Register
Page 3 of 8 FirstFirst 12345 ... LastLast
Results 21 to 30 of 80

Thread: Lang Thang II

  1. #21
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Boring is good! Boring is beautiful!

    Một anh bạn của tôi đã phán như thế! Hắn giảng giải cách đây ít lâu khi tôi gặp nói chuyện và than dạo này sao chán nhiều chuyện, mọi sự đều thấy boring! Hắn nói bằng giọng quả quyết, chắc nịch như kẻ đã thấy chân lý của cuộc đời, đã tu thiền đắc đạo từ thuở xa xưa:

    "Mày đừng than chán, đừng nói cái gì cũng boring! Mày phải hiểu là được boring, tức đời mày có phước lắm, phải tu hành nhiều kiếp mơi được như thế!"

    Tôi nhìn lại tên bạn. Đầu hói bóng lọng, mặt mày vêu vao, quần áo xộc xệch, trông đầy vẻ gàn dở của một người mơi từ nhà thương điên ra. Hay không điên thì cũng có vẻ lãng trí của một kẻ bị Alzheimer cấp ba hay bốn gì đó!
    Tôi hỏi tên bạn:

    "Rồi! Mày giảng cho tao nghe! Nghe được tao đãi mày một chầu ăn phở!"

    Tên bạn cười:

    "Ừ! Mày vểnh tai mà nghe tao dậy bảo đây! Cuộc đời những thằng như tụi mình sống ở Mỹ, vào lứa tuổi này, không gì sợ bằng bị stress nhiều! Bao nhiêu thứ bệnh đều do bị stress quá độ gây ra cả. Nào là áp huyết cao, bị nghẹt tim, bị stroke rồi đi chuyến tàu suốt hay bán thân bất toại, cũng do stress gây ra phần lớn. Nhưng khi mày than boring, có nghĩa mày không hề bị stress gì cả! Vì nếu mày lo đủ chuyện, lo tiền bạc, lo bị mất job, lo vợ bỏ, lo con hút sách, lo mất nhà, lo xe hỏng. lo hầm bà lằng, dĩ nhiên đầu óc mày chỉ nghĩ đến chuyện đang gây ra stress cho mình, làm sao mày có thể nói đời boring được! Than là boring, tức mày không bị stress gì cả. Thế là đời mày sướng đó con ạ!"

    Thấy tôi nhéch mép cười khinh khỉnh, không tin, tên bạn tức mình giảng tiếp:

    " Mày tưởng mày ngon lắm hả! Những điều tao dạy mày, tao ngẫm nghĩ bao năm nay mới giác ngộ ra chân lý đó con ơi! Chúng mày sống đời phàm tục, lo chạy đua theo vật chất, lo làm giàu, ganh đua nhau, phải có danh hơn người, phải giàu nứt đố đổ vách, phải có vợ đẹp, con khôn, học giỏi, con nào cũng phải ra làm bác sĩ hết mới nghe! Chúng mày sai lầm hết!
    Như tao đây, vợ tao không đẹp lắm! Có đứa còn nói sau lưng, chê vợ tao xấu, chê boring! Nhưng ông nói cho các con biết. Vợ tao như vậy nên tao còn vợ! Chứ như thằng Hạnh ngố, đã ngố lại còn đòi lấy vợ đẹp. Nên đầu nó mọc sừng tua tủa, làm sao còn chỗ đội nón! Rồi thằng Tiễn dế. người như con dế mén, chính mình học hành không ra gì mà bắt con học khốn học khổ phải ra bác sĩ mới được. Nên thằng bé bỏ nhà đi bụi đời! Thằng Lý điềm, có nhiều tiền rồi, sống an nhàn hưởng đời không chịu, cứ thích làm giàu thêm, chơi stock, đầu tư cho lắm rồi cũng mất hết, nhà cửa bị foreclosed cả rồi! Mấy thằng bạn mình đó! Không biết chữ tri túc, không biết mình như vầy là đủ rồi. Ham muốn nhiều quá, ganh ghét nhiều, chạy đua cho lắm với bả danh lợi, nên bị đủ chuyện! Cũng là đáng đời thôi!

    Mày nghe tao đi! Boring is so glamorous, so beautiful! Boring is excellent, my son! Ghi khắc vào tâm như vậy nghe không! Rồi! Bây giờ dắt bố mày xuống tiệm Phở Hùng đuôi bò làm bát phở đi con!"

  2. #22
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Tôi là dân Bắc Kỳ chính cống nên thích những món Bắc như bún thang, bún ốc. Bữa ăn ở nhà phải có rau muống, thịt kho, giò nạc làm chuẩn! Nhưng món ăn cũng như gái đẹp, không thể phân biệt Nam, Bắc hay Trung được! Có nghĩa món ăn nào ngon là thích, miền nào cũng vậy thôi! Và một trong những món của miền Nam tôi thích nhất là hủ tiếu tôm cua.

    Nhắc đến món này là phải nhớ đến hai tiêm chuyên bán hủ tiếu tôm cua nổi tiếng nhất của Sài Gòn thời trước. Đồng Chung và Thanh Xuân. Hai tiệm ở sát nhau trên con đường ở phía sau đường Lê Lợi, bây giờ không nhớ là đường tên gì. Chỉ nhớ gần đó có ngôi chùa hay đến thờ của dân Ấn Độ, trên đỉnh đền thờ có chóp bọc vàng. Dạo còn bé đi ngang qua khu này tôi nghĩ là vàng khối, sau mới biết là không phải!

    Hai tiệm hủ tiếu Đồng Chung và Thanh Xuân hình như cũng có họ hàng gì với nhau, nhưng cạnh tranh ráo riết. Được cái cả hai tiệm đều ngon. Nên những sáng thứ bảy hay Chủ Nhật đều đầy khách đến ăn, phải đợi lâu mới đến phiên có bàn trống. Cả hai tiệm cho bầy bàn suốt ra ngoài vỉa hè, chiếm hết lối đi. Khách đứng đợi sát ngay bàn, nhìn chăm chăm như muốn dục người đang ăn phải nuốt nhanh lên, ăn cho mau nhường chỗ cho người khác! Bây giờ chắc sẽ không chịu được cảnh này, nhưng thời đó tôi nhớ ai cũng tỉnh bơ, coi là chuyện bình thường. Người ăn mặc kệ, tỉnh queo ăn húp sì sụp tận hưởng khoái lạc món ăn ngon, không nề hà đến cảnh bất lịch sự của những người đứng đợi!

    Mà hủ tiếu tôm cua hai tiệm ngon thật! Tôi nhớ là Đồng Chung có lẽ ngon hơn một chút. Hủ tiếu làm vừa phải không dai quá, không mềm quá, nước dùng thật ngọt tự nhiên, không có chút bột ngọt nhân tạo như bây giờ thường thấy. Những con tôm bóc vỏ tươi đỏ, chắc nịch. Càng cua lớn, thịt săn, dòn, cắn vào thấy sần sật, nhưng thớ cua vẫn mềm mại, chỉ muốn trôi tuột vào cổ họng. Nhưng phải từ từ nuốt để hưởng hết hương vị của càng cua mới bắt từ tối hôm trước ở vùng biển, đưa suốt đêm về Sài Gòn cho khách sành ăn của đô thị hưởng thụ!

    Khoảng thời gian tôi mê món hủ tiếu tôm cua này là lúc tôi và tên bạn thân sắp ra đơn vị. Được một hai tuần gì đó ở Sài Gòn trước khi lên đường, tôi và anh bạn sống vội để hưởng đời tối đa! Biết đâu được chuyện gì sẽ xảy đến! Tên bạn thường phán: "Nhằm nhò gì mày! Ai cũng có số cả! Chết thì chôn!" Mỗi sáng tôi và tên bạn ra Đồng Chung hay Thanh Xuân ăn hủ tiếu tôm cua. Ăn xong ra tiệm Prince trên đường Lê Lợi uống cà phê. Nhìn người qua lại! Nhất là nhìn những cô gái đẹp như mơ thướt tha trên con đường đông đảo. Biết rằng còn lâu lắm mới có dịp thấy gái đẹp nhởn nhơ đầy đường như vậy! Tôi về Tây ninh còn đỡ. Nhưng tên bạn đi một chốn khỉ ho cò gáy, chắc chỉ thấy được mọi! Tên bạn cười ngạo: "Thì tao sẽ sụp nửa mi mắt nhìn đời khinh bạc thôi mày ơi! Có sao đâu! Chết thì chôn mà!"

    Nhưng người ta có lẽ có số thật! Tôi không tin vào số mệnh. Nhưng nhìn tên bạn, chắc có lẽ phải có! Vì tướng lộ hầu, mắt thô lố, người như con mắm lêu khêu. Lại còn đi tác chiến. Nhưng số không chết vẫn không chết! Hắn sang Mỹ được ngay từ 75, học hành xong xuôi, làm ăn thành công, đời sống khá giả. Lần cuối gặp lại, hắn cười: "Tao ở Việt Nam đi lính như vậy không chết thì làm sao ở Mỹ này chết sớm được mày ơi! Mày đợi mà xem! Tao sẽ sống đến trên 90 cho mày coi!" Rồi hắn nheo mắt cười đểu: "Nhưng không được! Mày đi trước tao thì làm sao biết được tao thọ trên 90!"

    Nhưng bạn tôi quên một điều. Là vợ hắn có nốt ruồi trích lệ thương phu. Gò má lại cao quá là cao! Và hắn hút thuốc lá nhả khói như tàu xe hỏa. Bảo bỏ thế nào cũng không nghe! Mỗi lần nghe khuyên bỏ thuốc lá, hắn nhăn mặt: "Chết thì chôn! Khổ lắm! Biết rồi! Nói mãi! Cho tao hai chữ bình an đi mày!"

    Và hắn được bình an thật! Vì hôm nay là ngày giỗ hai năm của bạn tôi, chết vì ung thư! Chỉ có một điều không được đúng. Là trước khi chết, hắn bắt vợ hắn thiêu xác, không được chôn. Để không nghiệm đúng như câu nói của hắn từ mấy chục năm nay. "Chết thì chôn!" Hắn không muốn thành bộ xương dưới đất, nhưng là tro bụi thảnh thơi trên trời cao, để lúc nào cũng vẫn còn được "sụp nửa mi mắt, nhìn đời khinh bạc!"
    Last edited by frankie; 11-22-2014 at 08:06 AM.

  3. #23
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Cách đây ít lâu tôi bay sang tiểu bang khác để thăm người bạn thân, không gặp từ hồi còn ở Việt Nam. Buổi tối hôm đó sau khi đi ăn về nhà, hắn nói: "Tao phải cho mày xem cái này! Để xem mày còn nhớ không?". Hắn lôi ra từ trên kệ sách một cuốn truyện rách teng beng. Và tôi nhận ra ngay. Cuốn "Of human bondage" của W.Somerset Maugham, tôi đã khổ công tìm cho ra cuốn sách này để tăng người bạn thân, đã hơn ba mươi năm về trước.
    Of human bondage là cuốn truyện nổi tiếng nhất của tác giả này, kể về mối tình đam mê của một chàng bác sĩ với một cô gái điếm! Tình yêu kỳ lạ của một chàng giai cấp quý tộc, nhưng say đắm một người con gái giai cấp thấp kém. Nhưng không hề được cô kia yêu lại, chỉ lợi dụng anh chàng. Sau này cô ta làm điếm nhưng chàng bác sĩ vẫn yêu thương và bảo bọc, cho đến lúc cô này chết vì bệnh giang mai nặng.

    Tôi tăng bạn tôi cuốn sách này vì câu chuyện tình của hắn, kể cho tôi nghe một buổi tối ở Sài Gòn. Tôi lái xe đưa hắn đi vòng vòng buổi cuối tuần hắn được đi phép từ đơn vị về. Đang đi ngang con đường Tự Do, hắn bỗng kêu lớn: "Dừng xe lại mày!". Tôi thắng gấp, không hiểu chuyện gì! Chỉ thấy một cô gái ăn mặc hở hang, trông như gái điếm, đứng ở góc đường như đợi khách. Bạn tôi mở vội cửa xe, chạy lại gần cô gái, nói gì đó. Cô gái lắc đầu quầy quậy, rồi quay quả bỏ đi. Bạn tôi đi theo, nhưng chỉ được một quãng. Vì cô gái đã đến khoác tay một tên Mỹ cao lớn, như đã hẹn nhau từ trước và lên xe đi mất hút!

    Bạn tôi trở lại, mặt buồn rười rượi, cạy miệng cũng không nói câu nào. Lâu lắm, hắn mới nói: "Tên nó là Lệ! Mày đừng ngắt lời, tao sẽ kể hết cho mày nghe". Hắn thở một hơi dài và bắt đầu kể: "Lệ là gái điếm trong xóm của tao. Mày biết nhà tao rồi, trong ngõ hẻm trước bệnh viện Nhi Đồng đó. Ít ra khu đó cũng có vài ba động chứa. Lệ làm điếm từ năm 16 tuổi, nhưng nó đẹp lắm! Chắc phải có máu lai! Nhà tao gần đó nên thấy nó luôn. Và tao bắt đầu mê nó. Mê dữ dội như chưa bao giờ mê ai như vậy. Và sau này chắc cũng chẳng mê ai được như nó! Năm đó tao 17 tuổi, chưa bao giờ biết đàn bà. Nhưng dù biết nó làm điếm, tao vẫn mê say. Và Lệ cũng thích tao. Chắc nó cũng yêu tao lại! Rồi nó rủ tao bỏ nhà đi sống chung với nó! Nó thôi không làm điếm nữa, bỏ tiền ra thuê một chỗ nhỏ và sống với tao như vợ chồng!
    Nhưng chỉ được một tháng. Vì tao còn đi học, bỏ học, bỏ nhà bố mẹ đi sống với nó, làm gì có tiền! Lệ cũng chỉ sống với tao được chừng đó rồi hết tiền mang theo. Và sau cùng, nó làm điếm trở lại! Dĩ nhiên tao làm sao chấp nhận được nên thôi, về lại nhà bố mẹ sống! Tao nằm trên căn gác hơn hai tháng trời, không ra khỏi nhà, gần như không ăn uống gì, người chỉ còn da bọc xương! Rồi một ngày ngủ dậy, tao chợt quên hết Lệ và như người đội mồ sống dậy, tao ăn uống tẩm bổ, sống lại như cũ! Tao đi học lại, nhảy hai lớp, rồi thi đậu Tú Tài như mày biết, lên học Luật và gặp mày sau đó! Bây giờ thì đi lính, sống chết không biết ngày nào! Nhưng hôm nay gặp lại Lệ, có lẽ là điềm bất tường chăng!"
    Hắn chợt phá lên cười! Tiếng cười như tiếng khóc. Và hắn nói:"Thôi đi nhậu đi mày! Cho tao quên chuyện đêm nay đi!"

    Lâu không gặp và không tin tức, tôi tưởng hắn đã chết! Nhưng rồi lại gặp nhau trên đất Mỹ, sau mấy mươi năm. Hắn chỉ tay vào cuốn sách: "Tao chưa có dịp cảm ơn mày tặng sách. Nhưng tao giữ luôn, đọc tới đọc lui, mới rách bươm ra như thế. Nhưng tao phải kể cho mày nghe. Chắc có duyên gì đó! Vì tao gặp lại mày. Nhưng trước đây 3 tháng, tao gặp Lệ, ngay tại thành phố này! Mày có tin được không?"
    Tao đang đi trong khu phố người Việt, bỗng thấy có người gọi tên mình. Quay lại là Lệ! Tao nhận ra ngay! Làm sao quên được. Nhưng Lệ bây giờ đẹp lắm. Lại ăn mặc sang trọng như người giàu có. Lệ hỏi thăm tao và mời về nhà chơi! Mày không tưởng tượng được. Lệ đưa tao về bằng chiếc Mercedes loại mắc tiền nhất, về một ngôi nhà lộng lẫy huy hoàng như một dinh thự. Thấy tao ngẩn người trố mắt nhìn, Lệ giải thích cho tao: " Em sẽ kể hết cho anh nghe sau. Nhưng đại khái, em được như ngày nay chỉ vì hai người chồng Mỹ em lấy đều chết sớm cả!"
    Hóa ra, Lệ lấy một tên Mỹ năm 1974, theo chồng về nước. Nó mua bảo hiểm nhân thọ một triệu đô la đứng tên Lệ thừa hưởng. Và chỉ hai năm sau bị ung thư phổi đi ngay! Lệ tái giá với một tên Mỹ khác. Hắn cũng mua bảo hiểm nhân mạng cho nàng, chắc cũng một triệu hay hơn nữa. Rồi 5 năm sau, bị heart attack đi luôn! Lệ sau đó gặp tên chồng bây giờ, tên này giàu lắm, chủ nhân CEO của một công ty lớn gì đó. Không cần mua bảo hiểm nhân mạng gì cả. Nhưng nếu đi nữa, Lệ sẽ thành người Việt giàu nhất nước Mỹ này!

    Tên bạn chợt ngưng chuyện kể. Hắn nhìn tôi rồi phá lên cười: "Mày bỏ cái nhếch mép nửa miệng của mày đi! Trông đểu giả quá! Tao biết mày nghĩ gì. Nhưng tao không như mày nghĩ đâu! Của đáng tôi! Nhà chỉ có mình tao với Lệ. Thằng chồng Mỹ ở văn phòng chưa về. Nó dắt tay tao vào phòng ngủ. Nhưng mày biết không? Tao dằng tay lại. Nói thôi! Tao không phải người tử tế gì. Nhưng tao nghĩ đến Lệ! Nó đổi đời được như thế này là chuyện cực kỳ hãn hữu. Từ một con điếm bây giờ trở thành một phu nhân sang trọng lịch sự, giàu có, đổi xác hoàn toàn. Chỉ trong chuyện thần tiên mới được như vậy. Nó có thể còn yêu tao, tình xưa nghĩa cũ. Nhưng ngủ với nhau một lần để làm gì nữa! Tao biết Lệ! Nó có thể trở lại con đường xưa cũ dễ dàng. Con đường trơn tuột, có thể thành vực thẳm được lắm! Nên tao muốn giữ cho nó! Tao không phải người chính nhân quân tử đâu! Nhưng tao vẫn còn yêu nó! Như ngày đầu! Và tao bỏ ra về chỉ vì vậy!"

    Tên bạn nheo mắt nhìn tôi: "Mày đừng thán phục tao vội! Vì tao còn có ý nghĩ khác nữa! Lệ có số sát phu nặng! Hai thằng Mỹ về chầu tiên tổ rồi, tên thứ ba nhiều lắm được vài năm nữa là cùng! Lúc đó tao trở lại với Lệ cũng còn kịp cơ mà! Mà sống được đến bây giờ, mạng tao cũng khá lắm! Mà tao có đi trước Lệ, cũng đã sao. Ít nhất trong vài năm được hưởng đời với cả triệu Mỹ Kim! Cũng đủ xài mày ơi!"

    Lần cuối cùng tôi điện thoại hỏi thăm người bạn vàng. Hắn vẫn nghèo rớt mùng tơi. Và vẫn còn tiếp tục chờ đợi!
    Last edited by frankie; 01-04-2015 at 12:14 PM.

  4. #24
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    "Anh là con gà nuốt giây thung"

    Trong đời tôi bị thất tình cũng nhiều. Nhưng không lần nào đau bằng lần bị người đẹp giáng cho búa tạ nặng ngàn cân với câu nói trên! Lâu lắm rồi, năm đó là năm tổng thống Thiệu chơi trò dân chủ, cho bầu cử quốc hội. Bao nhiêu liên danh ra tranh cử Thượng Viện, trong đó có liên danh của các đảng phái chính trị, thụ ủy là ông Phan Bá Cầm, biểu tượng là Mặt Trời Mọc hay Gà Gáy Sáng gì đó, tôi không nhớ rõ nữa. Chỉ nhớ là bích chương hình con gà trống, dương cổ lên gáy!

    Ông bác họ tôi là người đứng trong liên danh. Ông này là một nhân vật rất đặc biệt. Cả đời ông không làm việc gì, nhưng những người quen biết và trong họ hàng đều thán phục, nói bằng giọng thầm thì, đầy ngưỡng mộ là ông làm chính trị! Thời ngoài Bắc, nghe nói ông bị Tây bắt, rồi Việt Minh bắt. Vào tù ra khám như cơm bữa. Rồi vào Nam, ông tiếp tục làm chính trị, hoạt động đảng phái, chống đối tổng thống Ngô Đình Diệm, tham dự vào cuộc đảo chánh năm 60 hay 63 gì đó. Không bị giam cầm nhưng ông trở thành người bị ruồng bắt, lúc nào cũng phải trốn tránh. Lần nào ông bác đến nhà, tôi cũng thấy ông đến vào lúc sẩm tối hay những buổi chiều mưa, mặc pardessus, đầu đội mũ feutre, đeo kính đen xì dù trời đen nghịt. Trông đầy vẻ bí mật, như điệp viên kiểu James Bond sau này!

    Bác tôi tiếp tục làm chính trị, lúc nào cũng là người chống đối. Nhưng khi ông Thiệu cho bầu cử quốc hội, ông bác quyết định không chùm trăn làm chính trị salon nữa và ông tham dự liên danh của ông Phan Bá Cầm, như đại diện của đảng phái để ra ứng cử chức Thượng Nghị Sĩ. Ông tâm sự với tôi. Lúc đó tôi còn trẻ, đang là sinh viên đi học, đâu màng đến chuyện chính trị, bầu cử. Nhưng ông bác không hiểu sao lại thích nói chuyện với tôi, đủ mọi chuyện trên trời dưới bể. Và dĩ nhiên chuyện ông thích kể nhất vẫn là chuyện hoạt động chính trị của ông.

    Ông đứng ngoài sân, rít điếu thuốc lá, rồi tâm sự: "Cháu biết không? Cuộc đời là một sự chấp nhận. Bác cả đời hoạt động chính trị, tranh đấu cho quê hương, cho dân tộc mình. Bác đâu màng đến chuyện có chức tước, địa vị gì! Nhưng bác ra ứng cử kỳ này là vì bác gái! Tội nghiệp! Cả đời làm ăn vất vả, nuôi con nuôi cái, nuôi cả bác lúc bị giam cầm bắt bớ. Không than van đến nửa câu. Nhưng bác biết bác gái cũng muốn được nở mặt nở mày với mọi người. Là đã không nhầm khi lấy bác làm chồng!"

    Tôi vốn vẫn quý mến ông bác họ này. Dù họ hàng xa, không phải bác ruột nhưng vẫn thân cận. Nghe ông tâm sự lại càng quý ông hơn nữa. Nên tôi hăng hái tham dự vào cuộc vận động tranh cử cho liên danh của ông bác tôi. Và ngày bầu cử năm đó, tôi đi gác thùng phiếu đại diện cho Liên Danh Con Gà tại địa điểm bỏ phiếu trên đường Trương Minh Giảng. Khi vào đến nơi, điều đầu tiên tôi chú ý đến ngay là một liên danh khác đã có đại diện là cả một nhóm bốn năm người, trưởng nhóm là một cô gái đẹp! Cô này đẹp lắm, nhưng trông sắc sảo và dữ ơi là dữ. Cô đứng chỉ huy mấy tên khác trong nhóm, oai như một nữ tướng điểm quân! Và tôi đứng như người bị hớp hồn, không màng gì đến chuyện chính trị chính em, bầu cử bầu kiếc gì nữa. Chỉ biết là đã mê ngay cô gái của liên danh đối thủ. Và bỗng thấy mình như Phạm Thái ngày xưa:

    "Chí lớn trong thiên hạ
    Không đầy mắt mỹ nhân"

    Chí lớn đã không màng, còn nói gì đến chuyện bầu cử tào lao, tép nhem của ông Thiệu! Nên tôi đâu để ý gì đến chuyện canh thùng phiếu, chuyện vận động những người đến bỏ phiếu nữa. Chỉ dõi mắt theo nàng! Và cô nàng biết ngay có tên mê mình! Đến gần giờ chót, nàng đến sát bên tôi, hỏi han, đon đả. Tôi sướng mê tơi. Đờ đẫn cả người! Rồi nàng kéo tay tôi về góc phòng, xa khỏi thùng phiếu. Nàng nói huyên thuyên, đứng chắn để tôi không còn nhìn thấy thùng phiếu nữa. Thấy tôi ngoái người lại, nàng kéo hẳn người tôi sát vào thân nàng, tóc nàng dài quyện lấy mặt, mùi hương bay ập vào mũi. Tôi như người mê đi nhưng vẫn kịp thấy một tên trong bọn đi theo nàng hình như bỏ một sấp phiếu vào thùng phiếu!

    Nàng kéo hẳn tôi ra khỏi phòng và gần như ôm chặt lấy tôi. Tôi không còn ý niệm gì về thời gian, không gian nữa. Như người hồn đã bay bổng. Rồi đột nhiên nàng đẩy mạnh người tôi ra. Nàng nhìn tôi, cặp mắt lạnh lùng, đanh đá, dữ dội! Như người chưa hề bao giờ quen biết. Tại sao lại có kẻ dám xâm phạm ôm lấy nàng! Tôi ấp úng hỏi tên nàng, hỏi địa chỉ nàng. Nói muốn đến gặp nàng. Nhưng nàng đã chặn họng ngay sau khi một tên đồng bọn đến gần nói nhỏ mấy câu. Hình như là mọi chuyện đã xong rồi! Nàng nhìn tôi, cong cớn, khinh miệt như một tên thần dân quèn đòi làm thân với nữ chúa quyền uy:

    "Anh hỏi để làm gì? Anh là con gà nuốt giây thung! Hỏi làm gì!"

    Liên danh "Con Gà Nuốt Giây Thung" có ông bác tôi tham dự thua nặng. Cả trăm ngàn phiếu gì đó. Nhưng tôi mừng vì đã thua quá xa, không phải chỉ vài trăm hay một hai ngàn lá phiếu. Vì nếu không tôi sẽ ân hận biết bao khi chỉ do mình dại gái, để cho liên danh kia nhét vào thùng phiếu đường Trương Minh Giảng cả ngàn lá phiếu gian lận. Để cho ông bác mất chức Thượng Nghị Sĩ chỉ vì tên cháu mê gái đẹp. Âu cũng còn là may đấy chứ!

    Và tôi cũng nghiệm ra như lời ông bác nói. Là cuộc đời chỉ là sự chấp nhận! Mê gái đẹp thì phải chấp nhận mình là người dại gái thôi! Đúng lắm rồi bác ạ!
    Last edited by frankie; 12-19-2014 at 02:42 PM.

  5. #25
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    "M. chết rồi! Trưa nay! Đang ở nhà rồi ngã xuống, đi luôn!"

    Cách đây mấy hôm, buổi tối đang ở nhà tôi nhận được điện thoại người bạn báo cho biết. Tôi bàng hoàng, không tin đuợc ở tai mình. Vì mới chủ nhật trước, tôi còn xoa mạt chược với anh và hai người bạn khác. Thấy anh có sao đâu, vẫn vui vẻ yêu đời, không có triệu chứng gì báo trước. Tôi biết anh đã hơn hai mươi năm nay. Cùng ở trong một khu, lại nhà nhau chỉ vài phút. Nhưng thân nhất chỉ vì cùng là bạn xoa mạt chược với nhau.

    Tôi chưa thấy người nào mê mạt chược dữ dội như anh. Bỏ gì thì bỏ, nhưng riêng mạt chược anh không bỏ được. Anh nói với tôi: "Toa biết không? Moa ghét Tàu, ghét dân Tàu, ghét lịch sử Tàu, cả văn hoá của nó, moa cũng ghét. Nhưng chúng nó có được một thứ để nhẹ tội, redeeming phần nào. Là chúng nó chế ra mạt chược! Phải chi mạt chược do dân Việt mình sáng chế ra thì hay biết chừng nào. Thôi đành vậy!"

    Có lần xoa mạt chược đông người, tôi đứng ngoài nhìn, mới thấy được mức đam mê của anh. Mặt mày anh rạng rỡ, cười nói huyên thuyên, sung sướng tận hưởng khoái lạc khi được canh bài đỏ. Anh tuyên bố: "Moa thà đỏ bạc, đen tình, còn hơn đỏ tình đen bạc! Đàn bà mê nhiều chỉ thêm mệt, thêm khổ, có sướng gì đâu!". Anh lại có tật mê tín, dị đoan! Trước khi ngồi vào bàn xoa, anh làm bùa làm phép đủ thứ để được hên! Dân mạt chược thường kính cẩn gọi thần mạt chược là "Cô", anh vái cô cho anh được đỏ:

    Cô ơi! Cô ở trên bàn
    Xin cô một ván khàn khàn không khung
    Bao giờ đến gió hồng trung
    Cô cho thêm ván không khung toàn hàng!"


    Người chơi mạt chược hay có tật riêng. Tật của anh là thích thi phú, ca hát. Ngày trời mưa, bão bùng, anh ngâm nga:

    "Ngoài trời mưa rơi tí tách
    Trong này ta xoa lách cách
    Rồi ta ù toàn hàng sách
    Đời ôi! Thật là số zách!"

    Lúc đươc ván bài ù mủn coong xuyên, còn gọi là coong xường phá, anh lên giọng tân nhạc vọng cổ giao duyên liền:

    "Xuyên lá cành trăng lên lều vải
    Đời lính chiến thương người đôi mươi
    Thương những người mạch sống đang khơi..."

    Anh ngày xưa là sĩ quan cao cấp, thuộc binh chủng loại hào hoa. Đời anh nhiều huyền thoại. Nhưng chuyện vui nhất anh kể cho tôi nghe là hồi la cà các vũ trường ở Sài Gòn. Tối đó anh say khướt với mấy cô ca ve đẹp não nùng, dăm chai Martell lăn lóc trên bàn. Bỗng thấy mọi người đang cười nói đột nhiên im bặt! Nhìn lên, bà xã anh vừa xuất hiện, lạnh lùng ngồi xuống bàn cạnh anh. rồi móc một khẩu súng nhỏ trong ví, dằn cạch một cái trên bàn! Các cô vũ nữ mặt xanh như tàu lá, run rẩy, riu ríu nắm tay nhau bỏ chạy hết. để lại anh và bà vợ, nắm lấy cổ áo anh. Và ra lệnh cho mấy tên lính đi theo hộ vệ xách nách anh lôi ra xe!

    Anh phân trần với tôi: "Moa đâu có sợ vợ! Nhưng moa kính nể bà ấy lắm! Bà nói gì moa cũng nghe hết. Vì moa biết mình tật xấu nhiều quá mà!". Tuy chỉ có một điều. Bà xã anh cấm anh không được xoa mạt chược. Anh bỏ mấy năm. Rồi sau không nhịn được, anh lại xoa tiếp!

    Chúng tôi xoa đều đặn đã thành một thứ routine. Tôi, anh và hai người bạn vong niên khác, cứ hai tuần xoa một lần vào ngày chủ nhật. Xoa từ hai giờ chiều đến gần nửa đêm. Chỉ được ba hội vì vừa xoa vừa cười đùa, bàn luận mọi chuyện trên trời dưới biển. Chuyện thời sự, chuyện mới, chuyện ngày xưa, chuyện đời, chuyện người, hầm bà lằng mọi thứ chuyện! Buổi tối đi ăn tiệm, lúc bún bò Huế, lúc phở tái bê, lúc bún măng vịt, lúc cơm âm phủ, cháo hến, lúc canh chua, cá kho tộ, đủ thứ món ăn thay đổi khẩu vị. Rồi thêm chút bia, rượu để về đánh hoa, đánh khung cho thêm can đảm!

    Cuộc đời cứ thế mà trôi! Nhưng gần đây tôi thấy anh bắt đầu có chuyện! Mấy tháng trước anh kể đi nhảy đầm, đang quay valse bỗng tế xuống. Rồi hồi tỉnh, không phải đi nhà thương. Tôi không hỏi kỹ nhưng thấy anh nói đã đi khám về tim. Và gặp anh cứ mỗi hai tuần thấy vẫn như thường, không thấy than điều gì khác. Và vẫn tiếp tục hưởng đời, vui vẻ! Nhưng cái chết đã đến đột ngột, đúng như điều anh ước muốn. Là xin được "đi" nhanh chóng, không dầm dề chết dở sống dở, thở máy kéo dài vô nghĩa.

    Xin thắp nén hương để tưởng nhớ đến anh ngày hôm nay. Là ngày đáng lẽ chúng ta đang ngồi vui vẻ bên chiếc bàn vuông, xoa mạt chược với nhau và cười đùa nói chuyện đời, chuyện người như đã làm từ bao nhiêu năm nay.
    Last edited by frankie; 12-28-2014 at 03:02 PM.

  6. #26
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Mới đây có dịp được nghe trên YouTube bài nhạc Romance làm tôi nhớ lại cả một thời yêu thích nhạc Tây Ban Cầm cổ điển khi xưa. Năm đó lúc mới lên đại học, tôi bắt đầu thích tiếng đàn guitare classique và được người quen giới thiệu, tôi đi học chơi đàn này tại nhà riêng của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ông Tước dạy ở trường quốc gia âm nhạc, nhưng nhận dạy nhạc riêng tại nhà. Mỗi chiều thứ tư tôi đến nhà ông để học đàn, căn nhà nằm trong một ngõ hẻm, nhưng khá lớn và khang trang. Ông dạy đàn trong căn phòng nhỏ, vừa làm nơi đọc sách vừa để dạy nhạc.

    Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước lúc đó đã khá lớn tuổi, nhưng trông còn rất phong độ. Thời còn trẻ chắc phải là người đẹp trai! Không lạ gì bà Minh Trang lúc đó là ca sĩ nghe ông sáng tác bài "Đêm Tàn Bến Ngự" mê ông Tước ngay! Bài này là một tuyệt tác của ông, nhưng tôi vẫn thích bài "Bóng Chiều Xưa" và bài "Ngọc Lan" của ông hơn! Tôi ít gặp bà Minh Trang trong nhà, chỉ đôi lần khi đến học nhạc, có chương trình nhạc guitare cổ điển trên TV của Mỹ, bà gọi cả ông Tước và tôi ra để nghe, lúc đó tôi mới có dịp nói chuyện vài câu với bà. Cách đây mấy năm, trước khi bà qua đời, tôi gặp lại bà trong một buổi văn nghệ ra mắt sách tại Quận Cam, nhắc lại thời xưa, bà không còn nhớ rõ lắm, nhớ nhầm tôi ra người khác! Không lạ gì vì ông Tước bao nhiêu học trò!

    Ông Tước dạy nhạc rất khắt khe. Cuốn sách nhạc Carulli nhập môn của Tây Ban Cầm cổ điển, ông bắt tập đủ mọi bài! Tập hết cuốn này còn cuốc sách nhạc của Fernando Sor, ông dọa bắt học cho đủ, mới cho tập đánh mấy bài nhạc độc tấu! Học được hơn nửa năm chưa hết cuốn Carulli tôi đã chán ngấy mấy bài nhạc giáo khoa, nhưng nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vẫn bắt học mấy bài nhạc cổ này, nói để cho có căn bản. Trông vẻ ông đầy nghiêm nghị, khó khăn lúc dạy đàn, tôi không thể tưởng tượng được ông có thể là một nhạc sĩ tài hoa, đa tình, phóng lãng như nhạc của ông! Hơn nữa ông là dòng dõi của nhà thơ Dương Khuê khi xưa, cùng thời và là bạn của Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến. Nhà thơ Dương Khuê là người nổi tiếng trong văn học sử với bài thơ:

    "Hồng Hồng Tuyết Tuyết
    Mới ngày nào còn chửa biết chi chi
    Mười lăm năm thấm thoát có ra gì
    Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu.."

    Tôi nghỉ học đàn ông Tước chỉ vì bài nhạc Romance. Lần đầu tôi nghe người bạn chơi bài nhạc này, tôi mê ngay. Bạn tôi lại là dân chơi! Không cần gì đi học nhạc ở đâu cả, chỉ tự luyện lấy mà chơi nhạc guitare classique thật độc đáo. Bài Romance lại dễ chơi, không khó khăn như mấy bài giáo khoa ông Tước bắt tôi vặn vẹo cả tay, chơi đi chơi lại bao nhiêu lần vẫn không nhuyễn. Bài này không biết tác giả là ai, hình như được sáng tác từ thời thế kỷ 19. Thập niên 50's có cuốn phim "Les Jeux Interdits" có nhạc chủ đề là bài này do danh thủ Tây Ban Cầm Narciso Yepes chơi làm bài này nổi tiếng ai chơi đàn guitare cũng biết đến. Tôi tập chơi bài Romance là bài độc tấu đầu tiên. Và cảm thấy tại sao không tự tập lấy các bài độc tấu khác, cần gì tập tành cực khổ nhạc giáo khoa như nhạc sĩ Dương Thiệu Tước nhắn nhủ dạy bảo bấy lâu nay!

    Sau đó tôi đi theo anh bạn giang hồ, đến nhà một nhạc sĩ nổi tiếng về Tây Ban Cầm khác là Hoàng Bửu. Ông này đúng là loại nghệ sĩ bụi đời, không có phong cách mô phạm như nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, nhưng ông Bửu chơi đàn rất hay, nhất là loại flamenco. Ông còn có tài làm đàn. Nhà ông treo lủng lẳng nhiều cây đàn làm dở dang. Nhưng cây đàn nhạc sĩ Hoàng Bửu cưng nhất là cây đàn đánh verni mầu đỏ rượu chát, ông âu yếm gọi là Tiger! Nghe Hoàng Bửu ngồi lim dim chơi mấy bản nhạc tuyệt vời như Feste Lariane, Recuerdos, ngón đàn trémolo độc đáo của ông làm tôi say mê! Và tôi nằn nì để ông bán cho tôi cây đàn Tiger. Ông Bửu nhìn tôi một lúc rồi ưng thuận bán cho tôi ngay làm đám bạn đi theo đều sững sờ. Không ai tưởng tượng được là nhạc sĩ Hoàng Bửu có thể ưng thuận chia lìa với cây Tiger để bán cho tôi! Đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao! Nhưng chỉ biết là tôi sung sướng mang cây đàn Tiger mầu đỏ về và sống chết với cây đàn này cho đến ngày bỏ nước ra đi năm 75! Sau này bên Hoa Kỳ dù tốn bao nhiêu tiền để mua những cây đàn mắc nhất, tôi vẫn không thấy cây đàn guitare nào hay được bằng cây Tiger của nhạc sĩ Hoàng Bửu làm khi xưa!

    Những bản nhạc làm ta say mê có thể ví như những mối tình! Bài Romance đối với tôi chính là mối tình đầu, không bao giờ quên được. Vì đó là cả một thời xuân xanh, một thời của lãng mạn. Và một thời của tình yêu và tuổi trẻ, đã qua đi. Không còn nữa!

  7. #27
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Mới nhận được e mail của người bạn thân gửi cho bài viết về một kỷ niệm khi bạn tôi bị giam cầm trong trại giam Yên Báy. Làm việc tại bệnh viện tiểu khu Phước Long và bị bắt sau ngày Phước Long thất thủ đầu năm 1975. Rồi bị giải ra Bắc, giam giữ tại nhà tù Yên Báy. Những kỷ niệm của một đời người, tưởng chừng như đã được chôn vùi, để có thể tiếp tục sống, vẫn nằm đâu đó trong tiềm thức, để trở lại và mãi mãi ám ảnh.



    Niềm vui trong tù

    Phạm Hữu Phước


    Tháng sáu 76 tù được chuyển ra Bắc ồ ạt. Từ hai tháng trước bọn tù cũ ở Yên Bái chúng tôi đã được huy động toàn lực đi chặt nứa để làm những cái láng tạm.
    Một bệnh xá được thiết lập và bọn chúng tôi gồm nha sĩ Hạnh, dược sĩ Luân và tôi, bác sĩ, được điều về bệnh xá. Chúng tôi là những y nha dược sĩ ở bệnh viện tỉnh Phước Long, bị bắt làm tù binh ngay trên mặt trận khi Phước Long thất thủ và lọt vào tay Cộng Sản hồi đầu tháng giêng năm 75.
    Bệnh xá gồm 80 giường cho tù và 20 giường cho khung cán bộ. Chỉ huy trực tiếp là một ông thượng úy bác sĩ quân đội.
    Phải công nhận ở tù mà được điều về làm ở bệnh xá là có “qưới nhân phù hộ”. Chúng tôi không phải đi lao động nặng như vào rừng chặt cây, chặt nứa, hay đào hố , làm ruộng... Ăn uống thiếu thốn, người gầy rạc, suốt ngày chỉ mơ tưởng đến một mẫu khoai mì mà phải vắt sức làm lao động nặng thì thật không còn cái khổ nào bằng, nhất là ở Yên Bái mùa đông khí hậu miền ngược lạnh buốt thấu xương, chân chúng tôi nứt nẻ đau nhói trên từng bước đi. Còn một chuyện lạ nửa, khó tin nhưng có thật, là chúng tôi được ăn cơm không độn. Về bệnh xá chúng tôi ăn theo tiêu chuẩn bệnh nhân, có cơm ăn với nước canh rau nấu với muối. So với tù trong trại thì quả thật chúng tôi đang sống trong cảnh thiên đường hạ giới. Bửa ăn của tù gọi là “ cơm “ cho sang chớ thật ra chỉ toàn bắp vàng rực lẫn với vài hạt cơm làm dáng, có khi mấy tháng liền ăn toàn bo bo hay gạo mục chở từ trong Nam ra.
    Theo quy định của trại chúng tôi không được tiếp xúc với ai ngoài bệnh nhân, và suốt ngày chỉ được quanh quẩn đi lại trong vòng rào tre bệnh xá. Một hôm, nổi máu giang hồ tôi xung phong theo cán bộ ra thị xả Yên Bái mua thực phẩm tươi cho bệnh xá. Mấy hôm trước có thằng bạn từ trong trại lén ghé vào bệnh xá và cho tôi 2 đồng. Thằng này lém lắm, không biết nó “cải thiện “ ở đâu ra tiền, tôi cũng chẳng có thì giờ hỏi nó cho ra lẽ vì lở bị bắt gặp chuyện trò là lôi thôi to với quy định của trại. Có lần nó xúi dại :

    “ Mầy ăn cắp một viên tetracycline thôi. Tao chạy cho mầy một nải chuối “.

    Tôi vốn bản tính thích chuối, thích đến độ ở nhà vẫn gọi đùa tôi là “ông đạo chuối “. Hơn năm rưởi tôi chưa từng được cắn miếng chuối ngọt lịm nào vào miệng. Thèm lắm. Nhưng tôi cũng biết một viên tetracycline trong tù qúy biết chừng nào. Nói có Trời làm chứng, dù thèm chuối nhỏ dải, tôi chưa bao giờ ăn cắp một viên tetracycline để đổi một nải chuối. Có lần khi còn ở chung với anh em trong trại, thấy tôi đói quá, có anh bạn dúi vào tay tôi một mẩu khoai mì nướng :

    “ Tui biết anh đói lắm. Nhưng anh đừng đi cải thiện linh tinh. Bọn quản giáo bắt được chưởi rủa và giam nhà đá thì mất mặt lắm. Nhục lắm. Dù gì đi nửa anh cũng là trí thức, là bác sĩ. Bọn này kiếm được cái gì chút chút sẽ dúi cho anh “.

    Tôi cầm lấy miếng khoai mì mà nước mắt chảy ròng ròng, không kịp nói lời cảm ơn. Trong hoàn cảnh tận cùng mới thấm thía được tình người với nhau. Làm sao tôi có thể ăn cắp một viên tetracycline của những người bạn tù khốn khó để đổi một nải chuối cho riêng mình.
    Có 2 đồng rủng rỉnh trong túi tôi cũng muốn ra chợ mua vài trái chuối nhâm nhi cho đả cơn thèm. Tôi rủ thêm thằng dược sĩ Luân đi cho có bạn. Chúng tôi được giao cho một chiếc “ xe cải tiến “. Nói là xe cải tiến cho xôm tụ, thực ra đó chỉ là một chiếc xe bằng gổ xộc xệch với hai bánh xe cũng bằng gổ bao lớp vỏ cao su. Xe khá nặng, tôi kéo cái càng nặng trịch ở phía trước, thằng bạn đẩy phía sau. Trước khi “xuất quân “, anh cán bộ ra lệnh cho chúng tôi vào kho xuất 3 lon gạo, một nhúm muối, 2 cây cải bẹ xanh và một cái nồi mang theo, chuẩn bị cho buổi ăn trưa. Anh còn cẩn thận dặn dò :

    “ Ra chợ các anh đừng quan hệ linh tinh nhé! Nhớ nhé ! “

    Sắp vào tháng chạp, đã có lất phất những cơn mưa phùn nhè nhẹ. Trời khá lạnh. Đường trơn vì mưa, lại gập ghềnh vì những ổ gà. Hai đưá ì ạch vất vả, thở phỉ phò với tiếng bánh xe lăn ken két trên đường. Cực nhất là phải gắng sức kéo chiếc xe cải tiến chết tiệt, nặng chình chịch, qua những vũng bùn. Bùn đất tung toé đầy người dính lên cả mặt. Anh bộ đội tương đối còn trẻ, có vẻ ít sắt máu, lầm lủi cỡỉ xe đạp theo sau. Thỉnh thoảng anh lại nhắc

    “ Các anh khẩn trương lên. Ra chợ ta còn mua rau rồi mới về “.

    Gần đến trưa chúng tôi mới đến gần thị xả Yên Bái. Tính ra chúng tôi cực nhọc lắm mới xê dịch được khoảng 8 cây số trong vòng 4 giờ. Anh cán bộ ra dấu cho chúng tôi ngừng lại nghỉ dưởng sức và vào liên hệ với nhà một người dân trong xóm cho chúng tôi mượn tạm cái bếp cho bửa ăn trưa. Ăn xong chúng tôi được nghỉ độ 15 phút rồi mới đẩy xe vào chợ.
    Chợ Yên Bái là chợ tỉnh lỵ Nhưng trông cũng lơ thơ và sơ sài lắm. Phần lớn người ta bày bán rau cải, khoai lang, khoai mì, củi khô...Không có những cửa hàng bán đồ điện gia dụng, quần áo dày dép, nước ngọt ... vừa nhiều thứ vừa đa dạng như ở miền Nam. Chỉ có vài cửa hàng bách hoá, thấy người ta bu vào, nhưng tôi không biết họ bán gì bên trong. Bao lâu sống quanh quẩn trong tù với bạn bè, giờ được mở mắt nhìn người qua kẻ lại mình cũng thấy là lạ vui vui. Giá mà có thêm một bóng hồng nào thấp thoáng nhỉ. “ Ngụy “ dù có bị trù dập trong tù, tâm hồn có lúc cũng vẫn lãng đảng khói sương ! Anh cán bộ đi đây đó lựa rau, ngả giá như một bà nội trợ chính cống. Chúng tôi chỉ việc mang rau ra chất lên xe cải tiến. Đi ngang qua quầy bán chuối anh dừng lại, mua hai nải chuối chín cho mình. Anh bóc chuối ăn ngon lành tại chỗ. Thấy chúng tôi lớ ngớ sau lưng, không hiểu sao anh động lòng bẻ cho chúng tôi mỗi đứa 3 trái . Như bắt được vàng, chúng tôi ra tay ngay tại chỗ. Nhưng trực nhớ đến thằng nha sĩ Hạnh ở nhà, tôi nói với Luân :

    “ Tao với mầy chơi 2 quả thôi. Còn giành một quả cho thằng Hạnh. Chắc nó cũng thèm chuối lắm “.

    Thằng Luân bằng lòng ngay.
    Chúng tôi mua “ chất tươi “ cho bệnh xá thế là xong. Tôi được dịp nhìn ông đi qua bà đi lại cho đỡ quẩn mắt trong giây lát , và nhất là được xơi tái 2 quả chuối mong ước. Trên đường về, tôi thấy một tiệm sách đang mở cửa. Tôi nói với anh bộ đội :

    “ Xin phép cán bộ cho tôi ghé vào tiệm sách một chút. Tôi coi thử có cuốn sách gì mua được không ?” .

    Anh bộ đội nhìn tôi giây lát, nhưng thấy vẻ mặt tôi rất thành thật, vả lại anh cũng biết tôi là bác sĩ chăm sóc cho tù ở bệnh xá nên anh gật đầu ưng thuận, nhưng cũng không quên nhắn thêm :

    “ Khẩn trương nhé ! “.

    Nói là “ Hiệu sách nhân dân “ nhưng thật ra chỉ là một quầy hàng nhỏ, bên trong có một tủ kính thấp bày bán mấy cuốn tập học trò, mấy cây viết chì, mấy cái tẩy, vài thứ lặt vặt. Trên tường có hai dãy kệ bày những quyển sách ố vàng, bám đầy bụi bặm. Nhưng đặc biệt tường treo la liệt nhiều cờ đỏ sao vàng và hình Hồ Chí Minh. Tôi lúc nào cũng đam mê sách. Hiệu sách gợi lại trong tôi ký ức của những nhà sách, những sạp sách hàng hàng lớp lớp ở đường Lê Lợi ngày xưa. Tôi tính nhẩm trong đầu, mình có 2 đồng bạc, mua nải chuối chỉ ăn được trong chốc lát, nhưng nếu mua được quyển sách thì đọc lâu hơn. Tù thì cái gì cũng thiếu thốn, trừ thời giờ.
    Tôi đảo mắt nhìn hai kệ sách. Toàn những sách chính trị chán ngấy mà trại cho tù mượn đọc như Đời bác Hồ, Lenin toàn tập, chiến thắng Điện Biên Phủ...Có vài quyển tiểu thuyết nhưng tôi chưa hề nghe tên tác giả bao giờ. Nhưng mắt tôi bổng sáng lên, tôi thấy có cuốn Văn phạm tiếng Pháp của Phạm tất Đắc. Tôi biết ông này vì ngày xưa anh tôi mua nguyên một bộ học tiếng Pháp bìa cứng do ông soạn trước kia ở Hà Nội, rồi được tái bản ở Sài Gòn. Tôi chỉ lên kệ nói :

    - Chị cho tôi xem quyển kia kìa.

    - Phải quyển này không ?

    - Không quyển kế đó.

    Tôi thấy chị kinh ngạc ra mặt. Một thằng mặt mày phờ phạc, ốm đói, bùn đất đầy người lại chỉ vào quyển Văn phạm tiếng Pháp đòi xem.

    - Úi giời. Quyển này để đấy dễ chừng hơn cả năm có ai nhìn tới đâu.

    Tôi coi lại giá quyển sách, may quá chỉ có 1 đồng rưởi.
    Tôi đưa tiền cho chị. Chị còn nói thêm :

    - Anh này rõ dở hơi. Để tiền ăn có phải sướng không. Mua gì cái của nợ.

    Chị không biết chứ chộp được quyển sách này tôi như mở cờ trong bụng. Ít nhất trong những ngày tù của tôi cũng có những giây phút giải trí đích thực , hơn là đọc mấy cuốn sách chính trị thổ tả.
    Chiều hôm ấy khi về đến bệnh xá, chúng tôi liệng mấy trái chuối cho thằng Hạnh. Nó mừng ra rít.
    Quả nhiên quyển sách Văn phạm Tiếng Pháp đã là nguồn vui cho tôi và cho cả một vài người bạn. Chúng tôi chuyền tay nhau đọc, cho đến một ngày chúng tôi được lệnh chuyển trại và nó bị tịch thu. Không hiểu sao họ lại đụng vào “ của tư hữu “ của tôi làm gì. Sách không phải thuộc loại tuyên truyền phản động, được in và bán ở "Hiệu sách nhân dân" đàng hoàng kia mà.

    PS :
    1. - Sau khi được thả ra vào năm 1977, mấy tháng sau Dược sĩ Vũ Văn Luân bị viêm tai giữa vớí biến chứng nhiễm trùng não rồi mất tại Sài Gòn. Để lại vợ vừa mới cưới.


    Phạm Hữu Phước
    Last edited by frankie; 02-23-2015 at 09:39 AM.

  8. #28
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Củ khoai Yên Báy




    Nguyễn Đình Phùng - Phạm Hữu Phước






    Phước nhìn tôi mỉm cười:


    - Cậu đói lắm hay sao mà thúc làm cơm dữ vậy?


    Tôi vừa ra phi trường đón Phước về. Chúng tôi không gặp nhau đã hơn ba mươi mấy năm. Tôi chỉ nghe nói Phước vượt biên nhiều lần nhưng không thoát, bị giam cầm nhiều năm. Cứ mỗi lần được thả ra, Phước lại tìm đường trốn, đến lần thứ bảy hay thứ tám gì đó, Phước mới sang được Úc, định cư tại đây và trở lại được hành nghề bác sĩ tại Melbourne. Tôi không tưởng tượng được có ngày nghe lại giọng nói của Phước qua đầu dây điện thoại, hẹn sẽ sang chơi và đến thăm nhà. Tiếng cuời vẫn vui, tiếng nói vẫn sang sảng, như ngày nào chúng tôi cùng ở chung nhà, học thi để lên lớp cuối năm, đã ba mươi mấy năm trước.


    Phước nhấp ngụm nước:


    - Trong khi đợi làm cơm, để tôi kể cho cậu nghe chuyện tôi ở tù sau ngày Phước Long thất thủ. Ừ! Nghe cậu kêu đói, tôi sẽ tả cho cậu biết cái đói thực sự nó ra thế nào.


    Phước có tài kể chuyện. Tôi nhớ đến những ngày xưa cũ, khi ở chung, Phước kể chuyện rất có duyên. Những câu chuyện được xếp đặt thứ tự, mạch lạc đầu đuôi, có mở đầu, dẫn nhập, rồi vào chuyện, chi tiết lớp lang như theo một dàn bài. Tôi nhìn Phước, hít một hơi dài, mắt lim dim như muốn tìm đầy đủ những kỷ niệm, những cảm xúc của năm xưa. Phước như người cẩn thận, ngăn nắp tôi từng biết, không muốn mất đi một ký ức nào đã ghim sâu vào tâm khảm, như người hằng ba mươi mấy năm nay đã chờ đợi để ngày hôm nay gặp lại, kể cho tôi nghe những câu chuyện của đời mình đã trải qua.


    Phước cất tiếng:

    - Cậu biết không? Cuộc đời có những ngã rẽ không thể ngờ được. Ai cũng có định mệnh của mình. Không thể nào tránh khỏi được. Nhiều đêm sau này trong tù tôi vẫn nghĩ đến điều đó. Là nếu tôi không nhất định giữ đúng ngày phép hạn định của mình, ở lại Sài Gòn, không trở lại Phước Long, tôi đâu có bị những hoạn nạn kinh khủng đến như vậy. Cậu còn nhớ hồi ra trường, cậu đi Tây Ninh còn tôi đi bệnh viện Phước Long. Tôi được đi phép một tuần về Sài Gòn trước ngày Việt Cộng đánh Phước Long. Vợ tôi khóc quá mức khi thấy tôi nhất định giữ đúng ngày phép, ra trình diện lại ở Cục Quân Y. Bố vợ tôi cũng ngăn, nói tình hình nguy kịch quá rồi, ở nhà luôn đi, đừng lên Phước Long nữa.


    Phước thở dài:


    - Cậu biết, tính mình hồi đó còn tuổi trẻ, bồng bột, đâu biết tính toán gì. Tôi không thích làm điều gì sai quấy, hạn phép nghỉ chỉ một tuần, hết hạn là mình ra trình diện, không muốn trốn ở lại.


    Tôi đến Cục Quân Y lúc đó là buổi chiều. Chiếc trực thăng đậu trong bãi đáp đang sửa soạn để cất cánh bay
    chuyến chót, bổ xung người cho bệnh viện tiểu khu Phước Long. Toán sĩ quan trợ y, y tá đã ngồi đầy không còn một chỗ trống trên đó. Trung tá y sĩ Liễn đích thân đưa tôi ra và hạ lệnh cho trực thăng khoan cất cánh. Ông chỉ tay vào người sĩ quan trợ y ngồi sát bìa:


    - Em đi xuống để chỗ cho bác sĩ Phước lên.


    Người thiếu úy trợ y khuôn mặt trẻ măng chắc mới ra trường vội vàng đi xuống, không dấu được vẻ mừng rỡ. Tôi sửa soạn để trèo lên trực thăng và ánh mắt chúng tôi chạm nhau. Tôi nhìn được sự sung sướng của người trợ y, như một kẻ sắp bước chân vào địa ngục được trở lại trần thế. Ai cũng biết Phước Long sắp mất trong nay mai và bị gọi để đi lên Phước Long được coi như lãnh án tử hình. Vận mệnh của chúng tôi đã trao đổi cho nhau trong giây phút đó, trong luồng ánh mắt gặp nhau buổi chiều hôm đó!
    Tôi không hiểu người thiếu úy trợ y được thoát chuyến bay cuối cùng đi lên bệnh viện tiểu khu sau này ra sao? Anh có thoát được những hiểm nghèo khác không trong những ngày sau chót của cuộc chiến? Anh đã chết trong một trận đánh nào khác? Hay anh đã bình yên và an lành sống một cuộc đời hiền hòa ở Hoa Kỳ, ở Úc hay một chỗ nào đó trên khắp quả địa cầu? Nhưng tôi biết, tôi đã lấy chỗ của anh để bước chân vào địa ngục. Vì vận mệnh của tôi đã sắp đặt để sự việc xảy ra như thế, để tôi phải bị đọa đầy trong mấy năm trời đằng đẵng, dài như cả một đời người!


    Phước ngồi thừ một lúc, không nói gì. Một lúc sau Phước bật cười:


    - Ừ! Cậu biết không? Tôi lâu lâu vẫn nghĩ có ngày nào mình đi đâu đó, rồi gặp lại anh chàng trợ y mình đã hoán đổi định mệnh ba mươi mấy năm trước. Mình muốn biết anh chàng sau này ra sao? Cuộc đời hắn thế nào? Cũng hay đấy chứ nhỉ?


    Phước lắc lắc đầu mấy cái, như muốn đánh đuổi ý nghĩ đó ra khỏi đầu:


    - Để tôi kể tiếp cho cậu nghe. Cậu còn nhớ Trần Kim Phẫn không? Nó ra trường về cùng bệnh viện tiểu khu với tôi. Chắc cậu không biết điều này vì nó dấu kín với tất cả mọi người. Chỉ tôi ở với nó trên Phước Long mới được biết. Cậu không thể ngờ được là nhà nó nghèo đến thế nào. Ba nó đạp xích lô nuôi nó ăn học. Phẫn
    vào được trường y khoa, nó học rất giỏi vì chỉ ở trong nhà thương không bao giờ về nhà. Lý do là nhà nó kinh khủng quá, ở trong nhà thương ăn ở đầy đủ, lại có cơ hội thực hành nhiều, nên nó không về nhà nữa. Tôi đã nghĩ chỉ mình mới gặp nhiều hoạn nạn, nhưng Phẫn, định mệnh của nó còn thê thảm hơn nhiều. Cậu còn nhớ tuy nó là người bạn tốt, nhưng lại có biệt danh kỳ quái là Phano vì lúc nào cũng dễ phẫn nộ. Nhưng trong sự giận dữ của Phẫn tôi thấy một niềm đau đớn nào đó. Có lẽ Phẫn đã linh cảm được cái chết sắp đến của mình.
    Chiều hôm đó, chiếc trực thăng vừa đáp xuống bệnh viện tiểu khu, tôi đã thấy Phẫn vội chạy ra. Thấy tôi bước xuống, Phẫn nhào lại nắm lấy vai tôi lắc mạnh:

    -Trời ơi! Mày sao ngu quá vậy Phước! Tao đã mừng tưởng mày được đi phép là thoát rồi. Sao không ở lại luôn lên làm gì?


    Phẫn la hét chửi tôi, cơn tức giận không dấu được như bừng bừng bốc lửa. Phẫn đánh mạnh vào tay tôi làm tôi đau điếng. Phẫn như người cuồng điên, sự phẫn nộ tràn ra ào ạt. Nhưng trong ánh mắt giận dữ của Phẫn, tôi thấy được những lo âu, sợ hãi. Những xúc cảm mãnh liệt của Phẫn không dấu được sự kinh hoàng
    của người biết trước được định mệnh của mình, nhưng hầu như còn được chút an ủi là người bạn thân đồng khóa đã may mắn được về phép trước khi Việt Cộng tấn công Phước Long, tưởng là thoát khỏi hiểm nghèo. Nay thấy tôi đột nhiên xuất hiện trên chuyến trực thăng chót đưa người lên bệnh viện tiểu khu, đưa đầu vào chỗ chết, bảo sao Phẫn không nổi điên lên được!


    Phước không nói nữa. Một lúc sau, Phước nghẹn ngào, nói ngắn gọn:


    - Đêm đó, Việt Cộng tấn công, Phẫn chết ngay trong đợt pháo kích đầu tiên.


    Phước nhìn tôi, lắc đầu:


    - Tôi định kể cho cậu câu chuyện về đói cơ mà!

    Những chuyện khác trong trận đánh Phước Long, tôi sẽ lần lượt kể sau cho cậu nghe, nhưng trong đêm Phẫn chết đó, tôi cũng bị thương nặng ở đùi. Và trở thành tù binh, cùng với bao nhiêu người lính khác bị Việt Cộng bắt sau trận đánh. Chúng tôi bị giam, bị bỏ đói, tôi không biết bao nhiêu ngày nữa. Vết thương đùi của tôi làm độc, tôi không còn hơi sức, nằm một chỗ, nhức nhối đau đớn đến cùng cực.


    Đàn ruồi bay vo ve theo tôi hàng mấy ngày rồi vì mùi thịt thối xông lên nồng nặc. Những người tù binh khác đều dạt ra xa vì không muốn phải ngửi mùi kinh khủng này. Chính tôi lúc nào cũng buồn nôn muốn ói vì cái mùi ghê tởm ngày đêm bao phủ lấy mình. Tôi không đi được, phải dùng hai cùi chỏ để lết. Nhưng sau cùng lết cũng không được vì mấy ngày không ăn đã kiệt lực không còn hơi sức. Tôi chỉ còn cách nằm yên, nhắm mắt lại, cố gắng để quên cái đau và cơn đói đang hành hạ. Bỗng dưng một mùi thơm lạ lùng thoảng vào mũi tôi. Chừng như mùi hôi thối từ vết thương đùi cũng không đánh át được mùi thơm này. Tôi mở mắt ra và thấy một anh lính địa phương quân tù binh đang được người mẹ cho ăn cháo. Bà mẹ nấu ít cháo đem đến cho con ăn. Tôi không hiểu sao bà được Việt Cộng cho phép vào và đến thăm đứa con.


    Nhưng tôi không muốn tìm hiểu gì thêm. Vì cơn đói như được mùi cháo thơm làm bùng dậy mạnh mẽ. Cái đói cồn cào, thôi thúc, còn hơn cả cơn đau vết thương đang hành hạ. Tôi không thể nhịn được và như trong cơn mơ, tôi thấy tôi lết lại dần chỗ có mùi thơm kỳ diệu kia. Mắt tôi không thể rời ra khỏi tô cháo anh lính đang đưa vào miệng húp. Cơn đói càng lúc càng tăng lên làm tôi run bần bật. Mắt tôi hoa lên, mồ hôi ra ướt đẫm trán nhưng tôi cố gắng để chặn mình không mở miệng ra xin ăn cháo. Cả đời tôi chưa bao giờ bị đói. Và tôi chưa hề một lần mở miệng xin xỏ ai, dù là bất cứ điều gì. Tôi nghĩ đến bố mẹ tôi, đến tổ tiên dòng họ, ngay thẳng chân chính, không hề quỵ luỵ ai, lúc nào cũng giữ lưng cho thẳng, có bao giờ mở miệng van xin dù có chết đi chăng nữa. Và tôi đang nằm đây, mắt không chớp nhìn vào tô cháo, đánh nhau với chính mình, cố gắng bậm môi đến gần bật máu để không mở miệng xin ăn cháo. Nhưng cái đói không để yên, sự hành hạ đã quá mức, tôi không thể chịu nổi nữa.


    Tôi nghe tiếng mình nói, thều thào như từ chỗ xa xôi nào vọng lại:


    "Cho... xin... chút... cháo!"


    Anh lính địa phương quân tù binh không quay đầu lại, tiếp tục húp cháo. Nhưng bà mẹ quay sang tôi, hung dữ:


    - Cháo này tôi cho con tôi, thừa đâu cho anh!


    Bà bĩu môi, hất tay như muốn xua tôi đi chỗ khác. Tôi thấy quay cuồng, cơn đói, cơn đau vết thương và nỗi nhục nhã uất ức như cùng nhau hợp vào, ùa đến như làn sóng thần phủ chụp. Nước mắt tôi chảy ra dàn dụa. Anh lính lúc đó mới quay đầu lại, chừng như bất nhẫn, nhìn bà mẹ một hồi rồi ngập ngừng đưa tôi tô cháo đang húp dở. Tôi giơ tay cầm tô cháo. Mùi thơm ùa vào mũi và như một phản xạ không kiềm chế được, tôi há miệng để dòng cháo chảy vào.


    Nhưng nước mắt tôi càng lúc càng chảy ra nhiều hơn. Cái đau tinh thần đã thay thế cho tất cả những nỗi đau thân thể và cơn đói hành hạ. Tôi thấy tôi. Một bác sĩ vừa ra trường, cả đời chỉ lo học hành, đi tìm cái hay, cái đẹp của cuộc đời, muốn giúp người, cứu người. Và chỉ trong mấy tháng vừa qua sau khi ra trường làm việc tại bệnh viện tiểu khu này, tôi đã cứu được nhiều thương bệnh binh và cũng được nhiều người kính phục. Tại sao tôi lại ở đây, khổ sở, đau đớn, điên cuồng vì đói để bị sỉ nhục, khinh khi chỉ vì cái đói kinh khủng đã làm tôi phải mở miệng để xin ăn cháo!


    Dòng cháo thơm tho, nuôi sống, đã vào miệng rồi nhưng cơn nghẹn ngào và nước mắt tuôn rơi làm tôi không thể nuốt nổi. Cổ họng tôi như thắt lại và dù cơn đói thôi thúc, tôi nhả ra và trao lại tô cháo cho anh lính. Tôi cố gắng dùng tàn hơi để bắt mình lết dần sang một chỗ khác, để không thấy, không nghe tiếng húp cháo nữa, dù mùi cháo thơm tiếp tục bay đến hành hạ như không bao giờ ngơi nghỉ.




    * * *




    Phước nhìn tôi. Phước hỏi nhưng mắt mơ màng như vẫn còn đang sống trong kỷ niệm của ba mươi mấy năm về trước:


    - Cậu nghe đã sợ cái đói thực sự như thế nào chưa? Nhưng khoan! Trước khi vào ăn cơm, để tôi kể nốt cho cậu nghe câu chuyện đói khác. Chuyện này có hậu hơn. Tôi biết cậu thích chuyện gì cũng phải có hậu mà phải không?

    Tôi sẽ kể thêm những chuyện trong trại tù binh ở miền Nam cho cậu nghe sau. Nhưng để tôi nhảy sang chỗ tôi bị chuyển ra Bắc, bị đưa ra trại Yên Báy, chỗ giam cầm bao nhiêu người bên mình bị bắt từ bao nhiêu năm, những biệt kích, phi công bị bắt, đều bị giam ở đây. Sau trận Phước Long, tôi cùng nhiều sĩ quan khác bị đưa ra Bắc, đoàn xe của chúng tôi chạy suốt quãng đưòng dài, dân chúng miền Bắc như được lệnh, thấy mặt chúng tôi là sỉ vả, nguyền rủa. Tôi có nhiều chuyện lắm cho cuộc hành trình này, tôi sẽ lần lượt kể cho cậu nghe sau. Nhưng để tôi kể chuyện này khi gần đến Yên Báy. Lúc đó trời đã về chiều, đoàn xe dừng lại. Những tên bộ đội đi xuống kiếm chỗ đi tiểu hay ăn uống. Chỗ này đã gần đến Yên Báy và đã có ít căn nhà thưa thớt của dân dọc hai bên đường. Một người đàn bà dáng đã già tiến lại hỏi mấy tên bộ đội về đoàn xe. Được nghe giải thích đây là những tù binh từ miền Nam bị bắt đưa ra trại giam Yên Báy, bà ta tiến lại chỗ chúng tôi. Bà hoa chân múa tay bắt đầu chửi:

    - Tiên sư bố chúng mày! Cho chúng mày chết hết đi! Đáng đời chúng mày!


    Bà càng chửi càng hăng hơn. Bộ đội thích thú cười. Chúng tản mát ra kiếm chỗ để lấy đồ ngồi ăn và uống nước. Một lúc không thấy tên bộ đội nào lảng vảng gần đó nữa, bà cụ già tiến lại gần hơn chiếc xe tôi đang nằm trên cáng. Mặt bà dịu lại, vẻ dữ tợn biến đâu mất. Trên khuôn mặt nhăn nheo, sạm nắng và cặp mắt trũng sâu, chỉ còn lòng trắc ẩn. Bà lại gần tôi, nhìn vào vết thương đùi không lành đã mấy tháng nay, lúc nào cũng đầy mủ và bắt đầu có dòi.
    Bà nói nho nhỏ:


    - Tội nghiệp con! Làm sao để ra nông nỗi này. Chúng nó khốn nạn quá!


    Rồi bà rút trong ngực áo ra một củ khoai, dúi vào tay tôi:


    - Con ăn đi cho đỡ đói!


    Bà vừa nói vừa láo liên nhìn về phía bọn bộ đội. Thấy một tên đi xăm xăm lại, bà quay người đi ngay. Tôi ngẩn người nhìn theo bà lão. Dù đang đói lả, cơn đói như cào xé lấy ruột gan, tôi không ăn ngay được. Cho đến khi bóng bà lão khuất sau hàng dậu thưa của căn nhà bên đường và tên bộ đội trở lại chỗ ngồi cũ, tôi mới ngoạm vào củ khoai còn nóng. Miếng khoai ngọt ngào trôi vào trong cổ họng, thơm ngon và ấm áp.
    Nuớc mắt tôi ứa ra, nhớ lại bát cháo ngày nào ở Phước Long. Miếng cháo cũng thơm ngọt, nhưng dù có sắp chết tôi không thể nào nuốt trôi. Còn miếng khoai này, đầy ắp tình người, đã nuôi sống tôi buổi chiều hôm đó, cũng như giúp tôi trải qua những đọa đày cùng cực của ba năm giam cầm ở trại giam Yên Báy.

    Vì cậu thấy không? Trong chốn địa ngục của trần gian đó, chỉ còn hy vọng là điều ngăn cách giữa cái sống và cái chết, giữa lương tri và ác độc, giữa chịu đựng và buông xuôi. Và tình người của bà lão Yên Báy đã giúp cho tôi còn chút hy vọng, khi đã tuyệt vọng không cùng, khi chỉ còn muốn nhắm mắt để vĩnh viễn ra đi.
    Củ khoai của bà đã nuôi sống tôi đến tận bây giờ đó cậu ạ!




    Nguyễn Đình Phùng - Phạm Hữu Phước

  9. #29
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Mấy hôm nay xem một lô ảnh mới chụp. Nhìn mãi mới nhận ra chính mình! Sao trông chán thế này nhỉ? Sao có thể xấu đến thế? Sao già đến như vậy?Ngày xưa trông cũng được. Mà giờ tệ đến vậy cơ à! Vì sao và vì sao?!!! Nhưng nghĩ lại, đây là chuyện thường tình, có gì lạ đâu! Khi đã over the hill, đây là chuyện đương nhiên sẽ phải đến. Như mặt trời mọc rồi lặn. Như trăng tròn rồi trăng khuyết. Như ngày qua đêm đến. Có nghĩa là những định luật của mọi sự, trong đó có đời người.

    Vả lại, bây giờ nhìn ảnh mình thấy kinh khủng quá. Nhưng 10 năm nữa, nhìn lại có lẽ sẽ tấm tắc tự khen. Hồi đó trông mình cũng còn bảnh đấy chứ nhỉ! Dĩ nhiên 10 năm sau này, ngồi xe lăn, miệng thều thào, tay chân cắm đầy dây nhợ, cổ có ống thọc vào nối với máy thở, xem hình 10 năm trước dĩ nhiên phải thấy đẹp rồi! Nhớ lại những tấm hình của bằng lái xe bao nhiêu năm trước có ai hài lòng với hình mình trong bằng lái đâu. Đàn ông ra đứng đợi mấy tiếng đồng hồ, ai cũng mặt mày quạu quọ, chụp hình trông đầy vẻ criminal. Có lẽ đây là cố tình của văn phòng DMV, nhắn nhủ rằng: "Anh tưởng anh ngon hả? Các anh chỉ là những người sắp sửa phạm tội! Có ngày tù mọt gông!". Đàn bà chụp hình trong bằng lái ai cũng xấu hẳn đi. Vì mấy con mụ làm ở DMV, lương ít xịt lại phải làm quần quật cả ngày, lúc nào cũng giận đời đen bạc. chồng nghiện ngập, con hư hỏng, nợ ngập đầu, phải đổ cái tức của mình cho người đi chụp hình lấy bằng lái xe mới hả dạ. "Đã đẹp, sexy, trang điểm lộng lẫy, còn mặc đồ diện đến đây để chọc tức bà hả? Bà chụp cho xấu hoắc cho mà biết thân!".

    Người nào đến văn phòng DMV lấy bằng lái xe cũng lắc đầu ngán ngẩm. Sao thấy mình cũng được mà hình bằng lái tệ đến như vậy được! Nhưng khoan! Nhớ lại đi! Sáu năm trước, có phải cũng đã nhìn hình bằng lái rồi lắc đầu quầy quậy không? Bây giờ nhìn lại hình cũ thấy hồi đó cũng được đấy chứ nhỉ! Hình của bằng lái xưa hơn, 12 năm trước, sao hồi đó mình ngon lành như vậy ta! Hay mấy bà: "Cũng sắc nước hương trời hồi đó chứ dỡn à!". Người đã over the hill, sắp ba bốn cái bằng lái xe cũ để cạnh nhau, mới thấy được sự đổi thay của đời người. Rồi ngán ngẩm! Nhưng không sao, đã bảo 10 năm nữa ngồi xe lăn sẽ thấy khác hết chứ sao đâu!

    Mấy hôm trước mới xem show trên TV tên là "Forever". Nhân vật chính là một bác sĩ giải phẫu tử thi cho cảnh sát, medical examiner, là người bất tử immortal, lúc nào cũng trẻ ở cỡ tuổi 30's, sống với anh con bây giờ là ông già lụ khụ sắp chết! Tuổi 30 là tuổi đẹp nhất của đàn ông, nên bất tử nhưng ở cỡ tuổi này mới đáng sống. Chứ già trên 100, rồi ì ra không chịu chết có lẽ là cực hình, chết cho rồi! Nhưng immortal, không chết được, có là điều thích thú không? Vì bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu khổ đau chồng chất từ bao nhiêu kiếp người, không được giải thoát, đè nặng lên một đời sống bất tử, làm sao chịu cho thấu!

    Và có phải biết được niềm vui đang có rồi sẽ tàn. Cái hay, cái đẹp đang tận hưởng, chỉ là phù du. Ý thức được điều đó có phải mới đem lại được niềm vui và hạnh phúc thực sự không? Vậy hình đẹp hình xấu đã có sao đâu? Đời người dài ngắn, rồi cũng thế thôi! Thắc mắc mà làm chi, hỡi anh bạn over the hill của tôi ơi!
    Last edited by frankie; 03-03-2015 at 01:44 PM.

  10. #30
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Được tin một người bạn bị ung thư, bác sĩ đã chê, cho về nhà nằm hospice chờ chết, tôi vội bay sang tiểu bang bạn tôi đang ở để thăm lần cuối. Đến nhà vào thăm, vợ người bạn đưa ra vườn sau, thấy anh bạn quý đang ngồi một mình uống trà, nhâm nhi từng ngụm ngắm trời, mây, nước, nhà bạn ở sát bờ sông khung cảnh thật hữu tình! Không có vẻ gì một người sắp đi về chỗ ô hô ai tai, chỉ thấy một anh đang vui vẻ an nhàn hưởng đời, không chút sầu bi!

    Hỏi thăm, anh bạn cười: "Tao chẳng sao cả! Sắp chết thôi! Cũng là chuyện thường tình! Chuyện nhỏ thôi mà!". Bạn tôi vẫn có tính từ thuở xưa. Không coi chuyện gì là quan trọng, cái gì cũng gọi là chuyện nhỏ. Hỏi hắn, thế chuyện lớn là gì? Hắn ngẫm nghĩ một lúc. Rồi lắc đầu: "Chẳng có chuyện gì là lớn trên cõi đời này cả!". Biết tính bạn nên tôi cũng cười theo: "Ừ! Chuyện nhỏ! Thế bác sĩ nói mày còn mấy tháng?". Hắn trả lời: "Ba tháng là cùng! Nhằm nhò gì! Cũng được 2 tháng rồi. Còn những 30 ngày nữa cơ mà! Ngồi xuống đây, uống chút trà với tao. Rồi nói chuyện đời chuyện người cho vui".

    Trông mặt hắn hơi khác lạ, tôi hỏi: "Mày có uống thuốc gì không? Trông mày hơi là lạ làm sao ấy!". Hắn cười:"Tao đang phê! Uống thuốc giảm đau loại ma tuý. Nên người lâng lâng dễ chịu lắm mày ơi! Đã thật! Mấy anh bác sĩ bảo tao uống nhiều sẽ ghiền! Tao chửi toáng lên: Xin lỗi mấy anh! Mấy anh nói tôi còn ba tháng nữa là tịch! Còn sợ tôi ghiền là nỗi gì! Cầu cho thuốc hiệu nghiệm để tôi không đau, lại sợ phản ứng phụ là làm sao? Mấy anh sợ DEA điều tra rồi bắt tôi phải chịu đau à! Tôi report mấy anh lên State Board bây giờ! Chúng nó nghe moa dọa, sợ quá nên cấp cho moa thuốc giảm đau ma túy hạng nặng, muốn bao nhiêu cũng có! Không làm cho chúng sợ là không xong mày ơi!".

    Bạn tôi là luật sư! Nên hay dọa chuyện kiện cáo! Bác sĩ sợ cũng phải! Nhưng không hiểu thấy bạn tôi vui vẻ cười nói là do thuốc hay do bản tính cố hữu của hắn. Có lẽ cả hai. Ngồi một lúc, thấy vợ mang bình trà mới ra thay, tên bạn đợi vợ vào trong, nháy mắt bảo: " Mày thấy vợ tao đẹp không? Lại sắp có một triệu tiền bảo hiểm nhân mạng của tao! Tao chết đi, khối đứa sẽ lăm le nhảy vào! Nhưng tao tính toán planning xong xuôi cả rồi!". Bạn tôi vốn là người mưu mô , việc gì cũng sắp xếp, sửa soạn, lập chương trình đâu ra đó, không bao giờ để cho việc bất ngờ xảy ra! Chỉ mỗi chuyện bị ung thư là không plan được!

    Hắn cười: "Mày còn nhớ thằng Đạt móm không? Nó cũng ở trong nhóm bạn mình chơi thuở xưa. Nó mê vợ tao như điếu đổ. Vợ tao cũng có cảm tình với nó! Cho đến khi tao nhảy vào! Tội nghiệp Đạt móm! Tao hạ nó đo ván. Nói đúng hơn, nó tự lượng sức mình, thấy thua tao quá nên tự động rút lui! Nhưng nó dễ thương quá mức đi. Không một chút giận hờn, thù ghét gì tao. Nó ôm mối thất tình với vợ tao nhưng không lộ ra ngoài, chỉ tao biết, vợ tao cũng tưởng nó nguôi ngoai rồi! Ngày đám cưới tao còn để nó làm phù rể. Trông nó say đắm nhìn vợ tao lúc đó tao cũng thấy mủi lòng thương! Nó sang bên này lấy vợ, làm ăn cũng thành công lắm. Con cái đều khá, thành tài cả. Rồi hai năm trước, vợ nó bị bệnh chết..."

    Tên bạn nhấp ngụm trà. Hắn chép miệng: "Mọi sự có số cả! Ngày vợ thằng Đạt chết cũng là ngày tao khám phá ra bị ung thư. Tao tưởng với đám bác sĩ giỏi như ở đây, tao có thể đánh bại được ung thư, khoẻ lại như thường. Nhưng sồ trời đã định!". Hắn nói tiếp: "Tao có linh tính trước. Nên đưa đám vợ nó xong, tao nói với nó: "Toa để tang vợ xong, đừng nghĩ đến chuyện lấy ai khác. Nhất là đừng có về Việt Nam rước một em nào sang đây nhé! Toa cũng già rồi! Lấy một em trẻ ở Việt Nam sang, chỉ ba bảy 21 ngày, nó sẽ cắm sừng lên đầu toa tua tủa. Rồi nó có thẻ xanh, sẽ lấy hết tiền của toa đi với thằng khác ngay. Chớ có dại!"

    "Tao biết nó vẫn còn mê vợ tao như xưa. Nên tuy thoáng có ý nghĩ trong óc tao gạt đi ngay, nghĩ là mình sẽ qua khỏi bệnh. Nhưng giờ đây, sự thật phũ phàng là tao chỉ còn một hai tháng, nên tao plan cho vợ tao và Đạt móm xong cả rồi! Coi như chuyện hậu sự cho vợ tao sau khi tao chết! Cũng là theo chuyện của vợ một anh bác sĩ ở vùng này. Anh ta chết mấy năm trước vì bệnh tim. Bà vợ sau mấy năm vẫn còn xuân tình phơi phới, muốn đi bước nữa nhưng không tìm ra ai thích hợp. Rồi chị ta có người bạn gái thân thiết hồi đi học, lấy chồng cũng là bác sĩ ở một nơi khác. Bà này bị ung thư vú cũng sắp chết, bắt chồng hứa là khi mình chết phải cưới người bạn của mình về! Bây giờ mọi sự êm đẹp cả. Hai người góa sống với nhau cũng hạnh phúc lắm. Tao biết chuyện này nên cũng bắt chước theo thôi!

    "Tao nói vợ tao. Chỉ để tang tao 3 tháng thôi! Thế là quá đủ rồi! Tao đã book sẵn vé máy bay cho vợ tao và Đạt móm đi du lịch một tour 3 tháng khắp thế giới, những chỗ nào tao chưa đưa vợ tao đi. Rồi về lại đây làm đám cưới hẳn hòi. Tao cũng soạn sẵn prenuptial agreement, người nào tài sản riêng người đó. Con cái tao cũng dạy bảo hết. Không đứa nào được lộn xộn. Đứa nào cũng vợ chồng con cái cả rồi. Để yên cho mẹ chúng mày sống! Rồi vợ tao sang chỗ thằng Đạt ở. Hay nó về ở nhà đây, sao cũng được, tùy hai người! Mày thấy tao tính có hay không?"

    Tôi nhìn anh bạn thương cảm. Miệng cười nhưng hai hàng nước mắt như mưa. Hóa ra sau cái vỏ tính toán, bất cần đời, cynical của bạn tôi, vẫn là một trái tim mềm yếu, đầy thương yêu người vợ của mình. Chỉ sợ sau khi mình qua đi, vợ cô đơn, đau khổ và cần bàn tay bảo bọc. Nên xếp đặt cho đám cưới của vợ mình và người bạn tình địch cũ. Để khi mình không còn nữa, trên Trời cao nhìn xuống, còn thấy an ủi là vợ mình vẫn tiếp nối được đời sống, thảnh thơi và hạnh phúc, bên cạnh người bạn cũ năm xưa.

 

 

Similar Threads

  1. Lang man
    By Co may in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 6
    Last Post: 08-08-2014, 08:19 PM
  2. Lang Thang
    By Frank in forum Tùy Bút
    Replies: 41
    Last Post: 07-29-2014, 03:15 PM
  3. Nhạc Lang Thang với PPS
    By NangThuyTinh in forum Âm Nhạc
    Replies: 24
    Last Post: 02-13-2012, 06:37 PM
  4. Lang vườn
    By July in forum Sức Khoẻ/Sắc Đẹp
    Replies: 0
    Last Post: 10-03-2011, 12:07 PM
  5. Lang Thang ...
    By nhunguyen in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 2
    Last Post: 10-01-2011, 05:38 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 05:26 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh