Register
Page 1 of 8 123 ... LastLast
Results 1 to 10 of 80

Thread: Lang Thang II

  1. #1
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852

    Lang Thang II

    Chủ đề gặp lại người xưa cũ, ngày xưa xinh đẹp, quyến rũ biết bao nhiêu nhưng sau mấy mươi năm trông lại hãi hùng quá! Thực ra chuyện tình cờ gặp người xưa và thất vọng não nề không phải hiếm, nhiều người viết đã khai thác đề tài này, tôi nhớ cũng có đọc ít ra là ba bốn truyện ngắn. Nhưng để lại cảm xúc mạnh nhất, có lẽ là đọc câu truyện về "Lá Diêu Bông" của thi sĩ Hoàng Cầm kể lại.

    Nhà thơ này thật là đa tình. năm lên 10 đã mê một người con gái hơn mình cả chục tuổi! Vừa thấy đã mê ngay! Nhà thơ tự nhận là mình bị "coup de foudre", rồi hý hoáy làm thơ tặng người đẹp, bỏ vào phong bì giúi vào tay nàng. Trên phong bì đề : "Gửi chị Vinh của em"!!! Hai năm trời cứ đi học về là nhà thơ lẽo đẽo theo sau chị Vinh. Năm lên 12, có lần nhà thơ cùng đám trẻ con đi theo chị Vinh ra đồng, người đẹp đi tìm loại lá gì đó, nhà thơ hỏi, chị Vinh nói đùa: "Tao tìm lá..., đứa nào tìm được tạo gọi là chồng". Rồi một ngày nàng đi lấy chồng thật, để lại nhà thơ đầm đìa nước mắt!

    25 năm sau, bài thơ "Lá Diêu Bông" ra đời và nhà thơ Hoàng Cầm nổi tiếng, nhiều người thích cũng phần lớn vì bài thơ này. Bài thơ như sau:



    LÁ DIÊU BÔNG


    Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
    Chị thơ thẩn đi tìm
    Đồng chiều
    cuống rạ
    Chị bảo
    Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
    Từ nay ta gọi là chồng

    Hai ngày Em tìm thấy lá
    Chị chau mày
    đâu phải Lá Diêu Bông
    Mùa đông sau Em tìm thấy lá
    Chị lắc đầu
    trông nắng vãn bên sông

    Ngày cưới Chị
    Em tim thấy lá
    Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

    Chị ba con
    Em tìm thấy lá
    Xòe tay phủ mặt Chi không nhìn

    Từ thuở ấy
    Em cầm chiếc lá
    Đi đầu non cuối bể
    Gió quê vi vút gọi
    Diêu Bông hời...
    ... Ới Diêu Bông... !

    Câu chuyện thật đẹp và thi sĩ Hoàng Cầm kể lại thường ngừng nơi đây, để lại người đọc những bồi hồi, ngậm ngùi. Nhưng tháng 9 năm 2004, nhà thơ đã kể thêm về đoạn chót! Là lúc ông đã lớn vừa thi đỗ tú tài xong, một hôm đi dạo thấy có người gọi tên mình. Nhìn bên kia đường là chị Vinh, đứng bán hàng xén, nghèo hèn, cực khổ. Và nhan sắc đã già nua, tiều tụy. Người đẹp ngày xưa kể chuyện đời mình, đi lấy lẽ một tên Quản khố xanh, có con, rồi bị ruồng bỏ. Cuộc sống khó khăn đã làm tàn phai tất cả. Nhưng nhà thơ vẫn chỉ nhìn thấy hình ảnh của nàng thời xa xưa. Và nỗi đau đớn khi nàng lấy chồng vẫn còn đó.

    Tôi vẫn thích bài thơ "Lá Diêu Bông" của Hoàng Cầm. Nhưng phải chi ông đừng kể thêm đoạn cuối! Thê thảm quá! Nỗi buồn nhẹ nhàng của "Lá Diêu Bông" đã bị kết thúc bi thương làm tội nghiệp thân phận của một người đàn bà! Và muốn giữ cái đẹp, có lẽ nên trốn tránh đi những sự thật não nề hầu như lúc nào cũng có của kết thúc chăng?

    Và lan man nghĩ thêm. Tại sao chỉ có những câu chuyện thực hay truyện dài, truyện ngắn của những cuộc gặp gỡ người tình xưa cũ tàn phai nhan sắc là đàn bà? Mà không có những truyện nàng gặp lại người xưa. Nàng vẫn đẹp như tiên, tuổi tác không thành vấn đề nhờ thẩm mỹ, Botox. Nàng lái Mercedes bóng loáng, chạy vù vù. Nhà nàng trên đồi cao nhìn xuống biển, Malibu hay Pacific Palisades. Và một ngày nàng đi ăn tiệm, bỗng gặp lại người xưa, nay già nua, còm cõi, đầu hói, răng rụng. Mắt lờ đờ, tay run rẩy, nói năng thều thào, chàng nhìn nàng lắp bắp: "Em! Em đấy à!" .
    Và nàng ngẩng đầu nhìn lên thản nhiên như chuyện tình 30 năm về trước chỉ là bóng mây mờ dĩ vãng: "À! Anh ... đấy hả!"
    Rồi nàng tiếp tục cúi xuống
    , húp nước tô phở tái nạm gầu gân vè dòn, như không hề có chuyện gì xảy ra trên cõi đời này!

  2. #2
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852
    Tolstoi có viết trong cuốn Anna Karenina "Gia đình nào cũng có thảm kịch". Câu này được nhiều người nhắc đến. Nhưng tôi thấy không đúng! Tolstoi khổ vì bà vợ quá nên viết tổng quát hóa như vậy trong một cơn uất ức giận vợ! Mỗi gia đình có hoàn cảnh riêng, là một thế giới riêng biệt, có đầy đủ chuyện buồn chuyện vui, có thảm kịch lớn, kịch nhỏ, giận hờn, làm lành, cấu xé, yêu thương... Đầy đủ hỉ nộ ái ố. Nhưng nói chung, gia đình là một sự thỏa thuận, một sự dàn xếp để cùng chung sống. Và thỏa thuận này thường giữa một người vợ và một người chồng, trong bối cảnh của xã hội, hầu hết đều như thế.

    Chuyện một ông hai bà, cũng là chuyện tương đối thường, nhất là trong xã hội Việt Nam! Nhưng một bà hai ông, ít thấy hơn! Và là câu chuyện để ta bàn đến cho vui, trong những lúc trà dư tửu hậu, hay rảnh rỗi không có chuyện gì làm, đem chuyện nguời khác ra để đùa nghịch. Hay để cảm thấy mình hơn người mình nói xấu! Hay để thấy mình được sung sướng, hạnh phúc hơn người có hoàn cảnh không đẹp hay không may, như đúng nghĩa của từ ngữ schadenfreude!

    Chỗ tôi ở có câu chuyện của một người tôi thỉnh thoảng giao thiệp, tương đối cũng là thế giá của nhóm người Việt ở đây. Anh ta góa vợ. Bà vợ chết vì ung thư vú. Anh yêu thương vợ, khóc lóc thảm thiết, thề nguyền sẽ ở vậy suốt đời. Vì không có người đàn bà nào khác có thể thay thế em được. Anh tuyên bố như thế, cho mọi người quen biết, làm chứng cho lời thề của anh. Nhưng anh bạn quên một điều.Người vợ vừa mãn phần của anh có một cô em gái song sinh, giống nhau như hệt. Và câu chuyện trở nên khúc mắc từ đó!

    Vì anh bạn bảo lãnh cho vợ chồng của cô em vợ từ Việt Nam sang Hoa Kỳ để cô em trông coi và săn sóc cho bà chị lúc đang chữa chạy cơn bệnh ngặt nghèo. Giấy tờ chậm trễ nên khi xong xuôi sang được Hoa Kỳ bà chị đã mất trước đó hai tuần. Vợ chồng cô em sang bên này bơ vơ, tạm ở nhà anh một thời gian trước khi có khả năng để tạo dựng đời sống riêng. Đối với anh bạn, tình trạng trở thành vô cùng phức tạp vì cô em vợ giống người vợ đã mất như đúc, tưởng chừng như vợ anh vẫn còn đó, không phải đã nằm yên ở dưới đáy huyệt sâu. Làm thế nào bây giờ? Vợ anh vẫn đang sống cùng anh, vẫn ở trong một nhà với anh! Vẫn đi qua đi lại, nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc anh như trước. Chỉ khác có một điều là có thêm một tên đàn ông khác ở trong nhà, người anh em đồng hao, cột chèo với anh!

    Và chuyện phải đến, sau cùng cũng sẽ đến. Đêm đó, anh đang nằm ngủ trong phòng riêng, trên giường hai vợ chồng anh như đã bao năm nay vẫn ngủ như thế, thao thức trằn trọc vì thiếu thốn đàn bà đã mấy tháng nay. Anh bỗng thấy có người nhẹ tay mở cửa vào phòng. Anh mừng rỡ! Ồ! Vợ anh trở về cùng anh, lên giường nằm với anh. Và tình yêu đã trở lại. Như không bao giờ đánh mất, như cái chết đã không thể phân ly, chia cách nhau được! Và niềm vui sau cùng cũng đã trở lại với anh.

    Từ đó anh sống êm đềm, hạnh phúc trong một thỏa thuận mới. Hai vợ chồng cô em vợ anh vẫn ở chung với anh, không hề dọn đi đâu nữa. Cô em vợ anh được anh dẫn đi mọi chỗ, đám cưới, party, các chỗ hội họp, đuợc tự nhiên giới thiệu với mọi người là vợ anh, không cần giải thích. Người nào là bạn anh, thân thiết với anh, những người thông cảm, chấp nhận, anh giao thiệp tiếp. Ai không bằng lòng, dị nghị, anh không gặp nữa. Giản dị, không thắc mắc! Và mọi sự trở thành đâu vào đó, anh tiếp tục cuộc đời của anh, cùng người vợ mới nhưng là cũ, cũ thành mới. Anh không cần biết đến. Và rồi sau cùng mọi người quen đi, cũng đều chấp nhận như vậy cả!

    Tôi không thân với anh, nhưng thán phục anh. Nhất là khi biết thêm được chuyện cô em song sinh này, cùng mang tính cách di truyền chung với bà chị, đã tìm được tương đối sớm là cũng đã bị ung thư vú. Và anh đã làm giấy tờ lại, để cô em vợ có thể dùng bảo hiểm sức khỏe của anh để chữa trị kịp thời. Còn câu chuyện của người anh em cột chèo, chấp nhận việc sống chung một bà hai ông, là chuyện tôi cũng như những người quen khác, không biết rõ. Mỗi người có lý lẽ riêng và có những chấp nhận riêng cho cuộc sống của mình, không ai phán đoán được. Và dù có ai nghĩ gì đi nữa. Cũng đã sao đâu! Cũng chỉ là cuộc đời thôi mà!

  3. #3
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852
    Tôi không tin vào số mệnh! Viết thơ, viết văn, nói đến định mệnh là để cho mùi mẫn, đọc cho hay mà thôi! Khi nói đến số mệnh là nói đến một sự sắp đặt có sẵn, đến từ một quyền lực vô hình, cho mỗi cá nhân, gần như bất di bất dịch, không thay đổi được. Nếu không nói đến tôn giáo và niềm tin, khi nhắc đến số mệnh, là đã tin tưởng rằng số mệnh bao hàm một trật tự, xác định cho trước và sau.
    Nhưng vũ trụ, con người và đời sống, làm gì có một trật tự nào được xếp sẵn từ trước đâu? Vũ trụ căn bản là một sự hỗn loạn, chaos. Vũ trụ càng ngày càng bành trướng, với dark matter, dark energy, mọi sự sẽ càng ngày càng hỗn loạn hơn và rồi có lúc sẽ nổ tung! Ở mức độ nhỏ nhất, quantum mechanics với nguyên lý bất định Heisenberg cho thấy tất cả cũng chỉ là hỗn loạn!
    Con người được sinh ra, đời sống mọi người, cũng tất cả chỉ qui về một chữ là tình cờ! Ngay cả sự sống, tự nó cũng chỉ là một tình cờ vô cùng bé nhỏ! Như vậy làm sao có số mệnh được? Tin vào số mệnh, cũng như tôn giáo, là để bám víu lấy một điểm tựa, trước sự sợ hãi tự nhiên của con người khi không hiểu những gì không thể hiểu nổi được!


    Hơn một chục tỷ năm về trước khi vũ trụ bắt đầu với Big Bang, vật chất được thành lập. Từ những phần tử nhỏ nhất, quarks, muons, neutrinos, positrons, electrons..., rồi antimatter, dark matter... tất cả được tạo thành trong một phần triệu triệu của giây đầu tiên và vũ trụ tiếp tục bành trướng. Rồi các phần tử này tạo thành các ngôi sao, mặt trời, thái dương hệ, quả đất, sự sống, loài người và sau cùng là chúng ta. Điều quan trọng là những phần tử cấu thành mỗi con nguời của chính ta đã hiện hữu từ thời Big Bang, từ 11 tỷ năm về trước! Và những phần tử này không bao giờ mất đi, chỉ hoán chuyển sang một hình thức vật chất khác, hay trở thành năng lượng. Và vật chất, năng lượng cũng chỉ là một.

    Điều đó có nghĩa ta là bất tử, đã hiện hữu từ thời nguyên thủy và sẽ tồn tại đến vô cùng! Ta của hiện tại, đang sống, thở, ăn, nói, suy nghĩ, hành động, yêu thương, giận ghét...chỉ là một trạng thái của những phần tử cấu thành, đến từ một sự tình cờ. Ta có biến sang một trạng thái khác, hoặc vẫn tiếp tục sự sống, như một người của một kiếp khác, hay một con vật, cây cỏ hay không có sự sống như cục đá vô tri, mang dấu tích chất chứa từ hàng tỷ năm, hay mang những nghiệp của muôn vàn kiếp sống khác nhau, cũng chỉ do những tình cờ, biến thiên không thể biết trước được!

    Và câu hỏi sau cùng không thể trả lời được vẫn là tất cả từ đâu mà đến? Và tất cả sẽ đi về đâu?


  4. #4
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852
    Tôi không nhớ đã thích bài Les feuilles mortes từ bao giờ. Nhưng chỉ biết là đã lâu lắm, lúc mới lớn lên. Hình như lần đầu tiên là lúc đọc truyện James Bond của Ian Fleming, có thể là cuốn Diamonds are forever, có đoạn tả về một cô gái nghe đi nghe lại bài Les feuilles mortes này. Kể cũng lạ! Vì truyện James Bond của Fleming là truyện về gián điệp, action, bắn giết như ngoé. Nhưng đọc đoạn viết về cô gái buồn bã, depressed, nghe đi nghe lại bài nhạc Les feuilles mortes, tự nhiên tôi thấy thích vô cùng. Và bỏ dở cuốn truyện hấp dẫn, tôi đi tìm bài hát Les feuilles mortes. Và bị nhạc cũng như lời hấp dẫn ngay, lôi cuốn suốt đến bây giờ!
    Les feuilles mortes đầu tiên do nhạc sĩ Joseph Kosma viết nhạc năm 1945, nguyên thủy cho một ballet tên Le rendez-vous. Sau đó nhà thơ Jacques Prévert đặt lời cho bài nhạc và được dùng làm bài nhạc chính cho một phim là Les portes de la nuit, với Yves Montand hát. Phim này dở, thất bại, không ai biết đến nhưng bài hát Les Feuilles mortes đã nổi tiếng và được ưa thích từ đó đến nay. Điều này cũng lạ vì Kosma là một nhạc sĩ hầu như vô danh tiểu tốt, ít người biết đến. Prévert nổi tiếng hơn. Nhưng thực sự bài thơ của Prévert dài quá và không hay bằng lyrics tóm gọn, giản dị hơn trong bài nhạc. Les feuilles mortes được dịch sang tiếng Anh thành Autumn Leaves. Nhưng lời của Autumn Leaves dở hơn lời của Prévert tiếng Pháp quá nhiều! Nat King Cole hát Autumn Leaves cũng hay nhưng tôi vẫn thích bài tiếng Pháp do Andrea Bocelli hát hay hơn nhiều!
    Có lẽ không có bài nhạc nào làm tôi rung động và thích như bài này, sau mấy mươi năm, cứ đến độ gần Thu lại phải nghe đi nghe lại bài nhạc Les Feuilles Mortes không bao giờ chán. Như người thiếu nữ trong truyện của Ian Fleming! Trước khi những màn bắt giết của James Bond làm cháy luôn cả lá vàng rơi! Nghĩ lại mới đoán là Ian Fleming cũng phải mê bài nhạc Les feuilles mortes, cố tình đưa đoạn thiếu nữ nghe bài này vào truyện, dù không hợp và không ăn nhậu gì đến cốt chuyện đầy bắn giết!!!


  5. #5
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852
    Update: người chồng bỏ đi rồi. Chuyện một bà hai ông này bây giờ trở thành chuyện thường tình, một ông một bà. Không còn gì đáng nói nữa! Mỗi hoàn cảnh đều có một arrangement nào đó. Có thể sau cùng rồi mọi sự đều tốt đẹp chăng? Chúng ta không biết rõ nên cũng không nên mất thời giờ để mủi lòng . thương sót cho ông chồng trước. Mỗi người đều có đời sống riêng. Mạnh ai nấy sống!

    Nhưng tiếp tục trong tinh thần schadenfreude, để tôi kể thêm chuyện một bà hai ông khác, chuyện này có hậu hơn! Và đã được tai nghe mắt thấy! Hôm đó đi ăn mì mằn thắn xá xíu ở một tiệm mì ngon nổi tiếng ở đây, nhìn sang bàn bên cạnh bỗng thấy một người quen! Ông này mới ly dị vợ. Nhưng thấy ông cười toe toét, vui vẻ với một bà và một ông khác, rất đầm ấm. Đã nghe trước đó là ông này bây giờ đang sống chung cảnh một bà hai ông với vợ chồng người bạn thân, mới từ một tiểu bang khác dọn về đây ở! Bà vợ âu yếm gọi hai tô mì nước cho hai ông chồng, còn riêng mình ăn mì xào dòn! Cảnh tượng rất hòa thuận, chuyện trò ba người như pháo rang. Gặp người quen nhìn sang, chỉ gật đầu chào lấy lệ, rồi tiếp tục vui đùa nói chuyện ba người với nhau, không cần biết đến ai, không cần tiếng đời dị nghị. Như muốn nhắn nhủ: Đời tôi, tôi sống, đời các anh các anh sống! Dòm dòm cái gì! Muốn đui mắt thì cứ dòm!

    Không hiểu ở bên Hoa Kỳ này đồ ăn thức uống ra sao mà chuyện một bà hai ông nhiều nhan nhản như vậy! Nghe gossip đồn rằng trên Washington, D.C., còn cao siêu hơn, có cảnh gia đình một bà đến ba ông chồng, nhưng sống cũng yêu thương, thuận hòa lắm lắm! Một ông chồng già đầu tiên. Rồi sau đó một ông trung niên và sau cùng là ông chồng trẻ! Đời cứ thế mà vui như Tết!

    Nhưng nghĩ lại không cứ gì bên Mỹ này mới có cảnh gia đình người Việt mình trở lại chế độ mẫu hệ matriarchy như thời Thượng Cổ. Thời xưa ở Việt Nam cũng có chuyện này. Nhà văn Hứa Hoành, chuyên viết về những chuyện lịch sử xã hội miền Nam thời xưa, cho biết có chuyện cô Ba Trà hai chồng thời thập niên 30's hay 40's gì đó. Cô Ba Trà đẹp, son trẻ sống đề huề với hai ông chồng. Dĩ nhiên thời xưa không công khai được, nhưng ai cũng biết! Nhà văn Xuân Vũ dựa theo câu chuyện kể này đã viết cuốn tiểu thuyết Cô Ba Trà rất hấp dẫn. Hay nhất là lúc nhà văn Xuân Vũ kể chuyện cô Ba Trà vất gối vào phòng ngủ. Ba người mỗi người một phòng, khi nào cô Ba Trà muốn ngủ với ông chồng nào, cô vất gối sang phòng anh đó. Để anh tắm rửa, sửa soạn tinh thần để đêm đó hầu người đẹp!
    Nhà văn Xuân Vũ viết tài tình, cốt chuyện lâm ly, đầy lôi cuốn. Văn tả thanh mà tục, tục mà thanh! Cả hai nhà văn Hứa Hoành và Xuân Vũ nay đã ra người thiên cổ. Hai nhà văn này đều chết quá sớm, làm mất đi những cây bút giá trị của văn học Việt Nam tại hải ngoại này! Thật đáng tiếc!

  6. #6
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852
    Luận về chữ tình có lẽ không bút mực nào có thể tả xiết được cái bao la, khúc mắc của nó được. Cũng như không ai tự cổ chí kim có thể vỗ ngực nhận mình đã thông suốt mọi đường tình, biết đủ các loại tình và hưởng hết mọi thứ tình trên đời này.
    Tuy nhiên, không thể thấu triệt được không có nghĩa là không có những thức giả chịu khó tìm tòi, suy nghĩ để cố gắng đạt được mức cao siêu thượng thừa của môn Tình Học. Sự học càng khó khăn chừng nào, kẻ sĩ phu của Tình Học càng khổ công dùi mài để vén màn bí mật của chữ Tình chừng đó. Nghệ thuật là ở chỗ vén, tinh hoa là ở chỗ vén, người học giả chỉ cần vén nhìn là đã thông suốt, thế nên học để vén sao cho giỏi, cho khéo là điều quan trọng lắm!

    Một khó khăn thường xảy đến cho những người đeo đuổi môn Tình Học là ở mức cao siêu cuối cùng phải lĩnh hội được những điều bí ảo của một biến thể của chữ Tình: đó là Tình Ngoài! Hiểu được Tình Ngoài mới có thể nhắm mắt an lành mà về chốn ngàn thu với chữ Tình. Có được Tình Ngoài mới có thể lên mặt tự đắc với đời, dù sau đó có tán gia bại sản, thân tàn ma dại lêu bêu đầu đường xó chợ cũng đành.

    Vậy Tình Ngoài là gì? Ý nghĩa cao siêu của Tình Ngoài ở chỗ nào mà sao bao người quân tử trượng phu nhất định cố công vén màn bí mật cho được, có thác cũng đành!

    Trước hết theo quan niệm triết học mới nhất, Tình Ngoài là một trạng thái tâm thức của bản ngã, chập chờn muốn thoát ra ngoài vòng cương tỏa, phiêu diêu nơi ranh giới của Trong và Ngoài, dùng dằng không biết nên đi hay ở. Trạng thái tâm thức này sau cùng thường tiến đến chỗ điên loạn, mang nặng màu sắc bệnh lý phân tâm học, bản ngã hòa nhập với siêu ngã, sau cùng tiến đến vô ngã, đi về chốn ô hô ai tai!
    Quan niệm siêu hình học về Tình Ngoài cao hơn một bực, cho rằng Tình Ngoài là hình thức phản kháng của nội tại, đi tìm ý nghĩa tuyệt đối ở phía bên kia, sau khi được Tình Trong tặng cho vé một chiều trên chuyến tàu suốt, đi về chốn Vĩnh Hằng!

    Quan niệm của khoa học khác hẳn với quan niệm nặng màu sắc bi thảm trên. Trước hết, khoa học đã chứng minh bằng những định lý không thể chối cãi được và bằng thực nghiệm chính xác là Tình Ngoài trước giờ và sau này cũng thế, vốn là đặc quyền của đàn ông. Lý do tại sao? Điều này chỉ có Thượng Đế và may ra Einstein biết được. Nhưng khoa học đã phán như vậy ắt phải là như thế!
    Điều thứ nhì, Tình Ngoài rất có lợi cho sức khỏe và cho công cuộc tìm hiểu thuật trường sinh. Khỏe hẳn ra và trẻ hẳn ra là những đặc điểm thường quan sát thấy nơi người đàn ông với Tình Ngoài. Chỉ có điều phiền toái là đôi khi Tình Ngoài có thể gây ra phản ứng phụ là bất đắc kỳ tử. Tuy nhiên điều này hiếm xảy ra nếu biết dùng Viagra đúng cách và cẩn thận.

    Các kinh tế gia quan niệm thế nào về Tình Ngoài? Hầu hết mọi người đều đồng ý là Tình Ngoài có khuynh hướng gây ra nạn lạm phát. Lạm phát ở đây được định nghĩa là tiền chi ra rất nhiều để đuổi theo hàng hóa, dịch vụ là ân huệ ái tình, ban phát quá ít ỏi! Kết quả là lạm phát phi mã!
    Tình Ngoài lại có khuynh hướng gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Điều này dễ hiểu vì người đàn ông với Tình Ngoài thường ở sở đến trễ về sớm. Ở nhà với Tình Trong lại đi sớm về trễ. Kết quả đương nhiên là năng xuất kém ở sở, thuế thân không đóng ở nhà cho Tình Trong. Thất nghiệp là điều đương nhiên phải xảy ra, không trách ai được!

    Các nhà nhân văn học và xã hội học nghĩ thế nào về Tình Ngoài? Theo các vị này, Tình Ngoài là phương cách thần diệu giải quyết nhiều vấn đề. Thứ nhất là nạn trai thiếu gái thừa của nhân loại. Điều này giản dị không cần giải thích thêm. Sau đó là nạn tội ác. Không ai muốn làm tội ác nữa vì Tình Ngoài đã cho con người, ở đây là đàn ông, hả hê, sung sướng, thoả mãn đầy đủ rồi, làm ác làm gì nữa! Chiến tranh cũng sẽ không còn trong lịch sử con người. năng lực chiến đấu đã được dành để đối phó với Tình Trong rồi, đàn ông đâu còn hơi sức để gây hấn với đàn ông khác tạo nên chiến tranh làm chi, vô bổ, mất thời giờ!

    Như vậy mỗi nghành chuyên môn đều có những quan niệm cá biệt về Tình Ngoài. Những tư tưởng dị biệt trên chỉ là những khía cạnh như nhìn qua lăng kính của khối vĩ đại là Tình Ngoài. Người học giả về Tình Học định nghĩa giản dị và nhìn thẳng vào vấn đề hơn nhiều. Sau đây là tóm tắt của tư tưởng thâm thúy đó:

    Tình Ngoài cũng như Tình Trong đều là Tình. Đã có Trong tất phải có Ngoài.
    Khi Tình Trong không biết thì Tình Ngoài là Tình Ngoài.
    Khi Tình Trong đánh hơi được thì Tình Ngoài là Tình Bạn.
    Khi Tình Trong vắng nhà mấy hôm thì Tình Bạn lại thành Tình Ngoài.
    Giản dị chỉ có thế!
    Và:
    Vạn tuế Tình Ngoài!!!

  7. #7
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852
    Tôi thích thơ Đinh Hùng từ thưở xa xưa. Một trong những bài thơ thích nhất là Mái Tóc Dạ Hương, có những câu như:

    Từ giã hoàng hôn trong mắt em
    Tôi đi tìm những phố không đèn
    Gió mùa thu sớm bao dư vị
    Của những ân tình hương tóc quen

    Mùi hương tóc trong đêm, hòa với mùi da thịt quyến rũ biết chừng nào. Trong năm ngũ quan, khứu giác đóng vai trò quan trọng nhất đối với sinh vật. Con người tìm đến nhau vì mùi hương, tình yêu nảy nở vì hòa hợp, quyến rũ nhau, một phần cũng vì thuận nhau trong khứu giác! Điều này dễ hiểu vì pheromones giúp cho hai giống tìm đến nhau hầu hết trong các loại sinh vật!

    Tôi có anh bạn bị pheromones hành hạ, điêu đứng, cũng chỉ vì khứu giác quá bén nhậy. Anh mê một cô làm cùng sở, cả hai làm việc trên lầu năm. Mỗi sáng anh đứng đợi để khi nàng đến anh mới vào thang máy. Đứng sau nàng, anh hít hà, anh thở ra thở vào tận hưởng mùi hương từ mái tóc, từ da thịt nàng. Anh không hy vọng được nàng để ý đến. Vì nàng đẹp, chức vụ lại cao hơn anh. Trong khi anh xấu trai, đầy mặc cảm. Và đời anh chỉ còn mỗi điều vui thú để sống là đứng sau lưng nàng trong thang máy mỗi sáng. Để thở hít mùi hương của nàng. Trong vài phút phù du. Và lẽ sống của anh chỉ cần có vậy.

    Rồi một ngày phải đến, cũng sẽ đến. Nàng lấy chồng, bỏ công việc, dọn đi tiểu bang khác. Anh như người mất hồn, sống lây lất như một thứ zombie, chỉ vì anh thiếu mùi hương pheromones của người đẹp. Và anh vẫn sống độc thân từ đó đến nay, không bao giờ lấy vợ. Chỉ vì không thể kiếm người đàn bà nào khác có mùi hương như vậy!

    Những chuyện say mê mùi hương không phải thiếu. Nhiều danh nhân cũng mắc vào chứng này như anh bạn tôi. Như vua Càn Long nhà Thanh bên Tàu, mê nàng Hương Phi, người đẹp nổi tiếng có mùi hương quyến rũ, ai lại gần cũng phải mê. Hương Phi là vợ của một lãnh chúa ở vùng sa mạc, có lẽ là Tân Cương bây giờ. Càn Long cất quân đi đánh xứ này, mục đích duy nhất là bắt nàng Hương Phi để đưa về cung, hít hà hương thơm mỹ nhân!
    Rồi chuyện của Napoléon, đi đánh trận khải hoàn trở về Paris. Nhưng trước đó đã cho kỵ mã chạy ngày đêm để báo cho Joséphine biết là Napoléon sắp về, đừng tắm rửa gì cả, để Napoléon hưởng mùi da thịt tự nhiên của Joséphine, nhiều ngày không tắm!

    Mấy năm trước, tôi có xem phim "Scent of a woman" do Al Pacino đóng. Anh này đóng vai một người mù, có tài chỉ ngửi ngửi cũng biết đàn bà đẹp hay xấu! Phim này có đoạn hay nhất lúc Al Pacino nhảy Tango với người đẹp, vừa nhảy vừa hít hà hương thơm mỹ nhân, chỉ theo mùi mà đi những bước Tango điệu nghệ! Vừa nghệ thuật vừa hết sức sensual cao độ! Phim này có lẽ là phim Al Pacino đóng hay nhất!

    Lần cuối gặp anh bạn, thấy anh xuống dốc quá độ. Thương cảm bạn, nhưng không biết làm gì hơn, chỉ biết khuyên là chuyện mê mùi hương của anh, trong lịch sử các danh nhân cũng nhiều người đồng bệnh như anh. Nên anh đừng lấy điều đó làm buồn. Càn Long hay Napoléon cũng chỉ như anh thôi. Đều là anh hùng lụy vì hương mỹ nhân! Họ cũng không hơn gì anh đâu!

  8. #8
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852
    Mới đọc báo thấy có bài viết về một công ty mới tên Airbnb. Công ty này là loại online, đứng giữa làm trung gian cho những người muốn kiếm thêm chút tiền, cho thuê nhà của mình hay cho thuê phòng một vài ngày hay một vài tuần, cho khách du lịch , muốn rẻ tiền không muốn thuê khách sạn tốn kém hơn. Công ty Airbnb thành công vượt mức. khuếch trương ra nhiều thành phố lớn khắp nơi. Các khách sạn bị thiệt hại nên đòi kiện cáo lung tung.
    Nhưng khuynh hướng bây giờ là sharing, nhà cửa cho sharing, cái gì cũng là sharing hết. Quan niện này đang thịnh hành với những người trẻ bây giờ. Xe cộ cũng thế! Công ty Zipcar bành trướng khắp nơi với loại business mới này. Nếu ở thành phố lớn, không cần mua xe làm gì. Vì chỉ cần sharing nhờ công ty Zipcar này!

    Đây là chiều hướng kinh tế mới gọi là sharing economy. Tương lai sẽ thay đổi còn nhiều với các loại công ty online giúp mọi người chuyện sharing. Nghĩ lan man về chuyện này, mới thấy tại sao không có vị nữ lưu nào đứng ra thành lập một công ty online về chuyện cho sharing đức ông chồng! Bên Mỹ này, mấy ông chồng xuống giá, cũng chỉ là một thứ hàng hóa, dịch vụ như nhà, như xe, cần tiền có thể đem cho mướn, cho sharing hết. Như Airbnb hay Zipcar thôi! Và có thể đăng trên website Husbandsharing.com hay Rent-a-hubby.com như sau:

    Dư dùng, chồng tốt cần cho mướn, khỏe mạnh, đang độ hồi xuân. Bảo đảm hài lòng. Money back guaranteed!

    Hay:

    Vì sắp đi xa không dùng trong vòng hai tháng. Cho mướn cả nhà lẫn chồng. Tình trạng hoàn hảo. Có thể thử trước khi mướn. E-mail về...

    Hoặc:

    Sắp lấy chồng mới, cần cho mướn chồng cũ. Lease with option to buy. Giá rẻ. gọi trong giờ làm việc...

    Công ty online loại này cam đoan sẽ thành công lớn, rồi sẽ phát triển, lên như diều, không thua gì Google, Facebook. Đừng nói gì đến Airbnb, Zipcar, qua mặt cái một!

  9. #9
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852
    Tôi thích món bún ốc từ thời còn nhỏ. Nhất là bún ốc của Bà Ba Bủng! Năm xưa, tôi hay được bà chị lớn cho đi theo vào cuối tuần, thường đi chung với những người bạn của chị. Năm sáu cô đi dạo phố với tôi đi theo. Các chị người nào cũng đẹp, như những nàng tiên nữ giáng thế. Có chị tóc dài gần chấm gót, mặc áo dài thanh thoát, bay bay như bức tranh thủy mạc. Tôi đi sau lưng, còn ngửi thấy mùi hương bồ kết từ mái tóc mới gội của chị. Chị khác diện hơn, thoang thoảng mùi nước hoa Chanel No 5, lộng lẫy như tài tử màn bạc. Các chị vây quanh tôi, đi dạo phố Lê Lợi, ai đi ngang cũng phải ngoái đầu lại nhìn. Tại sao có nhiều người đẹp đến thế, đi dạo mùa xuân, với tôi như người trên mây, đi với những nàng tiên như trong truyện Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai, không cần biết đường về!

    Dạo phố một lúc xong, là ghé vào quán Bà Ba Bủng để ăn bún ốc! Sao trên đời lại có món bún ốc ngon như vậy, như đã đạt được mức tuyệt hảo cho khẩu vi, không thể nào có món khác so sánh được! Tô bún ốc nóng hổi, với ốc tươi, dòn, trơn trơn, mới vào miệng đã muốn trôi ngay. Nhưng phải nuốt chầm chậm để thưởng thức cái ngọt, cái mát, trong cái mềm của ốc, có cái dòn của ốc mới bắt đem về, hơi dai dai vừa đủ để kéo dài cái khoái khẩu khi nuốt miếng ốc! Rồi còn chút riêu cua để mặn mà hơn, mầu đỏ của cà chua, mầu xanh của lá thơm và những cọng bún trong nước dùng ngọt ngào. Chao ôi! Cuộc đời nếu có những giây phút đáng để sống, để ghi sâu vào ký ức, để mỗi khi nhớ đến là tất cả những giác quan ngày xưa ấy đều bùng dậy, để nhắc nhở những cảm xúc huy hoàng của một thời đã qua, không bao giờ trở lại! Đó là lúc ăn bún ốc Bà Ba Bủng với các người đẹp tuyệt vời, xuân sắc của tuổi trẻ và thanh xuân, bạn của bà chị tôi năm xưa!

    Vì không bao giờ tôi được ăn lại bún ốc ngon như thế nữa! Bao năm nay, tôi đi kiếm lại món này ở những chỗ đông người Việt, Orange county, San José, Houston, Washington, DC, nhưng không có tiệm nào làm bún ốc ngon được như Bà Ba Bủng thời xưa! Ốc đều là loại đông lạnh, có dòn cũng do hàn the, preservatives. Tất cả mọi thứ đều khác, không còn hương vị như ngày xưa đã được biết! Nhưng có lần gần đây, tôi được ăn bún ốc của vợ một người bạn nấu, ăn cũng ngon gần được như Bà Ba Bủng thời xưa! Chị bạn này rất kén chọn, khi nào có đủ mọi thứ, ốc ngon, riêu ngon, đủ mọi thứ rau, gia vị, lúc đó chị mới làm món bún ốc này. Không có tiệm nào ở các chỗ có thể sánh được.
    Gia đình người bạn ở một tiểu bang khác, mỗi năm tôi phải nằn nì để biết được hôm weekend nào chị nấu bún ốc, mò sang, bay ngàn dặm để chỉ ăn được bún ốc chị nấu! Tôi nói với tên bạn: "Mày với tao thân thì có thân thật đấy! Nhưng nói mày đừng buồn! Tao sang thăm mày chỉ vì món bún ốc vợ mày nấu! Một năm chỉ được một lần, hay xuân thu nhị kỳ, nếu mày quý tao, năn nỉ vợ mày nấu hai lần một năm, tao sẽ nhớ ơn mày trọn đời!"

    Rồi lan man nghĩ đến chuyện economy sharing viết khi trước. nếu có một website nào về chuyện dinner sharing như Airbnb làm về thuê nhà, thuê phòng. Nhiều bà nội trợ giỏi nấu nướng, có biệt tài về một món ăn nào đó, các tiệm ăn không sánh được như bà vợ bạn tôi với món bún ốc. Các bà này có thể dùng website loại trên, dinnersharing.com chẳng hạn, để cho mọi người biết tài mình, sẵn sàng nấu món ăn ngay trong nhà cho khách đến ăn. Mở tiệm ăn quá nhiều vốn, quá bận rộn, các bà không dám hay không muốn mở. Vả lại như vợ chồng người bạn đều là professionals, lợi tức cao, đâu muốn mở tiệm ăn làm gì. Nhưng nếu làm nho nhỏ, kiếm chút tiền ra tiền vào cho khách ăn chọn lọc qua website, sẵn sàng trả giá cao, gấp một vài lần để được thưởng thức những món như bún ốc, bún bò Huế, cơm hến, bánh xèo, bánh cuốn, phở ngon đặc biệt hơn tiệm thường,v.v.., cũng là điều có lý lắm!

    Tương lai với kinh tế chia xẻ economy sharing, nhiều phần rồi cũng sẽ có mục này. Bây giờ chưa có, tôi phải bay ngàn dặm đi thăm thằng bạn mắc dịch, chỉ vì món bún ốc vợ nó nấu quá ngon! Nên phải dẹp mọi công chuyện bận bịu, book vé mày bay cuối tuần này sang thăm nó vậy!

  10. #10
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,852
    Tôi có anh bạn thời đi học mê tài tử trên màn bạc. Quên không nhớ tài tử nào, chỉ biết là anh bạn mê lắm. Phim nào có cô này đóng là phải đi xem cả chục lần. Phòng học dán đầy hình, sách vở viết toàn tên người đẹp trong mộng. Anh bạn bị mê hoặc, obsessed. Mấy chục năm sau gặp lại, anh bạn nói vẫn còn mê. Dĩ nhiên là hình ảnh thời xưa, không phải là bà lão như bây giờ!
    Rồi những người mê ca sĩ, mê nhà văn, nhà thơ. Nhạc sĩ ít thấy nói đến, phần lớn các cô mê ca sĩ nhiều hơn. Tội nghiệp cho mấy anh làm nhạc! Còng lưng sáng tác, ôm đàn từng tưng để tìm nốt nhạc, tìm điệu nhạc. Nháp lên nháp xuống, mãi mới được một bản mà có sơ múi nào cho cam! Ca sĩ chỉ cần hát nghe được, dù có xấu trai, hát sến như Chế Linh cũng được bao nhiêu người đẹp mê! Tội cho mấy anh nhạc sĩ thật!

    Làm thơ coi bộ dễ được nhiều người mê hơn làm nhạc! Thơ ai cũng đọc được, dễ rung cảm. Tâm hồn tìm đến nhau vì thơ dễ dàng hơn. Nhất là khi hai người cùng yêu thơ, cùng thích làm thơ và thơ đều hay!
    Nhưng từ sự hòa hợp vì thơ, vì cùng có những xúc động và cùng đáp ứng với nhau bằng những bài thơ hay, có thể nẩy nở ra tình yêu được không? Nhất là khi không biết mặt nhau, không biết tên nhau vì chỉ có những bút hiệu, không biết ai ở đâu, không biết tuổi tác nhau, làm việc gì. Tóm lại không biết gì cả! Chỉ biết qua những bài thơ!

    Tôi không có câu trả lời cho những câu hỏi trên! Mà có lẽ cũng chẳng ai biết được! Trên đời có những câu hỏi không thể có câu trả lời! Phải chịu thôi! Và đành vậy!

 

 

Similar Threads

  1. Lang man
    By Co may in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 6
    Last Post: 08-08-2014, 08:19 PM
  2. Lang Thang
    By Frank in forum Tùy Bút
    Replies: 41
    Last Post: 07-29-2014, 03:15 PM
  3. Nhạc Lang Thang với PPS
    By NangThuyTinh in forum Âm Nhạc
    Replies: 24
    Last Post: 02-13-2012, 06:37 PM
  4. Lang vườn
    By July in forum Sức Khoẻ/Sắc Đẹp
    Replies: 0
    Last Post: 10-03-2011, 12:07 PM
  5. Lang Thang ...
    By nhunguyen in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 2
    Last Post: 10-01-2011, 05:38 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 02:16 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh