Đời Sống Người Già ở Mỹ
HOÀNH NGUYỄN

Năm mới đến Mỹ (1996), tôi có viết bài "Những Nhận Định Khác Nhau về Cuộc Sống" đăng trên báo Việt Ngữ ở Sacramento. Đó là nguyên do từ một câu nói của một người bạn học ở Sacramento College:

"Nước Mỹ là thiên đường của tuổi thơ.
Là chiến trường của thanh niên.
Là địa ngục của người già”.


Lúc bấy giờ tôi cũng như người bạn tỵ nạn chánh trị, do chưa hội nhập vào cuộc sống mới lạ của xứ người nên có nhận định không chính xác lắm.

Mười năm sau, tôi đủ tuổi 65, nên xin được nhà ở chung cư người già: "Eskaton President Thomas Jefferson Manor". Chung cư nầy, nằm ở phía Nam Sacramento, gần khu thương mại Florin Mall, trung tâm Medica và Thư viện.

Khu chung cư tôi cư ngụ có tổng cộng là 104 căn phòng cho từng hộ riêng biệt (mà người ta gọi là Apartment, viết tắt là Apt) nằm trong một nhà lớn 2 tầng. Tầng trên 52 Apt, tầng dưới 52 Apt. Nhừng hộ sống ở trong Apt nầy đa số là người Mỹ Trắng, một số Mỹ đen, có khoảng chục cặp người Tàu và chừng 9,10 người Việt Nam.

Sống ở chung cư người già nầy có đủ thành phần trong xã hội. Có người là dược sĩ, có người là cựu quân nhân làm đến tướng, tá, có người là công chức, thương gia... Đa số những người ở đây lãnh trợ cấp Worker hưu trí, còn lại là lãnh tiền người già...

Chung quanh khu nhà lớn nầy là vườn hoa, có hàng rào sơn trắng bao bọc. Có đường đi bộ, có đường cho xe chạy và nhà để xe, có nhân viên giữ gìn an ninh ngày lẫn đêm (24/24). Cứ mỗi sáng, trước 12 giờ trưa thì nhân viên đi rảo kiểm soát một vòng những Apt. Họ xem coi những vị cao niên nầy có khỏe mạnh không? Nhờ qua cái nút dấu hiệu mà họ cài tối hôm qua trước cửa mỗi Apt. Nếu cái hiệu đèn trắng thì khỏe mạnh không có gì đáng lo ngại. Nếú cái đèn hiệu vẫn còn nguyên màu đỏ, thì nhân viên kiểm soát sẽ gõ cửa hỏi thăm. Nếu không ai trả lời thì họ sẽ tự động mở cửa vào xem.

Những căn Apt độc thân cho một người ở trong chung cư người già tiện nghi cũng giống như những Apt một phòng, của tư nhân cho mướn bên ngoài. Có phòng ngủ, phòng khách và nhà bếp phân biệt rộng rải, gọn gàn. Phía trước Apt có cửa lớn ra vào, phía sau có cửa sổ để không khí tươi mát thông thương vào bên trong và cũng để cho chủ nhân ngắm nhìn trời mây, hoặc xe cộ qua lại trên đường bên ngoài... Đặc biệt, trong nhà tắm, gần nhà bếp, phòng ngủ, phòng khách, có nút báo động trực tiếp với văn phòng nhân viên thường trực trong chung cư. Để khi những khi gặp trường hợp bất ngờ như: bị té, bị bịnh... cần được cấp cứu ngay.

Hàng ngày, những người sống trong chung cư có thể đến phòng khách chung để uống trà, cà-phê, xem truyền hình, đánh lô-tô, đô-mi-nô, đánh bi-da... giải trí. Có phòng thể dục, có phòng xem sách báo và dùng máy vi tính. Hàng tuần có nhân viên dạy ESL, dạy Sittercise môn thể dục ngồi cho người già yếu. Có phòng hớt tóc cho nam nữ. Cả hai tầng đều có phòng giặt đồ, có chỗ chứa rác rất vệ sinh và sạch sẽ. Có cái giữ đồ kho nhỏ riêng biệt cho mỗi hộ.

Mỗi tuần 2 lần có xe chở đi chợ mua cá thịt, rau cải, gia vị... nấu ăn. Và đi chợ để mua những đồ dùng cá nhân như: áo quần, giầy dép, xà bông... Trong các ngày lễ lớn, ngày Tết... trong chung cư có đãi tiệc, tặng quà, sổ số, chiếu phim, ca nhạc...

Khi có thân nhân hoặc bạn bè đến thì phải qua an ninh ngoài cổng chánh của chung cư hỏi và liên lạc xem chủ nhân có bằng lòng tiếp không, thì những người viếng thăm mới được vào.

QUAN SÁT VÀ SUY NGẪM CUỘC SỐNG Ở Mỹ, TA SẼ HIỂU ĐƯỢC TẠI SAO NGƯỜI GIÀ THÍCH VÀO Ở CHUNG CƯ MÀ KHÔNG Ở NHÀ NGOÀI VỚI CON CHÁU.

* Trước hết là được chăm sóc chu đáo, đầy đủ mà không nhiều tốn kém. Có bạn bè cao niên để tâm tình, nhứt là yên tĩnh rất thích hợp với tuổi già.

* Ở nhà ngoài con cái bận đi làm. Mướn người giúp việc săn sóc cũng không bằng. Nếu có cháu chắc thì ồn ào, bận bịu...

* Người sống trong chung cư được đi thăm con cháu, được ra vào tự do... Chỉ cần báo cho văn phòng biết nếu mình đi nhiều ngày.

Tôi đã sống hơn 3 năm trong chung cư người già. Lúc ban đầu tôi cũng cảm thấy lẻ loi buồn tủi, cũng lo sợ về an ninh và bịnh cao áp huyết của mình, về sau quen dần, thì tôi lại rất thích thú chẳng muốn di chuyển đi đâu.

Cái thoải mái nhứt của tôi ở đây là được tự do. Tôi muốn làm gì tùy theo ý của mình từ ăn uống cho đến đi lại không phải bị gò bó... Cho dù có sống với con cái cũng không có được như vậy. Tuy nhiên đôi lúc tôi nhận thấy nhạc sĩ Trịnh Hưng rất có lý khi nói lên cảnh sống độc thân của mình qua những câu thơ của ông mà tôi nhớ lõm bõm:

“Một mình nấu, một mình ăn
Một mình mình nói, một mình mình nghe
Một mình nhiều lúc cười khì
Hai mình có phải diệu kỳ hơn không?”


Phước duyên thay cho những ai có bạn tri âm. Nếu không thì đừng mang gông vào cổ, mà chắc lưỡi hối tiếc thốt lên những lời: "Nước Mỹ chỉ là địa ngục của người già". Như đã có nhiều người tự ti, mặc cảm và hoang tưởng quá đáng.

Chuyện trên diễn đàn Internet mới đây. Có một cụ 92 tuổi động lòng cố quốc, tuyên bố về Việt Nam ở luôn. Nhưng chỉ đôi năm sau trở lại Mỹ để có phương tiện điều trị bịnh. Cụ phải vào sống trong Nursing Home để được bác sĩ và y tá trực tiếp mỗi ngày điều trị, khỏi tốn tiền cho thân nhân. Bịnh nặng, nên cũng đành ngậm ngùi với 2 câu thơ:

“Muôn dậm hồn thiêng về cố quốc
Trăm năm xương trắng gởi xứ người”

Tiền trợ cấp xã hội cho người già, hoặc bịnh tại nước Mỹ cũng được chiết tính vừa đủ. Nếu lỡ vướng mắc nợ hoặc làm mất hoặc hư đồ có giá trị của ngưòi khác thì theo luật pháp mỗi tháng phải trả dần $50.

Mức thu nhập lương hàng tháng của tiểu bang California, cao nhứt là 836 Mỹ kim cho người già. Theo chiết tính bình dân thì có:

200$ tiền nhà. - 200$ tiền bảo hiểm xe và xăng. - 100$ tiền điện thoại và Internet. - 200$ tiền ăn. - 100$ tiền mua sắm.

Như vậy là vừa đủ lương. Khi xe hư, hay muốn đổi xe khác phải chi đến đôi ba ngàn đô-la thì đó là việc suy tính đau đầu.

Những người ở chung với con cháu, không phải trả những thứ linh tinh trên như ở nhà người già thì có tiền dư, để hàng năm đi du lịch thăm cố hương (đó cũng là du lịch ngoại luật), hoặc gởi tiền về cho họ hàng bên nhà.

Về vấn đề hậu sự cũng là một nỗi nặng lo. Nếu muốn được giữ tro cốt và làm tục lễ cho phần hồn thì phí tổn phải trên dưới 5 ngàn đô-la. Còn ai qua đời trong chung cư người già mà không có người thừa nhận thì Sỡ xã hội sẽ thiêu hủy hài cốt.

Nếu là những người già hẩm hiu ngoại quốc, không có thân nhân ở nước Mỹ. Nếu là người Việt Nam còn con cái họ hàng sống bên đó. Nếu thân nhân không thông hiểu, cứ than thở, thúc bách tiền bạc, thì thật là tội nghiệp eho cuộc đời xa xứ, cô độc bơ vơ khi gặp bịnh hoạn ở tụổi về chiều.