Register
Results 1 to 1 of 1

Thread: Kođk

  1. #1
    Biệt Thự 005's Avatar
    Join Date
    Feb 2013
    Posts
    525

    Kođk

    KHI ÔNG ĐỊA KHÓC
    Huỳnh Ngọc Nga


    Địa đang ngủ ngon bỗng giật mình thức giấc vì những ồn ào vang lên từ phòng ngủ của gia chủ, tiếng chân người dồn dập, tiếng bà chủ vừa kêu con trai gọi điện thoại cứu cấp bịnh viện vừa thúc hối con dâu chuẩn bị những vật dụng cần thiết để đưa ông chủ vào nhà thương.
    Địa nhíu mày suy nghĩ, ủa, ông chủ bịnh gì mà phải khẩn trương như vậy, mới hôm qua ông còn đi đâu bặt tăm suốt ngày làm bà chủ tìm kiếm khắp nơi không đuợc phải khấn Địa xin giúp đở cho ông chủ sớm về và Địa đã phải nhờ đến Táo thần hổ trợ mà. Gì chứ chuyện bạn bè giúp đở nhau là thường, chỉ cần Địa cười hề hà lên tiếng là Táo thần hú gọi đệ tử Thiên Lý Nhãn nhảy phóc lên mây ngó bốn phương tìm chừng khoảng tích tắc thì thấy và báo lại ngay là ông chủ đang ngồi say đắm bên cạnh một cô nàng xinh đẹp tại nhà hàng Ba Cây Dừa ở ngoài thành phố. Biết chuyện, Địa liền vận địa công đến nơi dùng nội lực bỏ vào đầu ông chủ ba tiếng “vợ nhà chờ” và xui cho ông bước chân ra xe về nhà dù trong lòng ông vẫn còn muốn tiếp tục cuộc vui. Công lao đó của Địa được bà chủ thưởng cho mấy chén chè và một nải chuối hương với lời thành tâm cảm tạ.

    ……..Nói ra thì ai cũng nghĩ là Địa ham chè, mê chuối, cứ nghe gia chủ cầu chuyện gì là ba chân bốn cẳng thi hành để được chút ngọt ngào trần thế. Thật ra không phải vậy đâu, Địa dù gì cũng là một vị thần tại gia, một ông thánh trong nhà đuợc Thượng Đế sắc phong để phò hộ độ trì cho những chuyện nhỏ nhặt cần thiết của gia chủ nơi Địa thường trú, chuyện “quà cáp, biếu xén” ăn uống là chuyện tầm thường của chúng sanh, có người “biếu quà” vì lòng thành cảm tạ, cũng có kẻ cố tình “hối lộ” để làm “hư” cái Tâm lành của viên chức nhà trời. Địa biết hết ai “nhơ” ai “sạch” nên cũng tùy chuyện mà đưa tay đỡ đần chứ không phải điều gì gia chủ cầu Địa cũng nhắm mắt giúp liền một khi đâu. Như chuyện hôm qua Địa giúp ông chủ về nhà, một phần vì tinh thần “hổ trợ đạo lý gia đình” tránh cho ông khỏi sa đà rượu, gái có hại cho hạnh phúc lứa đôi..già, và phần khác cũng vì chút ân tình cố cựu với cậu Út nhà nầy nữa.

    Nhắc đến cậu Út và “lứa đôi..già” nầy Địa cũng thấy thương thương. Địa đã sống cùng với họ trên dưới hơn ba bốn chục năm rồi chứ đâu có ít ỏi gì, thuở mà họ còn bần hàn cơ cực sống ở hẻm Trúc Giang gần chợ Xóm Chiếu, quận tư, bên kia cầu Tân Thuận. Ngày đó Viễn – tên ông chủ - còn trẻ lắm, trẻ nhưng nghèo với nghề đạp xe ba bánh cho các gian hàng trong chợ và Hoa – tên bà chủ - cũng duyên dáng mặn mà ở tuổi mới lớn, cô gánh nước mướn làm kế sinh nhai giúp mẹ cha nuôi đàn em nhỏ. Ông trời cũng công bình khi cho con người dù giàu hay nghèo đều có trái tim để biết yêu thương, luyến ái, bởi thế nên anh chàng đạp xe ba bánh đã phải lòng cô gánh nước mướn trong lần gặp gỡ đầu tiên vào một sánh tinh sương khi Viễn chở hoa và Hoa gánh nước cùng đến hàng hoa của bà Hai Huệ bên hông trái chợ Xóm Chiếu. Những cánh hoa cần nước để tươi tròn buổi chợ đâu ngờ là cái duyên khởi cho mối tình của Viễn với Hoa, buổi đầu liếc mắt nhìn nhau để thấy “ăn đèn, hợp nhản”, đến lần thứ hai với câu chào, tiếng đáp thì “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, qua lần thứ ba người ta thấy đôi thùng nước thôi không còn đong đưa trên bờ vai nhỏ của nàng mà nằm chễm chệ trên xe ba bánh được chàng chở đàng hoàng đến nơi phải đến. Và rồi họ cưới nhau, đúng tuổi, đúng thì, đúng luôn cả bề gia thế nghèo khó đôi bên để khỏi phiền phức chuyện “ hộ đối, môn đăng”. Hoa về với Viễn trong ngôi nhà lụp xụp của mẹ chồng ở hẻm Trúc Giang, họ vẫn tiếp tục nghề nghiệp cũ và sống bằng hạnh phúc của đôi vợ chồng mới, nghèo nhưng đầy ắp thương yêu.

    Thế rồi theo thời gian, đời sống xã hội thăng tiến, nhờ sự giúp đỡ của người quen, Hoa tìm được một chỗ trong chợ Xóm Chiếu để mở một hàng cơm tấm, Viễn cũng bỏ nghề chở hàng bằng xe ba bánh để mướn một chiếc xe lam mỗi ngày chở khách kiếm tiền. Thằng Nhất, con Nhì, con Tam, cu Tứ thi đua năm một, năm hai rủ nhau ra đời trong căn nhà nhỏ khiến vợ chồng Viễn càng thêm đầu tắt mặt tối làm việc để đủ tiền vừa nuôi mẹ vừa lo vẹn toàn cho bốn đứa con. Ba đứa con lớn đã đến trường tiểu học gần đó đi học mỗi ngày, sau giờ học, cơm nước, làm bài xong chúng chạy lăng quăng trong xóm, khi đầu hẻm, lúc cuối chợ, con nít Xóm Chiếu mà, có sợ ai bắt nạt đâu mà lo. Riêng cu Tứ mới bốn tuổi đầu, bà nội kêu bằng Út và cưng lắm nên giữ ru rú ở nhà. Nội thả Út đi lủng đủng chơi với mấy cái nồi hư, thau thủng, mấy cái “nắp phén” chai bia nội lượm ở xe nước ngọt đầu hẻm, chơi hoài riết rồi Út cũng chán nên lân la lại bàn thờ ông Địa dưới đất đặt trước tấm vách cây ngăn nhà trên – nhà dưới. Lúc đầu bà nội rầy kéo Út ra vì sợ phạm thượng thần linh quở phạt, sau thấy Út ngoan không đập phá chi hết nên nội làm lơ để Út đùa với Địa cho nội rảnh tay lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa phụ ba má Út.

    Địa hiện diện trong nhà Út từ lúc gia đình nội mới dọn về hẻm Trúc Giang nầy, chính bà nội đi “thỉnh” Địa tại một cửa hàng tạp hóa trong chợ đem về. Địa từ giả các bạn Địa khác của Địa để nhập hộ khẩu nhà Viễn bằng lễ lộc hương khói xác nhận đàng hoàng. Địa vồn dĩ chỉ là một vì quan nhỏ đuợc nhà trời sai xuống giúp đở những chuyện vặt vảnh của chúng sinh, lương hướng tùy tâm gia chủ, Địa không bao giờ đòi hỏi ít nhiều chi hết, cứ Rằm, mồng một nhà nội cúng Phật thì Địa cũng hưởng ké chút chuối, chút hương. Không biết có phải tại danh từ Địa ám chỉ về đất hay không mà Địa thấy nhà nào khi chọn chổ an vị cho các ông Địa cũng đều lập bàn thờ dưới đất, từ cửa ra vào nhìn vào là thấy Địa mĩm cười phô trương cái bụng “quảng đại”chào đón mọi người một cách rất ư là vui vẻ lịch sự.

    Nụ cuời của Địa hịch hạc hiền từ, hiền như cái tâm của Địa vậy đó. Có lẻ vì vậy nên Út nhà ta thích chơi với Địa hơn nghịch đùa cùng nồi hư, thau lủng nội cho. Lúc đầu Địa cũng sợ lắm, sợ cậu Út vụng về có thể ném Địa xuống đất như ném đồ chơi của nội Út thì chắc Địa “tiêu” luôn quá vì dù tên Địa nhưng nếu Út xuống mạnh tay là Địa cũng trở về đất như bao vật chất tầm thường của thế gian nầy. Nhưng không, cậu Út cầm Địa trên tay, xoay trở rồi đưa lên ngắm nghiá y như một nghệ nhân chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của chính mình tạo ra, Út vuốt ve Địa, nhất là cái bụng “bao la” của Địa, xong Út đưa Địa lên mũi hinh hỉnh ngửi như một chú chó con tò mò. Địa nghe nhột nhạt khó chịu lắm nhưng cũng ráng trân mình chịu đựng để xem cậu nhóc chủ định chơi trò gì, bất ngờ Địa nghe Út hôn lên đầu mình một cái chốc rồi Út cười khanh khách, Út nói:

    - Út chở ông Địa đi xe lam như xe lam của ba nghen.

    Miệng lẫm bẫm nói, Út bỏ Địa vào cái nồi hư của nội, Út cột giây nylon vào tay nồi xong kéo nồi chạy vòng vòng khắp nhà, vưà chạy Út vừa kêu “xịch xịch, xịch xịch” như tiếng máy xe. Nội lo bận nấu nướng trong bếp đâu biết rằng cháu cưng của nội đang giỡn mặt Địa thần. Riêng Địa lúc đó dường như quên chức thần, vị thánh của mình mà lại thấy vui vui, nếu người đời thường có mắt thần thông nhìn suốt các cõi ta bà sẽ nghe tiếng Địa cười reo hòa trong tiếng Út làm xe kêu vang khắp nhà. Chạy lâu rồi cũng mệt như xe thật chạy hoài cũng hết xăng, Út cho Địa về an vị chỗ cũ rồi ngồi táy máy “vật dụng” trong nhà Địa, Út lôi “nắp phén” sắp chung với chân đèn, lư nhang như sửa sang nhà cho Địa, Địa thấy “nội thất” nhà mình như lạ và đẹp mắt hơn. Nói chung chung, chuyện gì Út làm cho Địa, Địa cũng thấy hay hết. Không hay sao được vì Út làm với cái tâm vô tư, không cầu khẩn, hứa hẹn đổi chác, trả công chi hết như bao nhiêu người lớn trong nhà nầy. Địa quý cái tâm vô tư đó và ước gì con người ai cũng nghĩ đến Địa bằng sự vô tư trong sáng đó thì tốt biết bao. Và hình như giữa Địa và Út có cái duyên giao cảm nên ngày nào Út cũng đến trước “nhà” Địa mà mở cuộc vui đùa, một thần già, một trẻ nhân gian, sớm tối bỗng dưng trở thành đôi bạn vong niên. Với Út, Địa không phải sợ phạm luật trời nếu phải ra tay giúp đỡ chuyện gì vì thực ra Út có cầu khẩn điều chi đâu, khác hẳn với những người lớn trong nhà khi họ nhờ Địa việc gì Địa phải suy nghĩ xem điều họ xin chánh đáng hay không rồi mới giúp vì nếu lỡ như đó lời cầu khẩn hại người, phá vật thì Địa đành chịu mất xôi, chè hơn lãnh hình phạt thiên đình về tội “đồng lõa” cùng kẻ dữ.

    Ngày nào Út không đến chơi là Địa đã nghe nóng lòng trông đợi rồi, Địa thích nhất màn đi xe lam trong nồi hư Út kéo, Út còn bảo cho Địa thiếu tiền khỏi trả như khách xe lam của ba Út, tính ra thì Địa nợ Út nhiều lắm vì Út đã chở Địa đi suốt mấy năm liền từ ngày đầu tiên đến khi Út bắt đầu đi học và không chơi trò kéo xe với Địa nữa. Tuy vậy, Út không quên hẳn Địa đâu, có điều càng lớn Út càng giống người lớn trong nhà hơn, nghĩa là thỉnh thoảng kêu đích danh Địa để cầu cứu khi gặp chuyện không may, chẳng hạn những lúc không thuộc bài sợ cô giáo kêu lên bảng thì dù trường học với hẽm Trúc Giang cách mấy chặng đường Út cũng lầm thầm kêu Địa giải nguy. Những lúc như thế Địa giận lắm, giận tật làm biếng, tính ỷ lại vào Địa của Út, đó là tật xấu, thói hư nên Địa nhất định không giúp và đành nhìn Út lãnh “trứng vịt”trong sổ điểm dù Út cũng bắt chước người lớn trong nhà hứa cho Địa chè, xôi, bánh trái. Địa bắt đầu buồn kể từ đó, buồn vì thấy con người coi nhẹ thần thánh, xem chuyện tâm linh như một ván bài đổi chác. Buồn thêm vì “tình bạn” bị Út khinh thường đem mua chuộc bởi vật chất thế gian. Nhưng tính Địa vốn xuề xòa, giận đó rồi quên đó vì nói thật ra thì gia đình chủ nhà cũng ăn ở có tình, không gian tham, không lừa đảo dù cuộc sống của họ chẳng khá giả chi, bấy nhiêu đó đủ làm người tốt rôì cũng như Địa vẫn nhớ và chờ có dịp trả món nợ tiền xe lam mà Út chở Địa đi vòng vòng trong nhà suốt mấy năm dài.

    Năm Út học lớp ba thì nội cậu mất, nhà vắng đi một người và công việc cũng oằn nặng thêm lên vai mẹ Út vì không ai chăm sóc chuyện nhà khi ba má Út bận làm việc kiếm tiền. Tuy vậy, Địa thấy trong nhà thương nhau và hạnh phúc lắm, buổi cơm nào cũng đủ mặt mọi người ngồi ăn vui vẻ bên nhau, thỉnh thoảng ba của Út còn làm sang nghỉ một buổi chiều chở vợ con đi qua bên kia cầu Tân Thuận để hóng mát hoặc đi sở thú cho”má con tụi nhỏ” coi cọp, beo, sư tử….; má của Út cũng vậy, dù bận bịu lu bu công việc Hoa vẫn lo aó cơm đầy đủ cho lũ nhỏ, lâu lâu lại chịu khó đi họp phụ huynh ở trường cho chúng nữa. Duy có điều nhọc nhằn quá nên cả vợ lẫn chồng đều ốm o, hốc hác; nhiều lúc nhìn họ mà Địa ao ước nếu chia được sự “phì nhiêu, màu mỡ” của Địa cho họ để đôi vai họ thêm tròn, viền mắt họ bớt quầng thâm, đôi tay họ bớt gầy guộc thì hay biết mấy. Nhưng nghĩ cho cùng, những kẻ lao động chân tay quần quật quanh năm làm sao tươi da, thắm thịt như những người ngồi mát hưởng chè, chuối như Địa được và Địa thầm tính chờ dịp để ra tay giúp họ, Địa là thần mà, dù chức vị chẳng bao nhiêu nhưng những chuyện nhỏ Địa cũng có thể phù phép giúp gia chủ, miễn sao việc giúp đỡ đó tương ứng với những gì gia chủ đã làm trong thời gian qua. Địa thử làm một bài toán con con để xem gia đình chủ nhà đã “gieo” những gì từ ngày Địa biết họ. Địa thấy họ không của cải vật chất chi nhiều để cúng chùa, cúng miễu, bố thí tiền to cho những công cuộc từ thiện trong xã hội, nhưng cái tâm của họ thì lành lắm, những kẻ giàu ít ai bì kịp. Họ hiếu với mẹ già, thuận thảo cùng lối xóm, thẳng ngay trong cuộc mưu sinh, không gian tham, không lừa đảo, có tâm từ thường giúp người trong khả năng của họ, chẳng hạn như ông chủ Viễn chạy xe Lam đôi khi ngừng lại bên đường chở những ông bà cụ yếu đuối quen biết đi/về trên tuyến hành trình của ông dù những cụ già đó không tiền để trả lộ phí; bà chủ Hoa thì khỏi nói, vốn liếng hàng cơm tấm chẳng bao nhiêu, lời lóm chỉ đủ phụ chồng nuôi con vậy mà thỉnh thoảng thấy người ăn xin ngồi đợi dĩa cơm thừa của khách bà cũng vét miếng cơm cháy quẹt mở hành, chan thêm chút nước cá kho rồi ân cần trao tận tay cho họ. Mấy đứa nhỏ trong nhà nhờ ảnh hưởng tính hiền của mẹ cha nên cũng hay giúp người, khi có dịp qua đường gặp người già là chúng nắm tay dẫn dắt, dân Xóm Chiếu nhưng chúng lành như dân Xóm Chùa hay xóm Nhà Thờ vậy đó. Tất cả những điều đó đủ để tạo thành một cái nhân tốt chung cho cả gia đình gia chủ và Địa chỉ chờ dịp để biến nhân đó thành quả, trước thuận ý trời, sau đền ơn cậu Út.

    Một hôm, sau buổi cơm chiều, trong lúc Hoa loay hoay dưới bếp kho tộ cá bống, hấp vĩ chả cua, ướp thịt sườn nướng; con Nhị bào cà rốt làm chua; con Tam thắng mở hành, pha nước mắm v.v chuẩn bị cho hàng cơm tấm mỗi sáng thì ở nhà trên Viễn móc túi áo lấy ra một tấm vé số đưa cho thằng Nhất và nói:

    - Hồi trưa có bà bán vé số đi xe không trả tiền, bả cho ba tấm vé nầy, con cất nó đi, đợi ngày xổ số lấy ra dò thử coi hên xui thế nào.

    Cậu con trưởng đưa tay đón tờ giấy nhỏ, lẩm nhẩm đọc những hàng số trong đó:

    - A 888444, chèn ơi, số gì mà toàn 8 với 4 không hà, trúng sao nổi, hèn chi bả cho ba là phải rồi.

    Viễn trả lời con:

    - Biết đâu đó. Của thiên hạ cho, trúng trật ăn thua gì.

    Cậu Út đang ngồi làm bài, nghe cha và anh lào xào về tấm vé số cậu chen vào:

    - Ba, nếu trúng số ba mua cho con chiếc xe đạp nghen ba.

    - Ứ, trúng độc đắc ba mua xe “cúp” cho mỗi đứa chứ nói chi xe đạp. - Viễn gật đầu vui vẻ đáp lời con.

    Địa đang chuẩn bị đi sang nhà bên cạnh rủ “Địa hàng xóm” ra đường hóng mát vì cái hẽm Trúc Giang nầy chật chội, cái bụng bự của Địa gần chảy mỡ vì nóng của những tấm tôn trên nóc nhà hắt xuống sau một ngày hấp nắng mặt trời hè, Địa chợt dừng lại khi nghe mẩu đối thoại của cha con gia chủ. À, thì ra cậu Út ước mơ một chiếc xe đạp, đơn sơ vậy mà cha mẹ cậu có đủ tiền để mua cho cậu đâu, chỉ có hai người con lớn trong nhà đuợc hai chiếc xe “cà tàng” đạp qua cầu Tân Thuận mỗi ngày ì ạch đến trường , còn Út và chị Tam phải chờ.., ừ, chờ trúng số vậy. Địa chợt nảy ra ý định táo bạo, ngoài quyền hạn của Địa, để “đền ơn, trả nợ” cho cậu Út và để mạn phép thiên đình biến nhân lành thành quả tốt cho gia đình gia chủ.

    Nghĩ là làm, Địa tức tốc niệm chú độn thổ đến ngay Nha Xổ Số để gặp Thổ thần cơ quan nầy. Thường thì chư Địa và chư Thổ thần tương đương chức vị nên đa số có liên quan mật thiết với nhau trước khi “ra trường” trên thiên đình để về trần thế nhận công tác. Địa với Thổ thần Nha Xổ Số vốn học cùng trường, ra cùng khoá, nhưng tánh Địa thích nhàn nhả lại hảo ngọt chè, xôi nên đã nộp đơn xin làm Địa thần trong khi Thổ thần Nha Xổ Số năng động, thích xông xáo, ưa khảo sát nhân tình thế sự nên xin đuợc bổ nhiệm vào những cơ quan “nhức đầu” hơn, chẳng hạn như cơ quan Xổ Số nầy đây. Không biết những quốc gia khác chương trình xổ số ấn định ra sao, chứ tại Việt Nam thì ngày nào cũng xổ, mỗi nơi mỗi loại số khác nhau, số tỉnh lỵ, số thành phố, bàn dân thiên hạ dân nghèo thi nhau bán vé số và cũng dân nghèo thi nhau mua vé số, dân giàu đâu ai mua bán chi loại “hàng” thu bạc cắc thế nầy và dân giàu đa số cũng đâu cần trúng số. Thổ Thần Nha Xổ Số có phận sự kiễm tra dân mua vé số, xem ai có nhân lành thì cho trúng, nhiều ít tùy người tích lũy.

    Khi Địa đến nơi cũng vừa đúng lúc Thổ Thần vừa xong việc sổ sách cho kết quả quay số ngày mai. Bạn cũ, gặp nhau cả hai tay bắt mặt mừng y như người trần thế, Thổ thần chưa kịp đem nước nôi mời khách đã thấy Địa vừa đưa ra tờ giấy có ghi hàng số A 888444 vừa hấp tấp nói:

    - Anh liệu có thể giúp cho gia chủ tui ngày mai trúng lô độc đắc với những con số nầy không?

    Thổ Thần ngẩn người, chừng như chẳng hiểu bạn mình muốn nói gì, việc chi gấp dữ vậy, bộ ông Địa nầy không biết lề luật chuyện xổ số hay sao, phải kiểm tra nhân, quả nữa, ai đâu “a thần phù” chạy vào đòi cho trúng lô độc đắc mà không cần tra sổ xét chuyện trước, sau. Giảng giải cho Địa nghe luật trời xong, Thổ Thần mở sổ sách ra coi lại và cho biết gia chủ của Địa phải chờ vài năm nữa mới tròn trịa nhân lành để hưởng vé độc đắc với điều kiện là phải có vé số trong tay. Địa thở dài khi biết tình thế khó “ăn” trong lúc nầy, nhưng Địa nóng lòng muốn thực hiện giấc mơ cho cậu Út nên hỏi bạn:

    - Nhà gia chủ tui đông người, trúng ít có thấm vào đâu , chờ tròn nhân quả thì lâu quá. Họ lại không hay mua vé số, không “vô” keo nầy thì đợi đến bao giờ đây. Hay anh cho họ trúng kỳ nầy đi, tính như cho vay trước, trả nợ sau, họ là người tốt, có tiền chắc sẽ làm phước thiện, chừng đó cái nhân tròn trịa đúng với cái quả tốt họ lãnh bây giờ.

    - Người ta hay nói ”giàu đổi bạn, sang đổi vợ”, anh có chắc là khi có tiền họ vẫn giữ cái Tâm lành như hiện giờ hay không? Nếu không, chúng ta sẽ mang tội với thiên đình đó.

    Địa ngần ngừ giây phút suy nghĩ rồi gật đầu:

    - Không sao đâu, anh không nhớ con người cũng có câu “giang san dễ đổi, tánh cũ khó dời” sao, họ tốt bây giờ thì chắc sẽ tốt về sau mà. Thôi, giúp họ đi, tui lấy chức Địa của tui ra bảo lãnh cho họ đây. Có xôi chè, bánh trái gì tui sẽ không quên phần của anh đâu

    Thổ Thần cười ngất:

    - Anh bị lây cái tính “bè phái, đút lót, hứa hẹn” của con người lúc nào vậy? Đừng quên chúng ta là thần thánh, phải chí công vô tư làm gương cho nhân thế, chứ “chạy chọt” như vầy tui e có ngày chúng ta bị tội với thiên đình đó nghen.

    Trầm ngâm suy nghĩ một chút, Thổ Thần vỗ vai bạn :

    - Hay chúng ta cho họ đuợc đúng với những gì họ đã làm đi anh, tui coi kỹ rồi, tuy không là lô độc đắc vài tỷ nhưng nhân lành họ gieo cũng tương đương với lô hạng ba, hạng tư vài trăm triêu chứ đâu có ít ỏi gì. Như vậy vừa đủ nhân, tròn quả mà chúng ta cũng không vi phạm luật trời, đừng tham lam giùm thiên hạ quá ông Địa ơi. Làm người hay làm thần, làm thánh gì cũng nên biết đủ, vừa phải là tốt nhất.

    Và không biết đôi bạn bàn qua tính lại thế nào mà sau ngày xổ số tuần lễ đó người trong hẻm đồn ầm lên là nhà bà Hoa Cơm Tấm trúng số độc đắc. Thật, hư không ai biết ra sao nhưng chắc chắn một điều là tự dưng thiên hạ thấy các đứa con lớn của vợ chồng Hoa - Viễn có mỗi đứa một chiếc xe “cúp” đời mới láng coóng, còn cậu Út Tứ được một chiếc xe đạp, loại xe “cuộc” (court) nhập từ Đức hẳn hòi. Chưa hết, một năm sau đó Viễn còn mua căn nhà kế bên hợp cùng ngôi nhà lụp xụp cũ, lên bốn tầng lầu cao che bóng phủ mát mấy căn láng giềng mái thấp. Có ai thắc mắc hỏi han thì cả nhà từ cha mẹ đến con cái đều nói “có bà con vượt biên đi Mỹ mấy năm trước, nay làm ăn khá nên gửi tiền về giúp đở”. Hàng cơm tấm Hoa nhượng lại người khác để ở nhà lo chạy áp phe phụ chồng, nhưng không phải công việc ngồi trên xe lam thu tiền hành khách vì Viễn đâu còn chạy xe như trước nữa. Viễn không những mua lại chiếc xe Lam đó mà còn mua thêm ba chiếc xe Lam khác rồi cho người thuê, mỗi tháng kiếm sơ sơ cũng bằng cả chục lần tiền làm tài xế ngày xưa. Công việc Hoa phụ chồng là công việc kinh doanh, đầu tư theo thời thế khi nhà nước đổi mới tư duy, mở cửa thị trường. Nói ra thì có vẻ khó tin, vì dân nghèo lao động hẽm nhỏ thì biết gì chuyện thương trường như những bậc “đại gia”, nhưng đó là sự thật.

    Hẽm Trúc Giang nằm trên đường Lê văn Linh quận 4, con đường thì ngắn nhưng vị trí lại quan trọng với chợ Xóm Chiếu nằm giữa, có thêm Công Ty Đại Dương chiếm ngự đầu đường. Công ty nầy đa dạng, nào chuyên thi công xây cất, nào lãnh trục vớt tàu thuyền đắm giữa biển, giữa sông. Chưa hết, Giám đốc trẻ của Cty là ông Charles Đức, chồng của Cải lương chi bảo Bạch Tuyết lúc bấy giờ, là dân Pháp gốc Việt mới từ Pháp về lo chuyện làm ăn trên quê hương của mình, đặt tên Đại Dương cho Cty, ông muốn mọi người thấy khả năng của Cty nầy cũng rộng lớn bao trùm nhiều lãnh vực như biển cả mênh mông, ngoài chuyện xây dựng, trục vớt, ông mở thêm xưởng hoá chất cũng trực thuộc Cty và dự định một chương trình cho ngành thủ công nghệ hầu giúp đở dân nghèo Xóm Chiếu. Ông cho người dọ tìm mặt bằng trống để xin giấy phép mở thêm cơ quan tiểu-thủ công nghệ đan, móc giỏ nhựa bằng dây nylon. Chương trình nầy Địa nghe ngóng được nhờ Địa Cty Đại Dương kể lại, thế là Địa lại “rù rì” cùng Địa Cty Đại Dương phù phép xui đường dẫn nẻo cho người của Cty đi tìm gặp vợ chồng Hoa - Viễn. Ngôi nhà bốn tầng của họ với mặt bằng khá rộng được trang hoàng thành cơ xưởng tiểu công thủ nghệ, cả gia đình Hoa - Viễn dọn lên ở hai tầng lầu trên còn hai tầng dưới dành cho công nhân đan móc giỏ và “nhà” của Địa cũng được chuyển đổi, trang hoàng hực hở hơn xưa. Nói thì nhanh nhưng tính ra từ buổi chiều Địa bàn tính cùng Thổ Thần Nha Xổ Số đến khi gia đình gia chủ “phất” lên nhà cao cửa rộng tính đến nay cũng hơn năm năm dài chứ đâu có ít ỏi gì. Anh chị của Út đã nhổ giò, nhổ cẳng thành niên ở tuổi trưởng thành và Út cũng đang học gần hết bậc Trung học. Mọi sự đều thay đổi, nhìn chung ai cũng hớn hở với cuộc sống khá hơn xưa, chỉ duy có Địa là đang hồi họp lo lắng khi thấy hình như cán cân “nhân, quả” chưa đuợc quân bình như sự mong đợi của Địa và Thổ Thần Nha Xổ Số.

    Địa nhớ lại khuôn mặt đăm chiêu của Thổ Thần Nha Xổ Số khi gật đầu thuận ý cho tấm vé số A888444 vào lô độc đắc năm tỷ đồng với tiếng thở dài kèm theo câu nói:
    - Bạn bè chí cốt, tui nợ anh cho “cóp pi” bài “Kinh Bát Nhả” thi ra trường trên thiên đình lúc xưa mà “ứng trước” cho cái nhân chưa tròn của nhà này. Chỉ hy vọng họ biết vun bồi phúc thiện để anh em mình không phạm tội với thiên đình mà thôi.

    Đúng ra, sau ngày trúng số Hoa - Viễn cũng có làm vài việc “coi được” như mua hoa quả tạ ơn trời Phật, “biếu” cho Địa một buổi tiệc linh đình bánh trái, chè, xôi. Địa lúc đó vui hoà theo niềm vui của gia chủ dù Địa biết trên cao trời Phật chẳng ai đòi họ trả ơn và ngay cả Địa cũng không mong quà biếu. Địa chỉ chờ vợ chồng Hoa làm một cái gì thực tiển hơn cho trần thế như chia xẻ, giúp đỡ những người khốn khổ hơn họ, trước cho tròn “nhân lành vay mượn” chưa đủ, sau để làm “nhẹ gánh” cho Địa và Thổ Thần Nha Xổ Số. Nhưng khốn nổi Địa chờ hoài chẳng thấy “động tỉnh” chi hết, đôi ba lần Địa mừng hụt khi nghe Hoa bàn cùng chồng đem tiền cứu trợ nạn lụt miền Trung vừa mới xảy ra thì lại Viễn nói :

    - Chuyện thiên tai đại sự có nhà nước lo, mình lo trong nhà trước, dư dả hãy lo ngoài đường. Em thấy đó, trong nhà còn hàng ngàn chuyện để trang trải, trúng thêm 1 lô độc đắc nữa cũng chưa chắc đủ vào đâu

    - Ông bà mình nói “Của hoạnh tài theo tai cũng hết”, mình may mắn trúng số được tiền trên trời rớt xuống, không chia cho thiên hạ em sợ lở có chuyện không may thì sao?

    - Thôi được rồi, mai em đem vài trăm ngàn ra báo Tuổi Trẻ hay Thanh Niên gì đó đóng góp đi, kể như mình làm phúc rồi đó. Em yên tâm chưa?

    Địa thở dài, được “vô” tự nhiên vài tỷ bạc mà chỉ cho “ra” thánh thiện vài trăm ngàn thì biết bao giờ cán cân “nhân, quả” ứng trước mới quân bình đây. Và Địa kiên nhẩn chờ, hy vọng sau khi lo xong những chuyện cần thiết, gia chủ của Địa sẽ thong thả nhớ đến những điều phước thiện mà đóng góp với đời.

    Nhưng hình như trong nhà chẳng ai có thì giờ để nhớ chuyện thiên hạ ngoài đường nữa, dù bây giờ cả nhà chẳng còn ai phải thức khuya, dậy sớm như xưa. Có tiền của tự dưng có thêm bạn bè, nhất là bạn bè ở giới “làm ăn”, đó là chuyện thường tình. Và theo lời rủ rê của họ hai vợ chồng tập tễnh nhảy vào sàn chơi mua bán cổ phần. Nhịp sống của họ chạy theo tốc độ lên xuống của giá cả thị trường chứng khoán. Rảnh rỗi một chút Viễn theo bạn đi xả “stress” ở các quán karaoke hoặc các nhà hàng ăn nhậu đặc sản nổi tiếng, đôi khi lại giải trí nhanh đặc biệt với các cô nàng “ăn bánh, trả tiền” để khỏi vướng bận hậu quả về sau. Đầu óc Viễn bây giờ đầy ấp chuyện ruợu ngon, gái đẹp để bù lại một thời mưa nắng dãi dầu cực khổ thì còn nghĩ làm sao được những điều Địa mong.

    Hoa thì túi bụi sổ sách các nguồn thu,nhập. Thì giờ còn lại phải đi làm tóc, sửa móng tay dù bàn tay đó có chùi dũa cho mấy vẫn không xoá những vết chay hằn của bao ngày cơ cực một thời. Những con số lời, lỗ làm Hoa không còn đầu óc đâu nhớ chuyện xẻ chia ngọt bùi với chung quanh như những miếng cơm cháy đầy tình người trong chợ Xóm Chiếu ngày xưa nữa.

    Cậu Nhất lúc nầy láng cóng áo quần, học lấy Tú Tài xong cậu xin thẳng vào Cty Đại Dương lãnh ngay chức Trưởng Ngành Thủ Công Nghệ nhờ sự góp vốn của cha mẹ cậu cùng Cty và mặt bằng nhà cho mướn. Rồi cậu cưới vợ, một cô gái đẹp mặn mà làm việc trong Cty. Vợ chồng cậu sống chung cùng Hoa - Viễn để gọi là phụ giúp mẹ cha. Tuổi trẻ, họ nghĩ đến thân mình nhiều hơn đến tha nhân, cả hai còn phải lo cho tương lai đứa con sắp chào đời thì Địa mong chi chuyện từ thiện, từ tâm của họ.

    Hai cô con gái của Hoa - Viễn thì khá hơn một chút. Cô Nhị cũng nhờ sự liên quan mật thiết của mẹ cha và Cty Đại Dương nên theo chân anh mình tìm được một chân thư ký Hành chánh tại Văn phòng của Công ty. Địa hy vọng vào cô nầy nhiếu lắm vì thấy cô hay thắp nhang mỗi ngày các bàn thờ trong nhà, người có lòng tín ngưỡng ắt cũng có lòng nhân, chắc thế nào cô cũng đóng góp các chuyện từ thiện. Địa đoán thật tài, cô Nhị thường đi chùa lễ Phật nhưng cô ít khi chịu cúng dường, hoặc có cúng cô chỉ bỏ vài chục bạc lẻ cho có lễ mà thôi. Cô nghĩ trời Phật đâu cần tiền, tăng ni cũng ăn uống chẳng bao nhiêu, nhang đèn thì bá tánh người chung một ít, cúng dường nhiều tạo dư dã vật chất cửa thiền là điều không nên, có thể làm rối tâm những bậc tu hành nơi đó. Tiền lương có được cô thường hay đi dạo phố, chợ mua sắm cho mình và cho gia đình.Không biết có phải vì đã một thời nghèo khổ hay không mà Nhị hay tặn tiện, không phải để rút tiền lại cho riêng mình mà để mua sắm chứa đầy nhà những vật cô nghĩ là “có thể cần đến”. Đi siêu thị cứ thấy vật dụng hay thực phẩm đại hạ giá là cô lật đật mua về dù ở nhà vẫn còn các mặt hàng đó, cô chứa chất như vậy cho đến khi các thứ đó hết hạn hoặc gần hết hạn thì đem bỏ hoặc đem cho những người nghèo trong hẽm Trúc Giang. Địa ghi chép hết những việc “nghĩa” đó của cô rồi đem cho Thổ Thần Nha Xổ Số tính toán vào quỹ “nhân quả” của gia đình gia chủ, Thổ Thần coi xong thở dài nói:

    - Phải chi cô nầy giúp người bằng tâm tự nguyện chứ không phải vì sợ vật hư bỏ uổng thì chỉ số nhân quả mau cân bằng lại lắm. Kẹt nổi cô chủ củă anh cái Tâm chưa toàn thiện lắm nên cũng chẳng đóng góp được bao nhiêu.

    Địa cũng “ứ hự” thở dài theo rồi chìa tấm giấy ghi về thành tích của cô Tam. Cô nầy đang tuổi biết yêu và cô không còn đầu óc đâu lo chuyện giúp đời. Người yêu cô là một anh chàng hàn vi áo vải từ quê lên phố, học cùng khóa Đại học Luật với cô . Tiền bạc cha mẹ cho, dư dả cô mua sắm cho “chàng” và thấy hình như không bao giờ đủ để “chàng” ngang hàng bề thế với những bạn đồng môn công tử. Thổ Thần đọc hết tờ báo cáo rồi lắc đầu:

    - Việc làm nầy là “đầu tư tương lai cá nhân” chứ không có tính cách từ thiện. À, còn cậu Út Tứ nhà anh đâu? Nghe anh hay khen cậu nầy lắm mà. Đưa thử tui xem coi có vớt vát gì được không. Gần tới ngày khóa sổ nạp Bảng Kết toán cho thiên đình rồi, chưa xong chuyện “ăn trước trả sau” nầy tui với anh kể như “bay ghế” và lãnh án lưu đày đó nghen. Mấy năm nay nhờ thặng dư các thành quả tiết kiệm của những người khác nên chuyện giúp gia chủ anh chưa bị lộ, nếu không chắc gì hai đứa mình còn đứng đây.

    Địa nghe qua bỗng đổ mồ hôi hột, nên vội niệm chú vận nội công bế khoá nhiệt khí cho tâm an rồi tính toán chuyện “chạy án” nếu chẳng may từ tâm của Út Tứ chẳng thấm tháp chi hết với số “nợ” nhân quả Địa lỡ cho vay trước. Đúng ra chẳng bỏ công Địa đã vì Út Tứ mà gian dối việc thiên đình bởi nhìn chung thì Út ta là người nhân hậu nhất trong nhà. Từ ngày gia đình khấm khá đến nay, ai thay ai đổi mặc ai, Út nhà ta vẫn xềnh xoàng như trước, không áo quần bảnh chọe như ông anh Nhất, không mua sắm, bồ bịch như hai bà chị Nhị, Tam, không áp phe nầy nọ như mẹ và cũng không rượu ngon , gái đẹp như cha. Út chăm chú học, học đến nổi bọn con gái xí xọn trong hẻm thấy Út lơ là dòm ngó họ nên đặt cho cho Út biệt hiệu “Út cù lần”. Vậy mà đầu phố, cuối hẻm ai cũng thương Út hết, thương vì Út hiền đã đành, còn thương thêm vì lòng nhân của Út nữa. Láng giềng ai túng thiếu cứ tìm Út mà hỏi, nếu số tiền không quá lớn là Út cho mượn liền, chẳng thúc hối việc hoàn trả lại. Đôi ba lần Hoa biết được, rầy con , Út cười tỉnh queo trả lời mẹ:

    - Nguời ta đang túng, mình không thiếu, để từ từ thủng thẳng họ cũng trả. Trong xóm mà, má lo chi cho mệt. Vả lại tiền đó má cho con, con xài sao tùy ý, phải không má?

    Đặc biết nhất, Út thường mua vé số của những người già hay những trẻ em lang thang bán trên những lề đường thành phố. Út luôn mua trả tiền xong rồi dúi tấm vé số vào tay người bán kèm theo câu nói với nụ cười tươi:

    - Đợi Xổ số dò giùm, nếu trúng giữ xài giùm tui luôn đi.

    Thổ Thần đọc bảng tường trình về Út của Địa rồi gật gù:

    - Cậu nầy được, có thể cứu vãn tình thế cho anh em mình đây. Khoảng cuối tuần tui sẽ cho anh hay kết quả xem tụi mình thoát nạn hay không.


    …… Thời gian chờ đợi chưa hết thì bây giờ sự thế trong nhà xảy ra như vậy đây, cả nhà theo xe cứu thương đưa ông chủ vào bịnh viện cứu cấp giữa đêm khuya. Địa cũng định đi theo cho biết lành dữ thế nào nhưng sực nhớ đó là phần hành của Táo Thần dưới bếp lúc nào cũng theo dõi mọi việc trong nhà để cuối năm báo cáo với thiên đình nên thôi, đành ở nhà chờ tin vậy.

    Địa đưa tay gải bụng, hồi chiều cô Tam biếu cúng một dĩa măng cục gần chục trái để tạ ơn Địa giúp cô không bị kẹt xe mà đển đúng hẹn với “chàng” của cô, háo ăn nên Địa “hưởng”hết không chừa một quả có lẻ vì vậy bây giờ nghe đau bụng làm sao. Địa nhăn mặt than thầm phải chi biết đủ, ăn vừa phải thì đâu đến nổi phải đi tìm dầu thoa, thuốc uống như vầy. Vừa xong chuyện chai dầu, lọ thuốc đã thấy Thổ Thần Nha Xổ số đến tìm. Ngạc nhiên bởi sự thăm viếng bất ngờ trong đêm trường với vẻ hơ hải của bạn, Địa chưa kịp hỏi nguyên nhân đã thấy Thổ Thần Nha Xổ số nhăn nhó:

    - Lần nầy thì chết cả đám rồi anh Địa ơi. Thương anh, giúp gia chủ anh mà tui tự hại tui rồi. Anh hay tin gì chưa?

    Rồi không đợi bạn trả lời, Thổ thần tuôn một hơi dài kể lể. Thì ra trên thiên đình khi nhận bảng Kết toán của Nha Xổ Số liền đem vi tính mượn được của trần gian ra tra cứu xem có ăn khớp với sổ sách các nơi gửi về không và cuối cùng Bộ Tài chánh của nhà trời đã thấy được sự tráo chác nhân quả, “mượn đầu heo nấu … bánh canh” cho lãnh “quả” trước mấy năm mà vốn “nhân” chưa hoàn lại đủ trong khi những người đóng góp tiết kiệm phước thiện tới ngày hưởng quả lại chưa được lảnh vì phải chờ “vốn” của gia chủ nhà Địa trả về. Chưa hết, Thổ thần Nha Xổ Số còn gắt gỏng hỏi Địa:

    - Phải ông chủ của anh mới đi bịnh viện cứu cấp không? Anh biết nguyên nhân tại sao không?

    Địa ngẩn người, vừa gật đầu xác nhận câu hỏi trước, vừa lắc đầu ú ớ câu hỏi sau của bạn. Thổ Thần thở dài, nói tiếp:

    - Trước kia tui đã nói với anh, con người khi giàu sang thường hay thay đổi,”giàu đổi bạn, sang đổi vợ” mà. Anh một mực binh vực họ. Anh có biết là ông chủ của anh tuy chưa đổi vợ nhưng đã lừa dối vợ, “mèo mỡ gà đồng” với một con bé đáng tuổi con cháu ở quán Ba Cây Dừa cho đến nổi nó mang thai. Con bé cho người báo tin cùng bà chủ lúc xế chiều này đây. Anh ở nhà mà không biết gì sao?

    - Không, chắc tại lúc đó tui đang bận “hưởng” quà đền ơn của cô Tam rồi đi ngủ vì nghe hơi nặng bụng nên không thấy gì hết.

    Thổ Thần Nha Xổ Số đưa hai tay ôm đầu, vẻ chán nản:

    - Anh bị lây ô nhiễm trần thế quá nhiều rồi anh Địa ơi. Mình là thiên chức nhà trời, phải cư xử sao cho khác với người thế tục, lấy nhiệm vụ làm điều tiên khởi chứ ai đâu nhận quà cáp, biếu xén, ăn nhậu tối ngày. Nhưng thôi, đó là việc của anh, tôi không bàn đến được. Để tui kể tiếp anh nghe, bà chủ biết được nên tối nay đay nghiến ông chủ và dọa ly dị, chia gia tài khiến ông chủ anh lo sợ và vì yếu tim sẳn nên ông bị nhồi máu cơ tim phải đưa vào bịnh viện gấp. Tui e chuyện nầy nếu Táo Thần báo cáo cuối năm lên Thiên Đình chắc chúng ta mất chức mà nhà gia chủ anh chắc cũng chẳng yên. Bây giờ tụi mình tính sao đây?

    Địa há hốc nghe bạn nói, đúng là “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”. Chuyện tài đình như vậy đến giờ Địa mới hay. Thổ Thần trách Địa ham ăn nhậu quên nhiệm vụ cũng chẳng sai. Thì ra cô gái Địa thấy hôm qua ở quán Ba Cây Dừa có thể là “bồ nhí” của gia chủ lắm. Địa không ngờ ông chủ Viễn tệ đến thế, ông đã bỏ mất tính thủy chung thương vợ, thương con để chạy theo thú vui vật chất tầm thhường thế hay sao? Cái gì khiến ông thay đổi? Mà không, trừ Út Tứ ra, hình như cả nhà đều thay đổi từ ngày họ trúng lô độc đắc. Họ không còn quần quật kiếm sống, không còn cùng nhau nương tựa đỡ đần cơm cháo hai buổi sớm chiều để thấy trong đó tình gia đình là trân qúy. Tiền bạc có dễ dàng khiến họ rảnh rổi lo việc hưởng thụ riêng tư và đâm ra hư đốn. Lỗi tại đồng tiền hay tại tánh sớm nắng, chiều mưa dễ duôi thay đổi của con người? Địa thở dài nắm vai Thổ Thần, giọng như muốn khóc:

    - Tui xin lỗi anh, lỗi đã vì thương mến riêng tư của tui xui anh mang vạ. Giờ tui thấm câu nói “cho đủ, cho đúng nhân quả” của anh là có lý thì đã muộn rồi. Anh về đi, khi nào Thiên Đình khai tòa xử án, tui sẽ đứng ra nhận hết lỗi về mình để anh được “trắng án”.

    Và trát đòi Địa , Thổ Thần Nha Xổ Số về Thiên Đình ra Tòa nghị tội đã đến sau đó ít lâu. Địa và Thổ Thần không tìm luật sư biện hộ và chịu lãnh hết cáo trạng. Nhờ Địa thật tâm hối cải nhận tội do mình chủ mưu xúi dục bạn trong việc “ăn trước, trả sau” nên Thổ Thần Nha Xổ Số chỉ bị phạt vạ không được hưởng lương một năm và bị đổi vể Sở Vệ Sinh Thành phố, phải thức khuya, dậy sớm lo việc dẹp sạch rác rưởi phố phường. Riêng Địa, bị phạt lưu đày biệt xứ hai năm, nhưng tấm lòng vì gia chủ, vì thương người nên nhà Trời cho hưởng khoan hồng luôn được ở bên cậu chủ chẳng rời xa. Địa điểm lưu đày sẽ cho biết sau. Luật trời luôn lấy cái tình làm gốc, cái lý đi sau. Ngày xưa Địa vì thương cậu chủ mà lầm lỗi, nay Thiên Đình sẽ cho cậu chủ thay gia đình trả phần “nhân” còn thiếu cho cái “quả” đã hưởng quá đầy bằng cách sống xa gia đình, quê hương hai năm trên bước đường biệt xứ của Địa. Tiền bạc gia đình Hoa Viễn hưởng được bấy lâu nay sẽ bị từ từ thu hồi lại phần nào trong tương lai.

    Đôi bạn nghe xong bản án nhìn nhau nhẹ nhõm, cám ơn ơn Trời còn rộng lương chưa cho thất nghiệp mà vẫn giữ chức Địa, chức Thổ Thần. Họ lẳng lặng trở về trần thế, chờ ngày lãnh nhiệm vụ nơi cơ sở mới . Địa lo lắng trong lòng không hiểu rồi mình sẽ bị đày đi đâu gọi là biệt xứ. Nhưng thôi, miễn có Út Tứ đi cùng thì chân trời góc bể nào Địa cũng vui.

    Người trong hẻm Trúc Giang thấy sau đó vợ chồng Hoa Viễn ly dị, mỗi người đi một hướng. Gia tài của cải phân chia theo luật pháp, Viễn chỉ giữ được mấy chiếc xe Lam cho mướn để ngôi nhà và vốn liếng lại cho vợ con, ông cưới cô gái quán Ba Cây Dừa và có thêm được một bé trai. Nghe nói sau đó cha mẹ cô gái ra đi năm 75 đã bảo lãnh cho vợ chồng họ ra nước ngoài. Vợ chồng Nhất cũng ra riêng. Cty Đại Dương đóng cửa vào hợp doanh thành Cty Xây Lăp Công Nghiệp, bỏ hẳn Ngành Tiểu Thủ Công Nghệ, cô Nhị thất nghiệp ở nhà phụ mẹ lo chuyện chạy áp phe. Cô Tam lấy chồng, anh chàng bạn học đồng song thuở nào và theo chồng về quê chồng. Út Tứ đổ Đại học Kinh Tế và xin đuợc việc làm ở một Cty Hợp Doanh Dầu Khí Anh-Việt.

    Kinh Tế Mỹ năm 2008 lâm vào cơn khủng hoảng, kéo theo những chao đảo của thị trường quốc tế, VN cũng bị ảnh hưởng không kém vì tiền tệ VN “ăn theo” đồng dollar Mỹ. Những sàn chứng khoán, mua bán cổ phần lên xuống như thủy triều ngày giông bão. Hoa bị phá sản vì thua lổ trong những áp phe may rủi nầy, vốn liếng cơ hồ theo gió bay đi. Hoa bán ngôi nhà bốn tầng ở hẻm Trúc Giang, mua một căn hộ nhỏ trên đường Tôn Đản và dùng số tiền còn sót lại tìm một chỗ trong chợ Xóm Chiếu cùng cô con gái thứ hai trở về với nghề bán cơm tấm. Út Tứ can ngăn mẹ vì thấy Hoa đã có tuổi, yếu đuối hơn xưa, tiền lương chàng lãnh được đủ sức nuôi mẹ đầy đủ qua ngày mà. Nhưng Hoa cười, nói hàng cơm tấm để dành cho Nhị mai sau nầy, nó tuy nhỏ nhoi nhưng bình an, dễ cho Tam kiếm một ông chồng bình dị không dư rãnh thì giờ đua đòi gái đẹp, rượu ngon. Hơn thế nữa, với Hoa, đây là một cuộc trở về, về với thuở ban đầu để nhớ những ngày thương yêu cũ không còn, để suy gẫm của tiền không mua hạnh phúc, hay để thấy rõ ràng của hoạnh tài không là của dài lâu nếu người nhận chưa tròn phần quả phúc.

    Địa chờ ngày lãnh án không bao lâu thì một hôm Út Tứ đi làm về báo tin với mẹ rằng sau mấy tháng được đi tu nghiệp bên Anh, Cty cử chàng sang Ý làm đại diện cho Cty trong thời hạn hai năm. Hoa nghe mà lo lắng cho con phải sống đơn độc xứ người nhưng cũng nén buồn đợi ngày lo hành lý cho Út Tứ lên đường. Và không hiểu cơ duyên nào thúc đẩy, khi thời hạn tới, trước khi gài khóa va-li cho con, bà ra bàn thờ Địa cầm Địa lên rồi kêu Út Tứ mà nói:

    - Má gửi ông Địa theo con, để khi có chuyện cần con xin ổng phù hộ giúp đở. Ông Địa nầy linh lắm, má thấy hể xin chuyện hiền từ thì xin gì ổng cũng cho hết. Con chịu đem theo không? Nếu chịu má gói bỏ vô va-li cho con. Ngày mai má đi “thỉnh” ông Địa khác về thế ông Địa nầy.

    Út Tứ nhíu mày, vừa thương mẹ lo chuyện xa vời, vừa như sực nhớ ra điều gì chàng cười bảo:

    - Ông Địa nầy ở với nhà mình từ thời nội còn sống, con chở ổng đi xe bằng nồi kéo hoài, bây giờ má muốn con kéo ổng qua tây nữa sao? Thôi được rồi, má bỏ ổng vô va-li cho con giùm đi. Dù sao đi nữa, đây cũng là biểu tương đặc tính quê nhà, con đem ổng theo để lâu lâu nhìn ổng mà đỡ nhớ nhà, nhớ má và để nhớ..nội hồi xưa luôn.

    Bây giờ thì Địa hiểu ra rồi, Địa bị đày đi Ý. Đúng là đi đày vì cái xứ Ý hết chín mươi chín phần trăm đâu biết nhang đen, hương khói, chè, chuối, bánh, xôi cho thần thánh trong nhà. Điệu nầy chắc Địa xẹp cái bụng trống chầu vì thiếu “lương” ăn rồi. Quan chánh án nhà trời chọn điễm lưu đày sao mà hợp lý dữ vậy cà, cũng may còn có Út Tứ, hy vọng những cái nhớ về quê nhà sẽ làm Út Tứ nhớ cho Địa chút nhang đèn ấm áp nơi xứ lạnh thì cũng đở tủi lòng thân biệt xứ.

    Trước ngày Út Tứ lên đường, Địa đến thăm từ giã Thổ Thần Nha Xổ Số, bây giờ là Thổ Thần Sở Vệ Sinh, Từ lúc trên Thiên Đình lãnh án trở về, đây là lần đầu họ gặp lại nhau. Kể lể sự tình cho nhau nghe, Địa ngậm ngùi nói:
    - Nhân cuộc ra đi này, tui “ngộ” ra một điều là dù người hay thần thánh gì chúng ta cũng nên lấy chữ đủ làm kim chỉ nam mà sống. Đừng ham hố, quá đà trong bất cứ việc gì mà có hại cho người, cho ta. Phải chi ngày trước tui đừng thương gia đình gia chủ tui nhiều quá xui anh cho họ vào lô độc đắc không đợi đến ngày tròn nhân quả của họ mà chỉ nên thương vừa phải thôi để cho họ trúng tấm vé số đủ mua chiếc xe đạp cho Út Tứ thì đâu có cảnh vợ chồng chia tay, cha con cách biệt, tiền của tiêu hao một sớm một chiều và tui đâu phải xa nhà, xa Xóm Chiếu như vầy trong nay mai.

    Rồi Địa ứa nước mắt, nước mắt của một vị thần chỉ biết cười toe trước bao cuộc đổi dời nhân thế, trái tim thần thánh cũng biết buồn khi biệt xứ ra đi. Thổ Thần Sở Vệ Sinh cũng dàu dàu nét mặt, than thở:

    - Tui về làm chỗ nầy cũng đâu có khoẻ gì lắm. Cuộc sống ngày càng nhiều rác rưởi vì thiên hạ thi nhau kiếm tiền không biết dừng, không biết bao nhiêu là đủ. Rác theo tiền mà tuôn, đời theo tiền mà lắm đa đoan và tui theo rác mà nhọc nhằn hơn trước. A, anh tính qua Ý sẽ làm gì? Cái xứ đó làm gì có Địa, có Thổ Thần bậu bạn cùng anh đâu.

    Địa dững dưng:

    - Tui bây giờ không cần nhiều, chỉ cần Út Tứ biết có Địa trong nhà là đủ. Tui sẽ phò hộ, độ trì cho Út Tứ ăn nên, làm ra dư dã vừa đủ rồi xui khiến Út cưới một cô vợ không hiền lắm để không bị Út ăn hiếp, không dữ lắm để Út không mang tiếng sợ …ma đàm, không giàu lắm để Út không bị tự ti, không nghèo lắm để gia đình họ không bị đồng tiền chi phối, không đẹp lắm để Út lo mất vợ cũng không xâu lắm để Út phải dấu vợ trong nhà hoài. Đó, tui bây giờ là vậy đó, mọi thứ đều bắt đầu bằng sự vừa phải, không quá lố, quá đà. Ngay cả trong tình cảm cũng thế, không nên thương nhiều quá để bị lụy, không ghét nhiều quá để có có hận thù dễ dàng đi đến chiến tranh.

    Thổ Thần trở nên vui vẻ:

    - Vậy thì cũng đừng buồn quá trước cuộc chia ly ông Địa của tui ơi. Nào, cạn ly trà, xong tui sẽ có quà tặng anh.

    Nói xong,Thổ Thần đứng dậy lấy giấy hồng, mực thắm, cọ đuôi chim vẽ liền bức thư pháp tặng Địa hai chữ: TRI TÚC

    Địa nhận món qua đầy ý nghĩa đó, từ giả bạn ra về chuẩn bị ngày khởi hành hôm sau cùng cậu chủ. Mưa bên ngoài lất phất bay tạt vào mặt Địa, nước mưa không thể thấm mặt thần nhưng Địa nghe hình như có vị mặn thấm vào môi, thôi thì cứ coi như nước mưa hòa nước mắt, hữu thể hòa trong vô thể, vì dẫu biết rằng vui buồn gì rồi cũng phôi pha, nhưng trái tim Địa cũng như trái tim con người, chứ nào đâu chỉ bằng đất cát vô tình mà không đau lòng, trước lúc biệt xứ ra đi. Hai chữ Tri Túc như cô đọng lại trong những giòng lệ nhỏ. Địa bỗng ngừng khóc, há miệng cười toe khi chợt biết mình vừa tìm ra giải đáp một công án của kiếp Địa thần.



    HUỲNH NGỌC NGA

    Torino, ITALIA – 19.01.2013



    Last edited by 005; 03-16-2013 at 12:59 AM.

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 03:57 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh