Register
Results 1 to 3 of 3

Thread: Học chùa

  1. #1
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365

    Học chùa



    Stanford, Yale, Princeton và Harvard
    Học miễn phí ở đại học ưu tú

    Christoph Behrens



    Hồ bơi, bệnh viện, sân vận động, sân đánh golf, số tỉnh riêng, cảnh sát và cứu hỏa: Stanfort thật sự không còn là đại học nữa mà là một đô thị nhỏ. Xe buýt riêng chạy tới chạy lui chở sinh viên từ giảng đường này sang giảng đường kia bởi vì có thể đi lạc trong khuôn viên quá rộng ở California. Mọi thứ đều có cái giá của nó: 30 ngàn euro niên liễm mỗi sinh viên phải trả trong một năm, chưa tính tiền thuê phòng, bảo hiểm và sách vở. Đa số không kham nổi.

    Tuy nhiên vẫn còn một cách khác: đại học đã lên tuyệt đỉnh của cuộc cách mạng giáo dục. Cùng với các đại học ưu tú khác như Princeton và Yale, Stanfort đã đưa lên "Coursera" (coursera.org) các giờ giảng của họ vào mạng, miễn phí và cho tất cả mọi người. Tú tài hoặc các cuộc thi tuyển chọn chon các cua Moocs (Massive Open Online Courses) không cần thiết. Sáng cơ học lượng tử ở Berkeley, trưa kiến trúc La Mã ở Yale, hết ngày là triết học đạo đức ở Harvard. Làm được hết chỉ cần ngồi một chỗ.

    "Cơn hồng thủy Tsunami đến"

    Đại học trực tuyến như Coursera, Udacity, Khan Academy hoặc là Edx bùng nỗ. Có khoảng 3,5 triệu người đã ghi danh học chỉ riếng tính ở Coursera, các cua riêng lẻ như "Artifical Intelligence" (Thông minh nhân tạo) của giáo sư Đức Sebastian Thrun ở Stanford có đến 160 ngàn sinh viên trực tuyến từ khắp 190 quốc gia theo học. Thành công đã chắp cánh, ông Thrun đã thôi việc ở Stanford và tự sáng lập đại học trực tuyến Udacity. Trường MIT và Harvard mới đây đã góp vốn khởi sự 60 triệu USD cho "bục giảng cạnh tranh" mang tên "Edx" (edx.org). Ở bục giảng trực tuyến này còn nhiều thứ hơn là chuyện quay phim lại các giờ giảng: ai chăm chỉ xem các giờ giảng, làm bài tập và làm các cuộc thi trắc nghiệm đa chọn lựa (Multiple-Choice-Test), sau này sẽ được chứng chỉ của đại học. Bên cạnh đó có các diễn đàn để sinh viên trao đổi kiến thức bình thường như các căn-tin ăn ở đại học. Vài cua ở "Coursera" còn cho thi lấy bằng với lệ phí hiện nay là 40 USD. Ai thi đậu sẽ nhận chứng chỉ của một trong những đại học danh tiếng nhất thế giới. Để tránh gian lận, Coursera nhận diện sinh viên trên ảnh căn cước qua Webcam và một "mẫu gõ" cá nhân trên bàn phím. Bục giảng trực tuyến "Degree.com" thì gom các chứng chỉ sinh viên có được lại thành một loại văn bằng. Cứ như vậy, trên lý thuyết sinh viên có thể tự góp nhặt thành cả một chương trình đại học cho riêng mình.

    Không thể tiên đoán được chuyện này có ý nghĩa quan trọng thế nào đối với sự giáo dục ở bậc cao. HIệu trưởng của Stanford John Hennessy nói với tạp chí New Yorker rằng "Cơn hồng thủy Tsunami sẽ đến, và tôi không chỉ đứng xớ rớ ở đó mà cũng sẽ cố gắng lướt theo trên con sóng này".


    (còn nữa)

    Last edited by Triển; 06-29-2013 at 10:22 PM.

  2. #2
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365


    "Các giáo sư thay đổi cách suy nghĩ"


    Ông Martin Kleinsteuber là một trong các giáo sư Đức đầu tiên muốn đi theo phong trào này. Thông thường có khoảng 60 sinh viên ngồi trong giờ giảng "Computer Vision" của ông ở đại học kỹ thuật Munich. Lúc ông cho hay sẽ mang giờ giảng lên mạng là có ngay 5000 sinh viên ghi danh, mặc dù cua dạy trực tuyến này năm 2014 mới bắt đầu. Như vậy hai đại học ở Munich TU và LMU sẽ là hai đại học đầu tiên của Đức đại diện trên Coursera.

    Ông Kleinsteuber nói, "Giáo dục cho tất cả mọi người, không lệ thuộc vào hoàn cảnh xã hội và nơi cư ngụ, tôi thấy ý tưởng này đơn giản là hay quá". "Và dĩ nhiên là khoa học gia người ta cũng muốn được trình bày ở một góc độ nào đó". Điều này đối với ông quan trọng. Ông đã cần gần 20 đến 30 giờ để hoàn thành một đoạn phim mang lên mạng, hoán chuyển các bài giảng sang dạng thích hợp, tập diễn giải. "Chuyện này khác hẳn chuyện đứng giảng đường, làm giáo sư chưa bao giờ học trình bày kiểu như thế". Ông Kleinsteuber xem đây là một sự đầu tư cho tương lai, như là ông viết một quyển sách vậy. "Bài vở bây giờ nằm đó và có thể gọi lên xem bất cứ lúc nào". Ông cũng muốn chia bớt các giờ giảng trong giảng đường của mình lên mạng để tập trung làm việc trong nhóm với sinh viên. Kleinsteuber hi vọng, "lý tưởng nhất là ông giáo sư không bị cho ra rìa, mà là hỗ trợ thêm".

    Các đại học muốn nới rộng tầm hoạt động

    Sự dấn thân của vị nhà điện toán hoàn toàn nằm trong ý tưởng hiệu trưởng của ông ta.Các đại học Munich muốn qua các giờ học trên mạng nới rộng phạm vi hoạt động của họ ra thế giới và níu kéo các sinh viên ưu tú ở ngoại quốc.

    Tuy nhiên các đại học nhỏ có đe dọa không theo kịp phong trào. Những người phân tích của công ty xếp hạng tín nhiệm Moody viết rằng, "các đại học nhỏ không đủ điều kiện tham gia các mạng lưới lớn hơn hoặc là tìm cách nới rộng bức tường của mình chắc sẽ tổn thất doanh thu hoặc sẽ không còn được sinh viên tranh dành nữa". Nói khác đi, là nếu sinh viên không nghe giảng ở giảng đường ảo, thì chẳng bao lâu họ cũng chẳng đến giảng đường thật. Tuy nhiên mạng Coursera chẳng hề nghĩ đến việc đại học nào cũng thu nhận. Ở Mỹ chỉ có những đại học thuộc hạng cao mới được phép tham gia cách mạng mà thôi. Còn trên thế giới thì chỉ thu nhận "năm đại học giỏi nhất của một quốc gia".

    Chuyện cũng xoay quanh vấn đề tài chánh rất nhiều. Đại học trực tuyến Udacity và Georgia Tech University công bố hồi tháng năm sẽ mang nguyên một học trình cử nhân đầu tiên lên mạng (có văn bằng tương ứng cử nhân "Computer Science"). Với lệ phí 5000 euro / sinh viên đại học này sẽ thu vào 5 triệu dollar trong năm thứ ba, gần phân nửa số tiền sẽ chảy về Udacity.


    Last edited by Triển; 06-29-2013 at 10:22 PM.

  3. #3
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365


    Họ đã mở cái hộp của nàng Pandora [1]

    Loại trừ các đại học thị trường kiểu này là điều khó khăn. Sau cùng thì mọi thứ xoay quanh vấn đề 'thị trường giáo dục' ở tương lai, các thu nhập qua quảng cáo và học phí trên mạng hàng triệu bạc. Ông Jonas Liepmann của công ty Iversity ở Bá Linh cho hay, "Chúng ta không được giao trọn việc giáo dục trực tuyến cho một vài tổ chức độc quyền". Cộng đồng chung Châu Âu sẽ đài thọ khởi sự ở Đức tháng 10 tới theo kiểu lớn như Moocs.

    Hợp tác với Liên đoàn hỗ trợ khoa học Đức, công ty Iversity đang treo giải 10 lệ phí dạy học khoảng 250 ngàn euro cho các giờ giảng trên mạng. Hơn 250 nhóm đã ghi danh, 80 ngàn người sẽ chọn ra nhóm nào thắng giải. "Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ mức độ nhu cầu lớn như vậy", ông Liepmann cho hay. Ông chỉ muốn dùng tiền treo giải để hỗ trợ các giáo sư thực hiện ý tưởng của họ, nếu yêu cầu ông có thể gửi luôn một nhóm quay phim đến. Những người thắng giải sẽ sản xuất các cua giảng trong các lãnh vực khác nhau như cơ thể học, tài chánh, khả năng duy trì, thiết kế và khoa học chính trị châu Âu [2].

    Tự phê bình

    Trong khi Đức đang đi theo, thì bên kia bờ Đại Tây Dương lại đánh trống thổi kèn và thành lập một phong trào chống lại. Cuối tháng năm vừa qua có 58 giáo sư Harvard yêu cầu hiệu trưởng của họ được góp ý trong chuyện thành lập các giờ giảng trên mạng. Họ trình bày trong một lá thư là "lo lắng sâu sắc về phí tổn và hậu quả của chương trình này". Nhiều vấn đề chưa được giải đáp, trong đó có chuyện "các cua trực tuyến sẽ có ảnh hưởng thế nào lên hệ thống giáo dục toàn diện". Người phê bình Moocs như giáo sư Michael Cusumano của MIT cảnh báo các đại học sụp vào bẫy tự mình giăng ra, và nội dung bài giảng để tự do tứ tung trên mạng. Cusumano viết một bài cho tờ đặc san „Communications of the ACM“ rằng "sự đa dạng của các nhà xuất bản báo chí và sách vở sẽ bị tổn thất trầm trọng". Ông đặt câu hỏi bí hiểm, "liệu rằng một phần lớn của kỹ nghệ giáo dục có biến mất hay không?". Đại học Stanfort đã mở "một cái hộp của nàng Pandora", trong tương lai sẽ rất khó kèo nài sinh viên trả tiền cua dù học phí chấp nhận được. "Sau cùng thì ai đó cũng phải trả tiền cho những thứ mang tặng không trên mạng chứ".

    Đặc biệt là đối với các đại học Mỹ đắt tiền sẽ là một vấn đề. Đối với các đại học ở Đức thì ngược lại chuyện bỏ lệ phí lục cá nguyệt sẽ trở thành lợi thế của địa phương trên mạng [3]. Và có thể sẽ xuất hiện một mô hình thương mại hoàn toàn mới mẻ. Công ty Iversity đang soạn thảo chương trình cung cấp việc làm tùy theo khả năng cho sinh viên học trực tuyến. Jonas Liepmann hứa hẹn rằng, các giáo sư cũng có thể có lợi trong việc này. "Nếu trình bày các giờ giảng trên mạng hay, các giáo sư sẽ nhận được một sự công nhận lớn hơn". Và nơi đây cách mạng khoa học [4] sẽ dễ thi hành hơn. Trước đây các khoa học gia quen được so tài bằng số lượng và phẩm lượng các công bố của họ, thì bây giờ có thêm một cách đo lường nữa: đó là số nhấp chuột lên bài giảng của họ.



    ----chú thích
    [1] Chiếc hộp của nàng Pandora: theo huyền thoại Hy Lạp, Zeus, vua các vị thần trên núi Olympic đã đưa cho nàng Pandora, người phụ nữ đầu tiên được thần Hephaistos theo mệnh lệnh của Zeus nặn từ đất sét, một chiếc hộp dặn hãy đưa cho nhân loại và không được mở ra. Sau khi Pandora thành hôn với Epimetheus nàng đã mở chiếc hộp ra, những gì phi đạo đức, xấu xa, tồi tệ đã thoát ra bên ngoài. Từ đó sự xấu ngự trị thế gian, nhân loại mới mang nhiều bệnh tật, khổ đau.

    [2] cơ thể học, tài chánh, khả năng duy trì, thiết kế và khoa học chính trị châu Âu = anatomy, finance, sustainability, design and europe politics

    [3] ở Đức sinh viên từ tiểu bang của mình và học tại tiểu bang của mình không phải đóng học phí lục cá nguyệt 300-500 euro. Sinh viên từ tiểu bang của mình nghĩa là có học trình trung học đến tú tài ở tiểu bang đó.

    [4] cách mạng khoa học = paradigm shift.






    (* dịch từ "Stanford, Yale, Princeton und Harvard - So studieren Sie kostenlos an einer Elite-Uni")


    Last edited by Triển; 06-29-2013 at 10:22 PM.

 

 

Similar Threads

  1. Các Ni sư tự xây chùa Ni Viên Thông Tự ở Houston, Texas
    By Mây Hồng in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 2
    Last Post: 10-07-2012, 10:29 AM
  2. Lên chùa cúng sao
    By Triển in forum Khoa Huyền Bí Học
    Replies: 69
    Last Post: 03-16-2012, 10:46 AM
  3. Con sãi ở chùa lại quét lá đa
    By Triển in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 2
    Last Post: 11-15-2011, 10:25 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 09:36 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh