Cứ mỗi mùa Xuân đến, chúng ra lại nghe những khúc ca mừng xuân văng vẳng từ mọi nhà. Nhạc Xuân chiếm một phần lớn trong âm nhạc VN, nó là món ăn tinh thần của những người có cuộc sống nội tâm, xem âm nhạc như là một phần đời của mình. Quả thật vậy, nếu ngôn ngữ là những kí hiệu để giúp con người hiểu nhau thì âm nhạc là một loại ngôn ngữ kì diệu. Nó làm cho con người gần nhau, hòa nhập nhau trong sự đồng cảm.
Nhạc khúc mùa Xuân như một cánh rừng, ta tha hồ chọn tùy vào gu của mỗi người. Tôi thích những bản nhạc Xuân có âm hưởng nhẹ nhàng, vui tươi. Nếu kể ra thì nhiều lắm.
chúng ta không thể không nhắc tới những bài hát truyền thống có tính kinh điển như bài "Ly rượu mừng" của NS Phạm Đình Chương. Bạn hãy nhìn xem, bất kỳ một đĩa nhạc Xuân nào trước 75 và bây giờ đều không thể thiếu nó. Ngay cả những buổi trình diễn văn nghệ mùa Xuân thì bài đầu tiên thường vẫn là "Ly rượu mừng". NS Phạm Đình Chương có lần tâm sự, nếu mọi người, mỗi lần ai đó nghe bài hát "Ly rượu mừng" của tôi mà tặng thưởng cho tôi một đồng US thì tôi đã thành tỉ phú. Chúng ta có thể so sánh bài "Ly rượu mừng" với bài "Happy new year" do ban nhạc Abba trình bày!
Những bài hát mùa Xuân của các nhạc sĩ tiền chiến và một số NS miền Bắc di cư vào miền Nam thì không thể chê được. Tôi vẫn xúc động quá đổi mỗi khi nghe các bản nhạc Xuân của Phạm Duy. Các bài "Xuân ca", "Hoa Xuân", "Đêm Xuân" làm chúng ta nao lòng, yêu quá thiên nhiên và con người. Bên cạnh có NS Văn Phụng với "Xuân họp mặt", "Xuân miền Nam", "Hát mừng Xuân mới" quá tuyệt với. Nhạc Văn Phụng làm chúng ta gần gũi nhau hơn, yêu đời, yêu người. Bài "Gió mùa Xuân tới" của Hoàng Trọng phác họa cảnh tượng mùa Xuân làm ta nôn nao, sốt ruột một cách kỳ lạ...
Rất nhiều, rất nhiều bản nhạc Xuân hay bạn ạ!
Thế nhưng, có một bài hát mà đã biết bao nhiêu mùa Xuân đi qua đời tôi, biết bao nhiêu lần tôi nghe, vẫn cảm thấy bản nhạc thu hút tôi, bắt tôi nghe từng ca từ, lôi cuốn theo giai điệu. Lời bài hát rất dễ thương, tình yêu của anh đã cho em, khác nào anh cho em mùa xuân. Em yêu anh và em yêu đất nước của chúng ta với "đất mẹ đầy cỏ lúa" với lũy tre làng, con kênh xanh xanh, ...
Tôi muốn nói đến bài "Anh cho mùa Xuân" thơ của Kim Tuấn. Nhạc của Nguyễn Hiền
Sau đây là ca từ bài hát:

Anh cho em mùa xuân. Nụ hoa vàng mới nở, Chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy. Chân bước mòn vỉa phố. Mắt buồn vin ngọn cây. Anh cho em mùa xuân. Mùa xuân này tất cả. Lộc non vừa trẩy lá. Lời thơ thương cõi đời. Bầy chim lùa vạt nắng. Trong khói chiều chơi vơi
Đất mẹ đầy cỏ lúa. Đồng xanh xa mấy mùa. Ngoài đê diều căng gió. Thoảng câu hò đôi lứa. Trong xóm vang chuông chùa. Trăng sáng soi liếp dừa. Con sông dài mấy nhánh. Cát trắng bờ quê xưa
Anh cho em mùa xuân. Trẻ nô đùa khắp trời. Niềm yêu đời phơi phới. Bàn tay thơm sữa ngọt. Giải đất hiền chim hót. Mái nhà xinh kề nhau
Anh cho em mùa xuân. Đường hoa vào phố nhỏ. Nhạc chan hòa đây đó. Tình yêu non nước này. Bài thơ còn xao xuyến. Rung nắng vàng ban mai
Anh cho em mùa xuân. Nhạc thơ tràn muôn lối.

Ca từ và giai điệu nhẹ nhàng như bài ca dao của mẹ. Bài hát đưa ta trở về cội nguồn. Ta như trẻ thơ được tắm trong dòng suối mát, có tình yêu của em có tình thương của mẹ, ...
Tôi vẫn thắc mắc, lòng nhủ thầm:
- Tại sao lại "anh cho em mùa xuân" mà không ngược lại?
Và biết đâu khi em, em đọc bài viết này, em lại trả lời tôi:
- Không anh ạ, anh cho em mùa Xuân!