Register
Page 2 of 7 FirstFirst 1234 ... LastLast
Results 11 to 20 of 64

Thread: Điểm

  1. #11
    .. đây đó .. HoangVan's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    6,097





    .....Bố tôi không phải là nghệ sĩ. Ông, nói của đáng tội, đã từng là nhà báo. Mặc dầu cũng động tới chữ nghĩa, nhưng nhà báo vẫn có cái gì nó khác với nhà văn (tất nhiên không kể những người có hai nghề nhập một). Nhà báo không có tính lập dị thường gặp ở các nhà văn và các văn nghệ sĩ, hay là tính cách kỳ quặc nào đó ở họ mà người đời quy cho là lập dị. Có điều, như một người thuộc lớp nho sĩ cuối cùng còn rớt lại, mặc dầu có Tây học, ông thích cuộc sống thanh đạm và rất yêu hoa. Trong nhà tôi, kể cả những lúc khó khăn nhất, bao giờ cũng có hoa. Trước khi ông đi tù, ở nhà tôi là một vườn phong lan đủ loại, nổi tiếng trong những vườn phong lan ở Hà Nội.

    Tết nào ông cũng cầu kỳ chơi hai thứ hoa: thủy tiên và đào.

    Thủy tiên là thứ hoa không bình dân. Nó không thèm nở nếu chẳng may rơi vào tay người không biết thưởng thức. Để cho thủy tiên nở, phải biết nghệ thuật trổ thủy tiên. Con dao dùng để trổ thủy tiên không phải là con dao bài bất kỳ, mà là một con dao dùng riêng cho nó. Bố tôi mua củ thủy tiên về, giá rất đắt, phải nhập khẩu chứ nước ta thời ấy chưa có cơ sở gây trồng. Thủy tiên có bề ngoài giống củ hành tây lớn, rất tầm thường, chẳng hứa hẹn một chút hương sắc nào. Chuẩn bị cho việc gọt thủy tiên, bố tôi hì hục mài dao cho tới khi nó bén đến mức đặt sợi tóc lên lưỡi dao mà thổi phù một cái thì sợi tóc lập tức bị đứt đôi, và đầu nhọn của nó thì chỉ vô ý chạm ngón tay vào là máu ứa ra liền. Rồi ông còn phải ngắm nghía hồi lâu cái củ hành nọ, cho tới khi quyết định đặt nhát cắt đầu tiên lên mình nó. Những nhát cắt, nhát trổ chính xác được ông cân nhắc từng tý, cho tới khi hài lòng đặt nó vào cái bát thủy tinh, cũng lại là thứ dành riêng cho nó.

    Mẹ tôi chăm chú theo dõi bàn tay khéo léo của bố tôi xoay quanh củ thủy tiên. Bà cũng là người khéo tay, nhưng khéo tay ở những việc khác, chứ trổ thủy tiên thì bà chịu. Những Tết bố tôi ở trong tù, trên bàn thờ ông bà ông vải chỉ có hoa huệ, thủy tiên thì hoàn toàn vắng bóng. Hoa thủy tiên bắt đầu trổ những cánh xanh mập mạp cũng chẳng khác lá hành là mấy, nhưng chúng nhỏ nhắn, ngắn và không vươn quá thành bát đựng. Người gọt khéo có thể định đúng ngày hoa nở, khéo hơn nữa có thể đúng đến cả giờ.

    Thủy tiên do bố tôi gọt khi nào cũng nở hết số hoa nó chứa trong mình vào đúng giao thừa, chính xác vào cái giờ khắc thiêng liêng nhất của sự giao hòa giữa người cõi âm và người cõi dương, giữa tổ tiên và con cháu. Bố tôi đứng lặng trước bàn thờ ông bà, đầu hơi cuối. Mẹ tôi đứng sau ông thì thầm khấn vái. Hương trầm ngát trong nhà. Rồi pháo của một nhà nào đó nổ vang, kéo theo sau nó cả một đợt sóng triều tiếng pháo râm ran.

    Tôi không bao giờ thấy được hương thủy tiên vào lúc thủy tiên nở hết hoa của nó trong hương trầm và khói pháo. Sáng sớm mồng Một, rất sớm, khi trời đất đã lặng đi mọi tiếng động của sự đón Xuân, lúc ấy mới thấy được hương thủy tiên thoang thoảng. Đó là một hương thầm ẩn nấu, thoang thoảng mà kiêu sa. Nó không để lại trong tôi một ấn tượng rõ rệt nào. Tôi cũng không cảm nhận được cái đẹp của hoa thủy tiên. Mà cũng có thể đó là do ảnh hưởng câu chuyện chàng Narkissos trong thần thoại Hy Lạp mải mê ngắm sắc đẹp của chính mình trong nước suối, mải mê đến nỗi ngã xuống mà chết đuối, trở thành loài hoa nọ. Tôi không thích những người say mê chính mình.

    Sau khi bố tôi qua đời, chẳng bao giờ trong nhà tôi còn có hoa thủy tiên nữa …








    Last edited by HoangVan; 02-24-2013 at 07:33 PM.
    .. tựu rồi tan ..

  2. #12
    Biệt Thự bonita's Avatar
    Join Date
    Sep 2012
    Posts
    1,517
    hoa thủy tiên có phải là narcisse không anh HV ?
    bo thích hương thơm của jacinthe hơn @};-


    Hoa Thủy Tiên

    Nhạc Sĩ Lê Thương - trình bày Khánh Ly



    Một nghìn năm trước
    Trong đời Trần Nam quốc
    Có cô công chúa loà
    Cả đời nuôi nấng hoa
    Trời làm nắng gió
    Sau một chiều giông tố
    Các hoa trên gác lầu
    Phải một cơn đớn đau
    Nàng bạch mẫu đơn
    Trôi lạc mất con
    Khấn xin công chúa loà
    Tạ đền nụ hoa cho bà
    Lòng nàng công chúa
    Thương người và hoa quá
    Đến đêm xin khấn trời
    Xin đền nụ hoa đã rơi
    Nàng bày trên gác
    Ước chừng mười tô nước
    Khấn xin ba tháng ròng
    Nhưng trời chỉ cho nước trong
    Ngày tháng chóng qua
    Thu hè đã xa
    Cuối đông năm đó trời
    Cho nàng thuỷ tiên xuống đời
    Nằm chìm trong nước
    Đang chờ thời gian lướt
    Thấy cô công chúa loà
    Cô nàng thuỷ tiên tiến ra
    Trình bày trên bát
    Ba lòng vàng thơm ngát
    Khiến cho đôi mắt loà
    Của nàng công chúa sáng ra
    Nàng mở mắt xong
    Trông vào tô nước trong
    Thấy xuân năm đó trời
    Cho nàng thuỷ tiên xuống đời


    Last edited by bonita; 02-23-2013 at 02:05 PM.

  3. #13
    .. đây đó .. HoangVan's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    6,097




    .. Thủy tiên là Narcisse đó TT .. @};- @};- .. anh nhớ là Jacinthe thơm nhiều và nồng hơn, còn Narcisse thì thoang thoảng như VTH nói .. @};- @};- ..



    .. tựu rồi tan ..

  4. #14
    .. đây đó .. HoangVan's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    6,097





    .....… Nhưng hoa đào thì không bao giờ vắng bóng trong những ngày Tết gia đình, với cách thưởng thức truyền thống mà những thế hệ đi trước để lại.

    Trước Tết một tháng, bố tôi, thường có tôi đi theo, đạp xe lên vùng Quảng Bá, Nhật Tân, Nghi Tàm, nơi có những nhà trồng hoa cha truyền con nối. Cùng với một chủ vườn nào đó đã trở thành người quen, bố tôi đi thăm vườn và xem xét kỹ từng gốc đào để rồi cuối cùng chọn lấy một cành thấp, ưng ý nhất. Tiền đặt mua cành đào được trao ngay cho chủ vườn. Giá thường rất rẻ, vào lúc ấy chưa có ai mua đào. Ông chủ vườn rút con dao nhíp trong túi ra, đánh dấu cành đào dành cho bố tôi. Chắc chắn nó sẽ không bị bán vào tay ai khác. Bố con tôi hài lòng ra về. Tôi biết, trong óc bố tôi đã hiện lên cành đào trong tương lai sẽ được đặt ở đâu, trong cái bình nào ở nhà mình trong ngày Tết.

    Khoảng hai bảy, hai tám tháng Chạp, bố tôi mới lên vườn nhận cành đào về. Ông chủ vườn trao cành đào cho bố tôi với vẻ tiếc rẻ, không ngớt lời khen bố tôi có con mắt tinh đời. Nhưng đó là cách đánh giá của hai người biết chơi hoa với nhau. Người thường sẽ không mua cành đào này. Nó xù xì ở phần gốc, có mấy cành đua dài và gân guốc, trên đó chỉ thấp thoáng một số nụ.

    Sau đó là phần sửa soạn cho cái đẹp của cành đào. Bố tôi còn ngắm nó chán chê rồi mới lấy dao cắt bỏ một số cành con, đem thui phần gốc, rồi trịnh trọng đặt cành đào vào trong lọ độc bình. Đó là một cái lọ lớn, thường là lọ sành da lương mộc mạc, nhưng phải thấp, miệng rộng, rất bình dị, đến nỗi khi cành đào đã ngự trong đó thì không còn nhìn thấy cái lọ đâu nữa. Cành đào được đặt trong góc nhà. Những cành đua của nó hướng về phía cửa, khách vào có thể nhìn thấy những cánh tay của nó vươn ra chào đón.

    Cũng như thủy tiên, cành đào sẽ nở rộ vào đêm trừ tịch.


    _ Chơi hoa là cách con người tìm niềm vui, tìm tâm trạng thư thái trong mối giao hòa với thiên nhiên _ bố tôi ngồi ngắm nó, tâm sự với tôi trước cành đào _ Người ta chỉ có thể đón thiên nhiên vào nhà mình, chứ không thể mua thiên nhiên đem về hoặc tệ hơn, áp giải nó về với mình. Vì vậy mà cái bình phải khiêm tốn để tôn vẻ đẹp của cành đào, của mùa xuân. Cành đào đẹp trước hết là ở cái dáng, cái thế của nó: phần gốc xù xì cho ta cảm giác về sự vững bền của nền tảng, những cành đua không nên nhiều quá để tạo ra cảm xúc thanh thoáng, khoáng đạt.

    Bố tôi không thích những cành đào rực rỡ quá, khoe khoang quá, hợm hĩnh quá.


    _ Đào như thế này đẹp hơn nhiều, cánh của nó chỉ phơn phớt một màu hồng nhạt, vừa có duyên, vừa thầm kín. _ bố tôi dạy _ Người Nhật thích màu hồng của hoa sakura - anh đào, có dễ cũng vì lẽ đó. Tín đồ của Thần đạo không chịu nỗi những hương sắc quá thế tục. Thêm nữa: trên cành đào Tết không nên có quá nhiều hoa. Lá xanh bên cạnh hoa làm tăng vẻ đẹp của hoa lên. Tất nhiên, mỗi người một ý, nhưng ông nội con và bố đều không ưa những cành đào đầy ắp hoa, cành nào cành ấy đều đặn, trong xa như một cái nơm. Đã thế có người lại còn cắm cái nơm đào ấy vào cái lọ độc bình cổ cao, bằng sứ, với đủ mọi hình vẽ cầu kỳ sặc sỡ, rồi đặt nó ngất nghểu trên bàn thờ ông vải nữa chứ. Không, chỗ của đào không phải ở đó. Bố thích đặt nó ở đây dưới đất, ngang tầm với mình.









    Last edited by HoangVan; 02-24-2013 at 07:34 PM.
    .. tựu rồi tan ..

  5. #15
    .. đây đó .. HoangVan's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    6,097





    .....Tôi kể cho Nguyễn Tuân nghe cách bố tôi nhìn vẻ đẹp của cành đào. Ông tủm tỉm cười:

    _ Về đại thể, bố anh đúng. Nhưng ông ấy cũng có mắc một chút bệnh giải thích. Cái đẹp, theo tôi, là cái không giải thích được. Chỉ có thể cảm nhận được nó mà thôi. Bố anh cũng chẳng giải thích nổi tại sao ông đã cắt đi một cành con này mà không phải một cành con khác, tại sao ông giữ cành đua này mà lại bỏ cành đua kia, cái cành được để lại ấy gợi nên trong lòng ông cảm xúc gì. Còn về phần màu xanh của lá trên cành đào thì ông ấy đúng hoàn toàn. Hay gì một cành đào chi chít hoa? Nó làm ta phát ngán. Mùa xuân thì phải có màu xanh của lá, của sự đâm chồi nảy lộc, mới là xuân!

    Bây giờ, cả bác Nguyễn Tuân, cả bố tôi, đều đã khuất núi. Chỉ còn lại cái đẹp của hoa xuân mà hai ông tâm đắc ở trong tôi.

    Và nỗi bùi ngùi mỗi lần Xuân đến.


    Sương Xuân và hoa đào
    Vũ Thư Hiên 1997









    Last edited by HoangVan; 02-24-2013 at 07:35 PM.
    .. tựu rồi tan ..

  6. #16
    .. đây đó .. HoangVan's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    6,097






    Ðường Chiều Lá Rụng
    Quỳnh Giao (theo nguoi-viet.com, 01-02-2013)



    .....Một buổi chiều cuối năm, chúng tôi cùng hát với nhau dù chỉ được một phần cả Ngàn Lời Ca của Phạm Duy. Trong có 24 tiếng để anh chị em tổ chức một buổi sinh hoạt impromtu mà trang nghiêm, Quỳnh Giao nhận lời hát Kỷ Niệm và Ðường Chiều Lá Rụng.

    Kỷ Niệm là ca khúc vừa sáng tác xong là Phạm Duy đưa cho con bé hát trên đài phát thanh. Hơn hai chục năm sau đó, khi mình còn ở miền Ðông và thực hiện lấy băng nhạc Hát Cho Kỷ Niệm theo lối thủ công nghệ, ông cẩn thận gửi lời giới thiệu qua một cassette. Ðấy là kỷ niệm khó phai, nghe lại là nhạt nhòa nước mắt.

    Còn Ðường Chiều Lá Rụng là một dấu ấn khác của Phạm Duy, được ông viết khi còn trẻ, vào năm 1965, căn cứ theo tập nhạc “Hát vào Ðời” xuất bản năm 1969. Nhưng trong cuốn “Ngàn Lời Ca,” thì ông viết từ năm 1958, sau khi đi du học bên Pháp về. Ðiều này có lẽ cũng đúng, vì ông đã dùng những điều học được áp dụng cho ca khúc. Ðây là bài hát có nhạc thuật cao nhất của ông, với nét ngũ cung u uẩn và những chuyển đoạn liên tục, vừa khó hát, khó nghe và khó hòa âm.

    Năm đó, khi vừa ráo mực, ông đưa tác phẩm cho nhạc sĩ Vũ Thành. Là trưởng phòng văn nghệ của đài Phát Thanh Sài Gòn và trưởng ban nhạc đại hòa tấu và hợp xướng Phương Hoa, Vũ Thành cũng cộng tác với đài Tiếng Nói Tự Do của Hoa Kỳ, chuyên phát các chương trình ra miền Bắc. Nổi tiếng khó tính, Vũ Thành lưỡng lự khi soạn hòa âm, vì Ðường Chiều Lá Rụng không dễ viết.

    Nguyên tác của Phạm Duy là nhịp ý dìu dặt thiết tha trên ton Si thứ với nhiều quãng năm giảm (quinte diminué) làm nhiều ca sĩ trẹo lưỡi. Hát đúng giọng thì phải xuống nốt Fa thăng thấp (dưới hàng kẻ ba dòng) và lên nốt Fa thăng cao nhất (dòng kẻ thứ năm). Vũ Thành sửa lại, dùng nhịp 4/4 theo lối chậm rãi kể lể của một bản Slow và viết nhiều nốt liên ba (triolet) trong toàn bài, rồi còn hạ một cung, tức là ton La thứ. Viết xong, Vũ Thành quyết định thu thanh cho chương trình của đài Tiếng Nói Tự Do để phát ra Bắc, và vì thế trong Nam mình không được nghe.

    Ông chọn Thái Thanh để trình bày tác phẩm bất hủ này. Ðấy là một chọn lựa tuyệt vời.
    Thường ngày Thái Thanh vẫn nổi tiếng là cường điệu. Bà làm cho ca khúc thổn thức rũ rượi hơn và nồng nàn hơn nguyên bản. Nhưng với Ðường Chiều Lá Rụng qua hòa âm Vũ Thành thì mọi lối quằn quại điệu nghệ bỗng nhiên biến mất. Bài hát quá khó, khiến bà phải cẩn trọng từng chữ, hát sai và không theo dàn nhạc thì Vũ Thành “quạt” ngay, chẳng nể nang ai cả!
    Thái Thanh hát nghiêm chỉnh, lại có cả dàn phụ họa của Anh Ngọc, Nhật Bằng, Phượng Bằng, Kim Tước, Mai Hương và Quỳnh Giao nữa, nên ca khúc là một tuyệt chiêu.
    Như có lần người viết đã kể, khi di tản năm 1975, tài sản duy nhất được Vũ Thành đem theo là một số băng ghi âm các ca khúc quý giá ông làm cho đài Tiếng Nói Tự Do. Trong đó có Ðường Chiều Lá Rụng.

    Tại hải ngoại, khi thực hiện đĩa nhạc thứ hai với tên Tiếng Chuông Chiều Thu, Quỳnh Giao chọn Ðường Chiều Lá Rụng vì yêu mến tác phẩm trứ danh này. Nhưng đưa cho Duy Cường nghe tape nhạc Vũ Thành thì bị lắc đầu: “Em không bao giờ làm giống ai và chẳng bị ảnh hưởng của ai hết!” Ðúng quá chứ! Rồi Duy Cường cũng loay hoay mãi không viết được. Anh không chịu đổi qua nhịp Slow như Vũ Thành, dù nhịp này dễ hát hơn nhiều.
    Cuối cùng Duy Cường hòa âm theo kiểu ad lib, là tự do, chẳng có nhịp gì hết.
    Cái khó là xưa nay ca sĩ hát ad lib thì nhạc sĩ đệm theo, chứ bao giờ lại có sự ngược là nhạc sĩ đàn ad lib và ca sĩ phải hát theo! Cường nói: “Chỉ có chị mới hát theo dàn nhạc được, và vì chị nên em mới thử nghiệm điều này.”

    Hôm thu âm tại phòng thu Tomlinson, Phạm Duy đến nghe. Cô cháu hát thử câu đầu “chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều” bằng hai cách. Cách thứ nhất gần giống lối diễn tả của Thái Thanh, là láy vào chữ “vắng” và chữ “rơi.” Cách thứ hai là chỉ láy vào chữ “ta” mà thôi. Và hát rất đều giọng, nghiêm trang. Phạm Duy chọn cách thứ hai. Viết lại như vậy để chúng ta hiểu ý người sáng tác.

    Cho tới giờ dường như số người hát Ðường Chiều Lá Rụng chỉ đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Riêng Phạm Duy thì nhắc đến ba người là Thái Thanh, Kim Tước và Quỳnh Giao. Mà người nghe chắc cũng ít. Nhạc đã thế, lời ca lại chẳng nhắm vào cảm quan mà đầy não tính...

    Quỳnh Giao đã viết nhiều nên không dám nói thêm về các lời từ của Phạm Duy khi ông đưa tình yêu lên tận cõi chết. Ðường Chiều Lá Rụng là một tiêu biểu rực rỡ và rã rời nhất với hình ảnh đầy chất siêu thực. Nhưng giờ đây, khi ông đã ra đi, mà mình hát lại với nước mắt lưng tròng thì ca khúc lại tái sinh như một bức họa. Ông chuyển cung như dùng màu sắc để đổi ánh sáng và có nhiều câu báo hiệu lối viết sẽ thấy ở Trịnh Công Sơn về sau.

    Một kỷ niệm cuối là khi ghi âm bài này với hòa âm của Duy Cường, Quỳnh Giao đã ỷ vào chỗ thân tình mà xin sửa một chữ ở câu cuối! Phạm Duy nghe lại, gật gù và cho phép!


    Chiều tan trên đường tối, có ta như rã rời
    Hồn ta như gò mối, đang chờ phút đầu thai.


    Quỳnh Giao xin phép hát là


    “Hồn ta như gò mối, IM chờ phút đầu thai...”


    Lá đã rụng, ông đã im. Chúng ta đang chờ ông trở lại.


    Quỳnh Giao, 01-02-2013








    .. tựu rồi tan ..

  7. #17
    .. đây đó .. HoangVan's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    6,097






    Tô phở không mùi
    Võ Phiến - trích từ “Văn phong, nhân cách” (theo tienve.org)



    … …

    .....Văn chương nghệ thuật không phải là chỗ phô trương những phong cách người Trời, những phong cách anh hùng chí sĩ. Thường khi, trái lại. Trong hội họa có thứ tranh quyến rũ vì sắc màu xanh lướt bệnh hoạn, vì những chiếc cổ dài ngoẳng, những bộ mông tục tĩu, trong thi ca có thứ thơ thu hút người vì vần điệu âm u, ảm đạm.

    Nhân cách được phân biệt theo thiện ác; văn phong không có văn phong thiện với ác, chỉ có văn phong đẹp với xấu. Và cái hỏng nặng nhất cho người làm văn thơ là không có được một phong cách, dù chuyên làm văn thơ yêu nước thương nòi. Ì ạch viết suốt một đời mà xem ra chẳng thấy một phong cách gì: Chuyện khổ não ấy lại xảy ra đều đều.

    *

    .....Ta liên tưởng đến một chuyện khổ não trần gian khác, cũng lại thường xảy ra: tô phở không mùi.

    Trong tác phẩm của Thế Giang có lần hai người trẻ tuổi nói chuyện về phở Thìn ở Hà Nội. Một người bảo: “Cậu thử tưởng tượng xem, về khuya đi ngược gió đông, cách cả trăm thước mà cái thằng phù thủy ấy nó giở nắp thùng lên thì có sởn gai ốc không hả...? Trong túi không có tiền thì bỏ mẹ!” Rồi người ấy lại bồi thêm câu nữa: “Thế mới là phở chứ những chỗ cậu kể đi sắp ngã vào nồi cũng không hay, bát phở bưng đến trước mặt, mở mắt ra mới biết thì còn gì là phở?” (Thằng người có đuôi) Ôi! thật xứng đáng là những lời vàng ngọc về cái chân lý phở.

    Hình như cổ nhân đã bận tâm nhiều lắm về mùi thơm của các món ăn. Trong vài món phổ biến như phở Bắc như bún bò Huế, mối bận tâm ấy từng thể hiện nơi chiếc muỗng và cái tô chẳng hạn. Tôi có cảm tưởng bát bún bò ngày xưa bưng ăn ở Huế nó nhỏ hơn ngày nay nhiều. Xưa kia, nó là cái bát tai bèo, vừa bé vừa cạn lại vừa dày cộm: dung lượng được mấy? Vì thế, thực khách có thể “thanh toán” bát bún bò tiền chiến thật nhanh chóng, thanh toán trong khi nó còn nóng hôi hổi, bốc hơi ngào ngạt. Bát bún bò mỗi ngày mỗi nở lớn thêm. Bát lớn quá, ăn mãi một hồi lâu chưa chịu hết, tất nguội lạnh, còn có mùi thơm nào bốc lên từ đống đồ ăn lạnh lẽo ấy nữa? Vả lại, bạn nghĩ coi: người hàng bún chỉ rắc hành tiêu lên mặt một lần, lúc làm xong bát bún bưng mời bạn xơi, chứ có ai đứng mãi bên cạnh mà hầu bạn, mà thỉnh thoảng lại chồm vào rắc hành rắc tiêu cho bạn đâu? Chút hương liệu rắc lên mặt làm sao thơm đến tận đáy bát? Thành thử bảy tám phần mười bát bún lớn, bạn ăn không mùi.

    Tô phở nó lại càng lớn mạnh hơn nữa theo thời gian: phở tàu bay, phở tàu ngầm, phở xe lửa v.v... Toàn thể các loại phở “jumbo” ấy là những đấng khổng lồ làm khiếp vía các bậc phở tiền bối. Tại sao không tiếp tục giữ kích thước khiêm tốn cũ: mỗi lần ngon trớn, có đầy đủ yên-sĩ-phi-lý-thuần, ta gọi tiếp tô phở mini thứ nhì, có sao đâu?

    Đó là chuyện cái tô. Lại còn vấn đề chiếc muỗng. Ngày còn học ở Huế, mỗi khi ăn bún bò, cả bọn chúng tôi ở cùng một nhà trọ thường ăn cái bún bò gánh đi bán dạo. Bà hàng bún làm xong bát bún hình như chỉ đặt ngang một đôi đũa trên miệng bát trước khi trao cái bát tai bèo đang bốc hơi vào tay thực khách. Tôi không nhớ có kèm theo muỗng. Chúng tôi vừa ăn vừa húp nước xùm xụp.

    Trước kia, trên đường Nam tiến món phở chưa vượt qua sông Gianh, tôi không biết lối ăn phở theo phép tắc ngày xưa nó ra thế nào. Bây giờ thỉnh thoảng có bậc tuổi tác gốc miền Bắc nhắc rằng ăn phở trước kia cũng không hay dùng đến muỗng. Lý do là muỗng nó hại mùi.

    Hãy tưởng tượng, nấu một món ăn vương giả thơm lừng dưới bếp, mà bao nhiêu vị khách quí thì say sưa bàn những vấn đề quốc quân trọng sự trên phòng khách. Để tỏ lòng ngưỡng mộ một vị thượng khách kính yêu nào đó, ta muốn cho vị ấy nếm thử món ăn đang ở thời điểm thơm ngon nhất. Ta lấy chiếc thìa con múc đầy một thìa, run rẩy mang lên phòng khách trút vào mồm thượng khách kính yêu. Kết quả ra sao? Kết quả là thượng khách đớp phải một món ăn vô vị: món ăn còn đó mà mùi thơm đã chết mất dọc đường. Món ăn dù quí đến chừng nào mà chỉ “trích tuyển” ra một muỗng con, mang đi vòng vo, thì cũng không còn giữ được hương vị nữa.

    Vì thế cái muỗng phở trích tuyển đưa lên mồm nó cũng chịu ít nhiều thiệt thòi. Chịu khó bưng tô phở lên mà húp thì mồm chỉ húp một ngụm mà mũi hưởng được cái thơm của cả tô. Nếu quả thật trước kia ăn phở không dùng muỗng thì, một lần nữa, các bậc tiền hiền lại đáng ca ngợi.

    E có kẻ cho rằng tôn kính tiền nhân thì nên để trong lòng, còn ngoài mặt hãy nên dung hòa với phép ăn uống của địa phương: ngồi ở một tiệm ăn trên đất Hoa Kỳ, bưng nguyên cái bát to tướng lên mà húp, có khó coi chăng? Lấy con mắt người Mỹ mà coi, có khó thật. Nhưng một khi người Mỹ cũng bưng bát lên húp, thì cái coi không còn khó nữa. Tại các tiệm ăn Nhật, thỉnh thoảng người ta vẫn có dọn những món xúp không ăn bằng muỗng. Thật tình mà nói, riêng phần tôi, tôi chỉ gặp một thứ xúp lỏng, ngửi qua mùi chẳng thấy thơm tho gì, thế nhưng theo phép vẫn bưng cả tô để thưởng thức cái mùi mà mình chưa quen. Các thực khách người Mỹ chung quanh cũng vui vẻ làm như thế cả. Không khó coi là mấy.

    Mùi thơm của một món ăn, người ta bảo vệ nó cẩn thận như thế, vai trò nó quan trọng như thế, cái thế giá của nó cao như thế, mà sự lợi ích “cụ thể” của nó ra làm sao? Nói về phở chẳng hạn: Phở là món để ăn, không phải để ngửi. Xưa nay thiên hạ hăm hở vào tiệm phở không phải cốt mua lấy tô phở, ngồi ôm hít một lát rồi ra đi thỏa mãn. Đó không phải cách thưởng thức phở chính thống. Ấy thế mà cái phở không thơm, cái phở “đi sắp ngã vào nồi cũng không hay” thì lại không “còn gì là phở”! Có kỳ cục không chứ?

    Phở cốt để ăn, vậy cái thực chất của phở là bánh phở, là nước dùng, là miếng thịt, là những sách những nạm v.v..., đó mới là những cái cụ thể để hưởng, còn thơm với không thơm thì hưởng ra làm sao? Thơm không phải là cái ngon của phở; chẳng qua nó chỉ báo hiệu cái ngon. Thưởng thức cái ngon thì được, thưởng thức cái... báo hiệu thì thưởng thức làm chi? Vậy mà không báo hiệu thì... “còn gì là phở”! Kỳ cục thật.


    .....Kỳ cục như văn thơ. Đọc Nguyễn Tuân chẳng hạn là để xem chuyện cô Tơ chuyện cậu Lãnh Út, chuyện cái da cái tóc của chị Hoài, cái cười cái nói của phu nhân họ Bồ v.v... nó ra làm sao. Đó mới là thực chất cụ thể. Ăn phở thì ăn thịt ăn bánh, còn cái mùi chỉ để... ngửi chơi. Đọc sách thì đọc chuyện đọc ý, còn phong thái là cái vô hình phảng phất, chỉ để... ngửi chơi. Vậy mà chính cái đó mới làm cho Nguyễn Tuân thành Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính thành Nguyễn Bính, Phan Khôi thành Phan Khôi, cũng như xưa kia cái văn phong đó đã làm cho Lý Bạch thành Lý Bạch, Tô Đông Pha thành Tô Đông Pha v.v... Cái đó chứ không phải là những tài tả cảnh hay ho, là những tư tưởng cao siêu nào.

    Hôm nay chúng ta nói lếu nói láo về cái mùi của văn thơ, về chuyện ngửi văn thơ, đừng tưởng là có gì mới mẻ. Người xưa đã từng có lần mắng cái mũi vô duyên của mình khi nó sục sạo, ngửi phải câu thơ thi xã đấy.


    Võ Phiến, 09-1989








    .. tựu rồi tan ..

  8. #18
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    Tô phở nó lại càng lớn mạnh hơn nữa theo thời gian: phở tàu bay, phở tàu ngầm, phở xe lửa v.v... Toàn thể các loại phở "jumbo" ấy là những đấng khổng lồ làm khiếp vía các bậc phở tiền bối. Tại sao không tiếp tục giữ kích thước khiêm tốn cũ: mỗi lần ngon trớn, có đầy đủ yên-sĩ-phi-lý-thuần, ta gọi tiếp tô phở mini thứ nhì, có sao đâu?
    Trộm nghĩ, việc ăn phở cũng giống như lấy vợ. "Lấy vợ thì lấy liền tay". Ăn phở thì không chờ lúc nguội. Lấy vợ chỉ một lần là ngán. Ăn phở chỉ được bát đầu. Sang đến bát thứ hai là hết ngon. Cái nhẽ xưa nay vẫn thế. Chứ nề chi cái bát lớn nhỏ. Sách có chép "người ta không tắm hai lần trên cùng một giòng sông" thì sự ngán ngẩm khi ăn bát thứ hai là việc khả hiểu đặng.
    Đỗ thành Đậu

  9. #19
    .. đây đó .. HoangVan's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    6,097



    .. .. haha .. anh Đậu .. ~o) ..


    "Lấy vợ thì lấy liền tay", đúng vậy! Nhưng trộm nghĩ lấy vợ không sánh được với ăn phở. Một đằng là kết bạn đời, nhận lấy hạnh phúc và trách nhiệm xây dựng một tân gia đình với người mình yêu thương. Đằng kia là để thỏa mản cơn đói và cái thèm của khứu vị giác.

    Nói về phở, thì bát thứ hai ăn vẫn ngon nếu bát đầu là bát mini, húp một loáng đã hết, tránh cho người ăn không ngán vì phở nguội.

    Khi ăn bát phở thứ nhì thì ta đã tắm trên giòng sông khác rồi, vì "không thể tắm hai lần trên cùng một giòng sông" .. ..

    ~o)
    .. tựu rồi tan ..

  10. #20
    ( Ngô Thị Lú tự Lú-Xì ) ntđl's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    1,436
    Chào bác HVn.
    Chào Đậu.

    Cám ơn bác Hvn đã lôi về mấy bài viết quá xá thú vị.
    Nói về hoa đào ngày tết, thì lại nhớ về một kỷ niệm với tía. Có lần... tía đi vét chợ hoa Tân định chiều 30 tết, lượm về một cành đào.
    Chời ơi chời... đào ngày tết là chuyện hầu như hổng thể có, bị vì đào là hoa vương giả, mắc lắm cà, chở hổng như mai vàng dân dã.

    Chợ Tân Định nằm trên đường Hai Bà Trưng. Nhà lồng của chợ nhỏ thôi, chung quanh 4 bên là những sạp rau trái. Và chợ hoa Tân định họp ngay lề đường khúc các rạp rau trái này đây. Tía đi công chuyện chi đó rồi tình cờ ngang chợ hoa chiều. Đây là những người từ miệt Bà Điểm Hốc Môn, hối hả bán tống bán tháo đám hoa ế đậng còn kịp về kịp giao thừa. Bán mà hổng hết thì dục đại lợi, ai muốn cứ việc mót việc rinh.

    Tía mang cành đào xấu xí khẳng khiu, ngó miết mới thấy 1-2 cái nụ còn trốn kỹ trong chặng (hay ngạnh, lâu quá quên mất tên, là chỗ cành trồi ra). Rồi... tía lôi cái độc bình duy nhứt trong nhà, bỏ cành đào dô và xoay quanh nó mần màn cắt tỉa.
    Cắt xong tỉa xong thì đốt gốc đào, xong mới châm nước vào bình. Nghe nói đốt gốc là để hãm cho đám nhựa hổng thể chạy ra ngoài thân từ chỗ cành bị cắt, có thế nó mới tiếp tực mang thức ăn cho đào tăng trưởng.
    Chuyện châm nước bình sau đó là phần của quí nữ, và nó chăm chỉ với bổn phận trong suốt gần cả thàng dài.

    Cành đào hổng thể nở kịp vào sáng mùng một tết, dĩ nhiên. Nhưng mùng 3, khi má sửa soạn nhang đèn tiễn ông bà đi thi nó rục rịch cựa mình thức giấc.
    Hoa đào quê mình có lẽ cũng là loài mận loài mơ nhưng y hình là mận mơ đơn côi, nghĩa là cho hoa lẻ. Rải rác trên cành thấy điểm phớt phớt vài bông cô độc, chớ hổng từng chùm om xòm nở rộ như đám blossom kiểng quê người. Màu nó đằm thắm và tĩnh lặng, phải chú ý kỹ mới nhìn ra, và tía kêu đó là cái duyên ngầm của người đàn bà hương sắc tiềm ẩn. Dĩ nhiên đây là chuyện người lớn nói với nhau, quí nữ nghe rồi ấm ớ hổng để ý chi.

    Đâu đó khoảng mùng 5 tết thì... xuất hiện một nụ con, nhưng hổng phải nụ hoa, rồi cái nụ nọ lớn dần để thành trái đào. Hú la... Dieu soit loué ! Con nghịch nữ mỗi bữa hổng biết xoay quanh trái đào nọ mấy lần đậng dòm chừng. Màu xanh lạt của cái vỏ nọ ửng vàng dần và phơn phớt lông măng. Trái đào là trái chi nó mới thấy đây là lần thứ nhứt và lòng nó rộn ràng mở hội hoa đăng.
    Cùng với trái - 1 trái duy nhứt - cành đào bắt đầu lất phất lá non. Tình say đắm hoa của tía tỉ lệ ngược với độ dày của lá, đám lá tỉnh bơ lấn đất dành dân khiến các bông hoa hết còn chỗ "đứng", chúng lụi đi và rụng hết. Tía bỏ lơ cành đào ngay tắp lự. Còn con nọ, hổng tha với hoa mà cũng hổng thiết với lá, nó chỉ chắm chú tới trái đào, siêng năng châm nước gấp đôi trước để trái mau lớn đậng đớp.

    Một bữa quí nữ qua dì hai chơi cuối tuần, chừng dìa thì... cành đào đã bị má dẹp gọn. Má rửa độc bình mang cất, còn nhánh đào thì bẻ đôi quăng thùng rác. Quí nữ vội vàng đi lục thùng, nhưng... trái đào đã biệt tăm. Má biểu... nó nhỏ xíu như hai hột điều nhập lợi, ăn gì được mà ăn, mà có ăn được thì rác trong thùng mất vệ sanh lắm lận ! Tiếc ơi là tiếc !

    Nay ra xứ người, mận đào apricot bày đầy chợ. Có lẽ cành đảo cũ chính là cành apricot hổng khác ? Thỉnh thoảng ra chợ trái cây ngó ngó rờ rờ, rồi thổn thức kỷ niệm về cành dào của tía năm cũ. Tía mất đã 5 năm, vậy mà vẫn tưởng như mới hôm qua... ( trong lòng con lúc nào hương lài cũng ngào ngạt...)

    Hello Đậu.
    Y hình người ta chỉ bàn giảng giáo lý phở, bị phở mới có giáo lý đậm đức tin. Xưa rày chưa ai đâng đàn thuyết pháp hủ tíu mì, lại càng hổng bàn tán bún riêu hay bún bò huế. Tại sao vậy hở ? Thưa có lẽ phở là của bắc kỳ, và chỉ người bắc mới đủ "trình độ" để lẩn thẩn mần màn... chẻ tóc.

    Ngộ cái... tía tui cũng cứ chẻ y chang, chẻ còn hơn cả má nữa lận, thành hổng hiểu cái gen nọ đã đến từ đâu. Hổng lẽ... tía nhiễm nó từ má vợ !
    Nói nào ngay... tía và ngoại y hình hạp khẩu, tới độ... có lần ức má chi đó tía xài luôn tiếng đan mạch, lúc đó ngoại đứng ngay phía sau. Má hết hồn kéo tay tía lên lớp bài bản, rồi tía được ngoại binh lấy binh để, rằng thằng nọ nói trổng vậy chớ nó có nói mày đâu mà mày cằn nhằn nó.

    Trờ về với tô phờ... hổng ai ăn phở hai tô. Ăn hai tô ớn cái cẳng.
    Thời trước Bắc kỳ ăn phở bằng bát chỉ vì thức ăn hổng dư dả nhiều, ăn lấy hương lấy hoa - rồi ở không mới bức tóc mà chẻ - Đã ăn hương ăn hoa thì sao mà hổng ngon cho đặng hở giời. Nam kỳ cứ rảnh rang là y phép bày bàn nhậu, rượu vào lời ra ồn ào nhặng xị. Ngoắc cần câu xong lăn ra ngủ, chừng tỉnh dậy hết còn nhớ đã xảy ra chuyện gì. Cũng bởi... sống để ăn là slogan thứ thiệt !

    À... bữa hổm đọc được một bài về phở vui qua xá vui, để đi kiếm dán dô cho bà con đọc ké héng.
    Chào bác HVn, chào Đậu, chào cả phố.
    Tui xin phép lui ra.
    Make the long story... short !

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:01 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh