Register
Page 2 of 2 FirstFirst 12
Results 11 to 16 of 16

Thread: Quê nhà tôi

  1. #11
    Quê làng Hiền Lương như chiếc nôi đón tôi, cho tôi một thời thanh bình yên ã, mỗi khi có lễ hội, có cúng tế ở đình làng, nhà thờ họ. Những dịp đó, tôi theo cha về làng, được tiếp xúc sinh hoạt cuộc sống của người làng, những người bà con: O dài, chú Cần, chú Thảo, ôn Trùm, em ruột ôn nội tôi, ...
    Nhà ôn, mệ Trùm - ngôi nhà ngói nhỏ nhưng vườn quá lớn. tôi tha hồ len lõi ra sau tìm hái những quả trái mình ưa thích. Tôi nhớ chiếc gối bằng tre tôi vẫn kê nằm bửa trưa trên chiếc sập cao. Tôi vẫn loay hoay không ngủ được vì chiếc gối tre cứng hay vì chiếc sập quá cao, trong lúc bên ngoài bửa trưa yên tĩnh, chỉ nghe tiếng gió lùa trên mấy rặng tre, kêu kiũ kịt. Lúc này, tôi biết cha tôi đang họp nhà thờ họ. Lại cãi cọ nữa rồi. Tôi mường tượng những trận cải vã ồn ào thiếu đường xích mích. Họ họp tế nhà thờ bao giờ cũng thế, đi tìm một sự thống nhất thật khó.
    Thế rồi nghe tiếng phèn la gióng từng hồi. Mệ Trùm gọi tôi:
    - Mi ra Họ cho rồi cha răng rứa, còn nằm nữa tề!
    Tôi vùng dậy, chạy một mạch, con đường đất, hai bên là rặng tre, là hàng cau, những hàng già tàu chạy viền quanh sân làm tăng vẻ tươi mát khoáng đạt của ngôi nhà thôn xóm. Tôi vừa đi nhanh vừa nhìn lướt qua các nhà quen thuộc: nhà O Hồ, nhà mụ Hôi, rôi nhà o Dài , chú Cần, …lần lươt. Thoáng chốc đường đê thoáng mát, bên trái là cánh đồng, quẹo phải là nhà thờ họ Nguyễn hiện ra.
    Cha tôi vẫn thường bảo: sinh hoạt tế lễ nhà thờ Họ nói chung và họ Nguyễn nói riêng là một xã hôi phong kiến thu nhỏ. Nó có quy tắc, lễ nghi còn khắc nghiệt hơn cả quân chủ, “phép vua thua lệ làng” là vậy. Nhà thờ họ Nguyễn đông đúc, nhộn nhịp. Mọi người ai nấy đều ăn mặc nghiêm chỉnh: ào dài đen quần lãnh trắng, đầu bịt khăn đóng. Tôi nhìn vào 3 gian trong nhà thờ. Trước mỗi gian đều là bàn thờ, khói hương nghi ngút. Gian giữa có gươm dáo, hai vách hai ben trong có hình ông mặt đen, mặt đỏ. Hai gian thờ hai bên đơn giản hơn, đèn nến tỏa sáng. Trước mỗi gian thờ người ngồi xếp bàn nghiêm trang. Đặc biệt gian giữa các bô lão đều mặc áo thụng xanh, khăn đóng cũng màu xanh. Tôi đoán đây là những bô lão có chức sắc quan trọng.
    Họ bao giờ cũng vậy thường tổng kết, kiểm tra tài chính, duyệt xét kế hoạch chi thu, đóng tiền đồng niên đối với mỗi công dân con cháu của Họ. Một đặc điểm, chỉ những đàn ông có vợ mới đóng tiền đồng niên. Riêng con gái lấy chồng thì chỉ tự nguyện cúng theo kiểu con cháu ngoại, tùy ý không bắt buộc, không quy định số tiền.
    Tôi không thích những cuộc tranh cãi trong Họ. Tôi thường thú vị nhìn ngắm cảnh tượng khi Họ cúng xong, người ta bưng dọn cổ bàn. Đây cũng là một kiểu phong kiến. “Ăn xem nồi ngồi xem hướng”, 3 mâm cổ ở 3 gian giữa dành cho các bô lão, các người có vai vế trong họ. Đặc biệt ông trưởng họ và các ông trưởng nhánh. Tôi chú ý nhìn cài đầu heo được một vị kính cẩn đặt trước ông trưởng họ - một vinh dự dành cho ông. Ngoài sân, la liệt các mâm đã dọn ra, mọi người lần lượt ngồi xống chiếu. Mâm cổ nhà thờ Họ không rườm rà nhiều món, chỉ là xôi thịt heo luộc, các dĩa lòng heo, thịt hon kho sã với đậu phụng, đoại canh bún được nấu rừ nược luộc thịt heo nhưng tôi cảm thấy ngon vô cùng. Người ta vẫn bảo “một miếng giữa làng bằng một sàng trong bếp” thật đúng y.
    Last edited by Tuấn Nguyễn; 06-10-2014 at 08:40 PM.

  2. #12
    Thời theo cha về làng là những lần mà tuổi đời tôi còn thơ ngây. Cha tôi vừa mới mất vợ, tình cảm trút vào đứa con trai út còn bé bỏng, mất mẹ lúc vừa 9 tháng tuổi. Đi đâu ông cũng chở tôi theo cùng. Tôi sống và tiếp cận những người bà con, những người cùng làng nước tự nhiên thấy với họ như một phần đời của mình. Do đó khi bị rứt bỏ, xa rời tôi bỗng cảm thấy hụt hẩng. Đó là giai đoạn sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị sụp đổ. Vấn đề an ninh thôn làng trở nên xấu đi. Ban ngày Quốc gia, ban đêm CS. Những vụ khủng bố giết , ám sát những người làm việc cho Quốc gia thỉnh thoảng đã xảy ra. Những mâu thuẫn trong gia đình, người theo Quốc gia, người trốn đi, hoạt động cho CS xảy ra thường xuyên. Như gia đình o Dài, bản thân chồng của o là Việt Minh chống Pháp bị giết. Bây giờ o theo CS, trong khi các con của o, trong đó có hai người con, một trai một gái lại theo quốc gia. Đứa con gái lớn, chị đầu nói với mọi người, chỉ khi mô làng Hiền Lương không còn CS, tau mới về làng. người con trai kế đi lính Quốc gia đơn vị đóng tại Bình Dương. trong khi đó đứa con trai út lại theo CS, bỏ đi bưng. Đây là một trường hợp điển hình cho những hoàn cảnh của nhiều gia đình tại vùng quê. Có điều chúng ta biết rõ, Ấp chiến lược là một biện pháp rất hữu hiệu mang lại an nình cho nông thôn, sau khi đệ nhị Cộng hòa lên, Ấp chiên lược bị phá bỏ thì CS hoạt động tùm lum.
    Tôi xa quê từ ngày đó. Chỉ họa hiếm lắm mới được bố già cho về làng chạp mã vào cuối năm, tháng chạp, nhưng rồi về ngay trong ngày, không thể ở lại được.

  3. #13
    Những câu chuyện xảy ra trên làng sau khi nền đệ nhất Cọng hòa sụp đổ đã được cha tôi kể, gây cho tôi những suy nghĩ về cuộc chiến. CSVN khai thác tâm lý chiến tranh giải phóng dân tộc: Đánh đuổi đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc! Một chiêu bài nghe rất hay, đã đánh mạnh yếu tố tình tự dân tộc. Thế cho nên những người ít suy nghĩ, người nông dân đều ngã theo CS. Mặt khác một số binh sĩ Quân đội VNCH khi về nông thôn như Bình định, nghĩa quân, Địa phương quân thường gieo rắc sự sợ hãi và khinh ghét cho dân chúng. Tôi nghe cha tôi kể có lần một nữ du kích CS bị lính nghĩa quân bắn chết. Họ cởi hết y phục cô ta rồi đem ra phơi đầu làng. Một điều cha tôi nhấn mạnh: ở cửa mình cô du kích, có một diếu thuốc được gắn vào đó!
    Thêm vào đó, tại Huế, phong trào sinh viên, học sinh tranh đấu đòi hỏi đủ thứ chuyện. Các phe phái tranh dành quyền lực trong Hội đồng quân lực sau khi Tổng thống Diệm sụp đã tạo hiệu ứng cho làn sóng xuống đường biểu tình. Và CS thừa cơ hội len lõi giựt giây. Miền Nam Việt Nam đã được thừa hưởng một nền dân chủ tự do nhưng chính nền dân chủ tự do đó đã bị lợi dụng. Miền Nam VN bị chia rẽ, dẫn đến suy yếu.
    Tôi lớn lên và trưởng thành trong bầu không khí như thế. Và những năm tháng đi học cùng với cuộc chiến mỗi ngày mỗi thảm khốc đã ảnh hưởng đến suy nghĩ, tình cảm của tôi.
    Lại biểu tình! Lại bãi khóa, những ngày tháng ấy, tôi chán nãn. Học hành chẳng được. Tôi lên nhà thằng bạn thân, Vũ nói chuyện, tâm sự. Vũ rất độc lập với tình hình bên ngoài. Mặc kệ, Vũ vẫn học hành đàng hoàng. Hơi đâu mà mi đi biểu tình, phản đối. Đám đông thường bị lợi dụng mi ơi! Vũ thường nói với tôi như vậy.
    Những đêm mùa hè mất ngủ, Vũ và tôi thường đi bộ dọc đường Võ Tánh, qua cầu Đông Ba vào Thành Nội. Chúng tôi nói về cuộc chiến, những người bà con, quen biết bị tử trận rồi bàn chuyện thơ văn, chuyện triết lý, …
    Có một điều tôi phải thương mến cha tôi, đó là ông không bao giờ than phiền hay la mắng về chuyện đi chơi đêm về nhà trễ. Hình như ông tin tưởng vào các người con của ông. Bao giờ cũng vậy, khi tôi trở về, tay tôi thò qua ô của khung cửa sắt để mở chốt cửa. Ngôi nhà tối. Mọi người đã ngủ yên. Nhưng tôi vẫn trông rõ được, bộ ngựa gỗ màu nâu đen bên cửa sổ, tôi nằm xuống đó trải qua giấc ngủ mà mùa hè trùm xuống thân thể tôi cơn nóng ray rứt làm đốt cháy những ước muốn bị đè nén.
    Last edited by Tuấn Nguyễn; 06-21-2014 at 12:55 AM.

  4. #14
    SÁNG RỰC TUỔI THƠ

    Chiều hôm nay, Đà Nẵng lại có mưa rào. Mưa xối xã, mưa kèm theo tiếng sấm. Gió lùa mạnh, đánh ập cánh cửa sổ cuối cùng. Những lúc như thế này, tôi rất thú vị, nằm thư giãn, nghe từng cơn mưa trút, lòng chợt phóng hiện hữu về quê nhà, những ngày xa xưa còn bé tý, khu xóm Chợ Dinh, con đường Chi Lăng với những ngôi nhà thân quen, những hàng già tàu chạy thẳng hàng, viền, chắn chia giới hạn từng ngôi nhà và những sân đất, những vườn cây.
    Và trong cơn mưa đầy cuồng nộ, tôi không thể quên, nào Tú, nào Thảo, nào Phước, nào Đại con của mấy nhà lân cận, nhà bác Tri, nhà bác Cử, nhà bác Giai. Chúng tôi cởi hết áo quần giơ chim tồng ngồng chạy ra mưa. Chúng tôi tắm thoải mái, sung sướng, hạnh phúc.
    Khi cơn mưa bắt đầu nhỏ hạt dần, âm thanh tiếng mưa nhẹ êm, chúng tôi dùng những con nhựa, được dồn từ những lần ăn kẹo que như con voi, con cá, con chim, chiếc tàu, … cả bọn chúng tôi chạy ra cống ở đường Chi Lăng trước nhà, nước đang chảy cuồn cuộn trong đó. Mỗi đứa mỗi con nhựa, bắt đầu thả xuống, đứa nào cũng chạy theo để xem con nhựa đứa nào về trước. Sung sướng biết bao nhiêu khi một trong mấy đứa nhảy cởn lên vì con nhựa của mình về đầu, bất chấp mình mẫy ướt đẫm, tóc ướt rớt xuống trán, mắt ràn rụa nước ...trời mà miệng vẫn cười khúc khích'
    Chiếc cầu đưa tôi về với các bạn cùng xóm, đã quá lâu rồi, trên nửa thế kỷ, một trong những khuôn mặt tuổi thơ ấy, sáng rực chân dung Thảo.
    Thảo đẹp trai, thông minh, học giỏi, khéo tay làm bất kỳ việc gì cũng thành công. Thảo là con trai độc nhất, con bác Tri. Thảo có hai bà chị đầy yêu thương, một bà mẹ hiền lành và người cha tần tảo làm nghề mộc.
    Nhớ Thảo những mùa xuân vui vẻ đi nhặt pháo rơi, những đêm ngồi đổ xăm hường say máu. Bàn tay Thảo như có phép màu. Có người đổ ra ngủ hường lượm luôn ba trạng nhưng vẫn bị Thảo tung hột thả xuống tô, và thật kinh ngạc, 5 con tứ mặt tam trong khi người đổ trước lại 5 con tứ mặt nhì. Thảo cướp luôn 3 trạng.
    Bàn tay Thảo như có năng lực kỳ diệu. Thảo vẻ thủ công luôn điểm đầu và tất cả cá môn học thảo hầu như không thua bạn nào.
    Nhớ Thảo là nhớ về tuổi thơ yêu thương, những ngày chúng ta bên nhau chơi đùa vui vẻ bạn ơi!...
    Chúng ta lớn lên, học các lớp cao, Thảo thi đổ tú tài bán ban B, rồi tú tài toàn. Thảo đều đổ cao hạng bình, bình thứ.
    Tương lai của Thảo, chân trời đang mở rộng trước mắt. Thảo có thể chọn bất cứ một đại học nào để học, kể cả những đại học khó vào ngày ấy như Kỹ sư Phú Thọ hay Y khoa, …
    Nhưng Thảo đã chọn con đường binh nghiệp, Đại học Võ bị Đà Lạt.
    Năm cuối cùng Thảo được phân công đi gác thùng phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống trên cao nguyên Đà Lạt, và Thảo đã nằm xuống khi bị đạn pháo kích.
    Nhớ về Thảo là nhớ về một sự hoàn mỹ, một vẻ đẹp từ tinh thần đến thể xác.
    Vẻ đẹp ấy như một vì sao rơi rụng quá sớm.
    Và hình như tôi cảm nhận được điều ấy như một chân lý: Người ta thường bảo người tài hoa thường bạc mệnh.
    Phải vậy không em? Phải vậy không các bạn?
    Last edited by Tuấn Nguyễn; 07-29-2014 at 12:58 AM.

  5. #15
    Khu xóm Chợ Dinh sao quá thân tình và đầm ấm. Láng giềng giúp đỡ nhau như người cùng một nhà
    Tôi không quên những ngôi nhà lân cận, những ngôi nhà đối diện nhà tôi. Vẫn nhớ mãi nhà bác Oanh, nhà chú Hượt, và sau lưng nhà bác Oanh cách một lối đi là nhà ôn Bộ, sát bờ đê bến đò. Tuy là ba nhà nhưng chỉ là một vì ôn Bộ là cha của hai người con: bác Oanh con trưởng và chú Hượt, con thứ.
    Gọi ôn, bác, chú là xưng hô bởi quan hệ tuổi tác với cha và tôi được 3 cha con ông Bộ xem như là một thành viên bé tí lọt tõm trong đại gia đình ôn Bộ.
    Ngày ấy tôi còn quá nhỏ, chưa phán đoán tường tận mối quan hệ, sinh hoạt của 3 gia đình. Nhà bác Oanh, chú Hượt nhìn ngó ra đường Chi Lăng, nhưng sau lưng nhà bác Oanh là nhà ôn Bộ, cách một cái sân rộng, trong đó tôi nhớ mãi cây khế ngọt và một cái am miếu mà bác Oanh thường cho cúng hay tổ chức lên đồng, kế đến là nhà ôn Bộ, hông trở ra bến đò, mặt tiền hướng ra một sân rộng, kế tiếp là sông Hương. Nhà và đất vườn chú Hượt thi từ đường Chi Lăng chạy thẳng tuốt đến mép bờ sông.. 3 nhà đều thông nhau bằng lối đi được chạy viền bằng hàng rào già tàu. Lúc còn bé xíu, tôi nhớ mình được chú Hượt, bác Oanh dẫn qua chơi. tôi tha hồ chơi đùa trong cái không gian rộng lớn nhưng thân thương đó và tha hồ hái trái cây thoải mái như đào, ổi, dâu, mãng cầu. Vẫn thương nhất là mệ Bộ, lưng còng vẫn để dành những tráo đào mỗi khi tôi qua chơi.
    Sát bến đò Chợ Dinh, mặt bên hông, có một đường luồng đi từ nhà bác Oanh xuống nhà ôn Bộ mà ở sân ranh giới có cây đào to. Kế đến mới là dãy nhà dưới của ôn Bộ. Ở đây có sân nhìn ra sông, sát bến đò. Trên sân có một cây đào. Từ nhà chính, về bên trái lại có một am trong đó thờ nhiều hình nhân quái dị, ông mặt đỏ, ông mặt đen, mang kiếm. Sau này tôi hỏi cha thì được biết ông mặt đen là Trương Phi, ông mặt đỏ là quan Vân Trường trong truyện Tam Quốc Chí. Tôi thích thú bỏ hàng buổi để xem người ta cúng lên đồng tại đây. Có người đang ngồi xếp bàn trên chiếu đôi mắt nhắm nghiền, bỗng nhiên hét lên một tiếng và người này đứng lên nhảy theo điệu kèn, chiêng của mấy ông trong nhóm lễ nhạc. Điểm đặc biệt là những người tham gia lễ lên đồng này quần áo hoa hòe, xanh vàng, đỏ, tím. Có giây thắt lưng. Sau khi cô đồng nhảy xong nhạc ngừng cô cũng ngừng, cô bắt đầu phán cho thân nhân người mắc bệnh. Đại để là bị cô hồn bắt, bị vương ở đâu đó, ngày giờ, …Bây giờ phải về cúng, thế này, thế này, … Có khi đứng xem tôi được cô đồng cho lộc như là củ khoai trên bàn cúng hay lát thơm, trái cam, …
    Điều thú vị là nhiều khi tôi còn thấy các người lên đồng trong cốt cách như người Thượng, áo quần, khăn đội đầu và nhất là có cây kèn mọi. Họ vừa thổi vừa nhảy, múa theo điệu kèn.
    Tôi vẫn nghĩ ông Bộ chuyên nghề chữa bệnh cho người ta bằng cách cúng lên đồng. Ngoài ra có khi ôn Bộ giác lễ, bầu cho những người bị phong thấp, bệnh ngoài da, …
    Qua chơi hoài, nên mọi sinh hoạt thuộc gia đình ôn Bộ, tôi hầu như biết tường tận
    Có một lần, tôi chứng kiến cảnh gây lộn trong nhà bác Oanh, khi hai vợ chồng bác Oanh to tiếng cực điểm, tôi sững người vì những tình huống quá đột ngột. Bác Oanh mặt đỏ ngầu tức giận, chửi bới những câu tục tĩu khó nghe, rôi bất ngờ, bác oanh tụt luôn cái quần đùi đang mặc, ông vừa nói vừa hất chim trước mặt bác Oanh gái: “con C tau đây nì!”. Khi ấy buộc lòng tôi phải chiêm ngưỡng của quý của bác, và sững sờ thấy bác Oanh không giống mình!
    Chưa hết, bác Tư (vợ bác Oanh) cũng không vừa, bà tụt luôn quần xuống để đáp trả và tặng lại cho bác Oanh của quý của bác. Đến đây thì tôi chào thua, không dám nhìn nữa, vội chạy tọt một mạch băng qua đường, tìm anh Cường để tường thuật.
    Cha tôi kể rằng, bác Oanh trước đây là dân chơi, thường ăn mặc chỉnh chu, đồng phục màu trắng, quần Âu, áo vescal, vẫn sa đà vào nơi nhà chứa. Vợ bác Oanh bây giờ (bác Tư) xuất thân từ chốn ấy.

  6. #16
    CÁC RẠP CINÉ TẠI HUẾ



    Hôm trước về Huế, ngồi uống cà phê với 2 người bạn ở đường Chi Lăng. Trước mặt chúng tôi là rạp ciné Khải Hoàn, nhìn rạp chiếu bóng một thời nay tồi tàn, xập xệ chẳng ai buồn sửa sang, ngó ngàng đến, tự nhiên tôi lại thấy nó như là một chứng tích của một thời, một địa điểm văn hóa, ngày xưa sao bây giờ vậy.
    Nhìn rạp Hoàn Mỹ, những ai đã từng một thời đi ciné với bạn, với tình nhân, sẽ hoài niệm - một chút ngậm ngùi, một chút nhớ tiếc. Bà Huyện Thanh Quan đã từng sống tâm trạng ấy: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương".
    Thành phố Huế ngày ấy có 5 rạp chiếu bóng, sau một rạp bị xóa sổ chỉ còn 4. Ấy là:
    - Đường Chi Lăng (Gia Hội) có 2 rạp: Hoàn Mỹ (trước đó là Li Do, Khải Hoàn) và Châu Tinh.
    - Đường Trần Hưng Đạo có 2 rạp: Tân Tân và sau này Hưng Đạo
    - Góc đường Lê Lợi - Lý Thường Kiệt tức Morin cũ có rạp Nguyễn Văn Yến (sau 1956, rạp bị xóa bỏ, nhường chỗ cho khu đại học)
    - Và theo một bạn viết bài về Huế thì Tại Vỹ Dạ, phía Chợ Mai, có một rạp ciné nữa (rạp này từ thời Pháp, sau khi Pháp về nước, rạp bị xóa sổ)..
    Thập niên 60, (trước đó tôi còn quá nhỏ không nhớ) phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh đi xem chiếu bóng rất mạnh. Thành phố Huế nhỏ, dân ghiền ciné có thể nhớ mặt nhau, thích nhất là chiều thứ bảy hay chủ nhật đứng chờ đến xuất vào xem. Trai thanh gái lịch tha hồ nhìn nhau, ngắm mãi người mình thích, ngưỡng mộ, ngày ấy có danh từ gọi là "nghễ".
    Vào rạp, trước khi chiếu phim chính, còn chiếu dạo, nghĩa là chiếu, giới thiệu một số phim sắp chiếu. Những cảnh đưa ra quảng cáo trước là những cảnh "nóng", gay cấn, sôi động, ... xem rất thú vị.
    Tôi vẫn nhớ vé bán trước tại quầy, có 4 hạng: Hạng chót giá 10 đồng, hạng nhì giá 15 hay 20 đồng gì đó, và tiếp đến giá hạng nhất, sau cùng giá vé đặc biệt trên lầu, Sở dĩ tôi nhớ giá vé hạng chót vì tôi chỉ chuyên đi xem giá chót. Xem phim giá chót là giá ngồi sát màn hình.
    Xem ciné ngày ấy, khi vào mua vé, người ta phát cho một tờ Program để lược tóm chương trình chiếu phim, trong đó giới thiệu các diễn viên đóng phim, sơ lược cốt chuyện, ... rất thú vị. Các tờ program này tôi xem phim xong đều cất xem như sưu tầm thành bộ sưu tập rất đẹp vì màu sắc của các tờ xanh vàng đỏ trắng, ...Sau 1975, tôi vẫn còn giữ nó nhưng rồi dòng đời trôi đi, thời gian quá bận rộn lo đủ thứ chuyện, tôi đã lỗi một lời ước, không còn giữ được các tờ program này được. Sorry!
    Dạo đó sao tôi mê phim Pháp, Mỹ thế! Vẫn nhớ mãi các cô đào nổi tiếng: Brigitte Bardot với phim "Et Créa la femme" hay phim "The blood and Roses". Hai phim này đạo diễn là Roger Vadim, người đạo diễn này tôi nghiệm thấy ở ông như có một chút gì đó hơi “bay bỗng”, một chút sex, một chút bị lệch lạc tâm lý mà mỗi khi xem phim của ông tôi cứ suy nghĩ mãi. Với phim "Cartouche" mà vai diễn chính là Jean Paul Belmondo và Claudia Cardinal thì quá ư ngoạn mục, sôi động và đầy vẻ tài tử. Ngoài ra một số phim tình cảm trẻ trung lãng mạn như La Lecon particulière mà diễn viên trẻ có môi trên hơi trề ra sao thấy thích quá trời đó Nathalie Delon. Trong phim này hình như có Charles Bronson hay Omar Sharif?. Phim có nội dung nói về một người đàn bà lớn tuổi có chồng thế nhưng một chàng sinh viên miệng còn hôi sữa lại lẽo đẻo theo tán người phụ nữ. Chàng thanh niên này tôi nhớ là Renaud Verley đi chiếc xe Honda PC nhỏ bé chạy theo chiếc xe hơi bóng láng, trong đó chồng bà ta đang lái và được một cái cười nhếch mép của ông chồng ném về cậu bé miệng lẩm bẩm: “đồ con nít!”, ...
    Cuốn phim trên rất được bọn trẻ như tôi ngày ấy thích thú và sau đó là phong trào đi xe Honda PC phát triển.
    Thanh niên đi xe Honda PC và nghĩ thầm mình là Renaud Verley!
    Một phim khác tôi nhớ xem ở rạp Châu Tinh, tên phim là “Les dimanches de ville d ‘ Avray”. Cuốn phim này nửa thập niên đầu sáu mươi đã làm xôn xao khán giả trẻ khắp thế giới. Hình ảnh cô bé Cybel, anh chàng phi công Pierre trẻ tuổi mất trí và con gà trống bằng kim loại trên tháp cao một giáo đường bỗng chập chùng trở về.
    Cô bé trong vai Cybel là Patricia Gozzi, 12 tuổi, bị bố ruồng bỏ đưa vào một cô nhi viện. Chàng thanh niên tên Pierre (Hardy Kruger) là một cựu phi công Pháp trên chiến trường Việt Nam, anh bị mất trí vì bị ám ảnh tội lỗi đã giết chết một em bé gái Việt Nam khi phi cơ của anh bị rơi đụng phải. Do sự liên tưởng đến nạn nhân thơ ngây vô tội của minh anh tìm cách kết thân với Cybel khi anh bắt gặp đôi mắt u sầu do bị bố mình từ bỏ . Kể từ đó chàng giả vờ đóng vai bố cô bé và lãnh cô ra khỏi cô nhi viện mỗi ngày chúa Nhật. Họ trải qua những ngày chủ nhật tại thị trấn nhỏ tên Ville d’Avray ở ngoại ô Paris.
    Mặc dù có nhân tình, người nữ y tá chăm sóc chàng, nhưng chàng vẫn chới với, hoảng hốt với những cảnh tượng hải hùng của chiến tranh. Người yêu của chàng chỉ biết âm thầm chịu đựng mà không làm gì được. Trong lúc đó, một vị Bác sĩ, vì mê say cô y tá xuyên tạc sự liên hệ giữa Pierre và Cybel là có liên quan đến dục tính, mục đích là để mong gạt bỏ chàng ra khỏi tâm trí người mình đeo đưổi.
    Và ông BS này đã làm một báo cáo gửi đến cảnh sát nói lên sự nguy hiểm của chàng.
    Giáng Sinh năm đó Pierre đã trèo lên đĩnh ngọn tháp cao ngất của một giáo đường để gỡ con gà trống bằng kim loại như một món quà đầy bất ngờ cho Cibel, vì trước đó cô bé đã thách thức đùa Pierre. Trong khi Cybel thiếp đi khi ngồi chờ chàng xuất hiện để cùng đón Giáng sinh trong một nhà vòm trống trãi, đầy tuyết phủ. Pierre đã vất vã mang được con gà trống xuống. Trên đường tìm đến công viên thì bị cảnh sát bao vây. Cuối cùng thì tiếng súng nổ, cảnh sát viện lý do bảo vệ Cybel đã bắn chàng ngã gục trước đôi mắt bàng hoàng, thảng thốt của cô bé Cibel.
    Phát súng bắn chết Pierre là phát súng nhân danh những tiêu chuẩn luân lý, đạo đức, phát súng của xã hội, không chấp nhận mối quan hệ của hai người.
    Ngày ấy phim Hồng Kông và Đài Loan tràn ngập qua VN, chiếu tại Huế cũng đã nhiều. Nhưng tôi vẫn chưa ghiền lắm. Thích nhất là phim Tần Thủy Hoàng. Có một cảnh, chàng thư sinh nhìn trộm cô gái đang tắm bên bờ suối. Đến lúc bị cô gái bắt gặp, chàng nho sinh hết đường chạy trốn và cuối cùng chàng ta bị cô gái bắt buộc phải ...lấy cô ta.
    Phim Hồng Kông võ thuật bấy giờ đã tràn ngập nhiều với các diễn viên Lý Tiểu Long, Khương Đại Vệ, Vương Vũ, Trần Tinh, Phùng Bửu, Trịnh Phối Phối, ... Tuy nhiên nổi tiếng nhất vẫn là Lý Tiểu Long với lối đánh quá đẹp và gương mặt có tính cách. Các phim như Đường Sơn Đại Huynh, Mãnh Long quá Giang, ...quá tuyệt. Vẫn nhớ mãi khuôn mặt của Miêu Khả Tú bên cạnh Lý Tiểu Long, ...
    Nhớ các rạp ciné thường cho vẽ Paneau quảng cáo một scène chính của phim rất ấn tượng. Phải nói là chỉ đặc biệt tại Huế mới có lối vẽ y như thật trong phim, nét vẽ mềm mại, thu hút như Lê Vinh hay sau này có Thành (người ta bảo Thành là học trò Lê Vinh)
    Sau năm 1972, vào dạy học tại Đà Nẵng, nhìn các hình vẽ giới thiệu phim trước các rạp, tôi buồn cười vì vẽ quá xấu, mà hình như không chỉ Đà Nẵng mà tại Sài Gòn cũng vậy!
    Ôi! Huế - Một thời kỳ, một giai đoạn!
    Last edited by Tuấn Nguyễn; 10-05-2014 at 06:55 PM.

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 05:05 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh