụ khải (được nghe thấy trong lòng) nơi hai em này giống với những sứ điệp mà các thị nhân nhận đến nỗi Jelena, cởi mở hơn, thường được người ta biết đến như là “thị nhân thứ bảy”.

    Theo lời Jelena, Đức Trinh Nữ Hồng Phúc thường dạy bảo các em về đường lối sống thiêng liêng. Tháng 5 năm 1983, Người nói với Jelena báo cho một linh mục là Người muốn một nhóm cầu nguyện của giới trẻ được thành lập trong giáo xứ. Người sẽ dẫn dắt họ và dạy cho họ đường lối sống thánh thiện. Các thành viên sẽ phải từ bỏ mọi sự, tự đặt mình hoàn toàn cho Thiên Chúa tùy ý sử dụng. Đã có khoảng 56 thanh niên nam nữ tiến đến đáp lại lời kêu gọi ấy.

    Một lý do khiến tôi nghiên cứu say mê ân sủng của Jelena: nó hết sức giống với điều mà tôi đã cảm nghiệm trước đây, và hiện nay trong một vài lần. Tôi cảm thấy không phải do tình cờ mà tôi được trọ tại nhà ông Grgo Vasilj và được cầu nguyện chung với ái nữ của ông.

    Vô cùng nhút nhát, Jelena lúc đầu ngay cả nhìn tôi cũng rất hiếm khi. Nhưng dần dần, khi đã quen với sự có mặt của tôi, em tỏ ra tinh nghịch và thích chọc ghẹo chị em của mình. Sau vài ngày, em bắt đầu đáp lại mấy câu hỏi của tôi. Khi tôi hỏi về các sứ điệp em đã nhận cho riêng mình, em cho biết hầu hết là lời dạy bảo về con đường thánh thiện. Một trong những lời dạy bảo đầu tiên cho Jelena là em nên bắt đầu mỗi ngày bằng một lời nguyện với Chúa Thánh Thần, và như đã kể trên, em đã được yêu cầu lập một nhóm cầu nguyện và em đã làm.

    Sự thánh thiện không đến với em một cách dễ dàng (mà nó đã đến dễ dàng với ai chưa?). Bố em thường phải hối thúc em đi vào phòng cầu nguyện để đọc kinh sáng đúng giờ. Lắm lúc, ông cũng phải la rầy om sòm khi có những nhóm người hành hương đến nhà mà em từ chối nói chuyện với họ.

    Jelena, nay đã 14-15 tuổi, và trong nhiều phương diện, đúng là típ thiếu nữ mới lớn của thời đại chúng ta, cũng giống như sáu thị nhân kia: em không tốt mà cũng không xấu. Tuy vậy, em vẫn được Đức Maria chọn, cho dù em thích ngủ nướng hơn là dậy sớm để đọc kinh, mê xem Tivi, và rất khoái kẹo sôcôla M&M (mà tôi thường cố nhớ đem theo mỗi lần đến Mễ Du).

    Trong chuyến đi này, tôi đã gặp phải một nỗi thất vọng và một vết thương cắt sâu vào niềm vui được trở lại Mễ Du lần nữa: Tanya đã đi mất rồi. Tôi nghe nói em về Ý hai tháng trước đây và đã trở lại với ma túy. Đó là một bài học cay đắng: bao nhiêu lời cầu nguyện, bao nhiêu người đề nghị trợ giúp em cũng vẫn không đi đến đâu, nếu đương sự không đón nhận sự giúp đỡ. Sự đón nhận xuất phát tự lòng tin và sự chọn lựa tự do. Điều này nhắc tôi nhớ đến Chúa Giêsu khi ở quê hương Nazaret của Ngài, đã không thể làm được phép lạ đáng kể nào, vì sự thiếu lòng tin nơi những người đã cùng lớn lên với Ngài.

    Tuy thế, tôi sẽ không đầu hàng về vụ Tanya. Những lời cầu nguyện của tôi cho em sẽ chỉ có thể tăng thêm thôi. Tôi biết rằng trong lòng cô bé người Úc này, một cuộc chiến giữa thiện và ác đang sôi sục, và tôi quyết tâm dâng hết mọi lời cầu nguyện với hi vọng cái thiện được toàn thắng. Đối với tôi, Tanya tiêu biểu cho cuộc chiến đấu không ngừng mà tất cả chúng ta đều trải qua, khi muốn sống trong ơn nghĩa của Chúa. Chúng ta có thể chấp nhận ơn nghĩa ấy và được che chở, hoặc chúng ta có thể chối bỏ, sự chọn lựa là ở nơi chúng ta.
    Tôi nhớ lần Tanya đi chung với tôi và Kathleen đến phỏng vấn Jelena. Vì đã thấy em phiên dịch rất xuất sắc trong lần tôi phỏng vấn cha Slavko, lần này, tôi cũng muốn em giúp tôi làm việc với Jelena. Hai em này chưa biết nhau trước buổi gặp gỡ hôm ấy; thật ra, Tanya chưa hề nghe nói về đặc sủng “tiếng nói bên trong” của Jelena.

    Phỏng vấn được nửa chừng, sau khi nghe Jelena kể Đức Maria đã khởi sự “nói bên trong” với em như thế nào, Tanya thình lình quay sang tôi và la lên: “Xạo tổ mẹ!...”

    - “Tanya, không được nói vậy! Em bị cái gì đó?”

    - “Ông nghe đây, em đã từng nhiều lần ngồi chung với các thị nhân, em biết mấy người đó không nói dối. Còn ở đây, em không tin nhỏ này!”

    Tôi liếc nhìn Jelena, tuy không hiểu Tanya nói gì, nhưng em cũng cảm thấy đang có điều gì không ổn; rồi tôi nhìn qua Kathleen, cô chỉ nhún vai và chẳng đề nghị giúp đỡ gì. Cuối cùng, sau khi lấy lại bình tĩnh, tôi yêu cầu Tanya báo cho Jelena biết là cuộc phỏng vấn đã kết thúc. Rồi bằng một giọng kiên quyết, tôi nói thêm: “Và bây giờ, tôi muốn em nói với Jelena là em không tin em ấy.”

    Tanya mỉm cười: “Bộ ông tưởng em sợ không dám nói với nó à?” Em quay sang Jelena, bắt đầu hoa tay múa chân nói ào ào bằng tiếng Croát.

    Tôi không sao tin nổi sự thay đổi nét biểu cảm nơi Jelena. Cử chỉ vốn nhút nhát, yên lặng của em bây giờ được thay thế bằng một vẻ bình thản và một nụ cười nửa miệng. Em tỏ ra không chút bối rối trước những lời tấn công của Tanya.

    Tôi hỏi Tanya là Jelena trả lời thế nào. Tanya nói: “Nó nói là hai đứa chúng em phải gặp lại nhau, để trao đổi với nhau về chuyện đó, chỉ có thế thôi.”

    Bực mình, tôi đứng dậy ra về. Nhưng khi chúng tôi chào cám ơn Jelena, thì em nói gì đó với Tanya, rồi em cầm tay Tanya. Tanya rên rỉ: “Ồ không, Jelena muốn nói chuyện với em ngay bây giờ!”

    Tôi nói: “Tốt! Chúng tôi đợi em ở ngoài.”

    Bốn mươi lăm phút sau, Tanya và Jelena bước ra khỏi nhà, tươi cười. Một lần nữa, bản chất thiên thần nơi Tanya lại xuất hiện. Em nhỏ nhẹ nói: “Bây giờ em tin Jelena rồi.”

    - “Tại sao?”

    - “Vì nó thành thật và rất cởi mở. Với lại, sau khi nghe Jelena kể lại những điều mà Đức Mẹ nói với nó, em thấy cũng giống với những điều mà các bạn thị nhân nói với em.”

    Tôi rất vui, vì một hoàn cảnh rối rắm như vậy đã biến thành một bài học quý giá cho cô gái đang phấn đấu khổ sở này; nhưng tôi lại càng thấy thú vị trước sự thay đổi nơi Jelena.


    Mặc dù sự tháo lui sau đó của Tanya đã là một nỗi thất vọng đau đớn cho tôi, nhưng tôi lại mừng vì được ở trong mái ấm thứ hai của mình, được trèo lên đồi Hiện Ra (Podbrdo) để nguyện ngắm, được chen chân vào Nhà thờ Thánh Giacôbê dự Thánh Lễ. Lần này, hình như có thêm nhiều người Mỹ đến đây: có hai nhóm đến từ Hoa Kỳ. Sơ Margaret Sims đang hướng dẫn nhóm của Trung Tâm Hòa Bình, và Terry Colafrancesco hướng dẫn nhóm của Caritas. Tiếng đồn đang lan rộng.

    Thêm một chuyện khác nữa: người ta bắt đầu nhận ra tôi do các bài xã luận. Nhiều người nói với tôi là họ có mặt ở đây vì những bài báo đó. Điều này làm tôi tràn ngập xúc động.


    Terry xin tôi nói chuyện với nhóm của anh - và tôi đồng ý ngay, mừng quýnh vì được nói chuyện ngay trên đất Mễ Du. Chúng tôi kéo nhau ra lùm cây bách hương khoảng giữa Nhà thờ và núi Krizevac. Ở đấy, trong cái ốc đảo thanh bình đáng yêu này, giữa những ngôi mộ đã có hằng trăm năm, và với cây Thập giá vĩ đại trước mặt tạo thành một cái phông tĩnh lặng, tôi nói với họ về Mễ Du: những gì đã đưa tôi đến đây, những gì tôi đã thấy và những gì Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục cho tôi thấy - cũng như sẽ cho họ thấy nữa.

    Một buổi tối sau Thánh Lễ, vài người trong nhóm Trung Tâm Hòa Bình biết được tôi đã nói chuyện với nhóm Caritas, nên cũng đến xin tôi nói với nhóm của họ. Họ liền vội vàng sắp xếp cho chúng tôi họp mặt ở tầng hầm Nhà xứ vào lúc 9 giờ sáng hôm sau. Họ cho tôi biết sẽ chỉ có 20 hoặc 30 người thôi, nhưng lời đồn loan nhanh: đã có đến hơn 50 hay 60 người khi tôi đến đó. Một lần nữa, tôi thầm cầu nguyện tạ ơn và xin cho họ được nghe Chúa Thánh Linh, chứ không phải nghe Wayne Weible.

    Khi đã xong, sơ Margaret đến ôm hôn tôi và nói: “Tuyệt quá, cứ thế nhé!”

    Tôi vào Nhà thờ dự Lễ, tạ ơn Chúa không ngớt, và lòng tôi cảm động sâu xa bởi Phụng vụ Thánh Lễ. Sau phần Thánh Thể, tôi vẫn quỳ đó, hai mắt nhắm nghiền, chìm đắm trong cầu nguyện sốt sắng hơn bình thường. Bỗng nhiên, tôi bắt đầu thấy nhiều khuôn mặt. Những khuôn mặt trông rất rõ, rất sống động và có vẻ như đang bồng bềnh trong màn sương mù màu xám nâu. Thế rồi khuôn mặt của từng người đó bắt đầu mờ dần và được thay thế bằng đoàn đoàn lũ lũ dân chúng.

    Thình lình, xuất hiện phía trên họ một luồng ánh sáng chói chang hơn bất cứ ánh sáng nào tôi đã từng thấy, nhưng tôi vẫn có thể nhìn thẳng vào ánh sáng đó. Đang lúc chăm chú nhìn, thì ở đó, ngay chính giữa, Chúa Giêsu hiện ra trong áo choàng trắng. Ngài từ từ mở cánh tay và giang ra trên tất cả đám dân chúng ở dưới.

    Thị kiến cực kỳ rõ ràng và kéo dài khá lâu. Tôi bị cuốn hút đến nỗi khi nó mờ dần rồi chấm dứt, tôi mới mở mắt ra và giật mình nhận thấy Thánh Lễ đã xong từ lâu, chỉ còn một mình tôi trong Nhà thờ.

    Tôi đứng dậy, run rẩy và kinh ngạc về điều tôi đã thấy - chưa bao giờ có một điều tương tự xảy đến cho tôi. Tôi lặng lẽ bước ra khỏi Nhà thờ và gặp Shannon Brenan, một phụ nữ trẻ trong nhóm Trung Tâm Hòa Bình. Chị đã ngồi cạnh tôi trong Thánh Lễ.

    - “Tôi xin lỗi, Shannon, tôi không thể...”

    Shannon ngăn tôi lại: “Anh không cần giải thích gì hết; rõ ràng là một điều gì đặc biệt đã xảy đến cho anh.”

    Tôi kể cho chị nghe về thị kiến; tôi cần phải kể lại cho ai đó. Chúng tôi bắt đầu đi về phía thôn xóm nhỏ (xóm Bijacovici), nơi các thị nhân ở, và gặp một người bạn của chị. Họ chưa lên “Đồi Hiện Ra”, tên thường gọi của đồi Podbrdo, và họ năn nỉ tôi cùng đi với họ. Sau thị kiến tuyệt diệu ấy, tôi chỉ muốn mỗi một điều là cầu nguyện, đồi kia xem ra là nơi lý tưởng nhất, cho nên tôi đồng ý.

    Vừa đến chân đồi, Shannon để ý thấy một nhóm người Mỹ đứng bên ngoài nhà Marija, nhà này nằm xuôi theo con đường lên đồi. Chị la lên: “Ồ, chúng ta hãy đến gặp Marija trước đã, rồi lên đồi sau.”

    Tôi đồng ý ngay. Marija có lẽ là thị nhân có ảnh hưởng nhiều nhất, nhưng điều quan trọng hơn là tôi muốn gặp Milka, em của Marija. Tôi đã có cuộc phỏng vấn cả hai chị em, nhưng Milka nhiều giờ hơn.

    Marija đương đứng ở khoảng giữa những bậc thang dẫn lên cửa trước của nhà cô, điềm tĩnh trả lời qua người thông dịch các câu hỏi của một đám khách hành hương người Mỹ đang vây quanh cô. Có một lúc, cô bắt gặp cái nhìn của tôi. Tôi nghĩ cô đã mỉm cười. Tôi thầm nhủ: Thật là tức cười, với tất cả những cuộc phỏng vấn hằng ngày như thế, cô làm sao nhớ nổi một cuộc (cuộc phỏng vấn của tôi với cô) đã diễn ra cách đó năm tháng ?

    Sau độ mười lăm phút, nhóm người Mỹ ra về. Shannon và cô bạn cũng đi, dặn tôi gặp họ trên đồi sau khi đã nói chuyện với Maria. Tôi đang định bước tới gặp cô, thì một nhóm vài người Ý trước đó đã lảng vảng bên ngoài, bây giờ nhảy vào, dành trọn thời gian của cô. Cô kiên nhẫn trả lời các câu hỏi của họ bằng tiếng Ý rất lưu loát, và cuối cùng, khi họ đi rồi, cô quay sang tôi. Tôi nói: “Marija, tên tôi là...”

    Maria nói to: “Là Wayne!” rồi bước tới chào tôi bằng cái hôn mỗi bên má. “Nào, ông có khoẻ không? Gặp lại ông, tôi mừng quá!” Tiếng Anh của cô không thạo, nhưng sự nồng nhiệt bột phát ấy không cần đến phiên dịch.

    Miệng tôi há hốc: “Cô còn nhớ tôi?”

    - “Vâng, dĩ nhiên. Ông đã phỏng vấn em với Milka. Milka rất - nói làm sao nhỉ? - rất kính phục ông.”

    Tôi sững sờ: “Milka có ở đây không?”

    - “Dạ không. Milka đang ở bên Đức để chăm sóc chị dâu mới sinh cháu bé.”

    Tôi mỉm cười: “Thôi được, tôi sẽ trở lại gặp cô sau. Cha Svetozar sẽ đến cùng với tôi.” Rồi tôi quay gót ra về.

    - “Không, không.” cô cười: “Bây giờ ông lên đây!”

    Vừa nói, cô vừa nắm tay tôi dắt lên bậc cấp đi vào nhà bếp. Trong khoảng hai mươi phút sau đó, chúng tôi nói chuyện về những gì đang xảy ra tại Mễ Du, và về cuộc sống của cô (“Rất bận, rất ít khi được như thế này. Nhưng thế là tốt.”) Tôi ngạc nhiên thấy cô có vẻ hiểu được nhiều và có thể trao đổi rất tốt, mặc dù tiếng Anh còn bập bẹ. Chúng tôi thực sự đang nói chuyện với nhau - không phải là phỏng vấn, nhưng là một cuộc tán gẫu thân mật. Nhưng tôi sợ lỡ miệng nói ra điều gì ngớ ngẩn để mất dịp may sắp tới, tôi liền đứng dậy: “Tôi sẽ trở lại với cha Svet.”

    Marija nói: “Ông hãy đến bất cứ lúc nào!” rồi tiễn tôi ra cửa, “Mong ông trở lại.”

    Tôi gật đầu, vẫy tay và bước xuống bậc cấp. Sau đó, khi Marija đã đi vào trong nhà, tôi không nén được niềm vui lâu hơn nữa, liền chạy lên Đồi Hiện Ra, nóng lòng kể cho Shannon về cuộc nói chuyện của tôi với Marija, bởi vì đã có một cái gì rất đặc biệt trong buổi gặp gỡ ấy: cô không phải là Marija thị nhân, nhưng là Marija - bạn tôi. Đây là bước khởi đầu dẫn đến tình liên đới chặt chẽ của tôi với mỗi thị nhân sau này.

    Đúng là một ngày cực kỳ hạnh phúc từ đầu đến cuối. Vào buổi chiều, cha Svet lái xe từ xứ đạo của ông đến đây để giảng dạy hằng tuần tại Nhà thờ, và khi ông đã xong việc, chúng tôi ôm nhau thắm thiết thay cho lời chào. Khi chúng tôi rảo bước bên lề cái sân bọc quanh Nhà thờ, cha nói: “Tôi có tin vui, tôi đã thu xếp cho anh đến Konjic và ở lại trong tu viện bốn ngày.”

    - “Hết ý!” tôi nói, quá mừng vì cuối cùng cũng có dịp ở với ông lâu hơn là chỉ vài giờ. Tôi hỏi: “Khi nào cha?”

    - “Tôi phải trở về tối nay, nhưng anh đến ngày mai. Chúng ta sẽ nói về quyển sách của anh, không phải sách của tôi - tuy tôi cũng có một số ý tưởng muốn viết ra với sự giúp đỡ của anh.”

    Con đường ngược bờ sông Neretva đến Konjic thật là ngoạn mục. Lại một lần nữa, tôi không có bản đồ chỉ đường, nhưng cha Svet bảo đảm với tôi là chỉ cần đi theo con đường đến Sarajevo, đường này sẽ ngang qua Konjic. Khoảng sau hai tiếng, tôi tới nơi.

    Cứ đinh ninh đây là một ngôi làng không lớn hơn Mễ Du bao nhiêu, tôi bật ngửa ra khi thấy Konjic là một thị trấn sầm uất. Tôi tìm ra được Nhà thờ của cha Svet, một kiến trúc tráng lệ, nguy nga với tu viện sát bên. Cha đã ở đấy để đón tôi và đưa tôi tới văn phòng, nơi tôi sẽ ở trong bốn ngày. Tôi co ro; Konjic cao hơn Mễ Du nhiều, nghĩa là khí hậu ở đây cũng lạnh hơn nhiều, và trong truyền thống khổ tu đích thực, không được có lò sưởi. Nhưng cha Svet, như đọc được ý tôi, đã mỉm cười và trao cho tôi cái máy sưởi điện nhỏ của phòng ngài.

    Tối hôm đó, chúng tôi dùng bữa trong phòng ăn với các linh mục khác. Đây là một dịp vui hiếm có, cho tôi một kinh nghiệm thú vị khi ở chung với các tu sĩ Phan Sinh hơn là chỉ gặp gỡ các ngài tại Mễ Du. Ngoài ra, tôi còn được biết về cách sống của họ. Sau đó, chúng tôi đến phòng cha Svet bắt đầu làm việc. Cha nói: “Tôi có viết lại một số ý nhờ anh sửa giúp. Mấy đoạn này không dùng cho quyển sách của tôi, đó chỉ là vài ý tưởng tôi có thể dùng tới sau này - hoặc anh dùng cho quyển sách của anh cũng được.”

    Thế là chúng tôi bắt đầu - cha Svet vừa đọc vừa ghi thêm vào bản thảo, còn tôi vừa đánh máy, vừa cho ý kiến. Thỉnh thoảng, chúng tôi dừng lại để bàn cãi về một điểm nào đó. Tôi đề nghị vài thay đổi nhỏ, còn ông muốn để nguyên như thế.

    Sau một lúc, cha vỗ đầu gối tôi và mỉm cười: “Hay đấy!”

    - “Cha muốn nói gì?”

    - “Tức là chúng ta có thể ngồi đây và bàn cãi về dăm ba điểm vớ vẩn kia, rồi bây giờ anh còn có thể thoải mái bất đồng ý kiến với tôi.” Ông lại mỉm cười khi thấy sự đồng tình của tôi hiện lên nét mặt: cha Svetozar Kraljevic, người hùng thiêng liêng của tôi, đã không còn ở tít trên bệ để được nể sợ; trong khi ngài vẫn là một khuôn mặt lẫy lừng. Nhưng bây giờ, ngài còn là một người bạn thân thiết và người anh yêu quý của riêng tôi trong Đức Kitô.

    Chúng tôi dành ba giờ tối hôm đó và nguyên ngày hôm sau cũng bận rộn như vậy. Đến giờ nghỉ trưa, chúng tôi dạo qua chợ trời họp phía bên kia Nhà thờ. Ở đây có bán đủ thứ, từ thực phẩm cho đến cối xay cà phê, và cha Svet mua một cái cối xay nhỏ, ngài nói: “Cái này dành cho Terri”, rồi trao nó cho tôi.

    Tôi phá lên cười: “Giá mà cha biết được vợ tôi đâu có vào bếp nhiều đâu nào! Nhưng nàng sẽ quý nó lắm, vì do cha tặng.”

    Trong chuyến đi hồi tháng 9 vừa qua, Terri đã gặp cha Svet, và đã lập tức có cùng một cảm tưởng như tôi về ngài. Nàng sẽ cảm động vì được ngài nhớ đến, nhưng ngài là như vậy đó. Dù cho số “anh em”, “chị em” mới của ngài cứ tăng lên theo mỗi đoàn hành hương, ngài vẫn luôn có một lời nhắc nhớ đặc biệt, hoặc đôi phút lắng nghe dành cho mỗi một người trong họ.

    Chiều hôm ấy, cha Svet phải dâng Thánh lễ lúc 17 giờ. Khi ngài đi sửa soạn, tôi đến ngồi dưới bóng râm sau lưng Nhà thờ, khoảng 20 phút trước giờ Lễ.

    Không khí trong Nhà thờ lạnh lẽo, khiến tôi không ngừng run rẩy, dù tôi đã mặc đủ áo chống lạnh. Từng người, các cư dân thành phố tới dự Lễ, khoảng 15 hay 16 người. Tôi tự khích lệ mình nghĩ họ cũng cảm thấy lạnh như tôi. Để quên cái lạnh, tôi quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện.

    Bỗng nhiên, tôi hết run, quả thực tôi cảm thấy như rơi vào khoảng trống. Rồi tôi nghe thấy trong tôi một sứ điệp giống như tôi đã từng nghe mấy lần trước. Không phải là tiếng nói ở bên ngoài nghe được và cũng không có thị kiến kèm theo. Tuy nhiên, đó là một tiếng nói, nói lớn! “Hãy đưa Milka sang Hoa Kỳ!”

    Tôi kinh ngạc. Vào chính lúc ấy, Milka ở xa tâm trí tôi như thể ở tận bên Trung Quốc. Tôi do dự, rồi thì thầm hỏi: “Tại sao?”

    Không có tiếng trả lời, chỉ có một tâm tình sâu đậm thúc giục tôi phải làm điều đã được yêu cầu.

    Tôi mới quyết định phải nói chuyện này cho cha Svet. Trong tôi bấy giờ có sự bình thản chấp nhận được làm kẻ thụ lãnh những sứ điệp nội tâm. Sau những kinh nghiệm tôi đã trải qua và thời gian quen biết Jelena, tôi bắt đầu hiểu ra rằng bất cứ ai cũng có thể là dụng cụ của Chúa Thánh Linh.

    Cơ hội để nói với cha Svet đã đến ngay sáng hôm sau, đang khi ngài lái xe dẫn tôi đến chỗ ngài dự định xây cất một Nhà thờ mới cho giáo xứ. Tất cả tiền nong thu lợi từ sách vở ngài viết đều đổ vào công trình xây dựng này, mà ngài tin chắc nó sắp thành hiện thực.

    Chuyến đi này, cha Svet mặc thường phục. Không có chiếc áo dòng nâu Phan Sinh, ngài bớt vẻ oai vệ. Nhưng tác phong cha vẫn tao nhã và đôi mắt vẫn luôn đượm nét thánh thiện.
    Ngài không tỏ vẻ ngạc nhiên khi tôi trình bày cho ngài sứ điệp liên can tới Milka. “Vậy thì – ngài nói với vẻ đăm chiêu – ngày mai khi ta gặp Marija, anh hãy kể lại cho cô ấy xem cô ấy nghĩ làm sao.” Cha chấp nhận trở lại Mễ Du với tôi và làm thông dịch viên cho tôi.

    Trên đường trở về tu viện ở Konjic, khi chúng tôi đến trung tâm thành phố, bỗng nhiên chúng tôi nghe thấy tiếng còi xe hơi inh ỏi. Rồi khi đến gần một ngã tư thì thấy như thể tất cả cư dân thành phố tụ tập tới đấy cùng một lúc, và chẳng ai nhường ai một bước. Không bao giờ tôi nghĩ lại có thể xảy ra một cảnh ùn tắc cỡ đó trong một thành phố nhỏ miền núi ở Nam Tư. Nhưng thực tế là chúng tôi đang kẹt ở đó, ngay chính giữa.

    Cha Svet nghiêng đầu rồi nhún vai và xuống xe, tiến vào giữa chỗ kẹt cứng, và bắt đầu điều khiển lưu thông, bảo tài xế này lùi một chút, tài xế kia tiến lên. Tôi không biết người ta có nhận ra ngài là ai không, chỉ biết rằng mọi người đều hể hả vì có người đứng ra dàn xếp tình hình. Không còn còi xe inh ỏi. Con đường đã thông thoáng và mọi người tiếp tục cuộc hành trình.

    - “Đôi khi – cha Svet vừa cười vừa nói khi ngồi vào lại trong xe – ta phải ra tay hành động khiến cho tình hình phải thay đổi”.

    Tôi cười to và gật đầu biểu đồng tình. Tôi vừa chứng kiến một hành vi của ông bạn Phan sinh, minh chứng sống động cho một lời cầu nguyện nổi tiếng của Thánh Tổ phụ ông, đại khái như thế này: “Lạy Chúa, xin cho con can đảm để thay đổi cái còn có thể thay đổi; kiên nhẫn để chấp nhận cái không thể đổi thay; và khôn ngoan để nhận ra sự khác biệt giữa hai cái ấy…”

    Đầu buổi chiều hôm ấy, khi cha Svet chạy đi lo công việc trong thành phố trước khi chúng tôi rời nơi này, và tôi, sau khi đã thu xếp đồ đạc vào vali, tôi ngồi trên giường suy đi nghĩ lại về tất cả những gì đã xảy đến cho tôi, kể từ cái tối đáng ghi nhớ mà Thân Mẫu Chúa Giêsu nói trong lòng tôi. Mọi sự giờ đây được sáng rõ như pha lê. Tôi đã có thể thấy Mễ Du và tất cả ý nghĩa và những chuyện liên hệ như chưa từng bao giờ thấy rõ như thế trước đây. Và vai trò của tôi trong các biến cố này cũng hiện ra rõ ràng. Giờ đây, tôi hiểu tại sao tôi được gọi trở lại chốn này tới lần thứ ba trong vòng 6 tháng.

    Đó là một thời kỳ tập sự. Vai trò của cha Svet ở trong vụ này là sức ảnh hưởng và sự hướng dẫn. Tôi bắt đầu lần chuỗi Mân côi trong lặng lẽ bằng cỗ tràng hạt ngài đã cho tôi.
    Có ai gây tiếng động khẽ ở bực cửa mà tôi để hé. Ngước mắt lên, tôi thấy cha Svet đang đứng đó trong khung cửa, nhìn tôi với một nụ cười rạng rỡ. “Tôi sẽ nhớ mãi cuộc viếng thăm của anh ở đây qua cảnh này: Anh, ngồi trong phòng này, đang lần chuỗi.”

    Tôi không thốt lên được lời nào. Mắt tôi đẫm lệ.

    - “Nếu đồ đạc đã xếp xong, chúng ta sẽ đi”, ngài nói để kéo tôi về lại thực tại của cuộc hành trình. Tôi xách vali, theo ngài xuống chỗ đậu xe. Ngài lái xe đi trước, tôi lái xe theo sau trên đường về Mễ Du chẳng gặp khó khăn gì.

    Khi chúng tôi đến gần ngoại ô Mostar, ngài ra hiệu cho tôi ngừng, rồi ra khỏi xe, ngài bảo: “Ta đi nhâm nhi tách cà phê nhé!”

    - “Cha thật muốn ngừng lại đây sao? Chúng ta chỉ còn cách Mễ Du độ 40 phút nữa thôi.” Nhưng ngài cho biết ngài muốn ngừng.

    Đang lúc nhấm nháp tách cà phê đặc sánh mà tôi bắt đầu ghiền, ngài bảo: “Này Wayne, tôi có quyết định này: chúng ta sẽ không làm việc cho quyển sách của tôi một thời gian. Để dành thời gian giúp anh hoàn thành cuốn sách của anh.”

    Tôi đang định gạt đi, nhưng ngài giơ tay cản lại, và tôi nhận thấy ngài đã suy nghĩ và đã cầu nguyện nhiều lúc đi trên đường. “Anh phải viết cuốn sách của anh ngay và đừng để chuyện gì cản trở việc ấy. Hãy dành lấy thời gian cho việc ấy, và cầm chắc là thật đúng lúc. Nhưng anh phải làm.”

    Tôi chỉ còn biết gật đầu.

  10. #30
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    566
    “Mẹ muốn dẫn tất cả các con đến sự thánh thiện trọn hảo...”
    Chương 23
    TIẾP TỤC HỌC HỎI


    Cha Svet đậu xe ở trong sân, phía sau nhà thờ Thánh Giacôbê, còn tôi đậu càng gần Nhà Xứ càng tốt, vì hôm nay là ngày cuối cùng của tôi tại Mễ Du. Khi tôi ra khỏi xe, ngài bảo: “Chúng ta sẽ dùng bữa trưa tại Nhà Xứ trước đã, rồi đến nhà Marija.”

    Cùng ăn trưa với chúng tôi có một linh mục trẻ trầm lặng, mới đến Mễ Du được vài tháng, tên là Nicholas. Ông nóng lòng muốn kể cho cha Svet về một việc gì đó vừa xảy ra, và khi ông bắt đầu kể bằng tiếng Croát, cha Svet đưa tay ngăn lại, rồi quay sang tôi: “Có lẽ anh nên lấy sổ tay ghi lại chuyện này, có vẻ hữu ích cho quyển sách của anh đó. Tôi sẽ thông dịch cho anh.” Tôi làm theo lời ngài và bắt đầu viết lia lịa, trong khi cha Nicholas kể chuyện bà Mira (không phải tên thật), một phụ nữ khoảng 30 tuổi, sống ở một ngôi làng nhỏ thuộc miền Bắc Nam Tư.

    Mira sinh trưởng trong một gia đình Công giáo đạo đức, nhưng vì yêu một thanh niên đảng viên Cộng sản, cô lìa bỏ Giáo Hội. Vị linh hướng của cô cảnh báo với cô là con đường cô đang hướng tới sẽ gây đau khổ cho chính bản thân cô và cho gia đình cô, nhưng cô không nghe, và cô đã kết hôn. Vì chồng cô là một đảng viên, nên Mira thấy không thể tiếp tục đi lễ được.

    Như linh mục tiên đoán, Mira sống tách biệt với gia đình, ngay cả khi cô sinh đứa con đầu lòng - một bé trai tàn tật vì chứng teo cơ. Trong năm năm sau đó, thảm kịch này cộng với những áp lực ngày càng tăng của cuộc sống, khiến cô rất sợ hãi. Cô bị chứng trầm uất nghiêm trọng và phải dùng thuốc với liều lượng ngày càng nặng hơn, cho đến khi phát triển thành bệnh động kinh. Tháng 9 năm 1986, người nhà đưa cô vào bệnh viện Zagreb, tại đây, cô lên cơn động kinh ít nhất 30 lần một ngày.

    Trong vòng 17 ngày, các bác sĩ đã dùng mọi phương pháp để trị liệu, nhưng đều vô hiệu. Tình trạng của cô ngày một xấu đi, và có lẽ do hậu quả sự trị liệu bằng các loại thuốc mạnh lúc đầu nên cô bị mù. Cuối cùng, bác sĩ nói với chồng cô là họ không thể làm gì được nữa, tốt hơn anh nên đưa vợ về nhà, vì cô ấy sắp chết.

    Một bức màn tang tóc bao phủ trên gia đình cô suốt hai tuần sau đó, khi Mira nằm liệt trên giường và cả hai chờ đợi điều không tránh khỏi. Nhưng trong thời gian này, có một điều lạ thường xảy ra: Mira nghe một tiếng nói: “Con phải quay về với Thiên Chúa và cầu nguyện.”

    Kết luận rằng cô bị mê sảng vì bệnh và vì thuốc, chồng cô cố gắng an ủi. Nhưng cô vẫn khăng khăng quả quyết tiếng nói bảo cô phải đi ra ngoài. Đến đây, chồng cô không để cô làm theo ý mình. Các bác sĩ đã buộc cô phải nằm một chỗ, và vì sợ mọi cử động có thể làm cô mau chết, anh liền canh giữ để cô khỏi di chuyển.

    Nhưng cũng có lúc anh phải ra khỏi nhà, và ngay lập tức, Mira cố lết ra khỏi giường. Từ từ, cô lần ra được đến cửa trước. Vừa mới mở cửa và bước ra ngoài, cô liền thấy thị kiến: Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc hiện ra với cô và nói: “Con có thể được chữa lành.”

    Mira quỳ sụp xuống than khóc: “Lạy Mẹ Hồng Phúc, xin Mẹ chữa lành con của con; nó mới có năm tuổi.”

    - “Con của con không có trách nhiệm gì về hoạn nạn nó đang chịu, nhưng đau khổ của nó sẽ là ơn cứu rỗi và cải hối cho nhiều người. Đừng cầu xin cho nó, nhưng hãy cầu xin cho chính mình con. Hãy đến Mễ Du và con sẽ được chữa lành.”

    Chỉ có thế. Mira lại mù, không thấy gì nữa. Cô bò trở vào nhà, lết tới phòng ngủ. Khi chồng cô về đến nhà, cô kể lại cho anh nghe hết mọi chuyện vừa xảy ra, nhưng anh không tin. Thực ra, anh buồn vì tình trạng mê sảng của cô xem ra xấu hơn. Cô năn nỉ chồng đưa mình đến Mễ Du, nhưng anh bảo không khi nào có chuyện đó.

    Đức Maria lại hiện đến với cô lần nữa tại giường. Mira kêu khóc: “Lạy Đức Mẹ, chồng con không chịu đưa con đi Mễ Du!”

    - “Con có biết ai trong làng này có thể cầu nguyện cho con không?”

    Người phụ nữ trả lời: “Thưa không, tất cả đều đã quay lưng lại với Thiên Chúa.”

    - “Ta cũng không biết ai. Hãy đến Mễ Du!”

    Nói xong, Người liền biến đi. Mira như bị ám ảnh, không thể nói đến điều gì khác ngoài việc đi Mễ Du. Trong cơn tuyệt vọng, chồng cô định đưa cô đến bệnh viện Zagreb cầu cứu. Biết được, cô liền lên cơn cuồng loạn. Cuối cùng, để cho cô bình tĩnh lại, anh đồng ý đưa cô đi Mễ Du. Ngày 8 tháng 11, họ đi xe lửa đến Mostar và ngày 9 tháng 11, họ đến Mễ Du. (Tôi nhận ra là cùng ngày với tôi).

    Chồng cô đưa cô thẳng tới nhà thờ. Khi đã vào bên trong, anh để ý thấy tình trạng của cô khá hơn so với các tháng trước; lạ hơn nữa là suốt lộ trình từ Mostar đến Mễ Du, cô chỉ bị một hai cơn động kinh thôi.

    Nhà thờ lúc ấy vắng người, chồng cô dìu cô lên hàng ghế đầu phía bên phải (Khi nghe đến đây, tôi liền nhớ có thấy cô quỳ ở đấy khi tôi bước vào hôm Chúa nhật vừa rồi). Cả buổi chiều, Mira cầu nguyện, và bỗng nhiên, sau một tiếng đồng hồ, cô thấy thôi thúc phải ngước nhìn lên. Cô làm theo và kinh ngạc vì mắt cô trông thấy bức tượng Đức Trinh Nữ Maria ở trước mặt. Cô đã được sáng mắt lại.

    Chồng cô nhìn vợ sửng sốt. Cô đứng dậy đi ra ngoài nhà thờ, và gặp một linh mục khách ở xa đến đây để giúp giải tội. Cô xưng thú tội lỗi rất lâu và rất cảm động, rồi trình bày cho ngài nghe điều vừa xảy ra. Linh mục khuyên cô nên trở lại bên trong nhà thờ tiếp tục cầu nguyện, và hôm sau nên đi tìm một linh mục địa phương để kể hết cho ngài.

    Nhưng ngày hôm sau, khi cô đi tìm một linh mục bản xứ tại Mễ Du, thì các ngài đều ra ngoài có việc hết. Cuối cùng, đến sáng thứ ba, cô mới kể cho cha Pervan và Nicholas nghe câu chuyện của cô. Thị giác của cô rất tốt và đã hơn 24 giờ qua, cô không hề bị một cơn động kinh nhỏ nào. Cô tin là mình đã được hoàn toàn chữa lành. Cô trở về nhà, hết lòng thống hối ăn năn và cả chồng cô cũng vậy.

    Đây là một câu chuyện rất hấp dẫn. Và điều gây kinh ngạc nhất cho tôi là sự đau khổ của con cô có sức cứu độ nhiều người khác. Biết bao người đã thắc mắc tại sao có nhiều đau khổ trên thế gian. Đây là một trường hợp được nối kết trực tiếp vào sự đau khổ của Đức Kitô, Đấng đã chịu một cái chết thảm khốc để chúng ta được tha tội và giải hòa với Thiên Chúa. Linh mục Phan Sinh trẻ tuổi ấy đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện trích thẳng từ bản Nhật ký của Nhà thờ Thánh Giacôbê, chính xác từng chi tiết như đã được ghi chép. Thật chẳng khác gì được nghe một dụ ngôn mới của sách Tin Mừng.

    Chúng tôi cám ơn cha Nicholas rồi đi tới nhà Marija; và vì trời nắng tốt, nên chúng tôi chọn đường mòn băng qua những cánh đồng hơn là đi xe hơi. Tuy mất thêm 20 phút, nhưng sau câu chuyện của Mira, thời gian mất thêm ấy lại được chúng tôi đón nhận như những giây phút dành cho sự ngẫm nghĩ riêng tư.

    Marija đang đợi chúng tôi ở bậc cấp trên cùng dẫn vào cửa trước nhà cô, và một lần nữa, cô chào tôi rất nồng nhiệt. Thật thú vị được nhìn thấy cô cùng cha Svet ở đấy. Cô rất kính phục cha, nhưng cũng rất thân mật, một điều dễ nhận thấy khi cô lơ đãng nhặt một sợi chỉ dính ở cánh tay áo dòng của cha trong khi nói chuyện. Tôi nhìn cô khi họ trò chuyện bằng tiếng Croát, trao đổi những tin tức, và một lần nữa, tôi thầm nghĩ cô ấy đẹp biết bao! Nhưng không theo nghĩa thường tình; có một vẻ đẹp thiêng liêng toát ra từ con người cô, - một vẻ đẹp tương tự lộ ra trong phong thái của Mẹ Têrêxa.

    Cha Svet chuyển sang tiếng Anh: “Nào, bây giờ chúng ta làm việc. Tại sao anh không kể chuyện của anh cho Marija nghe? Cô ấy hiểu được một ít tiếng Anh, nhưng tôi sẽ lặp lại bằng tiếng Croát.”

    Trong hai mươi phút kế tiếp, tôi kể cho cô ấy nghe những biến cố của đời tôi trong năm vừa qua. Tôi cố cho cô hiểu tôi không kiếm tìm chuyện gì đặc biệt - thế nhưng suốt thời gian ấy, tôi cứ ước ao chớ gì nói ra được câu này: “Marija, xin cô vui lòng hỏi Đức Mẹ, để tôi được biết tôi có đang thi hành đúng điều Người yêu cầu không.” Cũng như bao người hành hương khác, tôi thầm mong muốn có một dấu chỉ đặc biệt, hoặc có thể trong giây lát được thấy Đức Mẹ như các thị nhân đã thấy. Trong thâm tâm, tôi biết như vậy là vị kỷ và chú tâm vào điều không đúng. Nhưng dù sao, mong ước ấy vẫn có đó. Một cách nào đấy, do cảm xúc mãnh liệt của tôi qua cái nhìn của tôi vào mắt cô, trong lúc cha Svet đang thông dịch, Marija hầu như thấu hiểu được lòng tôi. Cô gật đầu mỉm cười, và nói bằng tiếng Anh: “Vâng, tôi hiểu.” Đến đây, chúng tôi nghỉ một lát, cô đứng lên pha cà phê và dọn ra mấy ổ bánh mì cho chúng tôi. Cô nhìn tôi mỉm cười nói: “Milka đã làm mấy cái này trước khi qua Đức.”

    Đột nhiên, tôi ý thức được một điều bất thường: lúc ấy không có một đám khách hành hương nào xếp hàng ngoài đường đợi gặp Marija, không một nhóm thanh niên người Ý nào lảng vảng bên trong sân, không một hướng dẫn viên du lịch nào chen vào đòi hỏi cô điều này điều nọ - không có bất cứ một thứ gì làm phân tâm cả. Không thể tin được - như thể Chúa đã cắt riêng cái mảnh thời gian này ra dành cho chúng tôi.

    Nhưng bây giờ đã đến khúc khó khăn; tôi phải kể cho cô ấy nghe về những gì đã xảy ra cho tôi tại Konjic hai ngày trước đây. Cô sẽ nghĩ gì? “Marija, tôi cần phải nói với cô về Milka.”
    - “Milka hả?” Marija hỏi, không chờ thông dịch. “Chuyện gì về Milka?”

    Tôi kể cho cô nghe về việc tôi đã nhận được sứ điệp như thế nào và thêm rằng: như tôi đã nghĩ sau đó, chuyến đi này của Milka có thể kéo dài ít nhất ba tháng. Và tôi kết luận cách lơ mơ, có lẽ là để cho Milka học tiếng Anh. Hiện nay mới có một ít người Mỹ đến Mễ Du, nhưng tôi có thể tiên đoán - à không - có thể biết được là sắp đến thời mà đa số khách hàng hương là người từ Hoa Kỳ tới.

    Marija nhìn tôi một lúc lâu, không nói tiếng nào. Rồi cô mỉm cười, và qua cha Svet thông dịch, cô nói: “Tôi không thể nói giùm cho Milka. Tôi thấy không có vấn đề gì về việc em ấy sang Hoa Kỳ... Nhưng ông phải đích thân hỏi em ấy.”

    - “Bằng cách nào? Cô ấy đang ở bên Đức mà.”

    Marija đi tới một hộc tủ và lấy ra bút mực, rồi nói: “Đây, ông viết thư cho Milka và để lại đây. Tháng giêng, Milka về, tôi sẽ trao lại. Lúc đó ông có thể điện thoại hoặc biên thư cho em ấy.” Cô nhún vai: “Ta sẽ có câu trả lời.”

    Được khuyến khích, tôi hỏi thêm: “Cô nghĩ thế nào về chuyện này?”

    Cô suy nghĩ một lúc mới trả lời: “Nếu ông cho sứ điệp ông đã nhận là do Đức Mẹ, thì ông nên tuân theo lời Người yêu cầu.”

    Tôi thấy là cô không muốn can dự, nhưng cũng thấy đây không phải là lúc đeo đuổi hỏi thêm. Tôi đã làm những gì có thể, bây giờ thì xin trao mọi sự trong tay Chúa. Khi ra về, Marija một lần nữa bảo tôi bằng tiếng Anh là tôi có thể trở lại đây bất cứ lúc nào, và thêm: “Xin Chúa chúc lành cho ông.”

    Tiếp theo đó, cha Svet đưa tôi đi Mostar, nơi ngài muốn tôi gặp và phỏng vấn Ivanka. Cô đi vắng, nhưng có ba cô ở nhà, và chúng tôi nói chuyện với ông ấy. Cha Svet có cho tôi biết trước là vợ ông đã mất ít lâu trước khi biến cố Mễ Du xảy ra, và tôi tự dặn mình không nên hỏi câu nào có thể gợi lên kỷ niệm đau buồn ấy. Hỏi về đời sống của ông, tôi được biết ông đã có nhiều năm lao động tại nước Đức. Ông có một căn nhà tại Mễ Du, và căn này tại Mostar.

    Ông cảm thấy thế nào khi có một con gái là thị nhân? Ông do dự, đắn đo từng lời: “Tôi thấy đây là một ơn phúc lớn lao cho gia đình tôi. Việc con gái tôi được tham dự vào biến cố đã ảnh hưởng sâu xa trên cả gia đình - trên em gái nó, trên họ hàng và mọi người. Nhưng cũng có những hậu quả xấu - quá nhiều người lui tới, quá nhiều câu hỏi, quá nhiều nhà báo...” Đoạn ông mỉm cười, có ý cho tôi biết ông không ám chỉ tôi, nhưng tôi quyết định dành những câu hỏi khác cho con gái ông.

    Trong lúc chờ đợi, ông mời chúng tôi uống cà phê. Và sau khi đã uống cạn năm tách, Ivanka bước vào với cô em. Ngay khi trông thấy cha Svet, cô chạy lại ôm hôn ngài. Rồi, nhìn thấy tôi với cuốn sổ trong tay, cô bắt đầu một tràng tiếng Croát với cha Svet. Tôi không cần được phiên dịch mới hiểu ra rằng đây không phải là một cuộc tiếp đón vui vẻ. Cha Svet trả lời bằng tiếng Croát và tôi cũng lại chẳng khó khăn gì để đoán ra ngài đang nói gì, khi lắc đầu và liên tục nói: “Không, không.”

    Nhưng thay vì bình tĩnh lại, cô càng bực tức thêm, và bây giờ cô đang đi qua đi lại, giơ hai tay lên trời. Thấy mình đến không phải lúc, tôi khẽ thúc cùi chỏ vào cha Svet, lắc đầu ra dấu về phía cửa. Tôi chỉ muốn rút lui - một cách lịch sự nếu có thể, nhưng chắc chắn là càng nhanh càng tốt.

    Nhưng cha Svet cứ lờ đi, và tiếp tục nói với cô ấy, giọng bình tĩnh nhưng kiên quyết. Cô vẫn không có vẻ nguôi tức bực, và cuối cùng, tôi không chịu được nữa. Tôi nói nhỏ với cha: “Cha nghe tôi nói đây, tôi thật sự không muốn gây rắc rối ở đây. Nếu cô ấy không muốn nói chuyện, thì thôi cũng được, mình đi về.” Tôi đứng dậy bước đi.

    - “Không”, cha nhẹ nhàng bảo và đẩy tôi ngồi xuống ghế: “Hãy kiên nhẫn!”

    Rồi ngài lại nói thêm với cô, từng lúc chỉ trỏ về phía tôi, và tôi rất ngạc nhiên thấy cô bỗng nhiên ngồi xuống. Cha Svet nói: “Xong rồi, ổn cả rồi!” Ivanka, tuy còn căng thẳng và xa lạ, cũng gật đầu và mỉm cười với tôi khi ngài đang nói. Cha Svet giải thích là Ivanka đang bực mình với đoàn quay phim đài BBC mà cô và Mirjana đã nghe lời cha để cho họ phỏng vấn, nhất là về những câu hỏi riêng tư đặt ra với cô. Thực ra, Ivanka không thích vai trò công khai mà cuộc sống của một thị nhân đòi hỏi. Cô vẫn còn buồn vì không còn được diện kiến Đức Mẹ hằng ngày với các bạn nữa. Tôi đã nhìn thấy điều đó, hôm kỷ niệm năm thứ năm Đức Maria hiện ra, khi cô ngồi trên thảm cỏ với các bạn. Trong khoảnh khắc Đức Maria hiện ra, tôi để ý thấy cô cúi đầu với một vẻ buồn bã dễ nhận ra. Điều này, cộng với nhiều cuộc phỏng vấn - vốn đã được cho xuất hiện trên báo chí hoặc phim ảnh một cách không trung thực như những câu trả lời của cô - đã khiến cha Svet mất thời gian trấn an cô rằng quan điểm của tôi sẽ là thiện cảm.

    Để xác định điều đó, tôi thuật cho cô câu chuyện của chính tôi, như tôi mới vừa kể cho Marija chiều hôm đó, kết luận rằng tôi đến đây với tư cách một người hành hương hơn là một nhà báo. Cô cười to, đưa tay ra, và tôi vui vẻ nắm lấy.

    Tôi hỏi cô một số câu hỏi chung chung về cuộc sống, cô ở đâu và sắp đi đâu, và tôi nhấn mạnh rằng tôi đến đây không phải để viết một “bản tường trình các sự kiện”. Tôi nói: “Tôi muốn tìm biết cá tính của cô, với tư cách một con người, cô đã cảm thấy gì vào lúc ấy - và bây giờ? Và vai trò thị nhân đã dẫn cô đến đâu?”

    Cô đã thật sự cởi mở sau đó, trò chuyện thoải mái, và cho nhiều chi tiết hơn tôi mong muốn. Sau đó, cô mang ra một cuốn album ảnh cho tôi xem. Tôi để ý có một ảnh chụp cách đây vài năm, lúc Ivanka còn để tóc ngắn. Bây giờ tóc cô đã dài trở lại, qua cha Svet, tôi nói: “Tôi thích cô để tóc dài hơn. Như thế mới có vẻ cô không thay đổi chút nào, mặc dù những gì đã xảy ra. Cô vẫn y như thế, dù đã 21 tuổi rồi.”

    Từ đó, cô tươi hẳn lên, rồi bắt đầu nói chuyện về đám cưới sắp tới của cô, một chuyện xem ra hãy còn giữ bí mật - trừ ra một số bạn thì biết, tức là tất cả Mễ Du đều đã biết. Tôi mỉm cười nói: “Thôi, tôi sẽ không hỏi cô câu hỏi ai cũng đặt ra (bao giờ làm đám cưới?). Tôi chỉ nói tôi rất mừng cho cô, và tôi nghĩ đó là việc rất tốt.”

    Đây đúng là một cuộc trò chyện hơn là một buổi phỏng vấn, khi chúng tôi tiếp tục nói chuyện với nhau về Mễ Du. Và rồi tôi hỏi: “Các bạn sẽ sống ở đây sau đám cưới - ở ngay Mostar này?”

    Cô đáp: “Không, chúng tôi muốn trở về Mễ Du”, và tôi cảm thấy cô có vẻ hơi lo lắng về việc này. Rồi cô nói tiếp: “Tôi không biết làm sao nữa.” Khi nói, cô cứ nhìn thẳng vào tôi. Chúng tôi nói chuyện kiểu mắt-đối-mắt, mặc dù cha Svet đang thông dịch. Và một lần nữa, cũng như đối với Marija, tôi không còn là một nhà báo, tôi là một người bạn.

    Bỗng nhiên cô hỏi tôi: “Ông có nghĩ tôi sẽ có thể trở về Mễ Du và sống một cuộc sống hạnh phúc, yên tĩnh với chồng tôi không?”

    Tôi buồn bã nhìn cô và lắc đầu: “Không đâu Ivanka, tôi không nghĩ cô sẽ được ở yên. Người ta sẽ không để cô yên. Họ còn muốn tiếp tục đến với cô, và cuộc sống của cô sẽ bị phiền toái hơn nữa, bởi vì cô đã có gia đình.”

    Đôi tay cô nắm chặt lại: “Tôi không biết phải làm sao!”

    Tôi xích lại gần và đặt bàn tay lên cánh tay cô nói: “Suốt những năm qua, cô đã phó thác cho Đức Mẹ hướng dẫn cô. Đức Mẹ đã đến với cô, ban cho cô ơn gọi này, và đã hướng dẫn cô theo đường lối này. Người đã chúc lành cho đời sống hôn nhân sắp tới của cô, tuy trước đó Người đã đề nghị cô một đời sống tu trì. Nhưng khi cô nói muốn chọn cuộc sống hôn nhân, thì Người bảo tùy cô định đoạt, và Người đã chúc lành cho việc cô đang làm!” Ngưng một lát, tôi tiếp: “Ivanka ạ, Đức Mẹ sẽ tiếp tục chăm sóc cô!”

    Đức Maria. Phía sau là Lm
    René Laurentin, một thần học gia
    nổi tiếng, đang chăm chú khảo sát…



    Nét mặt cô lúc ấy trông rất tức cười, như thể muốn nói: Phải, phải, ông nói đúng! Và đột nhiên, tôi hoảng hốt tự hỏi: Tôi nghĩ mình là ai mà lại dám ngồi đây, nói với một thị nhân đã từng nhiều năm được diện kiến Đức Maria hằng ngày, rằng mọi sự sẽ êm xuôi? Nhưng tôi đã tuôn ra như vậy vì ý thức về nỗi lo âu của cô.

    Ngay lập tức, chúng tôi nhìn nhau và phá lên cười, vì cùng một lúc kinh ngạc về một hoàn cảnh khó có thể xảy ra như vậy lại đã xảy ra.

    Tôi quay sang cha Svet và nói: “Tôi không biết mình đang làm gì, khi bảo cô ấy những thứ đó.”

    Cha chỉ cười và nói: “Tốt thôi, cô ấy đã được tiền định phải nghe những lời anh nói đấy.”

    Sau đó, chúng tôi trở thành bạn thân, tán gẫu không ngớt, cho đến lúc cha Svet nhắc tôi là họ chưa ăn tối. Thế là chúng tôi chia tay, khi Ivanka hôn chào tôi, tôi nói: “Hẹn gặp lại ở Mễ Du.”

    Vẫy tay chào tạm biệt, Ivanka nói: “Dạ, như vậy tốt lắm!” Giã biệt cha Svet còn khó hơn nữa. Chúng tôi tìm được một nhà hàng yên tĩnh ở một trong những khách sạn tại Mostar, và có một bữa ăn tối với cuộc chuyện trò tuyệt vời. Khi chúng tôi chia tay nhau thì đã nửa đêm. Điều an ủi duy nhất cho tôi là bây giờ tôi biết mình sẽ trở lại - không phải chỉ một lần.

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 03:25 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh