Register
Page 1 of 2 12 LastLast
Results 1 to 10 of 16

Thread: Quê nhà tôi

  1. #1

    Quê nhà tôi

    Bài viết này đã được đưa lên diễn đàn DT phố cũ, nay vì những ý tưởng lại nảy ra với tôi. Tôi vội ghi vào xem như một bổ sung


    Nếu ngôn ngữ là những kí hiệu để giúp con người hiểu nhau thì âm nhạc là một loại ngôn ngữ kì diệu. Nó làm cho con người gần nhau, hòa nhập nhau trong sự đồng cảm. Tôi thích âm nhạc mang phong cách nhẹ nhàng của những bản nhạc cổ điển, bán cổ điển Tây phương của một số tác giả như: Shubert, Chopin, Brahm, Verdi, J. Strauss,... cũng như những bản nhạc Việt Nam trước năm 1953 mà người ta vẫn gọi là nhạc tiền chiến của một số tác giả như: Từ Phát, Thiện Tơ, Doãn Mẫn, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, …Bên cạnh đó là những bản tình ca phản ảnh thân phận con người trong cuộc chiến của các tác giả như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Lê Uyên và Phương, …

    Tôi cảm nhận âm nhạc dưới góc độ một khán giả, nghe hát, xúc động, hòa mình được với bài hát, chứ không phải là một nhà phê bình âm nhạc, phân tích nhạc lí, phân tích các cung đoạn bởi một lẽ dễ hiểu là tôi dốt đặc về lãnh vực này …
    Mỗi bản nhạc, với tôi là một kỉ niệm.
    Kể từ thuở còn thơ, tôi đã mê những bài hát tiền chiến. Đặc biệt, những bài hát ca ngợi quê hương, làng xóm một thuở thanh bình. Quê hương chúng ta hiền hòa, từ con sông, đường làng, lũy tre, hàng rào già tàu xanh mướt bao bọc các ngôi nhà, các con đường. Những bài hát làm ta nhẹ lòng, xúc cảm, thưở thanh bình quá đẹp.
    Bài “Quê nhà tôi” của Anh Hải mãi mãi là lời ru dịu ngọt: “Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm. Chạy dài trên khóm cây, đàn chim ríu rít ca. Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm. Chuyện trò chung với nhau đời sống thần tiên. Sáo dịu êm nào khác lời thơ. Lúa vàng reo tựa như sóng nhấp nhô. Ôi chiều quê, chiều xao xuyến êm đềm. Đợi chờ con mắt trông về chốn trời xa”. Anh Hải đã phác họa bức tranh quê nhà thời thanh bình. Tôi nghe ca sĩ Quỳnh Giao hát bài này đâu đó khoảng năm 1971 trong băng nhạc Jomarcel. Tiếng hát nàng trong, rõ, vừa hồn nhiên vừa sang trọng, điệu valse của bài hát được nàng chuyển tãi làm tôi hình dung được cảnh thanh bình, mọi người hợp quần nhảy múa. Lời của bài hát trong sáng rõ ràng, mộc mạc: Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm. Nắng chiều với Anh Hải, êm đềm chạy dài trên khóm tre, ở đó có đàn chim hót ríu rít, tiếng sáo dịu êm, tiếng lúa vàng reo, tựa như sóng nhấp nhô. Thiên nhiên, phối trí với sinh hoạt của người dân: Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm. Chuyện trò chung với nhau. Anh Hải cảm xúc cảnh chiều quê, buổi chiều êm đềm, xao xuyến, ở đó có con mắt đợi chờ, ước vọng người đi sẽ về. Đó là đời sống thần tiên. Đó là thời hoàng kim, thời của ngắn ngủi như một giấc mơ.
    Quê hương của chúng ta bây giờ đã xây dựng nhiều, đô thị hóa đến chóng mặt. Những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự sang trọng mà trị giá của nó là cả triệu đô Mỹ, tiếp nữa là những con đường bóng loáng với hai lằn đường kiêu sa, những hàng cây xanh mát rượi, những cây cầu hiện đại hòa nhập với thế giới, những chiếc cầu vượt giải quyết nạn ách tắt xe cộ rất hoành tráng. Thế nhưng bên cạnh đó là những cái gì? Đất đai mầu mở cho người nông dân dần dần biến mất. Người nông dân không còn đất để sống. Vòng đai xanh của rau trồng, của hoa trái không còn. Còn đâu nữa chiếc nôi “quê nhà”. Đất đai lần lượt bị khan hiếm trong lãnh vực sản xuất. Đất nông nghiệp biến thành đất thành thị. Người ta chia lô để bán, để kinh doanh. Dần dần môi trường sống cạn kiệt, kể cả những dòng sông, kênh lạch cũng bị lắp đất để xây nhà. Nạn triều cường trở thành mối đe dọa khủng khiếp thường trực với người dân. Không phải “có một dòng sông đã qua đời” như Trịnh Công Sơn kêu cứu mà rất nhiều dòng sông bị tấn công, cạn kiệt, ô nhiễm.
    Đối diện với đất nước phát triển của chúng ta hôm nay, chúng ta nhớ về quê hương, làng xóm chúng ta một thời còn nghèo. Nhà cửa, đường sá còn thô sơ, xe cộ phương tiện đi lại còn khiêm tốn. Nhưng diễm phúc thay đó là một xã hội đất lành, môi trường sinh thái trong sạch, con người sống với nhau hiền hòa thân ái như thông điệp mà Anh Hải đã gửi gắm.
    Nhạc và lời của Anh Hải trong sáng, giản dị như đời sống của người nông thôn, hồn nhiên, chất phác, sống hòa mình với thiên nhiên. Bài hát làm ta dị ứng với khung cảnh phồn vinh, lối sống xô bồ của thành thị, dị ứng với những mưu toan tham vọng bẩn thỉu. Bài hát muốn gột rủa những nếp nhơ bẩn của văn minh nhân loại. Hãy hòa mình với thiên nhiên, sống tự nhiên không suy nghĩ, như một nhà hiền triết Đông phương cho rằng "Con người tư duy là con người hư hỏng!"..
    Last edited by Tuấn Nguyễn; 06-03-2014 at 01:46 AM.

  2. #2
    NGÀY 5.5 ÂM LỊCH XA XĂM

    Huế với tôi, những năm tháng xa xưa, thời còn đi học tiểu học thì ngày 5/5 âm lịch là một ngày tết thứ hai sau tết Nguyên đán.
    Từ sáng ngày mồng 4, tiếng vịt kêu cạp cạp đã vang vang từ các nhà hàng xóm. Quanh các nhà lân cận, tôi đều thấy các đồ chưng trên bàn thờ như đèn, lư hương, bát nhang, … đều được bà con đem ra chùi rửa sạch sẽ, chuẩn bị cho ngày mồng 5.
    Riêng nhà tôi, cha tôi đều may áo quần mới cho học trò học việc cùng gia đình từ mấy ngày trước. Ngày ấy xưởng làm nghỉ việc. Học trò, thợ đều đi chơi, thăm bà con, …đúng là một ngày tết thứ hai.
    Buổi trưa mồng 5, không khí yên ắng, tịch mịch y như chiều 30 tết.
    Kí ức tôi về ngày mồng 5 vẫn là buổi trưa, tôi nằm ngủ trên bộ ngựa gõ ở căn bên nhà chính, tôi nghe thoang thoảng mùi thịt vịt. Tôi nghĩ là thịt vịt bị rơi đâu đây trong góc nhà. Nhưng sau đó, tôi đã phát hiện thì ra do ăn thịt vịt, cháo vịt, cộng với trời nóng tóe lửa, mồ hôi tôi tháo ra, mới nghe nồng nàn mùi vịt.
    Buổi chiều, cha tôi lại chở tôi đi thăm bà con trên chiếc xe gắn máy cuả Đức, tiếng nổ nghe bịch bịch thật vui tai. Tôi nhớ mãi ngôi nhà của ngoại ở trong nội thành, có cây đào trong sân và dáng ngoại lui cui, lưng còng, đang quét lá vàng.
    Hương vị ngày mồng 5 vẫn theo tôi hoài.
    Dòng đời trôi nổi, tôi xa Huế, xa nhà đã 42 năm nhưng ký ức về ngày 5 tháng 5 âm lịch thời xa xăm vẫn không phai mờ trong tôi..
    Last edited by Tuấn Nguyễn; 06-01-2014 at 02:18 AM.

  3. #3
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,594
    Ngày tết Đoan ngọ ở Huế không ăn bánh gio với rượu nếp để giết sâu bọ mà lại ăn thịt vịt luộc hở anh Tuấn? Chắc là sẽ có phần giải thích ở mấy đoạn sau anh chưa đăng (phòng kẻ gian vác về một lúc làm của riêng cho chùa).

  4. #4
    Quote Originally Posted by ốc View Post
    Ngày tết Đoan ngọ ở Huế không ăn bánh gio với rượu nếp để giết sâu bọ mà lại ăn thịt vịt luộc hở anh Tuấn? Chắc là sẽ có phần giải thích ở mấy đoạn sau anh chưa đăng (phòng kẻ gian vác về một lúc làm của riêng cho chùa).
    Ốc ơi! Ốc nói chuyện khi nào cũng vui. Anh cảm ơn em đã vào chia sẻ cùng anh. Anh cũng không biết nữa, chỉ là ký ức. Huế khi lễ mùng 5 chỉ thấy thịt vịt luộc, chấm nước mắm gừng, cháo vịt, xôi, chè kê.
    Sau này anh vào Đà nẵng, lại thấy trong này cúng thêm bánh tro (không phải gio) và mít chín.
    À! cái mục em bày cho anh dán bài từ từ, rĩ rĩ khi ít dòng anh thấy quá hay nhưng ngại độc giả lại cằn nhằn. Thôi tạm dung hòa viết vừa vừa, vài đoạn, ...
    À mà vì sao ăn bánh tro, uống rượu nếp lại diệt sâu bọ? Anh cũng chã hiểu. Ốc giải thích dùm với.

  5. #5
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,594
    Tết Đoan ngọ nó là một trong tứ thời bát tiết, tức là những thời hạn và thời điểm thay đổi của thời tiết trong năm. Tết Đoan ngọ là khoảng vào dịp Hạ chí tức là lúc mặt giời chiếu thẳng góc Bắc chí tuyến, đánh dấu sự khởi đầu của mùa hạ ở bắc bán cầu, thường là ngày 21 tháng sáu dương lịch, tức là khoảng đầu tháng 5 âm lịch. Vì thời tiết mùa hạ nóng nực dễ sinh ra bệnh dịch hại sức khoẻ, hay là sinh ra sâu bọ phá mùa màng cho nên ở một xã hội nông nghiệp người ta lo phòng chống các loại giun sán, sâu bọ.

    Người xưa nghĩ rằng nếu ăn rượu nếp có tí độ cồn lúc sáng sớm khi còn đói thì sẽ làm cho giun sán trong bụng bị say bí tỉ và quên đường thì sẽ đi lạc ra "ngoài." Cùng thời gian ấy thì người ta tỉa cây cối, khai quang bụi rậm rồi đem đốt sạch, để diệt các loại sâu bọ, ruồi chuột, muỗi mòng... Nhân tiện có tro than từ việc đốt lá đốt cành người ta đem làm bánh tro ăn trong dịp tết.

    Tiếng Việt ngày xưa không có âm TR (và R), từ khi các ông đạo Tây phương La tanh hoá tiếng Việt thì mới đưa thêm vào chữ R là TR, rồi đồng bào ta cứ nom theo cách viết (sai) mà phát âm theo kiểu La tanh, cho nên "giừng" bị đọc là "rừng" còn "giong" cứ nghe như "rong," cũng như "giăng" thì hoá thành "trăng" và "gio" thì lại ra "tro" nghe rất nặng nề thô thiển.

  6. #6
    Quote Originally Posted by Tuấn Nguyễn View Post
    . Huế khi lễ mùng 5 chỉ thấy thịt vịt luộc,
    Bọ em ngày xưa có nói thịt vịt rất độc, chỉ có cái độc ghê lắm thì người ta nói độc hơn thịt vịt mà thôi, nên theo nguyên tắc dĩ độc trị độc, người Huế ăn thịt vịt để giết sâu bọ chứ chả dùng tới cơm rượu chi cho mệt.
    con gì cũng đòi ăn, cái gì cũng đòi mua

  7. #7
    Biệt Thự SauDong's Avatar
    Join Date
    Nov 2013
    Posts
    1,460
    Quote Originally Posted by khờ khạo View Post
    Bọ em ngày xưa có nói thịt vịt rất độc, .
    Vậy theo ý nhà bác thì ăn chả chìa chắc lành hơn nhỉ.
    Dạo này hè nóng, ngồi uống cafe Núi có phê kg nhỉ ?

  8. #8
    Quote Originally Posted by ốc View Post

    Người xưa nghĩ rằng nếu ăn rượu nếp có tí độ cồn lúc sáng sớm khi còn đói thì sẽ làm cho giun sán trong bụng bị say bí tỉ và quên đường thì sẽ đi lạc ra "ngoài." Cùng thời gian ấy thì người ta tỉa cây cối, khai quang bụi rậm rồi đem đốt sạch, để diệt các loại sâu bọ, ruồi chuột, muỗi mòng... Nhân tiện có tro than từ việc đốt lá đốt cành người ta đem làm bánh tro ăn trong dịp tết.

    Tiếng Việt ngày xưa không có âm TR (và R), từ khi các ông đạo Tây phương La tanh hoá tiếng Việt thì mới đưa thêm vào chữ R là TR, rồi đồng bào ta cứ nom theo cách viết (sai) mà phát âm theo kiểu La tanh, cho nên "giừng" bị đọc là "rừng" còn "giong" cứ nghe như "rong," cũng như "giăng" thì hoá thành "trăng" và "gio" thì lại ra "tro" nghe rất nặng nề thô thiển.
    Nhưng các từ như ông "giời", ông "giăng", bánh "gio" người ta vẫn gọi là thổ âm, phải vậy không Ốc? Chứ phổ biến và thống nhất vẫn là ông trời, ông trăng, bánh tro, ...trong các tác phẩm của Tự lực Văn đoàn, người ta bắt gặp các từ này được dùng nhiều.
    Hiện nay trên VTV, các xướng ngôn viên vẫn hay bị dính vào trường hợp này.
    Anh nhớ (có thể nhầm) ngày xưa khi học về lịch sử VN giai đoạn các cha dòng sang truyền đạo nước ta thì có một số âm, như Tr họ đọc là Bl. Ví dụ Trời đọc là blời. Lần này Ốc nói là "Giời". Có thể anh nhầm.
    Cảm ơn Ốc nhiều vì đã giải thích.
    À còn thịt con vịt, từ ngày trước người ta vẫn bảo là thịt vịt hiền vì mát, cũng như chè kê rất tốt cho tiêu hóa. Có thể vì vậy mà ngày mùng 5 người ta chọn hai loại thức ăn này để cúng nhằm kỷ niệm cái chết của ông Khuất Nguyên (ông này vốn là thầy thuốc mà cũng là nhà văn hóa vì can vua không được ông nhảy sông tự tử).
    Chỉ mới đây thôi, thịt vịt được liệt vào nhóm thịt đỏ, cùng với thịt bò, hạn chế cho người lớn tuổi dùng. Mặt khác, ai bị đau đại tràng, BS khuyên không nên ăn thịt vịt luộc. Không biết đúng không?
    Chào các bạn!
    Last edited by Tuấn Nguyễn; 06-04-2014 at 02:53 AM.

  9. #9
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,594
    Gọi là thổ âm chắc cũng đúng nhưng mà vào cái thuở ban đầu thì chỉ có vùng đồng bằng Bắc bộ nói tiếng Việt cho nên em nghĩ đấy là cách phát âm lâu đời nhất. Sau này cách viết thay đổi dẫn đến cách phát âm mới thì những kiểu phát âm lâu đời giở thành xa lạ, lúc ấy đem ra dùng lại cho nó vui tai.

    Em thấy tất cả các nước vùng đông Á đều không biết phát âm chữ R của vì phải uốn lưỡi quá kỹ mệt bỏ xừ, từ Nhật, sang Hàn, qua Tàu, xuống Thái, rồi đến Mã lai, ở đâu cũng đọc chữ R ra chữ L cho đỡ văng nước bọt mặc dù khi họ dùng mẫu tự ABC để làm phụ đề thì đều có viết R. Các ông cố đạo chế kiểu đánh vần chữ "giời" là "tRời" thì những đồng bào theo đạo Công giáo ngày ấy tự nhiên đọc thành ra "tLời" hay "bLời" và rút ngắn thành "Lời." Cách đọc ấy không phổ biến lắm vì trái tự nhiên và sai sự thật cho nên không còn sống mãi trong quần chúng.

  10. #10
    Quê nhà tôi không phải chỉ là xóm Chợ Dinh, cùng bến đò và những người hàng xóm tốt bụng mà ký ức tôi nối dài theo đường bay về tận làng Hiền Lương yêu dấu.
    Hãy trực chỉ theo quốc lộ 1, đường ra Bắc, ngang cầu An Lỗ, quẹo phải nhắm hướng về Sịa, trên đường, giữa chừng, gặp cầu Quán kẽm, chúng ta rẽ bước qua chiếc cầu nhỏ, dọc theo đường làng, có con kênh xanh xanh chạy uốn quanh, và những con đường, những hàng tre, những ngôi nhà. Ấy là từng thôn xóm của làng Hiền Lương.
    Những ngôi nhà thân thương của những người bà con ruột thịt một đời làm nông. Nhà có sân, có độn rơm, có vạc sắn, có nương khoai và O tôi, một đời nấu cơm, chụm lửa rơm. Tôi thích son nước chè xanh mà nếu gặp khi bụng đói, uống vào thì nó cồn cào rất dễ bị xĩu. Mỗi lần về làng, qua nhà o Dài, chú Cần, tôi được nghe kể chuyện ngày xưa, thời ôn nội tôi còn sống, rồi những ngày cha tôi đi làm đường sắt tại Trà Kiệu Quảng Ngãi. Những câu chuyện cười khi cha tôi tiếp xúc với người Pháp. Và làm sao quên được mỗi lần cuối năm họ Nguyễn tế lễ và đi chạp mã. Ôi! mùa đông, trời lạnh như cắt, mưa phùn, đất ướt trơn trợt, tôi và cha tôi, ông vác trang tôi lon ton theo sau, những ngón chân bấu vào đất bùn, có lúc té sấp, bùn bay vào mặt chẳng dám phàn nàn, sợ bị ông la.
    Có điều lạ, nhà họ Nguyễn ngày ấy, những người qua đời, ít ai có dựng bia, xây lăng, mà chỉ là nấm mồ đất cát trắng xóa. Những người đi chạp mộ, phải có trí nhớ tốt để nhận ra mộ của người thân mình. Khi tôi thắc mắc thì cha tôi bảo, làm như rứa để buộc con cháu phải lo đi chạp đều để nhớ mộ. Ngày nay thì tục lệ cấm con cháu xây lăng dựng bia khi mộ các ông đời trước cao hơn chưa xây đã được hủy bỏ .
    Vì là đất cát nên khi chạp, không phải dùng cuốc mà dùng cái trang, nghĩa là mặt tiếp xúc với cát của trang làm bằng kim loại như cuốc nhưng là mặt bằng, thẳng, chứ không nhọn hay tròn như mặt cuốc. Do đó người chạp chỉ đửng trên mộ và dùng trang kéo cát lên, cho cao hơn và có mặt đầm. Còn mộ bị cỏ mọc thì phải chịu khó nhổ.
    Tuy nhiên thích nhất là khi họ chạp xong, làm lễ cúng, người ta bày đồ cúng ngay trên mộ ông tổ họ Nguyễn, được kể là di cư từ Bắc vào Huế, góp phần cùng các họ khác xây dựng làng Hiền Lương. Có khi gặp mưa cũng phải chịu, nhưng thú vị nhất là cùng ngồi ăn xôi thịt heo dưới trời mưa, ngon tuyệt, còn hơn cả đi Picnic nữa.
    Cuộc sống của người dân làng Hiền Lương êm đềm nhưng vất vã vì quanh năm chỉ biết mùa vụ, cây trồng.
    Last edited by Tuấn Nguyễn; 06-10-2014 at 08:38 PM.

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:42 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh