Register
Results 1 to 2 of 2
  1. #1
    ... ♫ ... V.I.Lãng's Avatar
    Join Date
    Dec 2011
    Posts
    2,155

    Truyền Thuyết Về Những Cây Đàn



    Tại sao tiếng đàn Mã Đầu Cầm như khóc như than?

    Tác giả: Giáo sư Trần Văn Khê





    Mã Đầu Cầm


    Xin mời nghe: Tiếng đàn và giọng kể của Giáo sư Trần Văn Khê








    Các bạn có dịp đến Mông Cổ, trong một buổi trình bày văn nghệ, thế nào bạn cũng nghe những bài trường ca urtiin duu, có tiếng đàn trầm hơn đàn gáo (ngoài Bắc gọi là đàn hồ), tương tợ như đàn violoncelle của phương Tây - phụ hoạ. Đó là đàn "morin-khuur" (đọc là "mô rin khua", morin là con ngựa, khuur là cây đàn, viết theo chữ Hán đọc là "Mã đầu cầm" 马头琴 – nghĩa là cây đàn có hình đầu con ngựa).

    Đàn thuộc loại nhạc khí có cung kéo trên hai sợi dây trước kia bằng lông đuôi ngựa, ngày nay bằng ni-lông. Thùng đàn bằng gỗ, hình thang, cần dài, đầu cần chạm hình đầu con ngựa. Vì vậy đàn mang tên là "Mã đầu cầm".



    Đầu đàn Mã đầu cầm (cần đàn có hình đầu con ngựa)


    Có nhiều truyền thuyết về cây Mã đầu cầm. Hôm nay, tôi thuật cho các bạn nghe một trong những truyền thuyết đó. Xin mời các bạn theo tôi đến Mông Cổ và đi ngược dòng thời gian…

    Ngày xửa ngày xưa, trên Thiên đình có 28 vì sao, gọi là Nhị thập bát tú. Đêm đêm, thường xuống phàm trần, dưới dạng 28 tướng kim giáp, kim bào, cưỡi ngựa chạy rong chơi, ngắm xem phong cảnh, xuyên qua đồng rộng, lên đỉnh núi cao, khi hưởng gió mát trăng thanh, khi nếm rượu bên bờ suối. Nhưng luôn luôn phải nhớ, khi nghe gà gáy canh ba thì phải trở về trời, trước khi vừng ô ló dạng. Nếu không kịp, cửa trời sẽ đóng và phải bị đọa mãi mãi dưới trần.

    Vị tướng lãnh của 28 vì sao, nhờ có con Thiên lý mã, chớp mắt chạy xa ngàn dặm, nên trời vừa nhá nhem tối đã đến hồng trần, và có thể nấn ná đến khi gà gáy canh năm trở về trời cũng kịp. Đến sớm về muộn nhờ con Thiên lý mã, chàng có đủ thời gian gặp một nàng thôn nữ, và đã cùng nàng trao đá đổi vàng.

    Đêm đêm, người thiếu nữ đợi chờ người yêu…

    Khi màn đêm buông xuống, nghe tiếng vó ngựa, người tình đã hiện ra trước cửa lều (1). Nàng không còn cảnh cô phòng chiếc bóng, có bạn vàng để pha trà đối ẩm, ngâm thơ xướng hoạ.

    Một đêm, tò mò nàng hỏi:

    - Chàng từ đâu đến?

    - Ta đến tự Thiên đình.

    - Rồi mỗi sáng chàng đi về đâu?

    - Ta trở về thượng giới.

    Nghe qua, nàng bán tín bán nghi. Lén chàng, nàng chuẩn bị một con tuấn mã. Khi chàng từ giã nàng, leo lên lưng ngựa, nàng cũng giục con tuấn mã chạy theo để xem chàng đi về đâu.

    Nhưng làm sao một con tuấn mã ở hạ giới theo kịp con Thiên lý mã chốn Thiên đình?

    Trong nháy mắt chàng đã khuất dạng và nàng trở về lều đợi chàng đến hôm sau.

    Nàng băn khoăn tự hỏi: "Con Thiên lý mã của chàng trông gầy còm, mà sao có sức chạy như bay?".
    Đêm nay, khi chàng say giấc điệp, nàng lén ra ngoài lều đến cạnh Thiên lý mã… "À thảo nào! Như vầy mà chẳng chạy mau sao được!". Thì ra phía sau mỗi chân ngựa có một cặp cánh nhỏ.

    Đã bao lần, nàng năn nỉ chàng ở lại với nàng, mà chàng chỉ vuốt má nàng và nói: "Công việc của ta rất nhiều trên Thiên đình, ta không thể bỏ cả để ở lại dưới trần. Mỗi đêm, chúng ta được gặp nhau như vầy đã là hạnh phúc lắm rồi!".

    Vì quá yêu chàng, nàng nghĩ rằng: "Nếu không có cặp cánh, ngựa thần không thể đưa chàng về trời. Nàng sẽ giữ chàng ở mãi cạnh bên nàng". Không nghĩ thêm xa xôi chi nữa, nàng lấy dao cắt cả 4 cặp cánh nhỏ.

    Chàng đâu có ngờ chuyện chi đã xảy ra lúc chàng đang an giấc nồng. Đến sáng, như thường lệ, khi gà gáy canh năm, chàng từ giã nàng và lên ngựa để về trời.

    Nhưng… sao lạ quá? Hôm nay, Thiên lý mã không còn vượt qua ngàn dặm trong nháy mắt. Mặc dầu đã cố hết sức phi mau, nhưng đường về Thiên đình thấy còn diệu viễn, và chân trời đã bắt đầu "thoa son thắm" rồi! (2)

    Chàng vuốt lưng Thiên lý mã và hỏi: "Tuấn mã ơi! Sao hôm nay, ngươi không còn sức phi mau như gió? Cố gắng lên đi! Ngươi có thấy vừng ô sắp ló dạng rồi chưa? Khi "đêm biếc sẽ tàn, vừng hồng sẽ tắm nắng chân mây xa" (3) thì chúng ta sẽ không thể đến kịp trước khi cửa trời khép kín. Mau đi tuấn mã!!! Cố gắng thêm đi! Cố gắng thêm nữa đi!...".

    Thiên lý mã đã đem hết tàn lực phi mau phi mau… Nhưng mặt trời đã lên. Nắng vàng đã chiếu! Người ngựa rơi trên bãi sa mạc!!! Chàng ôm Thiên lý mã vào lòng, lấy áo lau mồ hôi đầm đìa trên thân ngựa quí.

    Thiên lý mã kiệt sức, nhìn chàng bằng đôi mắt u buồn, rồi khép hẳn mắt lại, trút hơi thở cuối cùng trên cánh tay chàng.

    Chàng khóc lớn và kêu to: "Thiên lý mã ôi! Thiên lý mã…..ôi!" Vừa khóc chàng vừa nhìn lên trời, trời xa vòi vọi. Nhìn sa mạc, cát trắng trùng trùng! Người yêu ơi! Giờ nầy nàng ở nơi nao?

    Chàng khóc Thiên lý mã, ôm đầu ngựa vào lòng. Khi giọt lệ của chàng rơi trên mình ngựa, ngựa biến thành đàn. Đầu ngựa thành đầu đàn. Đuôi ngựa thành dây đàn. Lấy lông đuôi làm bả cung kéo lên dây đàn phát ra những tiếng kêu thương.




    Từ ấy đến giờ, Mã đầu cầm đã vượt thời gian, được cha truyền con nối, đến nay thanh niên Mông Cổ còn biết đàn Morinkhuur.





    Nhưng mỗi khi tiếng đàn cất lên phụ hoạ cho những bài trường ca "urtiin duu", ai có thể dằn lòng xúc động khi nghe tiếng đàn ai oán hòa theo giọng hát như khóc như than?







    Thanh niên Mông Cổ học Mã đầu cầm




    Chú thích:

    (1) Người Mông Cổ không cất nhà, chỉ ở trong lều hình tròn gọi là "yourte"



    (2) Trích trong kịch thơ "Anh Nga" của Phạm Huy Thông
    "Nhưng trước lúc ven trời thoa son thắm
    Hãy để lòng say đắm một đêm nay!"

    (3) Cũng trong kịch thơ "Anh Nga"
    “Nhưng đêm biếc sẽ tàn, trăng xuân biến
    Và vừng hồng sẽ tắm nắng chân mây xa”
    Last edited by V.I.Lãng; 10-24-2013 at 03:41 PM.

  2. #2
    Biệt Thự bonita's Avatar
    Join Date
    Sep 2012
    Posts
    1,517
    Những Nhạc Khí Truyền Thống Việt Nam

    Giáo Sư Vũ Hồng Thịnh

    nghe: http://www.vietlist.us/Audio/danca3.wma

    1. Đàn Đá

    Đàn Đá (Lithophone) là một nhạc khí cổ độc đáo của Việt Nam, có niên đại khoảng từ 2.500 đến 3.500 năm tùy theo các bộ được phát hiện. Bộ Đàn Đá đầu tiên được phát hiện là bộ ở làng Ndut Liêng Krak thuộc vùng cao nguyên tỉnh Dak Lak. Sau đó còn có thêm một số bộ đàn được phát hiện ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước.
    Một bộ Đàn Đá thường có ít nhất 6 – 7 thanh đá, và nhiều nhất là 13 – 14 thanh đá. Đây là loại đá kêu (đá đặc biệt phát ra âm thanh) có tên khoa học là Rhryolite Porphire chỉ có ở vùng cao nguyên từ Phú Yên tới Đồng Nai.
    Đàn Đá là những hiện vật quý giá, cho phép chúng ta phần nào hiểu được văn hóa âm nhạc của những người sắc tộc đã chế tác ra chúng. Đặc biệt có lẽ Đàn Đá là một nhạc khí duy nhất của nhân loại mà mặc dù đã nằm trong lòng đất hàng ngàn năm, vẫn có thể được trình tấu cho người đương thời thưởng thức.
    Nói như giáo sư dân tộc học R.L. Sadecov: “… ngành nghiên cứu lịch sử nhạc cụ có một tài liệu quý báu cho phép vươn tới một thời đại mà cho đến nay các nhà âm nhạc học chưa hề nghiên cứu tới.”


    Đàn Đá


    2. Cồng Chiêng


    Hầu hết trong số 54 sắc tộc ở Việt Nam đều có Cồng Chiêng, nhưng chỉ có một số sắc tộc ở Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc Việt Nam mới sử dụng Cồng Chiêng thành dàn, thành bộ. Cồng Chiêng xuất hiện ở Việt Nam ít nhất cũng cùng thời (hoặc sớm hơn) Trống Đồng, nghĩa là khoảng 2.000 đến 3.500 năm trưóc đây. Có thể nói Cồng Chiêng là tiếng nói tâm linh của các sắc tộc Tây Nguyên bởi sự phổ biến, sự quý trọng và những chức năng tinh thần đặc biệt của chúng đối với các cộng đồng này.
    Từ hàng ngàn năm nay, Cồng Chiêng đã dược phổ biến, thân quen đến mức đi vào ca dao, tục ngữ dân gian như:
    “Lệnh ông không bằng Cồng bà.”
    hay:
    “Muốn coi lên núi mà coi
    Coi Bà Triệu tướng cỡi voi đánh Cồng.”


    Cồng Chiêng


    3. Đàn Nguyệt tức Đàn Kìm


    Đàn Nguyệt có thể đã được chế tạo tại Việt Nam vào thời nhà Lý (thế kỷ XI). Đàn còn có nhiều tên gọi khác nhau như Song Vận, Kìm, Quân Tử Cầm. Đàn Nguyệt là nhạc khí thuần túy Việt Nam và thương giữ vị trí chủ đạo trong rất nhiều loại hình âm nhạc dân gian và truyền thống.
    Đàn Nguyệt có mặt trong hầu hết các sinh hoạt âm nhạc ở Việt Nam như: Hát Văn, Hát Quan Họ, sân khấu Chèo, Ca Nhạc Huế, Ca Nhạc Tài Tử và sân khấu Cải Lương, sân khấu Hát Bội, Dàn nhạc Dân tộc hiện đại.


    Đàn Kìm và Đàn Đáy


    4. Đàn Đáy


    Đàn Đáy còn có tên gọi là: Đới Cầm, Vô Để Cầm. Đới Cầm là tên gọi xuất phát từ việc cây đàn này khi trình tấu phải có dây, có đai mang qua lưng vì đàn quá dài (Đới: đai, dây đeo); Vô Để Cầm có nghĩa là đàn không có đáy (không có mặt sau của hộp cộng hưởng). Đàn Đáy được nhắc đến sớm nhất vào thế kỷ XV và là cây đàn duy nhất ở Việt Nam được dùng chuyên biệt cho một thể loại âm nhạc, đó là Ca Trù (còn gọi là hát Ả Đào).



    5. Đàn Cò (Nhị)

    Đàn Cò là tên gọi ở miền Nam Việt Nam, còn ở miền Bắc và miền Trung, đàn có tên là Đàn Nhị. Đàn này có ở Việt Nam ít nhất cũng cả ngàn năm nay (hình chạm khắc ở bệ đá kê chân cột chùa Phật Tích- Bắc Ninh, thế kỷ XI.) Một số sắc tộc khác ở Việt Nam như Mường, Tày, Thái, Giẻ Triêng cũng có các cây đàn tương tự như Đàn Cò. Đàn có cấu tạo một bầu cộng hưởng tiện bằng gỗ hình ống, một mặt bịt da (có thể là da bò, da rắn, da kỳ đà…) gắn với một cần đàn dài không có phím và mắc hai dây. Để phát âm, người đàn sử dụng một cung vĩ giống như của đàn Violin. Đàn Cò còn được chia làm mấy loại có các âm vực trầm bồng khác nhau như Gáo, Cò Líu, Cò Chỉ. Đàn Cò (Nhị) được sử dụng trong hầu hết các thể loại âm nhạc dân gian và truyền thống của Việt Nam.

    Đàn Cò và Đàn Gáo



    6. Đàn Bầu


    Đàn Bầu còn có tên gọi là Độc Huyền Cầm (đàn một dây) dược Thư tịch cổ nhắc đến vào thế kỷ XVII. Nhạc khí này được coi là cây đàn độc đáo và mang đậm bản sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nó cũng được coi là một trong những nhạc khí độc đáo của nhân loại (một dây và nhất là việc xử dụng hoàn toàn các “bội âm” của dây đàn). Hiện nay ở Việt Nam, Đàn Bầu có mặt trong các loại trình diễn âm nhạc như: Hát Quan Họ, Sân khấu Chèo, Ca nhạc Huế, Ca Nhạc Tài Tử và sân khấu Cải Lương, các Dàn nhạc Dân tộc hiện đại.


    Đàn Bầu



    7. Đàn Tam


    Đàn được gắn ba dây nên đươc gọi là Đàn Tam. Thùng đàn là khung gỗ hình chữ nhật lượn tròn góc, mặt trên và dưới được bịt bằng da trăn. Cần đàn dài không gắn phím (như kiểu đàn violin). Đàn Tam rất giống với đàn Samisen của người Nhật. Đàn được sử dụng trong các dàn nhạc Chèo, phường Nhạc Lễ Bát Âm, Ban Nhã Nhạc Cung Đình Huế và các dàn nhạc dân tộc hiện đại.


    Đàn Tam và Đàn Tứ



    8. Đàn Tứ


    Đàn Tứ là cây đàn cải tiến mới xuất hiện khoảng 40 năm nay ở Việt Nam. Đàn được tạo dáng với thùng đàn hình thang như Đàn Đáy và gắn bốn dây nilon. Cần đàn được gắn phím theo hệ thống 12 bán âm như hệ thống thang âm Tây phương. Vì lẽ đó Đàn Tứ rất thuận tiện trong việc trình tấu những sáng tác lấy chất liệu từ âm nhạc dân gian, truyền thống nhưng lại mang phong cách âm nhạc hiện đại.


    Giáo Sư Vũ Hồng Thịnh


    *** Giáo Sư Vũ Hồng Thịnh hiện đang sinh sống và dạy âm nhạc, tân nhạc lẫn cổ nhạc, tại thành phố San José, California. Qua những cống hiến về Âm nhạc Cổ truyền Việt Nam cho cộng đồng địa phương, giáo sư Vũ Hồng Thịnh được Quốc hội Liên bang Hoa Kỳ tặng thưởng bằng khen năm 2008. Giáo sư Thịnh có thể liên lạc tại số phone: 408-489-5074.




 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:14 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh