Register
Page 2 of 8 FirstFirst 1234 ... LastLast
Results 11 to 20 of 80

Thread: Lang Thang II

  1. #11
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Người sướng, biết mình đang sướng, mới là sướng thật!

    Tôi quen một bà mở tiệm bán crawfish ở đây. Bà nấu crawfish rất độc đáo, ngon đến nỗi nhiều người khách dọn đi xa, ở tiểu bang khác nhưng đến mùa crawfish, phải lái xe lặn lội cả ngày trời, chỉ để về đây thưởng thức món crawfish bà làm! Một năm bà chỉ mở cửa tiệm vài tháng trong mùa. Đến giữa tháng 7, bà đóng cửa tiệm, dán giấy dặn khách hàng đến tháng 11 bà mới mở cửa lại! Hỏi bà, bà nói: "Tôi chỉ mở trong mùa để có crawfish tươi. Tôi không bán món này đông lạnh vì mất ngon đi nhiều! Ông tính, bao nhiêu tiệm bán crawfish ở đây, tôi chỉ bán cho những khách quen, sành ăn, kén chọn. Nên tôi thà đóng cửa để giữ tiếng ngon."
    Rồi bà cười:" Tôi đủ sống rồi, đâu cần làm nhiều! Làm vậy là đủ tiền rồi! Tôi về Việt Nam ở mấy tháng. Tôi xây nhà rồi nên khỏe lắm! Rồi đi du lịch các nước. Hết tiền mới về Mỹ làm tiếp! Ông thấy tôi có sướng không?"

    Tôi nhìn bà. Thấy bà sướng thật! Người đàn bà giản dị, cười vui vẻ, không chút ưu tư. Bà đang sướng vì kiếm ra tiền nhiều, rồi được nghỉ gần nửa năm đi chơi, không cần gì khác! Đời còn gì hơn nữa! Mà điều hay nhất là bà ý thức được mình đang sướng! Nhiều người không thể nào biết được mình sướng. Vì lúc nào cũng ưu tư. Kiếm ra tiền bao nhiêu cũng không thấy đủ. Vì ganh với những người khác giàu hơn. Rồi bao nhiêu mối lo. Lo làm ăn. Lo chồng đi lăng nhăng. Lo con học hành không được lêu lổng. Có tiền đầu tư thì sợ mất. Rồi lo không được khoẻ, thấy bao nhiêu người bệnh hoạn hay chết, rồi đâm lo!

    Tóm lại là không biết sướng! Mà không biết mình đang sướng, có nghĩa là khổ rồi! Tôi thán phục bà chủ tiệm. Và ao ước được như bà! Nhưng nhìn quanh trong tiệm, tôi thấy một người còn sướng hơn nữa. Đó là chồng bà. Ông này không làm gì cả, vì bà vợ quá giỏi, làm ăn mọi sự bà trông coi cả. Ông chồng ra phụ vơ qua loa, thường ngồi một mình một bàn uống bia, nhìn người qua lại hay đọc báo lăng nhăng qua thời giờ. Trông ông này còn thanh thản, không chút ưu phiền hơn bà vợ nhiều!

    Có nghĩa ông có số tử vi Thân Cư Thê. Số này mới là số sướng cho quý vị đàn ông, sinh ra giờ tốt, phúc đức ông bà để lại đầy dẫy. May mắn chó ngáp phải ruồi mới kiếm được bà vợ đảm đang, giỏi giắn như vậy. Để cả hai người cùng hưởng cái sướng và biết mình đang sướng trên cõi đời nhiều ô trọc và đầy khổ đau này!

  2. #12
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Mới nghe tin một người họ hàng xa bị ung thư bao tử. Đã chạy đi khắp nơi. Chỉ còn từ 3 đến 6 tháng! Nghe tin nhưng không ngạc nhiên chút nào! Vì gần như đã đoán biết sẽ có ngày chuyện này xảy ra.

    Lý do vì ông anh họ xa này là người thách đố số mệnh. Ông lấy một bà vợ đã hai lần là góa phụ! Bà này đẹp, giỏi, làm ăn không ai bì được. Hai vợ chồng tạo được tài sản lớn, giàu có phủ phê. Chỉ có một điều là hai ông chồng trước của bà đều vắn số. Ông đầu tiên đang đánh tennis bỗng lăn ra gục bất tỉnh ngay trên sân. Bạn bè tennis gọi 911 nhưng quá trễ, mấy người paramedics nói ông bị heart attack quá nặng nên đi ngay, không hồi sinh cấp cứu được. Mấy năm sau bà lấy người chồng khác. Rồi chuyện ghê gớm xảy ra lần nữa. Ông thứ nhì đang chạy jogging ngoài park cũng lăn đùng ra rồi đi luôn. Cũng đau tim, heart attack, gây ra bất đắc kỳ tử.
    Ông anh họ xa chưa bao giờ lấy vợ, còn là trai tân, nhưng khi gặp bà này như bị coup de foudre, mê ngay. Ai nói gì ông cũng không nghe. Dọa ông về chuyện hai người chồng trước bị đau tim mà chết. Ông nói đã đi khám tim kỹ lắm. Thông suốt không nghẹt chỗ nào, không thể chết vì nghẹt tim được! Ông lại là người bướng bỉnh, nghe những chuyện tướng số, tử vi, cho là mê tín dị đoan.nên ông nhất quyết lấy bà này làm vợ. Và đời ông được 7 năm hạnh phúc thật! Hai người đẹp đôi, hợp tính tình, chuyện gì cũng tương đắc. Rồi làm giàu, hưởng đời đầy đủ, tưởng như mọi chuyện sẽ thuận buồm xuôi gió đến cuối đời, khi đã đầu bạc răng long!
    Nhưng ông không chết vì đau tim. Mà sắp chết vì ung thư bao tử! Tội nghiệp cho ông anh họ xa. Còn bị những người xấu miệng lên giọng: "Đã bảo mà! Làm sao cãi được số! Bà vợ gò má cao như vậy. Lại còn nốt ruồi trích lệ thương phu. Ứng vào hai anh chồng trước là đúng quá rồi. Vậy mà vẫn bướng, nói không chịu nghe!"

    Người đời xấu thật! Tôi thương cho ông anh họ một phần, nhưng nghĩ lại, thương cho bà vợ ông ta nhiều hơn! Chuyện bệnh hoạn không ai ngờ trước và tránh được. Nhưng bị cái tiếng như bà vợ của ông, thật là oan uổng và bất công! Mà cũng lạ là nhiều người đàn bà bị tiếng "sát phu" này! Chỉ cần ông chồng đi trước bị bất đắc kỳ tử, là bị thiên hạ ngắm nghía, cho là gò má cao tướng sát phu. Nốt ruồi đen dưới mí mắt là tướng trích lệ thương phu, phải tránh cho xa. Không lạ gì bao nhiêu người phải đi thẩm mỹ, cắt, đốt, làm lại gò má lung tung chỉ vì chuyện tướng số vớ vẩn này! Mỹ có chuyện những người đàn bà giết chồng thật gọi là "black widow" để hưởng bảo hiểm nhân mạng hay lấy tài sản. Gọi là black widow vì có loại nhện tên khoa học là Latrodectus, tên thường là black widow spider, chuyên môn xơi tái tình nhân sau khi con đực truyền giống, gọi là sexual cannibalism. Nhưng black widow là chuyện sát phu thật sự. Còn chuyện tướng số làm các ông chồng bất đắc kỳ tử là chuyện khác, không thể đổ lỗi cho người vợ như chuyện black widow được!

    Nhưng nghãm nghĩ lại, có thể có những người mang lại sự không may cho người khác! Cứ dính vào là thấy toàn những chuyện gì đâu xảy đến cho mình! Có người bạn khi giao thiệp là thấy đời mình tự nhiên đi xuống, không gặp, không lui tới nữa là mọi chuyện đâu vào đó ngay. Rồi có những anh cũng thế. Hai ba đời vợ vì lấy bà nào là bà đó đi sớm! Người nào yêu thương mấy ảnh, cũng bị những chuyện không may. Như ế chồng, ở giá suốt đời. Hay có lấy chồng khác thì cũng ly dị, bỏ nhau, đời không đẹp chút nào. Những anh này cũng như bà vợ ông anh họ xa trên, cũng là một thứ điềm xấu, không tốt. Không có dấu hiệu gì để biết trước như gò má hay nốt ruồi ở chỗ hiểm hóc nào. Nhưng nếu quý vị đàn bà con gái gặp mấy anh loại này, nếu đánh hơi được điều không tốt lành, nên tránh cho xa!

    Mấy ảnh chính là loại bad karma, male black widow đấy, thưa quý cô quý bà! Ráng mà cao bay xa chạy, đừng để mấy ảnh đến gần mà mang họa lớn!!!

  3. #13
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Cách đây ít lâu nhân dịp dọn dẹp nhà, lục lại những sách báo cũ, tôi thấy tờ National Geographic cũ rích dưới đáy của một chồng sách. Phải có gì đặc biệt lắm, tờ này mới được giữ lại như thế. Và khi thấy bìa tờ báo tôi nhớ ngay! Vì hình bìa của tờ báo phát hành tháng 6 năm 1985 là một cô gái Afghanistan với cặp mắt đẹp kỳ lạ *. Đôi mắt to, màu xanh của biển, trên khuôn mặt trái soan xinh xắn nhưng vương đầy bụi của xứ Afghanistan nghèo khổ. Và đôi mắt như mang một vẻ ma quái, haunting, gây ra một ấn tượng rất mạnh cho người xem. Tôi nhớ đến câu thơ của Quang Dũng:

    Đôi mắt người Sơn Tây
    U uẩn chiều lưu lạc...


    Người phương Tây đã cho bức hình chụp này là một biểu tượng của thập niên 80's, cho người tỵ nạn của Afghanistan và đau khổ của xứ sở này, còn kéo dài đến ngày nay. Nhưng tôi thấy hai câu thơ của Quang Dũng hợp hơn từ ngữ haunting để tả đôi mắt. Đôi mắt buồn u uẩn của một chiều lưu lạc. Của kiếp người long đong không biết đến ngày mai, phủ vây bởi chiến tranh và lửa khói.

    Nhưng lý do sâu kín nhất làm tôi giữ lại tờ National Geographic này với hình cô gái Afghanistan và cặp mắt kỳ lạ, là vì cặp mắt đó đã nhắc nhở cả một thời xa xưa, khi tôi xuống Cần Thơ nghỉ hè ở nhà ông chú ruột. Nhà chú tôi gần bến Ninh Kiều. Mỗi chiều tôi hay ra ngồi ở băng đá bến này, không phải để nhìn trời nhìn đất hay nhìn người qua lại. Nhưng vì đôi mắt của một thiếu nữ bán đậu phông rang ở bến Ninh Kiều! Tôi chỉ nhớ là dạo đó đã say mê đôi mắt của cô gái này. Vì vẻ buồn của đôi mắt. Vì khuôn mặt trái soan thanh tú. Tôi không biết nữa. Nhưng khi nhìn thấy đôi mắt của cô gái Afghanistan trên tờ National Geographic, tôi đã liên tưởng ngay đến cặp mắt của người con gái năm xưa, bán đậu phông rang ở bến Ninh Kiều, không bao giờ biết được là có một cậu thiếu niên mới lớn, mỗi ngày nhìn mê say cặp mắt của mình!

    Không biết cuộc đời của người thiếu nữ đó ra sao? Và cặp mắt đó có còn đẹp hay đã tàn phai. Nhiều phần là đã không còn gì. Như hình ảnh sau cùng của người con gái Afghanistan hơn 17 năm sau, đã được khám phá lại do một phái đoàn của tờ báo đi lùng kiếm tông tích. Và hình ảnh đó đã được tờ báo đưa lên, để lại bao tiếc nuối cho nhiều người đã mê say cặp mắt u uẩn của người con gái này. Có lẽ tờ National Geographic không nên làm chuyện đó! Nhưng ít nhất cũng đã giúp đỡ được đời cô gái, nay đã thành một bà mẹ với vài đứa con lếch thếch, nghèo khổ.

    Còn người thiếu nữ với cặp mắt đẹp u uẩn ở bến Ninh Kiều của tôi khi xưa. Nàng giờ này ra sao? Và tôi sẽ không bao giờ được biết!


    *
    http://en.wikipedia.org/wiki/Afghan_Girl

  4. #14
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Tôi có anh bạn có số Thân Cư Thê thật sự! Lúc mới đẻ, anh bạn được lấy lá số tử vi. Ông ngoại của anh vốn là một ông đồ nho thuở xưa thốt lên: "Thằng này có thân mệnh đóng ở cung Thê, lại có các sao tả phù hữu bật. Vợ nó phải là loại quý thê, vinh hiển, giàu có. Thằng này có đời an nhàn, phú quý cũng là nhờ vợ nó sau này!"
    Anh bạn tin tưởng vào số tử vi của mình lắm! Đi đâu cũng khoe! Tôi cũng tin là bạn tôi sẽ lấy được vợ tốt. Vì hắn tán gái rất giỏi! Tán hay đến nỗi cua trong lỗ cũng phai bò ra. Anh bạn xấu trai, tướng tá không có gì đáng để các cô ghé mắt đến. Học thì dốt, nhà lại nghèo. Nhưng đi chung với một tên bạn khác, đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu, hắn ta cho đo ván hết! Chỉ cần các cô nghe hắn ta mở miệng nói, là phải lòng, rồi mê hắn ngay! Tôi có lần nghe một cô tâm sự: "Em không biết nữa. Nhưng anh ấy làm em sao thấy vui quá. Nghe anh ấy nói cứ bò ra mà cười! Rồi cứ như phải bả ấy. Không được nghe anh ấy nói là thấy đời sao buồn, u ám, ở nhà chỉ mong anh đến chơi để được nghe anh ấy nói, cho mình vui, mình cười thôi!"

    Bạn tôi đào nhiều không kể siết! Nhưng cũng kén chọn lắm! Hắn nhất quyết kiếm một nàng học giỏi, nhà giàu để cho đúng với lá số Thân Cư Thê của hắn. Đẹp không quan hệ. Hắn phát biểu như thế! Trên đời có bao nhiêu người đẹp, lúc nào chả có sẵn cho mình xài! Nhưng lấy vợ thì khác! Rồi một ngày hắn năn nỉ tôi giới thiệu cho hắn một người tôi biết. Cô này nhà giàu, giàu lắm! Ông bố có cả một sản nghiệp vĩ đại với nhiều loại kỹ nghệ khác nhau. Lại chỉ có mỗi một cô con gái duy nhất! Cô là sinh viên y khoa, học giỏi! Đúng với những điều bạn tôi mơ ước! Tôi dắt hắn đến nhà cô này giới thiệu. Và đúng như điều tiên đoán, cô sinh viên y khoa ngây thơ, suốt đời lo học hành, chỉ cần nghe hắn mở miệng là đã siêu lòng, mến mộ ngay!

    Chỉ có một điều trở ngại. Ông bố cô là người từng trải, sành sỏi, nhìn thoáng là đã biết anh chàng đào mỏ. Lần thứ ba hắn đến nhà, không thấy cô kia đâu, chỉ thấy ông bố với tên tài xế kiêm cận vệ, to con, vạm vỡ, mặt đầy sẹo, nhìn bạn tôi hằm hằm. Ông bố nói: "Tôi cấm anh lai vãng lại đây nữa! Chú Sáu, đưa anh ta ra ngoài. Nếu thấy anh này trở lại, tôi cho chú toàn quyền hành sự!". Thế là tên Sáu nắm cổ áo anh bạn tôi, lôi ra ngoài xềnh xệch, ném chiếc Lambrett Twist láng coóng ra đường, làm móp méo cả chiếc cần câu cơm đi tán gái của bạn tôi!

    Từ đó tôi cũng ít gặp hắn. Rồi sang Mỹ, một ngày đi trên đường Bolsa, tôi tình cờ thấy hắn! Tướng mạo hắn đẹp hẳn ra, hơn hồi hàn vi nhiều. Dáng điệu bảnh chọe của một người giàu có! Hắn gặp tôi tay bắt mặt mừng. Hỏi thăm nhau, hắn nói bây giờ là manager! Tôi nhìn hắn từ đầu đến chân, nghi ngờ: "Mày mà là manager cái nỗi gì!" Hắn lấp lửng: " Office manager thôi! Vợ tao là nha sĩ, có phòng mạch chữa răng, tao làm manager cho bả!". Tôi nghe hiểu ngay, phá lên cười: "À! Mừng cho mày! Đúng lá số tử vi rồi nhá! Thân Cư Thê! Sướng thật!"

    Mà hắn ta sướng thật sự. Ngày xưa không lấy được cô sinh viên y khoa nhà giàu sắp ra bác sĩ, hắn ta kiếm ngay được một cô khác, học nha. Bà vợ sang bên Mỹ lấy bằng nha sĩ lại, mở phòng mạch răng đông khách, kiếm ối tiền! Thế là hắn ta khỏi làm gì! Tự phong mình chức manager cho nó oai. Nhưng hắn ta đâu phải trông coi gì! Bà vợ cũng không cho anh chồng bén mảng đến nữa! Thế là hắn ta suốt ngày rong chơi. Cuối tuần đi Las Vegas đánh bạc!

    Tứ đổ tường mọi chuyện hắn đều hưởng đủ! Rồi hắn khoe với tôi: "Mày thấy không? Đời người ta có số thật mày ơi! Tao có số Thân Cư Thê đúng như thần! Không sai vào đâu được! Vợ tao đúng là quý thê, trên đời chỉ có một!"
    Hỏi hắn làm sao mà có thể tuyên bố như vậy. Hắn cười trả lời: " Tao hỏi mày! Trên đời có người đàn bà nào nuôi chồng nuôi con như thế. Tao làm gì cũng không phàn nàn nửa câu. Rồi tao mang về nhà đứa con lai Mỹ trắng, con đào Mỹ tao cặp ở Las Vegas, đẻ xong quẳng lại cho tao. Vợ tao không nói câu nào. Nuôi nó như con mình. Rồi hai năm sau, tao mang về thêm một đứa lai Mễ nữa! Vợ tao cũng nuôi nốt! Thử hỏi mày còn ai trên đời được như vậy! Tao có số Thân Cư Thê thật mày ơi!".

  5. #15
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Mấy hôm trước tình cờ thấy mấy tấm hình Đà Lạt ngày trước. Có hình hồ Xuân Hương và Thủy Tạ. Bao nhiêu kỷ niệm trở lại. Nhưng chỉ có một kỷ niệm vui nhất!
    Dạo xưa có lần lên Đà Lạt nhân dịp hè, ở nhà bà bác. Cô chị họ học trường Tây, Couvent des Oiseaux, cùng với mấy cô bạn cùng lớp hay đến chơi. Các cô cô nào cũng đẹp, kiểu cách, kiêu điệu! Các cô hay tụ họp, để đĩa nghe nhạc. Phần lớn là nhạc Tây, thời đó với Sylvie Vartan, Francoise Hardy, Johnny Halliday... Rồi thi nhau hát theo những bài như Tous les garcons et les filles, La plus belle pour aller danser, Aline.... Tài tử thì các cô mê những anh như Alain Delon, Jean Paul Belmondo. Nghĩa là rất sính Tây! Đã bảo học trường Tây mà! Nhưng điều làm tôi lạ nhất là mấy cô cũng thích nhạc Việt. Mà lại là nhạc sến!

    Chuyện mấy nàng học trường Tây thích nhạc sến, tôi đã nghe rồi! Chả là lúc mới lớn, có đi theo mấy ông anh loại tay chơi, có những biệt hiệu kêu như Don Juan, Casanova... Các ông này hay đứng ở các trường con gái, trường Việt thì đóng đô ở Trưng Vương, Gia Long, trường Tây thì các chàng đến cua gái ở Marie Curie, Regina Mundi, Regina Pacis... Mấy ông lên mặt dạy bảo: "Chú mày muốn tán gái, phải tùy theo em học ở trường nào! Học ở Trưng Vương mà nói chuyện nhạc, phải nhắc đến nhạc tiền chiến như Đặng Thế Phong, Văn Cao, Phạm Duy. Hay ít ra cũng phải là Đoàn Chuẩn, Từ Linh. Cho các em nghe Gửi gió cho mây ngàn bay, Tà áo xanh...chẳng hạn, mấy nàng mới chịu! Nhưng tán các em Marie Curie, nhạc Tây không nói làm gì, nhưng nếu nhạc Việt, phải chọn nhạc sến như Căn nhà ngoại ô, Nỗi buồn gác trọ, Nửa đêm ngoài phố, Chuyện tình Lan và Điệp..., mấy em trường Tây chịu những bài này lắm!"

    Tôi nghe cũng không tin lắm! Nhưng lên Đà Lạt, nghe các cô học Couvent hát nhạc sến, lúc đó mới thấy đúng! Rồi một ngày thứ bảy, các cô ra ngồi Thủy Tạ, các cô thích dùng tên Tây thuở xưa là La Grenouillère. Bà bác sai tôi đi theo hộ tống mấy cô! Ngồi đầy một bàn bên trong, các cô thấy một chàng ngồi một mình bên ngoài, sát lan can nhìn xuống hồ, đầy vẻ tư lự. Lâu lâu lại thấy chàng cúi xuống hí hoáy viết lách vào sấp giấy trước mặt. Một cô la lên: "Trần Thiện Thanh! Đúng là Trần Thiện Thanh rồi, chúng mày ơi!" Các nàng hân hoan như bắt được vàng! Hóa ra đều ái mộ nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cả! Nhạc ông này đứng lưng chừng giữa nhạc sến và không sến! Có những bài nghe cũng được, không phải sến. Nhưng nhiều bài đúng là sến đặc! Nên chắc vì thế mà được mấy cô trường Tây này mê nhạc mình. Và mê cả người! Các cô kháo nhau: "Chắc đang sáng tác nhạc!"

    Thấy nguyên một bàn đầy gái đẹp khúc khích nhìn về phía mình, chỉ chỏ đầy vẻ quan tâm và ái mộ, anh chàng kia chắc sướng rên. Rồi chàng làm điệu. Đứng lên dựa vào lan can nhìn xuống hồ như tìm ý! Rồi rút thuốc lá ra hút, mắt nhìn đăm đăm về phía chân trời xa! Các nàng càng trầm trồ! Một cô bạo nhất, dân trường Tây mà!, quyết định đến ngay bàn anh chàng để hỏi có đúng Trần Thiện Thanh không! Nàng đến gần. Anh chàng thấy thế, vôi vàng cúi đầu xuống viết như máy vào trang giấy trước mặt. Nàng Couvent lại gần, không thấy nốt nhạc đâu, chỉ thấy chữ và chữ! Hỏi chàng, chàng lắc đầu: "Tôi không phải Trần Thiện Thanh. Nhưng tôi là nhà văn". Không nhớ là nhà văn nào, chắc văn sĩ vô danh, không ai biết đến! Thấy vẻ thất vọng của các cô, anh chàng vội vàng đứng dậy trả tiền và đi ra một nước! Tội nghiệp cho anh văn sĩ quèn!

    Từ đó tôi bỏ mộng viết văn. Thấy học nhạc có lý hơn! Nhưng sau này thấy mình sai lầm. Và khám phá ra rằng mấy cô Couvent mê nhạc sĩ Trần Thiện Thanh thuở trước không phải vì là nhạc sĩ. Mà vì Trần Thiện Thanh đi hát nổi tiếng dưới tên Nhật Trường. Và chỉ có ca sĩ mới được các cô mê! Nhạc sĩ thường không ai biết đến, có gò lưng sáng tác cho lắm cũng vô ích thôi! Làm nhạc để tán gái mà không được cô nào chịu thì làm nhạc làm gì nữa cho mệt! Toàn là chuyện mất thời giờ, vô bổ cả! Chán thật!

  6. #16
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Có những bài hát để lại cho ta một ấn tượng mạnh vô cùng. Không bao giờ quên. Như bài hát kỷ niệm một thời yêu nhau, nay đã mất. Chỉ còn lại bài nhạc, nghe đến là đau khổ, là nhớ nhung, là tiếc nuối!
    Tôi có một bài hát nằm sâu trong tâm khảm, đôi lúc bất chợt tự thấy mình ngân nga một vài câu. Và lạ lùng không hiểu tại sao lại cứ nhớ đến bài này. Vì không phải là kỷ niệm cho một mối tình không trọn vẹn nào thuở trước. Nhưng có lẽ chỉ vì ấn tượng liên kết đến bài này quá sâu sắc, như một vết hằn khó phai.

    Năm ấy tôi vào quân ngũ, sắp ra Tây Ninh làm việc. Để sửa soạn cho đời sống mới, tôi đi thu băng một số những bài nhạc để nghe tại nơi xa lạ, biết chắc là sẽ buồn chán đến cùng cực. Tôi đến quán thu băng của ca sĩ Anh Ngọc, ở một thương xá trên đường Lê Lợi. Ông này có nhiều bài nhạc xưa, giá trị nên tôi nhờ ông làm cho một băng đặc biệt, gồm những bài hay, nhưng ít nghe, ít ai biết đến. Và ông đã không làm tôi thất vọng. Vì băng ông thu cho tôi nhiều bài hiếm có, quá hay, nghe đi nghe lại không biết chán. Ông nói: "Tôi có thu một bản nhạc chưa ai bao giờ nghe đến. Vì bài này do một người bạn tôi sáng tác, không ai biết đến, không bao giờ phổ biến. Chính tôi hát bài này và thu vào băng. "

    Bài nhạc tên là Nghẹn Ngào. Tên tác giả giờ này tôi đã quên. Vì đúng như ca sĩ Anh Ngọc nói, nhạc sĩ này chưa bao giờ cho trình bày nhạc của mình. Không được phổ biến nên không ai biết! Chỉ mình ca sĩ Anh Ngọc là bạn, có được bài nhạc, mang đi từ hồi di cư vào Nam và bây giờ mới được ca sĩ Anh Ngọc hát và thu băng. Và cũng chỉ mình tôi là người có băng này! Tôi nghe bài Nghẹn Ngào, thích vô cùng. Bài nhạc giản dị, mang nỗi buồn man mác của một mối tình chia lìa, vô vọng.

    Nghẹn ngào nhìn bóng em đi
    Em ơi mộng đã xa rồi...
    .................
    Gió nào có chia phôi
    Tóc nào có tung bay
    Ôi hoang vắng ôm bờ vai
    Ôi lá úa gieo từng cánh
    Mây giăng mắc bay trong ngậm ngùi...

    Tôi nghe bài Nghẹn Ngào thấy rung cảm như cùng chia xẻ tâm tư với người làm nhạc, một nhạc sĩ không ai biết đến, có lẽ ông cũng chẳng cần và chẳng muốn ai biết đến mình! Nhưng ấn tượng làm tôi nhớ mãi và không bao giờ quên bài nhạc, nhất là giai điệu, vẫn ở mãi trong tôi, dù lời nhạc sau bao nhiêu năm đã mất dần một số câu. Đó chính là lúc nằm ở Tây Ninh, khi bị Việt Cộng pháo kích từ núi Bà Đen.
    Ngồi trong hầm trú ẩn, đầu đội nón sắt, mình mặc áo giáp, không biết lúc nào trái pháo sẽ bay đến nổ ngay trên đầu! Trong cơn lo sợ đó, không biết làm gì, tôi đã để cuốn băng nghe đi nghe lại bài nhạc Nghẹn Ngào. Để quên những biến động đang xảy ra quanh mình. Để trấn áp sự lo sợ. Và để ru hồn vào một thế giới khác. Đẹp hơn. Đầy an bình. Nơi có chim muông cỏ lạ, ánh sáng chan hòa và tiếng nhạc dịu dàng. Nơi chốn của tình yêu. Của xúc cảm. Và của tuổi trẻ không bao giờ có thể mất. Và nơi đó không có sự hiện diện và đe dọa của tử thần.

    Cách đây nhiều năm, tôi có dịp gặp lại ca sĩ Anh Ngọc khi ông sang định cư tại Hoa Kỳ. Bà em gái của ông tôi quen biết, có mời đến tham dự buổi party đón mừng ông anh. Tôi hỏi ca sĩ Anh Ngọc về tác giả bài Nghẹn Ngào. Ông trầm ngâm một lúc, rồi cho biết ông này không di cư vào Nam năm 54. Không có tin tức, nhiều phần đã mất! Tôi không bao giờ được biết tác giả bài nhạc Nghẹn Ngào là ai. Nhưng có một sự cảm thông nào đó giữa tôi và tác giả bài nhạc. Có thể vì lúc nguy hiểm ở Tây Ninh. Hay chỉ vì âm hưởng của bài nhạc đã làm rung động tâm hồn ở một khía cạnh nào đó. Tôi không biết nữa. Và chỉ biết rằng bài nhạc Nghẹn Ngào đó lúc nào cũng vẫn còn mãi nơi tôi.

  7. #17
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Tôi bắt đầu hút thuốc lá chỉ vì bài hát "Smoke gets in your eyes". Năm đó đọc truyện Loan mắt nhung của Nguyễn Thụy Long đăng feuilleton trong báo, thấy tả đoạn Loan mắt nhung hút thuốc, nghe bài nhạc Smoke gets in your eyes, tôi đã thích ngay tên bài hát. Khói thuốc vương mắt em, nghe tình tứ, lãng mạn biết bao nhiêu! Thế là bắt đầu tập hút thuốc! Không thích thú gì, hút vào nhả khói ra ngay. Nhưng vẫn phì phèo điếu thuốc khi đi uống cà phê. Mấy tên bạn đi cùng thuộc loại ghiền nặng, cười khinh bỉ: " Hút như mày hút làm gì! Lại xài sang, mua thuốc lá Dunhill hút, ra cái điều công tử bột! Coi tụi tao nè, tay chơi thứ thiệt, phải hút Pall Mall, Lucky hay Capstan mới là dân chơi cầu ba cẳng! "

    Tôi mặc kệ, lâu dần thấy hút thuốc buổi sáng khi uống ly cà phê cũng hay. Nhưng ghiền thì vẫn không! Bài hát Smoke gets in your eyes cũng không để ý đến nữa. Cho đến khi đi quân sự học đường sau kỳ Tết Mậu Thân. Lần đó cả đoàn sinh viên phải đi gác đêm tại cao ốc gần cầu chữ Y. Căn nhà này dưới là tiệm ăn, trên để ở, bốn tầng lầu cao, có sân thượng lộ thiên, nằm ngay góc đường nhìn ra cầu chữ Y. Đêm đó gác được phát súng carbines cẩn thận, sẵn sàng ứng chiến nếu có Việt Cộng! Dĩ nhiên sinh viên quân sự học đường, chỉ có vài tuần thụ huấn Quang Trung làm sao đánh đấm gì. Chỉ cầu không có chuyện gì xảy ra!

    Đêm đó nằm cả nhóm để radio nghe đỡ buồn. Bỗng thấy giới thiệu bài nhạc Smoke gets in your eyes. Tôi lắng nghe. Thấy quá hay và thích ngay. Vừa nghe xong bài nhạc, thấy nhốn nháo bên ngoài, tên bạn có nhiệm vụ gác hờm khẩu carbine la lên: "Việt Cộng dưới chân cầu, chúng mày ơi!" Anh bạn có tên Phúc, biệt hiệu Phúc cửng. Vì mặt lúc nào cũng kên kên, cửng cửng, sẵn sàng gây chuyện. Tôi đi ra. Phúc cửng thẩy cho tôi khẩu carbine hỏi: "Bắn chúng nó không mày!" Tôi nhìn xuống chân cầu, thấy bóng hai ba người đứng lố nhố. Chưa kịp làm gì, ông Trung úy già được cử đi cùng đoàn sinh viên từ xa nhào lại hô: "Đừng bắn! Để tôi coi!" . Ông đưa ống nhòm lên nhìn. Một lúc ông nói: " Mấy ông đừng bắn bậy! Tôi lạy mấy ông đó! Họ là cảnh sát ở bót gần đó ra ngoài đi tiểu!"

    Từ đó bài hát Smoke gets in your eyes được tôi nhớ mãi. Chỉ vì chuyện suýt bắn nhầm ở cầu chữ Y! Nhưng sau đó cũng bỏ luôn thuốc lá! Chỉ vì có lần cô em họ thấy tôi thích bài này đánh cho một câu: "Em không hiểu tại sao đàn ông thích vẽ vời chuyện khói thuốc vương mắt em, thuốc lá khét lẹt, hôi rình. tên nào tán em mà hút thuốc phà khói vào mắt em, em sẽ tát cho vài cái nổ đom đóm mắt!"

    Mấy tên bạn ghiền nặng tôi nhiều lần khuyên bỏ, không tên nào chịu nghe. Một tên còn nói bướng: "Mày khuyên tao bỏ thuốc làm gì vô ích! Bây giờ chụp hình phổi sẽ thấy có hai bao thuốc nằm mỗi lá phổi một bao! Bị bệnh gì thì chết là cùng chứ gì! Chết thì chôn!" Những anh bạn này gần đây đã ra đi cả! Không heart attack thì stroke, không ung thư phổi thì ung thư bao tử, ung thư này ung thư nọ! Những bạn này không có chút máu văn nghệ nào. Không cần biết bài nhạc Smoke gets in your eyes, mấy anh ghiền vẫn cứ ghiền! Lại còn tuyên bố bậy: "Ái tình tao có thể bỏ! Nhưng thuốc lá thì không!"
    Vậy nên có đi sớm thì cũng phải! Chết thì chôn mà!

  8. #18
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Tôi thích món bún thang! Không có gì lạ cả! Con gái thích bún thang. Con giai thích bún thang. Lovers thích bún thang. Nên dĩ nhiên là tôi phải thích món này!
    Bún thang ăn ngon nhất phải ăn trên Đà Lạt. Thuở đó tôi mê ăn bún thang ở quán Mỹ Hương. Quán này nằm ngay khu Hòa Bình, gần đó có tiệm sách, cách mấy căn là cà phê Tùng. Bà chủ quán đã già, lúc nào cũng mặc áo dài, khoác thêm chiếc áo len mỏng, đầy vẻ dân Hà Nội ngày xưa trước 54. . Bát bún thang bà làm bưng ra nóng hổi, thơm phưng phức. Bún không mềm quá, không dai quá, vừa phải. Thịt gà xé phay lẫn với giò nạc cắt mỏng. Điểm thêm trứng tráng cắt dài vàng óng. lẫn với những lá thơm xanh đậm. Một vài chú tôm khô nằm rải rác. Rồi một lô những đĩa nhỏ xíu bày bên cạnh. Củ cải phơi khô, dầm cắt mỏng, mằn mặn, ngọt ngào, nhai vào sần sật . Nuốt miếng bún thang phải có chút củ cải khô dầm nước mắm mới đúng kiểu. Một đĩa nhỏ khác là mắm tôm. Tôi không ăn được mắm tôm, nhưng nhiều người ăn không có món này không được.

    Rồi sau cùng ăn bún thang phải có cà cuống. Nếu đúng là cà cuống nguyên chất, chỉ cần dúng đầu tăm vào lọ cà cuống rồi khuấy trong tô bún thang là đủ thơm đúng vị. Bây giờ không còn món này nguyên chất vì nghe đâu cà cuống tại Việt Nam đã tuyệt chủng. Chỉ còn cà cuống nhân tạo Thái Lan làm là những chất hóa học, tôi không muốn đụng đến. Thà không có còn hơn. Nhưng bún thang thiếu cà cuống đã mất đi 50% hương vị của món Bắc Kỳ chính cống này. Thật là đáng tiếc biết bao!

    Ăn xong bún thang Mỹ Hương, dạo một vòng phố Hoà Bình, ngắm các nàng thiếu nữ Đà Lạt xinh như mộng, má đỏ như trái đào, môi hồng mời mọc, đẹp như mơ! Rồi thả bộ xuống dốc, đi vòng quanh hồ Xuân Hương, vào Thủy Tạ uống ly cà phê nóng. Cuộc đời sao đẹp tuyệt vời như chuyện thần tiên!

    Biết bao giờ tôi mới được ăn lại bún thang ngon như bún thang Mỹ Hương của Đà Lạt! Và chợt nghĩ ra rằng. Nếu có ai trên cõi đời này làm được bát bún thang thần diệu như thuở ngày xưa tôi đã được thưởng thức. Thì dù có chân trời góc biển, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua, tôi cũng sẽ xin tìm đến ngay cho bằng được! Để xin một lần! Rồi thôi!

  9. #19
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Tôi có anh bạn mắc chứng Schadenfreude nặng! Tôi mới biết từ ngữ này khoảng vài năm nay, nhưng thấy chữ này hay vô cùng. Schadenfreude là tiếng Đức, có nghĩa mình cảm thấy vui, hạnh phúc, trước những bất hạnh của người khác! Dân Đức có vẻ nặng về triết học, tâm lý, các triết gia, tâm lý gia nặng ký thấy toàn là dân gốc Đức!, nên dùng hai chữ Schaden có nghĩa tai hại và freude có nghĩa vui sướng, ghép lại để diễn tả tâm tính của những kẻ xấu bụng này! Schadenfreude không có chữ Anh dịch ra được nên dân Mỹ thích nói chữ thuổng luôn tiếng Đức này thành tiếng Anh, lâu lâu dùng để lòe người khác!

    Schadenfreude là phản ứng thường, có lẽ là tự nhiên của con người. Kẻ nào ta ghét, hay ganh tỵ vì kẻ đó hơn mình, gặp chuyện không may, như khánh tận, mất hết tiền bạc, vợ bỏ, con cái hút sách, bị đụng xe, làm bậy phải ra tòa, bị stroke, ung thư...tự nhiên ta thấy vui hẳn lên. Đáng đời! Cho mày chết! Ai biểu cứ vác cái mặt kên kên! Cũng thế xem TV thấy toàn chuyện bắn giết, chuyện scandal, xấu xa của kẻ khác, lý do là vì người xem thích những chuyện này! Chuyện cháy nhà, thảm họa, lụt lội, tornado kinh khủng, TV chiếu đi chiếu lại vì được rating cao, bao nhiêu người xem. Ngồi ăn cơm, an bình, thoải mái, rồi rung đùi xem người khác bị tai ương. Lâu lâu chép miệng một chút để lương tâm đỡ cắn rứt là có niềm khoái lạc schadenfeude khi thấy người khác khổ: "Tội quá nhỉ!" Rồi chăm chú xem tiếp, thấy mình sung sướng vì không bị như vậy!

    Đàn bà đỡ bị chứng Schadenfreude hơn đàn ông! Hình như empathy, lòng thương xót, nghịch lại với schadenfreude, chỉ đàn bà mới có khả năng này. Mấy anh đàn ông xấu xa, có khuynh hướng đánh lộn, giải quyết cái gì cũng bằng vũ lực, nhìn đời bằng cặp mắt đen xì xì nên hay bị schadenfreude nặng! Khoa học cũng chứng minh điều này rõ ràng. Làm brain scan mấy anh này, cho mấy ảnh xem chuyện xấu, đau khổ của mấy người ảnh ghét, ganh tức, tự nhiên thấy trung tâm trong óc về khoái lạc gọi là ventral striatum của mấy ảnh sáng rực hẳn lên! Rồi kích thích tố oxytocin, cũng là loại về vui vẻ, khoan khoái của mấy ảnh tiết ra ào ào. Càng chuyện khổ cho mấy tên ảnh ghét, càng thấy mấy khu vực về khoái lạc rực sáng như đèn xe hơi, oxytocin ra nhiều như suối chảy!
    Anh bạn của tôi bị schadenfreude rất nặng. Trước kia tôi chưa biết chữ này nên không để ý lắm. Nhưng khi đọc thêm về đề tài này mới nghiệm ra là anh bạn bị loại này y chang! Như khi nghe tin người bạn nào vừa qua đời, nhất là trẻ tuổi hơn anh, anh thốt lên: "Ồ! Thấy mình sướng thật! Nó trẻ hơn mà đã đi rồi!". Không hề nhắc đến chuyện anh bạn kia qua đời để lại vợ trẻ, con thơ! Chỉ nghĩ đến chuyện mình sướng. Vì vẫn đang sống!
    Anh bạn bị schadenfreude cũng thích gossip loại nặng! Anh tự hào là có chuyện gì anh cũng biết, sớm sủa hơn mọi người khác! Nhất là những chuyện người này người kia bị vợ bỏ, gia đình tan hoang, con cái lêu lổng! Hay có ai bị bankrupt, thất nghiệp, mất nhà mất cửa, anh vui như tết, kể chuyện hào hứng, gossip không ngừng!

    Lâu ngày tôi không gặp anh. Rồi một ngày gặp lại, anh than: "Moa mới bị accident nặng lắm! Tưởng chết! Nhưng toa biết không! Lúc moa nằm nửa tỉnh nửa mê, nghĩ rằng mình sắp đi đứt, vừa buồn vừa sợ. Nhưng moa nghĩ lại: "Chết rồi! Mình bây giờ mà tịch, nhiều thằng ghét mình từ trước đến giờ, chúng nó sẽ sướng lắm! Chúng nó sẽ cười. Cho chết! Đáng đời Cáo phó sẽ chỉ được đề là hưởng dương, không được gọi là hưởng thọ! Chết như vậy cho đáng kiếp! Moa nghĩ đến đây, thấy giận điên lên. Không được, phải sống để cho bọn khốn nạn đó chúng nó thất vọng! Thấ là moa chống đối với ý tưởng buông xuôi, moa vật lộn với thần chết! Bác sĩ bảo moa là có ý chí ham sống mạnh lắm, nhờ thế mà họ cứu được!"

    Tôi nghe xong thấy phục anh bạn vô cùng! Hóa ra anh bạn tôi bị schadenfreude nặng. Nhưng anh biết mình biết người. Mấy tên bạn khốn nạn của anh bị schadenfreude còn nặng hơn! Và chỉ vì ý thức được điều đó mới giúp được anh bạn phấn đấu, chống lại thần chết. Và nhờ đó anh mới qua khỏi được hiểm nghèo. Và tiếp tục sống đến ngày hôm nay! Để xem những tên bạn khốn nạn kia lần lượt ra đi trước mình! Rồi rung đùi khoan khoái: "Tội cho chúng nó quá nhỉ!!!"

  10. #20
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Hồi mới về ở thành phố này, tôi hay đi party ở nhà các người quen. Cũng đã lâu lắm rồi, dạo đó bắt đầu có phong trào văn nghệ hát hỏng tài tử. Chưa có karaoke, nên tổ chức văn nghệ ở nhà phải thuê ban nhạc. Lúc đó chưa có keyboard tối tân như bây giờ, hiện nay chỉ cần một người chơi kiểu one-man's band, nếu điệu nghệ có thể hay như cả một ban nhạc hòa tấu. Ban nhạc tài tử ngày xưa thường chỉ có một tay lead guitar, một tay đệm, một người giữ base rồi một tay trống. Nhạc đánh một đàng, người hát một nẻo, nhưng ai cũng mặc kệ, miễn vui là được rồi!

    Lần đó, người tổ chức mướn một ban nhạc quá tệ, chắc mới bắt đầu ra quân. Tôi lại gần xem ban nhạc chơi ra sao. Thấy tay lead đang hò hét mấy tên đàn em:

    "Mày bấm sai rồi, nhích xuống một chút, một chút nữa. OK! Bây giờ mới đúng là gamme La . Giữ nguyên nó nghe mầy!".

    Rồi thấy hắn hò tay đánh trống:

    "Đánh điệu Boléro, chậm chậm một chút"

    Tay trống hỏi:

    "Cái gì? Bô lê rô chơi làm sao mày!"

    Tay lead:

    "Đồ ngu! Mày đánh kiểu Bố Con Lệ Rỗ chứ làm sao! Chát...Chùm Chùm...Chát..Chùm! Nhớ chưa!"

    Tay trống cười:

    "Rồi! Nhớ rồi! Mày nói Bố Con Lệ Rỗ tao mới biết, cái gì mà Boléro ai biết đâu!"

    Tay lead phán:

    "Chị Liên hát Chiệng tình goa thiêng lý, không biết tông nào, La minưa hay La madưa, đánh đại đi, không trúng sửa sau nghe chúng mày! Chị Liên sửa soạn đi! Ban nhạc dzô nghe!"

    Thế là ban nhạc nhào dzô đánh tứ tung. Tôi nghe chán quá, định bỏ đi. Bỗng nghe tiếng nói sau lưng:

    "Chơi thế này mà cũng lập ban nhạc!"

    Quay lại, tôi nhận ra ngay một người bạn học cùng lớp ngày xưa. Đã mấy chục năm không gặp, nhưng nghe tiếng cười tôi biết ngay là bạn cũ. Anh học cùng lớp nhưng hơn tôi đến 4 hay 5 tuổi. Thời đi học, anh bạn đã là tay chơi. Những năm đó có phong trào nhạc trẻ, anh bạn đã lập ra ban nhạc lấy tên là Black Caps, một trong những ban nhạc trẻ đầu tiên của Sài Gòn. Tôi vốn thán phục anh bạn vì học giỏi, lúc nào cũng đầu lớp, lại chơi đàn giỏi.

    Hồi đó chúng tôi học trường thầy dòng. Mấy ông frères lắm tiền có khu trang trại nghỉ mát ở Thị Nghè, sát bờ sông. Chúng tôi lâu lâu cả lớp được đi picnic ở khu này, thích vô cùng. Được tắm sông, chơi nhiều trò chơi thú vị. Buổi chiều cả lớp ra ngồi hóng mát ở một căn chòi ngay trên sông, gió mát lồng lộng. Anh bạn mang theo cây đàn guitar, ôm đàn hát cho cả lớp nghe. Anh hát hay, hát những bản nhạc Pháp như Aline, Histoire d'un amour. Rồi hát sang nhạc Việt "Tôi đi giữa hoàng hôn" của Văn Phụng. Cả lớp vừa nằm vừa ngồi nghe bạn mình hát, thích thú, khoan khoái, thấy đời sống thần tiên thật!

    Rồi bỗng dưng hai năm cuối trước khi lên Đại Học, anh bạn bỏ hẳn chuyện văn nghệ, đàn địch. Anh chăm chú học hành, theo ngành luật, ra luật sư. Tôi không gặp lại anh từ những năm hồi còn học Đại Học, cho đến ngày hôm nay, trên đất Mỹ, ở thành phố này, mới gặp được người bạn xưa cũ. Hỏi thăm nhau đủ mọi chuyện, sau cùng tôi hỏi anh sao lại bỏ chuyện chơi nhạc. Anh trả lời:

    " Bao nhiêu năm rồi moa không kể cho ai. Nhưng hôm nay mình gặp lại nhau để moa cho toa biết mọi chuyện. Toa nhớ hồi lớp mình đi chơi ở Thị Nghè về, thằng Sơn đòi theo moa học đàn, chơi ban nhạc."


    Tôi ngắt lời anh bạn:

    "Sơn nào? Cả lớp mình chỉ có một thằng tên Sơn. Nó bị đau màng óc chết. Cả lớp đi đưa đám nó mà!"

    Anh bạn lắc đầu:

    "Các toa không biết, nhà nó dấu kín. Sơn nó tự tử chết! Để moa kể nốt! Sơn đi chơi với ban nhạc của moa. Nó mê con ca sĩ của ban nhạc. Mê như chưa bao giờ có ai mê như vậy. Con này ngang ngược. Không thích gì thằng Sơn, nhưng để nó tưởng bở, theo để hầu hạ, sai bảo. Rồi đến khi nó có kép mới, đá thằng Sơn tàn nhẫn! Sơn bỏ ăn bỏ học. Rồi nó bị depressed nặng, tự tử chết!
    Ngày moa đi đưa đám, lúc hạ huyệt moa thề với vong hồn nó. Là moa sẽ bỏ chơi đàn, không bao giờ sờ đến cây đàn guitar nữa!"

    Anh bạn ngậm ngùi nói tiếp:

    "Toa biết không? Cuộc đời có những chuyện không bao giờ ngờ được. Giả sử lần mình đi chơi Thị Nghè năm đó, thằng Sơn không đi. Hay moa không mang cây đàn đi để chơi cho các bạn trong lớp nghe. Hay Sơn nó năn nỉ mà moa không dạy nó đàn, cho nó đi theo ban nhạc. Để nó không bị mê muội, rồi tự tử chết chỉ vì thất tình. Moa suốt đời ân hận vì chuyện thằng Sơn. Không bao giờ quên được. Nên bao nhiêu lần thèm chơi đàn mà đụng đến cây guitar lại nhớ đến nó và lời thề năm xưa. Rồi bỏ cây đàn xuống! Hôm nay cũng vậy! Thấy bọn ban nhạc chơi dở quá, muốn lên chơi giúp chúng nó để party khỏi bể. Mà cũng phải thôi! Cuộc đời như thế đó toa ơi! Cũng chẳng làm thế nào khác hơn được toa à!"

 

 

Similar Threads

  1. Lang man
    By Co may in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 6
    Last Post: 08-08-2014, 08:19 PM
  2. Lang Thang
    By Frank in forum Tùy Bút
    Replies: 41
    Last Post: 07-29-2014, 03:15 PM
  3. Nhạc Lang Thang với PPS
    By NangThuyTinh in forum Âm Nhạc
    Replies: 24
    Last Post: 02-13-2012, 06:37 PM
  4. Lang vườn
    By July in forum Sức Khoẻ/Sắc Đẹp
    Replies: 0
    Last Post: 10-03-2011, 12:07 PM
  5. Lang Thang ...
    By nhunguyen in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 2
    Last Post: 10-01-2011, 05:38 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:06 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh