Register
Results 1 to 10 of 20

Hybrid View

  1. #1

    Câu Chuyện THƠ NHẠC

    Câu Chuyện Thơ - Nhạc



    Dẫn Nhập:

    Như Tình Yêu, Chàng và Nàng luôn bên nhau quấn quít và hòa quyện cả Tâm, Thân .
    Thơ và Nhạc cũng quấn quít nhau như hình với bóng . Đôi khi bóng với hình như một, nhưng cũng đôi khi bóng chạy theo hình hoặc hình theo ý bóng .
    Thơ không có âm điệu của nhạc là thơ chết . Nhạc không có ý thơ là nhạc vu vơ .
    Khi tiếng động của không gian và thời gian giao phối thành giọt nước thơ nhạc rơi chạm vào bất cứ một lặng im nào
    cũng nẩy lên một thanh âm hồi tưởng ngân lên từ những vách tim tạo nên sự chấn động tâm thức mê hồn .
    Trên hành trình đi của giọt nước, thơ và nhạc cám ơn lẫn nhau bằng tâm kinh phát thệ: đồng sinh, đồng tử .
    Với ý nguyện hiến dâng cho nhân sinh sự tuyệt vời của cuộc sống ngôn từ hóa thân thành âm vọng
    có khả năng hồi sinh những điêu tàn của mặt đất, những u uất của lòng người trở về thuở khải nguyên của vũ trụ tình .
    Ở đó, thơ nhạc là một thánh giáo chẳng cần sự xiển dương cũng thu hút được tín đồ .
    Tôi là một tín đồ thuần thành của giáo phái thơ nhạc,
    Muốn tòng tâm đi góp nhặt kinh từ dâng lên các thầy rao giảng về pháp âm và ngôn điệu
    trên hằng hà bi lụy của trần gian suốt chiều dài của thời gian huyền sử thăng trầm .
    Xin Đặc Trung cho tôi một căn phòng chứa những kinh từ và âm sắc của thơ nhạc,
    để những tín đồ có cơ duyên thụ pháp nhập đạo từ tâm cảm nhận và truyền bá ngôn âm làm đẹp vóc đời huyền nhiệm .
    Chân thành cám ơn quí ca nhạc sĩ, văn thi sĩ ... có tác phẩm trích đăng trong chủ đề này.

    Cao Nguyên

    Mời xem từ Phố 3:
    http://dactrung.net/dtphorum/m565793.aspx

  2. #2

    Liên diễn đàn xin Thành Kính Phân Ưu







    Hà Thượng Nhân


    (1920-2011)

    *****



    Thi Sĩ Hà Thượng Nhân

    Khoảng tháng Sáu năm 1973, nhân buổi họp mặt văn nghệ tại tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến, tọa lạc tại số 2bis đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn, có chiến hữu hỏi ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc, Chủ bút báo này về vị Chủ nhiệm Hà Thượng Nhân – Hà Thượng Nhân tên thật hay bút hiệu? Và ý nghĩa như thế nào? Ký giả Lô Răng cười đáp: Hà Thượng Nhân là bút hiệu, là con nguời của làng Hà Thượng. Thế thôi.
    Người làng Hà Thượng được động viên vào Quân Đội Quốc Gia (*) những năm đầu thập niên 1950, khi ông từ “Vùng Kháng chiến” trở về Hà Nội, di cư vào Nam, bởi ông đã sớm nhận chân được chủ trương, đường lối của đảng Lao Động (tiền thân đảng Cộng sản) Việt Nam, ngày càng lộ rõ chân tướng chư hầu, tay sai của Cộng Sản Quốc tế. Thành phần, giai cấp tiểu tư sản như ông, sớm muộn cũng bị loại bỏ, thanh trừng:


    Nói nhân nghĩa chẳng qua lừa bịp
    Nói hy sinh có dịp giàu to
    Chết vì một chữ Tự do
    Là thôi! Lỡ cả chuyến đò hoa niên.


    Vào Quân đội, cấp bậc Đại Úy, làm việc tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Năm 1957 lên Thiếu tá, giữ chức Phụ Tá Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu tại Sài Gòn. Ông chứng tỏ là mẫu người giàu kinh nghiệm về công tác Văn Hóa, tâm lý; đồng thời cùng là một người yêu thích thi ca. Có điều lạ, ông không bao giờ chạy thơ ông trên mặt báo, dù là báo nhà. Theo lời yêu cầu của nhà báo Như Phong, ông nhận phụ trách mục “Đàn Ngang Cung” trên nhật báo Tự Do. Năm 1958 ông phụ trách thêm mục “Những Điều Trông Thấy”, viết hàng ngày trên báo Ngôn Luận dưới bút hiệu Nam Phương Sóc.

    Những bài thơ trào lộng đều đặn trong mục này đã nói lên nhiều điều, nhiều vẻ về những con nguời quyền chức, về những hiện tượng “khó coi” trong xã hội miền Nam thời bấy giờ. Vừa nhận diện, điểm mặt, vừa xây dựng từ “thói hư tật xấu” chuyển hóa thành cái lành mạnh, cái tốt đẹp cho chế độ chính trị và cuộc sống của quần chúng miền Nam.
    Thơ ông viết với số lượng đáng kể, đủ thể loại dành cho sinh hoạt thi đàn, cho bạn hữu thưởng thức, cho những trao đổi, đàm đạo... Ông sở trường và rất yêu thích xướng họa thơ. Ông rất nhạy cảm chữ nghĩa, “xuất khẩu thành thơ” mà người xưa từng trân trọng khả năng này. Giới thi nhân quý trọng và cảm mến thi tài Hà Thượng Nhân, khi ông thể hiện những bài thơ ông làm tức thời trước một số bạn hữu hiện diện với đầy đủ tên gọi mỗi người và ý nghĩa của nó.

    Hình như ông làm thơ đúng với nhận định “cuộc đối thoại giữa nhà thơ với cõi đời” thầm lặng, sâu kín hơn là in thơ thành sách, phổ biến trên thị trường văn chương chữ nghĩa. Chúng tôi nghĩ rằng, giá như ông làm thơ trước năm 1945, tên tuổi và thơ ông sẽ ngang tầm với Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư... Và có lẽ ông còn đứng trên một số nhà thơ tiền chiến khác trong “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh, Hoài Chân.

    Đọc một số thơ Ông trước năm 1975, so chiếu thơ ông ngày nay tại hải ngoại, dáng dấp, giọng điệu thơ ít thay đổi, vẫn là dòng cảm xúc tinh tế, mượt mà, trẻ trung, ấn tượng trong các thể loại truyền thống chân phương.

    Bản tính vốn hiền hòa, đôn hậu, khiêm tốn, ông hòa nhạp xuô dòng tư tưởng Lão Trang, một phong cách sống an nhiên giữa trần lụy đầy bon chen, phức thành phôạ:


    Sống chỉ lấy cái tam làm trọng
    Gửi ngàn sau mấy giọng tiêu tao
    Cuộc đời thế chẳng đẹp sao?
    Lựa là cứ phải anh hào thần tiên
    Chẳng cầu cạnh, chẳng ưu phiền
    Miễn sao lòng cứ an nhiên là mừng.
    (Không Đề)


    Qua lăng kính nhiều mặt của thi nhân, quan niệm tình yêu phải là tình yêu rộng lớn, không biên cương, và một khi tình yêu đượcc kahc chạm vào thi ca nghệ thuật, tình yêu càng bất tử:


    Ta có một tình yêu
    Bao la như trời đất
    Ta viết vào trang thơ
    Tình yêu ta không mất
    (Tình Yêu)


    Nội hàm chí thiết, đồng thời cũng là nhu cầu hòa cảm, kiếm tìm hạnh phúc giữa đời thường, tình bạn tạo động lực liên kết chuyển đổi tâm tư tình cảm, chắp cánh cho ý sống vươn lên:


    Ta từ có bạn đến giờ
    Lời thơ lại bỗng bất ngờ thành vui


    Khi đã coi thường danh vọng phù phiếm, quyền lợi nhất thời, ông càng gần gũi đồng đội, bạn bè giữa vòng vây tù ngục cải tạo. Trung tá Hà Thượng Nhân thường nói với những ai dễ yếu lòng, sợ hãi bạo lực của kẻ thù rằng:”Nếu không có phong ba - Thì cây lớn và cỏ hèn cũng vậy”. Phải biết chịu đựng khổ đau, thử thách, đó chính là sự tôi luyện nhân cách để vươn lên phí trước ngày mai:


    Nếu như không đau khổ
    Làm sao biết căm hờn
    Càng muôn trùng sóng gió
    Tay chèo càng vững hơn


    Đêm âm u của vũ trụ, nhân sinh quan lạc quan – bó đuốc thắp sáng của niềm tin – tín hiệu cùng tồn tại bền bỉ ý thức tự do của con người:


    Chúng ta cùng có nhau
    Nhìn nhau vui hớn hở
    Trên luống cày khổ đau
    Hoa Tự do vẫn nở
    Những mái đầu cất cao
    Không một lời than thở
    (Thắp Sáng Muôn Vì Sao)


    Nhà thơ Hà Thượng Nhân đã ngẩng cao đầu khi ra khỏi trại tù cải tạo trên đất Bắc, rồi cùng với bạn bè, đồng đội lần lượt đến quê hương mới tỵ nạn, thấm thía, chua xót cuộc bể dâu lịch sử. Từ lục địa Hoa Kỳ mênh mông, vĩ đại, ông nhìn về thủ đô Sài Gòn ngày cũ mà cảm nhận như xa xôi diệu vợi hơn cả từ trái đất đến mặt trăng, cũng chỉ vì khoảng cách chia của hệ tư tưởng khác biệt:


    Người ta lên mặt trăng
    Mặt trăng gần quá nhỉ!
    Anh muốn về Sài Gòn
    Sài Gòn xa đến thế!

    Sài Gòn xa hơn trăng
    trăng đêm đêm vẫn thấy
    Lòng Anh, em thấu chăng
    Thấm trên từng trang giấy.
    (Nhìn Trăng)


    Kinh qua hiện thực đầy biến động lịch sử, thơ ông biểu hiện lời tâm huyết của thời đại.
    Phong phú ngôn ngữ, ý tưởng, thơ biểu đạt được phần sâu chính luận lý tưởng, mẫu người quân tử, đạo lý Nho giáo thanh lịch, tài hoa...
    Thơ Ông tự nhiên như hơi thở – một chân khí tác dụng của sự sống con người vượt lên tầm cao trí tuệ.


    Không cần thép, thơ vẫn là bó đuốc
    Thơ nâng người cao sát với thần linh.


    Thơ Hà Thượng Nhân đủ thể loại: Lục bát, Thất ngôn Đường thi, Ngũ ngôn, Song thất lục bát, Cổ phong trường thiên, thơ mới, thơ phá thể, Tứ tuyệt... dù ở thể loại nào thơ ông cũng điêu luyện, đặc sắc. Trong giới thơ văn người ta vẫn thường gọi ông là Hà Chưởng môn để tỏ lòng ngưỡng mộ thi tài đáng kính.

    (*) Nghị định do đích thân Tổng thống Ngô Đình Diệm ký,
    nguyên văn: Mr Pham Xuan Ninh est mobilisé par besoin
    de service à titre de Capitain de réserve.




    Nhất Tuấn

  3. #3
    Trúc Phương






    Mi nghe 26 bn nhc hay ca Trúc Phương ti đây
    http://qhvn.org/music/nhacviet-tacgia/trucphuong.html



    Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc. Ông sanh năm 1939 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình) ở vùng hạ lưu sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Cha ông là một nhà giáo sống thầm lặng và nghiêm khắc. Nhưng tâm hồn của chàng trai Thiện Lộc thì rất lãng mạn, ...
    Yeu^ thích văn nghệ nên đã tự học nhạc, và bắt đầu sáng tác những bài hát đầu tiên lúc vừa 15 tuổi. Xung quanh nhà ông có trồng rất nhiều tre trúc, nên từ nhỏ ông đã yêu mến những âm thanh kẽo kẹt của tiếng tre va chạm với nhau và sau này đã chọn tên là Trúc Phương để nhớ về thời thơ ấu của ông với những cây tre trúc. Cuối thập niên 1950, ông sinh hoạt văn nghệ với các nghệ sĩ ở ty Thông Tin tỉnh Vĩnh Bình một thời gian ngắn, rồi lên Sài Gòn dạy nhạc và bắt đầu viết nhạc nhiều hơn. Bài hát “Chiều Làng Quê” được ông sáng tác vào thời gian này để nhớ về khung cảnh thanh bình ở làng xóm của ông ,một bài khác cũng rất nổi tiếng với giai điệu trong sáng, vui tươi là “Tình Thắm Duyên Quê”.

    Không tiền bạc và không một ai thân quen ở đô thành Sài Gòn, ban đầu Trúc Phương ở trọ trong nhà một gia đình giàu có bên Gia Định và dạy nhạc cho cô con gái của chủ nhà. Không bao lâu sau thì cô gái này đã yêu chàng nhạc sĩ nghèo tạm trú trong nhà, vì con tim cô ta đã dần dần rung động trước tài năng của Trúc Phương. Biết được chuyện này, ba mẹ của cô gái bèn đuổi Trúc Phương đi nơi khác. Sau chuyện tình ngang trái này, Trúc Phương càng tự học thêm về âm nhạc và càng sáng tác hăng hơn. Nhưng những bài hát sau này lại nghiêng về chủ đề tình yêu đôi lứa với những nghịch cảnh chia lià.

    Trúc Phương sáng tác rất dễ dàng, nhưng với bản tính trầm lặng, bi quan và khép kín sau những cuộc tình dang dỡ, những bài hát sau này của ông thường mang âm điệu u buồn, thê lương như phảng phất nỗi sầu của cổ nhạc miền Nam . Nổi tiếng nhất là “Nửa Đêm Ngoài Phố” với tiếng hát liêu trai Thanh Thúy. Sau đó là “Buồn Trong Kỷ Niệm” với những câu hát đớn đau, buốt nhói tim gan người nghe như “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn. Đôi khi nhầm lẫn đánh mất ân tình cũ, có đau chỉ thế, tiếc thương chỉ thế. Khi hai mơ ước không chung lối về …”. Có người cho là bài hát này ông đã viết ra sau khi bị thất tình một cô ca sĩ lừng danh thời đó.

    Nhạc của Trúc Phương có một giai điệu rất đặc biệt của riêng ông, mà khó lầm lẫn với người khác được.Nhạc của ông có âm hưởng cổ nhạc miền nam,Nó có vẻ trầm buồn, ray rức, ưu tư trước thời cuộc dạo đó (là chiến tranh triền miên) và buồn phiền vì những mối tình dang dở, trái ngang. Nên khi soạn hòa âm cho những bài hát của Trúc Phương, nhạc sĩ hòa âm phải sử dụng ít nhất là một trong vài loại nhạc khí cổ truyền của miền Nam như đàn bầu, đàn tranh, hay đàn cò (hoặc violon) thì mới có thể diễn tả hết cái hay của giòng nhạc Trúc Phương và người nghe lại càng thấm thía với nỗi muộn phiền, nhức nhối tim gan của ông sau này.

    Điều trớ trêu là tuy tên tuổi và tài năng sáng chói, nổi bật so với những người viết nhạc thời bấy giờ, nhưng tình duyên của nhạc sĩ Trúc Phương thì vô cùng lận đận. Khoảng năm 1970, Trúc Phương được một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, cao sang đài các đem lòng yêu thương ông, do sự rung cảm truyền đạt từ tài năng và những tác phẩm tuyệt vời của ông. Kết cuộc là cả hai đã nên duyên chồng vợ. Tuy sống trong cảnh nghèo nàn, nhưng đời sống của họ rất là nghệ sĩ. Đó là những năm tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Trúc Phương và sức sáng tạo nghệ thuật của ông càng sung mãn hơn bao giờ hết với hàng chục bài hát ra đời mỗi năm. Nhưng niềm vui của đôi uyên ương này lại không kéo dài được lâu bền. Bởi vì sau một thời gian chung sống với nhau, những tình cảm ban đầu trở nên phai lạt dần theo năm tháng và hai người đã lặng lẽ chia tay nhau. Câu hát ngày nào lại rơi đúng vào trường hợp này “khi hai mơ ước đã không cùng chung hướng về” và “đường vào tình yêu có trăm lần vui, nhưng có vạn lần buồn” ? Giờ thì nhạc sĩ Trúc Phương âm thầm đau khổ trong cô đơn và lại vùi đầu vào men rượu để sáng tác thêm nhiều bài hát trong nỗi đau thương cùng cực, pha chút chán chường cho nhân tình thế thái.

    Bạn bè thường gặp ông ngồi yên lặng bên những ly rượu nơi một quán nhỏ ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, gần nhà của ông. Có lẽ đó là một cách làm cho nhạc sĩ tạm quên đi những cay đắng của tình đời. Đó cũng chính là lúc bài hát “Thói Đời” được sáng tác với những câu như “Bạn quên ta, tình cũng quên ta, nên chung thân ta giận cuộc đời, soi bóng mình bằng gương vỡ nát, nghe xót xa ngùi lên tròng mắt”… và “Người yêu ta rồi cũng xa ta … “Cỏ ưu tư” buồn phiền lên xám môi …”. Thực ra phải nói là “cỏ tương tư” tức “tương tư thảo” là tên gọi văn hoa của thuốc lá. Khi những người đang yêu nhau, nhớ nhau, hẹn hò nhau thì châm điếu thuốc thả khói mơ màng, nhìn rất thơ mộng và nghệ sĩ [ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần, anh nói khẽ gớm sao mà nhớ thế (Hồ Dzếnh)]. Nhưng đối với Trúc Phương trong “Thói Đời” thì điếu thuốc lá “cỏ tương tư” lại biến thành ra “cỏ ưu tư” làm cho đôi môi trở nên màu xám xịt qua những nỗi đau thương, nhung nhớ ngập tràn. Những giọt rượu nồng của cõi “trần ai” này lại càng gợi thêm “niềm cay đắng” để cho nỗi ưu tư “in đậm đường trần” và ông đã than thở “mình còn ai đâu để vui ? khi trót sa vũng lầy nhân thế ”?

    Bài hát "Thói Ðời" đã gây xúc động cho hàng triệu con tim cùng chung số phận nghiệt ngã của cuộc đời. Với riêng bản thân Trúc Phương thì “Thói Đời” lại như là một lời tiên tri thật chính xác cho quãng đời còn lại của ông suốt gần 25 năm sau đó (1971-1995).

    Sau năm 1975 thì sự nghiệp sáng tác nhạc của ông dừng lại, tất cả những ca khúc của ông đều bị cấm phổ biến và trình diễn.. Không có nghề nghiệp gì trong tay, ông làm đủ mọi việc để sinh sống.Với hai bàn tay trắng, ông trở về quê cũ sống nhờ vả bạn bè, mỗi nơi một thời gian ngắn. Có người hỏi sao ông không về quê ở hẳn với thân nhân, Trúc Phương đã trả lời “Má của tôi thì già yếu đang ở dưới quê Cầu Ngang (Trà Vinh), nhưng bà nghèo quá, lại phải nuôi đám cháu nheo nhóc, không đủ ăn … nên tôi không thể về đó để làm khổ cho bà thêm nữa .”

    Ở dưới tỉnh nhà Trà Vinh với bạn bè xưa cũ một thời gian, Trúc Phương lại tìm đường về Sài Gòn. Ban ngày ông làm thuê, làm mướn đủ mọi thứ nghề và lang thang khắp nơi. Buổi tối ông đón xe về xa cảng miền Tây để thuê chiếc chiếu $1 ngả lưng qua đêm, như ông đã trả lời phỏng vấn trong đoạn video clip hiếm hoi mà vô cùng quý giá vào năm 1995. Trung tâm ca nhạc đã thu thanh, thu hình những bài hát của Trúc Phương ở hải ngoại. Nhưng chắc chắn là ít có người đã biết tin ông âm thầm từ giã cõi đời trong cảnh nghèo nàn, bi đát và cô đơn trong căn phòng trọ tồi tàn, nhỏ hẹp ở quận 11, Sài Gòn vào ngày 18 tháng 9 năm 1995. Ông được những người quen, lối xóm chôn cất ở nghĩa trang Lái Thiêu .

  4. #4
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342
    Anh Cao Nguyên:

    " Thời gian còn đủ không em
    Cho mình nhớ lại mông mênh tình người "

    đâu? :-h

  5. #5
    Quote Originally Posted by thuykhanh View Post
    Anh Cao Nguyên:

    " Thời gian còn đủ không em
    Cho mình nhớ lại mông mênh tình người "

    đâu? :-h
    Điều mình quên có người khác nhớ
    Cám ơn TK .
    Vào Phố Mới tính đổi "chữ ký" cho hợp thời trang, nhưng TK nhắc, anh giữ lại chữ ký này bởi đáng nhớ "mênh mông tình người"
    Khi nào xuôi Nam, nhớ gọi anh để được khoe lời thơ vữa trỗ nhạc .
    Vui nhé tình thân .



  6. #6
    14 tình khúc mùa thu bất hủ

    Nguyên Minh






    ‘Nhìn những mùa thu đi’, ‘Con thuyền không bến’ hay ‘Gửi gió cho mây ngàn bay’ đều là những tuyệt phẩm viết về mùa thu mà khi được cất lên, giai điệu của chúng có thể khiến bao thế hệ người nghe vỡ òa cảm xúc.

    1. “Gửi gió cho mây ngàn bay” ( Đoàn Chuẩn - Từ Linh)

    “... Với bao tà áo xanh đây mùa thu
    Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ
    Lá vàng, từng cánh rơi từng cánh
    Rơi xuống âm thầm trên đất xưa...”


    Mùa thu với bao vẻ đẹp nên thơ của đất trời đã gieo cảm xúc khiến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết nên những giai điệu làm say đắm lòng người. Lá đổ muôn chiều, Chuyển bến hay Tà áo xanh đều được coi là những kiệt tác của âm nhạc VN. Trong số những tác phẩm viết về mùa thu của Đoàn Chuẩn, không thể không nhắc tới Gửi gió cho mây ngàn bay. Một bức tranh sinh động về thu Hà Nội đã được cố nhạc sĩ gửi gắm trong từng nốt nhạc và ca từ đầy lãng mạn
    Đó là một mùa thu “lá vàng từng cánh rơi từng cánh” khiến tác giả “thấy hối tiếc nhiều” vì “thuyền đã sang bờ, đường về không lối”. Trong suốt cuộc đời, Đoàn Chuẩn sáng tác không nhiều, nhưng những tác phẩm của ông đều nắm giữ vị trí quan trọng trong trái tim người yêu nhạc VN hơn nửa thế kỷ qua. Năm nay, khi Hà Nội tròn 1000 năm tuổi cũng vào mùa thu, giai điệu của Gửi gió cho mây ngàn bay một lần nữa lại vang lên như đem “mùa thu trần gian” năm nào trở về. Khánh Ly, Tuấn Ngọc hay Thu Hà đều là những nghệ sĩ thể thiện ca khúc này thành công.

    2. “Thu cô liêu” ( Văn Cao)

    “... Thu cô liêu, tịch liêu
    Cô thôn chiều, ta yêu thu, yêu mùa thu
    Vàng hoen đáy nước soi rõ đường đi
    Một mùa thi, một mùa thi
    Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng...”


    Dường như mùa thu có mối duyên nợ kỳ lạ với cố nhạc sĩ Văn Cao. Khi sinh thời, ônh từng tâm sự rằng: “Những kỷ niệm về mùa thu thì có quá nhiều trong cuộc đời, không chỉ mùa thu cách mạng mà còn cả mùa thu tình ái. Mùa thu gợi một cái gì đó về nam nữ, có lẽ là mùa cưới. Mùa cưới của chúng ta cũng lại vào mùa thu. Cái lành lạnh của mùa thu và những chiếc lá thay đổi màu cũng khiến tâm tính con người trở nên khác lạ”.


    Là một trong ba tác phẩm viết về thu của cố nhạc sĩ Văn Cao, Thu cô liêu mang giai điệu êm đềm, dịu dàng giống như tâm hồn tươi trẻ của một cô thôn nữ đang khám phá vẻ đẹp của buổi chiều thu. Mùa thu là mùa đem tới những xúc cảm bâng khuâng, khơi gợi tình yêu giữa đôi lứa. Hình ảnh ca sĩ Hồng Nhung duyên dáng cất cao tiếng hát trong trẻo giữa một bãi cỏ lau đu đưa trong gió đã trở nên gắn liền với nhạc phẩm Thu cô liêu trong suốt bao năm qua

    3. “Mùa thu cho em” ( Ngô Thụy Miên)

    “... Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
    Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
    Và em có nghe khi mùa thu tới
    Mang ái ân, mang tình yêu tới
    Em có nghe, nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé...”


    Khi mùa hè với cái nắng gay gắt qua đi, mùa thu đến đem theo những cơn gió heo may dịu dàng, những con đường tràn ngập lá vàng rơi và cả khúc yêu thương của những trái tim “vương màu xanh mới”. Đó chính là lời nhắn nhủ mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên gửi gắm trong ca khúc Mùa thu cho em. Lời ca bay bổng, giai điệu ngọt ngào mang âm hưởng những năm 1970 mỗi khi vang lên như khẽ nhắc nhở người nghe rằng mùa thu đã sang rồi.

    Tình cảm dành cho mùa thu được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thể hiện vừa lãng mạn, lại vừa kín đáo nhưng vẫn có sự nồng nàn trong các tình khúc của mình. Cô gái trong bài hát đã nhờ vẻ đẹp “má hồng”, “môi em thơm nồng” của mùa thu để bày tỏ tình yêu của mình một cách ý nhị. Khi thiên nhiên, đất trời thay áo mới, con người cũng khoác lên mình một tâm hồn mới, đầy ắp yêu thương và hy vọng.

    4. “Con thuyền không bến” ( Đặng Thế Phong)

    “... Đêm nay thu sang cùng heo may
    Đêm nay sương lam mờ chân mây
    Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
    Như nhớ thương ai chùng tơ lòng...”


    Là một trong số ít ỏi ba ca khúc của nhạc sĩ bạc mệnh Đặng Thế Phong, Con thuyền không bến cho đến nay vẫn được xem là tác phẩm bất hủ nhất của tân nhạc VN. Từng giai điệu tê tái, não nề của ca khúc này đã để lại dấu ấn không thể phai nhòa trong tâm trí người yêu nhạc VN suốt gần 70 năm qua. Con thuyền không bến được Đặng Thế Phong sáng tác dành tặng riêng cho cô Tuyết - người yêu của ông khi đó. Trong một đêm trắng mùa thu trên sông Thương, chàng nhạc sĩ trẻ đã biến nỗi nhớ thương người yêu nơi xa thành một tuyệt phẩm.

    Con thuyền không bến là một hình ảnh đậm chất thơ. Thuyền trôi lờ lững trên dòng nước mênh mang trong một đêm thu chớm lạnh cùng “heo may”, “sương lam mờ chân mây”, “ánh trăng mờ chiếu”. Nhạc sĩ Đặng Thế Phong đã diễn tả tâm trạng khắc khoải, nhung nhớ của những thanh niên trẻ trong thời chiến. Tình yêu của họ bơ vơ, lạc lõng cũng giống như con thuyền trôi bên con sông mùa thu, không biết đâu là bến bờ. Giọng hát khàn đục đặc trưng của nữ ca sĩ Khánh Ly đã thổi hồn và đem đến sức sống mãnh liệt mãi trường tồn cùng thời gian cho nhạc phẩm Con thuyền không bến.

    5. “Không còn mùa thu” ( Việt Anh)

    “... Không còn mùa thu, trăng rơi bên thềm
    Không còn lời ru, mơ trên môi mềm
    Em thơ, như mùa xuân đầu, nối dài đêm sâu
    Anh làm mùa thu, cho em mơ màng...”


    Ngoài vẻ đẹp quyến rũ làm xao xuyến lòng người, mùa thu với những lời ru, ánh trăng thề, những con đường hiu quạnh còn đem lại cảm giác buồn man mác. Đó là sự hoài niệm về những gì đã qua, về mối tình cũ đã chìm trong quá khứ. Mùa thu đến và đi quá đột ngột, cũng giống như chuyện tình dang dở của cô gái trong ca khúc Không còn mùa thu, để lại bao nuối tiếc và thương nhớ. Những ký ức về cuộc tình cũ cứ hiện về trong tâm trí của cô gái ấy mỗi độ thu sang.

    Không còn mùa thu gắn liền với tiếng hát của nữ ca sĩ được mệnh danh là giọng ca "mùa thu Hà Nội" - Thu Phương.
    Giai điệu trữ tình cùng chất giọng nồng nàn, tha thiết của Thu Phương gợi cho người nghe một cảm giác xao xuyến, bồi hồi. Nhắc tới mùa thu, hầu như ai cũng hình dung ra sắc vàng. Đó là màu của những chiếc lá rơi bên thềm, của ánh trăng khuya và cũng là màu vàng tê tái của những ký ức tươi đẹp đã qua, chìm khuất tận nơi chân trời.

    6. “Thu quyến rũ” ( Đoàn Chuẩn - Từ Linh)

    “… Anh mong chờ mùa thu
    Dìu thế nhân vào chốn thiên thai
    Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
    Mùa thu quyến rũ anh rồi…”


    Ra đời từ năm 1950 nhưng cho đến nay, những câu hát ngập tràn cảm xúc của Thu quyến rũ vẫn khiến bao thế hệ người yêu nhạc VN đắm chìm vào một không gian lãng mạn mỗi độ thu về. Vẻ đẹp của đất trời khi “ngả màu xanh lơ”, khi đàn bướm vui đùa trên những bông hồng, khi “mây bay về nơi cuối trời” đã khiến người nhạc sĩ “tức cảnh sinh tình”. Thu trở nên quyến rũ và đẹp hơn bao giờ hết qua lời kể của một chàng lãng tử si tình đã “trót yêu” tà áo xanh rực rỡ mà mùa thu tự khoác lên mình.

    Đoàn Chuẩn nổi tiếng với tính cách phong lưu, hào hoa và ông đã đem cái “chất” ấy vào trong các tác phẩm của mình. Đoàn Chuẩn sáng tác không nhiều nhưng mỗi bài hát của ông lại gắn với một giai thoại khác nhau và chủ yếu là về mùa thu vì “đó là mùa của tình yêu”. Dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ, Thu quyến rũ vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng nhiều thế hệ khán giả. Tuấn Ngọc được coi là hai ca sĩ thể hiện được rõ nhất sự “phiêu bồng” của Thu quyến rũ.

    7. “Buồn tàn thu” ( Văn Cao)

    “… Nghe bước chân người sương gió
    Xa dần như tiếng thu đang tàn
    Ôi người gió sương em mơ thương ái bao lần
    Và chờ tin hồng đến
    Đêm mùa thu chết…”


    Buồn tàn thu là sáng tác đầu tay của cố nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1939 với lời tựa dành cho nhạc sĩ Phạm Duy: “Tương tiến nhạc sĩ Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi khắp chốn”. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng là người đầu tiên trình diễn ca khúc này trong thập niên 1940. Giai điệu buồn da diết với nhịp điệu chậm rãi của Buồn tàn thu thể hiện nỗi sầu thương của một người thiếu phụ mòn mỏi chờ đợi người yêu để rồi chết cùng mùa thu.

    Nỗi vấn vương của người thiếu phụ trong bài hát cứ bay theo những chiếc lá vàng. Ngồi trong nhà đan áo, nàng nhắn nhủ gió, mây và những cánh chim uyên đưa duyên tới người tình trong sự vô vọng. Năm tháng cứ thế trôi qua và trong một đêm mùa thu chết, tình yêu của nàng đã “rơi theo lá vàng”. Những giọng nữ cao như Thái Thanh, Kim Tước hay sau này là Ánh Tuyết đã thổi hồn cho Buồn tàn thu

    8. “Mùa thu ru em” (nhạc sĩ Đức Huy)

    “… Hôm mùa thu gió hát bài ca cũ
    Mùa thu bay lá vàng
    Anh ru em ngủ, bài ca dao ta vẫn hát
    Lúc còn ấu thơ
    Nắng vàng ấm suối tóc dệt mây thu
    Mùa thu ru phím đàn…”

    Những khán giả yêu mến nữ ca sĩ bạc mệnh Ngọc Lan hẳn vẫn còn nhớ đến video clip Mùa thu ru em của cô vào đầu những năm 1990. Trong vai một cô gái chăn cừu áo rách tả tơi rong ruổi khám phá vẻ đẹp của núi rừng mùa thu, diễn xuất của nữ ca sĩ đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem lúc bấy giờ. Lời ca trong sáng, dịu dàng đã được thể hiện qua chất giọng mượt mà, điêu luyện của Ngọc Lan.

    Mùa thu trong nhạc phẩm của Đức Huy đầy rực rỡ, mộng mơ với những lời ru tình yêu, “bờ môi nhớ thương” và đặc biệt là “bài ca dao ta vẫn hát lúc còn ấu thơ”. Dù cho nữ ca sĩ mang tên một loài hoa đã ra đi quá vội vàng, tiếng hát du dương của chị vẫn sẽ mãi như lời ru của mùa thu - e ấp, hiền hòa, vun đắp cho những tình yêu chớm nở, khiến lòng người đắm say trong những giấc mơ “dài cơn mê thương yêu ấy, những ngày ái ân”.

    09. “Nhìn những mùa thu đi/ Nắng thủy tinh” (Trịnh Công Sơn)

    “… Nhìn những mùa thu đi
    Em nghe sầu lên trong nắng
    Và lá rụng ngoài song
    Nghe tên mình vào quên lãng
    Nghe tháng ngày chết trong thu vàng…”
    “… Chiều đã đi vào vườn mắt em
    Mùa thu qua tay đã bao lần
    Ngàn cây thắp nến lên hai hàng
    Màu nắng bây giờ trong mắt em…”


    Nhìn những mùa thu đi và Nắng thủy tinh đều là hai nhạc phẩm bất tử về mùa thu mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho kho tàng âm nhạc VN. Đều lấy hình ảnh là một buổi chiều thu, nhưng nếu như Nắng thủy tinh là một “chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm” thì buổi chiều trong Nhìn những mùa thu đi lại “đơn côi bàn tay quên lối, đưa em về nắng vương nhè nhẹ”. Trong cuộc đời của mỗi con người, ai rồi cũng sẽ phải đón nhận những mùa thu đi qua và “nghe tên mình vào quên lãng”. Mùa thu đến và đi để lại bao cảm xúc bâng khuâng, ngậm ngùi.

    Khoảnh khắc hai nữ ca sĩ Khánh Ly và Lệ Thu cùng nhau đứng trên sân khấu thể hiện Nhìn những mùa thu đi và Nắng thủy tinh là một hình ảnh đẹp đã in sâu vào ký ức của công chúng hâm mộ nhạc Trịnh. Những hoài cảm sâu sắc của biết bao người nghe đã, đang và sẽ vẫn trào dâng mỗi khi những giai điệu êm đềm ấy được ngân vang. Mùa thu cũng là lúc để chúng ta hoài niệm về quá khứ, để tâm hồn mình “buồn dâng mênh mang” và lắng đọng theo từng nốt nhạc xưa cũ.

    10."Giọt mưa thu" ( Đặng Thế Phong)

    Giọt mưa thu được xếp vào những ca khúc hay nhất của tân nhạc Việt Nam. Phạm Duy cho rằng Giọt mưa thu (cùng hai nhạc phẩm khác của Đặng Thế Phong) đã khởi đầu cho dòng "nhạc thu" Việt Nam và được Văn Cao cùng Đoàn Chuẩn tiếp nối. Nhạc phẩm này cũng là cảm hứng để Hoàng Dương sáng tác bài Tiếc thu nổi tiếng. Nhiều ý kiến cho rằng Trịnh Công Sơn cũng ảnh hưởng bởi Giọt mưa thu khi viết bản nhạc đầu tay Uớt mi."

    11. “Tà áo xanh” (Đoàn Chuẩn)

    Đoàn Chuẩn là một nhạc sỹ của mùa thu . Nói đến mùa thu mà không nhắc đến một tác phẩm khác của ông "Tà áo xanh" quả là một thiếu sót

    12."Mùa thu không trở lại" ( Phạm Trọng Cầu)

    Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại
    Em ra đi mùa thu sương mờ giăng âm u
    Em ra đi mùa thu mùa thu không còn nữa
    Đếm lá úa mùa thu đo sầu ngập tim tôi


    Một bài hát tuyệt vời, nét thu trong ca khúc nghe sang trọng, quý phái pha lẫn buồn tiếc nhớ mênh mang


    13. "Thu hát cho người” (Vũ Đức Sao Biển)

    Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ
    Về đồi sim ta nhớ người vô bờ..


    Giai điệu mượt mà, lời ca trữ tình, phảng phất những hình ảnh trong Đường thi.


    14." Thơ tình cuối mùa thu" ( thơ Xuân Quỳnh, nhạc : Phan Huỳnh Điểu)

    Cuối trời mây trắng bay, lá vàng thưa thớt quá ...
    Mùa thu vào hoa cúc, chỉ còn anh và em ...


    Thơ tình cuối mùa thu là một bài hát kinh điển về mùa thu. Nhạc cũng đẹp, mà lời lại càng đẹp. Bài hát được viết lời bởi một nhà thơ nổi tiếng và một nhạc sỹ viết nhạc cũng nổi tiếng .

    Hoa cúc là biểu tượng của mùa thu. Cảnh quá đẹp, quá nên thơ, quá cô liêu, và cuối cùng là đôi tình nhân bên nhau trong cảnh mùa thu ...


    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

 

 

Similar Threads

  1. Chuyện Vặt Vãnh
    By Sói Già Ngơ Ngác in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 63
    Last Post: 07-23-2017, 03:25 AM
  2. Chuyện Đàn Bà
    By AnLan in forum Không Gian Riêng
    Replies: 20
    Last Post: 08-02-2013, 05:45 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 03:35 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh