Tân Tư lệnh Không Quân Mỹ trong vùng Thái Bình Dương nói rằng lực lượng dưới quyền của bà tiếp tục các nhiệm vụ được giao, bất kể Trung Quốc có đưa ra tuyên bố gì về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ.)

Phát biểu của bà Lori Robinson được đưa ra hôm thứ Bảy trong cuổi phỏng vấn qua điện thoại với hàng tin Bloomberg, sau khi bà chính thức giữ chức vụ chỉ huy lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương kể từ 16 tháng 10, thay cho tướng Herbert Carlisle.




Bà Lori Robinson. Ảnh Internet

Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc loan báo họ đã chỉ định một khu vực ờ Biển Hoa Đông là vùng ADIZ, trong đó có những đảo mà cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều nhận là của mình, và buộc tất cả phi cơ dân sự và quân sự nào muốn bay qua vùng này phải nộp trước kế hoạch bay.

Ngay sau khi có loan báo, hai máy bay oanh tạc B-52 không vũ trang của Mỹ đã bay vào vùng này và không gặp phản ứng gì, và một số hãng hàng không đã cho đổi đường bay.

Tướng Robinson tuyên bố: “Luật pháp quốc tế không cấm lập ra ADIZ, nhưng các vùng này cũng không được giải quyết một cách cụ thể trong các công ước quốc tế. Vì lý do đó, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động một cách chuyện nghiệp trong vùng trời quốc tế, và lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương cũng không thay đổi nhiệm vụ của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Tướng bốn sao Robinson, 55 tuổi, là phụ nữ đầu tiên nắm chức vụ quan trọng của quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương. Bà gia nhập Không Quân năm 1982 và có hơn 800 giờ bay. Trước đó, bà là Chỉ huy phó Bộ chỉ huy Tác chiến tại căn cứ Không Quân Langley, tiểu bang Virginia.

Trong chức vụ mới ở Hawaii, bà sẽ có dưới trướng khoảng 360 máy bay, 46.000 nhân viên dân sự và quân sự, “phủ sóng” khoảng hơn phân nửa diện tích trái đất.

Cốt lõi của cuộc tranh chấp về không phận giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là những hoạt động nào thì được phép trong vùng được xem là đặc khu kinh tế cách bờ biển 322 kilomet của mỗi nước.Vùng này được cho là thuộc chủ quyền của quốc gia có bờ biển.
Hoa Kỳ nói rằng luật quốc tế cho phép các máy bay được bay trong vùng, như đã từng xảy ra từ mấy chục năm qua, nhưng Trung Quốc bảo luật đó chỉ áp dụng cho máy bay dân sự.

Tháng 8 năm ngoái, một máy bay phản lực chiến đấu của Trung Quốc bay lên nghênh cản một máy bay tuần thám P-8 Poseidon của Mỹ, đang bay với tốc độ 640 kilomet giờ gần đảo Hải Nam. Chiếc máy bay của Trung Quốc cặp kè theo máy bay Mỹ, chỉ cách có khoảng 6 mét, khoảng cách mà Bộ Quốc Phòng Mỹ gọi là “thiếu an toàn và không chuyên nghiệp.”

Vụ này là hành động của một phi công “vô kỷ luật” gây ra hay là một thái độ được “bề trên” chỉ thị hoặc ủng hộ? Bà trả lời: “Chúng tôi khuyến khích những cách bay an toàn và được quốc tế chấp nhận trên khắp khu vực.”

Tướng Robinson nói rằng bà hy vọng có thể thảo luận vấn đề này với các giới chức quân sự Trung Quốc khi đến dự buổi airshow ở thành phố Châu Hải trong tỉnh Quảng Đông vào tháng này.

Khi được hỏi liệu thảo luận như vậy có giúp giảm bớt những rủi ro nghênh cản thiếu an toàn như vậy nữa hay không, bà trả lời:

“Tôi không bao giờ nói không bao giờ, nhưng điều quan trọng là hai bên chịu mở đối thoại và sau đó thống nhất được với nhau thế nào là nghênh cản theo kiểu truyền thống.”

Nguồn: www.businessweek.com
© Đàn Chim Việt