Register
Page 48 of 60 FirstFirst ... 38464748495058 ... LastLast
Results 471 to 480 of 593
  1. #471
    Con sói quàng khăn đỏ gun_ho's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Haida Gwaii
    Posts
    1,729

    Hệ thống cung cấp lực.

    Qua phần một, các bạn thấy đó là vòng ngoài, là cái vỏ bên ngoài của một chiếc xe hơi, là phần bảo vệ cho bộ máy thì phần hai, ta sẽ bàn về nguồn lực cung cấp cho xe chạy. Là nồi cót, hệ thống tạo nguồn lực cho một cái đồng hồ hoạt động được.


    Nguồn cấp lực cho một đồng hồ là nồi cót, bên trong nồi cót dĩ nhiên là dây cót mà miền Nam gọi là dây thiều.
    Bản thân dây cót là một sợi lò xo lá, được cuộn lại hoạt động theo nguyên tắc lò xo xoắn nằm ép bên trong nồi cót.





    Trong hình trên đây, các bạn thấy bên trái là nồi cót và bên phải là dây cót còn nằm trong gói, mới tinh chưa qua sử dụng.
    Khi ta vặn núm thì cây ti sẽ nối liền với một trục quay bánh răng nhỏ (gọi là Crown Wheel), bánh răng nhỏ này quay bánh răng lớn nằm kề. Bánh răng lớn này chính là bánh răng của nồi cót bên dưới, có một "con chó" kềm lại để lực của nồi cót không thể chạy ngược trở lại.





    Trong hình trên đây, bạn thấy nằm cao bên trên là núm, có cây ty kết nối với cối bên trong (đã bị che khuất) từ đó ta vặn núm theo chiều kim đồng hồ thì bánh răng nhỏ sẽ quay và kéo theo bánh răng lớn. Động tác này gọi là lên dây, là nạp năng lượng vào nồi cót, là làm cho lò xo lá kia uốn cong thêm nhiều vòng bên trong nồi cót.
    Lực chứa trong nồi cót sẽ không thoát ngược theo núm khi ta buông tay nhờ có con chó nhỏ có lò xo mà bạn có thể thấy trong hình, phần nằm dưới cùng.
    Tất cả những gì bạn thấy ở bài trên kia là hệ thống nạp lực vào cho một bộ máy lên dây. Nhưng bản chất con người ta hay quên và làm biếng, nghĩa là họ muốn một cái gì tự động, không cần mỗi sáng ngồi vặn chục vòng mất công và nhiêu khê.


    Để khắc phục cái lười biếng và hay quên này của con người, nhà sản xuất đồng hồ đã chế ra bộ tự động.
    Bộ tự động là một vật nặng không có đối trọng được lắp trên một trục. Khi ta nhúc nhích bàn tay hay cánh tay, vật nặng này sẽ xoay trên trục đó và lên dây, nạp lực vào nồi cót qua một hệ thống bánh răng truyền lực phức tạp.
    Ngày mới phát minh ra nguyên tắc này, các nhà sản xuất chỉ mới chế được vật nặng chạy qua chạy lại và lên dây một chiều mà thôi. Hệ thống này gọi là unidirectional winding, là máy lọc cọc. Nghĩa là khi cục này chạy về phía này thì lên dây, chạy qua phía kia thì chỉ là chạy chơi chứ chẳng làm gì cả.





    Máy lọc cọc với quả tự động chạy không đủ vòng tròn. Loại đồng hồ có hệ thống lên giây thế này tiếng Anh gọi là bumper, tiếng Việt gọi là máy lọc cọc, nghĩa là khi cục rotor đó chạy qua phía này, rồi qua phía kia đụng lò xo giảm chấn và kêu lọc cọc bên trong nghe rất vui tai chứ đừng nghĩ là nó bị hư.


    ==========================


    Như thế, đồng hồ lọc cọc mang tiếng là tự động nhưng ta phải múa máy tay chân hơi bị nhiều , còn nếu như bạn là người ít nói, hai tay cứ bỏ vào túi quần đếm ngón tay suốt ngày thì có khi đồng hồ sẽ đứng bất tử chứ chẳng chơi.


    Để khắc phục điều này, người ta chế quả tự động quay vòng tròn 360 độ và có thể lên dây cả hai chiều quay, bất cứ chiều nào cũng có thể sinh ra lực để nạp vào nồi cót.





    Quả tự động của Omega có thể quay 360 độ.








    Quả tự động của máy Zodiac được ráp dính với cầu tự động cùng các bánh răng truyền lực chụp từ hai phía.


    ===============================


    Bạn thắc mắc rằng, nếu có quả tự động thì liệu đứt dây thiều đồng hồ có chạy được hay không ?
    Xin trả lời là không. Dây cót (dây thiều) là nguồn chứa lực và nhận lực qua núm, qua bộ lên dây tự động. Đứt dây thiều nghĩa là thùng xăng lủng một lỗ to tướng, chẳng thể nào chứa lực được nữa nên đành phải "lọt cầu tiêu" như trong câu bọn trẻ hay hát


    Bà chằn lửa
    Sửa cầu tiêu
    Ba giờ chiều
    Đứt dây thiều
    Lọt cầu tiêu...


    dây thiều nó quan trọng thế đấy.....





    Last edited by gun_ho; 03-17-2012 at 03:12 AM.
    Giang Châu Tư Mã _ Bạn mượn khố của ĐVT.

  2. #472
    Con sói quàng khăn đỏ gun_ho's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Haida Gwaii
    Posts
    1,729

    3_Hệ thống phân phối lực.

    Trong phần hai, tôi đã bàn về nguồn lực, nguồn năng lượng và cách nạp lực vào nơi dự trữ (nồi cót) như thế nào. Phần ba này tôi sẽ bàn về cách sử dụng lực như thế nào cho đều, cho đúng để một đồng hồ có thể chỉ giờ chính xác từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm kia không ngừng nghỉ.


    Khi bạn leo lên một chiếc xe máy, bạn rú ga thì xe sẽ chạy nhanh, đạp thắng xe sẽ chạy chậm lại , đó là một cách sử dụng năng lượng. Khi một viên đạn được bắn ra khỏi nòng súng cũng vậy, cũng là một cách sử dụng năng lượng.
    Tuy nhiên, năng lượng của viên đạn được sử dụng toàn bộ trong tích tắc, tất cả năng lượng được dồn hết ra để đẩy viên đạn đi, ở chiếc xe máy thì năng lượng được sử dụng lâu dài nhưng không đều, khi nhanh, khi chậm.
    Với một đồng hồ thì không thế, vì thì giờ trôi đều đặn, thong thả không ngừng nghỉ, nên người kỹ sư phải làm sao cho nguồn lực kia được sử dụng lai rai , thật đều và thật chính xác thì mới thỏa mãn được nhu cầu đúng giờ của một đồng hồ.


    Công việc đầu tiên mà các kỹ sư phải làm là ngăn chận và chia nguồn lực từ nồi cót sao cho nhỏ lại, nhỏ thật nhỏ đến một mức tối thiểu không thể nhỏ hơn được. Để thực hiện việc này, người ta dùng nguyên tắc nhông chuyền, bánh răng lớn/nhỏ.





    Trong hình trên đây, các bạn sẽ thấy bánh răng lớn nằm trên nồi cót và bên dưới bánh răng này là bánh răng của nồi cót. Bánh răng nồi cót sẽ đẩy răng sát cốt của bánh răng trung tâm, răng vòng ngoài của bánh răng trung tâm đẩy răng cốt của bánh răng thứ hai và cứ thế cuối cùng là răng bánh thoát (escape wheel)





    Hình trên đây là thứ tự truyền lực từ nồi cót qua các bánh răng mà tôi đã tháo rời rồi sắp xếp lại cho các bạn dễ nhìn ra hơn là khi nằm thành một chùm..


    Bạn có thể thấy bánh răng cuối cùng là escape wheel (bánh thoát), bánh răng này sẽ đá "con ngựa" (một bộ phận giống chữ T) và đuôi con ngựa này kết nối với trục của bánh balance .







    Đoạn cuối của phần ba này là phần mà tôi dành riêng để chỉ viết về một cơ phận duy nhất, cơ phận được xem là trái tim, là nhịp đập và là điểm mấu chốt quyết định thắng thua của một cái đồng hồ, của một hãng đồng hồ hay cả một kỹ nghệ đồng hồ trong hơn trăm năm qua.
    Đó là dây tóc và bánh balance.


    http://www.youtube.com/watch?v=rzCiDoVXzNE


    Trong video trên, các bạn sẽ thấy con ngựa đá cốt của bánh balance, làm cho bánh balance chạy lui, chạy tới theo nguyên tắc quả lắc nhờ vào sợi dây tóc (bản chất là 1 lò xo xoắn)
    Khi bánh balance chạy lui, chạy tới như thế, nó đã giữ một nhịp đập nhất định cho lực từ nồi cót thoát ra qua bánh thoát (escape wheel) một cách chính xác và đều đặn.


    Bạn sẽ tự hỏi, vậy thì có gì mà ầm ĩ ? Mà là quyết định thắng hay thua ghê thế?


    Xin thưa là quan trọng lắm chứ. Vì sợi lò xo và bánh balance kia làm bằng kim loại, phải làm sao chạy cho đều không được khi chậm, khi nhanh. Khi trời nóng 35 độ, kim loại dãn nở thì chúng cũng phải chạy y như thế , mà khi trời lạnh tuyết rơi, kim loại co lại, cũng phải đúng y như thế mới khó.
    Chứ mà một cái đồng hồ trời nóng chạy chậm, trời lạnh lại nhanh, tôi nghĩ mọi người sẽ nổi điên với nó chứ chẳng chơi.
    Hẹn em mùa đông : em đến sớm, mùa Hạ : em lại đến muộn, xúi em vứt ngay cái đồng hồ vào thùng rác chứ đeo làm gì hả các bạn ?









    Đây là hình bánh balance xưa có gắn "quả tạ" là những con vít bằng đồng để giúp điều chỉnh lực ly tâm của bánh balance sao cho cân đối, kim loại làm bánh balance cũng được kết hợp bằng hai thứ thép và đồng (bimetal) để đáp ứng phù hợp khi nhiệt độ bên ngoài thay đổi, bánh balance cũng được cắt để bung ra đáp ứng với lực ly tâm.
    Lò xo tóc làm bằng kim loại thời xưa cọng lớn màu xanh biếc là một hợp kim thép và nickel có tên là elinvar ....

    Sau một thời gian, người ta cải tiến kỹ thuật và tìm ra kim loại mới không bị ảnh hưởng bởi nhiệt nữa nên bạn sẽ thấy bánh balance không còn bị cắt, không còn làm bằng hai thứ kim loại như xưa nữa như trong hình sau đây





    Tuy nhiên, việc giữ cho chính xác khi nhiệt độ thay đổi cũng chưa phải là vấn đề duy nhất mà các kỹ sư phải quan tâm, họ còn phải quan tâm đến việc chống shốc, chống nhiễm từ và để cái đồng hồ nằm ở bất cứ tư thế nào nó cũng phải đúng hết thì khách hàng mới chịu.
    Mà yêu cầu ấy là chính đáng chứ nhỉ . Không lẽ một đồng hồ ta đeo thì tay cứ phải đưa ra ngay đơ mà không được vẫy chào, gãi đầu hay vuốt tóc làm duyên ? Không được làm việc gì nặng cũng không được gần nam châm. ? Và khi Thượng Đế muốn, các nhà sản xuất phải chiều ý ngay chứ lị.





    Đây là một bánh balance đã được cân chỉnh đúng lực ly tâm và giữ chính xác ở 5 tư thế, lò xo dây tóc không bị nhiễm từ và sẽ không thay đổi độ đàn hồi khi lạnh quá hay nóng quá vân vân....


    Và đó là vấn đề, là điểm mấu chốt mà hiện nay các nhà sản xuất đồng hồ vẫn chúi mũi vào hàng ngày để ngâm cứu, để tìm một hướng đi mới sao cho toàn thiện, toàn bích rồi khi đó họ có thể thò tay vào túi các Thượng Đế moi ra những món tiền kết sù mà các Thượng Đế vẫn tươi cười hỉ hả.



    Giang Châu Tư Mã _ Bạn mượn khố của ĐVT.

  3. #473
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636
    Cảm ơn Gun Ho. Thật là thú vị, lần đầu tiên chị được đọc một bài chuyên môn...quá sức tưởng tượng như thế này. Tâm phục, khẩu phục.

  4. #474
    Quote Originally Posted by PhPhuongVy View Post
    Cảm ơn Gun Ho. Thật là thú vị, lần đầu tiên chị được đọc một bài chuyên môn...quá sức tưởng tượng như thế này. Tâm phục, khẩu phục.
    Thú vị và học hỏi , cám ơn anh Gun !

    Còn việc đem đồng hồ đi chùi dầu thì sao anh ?
    ( thay pin thì đơn giản rồi ) .
    tì nh nhị hồ vẫ n yêu â m xư a .
    ư ưư aâẫââ m u

  5. #475
    Con sói quàng khăn đỏ gun_ho's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Haida Gwaii
    Posts
    1,729
    Chị Vy cũng thích những cái máy móc, kỹ thuật này hả chị ? Em cứ nghĩ chỉ có những thằng con nít lớn tuổi mới mê mệt thứ này thôi chứ.

    Chào anh Nhunguyen

    Đăng bài xong mới thấy post của anh. Đem đồng hồ đi chùi dầu có nghĩa là người thợ sẽ tháo tung các cơ phận, rửa sạch và chấm dầu vào các điểm tiếp xúc của các cơ phận (như mình bơm mỡ bò cho xe) đồng thời họ sẽ chỉnh sao cho đồng hồ chạy thật đúng với máy đo điện tử tối tân và canh sao cho sự sai biệt nhanh chậm mỗi ngày ở mức tối thiểu cọng hay trừ 6 sec/day.

    Là người chơi đồng hồ cũ, tôi tự làm tất cả các công việc này, vừa tìm thấy niềm vui, vừa tiết kiệm tiền (tôi rất thích sửa máy móc)

    =========================================


    Trước khi kết thúc phần ba, tôi muốn nói thêm về cách chỉnh nhanh hay chậm, trong trường hợp đồng hồ Omega cũ của bạn chạy nhanh hay chậm một tí.

    Dĩ nhiên, một đồng hồ bỗng dưng chạy nhanh hay chạy chậm là có lý do , có một sự cố xảy ra cho dây tóc hay bánh balance và hệ thống nhông chuyền lực. Có thể là mòn đầu trục, cốt gió bị méo hay lò xo tóc bị dơ hoặc nhiễm từ vân vân....nhưng nếu đi quá sâu vào những triệu chứng đó, tôi sợ là phải cần hơn chục trang nữa là ít.





    Trong hình trên đây bạn thấy lò xo xoắn kia được chế tạo thành vòng trôn ốc thật đều. Đây là điểm mà bạn cũng nên quan sát khi mua một đồng hồ cũ đã qua sử dụng. Vì dây tóc này mỏng manh lại đóng 1 vai trò hết sức quan trọng trong sự chính xác của đồng hồ nên nếu có dấu hiệu dây tóc méo mó, vặn vẹo không ngay thì bạn nên cẩn thận.
    Trở lại chuyện dây tóc được bẻ theo hình trôn ốc đều đặn kia, nếu vì dơ, vì dính dầu nên dây tóc bị dính, chạm nhau ở một điểm nào đó, thì hậu quả là bạn sẽ thấy đồng hồ bỗng chạy nhanh ghê gớm, cũng có khi bạn để đồng hồ quá gần cái loa nghe nhạc, dây tóc sẽ bị nhiễm từ và cũng bị rối loạn làm nhịp quay của balance sai trật.
    Và chỉ sau khi chắn chắn rằng dàn bánh răng truyền lực không có vấn đề, dây tóc không dơ và không nhiễm từ thì bạn sẽ nhìn vào hình dưới đây.





    là hệ thống cần gạt để thu ngắn bớt hay nới dài thêm chiều dài của lò xo tóc này.


    Nhìn vào cái cần gạt mà tôi có chấm màu đỏ, nếu ta đẩy nó về tay trái (theo hướng trong hình) nghĩa là ta nới dây tóc dài thêm tí xíu, và đồng hồ sẽ chạy chậm lại. Nếu ta đẩy cần có chấm đỏ về tay phải, dây tóc sẽ ngắn lại và đồng hồ sẽ chạy nhanh lên tí.
    Tuy nhiên, đó là cách chỉnh với sự sai biệt khá lớn, còn nếu sai biệt thật nhỏ, ta dùng con ốc nhỏ có chấm đen bên hông. Siết vào làm cho chậm lại và nới ra sẽ làm cho nhanh hơn.


    ===============================


    Đó là cách chỉnh nhanh hay chậm của đồng hồ Omega cũ, còn Rolex thì lại chỉnh con ốc trên bánh balance , khi nới ra hay siết con ốc đó vào, người ta đã thay đổi sức ly tâm của bánh balance đang quay đồng thời làm cho đồng hồ chậm lại hay là nhanh hơn.



    Last edited by gun_ho; 03-17-2012 at 10:56 AM.
    Giang Châu Tư Mã _ Bạn mượn khố của ĐVT.

  6. #476
    Con sói quàng khăn đỏ gun_ho's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Haida Gwaii
    Posts
    1,729

    4 Hệ thống hiển thị

    Dĩ nhiên một bộ máy chạy bên trong sẽ được kết nối ra bên ngoài để hiển thị giờ, phút giây và ngày cho người ta có thể xem biết. Phần này tôi tạm gọi là hệ thống hiển thị.
    Hệ thống này gồm vòng lịch, kim gió, kim phút, kim giờ và cái hồi, các bánh răng truyền và bộ đá lịch cho lịch nhảy từng ngày.


    Nếu suy nghĩ một cách đơn giản thì ta sẽ nghĩ là các cây kim được gắn dính vào đầu của các bánh răng trong máy , bánh răng quay chậm gắn vào kim giờ, bánh quay nhanh hơn thì kim phút, kim giây chứ gì ? Nếu thế thì bạn chỉ đúng có một phần nhỏ mà thôi.
    Vì thực tế thì chỉ có một cây kim gió là gắn trực tiếp vào bánh răng, còn kim phút và giờ lại được gắn gián tiếp qua trung gian của cái hồi.





    Qua hình trên đây, các bạn thấy kim gió được gắn dính vào cốt của bánh răng, vì thế khi nhìn cây kim gió chạy là bạn có thể chắc chắn rằng máy đang hoạt động bên trong.

    Có khi bạn lại thấy kim gió chạy lơn tơn mà kim phút và kim giờ lại đứng im, vì sao ? Là vì cái hồi đã quá mòn, lực chuyển động từ máy đến kim phút, kim giờ qua trung gian là cái hồi đã bị gián đoạn ngay tại đó nên kim phút và kim giờ cứ đứng im. Đó là chưa nói sự trượt và mòn ở cái hồi chưa quá tệ, làm cho bạn cứ thấy đồng hồ chạy chậm mà chẳng hiểu tại sao.
    Vì thế, khi mua một đồng hồ cũ, ta nên rút núm ra một nấc, quay ngược kim xem thử kim gió có bị sượng hay chạy ngược hay không (hồi còn bót) , bằng như thấy vặn núm lỏng le và kim gió vẫn chạy tỉnh bơ, nghĩa là cái hồi đã lỏng.






    Đây là hình ảnh bên trên của máy Omega 30mm đời đầu tiên.


    Các bạn thấy kim gió được để nằm bên dưới gọi là kim rốn và hệ hiển thị kiểu này còn có tên gọi là hai kim rưỡi, tiếng Anh gọi là Sub Seconds.


    Có lẽ ngày xưa đồng hồ hay chết máy và kim gió bé quá , khó nhìn để biết đồng hồ chạy hay đứng, người ta chuyển qua hệ kim trung tâm (centered sweep second hand) để nhìn kim gió chạy cho dễ, đồng thời nhà sản xuất còn thêm những vạch li ti trên mặt số để ta có thể đếm từng giây, từng phút cho thật chính xác như khi bác sĩ đếm nhịp tim chẳng hạn.







    Sau đó, con người còn muốn biết thêm hôm nay ngày mấy và xuất hiện loại mặt số có lịch chỉ ngày.





    Bạn thấy trong hình này, trụ cắm của kim giờ phút và giây được gom vào một cột nhỏ ở trung tâm. Bên dưới miếng che kia là hệ thống bánh răng chuyền nhông để đá lịch nhảy ngày sao cho chính xác.
    Bên cạnh đó bạn cũng có thể thấy cái mấu hình tam giác có lò xo đẩy nhẹ vào hai mấu của vòng lịch để giữ cho ngày nằm chính giữa ô lịch vân vân....
    Và dĩ nhiên, người thợ cũng phải biết canh sao cho đúng, để khi 12 giờ đúng là lịch sẽ nhảy qua ngày mới, chứ mà mới có 8 giờ tối đã "nhảy" thì hỏng kiểu.


    Ghi chú : cái hồi tiếng Anh gọi là Cannon Pinion
    Last edited by gun_ho; 03-17-2012 at 11:05 AM.
    Giang Châu Tư Mã _ Bạn mượn khố của ĐVT.

  7. #477
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636
    Chào Gun Ho. Hơn chục trang nữa chị cũng vẫn đón đọc, nếu Gun Ho không ngại viết mất thì giờ. Chị rất thích đọc những bài chuyên môn về máy móc, kỹ thuật, không hiểu trí tuệ nào của con người mà có thể nghĩ ra và sáng chế ra những điều kỳ diệu (và phăng ra được những điều kỳ diệu). Những bài viết về đồng hồ của Gun Ho rất hay, nhất là những bài mới đăng đây. Ở nhà có máy móc gì hư, trước khi vứt đi, chị tháo tung ra để xem ở trong có cái gì, nếu có thể được thì xem nó hoạt động ra sao, ra sao. (Cha chị hay mắng chị là đồ...Nam Hải dị nhân.)

  8. #478
    Con sói quàng khăn đỏ gun_ho's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Haida Gwaii
    Posts
    1,729
    Vậy thì chị có chút máu đàn ông trong người rồi đó, hèn chi biết sửa ống nước, làm vườn , trét vách cùng là moi đá tùm lum há.

    ===============================

    Trước khi kết thúc loạt bài này, tôi muốn viết chi tiết hơn về cái núm (crown), vì núm nhìn khá đơn giản nhưng nó lại được nối kết với hai hệ thống bên trong và ngoài ra còn đóng vai trò chỉnh ngày, giờ đồng thời nạp lực vào nồi cót như là ta đổ xăng cho xe.Ở tư thế bình thường, nghĩa là khi núm nằm sát vỏ, ta lấy ngón tay vặn lên thì núm sẽ nối kết với cối và truyền lực từ ngòn tay của ta nạp vào nồi cót , nạp năng lượng vào cho đồng hồ.
    Nhưng khi ta lấy móng tay móc núm ra một nấc, lúc đó núm sẽ rời khỏi hệ thống cấp lực và lại được nối kết với hệ hiển thị, tùy cấu trúc máy, ta có thể chỉnh ngày hay chỉnh giờ phút sao cho thích ứng và ngoài ra còn có khả năng chận cho kim gió đứng lại (máy ngưng) nữa.


    Như thế, núm đóng vai trò hàng hai, vừa ở hệ cung cấp lực khi ở tư thế sát vỏ và hệ hiển thị khi kéo ra như đã nói ở trên.

    ==============================

    Chính vì sự đòi hỏi của khách hàng, tiến bộ của công nghệ, ngành đồng hồ đã đáp ứng được hầu hết các đòi hỏi của con người và trên mặt số đồng hồ, ta thấy tùm lum tà la đủ các thứ linh tinh rối mắt. Điều đó làm cho bọn Purists cảm thấy buồn và tìm lại những gì truyền thống và cổ điển.

    Gần đây, nhận thấy Thượng đế có lòng hoài cổ, Omega đã quyết định sản xuất cái Seamaster Chronometer với bộ máy tinh vi và công nghệ tân tiến nhất để kỷ niệm Olympic Luân Đôn 2012. Tuy bên trong là bộ máy khủng, bên ngoài lại là một hệ hiển thị cổ điển hai kim rưỡi năm xưa.



    để nhái theo mẫu Omega Seamaster đầu tiên ra đời 1948 với kiểu dáng gần giống như vậy.

    Và với một thằng trẻ con lớn tuổi, không có nhiều tiền để mua hàng khủng, hắn sẽ tìm thấy niềm vui bản thân khi lấy hai con Seamaster đời đầu ra săm soi và đeo chơi rồi lấy làm thú vị lắm.




    Last edited by gun_ho; 03-17-2012 at 12:05 PM.
    Giang Châu Tư Mã _ Bạn mượn khố của ĐVT.

  9. #479
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,993
    Nói vậy cái Titoni của em không được giá như cái IWC TAX tặng thày ? )

    Nhìn các vòng tròn đa năng, phức tạp trên chiếc IWC đó thôi đã thấy chóng mặt, nói gì coi ra giờ. Chiếc đồng hồ siêu đắt đó thì chỉ có những người trong giới chơi đồng hồ cỡ thày thì mới biết giá trị đích thực của nó, còn vô tư như bọn em thì không tránh khỏi thắc mắc, nó có thể che nắng mưa trên đầu mình, nấu ra nồi cơm, có thể cất cánh đưa mình đi đó đi đây không, sao nó đắt đẳng cấp trời thần thế? Và với giá đó, thú thật, NU sẽ rất lo sợ đeo làm xước hoặc ra đường cho San Hô dòm liếc, canh nó rớt để lụm, và kinh khủng hơn, ở NYC, thì sẽ không thiểu kẻ dám chìa dao vào hông mình để được vớt nó vào đôi găng tay nhám nhúa của họ.

    NU thấy thú chơi đồng hồ chắc không khác thú thích nước hoa, sách, xe, giầy, hột xòan, vv. Bạn NU có kể lại câu chuyện này, vào khoảng 1994, bạn ngồi cùng ghế trên máy bay với một anh Việt kiều kia. Vô tình bạn NU chép miệng cái vất vả khi về VN là phải mua quà đóng nhiều thùng nặng và lềnh kềnh … Anh VK kia mới nói anh chỉ mang theo túi xách tay nhỏ và cái này, và anh chìa tay, cho bạn NU thấy cái Rolex. Bạn NU ngạc nhiên thì anh kia giải thích rằng đấy là món quà duy nhất anh mang về VN và để biếu bố anh. Suốt đời bố anh chỉ mơ có cái Rolex. Vì thế, từ ngày qua Mỹ, mặc dù anh phải nai lưng vừa đi làm vừa đi học, anh cũng đã cố gắng dành dụm để sắm cho được chiếc đồng hồ mà bố anh mơ ước.

    Với cái Titoni thì, như anh GH nói, NU mua vì lý lẽ cảm tính thôi. Cảm ơn anh GH đã trả lời điều NU muốn biết, thêm những lý do vì sao không nên mua đồng hồ cổ ở VN, những điều mà ít người nghĩ đến. Nói chung, những lọat bài xưa nay anh GH viết về đồng hồ, về nhạc cụ, rất công phu. NU đọc thấy rất lý thú và có ích. NU còn thêm thắc mắc nữa, nếu được, là sự hiểu biết và tay nghề của GH là từ tự học hay là có qua lớp học?

    Và NU chụp cái Titoni NU mua $10 xem cho vui. Sorry NU không có camera tốt.



    Có khi trời nắng, có khi trời mưa.

  10. #480
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636
    Chào Gun Ho và Nhã Uyên. Xin nói thêm là cơ chế của đồng hồ đòi hỏi sự kết hợp hài hòa và tinh vi như Gun Ho đã viết ở trên, thế mà Thụy Sĩ đã có khả năng tóm thâu tất cả mọi tầng lớp của các bộ phận vào một ổ nhỏ xíu và dẹp lép, nên đồng hồ Thụy Sĩ vừa tốt, chính xác, bền và vừa đẹp. Bên trong chứa đựng một sự tự hào về kỹ thuật tinh diệu, bên ngoài cái vỏ mỏng khiêm cung lại là một niềm tự hào kín đáo và duyên dáng, làm đẹp lòng Thượng Đế.

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 04:24 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh