Register
Page 1 of 17 12311 ... LastLast
Results 1 to 10 of 170

Thread: Luật Thi

  1. #1
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    5,924

    Luật Thi


    Bài I - Thơ Tứ Tuyệt vần bằng - loại 3 vần

    Bài biên soạn của Thứ Lang

    BÀI I

    THƠ TỨ TUYỆT

    Thơ tứ tuyệt đã có từ lâu, trước khi có thơ thất ngôn và ngũ ngôn bát cú. Đầu tiên, thơ tứ tuyệt có nghĩa khác với nghĩa hiện tại: “tứ” là bốn và “tuyệt” có nghĩa là tuyệt diệu. Bài thơ chỉ có 4 câu mà diễn tả đầy đủ ý nghĩa của tác giả muốn trình bày nên người ta mới gọi 4 câu thơ đó là tứ tuyệt.
    Tuy nhiên, sau khi có thơ thất ngôn và ngũ ngôn bát cú (luật thi) vào đời nhà Đường, thì thơ tứ tuyệt lại phải được làm theo quy tắc về niêm, vần, luật, đối của lối thơ thất ngôn hay ngũ ngôn bát cú. Vì vậy, sau nầy người ta giải thích chữ “tuyệt” là ngắt hay dứt. Nghĩa là thơ tứ tuyệt là do người ta làm theo cách ngắt lấy 4 câu trong bài bát cú để làm ra bài tứ tuyệt. Do đó niêm, vần, luật, đối của bài tứ tuyệt phải tùy theo cách ngắt từ bài bát cú mà thành.
    Thơ tứ tuyệt có 2 thể là luật trắc vần bằng và luật bằng vần bằng.
    Mỗi thể đều có một Bảng Luật coi như "công thức" căn bản mà người làm thơ phải tuân theo.

    1. TỨ TUYỆT LUẬT TRẮC VẦN BẰNG (không đối)

    Sau đây là Bảng Luật Thơ Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng:

    BẢNG LUẬT:

    T - T - B - B - T - T - B (vần)
    B - B - T - T - T - B - B (vần)
    B - B - T - T - B - B - T
    T - T - B - B - T - T - B
    (vần)

    Ghi chú: Đây là bản chính luật (sẽ có bảng luật bất luận sau). Mới đầu chúng ta nên cố gắng giữ theo chính luật để âm điệu bài thơ được hay. Tuy có bị gò bó nhưng sau nầy sẽ dễ cho chúng ta hơn (trước khó sau dễ).
    Các chữ cuối của các câu 1-2-4 bắt buộc phải cùng vần với nhau.

    Bài thơ thí dụ để minh họa:

    Ðể kẻ mơ tìm mãi khổ đau
    Hồn say giấc điệp cuả đêm nào
    Tình ơi chợt thấy buồn da diết
    Vĩnh viễn đôi mình lạc mất nhau

    Thuỳ Linh 29 April 06
    Nhặt cánh hoa tàn để nhớ thôi
    Người thương năm cũ đã xa rồi
    Hồn trăng lạc lõng bay trong gió
    Cạn giọt tình sầu lệ đắng môi

    Thùy Linh 1 May 06



    2. TỨ TUYỆT LUẬT BẰNG VẦN BẰNG (không đối)

    Sau đây là Bảng Luật Thơ Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng:

    BẢNG LUẬT:

    B - B - T - T - T - B - B (vần)
    T - T - B - B - T - T - B (vần)
    T - T - B - B - B - T - T
    B - B - T - T - T - B - B
    (vần)


    Ghi chú: Đây là bản chính luật (sẽ có bảng luật bất luận sau). Mới đầu chúng ta nên cố gắng giữ theo chính luật để âm điệu bài thơ được hay. Tuy có bị gò bó nhưng sau nầy sẽ dễ cho chúng ta hơn (trước khó sau dễ).
    Các chữ cuối của các câu 1-2-4 bắt buộc phải cùng vần với nhau.

    Bài thơ thí dụ để minh họa:


    Cuộc đời như có cũng như không
    Nhịp bánh xe quay tuổi chất chồng

    Trái đất dần xoay ngày tháng lụn
    Nỗi buồn lạc mãi cõi mênh mông

    Thùy Linh
    30 Aug 09

    Không ai biết được chuyện ngày mai
    Thức dậy là vui quý một ngày

    Muốn đổi men cay thành mật ngọt
    Nhìn đời lăng kính đẹp hôm
    nay

    Thùy Linh 31 Aug 09

  2. #2
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    5,924
    BÀI II

    Thứ Lang biên soạn

    THƠ TỨ TUYỆT VẦN BẰNG - 2 VẦN

    Thơ Tứ Tuyệt Vần Bằng 2 vần cũng có hai thể:
    - Luật Trắc Vần Bằng.
    - Luật Bằng Vần Bằng.

    Đầu tiên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng - 2 vần.

    Sau đây là Bảng Luật Thơ Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng - 2 vần:

    1. THƠ TỨ TUYỆT LUẬT TRẮC VẦN BẰNG - 2 VẦN (KHÔNG ĐỐI)

    BẢNG LUẬT:


    T - T - B - B - B - T - T
    B - B - T - T - T - B - B (vần)
    B - B - T - T - B - B - T
    T - T - B - B - T - T - B
    (vần)


    Ghi chú: Đây là bản chính luật (sẽ có bảng luật bất luận sau). Mới đầu chúng ta nên cố gắng giữ theo chính luật để âm điệu bài thơ được hay. Tuy có bị gò bó nhưng sau nầy sẽ dễ cho chúng ta hơn.
    Các tiếng cuối của các câu 2 và 4 bắt buộc phải cùng vần với nhau.

    Trước khi đi vào chi tiết của bài Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng - 2 vần, chúng ta thử cùng nhau ngắt bài thơ Thất Ngôn Bát Cú ra thành nhiều bài Tứ Tuyệt để "nghiên cứu" và phân tích.

    Bài thơ Thất Ngôn Bát Cú có thể ngắt thành 4 bài thơ Tứ Tuyệt theo 4 cách như sau:
    - Bài 1: 4 câu đầu (1-4).
    - Bài 2: 4 câu cuối (5-8 ).
    - Bài 3: 4 câu giữa (3-6).
    - Bài 4: 2 câu đầu (1-2) và 2 câu cuối (7-8 ).

    Thí dụ: bài thơ sau đây:

    THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ

    Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
    Đến nay thắm thoát mấy tinh sương
    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
    Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
    Nước còn cau mặt với tang thương
    Ngàn xưa gương cũ soi kim cổ
    Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

    Bà Huyện Thanh Quan


    Ngắt ra:

    1.
    Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
    Đến nay thắm thoát mấy tinh sương
    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

    2.
    Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
    Nước còn cau mặt với tang thương
    Ngàn xưa gương cũ soi kim cổ
    Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

    3.
    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
    Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
    Nước còn cau mặt với tang thương

    4.
    Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
    Đến nay thắm thoát mấy tinh sương
    Ngàn xưa gương cũ soi kim cổ
    Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

    Nhận xét:

    Bài 1: Tứ Tuyệt 3 vần bằng.
    Bài 2: Tứ Tuyệt 2 vần bằng.
    Bài 3: Tứ Tuyệt 2 vần bằng.
    Bài 4: Tứ Tuyệt 3 vần bằng.

    Như vậy bài thơ Tứ Tuyệt có loại 3 vần và có loại 2 vần.

    Phân tích kỹ hơn, chúng ta nhận thấy một bài thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật là do hai bài thơ Tứ Tuyệt ghép lại mà thành, 4 câu đầu là Tứ Tuyệt 3 vần, 4 câu sau là Tứ Tuyệt 2 vần. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là 4 câu giữa (3-4-5-6) đối nhau từng cặp một (câu 3-4 đối nhau, câu 5-6 đối nhau) theo phép đối thơ loại 7 chữ (còn gọi là đối ngẫu).
    Nếu chỉ làm thơ Tứ Tuyệt thường thì chúng ta không cần làm có đối. Nếu làm thơ Thất Ngôn Bát Cú thì bắt buộc phải có đối như đã nói trên.

    Dừng lại ở thơ Tứ Tuyệt, chúng ta có thể làm nhiều bài thơ Tứ Tuyệt cùng diễn tả chung một ý (một nội dung) gọi là Tứ Tuyệt Trường Thiên, dài bao nhiêu cũng được, nhưng nên ngắt ra từng đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Muốn làm loại 3 vần cũng được (như bài thơ Hai Sắc Hoa Ti-gôn của T.T.Kh.). Muốn làm loại 2 vần cũng được (như bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của Kiên Giang Hà Huy Hà). Muốn làm lẫn lộn (mixed) vừa 3 vần vừa 2 vần cũng được.

    Bây giờ trở lại ý chính của bài Tứ Tuyệt 2 vần bằng. Vì chưa làm thơ Thất Ngôn Bát Cú nên chúng ta chỉ làm thơ Tứ Tuyệt không có đối (tương tự như loại 3 vần mà chúng ta đã làm ở bài 1).

    Vậy chúng ta cùng nhau bắt đầu làm bài thực hành

    BẢNG LUẬT:


    T - T - B - B - B - T - T
    B - B - T - T - T - B - B (vần)
    B - B - T - T - B - B - T
    T - T - B - B - T - T - B
    (vần)


    Bài thơ thí dụ để minh họa: gấp wa' ngắt đỡ trong bài có đối

    Dĩ vãng người còn đau một kiếp
    Thế gian ai chẳng khổ đôi lần

    Con thuyền hạnh phúc mười hai bến
    Đành trả cho rồi nợ ái ân

    Thùy Linh

    Chỉ sợ năm dài không đến đó
    Còn e tháng rộng chẳng về đâu

    Tương lai hạnh phúc trời an định
    Hãy nén buồng tim ngập lệ sầu

    Thùy Linh - 5 Jan 07


    2. TỨ TUYỆT LUẬT BẰNG VẦN BẰNG - 2 VẦN (KHÔNG ĐỐI)

    BẢNG LUẬT:

    B - B - T - T - B - B - T
    T - T - B - B - T - T - B (vần)
    T - T - B - B - B - T - T
    B - B - T - T - T - B - B
    (vần)


    Ghi chú: Đây là bản chính luật (sẽ có bảng luật bất luận sau). Mới đầu chúng ta nên cố gắng giữ theo chính luật để âm điệu bài thơ được hay. Tuy có bị gò bó nhưng sau nầy sẽ dễ cho chúng ta hơn.
    Các tiếng cuối của các câu 2 và 4 bắt buộc phải cùng vần với nhau.


    Bài thơ thí dụ để minh họa:

    Vầng trăng bàng bạc che đầu núi
    Con sóng lao xao vỗ mạn đò (Thứlang)
    Thổn thức bên rèm khuya lặng lẽ
    Cung đàn lỗi nhịp đoạn tình tơ (Thùylinh)

    May 22, 2006

    Yêu đương chi để lòng trông đợi
    Giận dỗi mà sao dạ ngóng chờ

    Dẫu biết dòng đời khôn định hướng
    Tình còn giữ lại chút hương thơ

    Thùy Linh - 16 Sept. 06
    Last edited by Thùy Linh; 08-03-2022 at 03:28 PM. Reason: giòng đời thành dòng đời

  3. #3
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    5,924

    CÂU ĐỐI TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT


    Câu đối là gì ?

    Định nghĩa:

    Câu đối là những câu văn đi sóng đôi với nhau từng cặp.

    Những câu đối ngắn từ 3 đến 4 chữ gọi là tiểu đối, thường áp dụng trong thơ Lục Bát và thơ Song Thất Lục Bát.
    Từ 5 đến 7 chữ gọi là đối thơ, thường áp dụng trong thơ Ngũ Ngôn Bát Cú và thơ Thất Ngôn Bát Cú Ðường Luật.
    Từ 9 chữ trở lên gọi là đối phú, thường áp dụng trong các bài phú, các bài văn tế, thí dụ như bài Chiến Tụng Tây Hồ Phú hoặc bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc.

    Trong bài nầy chúng ta chỉ cùng bàn về câu đối 7 chữ mà thôi. Vì câu đối 7 chữ được ứng dụng trong bài thơ thất ngôn bát cú Đường Luật mà chúng ta sẽ cùng nghiên cứu phân tích sau nầy.
    Về luật bằng trắc thì mỗi chữ tương ứng vị trí của câu trước và câu sau, nếu chữ của câu trên bằng thì chữ của câu dưới phải trắc và ngược lại. Thí dụ:

    Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
    Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh

    Ngoài luật Bằng Trắc ra, một câu đối còn phải Chỉnh và Cân nữa.

    Chỉnh và Cân là phải tương xứng với nhau. Danh từ phải đối với danh từ, động từ phải đối với động từ, tính từ phải đối với tính từ. Riêng tính từ cũng có nhiều loại, chữ gợi hình phải đối với chữ gợi hình, màu sắc đối với màu sắc thí dụ "vàng" phải đối với "trắng", "ớt đỏ" phải đối với "cà xanh" ... chữ tượng thanh phải đối với chữ tượng thanh, thí dụ "mưa rơi tí tách" phải đối với "gió thổi rì rào" ... Trạng từ như "băn khoăn" phải đối với trạng từ "thổn thức" ... Chữ nặng phải đối nặng, chữ nhẹ phải đối nhẹ cho cân xứng. Mùi vị đối với mùi vị. Số lượng đối với số lượng. Mùa tiết đối với mùa tiết, phương hướng đối với phương hướng, thành ngữ đối với thành ngữ, chuyên ngữ đối với chuyên ngữ ...
    Đừng quên vừa đối từ loại vừa đối bằng trắc.

    Và nhất là 2 câu phải đối ý nghĩa với nhau. Ðối ý có nghĩa là chọi nhau, là cân (xứng) nhau.
    Thí dụ uống đối với ăn, mướp đối với bầu, giết đối với tha, Hạ đối với Thu, thấp đối với cao, ngắn đối với dài, biển đối với trời, núi đối với sông, yêu đối với ghét, cố quận đối với tha hương, đất lạ đối với trời xa, biển rộng đối với sông dài, xóm cũ đối làng xưa, uất hận đối với đau thương, má phấn đối với môi hồng, thiếu nữ đối với thanh niên, liệt nữ đối với anh hùng, phú đối với thơ, tiếng đối với lời, chữ đối với câu, nhạc đối với thơ v.v...
    Ngày xưa người ta cưới vợ gã chồng lựa nơi môn đăng hộ đối tức là hai bên gia thế phải tương xứng với nhau. Chúng ta có thể hiểu "đối" theo khái niệm này.

    PHÉP ÐỐI:
    Gồm có:
    - Đối luật (bằng trắc).
    - Đối ý.
    - Đối từ loại.
    - Danh từ riêng đối với danh từ riêng, danh từ chung đối với danh từ chung.
    - Tên người đối với tên người, tên nước tên địa phương đối với tên nước tên địa phương.
    - Từ kép đối từ kép, từ đơn đối từ đơn.
    - Hán-Việt đối Hán-Việt, Nôm đối Nôm (Nôm là tiếng thuần Việt).
    - vân vân ...


    Thí dụ:

    Cây gạo chân đồi hoa đỏ rụng
    Chiều thu sườn nuí lá vàng reo


    Thùy Linh

    Chúng ta cùng nhau phân tích 2 câu trên:

    Câu trên: <--------------> Câu dưới:

    Cây (bằng, danh từ) <-----> Chiều (bằng, danh từ)
    gạo (trắc, danh từ) <-----> thu (bằng, danh từ)
    chân (bằng, danh từ) <-----> sườn (bằng, danh từ)
    đồi (trắc, noun) <-----> núi (trắc, noun)
    hoa (bằng, danh từ) <----->(trắc, danh từ)
    đỏ (trắc, tính từ) <-----> vàng (bằng, tính từ)
    rụng (trắc, động từ) <-----> reo (bằng, động từ)


    Câu đối 7 chữ thì vế trên chữ thứ 7 (chữ cuối) luôn luôn là thanh TRẮC, vế dưới chữ thứ 7 luôn luôn là thanh BẰNG.

    Câu đối 7 chữ cũng có 2 bảng luật: luật trắc và luật bằng, như sau:


    1. BẢNG LUẬT TRẮC:

    T - T - B - B - B - T- T
    B - B - T - T - T - B - B


    Thí dụ:
    1.
    Phượng vĩ tươi hồng khi nắng Hạ
    Ngô đồng héo úa lúc mưa Thu

    2.
    Bán dạ kê thanh sầu bất giải
    Bình minh điểu ngữ lệ nan càn

    (半 夜 鷄 聲 愁 不 解
    平 明 鳥 語 淚 難 乾)


    2. BẢNG LUẬT BẰNG:

    B - B - T - T - B - B - T
    T - T - B - B - T - T - B

    Thí dụ:

    1.
    Sau nhà chậu cúc vừa đơm nụ
    Trước ngõ cành mai mới trổ hoa

    2.
    Bần cư náo thị vô nhân vấn
    Phú tại thâm sơn hữu khách tầm

    (貧 居 閙 市 無 人 問
    富 在 深 山 有 客 尋)


    Chú ý: Phần câu đối nầy để ứng dụng cho Thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật cho nên chữ cuối cùng của vế trên phải luôn luôn là thanh trắc.

    Hai cặp đối trong thơ Đường luật là tinh hoa của bài thơ. Nó là đặc điểm chính để nhận biết một bài thơ Đường luật. Hai cặp đối này còn giúp đo lường trình độ làm thơ Đường luật của tác giả.
    Một bài thơ thất ngôn bát cú mà không có 2 cặp đối ở Thực và Luận thì không phải là một bài thơ Đường luật.

    Thứ Lang biên soạn
    Last edited by Thùy Linh; 08-03-2022 at 03:33 PM. Reason: update

  4. #4
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    5,924

    BÀI IV - TỨ TUYỆT VẦN BẰNG CÓ ĐỐI

    Thứ Lang biên soạn
    1. TỨ TUYỆT LUẬT TRẮC VẦN BẰNG (CÓ ĐỐI)

    Chúng ta bắt đầu với Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng có đối:

    A. BẢNG LUẬT 1 (3 vần):

    T - T - B - B - T - T - B (vần)
    B - B - T - T - T - B - B (vần)
    B - B - T - T - B - B - T (đối câu 4)
    T - T - B - B - T - T - B (vần) (đối câu 3)

    bài thơ thí dụ :

    Từng chữ ân tình trả nợ em
    Giờ ai gội tuyết đợi bên thềm

    Thương hoài gác phụng nồng hương thắm
    Nhớ mãi lầu trăng ấm gối êm

    Thùy Linh



    B. BẢNG LUẬT 2 (2 vần):

    T - T - B - B - B - T - T (đối với câu dưới)
    B - B - T - T - T - B - B (vần) (đối với câu trên)
    B - B - T - T - B - B - T
    T - T - B - B - T - T - B (vần)

    Thí dụ :

    Con sóng xô tan bờ cát vắng
    Cơn đau nhầu nát traí tim mềm

    Rừng phong nhuộm đỏ vườn mơ cũ
    Cùng lá thu vàng thức trắng đêm
    Thùy Linh


    II. TỨ TUYỆT LUẬT BẰNG VẦN BẰNG (CÓ ĐỐI)

    A. BẢNG LUẬT 1 (3 VẦN):

    B - B - T - T - T - B - B (vần)
    T - T - B - B - T - T - B (vần)
    T - T - B - B - B - T - T (đối câu 4)
    B - B - T - T - T - B - B (vần) (đối câu 3)

    Bài thơ thí dụ:

    Đường về bản thượng lối cong queo
    Đất thịt mưa trơn bước phải khoèo
    Đỏ rực lưng trời hoa gạo nở
    Xanh rờn sườn núi lá thông reo

    RCQ

    B. BẢNG LUẬT 2 (2 VẦN):

    B - B - T - T - B - B - T (đối với câu dưới)
    T - T - B - B - T - T - B (vần) (đối với câu trên)
    T - T - B - B - B - T - T
    B - B - T - T - T - B - B (vần)

    Bài thơ thí dụ:


    Người hiền như bột bên nương vắng
    Cảnh thật y tranh cạnh nếp nghèo
    Khoan nhặt êm đềm tiêu trỗi khúc
    Chiều tàn sương muối ánh trăng treo


    RCQ


    Khi 2 khúc tứ tuyệt có đối đó nhập lại thì thành bài thơ Đường luật hoàn chỉnh .

  5. #5
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    5,924
    BÀI V - THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT VẦN BẰNG

    Thứ Lang biên soạn



    Thơ thất ngôn bát cú là loại thơ mỗi bài có 8 câu và mỗi câu 7 chữ, tức là chỉ có 56 chữ trong một bài thơ thất ngôn bát cú.
    Thơ thất ngôn bát cú có thể được làm theo hai luật: luật bằng và luật trắc. Về vần thì có hai loại: vần bằng và vần trắc.
    Tuy nhiên, các thi nhân thường hay làm theo vần bằng, tức là luật bằng vần bằng và luật trắc vần bằng.

    1. LUẬT BẰNG VẦN BẰNG:
    - Luật bằng vần bằng là bài thơ mà tiếng thứ hai của câu đầu là tiếng bằng và các tiếng ở cuối các câu 1-2-4-6-8 phải vần với nhau và đều là vần bằng.

    2. LUẬT TRẮC VẦN BẰNG:
    - Luật trắc vần bằng là bài thơ mà tiếng thứ hai của câu đầu là tiếng trắc và các tiếng ở cuối các câu 1-2-4-6-8 phải vần với nhau và phải là vần bằng.

    BỐ CỤC BÀI THƠ BÁT CÚ:
    - Câu số 1 dùng để mở bài (gọi là phá đề), câu số 2 dùng để chuyển tiếp vào bài (gọi là thừa đề). Hai câu này có tên là hai câu đề.
    - Hai câu 3 và 4 dùng để giải thích đề tài cho rõ ràng. Hai câu này có tên là hai câu trạng (có nơi gọi thuật hay thực).
    - Hai câu 5 và 6 dùng để bàn rộng nghĩa đề tài và được gọi là hai câu luận.
    - Hai câu 7 và 8 dùng để tóm ý nghĩa cả bài và được gọi là hai câu kết.

    Sau đây là bảng luật thơ:


    1. LUẬT BẰNG VẦN BẰNG:

    B - B - T - T - T - B - B (vần)
    T - T - B - B - T - T - B (vần)
    T - T - B - B - B - T - T (đối câu 4)
    B - B - T - T - T - B - B (vần) (đối câu 3)
    B - B - T - T - B - B - T (đối câu 6)
    T - T - B - B - T - T- B (vần) (đối câu 5)
    T - T - B - B - B - T - T
    B - B - T - T - T - B - B (vần)


    2. LUẬT TRẮC VẦN BẰNG:

    T - T - B - B - T - T - B (vần)
    B - B - T - T - T - B - B (vần)
    B - B - T - T - B - B - T (đối câu 4)
    T - T - B - B - T - T - B (vần) (đối câu 3)
    T - T - B - B - B - T - T (đối câu 6)
    B - B - T - T - T - B - B (vần) (đối câu 5)
    B - B - T - T - B - B - T
    T - T - B - B - T - T - B (vần)


    1. LUẬT BẰNG VẦN BẰNG:

    Bài thơ thí dụ làm mẫu để minh họa:

    Hoài Nhớ

    Hiên chiều lất phất giọt sương bay
    Tiếng trống thu không điểm cuối ngày
    Tựa cửa hoài thương thời luyến ái
    Nghe lòng mãi nhớ thuở mê say
    Đời như vệt khói tan không tụ
    Tình tợ vầng trăng khuyết khó đầy
    Lối cũ qua bao mùa lá rụng
    Rêu mờ phủ lấp dấu chân ai


    Khánh Trung
    20 June 10




    2. LUẬT TRẮC VẦN BẰNG:

    Hoài Nhớ

    Chiều ngã bên đường cánh nhạn bay

    Từ khi cách biệt đã bao ngày
    Câu thơ lạc ý vầng trăng rụng
    Kỷ niệm trao vần cánh gió say
    Đêm vắng hàn huyên sầu trút cạn
    Tình xa tâm sự nhớ đong đầy
    Mây giăng đỉnh hẹn màn sương phủ
    Nhặt lá thu vàng chợt nhớ ai

    Thùy Linh
    20 June 10

    -----o0o-----


    Ghi chú thêm:

    LUẬT BẤT LUẬN TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT

    Người làm Thơ Đường Luật phải tuân theo những luật lệ bắt buộc rất gắt gao nghiêm ngặt. Mà đã là luật rồi thì không thể sai phạm, có như thế bài thơ mới chính thống. Nếu không sẽ bị lai căng thành ra một loại thơ tạp giống như thơ "tự do" ngày nay (nhái theo thơ Cổ phong ngày xưa).
    Trong những luật lệ bắt buộc nói trên, có luật bằng trắc là cách sắp xếp âm điệu của bài thơ để nghe cho suông sẻ, êm tai, du dương, trầm bổng. Nếu không tuân theo luật nầy thì bài thơ đọc lên nghe rất chỏi tai, trắc trở, không hay. Tuy nhiên, để cho bớt gò bó trong việc tìm từ, kẹt ý ... thí dụ như gặp phải những từ kép hay những danh từ riêng chỉ nhân danh, địa danh, điển tích ... chúng ta không thể nào sửa đổi dấu giọng (bằng trắc) được. Do đó người xưa đã đặt ra Luật Bất Luận để "cởi trói" bớt cho người làm thơ. Theo bảng luật bất luận nầy thì:
    - Các tiếng ở vị trí thứ 2-4-5-6-7 của mỗi câu bắt buộc phải tuân theo luật bằng trắc (chính luật) mà bảng luật đã ấn định.
    - Các tiếng ở vị trí thứ 1 & 3 của mỗi câu không nhất thiết phải tuân theo luật bằng trắc mà bảng luật đã định. Tuy nhiên nên chú ý rằng mặc dù đã có luật bất luận nhưng tiếng nào theo luật định là trắc mà chúng ta làm bằng thì được, trái lại tiếng nào theo luật định là bằng mà chúng ta làm trắc thì không nên, đôi khi phạm phải lỗi "Khổ Độc" nữa. Vạn bất dắc dĩ, không tìm được tiếng nào hay hơn để thay thế thì chúng ta cũng có thể giữ y mà vẫn có thể chấp nhận được. Khi làm thơ càng cố gắng giữ đúng luật (chính luật) thì bài thơ càng hay về âm điệu. Bài thơ được đánh giá hay hay dở phần lớn là căn cứ vào các luật thơ, vì Thơ Đường Luật là Thơ Luật nghĩa là thơ phải làm theo luật. Bài thơ Đường Luật nếu bị sai luật dù cho nội dung, ý tứ, từ ngữ có hay cách mấy đi nữa thì cũng bỏ đi, không được chấp nhận.

    Sau đây là Bảng Luật Bất Luận:

    BẢNG LUẬT BẤT LUẬN THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT

    1. LUẬT TRẮC:

    t - T - b - B - T - T - B
    b - B - t - T - T - B - B
    b - B - t - T - B - B - T
    t - T - b - B - T - T - B
    t - T - b - B - B - T - T
    b - B - t - T - T - B - B
    b - B - t - T - B - B - T
    t - T - b - B - T - T - B


    2. LUẬT BẰNG:

    b - B - t - T - T - B - B
    t - T - b - B - T - T - B
    t - T - b - B - B - T - T
    b - B - t - T - T - B - B
    b - B - t - T - B - B - T
    t - T - b - B - T - T- B
    t - T - b - B - B - T - T
    b - B - t - T - T - B - B


    Ghi chú: chữ b-t (nhỏ) là không cần giữ đúng luật, chữ B-T (lớn) là bắt buộc phải giữ đúng luật.

    Ngoài ra Thơ Đường Luật là loại thơ "Độc Vận", nghĩa là chỉ gieo một âm vần duy nhất xuyên suốt cả bài thơ, không nên chen lẫn vào dù chỉ một âm vần khác, hay dở là ở chỗ nầy. Tóm lại Thơ Đường Luật nên gieo vần theo Chính Vận mà không nên dùng Thông Vận, vì toàn bài thơ chỉ có 5 vần thôi, đâu đến nỗi khó tìm. Tuy nhiên trong những trường hợp bất khả kháng, người làm thơ vẫn có thể được phép dùng thông vận, nhưng càng ít càng tốt.



  6. #6
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    5,924
    BÀI VI - THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT 4 VẦN BẰNG

    Thứ Lang
    biên soạn

    Như chúng ta đã biết, Thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật vần bằng là do sự ghép lại của hai bài Thơ Tứ Tuyệt Đường Luật vần bằng có đối. Bốn câu đầu là Tứ Tuyệt 3 vần, bốn câu sau là Tứ Tuyệt 2 vần.

    Thơ Thất Ngôn Bát Cú vần bằng có hai loại:
    - Thất Ngôn Bát Cú 5 vần.
    - Thất Ngôn Bát Cú 4 vần.

    Thất Ngôn Bát Cú 5 vần bằng thì chúng ta đã cùng nhau thực hành ở Bài IV.

    Bây giờ chúng ta làm quen với Thất Ngôn Bát Cú 4 vần bằng.

    Thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật 4 vần bằng là do sự ghép lại của hai bài Thơ Tứ Tuyệt 2 vần bằng có đối. Do đó tiếng cuối cùng của câu 1 phải là thanh trắc.

    Thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật 4 vần bằng có 3 cặp đối ngẫu:

    - Câu 1 và 2 đối nhau.

    - Câu 3 và 4 đối nhau.

    - Câu 5 và 6 đối nhau.

    Chỉ còn câu 7 và 8 không đối.

    Sau đây là bảng luật thơ:


    1. LUẬT TRẮC:

    t - T - b - B - B - T - T (đối câu 2)
    b - B - t - T - T - B - B (vần - đối câu 1)
    b - B - t - T - B - B - T (đối câu 4)
    t - T - b - B - T - T - B (vần - đối câu 3)
    t - T - b - B - B - T - T (đối câu 6)
    b - B - t - T - T - B - B (vần - đối câu 5)
    b - B - t - T - B - B - T
    t - T - b - B - T - T - B (vần)

    Bài thơ thí dụ:

    TÌNH SẦU

    Lất phất hiên buồn mưa rả rích
    Vi vu ngõ vắng gió lao xao
    Tình không chung mộng thiên thu nhớ
    Duyên chẳng tròn mơ vạn cổ sầu
    Kiếp khác đôi mình vui hội ngộ
    Đời nầy hai đứa khổ xa nhau
    Từng dòng lệ tủi lăn trên má
    Thôi thế đành cam lỡ nhịp cầu

    Thứ Lang


    2. LUẬT BẰNG:

    b - B - t - T - B - B - T (đối câu 2)
    t - T - b - B - T - T - B (vần - đối câu 1)
    t - T - b - B - B - T - T (đối câu 4)
    b - B - t - T - T - B - B (vần - đối câu 3)
    b - B - t - T - B - B - T (đối câu 6)
    t - T - b - B - T - T- B (vần - đối câu 5)
    t - T - b - B - B - T - T
    b - B - t - T - T - B - B (vần)

    Bài thơ thí dụ:

    TƯƠNG TƯ

    Âm thầm đếm giọt mưa buồn đổ
    Lặng lẽ lau dòng lệ thảm rơi
    Ngang trái yêu đương hờn cách trở
    Lỡ làng mộng ước hận chia phôi
    Canh tàn tưởng bóng sầu không cạn
    Đêm vắng thương hình khổ khó vơi
    Em hỡi xin chờ nhau kiếp khác
    Đôi ta chung bước đẹp duyên đời
    Thứ Lang


    ******

    Ghi chú quan trọng: Trên đây là bảng Luật Bất Luận.

    Tiếng thứ 1 và 3 của mỗi câu không cần phải giữ theo chính luật.

    Tuy nhiên nếu tiếng đáng trắc mà làm ra bằng thì không sao nhưng nếu tiếng đáng bằng mà làm ra trắc thì không nên.

    Tiếng thứ 5 của mỗi câu phải tuyệt đối giữ theo chính luật, vì đó là nhãn tự, người ta nhìn vào chữ thứ 5 để đánh giá bài thơ chỉnh luật hay không

  7. #7
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    5,924
    CÁC THỂ THỨC HỌA THƠ ĐƯỜNG LUẬT

    Thứ Lang
    biên soạn

    Có 2 thể thức họa thơ Đường luật là: Họa Hạn Vận và Họa Phóng Vận.

    1. HỌA HẠN VẬN:

    Họa hạn vận là phải theo sự hạn định trước. Người ta ra đề và cho vần nào thì mình phải dùng vần ấy. Thể Họa Hạn Vận nầy khác với thể Họa Phóng Vận, vì họa hạn vận không có bài xướng để dựa theo mà họa, hơn thế nữa, ta phải:
    - Diễn tả ý thơ theo đầu đề đã ra sẵn.
    - Dùng đúng 5 vần hạn định (trong 8 câu) và phải hạ vần đúng theo thứ tự đã hạn định.
    Thí dụ: Cuộc thi thơ do học giả Phan Kế Bính tổ chức như sau:
    a. Ðầu đề (nội dung) là:

    Trống treo ai dám đánh thùng
    Bậu không ai dám dở mùng chun vô

    b. Năm vần hạn định theo thứ tự là: xô - cô - vô - ô - rô.
    Bài thơ sát với đầu đề, hạ đúng 5 vần hạn định, được giải nhất mà tác giả lại là một thiền sư chân tu !!! ... như sau đây:

    Nào phải là ai dám giục xô
    Thuận tình trước hết tự nơi cô
    Có cho mới dám trao dùi đánh
    Không hẹn nào ai đẩy cửa vô
    Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa
    Ham vui quên hết chuyện dâm ô
    Thói hư thuần thước xưa còn lạc
    Đừng học làm chi gióng nhảy rô


    Còn có một lối hoạ hạn vận rất khó. Thứ Lang kể lại một câu chuyện như sau:

    Mùa Hè năm 1926, trong dịp thi sĩ Đão Sĩ Nhã đến thăm gia đình họ Phan ở Hưng Yên. Ông khách Đào Sĩ Nhã thách lão thi sĩ Phan Mạnh Danh làm một bài thơ Nôm Đường luật với các điều kiện sau:
    - Đầu đề: Xuân Khuê
    - Hạn 5 vần: chờ - hờ - thưa - tơ - thơ
    - Phải dùng 19 chữ: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, trăm, ngàn, vạn, đôi, cặp, nửa, trượng, thước, tấc.
    Sau đây là bài thơ Nôm hoạ hạn vận của lão thi sĩ Phan Mạnh Danh:

    Xuân Khuê

    Một mong hai đợi bốn ba chờ
    Mười hẹn đêm trăng tám hững hờ
    Nửa gối năm canh gà gáy giục
    Tấc mây sáu cánh nhạn tin thưa
    Trăm lần cặp mắt đôi hàng lệ
    Chín khúc bên lòng vạn mối tơ
    Ngàn trượng thành sầu đo thước khó
    Biếng đem bảy vẻ dệt nên thơ

    Phan Mạnh Danh


    2. HỌA PHÓNG VẬN


    Họa Phóng Vận là phỏng theo vần của bài xướng để họa lại mà các vần trong bài họa phải theo y như các vần trong bài xướng, còn ý nghĩa thì hoặc phụ theo cho rộng thêm, hoặc trái hẳn lại (phản đề).
    Họa phóng vận còn chia ra 4 hình thức là: Họa Nguyên Vận, Họa Đảo Vận, Họa Hoán Vận và Hoạ Tá Vận.

    a. Họa Nguyên Vận: là họa đúng 5 vần của bài xướng và hạ vần cũng đúng y theo thứ tự như cách hạ vần của bài xướng. Trong cách họa nguyên vận thường thì có bao hàm họa ý (hoặc đối ý) và đối luật với bài xướng. Nếu không đối luật được thì cũng có thể họa luật.

    b. Họa Đảo Vận: là họa ngược thứ tự của 5 vần từ dưới lên trên, thay vì họa nguyên vận là họa từ trên xuống còn họa đảo vận là họa từ dưới lên.

    c. Họa Hoán Vận: là thay đổi thứ tự vị trí các vần của bài xướng tùy theo ý người họa, sắp xếp lại sao cho vần điệu nghe êm tai hơn cách sắp xếp của bài xướng.

    d. Họa Tá Vận: Tá vận là mượn vần. Họa tá vận là bài họa chỉ mượn 5 vần của bài xướng để làm một bài khác mà nội dung hoàn toàn không liên quan gì đến bài xướng cả. Cách họa này ngày nay hầu hết được người ta làm rất nhiều vì dễ làm.


    CHÚ Ý QUAN TRỌNG: Trong thể thức Họa Vận, không được dùng trùng từ thứ 6 trong các câu có vần của bài xướng.

    Tức là không được dùng lại từ đứng trước của 5 vần bài xướng. Nói dễ hiểu là không được dùng lại chữ thứ 6 ở các câu 1-2-4-6-8 của bài xướng. Càng tránh dùng trùng từ trong toàn bài của bài xướng càng tốt, ngoại trừ những từ đặc biệt không thể tránh được.


    Hoạ nguyên vận là phải dùng lại vần đồng âm đồng nghĩa của bài xướng. Nếu dùng vần đồng âm dị nghĩa là không đúng phép hoạ thơ Đường luật.
    - Hoạ nguyên vận (mượn vần): dùng vần đồng âm đồng nghĩa (và cùng từ loại)Hoạ tá vận: dùng vần đồng âm dị nghĩa (và không cùng từ loại).

    * đồng âm đồng nghĩa là cùng âm (the same sound) cùng nghĩa (synonym); đồng âm dị nghĩa là cùng âm (the same sound) nhưng khác nghĩa (the difference meaning).


  8. #8
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    5,924
    SỰ KHÁC NHAU GIỮA THƠ ĐƯỜNGTHƠ ĐƯỜNG LUẬT

    (SƯU TẦM & BIÊN KHẢO)

    1. Thơ Đường tức là Đường Thi: là những bài thơ của các thi gia Trung hoa làm vào thời đại nhà Đường (618 – 907), số lượng các bài Đường thi được ghi chép và lưu truyền đến nay rất nhiều, lên đến hàng ngàn bài.
    Đã có một tác phẩm nổi tiếng là Đường Thi Nhất Thiên Thủ chọn lọc 1000 bài Đường Thi được coi là hay nhất của các thi nhân đời Đường. Trong số đó có một số được làm theo thể Thơ Đường Luật, số còn lại làm theo những thể thơ khác mà đa số là thơ Cổ phong (cổ phong hay cổ thể là loại thơ có trước đời nhà Đường, không theo niêm luật nhất định). Cho nên gọi là Đường Thi hay Thơ Đường thì phải là những bài thơ được sáng tác vào thời đại nhà Đường bên Trung hoa nhưng không nhất thiết làm theo luật thơ của Thơ Đường Luật.

    2. Thơ Đường Luật: còn gọi thơ cận thể (để phân biệt với cổ phong là thơ cổ thể) là thể thơ được đặt ra từ đời nhà Đường và phải tuân theo các qui tắc bắt buộc, rất khắt khe, gò bó.

    Về hình thức chữ, câu thì Thơ Đường Luật có:

    a. Theo số chữ trong câu:
    - Ngũ ngôn, mỗi câu 5 chữ.
    - Thất ngôn, mỗi câu 7 chữ.

    b. Theo số câu trong bài:

    -Tứ Tuyệt hay Tuyệt Cú: mỗi bài bốn câu.
    - Bát Cú: mỗi bài tám câu.

    Như vậy Thơ Đường Luật có 4 thể là: Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt, Ngũ Ngôn Bát Cú, Thất Ngôn Tứ Tuyệt và Thất Ngôn Bát Cú.

    Thơ Đường Luật có những luật lệ bắt buộc rất khắt khe về:

    - Vận (cách gieo vần).
    - Đối (đặt hai câu đi sóng đôi với nhau sao cho ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau, gồm cả đối ý lẫn đối chữ).
    - Luật (cách sắp đặt tiếng bằng, trắc trong từng câu của một bài thơ).
    - Niêm (nghĩa là dính) tức là sự liên lạc về âm luật của hai câu thơ trong bài Thơ Đường Luật. Hai câu thơ gọi là niêm với nhau khi nào chữ thứ 2 và chữ thứ 6 của hai câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc).
    - Bố cục (cấu trúc bài thơ phải làm theo một trật tự bắt buộc):
    * Đề: câu 1-2 (nhập bài, mở đầu).
    * Trạng hay Thực: câu 3-4 (giải thích).
    * Luận: câu 5-6 (bình luận, bàn bạc).
    * Kết: câu 7-8 (tóm tắt toàn bài).


    * Đường Luật Chính Thể chỉ có Thất Ngôn Bát Cú 5 vần bằng mà thôi.


    3. Một sự lạm dụng và ngộ nhận:

    Thuật ngữ Thơ Đường hay Đường Thi đã bị lạm dụng, hiểu lầm, thiết nghĩ cần nói lại cho rõ.

    Thơ Đường là loại thơ do các thi nhân đời nhà Đường bên Trung Hoa sáng tác, hoàn toàn không có các tác giả đời khác, ngoài các thi sĩ đời Đường.

    Các thi sĩ Việt Nam trước đây (thường gọi là các nhà thơ cổ điển) chủ yếu làm theo thể Thơ Đường Luật. Họ sáng tác bằng Hán văn, gọi là thơ Hán văn (thí dụ thơ Hán văn của Nguyễn Du...). Còn nếu họ sáng tác bằng chữ Nôm, gọi là thơ Nôm. Như thơ của Bà Hồ Xuân Hương chẳng hạn, được người đời sau tôn xưng Bà là bà chúa thơ Nôm.

    Không ai gọi thơ Hán văn của Nguyễn Du là Thơ Đường cả. Cũng không ai gọi Bà Hồ Xuân Hương là bà chúa Thơ Đường cả.
    Tóm lại, các thi gia từ Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bùi Kỷ, Trần Tế Xương, Tản Đả, Nguyễn Khuyến ... trở về trước, người ta thường không nói là họ làm Thơ Đường, mà chỉ phân biệt Thơ Hán (Hán văn) và Thơ Nôm (chữ Nôm) thôi, với hiểu ngầm là Thơ Đường Luật chữ Hán hoặc Thơ Đường Luật chữ Nôm. Gọi tắt là Thơ Hán Đường Luật và Thơ Nôm Đường Luật.

    Đến khi phong trào thơ mới xuất hiện, có một trào lưu bài xích Thơ Đường Luật, đứng đầu là Phan Khôi, vì họ cho đó là loại thơ khắt khe, cứng ngắc, bó buộc, chật hẹp, không đủ cho để diễn tả cảm xúc bao la, dào dạt, bay bổng của các nhà thơ mới.

    Một cuộc bút chiến giữa hai trường phái thơ cổ điển và thơ mới diễn ra gay gắt suốt cả thập niên 1930 của thế kỷ trước. Kết thúc là sự thắng thế (một cách tương đối) của các nhà thơ mới.
    Nói là thắng thế một cách tương đối, vì trong các nhà thơ mới, nhiều người vẫn sáng tác Thơ Đường Luật, điển hình là Hàn Mặc Tử.
    Nhưng đó là Thơ Đường Luật của Hàn Mặc Tử. Không ai gọi đó là Thơ Đường cả.
    Quách Tấn, bạn thân của Hàn Mặc Tử, điển hình của thi sĩ chủ trương thơ cổ điển, ghét thơ mới, suốt đời chỉ làm Thơ Đường Luật, nhưng đó là thơ Quách Tấn, không phải Thơ Đường.

    Hiện nay nhiều người làm Thơ Đường Luật lại gọi đó là Thơ Đường.
    Thật là một sự ngộ nhận đáng tiếc, cần được đính chính lại.
    Các bài thơ làm theo thể Thất Ngôn Bát Cú, Thất Ngôn Tứ Tuyệt... gọi chung là thể Thơ Đường Luật không phải Thơ Đường.
    Hãy vì sự tự trọng và tự hào của một thi nhân chân chính, không nên xưng là tôi sáng tác Thơ Đường. Mà nên nói, tôi làm thơ theo luật thơ của thể Thơ Đường Luật.
    Có người thanh minh rằng Thơ Đường Việt Nam phải hiểu là Thơ Đường do người Việt Nam sáng tác. Cách nói đó là không đúng mà lại rất hàm hồ. Người Việt không thể làm ra Thơ Đường, mà chỉ làm thơ theo thể thơ Đường Luật mà thôi.

    Mấy năm nay, có rất nhiều "nhà thơ" làm thơ danh xưng là Thơ Đường hay Đường Thi (nhưng thực chất là Thơ Đường Luật). Cái tên này là mạo nhận, không chính xác, vì chỉ có các ông như Lý Bạch, Đỗ Phủ... mới đủ tư cách xưng là Thơ Đường.

    Cần hiểu là nếu bỏ đi một chữ (chữ LUẬT trong nhóm chữ Đường Luật) là ý nghĩa của từ ngữ bị thay đổi hẳn.

    Lại có người phát động phong trào gọi là "Thắp sáng Đường Thi" !!!
    Thắp sáng Đường Thi là công việc của người Trung Hoa, không mắc mớ gì đến chúng ta. Hơn nữa, Thơ Đường đã sáng cả ngàn năm nay rồi, không ai cần chúng ta thắp sáng. Làm thế chẳng khác nào quá tự phụ, ngộ nhận sao ?

  9. #9
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    5,924
    BÀI VII - THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT VẦN TRẮC


    Thứ Lang biên soạn

    Về căn bản Niêm, Luật, Vần, Đối thì thơ Thất Ngôn Bát Cú Vần Trắc cũng giống y như thơ Thất Ngôn Bát Cú Vần Bằng. Nhưng chỉ khác một điểm là ngược lại, những tiếng cuối các câu 1-2-4-6-8 thay vì vần bằng thì ở đây lại là vần trắc, và những tiếng cuối các câu 3-5-7 thay vì trắc thì lại là bằng.
    Đây là lối thơ cổ, có trước thơ vần bằng. Luật vần trắc thường được áp dụng trong thể Phú là một loại Cổ Văn.

    Sau đây là bảng luật thơ:

    1. LUẬT BẰNG:

    b - B - t - T - B - B - T (vần)
    t - T - b - B - B - T - T (vần)
    t - T - b - B - T - T - B (đối câu 4)
    b - B - t - T - B - B - T (vần - đối câu 3)
    b - B - t - T - T - B - B (đối câu 6)
    t - T - b - B - B - T - T (vần - đối câu 5)
    t - T - b - B - T - T - B
    b - B - t - T - B - B - T (vần)

    Ghi chú: chữ t-b nhỏ không nhất thiết phải giữ đúng luật bằng trắc, nhưng nếu tiếng đáng trắc mà làm ra bằng thì được, trái lại tiếng đáng bằng mà làm ra trắc thì không nên. Các chữ T-B lớn phải tuyệt đối giữ đúng luật.

    Bài thơ thí dụ để làm mẫu minh họa:

    THU

    Thu về lá rụng cành xơ xác
    Gió cuốn hoa tàn rơi lác đác
    Cạnh suối nai vàng đứng nhởn nhơ
    Bên hồ thỏ trắng nhìn ngơ ngác
    Mù mù góc biển cặp chim âu
    Mịt mịt chân trời đôi cánh hạc
    Khói trắng bay hoài tận nẻo xa
    Mưa buồn rả rích hòa cung nhạc

    Thứ Lang


    2. LUẬT TRẮC:

    t - T - b - B - B - T - T (vần)
    b - B - t - T - B - B - T (vần)
    b - B - t - T - T - B - B (đối câu 4)
    t - T - b - B - B - T - T (vần - đối câu 3)
    t - T - b - B - T - T - B (đối câu 6)
    b - B - t - T - B - B - T (vần - đối câu 5)
    b - B - t - T - T - B - B
    t - T - b - B - B - T - T (vần)

    Ghi chú: chữ t-b nhỏ không nhất thiết phải giữ đúng luật bằng trắc, nhưng nếu tiếng đáng trắc mà làm ra bằng thì được, trái lại tiếng đáng bằng mà làm ra trắc thì không nên. Các chữ T-B lớn phải tuyệt đối giữ đúng luật.

    Bài thơ thí dụ để làm mẫu minh họa:



    Phượng đỏ sân trường thêm rực rỡ
    Trưa Hè tiếng gió buồn than thở
    Du dương khúc nhạc vọng thê lương
    Réo rắc cung đàn nghe nức nở
    Trước ngõ cành lan trắng nụ đơm
    Bên tường khóm cúc vàng hoa trổ
    Mây bay lảng đảng tận phương nao
    Bãi biển rì rào con sóng vỗ

    Thứ Lang


  10. #10
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    5,924
    THƠ NGŨ NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT


    Thứ Lang
    biên soạn

    Thơ Ngũ Ngôn Bát Cú Đường Luật là bài thơ gồm 8 câu, mỗi câu 5 chữ được làm theo luật thơ Đường Luật, cho nên còn gọi là Thơ Ngũ Ngôn Luật (Ngũ Ngôn Luật Thi).
    Thơ Ngũ Ngôn Bát Cú Đường Luật giống như Thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật nhưng mỗi câu đều bỏ đi hai tiếng đầu câu, chỉ còn lại năm tiếng sau cùng.
    Về Niêm Luật Vần Đối thì vẫn y như Thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật.

    Sau đây là bảng luật thơ:


    1. LUẬT TRẮC VẦN BẰNG:

    T - T - T - B - B (vần)
    B - B - T - T - B (vần)
    B - B - B - T - T (đối câu 4)
    T - T - T - B - B (vần) (đối câu 3)
    T - T - B - B - T (đối câu 6)
    B - B - T - T- B (vần) (đối câu 5)
    B - B - B - T - T
    T - T - T - B - B (vần)


    Bài thơ thí dụ để minh họa:

    Cánh Đào Mong Manh

    Lòng nghe nỗi xuyến xao
    Khi ngắm cánh hoa đào
    Mới nở màu phai vội
    Chưa tàn sắc úa mau
    Chiều qua xinh tợ vẽ
    Sáng lại héo như xào
    Trời đất vô tình ý
    Cho đời bút mực hao

    Khánh Trung
    19 July 2010





    2. LUẬT BẰNG VẦN BẰNG:

    B - B - T - T - B (vần)
    T - T - T - B - B (vần)
    T - T - B - B - T (đối câu 4)
    B - B - T - T - B (vần) (đối câu 3)
    B - B - B - T - T (đối câu 6)
    T - T - T - B - B (vần) (đối câu 5)
    T - T - B - B - T
    B - B - T - T - B (vần)


    Bài thơ thí dụ để minh họa:

    Cánh Đào Mong Manh

    Cơn gió rụng lao xao
    Mong manh những cánh đào
    Xuân mơ hoa nở vội
    Sương mộng nhụy phai mau
    Sáng trôi mây bàng bạc
    Chiều rơi lá xạc xào
    Vô thường trong một kiếp
    Như tình mỏng hư hao

    Thùy Linh
    19 July 10




    Lời bàn:

    Từ đây trở về sau, chúng ta chỉ nghiên cứu để biết qua tất cả những thể Thơ Đường Luật mà không cần ưa thích cũng được.
    Thơ Đường Luật chỉ có Thất Ngôn Bát Cú vần bằng là hay thôi.

    Những thể khác hoặc vì câu quá ngắn (như ngũ ngôn) hoặc vì cách gieo vần quá trắc trở (như TNBC & NNBC vần trắc) nên nghe không êm tai.

    Tóm lại chúng ta chỉ cần trau dồi tinh tường thể thơ TNBC/ĐL vần bằng thì các thể khác chúng ta chỉ cần nhìn qua là làm được ngay.

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 7
    Last Post: 04-03-2014, 08:29 AM
  2. Vụ Hội đồng Công Luật công án Bia Sơn
    By Lotus in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 9
    Last Post: 02-08-2013, 12:26 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 05:48 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh