Register
Page 15 of 16 FirstFirst ... 513141516 LastLast
Results 141 to 150 of 155
  1. #141
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,715
    Có những câu nói ngọt ngào, ngọt tới nỗi người nhận không thể không thấy thấp thoáng chút gì đó của sự ngốc nghếch. Ở cả hai đầu, kẻ nhận lẫn người cho.

    Đã từng có những giấc mơ như thể, đến, và đi, trong bàng hoàng tiếc nuối. Cuối đêm về sáng, reo chiêm bao mỏng mảnh, dằng dặc, vắt nỗi thừa thãi lên khúc đầu tỉnh thức, chỗ còn đượm hơi mơ.

    Cuối mơ, đầu tỉnh, lớn dần lên, như một khúc mía lùi, đêm lửa trại khá đông người, sao vẫn là trong mắt người này, chỉ có người kia. Bờ biển đêm, dưới là cát, trên là sao, đất lẫn trời, li ti niềm hạnh ngộ.

    Ôi, thứ ký ức càng trễ tràng càng ngọt ngay ngọt ngất.

    Ở một nơi nào đó, người có đang kéo từng ngăn tủ, moi móc tìm tòi cánh hoa hạnh đã bạt mùi ơn phước, như ta...

  2. #142
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,715
    Hôm qua, giỗ (không có đám) bà ngoại tui, nhớ về bà với những lơ tơ mơ ký ức. Đúng nghĩa lơ mơ, bởi, thằng con nít nhỏ xíu, nhớ được chi nhiều. Ông nội mất khi tui còn chưa tượng hình trong bụng mẹ, lên ba bốn tuổi thì bà ngoại lìa xa, chỉ nhớ cái miệng móm mém của bà hay kêu nựng tui bằng mấy tiếng "thằng lục lăng". Tới giờ, tui cũng không chắc được, sao lại là lục lăng, không lẽ đã bị định danh thành tên sáu mặt ? Hi hi..

    Quê mẹ cũng gần, cách Sg chưa tới 50 cây số, hễ rảnh là theo Má về thăm ông bà ngoại bằng xe đò, còn nhớ hiệu xe đò quen thuộc, Tam Hữu, chuyên chạy Chợ Lớn-Tân An. Ở quê, có đám hay không có đám gì, Má tui cũng không quên mua đem về ít thì năm ba, nhiều thì cả chục ổ bánh mì Sài gòn lừng danh tới tận miệt Cà Mau Rạch Giá. Bánh mì không thôi, chớ chẳng cần thịt thà giò chả chi, đã là quý lắm. Cũng có khi, tại không có nhiều tiền nên Má tui không dám mua các thứ phụ hợ cho thêm phần long trọng. Để tiền đó đưa ông bà ngoại dằn túi, thực tế và tình nghĩa hơn nhiều...

    Sang hơn một chút, Ba Má tui sẽ mua một cây bánh lột da, nghe nói là ông ngoại rất ưa. Nghe tên cái bánh thấy ớn nổi da gà vậy, chớ thiệt ra là hiền khô, khô ngoài, ướt rượt bên trong. Nhưn đậu xanh là chủ yếu, có khi thấy cũng có đậu đen. Tui không nhớ ra hồi đó đã có hương vị sầu riêng chưa, chắc chưa. Bánh lột da là bánh đặc trưng của người Hoa mà, chắc chưa chấp nhận cái mùi vị ác liệt của sầu riêng vô đó. Sau này, chắc có công của dâu Việt, rể Việt góp vô, sầu riêng mới trở thành nguyên liệu không thể thiếu để làm nhưn.

    Không hiểu vì sao, cái tên bánh lột da đặc biệt vậy, tượng hình vậy, sau này biến tướng thành bánh bía một cách lãng òm làm vậy. Theo kiến thức lổ mổ mà tui cóp nhặt được, pía, là bánh trong tiếng Tiều, tức Triều Châu, kêu như vậy hóa ra là bánh...bánh, kỳ cục hết biết.

    Hai cây cầu lớn nhứt, Bến Lức Vàm Cỏ đông, và Tân An, Vàm Cỏ tây, mỗi lần xe đò qua đều phải theo hiệu lịnh của hai cái bót lính gác cầu, chỉ cho chạy một chiều, dễ kiểm soát và tránh xảy ra cọ quẹt. Giới xe đò và khách đi xe bực bội vì chờ đợi, nhưng dân buôn bán hai đầu cầu thì mê lắm, có dịp chào mời đám xe cộ ngừng lăn bánh đợi bảng xanh. Tui còn nhớ như in, thèm nhểu nước miếng những khúc bánh mì lạp xưởng được huơ huơ trước mắt. Màu lạp xưởng đỏ thắm ló lên, ánh nắng xuyên qua càng khêu gợi khôn lường. Lại cũng có khi, bánh mì chim sẻ ru ti, ló lên ba cái đầu chim, hơi ớn. Thế nhưng, chim sẻ hay lạp xưởng gì, mơ thôi, biết tỏng trong bụng rồi, không có cửa.

    Đường về quê, không hề xa lắc lê thê, chưa tới nửa trăm mà, lê thê gì nổi. Chỉ qua năm ba cái cầu gì đó, thị xã Tân An đã lù lù trước mặt với cái Bưu điện chà bá lửa. Sau này, thấy nó nhỏ xíu như cái hang dế. Vậy chớ hồi đó, mê lắm, nhứt là cái phòng đọc sách kế bên, nằm chung một công viên cây cỏ xanh rì. Mấy ông anh hay dẫn thằng nhỏ ra chơi chỗ công viên này, chui vô phòng đọc sách, mát rười rượi.

    Có một hai lần, tui hóng chuyện nghe lén, ông bà ngoại tui nói chuyện với các cậu mợ, khen thằng con rể duy nhứt, là ba tui, là rể thảo hiếm có. Vui như mở cờ trong bụng, được thơm lây. Gì chớ cách ứng xử cùng họ hàng nội ngoại của Ba tui thì, trong mắt tui là vô song. Thiệt, chưa thấy ai bằng. Tui nghĩ, chú bác cô dì cậu mợ, kho ai phản bác điều tui vừa nói. Chơn tình mà không xu phụ, lo toan hết sức mà chớ hề một tiếng kể công, nhà nghèo vậy đó nhưng tình nghĩa lúc nào cũng tràn trề. Lắm lúc mắc cỡ ghê, bản thân mình không bén gót mảy may...

    Tính viết năm bảy hàng để nhớ vè bà ngoại, cơ mà toàn chuyện linh tinh lang tang mớ cảm xúc đâu đâu. Thôi thì kính xin bà ngoại thứ tha, những cảm xúc con nhận từ bà ngoại ít ỏi và mông lung lắm, chắc do tuổi con nít ham choi, ngồi trong lòng ngoại mà cứ dõi ra ngoài, cây bình bát xế xế với con đường hẻm các anh chị chạy chơi đầy cuốn hút...

    Giỗ ngoại, con thắp nén nhang lòng...để nhớ.

  3. #143
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,715
    Hơn bốn chục năm rồi, ngày bà Nội mất, khi đó, Ba cách xa Sài gòn hàng ngàn cây số, hả Ba. Con còn nhớ, B từng cảm thán, cái số gì mà cha mẹ mất đều không có mặt. Cũng nhớ, B cũng kể về đêm nằm mơ B thấy mình bị mất một vành tai. Có hay không chuyện chiêm bao bào hao gì gì cũng không quan trọng nữa, B ha...

    Sáng nay, con sẽ vô nhà cô Bảy, đám giỗ, năm nay, cô Bảy tổ chức đúng ngày luôn, không cần phải xích lên, lùi xuống cho tiện bề mấy đứa cháu trong sanh hoạt thường nhựt, đi học, đi làm các cái...Cô Bảy con bao giờ cũng nghĩ cho con cháu trước hết mà. Tánh này chắc do giống ông anh Tư của cô, phải không Ba.

    10 tháng chạp, 20 tháng 1, năm nay trùng nhau, cũng là một chi tiết thú vị, hay hay. Chỉ vậy thôi, đâu phải hệ trọng gì, B biết mà. Chuyện sống chết, mất còn, bự chảng cỡ đó còn chưa ăn thua, phải không B. Cuồn cuộn dòng nhân sinh, tỷ tỷ nhân mạng trôi đi, ngó lừ lừ vậy nhưng...có thể bài sơn, đảo hải, Bà N và B cũng chỉ là một điểm li ti, chong mắt ra tìm, thấy được hay không, không hề chi. Ăn thua, những điểm li ti đó, trong một khoảnh khắc, hay vô vàn khoảnh khắc, đã là một điểm sáng trong trái tim (văn vẻ chút, B ha) con, nhịp nhịp theo dòng máu chảy.

    Trùng hợp ngẫu nhiên thôi, biết vậy, nhưng bụng cũng vui vui, sn của B năm đầu tiên, không có B, lại cũng là ngày giỗ Nội. Con coi đó như một nhắc nhở nhè nhẹ từ B, bất kể mớ suy nghĩ hỗn loạn thế nào, những cảm xúc hỗn độn nhận được ra sao, và, từ đâu, thì, chúng ta, đã là những sanh linh có chung một quãng đời bên cạnh nhau, yêu thương nhau, đôi khi giận hờn nhau, là...tất cả.

    Trái đất này có trôi đi đâu, tan vỡ ra thành bao nhiêu mảnh, kéo theo cả thái dương hệ, dải ngân hà, hay cả vũ trụ, đều không quan trọng...lắm. Quan trọng hơn hết, là sợi dây liên kết của bà N, của B, của con...là thực tại, một lần mà vĩnh viễn.

    Nhớ B, ngày sn không B.

  4. #144
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,715
    Không nhớ bữa nay đã rằm chưa, hồi xưa Ba hay nhắc, tướt lá mai rằm tháng chạp để có bông tươi tốt ba ngày tết. Năm nay, chắc khỏi. Mấy chậu mai đã xong xuôi nhiệm vụ từ gần tuần trước. Bung ra, khoe mẽ vàng rực, rồi cũng lả tả rắc vàng đầy nền gạch trên sân thượng. Chỉ còn thằng tứ quý chập chờn mà lai ra quanh năm suốt tháng. Cũng...không sao.

    Thích quá, thì chịu khó ra chợ mà xách về, mai, đào, lan, cúc...cỡ nào cũng có. Bạc tỉ cũng đầy, còn bạc chục, bạc trăm, dĩ nhiên là vô số kể. Thời đại kinh tế lên ngôi, cung thừa mứa, cầu là chuyện nhỏ. Èo uột như năm nay, hàng hóa nằm trơ mỏ ngóng khách, chắc không cần ép quá thì giá cũng tự bèo thôi.

    Còn nhớ, cái năm chuẩn bị đón tết con cọp, nhận lịnh của Ba tui, kiếm một gốc đào đem về chưng tết. Chạy đôn chạy đáo, tốn bộn xăng, hỏi han đầu này đầu kia, từ khu trung tâm vòng ra tới miệt ngoại ô, không đâu có...Tưởng thua rồi, cuối cùng cũng ra, công viên CT đầy, giá cũng coi như vừa phải. Mừng quíu, vác về khoe với ông Nội sắp nhỏ, coi như vừa lập công lớn.

    Năm Dần, chưng Đào, hẳn trong lòng Ba tui tính hết rồi chớ đâu mà vô tình cho đặng.

    Năm nay, ông không dặn gì. Thôi thì, bông nào cũng là bông, màu nào cũng là màu, vàng cũng vậy mà hồng cũng vậy, có thì tốt, không có cũng không phải xấu.

    Ờ, đâu phải đợi tới tết năm nay, năm ngoái chờ chờ ông có dặn dò gì, chờ hoài, chờ hủy...

  5. #145
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,715
    Có khi, chỉ cần nhớ thôi, trong im ắng. Có khi, phải nén xuống tới kỳ cùng, để nghe chút âm thanh bật lên. Ùa vỡ của thác, hay lặng lẽ của sông, kể cả gào thét, như biển cả. Kệ, âm thanh gì cũng được, thậm chí, rắn đanh như tiếng thủy tinh chạm vào sắt thép.

    Thiên hình vạn trạng, cái nhớ, như một sợi dây thừng, thắt ngang đâu đó của cơ thể, bóp nghẹt, siết chặt, máu ngưng, xương vỡ, cơ co, da rạn...

    Nhớ B, B ơi. Thơ thôi...cho vui, B há.

    bần thần . cái tết đầu tiên
    không B sửa soan nhang đèn
    bàn thờ ông bà còn thiếu
    thứ này thứ nọ . con quên

    đông bình tây quả đã xong
    ly nước chung trà yên vị
    lư trầm bát hương nằm kế
    cặp đèn chễm chệ hai bên
    ông bà nội ngoại trang nghiêm
    Ba Má cười duyên ở dưới

    tết năm nay nhà vắng hẳn
    căn buồng Ba nằm lạnh tanh
    dưới bếp nhà trên đâu khác
    ngoài sân cây cối cũng đành...

    nhớ Ba . nhớ quay nhớ quắt
    tết đầu tiên không còn Ba
    đếm xuể không . ngàn mất mát
    Ba chỗ gần . Ba nơi xa
    nào tây phương nào cực lạc
    có không . một chuyến về nhà...

  6. #146
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,715
    Mạng ảo, cũng nhiều khi thật. Mà, đời thật, lắm khi ảo...tung chảo. Gẫm cho cùng, cũng chỉ là một chỗ để tạm dung.

    TCS, có một ca khúc mang tên Ở Trọ, như thường thấy trong nhạc của ông, cấu trúc âm nhạc rất đổi bình thường, nói là tầm thường cũng không sai chạy gì lắm, còn ca từ, ăm ắp chất chứa nhiều thứ đủ làm nao lòng người. Những người không ưa ông, có thể đặt tên cho những thứ ăm ắp đó là mớ triết lý ba xu, họ hoàn toàn quyền phê phán như vậy, và, theo tui, hoàn toàn hợp lý.

    Nhân loại, từ bình dân tới quý tộc, từ mãng phu thô lậu tới học giả tót vời, tự cổ chí kim, đã xài mớ ba xu ấy mãi mà chưa hết. Có thể ví "ba đồng xu" ấy như nồi cơm Thạch Sanh, ăn hoài không hết. Ngán, bỏ đó, mơi mốt quành lại ăn tiếp, bảo đảm không thiu ôi tanh nhớt gì.

    Lâu lâu, khi lòng tạnh quá, tui lại lôi ra, lẩm nhảm thôi, không cần hát hò khúc điệu gì cho mệt. Như tụng, chú, một câu kinh, hay một bài kệ, cũng vui à...

    Con chim ở đậu cành tre
    Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
    Cành tre ... í ... a
    Dòng sông ... í ... a
    Tôi nay ở trọ trần gian
    Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
    í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ...

    Xưa kia ở đậu miền xa
    Cơn gió ở trọ bao la đất trời
    Miền xa ... í ... a
    Trời đất ... í ... a
    Nhân gian về trọ nhiều nơi
    Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng
    í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ...

    Mây kia ở đậu từng không
    Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người
    Từng không ... í ... a
    Người xinh ... í ... a
    Tim em người trọ là tôi
    Mai kia dù có xa xôi cũng gần
    í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ...

    Môi xinh ở đậu người xinh
    Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều
    Người xinh ... í ... a
    Kiều xinh ... í ... a
    Xin cho về trọ gần nhau
    Mai sau dù có ra sao cũng đành
    í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ...

    Trăm năm ở đậu ngàn năm
    Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
    Ngàn năm ... í ... a
    Buồn như ... í ... a
    Ô hay là một vòng xinh
    Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời
    í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ...
    í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ...

  7. #147
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,715
    Rồi tất cả sẽ thành ma ? Thiệt hôn ? Đâu dễ để thành ma, tui nghĩ.

    Chết xong, tắt thở cái rụp, thân xác, nếu không đem thiêu, cho chim ăn, thì cũng dần dà rữa mục bên dưới mặt đất, đối đế đem ướp, ngâm thì cố lắm vài trăm vài ngàn năm queo quắt, tiến bộ hơn đem đông lạnh trong ni tơ lỏng đặc gì đó cũng là chuyện hy hữu mà thôi.

    Thân xác, thường được ví như cái giá mắc áo, cái túi đựng cơm, tệ hại tới đâu thì cũng tối thiểu là vậy. Mất nó, là xong, không có bình chứa thì chảy đi, tan ra, kỳ công để lượm lại, gom vô, chắp chắp vá vá coi bộ cũng vô phương hoàn nguyên. Chuyện chén nước lại đầy, gương vỡ lại lành, là chuyện đầu môi chót lưỡi an ủi nhau thôi. Thành đất, thành nước, thành lửa, thành khí, lam nham mỗi chỗ mỗi chút, chia năm (triệu) xẻ bảy (tỷ) là lẽ đương nhiên.

    Vậy đó, thành ma mà dễ sao ? Được kể lại, con ma nào cũng có cảm xúc của riêng nó, hành động theo những gì con ma đó nghĩ, bay, nhảy, lướt đi tùy hỉ, ghét đâu ám đó, nảy nòi thương yêu ai (còn sống) cũng mặc sức vỗ về ôm ấp, gì sướng hơn ?

    Thành ma được, kể ra là đại hạnh ! Trăm đứa mơ chưa chắc năm ba đứa được, đâu có dễ ăn ! Cho tui lấy số ghi danh trước, nghen. Cần giấy giới thiệu hay bảo chứng gì gì, nói một tiếng để tui chạy trước.

    Xin được làm ứng viên cho cái vai MA.

  8. #148
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,715
    Hôm qua, mồng một Giáp Thìn, mình ên lôi lon bia ra độc ẩm. Năm nay có tang, không phải vác cái thân đi đâu hết, lè phè nằm nhà cũng khỏe.

    Tưởng êm xuôi nằm lơ mơ mần thơ, ai dè, con cháu kéo rần rần tới, thế là, chìu lòng thằng rể, bù khú tới chỉ luôn.

    Kể ra cũng còn ngon, gần chục lon nữa, cao máu cao mỡ gì gì, dẹp cái rẹt, vui là chơi luôn.

  9. #149
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,715
    Lụn xuống từ từ, ngọn lửa. Để, tới một khoảnh khắc nào đó, chỉ còn tro than thành mớ gia tài vô nghĩa, để lại.

    Vèo một nhoáng, mất hút. Trùng trùng mớ cảm xúc, thành không. Điệp điệp những hồ nghi, tịnh không ai trả lời. Vô vàn mộng, vô vàn tưởng, không còn, dầu chỉ là một sợi khói, lãng đãng thôi, cũng không.

    Đã tràng giang đại hải là câu, là chữ, dửng dưng nằm đó, vô duyên khoe thân, trần trụi.

    Chỉ vậy thôi.

  10. #150
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,715
    Lại một mùa tết nữa, xong xuôi. Chớ, không xuôi mà được à ! Một cái cột mốc nữa vừa bỏ lại sau lưng, rồ rồ ga, chạy tiếp. Bình còn chút xăng, vỏ ruột còn tạm được, tay còn đủ sức lái, lượn, lách, lưng còn đủ dẻo, chưa gãy gập, thì, đi thôi.

    Nắng, mưa, giông gió hay êm ả, trơn lì bằng phẳng hay giằn xóc ổ gà, chiếc xe đời của lão hóa nhi thiết kế ra không để dành cho ngừng, nghỉ. Ai cho ngừng sống, yêu thương hờn giận còn không ngừng được xíu nào kìa. Bỏ đi Tám, chịu khó mà theo cho đủ chín, mười, mười một...

    Gì thì gì, sống cái đã !

 

 

Similar Threads

  1. Sao Biết Mình Bị Cắm Sừng...
    By hoanghac in forum Gia Đình
    Replies: 22
    Last Post: 12-11-2012, 09:14 PM
  2. Replies: 0
    Last Post: 12-03-2011, 03:59 PM
  3. Mình Ơi !...
    By Nguyenthitehat in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 1
    Last Post: 10-14-2011, 12:15 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:36 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh