Register
Page 22 of 22 FirstFirst ... 12202122
Results 211 to 215 of 215
  1. #211
    Nhà Ngói
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    123
    1.

    Người đàn ông bình tĩnh trước họng súng vô tình của vợ, chấp nhận cái chết vì ông cảm thấy “đời tôi còn nghĩa lý gì khi cô vợ yêu quý chĩa súng vào tôi?”


    2.

    Hình như, ngay từ những ngày đầu mới gặp cô bé mười sáu tuổi thanh cao, ông đã mặc cảm nặng nề. Một ông chủ tiệm cầm đồ giàu có lại bị nỗi tự ti dày vò trước cô nhỏ nghèo nàn phải đi cầm cố “mớ giẻ còn lại từ tấm thảm cũ bằng da thỏ rừng”?

    Khi nhắc đến “Faust” và ác quỷ Mephistopheles với cô, chứng tỏ ông có kiến thức, và mặc dầu cô ngập ngừng không biết tác phẩm văn học đó của Johann Wolfgang von Goethe , người đàn ông vẫn không đủ tự tin vào bản thân mình.

    Thế nghĩa là cô chưa đọc. Cô nên đọc . Tôi thấy trên môi cô có nụ cười khinh miệt. Đừng cho rằng thị hiếu của tôi kém cỏi đến nỗi phải tìm cách tự giới thiệu mình là Mephistopheles để làm tấm áo khoác lên cái nghề cầm đồ. Một chủ tiệm cầm đồ mãi cũng chỉ là chủ tiệm cầm đồ thôi. Mọi người đều biết thế.”

    Và, ông “bắt nọn” được sự khinh thường của cô qua câu trả lời “Ông lạ lùng lắm! Tôi chẳng hề nghĩ như vậy”: Ý cô ấy, dĩ nhiên, là “Tôi chưa hề nghĩ ông là người có học thức.”

    Lạ chưa? Một ông chủ nợ, nhiều tiền bạc bốn mươi mốt tuổi, lại… như vậy?

    Có lẽ, tại ông choáng váng trước ấn tượng đầu tiên mà cô bé đã khắc sâu trong tâm trí của ông: cô nhìn rất trẻ, chỉ độ mười bốn tuổi, nhưng đã lồ lộ vẻ thanh cao. Dù nghèo túng, cô không hề nài nỉ xin ông trả thêm tiền cho những báu vật của cô như những người khác. Khi ông đề nghị trả mười rouble cho bức tượng trong khi nó chỉ đáng giá sáu rouble, thì cô cương quyết từ chối, chỉ lấy đúng năm rouble.

    Ấn tượng ấy, cộng với xuất thân nghèo nàn và bản thân có chút lỗi lầm (không can đảm bảo vệ danh dự cho đồng đội), có thể đã làm người đàn ông trở thành: Tôi, “người đàn ông cao cả nhất”, lại không tin chính mình.

    *
    Sau này, khi biết được nghịch cảnh của cô, ông bỗng trở nên khoan khoái, sảng khoái suốt cả ngày vì nghĩ rằng: cô thuộc về tôi, và không nghi ngờ gì về quyền lực của mình.

    Thậm chí, ông còn tự mãn ngạo mạn tự cho địa vị của mình cao hơn cô, thuộc giai cấp quý tộc. Bố cô có cao sang thì cũng chỉ là nhờ chức vụ.

    “…Có thể kể vắn tắt những gì tôi biết về cô như thế này. Bố mẹ cô qua đời đã ba năm nay, để cô lại cho hai người dì không khả kính lắm trông nom. Có lẽ không đúng nếu nói rằng họ tuyệt đối xấu xa, vì một người là góa phụ với sáu đứa con, còn người kia là một bà gái già khó chịu. Cả hai bà rất nhếch nhác. Bố cô là viên chức ngành dân chính - một người chỉ cao sang nhờ chức vụ. Vì vậy, mọi thứ đều thuận lợi cho tôi. Tôi có địa vị xã hội cao hơn cô, vì tôi là một sĩ quan giải ngũ, từng phục vụ trong một trung đoàn nổi tiếng, dòng dõi vọng tộc, và có những phương tiện sống độc lập…”

    Rồi, ông cưới được cô, cưới cả được sự bám víu, phó thác do lòng cảm mến của cô đối với ông. “ Mỗi buổi tối khi ông đi làm về, cô chạy ùa ra đón và tíu tít kể ông nghe bằng giọng liến thoắng của cô (ôi giọng liến thoắng duyên dáng của ngây thơ!) về thời thơ ấu, và thời niên thiếu, và căn nhà nơi cô sinh ra, và cha mẹ cô.”

    Sao ông lại giội gáo nước lạnh vào niềm hạnh phúc của mình? Thờ ơ hững hờ nhưng dịu dàng trước cảm xúc dạt dào của cô vơ trẻ xinh đẹp? Tôi thật chẳng hiểu nỗi! Và lại phải lọ mọ dò từng dòng chữ để cố hiểu cho bằng được tính cách của gã đàn ông khó hiểu này (À, chính ông tự thú nhận, rằng ông cũng phải cố hết sức để hiểu bản thân mình nữa mà? )

    Trở lại lúc ông đứng trước cửa nhà cô bé , lải nhải lời cầu hôn lạ lùng: tự nhận mình là một người xấu, có nhiều điều rất khó ưa, chả ra làm sao cả, là người keo kiệt: không mua cho vợ xiêm y lộng lẫy, không dẫn vợ đi hí viện dạ vũ.

    “…Tôi nói thẳng với cô, không hề ngượng ngập, rằng tôi không thông minh cho lắm, không uyên bác gì lắm, và (có lẽ) không tốt lành gì lắm; rằng tôi chỉ là loại người ích kỷ chả ra làm sao cả (tôi nhớ lối nói ấy rất rõ, vì cái ý ấy bất chợt nảy ra trong đầu tôi, và tôi rất hài lòng về nó); rằng có thể trong con người tôi có rất, rất nhiều thứ khó ưa về những mặt khác. Tôi nói tất cả những điều này với một giọng kiêu hãnh kỳ lạ - ai cũng biết người ta nói những điều như thế ra sao. Dĩ nhiên, tôi đủ khéo léo để không phóng đại những đức tính tốt của mình sau khi để lộ tính xấu ra. Tôi đủ khéo léo để tự ngăn mình ba hoa rằng: “Thưa quý cô, mặt khác tôi là người thế này, thế kia...” Tôi nhận ra rằng cô rất căng thẳng vì tôi, nhưng tôi không khoe mẽ điều gì, mà thậm chí còn nói bạo hơn khi thấy cô bối rối. Tôi nói thẳng rằng, sống với tôi, cô sẽ thấy buồn tẻ, sẽ không có xiêm y lộng lẫy, không có hí viện hay dạ vũ, nếu tôi chưa kiếm đủ tiền. Tôi rất thích lối nói chuyện thẳng thừng này. Tôi cũng nói rằng (dù tôi chỉ lướt nhẹ qua điểm này thôi), lý do tôi làm nghề cầm đồ là vì tôi có một mục đích đặc biệt, một động cơ đặc biệt…”

    Tàn nhẫn nhất là ông đã trắng trợn tột bật khi nói với cô rằng “tôi là người có lợi, không phải cô”. Và, cô bé phải thoáng nhăn mặt khi nghe những điều ấy. Cái “thoáng nhăn mặt” đó làm lòng tôi quặn lên một nỗi đau thắt ruột.

    *
    Mặc cảm và tự ti. Tự mãn và kiêu hãnh. Trắng trợn và tàn nhẫn. Có phải ông có những tính cách ấy chỉ vì ông bất mãn trước sự thanh cao, ngây thơ và lý tưởng của cô bé? Và ông tặng cho cô bé hàng loạt những danh từ khó nghe: không đáng một đồng xu, chỉ nhìn người khác lao động, sự cao quý rẻ mạt…

    “…Tôi đã nói toạc ra, không chút hối hận (tôi nhấn mạnh nhé, không chút hối hận), rằng sự cao quý của tuổi thanh xuân rất đẹp, nhưng - nó không đáng bằng một xu. Tại sao nó không đáng một xu? Vì ta dễ dàng đạt được nó, vì ta không cần phải sống để giành được nó, vì để có những cái-gọi-là “những ấn tượng đầu đời” ta chỉ đơn thuần nhìn những người khác lao động. Sự cao quý rẻ mạt luôn ở trong tầm với, và cũng là một cách đầu hàng cuộc sống, vì ở tuổi đó, bầu nhiệt huyết sôi sùng sục, người ta ao ước sức mạnh vô biên và vẻ đẹp bất diệt…”

    Rồi, ông tự thương ông: “À, chẳng ai biết đâu, tôi đã bất hạnh như thế nào khi bị mọi người hất hủi, hất hủi và lãng quên!”. Để có được địa vị ngày hôm nay, ông phải vùng vẫy chiến đấu như thế này:

    “…Không, hãy cho tôi thấy sự cao quý kín đáo, lặng lẽ, và không hào nhoáng - một sự cao quý không cần người khác thêu dệt - sự cao quý đòi hỏi hy sinh, nhưng chẳng có chút vinh quang. Hãy kể tôi nghe một hành động đã đưa bạn - một người đạo đức - trở thành một kẻ tội lỗi trong thế giới này, trong khi bạn là người khả kính nhất trên hành tinh. Nào! Hãy lập công đi, bằng không hãy rút khỏi cuộc chiến đấu này! Tôi, tôi - ôi, cả đời đã vùng vẫy trong cuộc chiến đấu như thế….”


    3.

    Ông rất yêu vợ. Trước họng súng lạnh lùng, ông không kháng cự. Vì, sống làm gì nữa khi người ông yêu thương nhất lại muốn giết ông? Cả một mùa đông sau đó, tất cả những gì ông làm chỉ để chiếm được trái tim của người thục nữ.

    Ông đã thất bại. Phút cuối, ông cay đắng nhận ra rằng:

    “…Một lần nữa, tôi vô cùng băn khoăn. Cô có kính trọng tôi không? - vì, tôi không thể xác định được có hay không. Tôi không bao giờ nghĩ mình đã từng bị cô khinh miệt. Nhưng sao trong suốt mùa đông, tôi không bao giờ nhận ra rằng cô coi thường tôi? Tôi cứ đinh ninh về điều ngược lại, mãi đến khi cô quay nhìn tôi với vẻ mặt lạnh lùng và kinh ngạc. Vâng, đặc biệt là vẻ lạnh lùng. Bấy giờ tôi mới đoán là cô khinh thường tôi - tôi mãi mãi dám chắc về điều ấy. À, có lẽ cô sẽ khinh thường tôi, khinh thường tôi suốt đời, nếu cô vẫn còn sống!”

    Và hối hận. Và chấp nhận. Và “vị tha”.

    “…Em thật mù quáng, vợ của tôi ạ - mù quáng! Em chết rồi, và không nghe được lời tôi nói. Em không biết tôi có thể xây một thiên đường thần tiên quanh em thế nào. Thiên đường có trong tim tôi, và tôi cũng có thể vun trồng nó quanh em. Có lẽ em không yêu tôi, nhưng thế thì đã sao? Chúng ta đã có thể cứ “thế này” nếu em muốn vậy – có thể cứ mãi luôn “thế này”. Em có thể chỉ cần nói chuyện với tôi như một người bạn. Nhưng chúng ta vẫn có thể vui vẻ bên nhau, và cười khi nhìn vào mắt nhau. Chúng ta có thể sống như thế mà. Và nếu em yêu một người khác – à, có thể như thế, có thể như thế. Em có thể sánh bước cùng người ta, cười với người ta, và tôi có thể đứng nơi góc phố xa xa nhìn em. Ôi, mọi chuyện đều có thể như thế nếu em mở mắt ra lần nữa! – mở mắt một lát thôi – chỉ một lát thôi! Xin em mở mắt ra nhìn tôi, như mới vừa đây thôi, em đứng trước mặt tôi, và hứa sẽ làm người vợ trung thành! Ôi, và chỉ cần qua cái nhìn đó, em sẽ hiểu ra mọi điều!...”
    Last edited by Trân; 04-10-2012 at 11:54 AM. Reason: sửa format

  2. #212
    Nhà Ngói
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    123
    Trong Chiến Tranh và Hòa Bình của Lev Tolstoy có một chương đề cập đến danh dự Trung đoàn cùa quân đội Nga Hoàng. Lúc bấy giờ, bá tước Roxtov, một chuẩn úy trong sư đoàn kỵ binh, phát hiện ra viên trung úy Telyanin đã ăn cắp túi tiền của viên chỉ huy đại đội là đại uý Denixov. Vì phẫn uất trước hành động ấy của Telyanin, Roxtov báo với trung đoàn trưởng, trước mặt nhiều sĩ quan - rằng một sĩ quan phạm tội ăn cắp

    Và, đây là phản ứng của các sĩ quan về sự việc này:

    ....

    Ngay tối hôm ấy, một cuộc thảo luận sôi nổi đã diễn ra ở nhà Denixov, giữa các sĩ quan trong quân kỵ đội.

    - Roxtov này, tôi nói là anh phải xin lỗi trung đoàn trưởng, - một viên thượng uý kỵ binh cao lớn, tóc hoa râm, nét mặt như đẽo, đã có nhiều vết nhăn, điểm thêm một bộ ria to tướng, nói với Roxtov lúc bấy giờ đang run bắn lên vì xúc động, mặt đỏ dừ.

    Thượng uý Kirxten trước đấy đã hai lần bị giáng xuống làm lính vì những trường hợp danh dự (1) và cũng đã hai lần được phục hồi cấp hiệu.

    - Tôi không cho phép một ai được nói rằng tôi nói láo, - Roxtov quát lên. - Ông ta bảo tôi nói láo, thì tôi lại bảo ông ta nói láo. Việc ấy sẽ chỉ đến thế là cùng. Ông ta có thể bắt tôi ngày nào cũng phải túc trực hay là bỏ tôi vào nhà giam, nhưng không ai bắt được tôi xin lỗi, vì rằng nếu ông ta dựa vào cương vị trung đoàn trưởng mà không chịu thoả mãn yêu cầu của tôi…

    - Nhưng khoan đã, anh bạn ơi, hẵng nghe tôi nói, - viên thượng uý cất giọng trầm trầm ngắt lời Roxtov, điềm tĩnh vân vê bộ ria. - Anh nói với trung đoàn trưởng, trước mặt nhiều sĩ quan - rằng một sĩ quan phạm tội ăn cắp…

    - Nếu lúc đó câu chuyện đã diễn ra trước mặt nhiều vĩ quan, thì đó không phải là lỗi tại tôi. Có lẽ không nên nói đến việc ấy trước mặt họ thật, nhưng tôi không phải là một nhà ngoại giao. Sở dĩ tôi đã xin gia nhập quân phiêu kỵ, là vì tôi vẫn tin rằng ở đó không cần phải xảo trá, thế mà ông ta lại bảo rằng tôi nói láo, vậy ông ta phải nhận lỗi với tôi.

    - Được tất chẳng ai bảo anh là một thằng dát, nhưng vấn đề không phải ở đó. Anh thử hỏi Denixov xem một viên chuẩn uý mà bắt trung đoàn trưởng của mình phải nhận lỗi thì có ra cái thể thống gì không?

    Denixov lắng nghe cuộc thảo luận, gương mặt tối sầm lại, vừa nghe vừa cắn ria, hẳn là không muốn xen vào. Nghe câu hỏi của viên thượng uý, Denixov lắc đầu tỏ ý phủ định.

    - Anh đem cái việc ô nhục ấy mà nói với đại tá trước mặt nhiều sĩ quan. - Viên thượng uý nói tiếp. - Bogdanyts (người ta thường gọi viên đại tá như thế) đã chỉnh cho anh đấy.

    - Ông ta không chỉnh, ông ta bảo rằng tôi nói láo.
    - Chính thế, anh đã nói bậy, bây giờ thì anh phải xin lỗi!
    - Không đời nào? Roxtov quát lên.

    - Tôi vẫn tưởng anh sẽ không xử sự như thế, - viên thượng uý nói một cách trang trọng và nghiêm khắc, - Anh không muốn xin lỗi, ấy thế mà, anh bạn ơi, không những đối với đại tá, mà đối với cả trung đoàn, đối với tất cả chúng tôi nữa anh cũng hoàn toàn có lỗi. Đây này: đáng lẽ ít ra anh phải suy nghĩ và hỏi ý kiến chúng tôi xem nên xử trí ra sao, đằng này anh lại cứ thế đem tung ra một cách đột ngột, trước mặt nhiều sĩ quan. Thế thì đại tá còn làm thế nào nữa? Phải đưa một sĩ quan ra toà để cho cả trung đoàn bị bôi nhọ à? Chỉ vì một đứa vô lại mà làm ô nhục cả một trung đoàn à? Anh cho là phải như thế à? Nhưng chúng tôi thì lại cho rằng không thể như thế được. Và hoan hô Bogdanyts, ông ta bảo anh nói láo là phải lắm. Anh mếch lòng, nhưng làm thế nào được, anh bạn ơi, chính anh tự gây ra cả. Thế mà bây giờ người ta muốn dìm câu chuyện đi, thì anh lại khí khái hão, đã không chịu xin lỗi lại còn muốn kể hết ra. Phải trực nhật, anh lấy làm uất ức, nhưng xin lỗi một vị sĩ quan nhiều tuổi và đáng kính, thì anh mất gì? Vẫn biết Bogdanyts có nhiều nhược điểm, nhưng dù sao ông cũng là một vị chỉ huy già, trung thực và dũng cảm, thế mà anh cho là uất ức, nhưng làm dơ bẩn cả binh đoàn thì anh xem như không? - Tiếng nói của viên thượng uý đã bắt đầu run. - Anh bạn này, anh vào trung đoàn này mới từ hôm qua mà thôi, hôm nay anh còn ở đây, chứ ngày mai anh đã chuyển đi một nơi nào khác làm sĩ quan phụ tá; nếu người ta bảo "Trong bọn sĩ quan Pavlograd có những thằng ăn cắp" thì anh cũng mặc kệ. Nhưng chúng tôi thì không thể dửng dưng được. Phải không Denixov? Chúng ta không thể dửng dưng được.
    Denixov vẫn im lặng ngồi yên không nhúc nhích thỉnh thoảng lại nhìn Roxtov với đôi mắt đen và sáng.

    - Anh coi trọng cái khí khái hão của anh, anh không muốn xin lỗi, - viên thượng uý nói tiếp, nhưng bọn già chúng tôi thì, lạy chúa, chúng tôi sẽ chết ở trung đoàn, cũng như chúng tôi đã lớn lên ở đây, cho nên chúng tôi rất quý danh dự của trung đoàn, và Bogdanyts cũng biết thế. Ồ, chúng tôi quý nó lắm, anh bạn ạ. Thế là không tốt, không tốt tí nào cả. Dù anh giận hay không giận, thì khi nào tôi cũng sẵn sàng nói hết sự thật. Thế là không tốt.
    Rồi viên thượng uý đứng dậy và ngoảnh mặt đi, không nhìn Roxtov nữa.

    - Đúng đấy, chứ còn quỉ gì nữa! - Denixov kêu to lên và nhảy xổm dậy - Kia, Roxtov, xem nào!
    Mặt tái nhợt đi rồi lại đỏ ửng lên, Roxtov nhìn hết viên sĩ quan này lại nhìn đến viên sĩ quan khác.
    - Không phải, các anh ạ, không phải, xin đừng tưởng rằng… tôi hiểu lắm, các anh tưởng tôi như thế là lầm… tôi… về phần tôi… tôi rất coi trọng danh dự của trung đoàn… Thì sao nào? Tôi sẽ chứng minh bằng hành động, và đối với tôi danh dự của ngọn cờ… thì đằng nào cũng thế, phải rồi, tôi có lỗi… - Chàng ứa nước mắt. - - Tôi có lỗi, tôi có lỗi hoàn toàn!… Các anh còn muốn gì nữa nào?
    - Thế mới đúng, bá tước ạ, - viên thượng uý vừa nói vừa ngoảnh lại lấy bàn tay to tướng vỗ về lên vai chàng.
    - Tôi đã bảo anh mà, - Denixov thốt lên, - cậu ấy là một chàng trai rất tốt.
    - Như thế tốt hơn, bá tước ạ, - viên thượng uý nói lại một lần nữa, nêu rõ tước vị của chàng như để khen thưởng sự nhận lỗi. - Bá tước xin lỗi đi, phải đấy.
    - Thưa các vị, việc gì tôi cũng xin làm, tôi sẽ không nói gì với ai hết, - Roxtov nói, giọng van lơn, - nhưng tôi không tài nào xin lỗi được, tôi xin thề như vậy, không tài nào xin lỗi được, các vị muốn làm gì thì làm? Làm sao tôi có thể xin lỗi, như một thằng bé con đi xin tha tội?
    Denixov bật cười.

    .....

    (1) Trường hợp danh dự nghĩa là đấu kiếm hay đấu súng

    http://vnthuquan.net/truyen/truyen.a...a3q3m3237nnn0n

  3. #213
    Trong lời giới thiệu cho tập truyện “Letters from the Underworld”, dịch giả Hogarth có lời bình luận như sau:

    “Tolstoi, cầm bức tranh mình vừa vẽ được, giơ lên cao, và thuyết minh về những bài học ông muốn gửi gắm vào từng chi tiết trong bức tranh ấy. Dostoievsky lại khác: vẽ xong bức tranh, ông để nguyên nó trên giá vẽ, rồi lẳng lặng ra khỏi phòng. Bạn có thể bước đến ngắm tranh nếu thích, và có thể nghĩ về nó theo ý bạn; chẳng có lời thuyết minh nào rằng từng chi tiết như thế này phải được hiểu như thế nào. Nếu trong bạn có lòng nhân đạo, thì tính nhân đạo của bức tranh sẽ lên tiếng với bạn; còn nếu bạn không cảm nhận được như thế - à, cũng chẳng sao. Ít ra, họa sĩ Dostoievsky không có ý định thuyết giáo cho bạn nghe, vì bản thân ông cũng mang tội lỗi như những nhân vật tội lỗi được ông khắc họa.”

    Với tôi, đó là một trong những nét hấp dẫn trong văn phong của Dostoievsky: không thuyết giáo, không khuyên răn, không giải thích, không “định hướng” cho độc giả.

    Có người nói rằng, thời buổi tất bật, ai rỗi rãi đâu mà đọc xong còn phải ngẫm nghĩ, mệt quá, ý tứ là gì thì viết rõ ra, giải thích rõ ra đầu cua tai nheo, cho người ta đọc rồi hiểu ngay giùm cái!

    Tôi lại thấy, cái “mệt” khi đọc văn của Dostoievsky giống cái mệt khi leo núi của những người chinh phục đỉnh cao vì thú vui. Nó khác với cái mệt khi đọc loại văn dông dài và tầm phào, vốn giống cái mệt của người è cổ đạp xe ba gác chất đầy hàng dưới cái nắng chang chang. Văn của một người lắm lời là loại văn nhiều chuyện, với một đống ngôn từ thừa thãi nối tiếp nhau như những lời lải nhải mãi không dứt của một gã say rượu. Còn nếu nói rằng văn của Dostoievsky cũng “dông dài”, tôi nghĩ lời nhận xét ấy không luôn luôn đúng. Trong nhiều trường hợp, văn Dostoievsky tuy dài nhưng không dai, chẳng qua ông chỉ nói rất sâu về một chuyện.

    Thế rồi, khi những người khác nhau, đọc truyện của Dostoievsky, đã có những cách hiểu hơi khác hoặc rất khác nhau, âu đó cũng là chuyện rất dễ xảy ra, và bản thân tác giả có lẽ không hề lo ngại nó xảy ra… Tôi đoán vậy.
    dựa cây cong

  4. #214
    Khi người đàn ông lải nhải


    Hoàn thành phần chuyển ngữ cho hai tác phẩm đã đăng của Fyodor Dostoevsky, tôi cùng người cộng sự của mình – tức là Trân – lại có dịp tìm hiểu một tác phẩm khác của cùng tác giả: “Letters from the Underworld”.

    Truyện này khó xơi hơn hai truyện kia. Khó xơi ở chỗ, đọc mãi không thấy tình tiết ly kỳ nào, chỉ thấy lời văn dông dài nhắc đi nhắc lại mãi một chuyện, như một người nói dai. Và khó xơi ở chỗ, những lời lải nhải ấy nhắc đến những khái niệm không lạ nhưng từ một góc độ rất lạ, từ một góc độ mà chắc chỉ có người rất rảnh rỗi và rất cô độc mới có thời gian ngẫm nghĩ như vậy.

    Thế nên, truyện này mà dịch theo kiểu thấy sao dịch vậy, thấy chữ nào dịch chữ đó, thì khi đọc lại, thấy hao hao giống google dịch, chả hiểu ý muốn nói gì.

    Đọc cỡ hai mươi trang đầu, tôi thầm nghĩ, quái lạ, sao trong truyện này, FD hay Hogarth là người quá thừa thãi ngôn từ thế nhỉ? Rất nhiều chỗ có thể nói ngắn gọn hơn, và chỉ cần nói một lần thôi, cớ sao cứ nhắc đi nhắc lại?

    Rồi, đọc đến gần hết chương đầu tiên, tôi mới “à” ra một tiếng, mới hiểu, thì ra đó là sự cố ý của tác giả. Vì văn trong truyện là lời kể chuyện của một nhân vật có đặc điểm nói dài, nói dai. Dài, dai, nhưng không dở chút nào - ít ra theo tôi là vậy. Nhân vật không vui, thậm chí rất buồn bực, nhưng hoàn toàn không than vãn, không ủ ê, mà trái lại, cách nói có những chỗ hóm hỉnh rất lạ lùng.

    Nếu so với hai truyện kia của FD (“The landlady” và “The Gentle Maiden”), người ta sẽ nhận thấy ở truyện “Letters from the Underworld” này một sự tương đồng, đó là đều có một nhân vật cô độc và cô đơn.

    Bên cạnh đó, các truyện này có những nét khác nhau. “Letters from the Underworld” không có sự đơn giản trong nội dung suy tưởng của nhân vật (cũng là lời văn của truyện) như “The Gentle Maiden”. Người đàn ông trong “Letters from the Underworld” có suy nghĩ phức tạp hơn, nghĩ rất nhiều về các quy luật của tự nhiên, quy luật của cuộc sống, chứ không chỉ nghĩ về người vợ yêu quý của mình như người đàn ông trong “The Gentle Maiden”. “Letters from the Underworld” không có những lời văn điệu đà như “The landlady”. Vì lời văn trong “Letters from the Underworld” hoàn toàn là những lời nói ra từ miệng – chính xác hơn là viết ra từ tay – của một người đàn ông không “điệu”, một người đã trải qua bốn mươi năm cuộc đời không đẹp.

    Có lẽ vì vậy, khi dịch “Letters from the Underworld” sang tiếng Việt, người nào có văn phong điệu đà hoa mỹ sẽ chẳng có đất để “điệu”, nếu điệu quá sẽ không thổi đúng cái hồn vào tác phẩm, mà làm cho tác phẩm bị biến thành một kiểu khác, lạc điệu. Cũng không thể dùng văn phong nhu mì để chuyển ngữ cho những lời văn trong truyện này, vì nhân vật trong truyện dùng lời lẽ cứng và đôi khi còn như cố ý chọc tức thiên hạ.

    Nên tôi trộm nghĩ, những cây bút với văn phong mạnh và gọn trong phố này, như anh Ốc, anh Súng, anh Quít chẳng hạn, mà dịch truyện “Letters from the Underworld”, có khi sẽ hay. Còn những giọng văn ẻo lả của đàn bà chúng em, có khi gặp nhiều hạn chế trong việc viết lại lời một người đàn ông kỳ khôi như thế này.

    Tuy nhiên, tôi vẫn tò mò muốn đi theo, nghe ông ta lải nhải đến cùng, và xem “văn đàn bà” có thể cùng ông ta lải nhải được đến thế nào.
    dựa cây cong

  5. #215
    Nhà Ngói
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    123
    Quote:

    "Và khó xơi ở chỗ, những lời lải nhải ấy nhắc đến những khái niệm không lạ nhưng từ một góc độ rất lạ, từ một góc độ mà chắc chỉ có người rất rảnh rỗi và rất cô độc mới có thời gian ngẫm nghĩ như vậy."


    “Ổng” mang hết sâu bọ, chú chuột đến bức tường, bệnh sâu răng để lải nhải, làm mình mệt bở cả hơi tai… (

    Xin cám ơn Gió đã viết “Khi người đàn ông lải nhải ” nhé.
    Last edited by Trân; 07-29-2012 at 07:46 AM.

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 08:23 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh