Register
Page 5 of 16 FirstFirst ... 3456715 ... LastLast
Results 41 to 50 of 155
  1. #41
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,826
    Vũng lầy Trung Đông




    Điều rõ ràng là Hoa Kỳ sẽ không bao giờ thoát ra nổi vũng lầy của vùng Trung Đông một khi đã sa chân vào. Khởi đầu bằng thảm họa do George W Bush đem lại khi quyết định tấn công Iraq và đưa đến tan hoang của xứ này. Với tổn phí vài ngàn tỷ Mỹ Kim và bao nhiêu nhân mạng, Hoa Kỳ chỉ đem lại máu lửa cho cả vùng Trung Đông với cuộc chiến giữa hai phe Sunni và Shiite càng ngày càng lan rộng cho cả vùng.


    Hơn nữa một khi làm suy yếu và phân chia Iraq, Hoa Kỳ đã đem lại lợi thế cho kẻ thù Iran, nay đã thành quốc gia đứng đầu về quân sự trong vùng và có tham vọng thống lãnh Trung Đông. Với thoả ước gần đây về nguyên tử giữa Iran và Hoa Kỳ, trao đổi việc ngưng chương trình chế bom nguyên tử để thả lỏng chế tài kinh tế cho Iran, xứ này sẽ còn mạnh hơn nữa một khi xuất cảng được lại dầu hỏa và xử dụng được hàng trăm tỷ Mỹ Kim bị đông lạnh tại ngoại quốc nhiều năm nay.


    Bị ám ảnh vì tai họa tại Iraq do quyết định sai lầm của chính quyền George W Bush trước kia, Obama thề sẽ không dính vào vùng Trung Đông nữa. Nhưng quyết định không can thiệp vào cuộc nội chiến của Syria cũng vẫn đưa Hoa Kỳ vào vũng lầy của Trung Đông! Vì khi nuốt lời không dội bom Syria khi nhà độc tài Assad dùng vũ khí hóa học, Obama đã mất hết uy tín và làm kéo dài cuộc nội chiến này thêm nhiều năm, làm chết hơn 200,000 thường dân Syria và làm hàng chục triệu người dân tỵ nạn tại các xứ lân bang như Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, làm bất ổn các xứ này.


    Nhưng phải đến khi các người dân Syria này tìm đường tỵ nạn vào Âu Châu, tình hình mới tạo nên đe dọa cho sự bất ổn tại chính Âu Châu và đe dọa khủng bố trong tương lai sẽ còn gia tăng gấp bội. Và với những diễn biến gần đây tại Syria, sự lan tràn những bất ổn cho cả vùng Trung Đông và mất thăng bằng cho Âu Châu sẽ còn càng lúc càng nhiều hơn.


    Sự việc quan trọng nhất là Nga đã chính thức trực tiếp tham dự vào cuộc nội chiến tại Syria khi Putin cho dội bom các cứ điểm của quân kháng chiến chống Assad, để cứu vãn cho tình hình nguy ngập của quân chính quyền Assad. Hiện nay Assad chỉ còn kiểm soát được 1/3 lãnh thổ Syria, phần còn lại do các phe chống Assad chia nhau. Phe mạnh nhất là Islamic State, chiếm phần đất phía đông và một phần đất của Iraq. Phe khác là Nusra của tổ chức Al Qaeda và nhiều nhóm quá khích khác. Phe ôn hòa Free Syrian Army do Hoa Kỳ ủng hộ chỉ giữ một phần đất nhỏ và yếu thế.


    Putin khi cho quân vào Syria với phi cơ dội bom, đã hứa hẹn là để chống với nhóm quân Islamic State, nhưng những cuộc dội bom do phi cơ Nga thực hiện đã nhắm vào các cứ điểm của phe ôn hòa chống Assad, không hề đụng đến Islamic State.


    Lý do Putin phải cho đổ quân vào và dùng phi cơ dội bom vì lực lượng của Assad đã quá yếu, không kiểm soát nổi các vùng ở xa thủ đô Damascus. Hơn nữa quân của chính quyền Assad đa số dựa trên nhóm dân theo giáo phái Alawite là một hệ phái của Shiite, chỉ nắm giữ 20% dân số. Đa số dân còn lại của Syria thuộc giáo phái Sunni đều chống Assad. Nếu Putin không cho trực tiếp tham dự cuộc chiến, nhiều phần chính quyền Assad sẽ sụp đổ trong thời gian gần. Từ trước đến nay, Assad là khách hàng trung thành của Nga, tất cả các vũ khí, phi cơ, trang bị đều mua của Nga và được Nga yểm trợ. Hơn nữa Nga có một căn cứ hải quân đặt ngay trên bờ biển của Syria, mở ra biển Địa Trung Hải nên Putin không thể để mất cứ điểm này nếu Assad sụp đổ.
    Đây là căn cứ cuối cùng của Nga tại vùng Trung Đông. Từ thập niên 70’s, các căn cứ của Sô Viết đã bị tống khứ ra khỏi vùng Trung Đông và Nga không còn tiếng nói nào trong các tranh chấp của vùng này từ trước đến nay.


    Putin có tham vọng đưa Nga trở lại thế mạnh trong lãnh vực chính trị địa dư khắp nơi nên đã dùng cớ chống khủng bố trong cuộc nội chiến Syria để đưa quân vào và trực tiếp cho phi cơ dội bom quân kháng chiến để giúp Assad. Ngoài ra hiện Nga đang bị tình hình tại Ukraine làm điên đầu vì các chế tài của Tây Âu và Hoa Kỳ nên tìm cách đánh lạc hướng cho không còn ai chú ý đến tình hình tại Ukraine nữa và chỉ chú ý đến Syria. Đây là đòn của Putin nhằm chơi Obama vì cho rằng Obama quá yếu, mất hết uy tín tại Trung Đông nên Putin chơi nước bạo, trực tiếp cho quân lực Nga tham dự giúp Assad, để chọc quê Obama là đã tuyên bố Assad phải từ chức và là điều kiện tiên khởi cho các cuộc đàm phán!


    Một lý do khác để Putin nhảy vào cuộc nội chiến Syria và ủng hộ Assad vì lý do tự bảo vệ cho chính Putin. Khi phong trào Arab Spring nổi dậy lật đổ các chế độ độc tài tại Tunisia, Lybia, Ai Cập và lan rộng đến Bahrain, các vương quốc vùng Vịnh và Syria, Putin đã lo ngại vì cho rằng nếu để mặc cho cuộc cách mạng của giới trẻ Ả Rập thành công và lan tràn khắp Trung Đông, không sớm thì muộn, cuộc nổi dậy của giới trẻ đòi dân chủ và truất phế các nhà độc tài sẽ lan đến Nga và đe dọa quyền lực của chính Putin.


    Mấy năm trước khi Hoa Kỳ và NATO xin để được Liên Hiệp Quốc cho phép dùng quân sự để can thiệp tại Lybia. Lúc đó tại Nga Dmitry Medvedev làm tổng thống, Putin làm thủ tướng theo thoả thuận của hai người để tránh vi phạm hiến pháp và Putin phải đợi Medvedev hết nhiệm kỳ mới có thể ra ứng cử tổng thống trở lại. Medvedev thuộc loại ba phải đã không bỏ phiếu nên NATO mới không bị phủ quyết và được Liên Hiệp Quốc cho phép để tấn công Lybia.


    Sau khi Qaddafi bị tiêu diệt và Lybia lâm vào hỗn loạn và tan vỡ quốc gia gọi là failed state, Putin đã công kích dữ dội chuyện phe Tây Phương đã dùng quân sự để ủng hộ cuộc cách mạng Arab Spring và hạ bệ các nhà độc tài. Putin cho rằng thế giới Hồi Giáo chỉ ổn định khi được cai trị bằng bàn tay sắt độc tài. Nếu hạ bệ các kẻ này như Qaddafi của Lybia, Mubarak của Ai Cập, xứ đó sẽ lâm vào nội chiến và hỗn loạn lan tràn. Vì thế một khi các cuộc biểu tình của giới trẻ tại Syria bắt đầu nhằm lật đổ nhà độc tài Assad, Putin đã cương quyết không thể để cho Assad bị hạ bệ như các nhà độc tài trước và cuộc cách mạng Arab Spring lan tràn thêm nữa, có thể đến ngay chính Nga với giới trẻ đòi dân chủ, đe dọa Putin.


    Đây là lý do chính để Putin nhất quyết bảo vệ Assad với bất cứ giá nào. Và khi thấy lực lượng của Assad đã quá suy yếu, mất đất dần về phe phiến loạn, Putin không có cách nào khác là đổ quân vào và dùng không lực để yểm trợ Assad trực tiếp.


    Một lợi thế khác cho Putin khi đánh ván bài bạo, trực tiếp can thiệp quân sự tại Syria. Là dưới con mắt của dân Ả Rập thuộc giáo phái Shiite, Putin đã thành một thứ anh hùng, bảo vệ cho phe này chống phe Sunni! Ngay tại Iraq với đa số dân là Shiite, Putin đã được kính cẩn gọi là “Sheik Putin”, coi như một thứ lãnh tụ tôn giáo cho Shiite. Chính quyền Iraq hiện tại với thủ tướng Haider al-Abadi thuộc phe Shiite, đã hoan hỉ ủng hộ Putin và cho phép các phi cơ vận tải của Nga dùng không phận của Iraq để tiếp tế cho căn cứ hải quân Latakia của Nga trên phần đất Syria. Hơn nữa quân lực Iraq còn tuyên bố sẽ hợp tác về tình báo với Nga, Iran và chính quyền Assad của Syria.


    Chủ tịch ủy ban quốc phòng và an ninh của Nghị Viện Iraq là Hakim al-Zamili còn đi xa hơn, tuyên bố là sẽ có một ngày liên quân Iraq với Nga sẽ thay thế hẳn quân lực của Hoa Kỳ hiện đang giữ vai trò cố vấn và điều khiển các cuộc dội bom của Hoa Kỳ chống với Islamic State. Số quân của Hoa Kỳ hiện trên phần đất Iraq là 3500 người. Nhưng chính quyền Iraq tiếp tục than phiền là Hoa Kỳ không hữu hiệu chút nào trong việc tấn công Islamic State. Và với Putin đưa quân vào Trung Đông, chính quyền Iraq sẽ đến một lúc quay mặt đi hẳn với Nga, không nhờ đến Hoa Kỳ nữa!


    Đây sẽ là sự nhục nhã cuối cùng cho Obama! Là đã bị Putin chơi thế cờ để hất chân Hoa Kỳ ra khỏi Syria và Iraq. Và tạo một thế liên minh Nga- Syria - Iraq – Iran để chống lại với chính Hoa Kỳ và Tây Âu.


    Mục đích của Putin là trả đũa lại những chế tài Hoa Kỳ và Tây Âu đã áp đặt lên Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea và gây ra chiến tranh tại phía đông Ukraine. Iran tuy đã ký kết thỏa ước về nguyên tử, vẫn hậm hực vì chế tài kinh tế của Hoa Kỳ đã làm kiệt quệ nền kinh tế nên sẵn sàng đi với Nga để chống lại Hoa Kỳ. Ngoài ra Iran cần sự hỗ trợ của Nga để chơi nhau với Saudi Arabia và các vương quốc vùng Vịnh thuộc giáo phái Sunni.


    Đây cũng là lý do tại sao giá dầu hoả không thể lên được vì tranh chấp giữa Saudi Arabia và Iran, cộng thêm với Nga, về dầu hỏa. Cả hai xứ Iran và Nga đều đang bị khốn đốn vì giá dầu xuống quá thấp. Trong khi đó nền kinh tế của cả Nga và Iran đều dựa trên xuất cảng dầu. Saudi Arabia không muốn Iran khống chế cả vùng Trung Đông nên với bất cứ giá nào phải triệt hạ Iran về kinh tế để Iran không còn tiền và phương tiện để dùng cho quân sự. Nay với Nga nhảy vào Trung Đông đi với phe Shiite để chống với Sunni là giáo phái chính của Saudi Arabia, xứ này phải cho giá dầu xuống tối đa để chơi Iran và Nga, không cho kiếm lợi do sản xuất dầu hỏa.


    Hơn nữa Saudi Arabia cần giữ giá dầu ở mức 40 – 50 Mỹ Kim một thùng để cho kỹ nghệ đào dầu bằng fracking tại Hoa Kỳ phải sập tiệm hết, lúc đó Saudi Arabia mới để cho giá dầu lên cao lại được. Gần đây nhất, Saudi Arabia ngoài chuyện cho bơm dầu đến mức tối đa còn bán rẻ giá dầu dưới mức thị trường để nhằm giữ các khách hàng trung thành như Trung Hoa, ngoài ra để ngăn Trung Hoa không mua dầu của Iran, nhất quyết chơi đến cùng!
    Với kinh tế Trung Hoa chậm lại nhiều, không tiêu thụ dầu nhiều như trước, các yếu tố này cho thấy giá dầu hoả sẽ còn ở mức rất thấp ít ra là ba bốn năm nữa!


    Trở lại vấn đề Trung Đông, ngoài chuyện Putin nhảy vào Syria và lập thế liên minh với Iraq, Iran làm thiệt hại cho Hoa Kỳ và Tây Âu, Obama còn tiếp tục bị khốn đốn tại Afghanistan. Ngày 28 tháng 9 vừa qua, quân phiến lọạn Taliban đã chiếm cứ tỉnh lỵ Kunduz, thủ đô của một vùng lớn của Afghanistan về phía Bắc, lần đầu tiên Taliban chiếm giữ một thành phố lớn quan trọng từ năm 2001 sau khi Hoa Kỳ đánh Afghanistan và đuổi Taliban ra khỏi chính quyền.


    Chiến thắng này của Taliban khi chiếm được Kunduz cho thấy chính sách của Obama cho rút quân chiến đấu ra khỏi Afghanistan, để mặc cho quân của chính quyền đánh với Taliban đã thất bại hoàn toàn. Trong hai tuần qua, các tổ chức cứu trợ của Liên Hiệp Quốc đã đóng cửa 4 văn phòng trong số 13 văn phòng tại các vùng vì lý do an ninh do quân Taliban đang đe dọa khắp nơi. Theo một báo cáo, 27 trong số 34 vùng của Afghanistan hiện có mức đe dọa của Taliban ở mức cao hay mức khẩn cấp. Điều này có nghĩa đến năm 2016, khi Obama cho rút hết 9800 quân lính Hoa Kỳ còn sót lại, Taliban sẽ ồ át tấn công và đánh bại quan của chính quyền Kabul trong tức khắc!


    Như thế Obama sẽ lâm vào tình trạng khó xử. Nếu rút hết quân ra, Afghanistan sẽ là thảm bại nhục nhã cho Hoa Kỳ. Nhưng nếu đổ quân vào lại, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ rút ra được nữa và tiếp tục sa lầy tại đây thêm vài thập niên, điều mà dân chúng Hoa Kỳ cũng sẽ không bao giờ chấp nhận.


    Tóm lại vùng Trung Đông tiếp tục là bãi lún sa lầy cho Hoa Kỳ. Dù Obama muốn rút ra hết và không can thiệp nữa, các diễn biến trong vùng cũng không cho phép Obama thoát ra được và sẽ tiếp tục ám ảnh và vây bủa lấy Obama cho đến ngày nhường chức tổng thống cho một người khác lên để tiếp tục sa lầy!

  2. #42
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,826
    Kinh tế giả tạo




    Sự sụp đổ của nền kinh tế giả tạo tại Trung Hoa đã bắt đầu gây ra ảnh hưởng khắp nơi trên toàn cầu. Những diễn biến có thể đến chậm và không đều tùy thuộc vào tình trạng kinh tế riêng của mỗi quốc gia. Nhưng cuộc khủng hoảng này sẽ có tầm vóc lớn lao hơn nhiều so với các biến loạn về kinh tế gần đây như vụ vỡ tan quả bóng địa ốc của Hoa Kỳ năm 2007 hay vụ bể về kỹ thuật dot com năm 2000.


    Sự sụp đổ kinh tế của Trung Hoa có thể đến chậm và mang sắc thái khác lạ hơn những vụ khủng hoảng trước vì Trung Hoa theo chế độ cộng sản chuyên chế và sự can thiệp của chính quyền, sau cùng vẫn vô hiệu quả vì không ngăn chặn nổi và phản ứng có thể còn tệ hại hơn!


    Đây là lý do chính tại sao Ngân Hàng Trung Ương Federal Reserve Bank của Hoa Kỳ trong hai kỳ họp tháng 9 và tháng 10 vừa qua đã không dám cho tăng lãi xuất, dù đã hứa hẹn từ mấy tháng trước là sẽ cho tăng khỏi mức zero! Federal Reserve với bà chủ tịch Janet Yellen đã rất nóng lòng muốn thoát khỏi tình trạng kỳ quái là giữ lãi xuất ở mức zero đã hàng 6, 7 năm nay, muốn cho mọi sự trở về trạng thái bình thường. Nhưng khi thấy mức tạo công việc gần đây quá yếu, kinh tế vẫn còn èo uột, đã chùn tay không dám đi tới cho việc tăng lãi xuất.


    Nhưng điều ai cũng hiểu dù Federal Reserve không nói rõ ràng, là vì cơ quan cầm lèo lái cho kinh tế Hoa Kỳ đã rét vì sợ sụp đổ kinh tế của Trung Hoa sẽ ảnh hưởng nặng đến kinh tế của Hoa Kỳ và của cả toàn cầu. Điều này cho thấy Federal Reserve đã tính toán và tiên đoán là kinh tế Trung Hoa sụp đổ sẽ gây ra tình trạng dây chuyền rất mạnh, kéo theo sự suy thoái cho chính nền kinh tế Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới.


    Dấu hiệu đầu tiên và báo trước cho điều này chính là sự sụp đổ của thị trường nhiên liệu phẩm, hay gọi là commodities đang xảy ra hiện nay tại Hoa Kỳ. Giá dầu hỏa đã đi xuống từ hơn một năm nay, từ hơn 100 Mỹ Kim một thùng, nay chỉ còn 45 Mỹ Kim. Nhưng gần đây hơn hầu như tất cả các nhiên liệu phẩm khác đều bắt đầu sụp đổ. Giá của các kim loại như đồng và quặng sắt dùng để làm thép đã sụp nhanh chóng vì lý do Trung Hoa trước kia tiêu thụ hơn nửa số các kim loại này của toàn cầu dùng cho việc xây cất, nay đã ngưng trệ hẳn việc nhập cảng các nhiên liệu phẩm này.


    Trong hai mươi năm từ 1993 đến 2013, Trung Hoa đã cho xây cất hơn 200 thành phố với dân số 1 triệu người cho mỗi thành phố, theo một tài liệu của Citigroup. Mức xây cất không tiền khoáng hậu này đã làm giá các nhiên liệu phẩm nhất là quặng sắt và đồng lên vùn vụt và các quốc gia như Úc, Canada, Brazil, Chile và nhiều quốc gia khác phát triển và kinh tế phồn thịnh nhờ xuất cảng các nhiên liệu phẩm này.


    Nhưng các việc xây cất các thành phố này tại Trung Hoa đều là các thành phố ma, xây lên nhưng không ai ở. Hay những buildings cho dân ở, xây vô số kể nhưng không bán được hay không cho thuê được vì quá mắc, gấp hàng chục lần mức lương của dân Tàu trung bình, không ai vào ở được! Kết quả đây chỉ toàn là những xây cất giả tạo, tạo ảo tưởng Trung Hoa tiến triển nhanh và kinh tế phồn thịnh để gạt gẫm ngoại quốc và ngay chính người dân Tàu của chính quyền cộng sản Trung Hoa.


    Đến nay là lúc mọi sự đã trở thành minh bạch, chính quyền cộng sản không gạt được ai nữa và đương nhiên các việc xây cất giả tạo đều phải cho ngưng lại hết hay không dám khởi công xây cất nào mới nữa. Kết quả là các nhà máy làm thép của Trung Hoa nay đã gần như bỏ không vì không sản xuất nữa. Các nhiên liệu phẩm trước kia nhập cảng ào ạt nay cho ngưng hết. Và các nhiên liệu này chất đống nằm ụ khắp nơi trên toàn cõi Trung Hoa, cũng như trên khắp các hải cảng xuất khẩu của các quốc gia trước kia bán nhiên liệu phẩm cho Trung Hoa!


    Các công ty về nhiên liệu như Rio Tinto tại Úc bị lỗ nặng vì không bán sang Trung Hoa được nữa. Kinh tế Úc suy sụp vì việc xuất cảng sang Trung Hoa bị giảm nặng. Kết quả chính quyền tại Úc thay đổi vì kinh tế! Tại Canada, tình trạng cũng tương tự. Kinh tế xứ này đi vào suy thoái chính thức đã gần 2 năm chỉ vì xuất cảng nhiên liệu phẩm sang Trung Hoa đi xuống. Kết quả tuần lễ vừa qua, cuộc bầu cử mới tại Canada đã đưa thủ tướng mới Justin Trudeau của phe cấp tiến lên nắm quyền, hy vọng cứu vãn được kinh tế cho Canada.


    Quốc gia bị nặng hơn cả có lẽ là xứ Brazil. Xứ này những năm trước kia phát triển nhanh chóng, có nền kinh tế lớn hàng thứ bảy trên toàn cầu, xếp chung với các xứ phát triển mạnh gọi là BRIC (Brazil, Russia, India, China). Nhưng kinh tế Brazil mạnh là nhờ xuất cảng các nhiên liệu phẩm, đặc biệt sang Trung Hoa. Nay xuất cảng kém hẳn vì Trung Hoa giảm nhập cảng, cộng thêm với giá cả cuả các nhiên liệu phẩm mất giá, xuống nhiều làm kinh tế xứ này khủng hoảng nặng. Chỉ từ đầu năm 2015 đến nay, giá trị của tiền Brazil so với Mỹ Kim đã mất đi 1/3 giá trị!


    Nhưng không phải chỉ có các quốc gia xuất cảng nhiều các nhiên liệu phẩm commodities sang Trung Hoa mới bị ảnh hưởng. Giá của các nhiên liệu phẩm này xuống thấp quá nên đã làm thiệt hại cho chính các công ty Hoa Kỳ, sản xuất cho quốc nội, như hãng US Steel. Vì toàn cầu thặng dư về sắt, giá quá thấp, các xứ như Đại Hàn đã bán tống bán tháo với giá thép thật rẻ sang Hoa Kỳ gọi là dumping, đã làm thiệt hại nặng cho việc sản xuất thép của Hoa Kỳ. Như US Steel nay chỉ còn hoạt động ở mức 58% mức khả năng sản xuất. Lò sản xuất thép lớn tại Granite City, Illinois hiện nay chỉ sản xuất 1/2 mức bình thường là 2.8 tấn thép mỗi năm. Công ty US Steel cũng dự định đóng cửa lò thép này, có thể làm 2000 nhân công mất việc.


    Phản ứng dây chuyền do sự sụp đổ kinh tế của Trung Hoa và mất giá của các nhiên liệu phẩm đã lan sang các đại công ty khác của Hoa Kỳ dính líu đến các kỹ nghệ này. Như hãng Caterpillar, chế các xe ủi đất, đào mỏ.. đã tuyên bố cắt 10,000 nhân công vì nhu cầu mua các xe ủi đất này giảm nhiều. Công ty làm nhôm như Alcoa hay công ty hóa học như Dupont đã tuyên bố sẽ chia công ty làm hai để đối phó với nhu cầu đi xuống. Đây là chưa kể đến các công ty về dầu hỏa đã sa thải nhân công tứ tung từ đầu năm đến giờ vì giá dầu xuống quá thấp và chưa thấy có triển vọng lên lại. Texas bị nặng nhất, nhưng ngay tại North Dakota, hơn 10,000 việc đã bị mất gần đây. Nhiều nhà cửa mới xây đã bắt đầu bị bỏ trống!


    Giá cả của các nhiên liệu phẩm commodities như dầu hỏa, quặng sắt, thép, đồng, nhôm... đã xuống nhiều từ cả năm nay là điều dễ hiểu vì nhu cầu nhập cảng commodities từ Trung Hoa xuống nhiều. Nhưng dấu hiệu nguy hiểm nhất cho tình trạng toàn cầu đi vào nạn giảm phát deflation và khủng hoảng kinh tế từ Trung Hoa sẽ ảnh hưởng khắp nơi là giá cả của các nhu yếu phẩm như đậu nành soybean, bắp, lúa mạch... cũng bắt đầu xuống nhiều. Hai năm trước, giá của soybean là 15 Mỹ Kim một giạ (hay bushel, đơn vị đo lường khoảng 35 lít). Hiện nay giá soybean chỉ còn 8.90 Mỹ Kim một giạ. Bắp là thực phẩm quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong năm 2012 có giá cả là 6.93 Mỹ Kim một bushel. Nay chỉ còn 3.78 Mỹ Kim một bushel!


    Các người làm nghề nông của Hoa Kỳ dĩ nhiên bị ảnh hưởng nặng nhất do việc các nhu yếu phẩm này xuống giá, chỉ còn một nửa so với hai hay ba năm trước. Tình trạng vỡ nợ bankruptcies nhiều phần sẽ xảy ra cho một số các farms tư nhân không có vốn liếng nhiều và đi vay nợ ngân hàng nhiều. Công ty chế tạo dụng cụ nông nghiệp như hãng Deere bị ảnh hưởng nặng nhất vì hiện nay không ai mua máy cầy hay máy hái mới nữa! Tam cá nguyệt vừa qua, hãng này giảm đi 40% thương vụ và phải layoff 1500 công nhân!


    Việc giá cả của các nhu yếu phẩm này xuống nhiều chưa ảnh hưởng đến giá thực phẩm ta mua ngoài chợ vì giá cả người tiêu thụ phải trả khi đi chợ tùy thuộc nhiều vào giá chuyên chở, nhân công.. Và phải mất một thời gian lâu giá hạ thấp của bắp, soybean .. mới ra đến chợ! Nhưng đây là dấu hiệu nguy hiểm cho nạn giảm phát deflation, đang có khuynh hướng bắt rễ và lan tràn khắp nơi trên toàn cầu. Vì khi giá xăng xuống nhiều như hiện nay và giá thực phẩm tương lai cũng sẽ xuống nhiều, chỉ số CPI (consumer price index) sẽ cho thấy không còn lạm phát nữa và sẽ trở thành giảm phát deflation! Đây là điều Federal Reserve lo ngại nhất. Nên nhiều phần Ngân Hàng Trung Ương càng không thể cho tăng lãi xuất được nữa. Vì sẽ đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ xuống vực thẳm ngay!


    Nền kinh tế giả tạo của Trung Hoa tất nhiên không sớm thì muộn cũng sẽ vỡ tan. Nhưng khi đổ bể tan tành, sự giả tạo và bịp bợm của chính quyền Trung Hoa đã gây ra vạ lây cho nhiều quốc gia và ảnh hưởng nặng đến mọi quốc gia trên toàn cầu, kể cả Hoa Kỳ. Điều rõ ràng là nền kinh tế giả tạo của Trung Hoa đã đem lại phồn thịnh kinh tế giả tạo cho nhiều quốc gia như Brazil, Canada, Úc, South Africa, Chile.. và nhiều quốc gia khác. Bây giờ cái giá phải trả cho những sự giả tạo này là sự suy sụp kinh tế của các quốc gia đó.


    Nhưng một khi Hoa Kỳ, Âu Châu, Nhật cũng bị ảnh hưởng nặng, điều này có nghĩa thế giới Tây Phương cũng đã sai lầm quá nhiều khi giúp cho Trung Hoa về đầu tư và chuyển nhượng kỹ thuật một cách quá ơ hờ, khinh xuất và giờ đây phải chịu lấy hậu quả nặng nề.


    Điều cần phải làm sẽ là nhân cơ hội này để triệt hạ kinh tế Trung Hoa tới nơi tới chốn bằng cách hạn chế nhập cảng hàng hóa từ Trung Hoa, ngưng tất cả các đầu tư tại xứ này và mang công việc sản xuất trở về bản xứ. Đồng thời Hoa Kỳ sẽ phải quyết tâm và xúc tiến hơn nữa trong việc kiềm tỏa Trung Hoa về quân sự, để bao vây xứ này không để cho chính quyền Tập Cận Bình thực hiện những tham vọng xâm chiếm và đe dọa các xứ lân bang. Chỉ khi đó toàn cầu mới có thể hy vọng được an bình và cùng nhau phát triển kinh tế chân thật, không phải chỉ đầy giả tạo như đã bị Trung Hoa dối gạt suốt mấy thập niên qua!

  3. #43
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,826
    Chiến trường Đông Hải



    Những diễn biến trong tuần lễ vừa qua tại vùng biển Đông Hải cho thấy một cuộc chiến tương lai giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa nhiều phần sẽ bắt đầu bằng một cuộc hải chiến giữa hai quốc gia tại vùng biển chiến lược này.


    Khoảng hai tuần trước, Hoa Kỳ đã cho chiến hạm Lassen tiến đến gần đảo nhân tạo Subi Reef trong quần đảo Trường Sa, nơi Trung Hoa đang cho đào cát để nới rộng và tạo căn cứ quân sự với phi đạo cho máy bay lên xuống. Chiến hạm Lassen đã đi vào vùng trong vòng 12 dặm Trung Hoa coi là lãnh thổ của mình, nhưng Hoa Kỳ và luật quốc tế không công nhận. Hành động này của Hoa Kỳ nhằm chứng tỏ cho Trung Hoa và các quốc gia Đông Nam Á là Hoa Kỳ bắt đầu cứng rắn hơn trong việc đối phó với Trung Hoa, cũng như không chấp nhận việc Trung Hoa ngang ngược đòi toàn thể vùng biển Đông Hải là lãnh thổ của mình!


    Sau đó một tuần Hoa Kỳ đã cho hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt tiến vào vùng biển Đông Hải và chính bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter đã đáp máy bay xuống hàng không mẫu hạm này để nhấn mạnh là Hoa Kỳ chứng tỏ ưu thế quân sự khi đưa hạm đội hùng hậu vào biển Đông Hải. Ngày thứ bảy 7 tháng 11 vừa qua, Ashton Carter còn đi xa hơn, tuyên bố tại thư viện Ronald Reagan đặt tại California sau 8 ngày đi công du vùng Đông Á, là việc Trung Hoa tiếp tục cho lập đảo nhân tạo để chiếm đất tại Đông Hải, có thể dẫn đến chiến tranh trong vùng. Tuy không nói rõ là chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa có thể xảy ra, nhưng điều ai cũng hiểu là nếu Trung Hoa còn tiếp tục việc đòi kiểm soát toàn vùng biển Đông Hải bằng cách xây các đảo nhân tạo này và coi như lãnh thổ nồi dài của Trung Hoa, hải chiến sẽ xảy ra dễ dàng tại đây.


    Biển Đông Hải có tầm chiến lược địa dư quan trọng vào bậc nhất. Có diện tích là 3 triệu 500,000 cây số vuông, chạy từ eo biển Malacca gần Singapore lên đến eo biển Đài Loan, vùng biển này là đường lưu thông huyết mạch cho kinh tế toàn cầu. 30% toàn thể mậu dịch của thế giới dùng đường biển này. Trong số 10 hải cảng xuất khẩu lớn nhất thế giới, 8 hải cảng nằm tại đây. Hàng hóa xuất cảng sang Hoa Kỳ dùng đường biển Đông Hải có số thương vụ là 1.2 trillion Mỹ Kim mỗi năm.


    Dầu hoả từ Saudi Arabia và các quốc gia khác vùng Vịnh được chuyên chở bằng các supertanker đi từ Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca và sang Thái Bình Dương, cung cấp cho Trung Hoa và các quốc gia khác đều dùng đường biển Đông Hải và chiếm đến 2/3 tổng số dầu chuyên chở của toàn cầu. Ngoài ra biển Đông Hải có mức sản xuất hải sản chiếm 10% số lượng toàn cầu và có mức dự trữ dầu hỏa và khí đốt lớn lao dưới lòng biển.


    Vì những lý do chiến lược quan trọng trên, Hoa Kỳ không thể để Trung Hoa tiếp tục tung hoành và ngang ngược đòi chiếm cả vùng biển và cấm sự lưu thông tự do của hải quân Hoa Kỳ cũng như kiểm soát toàn thể mậu dịch bằng hàng hải qua vùng biển này. Trước khi Tập Cận Bình sang Hoa Kỳ để họp với Obama, họ Tập cho tạm ngưng các công trình xây cất các hòn đảo nhân tạo tại Trường Sa. Nhưng mặc dù Obama đã đưa ra vấn đề này, Tập Cận Bình đã đánh bài phe lờ, không muốn nhắc đến. Sau khi Tập Cận Bình về nước, Trung Hoa cho tiếp tục xây cất mạnh và nhanh hơn, nay đã có 5 hòn đảo nhân tạo có thể xử dụng cho các mục tiêu quân sự và lấy đó làm cớ là có lãnh thổ của mình ngay giữa lòng biển Đông Hải với 12 dặm chủ quyền cùng 200 dặm chạy ra ngoài làm vùng kinh tế riêng!


    Dĩ nhiên Hoa Kỳ không thể chấp nhận được việc Trung Hoa đòi lãnh thổ và ngăn chặn không cho tàu bè của Hoa Kỳ qua lại, cũng như hải quân Hoa Kỳ bị hạn chế rất nhiều nếu Trung Hoa tiếp tục cho đổ cát thêm tạo thành cả trăm hòn đảo khác nằm khắp nơi trên Đông Hải. Tháng 8, 2015 vừa qua bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã cho công bố chiến lược mới để đối phó với Trung Hoa, gọi là Chiến Lược An Ninh Hàng Hải cho vùng Á Châu-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Maritime Security Strategy). Chiến lược này nhằm 3 mục tiêu:
    - Thứ nhất là bảo đảm tự do hàng hải.
    - Thứ hai là ngăn chặn tranh chấp và cưỡng ép về quân sự, ở đây ngầm hiểu là của Trung Hoa.
    - Thứ ba là khuyến khích việc tuân hành luật lệ quốc tế và theo đúng tiêu chuẩn.


    Chiến lược này theo như lời tuyên bố của Obama trước đây là quay trục (pivot) về vùng Á Châu Thái Bình Dương và sẽ tái tạo cân bằng cho quân lực Hoa Kỳ, di chuyển 60% lực lượng hải quân và không quân về Á Châu để đối phó với Trung Hoa, dự định sẽ hoàn tất vào năm 2020.


    Chiến lược này quan trọng nhất là hải quân với dự tính là tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa sẽ xảy ra trên chiến trường Đông Hải. Vì thế Ray Mabus, được Obama bổ nhiệm trông coi hải quân, Navy Secretary, đã yêu cầu Quốc Hội Hoa Kỳ chuẩn chi cho 161 tỷ Mỹ Kim riêng cho hải quân để tăng số chiến hạm đang có là 273 lên 300 chiến hạm để đối phó với Trung Hoa. Các dân biểu Cộng Hòa còn đi xa hơn, một số muốn tăng hẳn lên 350 chiến hạm để giữ Hoa Kỳ ở vị thế hàng đầu, không thể để Trung Hoa qua mặt được! Lý do là ngay hiện nay Trung Hoa đã có 300 chiến hạm, mặc dù không được tối tân và không thể sánh với Hoa Kỳ về phẩm chất.


    Quan trọng nhất là các hàng không mẫu hạm và hạm đội đi cùng. Hoa Kỳ có 10 mẫu hạm chạy bằng năng lượng nguyên tử, trong khi Trung Hoa chỉ có 1 cái mua lại của Ukraine trước kia, cũ kỹ, chạy bằng dầu hỏa, sửa lại để dùng! Dĩ nhiên nếu đụng trận với Hoa Kỳ sẽ bị đánh chìm lập tức! Chiến hạm loại destroyer tối tân nhất của Hoa Kỳ là loại Zumwalt có khả năng tàng hình chống radar, hiện chỉ có 3 chiếc, đều đã được hải quân Hoa Kỳ điều động sang vùng Á Châu Thái Bình Dương để sẵn sàng đối phó với Trung Hoa. Các chiến hạm mới nhất cũng như các phi cơ cho hàng không mẫu hạm loại tối tân nhất cũng được đưa sang vùng Á Châu cả!


    Nếu so với Hoa Kỳ, hải quân Trung Hoa còn phải mất 30 năm nữa mới có hy vọng chạy đua kịp để ngang với mức hiện tại của hải quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên con số 300 chiến hạm của Trung Hoa so với các lực lượng hải quân của các quốc gia khác trong vùng cũng đã hơn nhiều. Tổng cộng hải quân của các nước như Nhật, Mã Lai, Phi Luật Tân và Việt Nam chỉ có 200 chiến hạm và chỉ có Nhật mới có hải quân tối tân và hùng hậu hơn cả. Nhật cũng đang viện trợ cho các quốc gia vùng Đông Nam Á và cuộc chạy đua võ trang trong vùng cũng đã bắt đầu từ mấy năm nay. Tuy nhiên so với Trung Hoa, tiếp tục tăng gia ngân sách quốc phòng, mức ngăn cách giữa lực lượng hải quân của Trung Hoa và các quốc gia Thái Bình Dương càng ngày càng nhiều hơn.


    Hiện nay Trung Hoa chi tiêu về quân sự đã lên đến 216.4 tỷ Mỹ Kim cho năm 2014, so với Hoa Kỳ còn ít hơn nhiều vì Hoa Kỳ chi tiêu đến 609.9 tỷ Mỹ Kim cho quân sự. Nhưng so với các quốc gia Đông Á, dĩ nhiên Trung Hoa tung tiền ra gấp bội để tối tân hóa quân lực và càng ngày càng đe dọa hơn, nhất là với lực lượng hải quân để đòi chiếm cả vùng biển Đông Hải.


    Những diễn biến mới xảy ra gần đây cho thấy Ngũ Giác Đài đã có thể tính toán để nhằm khiêu khích Trung Hoa và tạo ra cơ hội để diệt tiềm năng hải quân của Trung Hoa trước khi xứ này mạnh hơn nữa và có khả năng ngang ngửa với Hoa Kỳ. Việc cho chiến hạm Lassen tiến vào hải phận 12 dặm của hòn đảo nhân tạo của Trung Hoa tại Subi Reef và cho hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt sang trấn tại Đông Hải cho thấy Hoa Kỳ quyết tâm hơn trong việc đối phó với Trung Hoa.


    Điều quan trọng nhất vẫn là không thể để cho Trung Hoa tiếp tục xây các hòn đảo nhân tạo thêm và đòi quyền lãnh thổ trên phần lớn diện tích của biển Đông Hải. Hiện nay, Phi Luật Tân đã kiện Trung Hoa tại Toà Án Quốc Tế tại The Hague trong việc tranh chấp hòn đảo Scarborough Shoal thuộc Trường Sa nhưng nằm sát với lãnh thổ của Phi Luật Tân. Trung Hoa đã ngang nhiên chiếm hòn đảo này và ngăn chặn các thuyền đánh cá của Phi trước giờ vẫn sinh sống bằng đánh cá tại vùng này. Mặc dù Trung Hoa tuyên bố không công nhận quyền hạn của Tòa Án Quốc Tế về việc trên nhưng cơ quan này đã chấp nhận đơn kiện của Phi và sẽ xét xử trong vài tháng tới.


    Nhiều phần Phi Luật Tân sẽ thắng và Tòa Án Quốc Tế sẽ đòi Trung Hoa phải trao trả lại hòn đảo này cho Phi. Trung Hoa như dự đoán sẽ từ chối và Hoa Kỳ có thể sẽ dùng đây là cái cớ để hành động. Như phong tỏa bằng hải quân các hòn đảo nhân tạo khác của Trung Hoa hay dội bom phá hủy các cơ sở quân sự Trung Hoa đã xây cất trên các hòn đảo này. Nếu hải quân Trung Hoa tham chiến, Ngũ Giác Đài sẽ nhân cơ hội này để tiêu diệt tiềm năng hải quân của Trung Hoa như đánh đắm hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Hoa, cũng như phá hủy cơ sở tiềm thủy đĩnh của Trung Hoa hiện đặt tại đảo Hải Nam.


    Cuộc hải chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa có thể sẽ xảy ra rất ngắn và giới hạn. Điều quan trọng là diệt được tiềm năng hải quân của Trung Hoa và bắt ép được Tập Cận Bình phải bỏ tham vọng bành trướng lãnh thổ chiếm cả vùng biển Đông Hải. Dĩ nhiên cuộc chiến này sẽ phải đi kèm thêm với việc tận diệt tiềm năng kinh tế của Trung Hoa để xứ này không ngóc đầu lên lại được. Tập Cận Bình có thể đã đánh nhầm nước cờ khi nhất định không chịu từ bỏ tham vọng trên biển Đông Hải và đã buộc Hoa Kỳ phải đi nước cờ mạnh bạo hơn để giải quyết vấn đề và triệt tiêu hiểm họa Trung Hoa trước khi quá muộn.


    Tóm lại, tình hình căng thẳng hiện nay trên biển Đông Hải có thể dễ dàng đưa đến cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa. Với lòng hiếu thắng và ngang ngược của chính quyền Trung Hoa hiện tại, điều này có thể xảy ra và có lẽ nhiều chiến lược gia tại Ngũ Giác Đài đã tính toán như thế để dồn Trung Hoa vào chỗ tự hủy diệt. Và chỉ khi nào Trung Hoa bị suy tàn, nội loạn và xáo trộn khắp nơi, nền an bình mới đến cho các quốc gia khác trên vùng Thái Bình Dương và cho cả toàn cầu được!

  4. #44
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,826
    Khủng bố IS: Trách nhiệm về ai?



    Vụ khủng bố tại Paris do nhóm Islamic State chủ trương làm chết 130 người và mấy trăm người khác bị thương nặng hơn hai tuần trước đây, đã làm rúng động thế giới Tây Phương và đưa IS hay Islamic State lên hàng đầu kẻ thù cho các quốc gia Tây Âu và cho Hoa Kỳ. Nhưng câu hỏi đặt ra là sự hình thành và lớn mạnh của tổ chức khủng bố, nay đã trở thành như một quốc gia với phần đất chiếm được của phía đông Syria và phía Bắc Iraq, trách nhiệm qui về ai? Những quyết định nào của Hoa Kỳ đã giúp cho IS được thành lập và trở thành mối đe dọa lớn lao như ngày nay?


    Câu trả lời rõ ràng nhất là cả hai tổng thống của Hoa Kỳ, George W Bush nhiệm kỳ trước và Barack Obama hiện tại, chịu phần lớn trách nhiệm cho tai ương khủng bố này! Trước hết cuộc chiến Iraq của George W Bush là một sai lầm vĩ đại trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ. Điều này không cần phải đợi cho các sử gia tương lai phán đoán, nhưng ngay hiện tại ai cũng có thể nhận thức được điều này, không thể chối cãi được!


    Sau khi lật đổ Saddam Hussein, sai lầm căn bản nhất của chính quyền Bush lúc đó là đã giải tán toàn thể bộ máy quân lực của Hussein và thanh trừng đảng Baath, qui tụ những thành viên trung thành nhất của Hussein, thuộc giáo phái Sunni. Dân Sunni là thiểu số tại Iraq nhưng với Saddam Hussein độc tài, đã cai trị đa số dân Shiite và nắm hết các chức vụ cũng như quyền lợi. Khi Hoa Kỳ diệt Saddam Hussein, tất cả các tướng lãnh, sĩ quan phe Sunni của quân lực Iraq đã bị cho về vườn, không còn nguồn lợi nào để sống. Hoa Kỳ đưa lên chính quyền mới thuộc Shiite, dĩ nhiên còn trả thù cũ với dân Sunni và đàn áp lại dân Sunni tối đa!


    Đáng lẽ để bình định Iraq dễ dàng hơn, Hoa Kỳ phải khôn ngoan không cho giải tán quân đội cũ của Iraq, nhưng vẫn giữ cơ cấu của quân lực, chỉ kiểm soát và thay đổi dần dần những tướng tá nào trung thành nhất của Saddam. Như thế mới không bị dân Sunni oán hận và chống đối mạnh. Nhưng khi Bush cử những kẻ vô tài và thiển cận lên làm phó vương và cai trị Iraq, những quyết định sai lầm nhất đã được thi hành, trong đó có việc cho toàn thể giai cấp sĩ quan Sunni về vườn hết, không còn phương tiện sống!


    Đầu tiên, tổ chức Al Qaeda đã lợi dụng việc này để chiêu mộ các thành phần quân lực cũ Sunni để chống Hoa Kỳ. Nhưng tướng Petraeus, chỉ huy quân lực Hoa Kỳ tại Iraq lúc đó đã đưa ra chiến dịch dùng các bộ lạc Sunni, võ trang và trả tiền cho các phe Sunni này chống lại Al Qaeda, Petraeus đã diệt được thành phần lãnh đạo Al Qaeda tại Iraq là Zarqawi trong một cuộc ném bom tháng 6 năm 2006 và tương đối bình định được Iraq lúc đó. Nhưng các chính quyền Iraq do Hoa Kỳ đưa lên đều thuộc phe Shiite và dân Sunni tiếp tục bị gạt ra ngoài nên cuộc tranh chấp giữa Sunni và Shiite chỉ càng ngày càng tăng chứ không giảm.


    Sau khi Obama lên làm tổng thống, việc rút quân của Hoa Kỳ bắt đầu, tướng Petraeus được đưa lên làm chỉ huy của Central Command tại Florida, sau đó làm giám đốc CIA. Nhưng tướng lãnh thay thế Petraeus tại Iraq đã không được khôn khéo như Petraeus và phạm phải sai lầm quan trọng nhất là đã không tiếp tục trong chiến dịch xử dụng các bộ lạc Sunni để chống lại khủng bố như Petraeus đã làm khi trước. Tệ hại hơn nữa, các số tiền hứa hẹn sẽ trả cho các người lãnh đạo Sunni khi trước đã bị quịt, Hoa Kỳ không chịu tiếp tục chi tiền khi thấy đã giết được Zarqawi, tay thủ lãnh Al Qaeda tại Iraq! Kết quả là lòng oán hận của phe Sunni càng tăng hơn và quay ra chống lại Hoa Kỳ, sẵn sàng theo phe khủng bố mới của Sunni thay thế nhóm Al Qaeda cũ.


    Nhóm khủng bố này do một thủ lãnh tên Abu Bakr al-Baghdadi đứng ra thành lập, chiêu mộ nhóm Sunni, khởi đầu từ nhà tù gọi là Camp Bucca của quân đội Hoa Kỳ lập tại phía nam Iraq. Baghdadi bị giam tại đây 10 tháng trong năm 2004 và đã qui tụ được các dân Sunni bị bắt giam tại đây, tạo thành cái nhân cho lực lượng Islamic State sau này. Năm 2010, Baghdadi được bầu lên làm thủ lãnh của phe Al Qaeda tại Iraq, nhưng sau đó đã tuyên bố độc lập, không chịu nằm dưới sự chỉ huy của thủ lãnh của Al Qaeda là Zawahri, người lên kế vị Osama bin Laden khi tay này bị giết chết.


    Năm 2011 khi cuộc nội chiến tại Syria bắt đầu giữa chính quyền của nhà độc tài Assad và các phe chống đối. Các phe này gồm nhóm Nusra thuộc Al Qaeda, nhóm quân ôn hòa hơn Free Syrian Army được Hoa Kỳ ủng hộ và nhóm Sunni của Baghdadi nay lấy tên là ISIS (Islamic State of Iraq and Syria). ISIS sau này chỉ lấy tên ngắn hơn là Islamic State hay IS, khi nhóm này thiết lập một vương quốc Hồi Giáo hay caliphate, như thời vàng son của đạo Hồi khi xưa. Nhóm IS của Baghdadi thành công hơn cả và chiếm được thành phố Raqqa của Syria và vùng Aleppo, thiết lập thủ đô của caliphate ngay tại Raqqa với Baghdadi trở thành caliph, quyền uy tối thượng!


    Tháng 6 năm 2014 đưa nhóm Islamic State lên đến cực điểm khi nhóm quân của Baghdadi chiếm được thành phố Mosul, thành phố lớn thứ nhì của Iraq sau thủ đô Baghdad. Nhóm quân này chỉ có hơn 1000 quân nhưng đã làm quân của chính quyền Iraq hàng chục ngàn người, bỏ hết quân trang, vũ khí, xe tăng….. tan hàng bỏ chạy trước khi giao chiến và để mặc cho nhóm IS chiếm thành phố Mosul cả triệu dân! Giấc mộng lập caliphate của IS và xoá tan biên giới giữa Iraq và Syria nay đã thành khi IS kiểm soát gần nửa Syria và gần nửa Iraq! Hơn thế nữa, các nhóm khủng bố khác tại các quốc gia như Yemen, Lybia, Ai Cập, Nigeria... đều tuyên bố tòng phục IS, không theo Al Qaeda như trước nữa!


    Lý do IS trở thành lớn mạnh và chiêu dụ được quá khích Hồi Giáo khắp nơi vì chứng tỏ là có khả năng chiếm giữ đất đai, đầu tiên tại Syria và sau này tại Iraq. Nhưng điều căn bản cho sự thành công này của IS là tình hình tại Syria càng ngày càng tồi tệ với hơn 200,000 người chết và hàng chục triệu người phải tỵ nạn khắp nơi do chính quyền của nhà độc tài Assad dội bom và giết hại thường dân không đếm xỉa đến bất kỳ luật lệ nào.


    Chính quyền Obama đã có cơ hội để diệt Assad khi tay này dùng vũ khí hóa học, vượt qua lằn ranh đỏ do Obama đe dọa trước đây. Nhưng Obama đã phạm lỗi lầm nặng nề là đã chùn chân, lạnh cẳng, không dám thực hiện lời dọa của mình trước và không dám dội bom thủ đô Damascus diệt Assad. Obama không muốn dính vào bất cứ một cuộc chiến nào khác tại vùng Trung Đông, nhưng vì chuyện không hành động, quay mặt nuốt lời của mình, đã làm mất hết uy tín của Hoa Ky. Obama như vậy cũng bật đèn xanh cho Assad tiếp tục tàn sát dân và tạo lợi thế tuyên truyền cho nhóm IS là không thể trông cậy vào Hoa Kỳ, dân Syria chỉ còn cách đi theo Islamic State để chống lại Assad cũng như chống lại cả thế giới Tây Phương.

    Điều đáng lẽ Obama phải làm là dội bom Damascus ngay khi Assad dùng vũ khí hóa học, một lời tổng thống xứ mạnh nhất là Hoa Kỳ đã dọa, phải theo đến cùng dù hậu quả có ra sao đi nữa! Ngoài ra Obama phải nghe lời khuyên của Thượng Nghị Sĩ Mc Cain và ngay cả Hillary Clinton lúc làm bộ trưởng ngoại giao là tạo ra vùng an toàn cho dân Syria tỵ nạn tại gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với vùng no-fly zone, không cho phi cơ của Assad hẻo lánh đến, vi phạm sẽ bị bắn rớt ngay.


    Nếu Obama làm điều này từ đầu, không lực của Assad bị hạn chế nặng không còn hiệu quả, có thể bị quân kháng chiến lật đổ dễ dàng hơn. Ngoài ra nếu có vùng an toàn này, dân Syria tỵ nạn sẽ không phải chạy sang các quốc gia khác và nhất là không tìm cách tỵ nạn sang Âu Châu như hiện nay làm xáo trộn, mất thăng bằng cho toàn vùng Âu Châu. Cũng như dễ làm cho quân khủng bố trà trộn vào và gây ra khủng bố trên các xứ Tây Âu như trường hợp thảm sát tại Paris vừa qua.


    Hiện nay Hillary Clinton với tư cách ứng cử viên, tiếp tục đưa ra đề nghị lập vùng an toàn no-fly zone khi được hỏi là sẽ làm gì để giải quyết vấn đề Syria. Nhưng tình hình hiện nay đã khác trước nhiều vì Nga đã nhảy vào cuộc để ủng hộ Assad và cho phản lực dội bom các cứ điểm của các quân kháng chiến chống Assad. Putin cũng đã cho quân đội Nga vào trực tiếp để yểm trợ quân của Assad. Nên nếu Hoa Kỳ có thiết lập vùng no-fly zone, việc đụng chạm với quân lực của Nga hay bắn rơi chính máy bay của Nga là điều dễ dàng xảy ra. Nên nếu không có thỏa thuận trước với Nga và giải quyết cuộc nội chiến Syria bằng thương thảo, việc Hoa Kỳ đưa quân hay dùng không lực để tạo vùng an toàn sẽ khó thực hiện hơn nhiều.


    Nga hiện nay cũng đang bị Islamic State tấn công khi cho nổ bom một phi cơ của Nga chở khách du lịch từ Ai Cập bay về Nga. Các cuộc khủng bố này cho thấy quân quá khích Hồi Giáo Islamic State không còn kiêng dè bất cứ một quốc gia nào và sẽ tiếp tục mở rộng thêm chiến dịch khủng bố trên toàn thế giới, đặc biệt tại Âu Châu và tại Hoa Kỳ.


    Hơn nữa Al Qaeda hiện nay cũng bắt đầu trên con đường cạnh tranh khủng bố với Islamic State. Như vụ bắn giết tại khách sạn Radisson Blu của Mali tuần lễ vừa qua cho thấy, toán khủng bố của Al Qaeda tại Phi Châu đã mở chiến dịch khủng bố mới để chứng tỏ là Al Qaeda vẫn còn hoạt động, không chịu nhường ngôi vị cho Islamic State! Trong vụ khủng bố này, ngoài một số người Âu Châu như Bỉ, Nga và Hoa Kỳ, còn một số người Tàu làm việc cho công ty xây cất đường rầy xe lửa của Mali cũng đã bị giết chết. Điều này chứng tỏ quân khủng bố Hồi Giáo không kiêng dè bất cứ một quốc gia nào và phong trào khủng bố sẽ càng ngày càng lan rộng khắp nơi trên toàn cầu.


    Tóm lại, những quyết định sai lầm của hai chính quyền gần đây nhất của Hoa Kỳ, đầu tiên của George W Bush và hiện nay của Barack Obama đã đưa đến những hậu quả tai hại, càng ngày càng nặng và khó giải quyết hơn. Quyết định hấp tấp, thiển cận và hung hăng của Bush đã gây họa, nhưng quyết định e dè, nhút nhát và không muốn làm gì cả của Obama cũng đem lại những hậu quả tai hại không kém! Chỉ tội nghiệp cho những người vô tội bị thảm sát vì khủng bố. Cũng như những người dân tỵ nạn khốn khổ nay còn bị khổ sở hơn vì bị ngăn chặn và nghi ngờ khắp nơi, không biết đi đâu vì không xứ nào nhận và không còn con đường nào để thoát thân.

  5. #45
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,826
    Tổng Thống Hoa Kỳ tương lai: Donald Trump hay Hillary Clinton?




    Vụ khủng bố tại San Bernardino, California tuần lễ vừa qua, ngay sau vụ tàn sát tại Paris, đã làm dân chúng Hoa Kỳ rúng động và thay đổi hẳn bộ mặt cho cuộc tranh cử sắp đến. Thay thế cho quan tâm về kinh tế, sợ hãi về khủng bố xảy ra ngay trên đất Hoa Kỳ đã làm dân chúng đặt việc đối phó và ngăn chặn khủng bố lên hàng đầu. Và đã đưa ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump lên dẫn đầu trở lại trong số hơn mười mấy ứng cử viên lẹt đẹt theo sau.


    Những tuyên bố quá khích, cực đoan của Donald Trump trước kia đã làm nhiều người trong đảng Cộng Hòa, đặc biệt tầng lớp ôn hòa hơn, khó chịu và nghiêng về ứng cử viên Ben Carson, được coi là đạo đức, ăn nói nhẹ nhàng. Nhưng Carson đã tỏ ra thiếu hẳn sự hiểu biết về chính trị quốc tế và sự thiếu khả năng này của Carson đã làm ông ta mất điểm nhiều đối với giới cử tri đi bầu sơ bộ của Cộng Hòa tại các tiểu bang đầu tiên như Iowa và New Hamshire.


    Lợi thế lớn nhất đã đến cho Donald Trump với vụ khủng bố của Islamic State tại Paris. Trump hô hào phải đóng cửa các đền thờ Hồi Giáo, cũng như phải lập danh sách và theo dõi hàng triệu người Hồi Giáo đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Trump cũng công kích Tổng Thống Obama về quyết định sẽ nhận 10,000 dân tỵ nạn Syria vào Hoa Kỳ năm đến, tuy Trump phóng đại lên là Obama đòi nhận hàng trăm ngàn dân Syria! Gần đây nhất, thứ hai 7 tháng 12, Trump còn đi xa hơn, đòi cấm cửa bất kỳ dân Hồi Giáo nào vào Hoa Kỳ. Việc chống đối dân Hồi Giáo và đòi lập danh sách dân Hoa Kỳ nào theo Hồi Giáo, cũng như cấm dân Hồi nhập cảnh, đã bị công kích nhiều vì bị coi là phản với truyền thống chấp nhận mọi tôn giáo và tự do tín ngưỡng tại Hoa Kỳ.


    Sau vụ tàn sát tuần qua, uy tín của Donald Trump lên như diều và các thăm dò dư luận cho thấy Trump dẫn đầu, bỏ xa các ứng cử viên Cộng Hòa khác. Điều này chứng tỏ dân Mỹ sợ hãi khủng bố và ghét Hồi Giáo tăng lên cao độ, đã đồng quan điểm với Trump và cho thấy một số lớn dân chúng Hoa Kỳ coi Hồi Giáo là tôn giáo nguy hiểm, dễ dàng gây ra khủng bố ngay tại nội địa Hoa Kỳ.


    Thực sự trong lịch sử Hoa Kỳ, những phản ứng quá đáng và bài ngoại, bài dân di cư, dân tỵ nạn và các nhóm dân thiểu số đã xảy ra nhiều. Như trường hợp trong Đệ Nhị Thế Chiến, sau khi Nhật dội bom Trân Châu Cảng, Tổng Thống Roosevelt đã ký sắc lệnh để tập trung dân Mỹ gốc Nhật đang sinh sống tại Hoa Kỳ lúc đó. Các trại tập tập trung này đã giam giữ mấy trăm ngàn người dân gốc Nhật, phần lớn sinh sống đã nhiều đời tại California, Hawaii, trong mấy năm cho đến khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt. Đây là một điểm xấu của Tổng Thống Roosevelt, đã phản ứng một cách tệ hại và làm biết bao nhiều gia đình người Mỹ gốc Nhật bị mất hết tài sản, bị đối xử thậm tệ và giam giữ trái ngược với hiến pháp cũng như vi phạm nhân quyền.


    Đây là điểm nhơ của Hoa Kỳ và dù cho các chính phủ sau này đã trả tiền bồi thường cho các nạn nhân sống sót, điều này chứng tỏ bất kỳ một chính quyền dù cho có chính đáng đến đâu chăng nữa như chính quyền Roosevelt lúc đó cũng đã phạm sai lầm nặng nề, đi ngược với lý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền của Hoa Kỳ.


    Ngay cả vấn đề kỳ thị tôn giáo như khuynh hướng chống Hồi Giáo của dân chúng Hoa Kỳ hiện nay và hô hào của Donald Trump, đóng cửa đền thờ và lập danh sách, cũng đã xảy ra trước kia trong lịch sử Hoa Kỳ. Đa số dân chúng Hoa Kỳ theo Tin Lành nên Công Giáo là thiểu số và đã chịu nhiều kỳ thị trước kia. Như giữa thế kỷ 19, khi dân Ái Nhĩ Lan vì nạn đói do khoai mất mùa, di cư hàng triệu người sang Hoa Kỳ và bị kỳ thị nặng vì theo Công Giáo. Những vụ đốt nhà thờ và bạo động chống dân di cư và chống Công Giáo đã xảy ra nhiều vào thời đó. Dân Do Thái cũng bị kỳ thị nhiều vào thập niên 20’s và 30’s, bị qui tội là đã gây ra vụ stock crash và gây ra Đệ Nhất Thế Chiến. Ngay cả tỷ phú Henry Ford, sáng lập ra công ty xe hơi Ford, cũng chống Do Thái nặng, các chỗ bán xe dealership của Ford đều bắt để báo chí và tài liệu chống dân Do Thái!


    Như vậy lịch sử Hoa Kỳ đầy rẫy các nhân vật và các phong trào bài dân di cư mới, bài dân tỵ nạn, kỳ thị tôn giáo, nên việc chống Hồi Giáo và đồng nghĩa Hồi Giáo chung với quân khủng bố như hiện nay đang xảy ra là điều dễ hiểu. Donald Trump cũng là kẻ theo thời, mị dân, lợi dụng việc khủng bố hoành hoành để hô hào dân chúng bỏ phiếu cho mình với chiêu bài bảo vệ dân chúng và diệt trừ khủng bố bằng sức mạnh tối đa và dội bom giết hết các tay lãnh đạo Islamic State, ám chỉ đến việc dùng bom nguyên tử như Hiroshima và Nagasaki thuở trước!

    Những hô hào của Donald Trump, chứng tỏ mình là nhà lãnh đạo mạnh mẽ, không yếu ớt như Tổng Thống Obama hay như các ứng cử viên tổng thống khác, đã hấp dẫn được một số dân chúng Hoa Kỳ thuộc thành phần học thức kém, bị ảnh hưởng nặng do suy thoái kinh tế. Thành phần dân chúng nay sẵn sàng theo người nào lớn tiếng là mình làm được việc, không sợ đụng chạm đến những thành phần thiểu số khác và tỏ ra cứng rắn với các quốc gia khác thù địch với Hoa Kỳ như Nga, Trung Hoa, Iran.. Ngay như những tuyên bố quá đáng trước kia của Trump như gọi dân Mễ nhập cảnh lậu vào Hoa Kỳ toàn là dân tội phạm, hãm hiếp, giết người và sẵn sàng xây tường dài suốt biên giới Hoa Kỳ – Mễ Tây Cơ để ngăn chặn việc nhập cảnh lậu, cũng đã được thành phần dân Mỹ bảo thủ, quá khích chấp nhận và hoan hô dù Trump bị chống đối khắp nơi và dân Mễ biểu tình chống Trump!


    Trong số những ứng cử viên của đảng Cộng Hòa kỳ này, người bị thiệt hại nặng nhất vì Donald Trump là Jeb Bush. Tay này trước kia tưởng chừng như chắc ăn là sẽ được đảng Cộng Hòa bầu ra làm ứng cử viên tranh với Hillary Clinton của Dân Chủ, trông nhờ vào bộ máy vận động của Bush bố và Bush anh trước kia để lại. Nhưng dù có được các tay giầu sụ tỷ phú theo Cộng Hòa bỏ tiền ra hàng trăm triệu Mỹ Kim để vận động, Jeb Bush vẫn lẹt đẹt ở đàng sau, chỉ được 6 – 7% số phiếu, thua xa Donald Trump và những tay mới nổi sau như Ben Carson, Marco Rubio, Ted Cruz.


    Đây là điều nhục nhã cho dòng họ nhà Bush và cho bộ máy tranh cử, tưởng như vô địch. Nhưng sự thật phũ phàng là dân chúng Hoa Kỳ đã quá chán với tên Bush, không thể chấp nhận một tổng thống thứ ba tên Bush nữa. Ngoài ra, dân chúng cũng chán với những khuôn mặt cũ và ưa chuộng những ứng cử viên ở ngoài, không dính líu với các chính quyền trước. Nhờ thế Donald Trump, Ben Carson, Fiorina, không có tí kinh nghiệm chính trị nào lại được ưa chuộng hơn.


    Nhưng Donald Trump bắt đầu bỏ xa các ứng cử viên khác và với các vụ khủng bố gần đây tại Paris và San Bernardino, ngôi sao của Trump còn sáng hơn nữa với những hô hào và tuyên bố quá khích, không nể nang gì của Trump. Đối với đảng Cộng Hòa và các tay chính trị gia chuyên nghiệp của đảng này, Donald Trump là một đại họa vì đã xáo trộn hết các tính toán để chiếm lại tòa Bạch Cung. Phần lớn các nhân vật trong đảng Cộng Hòa đều đi theo Jeb Bush và ủng hộ tay này. Nên hiện nay chỉ hy vọng là Donald Trump sẽ lỡ bước và tự hủy diệt mình khi dân chúng bắt đầu chán nghe những hô hào quá đáng của Trump và bắt đầu tỉnh ngộ, xa lánh. Jeb Bush hiện nay cũng chỉ hy vọng và trông chờ như thế. Nhưng với các vụ khủng bố gần đây, có thể Trump sẽ càng ngày càng có uy tín hơn với đường lối cứng rắn tối đa và bắt đầu được các thành phần khác trong đảng Cộng Hòa, ôn hòa và trung dung hơn cũng ngả theo Trump.


    Đây là mối lo âu lớn nhất của các người cầm đầu đảng Cộng Hòa hiện nay. Là Trump sẽ thắng tại Iowa và New Hampshire và đi luôn một lèo thắng luôn tại các tiểu bang miền Nam như South Carolina, dẫn dắt đến Super Tuesday của nhiều tiểu bang miền Nam và đảng Cộng Hoà không có cách nào khác là đưa Trump ra làm ứng cử viên của đảng để tranh với Hillary Clinton.


    Bên phía Dân Chủ dù ứng cử viên Bernie Sanders lúc đầu có vẻ lên nhờ sự ủng hộ của phe cấp tiến quá khích, nhưng gần đây Hillary Clinton đã lấy lại phong độ và bỏ xa Sanders trong các cuộc thăm dò gần đây. Hầu như chắc chắn Hillary Clinton sẽ thắng trong kỳ bầu cử sơ bộ đầu năm đến và được đảng Dân Chủ đề cử ra.


    Như vậy cuộc tranh cử dành chức Tổng Thống nhiều phần sẽ xảy ra giữa Donald Trump và Hillary Clinton. Nếu không có chuyện gì lớn lao xảy ra, phần thắng sẽ về tay Hillary và Hoa Kỳ sẽ có tổng thống phụ nữ đầu tiên trong lịch sử. Nhưng chuyện gì cũng có thể xảy ra! Điều quan trọng nhất là từ nay đến ngày bầu cử tháng 11 năm 2016, nếu có những vụ khủng bố khác lan tràn trên khắp phần đất Hoa Kỳ hay có một vụ khủng bố vĩ đại như vụ 9/11 khi trước, mọi tính toán sẽ thay đổi hết. Dân chúng Hoa Kỳ với đe dọa khủng bố lan tràn sẽ đổ tội cho Obama và Dân Chủ quá yếu, không bảo vệ nổi nội địa và giữ an ninh cho dân chúng và sẽ quay sang Donald Trump đòi có những biện pháp mạnh tối đa, dù có gây ra chiến tranh rộng lớn hay vi phạm nhân quyền đến đâu chăng nữa.


    Tóm lại đối với cuộc bầu cử tương lai, đe dọa khủng bố sẽ là yếu tố quan trọng nhất quyết định cho phe nào thắng. Cũng như Hoa Kỳ sẽ có phụ nữ làm tổng thống đầu tiên trong lịch sử hay không! Hay Hoa Kỳ sẽ có chuyện hi hữu là tổng thống Donald Trump lèo lái con thuyền quốc gia. Và sẽ còn gây ra nhiều biến loạn nào kinh khủng hơn nữa cho Hoa Kỳ cũng như cho cả toàn cầu!

  6. #46
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,826
    Kinh tế toàn cu 2016



    Tuần lễ vừa qua, vào ngày 16 tháng 12, 2015, Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ Federal Reserve Bank đã cho tăng lãi xuất ngắn hạn lên từ zero tăng thành 0.25%. Mặc dù chỉ tăng có một phần tư điểm, nhỏ nhoi không đáng kể, việc tăng lãi xuất này của Federal Reserve đã đánh dấu một thay đổi quan trọng cho chính sách kinh tế của Ngân Hàng Trung Ương và ảnh hưởng nhiều đến kinh tế chung của Hoa Kỳ cũng như toàn cầu.

    Lý do là chưa bao giờ trong lịch sử, lãi xuất đã ở mức zero kéo dài trong 7 năm liền, từ năm 2008 khi cuộc Đại Suy Thoái bắt đầu. Điều này cho thấy cuộc hồi phục kinh tế tại Hoa Kỳ quá yếu kém, mặc dù Ngân Hàng Trung Ương bơm tiền vào tối đa khi cắt lãi xuất xuống tận cùng là zero. Hơn nữa với 3 kỳ quantitative easing là cách thức in ra tiền vô tội vạ của Federal Reserve lên đến hàng 3 ngàn tỷ Mỹ Kim, kinh tế Hoa Kỳ vẫn èo uột, không tăng trưởng gì mấy! Ngay cả mức thất nghiệp dù gần đây đã hạ xuống còn 5%, thực sự chỉ là con số che dấu thực trạng vẫn yếu kém của lao công. Vì số người chán nản không đi tìm việc nữa quá cao, nhưng khi không ghi danh, sẽ không được vào thống kê. Cũng như những người kiếm việc chỉ có việc bán thời gian, dù muốn làm toàn thời gian nhưng không có. Tổng cộng những loại người trên sẽ cho thấy con số thất nghiệp thực sự vẫn là 10%, còn rất cao!

    Ngoài ra mức tăng trưởng của kinh tế chung chỉ đứng ở cỡ 1-2% cho nhiều năm nay, không thể gọi là kinh tế đã khá nhiều hơn trước được. Nhưng bà chủ tịch Janet Yellen của Federal Reserve đã quá sốt ruột và đã tuyên bố sửa soạn dư luận về việc tăng lãi xuất đã gần một năm nay và không muốn trì hoãn lâu hơn nữa. Bà Yellen và đa số các thống đốc bỏ phiếu của Federal Reserve muốn trở lại trạng thái bình thường cho kinh tế là lãi xuất phải nằm ở mức cỡ 3 - 4%. Nhưng cũng e dè sợ kinh tế xuống dốc trở lại nên chỉ dám tăng rất chậm là 0.25% mỗi kỳ họp của Federal Reserve cứ 3 tháng một lần. Điều này có nghĩa nếu mọi sự trôi chảy, lãi xuất sẽ tăng khoảng 1% một năm, trong ba đến 4 năm nữa. Nhưng bà Yellen cũng tuyên bố sẽ tùy thuộc vào mức diễn tiến kinh tế. Nếu kinh tế yếu sẽ chậm lại, kinh tế mạnh, sẽ nhanh hơn!

    Điều quan trọng khác là mức độ lạm phát. Một lý do đưa ra cho việc tăng lãi xuất là để ngăn ngừa mức lạm phát sẽ tăng cao. Nhưng hiện nay mức lạm phát của Hoa Kỳ chỉ đứng ở cỡ 1%, thấp hơn mức lạm phát lý tưởng là 2% như Federal Reserve đã xác định và muốn đạt đến mức đó! Lạm phát ở dưới 2% và kéo dài, sẽ dễ dàng đưa đến chuyện giá cả còn tiếp tục đi xuống hơn nữa và trở thành giảm phát deflation như trường hợp của Nhật Bản đã từ gần 30 năm nay! Federal Reserve Bank rất sợ giảm phát deflation vì khó chữa hơn nhiều và làm kinh tế trì trệ không tăng trưởng được, nguy hại hơn lạm phát inflation rất nhiều.

    Điều khó nghĩ và gây ra nhiều bàn cãi cho Ủy Ban xác định lãi xuất của Federal Reserve Bank là với mức lạm phát của Hoa Kỳ từ mấy năm nay quá thấp, không lên hơn 2% đã quá lâu, từ 2008 đến giờ. Nay nếu tăng lãi xuất sẽ còn làm mức lạm phát này đi xuống hơn nữa và gây ra giảm phát deflation dễ dàng. Tuy nhiên bà chủ tịch Yellen là người có uy thế quyết định cho lãi xuất đã thuyết phục ủy ban bỏ phiếu của Federal Reserve là lý do mức lạm phát quá thấp dưới 2%, chỉ là tạm thời, do việc giá dầu hỏa và các nhiên liệu phẩm khác xuống quá thấp như hiện nay. Một khi giá dầu tăng lên lại vào năm tới, mức lạm phát sẽ tăng lên và Federal Reserve cần đánh phủ đầu bằng cách cho tăng lãi xuất lên từ bây giờ để chặn trước!

    Nhưng quyết định cho tăng lãi xuất này của Ngân Hàng Trung Ương Federal Reserve nhiều phần là một quyết định sai lầm, nhằm giữ uy tín cho Federal Reserve, đã trót hứa hẹn tăng lãi xuất trong năm 2015, nên bắt buộc phải theo lao, cho tăng lãi xuất vào kỳ họp cuối năm để giữ thể diện! Và điều này sẽ đưa kinh tế của Hoa Kỳ và toàn cầu đi vào suy thoái trở lại cho năm 2016!

    Trước hết, lập luận của bà Yellen là giá dầu xuống thấp chỉ là tạm thời và sẽ lên trở lại năm tới, dễ gây lạm phát nên phải chặn trước. Điều này nhiều phần là sai lầm! Vì giá dầu hỏa trên thị trường toàn cầu là do luật cung cầu xác định. Giá dầu hỏa hiện nay ở mức 34 Mỹ Kim một thùng, mất đi hơn 70% giá trị kể từ năm ngoái, có nguyên nhân chính là do Saudi Arabia nhất quyết bơm dầu tối đa, không chịu cắt giảm khi giá xuống thấp. Mục đích của Saudi Arabia là giữ thị trường, không chịu hy sinh mất thị trường như trước một khi giá xuống. Ngoài ra chủ tâm của Saudi Arabia là diệt kỹ nghệ fracking, lấy dầu từ đá shale oil tại North Dakota và Texas. Mức huề vốn cho các công ty đào dầu với kỹ thuật mới này là 40 Mỹ Kim một thùng. Nên Saudi Arabia muốn triệt hạ lâu dài các công ty thuộc kỹ nghệ fracking của Hoa Kỳ phải cho bơm dầu tối đa, tràn ngập thị trường và làm mất thăng bằng cán cân cung cầu, buộc giá dầu hỏa phải ở dưới mức 40 Mỹ Kim, ít ra cũng vài năm để các công ty làm fracking phải phá sản hết!

    Một nguyên nhân khác để Saudi Arabia nhất định giữ giá dầu thập thấp là để chặn Iran khi xứ này theo thỏa thuận vừa ký kết về nguyên tử, sẽ được bơm dầu và bán trên thị trường vào năm 2016. Iran là kẻ thù không đội trời chung của Saudi Arabia, một phe theo Shiite là Iran, Saudi theo Sunni. Hai xứ này là kình địch tìm đủ cách để hại nhau. Saudi Arabia không muốn Iran bán được dầu sẽ có tiền và mạnh lại về kinh tế, thống lãnh cả vùng. Nên Saudi Arabia phải giữ giá dầu thật thấp để Iran không hưởng lợi nhiều khi bắt đầu được phép cho bán dầu trên thị trường.

    Ngoài chuyện cung quá nhiều trên cán cân cung cầu về dầu hỏa, còn chuyện mức cầu về dầu quá thấp! Lý do chính là vì kinh tế Trung Hoa đã chậm lại nhiều, không tiêu thụ dầu hỏa nhiều như trước. Ngoài ra kinh tế toàn cầu cũng yếu kém nên nhu cầu dùng dầu hỏa của các quốc gia khác cũng giảm đi. Kết quả là cán cân cung cầu về dầu mất thăng bằng quá đáng, gây ra cảnh giá cả mất đi hơn 2/3, xuống ở mức 34 Mỹ Kim một thùng như hiện nay. Một số quan sát viên còn cho là giá dầu có thể rơi xuống mức 20 Mỹ Kim dễ dàng trong năm đến!

    Nhu cầu về dầu hỏa xuống nhiều, cũng như tất cả những nhiên liệu phẩm khác như sắt, đồng, xi măng.v.v.., còn cho thấy kinh tế toàn cầu hiện nay đang trên đà xuống dốc không phanh! Các quốc gia trước kia phát triển nhờ xuất cảng nhiên liệu, đặc biệt cho Trung Hoa, nay đã rơi vào suy thoái. Như Nga và Brazil, cũng như hầu hết các xứ Mỹ Châu La Tinh khác. Ngoài ra những quốc gia như Úc Châu, Nam Phi, Canada sống bằng xuất cảng, cũng thấy kinh tế chậm lại và năm 2016, nhiều phần sẽ rơi vào suy thoái kinh tế.

    Âu Châu hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề dân tỵ nạn từ Syria, Lybia.. đổ sang cả triệu người. Giải quyết việc dân tỵ nạn sẽ làm ảnh hưởng kinh tế nhiều trên toàn cõi Âu Châu. Ngoài ra khủng bố như tại Paris gần đây cũng ảnh hưởng nhiều đến kỹ nghệ du lịch và các hoạt động kinh tế khác, sẽ làm yếu kém kinh tế. Ngay như hiện nay, Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu đã có lãi xuất âm, negative interest, mà kinh tế cũng không kích thích nổi. Chủ tịch Mario Draghi hứa hẹn đưa ra biện pháp quantitative easing như Hoa Kỳ đã làm trước kia, nhưng cũng không đi đến đâu!

    Sự khác biệt giữa hai Ngân Hàng Trung Ương, Hoa Kỳ cho tăng lãi xuất, trong khi Âu Châu giảm xuống lãi xuất âm, đưa đến hậu quả là đồng Mỹ Kim tăng giá quá mạnh so với đồng euro và các tiền tệ khác. Đây sẽ là một cản trở lớn cho kinh tế Hoa Kỳ vì khi đồng Mỹ Kim mạnh, hàng xuất cảng sang nước ngoài sẽ mắc hơn nên khó bán hơn. Ngược lại sẽ nhập cảng nhiều hơn vì các ngoại tệ khác rẻ hơn nên mua bằng Mỹ Kim sẽ được nhiều hơn! Kết quả là xuất cảng của Hoa Kỳ đi xuống, trong khi Âu Châu cũng như Trung Hoa, Nhật hay các xứ khác sẽ xuất cảng sang được Hoa Kỳ nhiều hơn vì hàng hóa rẻ hơn! Kết quả là kinh tế Hoa Kỳ sẽ đi xuống vì sự chênh lệch của tiền tệ này, đặc biệt đối với Trung Hoa.

    Tiền quan hay renminbi của Trung Hoa gần đây mới được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF nhận cho vào thành tiền dự trữ, reserve currency như Mỹ Kim, euro, yen và pound. Nhưng Trung Hoa phải thả lỏng mức kiểm soát tiền tệ. Và với sự nới rộng này, tiền quan đã mất giá thêm so với Mỹ Kim. Hồi tháng 8, tiền quan bị phá giá mất đi 4% giá trị. Chỉ trong hai tuần qua, tiền quan mất thêm 1.3% so với Mỹ Kim. Điều này sẽ tạo ra nhiều phản ứng. Trung Hoa có lợi khi tiền quan mất giá vì sẽ bán hàng hóa sang Hoa Kỳ nhiều hơn. Nhưng sẽ tạo ra xung khắc với Hoa Kỳ và các ứng cử viên tổng thống hiện tại, cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đều kêu gọi đến việc trừng phạt Trung Hoa. Nên cuộc bầu cử vào tháng 11, 2016 sẽ bầu lên Tổng Thống mới, sẵn sàng dùng biện pháp mạnh với Trung Hoa và nhiều phần sẽ đưa đến chiến tranh về kinh tế giữa hai quốc gia, chưa kể đến chiến ttranh thực sự nếu có những đụng chạm chiến lược khác!

    Một điểm khác cho việc mất giá của đồng quan là tư bản đã bỏ Trung Hoa để chạy ra ngoại quốc! Các người giàu có tại Trung Hoa đang tìm cách để chuyển tiền ra nước ngoài bằng cách bán tiền quan để đổi sang Mỹ Kim. Kết quả là số tiền dự trữ ngoại tệ của Trung Hoa đang mất dần. Xứ này trước kia có được 3.5 trillion Mỹ Kim tiền ngoại tệ. Nhưng hiện nay mỗi tháng thất thoát vài trăm tỷ Mỹ Kim khi tư bản đổi tiền quan lấy Mỹ Kim và bỏ xứ ra đi! Trước kia, chính phủ Trung Hoa kiểm soát và ngăn chặn việc này. Nhưng khi tiền quan được IMF nhận làm tiền dự trữ, chính phủ phải thả lỏng và việc tư bản bỏ chạy gọi là capital flight càng nhiều hơn trước. Điều này cho thấy Trung Hoa lên mặt vì được vào tiền dự trữ, nhưng hậu quả có thể làm thiệt hại nhiều hơn!

    Tóm lại, năm 2016 sẽ là năm toàn cầu rơi vào suy thoái kinh tế trở lại. Trung Hoa sẽ bị nặng nhất và lôi kéo theo nhiều quốc gia khác, xuất cảng nhiên liệu sang xứ này. Nhật Bản nhiều năm nay đã ở vào giảm phát, sẽ thấy kinh tế xuống hơn nữa. Âu Châu với những khó khăn hiện nay, nhiều phần không thoát khỏi suy thoái nặng nề.
    Hoa Kỳ thực sự hiện nay là quốc gia có kinh tế vững mạnh hơn cả. Nhưng quyết định sai lầm cho tăng lãi xuất của Federal Reserve nhiều phần sẽ làm kinh tế Hoa Kỳ chậm lại và theo các quốc gia khác trên toàn cầu để cùng nhau đi vào vực sâu của suy thoái kinh tế cho năm 2016!

  7. #47
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,826
    Chính tr toàn cu 2016



    Năm 2016 sẽ là năm của Islamic State. Những vụ khủng bố do nhóm này chủ trương hay khích động trong những tháng vừa qua như tại Paris hay tại San Bernadino mới chỉ là những màn mở đầu. Nhiều phần năm 2016 sẽ thấy những vụ khủng bố lan tràn khắp nơi tại Tây Âu hay tại chính Hoa Kỳ do Islamic State cho xúc tiến như một cuộc chiến lan rộng giữa Hồi Giáo và Tây Phương với cực điểm là năm 2016 này.

    Lý do cho sự xung đột lên tới mức tận cùng nằm trong sự tin tưởng của các người quá khích Hồi Giáo. Là một thứ tận thế Armageddon sẽ xảy ra giữa Hồi Giáo và phương Tây, không tránh khỏi được. Điều nguy hiểm là hiện nay Islamic State đã có vài chục ngàn tay quá khích này sẵn sàng chết như một thứ tử vì đạo cho cuộc chiến sau cùng. Và đối với những người này, không gì bằng chết trong những cuộc khủng bố lớn lao ngay trên phần đất của Tây Âu hay tại chính Hoa Kỳ.

    Hiện nay làn sóng tỵ nạn từ Syria, Lybia, Afghanistan đổ xô vào Âu Châu cả hàng triệu người, đã có sự xâm nhập của Islamic State như trong vụ thảm sát tại Paris đã chứng minh. Nguy hiểm nhất sẽ là nước Đức. Lòng vị tha và thương người tỵ nạn khốn khổ đã làm bà thủ tướng Merkel của Đức mở rộng cửa để đón nhận cả trăm ngàn người tỵ nạn. Nhưng như câu thành ngữ “Không có chuyn phúc đức nào li không b trng pht (no good deed goes unpunished)”, một vụ khủng bố lớn lao có thể sẽ xảy ra trên một thành phố lớn của nước Đức như Berlin, Frankfurt.. dễ dàng. Lý do là trong số những người tỵ nạn được định cư tại đây, nhiều tên khủng bố Islamic State đã trà trộn vào và chỉ chờ lệnh từ thủ đô Raqqa của Islamic State để ra tay thực hiện.

    Điều đáng sợ nhất là với số tiền lớn lao hàng trăm triệu Mỹ Kim mỗi tháng do bán dầu hỏa trên thị trường chợ đen qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, Islamic State đã dư thừa tiền bạc để tài trợ cho một cuộc khủng bố lớn lao. Như mua được một quả bom nguyên tử loại nhỏ, chiến thuật, chứa đựng trong một chiếc va li cầm tay, thất thoát từ kho vũ khí nguyên tử của Sô Viết thuở trước. Hay giới hạn hơn, Islamic State có thể tạo ra một quả bom loại “dirty bomb”, dùng chất phóng xạ từ những cơ sở y khoa để chế tạo ra bom giết hại cả hàng ngàn người dễ dàng.

    Như thế một vụ khủng bố lớn lao tại các thủ đô của Tây Âu như Berlin, Paris, London, Bruxelles hay Madrid là mục tiêu cho Islamic State để thực hiện cho năm 2016 này! Tại Hoa Kỳ, một vụ khủng bố lớn khó thực hiện hơn vì Islamic State chỉ có thể xâm nhập Hoa Kỳ qua biên giới hoặc từ Mexico hay từ Canada, nhưng đều khó gấp bội so với Âu Châu. Ngoài ra các cơ quan an ninh chống khủng bố của Hoa Kỳ hữu hiệu hơn của Âu Châu nhiều. Nên Islamic State chỉ làm được những vụ nhỏ như tại San Bernadino vừa qua, do các người Hồi Giáo sinh sống ngay tại đây gọi là “lone wolves”, hoạt động độc lập, không do chỉ huy trực tiếp từ trung ương hay một tổ chức nào. Nhưng điều gì cũng có thể xảy ra! Một cuộc khủng bố lớn lao ngay tại Hoa Kỳ cũng có thể xảy ra, dù khó khăn hơn.

    Một vụ khủng bố lớn xảy ra trên phần đất Tây Âu sẽ làm thay đổi bộ mặt chính trị của nhiều quốc gia. Hiện nay làn sóng cực hữu đang lan tràn khắp nơi. Như tại Pháp, đảng cực hữu quá khích National Front của Marie LePen lên như diều sau vụ thảm sát tại Paris. Đảng này chống di dân, hạn chế tỵ nạn, cũng như chống lại European Union nên nếu có thêm một vụ khủng bố nữa, Marie LePen sẽ thắng dễ dàng trong cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp kỳ tới. Nhiều xứ Âu Châu khác như Hungary cũng đã bầu lên chính phủ theo cực hữu. Ngay tại Anh, chính phủ của thủ tướng Cameron cũng muốn tách ra khỏi European Union và đi về cực hữu. Như vậy nếu cực hữu thắng thế tại thêm nhiều quốc gia khác, Liên Hiệp Âu Châu sẽ tan vỡ dễ dàng và giấc mộng đoàn kết Âu Châu từ sau Đệ Nhị Thế Chiến sẽ tan thành mây khói.

    Tại vùng Trung Đông, năm 2016 sẽ cho thấy cuộc chiến giữa hai giáo phái Hồi Giáo Sunni và Shiite càng ngày càng khốc liệt hơn. Ngay trong ngày đầu năm dương lịch 2016, Saudi Arabia đã cho xử tử bằng cách chặt đầu 47 người thuộc phe Shiite bị buộc là khủng bố, trong đó có lãnh tụ là Sheikh Nimr. Iran là kẻ thù không đội trời chung với Saudi Arabia, thuộc phe Shiite, đã cho biểu tình và đốt tòa đại sứ của Saudi Arabia tại Tehran. Ngay ngày hôm sau, Saudi Arabia phản pháo, cho đóng cửa tòa đại sứ của Iran và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Các phe Shiite khác như thủ tướng Abadi của Iraq cũng lên tiếng phản đối, phe Houthi theo Shiite tại Yemen và nhóm Hezbollah tại Lebanon đều lên tiếng kết án Saudi Arabia về vụ xử tử lãnh tụ Shiite này.

    Điều này cho thấy cuộc chiến giữa Sunni do Saudi Arabia cầm đầu và Shiite do Iran lãnh đạo sẽ trở thành lớn lao hơn nhiều. Hiện nay hai phe đang tranh chấp tại Syria với Saudi Arabia ủng hộ các nhóm quân chống Assad, trong khi Iran giúp Assad với hiện nay thêm không lực của Nga khi Putin quyết định giúp Assad đứng vững. Tại Yemen là xứ sát ranh giới với Saudi Arabia, Iran yểm trợ nhóm quân Houthis theo Shiite chiếm được thủ đô Sana của chính quyền. Nhưng Saudi Arabia đã đổ quân vào và dùng phản lực dội bom các cứ điểm của quân Houthis, gây ra thiệt hại nhân mạng nặng nề kể cả thường dân.

    Việc Saudi Arabia ra lệnh chặt đầu xử tử Shiekh Nimr, lãnh tụ Shiite, là nhóm thiểu số tại Saudi Arabia ngay đầu năm 2016 cho thấy một cuộc chiến trực tiếp giữa xứ này và Iran dễ dàng xảy ra. Tình hình có thể nổ bùng bất cứ lúc nào, nhất là khi gần đây Iran tuyên bố sẽ tiếp tục với việc chế tạo các hỏa tiễn bắn tầm xa, có thể bắn thẳng từ Iran đến Saudi Arabia. Dù Hoa Kỳ phản đối và dọa việc chế tạo hỏa tiễn này có thể ảnh hưởng đến việc thực thi thỏa ước nguyên tử giữa Hoa Kỳ và Iran, tổng thống Iran đã phe lờ và hạ lệnh cho quân lực Iran tiếp tục. Điền này chứng tỏ Iran có thể sẽ tấn công Saudi Arabia bằng cách bắn loại hoả tiễn tầm xa này.

    Lý do Iran muốn chơi Saudi Arabia thẳng cánh không kiêng dè gì Hoa Kỳ vì Iran đã quá uất ức vì kinh tế thiệt hại nặng nề do Hoa Kỳ chế tài việc bán dầu hỏa. Nay có thỏa ước nguyên tử và Iran sắp được bán ra dầu vào đầu năm 2016, lại bị Saudi Arabia chơi đòn bơm dầu tối đa bắt ép giá dầu xuống quá thấp để chặt nguồn lợi của Iran khi bắt đầu được bán dầu hỏa trên thị trường.

    Việc Iran tấn công Saudi Arabia trực tiếp bằng cách bắn hỏa tiễn tầm xa để phá hủy các giếng bơm dầu của Saudi là điều dễ dàng xảy ra vào năm 2016 này. Điều này sẽ giúp Iran hai điều, trước hết chứng tỏ Iran là bá chủ tại vùng Trung Đông, có khả năng triệt hạ kẻ thù Sunni. Sau nữa, việc bắn hỏa tiễn phá các mỏ dầu của Saudi Arabia sẽ làm giá dầu lên vọt 100, 200 Mỹ kim một thùng dầu ngay lập tức!

    Nga hiện nay cũng đang khốn đốn vì giá dầu quá thấp làm Nga rơi vào suy thoái kinh tế nặng với tiền ruble của Nga xuống thấp đến mức kỷ lục từ trước đến nay. Nên việc Putin cho Nga tham chiến tại Syria, giúp Assad và hỗ trợ Iran trong việc chống Saudi Arabia, cũng có thể nằm trong chiến lược diệt Saudi Arabia và để giá dầu tăng trở lại giúp chính nền kinh tế của Nga và giúp cho Putin được tại vị!

    Vùng Trung Đông ngoài chuyện Islamic State, chiến tranh Iran – Saudi, còn thêm hiểm họa tại Afghanistan cho năm 2016. Obama đáng lẽ định rút hết quân về cuối năm 2016, nhưng đã đổi ý để lại quân không dám rút hết. Nhưng dù thế, nhóm Taliban đã bắt đầu phản công và chiếm cứ nhiều thành phố. Năm 2016 này nhiều phần sẽ thấy Taliban chiếm đa số lãnh thổ và đe dọa thủ đô Kabul. Hoa Kỳ dù giữ lại một số quân để yểm trợ quân lực chính qui, có thể cũng không giữ nổi và Obama sẽ phải cho rút hết quân để mặc cho Taliban chiếm lại Afghanistan. Điều nguy hiểm không phải chỉ là xứ này. Nhưng sẽ là đổ vỡ cho Pakistan lân bang, cũng sẽ rơi vào tay quá khích Hồi Giáo Taliban của Pakistan. Viễn ảnh kho vũ khí nguyên tử với hàng trăm quả bom nguyên tử nằm trong tay quá khích Hồi Giáo sẽ là điều chính quyền Obama mất ăn mất ngủ và sẽ không biết giải quyết bằng cách nào! Lý do là nếu Pakistan rơi vào tay quá khích Hồi Giáo, Islamic State đương nhiên sẽ có vũ khí nguyên tử trong tay, cũng như bất kỳ nhóm Hồi Giáo nào khác trên toàn cầu! Và chiến tranh nguyên tử dễ dàng xảy ra toàn diện!

    Obama dĩ nhiên hiện chỉ còn cách ngồi cầu mong chuyện này đừng xảy ra trong năm 2016, đợi đến khi Obama hết nhiệm kỳ cho người khác lên giải quyết! Nhưng tình hình chính trị và bầu cử hiện nay cho thấy nhiều phần sẽ là cuộc tranh cử giữa Hillary Clinton của Dân Chủ và Donald Trump của Cộng Hòa. Với Trump là ứng cử viên, Hillary sẽ là tổng thống phụ nữ đầu tiên cho Hoa Kỳ. Nhưng nếu có một vụ khủng bố lớn lao trên chính nội địa Hoa Kỳ, Trump có thể thắng cử. Và đây sẽ là đại họa cho Hoa Kỳ cũng như toàn cầu! Vì chiến tranh nhiều phần sẽ xảy ra khắp nơi với chính quyền Trump, kể cả chiến tranh nguyên tử!

    Nếu Hillary Clinton thắng cử, nguy cơ chiến tranh cũng không phải sẽ giảm đi. Lý do là với Hillary là phụ nữ, bà này sẽ phải tỏ ra cứng rắn hơn cả đàn ông trước những khó khăn về chính trị địa dư. Ngoài những khủng hoảng tại Trung Đông, Hillary sẽ phải đối phó với Trung Hoa với cuộc tranh chấp trên biển Đông Hải. Ngay từ khi còn là bộ trưởng ngoại giao, Hillary đã tỏ ra rất diều hâu với Trung Hoa, đặc biệt trong cuộc tranh chấp biển Đông Hải. Nên trong những tháng đầu của nhiệm kỳ của Hillary Clinton, xung khắc lớn lao với Trung Hoa nhiều phần sẽ xảy ra. Một tính toán sai lầm của Tập Cận Bình và thái độ khinh miệt phụ nữ của tay này sẽ làm Hillary cứng rắn hơn và nhất quyết triệt hạ các hòn đảo nhân tạo hiện nay Trung Hoa đang cho xây cất. Chỉ cần một phi cơ bị bắn rơi hay một chiến hạm bị thủy lôi bắn chìm, chiến tranh dễ dàng bùng nổ giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ.

    Đây có lẽ là điều Hoa Kỳ cần phải làm để triệt hạ toàn diện Trung Hoa, cả về kinh tế lẫn quân sự. Obama trong hai nhiệm kỳ đã tỏ ra quá yếu ớt và bị Trung Hoa lấn lướt mọi mặt. Hillary Clinton nhiều phần là khắc tinh của Tập Cận Bình nên có thể sẽ giải quyết vấn đề Trung Hoa một cách mạnh bạo và nhanh chóng hơn. Dù nhiều nguy cơ lan rộng và nhiều thiệt hại sẽ xảy ra, cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa là điều không tránh khỏi được và sẽ cần đến một tổng thống phụ nữ đầu tiên cho Hoa Kỳ để làm được việc này.

  8. #48
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,826
    Phân hóa xã hội Hoa Kỳ



    Cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ càng ngày càng đi vào chỗ hắc ám! Bên phía Dân Chủ, hai ứng cử viên Bernie Sanders và Hillary Clinton bắt đầu dùng nhiều đòn để hạ nhau, dù trước kia đã hứa là sẽ tranh cử với tinh thần cao thượng, không đả kích cá nhân!

    Bên phía Cộng Hòa khỏi nói vì đã quá tệ hại! Với Donald Trump và Ted Cruz chơi nhau sát ván, kể cả chuyện mang vợ đối thủ ra để bêu xấu. Có lẽ chưa bao giờ một cuộc ứng cử tổng thống lại trở thành bẩn thỉu như hiện nay, không còn chút tư cách nào cho một ứng cử viên tranh một chức vụ tầm thường, đừng nói đến chức cao nhất là tổng thống Hoa Kỳ!

    Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu, tranh cử sơ bộ trong hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, chưa phải là cuộc chạy đua giữa hai đảng với nhau cho mùa thu năm nay. Lúc đó sẽ còn kinh hoàng hơn nhiều, nếu như theo dự đoán sẽ là Donald Trump cho Cộng Hòa và Hillary Clinton cho Dân Chủ. Vì hiện nay sự phân hóa giữa hai đảng, cũng như phân hóa giữa hai chiều hướng bảo thủ và cấp tiến của xã hội Hoa Kỳ đã đến mức cùng cực, cao độ như chưa bao giờ thấy trong lịch sử Hoa Kỳ.

    Một cuộc khảo cứu năm 2014 của Pew Research Center cho thấy tỷ lệ dân chúng Hoa Kỳ tự nhận mình là cực kỳ bảo thủ hay cực kỳ cấp tiến đã tăng từ 10% hai thập niên trước đây lên đến 21%. Tệ hại hơn là xã hội Hoa Kỳ hiện nay càng ngày càng phân cực, đi về phía hoặc bảo thủ quá khích hay ngược lại, đi về phía cấp tiến quá khích. Số người đứng trung dung ở giữa càng ngày càng ít dần.

    Hiện nay đảng Cộng Hòa đã được đồng hóa với bảo thủ và ngược lại đảng Dân Chủ được coi như đồng hóa với cấp tiến. Nhưng hai thập niên trước, không phải nhất thiết là như vậy. Năm 1994, một cuộc thăm dò dư luận cho thấy 40% đảng viên Cộng Hòa được coi như có tinh thần cấp tiến hơn một người đảng viên đảng Dân Chủ trung bình. Ngược lại, 30% đảng viên Dân Chủ lại có tinh thần bảo thủ cao hơn một đảng viên Cộng Hòa trung bình. Nhưng hiện nay hai con số này đã xuống chỉ còn 8% và 6% theo thứ tự.

    Điều đó có nghĩa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã di động theo hai chiều hướng trái ngược nhau trong xã hội. Cộng Hòa đi dần về phía cực hữu, trở thành bảo thủ nhiều hơn. Trong khi đó đảng Dân Chủ đi nghiêng về cực tả, càng lúc càng cấp tiến hơn.

    Mức phân hóa trong xã hội Hoa Kỳ hiện nay lên đến mức cao độ hơn nữa vì hai phe bảo thủ và cấp tiến đã không còn giữ được tinh thần thượng võ và lịch sự khi đối đãi với nhau! Bên này coi bên kia tuy chưa phải là mức thù địch nhưng cũng đã gần đến như thế! 43% đảng viên Cộng Hòa có cái nhìn rất xấu về phía Dân Chủ, ngược lại 38% đảng viên Dân Chủ có cái nhìn khinh bỉ đối với Cộng Hòa. Đảng viên Dân Chủ chọn bạn bè và người giao thiệp có cùng khuynh hướng chính trị như mình, một nửa số người này nhận là mình chỉ giao thiệp với người cùng quan điểm, hơn nữa, cũng chọn chỗ ở trong khu của dân có cùng khuynh hướng. Đối với đảng viên Cộng Hòa, tình trạng này còn tệ hại hơn, gần như đa số đều chỉ giao du và sinh sống ở nơi cùng có tinh thần bảo thủ và theo Cộng Hòa như mình!

    Những quan điểm chính trị và kinh tế, xã hội, một khi theo chiều hướng bảo thủ hay cấp tiến thường được bổ xung và nhắc nhở cho nhau nên rất khó thay đổi. Những người theo bảo thủ thích đọc Wall Street Journal, coi TV đài Fox, nghe đài phát thanh với chương ttrình của Rush Limbaugh, đọc bài vở trên websites của bảo thủ. Nên tất cả những tư tưởng bảo thủ quá khích được lập đi lập lại và ăn sâu vào đầu óc, khó lay chuyển được. Những người cấp tiến cũng thế, đọc New York Times, xem CNN, MSNBC, lên Internet cũng chỉ kiếm websites cấp tiến..v.v.. Có nghĩa xã hội Hoa Kỳ đã trở thành hai quả bóng khổng lồ, giam giữ hai khối bảo thủ hay cấp tiến riêng biệt, không còn hòa hợp với nhau được nữa!

    Đặc điểm của xã hội Hoa Kỳ từ nhiều thập niên qua là theo một chu kỳ quả lắc cho khuynh hướng cấp tiến hay bảo thủ chung cho xã hội. Theo sử gia Arthur Schlesinger đã viết hàng 20 năm trước đây, chu kỳ này thường kéo dài từ 8 đến 12 năm, trùng hợp với các nhiệm kỳ của các tổng thống, bảo thủ trong triều đại của Cộng Hòa hay cấp tiến theo nhiệm kỳ của tổng thống Dân Chủ. Như Eisenhower là tổng thống Cộng Hòa đưa xã hội Hoa Kỳ theo chiều hướng bảo thủ. Sau đó đến Kennedy là Dân Chủ đưa đến khuynh hướng cấp tiến cho xã hội, kéo dài với tổng thống Johnson với những chương trình xã hội Great Society, Civil Rights.. Quả lắc bảo thủ - cấp tiến trở lại khuynh hướng bảo thủ với Nixon, Gerald Ford. Sau đó lại dao động về cấp tiến với tổng thống Dân Chủ là Carter. Quả lắc này sau đó đi về bảo thủ lâu nhất là chu kỳ 12 năm với 8 năm của Reagan và 4 năm của Bush bố. Xã hội Hoa Kỳ lại lắc theo cấp tiến khi Clinton được bầu làm tổng thống trong 8 năm. Chu kỳ 8 năm bảo thủ sau đó là với George W Bush. Cấp tiến của xã hội Hoa Kỳ đem lại cơn shock lớn cho phe bảo thủ khi tổng thống da đen đầu tiên được bầu lên đầu tiên của lịch sử là Obama. Đây là trường hợp hãn hữu. Nên nếu theo chu kỳ quả lắc 8 năm, xã hội Hoa Kỳ nhiều phần sẽ theo bảo thủ trở lại với Cộng Hòa dễ dàng thắng cử kỳ này!

    Chỉ trừ một điều, đó là sự xuất hiện của Donald Trump. Nếu Trump thắng và thành tổng thống, điều đó có nghĩa xã hội Hoa Kỳ lại theo chu kỳ bảo thủ - cấp tiến 8 năm. Nhưng nếu Hillary Clinton thắng, điều đó có nghĩa chu kỳ bây giờ sẽ thành 12 năm như thời bảo thủ của Reagan. Và có nghĩa Hillary nếu thắng nhiều phần cũng sẽ chỉ là một nhiệm kỳ, y hệt như thời Bush bố trước đây, một nhiệm kỳ 4 năm. Vì chu kỳ bảo thủ - cấp tiến là 8 đến 12 năm, chưa bao giờ kéo thêm thành 16 năm được cả!

    Một phân hóa trầm trọng khác của xã hội Hoa Kỳ hiện nay là sự phân cách giầu nghèo của các tầng lớp trong xã hội. Chưa bao giờ kể từ thời thập niên 20’s đến nay, sự phân cách giàu nghèo đã trở thành quá đáng như hiện nay. Những người giàu có nhất gọi là giới 1%, đã có lợi tức tăng 200% kể từ 1979 đến 2011, trong khi 20% dân có lợi tức thấp chỉ tăng 48% trong hơn 30 năm! Sau kỳ Đại Suy Thoái 2008, 95% số tiền phục hồi kinh tế về tay giới 1% này, chỉ có 5% về tay 99% số dân chúng còn lại!

    Theo ước tính của Federal Reserve Bank, trong năm 2013, 65% tài sản của quốc gia nằm trong tay của 5% số người giàu nhất Hoa Kỳ. Ngược lại 50% số dân có lợi tức thấp nhất chỉ có tài sản là 1% trên tổng số tài sản quốc gia. Điều đó có nghĩa người giàu tại Hoa Kỳ nắm hết, hầu hết dân chúng không có tài sản gì, chỉ sống bằng tiền lương tháng nào biết tháng đó, paycheck to paycheck. Và đa số dân chúng không có bảo đảm về kinh tế, có nghĩa chỉ gặp xui xẻo nào đó, đau ốm, mất việc, đụng xe, mất trộm..v.v. là sẽ trở thành homeless, ra đường ở, hay phải đi xin welfare, food stamps để sống, nếu xin được ở tiểu bang mình ở!

    Sự phân hóa trầm trọng này giữa hai giới giàu nghèo là điều nguy hiểm nhất hiện nay tại Hoa Kỳ. Vì đây là lò thuốc súng dễ dàng bùng nổ khi sự tức giận của dân chúng lên đến cao độ, đặc biệt là giới dân da trắng, ít học thức, không lên đại học và ở vùng thôn quê. Đây là nền tảng cho giới cử tri bỏ phiếu cho Donald Trump và có cơ hội để tạo ra những biến đổi lớn lao không ngờ đến được, nếu Trump dựa vào được làn sóng phẫn uất của tầng lớp dân này và thắng cử tổng thống.

    Sự phân hóa xã hội và cách biệt giàu nghèo quá đáng này xảy ra vì Hoa Kỳ đã mất gần hết giới trung lưu theo đúng nghĩa của nó. Giới trung lưu thực sự, như thời của thập niên 50’s, 60’s chỉ cần một người chồng đi làm trong hãng xưởng chế tạo máy móc, kiếm đủ tiền để mua nhà, mua xe, con cái đi học, đủ tiền để dành cho quỹ hồi hưu, còn dư dả để đi nghỉ hè. Đời sống trung lưu lý tưởng đó đã chấm dứt tại Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ để cho Trung Hoa phát triển và lấy hết các công việc về chế tạo và đem công việc về Trung Hoa.

    Trong khi giới giàu có, đầu tư hưởng lợi do việc phá tan các kỹ nghệ sản xuất và đưa công việc tốt sang ngoại quốc, tăng lợi tức cho giới 1%, đa số dân chúng Hoa Kỳ đã có đời sống kinh tế thụt lùi và rơi vào giới nghèo hay giới trung lưu loại thấp, lower middle class, chỉ đủ sống.

    Có được một giới trung lưu thực sự làm nền tảng cho xã hội, xã hội đó mới vững chắc và ít bị phân hóa. Một khi mất giới trung lưu thực sự, nền tảng của xã hội Hoa Kỳ đã bị lung lay và dễ dàng đưa đến những biến chuyển xấu. Sự phân hóa giàu nghèo tại Hoa Kỳ đã đến mức trầm trọng như thời thập niên 20’s và 30’s, trước khi xảy ra thời kỳ Great Depression và sau đó Thế Chiến thứ nhì. Nên tình trạng này hiện nay rất nguy hiểm. Cộng thêm với những phân hoá bảo thủ – cấp tiến theo chu kỳ quả lắc của xã hội, bắt đầu dao động trở lại. Đây sẽ là môi trường thích hợp cho những thay đổi và biến động lớn lao cho xã hội Hoa Kỳ cũng như toàn cầu.

    Tóm lại, tình hình chung của xã hội Hoa Kỳ hiện nay là một sự mất thăng bằng với hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến đi về hai thái cực của cực hữu và cực tả, một công thức dễ bùng cháy làm náo loạn xã hội. Cũng như sự phân hoá và chia cách giàu nghèo lên đến mức tột cùng như hiện nay sẽ đem lại nhiều biến động nặng nề cho xã hội Hoa Kỳ trong tương lai. Cuộc tranh cử sôi động hiện nay mới chỉ là mở màn cho những thay đổi lớn đang chờ đợi xã hội Hoa Kỳ sắp đến.



  9. #49
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,826
    Hillary Clinton: Diều hâu quân sự





    Sau ngày bầu cử vào tháng 11 này, một trong hai người, Donald Trump hay Hillary Clinton sẽ trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Nhiều điểm khác biệt phân cách hai người ứng cử viên này. Nhưng một điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Là dù người nào lên làm tổng thống đi nữa, bộ mặt quân sự cũng sẽ khác hẳn cho Hoa Kỳ trong những năm đến.


    Lý do là hiện nay dân chúng Hoa Kỳ đã chán cảnh Obama quá bồ câu về quân sự và cho rằng hai đối phương quan trọng nhất của Hoa Kỳ là Trung Hoa và Nga đã lợi dụng điểm này để vươn lên và tìm cách ngăn chặn quyền lực của Hoa Kỳ về quân sự trên toàn cầu. Ngồi ra đe dọa khủng bố từ Islamic State đã làm dân Hoa Kỳ ủng hộ những biện pháp quân sự diều hâu hơn, kể cả việc đưa quân sang Syria và Iraq. Ngay sau vụ khủng bố của Islamic State tại Paris cuối năm ngoái, một cuộc thăm dò dư luận đã cho thấy dân chúng Hoa Kỳ có đa số 53% ủng hộ việc đem quân sang Syria để diệt Islamic State. Điều này trái ngược hẳn với mấy năm trước của Obama khi dân chúng Hoa Kỳ gần như hoàn toàn không muốn dính vào bất cứ cuộc chiến nào khác tại vùng Trung Đông.


    Thực sự chính sách của các chính quyền Hoa Kỳ thường phải phản ảnh ý muốn của đa số quần chúng. Obama được bầu lên vì dân Mỹ đã quá chán ngán với hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq của George W Bush. Vì thế Obama chủ trương rút hết quân từ Iraq về, cũng như Afghanistan dù hiện nay vẫn không thể làm được. Và Obama cũng phản ảnh ý muốn của dân chúng khi không muốn dính sâu vào Lybia sau khi Qaddafi bị hạ, đem đến tình trạng hỗn loạn hiện nay tại Lybia, gọi là failed state, quốc gia tan hàng! Tại Syria, Obama đã cương quyết không dính vào dù cuộc nội chiến đã làm chết hơn hai trăm ngàn người và cả hơn 10 triệu người phải tỵ nạn, dẫn dắt đến khủng hoảng hiện nay tại Âu Châu do làn sóng tỵ nạn của dân này.


    Nhưng quả lắc về quân sự bồ câu – diều hâu cũng đã đi quá đà với Obama hoàn toàn ở thế thụ động, bồ câu quá đáng, không muốn dính líu bất cứ điều gì về quân sự, chỉ muốn yên lành chờ ngày hết nhiệm kỳ để phủi tay đứng dậy! Tình trạng này đã làm Hoa Kỳ suy yếu nhiều về thế quân sự trên toàn cầu. Vì gần như tất cả các thủ lãnh quốc gia khác đều tính toán là Obama sẽ không bao giờ dùng đến biện pháp quân sự. Nên từ Tập Cận Bình, Putin, Khameni của Iran, Kim Jong Un của Bắc Hàn và Islamic State đều cảm thấy vững tâm không sợ phải đối phó với những trừng phạt bằng quân sự của Hoa Kỳ một khi Obama còn tại vị. Điều này đã làm Hoa Kỳ suy yếu rất nhiều trên lãnh vực ngoại giao cũng như chiến lược địa dư trên toàn cầu.


    Với cuộc bầu cử tổng thống mới, quả lắc bồ câu – diều hâu về quân sự đã nghiêng lại về diều hâu. Bên phía Cộng Hòa, ứng cử viên Ted Cruz đòi dội bom như trải thảm, carpet bombing, các căn cứ của Islamic State cho đến khi cát ngoài sa mạc phải chảy óng ánh! Donald Trump đòi cấm dân Muslim không được vào Hoa Kỳ, cũng như sẵn sàng dùng tra tấn dã man hơn cả chuyện water boarding, cực hình dội nước, để lấy tin tức từ quân khủng bố bị bắt! Một số viên chức quân sự đã phản kháng những lời tuyên bố này của Trump và cho biết nếu Trump làm tổng thống và hạ lệnh cho tra tấn, giới quân sự sẽ không theo lệnh!


    Thực ra thái độ diều hâu quá đáng của các ứng cử viên Cộng Hòa chỉ là hình thức vận động tranh cử và mị dân vì biết dư luận quần chúng Hoa Kỳ hiện nay muốn sự cứng rắn hơn về quân sự, thay thế cho chủ trương bồ câu của Obama. Nhưng Cruz hay Trump hoàn toàn không có chút kinh nghiệm và ý thức về quân sự, khác biệt hẳn với Hillary Clinton.


    Theo một cuốc sách mới xuất bản về Hillary Clinton của ký giả Mark Landler, Hillary từ nhỏ đã thiên về quân sự, theo bố Hugh Rodham là sĩ quan hải quân và chống cộng triệt để. Từ bé, Hillary đã muốn trở thành astronaut, và khi mới lớn nộp đơn xin vào NASA nhưng bị từ chối. Năm 1975, sau khi đã ra trường thành luật sư và đã lấy Bill Clinton, Hillary năm 1975 khi trở về Arkansas đã vào văn phịng tuyển mộ Marines ở đây để xin gia nhập, nhưng cũng bị từ chối!


    Trong thời gian Bill Clinton làm tổng thống, Hillary giúp chồng và ở cương vị đệ nhất phu nhân, không tham gia trực tiếp đến những chính sách quân sự của chính quyền Bill Clinton. Nhưng sau khi ra và đắc cử Thượng Nghị Sĩ tại New York, Hillary đã tích cực dính líu đến các vấn đề quân sự, ngồi trong Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện và vây quanh mình những cố vấn quân sự cao cấp nhất, như Bill Perry, cựu bộ trưởng quốc phòng thời Bill Clinton, cũng như Ashton Carter, hiện nay là bộ trưởng quốc phòng của Obama. Hillary cũng thường xuyên vào Ngũ Giác Đài để bàn luận chiến lược quân sự với các chiến lược gia hàng đầu tại đây, trong đó có Andrew Marshall, hơn 80 tuổi nhưng được coi là một thứ thánh sống về chiến lược cho Ngũ Giác Đài với các tiên đoán xảy ra chính xác, được mệnh danh là Yoda như trong phim Star Wars!


    Sau khi ra tranh cử tổng thống kỳ trước và thua Obama, Hillary nhận lời làm bộ trưởng ngoại giao nhưng về các quyết định quân sự của Obama, Hillary đã tỏ ra rất diều hâu trong các buổi họp nội các. Hillary thường đứng về phía của bộ trưởng quốc phịng Robert Gates, là bộ trưởng từ thời George W Bush nhưng được Obama lưu nhiệm để tiếp tục. Gates được Hillary ủng hộ hết mình trong việc đòi tăng thêm quân ở Afghanistan, cũng như việc để lại quân Hoa Kỳ không rút hết tại Iraq. Obama không nghe lời và rút hết quân lực Hoa Kỳ về, tạo thành môi trường thuận lợi cho Islamic State phát triển và chiếm cứ được gần nửa phần đất của Iraq, điều hiện nay Obama đã hối hận là không nghe lời Gates và Hillary Clinton lúc trước!


    Năm 2009, khi tình hình tại Afghnistan đã quá tồi tệ, tướng Stanley Mc Chrystal chỉ huy quân lực Hoa Kỳ đòi tăng thêm 40,000 quân để cứu vãn tình thế, Obama cho họp nội các để bàn luận, Hillary đã về phe với các tướng lãnh để tăng quân tối đa. Chỉ đến khi bộ trưởng quốc phòng Gates cắt xuống 30,000 quân để làm phe bồ câu với phó tổng thống Biden cầm đầu được hài lòng, lúc đó Hillary mới chịu rút xuống 30,000. Hillary được coi như diều hâu còn hơn cả Gates nữa nên rất được lòng các tướng lãnh. Hiện nay Hillary Clinton có bộ tham mưu về các vấn đề quân sự gồm các nhân vật nổi tiếng diều hâu nhất như David Petraeus, tướng 4 sao, chỉ huy các chiến trường Afghnistan và Iraq trước kia, cũng như cầm đầu CIA, trước khi phải từ chức vì vụ scandal không bảo mật tin tức cấm, lộ ra cho cô tình nhân! Tướng Stanley McChrystal nói đến phần trên hiện cũng là cố vấn cho Hillary. Cựu bộ trưởng Robert Gates, các tướng 4 sao về hưu Jack Keane, Buster Hagenbeck, đều ủng hộ Hillary và hy vọng sau này sẽ nắm giữ chức vụ trong chính quyền trở lại nếu Hillary đắc cử kỳ này!


    Điều đặc biệt khác về chủ trương diều hâu quân sự của Hillary là trên vùng Đông Á. Hillary rất cứng rắn với Trung Hoa và Bắc Hàn. Một thí dụ điển hình là hồi tháng 7 năm 2010 khi Bắc Hàn dùng thủy lôi đánh đắm một chiến hạm loại corvette của Nam Hàn làm thiệt mạng 46 thủy thủ. Chính quyền Obama hồi đó cho một hàng không mẫu hạm sang vùng biển ngoài khơi Bắc Hàn như một hình thức cảnh cáo. Nhưng Hillary Clinton và bộ trưởng quốc phòng Gates muốn làm một màn trình diễn quân lực mạnh hơn là đổi hướng cho hàng không mẫu hạm lên vùng biển Hoàng Hải Yellow Sea, nằm giữa Bắc Hàn và Trung Hoa, điều Trung Hoa tối kỵ và lên tiếng cảnh cáo Hoa Kỳ!
    Gates và Hillary trong buổi họp nội các nhất quyết giữ vững lập trường và muốn phải tỏ ra cứng rắn hơn nữa ngay cả với Trung Hoa như một thứ dằn mặt. Nhưng Obama sau cùng phủ quyết vì không muốn gây ra chuyện đụng chạm đến Trung Hoa!



    Điều này cho thấy tại sao Tập Cận Bình hiện giờ quá lộng hành vì không coi Obama ra thể thống gì nữa, khi biết Obama quá nhút nhát, mới chỉ bị dọa suông đã co vòi rút lui ngay!
    Nhưng Hillary đã chứng minh cho giới quân sự là sẵn sàng đi tới, đụng chạm với Trung Hoa là đi đến cùng! Một chứng tỏ khác nữa là lúc còn làm bộ trưởng ngoại giao, Hillary đã đe Trung Hoa về tranh chấp biển Đông và nghiêng hẳn về phía Việt Nam lúc đó. Nên với việc Trung Hoa cho xây các hòn đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự cùng phi đạo trên nhiều đảo này tại Hoàng Sa, Hillary nếu lên làm tổng thống chắc chắn sẽ có thái độ mạnh bạo hơn là Obama bây giờ, chỉ cho các chiến hạm đi ngang qua, chứng tỏ là giữ đường hải đạo lưu thông không bị ngăn trở nhưng không dám làm gì khác!



    Thực sự với Donald Trump thắng cử và thành tổng thống, việc đụng độ với Trung Hoa sẽ là điều không tránh khỏi khi Trump cho ngăn chặn hàng hóa nhập cảng của Trung Hoa và gây ra cuộc chiến kinh tế trước. Nhưng câu hỏi là khi phải đụng độ về quân sự, liệu Trump có còn hung hăng và bạo dạn đủ để diệt Trung Hoa về quân sự hay không?
    Hillary Clinton nếu lên làm tổng thống sẽ hành xử ngược lại với Trump. Vì Hillary rất thực dụng, pragmatic, sẽ không dùng kinh tế để chơi Trung Hoa như Trump vì sẽ thiệt hại nặng đến nền kinh tế của chính Hoa Kỳ.



    Nhưng Hillary với tinh thần diều hâu về quân sự, có thể sẽ ra mặt để triệt hạ Trung Hoa về quân sự trước. Tiên hạ thủ vi cường, có thể đây sẽ là chiến lược của Hillary đối phó về quân sự với Trung Hoa, nhằm triệt tiêu tiềm năng quân sự của Trung Hoa trước khi Trung Hoa mạnh lên đủ để uy hiếp ngay lực lượng hải quân của Hoa Kỳ trên vùng biển Đông Hải.
    Như chiến lược gia lão thành Andrew Marshall, cố vấn về chiến lược cho Hillary đã từng tiên đoán về một cuộc chiến tranh với Trung Hoa là điều không thể tránh khỏi được. Nếu Hillary Clinton thành tổng thống kỳ này, cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa có thể sẽ trở thành sự thực ngay trong năm đầu tiên cầm quyền của tổng thống Hillary Clinton!



  10. #50
    Biệt Thự
    Join Date
    Jul 2014
    Posts
    2,826
    Tan vỡ của đảng Cộng Hòa



    Với kết quả của cuộc bầu sơ bộ tại tiểu bang Indiana ngày thứ ba 3 tháng 5 vừa qua, Donald Trump thắng lớn và đương nhiên được coi như ứng cử viên tổng thống cho đảng Cộng Hòa. Với Ted Cruz và John Kasich thua đậm, tuyên bố rút lui, Trump là người duy nhất còn lại sau khi đánh bại 16 ứng cử viên khác. Trump sẽ chính thức thành ứng cử viên tổng thống và người lãnh đạo của đảng Cộng Hòa Kỳ họp mùa hè vào tháng 6 này tại Cleveland.

    Đây là trường hợp hy hữu trong lịch sử Hoa Kỳ vì Donald Trump bị những thành phần lãnh đạo gọi là establishment của đảng Cộng Hòa định triệt hạ nhưng không được. Kết quả là các ứng cử viên nòng cốt của đảng như Jeb Bush, Marco Rubio, Kasich đều thua và rút lui cả. Ted Cruz bị đảng Cộng Hòa ghét nhưng sau cùng là ứng cử viên còn sót lại và được các tay tỷ phú bỏ tiền ủng hộ bằng những tổ chức gọi là Super PAC, vận động gọi là Stop Trump movement, giúp Cruz để ngăn Trump. Kết quả mất bao nhiêu triệu Mỹ Kim nhưng cũng không chống lại được với thế đang lên như diều của Donald Trump và đành chịu thua!

    Tuy thế những nhân vật cao cấp nhất của đảng Cộng Hòa vẫn không thể chấp nhận được sự kiện là Donald Trump, một khi trở thành ứng cử viên tổng thống của Cộng Hòa, sẽ là lãnh đạo tối cao cho đảng một khi đại hội của Cộng Hòa kết thúc tại Cleveland. Điều đó có nghĩa Donald Trump đã ăn cướp ngang xương toàn bộ đảng Cộng Hòa cho riêng mình, dù các nhân vật establishment của đảng có chống lại đến đâu đi nữa. Trong tuần lễ vừa qua, lãnh tụ Hạ Viện là Paul Ryan đã tuyên bố chưa thể ủng hộ cho Donald Trump được. Trump cũng phản pháo lại ngay, tuyên bố sẽ không ủng hộ chương trình của Ryan để thúc đẩy Hoa Kỳ đi theo đường lối bảo thủ Ryan vạch ra. Hơn nữa hai cựu tổng thống của Cộng Hòa là George H.W. Bush và George W. Bush cũng tuyên bố sẽ không tham dự đại hội đảng tại Cleveland.

    Một số Thượng Nghị Sĩ và dân biểu của Cộng Hòa cũng tuyên bố không thể ủng hộ Donald Trump được. Các người này hiện đang ra tái ứng cử lại tại các tiểu bang hay các vùng có nhiều dân Mễ, dân da đen nên sợ ủng hộ Trump sẽ mất phiếu các giống dân thiểu số và thua, bị mất ghế! Nhiều người khác đứng ở thế chân trong chân ngoài, không ủng hộ Trump hẳn nhưng cũng không dám ra mặt chống vì sợ bị mất phiếu của dân da trắng ủng hộ Trump.

    Thông thường một khi ứng cử viên tổng thống của đảng được chọn, các ứng cử viên Thượng Nghị Sĩ hay dân biểu đều theo đuôi ứng cử viên tổng thống để dựa hơi, cũng như để hưởng tiền yểm trợ tranh cử của đảng đưa ra để giúp cho các ứng cử viên trong đảng theo cùng lá phiếu. Nhưng với Donald Trump thành ứng cử viên của Cộng Hòa, lần này khác hẳn vì rất nhiều người trong đảng Cộng Hòa vẫn không thể chấp nhận được Trump, đừng nói đến mối lo sợ sẽ bị ứng cử viên Dân Chủ buộc mình dính chặt với Trump và lấy điểm đó để tấn công.

    Một quảng cáo sắp được tung ra của ứng cử viên Dân Chủ cho ghế Thượng Nghị Sĩ của tiểu bang Arkansas là Conner Eldridge cho thấy điều này. Quảng cáo này nhắm vào lời buộc Trump là khinh khi đàn bà, cho chiếu lại video Trump nói xấu đàn bà: “Mụ ấy ăn như heo!”. Cảnh video khác: “Tôi nhìn vào cái mặt mập ú, xấu xa của mụ ta”. Một đoạn khác thấy Trump mô tả một người đàn bà đi sửa thẩm mỹ:”Sửa vú gì xấu hoắc như vậy”. Sau các đoạn video này là hàng chữ: Người ủng hộ Trump: Thượng Nghị Sĩ John Boozman”.

    Các nhà phân tích về tranh cử của đảng Cộng Hòa cho rằng quảng cáo tranh cử này rất mạnh mẽ, nhắm vào lời buộc Trump khinh thường đàn bà để lấy phiếu của phụ nữ. Erick Erickson là người có thế lực trong đảng Cộng Hòa nhưng chống Trump cho rằng quảng cáo kiểu này rất lợi hại và nhiều hiệu quả. Erickson tiên đoán là kỳ bầu cử này Dân Chủ sẽ lấy lại được đa số ghế tại Thượng Viện chỉ vì Trump là ứng cử viên tổng thống sẽ làm hại theo các ứng cử viên khác của Cộng Hòa.
    Về phía Hạ Viện, mặc dù hiện nay phe Cộng Hòa có đa số khá nhiều nhưng một số phân tích gia cho rằng với Donald Trump đứng đầu lá phiếu Cộng Hòa, một số ghế sẽ mất về tay Dân Chủ và hai bên sẽ ngang ngửa, chưa biết bên nào sẽ chiếm được đa số tại Hạ Viện kỳ bầu tháng 11 này.

    Đảng Cộng Hòa hiện nay được coi như chia làm hai: những người theo Trump và những người chống Trump. Phe ủng hộ Trump có gốc là nhóm dân da trắng, học thức kém và bị ảnh hưởng nặng do cuộc Đại Suy Thoái. Những người này có tình trạng kinh tế gia đình bấp bênh, hoặc mất việc hay cảm thấy bị đe dọa sẽ bị thất nghiệp trong tương lai khi các hãng xưởng xuất cảng công việc sang Trung Hoa hay Mexico. Đa số những người dân này chỉ đủ sống qua ngày, gọi là paycheck to paycheck, bất mãn với giới establishment, không tin tưởng vào chính quyền hay những thành viên cao cấp trong đảng Cộng Hòa.

    Giới chống Donald Trump là những thành phần gọi là thượng đẳng, elites, của đảng Cộng Hòa, muốn theo những chương trình bảo thủ từ thời của Reagan. Tư tưởng bảo thủ này gồm việc hạn chế quyền lực của chính quyền liên bang, thay đổi luật di dân, cắt giảm các chương trình xã hội như Medicare, Medicaid, Social Security, tự do mậu dịch và gia tăng quốc phòng. Đây là những chương trình bảo thủ chính theo đuổi bởi những người theo truyền thống cố hữu về bảo thủ của đảng Cộng Hòa như thủ lãnh Hạ Viện Paul Ryan hiện tại.
    Tuy thế, đa số đảng viên của Cộng Hòa thuộc vào thành phần gốc muốn chú trọng về kinh tế nhiều hơn theo tinh thần bảo vệ thị trường cho Hoa Kỳ gọi là protectionism. Có nghĩa những người dân này đã bị thiệt hại quá nhiều do tự do mậu dịch và toàn cầu hóa. Vì Hoa Kỳ không cạnh tranh nổi với Trung Hoa một khi cho Trung Hoa gia nhập vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (World Trade Organization), những đảng viên Cộng Hòa này đã bị mất việc hay thấy không bảo đảm về kinh tế gia đình do các chương trình tự do mậu dịch của Hoa Kỳ từ trước đến nay.

    Những người dân này cũng bị chiêu dụ bởi những lời hô hào của Trump làm cho Hoa Kỳ hùng mạnh trở lại, nhưng không muốn can thiệp nhiều vào tình hình chung của thế giới như trước. Những chủ trương này của Donald Trump giống như những kêu gọi của Charles Lindberg, người bay băng Đại Tây Dương đầu tiên, nổi tiếng vì chống việc Hoa Kỳ tham dự vào Đệ Nhị Thế Chiến, gọi là chủ trương cô lập hóa isolationism. Ngoài ra muốn ngăn chặn di dân như xây tường biên giới để chặn dân Mễ nhập cảnh lậu. Đây là chủ trương gọi là nativism, dành lại Hoa Kỳ cho dân bản xứ, chống di dân đủ loại!

    Các khuynh hướng bảo vệ thị trường protectionism về kinh tế, cô lập hóa, isolationism, về phương diện toàn cầu và dành quyền lợi cho dân bản xứ, nativism, chống di dân, hiện nay rất mạnh trong giới dân da trắng thành phần ít học và nghèo. Không những thế, giới trung lưu hiện nay của Hoa Kỳ đang mất dần và xuống cấp thành giới trung lưu loại thấp, lower middle class, cũng ngả theo các chiều hướng này. Đây là mối lo ngại cho đảng Dân Chủ vì nhiều dấu hiệu cho thấy Donald Trump bắt đầu lôi cuốn được nhiều đảng viên Dân Chủ nằm trong những thành phần này.

    Hiện nay những thăm dò dư luận cho thấy Hillary Clinton dẫn đầu so với Donald Trump ở mức 60 – 40. Nhưng như những tiên đoán trước đây về Trump đều sai lạc, biết bao nhà phân tích và bình luận gia đã cho rằng Trump không thể nào trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa. Giờ đây những nhân vật này đều đấm ngực nhận lỗi mình dã sai lầm vì đánh giá Trump quá thấp! Các thăm dò dư luận giữa Hillary và Donald Trump hiện nay vẫn còn quá sớm và các con số này sẽ thay đổi rất nhiều trong những tháng tới.

    Dù sao đi nữa, đảng Cộng Hòa hiện nay có thể coi như đã vỡ tan làm hai. Một thành phần đa số ủng hộ Trump và thành phần còn lại, thuộc giới establishment, chống Trump. Nhóm này hiện nay như rắn mất đầu, bàng hoàng như vẫn chưa tin được là sau cùng Donald Trump đã thắng và trở thành lãnh tụ tối cao cho đảng Cộng Hòa để tranh cử, một khi họp đại hội đảng tại Cleveland chấm dứt. Một số như Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham cay cú và thù ghét Trump đến mức gọi Trump là bịp bợm, con man, và mong cho Hillary thắng! Tuy thế một số cũng đã xoay chiều và muối mặt ủng hộ Trump để hy vọng được mời làm ứng cử viên Phó Tổng Thống. Trong số này có Chris Christie, thống đốc New Jersey, cũng như Rick Perry của Texas! Có thể còn mấy tháng nữa, phần lớn những nhân vật cao cấp của Cộng Hòa rồi cũng xoay chiều để ủng hộ Trump. Nhưng dù sao đi nữa, đảng Cộng Hòa như đã biết từ mấy chục năm nay, khởi sắc từ thời của Ronald Reagan, lụn bại với George W Bush, sau cùng đã không còn nữa.

    Thay thế vào đó là đảng Cộng Hòa của Donald Trump, cô lập hóa, bảo vệ thị trường và chống di dân. Nếu Trump thắng và trở thành tổng thống Hoa Kỳ, đây sẽ là con đường của Hoa Kỳ trong tương lai, đem lại khủng hoảng và tai họa cho cả toàn cầu. Nếu Trump thua, nhiều phần sẽ lôi kéo theo cả Thượng Viện và Hạ Viện về tay Dân Chủ, đảng Cộng Hoà sau ngày bỏ phiếu tháng 11 này sẽ đương nhiên được coi như hoàn toàn tan vỡ và phân tán thành hai ba đảng nhỏ. Lúc đó Dân Chủ sẽ trở thành độc đảng, nắm giữ quyền hành vài thập niên nữa!
    Đây cũng không phải là viễn ảnh hay ho gì và sẽ đem lại nhiều hậu quả không hay khác cho tương lai. Chúng ta hãy chờ xem!


 

 

Similar Threads

  1. ... Một thời để NHỚ ...
    By NguyetHa in forum Truyện
    Replies: 46
    Last Post: 06-06-2017, 12:43 PM
  2. đã qua lâu gồi thời kỳ chủ wan khinh địch
    By Hàn Sinh in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 0
    Last Post: 04-15-2014, 10:25 PM
  3. ADAM & EVA .com - Cổ tích thời @ - Mưa PN
    By Mưa PN in forum Tùy Bút
    Replies: 57
    Last Post: 09-26-2012, 01:28 AM
  4. Không có thời gian
    By Võ Thanh Liêm in forum Âm Nhạc
    Replies: 0
    Last Post: 06-08-2012, 06:40 PM
  5. Replies: 1
    Last Post: 12-10-2011, 01:02 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 06:47 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh