Register
Page 27 of 28 FirstFirst ... 1725262728 LastLast
Results 261 to 270 of 277
  1. #261

    Vào trong nhận Chủ

    ~ @ ~

    Theo đuổi và tìm hiểu về Dịch Kinh trong nhiều năm, tôi đã bắt đầu từ sự lần mò học hỏi ở cành cây ngọn lá (nghiên cứu quẻ Dịch), để rồi dần dần có duyên được chỉ dẫn đi sâu vào nguồn rễ của sự tình (khảo xét Hà Đồ và Lạc Thư ...). Nói như vậy tức là nhìn theo quan điểm của bác sĩ Nguyễn văn Thọ : Khi ta chỉ chú tâm vào các hình thức của quẻ Dịch , vào chi tiết của các hào, vào lời giải của tuợng quẻ, thì sẽ chỉ biết về ngọn của Dịch . Muốn cho thông suốt trọn vẹn thì còn cần truy xét thêm về cái căn bản gốc gác của Dịch , vốn nằm trong Hà Đồ và Lạc Thư .


    (Trích từ sách "Dịch Kinh Đại Toàn" , tại web site nhantu.net)

    ... Nhìn vào các đồ bản Dịch ta sẽ lĩnh hội được sự kiện vô cùng quan trọng này là Tạo Hóa hay Thái Cực ẩn áo ngay trong lòng sâu Vạn Hữu. Tạo Hóa và Vạn Hữu hợp lại thành một đại thể, y như một cây vĩ đại có muôn cành lá, hoa quả xum xuê.

    Thái Cực, Tạo Hóa là căn cốt; Vạn Hữu là những hiện tượng biến thiên chuyển dịch bên ngoài.

    Suy ra: nếu ta biết vượt qua những lớp lang, biến ảo của hoàn cảnh, xác thân và tâm hồn, ta sẽ tìm về được với Tạo Hóa, với Thái Cực ẩn áo nơi đáy lòng ta.
    Thế tức là: từ ngọn suy ra gốc, từ biến thiên suy ra hằng cửu, từ các tầng lớp biến thiên bên ngoài suy ra tâm điểm bất biến bên trong. Như vậy học Dịch là để biết các lớp lang biến hóa, chuyển dịch của vũ trụ và của lòng mình; nhân đó, sẽ suy ra được chiều hướng tiến thoái và trở về được cùng bản thể duy nhất, tiềm ẩn nơi đáy lòng mình. Xưa nay đã có biết bao người nhờ học Dịch mà trở về được với căn nguyên của mình, với Trời, với Thái Cực.
    ...

    Dịch đã cho thấy là giữa lòng mọi biến thiên đều đã ẩn tàng sẵn Thái Cực. Nếu vậy, thì giữa lòng mọi biến thiên của hình hài, tâm tư, trí não chúng ta, phải có Thái Cực.







    Như vậy thì cái "bản thể duy nhất" của con người là gì ? Làm sao để nhận biết được nó ?
    Đây là những thắc mắc chưa có được lời giải thoả đáng từ bao lâu nay .




    Cách đây vài hôm thì cơ duyên dun dủi đã mang tới thêm chút ít manh mối . Sự tình là như sau:


    Khoảng hai năm trước, trong lúc dọn dẹp mấy chồng sách vở báo chí cũ chất chứa trong nhà kho, tôi đã xém vứt vô thùng recycle một quyển sách tựa đề "Vào Cổng Nhà Thiền" do tu viện Trúc Lâm xuất bản . Đây là một cuốn sách biếu , chẳng biết đã từ đâu mà lại lọt vô nhà . Tôi chưa từng thấy nó bao giờ nên đã đặt nó qua một bên để lúc khác xem lại . Mà rồi cũng quên bẵng nó đi, cho tới vài tháng sau, tình cờ có đứa em vợ tới hỏi thăm mượn sách đọc về Thiền . Tôi tuy có một số sách về đề tài này , nhưng toàn là sách Anh ngữ, không thích hợp cho nó . Chợt nhớ lại cuốn "Vào Cổng Nhà Thiền" trong kho, tôi mới đem nó ra và ngồi xem lướt qua trước khi đưa cho đứa em . Lúc đó mới nhận ra là sách hay quá , chỉ dẫn cho tôi khá nhiều điều mà chính bản thân cũng chưa biết chưa hiểu .


    Sau khi trao sách cho người em, tôi mới ra công tìm tòi thêm trên mạng internet . Ngoài cái đề tài "Vào Cổng Nhà Thiền", Hoà Thượng Thích Thanh Từ đã còn có thuyết pháp tiếp với các bài giảng "Vào Cửa Không" và "Chỉ Ông Chủ" .

    Để cho thuận tiện theo dõi , các điểm chính yếu của ba bài giảng này đã được ghi chú tại đây :
    Nói chung thì các bài giảng này, nhất là bài "Chỉ Ông Chủ", đã mớm cho biết cái bản thể chân thật , bất sinh bất diệt , của con người là gì . Nhưng muốn thực hành để tự nhận rõ và thấu hiểu được nó thì quả tình là vẫn còn rất khó . Cũng bởi rằng nếu phải dùng trí tuệ để mà loại bỏ hết mọi ý nghĩ, mọi vọng tưởng, thì còn có gì sót lại để mà "nắm" lấy ? Cái "Cửa Không" của nhà thiền quả là chẳng dễ gì đặt chân vào, nguyên do nó làm gì có khuôn khổ, hình tượng hay ở vị trí nào đâu để mà nhắm tới . Thêm nữa, cho dù đã được chỉ dẫn rằng ta phải hướng vô trong thì mới có thể tìm gặp "Ông chủ" (bản thể chân thật) của mình , nhưng xét lại "Ông chủ" này cũng không hình tướng, không cách nào mà diễn tả mường tượng cho ra . Tóm lại cũng không dễ gì nhận biết cái đó cho rõ ràng được .




    Mấy hôm gần đây khi khảo cứu tiếp trên mạng về vấn đề này, thì tìm ra thêm một bài giảng nữa của Hoà Thượng Thích Thanh Từ: "Khám Phá Được Ông Chủ" .





    Trong lần thuyết giảng này Hoà Thượng đã kể lại một nỗi băn khoăn của mình suốt nhiều năm tháng : "Nếu tu thiền cần có trí tuệ Bát Nhã (cao siêu tuyệt vời) để mà nhận biết và gạt bỏ hết mọi vọng tưởng, thì liệu có mấy ai đi theo được" . Để giải quyết vấn đề này Hoà Thượng đã đưa ra một phương cách mà tự thầy đã trải nghiệm qua, cách đó không lâu :
    ....

    Cách đây mười hai hôm, 7 giờ tối ngày 13 tháng 08 năm Giáp Thân, tôi ngồi thiền tới khoảng 8 giờ. Được yên định khoảng thời gian không biết bao lâu, tôi tự phản chiếu lại cái định của mình sao không được rõ ràng thường biết như định nghĩa Chân tâm. Vì vậy tôi hơi ngờ, không chấp nhận được. Bởi không chấp nhận nên tôi dừng lại, tỉnh táo đặt câu hỏi: “Nếu là Chân tâm của mình, đòi hỏi phải thường xuyên rõ ràng. Bây giờ mình yên định mà hơi mờ mờ không biết rõ ràng. Đó không phải là Chân tâm.”

    Khi ấy tôi ngồi lại bình thường, đặt từng câu hỏi để khám phá ra Chân tâm là gì, ở đâu? Bấy giờ tôi nhớ trong kinh, Phật nói Chân tâm ở ngay sáu căn, nơi sáu căn đầy đủ Chân tâm. Tôi ngạc nhiên tự hỏi: “Nơi sáu căn, làm sao mình biết được Chân tâm?” Ngồi một hồi tôi tỉnh, nhớ lại trong Duy thức học nói, niệm đầu là chân, niệm thứ hai thứ ba là vọng. Tôi nghĩ khi mắt mở ra nhìn thấy cái này, cái nọ, phân biệt tốt xấu là rơi vào niệm thứ hai. Nó đi một mạch chớ không dừng. Nếu nói Chân tâm là niệm đầu nơi sáu căn, làm sao mình giữ được niệm đầu? Vừa thấy liền chạy qua niệm thứ hai, thứ ba mất. Tôi nghĩ muốn nhận ra Chân tâm thì phải biết rõ Chân tâm.

    Trong nhà Phật thường nói Chân tâm là cái thường biết rõ ràng, tỉnh táo sáng suốt chớ không mờ mờ. Như vậy khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần mình biết rõ ràng, làm sao dừng ở chặng đầu, đó là điều quan trọng. Ngồi gẫm thật kỹ, tôi thấy bây giờ mình nên đặt thành phương tiện. Vừa nhìn chưa cần thấy cái gì, tự nhủ mắt biết thấy là Chân tâm. Biết là tâm. Thấy được cảnh, ngay niệm đầu đừng có niệm thứ hai thứ ba. Thấy biết là Chân tâm, còn thêm cái gì nữa thì quá Chân tâm rồi.

    Ngay nơi sáu căn, mắt thấy - biết - dừng. Tai nghe - biết - dừng. Thân xúc chạm - biết - dừng, không cho đi qua niệm thứ hai thứ ba. Tôi sử dụng như thế thấy có hiệu nghiệm. Khi thấy nói Chân tâm, nó dừng lại. Khi nghe nói Chân tâm, nó dừng lại. Vừa khởi phân biệt nói Chân tâm, nó dừng lại. Nếu để nó đi thì nó đi luôn một mạch, chớ không dừng. Muốn nó dừng phải chận lại, bằng cách đem Ông chủ ra chận. Vừa thấy là Chân tâm, vừa nghe là Chân tâm, sáu căn vừa tiếp xúc với sáu trần, vừa ở niệm đầu là Chân tâm. Mới thấy Chân tâm ở sẵn nơi mình, tại vì chúng ta cứ cho qua hoài nên không thấy. Bây giờ ngay nơi niệm đầu nhận là Chân tâm thì các niệm khác không xen vào. Tôi ứng dụng tu phương pháp này thấy có hiệu nghiệm.

    Trong sáu căn, nổi nhất là mắt, kế đến tai, kế nữa là thân. Đó là ba căn nổi, luôn tiếp xúc với bên ngoài. Còn mũi, lưỡi, ý thì chìm, khi có khi không. Vì vậy tôi lấy ba căn nổi làm chỗ tựa. Mắt biết thấy là Chân tâm. Tai biết nghe là Chân tâm. Thân biết xúc chạm là Chân tâm. Biết thấy, biết nghe, biết xúc chạm đều là Chân tâm hiện tiền, không có niệm nào nữa.
    ......

    Chân tâm là "Ông chủ" , thường biết rõ ràng, trùm khắp sáu căn, không tướng mạo, không sanh diệt. Bởi không tướng mạo nên nó đồng với hư không, (tức Pháp thân). Không sanh diệt nên giải thoát sanh tử. Đi tới đó mới ra khỏi dòng sanh tử. Chân tâm có đủ trong tất cả chúng ta, không hề thiếu. Có Ông chủ là có đủ khả năng đi tới giải thoát, không tìm kiếm ở đâu khác.
    ....

    Biết thấy là Chân tâm, biết nghe là Chân tâm, biết xúc chạm là Chân tâm. Ngang đó nghĩ là Chân tâm thì các niệm khác sẽ không có. Cho nên tu bằng cách này gọi là đánh phủ đầu. Đem "Ông chủ" ra dọa, đánh cho các niệm thứ hai thứ ba chạy mất. Vừa thấy biết là thấy, nếu không biết làm sao thấy? Biết tức là thấy, thấy đó là Chân tâm, có ai chen vô được? Đằng này mình biết liền hay hỏi “cái gì”, nên cứ bị nó dẫn đi một mạch.
    ...


    Vậy là "Ông Chủ" bao trùm hết sáu căn . Cuộc sống của mình đang hiện ra và diễn tiến trên cái "màn ảnh" của ổng ?

    Mình vì bị mê cuốn theo tuồng mà quên bẵng đi "ai" khiến cho mình coi ?


    Cửa Không nay đã hé mở thêm được một chút !






  2. #262
    :
    Nói về ứng dụng thực hành, tu thiền theo pháp phương tiện của Hoà Thượng Thích Thanh Từ có thể tóm lại là gồm có hai chặng:



    (trích từ bài thuyết giảng "Khám Phá Được Ông Chủ" )


    Chặng thứ nhất: (tự nhắc về sự có mặt của Ông Chủ)

    Mắt thấy là Chân tâm, tai nghe là Chân tâm, thân xúc chạm là Chân tâm. Tức mắt biết thấy, tai biết nghe, thân biết xúc chạm, đó là Chân tâm. Cứ thế lặp tới lặp lui: "Mắt biết thấy, tai biết nghe, thân biết xúc chạm đều là Chân tâm". Nói nguyên câu là “Mắt biết thấy là Chân tâm, tai biết nghe là Chân tâm, thân biết xúc chạm là Chân tâm, Chân tâm luôn hiện tiền”. Lặp đi lặp lại như thế, ngồi thiền không buồn ngủ chút nào, vì nhớ Chân tâm nên không buồn ngủ, tỉnh táo hoàn toàn.
    ....

    Khi nói như vậy một hồi thấy nhọc, tôi cho nó nghỉ một chút bằng cách nhớ Chân tâm hiện tiền. Nhớ Chân tâm hiện tiền đến lúc khỏe, tiếp tục nhắc tới nhắc lui lại. Suốt giờ ngồi thiền làm việc ấy, đó là chặng số một.


    Chặng thứ hai: (soi rõ bản chất của Ông Chủ)

    Qua chặng thứ hai, tôi đặt câu hỏi: Chân tâm là gì? Như tôi đã nói “Chân tâm là Ông chủ thường biết rõ ràng, trùm khắp sáu căn, không có tướng mạo, không có sanh diệt”. Chân tâm là thường biết rõ ràng. Cái thường biết rõ ràng đó trùm khắp cả sáu căn, chớ không phải biết một chỗ. Nó không có tướng mạo, nếu có tướng mạo làm sao trùm được? Ngồi đó nhớ Ông chủ, định nghĩa “Ông chủ thường biết rõ ràng, trùm khắp sáu căn, không có tướng mạo, không có sanh diệt”.
    .....


    Lúc trước tôi nghĩ ba năm ra không biết dạy gì, vì tất cả đều không, dạy gì bây giờ? Thời này người ta ham tu thiền, nhưng không biết tu thế nào? Đường lối tu này không có gì nguy hiểm, vì quay lại mình mà. Mắt mình thấy, tai mình nghe, thân xúc chạm, cái gì mình cũng biết có Ông chủ, Chân tâm hiện tiền vậy thôi, không có chi nguy hiểm. Còn người ngồi kềm chế quá mới có những phản ứng nguy hiểm. Tu theo phương pháp này không kềm, nhẹ nhàng thảnh thơi, tu như không tu. Nói thế cũng nên nhắc lại, nhiều người lợi dụng “tu như không tu” rồi không tu gì hết. Nói đi, đứng, nằm, ngồi tôi cũng tu vậy, nhưng mà ai biết? Miệng nói thế nhưng trong ruột không phải vậy.

    Người thật sự biết tu, ham tu, thì dù ở hoàn cảnh nào, trường hợp nào cũng có thể tu được. Tu với Tâm chân thật của mình thì lợi ích lớn, trường hợp nào cũng có kết quả tốt. Còn nếu thiếu chân thật, gian lận thì không tốt. Tôi nhắc cho tất cả nhớ để dè dặt cẩn thận.





  3. #263

    Viếng quán bên đường

    !
    "Mò trăng đáy nước"

    khi mệt quá thì "Viếng quán bên đường"



    Mấy hôm nay suy gẫm thêm về đề tài "Ông Chủ" (Chân tâm, Phật tánh ...) mới thấm thía rằng sự tình thật quá ư lắt léo, rất dễ vuột biến, mất dạng, để cho mình cứ đứng ngơ ngáo tại chỗ . Nó có khác chi chuyện của người muốn chụp nắm cái bóng trên tường đâu . Mà xét ra thì còn khó hơn vậy nữa, bởi lẽ đây là sự tình của cái bóng (ý nghĩ) muốn trở ngược ôm dính cái thân (ông chủ), phải không ?


    Mà thôi, cuộc sống của mình xưa nay vốn đã luôn mò trăng đáy nước, làm chi khác hơn được bây giờ . Cực chẳng đã, phải ... mò tiếp, tới đâu hay đó . Nay biết được rằng trăng không nằm trong nước , thì sẽ ráng nhìn cái bóng cho kỹ , để không chừng sẽ nhận hiểu thêm trăng đó là thứ gì .


    Kinh sách nhà Phật từng giảng giải về "khách trần" và "chủ nhân" , đại ý như sau :

    "Ví như có người khách đi đường, tạm nghỉ đêm nơi nhà trọ, sáng lại sửa soạn hành lý ra đi. Khách thì tạm dừng rồi khách ra đi, còn người không dừng cũng không đi mới gọi là chủ” . Như vậy khách là người tạm có mặt rồi mất, trong khi "Ông chủ" mới là người thường xuyên trong nhà. Ý nghĩa hai chữ “chủ” và “khách” cho chúng ta thấy rõ cái gì tạm có rồi mất gọi là khách, cái gì có mãi không mất thì gọi là chủ.

    Nay thiết nghĩ: trên hành trình xuyên qua thế gian có nhiều quán trọ bên đường cho khách nghỉ chân . Mỗi quán đều có người làm chủ . Ông chủ này ngồi sẵn tại hậu trường, im hơi lặng tiếng không lộ diện , nhưng luôn quan sát ghi nhận đủ mọi việc . Kế ngay dưới vai ông thì có một quản gia đứng ra tiếp đón khách trần và trực tiếp điều động các nhân viên khác dưới quyền: đầu bếp lo việc nấu ăn, tiểu nhị thì lăng xăng lau chùi bưng dọn, trưởng quầy chuyên phụ trách đếm bạc thu tiền ..v..v...


    Bình thường thì mọi sự vốn là êm xuôi , diễn tiến một cách đều đặn, ngon trớn máy móc . Mọi nhân viên trong quán đều tự động thi hành các nhiệm vụ theo sự huấn luyện và phân phối sẵn, không cần biết đến là có ông chủ tại phía sau . Nếu có chuyện chi khác thường xảy ra thì bất quá quản gia sẽ thế ông chủ để đối phó và xử lý .


    Nếp sinh hoạt trong quán sẽ thay đổi tuỳ theo các biến chuyển đến từ bên ngoài . Khi có nhiều khách quý sang trọng ghé chân thì không khí trong quán sẽ tưng bừng nhộn nhịp lên . Hôm nào xui xẻo bị các giới giang hồ vô loại tới phá đám thì quán trọ cũng không khỏi rối loạn tơi bời .


    Không những chỉ có khách hàng là sẽ đến rồi đi, mà ngay cả các nhân viên trong quán, từ quản gia trở xuống, đều có thể theo thời gian hoặc vì các biến cố lớn mà luân lưu rời đổi . Chỉ có ông chủ mới là thường xuyên trấn thủ tại quán .


    Nếu thiếu kinh nghiệm và không am hiểu sự đời, người quản gia bởi luôn trực tiếp điều hành mọi việc trong quán, sẽ rất dễ rơi vào cái mê tưởng tự cho rằng mình là chủ nhân . Cái nhầm lẫn này sẽ lần hồi cắt mất mối câu thông với ông chủ, và tất nhiên sự tình trong quán sẽ không có kết quả tốt đẹp cho lắm . Có nhiều quản gia vì lầm lỗi này mà khiến cho cả quán sụp đổ, sớm phải dẹp tiệm kết thúc trước khi cái hợp đồng nguyên thủy tự hết hạn kỳ .



    Trong đời người, cái "ý" tuy là có khả năng điều động và chỉ huy năm căn còn lại (tai, mắt,mũi,lưỡi và da), nhưng vẫn không phải là "ông chủ". Đây bởi vì bản chất của nó là duyên hợp, là do những yếu tố bên ngoài kết tụ lại mà thành, tuy hợp nhưng rồi tan, nay tới mai đi, y như các khách trần lưu chuyển không dứt. Có thể ví nó như quản gia của quán trọ , vai vế coi giống ông chủ , nhưng thực tình không phải là chủ .


    Mọi sự trong quán trọ sẽ diễn tiến trôi chảy khi quản gia hiểu rõ vai trò của mình, và giữ vững mối giây móc nối với ông chủ . Tương tự như vậy, cái "ý" cũng chớ quên rằng bản chất nó không thể làm chủ . Đó là điều tiên quyết cần nhớ . Kế tiếp, thì có thể cố gắng hướng thêm vào trong, chú tâm lắng xem "ông chủ" kia đang ra sao, muốn làm gì ....









    Mỗi ngày giấc ngủ của ta xem ra chẳng khác chi những giờ đóng cửa tạm nghỉ của quán . Đây là khoảng thời gian tương đối khá yên tịnh , tất cả khách đã ra về, các nhân viên hết bận rộn lăng xăng, quản gia sẽ có cơ hội tốt để mà lưu tâm tới chủ nhân, hướng vô trong xem tình hình động tĩnh thế nào ... Cái "ý" của ta cũng vậy, cần ráng tận dụng thời điểm êm lặng khi thân nằm ngủ để mà tăng cường và củng cố mối tương quan với "ông chủ" .


    Hôm nào mà ban ngày công việc quá bận rộn quá căng thẳng, thì trong đêm cái "ý" sẽ khó ngừng được cái đà đang chạy, rồi cứ thế mà tiếp tục quay lung tung chẳng ngớt . Hậu quả là sẽ để lại nhiều vết hằn trong trí nhớ dưới dạng thức của những giấc mơ rối ngầu . Đằng khác, đêm nào mà ngủ ngon giấc, không mộng mị chi hết, thì chắc là đã được vào ngồi hưởng trà với "ông chủ" rồi đó !



    .

  4. #264
    Quote Originally Posted by BatNgat View Post
    ~ @ ~
    Cũng bởi rằng nếu phải dùng trí tuệ để mà loại bỏ hết mọi ý nghĩ, mọi vọng tưởng, thì còn có gì sót lại để mà "nắm" lấy ?
    Mình nghĩ không “nắm” cái gì hết đó bác. Think about nothing (không phải oxymoron đâu!). The gateless gate.

    “Huệ Năng bảo: ‘Ông đã vì pháp mà đến thì nên dứt sạch các duyên, chớ sanh một niệm, tôi vì ông nói.’ Huệ Minh im lặng giây lâu. Huệ Năng bảo: ‘Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?’ Huệ Minh ngay câu nói đó liền đại ngộ.” (Pháp Bảo Đàn Kinh)

  5. #265

    Thiền Tông không cửa

    The gateless gate ?
    Expression like this will only make an already-obscure matter even more confusing, and thus keep the seekers locked out of real Zen understanding . In reality, there is "No gate" !


    "Không Môn" của nhà Thiền có lẽ cần phải được hiểu là "không cổng" , "không cửa" . Xét ra thì sự tình khá là tức cười đó, thưa bác chieclavotinh . Nhà Thiền chân chính, thật chẳng có cửa nẻo chi hết, nhưng bởi đa số thiền sinh vẫn luôn ôm mang đủ loại cửa trong tâm, rồi vì cứ mãi lo tháo gỡ mấy thứ ảo đó mà quên béng đi chuyện bước vào .


    Sự tình nếu xét cho kỹ thì chắc là như vầy: Nhà Thiền vốn sẵn nằm ở trong . Ông chủ cũng luôn ngồi ngay trong . Kẹt một nỗi là cái tâm cứ quen hướng ra ngoài, mê nhìn bên ngoài , thành thử đã tự khoá mình ở ngoài vòng , rồi chẳng khác chi con diều bị vướng trên cây, cứ bị gió cuốn bay vật vờ đủ mọi hướng ....





    Think about nothing ?
    This statement also does not help the Zen student much . It is an oxymoron . "To think" requires "about something" . In the expression "Think about nothing" , the word "Think" still points to the word "nothing", it does not aim at the void, or at some empty space.


    Chủ trương "Vô tâm" của nhà Thiền có lẽ cần được hiểu là "No thinking" mới đúng lẽ , chứ chẳng phải là "Think about nothing" . Trong tiếng Việt thì sự tình này có thể được diễn tả một cách nôm na dễ hiểu, dễ lãnh hội hơn, đó là: "không nghĩ" .


    Trên thực tế thì rất khó lòng mà chặn đầu được "ý nghĩ" . Cái căn thứ sáu này vô hình vô tướng, chỉ có thể nhận biết ra nó sau khi sự việc đã xảy ra rồi . Thành thử là chỉ có thể "chặt đuôi" nó thôi, hay là vây kín nó lại bên trong một hàng rào nhỏ xíu mượn danh "Ông Chủ" .







    Bắt nó ngồi im, đầu hàng vô điều kiện .

    Last edited by BatNgat; 06-22-2020 at 04:32 AM.

  6. #266
    Quote Originally Posted by chieclavotinh View Post

    “Huệ Năng bảo: ‘Ông đã vì pháp mà đến thì nên dứt sạch các duyên, chớ sanh một niệm, tôi vì ông nói.’ Huệ Minh im lặng giây lâu. Huệ Năng bảo: ‘Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?’ Huệ Minh ngay câu nói đó liền đại ngộ.” (Pháp Bảo Đàn Kinh)


    Mấy hôm nay đã có tìm đọc và khảo cứu Kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng, theo như sự giới thiệu của bác chieclavotinh . Nhờ vậy mà có thêm được chút manh mối về đề tài "không nghĩ" .


    Pháp Bảo Đàn kinh có thể tải xuống từ đây :






    Pháp tu của Lục tổ Huệ Năng gồm có ba điều then chốt như sau:

    Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm gốc.”


    Trích từ Pháp Bảo Đàn Kinh:
    “vô niệm là đối với niệm mà không niệm”,

    “Này Thiện tri thức, vô là vô việc gì? niệm là niệm vật nào? Vô đó là không có hai tướng, không có các tâm trần lao; niệm là niệm Chân như Bản tánh. Chân như tức là thể của niệm, niệm tức là dụng của Chân như."

    "Sao gọi là vô niệm? Nếu thấy tất cả pháp mà tâm không nhiễm trước, ấy là vô niệm, dụng tức khắp tất cả chỗ, cũng không dính mắc tất cả chỗ, chỉ thanh tịnh nơi bản tâm khiến sáu thức ra sáu cửa đối trong sáu trần không nhiễm không tạp, đi lại tự do, thông dụng không kẹt, tức là Bát-nhã tam-muội, tự tại giải thoát gọi là vô niệm hạnh.”



    Xem ra "Vô niệm" không thể được hiểu một cách đơn giản là dẹp bỏ hết mọi ý nghĩ, mà đúng hơn chính là không để bị lây nhiễm trói kẹt trong các ý nghĩ xuất hiện nơi đầu óc . Biết chúng xuất hiện, nhưng chẳng lưu tâm , không bám chạy theo chúng, cứ để chúng lướt qua và để mặc chúng tự tan biến như các đám mây trôi dạt trên trời .

    Vấn đề "Vô niệm" có thể được thấy rõ hơn nữa ,qua mẩu chuyện của nhà sư Huệ Minh truy đuổi Lục tổ Huệ Năng với ý định là dành lại y bát mà Lục tổ đã được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền cho. Tổ Huệ Năng đã nói với Huệ Minh khi người này bắt kịp ngài : “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” . Đây ắt hẳn là một thí dụ của "Vô niệm" . Lục tổ đã nhắc cho Huệ Minh rằng nếu gạt bỏ được các ý niệm về thiện và ác trong tâm thì tất sẽ biết được Phật tánh . Suy diễn thêm, có thể thấy rằng "Vô niệm" ám chỉ sự loại trừ hết cả mọi ý nghĩ đối đãi nhau như có/không, yêu/ghét, sanh/diệt, oán/thương, vui/buồn …v..v.. , chứ không riêng gì "thiện/ác" .


    Lục Tổ Huệ Năng còn chỉ rõ thêm về pháp tu Vô niệm bằng cách nêu ra hai điều nữa: "Vô tướng" và "Vô trụ" .
    Tổ nói:


    “Đối trên các pháp mỗi niệm không trụ, tức là không phược (không bị trói buộc), đây là lấy vô trụ làm gốc”.

    “chấp tất cả tướng tức tâm, lìa tất cả tướng tức Phật”

    “ngoài lìa tất cả tướng gọi là vô tướng, hay lìa nơi tướng tức là pháp thể thanh tịnh, đây là lấy vô tướng làm thể” .



    Kinh Kim Cang từng giảng giải rằng tất cả những thứ gì có tướng ( có hình thể) đều là hư vọng .

    Xét ra
    khi mà lòng vẫn còn chấp chước , còn bám chặt vào các hình thể (tướng) của mọi vật mọi sự , thì sẽ không thể nào thấu triệt được "vô niệm" , không thể lãnh ngộ được chân tánh .
    !


  7. #267
    Quote Originally Posted by BatNgat View Post
    Trên thực tế thì rất khó lòng mà chặn đầu được "ý nghĩ" . Cái căn thứ sáu này vô hình vô tướng, chỉ có thể nhận biết ra nó sau khi sự việc đã xảy ra rồi . Thành thử là chỉ có thể "chặt đuôi" nó thôi, hay là vây kín nó lại bên trong một hàng rào nhỏ xíu mượn danh "Ông Chủ" .
    Bác xem trang này thử coi
    https://www.tanhkhong.org/a211/bai-d...huat-thuc-hanh

  8. #268

    Đừng trông, không ti'nh ..

    Quote Originally Posted by chieclavotinh View Post

    Cảm ơn bác chieclavotinh đã hướng dẫn tới trang web này . Đọc xem thì thấy nơi đó có nêu ra nhiều chiêu thức và kỹ thuật để mà đi theo con đường Thiền tìm tới "vô niệm" . Kẹt một nỗi là: - Nếu càng phải tận dụng ý thức và suy nghĩ trong khi thiền định để mà nhận xét và phân biệt sự "gián nhãn" hay "không gián nhãn" thì xét ra sẽ càng dễ sa lầy thêm trong bao ý niệm đó chăng ?

    Trong khi đọc bài viết của trang "Thiền Tánh Không", kẻ này đã không tránh khỏi nỗi thắc mắc "Tánh Không là gì ?" , cho nên đã có tra cứu thêm về nó . Nhờ vậy mới biết rằng "Tánh Không" đã được diễn giải theo rất nhiều cách bởi nhiều tông phái Phật giáo khác nhau . Dưới đây là một quan điểm tương đối giản dị nhất và dễ hiểu nhất, được trích từ :


    https://hoasenphat.com/kien-thuc-pha...c-thi-sac.html

    ....
    "Sắc Tức Thị Không – Không Tức Thị Sắc " là câu nói kinh điển trong Bát Nhã Tâm Kinh, một học thuyết do Bồ tát Long Thọ (nagarjuna) đưa ra.


    Từ “Sắc” trong đạo Phật dùng để chỉ vật chất, có hình tướng, những gì mà chúng ta có thể cảm nhận được.

    Từ “Không” trong đạo Phật không phải là “không có gì”, mà chữ Không ở đây là Tánh không, sự trống rỗng của vạn vật, không gì có tự tánh chân thật, không gì có bản chất cố định vĩnh viễn. Tất cả sự vật, hiện tượng đều do nhân duyên mà hợp thành.


    Chữ “Không” ở đây không có nghĩa là không tồn tại theo cái nhìn hư vô. Mà nó có nghĩa là không có tự tánh cố định, vì không có gì riêng biệt, tự thân, độc lập nên mọi thứ đều chịu tác động của vô thường.
    Tính Không luôn hiện hữu trong các sự vật, hiện tượng nên chúng mới có thể phát sinh và hoại diệt. Và bởi vì chúng trống rỗng về bản chất nên đức Phật mới giảng “Mọi thay đổi đều có thể“.

    ...

    Giả sử mọi thứ không có tính Không, tất cả đều hoàn toàn trong trạng thái tĩnh, bất biến, có thể gọi là “Hiện hữu vĩnh cửu“. Nó không cần một yếu tố nào để hình thành, vì thế, cũng không có yếu tố nào có thể thay đổi trạng thái của nó. Nhưng vì điều này không tương ứng với sự biến đổi mà chúng ta thấy trong vũ trụ. Do đó, Bồ tát Long Thọ kết luận: Tính Không là bản chất của vạn vật, không có tự ngã, không có tự tính, trống rỗng và tùy thuộc vào nhân duyên.


    Quan điểm nói trên cho thấy rằng mọi sự trong thế gian đều phải trải qua các sự biến chuyển thay đổi không ngừng, (rất phù hợp với chủ trương của Kinh Dịch), và rằng bản chất của vạn vật (vạn hữu) chính là "Tánh Không" . Vạn vật không có tự tính cố dịnh, tất cả đều do nhân duyên mà kết hợp nên, và rồi mọi thứ đều phải chịu tác động của vô thuờng mà tan biến quay trở về bản thể .

    Xem ra một khi đã thấm thía cái bản chất "Không" của mọi sự, thì thần trí ắt sẽ dễ có trạng thái cân bằng hơn trong cuộc sống. Tâm sẽ bớt chấp trước vào các sự thay đổi, bất kể nó là tích cực hay tiêu cực, tốt hay xấu . Không còn dễ tức giận vui buồn vì thời tiết mưa nắng bất thường , chẳng như mong muốn . Không còn dễ bị mắc kẹt trong niềm chán nản tiêu cực với hiện tại, cũng không chìm đắm trong nỗi mong đợi mỏi mòn nơi tương lai ...
    !

    Last edited by BatNgat; 07-08-2020 at 10:26 PM.

  9. #269
    Quote Originally Posted by BatNgat View Post

    Trong khi đọc bài viết của trang "Thiền Tánh Không", kẻ này đã không tránh khỏi nỗi thắc mắc "Tánh Không là gì ?"

    Bác đọc thêm The Diamond Cutter, cái nhìn emptiness của Mật tông. Tác giả là Michael Roach, người Mỹ đầu tiên được phong chức Geshe, tước vị tu sĩ Tây Tạng trung bình cũng phải mất 22 năm mới đạt được. Ông có cuộc sống hai mặt đối nghịch. Ban ngày là vice president của Andin International ở New York. Tối về và cuối tuần là lạt ma. Ông áp dụng emptiness vào business rất thành công. Andin International sau này được Warren Buffett mua lại năm 2009.
    Tựa sách có hai nghĩa. Nghĩa đen là nghề của tác giả. Nghĩa bóng là kinh Kim Cương (hay Kim Cang), một trong các bộ kinh thượng thừa của Phật giáo Đại thừa. Kim cương là vật chất tự nhiên cứng nhất, quý giá nhất, trong suốt nhất (kính nhìn thẳng góc thì trong suốt, nhưng nhìn từ cạnh có màu lục. Kim cương nhìn chiều nào cũng vậy, chỉ một mầu) nên hay được vì với Phật tánh, Chân tâm. Lục tổ ngộ khi nghe một câu trong kinh Kim Cang “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”.

    Ngày xưa, Lương Vũ Đế hỏi sư Tịnh Quang:
    - Tam Tạng Kinh Điển của Đạo Phật bao la quá, đọc cả đời người không hết. Có cách nào rút ngắn được chăng?
    Sư đáp:
    - Tâu bệ hạ, ngắn bao nhiêu là vừa!
    Vua hỏi:
    - Chừng nào là ngắn nhất?
    - Một chữ!
    - Chữ gì mà nhiệm mầu đến thế?
    - Chữ Tâm!

  10. #270

    The Case Against Reality

    Quote Originally Posted by chieclavotinh View Post
    Bác đọc thêm The Diamond Cutter, cái nhìn emptiness của Mật tông. ..

    Cám ơn bác clvt . Sẽ tìm xem The Diamond Cutter trên mạng .


    Tục ngữ Việt nam ta vốn có câu: "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ , thứ ba tu chùa" .
    Nếu chữ "tu" này được hiểu theo nghĩa "rèn luyện, chỉnh sửa cho thêm tốt" , thì cái cuộc sống trong gia đình và cái khung cảnh tại thị trường buôn bán quả là những môi trường lý tưởng nhất để giúp cho ta học tập thực hành trí cảnh giác và tâm tỉnh ngộ . Các nơi này vốn đầy dẫy bao thử thách chướng ngại, với đủ mọi khúc mắc phiền toái, luôn buộc ta phải ráng nhìn cho thấu suốt mới có hy vọng vượt qua .





    Hôm nay vào lại Phố Rùm với ý định trình bầy ghi chép tiếp về một đề tài có từng nói lướt qua trong các kỳ trước . Cũng là nhờ vài hôm gần đây, sự tình cờ đưa đẩy ngẫu nhiên đã đem tới thêm chút ít manh mối nữa.




    "... Kinh Kim Cang từng giảng giải rằng tất cả những thứ gì có tướng ( có hình thể) đều là hư vọng ..."



    Cái quan điểm này, khi xét theo những tiêu chuẩn bình thường, thì quả tình rất ngược ngạo và khó chấp nhận . Cái cục đá mình thấy nằm ngay đó, cầm lên còn không muốn nổi, xém chút xíu vô ý vấp phải nó thì là té u đầu rồi, làm sao có thể nói là "thứ hư vọng" được .


    Đúng ra thì chữ "hư vọng" này cần được hiểu rằng nó ám chỉ tất cả mọi thứ mà ta trải nghiệm và nhận thấy được vẫn không phải là "thực tại thứ thiệt" (objective reality). Tất cả đều là các "đồ tượng trưng" cho "cái thứ thiệt chi đó vô cùng phức tạp". Mấy thứ đồ này hiện ra nhất thời để giúp cho ta sinh hoạt trong cái "cõi ảo 3-chiều của Không Gian và Thời Gian" . Cái điều mà nhà Phật đã nêu lên hằng ngàn năm rồi, nay không ngờ đã trở nên trùng hợp với những giả thuyết mới nhất của các khoa học gia tiền phong, đương thời khai phá biên giới trong lãnh vực Cognitive Neuroscience -The Biology of the Mind:





    Tiến sĩ Donald Hoffman, giáo sư tại trường đại học Irvine , California đã xuất bản cuốn sách tựa đề "The Case Against Reality "
    ( dịch nôm na là : Bản Cáo Trạng khui phá "Thực Tại" )



    Có thể tóm tắt vài điểm chính nêu ra trong sách như sau:

    - Cái thế giới mà chúng ta nhận thức được qua các giác quan của mình không phải là "thực tại thứ thiệt" . Sự nhận thức của ta đã gạn lọc vứt bỏ vô số dữ kiện, và chỉ giữ lại cho ta biết một ít chi tiết cần thiết cho sự sinh tồn trong cái khuôn khổ của KG và TG (Space - Time) .

    - Chính KG và TG cũng không phải là những thứ thiệt tuyệt đối (ám chỉ rằng chúng cũng biến mất nếu chúng ta không hiện hữu)

    - Định luật tiến hoá (evolution principle) dấu kín không cho các sinh vật như ta biết rõ về "thực tại thứ thiệt" . Lý do: càng biết rõ, hiểu rõ thì sẽ càng dễ bị tuyệt chủng (go extinct) !



    Tất nhiên sách còn tiết lộ khá nhiều điều nữa, nhưng hôm nay sẽ tạm dừng tại đây .


    (Theo như quan điểm trong sách này, càng biết nhiều, hiểu nhiều lại càng có thể là bất lợi cho sự sống còn ...)

 

 

Similar Threads

  1. Những bóng hồng trong thơ nhạc
    By ngocdam66 in forum Nhân Văn
    Replies: 0
    Last Post: 04-27-2012, 07:37 AM
  2. Còn nhớ hay quên !!!
    By zung in forum Không Gian Riêng
    Replies: 1
    Last Post: 03-15-2012, 02:19 PM
  3. Bong bóng
    By Triển in forum Thú Tiêu Khiển
    Replies: 32
    Last Post: 01-28-2012, 06:52 PM
  4. Những bóng hồng trong thơ nhạc Ướt mi
    By ngocdam66 in forum Nhân Văn
    Replies: 10
    Last Post: 12-20-2011, 02:24 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 07:16 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh