Register
Page 1 of 16 12311 ... LastLast
Results 1 to 10 of 155
  1. #1
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851

    Chuyện thời sự


    Vũ khí chiến lược dầu hỏa


    Trong vòng ba năm nay, những tính toán về thế chiến lược địa dư toàn cầu đã bị một vũ khí chiến lược mới của Hoa Kỳ làm thay đổi hẳn cục diện. Đó là vũ khí dầu hỏa, một thứ vũ khí trước giờ làm Hoa Kỳ khốn đốn và bị lệ thuộc vào những quốc gia không mấy gì thân thiện với Hoa Kỳ nắm giữ như những xứ vùng Trung Đông, Venezuela và Nga. Nhưng thế cờ hiện nay đã bị lật ngược và Hoa Kỳ đã nắm thượng phong để có thể dùng dầu hỏa như một vũ khí chiến lược cho những tính toán mới cho chính trị địa dư toàn cầu.

    Điều này xảy ra được hoàn toàn nhờ vào một kỹ thuật mới về đào dầu. Đây là phương cách tân tiến nhất dùng vệ tinh satellite để điều khiển mũi khoan dầu, đào sâu xuống nhiều dặm dưới lòng đất rồi tùy theo vị trí có thể quay ngang và đào bên cạnh gọi là horizontal drilling, tiến tới mục tiêu chính xác có thể chỉ nhỏ như một chiếc bánh xe! Trước kia việc đào dầu thường chỉ dùng những dữ kiện do địa chấn đem lại để tìm mỏ dầu và đào thử hàng chục lần mới được một lần trúng. Những lần đào hụt gọi là dry holes, tốn tiền nhiều và mất nhiều thời giờ để đào trúng mỏ dầu. Với những dữ kiện về địa chất do satellite technology và cách đào ngang horizontal drilling, việc đào hụt gặp dry holes không xảy ra nữa!



    Nhưng việc sản xuất dầu hiện nay tại Hoa Kỳ thay đổi nhiều hơn cả là do việc lấy dầu từ đá gọi là shale oil. Dưới đáy của những mỏ dầu đã bơm ra gần cạn từ đầu thế kỷ 20 đến giờ, là những mỏ đá shale oil chứa dầu nằm lẫn trong đá. Dầu hỏa nằm trong đá này trước giờ không lấy ra được vì không chảy và không bơm lên được, gọi là dầu chặt, tight oils. Dung lượng của những mỏ dầu nằm trong shale oil còn nhiều hơn những mỏ dầu bơm lên dễ dàng trước kia, nhưng nay đã bơm cạn.

    Kỹ thuật mới hiện tại là dùng cách đào như diễn tả trong đoạn trước và đào ngang horizontal drilling để tiến sâu vào những mỏ đá shale oil. Sau đó hàng ngàn gallons nước được bơm thẳng vào những vết nứt của mỏ đá shale oil này với áp suất cực mạnh. Dầu và khí đốt nằm trong đá được hút ra sau khi được nước bơm vào giải tỏa và được bơm thẳng lên trên mặt đất. Kỹ thuật này gọi là hydraulic fracturing, thường gọi tắt là fracking và hiện đang được áp dụng tại ba vùng có mỏ dầu shale oil lớn nhất Hoa Kỳ. Đó là vùng Bakken tại tiểu bang North Dakota, vùng Permian Basin gần Midland, Texas và vùng Eagle Ford tại phía Nam Texas.


    Nhờ vào số lượng dầu bơm từ ba vùng này với kỹ thuật mới, mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ đã tăng vọt từ 5 năm trở lại, nhưng tăng nhiều nhất là ba năm nay. Trong thập niên 60’s mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ lên đến mức cao nhất và sau đó đi xuống dần. Năm 1970 là mức tột đỉnh với sản xuất dầu nội địa là 9.6 triệu thùng dầu một ngày. Sau đó các mỏ dầu nhất là tại vùng Texas cạn dần, cho đến năm 2008 chỉ còn sản xuất được 5 triệu thùng dầu một ngày. Nhưng từ năm 2011 đến 2014, mức sản xuất dầu hỏa nhờ vào kỹ thuật fracking đã làm tăng lên được 46%, chưa bao giờ tăng nhanh lên được như vậy kể từ giai đoạn 1921-1924, đúng 90 năm trước, lúc mới bắt đầu việc đào dầu tại Hoa Kỳ tạo ra các nhà tỷ phú như Rockefeller thời đó!


    Năm 2013 mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ là 7.5 triệu thùng dầu một ngày, với ước tính cho năm 2014 sẽ là 8.3 triệu thùng dầu sản xuất mỗi ngày. Với đà sản xuất này, theo cơ quan năng lượng quốc tế International Energy Agency, đến năm 2020, Hoa Kỳ sẽ qua mặt Saudi Arabia để sản xuất lên đến mức 11.6 triệu thùng dầu một ngày!



    Như vậy điều rõ ràng nhất là Hoa Kỳ sẽ không cần đến Saudi Arabia như trước nữa! Xứ này từ trước đến nay nắm giữ quyền lực về dầu hỏa vì được coi là swing producer, tức có khả năng để ấn định giá cả cho dầu hỏa. Với mức bơm dầu nhiều nhất thế giới, Saudi Arabia chỉ việc bơm nhiều hơn hay ít hơn để xác định giá cả cho dầu hỏa và Hoa Kỳ lệ thuộc vào xứ này trên phương diện chiến lược. Như việc phải bảo vệ cho Saudi Arabia với các căn cứ quân sự tại đây cũng như đặt Đệ Ngũ hạm đội tại vùng Bahrain và tuần tiễu trên vùng Vịnh để giữ cho đường thủy chở dầu được lưu thông.

    Trong chiến lược ngăn chặn Iran không cho quốc gia này chế tạo bom nguyên tử, ngoài việc bảo vệ Do Thái, Hoa Kỳ còn bị áp lực của Saudi Arabia. Lý do là hai xứ Iran và Saudi Arabia là hai kẻ thù không đội trời chung. Iran được coi như cầm đầu các xứ theo Shiite, trong khi Saudi Arabia là quán quân cho phe Sunni của Hồi Giáo. Thế chiến lược địa dư hiện nay tại vùng Trung Đông có thể coi như một cuộc tranh chấp đẫm máu giữa hai giáo phái Sunni và Shiite của Hồi Giáo. Hiện nay cuộc nội chiến tại Syria đã biến thể để thành chiến tranh giữa Shiite với phe của Assad và Iran ủng hộ, với phe Sunni của đa số dân Syria được Saudi Arabia và các vương quốc vùng Vịnh yểm trợ. Đây chính là lý do Saudi Arabia đã bất mãn đến cùng cực khi Tổng Thống Obama chùn chân không chịu cho tấn công Assad năm ngoái sau vụ thảm sát dân lành bằng vũ khí hóa học. Quốc Vương Abdullah của Saudi Arabia đã coi đây là một sự phản thùng của Obama, không chịu tiến tới trong việc yểm trợ phe Sunni để lật đổ Assad như Saudi Arabia đã mong muốn.


    Tuy nhiên việc Obama trở mặt vào phút chót đối với Saudi Arabia đã cho thấy một điều rõ ràng. Là ảnh hưởng của Saudi Arabia đối với Hoa Kỳ đã không còn được như trước. Obama đã tính toán là vùng Trung Đông không còn giữ vai trò quan trọng như khi Hoa Kỳ bị lệ thuộc vào Saudi Arabia về dầu hỏa và cần phải giữ cho Saudi Arabia hài lòng bằng mọi giá, kể cả việc gây ra thêm một cuộc chiến tranh khác như tại Syria. Với mức dầu hỏa sản xuất tại Hoa Kỳ chỉ trong thời gian ngắn sắp đến sẽ làm Hoa Kỳ độc lập về dầu hỏa, Saudi Arabia đã mất đi thế đòn bẩy để áp lực Hoa Kỳ bằng dầu. Nên việc Obama trở mặt với vua Abdullah của Saudi Arabia trong vụ Syria vừa qua có thể coi như bước đầu trong thề chiến lược thay đổi của Hoa Kỳ tại vùng Trung Đông, khi Hoa Kỳ đã nắm được thế thượng phong với vũ khí chiến lược dầu hỏa.

    Cũng thế, lý do để Iran phải chịu vào bàn thương thuyết với Hoa Kỳ về việc tinh luyện nhiên liệu uranium cho bom nguyên tử, cũng do Hoa Kỳ đã trên chân về vũ khí dầu hỏa. Iran trước giờ đe dọa sẽ cho phong tỏa eo biển Hormuz để chặn đường biển chở dầu hỏa từ các xứ vùng Vịnh, kể cả Saudi Arabia. Nhưng với Hoa Kỳ gia tăng mức sản xuất dầu do fracking, thế đòn bẫy này của Iran không còn nữa. Hoa Kỳ trong những năm của thời George Bush hay Clinton đã không thể dùng những biện pháp chế tài kinh tế khắt khe với Iran chỉ vì sợ Iran làm thật để phong tỏa eo biển Hormuz và làm rối loạn kinh tế toàn cầu khi giá dầu lên vài trăm Mỹ Kim một thùng.


    Nhưng khi áp lực đòn bẫy này của Iran không còn nữa, Obama đã có thể cho áp dụng các biện pháp chế tài kinh tế khắt khe nhất mà không sợ Iran phản ứng lại. Điều làm cho Iran phải qui hàng và chịu vào bàn thương thuyết chính là đòn cô lập Iran về ngân hàng và tín dụng. Các ngân hàng trên toàn cầu không thể giao dịch với Iran nên xứ này bị loại ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, không thể bán dầu lấy dollar được, chỉ có thể trao đổi hàng hóa với Trung Hoa, Ấn Độ….. nên đã bị thiệt hại nặng và sụp đổ kinh tế.

    Như thế một khi Hoa Kỳ chiếm thế thượng phong trong vũ khí chiến lược dầu hỏa, các bài tính chiến lược của vùng Trung Đông đã phải thay đổi hết và đem lại những giải quyết cho vấn đề Iran nhức đầu cho Hoa Kỳ hàng bao nhiêu năm nay.

    Trong cuộc khủng hoảng mới nhất hiện nay tại Ukraine, vũ khí chiến lược dầu hỏa và khí đốt cũng đã trở thành thế lực mạnh nhất cho các tính toán của Putin và Obama trong việc đối chọi giữa Nga và thế giới Tây Phương hiện nay. Hoa Kỳ và Âu Châu gần như đã chấp nhận cho Putin chiếm Crimea, nhưng muốn ngăn chặn những tham vọng kế tiếp của Putin là chiếm luôn miền phía Đông và Nam Ukraine, phân chia xứ này ra làm hai, nửa theo Nga, nửa theo Tây Âu. Putin có thế đòn bẫy là cung cấp khí đốt cho Âu Châu bằng các ống dẫn khí đốt này chạy ngang qua lãnh thổ Ukraine. Nếu Hoa Kỳ và Tây Âu làm dữ, nhất định trừng phạt Nga nặng nề hơn bằng các biện pháp kinh tế và loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, Putin có thể phản ứng lại bằng cách cho khóa các ống dẫn khí đốt này và 60% nhà cửa của Tây Âu sẽ lạnh cóng vì thiếu hơi đốt!


    Ngoài ra Nga cũng là xứ sản xuất dầu và cung cấp cho Âu Châu nên ngoài khí đốt, dầu hỏa sẽ bị khan hiếm với giá tăng vọt cho dân chúng Âu Châu. Hoa Kỳ có thể cho xuất cảng hơi đốt sang Âu Châu bằng cách cho đông lạnh liquefied natural gas và dùng tầu tanker chở băng ngang qua Đại Tây Dương cung cấp cho khí đốt cho Âu Châu. Nhưng những cơ sở để làm đông lạnh hơi đốt tại Hoa Kỳ và các cơ cấu hạ tầng chưa có sẵn tại Hoa Kỳ và sẽ mất hai ba năm để có thể thay thế toàn bộ lượng khí đốt Âu Châu nhập cảng từ Nga.

    Cũng thế tuy Hoa Kỳ trong tương lai có thể dư thừa dầu hỏa để xuất cảng sang Âu Châu. Nhưng hiện nay Hoa Kỳ vẫn còn lệnh cấm xuất cảng dầu do Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành luật này từ đầu thập niên 70’s khi dân chúng Hoa Kỳ phải xếp hàng để mua xăng! Muốn xuất cảng dầu, Hoa Kỳ phải bỏ luật cấm này. Nhưng hiện vẫn còn bị kỹ nghệ lọc dầu chống đối và chưa ra luật được! Lý do là các nhà máy lọc dầu hưởng lợi do việc mua dầu sản xuất tại Hoa Kỳ giá rẻ, cho lọc dầu và bán với giá của thị trường toàn cầu cao hơn nhiều. Nếu bỏ luật cấm xuất cảng dầu, các nhà máy lọc dầu sẽ phải mua dầu sản xuất nội địa với giá cao hơn nên không còn lời nữa! Vì sự chống đối của các kỹ nghệ lọc dầu, đạo luật cấm xuất cảng dầu vẫn chưa bỏ được!



    Tuy nhiên nếu tình hình tại Ukraine trở thành tồi tệ hơn và Putin cho chiếm thêm đất xứ này, dĩ nhiên Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ phải bỏ luật cấm xuất cảng làm lợi cho thiểu số lọc dầu để bảo vệ cho chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ chống lại Nga!
    Tuy vậy chỉ cần đe dọa là Hoa Kỳ sẽ thực hiện việc cung cấp khí đốt đông lạnh cho Âu Châu và sẽ cho xuất cảng dầu hỏa sang, dù phải mất hai ba năm nữa, cũng đủ để cho Putin phải chùn chân và tính toán lại nếu không muốn thấy kinh tế Nga đi vào chỗ sụp đổ như Iran hiện nay.

    Đây là thế đòn bẫy quan trọng vì Nga hiện nay có thể được coi như một thứ Saudi Arabia thứ hai, gần như hoàn toàn chỉ sống bằng việc xuất cảng dầu hỏa và khí đốt. Kinh tế của Nga được coi là lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi thiên nhiên. Putin có mua chuộc được giới quân sự và được nhiều nhóm dân chúng ủng hộ, thực ra cũng nhờ vào các nguồn lợi do xuất cảng năng lượng này. Nên khi Hoa Kỳ có lợi thế hơn về vũ khí chiến lược dầu hỏa, thế đòn bẫy này của Nga đã giảm đi nhiều hiệu quả.

    Và trong sự tính toán của Putin hiện nay, liệu việc chiếm thêm đất của Ukraine sẽ phải trả giá quá đắt do việc Hoa Kỳ và Âu Châu loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, cũng như trong hai ba năm đến sẽ ngưng mua dầu hỏa và khí đốt từ Nga. Lúc đó chắc chắn kinh tế Nga sẽ xuống dốc không phanh và sụp đổ dễ dàng. Putin dĩ nhiên sẽ tính toán lợi hại với các giả sử và bài tính khác nhau để chọn con đường đi tới trong vài tháng sắp đến. Việc Putin gọi điện thoại thẳng nói chuyện với Obama trong hai tiếng đồng hồ và cho ngoại trưởng Lavrov gặp ngoại trưởng John Kerry tuần qua là dấu hiệu Putin có thể cũng đã chùn chân và lạnh cẳng trước những đe dọa của Hoa Kỳ về năng lượng và phải tính lại hết các bài tính chiến lược mới!

    Như vậy chỉ với một tiến bộ kỹ thuật mới về đào dầu, Hoa Kỳ đã làm thay đổi hẳn cục diện cho các thế chiến lược và chính trị địa dư của toàn cầu. Chỉ trong vòng ba năm, Hoa Kỳ đã chiếm thế thượng phong đối với vũ khí chiến lược dầu hỏa và nhờ đó thay đổi hẳn các tính toán cho vùng Trung Đông cũng như cho Âu Châu hiện tại. Kẻ thù tương lai và nguy hiểm nhất cho Hoa Kỳ hiện nay là Trung Hoa cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ vì ưu thế mới này của Hoa Kỳ đối với vấn đề năng lượng.

    Điều đầu tiên là những kỹ nghệ sản xuất về solar panels, chế các tấm bảng đổi ánh sáng mặt trời ra điện của Trung Hoa hiện nay đã bắt đầu bị phá sản. Trong mấy năm trước, Trung Hoa đã chiếm đến 80% thị trường về kỹ nghệ này. Nhưng với giá dầu đi xuống, mức sản xuất dầu nội địa Hoa Kỳ đi lên, các kỹ nghệ về năng lượng mặt trời đều bị phá sản hết! Và Trung Hoa đầu tư nặng về các ngành này sẽ bị ảnh hưởng nặng! Đây chỉ là một điểm nhỏ trong những chiều hướng thay đổi lớn trên toàn cầu do các tiến bộ về kỹ thuật đem lại.



    Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế của Trung Hoa trong vài thập niên qua, thực sự chỉ do Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật sai lầm đầu tư quá trớn vào Trung Hoa và thiếu suy nghĩ cho các hậu quả tương lai. Nhưng Trung Hoa không thể so sánh với Hoa Kỳ về phương diện tiến bộ kỹ thuật, chỉ biết học lén, ăn cắp và lường gạt các nhà đầu tư ngoại quốc. Nên hiện nay kinh tế Trung Hoa đã chậm lại và nhiều phần sẽ đi vào suy thoái nặng trong tương lai.

    Tóm lại Hoa Kỳ vẫn là quốc gia hàng đầu của thế giới với những phát minh và tiến bộ kỹ thuật mới mẻ. Chỉ với một phương cách đào dầu tân tiến, Hoa Kỳ đã làm thay đổi hẳn những thế tính toán chiến lược địa dư trên toàn cầu. Tất cả nhờ vào vũ khí dầu hỏa nay đã trở thành ưu thế chiến lược cho Hoa Kỳ để chống lại với các kẻ thù cũ như Iran, Nga. Cũng như đối với kẻ thù mới trong tương lai chính là Trung Hoa vậy!

    Last edited by frankie; 09-23-2020 at 12:37 PM.

  2. #2
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Kinh tế chia x



    Nền kinh tế tương lai của thế kỷ 21 sẽ khác hẳn kinh tế của thế kỷ 20. Điều này đã bắt đầu hiển hiện với những tiến bộ về kỹ thuật càng ngày càng phát triển và ảnh hưởng tận gốc rễ đến đời sống của mọi người trên toàn cầu.
    Hai ba thập niên về trước, không mấy ai biết đến Internet, đừng nói gì đến điện thoại lưu động, rồi social media như Facebook, Twitter, đủ thứ như bây giờ. Toàn cầu hiện tại càng lúc càng trở thành như một ngôi làng nhỏ, ai cũng có thể biết ai và những tương quan giữa mọi người trong xã hội đã trở thành mật thiết, liên lạc với nhau chặt chẽ đến mức siêu đẳng, gọi là hyperconnection.

    Tất cả những thay đổi này đã đưa đến những cơ hội mới, những mô hình mới về doanh nghiệp và tạo nên một nền kinh tế mới, có triển vọng làm đảo lộn nền kinh tế của toàn cầu. Nền kinh tế mới này dựa trên Internet, trên social media và dựa trên giới trẻ, sinh ra và lớn lên trong thế giới liên lạc siêu mật thiết, hyperconnected. Đây là kinh tế chia xẻ, sharing economy đang bắt đầu thành hình và sẽ làm thay đổi tất cả!
    Điển hình cho nền kinh tế chia xẻ đang phôi thai này là công ty Airbnb. Công ty này hoàn toàn bằng Internet, online, đứng giữa làm trung gian cho những người muốn kiếm thêm tiền bằng cách cho thuê nhà hay thuê phòng ngắn hạn, một hai ngày hai một vài tuần cho khách du lịch hay người làm business. Những người này không muốn thuê khách sạn mắc tiền hơn nhiều, chỉ cần chỗ ngủ và nghỉ ngơi không cần dịch vụ nào khác. Cả hai bên người cho mướn và đi thuê vào online và qua Airbnb, điền mọi chi tiết cần thiết. Càng có nhiều dữ kiện và càng được đánh giá bằng những khách hàng trước cho điểm tốt chừng nào, càng dễ cho thuê chừng đó.

    Công ty Airbnb có nhiệm vụ đứng giữa để đảm bảo việc thanh toán tiền bạc, dĩ nhiên là qua credit card hết, cũng như loại trừ những phần tử xấu và có bảo hiểm lên đến 1 triệu Mỹ Kim cho tổn thất nếu có chuyện không hay xảy ra. Công ty này được thành lập 4 năm trước, nhưng chỉ trong vòng một năm nay mới được biết đến nhiều và càng ngày càng thịnh hành. Một trong những người sáng lập tên là Brian Chesky, mới có 32 tuổi, nay đã thành tỷ phú nhờ công ty này.

    Chesky mới đây cho biết sự thành công của công ty Airbnb vượt mức như sau: Cho đến nay sau 4 năm, Airbnb đã có 17 triệu người xử dụng website này để thuê nhà hay thuê phòng. Hiện nay mức tăng trưởng của công ty lên nhanh đến nỗi mỗi tháng có 1 triệu người đã dùng Airbnb để thuê nhà hay phòng. Những người biết đến công ty Airbnb càng ngày càng nhiều hơn, 56% số khách dùng là những người đầu tiên bây giờ mới dùng thử.

    Hơn nữa phong trào dùng Airbnb để thay thế cho việc dùng khách sạn đã lan tràn trên khắp các quốc gia. Ngày 5 tháng 7, 2014 vừa qua là con số kỷ lục cho Airbnb. Có 330,000 khách thuê trong ngày này trên hàng ngàn thành phố trên 160 quốc gia. Thành phố đông người thuê qua Airbnb nhất là tại Paris, có 20,000 người khách cho ngày này, gần đến lễ độc lập của Pháp.
    Riêng trong kỳ World Cup tại Ba Tây vừa, 120,000 người đã dùng Airbnb để thuê phòng xem đá banh, đến từ 150 quốc gia khác nhau. Những người có nhà cho thuê ở Ba Tây trong kỳ World Cup vừa rồi đã kiếm được 38 triệu Mỹ Kim. Trung bình tại thủ đô Rio de Janeiro, một người cho thuê phòng qua Airbnb cho khách đến tham dự xem đá banh đã kiếm được 4000 Mỹ Kim cho mấy tuần lễ này, gấp 4 lần số lương trung bình mỗi tháng cho dân Ba Tây làm việc ở đây. Có nghĩa nhờ Airbnb, người cho thuê không mất gì cả, chỉ cho thuê phòng dư của mình, đã kiếm tiền bằng gần nửa năm làm việc!

    Hiện nay trên Airbnb, không phải chỉ có nhà hay phòng cho thuê, khắp nơi khắp chốn, nhưng đang có 3000 lâu đài cho thuê, 2000 nhà xây trên cây (treehouses), 900 hòn đảo nhỏ sẵn sàng cho thuê. Tại Mông Cổ, có thể thuê những căn lều trên vùng đồng cỏ hoang vu của dân Mông gọi là yurts. Một đêm gần đây, Airbnb đã giúp 100 người khách thuê các căn lều yurts này trên vùng thảo nguyên của Mongolia!!

    Những xác xuất này cho thấy công ty Airbnb đã phát triển vượt mức và thành công trái ngược với những tiên đoán của nhiều quan sát viên và nhất là của các đại khách sạn bị mất khách vì Airbnb, đã mong cho công ty này sập tiệm! Lý do nhiều người không tin Airbnb có thể thành công vì cho rằng làm sao người có nhà hay cho thuê phòng có thể tin tưởng để cho kẻ lạ mặt vào trong nhà mình, xử dụng căn phòng hay đồ đạc trong nhà mình được, và khách du lịch hay người đi thuê, quen thuộc với tiện nghi của khách sạn, làm sao có thể chỉ vì muốn tiết kiệm chút đỉnh mà có thể cất công đi thuê một căn nhà lạ, tư nhân để ở trong vài ngày, không chắc chắn có đủ tiện nghi cần thiết.

    Nhưng những phê bình công kích mô hình làm ăn của Airbnb không tính được là với giới trẻ hiện nay, những bất tiện kể trên không đáng kể. Và tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó, giới trẻ là đa số khách hàng của Airbnb đã coi đây là một loại phiêu lưu và giúp mở rộng môi trường xã hội, làm quen với người lạ và sinh sống trong một khung cảnh lạ, là điều thú vị hơn là một khách sạn vô hồn, không cá tính!
    Ngoài ra điều này cho thấy với giới trẻ hiện nay, nếu có môi trường thích hợp và những bảo đảm safeguards thực dụng như của Airbnb, lòng tin giữa con người và trong xã hội vẫn có thể phát triển. Với hệ thống xác định của Airbnb, người nào muốn đi thuê hay cho thuê đều phải có đủ căn cước, passport, Facebook page và quan trọng nhất là các thẩm định reviews của khách hàng trước. Càng được cho điểm tốt, càng có thêm khách sau này. Cũng thế, người đi thuê bê bối cũng sẽ bị ngăn chặn và sau này không ai dám cho thuê nữa!

    Ý nghĩa của sự thành công của Airbnb quan trọng. Vì những va chạm của xã hội, tội ác và ngay cả chiến tranh giữa con người, đều xảy ra chỉ vì thiếu lòng tin lẫn nhau. Nhưng với Internet, social media như Facebook, Twitter..., và với những mô hình như của Airbnb, giới trẻ đã chứng minh cho thấy là với những bảo đảm safeguards cần thiết, lòng tin giữa những người lạ không quen biết vẫn có thể tạo ra và phát triển, lan rộng cho cả xã hội được.
    Những quan niệm này của giới trẻ đưa đến nhiều thay đổi hơn nữa, nếu không muốn nói là lớn lao: sẵn sàng thay đổi và chấp nhận rủi ro để tốt hơn, sự kỳ thị về giới tính và sắc tộc màu da ở giới trẻ đã giảm thiểu nhiều, rất nhiều, so với những thế hệ cha ông. Từ sự cởi mở, dễ dàng đưa đến những cảm thông, chia sẻ, nhờ đó có thể trong tương lai xã hội được cân bằng hơn, đỡ tội ác, bớt chiến tranh.

    Một mô hình khác về doanh ngiệp dựa vào ý niệm kinh tế chia xẻ sharing economy là các công ty như Zipcar, Uber, Lyft về xe cộ. Giới trẻ ở một số thành phố bây giờ không cần mua xe nữa. Vì công ty như Zipcar giúp để chia xẻ phương tiện giao thông. Có một thẻ của Zipcar có thể dùng xe của công ty này ở khắp nơi, không cần phải là sở hữu chủ của một chiếc xe với bảo trì, kiếm chỗ đậu parking…v.v.. Công ty như Uber hay Lyft giúp cho bất cứ một người nào có xe có thể kiếm thêm chút tiền bằng cách trở thành taxi chở khách! Người cần taxi dùng điện thoại cầm tay có thể kêu bất cứ ai có xe và muốn làm tái xế gần đó để tới đưa mình đi dễ dàng. Tất cả đều qua Internet và mobile phones hết!
    Điều này có nghĩa với nền kinh tế chia xẻ sharing economy, việc mua xe làm sở hữu chủ không cần thiết nữa! Và quan niệm của giới trẻ hiện nay là không muốn làm sở hữu chủ nữa, vì làm sở hữu chủ là có trách nhiệm nhiều hơn. Giới trẻ hiện nay muốn tự do nhiều hơn, không muốn những vướng víu ràng buộc do việc làm sở hữu chủ nhà cửa, xe cộ, các vật dụng khác…v. .v.... Nếu những quan niệm này thịnh hành hơn và lan rộng, sẽ gây ra nhiều biến chuyển lớn cho kinh tế của tương lai! Có nghĩa việc sản xuất xe sẽ giảm, không cần nhiều như trước! Nhà cửa cũng thế, không kể đến bao thứ khác để mua bán, làm sở hữu chủ!!!
    Một thí dụ khác về nền kinh tế chia xẻ sẽ làm thay đổi nhiều, dù chưa ai nghĩ đến việc lập một công ty. Đó là việc đi ăn ở restaurant. Thí dụ này do chính Chesky, chủ nhân của công ty Airbnb đưa ra khi nói đến những quan niệm mới về kinh tế chia xẻ. Như một người làm bếp giỏi, không đủ phương tiện và vốn liếng mở nhà hàng. Nhưng nếu có một công ty đứng giữa làm trung gian trên Internet, có thể nhận làm bữa ăn tại chính nhà mình cho khách đến ăn! Nếu mở rộng, người đi ăn có muôn vàn chỗ để thử thức ăn mọi nơi mọi chốn do bao nhiêu người có tài làm bếp, món ăn giỏi cung cấp. Cũng thế, những người làm bếp giỏi này có lợi tức thêm nhờ kinh tế chia xẻ và đã xử dụng tài năng của mình mà bình thường không dùng đến được. Dĩ nhiên chỉ có các restaurants với vốn liếng nhiều sẽ chết dở vì mô hình mới này!!

    Như vậy nền kinh tế chia xẻ mới sẽ làm thay đổi rất nhiều. Vì còn biết bao nhiêu thứ dịch vụ, như cầu đều có thể trở thành những cơ hội cho các doanh nhân để tạo ra các công ty mới trên Internet, hiện nay chưa ai nghĩ đến. Nhưng với thời gian, sẽ càng ngày càng có nhiều các công ty của nền kinh tế chia xẻ sharing economy cho tương lai.

    Dĩ nhiên như các vụ kiện cáo của các khách sạn với công ty Airbnb, hay các hãng taxi công cộng đối với công ty Uber cho thấy, sẽ có những tranh chấp giữa hai nền kinh tế cũ và kinh tế chia xẻ mới. Nhưng đây là kinh tế của thế kỷ 21, các công ty, hãng xưởng, dịch vụ của thế kỷ 20 cũ sẽ dần dần bị đào thải để thay thế vào đó là những công ty mới. Và đây chính là nguyên tắc phá hủy tái tạo creative destruction cuả nền kinh tế như kinh tế gia Joseph Schumpeter năm 1942 đã đưa ra, là căn bản cho sự phát triển kinh tế của xã hội trong hệ thống kinh tế thị trường tự do, như đã được chứng minh từ trước đến nay.


  3. #3
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Giai cấp kinh tế




    Những dữ kiện kinh tế gần đây cho thấy sau cuộc Đại Suy Thoái 2008, việc hồi phục kinh tế tại Hoa Kỳ xảy ra chỉ quy tụ vào một giai cấp kinh tế. Đó là giới giàu nhất của xã hội Hoa Kỳ, hưởng lợi do thị trường chứng khoán ngày một tăng dần, cũng như giá nhà cửa hồi phục cho tầng lớp cao nhất. Giới giàu hiện nay càng giầu hơn trước, qui tụ trong 1% số dân, 99% người dân trong xã hội vẫn không thấy kinh tế cho riêng mình khấm khá gì cho lắm! Tệ hại hơn nữa, những người giàu ở mức cao nhất đã thu thập tài sản tới mức vĩ đại hàng vài trăm triệu hay cả tỷ Mỹ Kim. Theo thống kê mới nhất, 0.01% số người giàu này nắm giữ 11.1% tổng số tài sản của toàn quốc gia Hoa Kỳ. Ngược lại là 22% trong tổng số trẻ em của Hoa Kỳ hiện đang sống trong gia đình ở mức nghèo nhất!


    Trong khi đó tiền lương của công nhân gần như không thay đổi gì hàng mấy chục năm nay. Và thành phần rường cột cho một xã hội dân chủ là giới trung lưu, trước kia chiếm đa số tại Hoa Kỳ nay đã biến mất dần. Theo nhiều ước tính, chỉ trong ít thập niên nữa, sẽ không còn giới trung lưu, xã hội Hoa Kỳ sẽ chỉ phân chia làm hai giai cấp là giới giàu 1% và giới nghèo 99%!!!


    Một cuốn sách về kinh tế mới xuất bản tại Pháp và dịch sang tiếng Anh tựa đề “Tư bản luận trong thế kỷ 21” của kinh tế gia người Pháp Thomas Piketty đã làm sôi nổi giới trí thức và các kinh tế gia của Hoa Kỳ. Piketty đưa ra những dữ kiện chứng minh là sự phân chia giàu nghèo trong các xã hội Tây Phương như Hoa Kỳ và Tây Âu đã trở thành quá đáng. Piketty cho rằng thời đại này đã trở lại y hệt như thời gọi là vàng son Gilded Age của thập niên 20’s với tài sản nằm trong tay của thiểu số giàu nhất và các tài sản vĩ đại này đã cha truyền con nối tạo thành giới thống trị, trong khi xã hội nói chung đều ở mức nghèo khổ.


    Piketty tiên đoán là cho cả thế kỷ 21, các xã hội Tây Phương sẽ tăng trưởng rất chậm, lý do là tư bản đã bị thu thập trong giới thiểu số giàu nhất, chỉ dùng tiền để đẻ ra tiền, không còn nỗ lực để sáng chế phát minh nữa! Và để chống lại điều này, Piketty đề nghị các chính quyền khắp nơi phải đánh thuế tối đa trên tài sản của giới nhà giàu trên toàn thế giới, gọi là global wealth tax. Dĩ nhiên Piketty không hô hào giới vô sản đứng lên như cuốn Tư Bản Luận của Karl Marx của thế 19, mặc dù tựa đề của cuốn sách của Piketty là một thứ chơi chữ trên cuốn Tư Bản Luận của Marx!


    Cuốn sách của Piketty tuy xuất bản tại Pháp do một kinh tế gia tương đối vô danh nhưng đúng thời điểm vì cuộc tranh luận hiện tại giữa hai phe bảo thủ và cấp tiến của Hoa Kỳ về sự phân chia giàu nghèo trong xã hội Hoa Kỳ. Phe cấp tiến như kinh tế gia đoạt giải Nobel là Paul Krugman của đại học Princeton, cũng là bình luận gia của tờ New York Times đã khen ngợi cuốn sách của Piketty không tiếc lời, vì những dữ kiện đưa ra phù hợp với những tố cáo của phe cấp tiến về bất bình đẳng lợi tức hiện nay. Krugman cho rằng những chính sách kinh tế từ thời Tổng Thống George W Bush, theo đúng đường lối của phe bảo thủ cực đoan, chỉ bảo vệ và làm lợi cho giới giàu. Cuộc Đại Suy Thoái đã làm cho giới giàu càng giàu thêm vì những chính sách bail out cứu hệ thống ngân hàng và tín dụng chỉ làm hồi phục thị trường chứng khoán và bảo vệ cho tài sản của nhà giàu. Trong khi đó nạn thất nghiệp tăng cao làm giới trung lưu biến mất dần và giới nghèo càng nghèo hơn. Tỷ lệ thất nghiệp gần đây có xuống đến 7%, thực ra chỉ vì những người thất nghiệp quá lâu đã nản chí không đi kiếm việc nữa và không được tính trong thống kê! Krugman chỉ trích Ngân Hàng Trung Ương Federal Reserve không dám mạnh tay đưa ra những biện pháp mạnh hơn như cho mức lạm phát tăng lên và bơm tiền vào tối đa để kích thích kinh tế nhiều hơn nữa hầu làm giảm mức thất nghiệp.


    Trong khi phe cấp tiến khen ngợi cuốn sách của Piketty, phe bảo thủ dĩ nhiên công kích thẳng tay! Tờ National Review của bảo thủ cực đoan đăng bài của kinh tế gia James Pethokoukis gọi Piketty là Mác Xít, cần phải chống đối tư tưởng này vì sẽ có hại cho các cuộc tranh luận về chính sách kinh tế tương lai! Tờ Wall Street Journal của tỷ phú Murdoch đã lồng lộn chửi rủa Piketty, gọi những ý kiến đòi đánh thuế giới giàu trên toàn cầu như một thứ ác quỷ Stalin!


    Dĩ nhiên các tranh luận giữa hai phe bảo thủ và cấp tiến của Hoa Kỳ về sự phân chia giàu nghèo và phương thức để đối phó với vấn đề chia rẽ xã hội này, sẽ không bao giờ ngừng. Phe nào cũng đưa ra những biện luận và những dữ kiện để chứng minh sau khi đã bóp méo các dữ kiện này cho phù hợp với tư tưởng của mình! Cuốn sách của Piketty chỉ là một thứ dầu châm vào lửa để những tranh luận này không khi nào chấm dứt!


    Nhưng nhận xét của Piketty là thế giới Tây Phương sẽ chỉ thăng tiến rất chậm cho thế kỷ 21 có thể sẽ thành sự thực cho tương lai. Lý do giản dị không phải vì sự phân chia giàu nghèo, nhưng vì sự thành công về kinh tế của Trung Hoa và chiều hướng toàn cầu hóa càng ngày càng gia tăng cho những thập niên đến. Hiện tại Hoa Kỳ cũng như Tây Âu đang ở trong giai đoạn giảm phát deflation như Nhật Bản đã sống và đang tiếp tục trải qua trong gần ba thập niên. Theo những con số mới nhất của Federal Reserve Bank, mức lạm phát của Hoa Kỳ nhiều năm gần đây vẫn chỉ ở dưới mức 2%, mặc dù lãi xuất ở mức zero và Federal Reserve Bank bơm tiền tối đa với các lần quantitative easing. Điều này có nghĩa kinh tế quá yếu kém và tuy con số là mức lạm phát dương, nhưng thực tế vẫn là giảm phát deflation! Một số kinh tế gia đã lên tiếng cho rằng Federal Reserve cần thúc đẩy để mức lạm phát tăng hơn 4%, lúc đó kinh tế mới có thể bắt đầu chạy đều và hồi phục nhanh hơn.


    Nhưng tại sao Hoa Kỳ rơi vào tình trạng này, dù đã có kinh nghiệm về giảm phát của thời Depression, cũng như kinh nghiệm gần đây hơn của Nhật Bản?
    Lý do chính vẫn là Trung Hoa. Vì xứ này đã cướp hết các kỹ nghệ chế tạo cuả Hoa Kỳ và xuất cảng hàng hóa sang Hoa Kỳ cũng như sang Âu Châu và các nước khác quá rẻ. Hàng hoá của Trung Hoa sản xuất với nhân công quá thấp và với chính sách xuất cảng tối đa của chính quyền cộng sản Trung Hoa, đã tiêu diệt hết các kỹ nghệ chế tạo manufacturing của Hoa Kỳ. Hầu hết các công ty về chế tạo này đã rơi vào tình trạng phá sản và cho nhân công nghỉ việc, gây ra nạn thất nghiệp tiếp tục ở mức quá cao.


    Ngoài ra giới trung lưu của Hoa Kỳ từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đã khá giả và tăng trưởng, chỉ vì đồng lương cao do các kỹ nghệ chế tạo đem lại. Một khi các kỹ nghệ này biến mất vì sự cạnh tranh của Trung Hoa, tất nhiên giới trung lưu của Hoa Kỳ cũng biến mất dần. Như những dữ kiện về nhân lực của Hoa Kỳ gần đây cho thấy, các công việc có lại sau kỳ Đại Suy Thoái chỉ là những công việc lương quá thấp và về dịch vụ service, không phải là công việc chế tạo. Dĩ nhiên những việc làm bồi bàn, chiên hamburger...v.v.. có làm giảm tỷ lệ thất nghiệp đôi chút, nhưng đồng lương không thể đem lại cho các nhân công này đời sống trung lưu được!


    Hiện nay đang có phong trào tại Hoa Kỳ nhằm đem lại các kỹ nghệ chế tạo về nội địa. Nhưng những cố gắng này chỉ lẻ tẻ và trên phương diện cá nhân với những công ty nhỏ, không thấm thía gì. Hoa Kỳ cần phải có chính sách về thuế má, đánh thuế tối đa các công ty đem công việc sang Trung Hoa, cũng như ngăn chặn nhập cảng hàng hóa quá rẻ từ Trung Hoa để hồi phục lại phần nào các kỹ nghệ chế tạo tại nội địa. Tuy nhiên điều căn bản vẫn là một chiến lược nhắm hẳn vào mục tiêu triệt hạ nền kinh tế của Trung Hoa.


    Hiện nay chính quyền Hoa Kỳ cũng như dân chúng đã dần dần nhận thức Trung Hoa chính là kẻ thù nguy hiểm nhất trong tương lai cho Hoa Kỳ. Việc triệt hạ kinh tế Trung Hoa là điều Hoa Kỳ cần phải làm và càng sớm càng tốt! Hiện nay kinh tế Trung Hoa đã chậm lại nhiều. Trước kia mức tăng trưởng ở mức 20% một năm. Nhưng hiện giờ mức tăng trưởng kinh tế của Trung Hoa chỉ là 7.4%, yếu kém đi nhiều. Những khủng hoảng về tín dụng và giá nhà cửa tại Trung Hoa đã bắt đầu lộ ra dần dù chính quyền cộng sản tìm đủ cách để ngụy trang và che dấu sự thật. Đây chính là thời điểm để Hoa Kỳ đưa ra những chính sách kinh tế mới để triệt hạ kinh tế Trung Hoa một cách thuận lợi nhất.


    Điều hiển nhiên là Hoa Kỳ tự nhận là quán quân về tự do thương mại và mậu dịch và mở rộng thị trường cho toàn cầu nên không thể đơn phương ngăn chặn việc xuất cảng hàng hóa của Trung Hoa. Nhưng phương cách để giảm thiểu việc nhập cảng hàng hóa là làm giá bán cao lên. Điều đó có nghĩa Hoa Kỳ cần cho phá giá đồng Mỹ Kim! Đây là một mũi tên bắn hai con chim! Vì như thế có nghĩa số nợ của Hoa Kỳ do Trung Hoa nắm giữ với các Treasury Bonds lên đến gần 2 trillion sẽ mất đi phân nửa giá trị hay nhiều hơn nữa tùy theo mức phá giá Mỹ Kim!
    Ngoài ra nếu Federal Reserve cho mức lạm phát tăng lên 5 hay 6% mỗi năm, chỉ trong vài năm mức nợ của Hoa Kỳ sẽ chỉ còn một phần so với số tiền nợ lúc đầu vì lạm phát tăng! Hoa Kỳ có thể danh chính ngôn thuận quịt nợ của Trung Hoa mà không vi phạm luật lệ gì!


    Trong lịch sử cận đại, nhiều chính quyền cầm đầu của Hoa Kỳ đã phạm phải nhiều lỗi lầm lớn lao trong việc đối phó với Trung Hoa. Lỗi lầm đầu tiên là thời Tổng Thống Truman trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Lúc đó khi tướng Douglas McArthur bị đe dọa vì lực lượng Hồng Quân một triệu người của Mao Trạch Đông vượt sông Yalu vào lãnh thổ Triều Tiên. Tướng McArthur đã yêu cầu Tổng Thống Truman cho dùng bom nguyên tử để tiêu diệt đạo Hồng Quân này. Nhưng Truman đã chùn tay vì vụ nổ bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki nên đã bác bỏ yêu cầu này của McArthur. Đây là sai lầm lịch sử đầu tiên của Hoa Kỳ với Trung Hoa!


    Sai lầm thứ hai là khi Tổng Thống Nixon do Henry Kissinger đạo diễn đã sang Bắc Kinh để tái lập ngoại giao với Trung Hoa. Dù Nixon và Kissinger tự cho rằng đây là thành quả lớn lao nhưng thực ra đây là cái tội của hai nhân vật này đối với lịch sử của Hoa Kỳ và toàn cầu! Vì nếu Mao Trạch Đông không được Nixon sang để tái tạo uy thế, có thể cộng sản Trung Hoa đã thay đổi và biến thể nhiều!


    Sai lầm thứ ba của Hoa Kỳ với Trung Hoa là thời Đặng Tiểu Bình đổi mới kinh tế, Hoa Kỳ cũng như Tây Âu và Nhật Bản đã hăm hở nhảy vào đầu tư quá trớn, không biết tính toán hậu quả. Một lập luận lúc đó là kinh tế của Trung Hoa phát triển hơn, sự cởi mở và dân chủ sẽ đi theo sau. Nhưng thực tế không phải vậy và sự đầu tư vô lối và thiển cận của Hoa Kỳ và Tây Phương đã giúp Trung Hoa phát triển được kinh tế nhanh chóng như ngày nay và đã gây ra thiệt hại cũng như đe dọa cả toàn cầu.


    Sai lầm sau cùng của Hoa Kỳ với Trung Hoa sẽ là ngay giai đoạn này. Khi Trung Hoa đang rơi vào khó khăn về kinh tế và không biết nhân cơ hội này để triệt hạ Trung Hoa về kinh tế và làm suy yếu xứ này. Đây chính là cơ hội duy nhất còn lại để Hoa Kỳ triệt tiêu mối đe dọa của Trung Hoa. Vì như những diễn biến gần đây cho thấy, Trung Hoa đang sửa soạn để tạo ra chiến tranh với Nhật Bản và ra mặt để khiêu khích Hoa Kỳ bằng quân sự. Việc triệt hạ Trung Hoa bằng kinh tế có thể cũng chưa đủ để kiềm chế Tập Cận Bình và giới quân sự đầy hung hăng của Trung Hoa. Việc tranh chấp đảo Senkaku hiện nay có thể là một dịp để Hoa Kỳ giải quyết luôn tiềm năng về quân sự của Trung Hoa. Vì nếu chiến tranh giữa Trung Hoa và Nhật Bản xảy ra, Hoa Kỳ có thể danh chính ngôn thuận để nhảy vào vòng chiến, tiêu diệt hạm đội của Trung Hoa cũng như trung tâm tiềm thủy đĩnh nguyên tử của Trung Hoa trên đảo Hải Nam, mối đe dọa cho Hoa Kỳ trên vùng Đông Á và cho thế chiến lược địa dư của Hoa Kỳ trên vùng Thái Bình Dương cũng như cả toàn cầu.



  4. #4
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Bàn cờ chiến lược Đông Á



    Hai diễn tiến xảy ra tuần lễ vừa qua trên bàn cờ chiến lược địa dư của vùng Đông Bắc Á Châu có triển vọng làm thay đổi cục diện cho cả vùng Thái Bình Dương và gia tăng những căng thẳng một ngày một tăng cao tại đây.
    Trước hết vào ngày 1 tháng 7 vừa qua, thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản tuyên bố sẽ thay đổi những dẫn giải của Hiến Pháp Nhật để quân lực Nhật đóng vai trò mạnh mẽ hơn hầu đối phó với những xung đột trong tương lai, ngầm hiểu là đối với Trung Hoa!


    Từ năm 1947, hiến pháp Nhật do tướng Douglas McArthur áp đặt sau khi Nhật bại trận, đã chỉ cho quân lực Nhật được quyền tự vệ, vói điều khoản 9 xác định “Nhật Bản luôn luôn từ khước quyền hạn quốc gia để gây ra chiến tranh hay việc đe dọa dùng võ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế”.


    Điều khoản khắt khe này cấm Nhật không được dùng quân lực trong bất cứ một tranh chấp nào, ngay cả khi an ninh Nhật bị đe dọa! Muốn thay đổi hiến pháp như thủ tướng Abe trước đây đã hô hào, cần phải có 2/3 đa số của cả hai viện trong Nghị Viện Nhật chấp thuận, sau đó còn phải đưa ra trưng cầu dân ý. Trong khi đó các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hơn 50% dân Nhật chống lại việc thay đổi hiến pháp, có nghĩa đa số dân chúng đều bồ câu, chống chiến tranh, dù cho có bị Trung Hoa lên chân lấn lướt.


    Tuy nhiên Shinzo Abe là một người quốc gia cực đoan, cương quyết sẽ dùng đủ cách để đưa Nhật trở lại thành cường quốc quân sự, nhất là khi bị Trung Hoa tiếp tục gây hấn trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku. Abe gần đây thành công nhiều trong việc cải tổ kinh tế và uy tín lên cao nên quyết định dùng thời cơ này để tiến tới trong việc thay đổi hiến pháp. Việc tuyên bố dẫn giải lại hiến pháp để tăng vai trò cho quân lực Nhật là bước đầu đi vòng, chỉ cần được Nghị Viện Nhật chấp thuận. Với đảng của Abe giữ đa số tại cả hai viện, điều này đương nhiên sẽ được thông qua.


    Abe trấn an dân Nhật là chính sách mới này sẽ giúp Nhật có liên hệ quân sự chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, không phải là lôi kéo Nhật vào các cuộc chiến trong tương lai, do Hoa Kỳ chủ động! Abe nói:
    “Một liên minh tăng cường giữa Nhật - Hoa Kỳ sẽ là lực lượng ngăn chặn giúp cho hòa bình của Nhật và cả vùng”.
    Điều này có nghĩa nếu Bắc Hàn bắn hoả tiễn sang Hoa Kỳ bay ngang lãnh thổ Nhật, quân lực Nhật có thể dùng phi đạn bắn rơi hỏa tiễn của Bắc Hàn, điều trước kia Nhật không có quyền làm! Hoặc nếu một chiến hạm Hoa Kỳ bị tấn công ngoài khơi của Nhật, hải quân Nhật sẽ có quyền để tham chiến giúp hải quân Hoa Kỳ.


    Tuy nhiên điều không nói ra nhưng quan trọng hơn cả là việc quân lực Nhật được quyền tham gia vào “tự vệ chung”, collective self-defense, giúp tất cả các quốc gia đồng minh với Nhật đang bị tấn công. Dĩ nhiên hiện nay thủ tướng Shinzo Abe chỉ nói đến đồng minh là Hoa Kỳ, nhưng ngầm hiểu là bất cứ một đồng minh nào khác bị Trung Hoa đe dọa hay đang tấn công, giờ đây Nhật có thể tham chiến “tự vệ chung” với đồng minh đó.


    Đây là một đòn nhằm vào Trung Hoa hiện đang đe dọa và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của các nước lân bang như Phi Luật Tân và Việt Nam trong việc tranh chấp trên vùng biển Đông Hải. Với tuyên bố này của thủ tướng Shinzo Abe, Tổng Thống của Phi Luật Tân hiện đang công du tại Tokyo, hoan hỉ lên tiếng tán đồng tức khắc, sẵn sàng ủng hộ những quyết định của Nhật nhằm chống lại những hung hăng của Trung Hoa đòi xâm phạm và chiếm cứ các hòn đảo thuộc Phi Luật Tân.


    Trong khi đó Trung Hoa lồng lộn lên án Nhật về quyết định dẫn giải lại hiến pháp của thủ tướng Shinzo Abe, coi đây là một hành động phá hoại chuyến công du của Tập Cận Bình sang Đại Hàn. Việc họ Tập đi sang Đại Hàn đã được sửa soạn từ trước, sau khi Tổng Thống Đại Hàn, bà Park Geun-hye sang thăm Trung Hoa hồi năm ngoái. Tập Cận Bình và bà Park được mô tả là thân cận nhiều vì bà Park vốn thân Tàu. Ngoài ra hai quốc gia có mức mậu dịch ngày một tăng cao, hiện nay là 270 tỷ Mỹ Kim một năm. Mậu dịch giữa Đại Hàn và Hoa Kỳ mỗi năm thua nhiều hơn mức mậu dịch Đại Hàn - Trung Hoa, chỉ ở mức 125 tỷ mỗi năm. Mậu dịch với Nhật ít hơn nữa chỉ là 60 tỷ Mỹ Kim một năm. Vì thế Đại Hàn hiện càng có khuynh hướng gia tăng mậu dịch với Trung Hoa. Trong cuộc viếng thăm Đại Hàn tuần lễ vừa qua, Tập Cận Bình tuyên bố sẽ hoàn thành thỏa ước kinh tế với Đại Hàn nhằm tăng mậu dịch lên hơn nữa, ở mức 300 tỷ Mỹ Kim vào cuối năm nay.


    Nhưng mục đích của họ Tập sang Đại Hàn, không phải là vì kinh tế và mậu dịch, mặc dù cũng là chuyện quan trọng. Ý đồ của họ Tập là nhắm vào việc phân cách Đại Hàn với Hoa Kỳ, cũng như khơi động mối căm thù của Đại Hàn với Nhật. Vì từ năm 1910, Nhật đã xâm lăng và cai trị toàn bán đảo Triều Tiên dưới bàn tay sắt. Trong kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật đã bắt đàn bà Triều Tiên vào những động điếm lưu hành cho quân phiệt Nhật trên khắp vùng Á Châu. Cả trăm ngàn phụ nữ Hàn đã bị làm nô lệ tình dục cho lính Nhật và chỉ gần đây chính phủ Nhật sau nhiều cuộc thương thuyết, mới chính thức nhận lỗi về hành động này vào năm 1993.


    Tuy nhiên bà Park đã giận dữ khi mấy tháng trước, chính phủ của thủ tướng Abe đã đòi lấy lại lời xin lỗi này, cho rằng các phụ nữ Hàn đã tự nguyện đi làm điếm cho lính Nhật. Sau khi đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật là Caroline Kennedy, con của cố Tổng thống Kennedy, chính thức phản kháng và dư luận chống Nhật tại Đại Hàn bùng nổ, chính phủ Abe mới tuyên bố lại là giữ nguyên lời xin lỗi!
    Ngoại giao giữa Nhật và Đại Hàn đã xuống thấp nhất từ trước đến nay vì vụ này. Ngoài ra sau khi Shinzo Abe đi thăm đền thờ Thần Đạo có những tội phạm chiến tranh bị xử tử, bất kể đến phản kháng của Trung Hoa và Đại Hàn, quan hệ giữa hai xứ còn tệ hại nhiều hơn nữa!


    Tập Cận Bình đã lợi dụng thời điểm này khi mối tương quan giữa hai nước Nhật và Đại Hàn xuống thấp nhất để công du sang thăm bà Park. Một trong những mục tiêu của họ Tập là thuyết phục Đại Hàn bỏ chương trình thiết lập hỏa tiễn phòng không của Hoa Kỳ trên phần đất Đại Hàn. Mệnh danh là Terminal High Altitude Area Defense, chương trình này nhằm đặt những hoả tiễn phòng không tối tân nhất của Hoa Kỳ nhằm chống lại Bắc Hàn, đe dọa bắn hỏa tiễn sang Đại Hàn và có thể bay đến cả vùng California của Hoa Kỳ. Nhưng ngoài việc đối phó với Bắc Hàn, Trung Hoa sợ là hệ thống phòng không này sẽ được dùng để bao vây Trung Hoa trong chiến lược kiềm tỏa của Hoa Kỳ. Nên họ Tập nhất định phá chương trình này cho bằng được. Phương cách phá đám của họ Tập hiện nay là khích động lòng căm thù Nhật Bản của Đại Hàn vì những tàn ác của quân phiệt Nhật thời xưa, cũng như khơi lại những mối thù lịch sử.

    Trong cuộc viếng thăm Đại Hàn tuần trước, Tập Cận Bình chơi trò ân nghĩa, nhắc lại lịch sử của Đại Hàn là năm 1590, khi Nhật cho quân tiến chiếm xứ này, vương quốc triều Minh đã cho quân sang để giúp Triều Tiên chống lại Nhật. Thực sự là nhà Minh lo sợ Nhật sau khi chiếm Triều Tiên sẽ tiến đánh Trung Hoa nên ra tay trước, cho quân sang giúp Triều Tiên, cũng là tự bảo vệ. Nhưng Tập Cận Bình đã nhắc lại giai đoạn này để khơi căm thù Nhật hơn nữa với dân Đại Hàn. Ngoài ra họ Tập còn đề nghị với bà Park là Trung Hoa và Đại Hàn cùng tổ chức buổi lễ tưởng niệm năm đến 2015 là 70 năm ngày Nhật qui hàng trong Đệ Nhị Thế Chiến, cũng chỉ nhằm phân cách Đại Hàn với Nhật và với Hoa Kỳ.


    Tất cả những cố gắng này của Tập Cận Bình đối với Đại Hàn đã đưa đến câu hỏi: Lá bài tẩy của họ Tập trong việc ve vãn chính quyền của bà Park để Đại Hàn xa lánh Hoa Kỳ, cũng như tạo mối căm thù với Nhật, là điều gì để có thể lôi kéo được Đại Hàn về phe của Trung Hoa? Lá bài này tuy không nói ra, chính là Bắc Hàn. Sau ba giờ họp giữa họ Tập và bà Park, hai bên đã ra bản tuyên cáo: “Hai quốc gia tái xác nhận sự chống đối cương quyết cho việc phát triển vũ khí nguyên tử trên bán đảo Triều Tiên”. Với họ Tập đứng cạnh, bà Park đọc thêm lời tuyên bố là hai nhà lãnh đạo đã đồng thuận là ngăn chặn vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn phải được thực hiện bằng mọi giá!


    Điều này cho thấy Tập Cận Bình đã quyết định bán đứng Bắc Hàn và Kim Jong-un, cho rằng chính quyền Bắc Hàn với tay độc tài trẻ này đã đi quá trớn và chỉ gây phiền toái nhiều cho Trung Hoa. Tập Cận Bình có thể đã tính toán là để lôi kép Đại Hàn về phe Trung Hoa, lá bài sau cùng sẽ là việc hạ bệ chính quyền hiện nay của Kim Jong-un, và chấp nhận để thống nhất hai miền Bắc Nam Hàn dưới sự lãnh đạo của bà Park Geun-hye. Chỉ có miếng mồi nhử này của họ Tập mới có thể làm lay chuyển được bà Park và khích động được dư luận dân chúng Đại Hàn để ngả về phía Trung Hoa.


    Điều lý thú là chính thủ tướng Shinzo Abe có thể đã nhận thức điều này và để chống lại thế liên minh Trung Hoa - Đại Hàn coi Nhật là kẻ thù lịch sử và hiện tại, Abe tuyên bố ngay trong ngày thứ năm 3 tháng 7 khi phi cơ của họ Tập vừa hạ cánh xuống phi trường của Đại Hàn, là Nhật sẽ giải toả một số cấm vận với Bắc Hàn. Ngoài ra thủ tướng Abe còn hứa hẹn có thể sẽ gặp Kim Jong-un trong ít tháng tới. Nên chú ý là Kim Jong-un chưa bao giờ gặp Tập Cận Bình và không được mời sang Bắc Kinh như bố của tay này đã thường sang Trung Hoa khi trước!


    Những diễn tiến gần đây cho thấy bàn cờ chiến lược của vùng Đông Á đang thay đổi nhanh chóng và đưa đến những hậu quả quan trọng. Nhật và Trung Hoa đang sửa soạn để tạo những thế đồng minh cho một cuộc chiến tranh Hoa - Nhật trong tương lai gần. Trung Hoa tìm cách để lôi kéo Đại Hàn về phe Trung Hoa, chống lại Nhật và bẻ gẫy thế kiềm tỏa Trung Hoa của Hoa Kỳ trên vùng Đông Bắc Á Châu. Trung Hoa có thể hy sinh Bắc Hàn để giải quyết mũi gai nhọn của Kim Jong-un và để kéo cả vùng bán đảo Triều Tiên vào quỹ đạo của Trung Hoa, cũng như làm mất đi một đồng minh của Hoa Kỳ.


    Nhật sẽ tái võ trang để trở thành cường quốc quân sự đối đầu với Trung Hoa. Nhật nhiều phần sẽ lập thế liên minh với Phi Luật Tân và Việt Nam để chống lại Trung Hoa và đây chính là một trong những hy vọng cần nắm lấy ngay của Việt Nam trước đe dọa của Trung Hoa hiện nay.


    Việt Nam đang ở vào thế dầu sôi lửa bỏng, không thể để lỡ cơ hội tạo những thế đồng minh nhằm chống lại Trung Hoa. Một dịp may chính quyền cộng sản Việt Nam đã bỏ lỡ là năm 2012, khi cựu bộ trưởng quốc phòng Leon E. Panetta viếng thăm Việt Nam và ghé vịnh Cam Ranh. Lúc đó là lúc chính quyền cộng sản Hà Nội phải mạnh dạn và tiến tới ngay trong việc thương thuyết để Hoa Kỳ trở lại Cam Ranh và làm bàn chắn cho quê hương trước những dã tâm của Trung Hoa lúc đó đã quá lộ liễu.


    Tuy nhiên bây giờ vẫn chưa muộn và chính quyền Hà Nội phải xúc tiến ngay những thương thuyết mới để Hoa Kỳ lập căn cứ hải quân tại Cam Ranh. Một tiến triển là gần đây chính phủ Hoa Kỳ có thể sẽ bỏ lệnh cấm bán vũ khí và trang bị quân lực cho Việt Nam, luật thuở xa xưa từ thời cuộc chiến miền Nam. Tân đại sứ của Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius, gần đây ra tường trình trước Thượng Viện đã khuyến cáo bỏ lệnh cấm vận về quân sự này. Gần đây hơn, ngoại trưởng John Kerry tuyên bố Hoa Kỳ sẽ cung cấp 18 triệu Mỹ Kim đồ trang bị về an ninh hàng hải cho Việt Nam.


    Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là sự có mặt của quân lực Hoa Kỳ tại Cam Ranh để đảm bảo là Trung Hoa sẽ không thể dùng quân lực xâm lăng quê hương. Những thế liên minh quân sự với các nước đang tranh chấp với Trung Hoa như Nhật, Phi Luật Tân là điều cần thiết để tạo một mặt trận chung nhằm đối phó với những dã tâm và hung hăng quân sự của Trung Hoa với các nước lân bang.


    Tóm lại, bàn cờ chiến lược hiện nay của vùng Đông Á đang thay đổi nhiều. Những tham vọng lãnh thổ của Trung Hoa, cũng như ý muốn hất chân Hoa Kỳ ra khỏi vùng Thái Bình Dương của Tập Cận Bình đã quá lộ liễu. Hoa Kỳ hiện đã dần thức tỉnh trước hiểm họa Trung Hoa, nhưng vấn đề là khi nào Hoa Kỳ mới có đủ cương quyết và chấp nhận những hậu quả, để triệt hạ Trung Hoa về kinh tế và tiêu diệt tiềm năng quân sự của xứ này, trước khi quá muộn!

  5. #5
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Kẻ thù phương Bắc




    Trung Hoa muôn đời vẫn là kẻ thù lịch sử của Việt Nam. Điều này đã được chứng minh rõ ràng hơn nữa khi Trung Hoa cho thiết lập dàn khoan dầu trên biển Đông Hải nằm trong vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam trong tuần lễ vừa qua. Dàn khoan dầu ngoài biển khơi của Trung Hoa này rất vĩ đại, là dàn khoan đầu tiên của Trung Hoa cho vùng biển sâu, trị giá 1 tỷ Mỹ Kim, với chiều ngang bằng cả một sân banh và chiều cao bằng một building 40 tầng lầu.


    Địa điểm của dàn khoan này được đặt tại vị trí 17 dặm bên ngoài đảo Hoàng Sa và cách bờ biển Việt Nam chỉ có 140 dặm. Vùng này nằm trên thềm lục địa của Việt Nam, theo luật lệ quốc tế, thuộc về vùng kinh tế đặc quyền exclusive economic zone của Việt Nam. Đầu tiên chính quyền Việt Nam tưởng rằng các tàu của Trung Hoa kéo dàn khoan vĩ đại đặt tên là Haiyang Shiyou 981 này đi một địa điểm khác. Nhưng khi biết rõ ràng Trung Hoa cho dừng việc kéo dàn khoan và bắt đầu dàn dựng tại địa điểm thuộc chủ quyền của Việt Nam, chính phủ Hà Nội đã cho 35 tàu tuần duyên ra đối phó. Trung Hoa cho 80 tầu ra và hai bên đã cho tầu đụng chạm nhau cũng như Trung Hoa cho bắn nước vòi rồng vào tàu Việt Nam, được chụp hình và phổ biến khắp nơi.


    Việc Trung Hoa cho kéo dàn khoan HS 981 ra đặt tại vị trí ngoài khơi của đảo Hoàng Sa là nơi đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Hoa, cũng như với các quốc gia khác như Mã Lai, Brunei, Phi Luật Tân, là một hành động cố tình khiêu khích và gia tăng cường độ tranh chấp để thách thức các quốc gia lân bang cũng như với Hoa Kỳ. Lý do là nhiều chuyên viên về địa chất đã cho rằng vùng biển chung quanh Hoàng Sa ít có triển vọng về mỏ dầu hỏa hay khí đốt. Gần đây nhất là bản tường trình năm 2013 của United States Energy Information Administration, cho rằng vùng biển gần Hoàng Sa đặc biệt không có dầu hỏa hay khí đốt.


    Dĩ nhiên công ty CNOOC, viết tắt tên China National Offshore Oil Corporation là công ty quốc doanh về dầu hỏa của Trung Hoa thừa biết điều này. Nhưng việc đưa dàn khoan HS 981 của công ty này ra đặt tại tọa độ trên thềm lục địa của Việt Nam không phải để tìm dầu nhưng chính là để theo chiến lược vạch ra của Tập Cận Bình trong việc đối phó với chủ trương quay trục pivot về Á Châu của Obama, như thể hiện trong chuyến công du 4 nước Á Châu vừa qua của Tổng Thống Hoa Kỳ Obama.


    Trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku giữa Nhật và Trung Hoa, Obama trong chuyến công du tháng trước đã khẳng định đứng về phía Nhật vì có hiệp ước phòng thủ hỗ tương giữa Nhật và Hoa Kỳ. Tại Phi Luật Tân, Obama tránh né câu hỏi trực tiếp liệu Hoa Kỳ có bảo vệ Phi nếu có xung đột quân sự giữa Phi Luật Tân và Trung Hoa, Obama chỉ trả lời “Áp lực và dọa nạt không phải là đường hướng tốt để giải quyết những tranh chấp này”. Nhưng ngày thứ sáu 9 tháng 5 vừa qua, sau khi bị công kích vì thái độ nhút nhát này của Obama, tòa Bạch Cung đã cho phụ tá cố vấn an ninh quốc gia là Benjamin Rhodes tuyên bố là Hoa Kỳ chống việc dùng võ lực đơn phương hay uy hiếp quân sự của Trung Hoa và Hoa Kỳ đang củng cố liên lạc quân sự với các đồng minh, kể cả Phi Luật Tân.


    Rhodes nhấn mạnh là Hoa Kỳ có hiệp ước phòng thủ hỗ tương với Phi, như một thứ nhắn nhủ cho Trung Hoa. Tuy nhiên các chuyên gia phân tích quân sự đã chú ý là Việt Nam không phải là đồng minh quân sự với Hoa Kỳ cũng như không có hiệp ước nào về phòng thủ quân sự với Hoa Kỳ. Vì thế điều rõ ràng là Tập Cận Bình đã cho dịu lại việc tranh chấp với Nhật và Phi và đã quay mũi dùi sang Việt Nam, để thử lửa Hoa Kỳ nhưng cũng muốn tránh một cuộc đụng độ trực tiếp với Hoa Kỳ.


    Đây chính là điều làm cho tình hình Việt Nam hiện nay nguy hiểm vô cùng cho một cuộc tấn công toàn diện của Trung Hoa nhằm chiếm cứ luôn lãnh thổ Việt Nam. Trung Hoa được khích lệ vì phản ứng của Hoa Kỳ cũng như Tây Âu quá yếu ớt trước việc Nga chiếm trọn bán đảo Crimea và sửa soạn để chiếm luôn vùng Đông Ukraine. Cả hai người Putin và Tập Cận Bình đã đánh giá Obama rất thấp và cho rằng Obama quá nhút nhát và hoàn toàn không dám dùng quân sự để giải quyết các việc tranh chấp. Điều này cho thấy trong cuộc nội chiến Syria, Obama đã đi sai nước cờ khi để cho nhà độc tài Assad dùng vũ khí hóa học giết hại dân lành và Obama đã lùi bước không dám cho bắn hoả tiễn Tomahawk diệt Assad như đã vạch ra lằn ranh đỏ dọa nạt Assad khi trước.


    Obama đã mất tất cả uy tín về quân sự khi đưa ra lời dọa nạt nhưng đã chùn chân. Việc mất uy tín này của Obama đã góp phần không nhỏ trong quyết định hung hăng của Putin đối với Ukraine cũng như của Tập Cận Bình trong việc khiêu khích Hoa Kỳ và đe dọa Việt Nam hiện nay. Việc coi thường Hoa Kỳ này càng làm cho thế đứng của Việt Nam bấp bênh hơn nữa. Vì với thế cô lập của Việt Nam hiện tại và cho rằng Hoa Kỳ với Obama sẽ không dám dùng quân sự để giải quyết các tranh chấp, Tập Cận Bình có thể đã tính toán là Việt Nam trở thành miếng mồi ngon cho Trung Hoa thanh toán và chiếm trọn lãnh thổ của Việt Nam mà không sợ phản ứng quá mạnh và bằng quân sự của Hoa Kỳ.


    Lý do nào đã khiến cho tình hình của quê hương việt Nam trở thành nguy hiểm như hiện nay, trước viễn ảnh xâm lăng và mất nước về tay Trung Hoa?
    Đảng cộng sản Việt Nam đã phạm nhiều lỗi lầm lớn lao và mang tội trước lịch sử và trước quê hương dân tộc vì đã để cho Việt Nam rơi vào tình trạng hiện nay.


    Trước hết, mặc dù đã có kinh nghiệm xương máu sau cuộc chiến biên giới 1979 với Trung Hoa, đảng cộng sản Việt Nam đã không ý thức được kẻ thù lịch sử của quê hương đang trở thành một thực lực đáng lo ngại. Đặng Tiểu Bình đã cho mở rộng kinh tế Trung Hoa và bắt đầu đưa được Trung Hoa vào đà gia tốc để phát triển kinh tế. Lịch sử mấy ngàn năm của chúng ta cho biết khi Trung Hoa mạnh là mối nguy cơ đã đến do kẻ thù muôn đời từ phương Bắc sẽ ôm mộng xâm lăng.


    Phải có cái nhìn tầm xa và tính toán để đề phòng hiểm họa xâm lăng một khi Trung Hoa phát triển kinh tế nhanh chóng và gia tăng chi tiêu về quân sự để tân tiến hóa quân lực. Đảng cộng sản Việt Nam với các chính quyền tiếp nối đã không biết sửa soạn và đề phòng cho hiểm họa Trung Hoa bằng cách phát triển kinh tế nhanh hơn và gia tăng chi tiêu về quân sự để phòng thủ, cũng như tạo các thế liên minh về quân sự với các nước Đông Nam Á khác, không phải chỉ về kinh tế như với các xứ ASEAN hiện tại.


    Sai lầm quan trọng khác xảy ra gần 10 năm trước, khi Hoa Kỳ muốn trở lại và đặt căn cứ quân sự tại Cam Ranh. Chính quyền cộng sản Việt Nam muốn đi dây giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa và dưới áp lực của Trung Hoa đã không thỏa thuận cho việc Hoa Kỳ lập căn cứ trở lại tại Cam Ranh. Đây là sai lầm vĩ đại đưa đến kết quả trực tiếp cho ngày nay với hiểm họa xâm chiếm lãnh thổ do Trung Hoa. Vì nếu Hoa Kỳ lập căn cứ quân sự tại Cam Ranh, không khi nào Trung Hoa có cơ hội và dám chiếm cứ Trường Sa và Hoàng Sa như hiện nay. Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ với căn cứ Cam Ranh sẽ không bao giờ để Trung Hoa ngăn chặn đường thủy đạo của hải quân Hoa Kỳ trên vùng biển Đông Hải. Và thế chiến lược kiềm tỏa Trung Hoa của Hoa Kỳ sẽ thành hình rõ ràng và trung Hoa không thể ngăn chặn được với căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại Cam Ranh sát nách phía Nam Trung Hoa.


    Trước giai đoạn hiện tại, Việt Nam có thể làm gì để đối phó với tình hình và nguy cơ xâm lăng của Trung Hoa?


    Trước hết trong giai đoạn gần, một vài biện pháp đã được đề nghị như đưa việc Trung Hoa xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và đơn phương đặt dàn khoan HS 981 trên thềm lục địa của Việt Nam ra tòa án quốc tế tại The Hague để phân xử và tố cáo trước dư luận quốc tế. Phi Luật Tân cũng đã làm việc này nhưng không đi đến đâu trong vụ tranh chấp đảo san hô Scarborough Shoal. Gần đây hơn trong tuần qua, Phi đã mạnh tay hơn sau khi Obama thăm xứ Phi và hứa hẹn đủ điều, cho bắt giữ 11 thủy thủ của Trung Hoa bắt giống rùa tuyệt chủng trong vùng biển tranh chấp giữa Phi và Trung Hoa gọi là Half Moon Shoal gần vùng đảo Spratly Islands. Phi Luật Tân hứa hẹn sẽ cho ra tòa xử và có thể sẽ bắt tù từ 12 đến 20 năm! Lý do Phi Luật Tân mạnh bạo hơn này hoàn toàn chỉ do được Obama hứa sẽ bảo vệ với hiệp ước hỗ tương phòng thủ!


    Điều này cho thấy trước nguy cơ xâm lăng của Trung Hoa hiện nay, con đường duy nhất để bảo vệ xứ sở chính là chiếc dù che của Hoa Kỳ. Chính quyền cộng sản Việt Nam cần phải mở lại cuộc thương thảo với Hoa Kỳ để Hoa Kỳ thiết lập căn cứ quân sự tại Cam Ranh trở lại. Hiện nay với thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Phi để Hoa Kỳ trở lại Subic Bay, lợi thế đòn bẩy của Việt Nam không còn nữa. Nhưng dù thế, Hoa Kỳ vẫn muốn một căn cứ với lợi thế thiên nhiên bậc nhất như Cam Ranh hơn Subic Bay. Và Cam Ranh là điạ điểm lý tưởng để hải quân Hoa Kỳ kiềm chế căn cứ tiềm thủy đĩnh nguyên tử của Trung Hoa tại đảo Hải Nam nên Cam Ranh vẫn còn được Hoa Kỳ mong muốn có thỏa thuận để trở lại.
    Dĩ nhiên việc điều đình để thiết lập một thỏa ưóc hỗ tương phòng thủ với chiếc dù quân sự to lớn của Hoa Kỳ che chở cho Việt Nam sẽ là điều căn bản trong cuộc thương thuyết nhường Cam Ranh làm căn cứ cho Hoa Kỳ.


    Việc thiết lập thế liên minh quân sự với các quốc gia ASEAN là điều phải làm, tuy hy vọng thành tựu khó khăn. Lý do là trong buổi họp Chủ Nhật 11 tháng 5 vừa qua tại Miến Điện giữa các nhà lãnh đạo các xứ ÁEAN, bản thông cáo chỉ nhắc đến mối quan tâm về các diễn biến trên vùng biển Đông Hải, không dám nhắc đến tên của Trung Hoa! Điều này cho thấy các xứ ASEAN trừ Việt Nam và Phi Luật Tân đều sợ hãi Trung Hoa, không muốn dính vào tranh chấp. Lý do là xứ nào cũng có mậu dịch quan trọng với Trung Hoa nên không muốn bị thiệt hại về kinh tế nếu đụng chạm đến Trung Hoa. Vì thế nếu có thế liên minh quân sự, Việt Nam chỉ có thể thuyết phục được Phi Luật Tân, các xứ khác một khi không thấy nguy cơ trước mắt, sẽ không muốn theo. Tuy nhiên nếu Trung Hoa càng ngày càng lộ dã tâm muốn thống trị cả vùng Đông Á, trong tương lai, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan có thể là những xứ lớn đủ để tạo một thế liên minh quân sự nhằm đối chọi với Trung Hoa.


    Thực sự, ngoài chiếc dù che của Hoa Kỳ nếu thỏa thuận được và nằm trong chiến lược kiềm tỏa Trung Hoa của Hoa Kỳ và phù hợp với quyền lợi của Hoa Kỳ, không có thế liên minh nào khác có đủ sức mạnh và khả năng để chống lại với Trung Hoa. Điều tốt nhất cho Việt Nam vẫn là Trung Hoa suy yếu và tan rã! Hoặc do Hoa Kỳ và thế giới Tây Phương tỉnh ngộ và ý thức đủ để đồng lòng triệt hạ kinh tế của Trung Hoa. Hoặc một cuộc chiến tranh giữa Nhật với Hoa Kỳ nhảy vào sẽ tiêu diệt tiềm năng quân sự của Trung Hoa và theo đó làm suy yếu và tan rã xứ này.


    Ngoài ra muốn đối phó với Trung Hoa trên căn bản lâu dài, chỉ còn cách tiến đến vũ khí nguyên tử theo đúng cân bằng Đồng Hủy Diệt (Mutual - assured destruction) như của thời chiến tranh lạnh mới có thể ngăn chặn dã tâm xâm lăng của Trung Hoa đối với Việt Nam. Hoặc Việt Nam cần có vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ đặt trên căn cứ quân sự Việt Nam nhường cho Hoa Kỳ một khi Hoa Kỳ cần có vòng đai nguyên tử để kiềm tỏa Trung Hoa. Hoặc Việt Nam cần một chương trình Manhattan chế tạo vũ khí nguyên tử ngấm ngầm với sự thỏa thuận che dấu của Hoa Kỳ để có kho vũ khí nguyên tử riêng đủ khả năng để tiêu diệt Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố lớn cận duyên của Trung Hoa một khi Chiến Tranh Thứ Ba sau cùng xảy đến!


  6. #6
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Thế liên kết Nga - Trung Hoa




    Việc Tổng Thống Putin của Nga sang Thượng Hải tuần lễ vừa qua để ký kết thỏa thuận bán khí đốt của Nga cho Trung Hoa, đã đánh dấu một giai đoạn mới trong thế chiến lược đa cực hiện nay của toàn cầu.
    Putin trong cuộc viếng thăm 2 ngày đã gặp Tập Cận Bình tại Thượng Hải và cả hai người đã ra lệnh cho hai phe thương thuyết làm việc suốt đêm để hoàn thành bản thỏa thuận trước buổi sáng Putin lên máy bay trở lại Moscow. Điều này cho thấy Putin và Tập Cận Bình đã nhất quyết để chứng tỏ cho Hoa Kỳ thấy Nga và Trung Hoa hiện nay đã chính thức đi vào thế liên kết để chống lại Hoa Kỳ trước những diễn biến gần đây trên cả hai vùng Ukraine và biển Đông Hải.


    Giao kèo bán khí đốt giữa hai công ty quốc doanh Gazprom của Nga và China National Petroleum Corporation của Trung Hoa đã được kết thúc nhanh chóng, không như trong suốt 10 năm qua, hai bên đã kỳ kèo về giá cả và việc tài trợ cho công trình xây cất hệ thống ống dẫn khí đốt từ Tây Bá Lợi Á sang Trung Hoa, kéo dài mãi không xong!
    Theo thoả thuận này, Nga sẽ cung cấp cho Trung Hoa 38 tỷ thước khối khí đốt mỗi năm, kéo dài trong 30 năm, trị giá lên đến 400 tỷ Mỹ Kim. Khí đốt của Nga được khai thác từ 2 mỏ thuộc vùng Tây Bá Lợi Á, sẽ được dẫn bằng hệ thống ống hơi dài 2500 dặm, chạy đến biên giới giữa Nga và Trung Hoa. Việc xây cất đường ống dẫn này sẽ được Trung Hoa tài trợ 30 tỷ Mỹ Kim và sẽ hoàn thành vào năm 2018.


    Trong việc liên kết Nga – Trung Hoa này, biểu tượng bằng thỏa thuận cung cấp năng lượng của Nga cho Trung Hoa, Putin đã nóng lòng để kết thúc thỏa thuận này hơn là Tập Cận Bình. Lý do là Putin đã thấm đòn vì đe dọa chế tài kinh tế của Hoa Kỳ và Tây Âu vì vụ Ukraine và Putin cần chứng tỏ là với viễn ảnh Tây Âu sẽ giảm thiểu việc mua khí đốt của Nga, Nga có ngay thị trường mới là Trung Hoa, không cần đến Âu Châu!


    Hiện nay mậu dịch giữa hai xứ Nga và Trung Hoa chỉ là 90 tỷ Mỹ Kim mỗi năm, so với mậu dịch Nga – Âu Châu là 370 tỷ. Nga và Hoa Kỳ chỉ có mậu dịch ít ỏi là 26 tỷ Mỹ Kim một năm. Đe dọa chế tài kinh tế Nga vì vụ Ukraine thực ra không làm Hoa Kỳ thiệt hại gì mấy vì con số mậu dịch quá thấp. Nhưng Âu Châu sẽ bị thiệt hại nhiều hơn nên ngay chính các xứ như Đức, Pháp không hào hứng gì lắm trong việc dùng biện pháp kinh tế để chế tài Nga. Ngoài ra việc Hoa Kỳ có xuất cảng được khí đốt đông lạnh nhờ vào việc khai thác shale oil bằng “fracking” sang Âu Châu cũng phải vài năm nữa mới thực hiện được. Nga có thể trả đũa ngay bằng cách ngưng xuất cảng khí đốt sang Tây Âu và cho dân các xứ này chết cóng mùa đông năm tới dễ dàng!


    Tuy nhiên kinh tế Nga cũng đang xuống nhiều vì vụ Ukraine và đe dọa chế tài của Tây Phương. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, kinh tế Nga cho năm nay chỉ tăng trưởng ở mức 0.2% và đang tiến tới suy thoái kinh tế. Nga cần xuất cảng nhiều hơn nữa về dầu hỏa và khí đốt để giữ vững kinh tế. Có thể nói hiện nay Nga là một thứ Saudi Arabia thứ hai vì kinh tế hầu như chỉ do việc khai thác và xuất cảng năng lượng, 67% nguồn lợi kinh tế do dầu hoả và khí đốt đem lại. Vì thế thỏa thuận giữa Nga và Trung Hoa về việc xuất cảng khí đốt này chính là đòn giải nguy cho Nga và đã vô hiệu hóa phần lớn những đe dọa về chế tài kinh tế Nga của Hoa Kỳ và Tây Âu.


    Trung Hoa cũng hưởng lợi với thỏa thuận mua khí đốt của Nga. Vì hiện nay Trung Hoa đang bị ô nhiễm trầm trọng do việc dùng các lò đốt than để chạy nhà máy điện. Bắc Kinh được coi như thành phố ô nhiễm bậc nhất. Trung Hoa cũng là xứ tạo ra nhiều chất ozone làm hại bầu khí quyển và hâm nóng địa cầu, qua mặt cả Hoa Kỳ và Âu Châu cộng lại. Nên việc dùng khí đốt sạch sẽ hơn sẽ làm Trung Hoa đốt than bớt đi và giảm thiểu được ô nhiễm và phá hoại môi sinh.


    Trên phương diện chiến lược, Trung Hoa cần tạo ra thế liên kết với Nga để chống lại Hoa Kỳ và Tây Âu vì Trung Hoa đã bắt đầu cảm thấy áp lực của chiến lược kiềm tỏa Trung Hoa của Hoa Kỳ. Trong các tranh chấp hiện nay trên biển Đông Hải, Hoa Kỳ đã ra mặt ủng hộ Nhật trong vụ tranh chấp đảo Senkaku và Phi Luật Tân trong vụ tranh chấp đảo Scarborough Shoal. Tuy không có hiệp ước hỗ tương phòng thủ với Việt Nam, Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng chống đối lại vụ Trung Hoa cho dàn khoan đao dầu ngoài khơi Hoàng Sa.


    Gần đây nhất là vụ Hoa Kỳ kết án và đưa lên danh sách FBI tầm nã 5 nhân vật trong quân lực Trung Hoa bị tố giác là hoạt động gián điệp ăn cắp các bí mật của các công ty tư nhân Hoa Kỳ. Bộ trưởng tư pháp Eric Holder họp báo tuần trước để tuyên bố về vụ kết án 5 nhân vật của quân lực Trung Hoa, hoạt động từ Thượng Hải, chuyên môn xâm nhập bằng Internet để lấy cắp các bí mật của các công ty Hoa Kỳ.
    Đây là một việc kết án đầu tiên về cyberwarfare đối với quân lực của một xứ ngoại quốc, điều chưa bao giờ xảy ra. Mặc dù chỉ có tính cách biểu tượng vì không khi nào Trung Hoa giải giao những nhân vật này sang Hoa Kỳ để ra tòa, nhưng điều này cho thấy chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu chú trọng về những hành vi gián điệp ăn cắp của Trung Hoa và công khai kết án, nhằm mở màn cho một chương trình rộng lớn nhằm triệt hạ kinh tế của Trung Hoa.


    Hành động kết án các nhân vật đầu não của Unit 61398 là tổ hoạt động gián điệp cyberwarfare của Hồng Quân Trung Hoa đặt tại Thượng Hải là dấu hiệu quan trọng vì Hoa Kỳ muốn công khai hóa thái độ thù nghịch của Trung Hoa cho quần chúng Hoa Kỳ và dư luận quốc tế thấy rõ. Đây chính là việc sửa soạn cho việc xác định Trung Hoa chính là kẻ thù nguy hiểm của Hoa Kỳ trong hiện tại và cho tương lai.


    Trong giai đoạn kế tiếp, nhiều phần chính quyền Obama sẽ cho liệt kê Trung Hoa là quốc gia lũng đoạn về tiền tệ, currency manipulator. Đây là nhiệm vụ của bộ Tài Chánh mỗi năm, thường chỉ đe dọa nhưng chưa bao giờ chính thức liệt kê Trung Hoa lũng đoạn tiền tệ, giữ cho giá trị đồng quan quá thấp so với đồng mỹ Kim để giữ lợi thế về xuất cảng hàng hóa sang Hoa Kỳ. Một số Thượng Nghị Sĩ như Schumer của tiểu bang New York đã đòi bộ Tài Chánh làm điều này để có cớ đưa ra những đạo luật ngăn chặn việc nhập cảng hàng hóa của Trung Hoa để bảo vệ việc làm cho nhân công Hoa Kỳ. Nhưng các chính quyền từ thời Bush đến Obama gần đây đều từ chối không dám làm, nhất là với cựu bộ trưởng tài chánh Timothy Geithner trước đây vì sợ sẽ bị trả đũa làm thiệt hại nhiều đến chính nền kinh tế Hoa Kỳ.


    Nhưng với việc hồi phục kinh tế sau thời kỳ Great Recession, chính quyền Obama thấy đã có thể dùng nhiều biện pháp để triệt hạ nền kinh tế Trung Hoa mà không sợ bị ảnh hưởng nặng làm suy thoái kinh tế Hoa Kỳ thêm. Ngoài ra thái độ hung hăng ngày càng quá mức của Trung Hoa đã làm Hoa Kỳ phải xét lại về nguy cơ đe dọa của chính Trung Hoa trên Hoa Kỳ. Nên có thể nói Hoa Kỳ đã bắt đầu tỉnh ngộ để đưa ra những chương trình nhằm làm suy yếu kinh tế Trung Hoa. Một khi bộ Tài Chánh Hoa Kỳ chính thức liệt kê Trung Hoa là lũng đoạn tiền tệ, các hàng hóa nhập cảng từ Trung Hoa sẽ có thể bị đánh tăng thuế quan tariff và có thể hạn chế các hàng hóa này. Nền kinh tế Trung Hoa tiến triển nhanh chỉ nhờ xuất cảng hàng hóa rẻ tiền sang Hoa Kỳ nên một khi bị đánh vào yếu điểm này, kinh tế Trung Hoa sẽ dễ dàng lụn bại.


    Cũng thế, dự trữ hối đoái của Trung Hoa lên đến hơn 3 trillion, phần lớn nằm dưới hình thức Treasury Bonds, Trung Hoa có thể trả đũa bằng cách bán tống bán tháo các công khố phiếu này của Hoa Kỳ để hại kinh tế Hoa Kỳ. Nhưng như Federal Reserve đã chứng minh với 3 kỳ quantitative easing, cơ quan này chỉ việc in tiền ra vô tội vạ để mua lại các Treasury Bonds này để ổn định thị trường và đồng thời phá giá đồng Mỹ Kim. Kết quả sẽ là Hoa Kỳ danh chánh ngôn thuận quịt nợ của Trung Hoa vì giờ đây giá trị của đồng Mỹ Kim và của Treasury Bonds chỉ còn một phần ba, phần tư, Trung Hoa sẽ thấy tiền không cánh mà bay gần hết!


    Kinh tế Trung Hoa hiện nay có thể mô tả là một quả bóng bubble vĩ đại, càng ngày càng căng phồng. Nhưng bất kỳ một quả bóng nào khi căng quá cũng sẽ bể, càng căng nhiều càng bể lớn. Mọi phương diện của kinh tế Trung Hoa như đầu tư vào nhà cửa và xây cất các khu buildings vĩ đại không người ở, là một quả bóng lớn lao. Hệ thống ngân hàng và tín dụng của Trung Hoa thực sự đang ở trong tình trạng vỡ nợ. Nhưng chỉ vì sự kiểm soát độc tài của chính quyền nên chưa vỡ tan. Những hệ thống ngân hàng trong bóng tối gọi là shadow banking của Trung Hoa hiện nay đã trở thành quá lớn mạnh, có thể làm vỡ tan kinh tế Trung Hoa bất cứ lúc nào một khi chính quyền không ngăn chặn được nữa.


    Đây chính là lúc Hoa Kỳ dùng mũi kim nhọn để chọc bể quả bóng vĩ đại nhất trong lịch sử là Trung Hoa. Làm suy yếu nền kinh tế Trung Hoa là việc phải làm đầu tiên trong chiến lược kiềm tỏa Trung Hoa của Hoa Kỳ. Ngăn chặn Trung Hoa ăn cắp hết các bí mật về quân sự của Hoa Kỳ bằng cyberwarfare như Unit 61398 đã làm tại Thượng Hải từ bấy lâu nay tuy muộn nhưng vẫn còn hơn không. Thật ra Hoa Kỳ như kẻ mất bò mới lo rào chuồng. Hầu như tất cả các tiến bộ về quân sự gần đây của Trung Hoa đều do ăn cắp các bí mật của các công ty về quốc phòng của Hoa Kỳ. Nên việc dùng cyberwarfare để chống lại những ăn cắp này và đồng thời phá hoại quân sự của Trung Hoa là điều bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện.


    Nhưng trên phương diện chiến lược địa dư, kiềm tỏa Trung Hoa sẽ bắt buộc Hoa Kỳ phải đặt trọng tâm vào việc bảo vệ các quốc gia lân bang với Trung Hoa, trong đó có Việt Nam. Việc chính quyền Việt Nam phải dân chủ hóa và mau chóng thương thuyết với Hoa Kỳ để Hoa Kỳ thiết lập căn cứ tại Cam Ranh là điều phải làm càng sớm càng tốt, cũng như thương thảo để có một hiệp ước hỗ tương phòng thủ với Hoa Kỳ như trường hợp của Nhật và Phi Luật Tân là điều cốt yếu.


    Tóm lại thế liên kết của Nga và Trung Hoa hiện nay đã thành hình trong thế đa cực của toàn cầu với hai trục chính ở vào thế đối chọi nhau là Nga – Trung Hoa và Hoa Kỳ – Tây Âu. Quê hương Việt Nam chúng ta đang ở vào thế rất bấp bênh chỉ vì ở vào thế cô lập và những thành phần thân Tàu trong chính quyền còn quá nhiều. Việc loại trừ những thành phần Lê Chiêu Thống này là điều phải thực hiện ngay. Cũng như đi vào thế liên minh với Hoa Kỳ để bảo vệ quốc gia trước đe dọa xâm lăng của kẻ thù lịch sử muôn đời của chúng ta là Trung Hoa vậy.


  7. #7
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Âu Châu giảm phát




    Âu Châu hiện đang trên con đường giảm phát deflation. Dấu hiệu rõ ràng nhất là ngày thứ năm 5 tháng 6 vừa qua, Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu tuyên bố sẽ bắt đầu cho lãi xuất trở thành âm, negative interest rate, đối với các ngân hàng của Âu Châu để tiền tại Ngân Hàng Trung Ương. Đây là việc làm không tiền khoáng hậu của bất kỳ một ngân hàng trung ương nào, chưa bao giờ được dùng trên căn bản một thị trường lớn lao như của Âu Châu. Ngay chính Ngân Hàng Trung Ương Federal Reserve Bank của Hoa Kỳ cũng chưa dám xử dụng đến phương thức này!


    Lý do là vì khi phải xử dụng đến cách cho lãi xuất thành âm, có nghĩa Ngân Hàng Trung Ương đã gần như tuyệt vọng, không biết làm gì khác hơn để cứu vãn tình thế! Thực sự mức lãi xuất âm này rất nhỏ, chỉ là - 0.1% và chỉ áp dụng khi một ngân hàng thương mại ở Âu Châu có quá nhiều tiền của khách hàng cho vào trương mục, nhưng không dám cho vay ra bằng tiền này vì kinh tế quá yếu và sợ bị mất vì người vay quịt nợ! Ngân hàng thương mại này đưa tiền vào Ngân Hàng Trung Ương để giữ hộ. Bình thường sẽ được Ngân Hàng Trung Ương trả tiền lời trên số tiền dư này, tuy không nhiều nhưng cũng là cách giúp cho ngân hàng thương mại kiếm tiền và sống sót!


    Nhưng khi kinh tế quá yếu kém như tại Âu Châu hiện nay, đi vay tiền của ngân hàng để làm ăn rất khó khăn vì các ngân hàng sau vụ Đại Suy Thoái 2008, như chim sợ cành cây cong, đã không dám cho giới doanh nhân làm ăn vay tiền, chỉ thủ thế bằng cách để tiền tại Ngân Hàng Trung Ương, kiếm lời chút đỉnh! Nhưng khi làm thế các ngân hàng thương mại này đã làm kinh tế đứng khựng một chỗ và kinh tế đã yếu kém lại càng chôn chân không chạy được vì ngân hàng không cho vay tiền, kinh tế không chỗ phát triển.


    Mario Draghi là chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu, trông coi hệ thống ngân hàng và tín dụng của 18 xứ Âu Châu dùng tiền euro, trước đây đã tuyên bố là không muốn dùng đến cách thức lãi xuất âm, nhưng hứa hẹn là sẽ dùng mọi phương pháp để giữ vững đồng euro cũng như kích thích kinh tế Âu Châu. Việc Draghi phải dùng đến tuyệt chiêu cuối cùng là lãi xuất âm, có nghĩa kinh tế của Âu Châu đã đi vào con đường tệ hại nhất là giảm phát deflation.
    Không điều gì làm các kinh tế gia sợ hãi cho bằng kinh tế mắc vào bãi lầy càng cựa quậy càng lún như giảm phát deflation. Như kinh nghiệm của thời Great Depression thập niên 30’s cho thấy, khi deflation đã thắt chặt nền kinh tế, gần như không còn cách thức nào về kinh tế có thể cứu vãn hiệu quả nhanh chóng được.


    Ngay cả những chương trình tung tiền ra để làm các việc công như xây cất cầu cống đường xá như của Tổng Thống Roosevelt với chương trình New Deal cũng chỉ có tác dụng hữu ích nhỏ. Phải đến khi Đệ Nhị Thế Chiến xảy ra để xử dụng nhân công vào chiến tranh và giải quyết nạn thất nghiệp bằng cách bắt đi lính đánh trận, mới làm chấm dứt được nạn giảm phát deflation thời đó!
    Kinh nghiệm gần đây của Nhật Bản rơi vào nạn giảm phát deflation sau khi các quả bóng chứng khoán và địa ốc vỡ tan hồi thập niên 80’s đã làm quốc gia này ở trong tình trạng không phát triển được vì giảm phát deflation kéo dài đã gần 30 năm, mọi biện pháp của Ngân Hàng Trung Ương Nhật đưa ra gần như vô hiệu quả!


    Giảm phát deflation đáng sợ ở chỗ nào? Trái ngược với lạm phát inflation là giá cả hàng hóa nhu yếu phẩm mỗi ngày mỗi tăng, đồng tiền mất giá trị dần, giảm phát deflation là tình trạng ngược lại, mọi thứ đều đi xuống và càng ngày giá hàng càng rẻ! Với lạm phát, ta cần phải mua đồ ngay vì ngày mai giá sẽ cao hơn, giảm phát có tác dụng ngược lại. Không ai muốn mua ngay bây giờ vì để lại vài ngày nữa, giá đồ sẽ rẻ hơn, càng đợi lâu càng có lợi vì để lâu hơn, giá chỉ còn một nửa hay một phần ba! Đối với một người hay một gia đình thì không đáng kể, như khi tất cả mọi người đều cùng hành xử như thế, kinh tế sẽ chết dí, không còn ai mua bán gì nữa, vì chỉ đợi nhau! Không ai dám sản xuất nữa vì khi phải mua vật liệu giá cao ngày hôm nay, nhưng làm xong đồ vài ngày sau mới bán được, giá bán chỉ còn một phần của giá vốn và vật liệu khi trước, hỏi ai còn dám sản xuất gì nữa!


    Tình trạng này hiện đang xảy ra nặng nhất tại các quốc gia miền Nam Âu Châu, như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý Đại Lợi nơi kinh tế đi vào suy thoái nặng từ năm 2008 đến nay. Thí dụ điển hình như như tại Madrid thủ đô Tây Ban Nha, một tiệm làm tóc hair salon cho biết trước kia làm một cái đầu được trả 30 euros, khoảng 40 Mỹ Kim. Trong mấy năm gần đây giá xuống dần, còn 20 euros, rồi 10 euros, nay chỉ còn được 5 euros! Thợ làm trước kia 20 – 30 thợ cho nghỉ dần, giờ chỉ còn chủ và hai ba người thợ. Tiệm cũng sắp đóng cửa luôn vì một chỗ làm tóc khác cạnh tranh chỉ còn 3 euros một cái đầu, xuống giá nữa không đủ sở hụi trả tiền nhà!


    Tại Athens, thủ đô Hy Lạp, một người môi giới mua bán nhà broker cho biết cả năm nay không bán được căn nào, đang hy vọng bán một căn 200.000 euros cho người muốn mua. Phút chót trước khi làm giấy tờ closing, người mua bỏ, lý do là tính toán với deflation, đợi thêm 6 tháng nữa, giá nhà sẽ chỉ còn chừng 120,000 euros, lúc đó mua cũng chưa muộn! Nhưng khi căn nhà không bán được, điều đó có nghĩa người broker mất tiền commission, người làm giấy tờ mất tiền, văn phòng luật sư sẽ phải cho nhân viên nghỉ việc vì mất tiền…….. Các phản ứng dây chuyền này cho thấy kinh tế của các xứ trên sẽ càng lúc càng rơi vào suy thoái nặng, đúng hơn là ở mức Great Depression như của thế kỷ trước!


    Hiện nay mức thất nghiệp của toàn vùng Âu Châu là 12%, so với Hoa Kỳ chỉ là 6.3%. Nhưng các xứ miền Nam Âu Châu, mức thất nghiệp vẫn ở cỡ 20%, chưa hồi lại gì mấy so với các năm trước. Ngay như Pháp, tuy khá hơn Tây Ban Nha hay Hy Lạp, cũng đã bắt đầu thấy kinh tế yếu hơn và mức thất nghiệp vẫn ở mức cao nhiều. Xứ có kinh tế khá nhất là Đức, được coi là đầu tàu cho cả vùng Âu Châu. Nhưng những chính sách về kinh tế khắc khổ Đức áp đặt lên các quốc gia Âu Châu khác đã làm cho kinh tế các quốc gia còn lại trong khối Liên Hiệp Âu Châu khó lòng thoát ra khỏi tình trạng suy thoái và giảm phát deflation như hiện nay.


    Thực sự đầu dây mối nhợ của tình trạng deflation cho Âu Châu nhiều phần là vì chính sách sai lầm về kinh tế của các chính quyền xứ này. Như kinh nghiệm của thời Great Depression cho thấy, chính phủ phải tung tiền ra kích thích kinh tế như John Maynard Keynes, kinh tế gia nổi tiếng của Anh thời thập niên 30’s đã chủ trương, mới có thể cứu vãn kinh tế và kích thích đủ để không rơi vào tình trạng giảm phát. Nhưng các chính quyền đặc biệt như tại Đức vẫn còn bị ám ảnh vì thời siêu lạm phát hyperinflation của chính phủ Weimar trước thời Đức Quốc Xã, nên chủ trương phải cắt giảm chi tiêu và thăng bằng ngân sách. Đây là sai lầm lớn lao và đã đẩy các quốc gia nhận tiền giúp của Ngân Hàng Âu Châu, do Đức lung lạc, phải cắt giảm chi tiêu và làm kinh tế càng lụn bại hơn trước để rơi vào deflation giảm phát!


    Đây là lý do chính cho thấy sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và Âu Châu. Hoa Kỳ sau cuộc khủng hoảng 2008, đã tung tiền vào hệ thống ngân hàng và tín dụng như chương trình TARP để cứu các hệ thống tài chánh, cũng như Federal Reserve đã in ra hàng vài trillions trong các đợt quantitative easing để kích thích kinh tế. Trái ngược lại Âu Châu do ảnh hưởng của Đức đã thắt chặt để thăng bằng ngân sách, đi ngược lại với chủ trương của Keynes về kinh tế. Đây chính là bài học đắt giá và kinh nghiệm xương máu cho các xứ Âu Châu, có rơi vào giảm phát cũng chỉ vì cứng đầu không tin vào lý thuyết kinh tế của Keynes!


    Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa nhất cho sự giảm phát và suy thoái kinh tế của Âu Châu, cũng như sự khó khăn hồi phục kinh tế của Hoa Kỳ, là sự chậm trễ ý thức về hiểm họa Trung Hoa của thế giới Tây Phương. Có thể nói Trung Hoa đã ăn tươi nuốt sống nền kinh tế của Âu Châu cũng như của Hoa Kỳ bằng cách chiếm đoạt hết các kỹ nghệ về sản xuất manufacturing của Tây Phương. Đồng thời Trung Hoa đã dùng đủ mọi phương tiện gian manh nhất để ăn cắp kỹ thuật, cũng như chiếm đoạt thị trường bằng những mánh khóe bất hợp pháp và bẩn thỉu nhất. Nhưng Hoa Kỳ và Tây Âu cũng như Nhật Bản đã mù quáng tôn trọng tự do mậu dịch, tự do cạnh tranh và mở cửa thị trường cho Trung Hoa như mời kẻ cướp vào nhà để chiếm đoạt hết!


    Thế giới Tây Phương với Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật đã bắt đầu nhận thức dần hiểm họa Trung Hoa. Nhưng vẫn chưa có đủ những biện pháp hữu hiệu và rộng lớn để triệt hạ kinh tế Trung Hoa. Điều sai lầm khác nữa là với kinh tế yếu kém, một số viên chức như cựu bộ trưởng kinh tế Timothy Geuthner đã cho rằng ngăn chặn Trung Hoa sẽ bị trả đũa và làm thiệt hại cho Hoa Kỳ nhiều. Nhưng đây chính là nhận xét thiển cận và thiếu thông minh của một số các viên chức cầm quyền của các chính quyền Hoa Kỳ và Tây Âu.
    Vì triệt hạ kinh tế Trung Hoa mới chính là bước đầu để đưa đến hồi phục kinh tế cho cả Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản. Ngăn chặn hàng hóa nhập cảng từ Trung Hoa là việc phải làm đầu tiên. Dùng những biện pháp về thuế má để các công ty đưa những công việc về chế tạo sản xuất trở lại Hoa Kỳ hay Âu Châu là việc kế tiếp. Ngưng tất cả những đầu tư và chuyển nhượng kỹ thuật cho các công ty Trung Hoa là điều phải làm ngay. Ngăn chặn để Trung Hoa không thể ăn cắp những bí mật về chế tạo, về tài chánh và điều hành của các công ty Hoa Kỳ và Âu Châu là điều các chính quyền Tây Phương tuy chậm nhưng cũng đang bắt đầu thực hiện.


    Điều quan trọng hơn cả là song song với triệt hạ kinh tế Trung Hoa, ngăn chặn và tìm cách tiêu hủy tiềm năng quân sự của Trung Hoa là điều Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật Bản phải chú tâm để ngăn ngừa các dã tâm và tham vọng bành trướng lãnh thổ của xứ này.
    Tóm lại, những khó khăn về kinh tế hiện nay của thế giới Tây Phương có thể qui phần lớn cho Trung Hoa. Việc nhận thức hiểm họa của con quái vật khổng lồ là Trung Hoa này và có những biện pháp để ngăn ngừa và chặn đứng là điều thế giới Tây Phương phải thực hiện để giữ vững cho nền hòa bình và an nguy cho cả toàn cầu trong tương lai sắp đến.


  8. #8
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Obama và chủ thuyết bất can thiệp




    Những diễn biến gần đây tại Iraq cho thấy Tổng Thống Obama của Hoa Kỳ đã đi theo đường hướng không can thiệp vào Trung Đông và nhất quyết không muốn dính vào dù có tệ hại đến thế nào đi nữa!
    Chiều hướng đối ngoại bất can thiệp này của Obama có thể đặt tên là “Chủ thuyết Obama” (Obama doctrine). Như các tổng thống tiền nhiệm thường được dùng tên mình để đặt cho một đường lối ngoại giao quan trọng và ảnh hưởng lâu dài đến toàn cầu. Như Tổng Thống Eisenhower thời xưa đã được đồng hóa với chủ thuyết kiềm tỏa Sô Viết trong cuộc chiến tranh lạnh. Tổng Thống Reagan có chủ thuyết tạo dựng quân sự cho Hoa Kỳ thành bá chủ và siêu cường độc nhất.
    Ngay Tổng Thống George W Bush cũng có thời đã cố gắng đưa ra chủ thuyết mới là đem dân chủ đến cho những xứ Ả Rập Hồi Giáo, bắt đầu bằng Iraq để lan tràn khắp nơi! Thực ra chủ thuyết này của Bush chỉ là cách để biện minh cho sự sai lầm sau khi xâm lăng Iraq vì tình báo bậy là Saddam Hussein có vũ khí tập thể. Khi kiếm không ra vũ khí sát hại tập thể nào, Tổng Thống Bush đã phải nặn óc với các cố vấn để biện minh là cuộc chiến Iraq có mục đích tạo đầu cầu dân chủ cho cả vùng.
    Dĩ nhiên đây chỉ là ngụy tạo để cố gắng chứng minh cho những sai lầm của Bush. Vì Iraq trở thành quá tệ hại, dân chủ đâu không thấy, chỉ thấy chết chóc, nội chiến và tan rã ra làm 3 mảnh như những diễn tiến trong tuần qua cho thấy!


    Hầu như tất cả mọi người đều ngạc nhiên khi tổ chức quá khích gọi là ISIS, viết tắt của Islamic State of Iraq & Syria đã chiếm cứ các thành phố lớn của Iraq về phía Bắc và gần biên giới với Syria, chỉ trong vòng một tuần lễ và đe dọa ngay chính thủ đô Baghdad. Tổ chức khủng bố này của nhóm Sunni quá khích và cuồng tín đến mức tối đa, hung bạo đến nỗi chính Al-Qaeda đã phải khai trừ vì nhóm này giết hại ngay những người Hồi Giáo khác không cùng chủ trương. Nhóm ISIS được cầm đầu do Abu Bakr al-Baghdadi, cuồng sát đến mức ngay chính Zawahiri, thủ lãnh Al-Qaeda bây giờ thay thế Osama bin-Laden, cũng không chịu nổi. Trước kia tổ chức ISIS trực thuộc Al-Qaeda, nhưng khi ISIS chặt đầu các đối thủ và quay video các màn chặt đầu này rồi bỏ lên Internet, Zawahiri tuyên bố khai trừ vì ISIS đã tạo tiếng xấu cho Al-Qaeda!!!


    Tổ chức khủng bố ISIS hiện chỉ gồm hơn chục ngàn người, khoảng 6000 quân tại Iraq, từ 3000 – 5000 quân tại Syria. Trong số này có khoảng 1000 người đến từ các xứ khác, như Chechnya thuộc Nga, một số đến từ Pháp và Anh và vài nước Âu Châu khác, toàn là dân Hồi Giáo lớn lên tại Âu Châu nhưng cuồng tín và gia nhập nhóm thánh chiến gọi là jihad này. Các xứ Âu Châu hiện rất ngại vì những tay này là công dân các xứ trên, có thể sẽ trở về khủng bố các xứ Âu Châu sau này. Hoa Kỳ hiện có ít jihadist loại này, nhưng cũng có một ít trường hợp lẻ tẻ đến từ Hoa Kỳ. Một tay ôm bom tự sát gần đây được biết là người Hoa Kỳ đến từ Florida!


    Trong sáu tháng vừa qua, nhóm ISIS đã bắt đầu tung hoành tại Iraq, chiếm giữ thành phố Falluja, nơi Hoa Kỳ đã thiệt hại bao nhiêu lính khi đánh nhau với quân phiến loạn những năm trước đây. Sau đó là thành phố Ramadi, thủ đô của vùng Anbar province và Samarra về phía Bắc của Baghdad. Mỗi ngày ISIS cho nổ bom giết hại bao nhiêu thường dân của Baghdad, từ đầu năm đến nay đã có 5,400 người thiệt mạng do ISIS giết.
    Trong khi đó chính quyền của thủ tướng Maliki lại chơi trò chia rẽ, đẩy hết những thành phần theo phe Sunni ra khỏi chính quyền, bao nhiêu chức vụ để cho dân Shiite nắm giữ cả. Trong năm 2012, phó tổng thống gốc Sunni tên là Tariq al-Hashemi đã phải bỏ trốn ra ngoại quốc khi chính quyền thủ tướng Maliki cho xử tội và lên án tử hình khiếm diện! Vì thế nhóm Sunni của Iraq đã quay mặt để hợp tác với khủng bố ISIS để chống chính quyền Shiite của thủ tướng Maliki. Trong số này là những tướng tá cũ của Saddam Hussein thời xưa, ra tay trợ giúp ISIS để trở thành một lực lượng quân sự đáng kể.


    Đây chính là lý do để ISIS thành công trong những trận đánh chớp nhoáng chiếm giữ toàn vùng phía Bắc Iraq trong tuần qua. Như vào ngày 10 tháng 6 vừa qua, chỉ có 1,500 quân jihadists thánh chiến đã tấn công thành phố Mosul là thành phố lớn thứ nhì của Iraq, chỉ sau Baghdad. Quân đội Iraq của thủ tướng Maliki nhiều hơn gấp 15 lần nhưng khi ISIS tấn công đã bỏ vũ khí, cởi quần áo lính thay đồ thường dân và bỏ chạy hết! Đây là quân đội Iraq đã được Hoa Kỳ huấn luyện tốn phí hàng chục tỷ Mỹ Kim, nhưng hoàn toàn không có tinh thần chiến đấu! Lính Iraq này khi ra khỏi nhà đã mặc sẵn quần áo thường dân bên trong, để lỡ có đụng trận sẽ lập tức cởi đồ áo quần lính để chạy ngay!
    Khi Mosul thất thủ, quân ISIS đã vào chiếm hết các vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp bị quân đội Iraq tẩu toán bỏ lại, gồm xe tăng, vũ khí nặng, đạn dược. Ngay cả 6 chiếc trực thăng Black Hawk tối tân nhất cũng bị quân ISIS chiếm giữ. Nhóm này còn công khai ngạo Hoa Kỳ trên Twitter và các social media khác, yêu cầu Hoa Kỳ giữ bảo đảm warranty để bảo trì 6 chiếc trực thăng Black Hawk này cho quân ISIS xử dụng! Ngoài ra quân ISIS lấy được tiền trong ngân hàng của Mosul số tiền lên đến 430 triệu Mỹ Kim. Các tù nhân trong các nhà tù của Mosul cũng được thả hết để gia nhập quân của ISIS.


    Sau khi chiếm Mosul, nhóm quân ISIS đã tiến về phía Nam trên xa lộ nối với thủ đô Baghdad, các thành phố nhỏ lần lượt bị chiếm và thành phố Tikrit vốn là nơi sinh trưởng của Saddam Hussein, cũng bị ISIS chiếm giữ, chỉ cách Baghdad có 87 dặm về phía tây bắc. Trong mấy ngày vừa qua, các thành phố nhỏ về phía đông của Iraq sát dọc theo biên giới với Syria cũng đã bị ISIS chiếm và kiểm soát.
    Như thế chỉ trong vài tuần lễ, quân ISIS hợp với nhóm Sunni, quân đội cũ của Saddam Hussein đã chiếm gần nửa xứ Iraq là những vùng có nhóm Sunni nhiều. Trong khi đó về phía Bắc sát với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm dân Kurds là thiểu số của Iraq đã chiếm thành phố Kirkuk với nhiều mỏ dầu hỏa và thành phố Erbil. Dân Kurds có mộng tạo ra quốc gia độc lập gọi là Kurdistan gồm vùng biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Syria.

    Như thế Iraq đã bị chia ra làm 3 vùng, vùng dân Kurds nắm giữ và kiểm soát về phía Bắc, phần giữa là nhóm dân Sunni nay đã bị ISIS chiếm hết và vùng phía Nam Iraq do dân Shiite là đa số do chính quyền của thủ tướng Maliki kiểm soát. Thực sự nhóm Shiite vẫn là đa số và với mức tấn công của ISIS, đã bắt đầu huy động dân Shiite chống lại dân Sunni và ra mặt trận để đánh nhau với ISIS. Nội chiến như vậy đã trở thành điều hiển nhiên.


    Hiện nay Hoa Kỳ vẫn giữ thái độ chờ xem, chỉ ra những thông cáo suông, kêu gọi Maliki phải hợp nhất hơn và đưa các dân thiểu số vào chính quyền. Bên trong, có lẽ chính quyền của Obama đã phủi tay, mặc kệ cho những chỉ trích của phe Cộng Hòa như Thượng nghị Sĩ McCain và một số nhân vật khác, chê trách Obama đủ điều về chuyện rút khỏi Iraq quá sớm, không để một số quân Hoa Kỳ ở lại để giữ ổn định tình thế hơn.
    Obama trước những công kích này chỉ tuyên bố là sẽ cho 300 lính của Lực Lượng Đặc Biệt sang, nhưng chỉ dưới danh nghĩa cố vấn, không tham dự chiến trận. Ngoài ra Obama vẫn giữ thái độ quan sát, chưa quyết định hẳn có cho oanh tạc hay dùng phi cơ không người lái drones để giúp quân đội Iraq của Maliki hay không?!


    Thực sự Obama đang ở vào tình trạng rất khó xử. Thâm tâm Obama không còn muốn dính một chút nào vào vùng Trung Đông. Nhất là Iraq, nơi Obama đã cho rút hết quân và lấy thành tích coi như một thành công lớn khi chính quyền Maliki đứng vững trong hai năm qua. Nhưng bây giờ với quân ISIS ở cửa ngõ của Baghdad đe dọa tấn công, Obama khó làm ngơ. Nhất là khi ISIS chiếm cả vùng trên và bắt đầu để tạo hẳn ra một quốc gia mới gồm một phần của Syria và phần vừa chiếm của Iraq, gọi là caliphate, như vương quốc Hồi Giáo ngày xưa, với luật lệ khắt khe cuồng tín của Hồi Giáo.
    Một khi ISIS lập được hẳn một quốc gia như thế, đây sẽ là lò huấn luyện cho các quân khủng bố để trở về Âu Châu và Hoa Kỳ để thực hiện các cuộc khủng bố khác trên toàn thế giới Tây Phương. Như vụ khủng bố ngày 24 tháng 5 vừa qua tại Bỉ, khi một quân khủng bố đã từng tham dự cuộc chiến tại Syria, đã bắn chết 4 người Do Thái tại bảo tàng viện Do Thái tại Bỉ. ISIS đã có trung tâm huấn luyện khủng bố trong vùng sa mạc của Syria gần thành phố Raqqa của Syria là vùng ISIS đã kiểm soát nhiều tháng qua. Vì thế để ISIS tự tung tự tác hoành hoành và huấn luyện khủng bố để trở về Hoa Kỳ và Âu Châu là điều chính quyền Obama khó lòng chấp nhận được. Tuy nhiên bản chất của Obama là không muốn can thiệp vào bất cứ chuyện gì tại Trung Đông nữa và tránh né được chừng nào hay chừng đó.


    Như thế chủ thuyết Obama bất can thiệp đã trở thành một lộ trình cho chính sách của Hoa Kỳ trong hai năm còn lại của chính quyền Obama. Ngay tại Syria, dù dân đã chết lên vài trăm ngàn vì sự khát máu của nhà độc tài Assad, cũng không làm Obama đổi ý để can thiệp. Như cuốn sách “Hard Choices” của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton mới xuất bản cho thấy, những việc làm có tính cách diều hâu trước đây của Obama gần như đều do ảnh hưởng của Hillary! Như vụ Lybia, bộ trưởng quốc phòng Robert Gates thời đó không muốn dính vào, phó tổng thống Biden cũng khuyên không nên. Chỉ vì có Hillary Clinton thúc đẩy nên Obama mới tham dự theo sau Pháp và Anh, gọi là “lãnh đạo đằng sau” (lead from behind)! Nhờ thế mới diệt được nhà độc tài Qaddafi. Vụ giết Osama bin Laden tại Pakistan cũng phải có Hillary đốc thúc Obama mới ra lệnh tiến tới!


    Điều rõ ràng là Tổng Thống Obama hoàn toàn là bồ câu và chủ thuyết bất can thiệp của Obama sẽ làm cho Hoa Kỳ chạy trốn các nhiệm vụ cảnh sát toàn cầu cũng như đi vào thế cô lập hóa isolationism trong 2 năm tới, trước khi Obama hết nhiệm kỳ. Đây chính là lý do tại sao Putin của Nga đã hung hăng trong vụ Ukraine. Và Tập Cận Bình đã ngang nhiên cho xâm chiếm vùng biển Đông của Việt Nam mà không e ngại gì phản ứng của Hoa Kỳ. Họ Tập đã đánh giá Obama rất thấp khi gặp gỡ hai năm trước tại trang trại ở California khi họ Tập mới nhậm chức và Obama mới đắc cử kỳ 2. Chính vì nhận thức Obama quá bồ câu, chỉ muốn thương thuyết, không muốn dùng đến quân sự, nên Tập Cận Bình mới dám hung hăng trong vụ đảo Senkaku của Nhật và Đông Hải của Việt Nam.


    Tóm lại, chủ thuyết bất can thiệp của Obama đã làm suy yếu Hoa Kỳ nhiều và tạo cơ hội cho các kẻ thù của Hoa Kỳ có thể tác oai tác quái như hiện nay. Có lẽ chúng ta phải chờ một Tổng Thống mới của Hoa Kỳ, hoặc Tổng Thống Hillary Clinton hay một Tổng Thống Cộng Hòa khác mới có thể triệt hạ được Trung Hoa và đem lại an bình hơn cho vùng Đông Á cũng như cho toàn cầu.

  9. #9
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Thế đa cực toàn cầu



    Sau khi Sô Viết sụp đổ, thế lưỡng cực của toàn cầu với Hoa Kỳ và Sô Viết đối chọi nhau không còn nữa. Hoa Kỳ trở thành siêu cường quốc duy nhất của toàn cầu, trong thế đơn cực kéo dài gần 30 năm qua. Nhưng thế đơn cực là một trạng thái bấp bênh nhất và không thể bền lâu. Dù Hoa Kỳ vẫn ở thế thượng phong với quân lực hùng mạnh nhất và là cường quốc kinh tế số một, thế đa cực của toàn cầu đã bắt đầu, đánh dấu bằng những biến động gần đây và sẽ càng ngày càng sôi nổi hơn.


    Trước hết, người có trách nhiệm làm mất thế đơn cực của Hoa Kỳ chính là cựu Tổng Thống George W Bush, khi ông này cho lệnh tấn công Iraq. Cuộc chiến này cùng với sa lầy tại Afghanistan đã làm hao tổn nhân lực, tiền bạc và tệ hại hơn cả là làm suy tổn ý chí của Hoa Kỳ, không còn muốn dính vào những tranh chấp khác của toàn cầu. Tâm lý cô lập hóa isolationism của dân chúng Hoa Kỳ, cùng với việc bầu Tổng Thống Barack Obama lên cầm quyền gần 6 năm qua, đã làm Hoa Kỳ chùn chân trên nhiều phương diện và không còn muốn giữ vai trò cảnh sát của toàn cầu như từ thời sau Đệ Nhị Thế Chiến như trước.


    Yếu tố khác không kém phần quan trọng là cuộc Đại Suy Thoái Great Recession năm 2008. Hoa Kỳ vẫn chưa ra khỏi tình trạng này, dù những con số của Federal Reserve đưa ra đoan quyết Hoa Kỳ đã không còn suy thoái và phát triển trở lại, dù èo uột! Thực sự những chính sách của Federal Reserve trong 6 năm qua, chỉ là những phương cách cầm hơi với những hậu quả khó lường trước cho tương lai. Nhưng dù sao đi nữa, Hoa Kỳ đã không còn khả năng về kinh tế và tín dụng đủ để tiếp tục tiêu pha bất kể như trước.


    Hậu quả là ngân sách quốc phòng đã bị cắt giảm đến xương tủy, quân lực Hoa Kỳ bị thu nhỏ lại với số quân cũng như trang bị vũ khí trở thành thấp nhất từ 50 năm nay. Những hứa hẹn của Tổng Thống Obama quay trục pivot về Á Châu để kiềm chế và đối phó với Trung Hoa ngày một hung hăng, chỉ là những lời nói suông và chưa thực hiện được. Các quốc gia ven bờ Thái Bình Dương lo ngại về dã tâm bành trướng và bá chủ cả vùng Đông Á của Trung Hoa đã gần như không còn tin tưởng vào Hoa Kỳ được nữa. Và cuộc chạy đua võ trang của các xứ trong vùng như Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân.. sẽ làm cho vùng Đông Á bất ổn hơn nhiều với những tranh chấp dẫn dắt đến chiến tranh rộng lớn gần như sẽ là điều chắc chắn xảy ra trong tương lai gần!


    Diễn biến gần đây nhất đánh dấu cho thế đa cực của toàn cầu đã không xảy ra tại Á Châu, nhưng lại ở bên phần đất Âu Châu. Từ khi Putin lên nắm lại chức Tổng Thống sau khi tạm thời ẩn nhẫn xuống làm Thủ Tướng trong 4 năm cho hợp với Hiến Pháp Nga, nhà độc tài này đã chỉ có một ám ảnh duy nhất: Là tái tạo cho Nga trở lại thời huy hoàng xưa của Sô Viết. Putin đã tuyên bố mấy năm trước đây là việc sụp đổ và tan rã của Sô Viết, trả lại chủ quyền cho nhiều quốc gia sát ranh giới với Nga đã là thảm kịch kinh khủng nhất của thế kỷ 20!


    Vì thế việc Putin nhanh chóng cho chiếm bán đảo Crimea và sáp nhập vùng đất này của Ukraine vào Nga chính là bước đầu của Putin trong việc tái tạo lại Sô Viết cũ. Tham vọng của Putin dĩ nhiên không ngừng lại sau khi chiếm xong Crimea. Hiện nay Putin đã cho quân lực Nga dàn tại biên giới giữa Nga và miền Đông Ukraine với các sư đoàn thiết giáp, trực thăng và hàng 50,000 quân để sẵn sàng cho một cuộc xâm chiếm vùng Đông Ukraine. Tại thành phố Donestk, các nhóm dân nói tiếng Nga tại đây đã chiếm cứ nhiều building của chính phủ và khiêu khích cảnh sát cũng như quân đội Ukraine, nhằm giúp Putin đưa ra chiêu bài bảo vệ dân gốc Nga sinh sống đa số tại vùng đông Ukraine để đổ quân vào chiếm luôn vùng này.


    Putin có thể đang tính toán và đo lường mức phản ứng của Hoa Kỳ và Tây Âu. Với việc chế tài kinh tế quá yếu ớt sau khi Putin chiếm Crimea, nhiều phần Putin sẽ sửa soạn để làm luôn vùng Đông Ukraine và có thể tiện tay nuốt cả vùng phía Tây Ukarine nếu Hoa Kỳ và Tây Âu không có thái độ quyết liệt mấy.
    Lý do nào đã khiến cho Putin trở thành hung hăng như thế? Một phần cũng là sự sai lầm của NATO, tổ chức liên phòng Bắc Đại Tây Dương. NATO sau khi Sô Viết sụp đổ đã bành trướng và mời các xứ của khối Warsaw cũ trở thành hội viên NATO, với Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc đều tham dự. Nhưng điều quá đáng của các viên chức NATO là đã cho các xứ sát với biên giới Nga như các xứ Baltic gồm Estonia, Lithuania, Latvia gia nhập NATO luôn để hứa hẹn sẽ bảo vệ các xứ này nếu có chiến tranh với Nga. Đến khi NATO dự định nhưng chưa thực hiện được, cho cả những xứ trước kia thuộc Nga nhưng sau khi Sô Viết tan rã và được độc lập, vào luôn cả NATO như Ukraine, Georgia, Moldova, Putin đã nổi khùng lên và đe dọa đủ điều.


    Những năm trước khi Nga còn quá yếu kém về kinh tế và Putin phải dồn hết chú tâm vào việc tăng gia đời sống cho dân Nga cũng như củng cố quyền hành, Putin chưa dám có phản ứng gì. Nhưng sau vụ các quốc gia Tây Âu và Hoa Kỳ bị Đại Suy Thoái làm kinh tế yếu kém và thấy sự quay chiều như chong chóng, thiếu khả năng lãnh đạo của Obama, Putin đã quyết định để ra tay chiếm Crimea trước và sau đó sẽ làm trọn Ukraine trước khi NATO có thời giờ để cho Ukraine và các xứ lân bang của Nga vào NATO để bảo vệ những xứ này. Như thế có thể nói phần nào những quá đáng của NATO, muốn bành trướng thế lực của tổ chức đến tận cửa ngõ của Nga đã làm Nga cảm thấy bị bao vây và đe dọa trực tiếp đã đưa đến những phản ứng này của Putin.


    Chiến tranh giữa Nga và NATO có thể xảy ra dễ dàng với những tính toán sai lầm của hai phe. Nhiều phần Hoa Kỳ và NATO đã chấp nhận để cho Putin giữ Crimea và miền Đông Ukraine. Nhưng nếu Putin thừa thắng xông lên chiếm luôn Kiev thủ đô của Tây Ukraine, liệu Hoa Kỳ và NATO có dám đưa quân vào hay không? Và nếu Putin tiện tay làm luôn 3 xứ Baltic là Estonia, Lithuania và Latvia, dù cho có là hội viên của NATO và đương nhiên theo hiệp ước phải được NATO bảo vệ, liệu NATO và Hoa Kỳ muốn có chiến tranh với Nga hay không?


    Điều rõ ràng là với biến động Ukraine, Putin ít nhất đã đưa Nga trở lại thế siêu cường về quân sự, sẵn sàng khiêu khích NATO và Hoa Kỳ, chấp nhận chiến tranh xảy ra dù có thiệt hại đến đâu đi nữa. Như vậy phần nào Putin đã tạo cho Nga một thế đứng trên thế đa cực của toàn cầu để đối chọi với Hoa Kỳ và Tây Âu.


    Trên bình diện Châu Á, một cuộc chiến tranh giữa Trung Hoa và Nhật Bản do cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku, Tàu gọi là Điếu Ngư, gần như chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai gần. Tháng hai vừa qua, James Fanell, chỉ huy trưởng tình báo của Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã khẳng định Trung Hoa đang cho huấn luyện quân lực cho một cuộc chiến “ngắn hạn và sắc gọn” với Nhật để chiếm cứ vùng quần đảo này. Cũng thế trong tuần lễ vừa qua, trong dịp bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel viếng thăm Trung Hoa, quân lực Tàu đã khoe và trình diễn với Hagel hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Hoa gọi là Liaoning. Bộ trưởng quốc phòng Trung Hoa tên Chang Wanquan đã hung hăng tuyên bố là Trung Hoa sẽ “không nhượng bộ, không mặc cả và không ký kết hòa ước gì với ai” trong cuộc tranh đấu “bảo vệ biên cương lãnh thổ của Trung Hoa”!!!


    Chang Wanquan còn nói tiếp “Quân lực Trung Hoa có thể đáp ứng ngay nếu được gọi đến, chiến đấu bất cứ trận chiến nào và sẽ thắng”!!! Thái độ hung bạo và trịch thượng này của Wanquan đã bị phái đoàn Hoa Kỳ tháp tùng Hagel cười ngạo vì ngược lại với những tuyên bố lếu láo trên, khả năng của Trung Hoa còn quá yếu! Điều sai lầm của Wanquan là đã để cho Hoa Kỳ thấy rõ nhược điểm của Trung Hoa. So với 10 hạm đội với hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ, chiếc Liaoning quá nhỏ và quá chậm! Theo nhiều chuyên viên quân sự, hàng không mẫu hạm này của Tàu chỉ là một chiếc tàu phế thải của Sô Viết cũ và đã được dùng như một khách sạn khi Sô Viết sụp đổ! Trung Hoa mua lại chiếc tàu này, kéo về xứ để học cách chế tạo hàng không mẫu hạm, nhưng cũng chưa đi đến đâu!


    Tuy nhiên các chuyên viên quân sự Hoa Kỳ cũng công nhận là Trung Hoa đang đổ rất nhiều tiền vào để cải tiến quân lực. Năm 2013, ngân sách quốc phòng của Trung Hoa là 139 tỷ Mỹ kim, năm 2014 sẽ tăng lên là 148 tỷ. Đây là con số chính thức, nhưng Trung Hoa có thể che dấu sự thật và còn tiêu pha nhiều hơn cho quân lực. So với Hoa Kỳ, ngân sách quốc phòng hiện cho năm 2014 là 575 tỷ Mỹ Kim, nhưng đây là suy giảm so với năm 2012 là 664 tỷ Mỹ Kim.


    Một cuộc chiến tranh với Nhật Bản do cuộc tranh chấp đảo Senkaku sẽ cho thấy khả năng giới hạn của Trung Hoa dù xứ này có đánh trống đánh phách đến đâu chăng nữa. Lý do theo các chuyên viên quân sự Hoa Kỳ, Nhật có các chiến hạm và vũ khí tối tân hơn. Cũng như quân đội Nhật được thường xuyên tập trận với Hoa Kỳ nên tinh nhuệ hơn nhiều so với Trung Họa


    Nhưng dù sao đi nữa một cuộc chiến tranh với Nhật sẽ lôi Hoa Kỳ vào vòng chiến tức khắc. Lý do là Nhật Bản và Hoa Kỳ đã có hiệp ước phòng thủ hỗ tương xác định nếu Nhật bị tấn công, Hoa Kỳ sẽ phải tham gia vào chiến tranh để bảo vệ Nhật Bản. Điều quan trọng là sự tính toán của Tập Cận Bình. Từ khi lên lãnh đạo Trung Hoa, mối ám ảnh thường xuyên của Tập Cận Bình là trả thù Nhật Bản vì những tàn ác của quân phiệt Nhật thời Đệ Nhị Thế Chiến khi chiếm đóng Trung Hoa. Việc tranh chấp quần đảo Senkaku chỉ là cái cớ để Tập Cận Bình thực hiện ước muốn của mình.

    Tin tức tình báo của James Fanell của Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho thấy một cuộc chiến giữa Trung Hoa và Nhật đã gần kề. Được biết họ Tập đã tự mình chỉ huy và ra lệnh cho các biến động gần đây như vụ đặt vùng phòng không trên không phận quần đảo này, cấm không cho phi cơ Nhật xâm phạm. Hay gần đây hơn là vụ Western Pacific Naval Symposium, cứ hai năm họp một lần về hải quân của các xứ ven bờ Thái Bình Dương, trong đó có Trung Hoa, Nhật, Hoa Kỳ và nhiều xứ Á Châu khác. Thường trong các vụ họp này như kỳ hai năm trước tại Đại Hàn, các quốc gia cho chiến hạm của mình biểu dương lực lượng. Nhưng lần này họp tại Trung Hoa, Tập Cận Bình cho lệnh cấm không mời Nhật được đưa chiến hạm của Nhật đến thao diễn. Hoa Kỳ lập tức tuyên bố sẽ không tham dự vì Nhật không được mời và đã làm các viên chức của Nhật hả hê vì Hoa Kỳ bênh Nhật. Nhưng điều này cho thấy Tập Cận Bình hiện giờ đã không quản ngại việc vi phạm thủ tục và ngoại giao để chơi Nhật bằng đủ kiểu, đủ trò.


    Việc Putin chiếm Crimea và sửa soạn để chiếm luôn đông Ukraine sẽ là một xúc tác để Tập Cận Bình theo gương và bắt chước. Lý do là họ Tập cũng như Putin đều coi thường Obama cho là Obama sẽ ngậm bồ hòn làm ngọt, tuyên bố nghe kêu là sẽ bảo vệ đồng minh, nhưng sau cùng sẽ cho phe lờ luôn để Putin và Tập Cận Bình muốn làm gì thì làm!


    Điều nguy hiểm là những tính toán này của Putin và Tập Cận Bình đi quá trớn và có thể sẽ bắt buộc Obama cho Hoa Kỳ nhảy vào cả hai mặt trận! Chiến tranh thường xảy ra chỉ vì những tính toán nhầm và coi thường đối phương. Nhưng cũng có thể Putin và họ Tập sẽ dàn dựng để cả hai cuộc chiến nếu xảy ra, sẽ cùng một lúc để Hoa Kỳ không có chỗ xoay sở. Vì một giáo điều của quân lực Hoa Kỳ là có đủ khả năng để đối phó với hai cuộc chiến cùng một lúc. Nhưng như Iraq và Afghanistan đã chứng minh, cũng như cắt giảm về ngân sách, cho thấy Hoa Kỳ hiện nay không đủ khả năng để tham dự hai cuộc chiến đồng thời!


    Tóm lại, thế đa cực hiện nay của toàn cầu với Hoa Kỳ, Tây Âu, Nga và Trung Hoa đã thay thế đơn cực với Hoa Kỳ bá chủ. Nhưng những biến động gần đây cho thấy thế đa cực này với những tranh chấp và tính toán nhầm sẽ dễ dàng gây ra chiến tranh rộng lớn trên toàn thế giới. Và lúc đó mọi người sẽ tiếc nuối để nhớ lại thời an bình lúc trước khi chỉ có Hoa Kỳ là siêu cường độc nhất, giữ vai trò cảnh sát cho cả toàn cầu!


  10. #10
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,851
    Hamas và Do Thái






    Cuộc chiến tại Gaza giữa Do Thái và nhóm Hamas của dân Palestine đã kéo dài gần cả tháng trời với tổn thất càng ngày càng tăng cao cho cả hai bên. Khởi đầu do vụ 3 thiếu niên Do Thái bị bắt cóc và giết chết, rồi trả đũa qua lại, cuộc chiến đã leo thang nhanh chóng với Hamas bắn phi đạn vào Do Thái và xứ này cho dội bom, bắn trọng pháo vào các địa điểm của Hamas, toàn ở trong khu đông dân và căn cứ Hamas tại các trường học, nhà thương, đền thánh Hồi Giáo.


    Cho đến ngày Chủ Nhật 3 tháng 8, 2014 vừa qua, đã có 1822 dân Palestine thiệt mạng và 9370 người bị thương, đa số là thường dân gồm đàn bà và trẻ em. Phía bên Do Thái cũng đã bị chết 64 quân nhân, phần lớn do Hamas cho đào các đường hầm từ Gaza chạy sang phần đất Do Thái và nhảy lên tấn công hay ôm bom tự sát.


    Tuy nhiên đây là một cuộc chiến không cân xứng. Hamas là một tổ chức quá khích, đã tách khỏi nhóm Palestine Authority từ nhiều năm nay và kiểm soát vùng Gaza, trong khi vùng West Bank vẫn do Tổng Thống Abbas của dân Palestine đứng đầu. Vũ khí của Hamas chính là các phi đạn được đặt tại các nhà của dân hay lưu động, bắn sang Do Thái nhưng hầu hết đều bị hệ thống phòng không chống phi đạn của Do Thái gọi là Iron Dome phá hủy trên trời trước khi đến mục tiêu. Nhưng chỉ với việc bắn phi đạn này đã làm dân Do Thái không còn tinh thần vì lúc nào cũng lo ngay ngáy và phải chạy về hầm trú ẩn mỗi khi có còi hụ.


    Trong cuộc chiến Gaza lần này, Hamas đã bắn sang 3000 phi đạn và còn chừng 4000 phi đạn nữa chưa xử dụng đến. Trái với hai cuộc chiến Gaza trước đây, tầm bắn của các phi đạn Hamas đã tăng nhiều, bay đến tận Tel Aviv và có phi đạn đã rơi gần phi trường Ben Gourion là phi trường quốc tế của Do Thái.


    Đặc điểm khác nữa là lần này Hamas dùng chiến thuật đánh đường hầm, cho đào nhiều đường hầm kiên cố và tân kỳ, nối với nhau để ẩn nấp và bất thình lình xuất hiện trên phần đất Do Thái tấn công bất ngờ. Cuộc hoãn chiến gần đây do ngoại trưởng John Kerry và các quốc gia lân bang như Ai Cập đứng ra can thiệp, yêu cầu hai bên hoãn chiến 72 tiếng đã bị một cuộc tấn công bằng đường hầm của Hamas giết hại 3 người lính Do Thái và vô hiệu hóa thoả ước hoãn chiến ngay từ giây phút đầu!


    Do Thái với thủ tướng Netanyahu nhất quyết phải phá hủy hệ thống đường hầm của Hamas cho bằng được để bảo vệ an ninh cho các thành phố sát với Gaza. Hiện đã phá được 11 đường hầm này nhưng vẫn còn nhiều hệ thống đường hầm khác chưa tìm ra! Những trả đũa của Do Thái sau khi bị tổn thất về vụ đánh đường hầm của Hamas rất khốc liệt. Chỉ trong một ngày thứ sáu 1 tháng 8, Do Thái cho dội bom hay bắn trọng pháo vào 200 địa điểm tại thành phố Rafah, phá huỷ các nhà thường dân Do Thái nghi là chứa Hamas, cũng như 5 đền Hồi Giáo bị coi là đầu não của Hamas. 70 người dân Palestine bị thiệt mạng trong ngày này, hầu hết là thường dân, trong đó 1 gia đình 7 người đã chết khi căn nhà của họ bị phi cơ Do Thái dội bom phá tan thành bình địa. Ngày Chủ Nhật 3 tháng 8, Do Thái bắn phi đạn vào một trường học làm chỗ trú ẩn cho thường dân làm chết 10 dân Palestine đứng xếp hàng lãnh thực phẩm.


    Các tổn thất nhân mạng của dân chúng Palestine do các oanh kích bất kể là dân hay Hamas của Do Thái vào nhà thương, trường học, kể cả trường của Liên Hiệp Quốc được chỉ định là nơi trú ẩn cho dân tỵ nạn, đã gây ra làn sóng công phẫn khắp nơi. Ủy Ban về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đã gọi những tấn công này của Do Thái vào thường dân là tội ác chiến tranh, kèm theo với việc gọi Hamas cho bắn phi đạn cũng là tội ác chiến tranh để cân bằng. Nhưng các phi đạn của Hamas không gây được tổn thất nào đáng kể cho Do Thái, trong khi những hình ảnh trẻ em và đàn bà bị chết do oanh kích của Do Thái đã được đưa lên Internet truyền bá rộng rãi.


    Phong trào chống Do Thái hiện nay tăng nhiều tại Âu Châu. Pháp là xứ có nhiều dân Ả Rập nhất đã thấy các vụ biểu tình chống Do Thái trở thành các vụ phá hoại các cơ sở của dân gốc Do Thái. Cũng như những dấu hiệu swastika của Đức Quốc Xã thời trước đã thấy xuất hiện do các người ghét Do Thái vẽ lên các tường nhà thờ synagogue của dân Do Thái tại đây. Nhiều dân gốc Do Thái tại Pháp đã bắt đầu bỏ xứ này đi chỗ khác vì sợ phong trào bài Do Thái. Một cuộc trưng cầu dân ý tại Âu Châu cho thấy Do Thái bị coi là tệ hại trên chính trường quốc tế ở mức âm 26%, thua cả Nga và chỉ trên Bắc Hàn, Pakistan và Iran!


    Tại các quốc gia như Áo, Ý và ngay cả Đức là quốc gia có luật nặng nhất trừng phạt việc bài Do Thái, các phong trào chống đối cuộc chiến Gaza của Do Thái hiện nay đã lan rộng khắp nơi. Điều này cho thấy Do Thái đang bị áp lực quốc tế rất mạnh để chấm dứt cuộc chiến với Hamas. Tuy thế thủ tướng Netanyahu thuộc loại diều hâu và ngay cả dư luận quần chúng của đa số dân Do Thái vẫn muốn nhân dịp này để tiêu diệt tiềm năng của Hamas và phá hủy cho bằng hết các hệ thống đường hầm cũng như các phi đạn của tổ chức này.


    Hoa Kỳ vẫn ủng hộ Do Thái vô điều kiện. Tuy ngoại trưởng John Kerry và Tổng Thống Obama bắt đầu tỏ vẻ thiếu kiên nhẫn với chính sách diều hâu của Netanyahu, Hoa Kỳ không thể làm gì khác là đứng về phe Do Thái, dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Lý do là dân gốc Do Thái tại Hoa Kỳ có thể nói đã nắm tất cả những vai trò then chốt và trọng yếu trong chính quyền cũng như tất cả những cơ quan truyền thông, hệ thống ngân hàng và tín dụng. Vì thế nghành hành pháp, lập pháp và ngay cả tư pháp tại Hoa Kỳ hầu như đều bị dân gốc Do Thái lung lạc.


    Điển hình là tại Quốc Hội, hầu như mọi Thượng Nghị Sĩ và dân biểu muốn thắng cử phải có sự ủng hộ và tài trợ của các tay tài phiệt gốc Do Thái. Nên khi bất cứ có chuyện gì dính líu đến Do Thái, các dân biểu và Thượng Nghị Sĩ thi nhau lên tiếng ủng hộ hết mình. Đừng nói đến khi có cuộc chiến giữa Do Thái và Hamas, dĩ nhiên Quốc Hội Hoa Kỳ đều một lòng ủng hộ Do Thái vô điều kiện!


    Ngay cả Obama tuy không ưa gì Netanyahu, vẫn phải qụy lụy các nhóm tư bản Do Thái tung tiền tài trợ các cuộc vận động bầu cử hai lần ra tranh cử trước đây. Nên dù có bất mãn với Netanyahu vì cuộc chiến đã làm thiệt mạng quá nhiều thường dân Palestine, Obama cũng không làm gì hơn được, chỉ ra thông cáo suông kêu gọi hai bên ngưng bắn! Điều phiền là đối với dân Ả Rập và Hồi Giáo, Do Thái được coi như một thành phần của Hoa Kỳ kéo dài và đại diện tại vùng Trung Đông. Lý do là Do Thái là xứ nhận được viện trợ nhiều nhất của Hoa Kỳ. Hầu như tất cả vũ khí và trang bị quân sự của Do Thái đều do Hoa Kỳ cung cấp, nên nói Do Thái chính là Hoa Kỳ tại vùng đất cổ xưa này cũng không phải là ngoa!
    Như thế khi những hình ảnh các trẻ em và phụ nữ bị chết do Do Thái dội bom phổ biến trên Internet, dân Ả Rập dĩ nhiên qui tội cho Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm!


    Đã nhiều thập niên từ khi Do Thái lập quốc đến nay, Hoa Kỳ đều muốn giải quyết tranh chấp giữa Do Thái và dân Palestine, nhưng đều thất bại. Lý do là cả hai phe đều có những chính quyền và các thành phần lãnh đạo diều hâu, không bên nào chịu nhường bước. Dân Palestine có lý do chính đáng để đòi quyền sống và đòi lại phần đất Palestine bị Do Thái chiếm đóng từ trước đến nay. Nhưng Do Thái cũng có quyền tự bảo vệ và sống an ninh không sợ bị tấn công bằng phi đạn hay bị khủng bố xâm nhập và giết hại. Trong khi đó Hamas là tổ chức không chấp nhận sự hiện hữu của Do Thái và dùng khủng bố đủ mọi cách để đòi lại đất Palestine. Dân Do Thái quá khích như những kẻ định cư tại các vùng West Bank, đòi tất cả phần đất thuộc Cựu Ước xưa, từ sông Jordan đến bờ Địa Trung Hải đều là đất Do Thái, không chịu thỏa thuận nhường đất cho dân Palestine để có hòa bình.


    Tất cả các quá khích của cả hai phe đã làm bao cuộc thương thuyết từ mấy chục năm nay đều thất bại. Gần đây nhất là chương trình của Obama, hy vọng đem lại hòa bình cho vùng đất này. Nhưng những cứng rắn của thủ tướng Netanyahu đã làm cố gắng của chính quyền Obama tiêu tan. Hy vọng duy nhất cho ngưng chiến và một cuộc thương thuyết hiện nằm với nhóm Palestine Authority và Tổng Thống Mahmoud Abbas tại vùng West Bank. Cách đây mấy tháng, Hamas đã muốn quay trở về và lập chính phủ thống nhất với Abbas cho cả hai vùng West Bank và Gaza. Nhưng việc thống nhất này chưa đi đến đâu lại xảy ra cuộc chiến Gaza này.


    Do Thái muốn hòa bình phải dùng việc nhường đất để mua hòa bình, bằng cách trả chủ quyền hoàn toàn cả vùng West Bank cho dân Palestine và lập ra một quốc gia Palestine gồm cả 2 vùng Gaza và West Bank, độc lập và không lệ thuộc với Do Thái. Dĩ nhiên nhóm Hamas phải chịu từ bỏ hiến chương không chấp nhận sự hiện hữu của Do Thái và chịu làm việc với Tổng Thống Abbas.
    Điều này chỉ xảy ra được nếu trong tương lai dân chúng Do Thái bầu một chính quyền khác ôn hòa hơn lên cầm quyền và cho Netanyahu về vườn. Vì tay này diều hâu quá khích hạng nặng không bao giờ chấp nhận giải pháp như thế.


    Tóm lại, tình hình cuộc chiến tại vùng Gaza vẫn tiếp tục sôi động đem lại nhiều tổn hại nhân mạng cho dân Palestine, cũng như làm Do Thái càng ngày càng bị cô lập với quốc tế. Tương lai tốt đẹp tại vùng đất này chỉ có được khi nào cả hai phe đều có những nhà lãnh đạo ôn hòa hơn, chịu nhượng bộ để tìm giải pháp và chấp nhận để cùng sống chung trong hòa bình.

 

 

Similar Threads

  1. ... Một thời để NHỚ ...
    By NguyetHa in forum Truyện
    Replies: 46
    Last Post: 06-06-2017, 12:43 PM
  2. đã qua lâu gồi thời kỳ chủ wan khinh địch
    By Hàn Sinh in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 0
    Last Post: 04-15-2014, 10:25 PM
  3. ADAM & EVA .com - Cổ tích thời @ - Mưa PN
    By Mưa PN in forum Tùy Bút
    Replies: 57
    Last Post: 09-26-2012, 01:28 AM
  4. Không có thời gian
    By Võ Thanh Liêm in forum Âm Nhạc
    Replies: 0
    Last Post: 06-08-2012, 06:40 PM
  5. Replies: 1
    Last Post: 12-10-2011, 01:02 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 05:19 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh