Register
Page 11 of 36 FirstFirst ... 91011121321 ... LastLast
Results 101 to 110 of 351

Thread: Vượt biển

  1. #101
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Quote Originally Posted by Triển View Post
    Sau 2 ngày, nữ cầu thủ đốn giò (cựu phó nhòm) Petra L. đã lên tiếng hối hận. Tuy nhiên bà này cố thanh minh thanh nga cho việc tung cước không lưu tình của mình trên tờ báo cực hữu bảo thủ "Magyar Nemzet" như sau:

    "Máy quay phim đang chạy, cả trăm người vượt qua được hàng rào cảnh sát rồi có một người trong đám họ chạy tới trước tôi, tôi sợ quá nên bị đứt bóng. Tôi chỉ nghĩ là tôi bị tấn công nên phải tự vệ. Trong khung cảnh hỗn loạn làm rất khó suy nghĩ chính chắn mà".

    Bà hậu vệ đốn giò này thú nhận sai lầm nhưng cũng ăn nói khá rõ ràng:

    "Tôi không phải là con đàn bà quay phim vô tâm, kỳ thị chủng tộc và đá trẻ con. Tôi không xứng đáng được nhận lấy sự đuổi bắt chính trị, miệt thị và bị dọa giết".

    Đoạn bà hậu vệ xuống nước nhỏ viết tiếp:

    "Tôi chỉ đơn giản là một người đàn bà bị thất nghiệp có đám con nhỏ và đã có một quyết định sai lầm trong khoảnh khắc mà thôi. Tôi thực sự hối hận."


    (tóm tắt theo Spiegel Online)




    -- chú thích: "nữ cầu thủ đốn giò" là chữ của 5 Triển, không phải chữ của Spiegel Online. Sở dĩ gọi như vậy vì chiêu thức của người đàn bà này đá vào ống quyển đứa bé gái kia quá tàn độc thường thấy trên cầu trường. Nữ cầu thủ này không chỉ phang ống quyển đứa bé gái, mà còn ngáng giò người cha đang ôm con chạy. Chiêu thức tung cước hiểm độc rất gọn gàng và chính xác như vậy trên thực tế có sự luyện tập chuyên nghiệp trong giới cầu thủ hàng hậu vệ.




    17.09.2015: Sáng sớm xem tin tức thấy vui vui....

    Thì ra người đàn ông bị gạt chân trong ảnh bên
    trên tên Osama Abdul Mohsen, là một huấn luyện viên
    túc cầu chuyên nghiệp ở Syria, đội hạng A: Al-Fotuwa

    Hành vi kỳ hoặc của người đàn bà phóng viên Hung Gia Lợi
    bên trên lại vô hình trung khiến người cha ôm con kia nổi tiếng
    và được một trường đào tạo huấn luyện viên ở Tây Ban Nha
    giúp đỡ.

    Ông Osama Abdul Mohsen hiện đang ở Đức và nộp đơn chờ xin
    tị nạn chính trị. Nhân viên gốc Ả Rập của trường đào tạo huấn luyện
    viên sẽ sang Đức trực tiếp đến đưa ông và đứa bé về Tây Ban Nha
    giúp có việc làm, nhà ở còn vợ con ông còn kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ
    sẽ đươc rút qua sau.

    Trường đào tạo huấn luyện nói trên là một trường đào tạo thuộc
    chính phủ Tây Ban Nha. Đây là một cử chỉ đẹp của các tấm lòng
    vàng giúp đỡ thiết thực, Tây Ban Nha hứa nhận số người tị nạn
    17 ngàn trong năm nay.

    (theo n-tv)
    Last edited by Triển; 09-16-2015 at 09:23 PM.

  2. #102
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367



    Người tị nạn ở biên giới Áo - Đức: Đi bằng xe buýt đến bến bờ tự do

    Heike Klovert tường thuật từ Freilassing


    Người tị nạn ở Salzburg (Áo): "Làm sao chúng tôi biết được tới khi nào là mình được đặt chân lên nước Đức?"

    Biên giới Đức đóng cửa thật sao? Đa số người tị nạn đang ở thành phố Salzburg (Áo) tin vào lời đồn đại Đức đóng cửa biên giới này. Tuy nhiên ai có tự tin và tìm ra được cách di chuyển đến cửa biên giới bằng xe buýt thông thường trong thành phố thì về được miền đất hứa. Hàng trăm người đi mỗi ngày bằng kiểu này.


    Đây là chặng đường thử thách sức chịu đựng cuối cùng trước khi họ đặt chân lên nước Đức. Cháu bé Rama 15 tuổi và em gái của mình Lana 12 tuổi đã vượt qua được sự thử thách này. Hai cháu đã dò tìm ra cách đi là từ nhà ga Salzburg (bên Áo) phải ngồi chuyến xe buýt số 2 chạy đến trạm Esshaverstraße, rồi xuống xe đổi sang chuyến số 24. Đi chuyến xe số 24 sẽ đến được biên giới Áo - Đức. Nếu không, không có cách nào từ Salzburg đi Đức cả, xe buýt liên tỉnh không chạy nữa mà cũng không có xe lửa đi Đức nữa.

    Bây giờ 2 đứa bé gái từ Aleppo (Syria) cùng với ông bác, bà nội và cha mẹ đang ngồi trên chuyến xe buýt số 24. Trên xe nóng bức và đầy người. Người tị nạn tay xách nách mang, trẻ con khóc lóc, chen lẫn với dân cư thành phố cùng đi trên xe và các người Đức du lịch ở Áo muốn trở về Đức đến Munich hoặc là đến Cologne. Cha của Rama trình tấm vé xe cho tài xế xem, nhưng ông ta lật ngược. Ở mặt sau tấm vé có dòng chữ "Kính chúc thượng lộ bình an" (Wir wünschen eine gute Fahrt). Ông tài xế xe buýt mệt mỏi, "Được rồi được rồi, thượng lộ bình an".

    Ông tài xế than vãn, "Tôi phải lái đoạn đường này hôm nay 7 chuyến nữa, tới 23 giờ đêm". Cha của Rama hỏi thân mật, "Làm sao chúng tôi biết được khi nào được đặt chân lên nước Đức?". Ông tài xế trả lời, "You will see" (Ông chờ coi đi). Bỗng nhiên có mấy viên cảnh sát xuất hiện trước đầu xe buýt ngay cái gạt nước và dàn hàng ngang ở cầu vượt sang thành phố Salaach. Bên kia cầu là nước Đức. Ông cha nói với ánh mắt xanh rực sáng, "Tôi mệt mỏi quá rồi".

    Hành lý quý giá là dẫn chứng vô giá

    Gia đình của ông rất may mắn. Hai đứa con gái của ông nói tiếng Anh nhanh như gió vì từng đi học trường tư ở Aleppo. Ông cha kiếm tiền khá do có tiệm bán y phục nam. Họ có đủ tiền đi xuyên qua các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Macedonia, Serbia, Hung Gia Lợi, Áo. Có nhiều gia đình không đủ tiền, thường phải có một người ở lại như cha hoặc mẹ, hoặc cả hai (dịch đến đây bỗng dưng tôi nhớ da diết đoạn Lời dẫn do chị Phương Vy viết cho chương trình 30 tháng 4 mấy tháng trước, đoạn các gia đình Việt Nam tìm đường vượt biên, đẩy con lên thuyền - ra biển, bán nhà bán cửa để - ra biển!). Gia đình của cháu Rama cũng có đủ tiền để người chị họ gửi nguyên một vali đầy quần áo tiếp tế đến Viena. Đa số người tị nạn chẳng có gì cả khi họ đặt chân đến Salzburg (Áo).

    Cái vali quý giá mà chỉ có vài người có thôi ở nhà ga Salzburg (Áo) là nguồn tin tín cẩn. Một nữ nhân viên tổ chức từ thiện Caritas đứng ở một quầy thông tin trước nhà ga và loan tin tình hình cho người tị nạn biết, nói, "Biên giới Đức đóng cửa rồi, họ loan tin như vậy trên radio và trong xe lửa". Bakhatiary, 19 tuổi, từ A-Phú-Hãn nghe tin từ một viên cảnh sát người Áo, "Họ đã nói với chúng tôi là (dường như) biên giới Đức đóng cửa rồi". Cũng chẳng có ai giải thích cho em thanh niên là khoảng cách đến biên giới là bao xa. "Đi bộ sáu tiếng không?". Mua một cái thẻ SIM để nối mạng em không đủ tiền.

    Bakhtiary muốn chờ đợi lúc nào đó có xe lửa (từ Salzburg/Áo) đi Đức cho chắc ăn. "Họ nói với tôi là xe lửa đi miễn phí, chúng tôi nên chờ ở đây đến khi nào có xe lửa đi Đức". Em đã đợi từ hôm kia đến nay cũng như nhiều người tị nạn khác dưới hầm nhà ga, được khoanh lại làm trung tâm chăm sóc tạm thời. Ở đây các người giúp đỡ thiện nguyện phân phát thức ăn, mấy chục người nằm luôn trên nền. Mái hầm thấp, không khí ngột ngạt, trên bức tường phía sau có mấy tấm quảng cáo xe hơi.

    Cảnh sát xét: "Người nào không có sổ thông hành xin xuống xe"


    Hai bé gái Rama, Lana và gia đình cháu không muốn ngồi chờ như vậy trong hầm nhà ga. Họ lại có may mắn, họ đến hỏi một nhân viên giao thông xe cộ địa phương ở Salzburg đang đứng trước nhà ga ở trạm xe buýt. Người đàn ông mặc chiếc áo màu cam to lớn cho biết, "Tôi đã chỉ cho họ cách đi bằng xe buýt nội thành đến biên giới". Và cái tin đồn là mấy ông tài xế xe buýt không cho người tị nạn lên xe là tin đồn thất thiệt. "Trung tâm điều hành xe buýt ra tin phải chở họ đi như người bình thường".


    Chuyến xe buýt số 24 đi Freilassing, đến sát biên giới Đức

    Nhóm cảnh sát liên bang Đức cho phép xe buýt chạy qua biên giới và vẫy vào dừng ờ lề phải. Một viên cảnh sát nói tiếng Anh, "Tất cả những ai không có sổ thông hành xin xuống xe". Không có ai nhúc nhích. Anh cảnh sát hỏi, "Syria?". Rồi70 người tị nạn chậm rãi xuống xe, xếp thành hàng có trật tự cho dễ đếm rồi được dẫn sang đường bên kia.



    Họ ngồi bệt xuống trên bãi cỏ bên bờ sông. Trên cầu vẫn còn nhiều người tị nạn đang đứng. Hôm qua chỉ có một phần mười số người của hôm nay. Một người láng giềng đáng yêu Bayern tới đây hôm thứ Ba làm việc từ thiện cho nhón Helfertrupp, gọi lớn "Làm ơn chuyền tiếp cho mấy đứa trẻ kẹo dẻo nha". Ông tổ chức mang đến các kiện hàng trái cây chuối, táo, bánh mì và nước uống. Bà nội của Rama xin một chai nước uống. Chai nước có soda không có gì lạ đối với bà, bà ực một ngụm và cắn ngon lành quả chuối.

    Rama nói, "Cháu nhẹ nhõm nhưng mà bụng cũng vẫn lo". Dòng mồ hôi ánh lên trên trán bên dưới tấm khăn đội đầu màu trắng. "Họ sẽ chở chúng cháu đi đâu đây?"

    Những người tị nạn được dẫn đến một tòa nhà chứa đồ nội thất bỏ trống để ghi danh. Nhưng mà họ còn phải chờ đến khi một chiếc xe buýt dành riêng đến đón người tị nạn đi về nơi trại tị nạn. Rama nở nụ cười khoan khoái. Cô bé đã phải thường xuyên sống trong sợ hãi 3 năm qua ở Aleppo. Rồi vượt qua chuyến vượt biển ở Địa Trung Hải, đi bộ hàng giờ đồng hồ xuyên qua Serbia. Và rồi cháu bé phát hiện ra trong đống tin tức thất thiệt rối bù ở nhà ga Salzburg (Áo) rằng: "À, đợi chút coi, cũng đâu có vấn đề lớn lao gì đâu nè".

    (* dịch từ "Flüchtlinge an der deutsch-österreichischen Grenze: Per Linienbus in die Freiheit")




    -- chú thích: tin chính thức của Đức phát đi là "tạm thời kiểm soát biên giới (giữa Đức và Áo)". Không có tin nào nói Đức đóng cửa biên giới hẳn hòi như Hung Gia Lợi cả. Thế nhưng chỉ nội dòng tin này đã khiến nhiều người tị nạn e dè rồi lây lất ngồi chờ ở Áo. Cảnh sát Áo cũng quyền biến ẩn náu dưới màn tin đồn thất thiệt này để cho số người tị nạn muốn tiếp tục đến Đức hãy dừng chân ghi danh nộp đơn xin tị nạn ở Áo hoặc là ngăn bớt tâm lý dòng người còn lại ở còn kẹt ở Serbia tiếp tục đổ về hướng Tây Âu xuyên qua Áo (Đức, Thụy Điển). Ai có Facebook, Twitter cứ phát tán tin này bằng tiếng Anh cho người tị nạn họ biết. Đức kiểm soát biên giới là đòn tâm lý và ngăn bớt, bắt giam bớt số người lạm dụng buôn người gốc Serbia, Hung Gia Lợi. Nhưng cảnh sát Đức không có đẩy ai trở về biên giới Áo như kiểu Hung Gia Lợi cả. Ai đã đến được biên giới Đức, sẽ đi được qua Đức, nhưng phải ghi danh 2 lần, một lần ở biên giới Đức Áo, một lần lúc đã đưa về trại thu nhận đầu tiên trên đất Đức. Giao thông Áo - Đức bằng hỏa xa tạm ngừng vì lý do đi ồ ạt, nước Đức thu nhận không kịp, không tìm ra chỗ ở và mang tiếng kiểu kiếm hiệp "Sao thấy chết mà không cứu". Kỳ thực là họ muốn cứu, nhưng không kham nổi với vận tốc nhập cảnh ào ạt như trong thời gian vừa qua cho nên áp dụng hạ sách này và làm áp lực với các nước thành viên còn lại trong Cộng Đồng Chung Châu Âu hãy chung tay góp sức giải quyết vấn đề người tị nạn Trung Đông.
    Last edited by Triển; 09-17-2015 at 01:50 AM.

  3. #103
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367


    Đức: Lủng củng nội bộ?



    Ông Manfred Schmidt, chủ tịch Sở Nhập Cư và Tị Nạn Liên Bang Đức (BAMF - Bundesamt für Migration und Flüchtlinge)
    đã đệ đơn từ chức vì "lý do cá nhân". Đó là tin phát ra từ bộ nội vụ Đức hôm nay.

    Bộ trưởng bộ nội vụ, ông Thomas de Maizière bày tỏ tiếc nuối, ông mất một viên chức đầu tàu "làm việc đắc lực". Sở
    Nhập Cư và Tị Nạn Liên Bang liên tiếp bị chỉ trích mấy tuần qua vì sự làm việc xét đơn từ xin tị nạn mà chính phủ Đức
    đang muốn rút ngắn thời gian lại quá chậm chạp.

    (theo Spiegel Online)




    Đức: Thay đổi chính sách thanh lọc

    Cũng tin từ bộ nội vụ Đức hôm nay lại tung ra một chiêu hiểm đến
    bất ngờ, đi ngược lại sự nhân đạo và nhân quyền. Đó là sửa đổi
    điều luật hành pháp.
    Khi người xin tị nạn bị bác đơn, họ sẽ không được thông báo trước để
    họ không thể trốn chạy. Ngoài ra khi cưỡng bức hồi hương, quá trình hồi
    hương không được dời quá 3 tháng như 6 tháng trước đây.

    Các quốc gia nằm trong tình trạng an bình được chỉ định là: Kosovo, Albania,
    Montenegro. (người tị nạn đến từ các nước này sẽ bị bác đơn nếu không
    chứng minh được có sự đuổi bắt chính trị cá nhân).

    Trong quá trình xét đơn tị nạn, người xin tị nạn phải ở lại trại thu nhận người
    xin tị nạn đầu tiên đến khi đơn xét xong.

    Tiền túi phát cho người xin tị nạn trong quá trình xin tị nạn, sẽ đổi thành
    hiện vật ở các khoản chi có thể làm được.


    (theo Spiegel Online)

    PS: Đến Đức xin tị nạn không dễ, được chấp nhận tị nạn hay không còn là chuyện khác.


    Last edited by Triển; 09-17-2015 at 02:25 AM.

  4. #104
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367


    Khoảnh khắc an bình của các đứa bé nạn nhân chiến tranh

    "Tập tầm vông tay không tay có"
    Cách đây một tuần, hình ảnh viên cảnh sát Đan Mạch ngồi chơi đùa với một đứa trẻ trên đường đi tị nạn. Đôi bên tạm quên đi những muộn phiền







    "Cho em làm cảnh sát"

    Cách đây 2 tuần, hình ảnh viên cảnh sát Đức đùa với đứa bé đầu tiên xuống nhà ga Munich cho khuây khỏa





















    Các cháu bé nghĩ gì?
    Heike Klovert của tạp chí Spiegel vừa thực hiện tại nhà ga Salzburg (Áo)







    Yaqeen, 7 tuổi, từ Damascus, Syria
    Tâm nguyện lớn nhất của con là được gặp lại mẹ và các em con. Con đi với ba đến đây,
    em trai và em gái con vẫn còn ở nhà. Con còn một đứa em sắp chào đời nữa. Cha mẹ con
    không đủ tiền để cả nhà mình cùng đi chung. Con nhớ trường học lắm, trong đó có thầy
    Mohamed dạy thủ công hay kể chuyện vui lắm.










    Siwar, 3 tuổi, từ Daraa, Syria

    Cái áo khoác này con được người ta cho lúc ở Viena. Con không có đồ gì mang theo hết.
    Con nhớ bánh mì và sữa chua quá. Rồi nhớ ông bà, các dì và hàng xóm nữa. Con mệt quá
    con muốn ngủ. Hôm qua con ngủ trong nhà xe dưới hầm nhà ga con có hơi khóc nhè một chút.










    Ramaz, 8 tuổi, Damascus, Syria

    Con rất mệt và rất buồn. Ba mẹ con, em trai con và hai đứa em gái con còn ở nhà. Họ không
    có nước uô'ng không có đồ ăn. Nhưng ba mẹ con không đủ tiền để cả nhà đi cùng đi vượt biên
    hết. Con đi chung với dì của con 2 tuần nay. Đồ chơi và cái túi xách có quần áo con mất trên
    biển rồi. Con muốn được đi Thụy Điển, sau đó thì ba mẹ và mấy đứa em qua thiệt nhanh.









    Nour, 14 tuổi, từ Damascus, Syria

    Con nhớ mấy đứa bạn Wissam, Ali, Abdullah quá. Tụi con chơi đá banh ngoài đường chỗ con ở.
    Nhưng mà vì người ta bắn súng hoài nên nguy hiểm quá. Cho nên tụi con toàn ngồi chơi trước
    computer trong nhà.










    Mohamed, 9 tuổi, Idlib, Syria

    Con đi chung với ba và anh họ đến đây. Con còn 5 anh em bị kẹt ở biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
    Con nhớ anh em và nhớ nhà, nhớ trường nhớ chiếc xe đạp nữa. Nhà của con ở Idlib bị sập hủy hoại
    rồi. Con hơi mệt vì cả đêm qua không ngủ vì phải đợi chuyến xe lửa tới để đi Đức. Nhưng mà xe lửa
    không có tới.












    Mahdi, 6 tuổi, từ Kabul, A Phú Hãn

    Hôm kia tụi con đi bộ tới 10 tiếng đồng hồ luôn. Con hơi mệt nhưng mà tối qua con ngủ ở dưới nhà ga
    này ngon lắm. Ông bà con già quá nên không đi theo được. Nghe nói sang năm con được đi học con mừng
    lắm. Con muốn đi học sau này làm thầy giáo lắm.













    Diaa, 11 tuổi, từ Damascus, Syria

    Con chỉ mang theo có cái đồng hồ đeo tay và quyển kinh thánh từ nhà đi thôi. Cái gì con cũng nhớ hết, nhớ Ba,
    nhớ giường, nhớ computer, nhớ bạn thân Abdullah. Ba con không đi chung được vì phải ở lại lo cho ông nội bị
    bệnh. Anh của con đang ở Bá Linh. Con muốn được tới Bá Linh và muốn ngày nào đó gặp được Ba.











    Kubra, 3 tuổi, Kabul, A Phú Hãn:

    Con sanh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, gia đình con tới Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn 8 năm rồi. Con thấy ở Thổ vui lắm, con muốn đi học.
    Nhưng mà nhà con bỏ nhà ở đó rồi. Ba con nói người ở đó không có thích người mình. Con muốn có lại nhà ở.
    Tốt nhất là nhà bự nhất luôn.







    (nguồn Spiegel Online - thực hiện Heike Klovert)
    Last edited by Triển; 09-17-2015 at 07:09 AM.

  5. #105
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367


    18.09.2015:
    Hung Gia Lợi như con thú đau sợ chết,
    Croatia đóng 7 trên 8 cửa biên giới giáp Serbia,
    Slovenia đình chỉ xe lửa từ Croatia





    Chỉ sau hai ngày thủ tướng Croatia tuyên bố:

    "Chúng tôi đã có sự chuẩn bị, người tị nạn không phân biệt tôn giáo
    sẽ được nước chúng tôi thu nhận nếu muốn ghi danh tại Croatia, còn nếu
    muốn đi tiếp Croatia sẽ là nước trung chuyển".


    ....đã đóng 7 trong 8 cửa biên giới giáp Serbia. Do Slovenia không tiếp
    nhận người tị nạn.

    Trên tuyến sang Đức, những người tị nạn phải vượt qua Croatia rồi đến Slovenia để
    đến đất Áo. Croatia có thể làm quốc gia trung chuyển nhưng nếu Slovenia đóng cửa
    biên giới thì số người tị nạn sẽ bị ứ đọng. Theo chỉ số đưa ra của Ủy Ban Châu Âu
    (không được tất cả thành viên EU thống nhất chấp nhận), Croatia và Slovenia chỉ nhận
    0,9 và 0,5 phần trăm từ tổng số người tị nạn 160 ngàn người đang lây lất trên Hy Lạp
    và Ý. Nghĩa là Croatia chỉ nhận 1440 người, còn Slovenia chỉ nhận 800 người. Do tổng
    sản lượng nội địa của hai quốc gia thuộc Nam Tư cũ này kém. Nền kinh tế thấp, dân thưa.

    Qua việc làm quốc gia trung chuyển, chỉ trong hai ngày đã có gần 8 ngàn người tị nạn
    vào đất Croatia (chỉ phải nhận 1 ngàn 400 người), trong khi Slovenia (phải nhận 800
    người) thì đóng chặt cửa biên giới. Số người tồn đọng ở Croatia chưa biết tính sao,
    thì ông thủ tướng Orbán vốn dĩ kỳ thị tôn giáo đã đóng cửa biên giới và dựng rào kẽm
    gai dọc biên giới giáp Serbia, lên tiếng cáo buộc ngay Croatia đã xua người tị nạn đến
    biên giới giáp Hung Gia Lợi.
    Hung Gia Lợi như con thú đau đớn, quay lung tung dọa cắn người, chỉ trích láng giềng
    bất kể "cùng phe" (thuộc EU).
    Slovenia thì hiện tại đóng cửa biên giới im lìm. Tuyến Serbia - Croatia - Áo - Đức chưa
    rộng đường đã tắt nghẹn.

    Sự việc trở thành nghiêm trọng, số phận những người chạy trốn chiến tranh biến chuyển
    từng ngày.

    (tổng hợp theo Spiegel Online)


    Last edited by Triển; 09-17-2015 at 10:50 PM.

  6. #106
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367


    "Chỉ cần đưa tôi một hòn đảo, phần còn lại tôi lo"

    Một tỉ phú Ai Cập lên kế hoạch lập nơi trú thân cho người tị nạn ở Địa Trung Hải. Hiện tại ông đã tìm được hai hòn đảo tư nhân rồi. Tên cho đảo cũng có rồi, nhưng chưa mua được chính thức.


    tỉ phú Naguib Sawiris nói: Ý tưởng của ông không phải điên khùng

    Ông tỉ phú Ai Cập Naguib Sawiris dường như tiến gần được một bước trên kế hoạch mua một hòn đảo hiện không có người ở cho người tị nạn cư ngụ. Ông đã tìm được 2 hòn đảo tư nhân của Hy Lạp đủ thực hiện kế hoạch của ông và đã liên hệ với chủ nhân hòn đảo, Sawiris cho biết qua dòng tin trên Twitter của ông.

    Hiện tại ông chỉ còn thiếu giấy cấp phép của nhà chức trách Hy Lạp để khởi sự kế hoạch này, ông thương nhân 61 tuổi cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Mỹ CNN. Sawiris nói thêm nhắm vào chính phủ Athen: "Chỉ cần đơn giản đưa tôi cái đảo, mọi thứ còn lại tôi lo!".

    Khi ông nhận được giấy phép rồi sẽ bắt tay xây cái hải cảng. "Tôi sẽ làm việc với người tị nạn để họ tự xây nhà của họ, trường học cho họ, một cái bệnh viện, một trường đại học", Sawiris nói với CNN. "Tôi sẽ cho họ công ăn việc làm và che chở họ cho đến khi tình trạng ở các quốc gia họ ở tốt hơn. Đến lúc đó họ có thể quyết định muốn hồi hương hay ở lại hải đảo".

    "Đối với tôi tiền không phải là vấn đề"

    Ông tỉ phú này cũng đã có tên cho hòn đảo cưu mang người tị nạn trên Địa Trung Hải rồi: Hòn đảo này nên mang tên "Aylan Island" để tưởng nhớ đến đứa bé 3 tuổi Aylan Kurdi đã chết đuối trên chuyến vượt biển đến Hy Lạp.


    (foto: Schwarwel)

    Sawiris quả quyết trước những người ngờ vực, rằng đây không phải là một "ý tưởng điên khùng". Phần tài chánh cho kế hoạch này đã được bảo đảm. Ông nói với CNN, "Tiền bạc không phải là vấn đề đối với tôi". "Tôi không muốn mang tiền của mình xuống mộ. Tôi muốn làm một điều gì đó tốt với đống tiền này".

    Phần của ông sẽ chi ra 100 triệu Dollar (gần 89 triệu Euro) làm nguồn tài chánh ban đầu. Sawiris viết tiếp trên Twitter, đã có "cả tấn" thư hỏi để quyên góp của những người ủng hộ ý tưởng của ông. Những người quyên góp này theo ông nghĩ sẽ là cổ đông của công ty từ thiện cưu mang người tị nạn này.

    Sawiris nhấn mạnh, ông muốn hợp tác với chính phủ Hy Lạp và làm theo luật lệ của quốc gia này. Ai được tị nạn trên "Aylan Island" đều do nhà chức trách địa phương quyết định. Ngoài ra ông muốn gặp gỡ đại diện Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc UNCHR và ghi nhận sự cố vấn của họ.

    Ông thương gia Sawiris là giám đốc của công ty điện thoại di động Orascom TMT đang có địa bàn hoạt động ở nhiều quốc gia Châu Phi, Trung Cận Đông và ở Nam Hàn. Ông còn sở hữu một đài truyền hình Ai Cập và nơi nghỉ mát "al-Guna" ở Hồng Hải (Red Sea). Sau cuộc cách mạng Ai Cập năm 2011 ông là một trong những sáng lập viên đảng Người Ai Cập Tự Do.

    (dịch từ "Geben Sie mir die Insel, ich mache den Rest!")


  7. #107
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367



    Europe Or Die (Full Documentary)

    (Phim tài liệu 4 tập dài hơn 1 tiếng rưỡi này khá nặng nề. Ai không đủ tinh thần xin đừng xem)


  8. #108
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367


    19.09.2015:
    Không yên

    Ở một vài tỉnh nhỏ bên Đông Đức cũ, việc phá phách, phản đối chống lại người
    tị nạn vẫn không giảm đi. Tại Bischofswerda lần thứ hai trong hai ngày lại có
    đám cực hữu đi kêu gào ngoài đường phố và tụ tập trước nhà của một số người
    tị nạn mới đến chửi rủa huyên náo đến khi cảnh sát đến dẹp mới thôi.

    Cảnh sát đã bắt và điều tra 3 trường hợp tổ chức gây huyên náo trên mạng xã hội
    với tội trạng: xúi dục kỳ thị chủng tộc




    (nguồn: Spiegel Online)

  9. #109
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367



    Hải quân vớt 4700 người vượt biển chỉ trong một ngày


    Ở vùng hải phận quốc tế trước bờ Libya có 4 ngàn 700 thuyền nhân trên đường đi Châu Âu đã được cứu vớt. Tuần duyên Ý cho hay, ngày thứ Bảy hôm qua có 20 lần cứu hộ với sự tham gia của nhiều tàu lớn. Trên một chiếc ghe tị nạn người ta chỉ còn vớt được một tử thi phụ nữ mà thôi.

    Song song với tuần duyên và hải quân Ý còn có nhiều tổ chức của nhiều nước tham gia cứu hộ trong đó có Đức. Ý điều hợp việc các quốc gia EU cứu người trên biển trong vùng hải phận trước bờ biển Bắc Phi.
    2600 thuyền nhân thiệt mạng

    Theo lời một nữ ký giả tháp tùng trên chiếc tàu chiến "Schleswig-Holstein" (Đức) quan sát, chỉ đi trên biển có 3 giờ đồng hồ đã cứu được 400 thuyền nhân từ một chiếc ghe gỗ cách bờ biển Libya 18 hải lý (35 cây số). Sau đó họ vớt được thêm thuyền nhân trên một chiếc thuyền hơi. Đa số những người được vớt đến từ Sudan và Eritrea.

    Chiếc tàu chiến này là một trong hai chiếc tàu hộ tống của Đức đã đi cứu vớt thuyền nhân và chống lại tội phạm buôn người theo sắc lệnh của Cộng Đồng Chung Châu Âu từ cuối tháng 7. Hai chiếc tàu Đức đã cứu giúp tổng cộng gần 2 ngàn người từ tháng 7 đến nay. Trước đó hải quân Đức đã cứu vớt 5673 thuyền nhân.

    Theo thống kê Tổ chức Thế giới Nhập cư từ đầu năm nay đã có hơn 2600 người bị thiệt mạng trên đường vượt biển Địa Trung Hải từ Libya sang Ý. Theo con số chính thức ngày 18 tháng 9 đã có 120 ngàn người vượt biển thành công đến các nước thành viên EU phía Nam.

    (nguồn: n-tv.de , bdk/rts/dpa)


  10. #110
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367


    21.09.2015:
    "Trà hội" hàng năm tại Wiesn đã khai mạc ...

    Oktoberfest - Lễ hội bia bọt hàng năm tại Wiesn (Bayern, Munich)
    đã khai mạc cuối tuần vừa qua và chưa thấy có sự đụng độ lớn
    lao nào giữa "đệ tử lưu linh" đi hội và người tị nạn từ Trung Đông.

    Nút giao thông quan trọng là nhà ga Munich. Hiện tại biên giới Áo - Đức
    vẫn chỉ nhỏ giọt cho người tị nạn nhập cảnh nên có lẽ cảnh sát đã
    kiểm soát được tình hình ở đây.




 

 

Similar Threads

  1. Trung Quốc và biển Việt
    By Lotus in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 80
    Last Post: 04-24-2014, 02:03 AM
  2. Vùng biển Việt Nam
    By Lotus in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 43
    Last Post: 07-15-2012, 07:06 AM
  3. Tháng Tư ngồi xem lại Vượt Sóng
    By Triển in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 0
    Last Post: 04-21-2012, 01:11 AM
  4. Vượt Tường Lửa
    By PhongLan in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 5
    Last Post: 03-09-2012, 02:40 PM
  5. Replies: 3
    Last Post: 10-31-2011, 11:38 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 03:40 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh