Register
Page 26 of 30 FirstFirst ... 162425262728 ... LastLast
Results 251 to 260 of 300
  1. #251
    Nhà Ngói
    Join Date
    May 2013
    Posts
    145
    Lại chuẩn bị đi về, lại một hành trình mới. Những người mới sẽ được mình làm quen, ở nơi chân lấm tay bùn đó. Hy vọng mọi người sẽ chấp nhận mình. Sự đố kỵ tỵ hiềm hy vọng là không có.
    Kéo vali trên tay và đi tiếp.

  2. #252
    Nhà Ngói
    Join Date
    May 2013
    Posts
    145
    Tôi cũng muốn viết để giữ lại điều gì đó nhưng mọi sự cứ vụt vụt qua rồi biến mất. Kể cả một vài người thân yêu. Để rồi tôi cứ nghĩ về những điều đó và lấy làm đau đớn vào buổi ban đầu, rồi mọi chuyện vẫn tiếp diễn . Nghĩa là tình hình ngày một xấu đi. Cho đến một lúc mới biết được rằng ai mà lại không già, già thì sẽ bịnh và mọi chuyện sẽ thuận theo mà đến.
    Hôm qua text nhờ cháu gái nói mẹ nó đến cửa hàng xem dùm vài món hàng. .Nó trả lời rằng nó sẽ làm điều đó, mới nhận ra rằng con bé ngày nào đã lớn.
    Cũng ngày hôm qua đi quét lá, vì cả rừng lá còn nằm im trên bãi cỏ. Lúc này không còn làm nhanh được nữa, cứ cà kê mà làm, như vậy không còn phải thở dồn dập và mệt sau đó.

  3. #253
    Nhà Ngói
    Join Date
    May 2013
    Posts
    145
    TTôi có những người hàng xóm rất tốt. Mỗi năm vào mùa này khi tôi thu xếp về thăm gia đình thì họ là người đến nhà để lo cho bầy ngỗng, đến nay tính đã năm năm. Những khi con rạch trước nhà nước đầy và tràn qua miệng cống, họ là người đi thông cống. Hay khi máy sưởi bị hư ở một bộ phận nào đó thì họ là người đến kêu thợ đến thay. Họ làm tất cả từ việc lấy thơ và scan để gởi đến chúng tôi để ông xã tôi thanh toán hàng tháng. Nghĩ đến bao nhiêu đó thôi, không phải lòng người lạnh lùng mà vì sự cư xử với nhau mà thôi.
    Cuối năm đến ngân hàng vì chúng tôi cần một số tiền để giúp em trai tôi, vừa qua một cuộc phẫu thuật. Nhìn gương mặt đông cứng của người nhân viên nhà băng, tôi nói với ông ta rằng tôi thật sự cần số tiền đó ( mặc dù nó là của chúng tôi ). Tôi thấy gương mặt của ông ta giãn ra và vui vẻ trở lại khi tiếp tục câu chuyện. Người ta hiểu nhau hơn khi nói thật lòng.

    Tuần này tôi gặp một vài rắc rối nhỏ, chẳng hạn như có hai đứa nhỏ đi du lịch Việt Nam. Gởi cho một người bạn vì họ làm ở một công ty du lịch. Tôi nghĩ đó là một công ty du lịch dành cho khách du lịch có tiền. Hai đứa nhỏ bạn tôi, rất thật thà nói với người bạn của tôi rằng họ báo giá cao quá. Vậy là người bạn này đã không trả lời khi nhận được lời cảm ơn của tôi mặc dù chỉ vài chữ . Khó có sự thông cảm qua lại khi một bên không vừa lòng nhau. Dù đó là sự lựa chọn không có gì là sai của một bên.
    Hôm qua là ngày cô Sáu tôi qua đời. Cô là người ruột thịt cuối cùng của họ nội , kết thúc thế hệ của ba tôi. Chỉ còn lại má tôi trong vai vế thím hay mợ dâu mà thôi.

  4. #254
    Nhà Ngói
    Join Date
    May 2013
    Posts
    145
    Cảm ơn anh cuocsi đã mang vài câu của Trang qua bên kia. Chỉ là những ý nghĩ rồi ghi lại.

    Một lần chị họ con của Bác tôi đã phải nói với tôi rằng mày hay thiệt, tao chẳng thà để thời gian đi kiếm tiền rồi mướn người làm chứ không lui cui trong bếp như mày suốt ngày. Đó là lúc chị thấy tôi đang quét nhà của má tôi , khi tôi về thăm má. Hình nnhư chúng tôi không cùng chung suy nghĩ và cách thể hiện mặc dù chúng tôi cùng chung một ý là lo cho gia đình. Và tôi lúc nào cũng lẹt đẹt phía sau chị. Không sao cả, chị là chị họ của tôi.

    Tôi tin vào luật nhân quả và mỗi người tự thân sẽ phải được nhận hay trả vì những điều mình đã và đang làm. Tôi nghĩ tôi đang ở trong nhà tù của mình mà tôi không nhận ra.


    Cảm ơn mọi người đã một lần qua đây.

  5. #255
    Nhà Ngói
    Join Date
    May 2013
    Posts
    145
    Vậy là hết mười ngày vi vu với hai đứa nhỏ, để hôm nay đưa tụi nó lên đường đi Campuchia thì hai vợ chồng mới có dịp nghỉ ngơi cuối tuần này, Cuộc đời là những gặp gỡ bất ngờ và những khám phá bất tận mà mỗi người dành cho nhau. Lâu lắm rồi mới đi lại Cái Bè coi chợ nổi, nơi mà ghe thuyền tấp nập vào buổi sáng để bán trái cây và rau cải từ nhà vườn mang ra, nay hầu như biến mất. Buổi sáng tám giờ chỉ có vài chiếc ghe cấm cây sào trên cao với những củ sắn, nghĩa là họ bán củ sắn. Còn lại vài ghe cũng neo đậu nhưng không thấy họ treo gì, mình cũng chẳng buồn ngó vô. Có chiếc ghe gắn hai cái cần ăng ten chơi vơi trên cao, ông chồng nói cái ghe đó họ bán ăng ten. Tội nghiệp cô hướng dẫn viên đỏ mặt cười híp mắt. Giữa sông có một chiếc ghe trang trí nhìn sáng sủa, các ghe khác tấp vào để mua trái cây và uống nước dừa bán trên đó. Hỏi mua nửa ký chôm chôm họ kêu đưa hai chục ngàn đồng. Cô hướng dẫn mang cho một nải chuối cho cả đoàn và anh tài xế một trái dừa tươi. Bốn người còn lại quất một người một trái chuối và vài trái chôm chôm. Phần còn lại mang về sài gòn mấy ngày sau ăn còn không hết, phải lôi ra ăn cho bằng hết. Ghe chạy một vòng vài trăm mét trên sông Tiền , những chiếc xà lan chở đầy cát hay những chiếc ghe tắc rán chở rơm chở lúa , những chiếc ghe nhỏ ngồi cắm câu trên sông. Tự nghĩ đời người mênh mông như dòng sông dài và đầy ăm ắp nước đó cứ lặng thầm chảy mãi. Ghe chạy một đổi thì tấp vô một cái cồn nhỏ, từ đây sẽ leo qua ghe nhỏ để họ chèo bằng tay đi luồn vào bên trong. Ngồi ghe này cái nhớ coi mấy phim thời đầu bảy mươi lăm, du kích giao liên, mấy chị khăn khăn rằn áo bà ba đi làm du kích. Phải chi mà " phim" được như đời thì hay biết mấy.
    Chiếc ghe tấp vô và cho mọi người lên bờ để thăm những nhà làm thủ công như cốm gạo, cốm khoai mì, làm rượu, mật ong, kẹo dừa bánh tráng. Du khách chỉ quan sát chứ ít ai mua, ngoại trừ mình. Sau khi trả tiền xong thì thấy ngỡ ngàng. Nếu đúng giá với thị trường thì dân mình chắc mình không ăn được cốm gạo . Bởi vì một gói cốm 200 gr bàng tiền một ký gạo hạng hai. Nhìn cục xà bông làm bằng dầu dừa đã qua tinh lọc , 130 grs với giá ba trăm ngàn đồng. Thôi cái điệu này về lại Bỉ mua xà bông Bỉ mà xài. Mặc dù là khách du lịch nhưng người ta cũng đã trả tiền dịch vụ, bán sản phẩm từ nhà làm ra thì phải rẻ thì người ta mới mua chứ mắc hơn thị trường thì xách chi cho cực.


    Trở về thực tại thì cái chị chèo ghe là cỡ tuổi hơn mình, nụ cười miền tây thứ thiệt, cũng quấn khăn rằn áo bà ba xanh quần đen đúng bộ. Hỏi chị làm nghề gì ngoài cái nghề chèo ghe chở khách này. Chị nói ở nhà cũng làm vườn nhưng vườn nhỏ nên phải đi chèo ghe kiếm thêm. Chị nói ở nhà làm hễ có khách thì người ta (là công ty du lịch ) gọi chị ra chèo, coi như kiếm thêm thu nhập. Chị nói bây giờ ở cồn đã có điện và nước nên đỡ hơn xưa nhiều lắm. Nhìn trên bờ có vài căn nhà nằm cặp theo bờ mương, hình như có đám tiệc gì đó, họ gắn dàn loa thiệt bự và thì ôi thôi đủ thứ âm thanh lảnh lót cứ thi nhau vang vọng khắp nơi, nào là tiếng hò sông Hậu, tình anh bán mía ( cái này đặt ra) hay happy new year, nhạc vàng nhạc tiền chiến ta nói nghe đã đời ông địa. Sau đó thì ghe tấp vô một cái nhà có tổ chức ca cổ. Mừng vì cái nền âm nhạc cổ truyền này vẫn còn biểu diễn. Ngồi nghe ca vọng cổ, lời ca như có hồn quyện vào cái tình quê chân chất nơi vùng đồng bằng có tiếng này. Chung quanh cây trái lắc lư theo chiều nhạc chậm, những đoàn khách ngoại quốc cứ ra rồi lại vào. Còn mình thì cũng phải đứng lên rồi đi tiếp. Cô hướng dẫn chỉ cho coi bông sầu riêng, người ta phải thụ phấn cho hoa bằng cách dùng cây sào dài, lấy phấn từ hoa đực và phủ qua hoa cái. Đi dọc bờ đê nhỏ để ra lại sông cái cô hướng dẫn dẫn đến một vườn ổi, dạo này người ta trồng ổi bằng cách bao bằng bao nylon, trái nào cũng bao ráo nạo. Để tránh sâu đục trái và không phải xịch thuốc trừ sâu, cũng hay nhưng mà nhìn những trái ổi bị hư hay quá chín tọng xuống mặt sông dài rập rình sóng nước nơi bờ cầu tàu cái thấy lòng nao nao.
    Last edited by Trang; 01-12-2017 at 03:44 AM.

  6. #256
    Biệt Thự cuocsi's Avatar
    Join Date
    Sep 2016
    Location
    Paris có gì lạ
    Posts
    1,619
    Quote Originally Posted by Trang View Post
    Tôi cũng muốn viết để giữ lại điều gì đó nhưng mọi sự cứ vụt vụt qua rồi biến mất. Kể cả một vài người thân yêu. Để rồi tôi cứ nghĩ về những điều đó và lấy làm đau đớn vào buổi ban đầu, rồi mọi chuyện vẫn tiếp diễn . Nghĩa là tình hình ngày một xấu đi. Cho đến một lúc mới biết được rằng ai mà lại không già, già thì sẽ bịnh và mọi chuyện sẽ thuận theo mà đến.
    Hôm qua text nhờ cháu gái nói mẹ nó đến cửa hàng xem dùm vài món hàng. .Nó trả lời rằng nó sẽ làm điều đó, mới nhận ra rằng con bé ngày nào đã lớn.
    Cũng ngày hôm qua đi quét lá, vì cả rừng lá còn nằm im trên bãi cỏ. Lúc này không còn làm nhanh được nữa, cứ cà kê mà làm, như vậy không còn phải thở dồn dập và mệt sau đó.
    Trang ghi lại những tâm sự " lời thì nhẹ như lá, ý thì trầm như biển rộng"

    Sau chuyến đi thăm Ổi và Sầu riêng về chắc còn " nặng sầu " hay sao mà không viết tiếp ?
    Có thể đã vất gánh sầu bên ấy rồi nên thấy nhẹ lòng hơn hén, mong là vậy !
    Chúc tất cả ngày vui

    cuocsi 2017-02-21

  7. #257
    Nhà Ngói
    Join Date
    May 2013
    Posts
    145
    Dạ , Trang cảm ơn anh cuocsi .Đôi lời của anh làm aấm lòng, dù xa lạ nhưng vẫn ân cần thăm hỏi.
    Và đôi lúc không còn sức để viết, nên đành để những trang giấy trắng.
    Chúc anh an vui.
    Trang.

  8. #258
    Nhà Ngói
    Join Date
    May 2013
    Posts
    145

    chuyện lẻ.

    Con bé nó mời vé số, mái tóc dài cháy nắng loe hoe vài sợi quá vai. Hỏi con bao nhiêu tuổi, nó nói mười hai. Sao nhỏ xíu vậy? Nó cười, nụ cười móm duyên. Bán xong rồi, nó chạy ra góc sân ngồi xóc lại mấy tấm vé số và hình như xếp lại tiền. Trong khi nó chạy, nhìn đôi chân không, tự nhiên bật miệng nói. Tại sao đi chân không? Nhớ mang dép nghen con. Mấy chị cùng bàn phụ họa theo.
    Hôm qua trở lại quán cũ , nó cũng đến mời vé số, cũng bộ đồ của ngày hôm kia trên người, nói thôi con đi đến cho mỗi người trong bàn một tấm đi, rồi đến đây cô trả tiền. Nó đi đưa xong quay trở lại, hỏi nó bao nhiêu tấm? Nó lại cười, con quên đếm rồi. Rồi nó giơ tay lên đếm từng người. Trả tiền xong, nó cầm lại rồi chạy băng qua góc sân. Nhìn xuống chân, mang đôi dép màu vàng còn mới . Lại cũng bật miệng , hôm nay mang dép rồi đó ha con. Mấy cô cùng bàn nói, con mà gặp cô này vài lần nữa, con chắc phải mang giày ).
    Không thích mua vé số vì đã tiếp tay nhưng không mua, không biết phải làm gì? Nó cần bán vé số, mình đến rồi lại đi. Một vòng tròn khắc nghiệt.
    Nhưng nhìn đôi dép màu vàng của nó mang trong chân, ngày thêm một đóm sáng.
    Last edited by Trang; 03-22-2017 at 04:08 AM.

  9. #259
    Nhà Ngói
    Join Date
    May 2013
    Posts
    145
    Ở trong quán ăn Nhật.
    Thằng nhóc bị cô khách mắng lớn tiếng vì trong lúc vội vàng đã cầm cái vĩ nướng bằng sắt đang nóng đi ngang người cô ta. Cô ấy có vẻ dịu giọng lại khi chúng tôi nhìn qua cái vách ngăn nhiều lổ hình vuông bằng gỗ được ngăn ra giữa cái bàn dài.
    Họ bên đó bỏ về sớm vì sau đó không khí có vẻ ngột ngạt (là do tôi nghĩ). Sau cú bị mắng đó mặt thằng bé có nét buồn vời vợi mặc dù chúng tôi đã cố giữ cho không khí dịu lại bằng cách nói chuyện dịu dàng lại.
    Đi làm khi ra đời chuyện bị mắng sẽ không sao tránh khỏi. Mong cậu bé sẽ cẩn thận hơn, và để sẽ không mắng lại đám đàn em sau này.
    Last edited by Trang; 03-22-2017 at 04:06 AM.

  10. #260
    Nhà Ngói
    Join Date
    May 2013
    Posts
    145
    Buối sáng chạy ngoằn ngoèo theo đám xe cộ để ra được tới chợ Sài Gòn, hình như chạy theo quán tính vì con đường được chạy nằm lòng đã mấy chục năm. Len theo dòng xe cộ là những chiếc xe bán tải như những con kinh kong thả bộ trong thành phố, những cái mủi xe hếch ra đằng trước đẩy những chiếc xe hai bánh vặn vẹo theo. Thành phố như quằn mình chịu đựng những gì mà người ta đang thải lên nó, đêm cũng như ngày.Có một đám cháy ở phía cuối thành phố, những chiếc xe cứu thương , xe cảnh sát, xe chữa cháy hụ còi chạy cũng không làm một vài người đi đường tấp vô nhường đường cho họ. Khiến cho những cánh tay từ phía trong xe chữa cháy giơ ra ngoài và đập vào thành xe để người đi đường đó tránh ra. Những thanh niên choi choi ở thành phố này chạy không cần biết luật lệ và tôn trọng nào. Đôi khi những phụ nữ cũng " ngang trườn" không kém.

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 02:00 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh