Nếu nửa đêm trăng gió đã lên
Bão mưa êm, chăn gối ghi tên
Bia mộ đường quên…


Đêm khuya lắc, khuya lơ. Giáo đường im vắng, trời lặng yên nhưng một vài ánh đèn leo lét đang thay gió chập chờn, lay động những pho tượng các thiên thần làm “họ” trở nên hung dữ như muốn hù dọa không chỉ những người yếu bóng vía mà còn làm ngại ngùng những ai gan dạ muốn bước qua. Một người đàn ông đậu xe bên lề đường ngay dưới chân đèn lộ, nhìn về phía nhà Chầu-Thánh-Thể. Đứng bất động như thế một lúc khá lâu, người đàn ông mới bước nhanh, vòng theo con dốc lên Giáo Đường.
Tôi cúi mặt nhìn đồng hồ, đã ba giờ mười lăm, lúc ngẩng đầu lên thì người đàn ông đã biến mất vào trũng tối giữa hành lang có những pho tượng trắng, xám đứng rờn rợn như trong cơn ác mộng. Tôi tiến về nhà Chầu-Thánh-Thể để dòm ngó xem ông bố vợ gần đất xa trời có làm sao không rồi dự định sẽ về ngủ tiếp cho tới sáng. Tôi mở cửa thật nhẹ và vừa kịp nghe người đàn ông lúc nãy đang khẩn cầu với ông bố vợ của tôi, “Cụ ơi! Cháu xin cụ ở lại cùng chầu với cháu cho tới khi có người khác đến rồi hãy về, cụ nhé!” Bố vợ tôi bằng lòng, ông ra hiệu cho tôi cứ việc về ngủ và thầm bảo rằng ông không sao cả. Tôi ra về, trước khi khép cửa còn thấy hai bờ vai người đàn ông đang qùy gối kia rung rẩy, đầu gục xuống, miệng phát ra những tiếng lâm râm qua hơi thở hổn hển như đang có điều gì kinh hoàng, khiếp sợ lắm. Chẳng biết tại làm sao mà tôi trở nên hồi hộp, lúng túng khi bước nhanh như chạy qua cái hành lang âm u có những con mắt trắng dã không tròng của mấy pho tượng đang cùng theo dõi tôi. Khi ra tới vùng sáng chính cái bóng đen của tôi vừa té ngã sang một bên làm tôi tưởng ai cũng vừa đang lướt ra khỏi hành lang tử địa.

Chiều hôm sau, lúc ăn cơm tối với ông bà cụ, tôi hỏi thăm về người đàn ông trong nhà chầu Chúa đêm hôm qua thì hóa ra chẳng ai xa lạ, đó là Khải, người vừa mới tiễn đưa vợ hiền về gặp Nhan Thánh Chúa, Mồ chôn còn chưa héo những nhành hoa phúng điếu. Tôi chưa kịp hòi thêm thì ông bố vợ kể với giọng khác hơn ngày thường:
-Khải nó nói … vợ nó cứ hiện về làm nó với hai đứa con sợ qúa. Thằng anh thì van xin mẹ ơi, mẹ đừng về nữa làm chúng con sợ lắm. Em gái nó thì trách rằng mẹ ơi, mẹ nói Chúa đón mẹ về với Chúa, sao mẹ còn ở đây, mẹ đừng nhát con mẹ ơi!
Bà mẹ vợ ngồi kế bên, mặt xanh như tàu lá hỏi ông cụ:
-Thế … thằng Khải nó có thấy vợ nó hiện về không hở ông?
Ông cụ đáp:
-Không, nó không thấy nhưng đồ đạc trong nhà bị xê dịch. Mấy lần nó mắng con bé sao cứ mở tung nắp hộp chứa đồ kỷ niệm của mẹ và thằng con lớn cứ mãi quên đóng cửa … nhưng sau nó mới biết là con bé không hề chạm tay đến những thứ đó và thằng anh thì kêu oan.

Ông cụ bỏ ngang bữa ăn, lấy rượu ra uống làm không khí trở nên ngột ngạt. Bên ngoài trời sụp tối, vài làn sương mỏng thoáng hiện rồi tan. Tôi nhìn ra đường cái, ái ngại vì bỗng dưng hôm nay hàng cây bên kia đường vươn tay, dạng chân với những hình thù quái dị. Và cơn ác mộng tuổi thơ lại trở về ám ảnh tôi … với một con đường dài xa hun hút hai hàng cây chồm vào nhau đưa lối… Xa xa có bóng người chốc chốc lại hiện ra, vẫy tay và con đường cứ dài xa mãi cho đến khi vùng thoát khỏi cơn mơ.

Mấy lần mỗi Chúa Nhật, trước khi Yến chết, tôi thường gặp nàng cùng đi xem lễ với chồng và hai con. Đó là một người đàn bà có nhan sắc trung bình nhưng nổi bật nét hiền hậu, khả ái. Tôi không đoán được tuổi nàng nhưng cũng có thể suy ra được qua dáng cao gầy của đứa con trai mười chín, hai mươi và đứa em gái chừng mười bảy tuổi, có nét đẹp dịu dàng của một cô gái Nhật qua nét vẽ trên tranh thủy mạc. Chồng nàng, Khải, là một mẫu người từ tốn, khiêm nhường dễ gây thiện cảm. Gia đình cỏn con ấy trông chừng như rất hạnh phúc và sống đạo theo cách biết thương yêu, nhường nhịn như lời Chúa dạy hơn là có mặt ở nhà thờ để kiếm đủ điểm mà nhận cái chứng chỉ “Lên Thiên Đàng”.

Mặc dù mỗi lần gặp nhau, tôi và Khải chỉ gật đầu chào, chưa từng nói dài hơn một câu chúc bình an, tôi cũng quyết định đi thăm cha con Khải với chủ tâm trước là an ủi, chia buồn và sau đó tôi sẽ chia sẻ với họ những sự kiện của người chết hiện về.
Chuyện Yến hiện về thăm hai con lan nhanh ra cộng đoàn dân Chúa và được bàn tán với nhiều suy luận khác nhau. Riêng tôi, tôi thông cảm nỗi sợ hãi, chịu đựng của hai đứa trẻ khi hồn vía người mẹ vẫn còn đang quanh quẩn đâu đây vì tôi cũng đã từng trải qua những nỗi kinh hoàng vào những lần mẹ tôi hiện về từ bên kia thế giới.

Nhà Khải xinh xắn, nằm trên con đường có tên là “Thiên Đàng” với một vườn cây, bãi cỏ, lề hoa tươm tất như đã được chủ nhân chăm sóc thường xuyên nhưng chiều nay thì chúng như đang héo dần và u uẩn rũ mình xuống như cũng đang nhuốm một “màu tang ngút ngàn”. Khải đón tôi vào nhà, thằng Khôi mang bia ra mời, con bé Khanh đứng gọt vài món trái cây. Tháng Tám ở miền nam California trời còn nóng, trong nhà hâm hấp nhưng thỉnh thoảng lại bị ớn lạnh bởi một luồn gió vô hình lướt qua. Ba cha con vẫn lặng yên, không nói với nhau một lời cho đến khi tôi mở miệng nói một tràng phân ưu cùng tang quyến và không quên bồi thêm cái công thức “âu cũng là ý trời, Chúa đã gọi thì phải vâng …” Khải nói lời cám ơn rồi nhắc tới cái điện thư mà tôi gởi cho anh ta:
- Thưa anh… Thật tình thì tôi không hiểu hết ý cái nội dung mà anh ghi trong email. Anh có thể cho tôi biết thêm được không?

Tôi biết Khải muốn đi ngay vào vấn đề trong điện thư “gặp nhau sẽ kể” chuyện mẹ tôi hiện hồn về sau khi chết. Tôi hớp một ngụm bia cho trôi đi cái cảm giác ớn lạnh vì chuyện xưa sắp kể rồi tôi kéo ghế ngồi xuống bắt đầu:
-Anh Khải biết không… Mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng lúc 3 giờ sáng. Chị gái tôi gào khóc thật thảm thiết trong khi mấy chị dâu giúp vợ tôi lau khắp mình mẩy rồi mặc y phục mới cho người. Các anh em tôi, kẻ thì ngồi gục mặt khóc xót xa, người thì đi loanh quanh như mất trí, còn tôi thì bỏ trốn ra hiên sau ngồi ôn lại những gì giữa tôi và mẹ từ thuở hàn vi cho đến lúc trưởng thành, đặc biệt là chỉ giữa mẹ và tôi thường có nhiều chuyện thần-giao-cách-cảm... Anh biết không, mỗi lần ngữi thấy mùi canh khoai mỡ thoang thoảng trong không gian là y như mẹ sắp về hoặc tới thăm tôi. Còn mỗi khi mắt mẹ giựt liên hồi là mẹ nói mẹ biết tôi sắp đến với bà.
Tôi ngưng nói, nốc cạn hết chai bia cho vơi bớt xúc cảm rồi tiếp:
-Chúng tôi cũng đau đớn và buồn khôn nguôi như anh và các cháu vậy. Khi trời bừng sáng thì tôi nghe tiếng trong nhà hét to “má ơi! Má! trời ơi, má gọi tất cả kìa anh Hai!” Tôi bàng hoàng, chết điếng người chạy nhanh vào nhà, tưởng mẹ vừa sống lại nhưng người đang nằm trên ghế xếp là chị tôi, mắt nhắm nghiền, cử chỉ và giọng nói chậm rãi cùng cái vai lệch một bên giống y như mẹ tôi. Chị đang bị mẹ tôi nhập hồn nhắn nhủ: ““Quang con… nhớ tìm thằng Út về cho má … Phương nè, biểu thằng con (của) con nhớ ráng học…nên người nghen!”” Anh Hai, anh Ba, anh Năm và các em của tôi nghe xong liền chồm tới vừa nắm tay chị tôi, vừa gào lên kêu mẹ vừa khóc một cách thảm thiết. Rồi mẹ tôi mượn lời chị dặn dò thêm từng vợ chồng đứa khác nhưng tôi đã lánh ra ngoài nên không chính tai nghe được. Tôi thấy khó tin và cho rằng chị tôi vì gào khóc đến tàn lực nên mới mê man nói hoảng. Sau này chính vợ tôi thuật lại từ đầu đến cuối những gì mẹ đã nói và chính bà nói câu này ““Tội nghiệp thằng Sáu, nó không tin lời má! Con biểu nó đi trả tiền rau cho má.”” nói xong câu đó, mẹ tôi còn dùng miệng chị mà nói khá nhiều lời ngổn ngang, không ai hiểu thêm được gì cả, lúc xầm xì, lúc như đi đâu đó rồi chặp sau quay lại nói tiếp những tiếng đều đều như kinh cầu của một ngôn ngữ xa lạ nào đó… Hết kiên nhẫn, anh Hai ra hiệu cho mấy em và nức nở nói lời vĩnh biệt, cầu siêu độ cho mẹ rồi khoan thai lau mặt và lay chị tôi tỉnh dậy.

Khải nghe tôi kể xong liền với tay châm bình trà, anh nói không thành tiếng mấy lời nên tằng hắng và lập lại:
-Rồi sau đó hay mấy ngày sau đó mẹ anh có nhập vào chị hoặc ai nữa không?
-Không, đó là lần duy nhất nhưng tôi biết mẹ tôi vẫn thường về, linh cảm mà thôi… nhưng chắc chắn là mẹ có về, không nhầm lẫn được.
-Bà hiện nguyên hình cho thấy à?
-Hàng xóm có hai, ba người thấy bóng mẹ tôi thấp thoáng trong vườn trước căn nhà của mẹ. Nhưng tôi không tin lắm chuyện đấy vì đối với tôi người chết không thể tự tạo được dáng hình vật lý được.
-Nhưng sao anh lại nói thấy bà về?
-Biết… chứ không phải thấy. Các anh chị em và các cháu của tôi thường kể cho nhau nghe rằng họ hay nằm mơ thấy bà. Rồi chuyện có hai đứa bé đang chơi thì nghe tiếng bà gọi, chúng đi theo ra sau hè thì chẳng thấy bà đâu và chuyện nữa là con chó thường quấn quít bên bà nay đã bỏ đi đâu mất tiêu luôn từ chiều hôm sau ngày mẹ tôi mất. Sau này tôi còn nghe vợ tôi thuật lại là “Hôm đưa má ra chôn ngoài nghĩa địa, lúc hạ huyệt thì em thấy chiếc quan tài rung mạnh, ai đó đang đứng bên cạnh chợt ôm ghì lấy em và hai người em rễ ghé tai em nói hãy cho anh biết là có chuyện lạ rồi, ý họ như muốn nói là má đang cựa quậy trong quan tài. Nhưng em cản họ vì chết ở đất Mỹ này ai cũng bị mỗ lấy hết bên trong rồi trang điểm lại trước khi chôn thì làm gì có chuyện đội mồ hay chôn sống nhưng mà rõ ràng thật anh ạ! Như bây giờ nhắc lại em còn sợ đến ớn lạnh khắp người nè.”

Mặt Khải càng lúc càng tái thêm, hai đứa nhỏ thì ngồi khép vào nhau tay bấu chặc ghế. Khải ấp úng hỏi tôi:
-Có phải lúc tôi linh cảm là Yến đang đứng đâu đó trong nhà hoặc đang ghé mặt vào khe nhìn hai con ngủ và thường đứng sát bên tôi trong bếp như muốn giúp tôi chuyện gì thì cũng giống như anh biết mẹ hiện hồn về không?
Tôi đáp:
-Đúng vậy. Một đêm kia… trong lúc tôi đang ngồi đưa lưng ra cửa phòng, cắt sửa những khúc phim đám ma của mẹ thì bỗng dưng thoang thoảng bay trong phòng mùi của canh khoai mỡ với tôm khô. Tôi không ngăn được tiếng la “Má, má … má” rồi tôi quay lại thật nhanh vừa lúc cảm nhận một làn khí lạnh đang luồn qua khe cửa rồi trôi xuống thang lầu. Tôi theo cảm tính chạy ra khỏi phòng, lạng quạng bước xuống nhà dưới, lần theo mùi thơm bát canh khoai, mùi càng mạnh về phía cửa ra sau vườn… nhưng khi tôi ra tới nơi thì mất hết mùi. Tôi quay lại vô nhà và khi vừa mở cửa chính thì liền bị choáng đi, ngực đầy nghẹn, chân đứng không vững… Mẹ đang đứng bên kia đường, lệch một vai, chập chờn như sương khói mờ tan. Bà vẫy tay “má đi nghen c…o…n” tiếng vọng của mẹ trong tai tôi âm vang không biết bao nhiêu lần cho đến khi tôi giựt mình bật dậy từ thế nửa nằm, nửa ngồi.
Khải ngắt lời tôi:
-Anh vừa thấy bóng… bóng ma của mẹ … Sao anh nói là anh không tin những người hàng xóm thấy bà cụ hiện hình trong vườn?
Tôi không trả lời, tiếp tục kể:
-Tôi dụi mắt, không tin là mình tỉnh táo để thấy mẹ hiện hồn… chỉ vì tôi bị choáng váng, trúng gió khi hai làn khí nóng lạnh ngay cửa ra vào chứ lúc đó mà hoàn toàn tỉnh táo tôi mới tin trên đời là thật có ma hiện hình.
Bỗng nhiên thằng Khôi chen lời vào:
-Con thì cũng cảm nhận được những điều chú kể là rất giống với trường hợp của anh em con. Tụi con lên nhà, xuống bếp, vô phòng hay ra vườn thì hình như mẹ đều đi theo phía sau lưng.
Con bé Khanh cũng góp thêm:
-Ban ngày cũng vậy mà ban đêm cũng vậy đó chú …
Khải vô tình làm tất cả đều ớn lạnh:
-Vậy là vợ tôi vẫn chưa đi anh hở. Không chừng Yến đang đứng đâu đây nghe chúng ta trò chuyện nãy giờ…
Khải biết mình nói dại, làm hai con sợ nên ngưng nói ngay và kéo tay tôi ra sau vườn… Nhưng khi mới vừa đặt một chân ra ngoài, Khải rút ngay chân vào nhà, miệng anh há hốc trong khi hai tay “bơi” ra sau lưng như muốn tìm điểm tựa. Tôi hỏi:
-Chuyện gì thế, anh sao vậy?
Khải chỉ ra góc vườn ấp úng:
-Tôi vừa thấy Yến đi khuất sau góc tường kia...

Tôi nhìn ra ngoài, trời vàng ươm một màu cũ kỷ như trong một tấm ảnh nhạt nước phim lâu đời. Ban đêm có bóng tối làm kinh hãi thì ban ngày có nắng vàng hoang hoắc trong vườn như lúc này cũng làm chột dạ và có chút gì rờn rợn chẳng biết vì sao.
Tôi e dè bước nặng, bước nhẹ đi trước, tiến lên phía góc tường nơi Khải thấy Yến vừa khuất bóng. Bé Khanh nắm chéo áo của Khải đi sau tôi và Khôi. Còn cách góc tường một hai bước thì Khôi níu mạnh áo tôi, nó la khẻ “rắn… rắn!” Vừa lúc đó, tôi dừng lại, nghiêng tai lắng nghe thì đúng là có tiếng xì...xè và vật gì như đang trườn dưới đất. Tôi vịn tay lên vách rồi chồm đầu tới nhìn qua góc tường… Nửa sợ rắn, nửa sợ bất ngờ gặp hồn ma Yến hiện nguyên hình… Nhưng tôi hoàn hồn ngay vì trông thấy chị Nhu đang kéo dây tưới và cái đầu xoa chưa mở hết, làm nước phun sương tạo thành tiếng xè xè như con rắn đang rít lưỡi gió.
Tôi quen chị Nhu nhưng không biết nhà chị ở đâu. Chị là người tử tế, thường hay giúp việc trao mình Thánh trong nhà thờ. Tôi kéo “đoàn toa tàu” ra chào chị. Chị cười héo hắt lên tiếng:
-Hoa cỏ mấy hôm rồi không được tưới, héo úa đến tội. Khôi, Khanh hai con từ nay phải trông nom vườn tược nhá, rảnh rỗi cô cũng sang đây giúp một tay.
Khải nói cám ơn chị và hỏi:
-Chị đến từ bao giờ, sao không vào nhà trước mà đã lo đi tưới vườn?
Rồi không cần nghe chi Nhu đáp, Khải ghé tai tôi nói nhỏ “chị Nhu đang mặc áo đen” tôi chờ nghe Khải tiếp nhưng Khải chỉ nói có bấy nhiêu thôi làm tôi chẳng hiểu vì sao chị Nhu mặc áo màu đen và ý Khải muốn gì…
Chúng tôi cùng nhau dọn dẹp, tưới vườn và mang rác ra đường. Công việc vừa xong thì chị Nhu cùng Khanh vào nhà mang nước trái cây ra một góc vườn nơi có chiếc ghế xích đu và bộ bàn ghế thấp bé bằng gỗ đỏ. Chị Nhu kéo bé Khanh ngồi xuống đong đưa ghế xích đu vừa hỏi thăm chuyện gia đình tôi, rồi chị bày tỏ niềm thương tiếc:
-Mỗi lần vào nhà thờ tôi thường để ý và ngưỡng mộ hai gia đình rất đầm ấm, hạnh phúc, hai gia đình đều có hai con, một trai và một gái, đó là gia đình cậu và khải. Nay một đã vừa mất đi một người vợ đảm đang, một người mẹ thật diệu hiền.
Tôi định nói lời chia buồn thì Khải đã lên tiếng trước:
-Lúc nãy chị đi trong vườn mà em lại nhìn tưởng bóng Yến… Ơ nhưng chị mặc áo đen sao em lại thấy người đi quanh qua tường khoát áo xanh… Lạ thật!
Mặt chị Nhu trở nên nghiêm trọng:
-Này, chị nghe mấy hôm nay cha con em ăn ngủ không yên, chị cũng mốn qua ngủ với bé Khanh cho nó bớt buồn nhưng… nhưng chị cũng sợ ma lắm! Chị thường nghe nói rất nhiều về bốn mươi chín ngày hồn chưa đi hẵn, hay hiện về bên người sống… Có hồn còn lưu luyến chưa muốn đi, có hồn tiếc của tìm về… Chuyện của Yến đồn rùm ra khắp nơi, có muốn không tin cũng không được… Nhưng chị nghĩ có lẽ Yến vì yêu thương và tội nghiệp ba cha con nên mới …
Tiếng khóc nức nở của bé Khanh làm chị Nhu dừng nói. Con bé ghé tai chị nói thì thào lời gì không nghe rõ. Chị Nhu liền khoát tay lên vai con bé và đề nghị nó nói lớn tiếng cho mọi người cùng nghe, “cháu nói lại đi!” Bé Khanh vừa tráo hai bàn tay xinh xắn lên nhau vừa nói:
-Đêm hôm kia con sợ ngủ một mình vì đêm trước nữa, mẹ đến ngồi xuống giường bảo con nằm xê vô cho mẹ nằm với… Nên con xin bố cho con ngủ chung phòng. Bố bằng lòng cho con nằm trên giường, bố trải chăn bông nằm dưới đất và sau đó thì anh Khôi cũng ôm chăn vào nằm cạnh bố dưới sàn nhà…
Khanh tạm ngưng nói, đưa mắt nhìn hai bố con như xác định việc thật chứ không phải là mơ, rồi mới kể tiếp:
-Rồi con thiếp ngay vì mất ngủ từ hôm đi đám tang chôn mẹ. Đến khuya con tỉnh giấc, không biết mấy giờ, con thấy bố ngồi bệt dưới sàn, gục đầu lên hai gối, dường như đang khóc. Rồi bố nói rất khẻ nhưng con cũng nghe được là bố đang nói với mẹ “em đừng về nữa em! Anh nhớ em lắm! Em đừng làm hai con sợ!”
Khôi xen vào:
-Lúc đó con cũng thức, trùm kín đầu vì tưởng có mẹ hiện ra trong phòng. Con nghe ba rên lớn “Mẹ ơi! Con cũng muốn chết cho rồi … đau đớn quá Mẹ ơi là Mẹ!” Con sợ quá, chùm kín chăn, cầu xin Mẹ Maria hãy dắt linh hồn mẹ con đi ngay...
Con bé ngưng nói vì bắt đầu khóc tấm tức.
Khải hỏi:
-Thế chị từng có bao giờ gặp trường hợp hồn người chết hiện về chưa?
Chị Nhu thu hai vai nhỏ lại, đặt tay lên nhau rồi nói với sắc mặt nhợt nhạt:
-Mấy năm về trước, phía dưới đường gần thư viện, có một bà cụ chết linh lắm. Vừa đưa xác bà ra cửa là bà trở lại nhập hồn vào cô con gái, chỉ cho họ tìm được những món qúy giá mà bà cất giấu rồi còn trăn trối, dặn dò với anh em họ nữa… Hàng xóm thường thấy bà hiện về đứng trong vườn làm việc như người sống… Mà điều đặc biệt là có ai đó bày ra cách cầu xin bà cụ giúp mang đi những bệnh tật, đau đớn. Chị cũng tò mò đến với bó hoa cầu xin cụ mang đi cái chứng nhức đầu bén như dao cắt… Quả nhiên, cơn đau thuyên giảm rồi có năm chị chẳng đau lấy một lần nào, Lâu lâu mới bị lại. Bốn mươi chín ngày sau thì ông lão nhà đối diện bảo thôi, đừng ai đến nữa vì bà báo mộng cho ông là đã vĩnh viễn ra đi, Thế rồi từ đó không còn ai thấy bà hiện về trong vườn nữa. Mãi ba bốn năm sau căn nhà đó mới có người dám mua.
Tôi đợi chị Nhu kể xong một hơi mới nói:
-Thưa chị bà cụ ấy không ai khác hơn, chính là mẹ tôi đấy…
Chị Nhu la lên “thế à!” Không đợi chị nói tiếp, tôi giải bày:
-Nhưng thưa chị, anh Khải và hai cháu đây, có một điều tôi không vui lắm khi nghe người ta nói căn nhà đó có ma mà mẹ tôi chính là bóng ma hiện hình. Tôi đem chuyện hồn ma nói với ông lão ở nhà đối diện nhà mẹ tôi ngày trước thì ông nói: “Ma và vong hồn là hoàn toàn khác nhau. Khi vừa qua đời thì họ giống nhau, tuy nhiên sau bảy tuần tức 49 ngày thì đa số là siêu thoát để đi đầu thai về từng kiếp khác nhau. Tuy nhiên còn một số những người mang ác nghiệp, chết bất đắc kỳ tử, hay tự tử... không thể siêu thoát được… thì họ sống vất vưỡng, tá túc ở mọi nơi mà ta hay gặp thường gọi là Ma. Cũng có những kẻ chết bờ, chết bụi nên mới có chuyện dẫn vong về nhà, tôi cũng chưa nghe ai nói dẫn ma về nhà cả. Thân nhân chết ở ngoài đường như tai nạn, chết trôi… thì người ta phải làm lễ gọi hồn về nhà hay còn gọi là lễ Sai Phan vì vong hồn của người mất không thể về nhà được."
Tôi ngừng nói và tôi biết mọi người đang ngạc nhiên vì sao một người đi Đạo Thiên Chúa như tôi lại nói về nghiệp chướng. Hớp xong chung trà nguội lạnh, tôi tiếp:
- Tôi cũng đem chuyện mẹ tôi hiện hồn, xin ý kiến của một linh mục, ngài nói ”Anh chưa từng chết đi sống lại, Cha cũng thế, làm sao chúng ta biết được hoàn toàn sự gì sau khi chết. Phải không ạ? Cha không muốn dựa vào Thánh Kinh để nói về Thiên Đàng, Điạ Ngục hay chốn luyện tội với anh nhưng Cha và anh đang giải một bài toán có cùng mẫu số chung đó là anh đã từng trực diện với hồn mẹ mình và Cha cũng đã như thế với nhiều linh hồn các con chiên Chúa mới qua đời. Nếu ta dựa theo bản chất của linh hồn là ánh sáng, tình thương và cảm thông thì ta nên hân hoan tiếp nhận ánh sáng, chia sẻ tình thương và cảm thông với hồn người quá cố. Không nên sợ hãi, xua đuổi và tránh né vì như thế linh hồn người chết sẽ bị đau đớn, tổn thương và cô đơn. Về con số 49 ngày thì Cha xin không bàn tới chỉ chia sẻ cùng anh là ngẫu nhiên Cha cũng linh cảm được là sau đó họ đã đi xa. Anh nhé! nhớ cầu nguyện và an ủi các linh hồn vừa mới qua đời nhé!"
Tôi kể một hơi đến khan cả cổ rồi lại nốc cạn chung trà, quay sang Khải, tôi nói:
-Tôi và anh chỉ gật đầu chào mỗi lần gặp nhau nhưng hôm nay tôi đánh bạo đến nhà là vì những gì tôi vừa kể xong. Tôi muốn mang đến anh và hai cháu cái thông điệp mà tôi rất thích đó là “đừng sợ hãi, xa lánh mà hãy nên an ủi, thông cảm với linh hồn chị Yến” chẳng hạn như nếu cháu Khanh nói “Mẹ ơi! Con biết rồi… Con cũng thương mẹ lắm, mẹ hãy yên tâm mà đi… Con sẽ tiếp tục vui sống như lúc nào cũng có mẹ bên con” thì anh thử nghĩ có phải hồn chị có vui vẻ, êm ả ra đi không?
Chúng tôi ngồi lặng thinh một lúc rồi chị Nhu buông vai Khanh, vuốt tóc lòa xòa trên trán con bé rồi ôn tồn trấn an hai đứa trẻ:
-Không việc gì phải sợ, Mẹ mình mà phải không các con. Mẹ sinh ra mình, từng ăn ngủ với mình mà… Nay mẹ phải đi trước vì ý Chúa nhưng rồi mình cũng sẽ gặp lại nhau thôi.
Chị Nhu đưa mắt nhìn tôi như muốn kể riêng cho tôi nghe, chị nói:
Cậu biết không, mấy ngày trước khi Yến mất… Hôm đó tôi cùng mấy chị trong Hội Các Bà Mẹ cùng đón Yến từ bệnh viện về đây, ngồi tại chỗ này, y như vầy, Yến ngồi cùng tôi trên ghế xích đu này, các bà thì đứng, ngồi chung quanh… Yến mở bọc giấy khoe, Yến mân mê một tấm áo có thêu hình hai cánh chim bồ câu trắng, nó khoan thai nói như một cô bé đang chơi búp bê:
-Em chuẩn bị sẵn sàng rồi chị ơi! Em chọn chiếc áo màu xanh nhạt da trời này khi gặp Ngài sẽ thích hợp hơn. Tràng hạt Mân Côi em từng đọc kinh, cầu nguyện em cũng mang theo, nó sẽ được đặt trên trái tim của em khi nằm trong quan tài, ờ mà em cũng đã nhắn ông bà nội hai đứa nhỏ là em chỉ xin cái hòm thô sơ thôi vì em biết mình sẽ đi ngay và sẽ đi rất xa.
Chưa kể xong chị Nhu bỗng khóc oà, nói không tròn tiếng:
-Chị và mấy bà nghe Yến nói không cầm được nước mắt, chị gục đầu vào lòng Yến khóc như mưa...
Tôi nhớ mãi Nắng trong vườn phút chốc đã loang màu tang chế.
Một màu nắng rất hợp với bóng áo ai xanh thoáng hiện bên tường rồi nhòa đi như tranh sơn màu của Annie trong phim What Dreams May Come . Chiều vẫn chầm chậm trôi qua đời tôi như chưa từng có buổi chiều nào như thế và có lẽ mãi về sau cũng không còn chiều nào với màu nắng vàng xưa hoang hoắc như thế.


Cho linh hồn N.A vừa quá cố
Viết xong tại Greenwood Cemetery