Tình Người - Quy Ly



"Em vì hiếu thuận với cha mẹ nên không trọn được tình với anh. Anh thứ lỗi cho em. .."

Câu nói này của Huyền tôi nghe hình như quen tai lắm, đâu đó trong các phim bộ Tàu, hay trong các vở tuồng cải lương của người Việt mình. Nhưng cũng rất đúng trong trường hợp của tôi với Huyền. Cha mẹ Huyền không bằng lòng cho Huyền lấy tôi, cho rằng tôi nghèo, không thân, không thế, không thể nào đem lại đời sống hạnh phúc cho Huyền. Chúng tôi chia tay trong nước mắt. Lần đầu tiên trong đời tôi khóc vì một cuộc tình buồn. Tôi phải rời khỏi Quận Cam này ngay. Tôi phải đi đâu thật xa. Thật xa. Để không còn nhìn thấy lại những con đường quen thuộc có tôi với Huyền cùng tay trong tay chung bước. Để không còn nhìn thấy lại căn tiệm cà phê của cha mẹ Huyền, có bóng dáng xinh đẹp của Huyền với đôi mắt bồ câu đen lay láy và nụ cười duyên dáng nở trên môi mỗi khi thấy tôi đến. Tôi hy vọng ở một nơi xa khuất, lạ chỗ, lạ người, tôi có thể dần quên đi Huyền. Vậy là tôi lên đường, với hành lý chỉ có một va li nhỏ quần áo và vỏn vẹn 300 đồng trong túi.
... . .
Trên đường phiêu lãng, tôi ghé San Jose để thăm một anh bạn sơ giao tên Phan, quen năm ngoái ở quán cà phê Dễ Thương, Quận Cam. Sẵn nhà còn trống một phòng nên ảnh bảo tôi hãy ở lại và kiếm việc làm, có tiền lương cuối tháng thì trả tiền nhà cho ảnh. Nghe theo lời ảnh, tôi vào làm bồi bàn cho một nhà hàng, lương 6 đồng một giờ. Ngày đầu làm việc, tôi bị mấy bạn làm chung đố kỵ vì nghe chị chủ khen tôi nhanh nhẹn. Họ đâm thọc với mấy chị trong bếp, khiến mấy chị thấy ghét tôi. Trong lúc đứng trong bếp chờ bưng thức ăn, có chị đứng quay lưng về phía tôi và nói móc:

- Đứng chật chổ thêm.

Một chị khác nói hùa theo: - Có làm được gì đâu mà cũng khen

Ngày hôm sau, trong lúc đang dọn bàn, tôi nghe vài bạn chụm lại nói với nhau:
- Nó chỉ lãnh tiền giờ, không có chia típ đâu. Coi chừng nó ăn cắp tiền típ của tụi mình đó.

Tôi biết cái nạn "ma cũ ăn hiếp ma mới" ở đâu cũng có, nên tôi cố gắng nhẫn nhịn, không đôi co với ai. Nhưng, một bạn khác còn chơi xấc hơn, trong lúc tôi bưng thau chén dĩa dơ đi ngang, đã thình lình đưa chân ra chặn bước chân tôi. Tôi ngã chúi về phía trước, nhưng may kịp lấy được thăng bằng, không bị té. Tôi không trách móc gì, chỉ lẳng lặng bưng thau chén dĩa vào trong bếp, nghe sau lưng có tiếng chị chủ la anh bạn đó:
- Mày còn chơi vậy lần nữa là tao đuổi mày ngay.

Cố gắng làm đến giờ đóng cửa, tôi xin nghỉ việc. Hai ngày sau, tôi vào làm cho môt nhà hàng khác, cũng bị nhiều chuyện phiền phức bởi sự sân si, ganh ghét. Tôi lại xin nghỉ. Tôi nghĩ, San Jose là thành phố đông người Việt nhất trên xứ Mỹ này, cả trăm ngàn người Việt đang được an cư lạc nghiệp, sao tôi có thể không được? Nghĩ vậy, tôi lại tìm việc làm. Bà bạn thân của anh Phan kêu tôi đi phụ bán chợ trời 2 ngày cuối tuần cho bả. Một người làm khác được bả trả 60 đồng một ngày. Riêng tôi, hai ngày qua cũng khuân vác, phụ bán hàng, rồi dọn dẹp, rất mệt, nhưng lại không được trả tiền công. Tôi hỏi, bả trả lời:

- Có ăn, có uống cả ngày là may rồi. Đang thất nghiệp mà đòi hỏi.
Tôi nói lại cho anh Phan biết, ảnh lại binh vực bà bạn của ảnh:
- Bả nói vậy không đúng sao? Nếu không, thì Quý chết đói. Tôi đâu có nuôi cơm Quý được. Nếu Quý không thích vậy thì đi đâu thì đi.

Chán cho tình đời. Tôi quyết định rời khỏi nhà anh Phong, đi San Francisco . Bấy giờ là đầu tháng 10, 1996.
Từ bến xe Grey house, tôi kéo va li đi dọc theo đường 4 TH, hướng về những tòa nhà cao ngất ngưỡng. Tôi biết chỉ có Downtown mới có nhiều tòa nhà cao như vậy. Tôi nhìn đồng hồ, đã 9 giờ tối rồi. Khí trời mát mẻ. Bầu trời thăm thẳm, ngàn sao lấp lánh, có Chị Hằng sáng tỏ đang bay theo bước chân phiêu lưu của tôi. Phiêu lưu thật, vì tôi chỉ còn 100 đồng và chẳng quen biết ai ở San Francisco mà cũng cứ đâm sầm đến, để tìm một lãng quên tình cảm !

Trước mặt tôi là đại lộ Market, có nhiều cây cao dọc hai bên đường. Xe cộ chạy qua lại dập dìu. Ở giữa đại lộ có tuyến đường sắt dành cho xe điện. Một chiếc xe điện từ xa đang chạy đến. Tôi hỏi một người Mỹ đen đang đứng ở góc đường xe điện đó chạy đi đâu, anh cho biết chạy về Castro, khu dân Gay. Không phải chỗ của tôi. Tôi nhờ anh chỉ đường đi đến Chinatown rồi tiếp tục kéo chiếc va li đi. Từ lâu, tôi vẫn nghe bạn bè cho biết nước Mỹ có hai khu Chinatown lớn nhất, lâu đời nhất của người Hoa. Một ở New York và một ở San Francisco . Tôi nghĩ thầm, đến ở khu người Hoa chẳng ai biết mình, sống và làm việc với họ chắc dễ chịu hơn.

Đi theo đường Kearny qua khỏi đường California , tôi biết mình đã đi vào Chinatown , vì trước mắt là những cửa tiệm sáng trưng có bảng hiệu chữ Tàu. Tôi mừng rỡ bước nhanh hơn về phía trước. Cả khu phố Broadway sáng rực ánh đèn. Người Mỹ, người Hoa qua lại tấp nập ở hai bên đường. Tôi dừng lại, châm một điếu thuốc hút, nhìn ngó cảnh trời Chinatown về đêm thật đẹp, thật rộn ràng sức sống. Trước mặt tôi, nhiều tiệm Showgirl chạy đèn chớp chớp, có nhiều cô Mỹ trắng trẻ đẹp mặc quần áo hở hang đứng trước cửa, uốn éo thân mình mời khách qua đường. Một chị Mỹ đen thấy tôi hút thuốc thì đi đến xin. Tôi móc ra ngay 3 điếu đưa cho chị. Hai anh Mỹ đen khác đứng gần đó thấy vậy cũng chạy lại xin. Tôi cũng đưa mỗi anh 3 điếu.

Một anh nói
: - You good men. Can you give me one dollar ?

Tôi lại móc túi lấy cho mỗi anh một đồng , rồi hỏi chỗ nào có hotel rẻ tiền. Nhờ sự chỉ dẫn của họ, tôi có được một giấc ngủ thật ngon lành trong một hotel của người Hoa với giá 35 đồng một đêm. Hôm sau tôi đi tìm việc làm ngay. Khu chợ Tàu mới 9 giờ sáng đã đông nghẹt người Hoa qua lại hai bên đường. Đi không khéo có thể dẫm chân nhau hoặc đụng vào nhau. Tôi vào từng cửa tiệm để hỏi việc, nhưng đều bị từ chối. Chỗ thì chê tôi ốm yếu không làm được việc nặng. Chỗ đòi phải biết nói tiếng Hoa mới nhận. Nhiều chỗ khác cho biết đã đủ người rồi, kêu tôi cho số phone nhà, khi cần sẽ gọi. Tôi làm gì có phone nhà. Lại đi lòng vòng hỏi việc cho đến chiều, tối về lại hotel ở thêm một đêm nữa. Tôi bắt đầu lo lắng. Chỉ còn có 20 đồng, ngày mai mà không tìm ra việc làm thì biết ăn đâu, ở đâu ?.. ..

Thêm một ngày tìm không ra việc làm, tôi trở thành người Homeless. Buổi tối đầu tiên của đời không nhà, tôi ngủ trên lề đường 4 TH gần bến xe Grey house. Nửa đêm, trời trở lạnh, khí lạnh từ nền xi măng bốc lên thấm vào da thịt lạnh buốt khiến tôi phát run. Tôi ngồi dậy mặc thêm 5 cái áo vào người rồi nằm co ro cố ngủ tiếp. Giấc ngủ chập chờn nửa tỉnh, nửa mê. Đến sáng, ăn cái bánh ngọt xong tôi lại kéo chiếc va li đi vào Chinatown tìm việc làm. Các chủ tiệm thấy tôi kéo theo vali thì biết tôi là dân Homeless nên đều lắc đầu.

Còn có 5 đồng, tôi vào một tiệm "food to go" ăn trưa, mua thêm vài cái bánh để tối ăn. Thế là cạn túi. Ăn xong, tôi hỏi chị chủ tiệm có cần thêm người làm không. Chị cũng lắc đầu và chỉ đường cho tôi đến hỏi việc ở khu thương mại của người Việt. Người Việt ở San Francisco không nhiều, khoảng mười mấy ngàn người, nên khu thương mại chỉ tập trung trên đường Larkin. Tôi kéo va li đi qua các cửa tiệm người Việt, chỉ nhìn nhìn mà không dám vào hỏi việc, vì mặc cảm đang bị homeless. Hoàng hôn đến, tôi lại về bến xe. Tôi bắt chước mấy người Mỹ homeless khác, tìm vài thùng carton ở thùng rác lót làm chổ nằm. Dù đã mặc thật nhiều áo, tôi cũng bị thức dậy lúc nửa đêm vì khí trời lạnh rét. Một chiếc xe dân chơi về đêm chạy ngang, không hiểu sao chạy chậm lại, ném lon bia đang uống vào người tôi rồi cười ha ha và vọt xe chạy nhanh. Trời đất ơi. Tên nào ác ôn thế?! Sao mà khốn kiếp vậy?! Tôi lầm bầm rủa thầm rồi cởi cái áo ướt nước bia ra, mặc thêm vài áo khác vào. Tôi không ngủ được nữa, ngồi co ro chịu đựng cơn lạnh đến sáng.

Tôi vẫn cứ ngồi co ro vậy cho đến mặt trời lên trên đỉnh đầu. Đói bụng quá. Làm sao đây? Một thời làm Bầu show ca nhạc, vui sướng tận cùng, bây giờ phải đi ăn xin sao? Tôi nghĩ thầm rồi bất chợt nước mắt tuôn trào. Khóc một hồi, tôi nằm dài ra trên tấm carton ngủ một giấc đến tối thì thức dậy. Tôi nhớ lại Quang, người bạn tốt thâm niên của tôi ở Houston , có dặn nếu bị gì thì phone cho Quang để Quang gửi tiền cấp cứu. Tôi đến một trạm phone công cộng, mấy lần nhấc phone lên rồi đặt xuống. Tôi thấy xấu hổ với bạn, nên thôi.
Cái đói lại cồn cào bao tử tôi suốt đêm. Trưa hôm sau, thật may mắn, một anh Mỹ đen, cũng dân Homeless, đến ngồi bên tôi, hỏi:

- Are you hungry?
Tôi mau mắn trả lời: - Yes. I am very hungry!
Anh Mỹ đen kéo tay tôi đứng dậy: - Ok, go with me.
- Where are we go ?
- Go to the church for eat.

Tôi mừng quá đi theo anh. Đến nơi, tôi đã thấy một hàng dài mấy trăm người Mỹ homeless đang chờ vào nhà thờ để ăn bữa cơm từ thiện. Đứng vào hàng rồi, nước mắt tôi tự nhiên lại ứa ra. Tôi đã thật sự là dân Homeless ở thành phố xa lạ này.

Nhờ có nhà thờ ở đường Jones giúp cho ăn bữa trưa, tôi tạm thời giải quyết được cái bao tử lây lất qua ngày. Cứ ngày thì đến nhà thờ ăn trưa, tối về bến xe, nhịn đói, và ngủ trong trời giá lạnh. Tính ra đã bị homeless nửa tháng rồi. Một hôm, sau khi ăn trưa ở nhà thờ, tôi đến công viên ở khu Civic Center trên đường Larkin, ngồi trên ghế đá nhìn trời mây bao la mà buồn cho thân phận. Anh Mỹ trắng ngồi gần bên thấy tôi có chiếc va li mới hỏi:
- Are you Chinese? Where are you come from?

Tôi nhìn anh một lúc rồi trả lời: - Yes, I am Chinese. I came from Orange County , South California . I have been here for 3 weeks. Now, I am homeless. No home, no money!

Anh cũng nhìn tôi một lúc rồi nói: - Why you don' t go to Social Office? They' ll help you Food Stamps emergency and Voucher hotel for seven days.

Trong hoạn nạn, vì quá buồn, tôi đã quên mất chương trình An sinh Xã hội giúp người khốn khổ. Tôi cũng không ngờ ở thành phố San Francisco này lại có thêm chương trình giúp Voucher hotel cho người lỡ đường không có chỗ ở. Mừng quá, tôi nói:
- I don't know where Social Office. May you help me?
- Ok. I help you. Go!

Thần may mắn đã mỉm cuời với tôi. Anh Mỹ trắng tốt lòng dẫn tôi đến trước cửa Sở Xã hội, dúi vào tay tôi tờ giấy 10 đồng rồi bỏ đi ngay. Tôi cảm ơn anh nhiều lần. Anh đi đã hơi xa nhưng còn ngoái đầu lại nói: Good luck. Tôi thấy xúc động, nước mắt lại ứa ra. Từ khi thất tình Huyền đến những ngày homeless vừa qua, tôi trở thành "mít ướt"! Trời sinh ra con người cũng ngộ: Buồn khổ, đau thương thì khóc đã đành, cảm động, vui mừng cũng khóc.

Điền các thứ giấy tờ xong, tôi ngồi chờ khoảng một tiếng thì được gọi vào gặp cán sự phỏng vấn. Người tiếp tôi là một chị người Việt, tên Tường, khoảng 45 tuổi.

Chị nói chuyện nhỏ nhẹ, dịu dàng. Nghe tôi kể hoàn cảnh cha mẹ, anh chị em ruột thịt đã chết hết trong chiến tranh Việt Nam, qua Mỹ một mình, bị thất tình rồi trải qua những ngày homeless, chị tỏ ra cảm thông:
- Tội nghiệp em quá. Chị ở San Fran này 20 năm rồi, lần đầu tiên mới thấy một người Việt bị homeless như em. Trông em ốm quá. Có bị bệnh không?
- Dạ, trong hơn nửa tháng qua, mỗi ngày em chỉ ăn có một bửa trưa ở nhà thờ. Tối lại lạnh quá nên ngủ không được. Nhiều hôm bị cảm sốt, cũng phải rán chịu đựng. Em bị khủng hoảng tinh thần, cảm thấy chán đời lắm.

Chị Tường thở dài rồi tiếp tục ghi chép hồ sơ. Sau đó, chị bảo tôi ký tên vài chổ trên hồ sơ và nói:
- Em được trợ cấp Food Stamps mỗi tháng 145 đồng để ăn uống. Còn đây là phiếu ở tạm Shelter 3 ngày. Nơi đó có tắm rửa, ăn uống, giường ngủ đàng hoàng, lại có bác sĩ MD mỗi chiều đến khám bệnh cho thuốc uống.. Em hãy xin bác sĩ làm giấy chứng nhận em có bệnh. Sau 3 ngày, em trở lại đây để nhận Voucher ở Hotel 7 ngày, và cán sự phụ trách y tế sẽ phỏng vấn em lần nữa. Nếu được họ thông qua, em sẽ được trợ cấp tiền mỗi tháng 345 đồng để tiêu xài và mướn chỗ ở lâu dài, không còn lo homeless nữa.

Nóí xong, chị móc ví lấy ra tờ giấy 20 đồng đặt vào tay tôi. Chị nói:
- Đây là chút tấm lòng riêng của chị. Trong khi chưa có tiền trợ cấp, em giữ để tiêu xài lặt vặt. Chị chúc em từ nay về sau sẽ luôn gặp nhiều may mắn.

Tôi cảm động quá, chẳng biết nói gì, chỉ biết cảm ơn chị rồi đứng dậy. Chị tiễn tôi ra tới ngoài cửa văn phòng.
Shelter là nơi tạm trú ngắn hạn dành cho người Homeless. Mỗi Shelter có quy định riêng. Shelter dành cho phụ nữ thì cho ở từ một tháng trở lên, đến khi nào phụ nữ đó có đời sống ổn định. Shelter dành cho nam giới, tùy theo trường hợp, cho ở 3 ngày, một tuần, tối đa là một tháng.. Có Shelter còn trống một số giuờng thì cho xổ số hàng đêm để người Homeless nào trúng số thì được vào ngủ, chỉ một đêm, hôm sau là phải đi. Shelter tôi ở có hai tầng, tọa lạc trên đường 10 TH gần đại lộ Market. Buổi chiều, người Homeless đã tụ về đông đảo, tụm năm tụm ba nói chuyện ồn ào trong phòng sinh hoạt. Đa số là Mỹ đen. Tôi làm thủ tục nhận giuờng ở tầng 2 xong là vội vàng đi tắm. Sau hơn nửa tháng dơ bẩn ngoài đường, giờ được tắm, cảm giác vui sướng không thể tả hết được. Tắm xong cũng vừa tới giờ ăn chiều. Đến 7 giờ tối, có bác sĩ và y tá đến khám bệnh. Vị bác sĩ và cô y tá trẻ đều có nụ cười luôn nở trên đôi môi, ân cần hỏi han từng bệnh nhân. Tôi cũng được khám và được cho thuốc uống. Tôi xin bác sĩ viết giấy chứng nhận bệnh cho tôi, ông vui vẻ làm ngay.

Tôi đã có 3 ngày sống thật an vui trong Shelter. Hết hạn, tôi lại kéo va li đến Sở Xã Hội. Lần này, người phụ trách hồ sơ của tôi là chị Liên, trông trẻ hơn chị Tường. Sau khi đưa cho tôi Voucher hotel 7 ngày, chị dẫn tôi qua phòng cán sự phụ trách về y tế cho họ phỏng vấn bệnh trạng của tôi. Thật may mắn, tôi được thông qua. Tôi trở lại bàn làm việc của chị Liên. Chị cười thật tươi và nói:

- Như vậy là anh Quý được hưởng tiền trợ cấp mỗi tháng 345 đồng rồi đó. Tiền này anh không phải trả lại.
Tiền trợ cấp chỉ ngưng khi anh khoẻ mạnh và đi làm, có lợị tức sinh sống. Tôi có nghe chị Tường nói lại, về hoàn cảnh của anh. Tôi cũng thấy xót xa cho anh lắm. Anh ngồi chờ tôi hoàn tất hồ sơ cho anh nhé

- Vâng, cảm ơn chị nhiều

Khoảng nửa tiếng sau, chị Liên bảo tôi ký vài chỗ trong hồ sơ rồi cười thật vui vẻ:
- Chúc mừng anh qua cơn hoạn nạn. Anh đạo gì vậy?
- Tôi đạo Phật
- Tôi thì đạo Công giáo. Đạo nào cũng tốt thôi. Tôi có cái này tặng anh.
Chị mở túi xách lấy ra một bao thư, rồi mở bao thư lấy ra một thánh giá nhỏ bằng vàng đưa cho tôi, chị nói:
- Đây là thánh giá vàng thật. Anh cất vào bóp để có được sự may mắn. Chúa sẽ luôn phù hộ anh. Còn 20 đồng trong bao thư là tấm lòng tôi, cũng giống như chị Tường vậy. Để anh tiêu lặt vặt. Vì một tuần sau anh mới nhận được tiền trợ cấp của chính phủ. Anh nhận cho tôi vui.

Tôi lại thêm một lần xúc động, nhưng cố gắng kềm nén không cho nước mắt trào ra. Một lúc sau, tôi mới nói được nên lời:
- Tôi thật không biết nói như thế nào để tỏ lòng biết ơn chị Liên và chị Tường. Tôi thật may mắn gặp được hai chị tốt quá. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tôi sẽ luôn nhớ đến tình cảm tốt lành của hai chị dành cho tôi. Tôi kính chúc chị và gia đình luôn mạnh khoẻ, an vui. Tôi cảm ơn chị nhiều.

Chị Liên cũng tiễn tôi ra tới cửa. Chị dặn:
- Tôi phụ trách hồ sơ của anh, nếu có gì thắc mắc thì anh cứ gọi phone đến Sở Xã Hội, bấm thêm mã số của tôi thì sẽ nói chuyện được với tôi. Chúc anh nhiều may mắn.

Tôi cảm ơn chị và cúi đầu chào chị rồi kéo va li đi. Vừa ra khỏi Sở Xã Hội, tôi giơ thẳng cánh tay trái lên và hét lớn:

- Vui quá Trời ơi. Ông Bà, Ba Mẹ, Anh Chị Em của Quý ơi. Con vui sướng quá. Con hết homeless rồi... Hết homeless rồi. ..Sau một tuần ở hotel, cũng vừa lúc tôi nhận được tiền trợ cấp 345 đồng và Food Stamps 145 đồng. Tôi lại may mắn xin được trợ cấp Housing của City San Francisco dành cho người lợi tức thấp, và tìm được một building cho mướn phòng theo chương trình Housing, chỉ 98 đồng một tháng. Cuộc sống ổn định, tôi có lại những ngày tháng an vui, lo học hành thêm để có được sự thăng tiến đời sống cho những năm tháng về sau này.

.....Trong những ngày tháng êm đềm về sau này, tôi nhớ lại... Có lần trong giấc ngủ dưới gầm cầu xa lộ gần bến xe, tôi chợt cảm thấy một luồng hơi ấm từ dưới đôi chân chạy dần lên tới ngực, rồi tới đầu, giúp cho tôi chống lại được tiết trời San Francisco giá lạnh. Và Mẹ tôi hiện ra bên cạnh tôi, đẹp rạng rỡ như nàng tiên trong chuyện cổ tích tôi thường đọc thời thơ ấu. Mẹ âu yếm vuốt tóc tôi và dịu dàng nói:

"Con đừng bao giờ chán nản cuộc sống dù có gặp muôn ngàn cay đắng, khổ đau. Con phải dũng cảm vươn lên, vượt qua những phong ba, bão tố để sẽ tìm thấy được bờ bến yên lành, hạnh phúc. Cuộc đời có lấy ở con cái này thì sẽ cho con có được cái khác. Con hãy luôn ghi nhớ ở hiền thì sẽ gặp lành. Số con có Ơn Trên Thiêng Liêng phù hộ. Sẽ có rất nhiều người tốt thương mến, giúp đỡ con trên những bước gian nan của cuộc đời. Sau này, khi có được sự thành công, con hãy trả ơn đời bằng cách luôn yêu thương tất cả mọi người, làm thật nhiều việc thiện cứu giúp những người bất hạnh, khổ đau khác. Và còn phải lo giúp Dân giàu Nước mạnh. .. Ví thử cuộc đời bằng phẳng cả, Anh hùng hồ dễ có mấy ai?..."

Mẹ tôi ngâm khe khẽ hai câu thơ rồi biến mất. Tôi chìm vào giấc ngủ, một giấc mơ khác lại đến. Tôi thấy tôi bay bay trong không gian trong lành tràn ngập ánh sáng dìu dịu. Hồn tôi lâng lâng vui sướng. Tôi thấy thế giới này trở thành một Thiên Đàng. Tôi bay đi khắp cùng trái đất. Đâu đâu cũng có cảnh sắc đẹp tuyệt vời, cỏ cây tươi xanh, ngàn hoa khoe sắc thắm, tỏa hương thơm ngát, và chim muông nhảy nhót, líu lo bên cạnh con người. Con người ở khắp năm châu đều có cuộc sống an bình, thịnh vượng. Không còn có sự đe dọa của bom nguyên tử và những vũ khí độc hại tàn sát loài người. Không còn có những kỳ thị màu da, sắc tộc. Không còn có những tranh chấp lợi quyền, hận thù, ganh ghét giết hại nhau. Nhân loại sống với nhau thật hiền lành, hòa ái, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau cùng có được đời sống an lạc, vui sướng, hạnh phúc vĩnh cửu. ..

Giấc mơ đó bao giờ sẽ thành sự thật? ....
Như trăng có khuyết, có tròn ; như ngày có mưa, có nắng ; như khí hậu có thời lạnh, thời nóng; ý nghĩa " tình người " cũng có hai mặt tương phản: xấu và tốt. Nhưng thường, người ta hiểu hai chữ "tình người" theo ý tốt: Lòng Bác Ái.

Trường hợp tôi ở San Francisco , cũng vậy. Tôi đã gặp được những con người xa lạ không có tình thân thuộc, nhưng đã hết lòng giúp đỡ tôi vượt qua nghịch cảnh. Và, nhớ lại thời hoạn nạn vượt biển, vượt rừng của mấy triệu người Việt tỵ nạn, có tôi trong đó, cũng nhờ có Tình Người của hàng tỉ người dân nhiều nước trên thế giới, thể hiện Lòng Bác Ái thông qua Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, Hồng Thập Tư Quốc Tế, đã cứu giúp tất cả chúng ta có được cơm no, áo ấm ở trại tỵ nạn, và nhận hưởng ánh sáng tự do, dân chủ ở các nước thứ ba, để từ đó được thăng hoa đời sống, hình thành Cộng đồng người Việt hải ngoại phát triển lớn mạnh như ngày nay.
Riêng tại Mỹ, đã có hơn một triệu rưởi người Việt đang có được cuộc sống thành công, vui sướng.

Xin trân trọng biết ơn nhân dân Mỹ, chính phủ Mỹ, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, Hồng Thập Tự Quốc Tế, cùng hàng tỉ con người có Lòng Bác Ái trên trái đất này.
Và, xin được vinh danh hai chữ: Tình Người.

Quy Ly


************************************************** ******************************

CÂY ĐÀN VIOLON VÀ CÔ NỮ SINH OXFORD

11/08/2009

(Baihocthanhcong)

Câu chuyện cảm động của Nguyễn Phan Anh Tú – tên của một cô gái xinh xắn, sinh năm 1985, vừa tốt nghiệp Đại học Oxford của nước Anh. Cùng một lúc, cô theo học cả hai ngành: Quản trị kinh doanh và Tiếp thị.

Sau bốn năm ở một đất nước nổi tiếng, câu chuyện của cô không có những danh lam thắng cảnh, ẩm thực phong phú, hay những tiện nghi hiện đại… song vẫn đầy sức hấp dẫn và cảm động bởi nghị lực của một cô gái trẻ.
“Khi tôi đang học lớp 9, ba mẹ tôi bị thất bại, phá sản. Với tôi, những ngày tiếp theo là một sự thay đổi khủng khiếp. Từ giã ngôi biệt thự, gia đình 5 người, ba mẹ và 3 đứa con sống chật chội lay lắt trong một căn phòng nhỏ xíu, mà tiền thuê nhà cũng đủ làm chóng mặt.”

Trong những khối tài sản phải bán đi trả nợ, tôi tiếc nhất cây đàn Piano, bởi nó cùng tôi lớn lên, nuôi dưỡng tuổi thơ. Biết tôi yêu âm nhạc, mẹ cố giữ cây đàn violon, và tôi cắm đầu vào kéo đàn, chống chọi với khủng hoảng. Nhưng trước khó khăn của gia đình, tôi cũng phải giã từ cây đàn nhỏ bé, dù nó chỉ đổi được vài bữa cơm đạm bạc.

Dù yêu đàn, nhưng tôi không chọn làm nghiệp gắn bó. Cái chết của một người bạn thân, khi đang là sinh viên trường Y, khiến tôi bàng hoàng, thương tiếc và tự nhủ mình theo nghề của anh. Nhưng mơ ước đó bị dập vùi, quên lãng vì ba mẹ không thể đủ sức nuôi tôi học y khoa. Bản thân tôi phải đi dạy kèm, đi chơi đàn ở các quán ăn… để tự lo thân.

Khi học cấp ba, tôi chỉ muốn vào đại học kinh tế, vì suy nghĩ đơn sơ, đây là ngành học có thể kiếm được tiền lo cho gia đình. Tôi tự học tiếng Anh, để dễ tìm việc làm.
Gieo mầm tương lai

Rồi một cuộc gặp gỡ đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Đó là một chiều, tôi làm quen với một người Ý, chỉ vì muốn thực hành nói tiếng Anh. Người bạn mới, một tình nguyện viên của một tổ chức phi chính phủ hỏi tôi:
“Sao bạn không đi du học? Tại sao không?”.

Gợi ý của ông bạn gieo vào tôi một niềm tin. Không nói suông, anh bắt đầu lên mạng, “search” vào danh sách các trường đại học trên thế giới, và chọn ra cho tôi 5 đề thi. Đáp lại sự giúp đỡ của anh, tôi cố gắng làm bài, coi như một cơ hội rèn luyện kỹ năng viết tiếng Anh.

Nhưng thật bất ngờ, đại học Oxford của Anh quốc, gọi tôi nhập học, ngành quản trị kinh doanh. Niềm vui không vượt được nổi lo. Anh bạn người Ý tiếp tục giúp tôi bằng cách kêu gọi tổ chức của anh tài trợ cho tôi tiền máy bay, và động viên tôi cứ sang Anh, học có kết quả tốt sẽ xin được học bổng. Nhưng tôi cũng phải có một số tiền để sống trong một thời gian chưa có học bổng, mà tôi không biết là bao lâu.

Tôi nói với mẹ. Bà chỉ im lặng! Tôi gõ cửa những công ty lớn, trình bày nguyện vọng đi học, cam kết sẽ về làm việc cho công ty. Nhưng chẳng ai tin tưởng, chịu đầu tư cho một cô gái nhỏ bé trong chiếc áo dài trắng. Con đường du học của tôi cứ mờ dần…

Khi gần đến ngày nhập học, bỗng nhiên mẹ dúi cho tôi gần 1,000 USD. Mẹ đã bán hết mọi thứ kỷ vật của ngày lên xe hoa, vay mượn thêm… để nuôi ước mơ của tôi. Mẹ nhắc tôi giữ gìn sức khỏe. Bà đọc được trong mắt tôi niềm vui tột cùng, cùng ý chí quyết tâm đi học và tôi hiểu thế nào là lòng mẹ bao la! Một người bạn thân của mẹ tặng tôi cây đàn violong, để tôi có một người tri kỷ cùng đi đến vùng đất lạ vào cuối năm 2003.
Nước Anh đón tôi bằng một lớp sương mù, rét buốt, khiến tôi cứng người, đứng chôn chân giữa phố, may có người phát hiện đưa tôi vào nhà. Vốn từ tiếng Anh hơn 500 điểm TOFLE của tôi, sang đây, cũng trở nên điếc đặc khi nghe người bản xứ nói. Dò dẫm, rồi tôi cũng đến được trường Oxford, ngôi trường danh giá, nổi tiếng. Tôi phấn chấn dạo một vòng quanh sân trường, không khí đậm đặc sự nghiên cứu, uyên bác.

Tôi ra mắt các thầy phụ trách. Họ kiểm tra xem tôi có đúng là người đã làm bài thi gửi đến cho trường qua mạng không. Dù chuẩn bị khá kỹ nhưng tôi vẫn trình bày lại những gì mình viết một cách lập cập. Các thầy bảo tôi phải học thêm tiếng Anh tại Học viện ngôn ngữ quốc tế tại thành phố này, phải làm lại một tiểu luận khác theo yêu cầu của trường, nếu trình bày và được hội đồng giáo viên chấp nhận, thì mới trở thành sinh viên chính thức của trường.

Oằn mình nơi đất khách

Tôi chọn một khách sạn bèo nhất thành phố Oxford, giá cũng đã đến 20 USD một đêm, nhưng vì phải chi một khoảng lớn trong số tiền còm cỏi cho việc học tiếng Anh, nên trong một tuần, tôi đã cạn túi. Tôi quay về trường, gặp người quản lý du học sinh nhờ giúp đỡ.
Anh ta lắc đầu: “Trường này đâu phải nhà trọ, nhà mở… Bạn phải tự lo, cố gắng có học bổng, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn”.

Tôi kéo vali ra khỏi khách sạn, không biết đi đâu, ở chốn không bạn bè, không người thân. Lần đầu tiên qua đêm tại sân tàu điện ngầm, dùng hai vali làm giường, co ro trong chiếc áo choàng có dòng chữ đại học Oxford làm chăn, tôi không sao ngủ được. Tôi đúng là một kẻ “homeless” rồi!

Sân ga này quá rộng và bẩn, nên cảnh sát không quá khắt khe, xua đuổi. Tuy nhiên, nơi đây, lúc nào cũng sáng đèn, trật tự, kẻ tham cũng biết thừa sinh viên phải ngủ bụi, thì trong túi cũng chẳng có gì. Tôi đành chọn sân ga làm “nhà”. Có một ban nhạc chơi ngay trong sân ga. Tôi mon men đến làm quen, xin tham gia. Họ từ chối, vì tôi không có giấy phép, nếu cảnh sát phát hiện tôi làm chui, sẽ trục xuất tôi về nước.

Đói ở xứ lạnh là một chuyện khủng khiếp, đến nỗi tôi phải bán cây đàn violong với giá chỉ có 30 USD để sống sót, rồi những gì trong vali có thể bán được, tôi đều bán hết, vừa có tiền, vừa nhẹ, vì đi đâu, tôi cũng phải kéo chúng theo. Mỗi ngày, ngoài việc học tiếng Anh, tôi phải bắt đầu viết bài tiểu luận về cách quản lý của nhà hàng KFC (gà rán Kentucky). Tôi nhịn đói, để dành tiền đi xe buýt, tàu điện… Nhịn đói đến ngày thứ ba, trong cơn run rẩy, tôi gặp một người đàn bà đi cùng một con chó. Bà là người vô gia cư, ăn xin có giấp phép.

Biết tôi là sinh viên, bà đồng ý cho tôi theo, hôm nào có tiền, tôi được bà dẫn về trại ngủ tập thể, giá rất rẻ, và được nằm hẳn hoi một mình trên một cái giường. Nhưng những ngày thiếu ăn, ngủ bụi vẫn nhiều hơn. Con chó tên Đôla, biết điều, tự tìm thức ăn trong thùng rác. Tuy nhiên, có bà làm bạn, tôi vui lắm. Ai có thể biết, một cô gái chững chạc đến phỏng vấn các nhà quản lý lấy tư liệu, lại là một kẻ lang thang, sống nhờ vào lòng từ thiện của người đi đường.

Một hôm, người đàn bà ấy bỏ đi, khi tôi ngủ say. Tự nhiên, tôi quá nản lòng, muốn quay về nhà ngay tức khắc. Trước khi đi, tôi đã trấn an mẹ: “Có vé khứ hồi, nếu mọi sự trục trặc, con sẽ quay về”.

Cây đàn violon và niềm tin tỏa sáng

Trong lúc ngồi chờ máy bay, tôi suy nghĩ mông lung. Tôi đã xa nhà hơn hai tháng, chắc mẹ cũng chưa trả hết nợ nần, kỳ tuyển sinh đại học trong nước đã xong, tôi đâu còn cơ hội thi. Chẳng lẽ, tôi về nhà tay không? Ít ra cũng phải lấy được bằng TOFLE 600 điểm… Tôi quay lại sân ga. Người đàn bà hành khất đã trở lại chỗ cũ. Con chó rối rít mừng tôi. Bà ta nhìn ban nhạc kiếm được nhiều tiền, chép miệng với tôi: “Phải chi mày cũng biết đàn!” Tôi tròn mắt gật đầu lia lịa. Bà kéo tôi ra một tiệm bán đàn, thuê cây đàn violon cũ, không đủ tiền trả, bà bèn thế chấp con chó.

Ông chủ tiệm gật gù: “Nếu 10 ngày sau không mang tiền lại thì con chó sẽ bị giết”. Nhưng, tôi chưa đủ điều kiện để được phép chơi đàn. Mùa đông ập đến, cơn đói đe dọa, con chó sẽ bị giết… tôi chạy ra ngoài phòng cấp giấy phép, và bật khóc nức nở. Người đi đường dừng chân hỏi chuyện. Họ cảm thông, họ biểu tình, họ đòi hỏi… Cuối cùng, tôi được một giấy phép chỉ được đàn trong những giờ vắng khách. Họ lại đến nghe, ủng hộ… Mọi việc đang suôn sẻ, thì một lần nữa, người đàn bà ôm hết tiền, bỏ đi cùng với cây đàn. Khi tôi đi học về, chỉ có con chó ngồi chờ.

Tôi lại trắng tay, hụt hẫng, và lại muốn quay về nhà. Nhưng rồi tôi nghĩ lại chặng đường đã qua, con đường đầy gai mà tôi đã rẽ ra mà đi, tôi phải đến đích. Tôi đến chỗ tiệm đàn, ông chủ tiệm thông cảm với tôi, nhận hộ chiếu làm vật thế chấp. Trong một góc sân ga, tiếng đàn của tôi với những giai điệu của nhạc Trịnh đã níu chân nhiều khách qua đường, trong đó có rất nhiều người Việt. Tôi ấm lòng, đỡ nhớ nhà, nhớ quê.

Có tiền, tôi an tâm dồn sức học hành. Bài tiểu luận của tôi được trường chấp nhận, vốn từ tiếng Anh của tôi đã đủ để tôi được trở thành sinh viên chính thức của trường. Tôi được vào ký túc xá, chấm dứt 6 trời tháng lang thang, sống cảnh “bụi đời”. Tôi tiết kiệm, tính toán trong số tiền học bổng, ưu tiên mua một chiếc laptop, sách, còn ăn uống vẫn chủ yếu là bánh mì không thịt. Tôi dẫn con Đôla vào ký túc xá, nhưng chẳng bao lâu thì con chó già tình cảm ấy qua đời.

Sau hai năm học hành, làm thêm nghề giữ trẻ, dành dụm được ít tiền, tôi mới tính chuyện về nhà thăm gia đình, và tìm nguồn tư liệu chuẩn bị cho luận án tốt nghiệp. Không thể tả hết nổi xúc động khi tôi trở lại sân bay Tân Sơn Nhất. Mọi người đều kinh ngạc thấy tôi khóc như mưa. Mấy ai biết, đó là nước mắt của hạnh phúc, của nhớ thương…”

Tết năm nay, My – tên gọi ở nhà của Anh Tú – không còn lang thang ở xứ người, hay co ro đọc sách, rồi ngủ quên trong cơn nhớ nhà.
Con đường phía trước của một cô gái trẻ vẫn còn nhiều thách đố của công việc, của sự nghiệp…
Nhưng cô vẫn thương lắm nẻo đường đã qua, con đường mà đi theo chiều ngược gió, có quá nhiều kỷ niệm.
Cô cảm ơn những gian nan, nghèo khó, cảm ơn cả người đàn bà bí ẩn, bội bạc… vì nhờ sự bỏ đi của bà, mà cô trưởng thành.

T@tamnhin.us