Register
Results 1 to 8 of 8
  1. #1

    Bảo Tồn Văn Hóa Việt Nam

    Bảo Tồn Văn Hóa Việt Nam





    Lời Ngỏ


    Một trong những hướng đi chính của nhóm chủ trương Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt là phát huy và bảo tồn nền Văn Hóa Việt Nam . Một nền Văn Hóa có truyền thống bốn-nghìn-năm-văn-hiến xuyên qua dòng lịch sử của Việt Tộc hùng anh .
    Một nền Văn Hóa luôn khẳng định sắc thái nhân bản dân tộc để không bị lệ thuộc hay đồng hóa bởi ngoại bang . Bản sắc nhân bản thể hiện từ Lễ - Nghĩa –Trí -Tín trong hành xử đời thường, đến Chân -Thiện - Mỹ trong văn chương nghệ thuật, luôn giữ Nghĩa trong Chữ và Lời thấu Tình đạt Lý . Nền Văn Hóa tốt đẹp đó được lưu truyền qua bao thời đại đều nhờ vào tấm lòng và trách nhiệm của những công dân đối với Quốc Gia Dân Tộc .
    Cái nôi Văn Hiến Việt Nam luôn lay động nhịp nhàng trong tâm thức người dân Việt từ lời ru của Mẹ Âu Cơ đến tiếng hát hào hùng của những người đi giữ nước . Mỗi một chiến công khắc trên mỗi địa danh những dòng thi sử . Chữ Nghĩa sáng lên vừa như ánh đuốc khai tâm nhắc kẻ vong ân nhớ về Nguồn Cội Văn Lang, vừa sáng rọi lời truyền của tiền nhân qua bao thời oanh liệt chống ngoại xâm, giữ vững sơn hà . Tất cả vì Việt Nam, vì Tổ Quốc thiêng liêng .
    Những dòng thi sử tiếp truyền đến mọi nơi và mọi lúc, vượt khỏi biên giới quốc gia, thẩm thấu qua nhiều thế hệ . Giữ được nền Văn Hóa là giữ được hồn của Đất và Nước . Giữ được Chữ Nghĩa là giữ được tinh thần và sắc thái của Dân Tộc Việt Nam . Mất Văn Hóa là mất Nước . Cho nên cuộc chiến đấu bảo tồn nền Văn Hóa cũng cam go và đầy thử thách như cuộc chiến đấu bảo vệ nền Tự Do Dân Chủ của một Dân Tộc .
    Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, do thể chế chính trị mất tự chủ, gây ảnh hưởng không tốt về sắc thái Chân Thiện Mỹ của Chữ Nghĩa nói riêng và tác phong đạo đức của nền Văn Hóa nói chung . Chữ viết và Tiếng nói bị biến dạng do ý chí độc tôn muốn phủ nhận những giá trị vốn có, mà hành xử thô bạo trên giá trị Chữ Nghĩa Nhân Bản . Điển hình là việc tiêu hủy gần như hầu hết những chứng liệu ngôn từ thiện mỹ vốn có trước năm 1975 . Để khai sinh và phô bày món chữ nghĩa duy vật biện chứng phức tạp và dị ứng với sắc thái nhân bản Văn Hóa Dân Tộc .
    Sự kiện này được nghe thấy rõ không chỉ trong sinh hoạt đời thường mà trong cả chương trình giáo dục; Không chỉ ảnh hưởng xấu ở trong nước mà còn lây nhiễm vào hệ thống truyền thông. Khi người phát ngôn viên xử dụng chữ nghĩa không tương xứng với sắc thái Dân Tộc . Chẳng hạn như ở đâu đó đã có người nói: Cuộc hội ngộ đồng hương hay buổi ra mắt sách, triển lãm tranh này thật “vĩ đại” . Và khi được hỏi về cảm nghĩ của mình khi tham gia vào cuộc hội ngộ hay buổi ra mắt sách, thì trả lời là: tôi rất “hồ hỡi” và “phấn khởi” . Thế nào là “vĩ đại”, thế nào là “hồ hỡi” và “phấn khởi” ? Toàn là “chữ lạ”, hoàn toàn không tương xướng với hiện cảnh hay vấn đề được đặt ra . Người nghe không chỉ dị ứng với chữ nghĩa mà còn dị ứng với cả nguồn phát ra món chữ nghĩa phức tạp này . Giá trị của chữ nghĩa xấu kéo theo giá trị tồi của phong cách truyền thông .
    Tránh dùng chữ Hán để khẳng định sự tự chủ của ngôn ngữ Việt là một hướng đi tốt trên công trình hoàn chỉnh nền Văn Hóa tiến bộ theo kịp bước phát triển ngôn ngữ đa năng trong thời đại tin học toàn cầu . Nhưng nếu nói: “máy bay lên thẳng xuất phát từ tàu sân bay mang theo các toán lính thủy đáng bộ”, liệu có định vị được giữa lòng người nghe sự thăng tiến ấy không ? Chẳng những không mà còn thấy mình chơi vơi trong nền văn hóa lai căng mất gốc .
    Nhiều học giả, giáo sư ngôn ngữ học đã từng lên tiếng về vấn đề này . Rất tiếc đã không được phổ biến rộng rãi, cho dẫu sự lên tiếng đã được in ra thành sách hay trình bày trên một số trang web . Nên chưa đại chúng hóa vấn đề, để có một công trình định vị giá trị căn bản về Ngôn Ngữ Việt trong tiến trình hình thành một nền Văn Hóa mới . Vừa bảo tồn vốn quí xưa, vừa phát triển nét hay trong Chữ và Nghĩa hôm nay. Giúp cho các thế hệ tiếp sau từng bước hoàn chỉnh hệ Ngôn Ngữ Việt trong giao tiếp và trong các chương trình giáo dục đa dạng .
    Đó là niềm mong ước thiết tha của Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt theo tôn chỉ: Tiếng Việt còn, nước Việt còn . Bước chuyển tiếp theo hướng đi đã định, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt mở chủ đề “Bảo Tồn Văn Hóa Việt Nam”, bằng vào việc thiết lập một không gian nhỏ trên bầu trời online để trưng bày những tác phẩm liên quan đến việc phục hưng, phát triển và bảo tồn Văn Hóa Việt Nam . Thiết nghĩ đây là việc làm cần thiết và cần sự tiếp tay của mọi người, mọi giới còn nghĩ đến nền Văn Hóa như nghĩ đến cội nguồn Dân Tộc Văn Lang . Còn rung động với nét đẹp của chiếc áo dài truyền thống Việt Nam là còn muốn hòa mình vào lời ca tình tự quê hương . Ít ra cũng tự hào với chính mình: Tôi là Người Việt Nam .
    Chân thành cám ơn quí tác giả có bài biên khảo và tham luận liên quan đến Văn Hóa Việt Nam nói chung và Ngôn Ngữ Việt Nam nói riêng, được dẫn trình trong chủ đề này . Vì lợi ích bảo tồn nền Văn Hóa Việt Nam .
    Trong tương lai, nếu được sự đồng ý của quí tác giả, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt sẽ kết hợp những bài viết giá trị để in thành sách làm tài liệu tham khảo góp phần vào tiến trình hoàn chỉnh Ngôn Ngữ Việt . Một bước đi quan trọng với ước mong có được một "Hàn Lâm Viện Văn Hóa" .
    Tâm huyết của những người quan tâm đến nền Văn Hóa Việt Nam của thế hệ đi trước theo định ước thời gian, đường họ đi không còn dài . Nên thiết tha kêu gọi sự tiếp bước của thế hệ trẻ hoàn thành sứ mạng vì Chữ Nghĩa mà lên đường với trách nhiệm bảo tồn Văn Hóa, như vì Tự Do mà chiến đấu bảo vệ nền Dân Chủ cho Quê Hương .
    Trân trọng .
    TM. CLB Hùng Sử Việt .
    Cao Nguyên .

    Xem Tài Liệu Tham Khảo:
    http://dactrung.net/dtphorum/m568409.aspx

  2. #2
    Câu Chuyện Tự Điển VIỆT NAM

    Tác Giả: Ðặng Trần Huân

    Bất cứ nước nào đã tự hào là có một nền văn hóa là phải có một cuốn tự điển để chuẩn xác
    cho ngôn ngữ của quốc gia mình hầu tránh sự dùng chữ bừa bãi, lố lăng hay lai căng, vay
    mượn. Chữ quốc ngữ sau khi thành hình không lâu đã có ngay một cuốn từ điển tiếng Việt
    đầu tiên của Paulus Huỳnh Tịnh Của
    , cuốn Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị xuất bản cuối thế kỷ
    19.

    Dựa theo cuốn tự điển đầu tiên này nhiều tự điển và từ điển Việt Nam khác được các tác giả
    sau này biên soạn. Trước 1975, hai cuốn thông dụng trong Nam là Việt Nam Từ Ðiển của
    Hội Khai Trí Tiến Ðức
    Việt Nam Từ Ðiển của Lê Văn Ðức. Phía nhà cầm quyền cộng
    sản sau 1946 không biên soạn tự điển tiếng Việt nào. Cho tới khi cộng sản chiếm hoàn toàn
    miền Nam Việt Nam năm 1975 cuốn từ điển thông dụng của họ chỉ có Từ Ðiển Tiếng Việt
    do Văn Tân chủ biên
    . Bộ Bách Khoa Tự Ðiển Việt Nam mà Hà Nội quảng cáo từ lâu cho tới
    nay hình như vẫn còn trong dạng dự thảo mấy vần đầu A, B, C mà thôi.

    Có nhiều tác giả thường khen Hà Nội có những công trình khảo cứu văn học công phu hơn
    Việt Nam Cộng Hòa vì nhà cầm quyền cộng sản chịu bỏ ra những ngân quỹ lớn cho việc
    biên khảo và huy động nhiều nhân lực. Ðiều này có thể đúng với một số tác phẩm nhưng
    không đúng với tất cả vì các nhà biên khảo Hà Nội vô tình hay cố ý còn nặng về tuyên
    truyền, và phải hướng mọi nghiên cứu của họ theo đường lối chỉ thị của đảng cộng sản nên
    trở thành thiếu vô tư.

    Ví dụ đơn giản là cuốn biên khảo Người Anh Hùng Làng Dóng của Cao Huy Ðỉnh nói về
    huyền thoại thánh Gióng (Phù Ðổng Thiên Vương) cả hàng nghìn năm trước mà cũng xen
    kẽ vào những đoạn tuyên truyền chống Mỹ cứu nước khiến ta có cảm tưởng như ăn cà rem
    mà lại thêm gia vị... mắm tôm.

    *

    Trong cuốn Từ Và Vốn Từ Tiếng Việt do nhà xuất bản Ðại Học Và Trung Học Chuyên
    Nghiệp, Hà Nội phát hành năm 1986, tác giả Nguyễn Văn Tu viết rằng từ trước tới nay Việt
    Nam chỉ mới có sáu cuốn từ điển tiếng Việt mà ông gọi là từ điển một ngôn ngữ. Tác giả liệt
    kê những từ điển có trước 1945 như cuốn từ điển của Huỳnh Tịnh Của, Việt Nam Tự Ðiển
    của Hội Khai Trí Tiến Ðức
    tới Từ Ðiển Học Sinh của nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội và kể
    thêm một cuốn thời Việt Nam Cộng Hòa của Ðào Văn Tập xuất bản tại Sài Gòn.

    Sau đó, cũng tác giả Nguyễn Văn Tu cho nhà xuất bản Ðại Học Và Trung Học Chuyên
    Nghịệp, Hà Nội in cuốn Các Nhóm Từ Ðồng Nghĩa Trong Tiếng Việt, khi liệt kê các từ điển
    Việt Nam có ghi thêm Từ Ðiển Tiếng Việt Phổ Thông của Viện Ngôn Ngữ Học nhưng cả hai
    cuốn sách của ông Tu đã dẫn đều không hề nói tới cuốn từ điển của Lê Văn Ðức.

    Việt Nam Từ Ðiển của Lê Văn Ðức được biên soạn trong mười năm với sự hiệu đính của
    nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ, in trong ba năm và tới năm 1970, nhà xuất bản Khai Trí
    mới cho ra mắt tại Sài Gòn. Bộ từ điển gồm hai cuốn khổ lớn, chữ nhỏ dày tổng cộng 2515
    trang có đầy đủ phần định nghĩa thông thường và các phần nhân danh, địa danh, tục ngữ,
    thành ngữ, điển tích...

    Chẳng lẽ Nguyễn Văn Tu là một giáo sư nhiều năm, đã từng viết sách về ngôn ngữ mà
    không biết tới bộ từ điển đồ sộ Lê Văn Ðức. Thực ra thì ông Tu biết nhưng hoặc là theo chỉ
    thị hoặc là tự ý ông muốn dìm những tác phẩm của miền Nam chăng vì cho rằng cái gì xuất
    hiện ở miền Nam đều vô giá trị.

    Ðiều nhận xét này không võ đoán mà chỉ là nhận xét về đường lối của Việt cộng xưa nay
    vẫn cố tình lờ đi những công trình của miền Nam.


    Ví dụ về truyền hình, Việt cộng phổ biến và giảng dạy rằng truyền hình Việt Nam chỉ có từ
    năm 1970 là năm Hà Nội bắt đầu có đài, một tuần phát hình hai ba lần, mỗi lần vài chục
    phút. Trong khi tại Việt Nam Cộng Hòa đã có truyền hình từ năm 1966 khi đài phát đặt trên
    một phi cơ lượn trên không phận Sài Gòn trong thời gian chờ đài dưới đất đang xây cất dở
    đang.

    Nói tới lịch sử điện ảnh thì cộng sản chỉ kể từ những phim đèn chiếu (phim tranh vẽ chỉ có
    hình, không cử động) sau 1946 khi họ chạy vào rừng, rồi tới phim phóng sự vài chục phút
    Nước Về Bắc Hưng Hải mà không nói gì tới những phim Việt Nam vùng quốc gia như Cánh
    Ðồng Ma, Trận Phong Ba hay Kiếp Hoa.

    Sách viết về lịch sử mỹ thuật hay âm nhạc chẳng hạn, họ sẵn sàng bôi tên những họa sĩ,
    những nhạc sĩ có tên tuổi từ trước 1945 nếu những nghệ sĩ tài danh đó đã ở lại hoặc trở về
    vùng quốc gia không theo họ, cùng ở với họ trên rừng già Việt Bắc.

    *

    Trở lại chuyện tự điển, sau hiệp định Geneva 1954, cộng sản chính thức trở về tiếp thu Hà
    Nội cũng chưa có thì giờ lo chuyện này. Tới sau ngày 30.4.75 chiếm được Sài Gòn cán bộ
    văn hóa Hà Nội vào Sài Gòn còn ào ào vơ vét các loại từ điển song ngữ Anh - Việt, Pháp -
    Việt, Hán - Việt mà Hà Nội không có.

    Về tiếng Việt mãi tới năm 1963, Hà Nội mới soạn xong cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên, rồi
    tới năm 1967 mới phát hành. Cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt này do Văn Tân chủ biên với thành
    phần biên soạn gồm 13 người trong đó có những nhà trí thức, học giả quen tên từ lâu như
    Nguyễn Tấn Gi Trọng, Ngụy Như Kontum, Trần Văn Giáp, Hoa Bằng...

    Dưới chế độ Cộng sản, ngôn ngữ Việt tại miền Bắc đã có nhiều tiếng mới rất xa lạ với tiếng
    Việt bình thường
    . Lấy ví dụ ngay trong cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt của Văn Tân ta đã bắt gập
    những chữ lạ tai có nghĩa khác hẳn nghĩa thông thường mà người Việt đã dùng trước khi
    cộng sản Việt ra công khai năm 1945.

    Xin đan cử vài ví dụ :

    - lô gích: hợp với luận lý.
    - quá độ: thời gian chuyển tiếp giữa hai thời kỳ.
    - hồ hởi: cởi mở, vui vẻ, phấn khởi.
    - đường kính: thứ đường ăn đã tinh chế thành tinh thể màu trắng.
    - lái xe: người điều khiển tay lái cho xe ô tô chạy (dùng động từ làm danh từ).
    - sự cố :nguyên nhân sinh ra việc biến.
    - công nghiệp: phương thức dùng máy móc biến hóa nguyên liệu thành vật dụng hoặc
    thành công cụ.
    Trong Từ Ðiển Tiếng Việt (Văn Tân) nhiều tiếng Việt gốc Hán đã Việt hóa cho ngôn ngữ
    thêm phong phú thì các tác giả tự điển lại cho là lộn xộn và chủ trương loại bỏ nhiều từ
    thông dụng. Về điểm này các tác giả viết trong Lời Nói Ðầu: "Cái hiện tượng thiếu ngăn nắp
    trong tiếng Việt kể ra thì còn nhiều." Cũng trong bài này, khi giải thích cách xếp đặt từ theo
    thứ tự nào, họ viết: "Về trật tự ABC chúng tôi theo đúng trật tự của vần chữ quốc ngữ Việt."

    Ngôn ngữ của một dân tộc có phải là một cái tủ áo đâu mà gọi là một ngôn ngữ thiếu ngăn
    nắp. Và khi sắp xếp chữ theo vần A, B, C sao không gọi là theo thứ tự mà lại dùng hai chữ
    trật tự như khi xếp ngôi vị các đảng viên trong Bộ Chính trị, hay hô hào trật tự trong một
    đám biểu tình tiền chế để hoan hô lãnh tụ. Họ hô hào làm cho tiếng Việt trong sáng nhưng
    chính những người làm tự điển lại làm mù mờ và nghèo nàn thêm tiếng Việt.

    *

    Cho tới trước năm 1967, ở trong Nam và có thể cả ngoài Bắc khi cần kê cứu tiếng Việt vẫn
    phải dùng tạm cuốn Việt Nam Tự Ðiển do Hội Khai Trí Tiến Ðức (Ban Văn Học) Hà Nội biên
    soạn và nhà in Trung Bắc Tân Văn in năm 1931. Cuốn này dày khoảng 700 trang, được tái
    bản nhiều lần và được dùng rộng rãi vì cuốn từ điển Huỳnh Tịnh Của thì quá cổ cả về định
    nghĩa và cách viết nên chỉ còn dùng để nghiên cứu mà thôi.

    Việt Nam Tự Ðiển của Hội Khai Trí Tiến Ðức còn thiếu sót nhiều (Ví dụ chữ sen chỉ có định
    nghĩa là một loài cây dưới nước mà thiếu định nghĩa thông thường nữa là cô giúp việc trong
    gia đình) nên miền Bắc năm 1967 có Từ Ðiển Tiếng Việt (Văn Tân) và miền Nam năm 1970
    có Việt Nam Từ Ðiển của Lê Văn Ðức thay thế.

    Viện Ngôn Ngữ Học của Hà Nội xúc tiến việc soạn thảo một cuốn tự điển Việt Nam mới, và
    tới năm 1988 nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội in xong tại thành phố Hồ chí Minh với tên là Từ
    Ðiển Tiếng Việt. Sách dày 1206 trang do Hoàng Phê chủ biên. Theo lời giới thiệu ở đầu
    sách, Từ Ðiển Tiếng Việt là một cuốn từ điển đầu tiên của Việt Nam do một tập thể cán bộ
    ngôn ngữ biên soạn. Tập thể này gồm 17 người so với cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt (Văn Tân)
    thì tập thể của Từ Ðiển Tiếng Việt (Hoàng Phê) đông hơn tới bốn người nhưng không có
    những học giả quen tên lâu đời như trường hợp từ điển Văn Tân mà toàn là những tên lạ.

    Trong lá thư đề ngày 7.3.1987 in trên đầu sách, thủ tướng Phạm Văn Ðồng khen ngợi bộ
    biên tập, tán dương cuốn sách này là chuẩn hóa tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng cho
    tiếng Việt.

    Cho tới nay từ điển Hoàng Phê đã được tái bản nhiều lần và cuốn mới nhất chúng tôi được
    thấy là ấn bản 1996. Khi biên sọan Từ Ðiển Tiếng Việt (Hoàng Phê), các tác giả đã tham
    chiếu các từ điển trong Nam, ngoài Bắc nên có một số ưu điểm và mới mẻ hơn nếu so với
    Từ Ðiển Tiếng Việt (Văn Tân) hoặc Việt Nam Từ Ðiển (Lê Văn Ðức).

    So với cuốn Văn Tân, từ điển Hoàng Phê có nhiều từ hơn. Chẳng hạn hai từ thanh nhạc và
    lâm sàng là hai từ mà báo chí cộng sản thường dùng, từ điển Hoàng Phê có giải nghĩa
    nhưng từ điển Văn Tân không có và từ điển Lê Văn Ðức cố nhiên không có vì hình như
    trong Nam không ai dùng hai từ này. Về thành ngữ có từ đầu" đứng trước Văn Tân có 14
    thành ngữ như đầu cua tainhe nheo, đầu trâu mặt ngựa... nhưng thiếu đầu Ngô mình Sở.
    Hoàng Phê có đầy đủ hơn nhưng nếu so với Lê Văn Ðức thì không thấm vào đâu vì trong
    Việt Nam Từ Ðiển (lê Văn Ðức) có tới 44 thành ngữ với từ "đầu" đứng trước.

    Về cách định nghĩa, tự điển Hoàng Phê biên soạn gọn gàng và chính xác. Tuy nhiên cũng
    còn nhiều trường hợp cần bàn bạc. Chẳng hạn từ trước tới nay khi định nghĩa chữ "cây"
    các tác giả thường thường theo cách định nghĩa chữ tree hay arbre trong tiếng Anh và tiếng
    Pháp. Và ghi cây là thực vật có lá, thân mộc, thẳng. Ðịnh nghĩa như thế thì hồng, cúc, bầu,
    bí không được gọi là cây nữa vì chúng làm gì có thân mộc và không thẳng. Trong từ điển
    Hoàng Phê và Văn Tân cây được định nghĩa là thực vật có thân lá rõ rệt. Vậy nếu tra chữ
    "tơ hồng" trong từ điển Hoàng Phê thì giống thực vật không có lá rõ rệt này vẫn được gọi là
    cây. Theo Lê Văn Ðức thì cây là tất cả loài thực vật biết ăn phân, chịu sương nắng, sống,
    lớn và sinh sản. Ðịnh nghĩa như thế thì lại quá dài dòng.

    Từ "ly" trong Nam thay từ "cốc" ngoài Bắc, từ điển Văn Tân định nghĩa ly là cốc pha lê nhỏ.
    Từ điển Hoàng Phê định nghĩa là cốc nhỏ để uống rượu. Thực ra cốc và ly chỉ là hai tiếng
    của hai miền Nam và Bắc chỉ chung một đồ dùng, chứ cốc và ly không hề khác nhau như
    mèo và hổ. Trong trường hợp này ở từ ly có thể ghi "xem từ: cốc" và khi ở từ cốc sẽ mô tả
    rõ ràng và chính xác hơn, tránh rườm rà làm sai nghĩa.

    Văn Tân giảng là cốc pha lê nhỏ, Hoàng Phê thêm cốc dùng để uống rượu. Vậy thì những
    cái cốc làm bằng nhôm, bằng chất dẻo, bằng thủy tinh và mang ra uống nước cam, nước
    trà mà không uống rượu thì không được gọi là "ly" hay sao?

    Về chính tả, từ điển Hoàng Phê viết li với chữ i ngắn và có giải thích là sở dĩ họ dùng i ngắn
    là tuân hành quyết định ngày 5.4.1984 của Bộ Giáo Dục. Cái kiểu ra sắc lệnh bắt phải viết
    thế này thế nọ là một lề thói quen dùng của các chế độ cộng sản. Tuy nhiên có lẽ thấy cách
    dùng i ngắn nó ngô nghê quá và quyết định của Bộ Giáo Dục cũng phi lý nên nhiều tác giả
    chẳng nghe theo. Trong cuốn Từ Ðiển Chính Tả Thông Dụng của Nguyễn Kim Thản do nhà
    xuất bản Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội in năm 1985 (sau quyết định của Bộ
    Giáo Dục) tác giả vẫn viết và khuyên nên viết ly , cụng ly với chữ y dài như dân ta vẫn dùng
    từ xưa tới nay, và cũng là mặc nhiên không coi quyết định của Bộ ra sao cả.

    Một điểm nữa là từ điển Hoàng Phê còn rất nhiều từ nguyên văn Anh , Pháp. Từ volt trong
    từ điển Hoàng Phê được giữ nguyên tiếng Anh với định nghĩa đơn vị đo hiệu thế, điện thế.
    Ta cũng thấy nhan nhản những từ nguyên văn ngoại quốc khác rồi giảng nghĩa bằng tiếng
    Việt như logarithm, clinker, logic v.v... xếp thẳng hàng với những chữ Việt trong một cuốn từ
    điển mang danh là Từ Ðiển Tiếng Việt. Chúng tôi nghĩ việc định nghĩa những tiếng Anh,
    Pháp như trên là công việc của từ điển song ngữ Anh - Việt chứ không phải là công việc
    của nhóm Hoàng Phê. Trừ những tiếng Anh, Pháp đã Việt hóa và viết theo lối Việt như ô tô,
    sà bông, xe tăng chẳng hạn, chúng tôi thấy cách làm của từ điển Văn Tân khi ghi theo lối
    Việt như ga men, lô ga rít, vôn, vôn kế, lô gích, ác mô ni ca... rồi giảng nghĩa những từ này
    bằng tiếng Việt hợp lý hơn. Còn nếu làm như Hoàng Phê là ghi cả clinker, logic... sao chẳng
    ghi luôn school, book, maison, amour... cho từ điển Việt Nam phong phú, nhiều từ nhất thế
    giới.

    Một điểm khác cần bàn cãi là địa vị tiếng Việt miền Nam mà Hoàng Phê có ý muốn loại bỏ.
    Trong Từ Ðiển Tiếng Việt (Hoàng Phê) có rất ít từ miền Nam. Khi giảng giải những từ vô
    (vào), mền (chăn), mùng (màn)... các nhà soạn từ điển thuộc Viện Ngôn Ngữ Học đã ghi
    chú là phương ngữ tức là thổ ngữ địa phương. Thiết nghĩ một từ nếu chỉ thông dụng ở một
    địa bàn thật nhỏ hẹp như cấp tỉnh chẳng hạn thì gọi là thổ ngữ được, nhưng trường hợp
    những chữ như vô, mùng, mền được đồng bào trên cả một lãnh thổ bát ngát từ Quảng Trị
    tới Cà Mau đều nói và hiểu mà chỉ coi là thổ ngữ thì người ta có thể ngờ rằng tập thể soạn
    giả từ điển Hoàng Phê có tinh thần tự tôn, địa phương hay kỳ thị. (Trong từ điển Văn Tân có
    các từ màn, mùng, mền... mà không hề ghi là phương ngữ.)

    Ngoài Bắc ai ai cũng hiểu những từ vừng, lạc, bít tất, hoa đại Xiêm... mà d?ng bào trong
    Nam ch? hi?u du?c khi g?i là mè, d?u ph?ng, v?, bơng s? Thái Lan. Tuy v?y trong Việt Nam
    Từ Ðiển của một người, Lê Văn Ðức, vẫn có những chữ vừng, lạc, tất... ghi như là tiếng nói
    chung của quốc gia. Nếu ông Lê Văn Ðức, người Nam, mà lại ghi vừng, lạc, tất... là thổ ngữ
    thì độc giả miền Bắc sẽ nghĩ sao?

    Có thể vì quan niệm phương ngữ của nhóm Hoàng Phê quá khắt khe nên rất nhiều từ thông
    dụng trong Nam bị coi như không có trong ngôn ngữ Việt. Có thể dẫn chứng là trong Từ
    Ðiển Tiếng Việt ấn bản đầu tiên từ la ve mà đồng bào trong Nam thường đọc là la de, dùng
    thay cho từ bia của miền Bắc đã bị loại bỏ không được nhắc nhở. Sau khi từ điển phát
    hành, trên báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh số 528 - 15.4.1988 đã có người nêu lên
    sự bất công này nên ở ấn bản 1994, 1996 của từ điển Hoàng Phê mà chúng tôi được thấy
    đã bổ túc sự thiếu sót đó. Tuy nhiên từ la ve và tất cả từ miền Nam thông dụng khác nếu có
    trong các ấn bản mới của từ điển Hoàng Phê vẫn được các soạn giả giữ vững lập trường
    coi là chúng là những thổ ngữ chẳng đáng lưu tâm.

    Vì người ngoài Bắc không lưu tâm tới hai thổ ngữ la ve nên khá nhiều nhà văn có tiếng miền
    Bắc đã phạm lỗi chính tả sơ đẳng khi viết là la de hai từ quá thông dụng này của miền Nam.
    Vũ Thị Thường trong Câu Chuyện Bắt Ðầu Từ Những Ðứa Trẻ do nhà xuất bản Tác Phẩm
    Mới , Hà Nôi in năm 1977 , Dương Thu Hương trong Những Bông Bần Ly cũng do Tác Phẩm
    Mới xuất bản năm 1981 và bao nhiêu nhà văn miền Bắc khác cho tới bây giờ vẫn viết la de
    với chữ D như những văn hào lói ngọng.

    Nếu từ la ve và những từ miền Nam khác được ghi trong từ điển, trong các sách văn phạm
    chắc nhiều tác phẩm hay đã tránh được những viên sạn, cắn phải ê răng.

    *

    Soạn một cuốn từ điển cho có giá trị không phải là chuyện dễ mà đòi hỏi công sức
    của nhiều người, thời gian của nhiều năm.

    Nhưng vẫn phải làm vì tương lai của một ngôn ngữ luôn luôn phải chuẩn hóa, phải gìn giữ
    cho trong sáng, chọn lọc thêm từ ngữ cho chính xác và phong phú. Người Pháp, người Mỹ
    hãnh diện với những Petit Larousse, Petit Littré hay Webster, American Heritage không
    cồng kềnh như các bộ từ điển bách khoa, chỉ khoảng hai ngàn trang mà đầy đủ và chính
    xác, lẽ nào Việt Nam không có một cuốn từ điển cho đầy đủ dùng được cho toàn quốc, cả
    hai miền Nam, Bắc.

    Việc đó chúng tôi nghĩ Hà Nội có thể làm được nếu các soạn giả chịu lắng nghe những ý
    kiến xây dựng và gạt bỏ sự tự tôn, gạt bỏ tư tưởng địa phương hay kỳ thị.

    6.1998

    Nguồn: http://www.dactrung.net/Bai-bv-35-Ca..._Viet_Nam.aspx
    Last edited by cao nguyên; 10-06-2011 at 02:04 PM.

  3. #3
    TIẾNG VIỆT DÙNG TRONG GIỚI TRẺ HẢI NGOẠI

    GS Trần Chấn Trí, University of California, Irvine


    Chúng ta, những bậc phụ huynh hay nhà giáo dục trong cộng đồng người Việt tại Hoa kỳ,
    chắc có cùng một tâm tư. Chúng ta đã xa quê hương trên 35 năm, đã ít nhiều hội nhập cuộc
    sống ở nước sở tại. Cùng với những thành quả tốt đẹp do sự hội nhập đem lại, chúng ta
    cũng phải đối diện với những mất mát không thể tránh. Chúng ta e ngại ngôn ngữ và văn
    hoá Việt đang dần dần phai nhạt trong thế hệ thứ hai và thứ ba. Chẳng vậy mà không biết
    bao nhiêu nổ lực trong cộng đồng đã tiếp nối nhau trong sứ mạng bảo tồn tiếng nói và văn
    hoá: những trung tâm Việt ngữ, những nhật báo, tuần báo, nguyệt san bằng tiếng Việt,
    những đài truyền thanh, truyền hình Việt ngữ, những sinh hoạt giáo dục và văn hoá...,
    tưởng chừng như khó có thể mà quên được tiếng mẹ đẻ và những truyền thống tốt đẹp của
    ông cha với ngần ấy nổ lực của những tấm lòng nặng tình với tương lai cộng đồng người
    Việt hải ngoại.

    Tuy nhiên, nếu chúng ta thử quan sát con em của mình về mặt sử dụng tiếng Việt,
    chúng ta sẽ thấy một hình ảnh khác. Càng sinh sau đẻ muộn tại xứ người, kiến thức và khả
    năng nói tiếng Việt của các em càng yếu kém. Tình trạng này do nhiều yếu tố khác nhau
    gây nên. Vài nguyên nhân nổi bật hơn cả là khi các em và gia đình cư ngụ tại những địa
    phương không có một cộng đồng người Việt đáng kể, hay các em lớn lên trong những gia
    đình mà cha mẹ không khắt khe về việc gìn giữ tiếng Việt. Trong bài này, chúng tôi muốn
    nêu lên một hiện tượng đáng lo ngại hơn nhiều, đó không phải là tình trạng các em thuộc
    những trường hợp kể trên, mà là tình trạng của những em nói được tiếng Việt nhưng lại
    không muốn sử dụng nó như một phương tiện giao tiếp chính trong đời sống hằng ngày, kể
    cả với những em khác cũng nói được tiếng Việt.

    Vừa là phụ huynh của hai con nhỏ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, vừa là người giảng dạy
    tiếng Việt ở bậc đại học tại địa phương, chúng tôi có dịp quan sát các em để xem các em sử
    dụng tiếng Việt ra sao, trong trường hợp nào, với ai, và không dùng tiếng Việt trong những
    trường hợp nào. Chúng tôi cũng cố tìm ra một số nguyên nhân khiến cho các em không thể
    hay không muốn nói tiếng Việt. Nguyên nhân chính yếu thứ nhất là nguyên nhân về ngôn
    ngữ. Ngay cả ở một số em sinh ra ở Mỹ, nói giỏi tiếng Việt ở nhà từ khi biết nói đến trước
    khi bắt đầu đi học, tiếng Việt của các em này sẽ biến mất một cách mau chóng chỉ một thời
    gian ngắn ngủi ở học đường. Điều này có thể xảy ra nếu cha mẹ các em không cố gắng giữ
    thăng bằng cho các em về mặt ngôn ngữ. Khi vào lớp, các em này có nhu cầu không muốn
    thua kém các bạn, hay có nhu cầu muốn được làm bạn với những em khác. Muốn vậy, chỉ
    có một ngôn ngữ duy nhất có thể giúp các em đạt được ý nguyện, có là tiếng Anh. Mặt
    khác, tuy thời gian ở trong lớp ngắn hơn là thời gian các em ở nhà, tiếng Anh được dùng để
    truyền thụ kiến thức và dùng trong những sinh hoạt trong lớp hết sức sinh động. Điều đó
    cũng làm cho tiếng Anh trở thành thứ tiếng chủ động trong đầu của các em. Khi các em về
    đến nhà, nhiều khi cha mẹ các em vẫn còn đi làm, môi trường sinh hoạt của các em bị thu
    hẹp lại. Các em không có nhiều cơ hội để dùng tiếng Việt, hay nếu cần dùng, thì chỉ quanh
    quẩn với những sinh hoạt gia đình hạn hẹp. Tiếng Việt của các em không phát triển được
    mà xem chừng có cơ mỗi ngày một giảm sút. Đã vậy, khi các em bật truyền hình lên, những
    chương trình ưa thích của các em lại đem tiếng Anh đến, chiếm thêm thì giờ của các em ở
    nhà.

    Đó là tình trạng của những em nhỏ. Một số các em lớn thuộc trình độ trung học hay đại
    học, không rành tiếng Việt, muốn học các lớp tiếng Việt để khỏi quên và học hỏi thêm, lại
    phải đối phó với một nguyên nhân ngôn ngữ khác. Tiếng Việt, tuy dùng mẫu tự La-tinh, lại
    quá phức tạp đối với các em này, một phần vì hệ thống thanh âm, một phần vì hệ thống
    chính tả cần những dấu biểu hiện thanh và âm khiến các em cảm thấy bị thách thức và đâm
    ra nản lòng. Có không ít những học sinh, sinh viên gốc Việt nói tiếng Việt lơ lớ không khác
    gì người ngoại quốc tập nói tiếng Việt. Nói đã khó, viết lại càng khó khăn hơn. Khi học tiếng
    Việt trong lớp, các em nhận ra rằng đây là loại tiếng Việt “học thuật”, tiếng Việt “cao cấp”,
    không phải loại tiếng Việt mà các em dùng ở nhà trong các sinh hoạt thu hẹp ở nhà bếp hay
    ở phòng ngủ. Vốn ngữ vựng của các em sao mà ít ỏi, hạn hẹp, so với những từ ngữ dùng
    trong những sinh hoạt mở rộng ra với thế giới bên ngoài. Đã thiếu tự tin, điều mâu thuẫn khi
    các em học tiếng Việt là đáng lẽ các em phải thấy tự tin hơn, có khi tình trạng nêu trên lại
    làm cho các em thiếu tự tin hơn nữa.

    Đã học thì phải có hành. Một nan đề khác lại nảy sinh khi các em học thêm tiếng Việt,
    mở rộng phạm vi sử dụng từ ngữ và thành ngữ, lại không có cơ hội để áp dụng những kiến
    thức và khả năng vừa thu nhận trong các lớp tiếng Việt. Rất nhiều sinh viên của chúng tôi,
    khi được hỏi các em đã áp dụng được những gì đối với vốn liến tiếng Việt của mình, chỉ có
    thể kể lại rằng mình đã dùng tiếng Việt khi gọi thức ăn ở nhà hàng hay khi mua bán lặt vặt
    trong khu phố Little Saigon. Chỉ vậy thôi. Còn với bao nhiêu sinh hoạt khác như ngân hàng,
    bưu điện, học đường, công sở, phương tiện chuyên chở công cộng, v.v. cho dù có những
    nhân viên người Việt dùng tiếng Việt với các em đi nữa, thứ tiếng Việt mà các em có thể
    dùng chỉ là một thứ tiếng pha trộn giữa tiếng Việt và tiếng Anh—trong ngôn ngữ học được
    gọi là code switching—trong đó tiếng Anh có khi là thành phần áp đảo. Chẳng hạn như một
    em sinh viên giỏi tiếng Việt cũng thường chỉ nói được một câu như thế này với nhân viên
    ngân hàng đã là giỏi lắm: “Chị có thể check giùm em xem savings account của em balance
    là bao nhiêu không?”

    Những từ ngữ tiếng Anh trong câu nói trên—check, savings account, balance—không
    phải là các em không được học bằng tiếng Việt trong lớp. Lý do mà đa số các em không
    dùng tiếng Việt không phải thuộc về ngôn ngữ, mà là một điều quan trọng không kém gì
    nguyên nhân về ngôn ngữ, đó là nguyên nhân về tâm lý. Điều này có nghĩa là có những em
    không nói tiếng Việt, không phải là các em đó không nói được tiếng Việt, mà là không muốn
    nói tiếng Việt. Đối với những em này, tiếng Việt chỉ là thứ tiếng bắt buộc phải dùng đối với
    những người không nói được tiếng Anh—như ông bà nội, ông bà ngoại—, hay những người
    đòi hỏi các em phải dùng tiếng Việt—như cha mẹ, thầy cô. Đây là yếu tố tâm lý thứ nhất. Ít
    ai muốn làm điều gì bị bắt buộc phải làm, nếu có điều kiện tránh làm điều đó. Với các bạn
    đồng lứa hay anh chị em trong gia đình, các em dễ dàng nhận ra rằng dùng tiếng Anh để
    tâm sự hay để chơi đùa với nhau lúc nào cũng nhanh hơn là dùng tiếng Việt. Mặt khác, nói
    tiếng Việt nó cứ ngường ngượng thế nào, không tự nhiên được!

    Một yếu tố tâm lý khác đến từ cha mẹ hay thầy cô. Điều này thường xảy ra mà nhiều
    khi chúng ta là bậc phụ huynh hay nhà giáo dục có khi không để ý đến. Khi các em nói tiếng
    Việt với chúng ta, lỡ phát âm sai một chữ, hay dùng một câu không chỉnh, chúng ta phì cười
    hay sửa các em bằng một thái độ thiếu xây dựng. Thái độ vô tình này có thể gây tổn thương
    tâm lý nặng nề cho các em. Những lần tới, hoặc là các em không muốn nói tiếng Việt với
    chúng ta nữa, hoặc là các em nói mà phải dè dặt, đâm ra khó mà nói được lưu loát.

    Trong giới học sinh, sinh viên ở môi trường học đường Mỹ, nơi mà tiếng Anh là ngôn
    ngữ giao tiếp chính, việc nói tiếng Việt với nhau càng là một nan đề. Nếu chúng ta chịu khó
    để ý khi có dịp ở trong môi trường này, chúng ta có thể thấy số học sinh, sinh viên người
    gốc Mỹ La-tinh dùng tiếng Tây-ban-nha với nhau tự nhiên và nhiều hơn là học sinh, sinh
    viên gốc Việt nói tiếng Việt với nhau. Điều này đi đôi với một nguyên nhân lịch sử. Vài chục
    năm về trước, người gốc Mỹ La-tinh, vì muốn hội nhập vào cuộc sống Mỹ nhanh hơn, cũng
    đã trải qua những gì người Việt đang trải qua, nghĩa là đã từng tránh nói tiếng mẹ đẻ là Tây-
    ban-nha, để chỉ dùng tiếng Anh trong mọi nơi, mọi lúc. Ngày nay, cộng đồng người Mỹ La-
    tinh đang lớn mạnh không ngừng về mọi phương diện, là một lực lượng mà không ai có thể
    phủ nhận có nhiều tiềm năng về kinh tế, chính trị, văn hoá, v.v. Vì thế, người gốc Mỹ La-tinh
    dần dần lấy lại được niềm tự tin, bây giờ đã có thể dùng tiếng Tây-ban-nha nơi công cộng
    một cách thoải mái. Tiếng Tây-ban-nha giờ đây đã là biểu hiện của sự phát triển, của
    những cánh cửa dẫn đến thành công. Cả người Mỹ cũng đua nhau đi học thứ tiếng của họ,
    bảo sao họ không cảm thấy tự hào.

    Tiếng Việt thì chưa được như vậy, dù tương lai của nó cũng đang dần dần mở rộng.
    Càng ngày càng có nhiều trường trung học và đại học ở Hoa Kỳ có chương trình dạy tiếng
    Việt. Cộng đồng Việt đang lớn mạnh cũng đang có một tiếng nói đáng kể về mặt chính trị. Vì
    thế mà một số ít chính trị gia đã chịu khó học nói bập bẹ vài câu chào hỏi bằng tiếng Việt để
    lấy lòng cử tri Việt. Tuy vậy, cũng còn lâu lắm tiếng Việt mới có bắt kịp được tiếng Tây-ban-
    nha về mặt vai vế ở xứ này. Chừng nào chúng ta còn chưa đến giai đoạn đó, chừng ấy
    chúng ta, nói chung, vẫn còn dùng tiếng Việt nơi công cộng với ít nhiều mặc cảm.

    Nhiều lần, muốn tìm hiểu tâm tư của các em sinh viên gốc Việt, chúng tôi có hỏi vì sao
    các em không dùng tiếng Việt với các bạn cùng lớp. Có em trả lời: “Không hiểu sao khi đi ra
    ngoài mà nghe hai người nói tiếng Việt với nhau, em thấy tiếng Việt họ nói nghe “rẻ tiền”
    hay “nhà quê” quá, thầy ạ! Thầy nghĩ sao về điều này?” Tôi trả lời: “Thầy vừa đồng ý với
    em, vừa không đồng ý với em. Bất cứ thứ tiếng nào trên thế giới, không riêng gì tiếng Việt,
    cũng có thể được nói ra bằng một cách “rẻ tiền” hay “sang cả” hết! Đó chỉ là do mình nói
    thứ tiếng đó như thế nào mà thôi. Cô con gái tuổi mới lớn của tôi cũng có nhận xét tương tự
    như vậy, và tôi cũng giải thích như trên. Một hôm, cháu đi học về và bảo tôi: “Con thấy bố
    nói đúng. Tiếng Việt cũng có thể nghe “sang” được. Hôm nay con đi gần hai ông cụ rất lịch
    sự đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Hai ông nói chậm rãi, từ tốn, không ồn ào.
    Con nghe thấy rất “sang”!” Tôi cười, đáp lời cháu: “Con thấy chưa? Chỉ cần ăn nói từ tốn,
    không ồn ào, dùng những chữ đàng hoàng, không dùng tiếng lóng, là bất cứ thứ tiếng nào
    cũng nghe “sang” được cả!”

    Như vậy thì chúng ta phải làm gì để thế hệ con em của chúng ta ở Hoa Kỳ và các nước
    khác có thể dùng tiếng Việt với nhau đây? Không biết tôi có bi quan không mà cứ tưởng
    tượng đến khoảng hai mươi năm nữa, ở hải ngoại này, các sách báo, băng nhạc, băng hình
    bằng tiếng Việt có cho không cũng không ai lấy; các đài phát thanh hay truyền hình sẽ phải
    tự động đóng cửa vì sẽ chẳng có ai nghe hay xem. Tôi cứ tưởng tượng khi thế hệ thứ nhất
    của chúng ta tàn rụi đi rồi, con cháu của chúng ta sẽ không còn ai “canh chừng” xem chúng
    có nói tiếng Việt với nhau hay không, thì tội gì chúng phải nói tiếng Việt với nhau cơ chứ?
    Tôi có hỏi thử vài em sinh viên xem các em ấy có muốn con của mình sau này nói tiếng Việt
    hay không. Hầu hết các em đều nói là có. Tôi phì cười và hỏi vặn lại: “Chính các em còn
    không nói tiếng Việt thì lấy đâu mà dạy lại cho con cháu các em?” Chúng chỉ cười trừ.

    Tất cả những sinh hoạt để gìn giữ tiếng Việt và văn hoá Việt ở hải ngoại ngày nay
    dường như chú trọng nhiều hơn về mặt dạy dỗ, tranh tài, mà lơ là đi mặt thực hành và tâm
    lý của nó. Tôi đã từng nghe nhiều em học sinh nhỏ xuất sắc đi dự thi chương trình đố vui
    bằng tiếng Việt nói chuyện và đùa giỡn với nhau bằng tiếng Anh, trước và sau cuộc thi! Đối
    với hầu hết các em này, tiếng Việt chỉ là thứ tiếng để học chứ không phải để hành, chỉ là
    thứ tiếng dùng để thi chứ không phải để nói. Khi các em trình diễn văn nghệ, múa hát bằng
    tiếng Việt, dù đó đã là một điểm son, cũng mới chỉ dừng lại ở việc thuộc lòng tiếng hát, lời
    ca một cách thụ động, chứ chưa phải là trình độ sử dụng tiếng Việt một cách chủ động và
    sáng tạo. Muốn các em có nhu cầu nói tiếng Việt, trước hết phải giúp các em tìm đến sự tự
    nhiên, thoát khỏi những ràng buộc, những mặc cảm. Có rất nhiều hội sinh viên người Việt
    trong các trường trung học và đại học ở Mỹ, nhưng khi các em hội họp với nhau, các em lại
    dùng tiếng Anh! Chính những chỗ ấy là những chỗ chúng ta cần giúp các em “trở về cội
    nguồn ngôn ngữ.” Những câu lạc bộ học sinh, sinh viên gốc Việt cần có những người dìu
    dắt các em, trước hết là làm gương cho các em. Chúng ta có thể tổ chức những buổi nói
    chuyện, mời những diễn giả trong cộng đồng đến nói với em về nhiều đề tài thiết thực và
    dùng một thứ tiếng Việt đơn giản, dễ hiểu cho các em tiếp nhận. Dần dần, chúng ta có thể
    giúp các em tự trở thành những diễn giả dùng tiếng Việt và thảo luận với nhau cũng bằng
    tiếng Việt. Trong những sinh hoạt khác như tiệc tùng, văn nghệ, công việc thiện nguyện, v.
    v., chúng ta tìm mọi cách để “Việt hoá” từng chi tiết nhỏ như thông báo, giấy mời, các mẫu
    đơn, chương trình, biểu ngữ, v.v., nhất nhất tất cả đều bằng tiếng Việt. Làm được như vậy,
    dần dần các em mới nhận thức được tiếng Việt quả là một thứ tiếng sống động—một sinh
    ngữ thực thụ—đang được dùng trong mọi sinh hoạt thường ngày của các em. Đây là một
    tiến trình lâu dài, đòi hỏi thời gian, công sức và lòng kiên nhẫn.

    Trong bài viết ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ làm một công việc nhỏ bé—và chưa đầy
    đủ—là thử tìm ra một số nguyên nhân về ngôn ngữ và tâm lý của hiện tượng các em gốc
    Việt không dùng tiếng Việt với nhau trong hầu hết mọi sinh hoạt ngoài gia đình, đồng thời
    tạm đề nghị vài phương pháp để cải thiện tình trạng này. Mỗi người có tâm huyết về tiếng
    mẹ đẻ và văn hoá nước nhà trong chúng ta—cố nhiên—sẽ phải tìm ra nhiều cách thức cụ
    thể để áp dụng vào việc giúp thế hệ con em của chúng ta tiếp tục gìn giữ và trao truyền
    ngọn lửa văn hoá cho những đời sau.

    GS Trần C. Trí
    University of California, Irvine

    Nguồn tin: http://www.hungsuviet.us/Links/TiengVietGSTri.html

  4. #4



    Phong tục Việt Nam xưa và nay







    LỜI GIỚI THIỆU
    Chúng tôi rất hân hạnh được gởi đến quý độc giả, thầy cô giáo và phụ huynh học sinh
    đôi lời giới thiệu về cuốn sách Phong Tục Việt Nam Xưa và Nay, Tập I của nhiều tác giả, do
    Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt xuất bản. Trong bối cảnh lịch sử của người Việt tị nạn cộng sản
    sống tha hương, sự ra đời của cuốn sách về văn hoá này mang một ý nghĩa thật to lớn. Bên
    cạnh hoạt đ ộng không mệt mỏi của các nhà giáo dục có tâm huyết trong cộng đồng người
    Việt hải ngoại là dạy tiếng Việt và văn hoá Việt cho các em ở những trường Việt ngữ, các
    hoạt động khác như xuất bản sách báo, truyền thông, văn nghệ, nghệ thuật, v.v. cũng đã
    hỗ trợ mạnh mẽ trong việc góp phần truyền bá và bảo tồn ngôn ngữ và văn hoá Việt trong
    thế hệ trẻ Việt Nam đang nối tiếp cha anh nơi xứ người.
    Cuốn Phong Tục Việt Nam Xưa và Nay, Tập I, độc đáo ở chỗ đã cùng người đọc đi từ
    những phong tục từ ngàn xưa của người Việt trong nước đến những phong tục mới nảy
    sinh trong các cộng đồng người Việt hải ngoại. Cuốn sách về văn hoá này không những có
    thể dùng để giáo dục con em của chúng ta về những giá trị tinh thần của dân tộc Việt, mà
    còn để chính chúng ta là thế hệ đi trước có dịp học hỏi thêm về văn hoá nước nhà. Vì kho
    tàng văn hoá Việt qua nhiều ngàn năm quá to lớn, chúng ta sẽ tìm thấy trong cuốn sách này
    những điều chưa biết, hay một số chi tiết có thể giúp chúng ta giải toả những thắc mắc, sửa
    đổi những nhầm lẫn trong kiến thức văn hoá của mình. Đây là một công trình khảo cứu khá
    công phu do nhiều tác giả hợp soạn nên có nhiều văn phong và cách trình bày vấn đề khác
    nhau, tạo nên một nét độc đáo cho tác phẩm. Cuốn sách có nội dung phong phú, cách giải
    thích mạch lạc, ví dụ rõ ràng. Đặc biệt, phần so sánh, đối chiếu giữa phong tục Việt Nam và
    những phong tục tương đương của Âu Tây, cũng như việc đối chiếu ngữ vựng giữa tiếng
    Việt và tiếng Anh làm cho người đọc có thể hiểu rõ hơn về một số vấn đề nêu ra trong sách.
    Sự đóng góp về văn hoá của cuốn sách này, cũng như của những công trình văn hoá
    hay nghệ thuật khác trong cộng đồng người Việt hải ngoại, sẽ mang lại một hiệu quả tích
    cực trong cuộc sống của tất cả chúng ta. Hiểu thêm được văn hoá của dân tộc, chúng ta sẽ
    cảm thấy tự tin và tự hào về nguồn gốc, nhưng đồng thời cũng nảy sinh lòng tôn trọng văn
    hoá của người dân bản xứ nơi chúng ta sinh sống, cũng như văn hoá của những cộng đồng
    di dân khác đang cùng chung sống với cộng đồng Việt.
    Thế giới chúng ta đang sống đang dần thu hẹp lại như một ngôi làng nhỏ, đó là nhờ
    những phương tiện kỹ thuật và truyền thông tân kỳ giúp thu ngắn khoảng cách về địa lý.
    Tuy nhiên, sự thông hiểu về văn hoá của chính mình cũng như sự hiểu biết và tôn trọng văn
    hoá của những dân tộc khác trên thế giới mới chính là yếu tố giúp thu ngắn khoảng cách
    giữa những trái tim của tất cả mọi người cùng chung sống trên địa cầu.
    California, 15 tháng 9, 2011
    GS Trần Chấn Trí
    University of California, Irvine
    FOREWORD
    It gives me great pleasure to write a foreword to this book—and recommend it to
    readers, teachers, and parents—Phong Tục Việt Nam Xưa và Nay, Tập I (Vietnamese
    Customs Then and Now, Volume I), written by multiple authors and published by The
    Vietnamese Historical and Cultural Performing Arts Foundation. In the historical background
    of the Vietnamese political refugees living abroad, the publication of this cultural book is
    indeed of great significance. Alongside the untiring activity of many a zealous educator in
    the Vietnamese communities in teaching the Vietnamese language and culture to children in
    language schools, other activities in publishing, communication, performing arts, fine arts,
    etc. have provided valuable assistance in contributing to disseminate and preserve our
    language and culture among the younger generation in their succession of the older
    generation living in foreign lands.
    Phong tục Việt Nam Xưa và Nay, Vol. I, is unique in that it accompanies the reader from
    the thousand-year-old customs of the Vietnamese people in their country to the newly
    formed customs among the Vietnamese communities living abroad. Not only can this cultural
    book be utilized to teach our offspring about the spiritual values of the Vietnamese people, it
    is also for us—the foregoing generation—to learn more about our culture. Because our
    thousand-year-old cultural treasure is so vast, we shall find in this book many things that we
    did not know about, as well as numerous details that can help us either to clarify some
    doubts or to rectify a few misunderstandings in our cultural knowledge. This elaborate work,
    completed by several authors, offers various styles and forms of presentation, thus creating
    a unique feel to the book. It has rich contents, coherent and clear explanations, and
    concrete examples. In particular, the comparison and contrast between the Vietnamese
    customs and the similar customs of the Western world, as well as those between Vietnamese
    and English glossaries do help the reader understand better a great number of issues
    raised in the book.
    The contribution of the book in terms of culture, hand in hand with other cultural and
    artistic works in the Vietnamese communities abroad, will bring about a positive effect in our
    lives. By better understanding our own culture, we will become more confident and feel
    proud of our origins. At the same time, we can also learn to respect the cultures of the local
    people and other immigrant communities that are coexisting with ours.
    The world we are living in is gradually becoming as small as a village, thanks to the
    modern technologies and means of communication that help shorten geographical
    distances. Nevertheless, it is the understanding of one’s own culture, combined with our
    respect for those of other peoples, that serves as an element to help reduce the distance
    between the hearts of all people living together on our planet.
    Tri C. Tran, Ph.D.
    University of California, Irvine
    September 15, 2011





    Last edited by cao nguyên; 01-11-2012 at 06:18 PM.
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  5. #5
    Đêm của biển đầy, biển rộng…






    Kính gửi thầy Song Thuận, cô Bích Huyền, chú Xuân Chung, đài VHN, quý thành viên Hùng Sử Việt và các anh chị trong các hội đoàn góp mặt trong đại nhạc hội Hùng Sử Việt VIII:

    Đêm nay, sau khi hòa cùng mọi tâm hồn của chương trình và ban tổ chức suốt chiều và tại Emerald Bay với tình thân của mọi người, cháu không ngủ được ạ! Cơn tỉnh táo cần thiết cho chuỗi dài cảm xúc cháu mượn vay và có được trong suốt một quá trình, hay nói đúng hơn là “công cuộc” đầy hoài bão của Hùng Sử Việt trong 11 năm qua và 8 kỳ đại nhạc hội. Chiều qua, chỉ là những bước chập chững đầu tiên của chúng cháu – mà chợt hiểu rằng: Trước đó và sau đó, là một quá trình dài, bền bỉ và dày công…

    Cháu chạy ùa ra biển Seal Beach để tìm về lòng bao dung - hệt tựa lòng Mẹ.

    Cháu chân thành cảm ơn thầy Song Thuận, cô Bích Huyền và MC Uyển Diễm, chú Xuân Chung và mọi tấm lòng của ban tổ chức đã cho cháu dịp trở về với cội nguồn một cách rõ nét sau hơn 20 năm xa. Tất nhiên trong hơn 20 năm đó, cháu cũng tìm về đó hoặc đây những mảng, những đoạn chấm phá qua âm nhạc, qua sách báo, internet và những câu chuyện kể! Nhưng chính Hùng Sử Việt và những tấm lòng quấn quyện với tiêu chí Hùng Sử Việt đưa ra, mới kích thích sự “quay về” với cội nguồn, với lịch sử, với nhân vật, địa danh một cách rõ ràng và khoa học nhất! Những emails ân chần chia sẻ, những bản nhạc, thi ca và những đoàn kết giữa người và người trong sinh hoạt Hùng Sử Việt đã cho cháu …tìm về và nhận ra một điều khá muộn màng: Đó mới là trách nhiệm đích thực và nhân bản nhất của bất cứ người Con đất Việt nào, bất luận đang sinh sống nơi đâu.

    Hùng Sử Việt đã nhắc nhở chúng cháu điều đó – nhắc nhở một cách chính xác, chắc nịch! Hùng Sử Việt - là "cây Quế giữa rừng" của tâm hồn thế hệ chúng cháu ạ!

    Những tự hào dân tộc, những chi tiết đã được êm ả dìu dắt qua Thầy Song Thuận, Cô Bích Huyền, ban tổ chức .v.v…Chúng cháu, thế hệ sau (góp mặt trong chương trình lần này) thật may mắn khi được thừa hưởng và dạy bảo (đôi khi chỉ qua ánh mắt). Con đường ấy thật phẳng lặng và dễ dàng! Chiều qua, Uyển Diễm và cháu chỉ làm công việc giản đơn còn lại là nối kết các tiết mục với nhau sao cho nhịp nhàng. Chương trình thành công là nhờ vào sự dìu dắt đó, tình đoàn kết đó của bất cứ ai được hòa vào! Cháu rất tự hào cho một sản phẩm chung mà chính cháu cũng được hòa vào.

    Hạnh phúc nhất là thời gian được nhìn ngắm mọi đoàn thể hăng say tập dợt …Hạnh phúc không nằm ở cuối đoạn đường (sự thành công, vui vầy chiều qua) – mà là tinh thần mọi người đặt để khi còn ấp ủ, tập tành và lan tỏa! Không lan tỏa sao được khi không chỉ một, không chỉ hai mà là ba thế hệ cùng gặp gỡ nhau trong các buổi dợt, trang phục, viết lách, đạo cụ, trình diễn như thế! Ai nhìn trông cũng sáng thêm, nhân văn thêm khi họ cùng nhau làm nên những tiết mục trong 18 tiết mục ấy! Đã chứng kiến những Bố Mẹ cầm tay con cái, Ông Bà cầm tay con cháu giảng giải cho chúng thêm từng li ti của một “Hùng Sử Việt” khi chúng ngơ ngác chưa hiểu – thiêng liêng quá cái khúc đoạn đường Brookhurst chiều qua khi có một buổi trình diễn đầy tính reo rắc, hùng hồn và thương yêu.

    Cháu đã từng chứng kiến những tâm hồn lạc loài người Việt sống ở các tiểu bang xa, thành phố chẳng ai để ý tới (ví dụ: Liberal, Kansas) – nơi có National Beef Company – lạnh lẽo (Hạ cũng lạnh mà ngày Đông còn lạnh hơn đến tê lòng). Vì mưu sinh họ phải làm vất vả trong cái lạnh ấy quanh quẩn để mỗi đêm về họ tìm vui qua những bộ phim dài Trung Hoa, Hàn Quốc dài tập! Trong họ, dù chẳng muốn, chất “Hùng Sử Việt” đã đang mai một dần…

    Cần lắm những chương trình như Hùng Sử Việt kỳ VIII, qua thể cách đại nhạc hội tại VHN-TV, hay qua sản phẩm DVD như cháu hiểu đang có ý định thực hiện để đan kết mọi người trong khu vực và khắp mọi nơi hướng về nguồn cội và hãnh diện với nguồn cội đầy hào hùng đấy! Sự chắt lọc của Thầy Song Thuận, Cô Bích Huyền và ban tổ chức, cháu tin sẽ đưa ra những sản phẩm giá trị và thuyết phục lắm ạ! Làm sao không, khi sản phẩm này (khác với các sản phẩm kinh doanh, thương mại kia) được thực hiện bởi chính mọi đoàn thể và chinh chúng ta – khi con cháu nhìn vào, chúng phải tự nhận ra cái bổn phận tìm về của chúng!

    Rồi chúng ta sẽ ra đi (chỉ một chiều lê thê, co mình trên ghế)…Thế hệ con cháu sẽ ra sao…khi không có một hoặc những “Hùng Sử Việt” như chiều qua…
    Cháu ấm lòng và yên tâm khi biết rằng mình đang được sống trong một cộng đồng tử tế!

    Kính chúc sức khỏe và bình an …


    MC Đại Dương
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  6. #6
    NHỮNG TỪ DÙNG SAI TRONG NGÔN NGỮ VIỆT NAM
    (trích TrieuThanh Magazine)



    1.- Sai vì không hiểu nghĩa gốc Hán Việt.

    *CHUNG CƯ. Từ kép nầy được thành lập theo văn phạm Hán Việt vì tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ chung Hán Việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư 終居 không phải là nơi nhiều người ở chung mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ chung cư thành chúng cư 衆居 thì mới ổn.

    *KHẢ NĂNG. “Khả năng” 可 能 là năng lực của con người, có thể làm được việc gì đó. Thế mà người ta đã viết và nói những câu đại loại thế nầy: Hôm nay, khả năng trời không mưa. Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh… Nghe thực là kỳ cục và đáng xấu hổ. Tôi cho rằng, người ta đã nhầm lẫn giữa hai từ khả năng 可 能 (capacité, capable) với khả dĩ 可 以 (possibilité, possible). Nhưng thôi, chúng ta nên dùng từ thuần Việt là có thể, đúng và dễ hiểu, còn từ khả năng chỉ nên dùng để nói về năng lực mà con người mà thôi.

    *QUÁ TRÌNH. Quá 過 là đã qua, trình 程 là đoạn đường. Quá trình là đoạn đường đã đi qua. Nói thế nầy là đúng: “Quá trình thực hiện công việc đã gặp nhiều trở ngại. Nhưng tôi lại thấy trong sách báo câu đại loại thế nầy: “Quá trình thực hiện công tác sắp tới của tôi là sẽ rất thuận lợi”.Thực là sai lắm rồi. Trong trường hợp nầy, phải dùng chữ tiến trình, đúng cho cả 3 thì quá khứ, hiện tại và tương lai.

    *HUYỀN THOẠI. Người viết, kể cả những người có bằng cấp cao, không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười. Thí dụ, tôi rất thường nghe đài truyền hình, truyền thanh và báo chí nói “huyền thoại Pélé” “huyền thoại Maradona”.. Người có học nghe thực chướng tai, nhưng người nói chẳng ngượng miệng chút nào. Tại sao nghe chướng tai? Huyền 玄 là màu đen, nghĩa bóng là sâu xa, mờ ảo, không có thực. Thoại 話 là câu chuyện. Vậy huyền thoại là câu chuyện mờ mờ ảo ảo, không có thực, do truyền miệng mà ra. Thí dụ chuyện bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, chuyện ông Thánh Gióng cỡi ngựa sắt đi đánh giặc Ân là những huyền thoại. Đằng nầy, ông Maradona, ông Pélé có thiệt 100% sao gọi là huyền. Và 2 cầu thủ đó là con người sao gọi là thoại được. Nếu muốn dùng chũ huyền thoại để đề cao 2 cầu thủ đó thì phải nói thế nầy: “Cái tài của 2 ông nầy tưởng như chỉ có trong huyền thoại”. Ông bà mình thường nói: “Dốt thì hay nói chữ, có đúng trong trường hợp nầy hay không?”

    *HÔN PHU, HÔN THÊ. Hôn là cưới, phu là chồng, thê là vợ. Trong chữ phu và chữ thê đã có nghĩa của chữ hôn rồi cho nên gọi hôn phu và hôn thê là để chỉ người chồng người vợ là phi lý. Gọi hôn lễ(lễ cưới) hôn phối (lấy nhau) thì được. Còn nói hôn phu, hôn thê thì có thể hiểu 昬夫,昬妻 là nguời chồng u mê, người vợ u mê cũng như nói hôn quân 昬君 là nhà vua u mê vậy.

    2.- Sai vì cố ý sửa nghĩa gốc Hán Việt

    *ĐỘC LẬP Độc 獨 là riêng một mình, Lập 立 là đứng. Vậy theo nghĩa gốc Hán Việt, độc lập là đứng riêng rẻ một mình, không đứng chung với ai cả. Rõ ràng từ nầy là sai nếu dùng để diễn tả tình trạng của một quốc gia không lệ thuộc nước khác. Ngày nay, các quốc gia như thế đâu có đứng riêng một mình mà đều có liên hệ với nhau trong các tổ chức quốc tế. Vậy từ độc lập là sai. Tôi thấy Cụ Trần Trọng Kim, Cụ Dương Quảng Hàm dùng từ tự chủ để thay thế từ độc lập. Như thế là rất hay. Có người bảo với tôi rằng từ độc lập là do ông Tôn Dật Tiên đặt ra nên không thể bỏ được. Tại sao vậy? Ông Tôn Dật Tiên thì liên quan đến ngôn của Tàu chứ có liên quan gì đến ngôn ngữ Việt Nam. Tàu dùng sai thì chúng ta đâu có buộc phải theo cái sai của họ.

    *PHONG KIẾN.封建 Phong kiến gồm 2 chữ phong tước 封爵 (ban quan tước) và kiến địa 建地 (ban đất để dựng nước). Phong kiến chỉ chế độ hoàng đế phong tước cho người có công và cấp cho một vùng đất rất rộng để thành lập quốc gia, với quân đội, luật lệ và chế độ thuế má riêng biệt. Chế độ nầy hiện hữu ở đời nhà Chu bên Tàu với nước của thiên tử và nước của các chư hầu; từ nhà Tần trở đi thì chế độ phong kiến bị bị bãi bỏ và được thay bằng chế độ trung ương tập quyền. Chế độ phong kiến cũng tồn tại ở vài nước Âu châu như Pháp, chỉ vào thời Trung cổ mà thôi. Ở Việt Nam không bao giờ có chế độ phong kiến (féodalité) mà chỉ có chế độ quân chủ chuyên chế (royalisme absolu) mà thôi. Gọichế độ quân chủ ở Việt Nam bằng từ phong kiến là sai. Có tài liệu còn bảo rằng sự cúng tế đình chùa là tàn tích của phong kiến thì càng sai hơn nữa.

    *TIÊU CỰC, TÍCH CỰC 消極, 積極 Hiện nay, người ta gán vào hai từ nầy ý nghĩa tốt xấu hết sức rõ rệt. Hành động nào tốt thì được gọi là tích cực; trái lại, hành động xấu thì gọi là tiêu cực. Thực ra, suy từ nghĩa gốc Hán Việt thì sự gán ép như thế là sai. Tich cực, tiêu cực tự nó không có sẵn tính chất tốt hay xấu mà chỉ ấn định cường độ của hành động mà thôi. Thí dụ, trong một đoàn đi làm việc phước thiện thì ai tích cực là tốt và ai tiêu cực là không tốt. Nhưng trong một bọn côn đồ đi tổ chức ăn cướp thì đứa nào tích cực lại là đứa xấu nhất. Trong truyện Tam quốc của Tàu, Từ Thứ, mưu sĩ của Lưu Bị bắt buộc phải về phục vụ dưới trướng của kẻ thù là Tào Tháo. Từ Thứ đã giữ thái độ tiêu cực nghĩa là không hiến mưu kế gì cho Tào Tháo. Thái độ tiêu cực nầy của Từ Thứ, từ cổ chí kim luôn luôn được khen ngợi; vậy tiêu cực có xấu đâu.

    3.- Sai vì không phân biệt được tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt (tiếng Nôm).

    *QUỐC GIỖ. Tôi có đọc được câu nầy: “Ngày giỗ tổ Hùng vương là ngày quốc giỗ”. Nói như vậy là sai. Giỗ là tiếng Nôm chứ không phải là tiếng Hán Việt nên không thể đặt sau tiếng quốc được. Hãy bỏ tiếng ngày quốc giỗ mà dùng tiếng thuần Việt là ngày giỗ cả nước, vừa đúng, lại vừa dễ hiểu, Nơi tiếng Hán, ngày giỗ là kỵ nhật 忌日.Ở một vài tỉnh của Trung Việt, người ta gọi ngày giỗ là ngày kỵ. Ta nên dứt khoát chỉ dùng từ Nôm là ngày giỗ để cho thống nhất toàn quốc.

    *GÓA PHỤ. Tôi đã gặp vài lần chữ góa phụ trong sách vở báo chí để chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Gọi như thế là sai vì tính từ góa là tiếng Nôm, không thể đặt trước danh từ phụ được. Phải gọi người đàn bà góa (toàn Nôm) hay người quả phụ (toàn Hán Việt) thì mới đúng.

    *ĐỆ NHẬT THÁC. Ở ngõ đi vào của một địa điểm du lịch, có hàng chữ to tướng dùng để quảng cáo “Nơi đây có đệ nhất thác”. Viết như thế là sai. Đặt 2 chữ đệ nhất (tiếng thêm nghĩa) trước chữ thác (tiếng chính), là theo văn phạm Hán Việt thì cả hai chữ đều phải là tiếng Hán Việt mới được. Ở đây, tiếng thác là thuần Nôm, thế là bậy rồi. Không có tiếng Hán Việt nào có nghĩa thác nước. Thác theo tiếng Hán là bộc bố 瀑 布, nhưng đó lại là tiếng Hán thuần túy nghĩa là chưa được Việt hóa thành tiếng Hán Việt nên chưa thể dùng được. Trong trường hợp nầy, nên viết “Nơi đây có thác đẹp nhất”, vừa đúng, vừa dễ hiểu lại vừa hấp dẫn khách du lịch.

    4.- Sai vì không phân biệt được văn phạm Hán Việt với văn phạm Nôm.

    *X QUANG. Mỗi lần có chuyện phải vào bệnh viện là tôi rất khó chịu khi nhìn thấy cái bảng “Phòng X quang” Tôi khó chịu vì cái chữ X quang nầy phạm đến 2 lỗi. Một là lỗi về ngữ pháp và một lỗi vể kiến thức khoa học. Về ngữ pháp, quang là tiếng chính, X là tiếng bổ nghĩa. Đặt tiếng bổ nghĩa trước tiếng chính thì đích thị sử dụng văn phạm Hán Việt rồi. Mà muốn dùng lối văn phạm nầy thì cả 2 chữ đều phải là tiếng Hán Việt. Ở đây X là một mẫu tự latin thì sai quá đi rồi. Về khoa học, quang 光 có nghĩa là sáng, ở đây chỉ tia sáng. Tia sáng là tia kích thích được tế bào thị giác để tạo ra ấn tượng sáng. Trong chuỗi sóng điện từ, các tia nầy chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ bé với độ dài sóng từ 400 nano mét đến gần 800 nano mét mà thôi. Trong khi đó, tia X (với độ dài sóng từ 0,1 đến 10 nano mét) cách tia sáng khá xa, không kích thích được tế bào thị giác thì chắc chắn không phải là tia sáng rồi. Cho nên dùng chữ QUANG cho tia X là sai be bét về vật lý sơ đẳng của lớp 12 trung học. Tôi chẳng hiểu ông “đại giáo sư tiến sĩ” nào đã bày ra cái tên X QUANG đó. Tại sao không dùng chữ “TIA X” như trước đây ở miền Nam, vừa hay, vừa đúng, vừa đại chúng, vừa thuần túy Việt Nam. Không lẽ người ta muốn dùng chữ “X QUANG” để chứng tỏ ta đây biết “nói chữ” hay sao?

    *BÊ TÔNG HÓA con đường. Bê tông là từ phụ, hóa là từ chính. Đây cũng là văn phạm Hán Việt. Để thành lập từ kép thì cả 2 từ đơn đều phải tiếng Hán Việt. Ở đây bê tông lại là tiếng Pháp (béton) phiên âm ra, do đó nói bê tông hóa là sai. Ngoài ra, nghĩa cũng sai vì từ bê tông hóa được dùng phải được hiểu là con đường đà được biến hóa thành một khối bê tông. Vì vậy, không nên nói bê tông hóa mà nói một cách bình thường: tráng bê tông con đường, vừa đúng lại vừa dễ hiểu.

    Còn một lô HÓA rất bậy bạ trong sách vở báo chi, trong chương trình truyền thanh, truyền hình như : nghèo hóa, giàu hóa, no hóa, đói hóa, khôn hóa, dại hóa, vân vân. Tội nghiệp cho ngôn ngữ Việt Nam!

    *NỮ NHÀ BÁO Tôi còn nhớ, trong chiến tranh I rắc, sau khi lính Mỹ bắn nhầm nhân viên tình báo của Ý bảo vệ người nữ phóng viên vừa được bọn bắt cóc trả tự do, các đài truyền hình ở Việt Nam loan tin nhiều lần và nhắc đi nhắc lại nhóm từ nữ nhà báo. Thực là quá tệ! Nhà báo là tiếng Nôm nên phải dùng văn phạm xuôi và phải nói “nhà báo nữ”Còn muốn dùng văn phạm ngược thì phải dùng 3 từ Hán Việt: “nữ phóng viên” hay “nữ ký giả”. Ban biên tập các đài truyền hình không biết điều nầy sao?

    *TRIỀU CƯỜNG. Từ lâu rồi, tôi thấy xuất hiện rất thường xuyên hai từ triều cường khi người ta nói đến thủy triều trên song.. Hai chữ nầy có thể thay đổi vị trí trước sau và có hai ý nghĩa khác nhau. Cường triều 強 潮 gồm tính từ đứng trước danh từ thì tương đương với một danh từ và có nghĩa là con nước lớn (haute marée). Triều cường 潮 強 thì lại là một mệnh đề gồm một danh từ triều và một động từ cương và có nghĩa là con nước đang lớn lên (la marée monte). Lúc nào cũng dùng chữ triều cường thì có thể sai hơn phân nửa trường hợp rồi. Nhưng tại sao không nóicon nước lớn (danh từ) và con nước đang lên (mệnh đề) vừa đúng lại vừa phù hợp với trình độ và thói quen của đại chúng.

    *HẠT NHÂN. Đây là từ vật lý học chỉ các hiện tượng xảy ra bên trong cái lõi hay cái nhân của nguyên tử. Miền Nam trước đây gọi là hạch tâm. Hạch 核 là cái hạt, tâm 心 là cái lõi hay cái nhân bên trong . Hạch tâm là cái nhân của hạt. Đó là từ ghép theo văn phạm Hán Việt vì cả 2 từ đều là Hán Việt. Bây giờ người ta chuyển sang dùng 2 từ Nôm thì phải theo văn phạm nôm và phải gọi là “nhân của hạt” hay nhân hạt, cũng như bên ngoài gọi “vỏ hạt” chứ không thể gọi là “hạt vỏ” được. Gọi phản ứng hạt nhân, là sai với văn phạm rồi. Cần phải sửa lại: phản ứng nhân hạtmới đúng. Tuy nhiên, theo tôi, nên giữ từ phản ứng hạch tâm thì hay hơn nhiều. Từ nầy không phải là từ của giới bình dân nên cứ giữ tiếng Hán Việt, không cần chuyển sang tiếng Nôm.

    *TẶC. Từ Hán Việt nầy đang được dùng một cách rất bậy bạ và rất thường xuyên như bọn tôm tặc, vàng tặc, cà phê tặc, để chỉ những tên ăn trộm. Dùng như thế là phạm vào 2 điều sai. Thứ nhất là sai về ngữ pháp: một từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ kép. Thứ hai là sai về nghĩa. Tặc 賊có nghĩa là ăn cướp, đạo 盜 mới có nghĩa là ăn trộm, thí dụ đạo văn 盜文 là ăn trộm văn của người khác. Tại sao người ta không nói một cách giản dị và đúng là: bọn trộm tôm, trộm vàng, trộm cà phê. . . Cũng cần nói thêm về một từ đang được nhiều báo đem dùng. Đó là từ đinh tặc để chỉ bọn rải đinh trên đường phố. Đinh là một từ có gốc Hán Việt 釘 nhưng đã được Việt hóa hoàn toàn rồi nên ghép với từ tặc thì không ổn. Vả lại, nói đinh tặc là sai nghĩa vì từ đó có nghĩa là bọn ăn cướp đinh; thôi bỏ từ đó đi và nên nói một cách giản dị là “bọn rải đinh” thì hơn.

    Còn vô số những từ sai khác cùng nguyên nhân trên đây như:

    Lớp trưởng, phải sửa lại trưởng lớp,
    Nhóm trưởng, phải sửa la trưởng nhóm
    Siêu rẻ, phải sửa lại rất rẻ
    Siêu bền, phải sửa lại rất bền
    Vi sóng, phải sửa lại vi ba hay sóng ngắn
    Vân vân...

    5.- Dùng từ vô nghĩa

    *Bệnh viện DA LIỄU. Lần đầu tiên, thấy bảng chữ nầy, thú thật tôi không hiểu là cái gì. Sau hỏi người bạn bác sĩ mới biết đó là “nhà thương chữa bịnh ngoài da và bệnh hoa liễu”. Trời đất! Da là từ thuần Việt. Hoa liễu là từ Hán Việt, sao lại nhập chung một cách kỳ cục như thế. Xét về nguồn gốc, chữ Hán Hoa liễu 花柳 có nghĩa là ổ điếm chứ không phải là một bịnh. Về sau, người ta dùng nhóm từ kép “bịnh hoa liễu” để chỉ cái bịnh lây qua đường tình dục cho những người hay lui tới các hoa liễu. Dùng riêng chữ hoa liễu cho một bịnh đã là sai rồi. Bỏ luôn chữ hoa, chỉ còn chữ liễu thôi thì càng tệ hơn nữa. Riêng chữ liễu 柳 thì có nghĩa là cây liễu. Bệnh viện da liễu tức là bệnh viện chuyên chữa cho bịnh ở da của cây liễu !!!

    *ĐẠI TRÀ. Tôi nhớ sau năm 1975, một người bạn dạy sử địa kể rằng, lần đầu tiên đọc sách giáo khoa từ miền Bắc đưa vào gặp câu: “Cây chè được trồng đại trà ở vùng nầy”. Anh ta hơi hoảng vì dạy sử địa bao năm mà bây giờ không hiểu đại trà là gì. Đại là lớn, còn trà là gì? Anh về lật nhiều tự điển kể cả tự điển Hán Việt ra tra thì chẳng thấy chữ đại trà ở đâu cả. Hỏi thăm mãi anh mới rõ trồng đại trà là trồng rộng rãi khắp nơi. Có lẽ ai đó nổi hứng bịa ra từ vô nghĩa đó để thay thế từ dễ hiểu và có sẵn, rồi sau đó những người khác bắt chước nói theo. Ngôn ngữ mà biến chuyển như thế thì cũng đáng buồn.

    *SỰ CỐ. Lại một từ vô nghĩa nữa nhưng đang được dùng một cách rộng rãi để chỉ một sự rắc rối vừa mới xảy ra. Trong tiếng tiếng Hán Việt có từ kép cố sự 故事 có nghĩa là chuyện cũ chứ làm gì có từ sự cố. Cái nghĩa mà hiện nay người ta gán cho từ vô nghĩa đó thực là lạ lùng, không thể chấp nhận được.

    * HOÀN CẢNH. Trong một bài báo, người ta viết: “Cô ây sống hoàn cảnh lắm”. Đố các bạn biết người ta muốn nói gì? Xin thưa, muốn nói “Cô ấy đang sống trong hoàn cảnh bi thảm”!!! Các bạn có chịu nổi với cách viết văn như thế đó không ?

    *ĐÔI CÔNG. Kể từ giải túc cầu thế giới tại Nam Phi, đài truyền hình ở Việt Nam bịa ra một từ mới, đó là từ đôi công và rất thường được lặp đi lặp lại. Theo dõi nhiều trận, tôi mới hiểu ý của các ông trời đó muốn nói: 2 đội chơi đôi công nghĩa là cả 2 đội đều chơi tấn công. Đôi là một cặp (tiếng Nôm), công là tấn công (tiếng Hán Việt). Vậy đôi công là một từ bậy bạ do người kém hiểu biết bịa ra mà hiệu quả rõ ràng là làm xấu đi ngôn ngữ của dân tộc mình. Có người nghĩ rằng, cứ bịa ra những từ mới là làm giàu cho ngôn ngữ. Quan niệm như thế là sai; cũng như muốn làm giàu thì kiếm được thực sự nhiều tiền chức không phải cứ nhét vào tủ các thứ giấy tờ bậy bạ mà gọi làm giàu được.

    *XÂY DỰNG. “Anh Hai tôi quyết định xây dựng với người yêu của mình” Các bạn đừng tưởng rằng 2 người quyết định đi xây nhà để ở nhé. Không, 2 người quyết định làm đám cưới dó. Viết văn như thế thì hết chỗ để phê bình rồi.

    6.- Dùng sai nghĩa từ thuần Việt.

    *NGƯỠNG. Người ít học cũng biết ngưỡng là một giới hạn rất xác định, một gạch ngang rõ nét, và bước qua vạch ngang đó thì mọi việc sẽ thay đổi một cách căn bản. Thí dụ, ngưỡng cửa là một đường ngang, bên trong là phòng, bên ngoài là sân hay mái hiên chứ không còn là phòng nữa. Một thí dụ khác: khi lượng glucose trong máu tăng lên và vượt qua ngưỡng 1% thì đường thoát ra ngoài theo nước tiểu, còn dưới cái ngưỡng đó thì không hề gì. Ngưỡng có nghĩa rõ ràng như thế và học sinh nào cũng biết. Thế mà mổi đêm, trong mục dự báo thời tiết, xướng ngôn viên cứ lải nhải; nhiệt độ đạt ngưỡng từ 32 đô đến 35 độ. Nghe chịu hết nổi. Tôi không trách người xướng ngôn vì bản tin không phải do người xướng ngôn viết mà do các đấng đại trí thức trong ban biên tập viết nên.

    *KIÊU NGẠO. Có người nhờ tôi giải thích một câu nói trong sách báo nào đó :”Thằng A hay kiêu ngạo người khác.” Tôi không giải thích được vì không rõ câu nầy có nghĩa: “thằng A thường tỏ ra kiêu căng với người khác”, hay là “thằng A thường chế nhạo người khác”. Chắc chắn cả 2 cách giải thích đều không ổn vì dùng từ kiêu ngạo như thế là sai rồi thì không thể có cách nào giải thích câu nói cho đúng được.

    *TRAO ĐỔI. Từ nầy có nghĩa là đưa qua đưa lại các vật với nhau. Ngày nay người ta lại dùng từ nầy một cách sai lầm để thay thế cho từ bàn bạc hay thảo luận. Thí dụ: “Để thực hiện chỉ thị, tôi đã trao đổi với đồng chí chử tịch”

    7.- Dùng từ thiếu chính xác

    *CHẤT LƯỢNG. Chất 質là cái khối chứa bên trong một vật (matière,) lượng 量là tính chất của cái gì có thể cân đo đếm được (quantité). Vậy chất lượng hay khối lượng là cái chất bên trong của một vật có thể đo lường được ( masse). Thí dụ: “khối lượng hay chất lượng của một vất là 1 kilo gramme”. Thế mà ngày nay người ta dung từ chất lượng để chỉ cái tính tốt xấu của một vật, không thể đo đếm được (qualité). Thí dụ: “Chất lượng của nước giải khát nầy kém lắm, uống không ngon má cò có hại cho sức khỏe nữa”.

    *CẢM GIÁC. 感覺 Đó là sự nhận biết của cơ thẻ do ngoại giới tác động vào các giác quan của cơ thể. Thí dụ: “Gió về khuya gây cảm giác lạnh. Tiếng đàn gây cảm giác êm đềm”. Ngày nay, người ta thường dùng từ cảm giác thay cho từcảm nghĩ. Thí dụ: ‘Với tình hình nầy, anh có cảm giác thế nào?”. Thực là sai một cách trầm trọng.

    *THỐNG NHẤT. Thống nhất 統一 là làm biến mất tình trạng chia rẻ bắng cách gom các thứ về một mối. Ngày nay người ta lại thường dùng từ thống nhất để diễn tả sự đồng ý, cùng chung quan điểm. Thí dụ, người ta đã nói: “Để thực hiện tốt chỉ thị, tôi cần thống nhất đồng chí chủ tịch”. Nói như vậy là sai.

    *GIẢI PHÓNG . Giải phóng 解放 là một từ thường dùng trong lĩnh vực chính trị để chi công cuộc cởi bỏ áp bức, trói buộc cho con người. Ngày nay, người ta lại dùng một cách sai lầm từ nầy cho vật chất. Thí dụ: người ta nói giải phóng mặt bằng thay cho từ đúng là giải tỏa mặt bằng.

    *ĐĂNG KÝ. Đăng ký 登記 là chép vào sổ một vật được đưa đến. Thế mà ngày, người ta nói: “Tôi đã đăng ký đi nước ngoài” Nghe như người ta sẽ gói tôi lại rồi đem gởi ra nước ngoài. Với con người, không thể nói đăng ký mà phải nói:ghi danh hay ghi tên mới đúng.

    8.- Từ vựng lộn xộn.

    *LÁI XE. Đó rõ ràng là một động từ, hay đúng hơn là một từ kép gồm một động từ và một túc từ. Tuy nhiên, ngày nay người ta cũng dùng từ nầy để chỉ người lái xe, tức là danh từ. Vì vậy, người ta có thể nói: “Sáng nay, lái xe đang lái xe gặp một lái xe khác cũng lái xe, cả hai lái xe cùng lái xe về nhà.” Thực là buồn cười. Trước đây ở miền Nam, lái xe dứt khoát chỉ là động từ, còn danh từ phải là người lái xe hay muốn nói gọn hơn thì dùng từ phiên âm Quảng Đông (?), tài xế cũng được rõ ràng minh bạch.

    *YÊU CẦU. Đây là một động từ. Thí dụ: “Tôi yêu câu anh đi ngay”. Sau 75, tôi gặp ngay trong giáo án (tài liệu chính thức để dạy học) 2 chữ: mục đích và yêu cầu. Động từ yêu cầu đã biến hẳn thành danh từ.

    *NGHIÊN CỨU SINH. Sinh 生 là tiếng Hán Việt. Dùng làm động từ thì sinh có nghĩa là sống, còn dùng làm danh từ thì sinh có nghĩa là con người đang sống. Thí dụ học sinh là người đi học, giáo sinh là người đi dạy. Nguyên cứu sinh là người đi nghiên cứu. Rõ ràng như vậy, thế mà tôi đã nghe người ta nói và đã thấy người ta viết những câu như “Con tôi được đi nghiên cứu sinh tại Trung quốc” Như thế là nói bậy vì lấy một danh từ làm động từ!

    *ẤN TƯỢNG. Theo cụ Đào Duy Anh, ấn tượng 印象(impression) là cái hình tượng do ngũ quan cảm xúc mà còn in sâu vào óc. Vậy ấn tượng là một danh từ của tâm lý học. Thế mà ngày nay người ta đem dùng làm tính từ như “cảnh đó rất ấn tượng”, và cả động từ nữa, như “tôi rất ấn tượng cảnh đó”. Hết sức bậy bạ

    *THẦN TƯỢNG. 神像 Từ nầy có nghĩa là hình tượng cao quý như thần. Vậy đây là danh từ nhưng, cũng như chữ trên đây, thần tượng được dùng như tính từ như “người đó rất thần tượng”, rồi cả động từ nữa “anh có thần tượng đồng chí đó không?”

    *TRÊN. Rõ ràng đây là một giới từ, bây giờ lại trở thành danh từ. Thí dự: “Cần phải báo cáo cho trên rõ” hay “trên bảo, dưới không nghe”.

    *LÀM TỐT. Tốt là một tính từ bổ túc nghĩa cho danh từ, như hạnh kiểm tốt, sức khỏe tốt. Ngày nay tốt được dùng làm trạng từ bổ túc nghĩa cho động từ, như làm tốt, học tốt, thay vi nói làm giỏi, học giỏi.

    *LÃNH ĐẠO. Tôi không tìm thấy chữ nầy trong các tự điển Hán Việt nhưng lại có trong tự điển của Tàu hiện nay 领导 và có nghĩa là điều khiển, hướng dẫn con đường đi. Vậy rõ ràng đây là một động từ. Tuy nhiên ngày nay người ta lại dùng làm danh từ. Thí dụ: “Lãnh đạo đã chỉ thị như thế”

    Sự rối loạn về từ vựng trong ngôn ngữ thực là điều rất đáng tiếc. Từ đầu thế kỷ 20, do ảnh hưởng của tiếng Pháp, ngôn ngữ Việt Nam dần dần được minh bạch về từ vựng nên trở nên sáng sủa và rõ nghĩa, nay có biểu hiện rối rắm về từ vựng và trở nên tối tăm, có lẽ do mấy ông đi học bên Tàu về. Tiếng Tàu thì rất lôi thôi về từ vựng, ai cũng rõ điều đó.

    9.- Cóp tiếng Tàu đang dùng.

    *LƯU BAN. Học sinh kém quá không được lên lớp thì gọi là lưu ban. Trong tiếng Tàu hiện nay, ban 班 là lớp học nhưng với tiếng Hán Việt (gốc từ tiếng Tàu đời Đường) thì ban không phải là lớp học mà có nghĩa rất xa lạ (ban phát, hạng thứ, đem quân trở về). Do đó, dùng tiếng lưu ban để nói học sinh không được lên lớp thì không ổn chút nào. Dùng chữ lưu cấp 留級 thì gần đúng nghĩa hơn. Nhưng thôi, lưu ban, lưu cấp làm chi. Mình đã có chữ thuần Việt đã dùng từ lâu là ở lại lớp, rất hay vì phụ huynh học sinh nào cũng hiểu được.

    *TRANH THỦ. Đây là từ mới được đưa vào Nam sau 1975, và có nghĩa là lợi dụng tình hình để làm được việc gì đó. Thí dụ: “trong chuyến đi tham vừa qua, anh ấy đã tranh thủ kiếm chác được chút ít” Tôi đã cố tìm hiểu xuất xứ của từ nầy và nhận ra rằng từ tranh thủ không có trong tiếng Hán Việt nhưng hiện nay đang được dùng bên Tàu.

    Việc đem tiếng Tàu hiện nay, phiên âm Hán Việt rồi nhập vào ngôn ngữ Việt Nam là đều điều không hợp lý vì nó sẽ làm rối rắm ngôn ngữ của mình. Nên nhớ tiếng Hán Việt có nguồn gốc tiếng Hán ở đời Đường chứ không phải là tiếng Tàu ngày nay, đã khác khá nhiều với tiếng Tàu đời Đường, về phát âm cũng như về ý nghĩa. Thí dụ,大家 , tiếng Hán Việt đọc đại gia và có nghĩa là người hay gia đình có vai vế trong xã hội, trong khi đó tiếng Tàu hiện đại đọc là dà jià và có nghĩa là tất cả mọi người. Một thí dụ khác: 東西 tiếng Hán Việt đọc là đông tây và có nghĩa là 2 phương hướng, trong khi tiếng Tàu hiện đại đọc là dòng xì và có nghĩa là hàng hóa. Cho nên tiếng Tàu ngày nay phải được xem là ngoại ngữ đối với ngôn ngữ Việt Nam và không nên nhập một cách bừa bãi vào tiếng Việt.

    10.- Đảo ngược từ kép làm sai nghĩa.

    *ĐIỂM YẾU Từ kép nầy gồm 2 tiếng đơn ghép theo văn phạm Nôm có nghĩa là cái điểm không mạnh. Có người đem đảo ngược lại thành yếu điểm theo văn phạm Hán Việt thì lại có nghĩa hoàn toàn khác hẳn: điểm rất quan trọng.

    *THẤP ĐIỂM. Từ nầy thường được dùng sai một cách thực buồn cười. Cao là tiếng Hán đã được Việt hóa, nên có thể dùng theo văn phạm Hán hay Nôm cũng đều có một nghĩa duy nhất là “ở phía bên trên”. Thí dụ: điểm cao và cao điểm cùng một nghĩa. Trong khi đó thấp lại có hai nghĩa khác nhau tùy theo tiếng Hán hay Nôm.

    Theo tiếng Nôm thì thấp có nghĩa là ở bên dưới, nhưng với tiếng Hán thi thấp có nghĩa là ẩm ướt.. Vì vậy, khi nói điểm thấp thì đó là chỗ ở dưới thấp, nhưng khi đảo lại thành thấp điểm thì có nghĩa là nơi ẩm ướt. Thực là buồn cười khi đọc báo thấy: “giao thông giờ cao điểm, giao thông giờ thấp điểm” hay “dùng điện lúc cao điểm và dùng điện lúc thấp điểm”

    11.- Đảo từ kép bừa bãi và không cần thiết.

    *XA XÓT. Tôi đọc được cách đảo kỳ cục trong một tác phẩm bán rất chạy trong thời gian gần đây. Nguyên câu đã viết là: “…ông Năm xa xót nhìn hai đứa trẻ….”. Đảo từ như thế là bừa bãi, chẳng nhằm lợi ích gì. Với văn vần thì có thể tạm chấp nhận sự đảo từ cho hợp thi luật; nhưng với văn xuôi thì không thể đảo từ một cách bừa bãi được.

    Còn rất nhiều từ kép bị đảo xuôi đảo ngược vô tội vạ nữa: Nguy hiểm / hiểm nguy; đơn giản / giản đơn; khai triển / triển khai; từ chối / chối từ; bảo đảm / đảm bảo; bền vững / vững bền; minh chứng / chứng minh; phục hồi / hồi phục; biệt ly / ly biệt; tha thướt / thướt tha; thẩn thờ / thờ thẩn; tranh đấu / đấu tranh; thơ ngây / ngây thơ; xúc cảm / cảm xúc; quang vinh / vinh quang; kinh hoảng / hoảng kinh; ái ân / ân ái …..

    Ôi thôi, nhiều quá, quá nhiều, không sao kể hết ngay tức thì được.

    Có lẽ trên thế giới, không ngôn ngữ nào có các từ bị đảo ngược lung tung như ngôn ngữ Việt Nam hiện nay.

    Cứ cái đà nầy, tôi e có ngày mình sẽ đọc được một câu thế nầy: “Người sĩ-chiến sinh-hi ngoài trận-mặt để vệ-bảo quốc-tổ, dân-nhân ở phương-hậu phải tỏ lòng ân-tri với các hùng-anh sĩ-liệt”!!!

    12.- Ghép từ bừa bãi.

    *KÍCH CẦU. Đó là nhóm từ “kich thích nhu cầu tiêu thụ” được ghép cho ngắn lại làm cho nghĩa trở thành hết sức tối tăm. Nghe từ ghép “kích cầu”, tôi cứ tưởng công việc của mấy ông công chánh đang thực hiên ở dưới sông. Cách ghép nấy nghe rất chướng tai nhưng lại rất phổ biến hiện nay.

    *GIAO HỢP. Có một chuyện ghép từ rất khôi hài mà người ta thường hay kể lại. Chuyện thế nầy: Đồng chí giám đốc phài một nữ nhân viên qua một xí nghiệp bạn với lời dặn đò cẩn thận: “Cô hãy sang đó và cố gắng thuyết phục cho họ chịu giao hợp nhé”. Ý đồng chí giám đốc muốn nói giao hợp có nghĩa là giao thiệp và hợp tác; không biết cô nữ nhân viên có hiểu đúng ý đồng chí giám đốc hay không

    13.- Dùng từ dao to búa lớn

    *CHIẾN. Đá bóng chỉ là một trò chơi thể thao thuần túy thế mà các xướng ngôn viên và bình luận viên của chúng ta luôn luôn gọi đó là cuộc chiến. Cuộc chiến thì phải có đổ máu, phải có quyết tâm tiêu diệt kẻ thù hay ít ra làm cho kẻ thù phải khốn đốn.

    Một hôm đi ngang qua sạp báo tôi thấy một tờ báo chạy một cái tựa rất lớn ở trang nhất: “nội chiến ở bán đảo Ibérique”. Tôi giật mình không hiểu tại sao giữa hai nước anh em Tây ban nha và Bồ đào nha lại nổ ra chiến tranh. Tôi vội vã móc tiền ra mua ngay tờ báo đó rồi chạy nhanh về nhà để đọc. Đọc xong, tôi ngã ngửa, Thì ra, trong một cuộc bốc thăm do FIFA tổ chức, hai đội tuyển bóng tròn của Tân ban nha và Bồ đào nha gặp nhau trong cuộc chơi play-off. Thế mà người ta dám gọi là nội chiến. Xin chào thua cách dùng ngôn từ Việt Nam ngày nay.

    *CHIẾN ĐẤU. Tôi đã từng nghe nói: “Chúng ta phải cương quyết chiến đấu với tư tưởng sai trái”. Nghe thực đáng sợ.

    *NGÀI. Đã có lúc, nhân danh lập trường giai cấp, lập trường ta bạn thù, người ta gọi các lãnh tụ của nước tư bản bằng thằng nọ thằng kia. Bây giờ, chúng ta chơi với tư bản thì ai người ta cũng gọi bằng “ngài”. Ngài thủ tướng, ngài đại sứ, ngài nghị sĩ, vân vân. Nghe có vẻ nịnh bợ quá đi thôi.

    *THAM QUAN. 參觀 Đi chơi để ngắm cảnh thì gọi là tham quan, có nghĩa là tham dự vào một công cuộc xem xét, nghiên cứu. Gọi thế mới hách chứ.

    *NGHIÊN CỨU SINH. Đi học thêm ở ngoại quốc, chuyện quá tầm thường, nhiều khi lợi dụng làm chuyện bậy bạ, lại tự tâng bốc mình là đi nghiên cứu.

    14.- Dùng từ Hán Việt thay từ Nôm một cách kỳ cục.

    *KHẨN TRƯƠNG Một đồng nghiệp của tôi định cư tại Úc từ năm 1975. Cách đây vài năm, thầy về Việt Nam lần đầu tiên và dùng tàu hỏa ra Hà nội thăm quê. Giữa khuya, tàu đến ga Đồng hới thuộc tỉnh Quảng bình. Đang ngủ say, bỗng thầy giật mình tỉnh dậy vì tiếng loa “… hành khách khẩn trương lên”. Thầy hoảng hồn phóng xuống giường, chạy ra khỏi buồng của toa xe vì tưởng xe trật đường rầy hay có hỏa hoạn xảy ra. Nhưng không, nhân viên trên toa tàu chỉ nhắc nhở hành khách nào xuống tàu ở ga nầy thì nhanh lên, thế thôi! Tội nghiệp, thầy Phụng hoảng hồn cũng phải vì ở miền Nam trước đây, ngươi ta ăn nói một cách giản dị và chỉ hay dùng tiếng Hán Việt trong văn chương và khi có việc nghiêm trọng mà thôi.

    *BÁO CÁO. Một người bạn đã nói với tôi: “Báo cáo anh, chiều nay tôi phải lên xe về Hà nội”. Tôi nghe chữ báo cáo thì cứ tưởng anh ta đang nói với một vị tư lệnh trên chiến trường.

    15.- Thay từ Hán Việt thông dụng bằng từ Nôm bất hợp lý.

    *MÁY BAY LÊN THẲNG. Cái loại máy bay có thể bay lên mà không cần phi đạo, ngày trước người miền Nam, từ thành thị đến thôn quê, từ người có học đến người thất học, đều gọi bằng một cái tên rất gọn là trực thăng. Sau 1975, người ta sửa lại là máy bay lên thẳng, không hiểu lý do tại sao.

    *LÍNH THỦY ĐÁNH BỘ. Ngày trước miền Nam có một binh chủng đặt tên là Thủy quân lục chiến. Đó gần như là một danh từ riêng. Sau 75 thì sửa lại là lính thủy đánh bộ cho có vẻ nôm na, dù thủy và bộ vẫn là tiếng Hán Việt. Có người bảo rằng cái gì của ta thì dùng tiếng Hán Việt mới bảnh, còn cái gì của kẻ thù thì dùng tiếng Nôm để làm giảm giá trị. Nếu quả đúng như thế thì đó thực là một quan niệm hết sức sai lầm và xúc phạm một cách trầm trọng đến giá trị tiếng thuần Việt của dân tộc mình.

    16.- Chưa có được những từ thỏa đáng cho khoa học và kỹ thuật hiện đại.

    *COMPUTER dịch là máy vi tính là không thỏa đáng. Máy vi tính có nghĩa là máy dùng làm những phép tính rất nhỏ. Chức năng của computer không phải chỉ như thế. Xin để dành cho các nhà chuyên môn về kỹ thuật và các nhà ngôn ngữ nói chuyện với nhau để chọn từ cho chính xác.

    *INFORMATION TECHNOLOGIE dịch là tin học, cần xét lại 2 điểm. Thứ nhất, technologie là một kỹ thuật, dịch bằng một chữ học trơ trọi thì không ổn. Thứ hai, muốn dùng từ kép “tin học” thì 2 từ đơn phải đều là tiếng Hán Việt. Nhưng tin là tiếng Nôm còn tín mới là tiếng Hán Việt. *ON LINE, OFF LINE, dịch là trực tuyến và ngoại tuyến thì e không ổn. Ở tiếng Mỹ, on và off là 2 từ đối nghịch nhau thì dịch sang tiếng Việt cũng cần 2 từ đối nghịch nhau mới được. Cho nên dùng 2 từ trực và ngoại thì chẳng ổn chút nào. Một lần nữa, chúng ta chờ đợi sự bàn bạc giữa các chuyên viên kỹ thuật và ngôn ngữ.




    Last edited by cao nguyên; 01-11-2012 at 06:22 PM.
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  7. #7
    Ngày Xuân, Lại Nói Chuyện Tháng Giêng

    GS. Pham Cao Dương

    January 7, 2012


    Nói chuyện tháng Giêng là đề tài tôi viết để gửi đăng trên một số các báo xuân ở hải ngoại cách đây nhiều năm. Câu chuyện xoay quanh một số các từ ngữ từ sau năm 1975, vì lý do này hay lý do khác, hầu như không còn được dùng nữa. Người ta, đặc biệt là một số các xướng ngôn viên của các đài phát thanh, đã dùng những từ ngữ khác để thay thế.Trong số đó có từ ngữ tháng Giêng, từ ngữ dùng để gọi tháng đầu tiên của một năm. Thay vì gọi hay đọc tháng này là tháng Giêng, người ta gọi hay đọc nó là tháng Một. Lý do có lẽ là vì khi viết người ta dùng số 1 cho tiện dụng . Từ đó, tháng Chạp trở thành tháng Mười Hai, viết bằng số 12, và tháng Một tất nhiên không còn là tháng Mười Một nữa. Nhớ lại bài học thuộc lòng mà tôi có dịp học hồi còn nhỏ trong đó có các câu:

    Tháng Giêng ăn tết ở nhà…
    …….
    Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn.

    Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy các thầy cô ở các trường Việt ngữ hiện tại thường nhắc tới, tôi không khỏi bùi ngùi khi thấy một chuyện bình thường người ta không nên để xảy ra, vẫn xảy ra. Đây không phải là chuyện bảo thủ hay không bảo thủ dù là chuyện liên hệ tới ngôn ngữ, mà ngôn ngữ vốn có tính chất qui ước và luôn thay đổi. Có điều qui ước hay không qui ước, thay đổi hay không thay đổi, người nói vẫn không thể vì lý do gì đi chăng nữa làm mất đi tính cách chính xác và phong phú của ngôn ngũ mình sử dụng. Một thí dụ điển hình là người Mỹ nói riêng, và dân của những nước nói tiếng Anh, nói chung, cũng ở vào trường hợp tương tự nhưng họ đã không làm như vậy. Khi viết để cho tiện họ và không chính thức họ vẫn dùng các con số 1 cho tháng Giêng, 2 cho tháng Hai … liên tục cho đến số 12 cho tháng Chạp trong cách ghi ngày tháng của họ. Nhưng khi phải ghi một cách đầy đủ một cách hình thức và tránh nhầm lẫn họ vẫn viết rõ là January, February … December.Còn khi nói, khi đọc, chính thức hay không chính thức, họ luôn luôn dùng các tiếng này chứ không bao giờ dùng các con số thay thế.

    Thoáng đó, nhiều năm đã trôi qua. Vì bận rộn với cuộc sống thường ngày, tôi không có dịp theo dõi chuyện này và bây giờ, khi viết bài này, chúng ta đang ở tháng Giêng của năm mới tây nhưng tháng Giêng của năm mới ta thì chưa tới, nên tôi chưa thể nói là bà con ta hiện tại có còn cái tật sử dụng tiếng Việt một cách bừa bài, cẩu thả như vậy nữa không. Nói như vậy vì nói tới tháng Giêng tây nhiều người đã dùng chữ Một, tháng Một và tôi hy vọng các vị này dành hai chữ tháng Giêng cho tháng đầu năm âm lịch.Tuy nhiên nhiều vị khác cũng cảnh cáo tôi là đừng lạc quan hão, đồng thời thỉnh thoảng tôi cũng thấy có người đề cập đến vấn đề này như nói đến một nỗi buồn tiếng Việt. Sự trong sáng và phong phú của ngôn ngữ của chúng ta dường như mỗi ngày một bị thui chột trước cuộc sống mới nặng về thực tế và lúc nào cũng tất bật, vội vã. Người ta đã nại đủ cớ, kể cả ngang ngược tự cho mình là đúng để muốn nói sao thì nói, muốn viết sao thì viết không theo một nguyên tắc nào cả, nhất là khi mọi người, vì lý do này hay lý do khác, kể cả lười biếng, thiếu suy nghĩ, dễ dãi chạy theo thời thượng hay để phá bỏ những gì thuộc một thời xưa cũ.

    Bây giờ nói tới chuyện mới.Gọi là mới, nhưng thực sự thì chuyện này đã xảy ra từ hơn mười năm trước.Hồi đó là năm 1995, hai mươi năm sau khi chế độ cộng hòa ở Miền Nam không còn nữa. Để tưởng nhớ tới biến cố quan trọng nhưng vô cùng phức tạp đối với dân tộc Việt Nam này, đài BBC của người Anh, một dân tộc nổi tiếng là lạnh lùng và thực tế, khác hẳn với người Pháp, đã phỏng vấn một số người Việt về sự khác biệt trong cuộc sống của người Việt Nam ở hai miền Nam, Bắc sau hai chục năm thống nhất đầy bi thương này. Một trong số những người được phỏng vấn là Giáo Sư Sử Học Trần Quốc Vượng thuộc trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội.Tôi không nhớ rõ là để trả lời câu hỏi nào Giáo Sư Vượng đã có dịp đưa ra nhận xét của mình khi đề cập tới tiếng Việt ở Miền Nam. Đại khái câu nói của ông là ông và nhà văn Nguyễn Tuân, một nhà văn rất nổi tiếng trong thời tiền chiến với lối viết tùy bút vô cùng ý nhị, vô cùng bóng bẩy, nặng tính chất hoài cổ của ông, rất lấy làm đắc ý về một câu nói của đồng bào Miền Nam là “vậy mà không phải vậy”.”Phát biểu thế thôi, Giáo Sư Vượng đã không giải thích thêm. Người nghe muốn hiểu sao thì hiểu và áp dụng vào khía cạnh nào của cuộc sống thì áp dụng, trong đó có cả sự kiện Miền Bắc đã dùng bạo lực đánh bại Miền Nam để thống nhất đất nước và tình trạng thống nhất hai chục năm sau đó. Thay vào đó, với thói quen nói lên sự thực của một người dạy và viết sử và với bản tính bộc trực, ông đã thêm một chữ khác hay được dùng ở miền Nam là chữ “nên” khác với chữ “phải” ở Miền Bắc. Với chữ “phải” này, ông chú thích thêm rằng “Đólà tiếng của cán bộ”. Tôn trọng Giáo Sư Trần Quốc Vượng dù cho bây giờ ông đã không còn nữa và để độc giả được thong thả suy luận, theo đúng với tinh thần ra vô thong thả của người Miền Nam, tôi chỉ thuật lại nội dung đại khái của cuộc phỏng vấn này và không bàn rộng hơn nữa.

    Trở lại chuyện mùa xuân và tháng giêng. Cũng trong bài học thuộc lòng kể trên, câu thứ hai của bài này là:

    Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè…

    Hội hè trong sinh hoạt cổ truyền ở Miền Bắc Việt Nam tượng trưng cho tinh thần và cuộc sống hồn nhiên, vui tươi, thoải mái, hoàn toàn tự do không bị ràng buộc của người Việt truyền thống, sau những ngày lao động vất vả với đầy dẫy những lo âu mà trên từ vua chúa, quan lại, dưới đến các nhà đạo đức tôn sùng Khổng giáo hay các bô lão ở các xã thôn đều phải tôn trọng. Người ta đã mở hội để không chỉ riêng dân trong làng vui chơi mà luôn cả dân từ các làng khác hay từ các thành phố về tham dự.

    Mùa xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh
    Đón tôi về xem hội ở làng bên…

    Những hội hè này trong suốt thời Pháp thuộc vẫn đều đặn được mở với tất cả những tiết mục mà một số vượt ra ngoài trí tưởng tượng của người trẻ của thế hệ hiện tại. Trừ một số hội chùa hay một số hội đền, đa số các hội được người ta “trẩy” là để vui chơi, để gặp gỡ và nếu có phải lễ thì lễ ít hơn là hội. Chữ lễ do đó hầu như không được dùng mà chỉ có chữ hội hay hội hè hay hội hè đình đám cho cả trăm hội ở khắp trong nước, ở miền núi cũng như khắp miền xuôi, từ hội đền như Hội Đền Hùng, Hội Đền Kiếp Bạc, … hội chùa như Hội Chùa Hương, Hội Chùa Keo, … hội phủ như Hội Phủ Giầy… đến các hội làng. Tất cả đều là hội.Không hề có hội lễ. Lý do rất đơn giản. Đó là vì hội là mục đích chính và lễ là phụ.người trẩy hội là để vui chơi, để xem hội. Còn có lễ thì càng tốt mà không lễ thì cũng chẳng sao, không bắt buộc. Người Việt bản chất rất bao dung về tôn giáo, tín ngưỡng. Không phải chỉ qua ngôn ngữ bình thường mà qua thi ca, sau này là tiểu thuyết ….người ta cũng thấy phản ảnh rõ rệt điều này.Nhưng đó là chuyện của quá khứ. Sau một thời gian bị lãng quên vì chiến tranh và vì cách mạng, các hội hè cổ truyền của người Việt, do nhu cầu bảo tồn truyền thống của dân tộc, nhu cầu phát triển du lịch hay nhu cầu thuần túy chính trị…, đã được mở lại. Đây là một cố gắng đáng khích lệ. Nhưng từ hội hè theo đúng tinh thần của những biến cố đặc trưng cho một nếp sống đã tồn tại từ nhiều ngàn năm, đổi sang lễ hội, người ta đã vô tình làm mất đi ý nghĩa hồn nhiên, căn bản ban đầu của một hình thức biểu hiện cuộc sống tập thể ở nông thôn thời xưa của người Việt vậy.

    Ngôn ngữ là phương tiện để truyền đạt nhưng không phải chỉ là thuần túy truyền đạt mà còn là một biểu hiện của tinh thần, của nếp sống và rộng ra là của văn hóa của người sử dụng và của dân tộc sử dụng ngôn ngữ ấy. Coi là phương tiện, người ta có thể sử dụng nó một cách tùy hỷ nhưng điều này chỉ nên áp dụng cho những gì liên hệ tới cuộc sống tạm bợ hàng ngày. Đối với những phạm vi khác liên hệ tới quá khứ và tương lai lâu dài hơn, người sử dụng phải vô cùng thận trọng hầu tránh làm mất đi những tính cách chính xác, trong sáng và phong phú của ngôn ngữ mà mình yêu mến và có may mắn được dùng vậy. Việc làm nói ra thì dễ nhưng thực hiện và thường xuyên thực hiện, bắt đầu tự nhắc nhở là nhắc nhở người khác không dễ chút nào.

    Phạm Cao Dương

    Source: vietthuc.org

    ***

    Trong dòng nghĩ của chữ nghĩa Thơ . Trong dòng thơ Xuân 2005, một câu trong bài thơ "Môi Tháng Giêng", tôi viết: Tháng Giêng, tháng Một tựa vai nhau . Mang hàm ý của hai bờ Đông - Tây tựa vào nhau trong Mùa Xuân thân ái .

    Trước mặt Tháng Chạp, khung cửa Tháng Giêng đang mở . Hứng thú với bài viết của giáo sư Phạm Cao Dương chạm vào mạch thơ tôi làm sáng lên ý niệm Đông Tây trong khoảnh khắc thời gian Tháng Một và Tháng Giêng theo tâm trạng một lữ khách bên này bờ đại dương nhìn về Quê Nội.

    Mời bằng hữu thưởng thức "Môi Tháng Giêng" như một phụ đề cho bài viết trên với ước mong giữ được nét đẹp trong dòng ngôn ngữ Việt Nam:



    môi Tháng Giêng

    Tháng Giêng nhớ về thăm quê Nội
    để ngắm mùa hoa tươi rói Xuân
    và nghe em cười khoe tuổi mới
    với tóc thay màu như tuyết sương

    Tháng Một Anh chào Em rất duyên
    lao xao quên nhớ rộn hai miền
    đọc nhau trong mắt mà thương quá
    nhờ cất trong lòng môi Tháng Giêng

    Tháng Giêng, Tháng Một tựa vai nhau
    nhìn Xuân thay áo Tết muôn màu
    dư âm guốc mộc trên nền pháo
    hồng quá ngày xưa mấy ngõ Đào

    mới nhắc về thơ ý đã tình
    gặp nhau lời còn biết mấy xinh
    Tháng Giêng môi thắm đầy bao mộng
    nhớ giữ giùm anh trót cuộc gìn.

    Cao Nguyên

    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  8. #8
    Pétrus Trương Vĩnh Ký
    người đầu tiên phát huy nền văn học chữ Quốc Ngữ VN.


    Đối với thế giới, vào cuối thế kỷ 19, sự nghiệp văn học vĩ đại của Petrus Trương Vĩnh Ký đã nâng ông lên địa vị nhà bác học, và được liệt vào sổ vàng của (18) mười tám nhà danh nhân thế giới (Dix Huit Sommites Culturelles et Scientifiques du Monde, 1873 - 1874). Riêng với dân tộc Việt Nam, ông đã chủ trương hòa hợp hai nền học thuật văn hóa Đông Tây. Ông có công phát huy nền văn học chữ quốc ngữ, một loại chữ mới, phổ thông hiện đại, để thay thế cho loại chữ Hán-Nôm. Cùng với công trình biên khảo trước tác của ông đã được các nhà phê bình văn học sử nước ta nhìn nhận, và ca ngợi như một ngôi sao sáng, trên vòm trời văn hóa Việt Nam. Ông còn được liệt vào“Thất Tinh Hội Đông Phương” mà tờ “Courier de Saigon” thời bấy giờ đã viết. Do đó, Ông rất xứng đáng được mọi người tôn kính và tưởng nhớ.

    1- TIỂU SỬ: Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) thường được gọi là PETRUS Ký, tự Sĩ Tải, sinh năm 1837, Đinh Dậu, vào năm Minh Mạng thứ 18, tại Cái Mong, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (sau thuộc tỉnh Kiến Hòa, hay BếnTre). Ông mất vào năm 1898, Mậu Tuất, vào năm Thành Thái thứ 9. Ông có tư chất rất thông minh, tinh thông Pháp văn, Hán văn, và nhiều thứ tiếng khác, tất cả 27 thứ ngôn ngữ và văn tự trên thế giới, vào cuối thế kỷ 19. Năm 1863, ông được cử làm thông ngôn trong sứ bộ Phan Thanh Giản, công cán tại Pháp. Sau đó, ông được bổ nhiệm giáo viên, rồi đến đốc học Trường Thông Ngôn (Collègge des Interprêtes). Sau đó, ông được bổ nhiệm giáo sư Trường Cai Trị (Collège des Stagières) tại Sàigòn. Năm 1886, Toàn Quyền Paul Bert triệu ông ra Huế sung vào Cơ Mật Viện, để giúp việc ngoại giao giữa chính phủ Pháp và Nam triều. Không lâu, ông về hưu tại Nam kỳ, để chuyên lo trước tác, và phổ biến chữ Quốc Ngữ, cho đến khi ông mất vào năm 1898.

    2- VĂN NGHIỆP: Ông đã viết rất nhiều tác phẩm bằng chữ Nôm,Quốc Ngữ,và Pháp văn như sau:

    -LOẠI SÁNG TÁC: 1-Chuyện Đời Xưa (1866), 2-Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi (1881), 3-Chuyện Khôi Hài (1882), 4-Bất Cượng Chớ Cượng Làm Chi(1882), 5-Phép Lịch Sự Của Người An Nam (1883), 6-Kiếp Phong Trần (1885), 7-Sách Dạy Quốc Ngữ, 8-Sách Dạy Chữ Nho, 9-Grammaire de la Langue Annamite(1883), 10-Petit Dictionnaire Francais - Annamite (1884), 11-Cours d'histoire Annamite (1875-1877), 12-Miscellanées (1888-1889),13-Voyage au Tonkin en 1876,....

    -LOẠI DỊCH THUẬT: Dịch âm từ chữ Nôm ra chữ Quốc Ngữ: 14-Kim Vân Kiều (1875), 15-Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca (1875), 16-Gia Huấn Ca của Trần Hy Tăng (1882), 17-Nữ Tắc (1882), 18-Lục Súc Tranh Công (1887), 19-Phan Trần Truyện (1889), 20-Lục Vân Tiên Truyện (1889). Dịch sách chữ Nho gồm có: 21-Tam Tự Kinh (1887), 22-Đại Học(1889), 23-Trung Dung (1889), 24-Minh Tâm Bảo Giám (1891 - 1893).



    3-GIỚI VĂN HỌC V.N. NHẬN ĐỊNH VỀ PETRUS KÝ:

    Theo Ông Ưng Hòe Nguyễn Văn Tố nhận định về PETRUS Ký: “-Sự nghiệp, thân thế của PETRUS Trương Vĩnh Ký có thể tóm lại bằng ba tiếng: -Bác Học, -Tâm Thuật, -Khiêm Tốn. “
    Riêng với nền văn chương chữ Quốc Ngữ, vai trò đặc biệt của PETRUS Ký đã được Linh Mục Thanh Lãng nhận định như sau: “-Với PETRUS Ký mới thật sự khai mở một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên văn xuôi. Vai trò “Khai đường mở lối “ của PETRUS Ký được giáo sư Phạm Thế Ngũ nói rõ hơn trong quyển “Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên” là đã đề xướng lên những công việc mà rồi nhóm Nam Phong ngoài Bắc tiếp tục như: phiên âm văn Nôm cũ, khảo cứu về văn hóa và chế độ nước nhà, sưu tầm những ca dao, tục ngữ, cổ tích của ta, dịch thuật ngoại văn ra quốc ngữ,.. “

    Trong quyển 1, “Nhà Văn Hiện Đại”, tái bản lần 3, tại Sàigòn, 1960, tác giả Vũ Ngọc Phan đã viết phê bình PETRUS Ký như sau: “-Như vậy khoảng 35 năm trời, Trương Vĩnh Ký đã cho ra đời biết bao nhiêu là sách, ấy là mới chỉ kể những quyển chính thôi. Mới đây, ông xuất bản những sách bằng chữ quốc ngữ, phiên dịch ở những sách chữ Nôm ra. Hồi đó ông cần phải xuất bản như thế, cốt dùng những truyện phổ thông làm lợi khí cho quốc ngữ được lan rộng trong dân gian, không như bây giờ chúng ta dùng quốc ngữ làm lợi khí để truyền bá tư tưởng và học thuật,...Nếu xét tất cả những sách rất khác nhau do Trương Vĩnh Ký biên tập, dịch thuật, sáng tác và xuất bản trong thời gian 1863 - 1898, người ta thấy rõ ông là một nhà bác học, có óc tổ chức và có phương pháp, chứ không còn phải là một nhà văn như những nhà văn khác.”
    Theo tác giả Vũ Đình Trác, trong quyển “Công Giáo Việt Nam Trong Truyền Thống Văn Hóa Dân Tộc” 1996, Orange County, California, đã viết về PETRUS Ký: “...-Ông xứng đáng là một chiến sĩ văn học đã đưa chữ Quốc Ngữ lên đài danh dự với một địa vị vững chắc. Ông dịch thuật và sáng tác thơ văn quốc ngữ để truyền bá học thuật, giáo dục và canh tân nếp sống của người dân. Văn tự quốc ngữ từ đây sẽ trở thành văn tự chính thức của Việt Nam, giúp dân ta đi vào quỹ đạo của văn tự thế giới.”

    Trong quyển “Trường PETRUS Ký Và Nền Giáo Dục Phổ Thông Việt Nam”, tác giả Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Nguyên Thứ Trưởng Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên trước 4/1975, và là Cựu Học Sinh, Cựu Giáo Sư, Cựu Hiệu Trưởng Trường PETRUS Ký, đã nhận định trong phần mở đầu về thân thế và sự nghiệp của PETRUS Trương Vĩnh Ký như sau:

    “... Nói đến PETRUS Trương Vĩnh Ký là phải nói đến vai trò “Khai Đường Mở Lối” của ông trên các địa hạt sau đây:

    1-Dùng chữ Quốc Ngữ thay thế chữ Nôm và chữ Hán trong việc biên khảo trước tác.

    2-Viết câu văn xuôi thay lối văn biền ngẫu của các nhà nho, và../

    3-Xây dựng nền học thuật mới tổng hợp văn hóa Á Đông và văn minh Tây phương thay thế nền học thuật cũ của Nho gia. PETRUS Ký đã hoàn tất mỹ mãn vai trò “Khai Đường Mở Lối” của ông nhờ ở sự gặp gỡ của những yếu tố đặc biệt nầy: Bản chất thông minh hiếu học của cá nhân ông, khả năng bẩm sinh về ngôn ngữ, môi trường học hỏi, và hoàn cảnh xã hội miền Nam Việt Nam hồi hạ bán thế kỷ thứ XIX. Tính hiếu học, khả năng bẩm sinh và môi trường học hỏi đã giúp ông có một quá trình học vấn và một vốn liếng kiến thức khác hẳn các nhà nho đương thời như Nguyễn Khuyến hay Trần Tế Xương chẳng hạn. Khi cái vốn hiểu biết đó được dùng để khảo cứu biên soạn và xuất bản thì hoàn cảnh xã hội bên ngoài đã trở nên vô cùng thuận tiện để giúp ông thành công tốt đẹp. Đây là lúc Pháp bắt đầu đô hộ miền Nam và đang bành trướng thế lực xâm lăng ra miền Bắc và miền Trung. Cùng lúc với sự thất trận và mất chủ quyền về phía triều đình Huế, nền học thuật cũng như sự ngự trị của nho gia trong xã hội cũ cũng hoàn toàn sụp đổ theo, trước hết là ở miền Nam vào cuối thế kỷ thứ XIX. Đó là điều kiện thuận tiện để xây dựng và phát triển nền học thuật mới. “

    Ngoài ra, trong phần kết luận của quyển “Trường PETRUS Ký và Nền Giáo Dục Phổ Thông Việt Nam”, Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm còn viết: “-Cuộc đời tận tụy làm việc cũng như công trình biên khảo qui mô phong phú của PETRUS Trương Vĩnh Ký đã cho thấy lý tưởng giáo dục và văn hóa của ông. Lý tưởng đó là đào tạo một lớp người mới có đủ những kiến thức khoa học và kỹ thuật của nền văn minh Âu Tây, đồng thời, cũng nắm vững những nguyên tắc đạo đức cổ truyền của Đông phương, vừa có tâm hồn khai phóng cởi mở vừa có tinh thần dân tộc vừa biết tôn trọng giá trị của con người dù bất cứ ở trong thời đại hay xã hội nào.

    Lý tưởng đó đã được thể hiện trong sự nghiệp văn chương của ông tiếp nối bởi hai tờ báo Đông Dương và Nam Phong tạp chí trong lãnh vực văn hóa. Trong địa hạt giáo dục, lý tưởng đó cũng đã được thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam manh nha từ thời Pháp thuộc để phát triển và bành trướng mạnh mẽ từ Đệ Nhất qua Đệ Nhị Cộng Hòa.

    Trường trung học được cái vinh dự mang tên PETRUS Ký từ khi ra đời đã mang lý tưởng giáo dục đó biểu lộ trong hai câu đối của giáo sư Ưng Thiều ghi khắc trước cổng trường:

    “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt,
    Tây Âu khoa học yếu minh tâm.”


    Từ ngày được thành lập cho đến khi bị đổi tên, trong suốt gần năm mươi (50) năm hoạt động, trường PETRUS Ký đã làm tròn sứ mạng giáo dục được giao phó, đã đóng tròn vai trò một định chế xã hội đối với quốc gia, đã đào tạo được không biết bao nhiêu nhân tài cho xứ sở, đã trở thành một trường trung học phổ thông nổi tiếng vào bậc nhất ở miền Nam Việt Nam “ ./.

    Âu Vĩnh Hiền
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

 

 

Similar Threads

  1. MÙA THU Trong Tình Ca Việt
    By ngocdam66 in forum Phê Bình Văn Học Nghệ Thuật
    Replies: 3
    Last Post: 10-06-2011, 01:44 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:27 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh