Register
Page 31 of 33 FirstFirst ... 212930313233 LastLast
Results 301 to 310 of 323
  1. #301
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,563
    Còn LBGT thì gọi là "quý ..." gì đây ta
    Nên gọi là "Quý Mẫu tự" hay "Quý Phụ âm"?

    Anh Phúc thì gọi là "lờ bờ gờ tờ".

  2. #302
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365



    Kính thưa quý ông, kính thưa quý bà, kính thưa quý con nít = Kính thưa quý vị!

    (Khỏi phát giải)
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  3. #303
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    ****
    Hôm nay vẫn chưa dán được hình "All Gender" toa lét nên phải nói qua chuyện khác. Chờ khi nào dán được hình sẽ nói tiếp chuyện toa lét thời a còng (không phải chử Hán việt). Mần vậy mới đặng lòng người đọc vì nói phải có sách mách phải có hình minh họa đình huỳnh.

    Chuyện hôm nay là vầy, bữa qua tôi coi bộ phim Việt có nội dung xoay quanh mấy chuyện vớ vẩn trong nhà của ông Cả giầu tiền nhiều vợ, dưới thời phong kiến. Ông Cả này có ba bà vợ và được xếp đặt vào các vị trí chiến lược như sau: vợ cả, vợ hai, vợ ba. Mỗi bà được ông cấp cho một căn phòng riêng biệt để thao tác các sanh hoạt riêng tây thường nhựt. Phòng của bà nào thì bà nấy mần chủ. Bà khác muốn vào là phải được bà có chủ quyền căn phòng cho phép. Chứ không có việc làm chủ tập thể, ai muốn vào muốn ra luông tuồng như cái đình làng ngoài ngõ. Dĩ nhiên là ông kia quản lý mọi phòng và là lãnh đạo tối cao của ba bà kia gồi.

    Cũng dĩ nhiên, là ba bà được ông cưng chiều theo thời vụ. Bữa nào vui thì ông vào phòng bà này. Bữa nào bụng dạ hổng vui thì ông qua phòng bà khác. Nói chung là ông có nhiều lựa chọn. Hình như sách có câu "lắm mối tối nằm không" nhưng ông cả này thì chả nằm không bữa nào. Thì như làm vậy mới hay là thế gian cái gì cũng có ngoại lệ. Ba bà này khi giao lưu với nhau thì gọi người đối thoại là chị cả, chị hai hoặc là em hai em ba. Còn dám đầy tớ trong nhà thì được chỉ đạo triệt để gọi là bà cả, bà hai, bà ba. Đứa nào gọi lộn là khốn nạn ngay tại chỗ.

    Kịch bản trong phim lấy bối cảnh tại Cần thơ vào những năm 192x (?). Chuyện phim thì cũng như bao phim về tục lệ nhiều vợ khác là gồm có nhiều vụ ghen tương, giận hờn, mưu mô quỷ quyệt giữa phe nhóm này với phe nhóm khác. Nói chung là người xem có thể tiên đoán được những tình huống có khả năng tiếp nối nhau ra răng.

    Nhưng, nói chả phải khoe, là qua bộ phim này thì tôi phát hiện ra một chiện. Chiện này nhớn nhỏ tùy theo lòng dạ của người đọc. Chiện này có thể tháo gỡ đặng cái lấn cấn, thắc mắc về việc người trong Nam gọi trưởng giai trưởng gái là Hai. Chị hai, anh hai. Chứ không là anh cả, chị cả như người ngoài Bắc. Tại răng, trong Nam, có "ông cả", "bà cả", "chị cả" mà thiếu "anh cả"? Có nhẽ, là để cải số vì đờn ông có vị thế "cả" thì thường nhiều vợ. Nói giả dụ như "ông cả" trong bộ phim này.

    Chắc là vậy gồi?
    Đỗ thành Đậu

  4. #304
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365


    Dân Nam kỳ thì dùng chữ bà lớn bà bé.

    Dân "gian" có câu:

    Gái chính chuyên một phòng!

    Làm gì có nhiều phòng cho ông lớn, ông bé để mà xưng hô.
    Không tin xếp hàng hỏi Lú tiền bối ở nơi nhà Xô bắt đầu.

    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  5. #305
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431
    Khỏi cái mà bán cái (tỉnh bơ) đâu ông thần. Tác giả có viết ra câu "trademark" rõ ràng bên trên, là: "Lắm mối, tối nằm không" đó nha.

    Còn cái vụ đổi từ "anh thầy" tới "anh cả" ra "anh Hai" để khỏi bị "có huông" là thật nhưng nó hổng áp phê mấy.

    Tui thấy tận mắt qua rồi. Hồi nhỏ, ở xóm tui có ông kia đổi từ Cả qua Hai, rồi vẫn cứ bị "dính" hoài; mỗi lần như vậy, ổng lại phải đổi - đổi tới (thứ) Năm luôn mà cũng chạy hổng khỏi...
    Tội nghiệp lắm!

    Nghe nói sau này ổng phải mua xe, mua cộ gì đó mới đỡ đỡ chút xíu. Ai hổng tin vô Net kiếm phim "The Birds" (có "S") của Alfred Hitchcock coi đi.
    Last edited by XXG; 02-21-2020 at 04:53 PM.

  6. #306
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    Cười cái cho vui


    Đỗ thành Đậu

  7. #307
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    **
    Cười nữa nghen

    ---

    Đỗ thành Đậu

  8. #308
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    Cuối tuần này, hy vong, mấy tiệm hớt tóc trong xóm em được mở cửa giở lại. Em mong sự này còn hơn mong mẹ về chợ. Chứ có tí tuổi gồi thì đời cũng bớt sự vui đi. Ra tiệm hớt tóc nghe lóm chuyện thiên hạ thì cũng là một sự vui trong những sự vui còn lợi. Nói nào ngay, mấy tháng nay, em nằm bẹp ở nhà thì lòng dạ cũng nhớ người dưng thấy mồ.

    Đỗ thành Đậu

  9. #309
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    +++

    Bữa nay đọc lóm được bài này. Tình tiết trong bài nghe quen quen.
    -----------

    MỌI!

    June 15, 2020
    Share on Facebook Tweet on Twitter

    “Không biết đến bao giờ cái văn hóa khinh thường, miệt thị và phân biệt chủng tộc nơi người Việt mới thực sự bị xóa bỏ và lên án. Bởi vì, chỉ khi ấy, dân tộc Việt mới thực sự hội nhập vào thế giới văn minh và nhân bản!”.

    Ngày giáp Noël 2019, từ Paris, tôi vội vã chuẩn bị lái về lại Lausanne để kịp đón lễ Giáng sinh với gia đình. Tôi tạt vào Quận 13 để mua ít đồ ăn. Tháng 12, thời tiết chỉ hơi se lạnh. Đứng xếp hàng dài cũng độ cả chục thước để mua vài ổ bánh mì thịt. Người đông lại gặp ngay giờ trưa nên khu phố chợ Châu Á tấp nập hơn bao giờ hết.

    Đang rầu rĩ vì cũng đợi khá lâu mà vẫn chưa thấy nhúc nhích bao nhiêu, bất chợt nghe một giọng phụ nữ hét lên:
    – Coi chừng thằng mọi nó giả bộ giành chỗ đó!

    Tôi giật mình, nhìn lên thì thấy một chàng thanh niên gốc Phi châu đang nhón chân nhìn vào trong tiệm, như thể đang tìm kiếm gì đó hoặc chỉ xem phía bên trong có đông người không. Anh ta mới đến, có lẽ nóng ruột nên mới chạy tuốt lên phía trên để nhòm ngó. Vẫn giọng nói của người phụ nữ ấy:
    – Mấy thằng đen nó lưu manh lắm, không chịu xếp hàng lại muốn giành chỗ.

    Tôi ngó lại phía sau, cách tôi hai người, là một chị chừng ngoài 50, vẫn đang chỉ trỏ về phía anh chàng kia, dẫu anh ta đã bỏ đi, không đợi nữa. Tôi nói với chị:
    – Trời, thời buổi này mà còn đen với mọi gì nữa chị!

    Chị ta khẽ lườm nguýt nhìn tôi, rồi buột miệng:
    – Mọi thì nói mọi chứ sao?

    Tôi lắc đầu, bỏ cuộc, không nói gì nữa nhưng tự dưng cảm thấy buồn và không vui. Nhiều người xếp hàng, Việt có, Tàu có, Miên có, Tây cũng có. Cái thành phố này, cái xứ sở này và cả Châu Âu này đã trở nên đa văn hóa và đa chủng tộc tự bao giờ nhưng đâu đó vẫn còn những ánh mắt, những nhận xét kỳ thị như thế. Cái từ “mọi” nó có vẻ quá dễ dàng để người ta thốt nên lời!

    Có lần, trong xe buýt tại Lausanne, ngồi phía sau, tôi thấy một bé gái, chừng 5, 6 tuổi, chạy ào về phía có chỗ trống. Lập tức, giọng người mẹ la lên:
    – Tới đây con, không ngồi gần tụi Chà, tụi nó hôi lắm!

    Con bé ngơ ngác, chắc không hiểu hết ý mẹ nó nói, nhưng cũng chạy về phía mẹ nó, một chị người Việt Nam.

    “Tụi Chà”, chị ta ám chỉ những người Tamoul, đến từ Sri Lanka. Trong những năm 80 và 90, cuộc nội chiến tại Sri Lanka đã khiến cho hơn 40 ngàn người Hổ Tamoul xin tỵ nạn chính trị tại Thuỵ Sĩ. Người Tamoul đông và làm nhiều nghề tay chân nặng nhọc. Chỉ có họ, chứ hiếm người Ấn Độ hay Pakistan lập nghiệp tại đây. Nhiều người Việt vẫn đánh đồng người Tamoul với người Ấn, tức người “Chà Và” và vẫn xem thường sắc dân “ăn cà ri hôi rình” và chỉ biết “lau chùi cầu tiêu” nhà hàng…

    Cũng như không biết bao nhiêu lần, khi trò chuyện với những người Việt trong cộng đồng, thậm chí với những người bạn, họ vẫn thường có những suy nghĩ rất lạ lùng. Thậm chí, họ còn huyên thuyên giảng dạy cho con cái họ là đừng chơi với “bọn da đen” ở trường vì “chúng nó ngu, dốt và lười lắm”. Còn “bọn Rệp” thì thôi khỏi nói, toàn là bọn khủng bố cực đoan và cũng lại… ngu dốt nên cũng cần phải tránh xa, không giao du với chúng!

    Có lần nọ, đã lâu, khi tôi chưa tham gia sinh hoạt cộng đồng, có đi theo vài người bạn đến ăn cơm tối tại một nhà hàng Việt. Khi chúng tôi vào, bà chủ quán nhìn anh bạn của tôi và nói lớn:
    – Dữ chưa, hôm nay dẫn thằng mọi nào tới vậy?
    Tôi hiểu liền, nên nói:
    – Chào cô
    Bà chủ quán đớ người, chỉ tôi hỏi:
    – Ủa, da đen biết nói tiếng Việt hả?

    Anh bạn tôi vội vàng giải thích. Cô chủ quán buột miệng xin lỗi và cố giải thích vì nhìn thấy tôi “đen giống tụi da đen quá”!

    Dường như cứ là người Việt là cần phải cố tình kỳ thị và phân biệt chủng tộc cho bằng được, cho giống người ta, giống người da trắng thượng đẳng.

    Người Việt thì phải chia ngôi, chia thứ cho ra lẽ: bọn da trắng trước, mà phải là da trắng kiểu Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Úc…, chứ kiểu Nam Tư (cũ), Bồ Đào Nha thì cũng chẳng ra gì. Sau đó đến Nhật, Đại Hàn.

    Người Việt hẳn nhiên phải hơn hẳn các sắc dân còn lại: Đen, Rệp, Chệch, Chà, Thổ… Đó là điều rõ ràng, không thể tranh cãi. Người mình thông minh hơn, cần cù hơn, lương thiện hơn. Tóm lại, cái gì cũng nhất cả, chỉ chịu sau mỗi bọn da trắng và da vàng kia thôi.

    Cho nên, từ nhỏ, khi xem phim, con nít đã cứ tha hồ “Bọn mọi da đen” hay “Mọi da đỏ” này nọ. Từ “thổ dân” thì chẳng mấy ai sử dụng. Thời xưa cổ hủ, cố chấp thì “Me Tây”, “Me Mỹ”, rồi “Chệch”, rồi “Chà” thế nhưng ngày nay, khi biên giới giữa các quốc gia đang dần dần bị xóa bỏ, khi con người có nhu cầu sinh sống, làm việc hay lập nghiệp khắp nơi trên thế giới thì nhiều người Việt vẫn còn mang nặng tư tưởng kỳ thị các sắc dân da màu khác.

    Trong những cuộc tranh luận mỗi khi có bầu cử tại Thụy Sĩ hay Pháp, không hiếm người Việt hồ hởi cho rằng phải bỏ phiếu cho các đảng cực hữu để họ tống cổ bọn “Mọi” và “Rệp” về nước của họ! Họ cố tình không muốn hiểu đó là những người có quốc tịch thậm chí sinh ra và trưởng thành tại đây từ hai hay ba thế hệ.

    Cứ như thể chỉ có người Việt là xứng đáng được có quốc tịch và là những công dân gương mẫu.

    Nếu như trong tiếng Pháp có từ “négro” bị xem như là một sự xúc phạm, kỳ thị người da đen thì người Việt cũng có từ “mọi”. Tuy nhiên, tại Pháp hay Thụy Sĩ, những ai buộc miệng nói lên từ này đều bị lên án và có thậm chí có thể bị phạt thì người Việt mình vẫn còn “vô tư” chế giễu hay kỳ thị người da đen một cách thoải mái, không ngại bị phạt gì cả.
    Trong nước cũng thế, bên ngoài cũng vậy, cứ tha hồ “mọi” này, “mọi” kia bằng tiếng Việt với nhau, rồi cười ầm cả nhà khoái chí vì tự cho mình “thượng đẳng” hơn kẻ khác.

    Thế cho nên mới có chuyện ông cựu Tổng thống Mỹ Obama bị nhiều người Việt, không chỉ riêng bên Mỹ, mà cả tại Việt Nam, buông lời miệt thị nặng nề. Dĩ nhiên, chê bai hay phản biện lại những thành tựu hay những hậu quả của ông ta đã để lại cho nước Mỹ vượt quá khả năng hiểu biết của họ nên họ chỉ nhắm vào cái dễ nhất, cái bắt mắt nhất: màu da đen của ông ta.

    Không quá khó để tìm thấy những lòi chửi rủa đậm tính chất kỳ thị sắc tộc đối với vợ chồng ông. Nào “mọi”, nào “man rợ”, nào “rừng rú” hay “đười ươi”. Thậm chí nhiều kẻ vẫn không ngượng khi rêu rao những lập luận bệnh hoạn của các nhóm cực đoan da trắng khi cho rằng máu của ông Obama không phải là máu tinh khiết thuần trắng và siêu việt!

    Họ phấn khởi chuyền cho nhau tấm ảnh ông Obama gác chân lên bàn làm việc khi trao đổi với các cộng sự và cho rằng đó là “Chó Nhảy Bàn Độc” nhằm hạ uy tín ông ta cũng như chứng minh rằng “mọi” thì vẫn là “mọi” dẫu có làm Tổng thống đi chăng nữa. Có người còn mạnh miệng chửi cựu tổng thống Obama bằng những ngôn từ thô tục nhất “thằng chó đẻ da đen mọi rợ”.

    Tuy nhiên, họ cố tình quên rằng, nhiều vị tổng thống da trắng khác cũng có tác phong như thế khi làm việc. Có lẽ, họ sẽ biện minh rằng đó mới chính là cái uy, cái dũng của một vị tổng thống một cường quốc!

    Khó có thể hình dung những lời chửi rủa mang tính chất kỳ thị chủng tộc như thế lại có thể tồn tại và không bị trừng phạt ngay tại Mỹ hay nhiều nước Phương Tây. Tiếc thay, đó lại là sự thật. Tiếng Việt là ngôn ngữ của một thiểu số và nó chỉ tồn tại quanh quẩn giữa những người Việt với nhau. Họ tha hồ chửi rủa, tha hồ miệt thị những sắc dân khác bằng tiếng Việt.

    Không ai hiểu, không ai lên án, không ai tố cáo họ. Nhưng qua đó, có một sự thật khác khiến chúng ta không thể chối bỏ, đó là người Việt chúng ta, dẫu ở đâu đi chăng nữa, vẫn chỉ là một sắc dân không hội nhập với người bản xứ. Cứ đóng cửa chơi với nhau, chửi bới nhau, kỳ thị nhau, đố ai biết được!

    Ông Tedros Adhanom, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bị nhiều chỉ trích, chê bai vì cách quản lý, điều hành kém cỏi trong vụ đại dịch Coronavirus, là điều hiển nhiên. Ông ta và WHO đã quá lệ thuộc vào Trung Cộng nên bị dư luận nguyền rủa. Nhưng thay vì phản biện một cách khoa học thì nhiều người Việt không ngừng ngại mắng mỏ “thằng mọi này” hay “thằng mọi kia” bao giờ từ chức? Cứ như thể là da màu, nhất là da đen thì không thể nào nắm giữ những chức vụ quan trọng.

    Cụ Phan Châu Trinh từng viết: “Dân tộc nước Nam, trên lịch sử, có hai đặc tính cực đoan phản đối nhau: một là đặc tính bài ngoại và ỷ ngoại; hai là đặc tính tự tôn và tự ti. Hai đặc tính đó sẵn ở quốc dân, trong não mọi người. Mỗi cái nhân thời thế, địa vị của nó mà phát hiện, rồi trong khi phát hiện lại đều đi tới cực đoan, lại khi đã tới cực đoan, mỗi cái đều giữ lý do, chuyên cậy vào tập quán, lợi hại đều bị che lấp không thấy”.

    Thật vậy, cực đoan bài ngoại và ỷ ngoại. “Bài” tất cả những gì mà ta cho rằng yếu kém, hạ đẳng, rừng rú, man di, mọi rợ. “Ỷ” lại những gì ta cho là siêu việt, thượng đẳng và tiến bộ. Hai đặc tính ấy đã trở thành một phần máu mủ tạo nên cá tính con người mình. Khi đã ở hai thái cực của sự cực đoan thì hệ quả tiếp theo là tính tự tôn và tự ti.

    Chỉ có thế mới khiến người Việt luôn ở trong trạng thái sợ bị so sánh, nhòm ngó và bằng mọi giá phải chứng tỏ cho thế giới biết rằng mình còn “hơn cả khối người” trong thiên hạ. Cái tâm lý thà bị “da trắng” đè đầu, cưỡi cổ còn hơn bị “da màu” vượt mặt khiến người Việt trở nên kỳ thị các sắc dân khác hơn bao giờ hết.

    Đó chắc chắn là tâm lý tự ti của không ít người Việt “bỗng dưng” bị một anh “da đen” lại còn “Hồi giáo” (theo các thuyết âm mưu) làm Tổng thống Hoa Kỳ, cả hai nhiệm kỳ. Đối với họ, đó là một sự “xúc phạm” không thể nào chấp nhận.

    Khổ nổi, nhiều người Việt, xem như thể họ có quyền kỳ thị và phân biệt chủng tộc với thế giới còn lại. Họ cho rằng đó là điều hiển nhiên, đó là quy luật tự nhiên. Họ không chịu hiểu rằng nhân loại đã phải tranh đấu nhiều vì công bằng và công lý cho mọi sắc tộc.

    Từ Rosa Parks đến Martin Luther King hay Tommie Smith và John Carlos đến Nelson Mandela, nước Mỹ và thế giới tiến bộ đã biết sửa đổi những sai lầm. Họ trung thực và can đảm chấp nhận những lầm lỗi. Người Việt dường như vẫn chưa hiểu hết được sự nguy hiểm và mức độ tàn bạo của sự phân biệt chủng tộc trong lịch sử nhân loại. Họ vẫn vô tình hay cố tình cổ súy cho chủ nghĩa vị chủng và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dẫu suy cho cùng dân tộc Việt vẫn chỉ là một dân tộc nhỏ bé, nhược tiểu, vẫn chưa có đóng góp quan trọng nào cho nhân loại cả!

    Sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc vẫn là một đề tài nhạy cảm. Khó có thể ngăn cấm hoàn toàn những suy nghĩ thầm kín của con người, nhất khi nó thuộc về bản năng. Ngày nay, những làn sóng bài ngoại, chủ nghĩa dân tộc cực đoan hô hào tính thượng đẳng của người da trắng đang dần dần trỗi dậy tại các quốc gia Phương Tây. Tuy chỉ là thiểu số nhưng đó là những tín hiệu nguy hiểm cho sự rạn nứt, có thể xảy ra, của những xã hội đa văn hóa và đa chủng tộc.

    Chỉ có sự giáo dục nghiêm túc từ nhà trường đến gia đình mới giúp cho các thế hệ trẻ đồng cảm với những nỗi thống khổ của các sắc dân khác, từ đó xây dựng một xã hội nhân bản, nơi sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc phải bị tẩy chay và lên án. Đó chính là sự quan tâm và mục tiêu hàng đầu của các chính phủ để tránh lặp lại những sai lầm tai hại trong quá khứ.

    Tiếc thay, dường như đó chưa bao giờ là ý tưởng và mục tiêu giáo dục chung của người Việt.

    Và không biết đến bao giờ cái văn hóa khinh thường, miệt thị và phân biệt chủng tộc nơi người Việt mới thực sự bị xóa bỏ và lên án.
    Bởi vì, chỉ khi ấy, dân tộc Việt mới thực sự hội nhập vào thế giới văn minh và nhân bản!

    Lâm Bình Duy Nhiên, từ Lausanne (Thụy Sĩ) – Ngày 23-5-2020

    Đọc ở đây

    https://www.baocalitoday.com/doc-bao-ban/moi.html
    Đỗ thành Đậu

  10. #310
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    ++
    Đọc lóm. Thấy hay. Ghi lại.
    ---
    Suy nghĩ của một người Mỹ gốc Việt về Black History Month

    Nikki Chau
    Gửi tới BBC từ California, Hoa Kỳ
    28 tháng 2 2019

    Với một người Mỹ gốc Việt như tôi, Black History Month (Tháng Lịch Sử Người Da Đen) có nghĩa gì?

    Các từ "Da đen", "Người Mỹ gốc Phi châu", và "Người Mỹ gốc Việt," tự chúng đã là các tên gọi nặng nề. Ngay cả khi được sử dụng chỉ để đòi lại căn cước và phẩm giá, chúng vẫn đầy rẫy sự phân chia chủng tộc, dù là thời nay hay trong quá khứ. Suy ngẫm về lịch sử người da đen, làm sao tôi có thể vượt qua cái hậu quả dã man của sức tưởng tượng và các chính sách của người da trắng Châu Âu đã bắt rễ từ hơn 500 năm trước?

    Lịch sử của người da đen đầy rẫy những nhà phát minh, nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ, khoa học gia, kỹ sư, nhà đấu tranh, triết gia, lực sĩ, doanh thương và các vị lãnh đạo tài năng.

    Lịch sử của người da đen cũng bao gồm các nền văn minh rực rỡ, các nền văn hóa, các truyền thống tâm linh, các truyền thống ẩm thực, và các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại.

    Lịch sử của người da đen ở Mỹ bao gồm những con người như sơ Rosetta Tharpe, người tiên phong trong dòng nhạc Rock & Roll; Octavia Butler, từng thắng giải thưởng thần đồng Mac Arthur và tác giả về khoa học giả tưởng, cũng như nhà toán học Katherine Johnson, người tiên phong trong ngành khoa học không gian và các điện toán, với các công trình thực hiện tại cơ quan NASA đóng vai trò then chốt cho phi thuyền Apollo đáp được xuống mặt trăng.

    Lịch sử của người da đen cũng bao gồm các thuộc địa và đế quốc. Lịch sử của người da đen ở Mỹ bao gồm 500 năm của chế độ sở hữu nô lệ hợp pháp, tách ly chủng tộc, phân biệt khu vực sinh sống theo chủng tộc, và bỏ tù tập thể. Lịch sử của người da đen tại Mỹ bao gồm những nhân vật như W. E. B. Du Bois, Harriet Tubman, và Rosa Parks. Đó là những nỗ lực còn đang tiếp tục để chống lại nạn kỳ thị chủng tộc, đấu tranh cho quyền dân sự và quyền làm người của người Da đen.

    Trên cương vị một người Mỹ gốc Việt khi suy ngẫm về Black History Month, tôi liên tưởng đến lịch sử của Mỹ và Việt Nam, và làm thế nào người Mỹ gốc Việt có thể đồng hành với người da đen trong quá trình tranh đấu chung để đòi tự do và được giải phóng.

    Sinh trưởng tại Việt Nam, tôi đã từng biết về "Mỹ" qua ba má tôi và những cuốn phim của Hollywood. Nước Mỹ là nơi mà ai ai cũng có tự do, nơi có đầy Ovaltine, sữa tươi và Coca Cola, và người nào cũng sống trong một căn nhà như trong phim "Home Alone". Mỹ là nơi mà điều kiện sống tốt đến nỗi gia đình tôi - và ba triệu người khác - đã đánh cuộc bằng mạng sống của mình, khi bỏ xứ ra đi trên một chiếc thuyền để đến một xứ sở cách xa hơn 11,000 cây số.

    Sinh trưởng tại Việt Nam và Mỹ, ba má tôi thường dùng cụm từ "người Mỹ" để nói đến một người da trắng. Chúng tôi là người Việt, những người khác là người da đen, Trung Hoa, Nhật, Mỹ, Phillippines v.v. Nước Mỹ đương nhiên là xứ sở của người da trắng. Phải nhiều năm sau, tôi mới thực sự hiểu lịch sử của Mỹ châu, và người da đen đã đến lục địa này bằng cách nào.

    Người Bồ Đào Nha khởi xướng cuộc buôn nô lệ xuyên Đại Tây dương vào khoảng năm 1840. Người Tây Ban Nha mang nô lệ từ Phi châu đến vùng đất bây giờ là tiểu bang South Carolina vào năm 1526. Các quốc gia Âu châu nhanh chóng theo chân. Theo ước lượng, khoảng 10 đến 12 triệu người Phi châu đã bị buộc lìa quê hương của họ từ thế kỷ 14 đến 17. Họ bị tải đi một cách tàn nhẫn qua 8000 cây số để lao động dưới các điều kiện khắc nghiệt ở các đồn điền sản xuất đường, thuốc lá, lúa và vải sợi. Nguồn nhân công miễn phí kéo dài hàng mấy trăm năm này đưa đến sự thịnh vượng và quyền lực vĩ đại cho Âu châu, người Âu châu và người Mỹ gốc Âu châu (những người đã bứng gốc người da đỏ bản xứ để cướp đất của họ).

    Khi tôi đề cập đến phần này của lịch sử Hoa kỳ với các người Mỹ gốc Việt khác, tôi thường nghe câu trả lời: "nhưng chuyện đó đã lâu lắm rồi." Tôi hiểu tại sao họ ngại ngùng không muốn nghĩ đến đề tài đó.

    Trong một Việt nam hậu chiến, ba tôi đã mất hết, mất tất cả tài sản vật chất cũng như tinh thần. Ông bị tước đi quyền làm người. Ông cảm thấy bị làm nhục. Ông cảm thấy mất giá trị, đối với xã hội cũng như với chính mình. Ông mất quyền được di chuyển, được có việc làm, và được sống yên lành. Với ông và nhiều người tị nạn Việt Nam, nước Mỹ là cơ hội thứ hai để khôi phục những gì họ đã đánh mất.

    Ba má tôi thường nói về lòng biết ơn và chịu ơn những người đã giúp chúng tôi. Hiện tôi đang ở Việt nam và nhân dịp Tết, liên tục thăm viếng họ hàng và bạn của ba má. Tôi mệt rã rời vào cuối ngày. Khi trò chuyện với má, bà nhắc tôi ai tử tế với chúng tôi, cho chúng tôi mượn tiền, và ai đã cho chúng tôi ở nhờ mấy thập niên trước. Cuộc thăm viếng vào dịp Tết này chỉ là sự trả ơn nhỏ nhoi nhất tôi có thể làm. "Mình trả ơn, con," bà vẫn nói, "mình trả lại cái ơn họ đã cho mình."

    Tôi hiểu tâm trạng chịu ơn của người Việt với nước Mỹ. "Đất nước này đã cho gia đình tôi tất cả những gì chúng tôi đang có" là câu nói tôi thường nghe. Tôi đoán rằng họ không muốn nghĩ về giai đoạn lịch sử xấu xa này tại Mỹ, với chế độ nô lệ và kỳ thị chủng tộc, vì họ cho làm thế là phản bội "ân nhân" của mình.

    Nhưng "ân nhân" của chúng ta bao gồm cả người Da đen nữa. Máu, mồ hôi và nước mắt của người da đen đã xây dựng nước Mỹ trong 350 năm mà họ không được đền bù gì. Người da đen đã cống hiến rất nhiều cho Hoa kỳ và thế giới trong các lãnh vực như khoa học, kỹ thuật, âm nhạc và còn nhiều nữa, kể cả các quyền dân sự.

    Vào ngày 1 tháng 2, 1960, khi bốn sinh viên da đen bất chấp các luật lệ kỳ thị mang tên Jim Crow và ngồi ở một quầy ăn trưa "chỉ dành cho người da trắng", họ đã châm ngòi cho cuộc đấu tranh về quyền dân sự dẫn đến Đạo luật Di dân và Quốc tịch của năm 1965. Đạo luật này hủy bỏ các giới hạn di dân dựa trên chủng tộc đã được thiết lập từ năm 1917 để cấm người châu Á được nhập cư vào nước Mỹ.

    Đạo Luật Di Dân và Quốc tịch đó cho phép các anh chị em họ của tôi, sau khi vượt biên trái phép bằng thuyền vào thập niên 1970, trở thành công dân Mỹ và sau đó bảo trợ cho ba má họ - dì và dượng tôi - được di dân hợp pháp đến Mỹ hai thập niên sau, và được rời Việt nam bằng máy bay. Luật này đã cho phép các cháu tôi lớn lên trong tình thương của ông bà.

    Người Da đen không chỉ là "ân nhân" và người đồng xứ sở của chúng ta tại Mỹ, họ còn là thân nhân và gia đình nữa. Nhiều người Việt sau khi nhập cư, đã kết hôn với người từ các chủng tộc khác nhau. Nhiều gia đình gốc Việt hiện có thành viên lai: Việt lai da đỏ bản xứ, Việt lai Phi-líp-pin, Việt lai Pháp, Việt lai Trung Nam Mỹ, và đương nhiên, Việt lai da đen.

    Chính một phụ nữ da đen, Mildred Loving, đã khiến hôn nhân hỗn hợp chủng tộc tại Mỹ trở thành hợp pháp. Mildred Loving và người chồng da trắng bị đi tù khi họ kết hôn. Họ kiện tiểu bang Virginia và thắng kiện. Vào năm 1967, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ buộc hủy bỏ tất cả các bộ luật tiểu bang cấm cản hôn nhân hỗn hợp chủng tộc. Quyết định đó đã cho phép chính tôi được kết hôn hợp pháp cùng một người Mỹ gốc Âu châu với tổ tiên từ Ba Lan và Đức. Cuộc hôn nhân này được tiểu bang California công nhận, trong khi má tôi và tôi hãnh diện mặc chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam.

    Khi suy nghĩ về Tháng Lịch Sử Người Da Đen, tôi tự nhắc là chính người Việt cũng có nhiều sắc da khác nhau. Khi tôi có con, chúng sẽ là người Việt Nam, hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ như trong truyền thuyết. Cùng lúc, con cái của người da đen và Việt Nam cũng sẽ là con rồng cháu tiên - hậu duệ của một thủy long và một sơn tiên.

    Ngày nay, tôi hiểu rằng những gì tôi được kể về nước Mỹ khi còn bé chỉ đúng một phần. Không phải ai ở Mỹ cũng sống trong căn nhà như trong phim "Home Alone". Mấy thế kỷ bất công xã hội và kinh tế đã tạo ra sự bất bình đẳng khổng lồ. Tài sản trung bình của một gia đình da trắng bằng 13 lần tài sản của một gia đình da đen. Phần lớn tài sản này được chuyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và đây chỉ là một trong nhiều hình thức bất công và kỳ thị mà người da đen trên đất Mỹ vẫn phải tiếp tục đối diện cho đến bây giờ.

    Bây giờ là năm 2019, mà người da đen vẫn còn phải tranh đấu để được đối xử công bằng dưới luật pháp; người da đen vẫn còn phải tranh đấu để có cơ hội giáo dục tương đương. Trước đây không lâu, người da đen đã không được đi học cùng trường với người da trắng. Ruby Bridges, học sinh da đen đầu tiên được học ở một trường da trắng, ra đời bốn năm sau má tôi.

    Suy ngẫm về Black History Month, tôi nhớ rằng ba má tôi mang tôi đến Mỹ để có được cơ hội học hành và kiếm việc làm tốt hơn, và mục tiêu của Chính sách Nâng đỡ Những người Từng chịu Bất công (Affirmative Action) cũng là mang các cơ hội đó đến với những anh chị em da màu, như nhà thơ Langston Hughes đã từng viết," Cả tôi cũng hát về Nước Mỹ."

    Là người Việt, tôi thường được nhắc nhở về lịch sử của mình. "Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu," tôi nghe thế. "30 tháng Tư," ba tôi vẫn nhớ ngày đó hàng năm. Từ khi còn nhỏ, tôi được dạy phải thắp hương trên bàn thờ để tưởng nhớ tổ tiên và những gì họ đã làm trong mỗi dịp cúng giỗ. Là người Mỹ cũng thế, tôi có trách nhiệm hiểu biết về lịch sử của người da đen, quá khứ và hiện tại, bởi vì lịch sử của người Da đen chính là một phần không thể thiếu của lịch sử Hoa kỳ.

    Má tôi thường nói "sống có tình có nghĩa" và bảo tôi cần "nhớ ơn." Là người Mỹ gốc Việt, Black History Month có nghĩa tôi cần công nhận sự đóng góp của người da đen cho xã hội và các đóng góp này đã cho tôi một số quyền lợi; nó có nghĩa tôi cần công nhận vai trò và trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh cho công lý và công bằng; nó đòi hỏi tôi phải tự xét để hiểu về những định kiến kỳ thị người da đen đã có sẵn trong tôi; và nó kêu gọi tôi đòi hỏi nước Mỹ phải tôn trọng bản Tuyên ngôn Độc lập, đã ghi rằng tất cả mọi người đều có các Quyền không thể tách rời về Sự sống và Tự do. Tôi mong mỏi nhiều người Mỹ gốc Việt tham gia cùng với tôi trong nỗ lực này.

    Ghi chú của tác giả: Các giống người di dân từ Phi châu rất đa dạng và có xuất xứ khác biệt và phong phú nhất trong tất cả các chủng tộc khác ở Mỹ châu. Tôi cố tình chọn các từ "da đen", "bà con da đen", "người da đen", thay vì "Người Mỹ gốc Phi châu" để công nhận sự phong phú và đa dạng về nguồn gốc chủng tộc và lịch sử di dân của họ.

    *Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nikki Chau, thành viên của PIVOT(Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến). Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến. Nguyên tác được Nikki Chau viết bằng tiếng Anh. Bản tiếng Việt do Thắng Đỗ, một thành viên khác của PIVOT chuyển ngữ.
    ----------------
    nguồn https://www.bbc.com/vietnamese/world-47398029
    Đỗ thành Đậu

 

 

Similar Threads

  1. Hát Cho Nhau Nghe - Thu Hoài Nguyễn
    By Thu Hoài Nguyễn in forum Tiếng Hát Đặc Trưng
    Replies: 1162
    Last Post: 02-13-2024, 11:54 PM
  2. Nghe, thấy, ngẫm nghĩ...
    By Co may in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 65
    Last Post: 03-22-2014, 11:02 PM
  3. Nghe CD Dạ Quỳnh Hương của Phạm Anh Dũng
    By phamanhdung in forum Âm Nhạc
    Replies: 0
    Last Post: 07-27-2013, 10:08 AM
  4. Nghe tiếng gọi non sông
    By Lotus in forum Âm Nhạc
    Replies: 1
    Last Post: 04-12-2013, 07:18 AM
  5. Nghe,thấy,suy ngẫm
    By Co may in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 30
    Last Post: 01-02-2013, 09:07 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 12:48 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh