Register
Page 2 of 3 FirstFirst 123 LastLast
Results 11 to 20 of 27

Thread: Con Sóng Dữ

  1. #11
    Đang theo dõi truyện dài của anh.

    Welcome anh tới Đặc Trưng.
    Last edited by Lê Nguyễn Hiệp; 12-08-2014 at 01:04 PM.
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  2. #12
    (tiếp theo)

    Chương Ba

    Đến Trại Tị Nạn Galang, Cửa Ngõ Vào Thế Giới Tự Do Nhưng... Chưa Thoát.

    Sống tạm trú tại nhà người cậu ruột ở vùng Hố Nai được hai ngày trong tâm trạng lo sợ có thể bị công an bắt lại được khiến tôi vẫn ăn ngủ không yên. Miền Nam VNCH bị Cộng Sản chiếm đoạt đã hơn mười lăm năm trời. Mạng lưới tai mắt, tình báo nhân dân cho công an đã hình thành khá lâu ở nhiều nơi. Do đó, người lạ mặt lảng vảng tại địa phương, sớm muộn gì cũng bị người dân trong vùng báo cho chúng biết. Dân báo tin không vì cảm mến dành cho chế độ mà do sợ hãi nên phải cộng tác. Vài năm trước, hai người thân trong họ từ miền Bắc vào thăm gia đình tôi, mới ở được ba ngày thì đã bị công an khu vực nửa đêm ập vào nhà xét coi giấy tờ. Biết họ từ miền Bắc vào, công an không làm khó nhưng kín đáo cảnh cáo gia đình tôi phải lên ủy ban phường ghi danh bất kỳ thân nhân ghé tạm trú trong nhà. Hàng xóm nào đã báo cho công an biết về hai người bà con miền Bắc? Gia đình không biết nhưng chính vậy khiến tôi đâm sợ những láng giềng đến nhà cậu mợ bây giờ. Tôi cảnh giác, lúc nào cũng thu mình ở trong buồng kín.

    Một buổi chiều cuối tuần, mẹ tôi cùng em gái lên cho biết đã tìm được chuyến đi mới và sẽ khởi hành sớm. Theo đó, tôi sẽ lên đường ngay sáng hôm sau. Gia đình đã chồng đủ vàng cho đám tổ chức. Tội nghiệp mẹ tôi, tôi vượt biên nhiều lần, làm bà hao tốn của cải còn phải lặn lội đi thăm nuôi hoặc chung vàng chuộc mạng khỏi tay công an nữa. Nếu chế độ Việt Cộng không phân biệt, hành xử vô luật pháp với người dân miền Nam VNCH, chắc có mấy ai tính chuyện vượt biên. Vượt biên đâu như một chuyến du lịch dù thực tế có nhiều ghe may mắn gặp được tàu nước ngoài vớt khi vừa mới ra ngoài biển lớn không xa. Mỗi lần vượt biên, mỗi lần đánh đu với tử thần. Đêm tối đến, mẹ tôi ở lại nhà người cậu ruột còn cô em gái chạy xe về lại Sài Gòn để lo cho chuyến đi sáng mai.


    Cậu mợ tôi có hai người con trai tuổi lớn hơn tôi nhiều nhưng lại vai em. Họ có gia đình và đã ra ở riêng. Có người Việt suốt đời không bao giờ nghĩ đến chuyện vượt biên dù họ cũng không thích sống dưới chế độ Cộng Sản. Họ từng bị chúng ngược đãi, đày đoạ, bỏ tù oan ức... nhưng vẫn không nghĩ chuyện đào thoát khỏi quê nhà. Đơn giản vì họ không muốn rời khỏi quê hương và sống nơi xa lạ nước ngoài. Tâm trạng hai người con trai cậu tôi cũng tương tự. Cả hai đều an phận, bằng lòng với đời sống thường ngày. Sau bữa cơm tối, họ nán lại chuyện trò khá lâu với tôi trước khi từ giã, chúc tôi thượng lộ bình an, vượt thoát đến trại tị nạn sớm và không hề đá động đến chuyến đi. Trong huyết quản hai người họ không có máu vượt biên. Mẹ tôi dặn dò đủ điều như chưa bao giờ có dịp như vậy. Có lẽ bà linh cảm chuyến tôi đi lần này sẽ thành.

    Lúc trời mờ sáng, tôi từ giã gia đình cậu mợ và ra xe đi ngay. Cô em gái chạy xe chở tôi ngược về hướng Sài Gòn đến gần xa cảng miền Tây rồi dừng lại tìm xe tốc hành. Đón được xe, tôi đến ngã ba Trung Lương liền xuống tìm vào một quán ăn bên đường theo chỉ dẫn của cô em gái. Ngồi ở quán chờ người trong nhóm đến đón về Bến Tre. Một thanh niên chạy xe Honda vào quán nhận tôi ra rồi chở thẳng về Bến Tre. Nhóm tổ chức chuyển tôi qua nhiều chặng đường cho tới khi gặp Chợ Thơm. Nghỉ ăn cơm lấy sức rồi tiếp tục đi nữa, khi bằng xe Honda hoặc bằng ghe nhỏ gắn máy... vượt qua nhiều cầu, nhiều chợ, phà nằm dọc gần bờ. Cứ vậy cho đến chỗ ngừng sau cùng trong căn nhà ở vùng Rạch Dầu gần biển thuộc huyện Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre. Nhóm tổ chức ém tôi trong buồng nhỏ của căn nhà lợp ngói vững chắc. Chủ nhà tên Ba, một người đàn ông trộng tuổi. Trong buồng nhỏ ngoài tôi thêm hai cô gái người miền Nam tên Bẩy và Đào có mặt từ trước. Hỏi thăm, cô Bẩy nhà ở phường Thắng Tam ngoài Vũng Tàu-Bà Rịa. Cô Đào người Mỹ Tho, nhà ở phường 9 gần cầu Quay. Ba người chúng tôi là dân thành thị nên bà Ba tiếp đón, lo cơm nước rất chu đáo. Chỉ một khó chịu nhỏ, giường và ghế trong căn buồng có quá nhiều rệp. Bắt hơi người lạ, lũ rệp từ các ngõ kín bò ra cắn đến nỗi không ai dám nằm trên giường hay ngồi trên ghế. Cả ba ngồi bệt xuống sàn nhà, dựa lưng sát tường ngủ ngồi gà gật như vậy cho đến sáng. Buổi trưa qua đi rồi chập choạng chiều, một người đàn ông vào buồng cho cả ba chúng tôi biết sẽ lên đường ngay trong giấc khuya. Ông ta niềm nở:

    - Tui tên Hai Nghệ, cứ gọi bằng anh đừng ngại. Giờ an toàn rồi, ba người ra khỏi buồng không cần ém nữa.

    Tôi, Bẩy và Đào cầm túi xách bước theo chân anh Hai Nghệ ra phòng khách, khép nép ngồi xuống ghế bên chiếc bàn gỗ mặt đá rửa mầu xanh ngọc thạch hình chữ nhật trước cái tủ thờ. Ông bà Ba chủ nhà, vẻ mặt hiền lành ngồi không xa ở bộ ván ngựa lên nước láng bóng. Tôi nhìn sơ căn phòng. Bộ lư đồng cùng hai chân nến xỉn màu đặt trên nóc tủ thờ. Một lư sành nhỏ chi chít chân nhanh nằm trước các khung hình người quá cố. Trên cao sát với mái ngói, hai trang thờ phủ kín vải đỏ. Không có hình Phật Thích Ca hay tượng Phật Bà trong nhà. Nhìn qua các cột gỗ, tôi sững người khi thấy các tấm biển tổ quốc ghi công với chữ ký của gã thủ tướng Phạm Văn Đồng cạnh dấu tròn đỏ. Kín đáo liếc nhìn ông bà Ba, nhủ thầm mình đang ở trong nhà một gia đình cách mạng. Quay nhìn mé sau lưng, vài bảng nhỏ huân chương kháng chiến hạng hai, hạng ba treo trên vách nhà. Tôi đâm sợ vì các tấm biển ghi công, huân chương nhưng lại bớt lo. Gia đình cách mạng nằm trong đường dây tổ chức, chuyến vượt biên sẽ an toàn. Đón rồi ém ba chúng tôi trong nhà, ông bà Ba làm y như trước đây với cán bộ Việt Cộng khi còn hoạt động. Niềm tin vào chủ thuyết Cộng Sản chỉ còn trên giấy và trong khẩu hiệu. Tôi mỉm cười vì ý nghĩ trong lòng, chợt nghe anh Hai Nghệ nói:

    - Mình đi bằng ta xi đến điểm hẹn tối khuya nay. Khi đủ khách, cá lớn chạy khoảng 4 tiếng đồng hồ thì sẽ gặp biển.

    - Bốn tiếng đồng hồ gặp được biển. Sao nhanh giữ vậy anh? Tôi hỏi.

    - Đây với biển gần lắm mấy em. Anh Hai Nghệ trả lời.

    - Các cháu có tắm rửa, thay đồ gì thì làm ngay bây giờ chứ để xuống dưới ghe rồi đi mấy ngày mới tới bển khó chịu lắm. Bà Ba chen vào.

    Anh Hai Nghệ ra bên ngoài nhà xách thêm nước đổ vào lu trong buồng tắm cho ba người chúng tôi. Hai cô gái lần lượt đi tắm trước để mình tôi ngồi với hai ông bà. Ông Ba cho biết trong vùng chỗ nào cũng gặp kênh rạch cùng nhà cửa cất sát bên cạnh. Đi đâu một bước phải dùng xuồng hay ghe. Nhà dù giàu hay nghèo cũng phải có cái xuồng, chiếc ghe để làm chân đi. Ai không có ghe có xuống rất bất tiện. Ghe xuồng ở đây như xe gắn máy hai bánh của dân thành phố. Hỏi về các tấm biển tổ quốc ghi công hoặc huân chương kháng chiến, bà Ba nói của hai người con một nam một nữ đã chết từ lâu. Cô gái út còn sống là vợ anh Hai Nghệ. Điều tôi không ngờ, anh Hai Nghệ đi lính Sư đoàn 7 bộ binh miền Nam VNCH. Nhiều gia đình tại Việt Nam có tình trạng tréo ngoe tương tự. Người ở bên phía miền Nam VNCH, người đi theo phe Việt Cộng.

    - Anh Hai lính chế độ cũ hả bác? Anh có đi chuyến tối nay không? Tôi hỏi ông Ba.

    - Nó muốn đi lúc nào mà không được cháu, nhưng nó nói tiếng Tây tiếng U không biết sang đó làm giống gì ăn. Cháu coi, đi đâu cũng phải làm mà ở đây sống dễ chịu quá nên vượt biên làm chi. Lại nữa, nó nói bây giờ bắt đầu có tuổi rồi còn ham hố gì. Ông Ba cười nụ, trả lời.

    Thiệt tình! Người muốn vượt biên lúc nào cũng có dịp lại không thèm, người tìm đủ cách vẫn không ra. Thậm chí có người bị lừa mất vàng, bị bắt còn chưa sờ tay được vào thân cá lớn nữa.

    Anh Hai Nghệ châm thêm nước xong, hối tôi đi tắm. Những giọt nước mát xối lên người cho tôi một cảm giác khoan khoái dễ chịu vô cùng. Tôi thử hớp một ngụm nước, nó có vị lờ lợ nhưng cũng rửa sạch lớp cặn mồ hôi bám lên tóc lên người trong suốt thời gian rời khỏi nhà người cậu ruột cho tới giờ. Tắm xong, tôi giặt vội bộ quần áo và đem phơi nó trên hàng dây bên hông tường. Gió từ hướng vườn cây đằng sau nhà thổi rất mạnh. Gió cùng hơi nóng buổi chiều sẽ làm bộ quần áo mau khô để tôi mang theo tối khuya nay. Đằng sau căn nhà ông bà Ba, chục khạp mầu nâu hình quả dừa chứa nước mưa để uống để nấu ăn được đậy kín miệng nằm dưới chòi lá. Nước sinh hoạt tắm giặt, gia đình ông bà Ba lấy từ con rạch gần nhà. Cơn triều lên, họ kín nước đổ đầy lu, phi sắt rồi đánh phèn làm trong trước khi dùng. Sau chòi lá, hàng cây ăn trái xum xuê cùng các bụi chuối thấp thoáng. Điệu lý cải lương réo rắt từ máy cassette xa xa vọng lại lúc nhỏ lúc to trong tiếng gió. Vùng đồng quê miền sông nước thật êm ả, bình dị khác với vùng Hố Nai ồn ào chỗ nhà cậu mợ tôi. Giờ này chắc mẹ tôi đã về nhà dưới Sài Gòn. Lúc còn ở nhà cậu mợ, bà kể gã thanh niên trẻ chạy xe đến đón đã chưng hửng khi nghe nói có người ghé nhà chở tôi đi khỏi không lâu. Nghe vậy, gã thanh niên vọt xe máy chạy liền và chiều hôm đó quay lại nhà tôi với một công an khác. Hai gã hỏi người trong gia đình về chuyện đón tôi đi lúc trưa. Mẹ tôi đành phải xí gạt, nói hoàn toàn không biết gì thêm. Dò la mãi không ra manh mối, hai gã công an hậm hực bỏ đi. Em gái tôi cho biết thằng Minh vẫn biệt tăm tích chưa về.

    Phạm Thắng Vũ
    (còn tiếp)

  3. #13
    (tiếp theo)

    Người dân sống trong vùng sông nước ở đây trồng nhiều loại cây ăn trái như cam, mãng cầu, ổi, mít, xoài, chuối... và loại trái nào ăn cũng rất ngọt. Dọc đường đi, tôi đã qua các vườn cây rậm rạp, trù phú nhưng thấy chỉ có dừa được trồng nhiều nhất. Đủ loại dừa từ loại dừa lửa nhỏ trái, dừa bị xanh to hoặc dừa xiêm vừa vừa cho nước uống ngọt thanh. Dừa nhiều, dân trong vùng làm thành kẹo dẻo ăn rất ngon. Trời tối hẳn, bà Ba dọn cơm ra bàn cùng ăn chung với ba chúng tôi bữa tối cuối cùng ở nhà. Kinh nghiệm từ các chuyến đi vượt biên, tôi không dám ăn no trước khi xuống ghe. Đào, Bẩy cũng sợ say sóng sẽ ói nên chỉ lùa vài miếng qua loa. Bữa cơm chấm dứt mau lẹ, bà Ba dọn dẹp rồi mang nước lá dứa nóng và kẹo dừa ra bàn. Anh Hai Nghệ ghé miệng vào sát ngọn đèn dầu hỏa, bập vài hơi mồi lửa điếu thuốc rê rồi nói:

    - Bây giờ mấy đứa có buồn ngủ thì ngủ ngay đi còn không ngồi chơi với tía má anh. Có kẹo ngọt nước nóng cứ nhâm nhi cho vui miệng. Anh đi liên lạc xem đưa đón ra sao khuya nay.

    Ba người chúng tôi vẫn ngồi yên chỗ, sắp xuống taxi có ai ngủ được. Đào, Bẩy mặc bộ quần áo mầu đen cho tiệp với bóng đêm, tôi thì bộ đồ công nhân xanh cũ. Trong ánh đèn dầu vàng mờ, chúng tôi quây quần như người cùng một gia đình trò chuyện sau bữa cơm tối. Bà Ba thỉnh thoảng châm thêm nước cho mọi người uống, xởi lởi:

    - Từ đây ra ngoài vàm không xa đâu. Lên được ghe lớn rồi chịu cực vài bữa mấy cháu tới bển liền.

    Ông Ba hỏi thăm về gia đình tôi ở Sài Gòn. Từ hôm trú ẩn trong căn buồng gói cho tới giờ mới có dịp ngồi cạnh ông, tôi muốn hỏi nhiều việc để biết. Vùng này gần biển, dân cư đã sống từ lâu hay mới về lập vườn lúc gần đây. Không biết thời còn chiến tranh có ai sống đây không hay chỉ thuần một vùng đất hoang? Nhìn các tấm ảnh thờ trên tủ và những tấm biển ghi công huân chương, tự nhiên tôi tò mò:

    - Hai người này chết chắc lâu? Gia đình bác liệt sĩ cách mạng hả?

    Nghe câu tôi hỏi, ông Ba nhăn mặt im lặng, bà Ba cũng ngưng chuyện dở dang với hai cô gái và khẽ liếc mắt nhìn tôi. Thấy cử chỉ của hai ông bà, tôi chột dạ thầm nghĩ mình vụng về đã làm hỏng bầu không khí đang vui. Tôi vội lập bập với ông:

    - Cháu lỡ lời làm bác giận, xin bác...

    - Đừng hỏi chuyện ngày xưa nữa mậy. Gia đình tao dám chứa tụi bây vượt biên thì cũng đủ hiểu rồi mà còn bá láp. Mầy làm tao ghét quá! Thằng Bắc Kỳ con. Ông Ba khoát tay, đột ngột đổi cách xưng hô.

    Nói xong câu, ông hầm hầm ngồi yên và xoay mặt nhìn qua chỗ khác. Tôi thật dở ẹt khi hỏi kiểu điều tra về chuyện riêng gia đình làm ông Ba hiểu lầm, đành luống cuống ngồi im. Đào và Bẩy không biết rõ chuyện nhưng kín đáo nhìn tôi với ánh mắt trách cứ. Không khí im lặng ngột ngạt, tôi chưa biết phải làm gì chợt bà Ba xen vào:

    - Ông này, có gì chấp nhứt mấy đứa cho mất vui. Lại còn Bắc Kỳ với Nam Kỳ nữa!

    Dứt câu bà cười xòa nhìn cả ba chúng tôi đầy thân thiện, thông cảm. Ông Ba không nói một lời, đứng lên bỏ đi vào trong buồng riêng. Tôi liền xin phép bà Ba đi nằm nghỉ ở bộ ván ngựa. Đào, Bẩy tản ra lấy giỏ sách rồi sắp xếp lại quần áo cùng vật dụng bên trong. Nằm trên bộ ván, tôi nhắm mắt vờ ngủ nhưng mong chuyến taxi mau đến. Đồng hồ trên tay đã 8:17 tối.

    Gần tiếng đồng hồ sau thì anh Hai Nghệ về tới và hối ba chúng tôi theo chân đi ngay. Bà Ba ở lại coi nhà, cả bọn cùng kéo nhau ra bên ngoài. Xuyên qua các tàn lá cây trong vườn, bầu trời trên cao vắng lặng đầy sao không một gợn mây. Anh Hai Nghệ cầm đèn pin đi trước dẫn đường, gió thổi nhẹ lay động những tàu lá chuối cùng các cành của bụi cây thấp. Chúng tôi băng qua vườn cây cùng những con mương nhỏ dẫn nước đến chỗ taxi là chiếc xuồng ba lá đang nằm chờ sẵn dưới hàng dừa cạnh một con rạch. Hai cô gái bước xuống xuồng, tôi đứng lại từ giã anh Hai Nghệ. Quay qua ông Ba, tôi ấp úng xin lỗi về chuyện lỡ lời làm ông giận khiến anh Hai Nghệ ngạc nhiên nhìn trân trối. Nghe tôi nói, ông Ba cười độ lượng, nắm chặt tay ân cần:

    - Cháu đừng bận tâm chuyện đó nữa, bác cũng nóng giờ đã quên hết. Thằng Hai gốc lính Cộng Hoà còn làm rể trong nhà thì cháu phải hiểu gia đình bác. Chúc cháu với hai cô tối nay đi đường bình an.

    Tôi ngồi vào giữa xuồng đối mặt với cô Bảy đằng trước và cô Đào sau lưng. Hai người đàn ông chèo xuồng dặn cả ba tuyệt đối ngồi yên, giữ im lặng. Xuồng bắt đầu tiến nhè nhẹ giữa hai bờ rạch tối đen, cây cối lùm xùm. Quen đường đi nước bước, hai người phu dễ dàng chèo chiếc xuồng ra khỏi con rạch và nhập vào dòng kênh rộng hơn. Cứ vậy, xuồng ba lá chạy gần một giờ thì gặp sông lớn. Trăng lờ mờ hiện ra ở đường chân trời. Gió xuôi cùng con nước ròng giúp hai người phu chèo xuồng thật nhanh thật nhẹ. Nước chảy rất xiết nên xuồng chỉ dám chạy sát bờ trong làn hơi nước từ mặt sông hòa với gió thổi mát lạnh. Nhìn mặt nước rộng, tôi không thấy được phía bờ đối diện và cũng không rõ đang ở trên sông nào? Khi chia tay ở xa cảng miền Tây, em gái tôi cho biết có thể cá lớn sẽ ra biển bằng ngã Bình Đại nhưng lại không chắc. Đám tổ chức đã chở tôi vượt qua Mỏ Cày trước khi xuống tới Rạch Dầu-Thạnh Phú. Từ đây muốn đến Bình Đại phải qua Giồng Trôm và như vậy phải tôi ở phía bên kia sông lớn. Hồi còn học giờ địa lý bậc trung học, tôi nhớ Bến Tre thông ra biển bằng các cửa sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và cửa Đại. Học từ lâu nay đã quên hết, định buột miệng hỏi hai người phu nhưng nhớ lời họ đã dặn nên tôi ngồi im. Cửa sông nào cũng được, miễn sao cá lớn ra biển an toàn, tôi nhủ thầm. Ngồi yên lại nhớ chuyến đi không thành vừa qua, nhớ về mẹ tôi cùng các cô em gái trong nhà. Nhớ những lúc ngủ ngồi gà gật liền mấy ngày trong căn buồng đầy rệp đói và chuyện vô tình khiến cho ông Ba hiểu lầm. Thường thì người hiền lành ít nói như ông Ba lại có tính rất cục, lẽ ra tôi không nên hỏi vớ vẩn với ông. Đột nhiên tôi nhớ mình đã bỏ quên bộ quần áo giặt sạch phơi bên hông nhà hồi lúc chiều.

    Chạy trên dòng sông lớn chưa lâu, ba người khách chúng tôi một phen hốt hoảng khi bị một ghe gắn máy chận lại. Hai người phu chèo xuồng vội cập sát vào chiếc ghe máy đó và giúp cả ba trèo qua. Bóng điện nhỏ xíu gắn bên vách mái ghe soi sáng một dãy hơn mười người ngồi bó gối trong khoang che kín mít. Tiếng máy ghe nổ đều nhẹ, không ai nói với ai một lời, cứ im lặng tuân theo sắp xếp của người tổ chức. Ba chúng tôi chui vào ngồi yên xong xuôi, ghe máy tách khỏi xuồng ba lá rồi tăng tốc chạy tiếp. Đây mới ghe taxi, xuồng chèo tay vừa rồi chỉ chuyển tiếp vì nó không thể chở khách đến thẳng cá lớn đang chờ đâu đó trên mặt sông rộng. Ghe taxi có lúc giảm tốc độ rồi lại chạy thật nhanh hoặc đảo hướng chạy ngược về đoạn sông cũ. Khách ngồi trong khoang ai cũng lo sợ, căng thẳng. Sát bên tôi, cô Đào thở hắt từng hơi hồi hộp.

    Phạm Thắng Vũ
    (còn tiếp)

  4. #14
    (tiếp theo)

    Quần tới quần lui cả hơn nửa giờ đồng hồ trên sông, ghe taxi mới gặp được cá lớn. Ghe chậm dần và cập lại bên hông cá lớn trong sự vui mừng của khách vượt biên. Lần lượt từng người chui ra khỏi ghe taxi và nhanh chóng trèo sang cá lớn. Tôi chui ra sau cùng, trèo qua đứng loay hoay trên mặt sàn cá lớn. Gió trên sông thổi mạnh hơn cùng tiếng nước vỗ vào thân ghe làm tôi có cảm giác sờ sợ. Một người đứng gần liền cầm tay tôi, ấn tôi chui tọt ngay xuống khoang hầm. Trong khoang hầm, mùi dầu máy, hơi người quyện cùng mùi dầu gió xanh con ó nồng nặc. Cái mùi quen thuộc trong các chuyến vượt biên khi trước. Cá lớn chạy chầm chậm nhận thêm khách chuyển tiếp ở các ghe taxi khác. Khoang hầm càng lúc càng đông người cho đến khi có tiếng phản đối:


    - Chỗ đâu nữa mà nhét hả các cha nội.


    Nói thì nói, khách vẫn được chuyển tiếp lên cá lớn và nhồi xuống luôn khoang hầm. Thật lạ lùng, đông người vậy mà vẫn đủ chỗ. Nam hay nữ gì bất kể, mặt kề sát vào lưng hoặc đè lên chân lên thân của nhau.Tôi thấy khó chịu, phải ngửa mặt lên ô trống cửa khoang hầm mong tìm chút không khí để thở. Chắc chắn sẽ có người xỉu nếu cứ ở lâu trong khoang hầm tối đen nóng nực, ngột ngạt và chật chội. Chợt tiếng người trên mặt sàn ghe nói vọng xuống:

    - Cá lớn bắt đầu chạy, tụi tui phải đậy kín nắp hầm đó. Ráng chịu đựng một chút nghe bà con.

    Tiếng máy nổ to hơn, cá lớn rùng mình và từ từ tăng tốc độ. Tiếng nước vuốt sát vào ván thân ghe kêu rào rạo. Cá lớn chạy rồi, ai nấy thở phào mừng rỡ. Nắp khoang hầm nói đậy kín nhưng chỉ che hờ, nhờ vậy gió bên ngoài thổi tốc xuống dưới làm không khí bớt ngộp bớt nóng. Tôi mỏi mệt khắp cả người, cảm giác tê dại lan dần xuống hai đùi rồi hai chân nhưng vẫn không cách nào nhúc nhích thân mình được. Cá lớn chạy được một lúc khá lâu thì người ngồi ngay trước mặt giơ hai tay choàng vào cổ tôi và sau đó gục hẳn đầu xuống. Từ từ người đó chúi đầu vào ngực tôi, xòa những lọn tóc dài phủ trên hai cánh tay. Một cô gái và không phải Đào hay Bẩy vì mầu áo trắng nhờ nhờ. Cô gái này chúi đầu mãi thì làm sao có thể thở được và sẽ càng say sóng hơn. Nghĩ vậy, dùng hai tay tôi nâng người cô ngồi thẳng dậy rồi nói:

    - Cô ráng ngửa mặt lên mà thở, sẽ thấy dễ chịu. Đừng cúi đầu xuống mãi, chóng mặt lắm.

    Làm theo lời vừa nghe nhưng chỉ được chốc lát, cô ta lại chúi đầu tiếp vào ngực tôi. Mỗi lần như vậy tôi phải nâng người cô ngồi thẳng lên. Tôi cũng quá sức mệt mỏi rồi thiếp đi cho đến khi cửa hầm được mở hẳn ra, kéo theo luồng không khí mát lạnh vào khoang kèm cùng lời báo.

    - Mình ra biển lớn rồi bà con ơi. Ra biển lớn rồi!

    Không một tiếng người trong khoang hầm đáp lại. Ai nấy đều mệt nhoài vì say sóng vì ngồi mãi một thế trong chỗ ngột ngạt. Ra tới biển lớn, không khí trong khoang ghe bớt ngộp thì một cảm giác khó chịu khác xuất hiện. Sóng biển vỗ mạnh vào thân ghe làm mọi người nôn nao, bần thần say sẩm. Tôi bắt đầu chóng mặt và buồn ói dù trong bụng lép xẹp. Lúc chiều khi ở nhà ông bà Ba, tôi chỉ ăn uống qua loa nên giờ thức ăn trong bụng đã tiêu hết. Buồn ói nhưng chỉ ợ toàn hơi nhưng nhờ ợ được mới thấy dễ chịu trong người. Chung quanh tôi, tiếng người rên vì mệt vì kiệt sức hoặc vì nôn ọe. Một dòng âm ấm chảy từ từ xuống ngực rồi lan xuống bụng tôi, cô gái ngồi trước mặt đã ói. Cô ta tiếp tục ợ rồi ói luôn vào người tôi. Được một lúc, cô thì thào:

    - Em mệt lắm anh ơi. Em xin lỗi anh... Khó chịu quá, chắc em chết.

    Nghe giọng cô, tôi biết là người miền Bắc và còn trẻ. Ngửa mặt lên, cô ta rùng mình nhiều lần rồi lại ói nữa. Mùi chua nước chanh pha lẫn mùi béo hủ tiếu mì cùng mùi thịt nướng bốc lên từ bệt ói trên người, tôi ghê quá, rồi nghĩ mình mặc duy nhất bộ quần áo lấy đâu ra bộ khác để thay. Ói đầy người tôi, cô gái này làm phiền quá nhưng cũng không trách được. Khoang hầm tối hù không ai biết mặt ai, người nằm rũ đè lên người khác. Chỗ nào cũng bê bết những vệt nước bẩn, đồ ói của nhau. Có người càu nhàu, than vãn vì bị nước đái thấm ướt người.

    Cá lớn cứ chạy cho đến khi trời sáng dần. Ánh sáng chiếu vào mới thấy có quá đông người trong khoang hầm. Người lớn, trẻ em, nam và nữ... san sát bên nhau trong một không gian nhỏ xíu. Người người bó gối, cong lưng, nằm ngang, dựa ngửa, nửa đứng nửa ngồi lom khom sát vách hầm hoặc đè lên nhau chịu đựng. Ai nấy nhắm mắt như ngủ, gục đầu gật gù hoặc ngửa mặt lên phía cửa khoang. Trước chuyến đi nhiều người đã uống thuốc chống ói nhưng cũng chẳng ăn thua. Ói vẫn cứ ói. Cô gái ói vào người tôi mặc chiếc áo có mầu hồng nhạt, ngồi gục đầu bất động rũ rượi. Tai tôi nghe có tiếng con nít kêu khóc đâu đó trong ghe rồi tiếng phụ nữ dỗ nhè nhẹ. Trẻ em đi cùng cha mẹ trên cá lớn và chúng đang ở đâu? Trong khoang hầm bên cạnh hay ở trên buồng máy? Được một lát tôi lại ngủ thiếp đi, ngủ rồi thức sau đó lại ngủ tiếp cho đến lúc có tiếng người vọng xuống báo tin cá lớn đã ra khỏi vùng biển Việt Nam.

    Cá lớn đã ra khỏi vùng biển Việt Nam, chúng tôi đã thoát tay công an biên phòng. Tài công cho phép ai muốn lên trên mặt ghe thì lên nhưng phải cẩn thận khi đi lại. Rủi bị rớt xuống biển không ai biết thì ráng chịu mà ngay cả có người trông thấy cũng chưa chắc ghe sẽ quay lại vớt. Các tài công nói thêm nếu ai cảm thấy ở dưới khoang ghe được thì cứ ở dưới, đông người trên mặt sàn ghe cũng không tốt. Nghe xong, vài người ngồi gần cửa hầm đã lấy sức đu thân trèo hẳn lên trên rồi lại có thêm một số người khác leo ra tiếp.


    Không khí ở khoang hầm bớt nóng nhưng mùi đồ ói, mùi nước tiểu, mùi dầu máy ghe hoà với mùi dầu gió xanh vẫn nồng nặc khiến tôi nghĩ mình phải ra khỏi đây. Liền đó, tôi lách người kéo cô gái ngồi dậy và nhẹ nhàng dời cô dựa lưng vào sát vách ghe. Cô ta ngửa mặt lên hé mắt nhìn tôi, miệng thều thào: " Em cám ơn anh ". Đúng như tôi nghĩ lúc khuya, cô gái này còn rất trẻ, chắc trên dưới 20 tuổi. Nét mặt cô mệt mỏi, tiều tụy nhưng trông rất xinh. Bước tới chỗ nắp cửa hầm, lấy sức tôi đã chồm tới được và một người ngồi ngay cạnh liền nắm tay giúp leo hẳn lên.


    Trên mặt sàn ghe đầy nhóc người ngồi nằm la liệt bên nhau. Nhìn đồng hồ đeo tay đã 6:25 chiều, tôi cúi người lết lại một chỗ trống gần phía mũi ghe và nằm ngửa vật ra đó. Cá lớn vẫn chạy băng băng có lúc cỡi sóng làm văng nước tung toé vào mặt vào người bọn chúng tôi nhưng vẫn thật dễ chịu so với lúc chen nhau chật cứng dưới khoang hầm. Trời xâm xẩm tối dần rồi đêm hẳn. Bầu trời trong vắt đầy sao lấp lánh, cá lớn chạy hết tốc lực mà tôi cảm giác mình vẫn đang nằm yên tại chỗ. Tôi luồn tay nắm chặt đoạn dây thừng nối từ mũi ghe cho an toàn và cứ nằm yên cho đến lúc lại ngủ thiếp nữa. Rồi thức rồi ngủ trong đêm dần dần qua cho đến khi trời bình minh. Một tròng đỏ trứng gà từ từ nhô lên trên mặt biển xanh ở phía đông xiên xiên cạnh bên thân cá lớn. Bóng tròn đỏ mặt trời lơ lửng trên bầu trời buổi sớm mai và in hình phản chiếu trong làn sương mờ của mặt nước xanh dương không một gợn mây. Cảnh bình minh trên biển trông thật đẹp. Đã qua cơn say sóng, tôi ngồi nhổm thẳng dậy nhìn xuống quần áo mình. Những bệt loang lổ đã khô của thức ăn ói hồi khuya giờ dính cứng trên mặt vải. Thầm nghĩ mình bẩn quá nhưng lấy đâu ra quần áo sạch để thay! Không thấy Đào và Bẩy trong số người ngồi trên mặt sàn ghe, tài công đã ém hai cô gái vào chỗ nào trong đêm tối khi từ ghe taxi chuyển sang? Bây giờ, tình trạng hai cô ra sao.

    Không còn say sóng, tôi đi lần ra đằng sau cá lớn, nhìn vào buồng lái thấy khá đông phụ nữ cùng trẻ em chen chúc sát bên nhau trên cái sập gỗ. Phần đuôi ghe sau buồng lái cũng đầy người đang ngồi hoặc nằm la liệt ở mặt sàn hầm máy tàu. Hai phụ nữ đang lui cui nhóm lửa bếp dầu hôi để chuẩn bị nấu bữa ăn. Một cái nồi khá lớn đầy mì gói bẻ vụn, cơm nguội và thịt băm nhỏ để trong dĩa ngay bên cạnh. Gần đó, một phi nhựa lớn nước lã được người đàn ông trộng tuổi ngồi kế bên canh giữ. Tôi lại gần xin ông ta chút nước uống. Ông liền mở nắp phi nhựa, múc ít nước bằng cái ca mủ nhỏ xíu đưa cho tôi rồi nói:

    - Uống vậy thôi nha cậu, còn phải để dành cho người khác nữa.

    Mì nấu chín, hai phụ nữ múc lần lượt cho từng người một bát nhỏ. Nhận bát mì, có người cố nuốt lấy sức nhưng vài người lắc đầu từ chối. Từ lúc xuống cá lớn tới giờ không một chút gì bỏ bụng nên khi bát cháo chuyền đến, tôi cầm lấy và húp liền từng ngụm. Cháo nấu lạt nhách. Hai người phụ nữ đã cố ý nấu cháo lạt vì những gói bột nêm còn nguyên nằm cạnh bếp lò. Cho bột nêm vào nồi cháo, người trên cá lớn khi ăn xong sẽ phải uống thêm nước mà nước rất giới hạn cho từng người.

    Cá lớn vẫn chạy êm ả suốt trọn buổi sáng trên mặt biển bao la, vắng lặng không một bóng tầu. Những người ngồi nằm gần bên tôi vẫn lừ đừ cơn say sóng. Cả bọn chúng tôi mệt mỏi, áo quần bẩn thỉu nhìn nhau không ai buồn nói chuyện với ai. Có anh thanh niên nằm như đang ngủ chợt ngồi nhổm dậy, lết đến sát mép ghe và ói ra chút nước đặc quánh mầu vàng. Anh ta đã ói ra mật? Nhìn đồng hồ trên tay đã 2: 45 chiều, chợt tai tôi nghe tiếng nói lớn:

    - Ê! Hình như có tàu lạ đuổi theo ghe mình bà con ơi.

    Phạm Thắng Vũ
    (còn tiếp)

  5. #15
    (tiếp theo)

    Nghe lời báo động, tôi đứng hẳn người lên nhìn ở mé sau cá lớn. Lờ mờ một chấm đen nhỏ bằng cỡ hạt đậu xanh tuốt tận đằng xa xa. Vài người khác cố đứng lên nhìn chấm nhỏ đó rồi có tiếng hỏi:

    - Sao ông biết tàu đó đuổi theo ghe mình! Có chắc không?

    - Tui để ý cả tiếng đồng hồ từ lúc nó mới chỉ như một cái chấm. Nó cứ chạy theo mình, có vẻ càng lúc càng nhanh hơn. Tui phải báo tin cho mấy cha tài công biết.

    Dứt câu, người đó đi vào trong buồng lái ghe và ngay sau quay trở ra với một người đàn ông trung niên vẻ mặt mệt mỏi như vừa thức dậy sau giấc ngủ vùi. Bước đến gần chỗ chúng tôi, ông đó lấy tay che mắt, tránh những tia nắng phản chiếu từ mặt nước biển để nhìn cái chấm đen. Đứng yên im lặng suy nghĩ trong chốc lát rồi hướng mặt về buồng lái, ông ta nói:

    - Thử đổi hướng khác xem sao Thuận ơi.

    Ông này là chủ ghe và chỉ huy đám tài công cùng thợ máy trên cá lớn? Khuôn mặt ông xương xương, để râu mép, da hơi đen, thân người gầy gò và dáng vẻ khắc khổ. Ông đến cạnh phi nhựa đựng nước lã, người đàn ông ngồi đó đưa ngay ra một ca mủ lớn. Ông cầm và múc một ca nước đầy đến miệng. Uống ngay vài ngụm rồi bước ra sát mép ghe, ông đổ nước vào tay thấm ướt mặt, xúc miệng lục bục rồi sau đó nhổ thẳng xuống biển. Đúng là xếp xòng vì người đàn ông ngồi giữ phi nước không hề phàn nàn gì, lại hỏi:

    - Có lấy thêm nước nữa không anh Tám?

    - Không. Vậy đủ rồi anh. Ông ta lắc đầu.

    Cá lớn đã đổi hướng chạy, cả bọn chúng tôi ngồi yên nghĩ mọi việc đã qua mối lo nhưng không lâu sau, người đàn ông tên Tám cau mặt, lẩm bẩm:

    - Cha chả! Nó cũng đổi hướng chạy theo mình cà. Thuận ơi, đổi hướng khác lần nữa xem mậy.

    Tàu lạ cũng đổi hướng bám theo cá lớn chúng tôi. Người đàn ông tên Tám quay vô buồng lái rồi trở ra tay cầm theo một cái ống nhòm khá lớn. Loại ống nhòm quân đội miền Nam VNCH trước đây thường dùng. Ông ta đứng dựa lưng sát vào cột gỗ sau buồng lái, chỉa ống nhòm nhìn về chấm đen. Ông im lặng quan sát khá lâu rồi đưa cái ống nhòm cho vài người chung quanh của nhóm tổ chức. Họ lần lượt chuyền tay cái ống nhòm nhìn con tàu lạ. Người đàn ông tên Tám ra lệnh:

    - Thuận ơi! Cho máy chạy hết tốc lực đi.

    Đám người tổ chức ngồi hẳn xuống sàn ghe ngay cái bếp nấu, mặt người nào người nấy nhìn nhau căng thẳng. Vài người ngồi gần hỏi mượn cái ống nhòm để nhìn con tàu lạ. Đến phiên tôi, nghĩ mình thử nhìn xem con tàu lạ ra sao! Tôi hướng ống nhòm nhìn cái chấm đen xám. Nó lớn hơn khi nhìn so với bên ngoài nhưng khó mà đoán được hình dáng thực. Chỉ biết tàu lạ vẫn cố bám theo sau chúng tôi. Tôi chuyền cái ống nhòm cho người khác. Người đàn ông tên Tám trấn an bảo ai nấy bình tĩnh đừng lo lắng gì. Ông giao cái ống nhòm cho một thanh niên và dặn tiếp tục theo dõi. Nghe lời ông, đám chúng tôi tản ra nhưng trong bụng ai cũng vẫn mối lo.

    Cá lớn chạy mãi cho đến khi trời và nước đổi sang màu xám của hoàng hôn. Chiều xuống, gió thổi càng lúc càng dữ dội và vì vậy mặt biển nổi đầy những cơn sóng khá mạnh làm ai cũng sợ. Trời đã 5 giờ rồi 6 giờ... mặt biển dần xẩm tối và sóng nhẹ hơn trước. Anh thanh niên cầm ống nhòm cất tiếng gọi to:

    - Anh Tám ơi lại xem ngay nè, có thêm một tàu nữa đuổi theo ghe mình đó.

    Nghe báo, chúng tôi vội đứng lên nhìn và sau đó lại chuyền tay nhau cái ống nhòm. Rõ ràng thấp thoáng thêm tàu thứ hai chạy xiên xiên nhắm hướng về cá lớn trong làn sóng nhấp nhô. Tài công Thuận cho máy chạy hết tốc lực nhưng khoảng cách giữa hai bên đã gần hơn trước nên người trên ghe thấy rõ hình ảnh của hai tàu lạ. Với tôi, chúng trông rất quen và thôi chết, tôi đã nhận ra hai tàu đánh cá Thái Lan. Quay đầu nhìn nhóm người của ông Tám, tôi định nói cho họ biết về ý nghĩ của mình thì một thanh niên thì thào:

    - Hai tàu đánh cá Thái Lan. Mình gặp bọn hải tặc rồi.

    Ai có mặt tại chỗ đều nghe rất rõ lời anh thanh niên. Một luồng ớn lạnh chạy dọc cơ thể hằn lên nỗi sợ hãi trên mặt mọi người chúng tôi. Người đàn ông tên Tám vụt đứng lên, vỗ hai tay vào nhau và nói lớn:

    - Nghe đây.. nghe đây! Chúng ta đang cơn nguy hiểm bà con ơi.


    Rồi ông tiếp liền một hơi:


    - Tàu hải tặc theo sát ghe mình. Tui là Tám Kiệt, chủ ghe này. Mong bà con bình tĩnh góp sức với anh em tui để chống lại bọn chúng.

    Tám Kiệt cho biết trước khi vượt biên, dự trù ghe có thể gặp tàu công an hoặc bọn hải tặc truy đuổi nên ông đã đích thân xem xét thân ghe thật kỹ, cho gắn máy mới và mang theo ít vũ khí phòng thân. Ông tiếp:

    - Tụi tui có một quả da láng (lựu đạn M 26 hình tròn, vỏ láng bóng như quả vú sữa) và hai trái mini (lựu đạn trái nhỏ, các đơn vị biệt kích quân đội miền Nam VNCH thường sử dụng). Súng thì một AK 47 báng gấp và một Cabin cưa bỏ báng gỗ. Đạn mỗi súng chỉ có một băng 30 viên thôi. Rất cần các anh các chú giúp, ai từng đi lính Quốc Gia hoặc bộ đội hãy ra góp sức với tụi tui ngay.

    Những người có mặt trên sàn cá lớn không còn cảm thấy say sóng hay buồn ngủ nữa, ai nấy đều tỉnh hẳn. Tám Kiệt vừa dứt lời, tiếng vài người nói ngay: " Chú ơi để cháu sử dụng cây AK cho " hoặc " Anh để tôi thủ cây Cabin nghe ". Tiếng một người khác: " Đưa tui trái mini đi, tui ném chết mẹ tụi nó luôn ".


    Trong chốc lát những người hưởng ứng ngồi quây quần chung quanh Tám Kiệt và một phương án tác chiến cấp tốc được họ vạch ra. Kinh nghiệm từ những ghe vượt biên gặp hải tặc trước đây kể lại trong thư gửi về cho thân nhân thì hai tàu hải tặc sẽ chạy ép ghe chúng tôi vào giữa. Ép cho đến khi ghe vượt biên phải ngừng lại, chúng sẽ nhẩy qua dở trò. Tám Kiệt cho biết khi hai tàu hải tặc áp sát bên cá lớn thì đúng dịp thuận tiện gần tầm tay nhất, người thủ lựu đạn phải mở kíp ném thẳng sao cho lọt vào tàu hải tặc. Ném lọt được xuống hầm máy tàu chúng càng tốt. Người thủ súng AK hay Cabin phải hổ trợ bắn gục ngay bất kỳ tên hải tặc nào định nhào qua hay vừa nhẩy sang được mặt sàn cá lớn.

    - Mini rút chốt xong sẽ nổ lập tức khi ném và sức sát thương rất lớn. Do vậy, tôi đề nghị hai quả mini được ném liên tiếp ngay vào hai tàu chúng. Ai cầm quả da láng phải hờm sẵn trong tay, nếu thấy quả mini nào không nổ hoặc nổ nhưng không phá được tàu chúng thì phải ném bồi tiếp liền. Nhớ nghe, mini rút chốt phải ném ngay. Da láng phải đếm từ một đến năm mới được ném. Ném sớm quá, coi chừng bọn hải tặc nhặt được rồi quăng lại bên ghe mình thì khốn. Một người đàn ông nói giọng Bắc góp ý.

    Tất cả những điều họ nói ra thật đúng. Phải chờ khi hai tàu hải tặc Thái sáp lại cạnh bên hông cá lớn đúng tầm và ném được lựu đạn lọt vào trong tàu chúng thì chúng tôi mới có hy vọng thoát nạn. Điều quan trọng đừng để bọn hải tặc biết trên cá lớn có vũ khí vì như vậy chúng sẽ húc thẳng cho bể ghe thay vì áp sát vào để bắt sống người.

    - Mình có ống nhòm, biết đâu chúng cũng có để theo dõi mình đó. Cẩn thận đừng để chúng thấy vũ khí mình cầm trong tay. Một người khác góp ý.

    Cầm cây viết, Tám Kiệt vẽ phác hình hai tàu Thái Lan kè sát cá lớn vào giữa. Thật không ngờ nét vẽ của ông khá đẹp. Cung cách và nét vẽ của ông ta, tôi nghĩ Tám Kiệt không phải một chủ ghe bình thường. Tám Kiệt cùng nhóm tác chiến sắp xếp vị trí phải đứng, thủ vũ khí gì trong tay để có thể tiếp ứng cho nhau trong việc đối đầu với hai tàu hải tặc. Chợt ánh đèn pha sáng rực từ hai tàu Thái chiếu thẳng vào ghe chúng tôi làm ai nấy chói mắt. Chúng vừa mở đèn và khoảng cách đã gần kề cá lớn hơn trước. Tám Kiệt lấy tay che mắt nhìn hai tàu Thái rồi nói:

    - Nếu bọn chúng chỉ có một chiếc mình cũng chẳng sợ vì nó đuổi thì đuổi mình chạy cứ chạy. Tui biết ghe mình gắn máy Yanmar đời mới thật nhưng làm sao chạy bằng tàu Thái được, máy tàu tụi nó loại Ray 6 chạy nhanh hết biết nhưng mình cứ chạy hết tốc lực, nếu nó sáp lại gần thì mình tách ra. Giờ nó có tới hai chiếc thì việc lại khác, các anh các chú đã nhận trách nhiệm thì phải thật bình tĩnh đối phó với bọn chúng. Muốn tránh gặp chúng mà không được, mình đành phải tự bảo vệ lấy thôi. Lựu đạn khi nổ có thể sẽ văng miểng gây thương tích người trên ghe nhưng đành phải chịu. Giữa cái xấu và cái tồi tệ, chúng ta phải chọn cái xấu. Biết đâu bọn chúng cũng có súng và như vậy sẽ có người của phe mình bị thương hoặc chết. Chúng ta phải chấp nhận may rủi. Phải không?

    Một người tham gia tác chiến phụ họa:


    - Tàu hải tặc Thái chỉ có trên dưới mười thằng trong khi mình tới sáu bẩy chục nam giới và có cả vũ khí nữa, không lẽ chịu thua bọn chúng sao! Mình phải lì, bình tĩnh khi hành động và đừng có sợ tụi nó.

    Ông ta nói đúng. Mỗi tàu đánh cá Thái Lan có rất ít ngư phủ. Ỉ tàu lớn và ghe vượt biên nhỏ nên chúng sáp lại ăn hiếp. Nếu gan dạ đối đầu, chưa chắc bọn chúng làm gì được ghe vượt biên. Chúng tôi phải can đảm đối mặt và không còn sự lựa chọn nào khác.

    Đột nhiên có tiếng súng nổ từ hướng hai tàu Thái. Tiếng súng lại nổ tiếp từng phát một vang vang. Chúng bắn chỉ thiên hay bắn thẳng vào cá lớn? Tám Kiệt đã tiên liệu đúng, tàu hải tặc có súng. Tám Kiệt liền bảo khách ngồi trên sàn ghe chui xuống khoang hầm cho an toàn nhưng chỉ một vài người chịu nghe lời ông. Đã trải qua cái mệt, ngột ngạt khi ở dưới khoang hầm nên bây giờ bảo họ chui xuống trở lại rất khó. Chết thì chết, họ vẫn cứ ngồi trên mặt sàn ghe, chờ đợi những chuyện sắp sửa xẩy đến.


    Hai tàu Thái đến gần hơn, y chang những tàu hải tặc tôi đã gặp trong chuyến vượt biên kỳ trước. Dàn đèn pha sáng rực chiếu thẳng vào cá lớn cùng tiếng loa kêu stop... stop văng vẳng trong gió từ hướng hai tàu hải tặc. Bất chấp tiếng súng nổ tiếng loa gọi, cá lớn chúng tôi vẫn chạy. Sợ và dừng máy lại để chết vào tay chúng sao. Có mà điên! Đã có kế hoạch tác chiến rồi, hai tàu hải tặc áp sát lại hai bên hông cá lớn đi sẽ biết. Tám Kiệt lệnh lấy ngay túi vũ khí ra phân phát cho những người tác chiến và ông dặn phải thật khéo đừng để bọn tàu Thái trông thấy. Nhưng thật không ngờ! Túi đựng vũ khí không có trong cá lớn dù tay chân Tám Kiệt kiểm đi soát lại mọi ngóc ngách cùng các túi xách cá nhân ở trên ghe. Không ai tìm thấy túi đựng vũ khí đâu cả mà hai tàu hải tặc đến quá gần cá lớn rồi. Chúng chạy song song với nhau chỉ để một khoảng hẹp giữa hai thân tàu. Khoảng hẹp dành để ép cứng cá lớn chúng tôi phải dừng đứng lại. Tám Kiệt hoảng hốt thật sự, thúc hối tìm bằng được túi đựng vũ khí ngay nhưng vô vọng. Ai đó trong nhóm tổ chức đã bỏ quên nó dưới một ghe taxi khi vội vã chuyển người sang cá lớn. Biết sự thực phũ phàng, Tám Kiệt ngồi bệt hẳn xuống sàn ghe, hai tay ôm đầu rầu rĩ. Thình lình ông ta đứng bật dậy, gầm lớn:

    - Đ.M tụi chúng mầy làm ăn như con C. Việc quan trọng như vậy mà làm cũng không xong. Bây giờ lấy cái gì để chơi với tụi nó đây? Tao đã dặn đi dặn lại mà vẫn quên. Trời ơi là trời!

    Tám Kiệt lảo đảo tiến đến dựa vào cây cột phần đuôi ghe, nhóm người tay chân im lặng nhìn ông rồi quay ngó nhau trong bối rối. Tám Kiệt từ từ ngồi bệt xuống sàn ghe, mặt thiểu não nhìn hai con tàu Thái, khẽ lẩm bẩm trách móc:

    - Tao đã quá tin tưởng tụi bay... Lẽ ra phải tự tay tao làm...Tội nghiệp con tui vợ tui... Làm sao bây giờ?

    Một hồi còi lảnh lót vang lên từ phía hai tàu Thái làm chúng tôi giật nẩy mình. Hồi còi như tiếng cười tiếng hú của loài ác thú sắp vồ được con mồi sau đoạn đường rượt đuổi. Tiếng hú đắc thắng trước con mồi nhỏ, cố chạy vì không phương chống cự và sắp sửa sa vào tay chúng. Tôi nhìn Tám Kiệt cùng đám người tay chân. Ánh mắt thất thần của họ làm tôi nhớ lại khuôn mặt của anh Tấn và hai tài công trong chuyến vượt biên vừa qua. Khuôn mặt hối lỗi vì một toan tính sai lầm để gây hậu quả không may cho cả ghe. Tôi thấy lại khuôn mặt của Ánh Phương và của Mỹ An đang hiển hiện trong ánh mắt các phụ nữ ngồi trên sập gỗ ở buồng lái cá lớn. Những phụ nữ, thiếu nữ vẻ mặt tuy tiều tụy nhưng vẫn xinh đẹp, hấp dẫn bọn quỷ sống. Chận được cá lớn tối nay, sau khi vơ vét tài sản thì có thể chúng chỉ bắt đi toàn bộ nữ giới và tha không giết đàn ông-thanh niên như ở ghe tôi vượt biên. Tôi nghĩ vậy nhưng cũng không chắc vì khi đó chuyến tôi đi đang ở trong vịnh Thái Lan nơi có nhiều ghe thuyền qua lại khiến chúng chùn tay. Giờ đây, cá lớn ở trong vùng biển quốc tế bao la và nhất là đang trong đêm tối. Bóng tối đồng lõa với tội ác, chắc chắn số phận bi thảm sẽ đến cho người trên cá lớn chỉ trong một chốc lát nữa. Vài thiếu nữ luống cuống cố thu mình trước ánh đèn pha hai tàu Thái và có người đã rấm rứt khóc. Đám nam giới chúng tôi ngồi bất động yên lặng, không có vũ khí trong tay nên ai cũng mất tinh thần. Người nào người nấy nhìn nhau thầm hỏi biết làm cái gì để thoát tay hai tàu Thái. Tôi nghĩ về mẹ tôi cùng các em trai em gái trong nhà, mình vừa thoát tay công an giờ lại gặp bọn hải tặc. Tôi nhớ lời dặn dò của Hường nếu gặp chuyến vượt biên phải báo tin cho nàng biết để gia đình sắp xếp gửi Cao đi cùng. Mấy ngày ẩn náu ở nhà ông Ba, thâm tâm tôi đã ray rức vì không làm tròn điều Hường gửi gấm. Không ngờ như vậy lại may cho gia đình nàng. Tôi nghĩ tới thằng Dũng với lời nó từng kể: " Số tao, mấy người coi tử vi nói đi vượt biên khó thành vì mệnh có cách ngựa què Chiết Túc Mã " mà hoang mang hay mạng của bản thân mình cũng thế? Tôi đã gặp hải tặc một lần và đã thoát nhưng còn bây giờ?


    Thêm hồi còi lanh lảnh rít lên từ hai tàu Thái khiến tôi phải ngẩng mặt nhìn chúng. Một chữ T lớn nổi rõ ngay mũi con tàu cao vút phăng phăng lướt sóng theo sát sau chúng tôi. Tiếng loa stop... stop chung với tiếng còi vang vang làm ai nấy trong cá lớn khiếp đảm, tay chân run rẩy kinh hoàng. Ngồi thu mình cạnh cột gỗ, tôi cúi đầu lẩm bẩm:


    - Mẹ ơi! Tàu Thái đến gần quá rồi, con sắp chết đây.

    Bất ngờ, thật bất ngờ. Một việc xẩy ra nhanh như cái chớp mắt và tương tự phép lạ đã giúp ghe vượt biên chúng tôi thoát tay bọn hải tặc chỉ trong gang tấc.

    Phạm Thắng Vũ
    (còn tiếp)

  6. #16
    (tiếp theo)

    Sự việc xẩy đến thật nhanh và bất ngờ trong lúc tôi đang nghĩ về mẹ tôi. Người mẹ hiền, cao tuổi, suốt một đời lo lắng và săn sóc từng chút một khi tôi sống bên bà. Trong mắt bà, tôi vẫn chỉ đứa con bé nhỏ dù bây giờ đã ba mươi tuổi. Tôi khiếp sợ lúc thấy hai con tàu Thái đến quá gần vì biết khi ép bắt được cá lớn, chúng chẳng cần giết đám nam giới làm gì cho mệt sức. Chỉ quăng từng người một xuống biển là xong. Sóng biển cùng cơn nắng nóng chỉ trong vài ngày cả bọn người trên cá lớn chúng tôi sẽ từ từ kiệt sức và chắc chắn là chết. Đó là chúng không giết ngay, còn không thì với dao to bản, đòng (sào cây dài gắn dao sắt nhọn như dáo dùng để đâm cá dữ trong lưới) là đồ nghề của ngư phủ cũng sẽ thành vũ khí để chúng thanh toán thuyền nhân nào còn lóp ngóp dưới nước. Khi còn ở trên tàu hải tặc trong chuyến vượt biên lần trước, tôi thấy chúng còn có cả búa tạ, mỏ lết lớn và các đòn sắt dài nữa. Một trong các thứ đó sẽ phạm vào người mình, tôi nhắm mắt ôm chân cột của mái che cá lớn mà rên rỉ. Ôm chân cột hay đang ôm chân từ mẫu, tôi lầm thầm xin bà tha thứ cho các lỗi lầm đã làm thì tai nghe tiếng động rào rào đều khắp. Tiếng rào rào phát ra từ trên nóc ca bin buồng lái càng lúc càng lớn hơn và át cả tiếng máy ghe cùng tiếng người gọi nhau lao xao. Những giọt nước lạnh bắn hất vào người làm tôi bừng tỉnh, mở to mắt nhìn. Một cơn mưa bất thần đổ xuống cá lớn và hai con tàu Thái. Trong phút chốc, hai tàu hải tặc thành các vệt đèn pha mờ đục ngay sau cá lớn chúng tôi. Hạt mưa phản chiếu ánh sáng từ dàn đèn pha vô tình đã tạo thành một bức chắn che mù đôi mắt loài cú nhìn mồi ngon. Mưa dầy nặng hạt quất xối xả vào thân cá lớn làm tôi phải lách người vào sâu hơn trong mái che để tránh nước kịp thấy Tám Kiệt đứng bật dậy lao tới buồng máy, hét lớn:

    - Tắt máy... Tắt đèn... Ngừng ghe ngay, Thuận ơi!

    Máy ghe liền im bặt, cá lớn chạy chậm từ từ. Thuận tắt luôn cả các bóng đèn nhỏ nơi buồng lái và mái che phía sau cá lớn. Chớp mắt, hai con tàu Thái lướt nhanh qua rồi mất dạng trong cơn mưa mù mịt, tầm tã. Chúng đã không thấy cá lớn chúng tôi giữa đêm trường thăm thẳm. Cơn mưa vẫn rớt xối xả khá lâu mới nhẹ hạt dần và từ từ dứt hẳn. Chúng tôi nhìn mặt biển tối đen chung quanh, hai con tàu Thái giờ chỉ là đốm đèn sáng nằm cách chúng tôi tít đằng xa nơi một chân trời. Tám Kiệt cho nổ máy ghe trở lại và dùng ngay đốm sáng của hai con tàu Thái làm điểm chuẩn, y đổi hải trình chạy sang một hướng khác. Cơn mưa bất ngờ đã cứu mạng ghe vượt biên chúng tôi.

    - Chúng ta thoát nạn rồi bà con ơi. Ha ha!

    Tám Kiệt nói và cười hoan hỉ với những phụ nữ vẫn còn đang trong tâm trạng sợ sệt ngồi đầy trên sập gỗ ngay sau lưng y. Vài người hét lên vì quá vui trước chuyện may bất ngờ. Chúng tôi, ai nấy thở phào nhẹ gánh mối lo. Bây giờ đến phiên Tám Kiệt chạy ghe thay cho tài công bước ra khỏi buồng máy. Thuận đến gần chỗ tôi ngồi và dọn sơ những mảnh vụn mì sợi vương vãi trên sàn ghe ướt nước rồi anh nằm vật ra ngủ thật ngon lành.

    Bình minh đến với hình ảnh cũ, một lòng đỏ trứng gà từ từ nhú lên khỏi mặt biển xanh phẳng lì. Gió thổi nhè nhẹ, mặt biển buổi sáng thật yên lặng không một lọn sóng. Trong cá lớn, hầu hết mọi người vẫn đang cơn ngủ say. Vài người cho nhau biết họ buồn tiểu nhưng dù cố hết sức vẫn không rặn ra được một giọt. Không hiểu tại sao hay đây là dạng sinh lý cơ thể người say sóng biển. Tôi lại kiếm chỗ ngủ cho đến khi tai nghe tiếng người gọi nhau ơi ới để xem cảnh cá heo bơi đua song song với cá lớn. Cá heo cả bầy 3, 4 con có lúc vọt hẳn thân hình xám trắng thon gọn lên mặt nước như thách thức tốc độ, trông thật ngoạn mục. Ở mặt sàn, tài công Thuận ngủ li bì khá lâu như chưa bao giờ anh có giấc ngủ như vậy. Cũng phải thôi, anh đã cầm lái suốt từ lúc cá lớn còn ở trên sông bên quê nhà cho đến tối đêm qua. Nhìn Tám Kiệt bên tay lái ghe, tôi phục ông đã nhanh trí cho ngưng máy đúng lúc. Ngẫm lại cũng là chuyện lạ vì mưa đến rất nhanh, hai con tàu Thái vừa vượt qua cá lớn một quãng xa thì cơn mưa đó liền dứt đột ngột. Một phối hợp nhịp nhàng chính xác lạ lùng. Không ai ngờ đã có cơn mưa kịp lúc và đã mở sinh lộ cho đám người vượt biên chúng tôi. Nếu mưa mang niềm vui cho người này thì sẽ mang nỗi buồn cho kẻ khác như khi mình so sánh giữa người làm ruộng và người bán nước mía khi cả hai cùng trong một cơn mưa.

    Cá lớn vẫn chạy đều đều êm ả. Mặt biển chung quanh vẫn một mầu nước xanh và không một bóng tàu, ghe qua lại. Biển ở đây có mầu xanh lá cây rất đậm và có lúc đổi sang tím thẫm. Trời về trưa làm bầu không khí nóng nực, vài người mặt mũi đỏ bừng vì ở ngoài nắng nhiều giờ. Những cụm mây trắng đứng yên trên bầu trời xanh trong vắt không một cánh hải âu. Sau cơn hoạn nạn người trên cá lớn cảm thấy thân thiết hơn, ngồi bên nhau, bàn luận rôm rả về chuyện hai con tàu hải tặc hồi hôm. Ai cũng mừng vì một kết cuộc may mắn đã đến với mọi người trên ghe. Chuyện đã qua, giờ nghĩ lại nếu khi đó chúng tôi có vũ khí và không có cơn mưa thì chưa biết hậu quả của hai bên sẽ ra sao. Có người quả quyết:

    - Ghe chúng ta có ông bà theo phù hộ cho con cháu nên mới khiến đổ mưa đột ngột như vậy. Bầu trời trước đó trong veo tui có thấy mây thấy miếc gì đâu.

    - Lúc đó tui cứ nghĩ ghe mình tiêu tùng rồi. Nói thật, vái đến được trại tị nạn tui sẽ cạo đầu ăn chay một tháng liền. Một thanh niên vẻ mặt chất phác, góp lời.

    Ai cũng đồng ý chuyện ghe bị tàu Thái đuổi đêm qua mới biết hải tặc lúc nào và thời nào cũng có. Thực ra chúng là ghe đánh cá nhưng hễ có cơ hội thì sẵn sàng xuống tay liền. Bàn luận vui vẻ, chúng tôi mới biết thêm về từng người trong nhóm hưởng ứng tác chiến hồi hôm. Dũng, thanh niên nói Tám Kiệt cho sử dụng cây AK 47 vốn từng là bộ đội Việt Cộng thuộc trung đoàn Gia Định. Người dành sử dụng cây Cabin là cựu lính địa phương quân thời trước 30-4 và người thủ lựu đạn mini từng có thời gian đi lính trinh sát thuộc sư đoàn 7 bộ binh miền Nam VNCH. Đàn em Tám Kiệt là những người nhận quả da láng hổ trợ hoặc quả mini còn lại. Cả bọn ngồi bên nhau thân thích như bạn bè hay họ hàng ruột thịt đã xa cách lâu ngày mới vừa gặp lại. Tôi sáp lại ngồi gần họ cho vui. Ông cựu binh địa phương quân nói:


    - Mấy anh biết, tui nhận cây Cabin mà lo không biết có tỉa trúng táo thằng giặc Thái nào không, lâu rồi đâu có cầm đến súng.


    Một thanh niên ngồi đối diện ông cựu binh, góp lời:

    - Tui cũng vậy, lúc nhận lời anh Tám thủ lựu đạn để ném sang tàu chúng, tui cũng lo lắm vì không biết có làm được như ý mình muốn không?


    Ông cựu lính trinh sát cười nụ, nói:


    - Bây giờ sức bọn lính gìa như mình cũng đâu có còn được như mấy cậu trẻ. Có điều như anh Tám nói, mình không còn sự chọn lựa nào khác, đành phải làm thôi.

    - Ông nói đúng đa! Giờ nghĩ lại tui mới thấy sợ. Lựu đạn nổ đúng theo ý mình định đi rồi AK hoặc Cabin quất ngã vài đứa tụi nó và bên ghe mình cũng bị chúng bắn sang làm bị thương hay chết người. Giả dụ tàu bọn chúng bị lựu đạn nổ có thể chìm. Có thể lắm chứ vì mấy ông biết, sức nổ của mini thì ngay cả lô cốt bê tông còn chịu không nổi huống chi là thân tàu gỗ. Tất nhiên ghe mình cũng có thể bị ảnh hưởng vì cự ly hai bên quá gần mà, phải không. Nếu ghe mình an toàn chạy được đến trại tị nạn sẽ phải khai báo ra sao đây? Rắc rối chứ chẳng chơi dù bọn mình trong tình trạng tự vệ. Người đàn ông giữ phi nhựa chứa nước ngọt nói vọng xuống.

    Rõ ràng, cơn mưa đột ngột đã vô tình giúp cho cá lớn thoát tay hải tặc và việc đàn em Tám Kiệt bỏ quên túi vũ khí cũng một điều may cho cá lớn cũng như cho cả hai con tàu Thái. Hai phía đã tránh được một đối đầu tàn khốc. Ai nấy đồng ý thêm một điều giúp cá lớn chạy thoát là có máy ghe quá tốt. Từ lúc khởi hành tới giờ chỉ ngưng máy một lần ngắn ngủi, thời gian còn lại chạy suốt mà tiếng nổ vẫn dòn vẫn êm.


    Tài công Thuận tỉnh dậy đã vào thay cho Tám Kiệt đi nghỉ. Trời bắt đầu về chiều, gió thổi mạnh làm mặt nước biển sao động thành những cơn sóng. Mỗi khi chiều xuống, mặt trời vừa tắt bóng thì gió biển bắt đầu thổi mạnh liền. Gió thổi càng mạnh, cơn sóng càng lớn thay nhau nhồi lắc thân cá lớn. Những lúc đó, cảm giác say sóng làm cơ thể mệt nhoài trở về với nhiều người trên ghe. Chỉ đến khuya thì trời bớt gió bớt sóng, mọi người khi đó mới dễ chịu hơn và hầu như ai cũng lăn ra ngủ để hồi phục sức lực cho đến lúc bình minh ló dạng. Mặt biển sẽ hoàn toàn êm ả trong ánh nắng ban mai của một ngày mới.

    Trời tối dần rồi một đêm êm ả trôi qua, cá lớn vẫn không gặp bất kỳ chiếc tàu chiếc ghe nào khác trên mặt biển bao la. Trưa đứng bóng, Tám Kiệt cùng đám tay chân chụm đầu bàn chuyện riêng mà mặt cả đám lộ vẻ lo âu. Tám Kiệt cùng vài người trong nhóm tác chiến theo ông leo lên nóc buồng lái. Trên mặt ván bằng phẳng, Tám Kiệt trải tấm hải đồ khu vực biển tiếp giáp giữa vùng cực nam Việt Nam với nam Thái Lan và Malaysia rồi y nói với những người chúng tôi vây chung quanh:

    - Ghe chúng ta đã đi lạc, tui nghĩ chắc chắn vậy. Bây giờ thực sự tụi tui không biết phải làm sao vì nếu cứ chạy ghe lòng vòng mãi rồi sẽ đến lúc hết dầu, mong các anh em góp ý cho đám tổ chức tụi tui.

    Tám Kiệt cho biết vì phải đổi hướng chạy liên tục từ lúc gặp tàu hải tặc và sau cơn mưa nên cá lớn đã không theo đúng hải trình như hồi đầu. Nhìn trời bao la không một bóng chim và mầu nước biển xanh đen thẫm, chẳng nói thì ai cũng biết cá lớn hiện đang ở trong vùng biển rất xa với đất liền.

    - Lẽ ra theo tính toán thì ghe chúng ta đã phải gặp các dàn khoan dầu Mã Lai từ ngày hôm qua. Chỉ vào tấm hải đồ, Tám Kiệt tiếp:


    - Tụi tui không biết ghe mình đang ở đâu trong vùng lãnh hải này? Các anh từng ở trong quân đội, thử nghiên cứu xem có cách nào giúp cho cả ghe.

    Cá lớn tuy có hải bàn, hải đồ và tài công chạy ghe giỏi nhưng đâu phải là hoa tiêu tàu hải quân viễn duyên chuyên nghiệp. Ông tên Hưng, cựu lính trinh sát sư đoàn 7 bộ binh miền Nam VNCH nhìn Tám Kiệt và hết thẩy chúng tôi, nói:

    - Hồi trước mỗi lần đi công tác trong mật khu Việt Cộng, tụi tui từng dùng địa bàn định phương hướng và vị trí đứng trên mặt đất liên tục để khi xong nhiệm vụ hoặc lỡ khi bị bọn nó phát giác thì gọi trực thăng UH đến bốc cả toán ra khỏi vùng địch ngay. Khi đó thì có mang theo bản đồ với tỷ lệ xích rất rõ nên việc xác định tọa độ không khó. Ngoài địa bàn và bản đồ, tụi tui còn dựa vào mỏm núi hoặc con suối hay cây to trong vùng để biết chính xác vị trí. Còn bây giờ... Người cựu binh ngập ngừng: " Cái này... chắc tui chịu anh Tám à ".

    - Tàu hải quân viễn duyên ngoài hải bàn, hải đồ hướng dẫn thì họ còn có các dụng cụ khác như kính lục phân đo chiều cao bóng mặt trời và tầm xa đường chân trời khi muốn biết tàu của họ đang ở toạ độ nào giữa kinh tuyến, vĩ tuyến trên mặt biển. Thêm vào đó, họ còn phải có niên giám hàng hải cập nhật hàng năm để đối chiếu các dịch chuyển của dòng nước biển nữa. Muốn biết chính xác hơn, các sĩ quan hoa tiêu trên tàu còn phải tính toán cả độ dời sóng. Phải dùng compa, thước kẻ đo đạc và tính toán ngay trên hải đồ. Trời! Chuyện này khó lắm các ông. Một người nói giọng miền Bắc khoát tay phân bua.

    Thật đúng, biết được chính xác vị trí ghe tàu trên mặt biển bao la đâu phải một chuyện dễ dàng với những người không phải dân hải quân chuyên nghiệp như Tám Kiệt cùng đám đàn em.

    Phạm Thắng Vũ
    (còn tiếp)
    Last edited by phamthangvu; 12-15-2014 at 08:35 AM.

  7. #17
    (tiếp theo)

    Chúng tôi ngó tấm hải đồ rồi nhìn nhau, lắc đầu xác nhận bó tay. Tám Kiệt lập lại nỗi lo của y khi cho biết dầu diesel chạy máy chỉ còn khoảng trăm lít, cá lớn cứ chạy lòng vòng không phương hướng mãi thì rồi sẽ đến lúc cạn dầu phải ngừng và khi đó sẽ phải thả trôi vô định trên biển. Thấy cả bọn chúng tôi không ai góp tiếng, Tám Kiệt bồi tiếp:

    - Nước uống trong phi nhựa cũng sắp cạn, đâu ngờ mình lại chạy lạc như vậy. Không có đồ ăn còn cầm cự được vài ngày nhưng cạn nước uống thì sẽ có người chết ngay. Tui lo nhất là mấy đứa trẻ, các anh em không giúp được thì đành trông vào tàu nước ngoài, may ra gặp được.

    Đi vượt biên ai cũng sợ ghe đi lạc ngoài chuyện gặp hải tặc hoặc bão tố, chúng tôi buồn lo vì bó tay không giúp được chuyện Tám Kiệt cần. Tám Kiệt lệnh cho một thanh niên trong nhóm ông ở lại nóc ghe dùng ống nhòm theo dõi mặt biển chung quanh. Xong, ông cùng cả bọn chúng tôi leo xuống trở lại sàn ghe. Cá lớn giờ đây chỉ chạy tốc độ cầm chừng, ai cũng mong gặp được tàu viễn duyên và nếu họ vớt hết người chúng tôi thì quá tốt. Nếu không được như vậy, ít ra cũng sẽ có thêm nước, thực phẩm cùng dầu diesel chạy máy. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là chúng tôi sẽ biết vị trí cá lớn ở đâu trên mặt biển và hiện đang cách đất liền bao xa.

    Nắng dịu dần và gió bắt đầu thổi mạnh từng cơn khi trời bắt đầu gần chiều. Chợt anh thanh niên trên nóc ghe thò đầu xuống, thảng thốt báo tin:


    - Anh Tám ơi! Có tàu lớn phía sau ghe mình, ở hướng 8 giờ đó.

    Tám Kiệt cùng cả bọn chúng tôi vội trèo lên nóc ghe trở lại và lần lượt chuyền tay nhau cái ống nhòm để xem. Một chiếc tàu lớn mầu trắng chạy tuốt đằng xa và chờ khi nó đến khá gần cá lớn thì Tám Kiệt ngồi chồm hổm cúi đầu xuống buồng lái, nói lớn:

    - Thuận. Thuận ơi! Tạm ngừng máy đi mậy... thả trôi ghe xem sao.

    Chúng tôi đứng hết cả lên, hồi hộp nhìn con tàu lạ càng lúc càng rõ. Nó đang đến gần ghe chúng tôi đây. Một con tàu viễn duyên to như ngôi nhà lớn sơn mầu kem trắng lừng lững lướt qua trong ánh mắt theo dõi, trầm trồ của tất cả người đứng người ngồi trên cá lớn. Nhưng! Suốt dọc theo thân tàu, trên hàng barrie an toàn ở các khoang và cả trong cabin cửa kiếng trong vắt, chúng tôi không thấy một bóng người lai vãng. Con tàu này trông khác với hình ảnh thường thấy ở chỗ nó có bốn cái bồn tròn khổng lồ chiếm hết mặt khoang. Tiếng la tiếng hét cùng những cánh tay vẫy từ người ở nóc ghe, trên mặt sàn... mong có ai đó trên tàu viễn duyên thấy mà ngừng lại nhưng con tàu khổng lồ vẫn êm ả lướt nhanh làm như các hoa tiêu đã xếp đặt máy móc để nó chạy tự động. Chúng tôi tuyệt vọng nhìn vét đuôi con tàu đang dần dần trôi xa. Ai cũng cảm thấy chán nản, mệt mỏi vì con tàu viễn duyên... vô tình. Một người trong đám tay chân Tám Kiệt bực bội, hỏi đổng :

    - Sao nó không ngừng lại ta? Kỳ vậy! Bộ bọn người trên tàu đó đi ngủ hết cả rồi chắc?

    - Tàu nước nào mà không thấy treo cờ gì cả, phải chi mình có súng bắn hỏa pháo lên để họ biết. Một người đàn ông bảo.

    Con tàu chạy đã thật xa, mọi người trên nóc ghe thất vọng, từ từ ngồi xuống trở lại. Thuận ở dưới buồng lái hỏi vọng lên:


    - Mình chạy theo đuôi nó hả anh Tám? Em nghĩ cứ bám đằng sau thì thế nào cũng gặp hải cảng hà.

    Ý kiến thật hay! Tám Kiệt đã cố tình cho tắt máy ghe, hy vọng con tàu trông thấy may ra sẽ dừng lại giúp nhưng nó bỏ đi thẳng vậy thì mình phải chạy theo nó. Bám theo, chúng tôi rồi sẽ tìm được đất liền vì tàu hàng viễn duyên nào cũng phải ghé vào một hải cảng. Tám Kiệt gật đầu, trả lời đồng ý. Thuận vừa cho máy ghe nổ ròn rã và chuẩn bị vào số để chạy thì có tiếng nói của ai đó:


    - Ê! Bà con! Tàu nó quay đầu lại kìa.


    Chúng tôi lại nhìn về con tàu viễn duyên đó. Đúng vậy! Nó đánh một vòng cua rồi quay mũi chạy ngược thẳng về phía chúng tôi. Tám Kiệt thấy vậy vội nói lớn:

    - Tắt máy đi, nó quay lại kìa. Tắt ngay đi... Thuận.

    Tiếng máy của cá lớn lại tắt phụt, chúng tôi hồi hộp nhìn con tàu. Khi chạy đến gần, con tàu kéo một hồi còi rền vang như gửi lời chào rồi nó giảm bớt tốc độ, từ từ đánh một vòng chung quanh cá lớn và sau cùng dừng hẳn lại. Một nhúm 6, 7 người đứng lố nhố bên nhau sát cạnh hàng song sắt barrie gần một cabin cao vút. Một người trong số họ cầm cái loa pin trong tay, nói bằng Anh ngữ vang vang:

    - A lô! Các bạn biết nói tiếng Anh không?

    Tiếng trả lời có thật lớn cùng một lúc vọng vang từ ghe chúng tôi. Người cầm loa tay đó cho biết không thể vớt chúng tôi được vì trên tàu chở hoá chất nguy hiểm nhưng họ sẽ giúp thực phẩm và nước uống. Nghe họ báo, tôi nhìn kỹ 4 cái bồn tròn khổng lồ, đoán hóa chất chắc chứa bên trong đây. Hèn gì mà họ không thể giúp. Rồi, người cầm loa tay hỏi có cần thêm những thứ gì khác, chúng tôi nói cần dầu diesel chạy máy. Liền sau đó, vài thùng thực phẩm, nước lọc và các can nhựa đựng dầu diesel được con tàu viễn duyên vất thẳng xuống mặt biển. Trước khi bỏ đi, người cầm loa tay cho biết tàu họ đang trên đường đến cảng Kelang của Malaysia. Nghe vậy, chúng tôi vội hỏi cảng Kelang khoảng cách bao xa, ở đâu thì được họ trả lời độ 2 giờ đồng hồ đi biển cùng hướng mà cá lớn phải đi.

    Chúng tôi cho nổ máy ghe trở lại và chạy tìm vớt các thùng hàng các can nhựa của chiếc tàu vừa giúp. Hai thùng giấy bọc nhựa kín chứa bánh ngọt loại cracker, mì gói ăn liền và ba thùng nước lọc đóng trong các chai nhựa nhỏ. Ba can nhựa chứa tổng cộng khoảng 90 lít dầu diesel. Bánh cracker và mì gói được chia đều cho mọi người nhấm nháp ăn liền tức khắc. Vỏ các gói thức ăn in bằng tiếng Anh và một ngôn ngữ lạ không phải tiếng Tàu hay tiếng Nhật. Nhưng khi đọc thấy hàng chữ nhỏ xíu Made in The Democratic People's Republic of Korea trên một gói mì sợi thì ai nấy hết hồn. Vài năm trước đã có vụ ghe vượt biên gặp tàu Liên Xô vớt tưởng đã an toàn nào ngờ tàu Liên Xô đó vừa từ Việt Nam ra. Vớt người vượt biên xong, tàu Liên Xô đã quay mũi trở lại cảng Vũng Tàu và giao nộp toàn bộ người trên ghe cho công an Việt Cộng. Tàu Bắc Hàn này lại khác với chuyện về tàu Liên Xô bắt người vượt biên năm xưa mà cũng có thể vì cá lớn chúng tôi đang trong vùng hải phận Malaysia nên họ mới hành xử như vậy. Thuận cho cá lớn chạy theo đuôi con tàu Bắc Hàn giờ chỉ là một chấm nhỏ nhưng không lâu nó cũng mất hút dưới đường chân trời. Nó chạy quá nhanh so với ghe chúng tôi nhưng không hề chi vì Tám Kiệt đã biết phương hướng rồi.

    Không một ai trong chúng tôi biết cảng Kelang nằm ở đâu bên nước Malaysia. Làm chuyến vượt biên nhắm hướng Malaysia, thâm tâm Tám Kiệt và đám đàn em nghĩ sẽ dễ dàng đến được đảo tị nạn Bidong nhưng do đi lạc, giờ đây sẽ phải ghé vào cảng Kelang nên ai cũng lo lắng lẫn háo hức. Cảng Kelang này ra sao, cách đảo tị nạn Bidong bao xa? Hình ảnh bến Bạch Đằng cùng các cầu tàu vùng Khánh Hội lại trở về trong trí người gốc Sài Gòn như tôi, Kelang có giống như vậy không?

    Nói chỉ 2 giờ đi biển thì sẽ gặp cảng Kelang vậy mà chúng tôi phải chạy ghe tới hơn 4 tiếng đồng hồ mới thấy được vầng sáng phản chiếu của một vùng đất liền khu vực gần cảng. Lúc này thì trời đã sâm sẩm tối rồi. Thấy đến được đất liền, ai nấy trên cá lớn đều mừng rỡ la hét rùm trời. Ngay cả những người nằm dưới khoang hầm cũng cố sức leo lên mặt sàn ghe để nhìn cho rõ. Chúng tôi sắp sửa đặt chân lên một vùng đất nước ngoài chỉ trong buổi tối nay hay sáng sớm ngày mai thôi. Chuyến vượt biên thành công, ai nấy đều nghĩ như vậy và nhìn nhau cười rạng rỡ. Thôi nhé, những ngày lao động chết người, cơn sốt rét rừng ở vùng kinh tế mới, đêm ngủ bất an vì sợ tiếng đập cửa xét nhà thình lình, ánh mắt cú vọ dò xét của công an khu vực... Tất cả, xin vĩnh biệt từ giờ phút này. Thật là mừng.

    Tám Kiệt cho cá lớn chạy chầm chậm dọc theo bờ biển khá lâu nhưng vẫn không tìm được lối dẫn vào cảng Kelang dù thấy đường phố, đỉnh lầu các tòa nhà và các dome tròn nhà thờ đạo Hồi thấp thoáng xa xa sau các rặng cây xanh đen trong ánh sáng đèn chiếu đô thị. Vài ghe ngư dân địa phương chạy ngược chiều với cá lớn chúng tôi. Người trên các ghe đó lấy tay chỉ trỏ vào phía bờ biển phủ khói sóng như làn sương xám. Tám Kiệt rất muốn các ghe dân địa phương này ngừng lại để hỏi thăm nhưng họ bỏ chạy xa mất. Dọc bờ biển, nhiều chỗ là các vách đá cao làm chúng tôi sợ vướng đá ngầm ở gần nên không dám chạy thẳng ghe vào. Thấy trời càng lúc càng tối đen khó mà quan sát, Tám Kiệt lệnh cho Thuận kiếm chỗ an toàn, ngừng máy rồi buông neo để sáng hôm sau sẽ tính. Ai nấy rôm rả trò chuyện toàn về các tin vui rồi sau đó lăn ra ngủ ngon lành, một giấc ngủ thực sự an tâm kể từ lúc đặt chân lên cá lớn.

    Khi những tia nắng mặt trời ban mai vừa mới ló dạng xua bớt đám sương mù la đà sát mặt nước biển, một chiếc canoe có gắn hàng chữ Pilot từ phia trong chạy ra và đến sát bên cá lớn chúng tôi. Ba người trên chiếc xuồng máy đó bằng Anh ngữ, cho biết họ sẽ chạy trước dẫn đường ghe chúng tôi lối vào cảng Kelang. Các Malaysian này nói họ đã biết cá lớn từ tối hôm qua và định chạy ra đón ngay vì sợ chúng tôi có thể đi vào vùng đá ngầm nguy hiểm nhưng thấy đã neo ghe lại nên họ để yên. Chiếc canoe dẫn chúng tôi đến một vùng cảng tấp nập các con tàu to đùng đang neo gần bên nhau. Tàu hóa chất Bắc Hàn nằm yên lặng khuất sau một bờ kè không xa lắm. Chúng tôi chạy băng ngang qua những cần cẩu khổng lồ gầm gừ, vươn các cánh tay dài vận chuyển hàng hóa lên hoặc xuống cạnh các con tàu lớn. Nhiều người trên ghe xuýt xoa khi lần đầu trong đời được tận mắt thấy một vùng đất của nước ngoài. Hải cảng Kelang này quá rộng, quá đẹp so với thương cảng Bạch Đằng ở Sài Gòn.

    Xuồng máy Pilot đó dắt cá lớn chúng tôi đến một bãi vắng vẻ cách xa khu vực cảng và những toà nhà trên bờ. Lấy tay chỉ vào một bãi cát thoai thoải nằm khuất sau một bờ đá, một người Malaysia trên xuồng máy bảo chúng tôi lái ghe tắp vào đó và đậu yên chờ chính quyền họ sẽ đến tiếp xúc sau. Chờ cho tài công Thuận chạy cá lớn vào sát bờ và tắt hẳn động cơ, xuồng máy Pilot mới chịu quay mũi đi ngược trở ra. Đợi một lúc khá lâu để chắc chắn xuồng Pilot đi khuất xa hẳn, Tám Kiệt hối Thuận nhanh chóng nổ máy ghe trở lại, chạy lùi ra một quãng khá xa bờ. Từ nơi này, Thuận đã để máy nổ hết tốc lực rồi cho ghe lao thẳng như tên bắn lướt qua mặt nước, nằm phơi gần hết cái lườn trên bãi cát thoai thoải sát bờ.

    Cá lớn đã làm xong nhiệm vụ của nó. Tám Kiệt bước sát bên lườn ghe, ngó xuống mặt nước rồi quay lại nói:


    - Thử cho ghe chạy lui xem coi Thuận.


    Tiếng máy nổ vang vang, ghe nhúc nhích cố thụt lùi nhưng chỉ giần giật vài cơn. Thuận tăng tốc, máy nổ to hơn mà chiếc ghe vẫn đứng yên không thể chạy lùi ra được. Lườn nó đã bám sát dính vào mặt cát như có keo dán. Tám Kiệt mỉm cười, khoát tay ra dấu cho Thuận tắt máy ghe. Tiếng máy im bặt trả lại sự vắng vẻ, tĩnh mịch của khu vực. Kinh nghiệm từ những người vượt biên trước viết thư về kể lại, chúng tôi mong khi thấy cá lớn mắc cạn, chính quyền địa phương sẽ không đẩy ghe quay trở lại biển cả. Nhìn mớn nước sát với bờ cát mịn thoai thoải, hiện thời không ai biết con nước đang lên hay xuống. Thấy nước cạn, vài người cả nam lẫn nữ vội tuột xuống bước lội vào bờ, xuyên qua các hàng cây để làm việc vệ sinh cá nhân. Tôi nhìn bao quát chung quanh, xuồng Pilot dẫn cá lớn cập vào một vùng ở đây thật vắng vẻ không bóng người qua lại. Bờ biển rất nhỏ, khuất sau một khu rừng và các đụn cát thâm thấp trải dài rõ là chỗ tắm vắng người. Sau đêm dài ngon giấc, chúng tôi ai nấy đều tỉnh hẳn người kéo nhau bỏ khoang hầm, ngồi chật cứng trên mặt sàn ghe. Dầu vậy, khuôn mặt người nào trông cũng tiều tuỵ vì trải qua những ngày đi biển vất vả và trong bộ quần áo bẩn thỉu.

    Chợt có tiếng máy xe nổ gần đâu đây và rồi một chiếc xe sơn mầu xanh lá cây vượt ra từ một bờ cát dọc theo bờ biển tiến thẳng lại chỗ chúng tôi. Một chiếc xe tải quân đội. Chiếc xe dừng hẳn lại, ba người đàn ông da ngâm đen dáng vạm vỡ cao to, mặc quân phục hoa dù, đầu đội mũ beret đỏ nâu, tay thủ súng trường M 16 lần lượt nhẩy xuống. Ba người lính đứng trên bờ dưới các hàng cây im lặng quan sát bọn chúng tôi. Quân phục họ mặc y chang lính nhẩy dù, biệt động quân miền Nam VNCH trước đây. Chiếc xe đánh vòng quay đầu và chạy biến mất sau một bờ cát.

    Phạm Thắng Vũ
    (còn tiếp)

  8. #18
    (tiếp theo)

    Mấy cha lính này có nhiệm vụ canh giữ cá lớn phòng ngừa mình gặp dân địa phương đây, chúng tôi nghĩ vậy. Ánh nắng ban mai chói lọi rực rỡ, trời đã sáng hẳn rồi, vài phụ nữ trên cá lớn giơ tay vẫy chào ba người lính gác. Họ nhìn chúng tôi, mỉm cười phô hàm răng trắng đều và vẫy tay chào đáp trả. Một dấu hiệu thân thiện.

    Gần 2 giờ đồng hồ sau, lại có thêm ba chiếc xe nhà binh chạy đến. Một xe chở đầy lính, một xe đầy các bao bố loại 50 kg căng phồng cùng hai thùng phi sắt nằm trên sàn và chiếc xe thứ ba kéo theo một rờ moọc đằng sau. Đám lính nhanh chóng làm một hàng người sát bên nhau thẳng từ trên bờ xuống cạnh cá lớn rồi họ dùng tay chuyền từng bao bố lên cho chúng tôi. Người trên ghe phải dồn lại để có chỗ chất những bao bố. Chuyền xong các bao bố, đám lính chia ra hai toán chiết nước uống từ cái rờ moọc và dầu diesel ở hai thùng phi sắt sang các can nhựa loại 20 lít. Can nhựa đựng nước uống và dầu diesel cũng được chuyền lên trên cá lớn luôn. Nhìn việc đám lính vừa làm, Tám Kiệt làu bàu:

    - Chết mẹ rồi. Nó tiếp tế cho mấy thứ này là để tống cổ mình đi khỏi đây đó mấy cha.

    Đúng vậy. Xong xuôi thì một gã lính trên bờ ra lệnh chúng tôi nổ máy và chạy lùi ghe trở ra. Thuận đành phải nổ máy, ai nấy trên ghe hồi hộp chờ chuyện sẽ xẩy đến. Sau chuyến hải hành, cặp được vào bờ an toàn thì người trên ghe rất sợ phải chạy tiếp trên biển. Có sợ cũng phải chấp nhận. Tiếng máy ghe nổ dòn, cá lớn nhúc nhích nhưng không lùi được dù đã gầm rú hết sức. Thật may cho chúng tôi, mớn nước đã lùi khỏi thân ghe vì biển bắt đầu cơn ròng. Đám lính trên bờ chụm đầu trò chuyện rồi khoát tay ra dấu bảo tắt máy ghe và họ tản ra chờ đợi. Không lâu sau, chiếc xuồng máy Pilot hồi lúc sáng và một tàu đánh cá Malaysia lớn hơn chạy đến ngay sau cá lớn chúng tôi. Một thủy thủ nhẩy xuống, lội sang và dùng dây buộc chặt vào hai cột của nóc buồng máy cá lớn. Hai đầu dây còn lại thì được nối thẳng vào mũi chiếc xuồng Pilot và tàu đánh cá. Thuận lại được lệnh của họ cho nổ máy ghe trở lại. Tiếng máy vang lên ròn rã, ai trên ghe đều hiểu chuyện bọn người Malaysia làm. Thế là xong, chúng tôi thật lo vì nghĩ chắc sẽ phải làm tiếp chuyến hải hành.

    Thuận cho máy nổ dòn chạy số lùi hợp với sức kéo từ hai con tàu Malaysia chực sẵn cố lôi ghe chúng tôi ra khỏi chỗ cạn. Tiếng động cơ của ba cỗ máy gầm rú từng chập nhưng cá lớn chỉ rung nhẹ và vẫn nằm yên tại chỗ. Nước biển đang ròng, cát dán chặt lườn ghe dính chắc luôn vào bãi. Gã chỉ huy trên bờ nói lớn hiệu lệnh cho cả đám lính chạy xuống biển đến sát dọc bên lườn cá lớn và khom người cố sức đẩy. Thấy cá lớn không nhúc nhích, đám lính xì xồ miệng, tay ra dấu lệnh chúng tôi phải nhẩy xuống nước cùng phụ đẩy với họ. Trên cá lớn hầu như chỉ còn phụ nữ và trẻ em. Quá đông người nhưng đứng chùm nhum trong một diện tích nhỏ nên dù loay hoay hợp sức đẩy với đám lính một hồi mà cá lớn vẫn chẳng hề xoay chuyển. Chúng tôi mừng thầm vì rõ ràng con nước đã ròng mạnh, ghe thực sự mắc cạn và lườn bị cát hít dính như keo dán. Thấy chuyện định làm nhưng không thành, đám lính kéo nhau bỏ hết lên bờ. Một gã đến gần ra lệnh cho chúng tôi rời ghe lên bờ nghỉ ngơi, xuồng máy Pilot và tàu đánh cá cũng đã tháo dây bỏ đi. Trước khi đoàn xe nhà binh chạy khỏi bãi biển, gã chỉ huy cho biết sẽ quay trở lại sau buổi trưa.

    - Mẹ bà, tụi này nó nhất quyết đẩy bọn mình ra biển đây. Tám Kiệt nói.

    Thấy đám lính đi khỏi, chúng tôi vội chuyền vài bao thực phẩm xuống và tản ra ngồi dưới các bóng cây. Mở miệng một bao ra xem thì thấy bên trong có mì gói ăn liền, bánh biscuit, gạo xấy, thuốc lá, diêm quẹt, trà, cà phê, đường và sữa bột. Bao nào cũng kèm theo cả các muỗng nhựa và khá nhiều lon sắt nhỏ mầu đen. Cầm một lon lắc thử nghe tiếng kêu óc ách. Món gì trong lon và sao nó lại sơn đen? Một người reo lên:


    - Úi cha! Có đồ khui nè, mình thử mở xem cái gì bên trong vậy.

    Nắp chiếc lon vừa mở kéo theo một mùi thơm bốc lên mũi. Cá mòi sốt với cà chua đỏ đặc sền sệt. Chúng tôi khui thêm các lon khác và cũng món cá mòi đóng hộp. Không có cơm trắng thì đành ăn cá mòi hộp với bánh bisquit mà cũng ngon. Vừa ăn, có người lại thắc mắc tại sao họ phải sơn đen cái lon? Bộ không muốn ai biết lon này chứa thứ gì và từ đâu ra! Có lẽ như vậy vì các gói thức ăn khô ở bao bố được đóng trong bao nylon cũng không một dòng chữ một tờ nhãn ghi bên ngoài. Đúng như lời Tám Kiệt nói, đám lính Malaysia cố tình đẩy ghe mình ra biển sau khi tiếp tế thực phẩm, nước uống và dầu diesel chạy máy. Khi ra biển trở lại, rủi chúng tôi gặp tai nạn thì sẽ không ai biết ghe đã ghé vào Malaysia nhưng không được chính quyền cho cập bến.

    - Hồi xưa khi bọn Cộng Sản Bắc Việt chở hàng tiếp tế cho bọn Việt Cộng miền Nam thì cũng có cái màn xoá hết dấu vết, xuất xứ từ vũ khí, thuốc men, thực phẩm và cả máy móc trên con tàu chúng. Ở nước nào cũng vậy, bọn gây chuyện ám muội thì bao giờ cũng dấu việc chúng làm. Người đàn ông nói giọng Bắc ngồi dưới một bóng cây mát gần đó cho biết.

    Sẵn có thực phẩm có thuốc lá, chúng tôi bảo nhau phải ăn phải hút trước hết cho đã miệng, mọi chuyện để qua một bên tính sau. Người hút thuốc thả khói thơm lừng, người ngồi dựa lưng vào thân cây nhâm nhi từng cái bánh nhỏ. Có người ăn vã mấy hộp cá mòi liền mà không ngán miệng. Ăn uống xong xuôi, vài người đi vào khu rừng cây lục lọi sau đó quay ra báo tin có dòng suối nhỏ nước trong vắt ở gần đó. Tôi cùng vài người ngồi gần vội đến ngay và thật may là suối nước ngọt dù chỉ cách bãi biển không xa. Nhiều người thấy có suối nên quá mừng vội cởi ngay quần áo, vục nước lên người tắm kiểu dã chiến. Tôi cũng vậy, giặt sạch bộ đồ bộ đội cũ xong rồi vắt khô mặc trở lại người. Tuy còn ẩm ướt nhưng vẫn dễ chịu hơn cứ khoác mãi bộ đồ hôi hám, bẩn thỉu. Thêm nhiều người khác nghe tin báo về con suối nên cũng mò đến nữa, kể cả phái nữ. Cả mấy ngày liền trên ghe ai nấy quần áo đều dơ dáy, nhơ nhớp nay có dịp gặp nước ngọt nên vội tắm táp, giặt gịa liền. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, có người vất bỏ quần áo bẩn tại chỗ mà không giặt. Thấy quần áo họ vất bỏ, nghĩ vì chỉ có duy nhất bộ đồ bộ đội đang mặc trên người nên tôi đến, lựa ra được hai áo thun và hai quần dài còn khá tốt rồi quay qua chung quanh, hỏi:


    - Mấy bộ đồ này của ai? Còn mặc nữa không? Nếu vất bỏ thì cho tôi xin nha.

    Không ai lên tiếng trả lời, tôi hỏi thêm lần nữa thì một thanh niên đứng gần bên nói:


    - Quần áo này dơ rồi, họ không giặt lại vất ở đây là bỏ đó. Anh muốn thì cứ lấy xài.

    Tôi định đem hai bộ quần áo bẩn xuống suối giặt thì tai nghe có tiếng xe hơi và sau đó giọng người gọi lớn: " Ê! Có mấy người Malaysia đến kìa " nên vội vàng quay trở ra bãi biển. Hai người đàn ông lớn tuổi, mặc thường phục theo kiểu đạo Hồi áo trắng cùng mũ nồi đen đội trên đầu khệ nệ bưng các thùng giấy nhỏ từ trong một xe van mầu trắng ra. Huy hiệu vầng trăng khuyết đỏ thêu trên ngực áo của hai người. Họ là nhân viên hội Hồng Nguyệt, một hội bác ái y như hội Hồng Thập Tự. Cả hai ông mang cho chúng tôi một số hộp nhỏ nước giải khát như trà hoa cúc, sữa đậu nành, rau má, nước mía ép... Tiếc cái họ không nói được Anh ngữ còn chúng tôi thì cũng chẳng biết tiếng Malaysia nên đành cố hiểu nhau qua các cử chỉ ra dấu.


    Cả hai người họ dường như không muốn chúng tôi quay ghe ra biển đi tiếp. Họ lập đi lập lại hai chữ Sungei Besi, Bidong với nhóm người chúng tôi đứng vây quanh. Trước khi bỏ đi, một trong hai ông kín đáo chỉ vào cá lớn và bằng hai bàn tay chụm lại làm bộ dạng như đang đào vật gì đó trên đất. Lập đi lập lại cử chỉ đó nhưng không ai trong chúng tôi hiểu ý định của ông ta. Thấy nhóm người chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, ông ta mỉm cười hiền lành và quay trở về chiếc xe van.


    Malaysia là một quốc gia Hồi giáo trong vùng đông nam châu Á. Y phục trắng với mũ nồi đen trên đầu, hai người nhân viên hội Hồng Nguyệt trông như các tín đồ đạo Hồi ở vùng Hoà Hưng thuộc quận Tân Bình-Sài Gòn. Tại đó có một đền thờ đạo Hồi và khá đông tín đồ sống rải rác chung quanh. Nhóm dân đạo Hồi ở Hòa Hưng không biết chính xác thời điểm bắt đầu cư trú tại địa phương nhưng, nội việc có riêng một nghĩa địa trong vùng thì ắt hẳn họ đã có mặt từ rất lâu đời. Tuy cùng nói tiếng Việt nhưng khuôn mặt và vóc dáng họ vẫn khác hẳn với người Việt Nam vì mái tóc quăn, da ngâm đen, mắt có khoen và cơ thể họ cao to hơn.

    Cử chỉ của ông nhân viên hội Hồng Nguyệt khi chụm hai tay đưa lên đưa xuống như đào đất vẫn chưa ai hiểu ý. Đám chúng tôi bàn bạc hay ông ta bảo mình bới cát và đào rãnh dưới lườn cá lớn để nó dễ dàng tuột ra khi cơn triều lên? Không phải như vậy vì ông đã khoa bàn tay lắc lắc khi chỉ ra biến và ngón tay trỏ ông chỉ vào hướng rừng kèm theo các chữ Bidong, Sungei Besi. Cuối cùng, đoán là ông ta muốn chúng tôi ở lại đây và đừng đi tiếp nữa. Ông Hưng, cựu lính trinh sát chợt nghĩ ra một điều nên nói:

    - Tôi nghĩ ông ta bảo mình đục cho thủng ghe, mấy anh thấy sao?

    Chúng tôi nhìn nhau, một thanh niên trong nhóm tổ chức khẽ trả lời:


    - Chắc vậy rồi anh Tám. Phải đục lủng ghe thôi.

    Phải đục cho lủng ghe nhưng đục ở chỗ nào để bọn lính khi quay lại sẽ không biết do chúng tôi cố tình phá. Nghĩ vậy nhưng lấy cái gì để làm việc này? Thuận nói ở dưới ghe có sẵn cái búa nhỏ dùng bửa củi nấu ăn cùng một con dao to bản và nhận sẽ thử làm xem sao. Nghe vậy, Tám Kiệt đảo mắt chung quanh và hối Thuận thi hành ngay nhưng kín đáo đừng để thêm người biết chuyện, nhất là đám đàn bà-con gái.


    Trời đã quá trưa, ánh nắng chiếu chói chang nóng bỏng. Cảm giác chao đảo khi ở dưới ghe rồi trở về đất liền mà người ta gọi là say đất đã hết thêm có thức ăn, nước uống lại có cả nước suối để rửa ráy mặt mũi tay chân và thay y phục sạch sẽ nên hầu như người nào cũng rút vào trong các bóng râm để nghỉ. Vài bóng hải âu đảo qua đảo lại tìm mồi xa xa ngoài biển. Thấy không một bóng người trên bãi cát gần với cá lớn, Tám Kiệt gật đầu ra tín hiệu cho Thuận cùng hai thanh niên khác vọt ngay ra. Biển bắt đầu cơn triều lên, nước đã mấp mé thân cá lớn. Cả ba người nhẩy phóc lên và chui tọt ngay xuống hầm máy ghe. Chốc lát sau họ trở lại mặt sàn và nhẩy xuống nước mà trên vai vác theo một bao thực phẩm cùng hai can nước ngọt làm bộ ra ghe để lấy thêm cho những người cần thêm trên bờ.

    - Xong rồi, nước đang vào. Tụi em đục hai chỗ ở phần đuôi.


    Thuận mỉm cười, nói tiếp:


    - Ghe mình coi vậy mà không chắc đâu nha anh Tám. Mới bửa mạnh vài búa mà ván đã bục ra liền. Nước vô xối xả làm em thấy sợ luôn.

    Đám chúng tôi chờ xem chuyện sẽ đến trong tâm trạng lo lắng. Mọi người tản ra tìm chỗ nghỉ, tôi bẻ vài cành nhỏ có nhiều lá rồi đem trải chúng xuống sát một gốc cây và nằm ngay xuống. Gió từ biển thổi vào thật mát, tôi nhắm mắt lim dim ngủ cho đến khi nghe tiếng xe tiếng người nói và tiếng còi huýt toe toe từng chập ngắn. Tôi choàng dậy khi đám lính Malaysia đã quay trở lại đầy đủ ở bãi biển. Lần này chỉ một chiếc xe tải nhà binh nhưng lại có thêm một xe ủi đất bánh xích nhỏ. Một gã lính vẫn huýt còi gọi tập họp trong khi các gã khác xục hẳn vào từng bụi cây để lùa bọn chúng tôi đi ra hết. Họ ra lệnh chúng tôi đứng gọn tại một chỗ. Nhìn nhau, chúng tôi phải trên một trăm người là ít. Đám lính Malaysia cũng lắc đầu vì không dè cá lớn lại có thể chứa được nhiều người như vậy. Nước biển đã dâng lên ngang thân cá lớn và thỉnh thoảng có sóng nhỏ làm nó khẽ lúc lắc, xê dịch. Đám lính Malaysia nhìn nhau mỉm cười chắc mẫm lần này việc kéo cá lớn ra khơi dễ dàng và như vậy, công tác của họ sẽ kết thúc chóng vánh. Tiếng ghe máy văng vẳng từ xa vọng đến và chỉ có một chiếc là chiếc xuồng Pilot khi sáng. À! Đám lính Malaysia biết nước biển lên cao chỉ cần chiếc xuồng máy Pilot đã đủ sức để kéo cá lớn chúng tôi ra khỏi chỗ cạn. Nếu chiếc xuồng Pilot không đủ lực, đám lính sẽ dùng thêm xe ủi đất phụ sức đẩy cá lớn xuống hẳn dưới nước.

    - Thôi rồi. Mình sẽ phải đi tiếp trên biển nữa. Có xuồng máy kéo rồi xe ủi đất phụ đẩy, chắc chắn họ sẽ lôi ghe mình ra khỏi chỗ cạn dễ dàng. Một người lẩm bẩm than.

    Xuồng máy Pilot đến sát phía sau cá lớn, một thủy thủ Malaysia phóng xuống nước bơi đứng đến cá lớn và leo lên mặt sàn. Tay y cầm sợi dây định buộc vào cá lớn như lúc sáng đã làm nhưng khi nhìn xuống hầm máy, gã này liền quay mặt hướng về đám lính Malaysia đứng ở trên bờ và xổ ra một tràng. Ngay lập tức hai gã lính khác chạy ra, bước lội đến rồi trèo lên và nhìn xuống khoang hầm ghe. Cả hai gã đi dọc trên mặt sàn và lần lượt nhẩy hẳn xuống khoang hầm xem xét rồi sau đó quay trở về bờ cát trên bờ. Đám lính tụ lại nói chuyện xì xồ với nhau trong tia mắt giận dữ. Họ đã biết ghe bị chúng tôi đục cho lủng.


    Nửa tiếng đồng hồ trôi qua trong sự lo âu lẫn mừng vui của đám chúng tôi. Mừng vì biết sẽ không bị ngồi xuống ghe kéo ra biển lớn nhưng lo âu những gì sắp sửa xẩy đến. Gã chỉ huy khoát tay ra dấu cho xuồng máy Pilot và cái xe ủi đất rút lui. Tiếng còi toe toe lại nổi lên, đám lính ra lệnh cho chúng tôi xếp thành một hàng dọc di chuyển theo song song với họ. Vài phụ nữ hì hục xách theo các gói thức ăn còn sót trên bờ nhưng bị mấy gã lính ra hiệu phải bỏ lại trên mặt đất và chỉ được mang các túi xách cá nhân. Đi theo đám lính, chúng tôi vượt qua các đụn cát cùng phần rừng cây thưa thớt rồi đổ xuống con dốc lài và sau cùng băng qua mặt đường nhựa để vào một vườn hoa khá đẹp. Qua khỏi vườn hoa thì đến một sân gạch tiếp nối vào các căn nhà lớn cửa đóng kín mít, đám lính lệnh chúng tôi phải giữ im lặng và ngồi theo từng hàng mười người một. Sau đó, đám lính tản ra đếm tổng số rồi họ đưa một tập giấy để tự chúng tôi chuyền tay nhau, ghi tên và đánh số của từng người. Ngồi gọn thành từng hàng nên rất dễ đếm và thật không ngờ, tổng cộng người trong ghe chúng tôi là 135 người. Vậy, quá nhiều so với sức chứa của một chiếc ghe đi biển nhỏ tí xíu.

    Phạm Thắng Vũ
    (còn tiếp)

  9. #19
    (tiếp theo)

    Ngồi ở cái sân gạch cả mấy tiếng đồng hồ mà không gặp bất kỳ nhân viên của hội đoàn thiện nguyện quốc tế như Hồng Thập Tự, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc (UNHCR)... làm chúng tôi lo lắng không yên. Muốn bắt chuyện với đám lính để dò tin nhưng nhìn quanh thấy họ cố ý đứng ra xa, tách biệt hẳn với đám người Việt chúng tôi. Tuy ngồi thành từng hàng nhưng nhiều người bắt đầu hoán chuyển chỗ với nhau. Họ muốn ngồi gần để có gì thì cùng chịu sống chết bên nhau và chính vậy mới có thêm lệnh mới của đám lính là phải giữ trật tự, ai ngồi đâu yên đấy. Đã có vài người chịu cú đấm, cái đá từ bọn lính rõ là chúng không còn vẻ hiền lành như lúc đầu nữa. Trời chiều dần rồi xẩm tối, muỗi rừng đánh hơi người vo ve bay ra đậu trên mặt trên tay và ngay cả ở phần lưng. Kim chúng vừa nhọn vừa cứng thọc xuyên qua cả vải dầy, chích phát nào phát nấy muốn nhẩy nhổm. Tiếng trẻ con khóc cùng với tiếng đập muỗi lép bép nho nhỏ trong bóng đêm tĩnh mịch. Mùi máu tanh từ xác muỗi bết trên da càng lôi cuốn những con khác đến kiếm ăn. Ai thủ được dầu gió xanh thì còn đỡ nếu không phải đành chịu trận, chỉ một cách lấy tay xoa xoa hoặc làm quạt để xua đuổi chúng đi. Đám lính mưu chuyện đẩy ghe chúng tôi trở lại biển không được nên đành phải đưa chúng tôi vào ngồi ở đây lâu như vậy, tuy không trò chuyện được với nhau nhưng ai cũng nghĩ chắc để chờ một quyết định từ chính quyền?

    Chợt có tiếng xe hơi cùng ánh đèn chiếu lấp loáng từ xa chạy đến làm chúng tôi phải ngẩng đầu lên nhìn. Một xe bus lớn dừng lại gần, đám lính từ các chỗ tối chung quanh tiến lại bên xe và một gã nói to:

    - Trẻ em cùng phụ nữ lên xe còn nam giới ngồi yên tại chỗ, xin quí vị thi hành ngay.

    Ánh đèn pin trong tay các gã lính loang loáng soi cho đám phụ nữ cùng trẻ em thấy đường để lên xe bus. Vài người trù trừ không muốn chia lìa khi phải đi trước để chồng, thân nhân họ còn kẹt lại. Họ dùng dằng nhưng bị đám lính thúc hối phải trèo lên xe ngay. Xe bus vừa chạy khuất trong bóng đêm, đám lính dồn chúng tôi ngồi gọn lại trên sân gạch và tuy không thấy mặt nhau nhưng chúng tôi ai cũng bồn chồn lo lắng vì cái vụ đi trước đi sau này. Thêm một xe bus nữa có gì khó nhưng sao bọn lính Malaysia lại không cho. Chúng tôi ngồi đó chờ tới gần 2 tiếng đồng hồ nữa thì chiếc xe bus mới quay lại. Lần lượt từng người chúng tôi theo thứ tự đi lên xe. Mọi việc xong xuôi, hai gã lính Malaysia đóng cửa trước cửa sau xe lại rồi đứng trấn tại chỗ. Lên xe rồi mới biết tài xế ngồi lái phiá bên tay mặt và xe chạy giữ lề trái trên đường ngược hẳn với Việt Nam. Xe bus ra khỏi khu vực và nhập vào một con đường to, rộng hơn xa lộ Biên Hoà. Xe chạy rất nhanh rồi rẽ vào một thành phố đèn đuốc sáng rực với các cửa hàng người ra kẻ vô tấp nập. Có lúc xe bus cắt ngang qua các giao lộ đầy nghẹt xe hơi và xe gắn máy nối tiếp đuôi nhau thành dòng khá dài. Chúng tôi trố mắt nhìn phố xá Malaysia về đêm. Sự phát triển và văn minh một đô thị, có lẽ chỉ dễ thấy nhất khi đêm về qua ánh đèn mầu quảng cáo bên vệ đường hoặc từ mặt tiền các tòa bin đinh lộng lẫy. Người ngồi trên xe lao nhao, chắt lưỡi tiếc nuối:


    - Nhìn phố xá nước người ta kìa, bỏ xa Sài Gòn mình, cũng do cái bọn Việt Cộng mà ra cả.


    Chúng tôi còn muốn được thấy thêm các khu phố khác nhưng xe bus lại quay trở ra xa lộ và sau đó chui vào một con đường đất dẫn vô rừng cây rậm rạp. Đường rừng nên khấp khểnh nhiều ổ gà và các hố lớn đầy nước giữa hai hàng cây. Ánh đèn pha cùng tiếng xe bus khiến một con chim to như con gà hoảng hốt vỗ cánh bay vội vào bóng tối để lại tiếng kêu táo tác trong đêm trường vắng lặng. Một thân cây khô khá lớn bật gốc phơi nùi rễ xù xì, còng queo cùng cành khô không lá nằm sát lề đường và một gò mối nổi hẳn trên mặt đất như ngọn núi nho nhỏ gần ở lối mòn dẫn vào rừng. Chạy xe vào con đường này, không lẽ họ để chúng tôi sống trong rừng sao? Nghĩ như vậy mà đúng vì xe bus chậm dần và từ từ tiến vào một bãi đất trống rồi ngừng hẳn. Chúng tôi có lệnh rời xe trong trật tự. Đèn điện giăng đây đó trên các hàng cọc bờ rào và từ trong các nhà lều soi rõ khu trại vắng vẻ. Hai nhà lều lớn dựng gần bên nhau và cái lều thứ ba nhỏ hơn, nằm xeo xéo đối diện gần cổng gỗ ra vào. Một trại lính dã chiến giữa rừng.

    Phụ nữ, trẻ em của chuyến xe bus đến trước im lặng, ngồi tò hỏ gọn một chỗ trong căn nhà lều lớn nhìn đám nam giới chúng tôi mới đến đang đứng tập trung trước sân trại. Trông thấy mặt nhau, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Nam giới chúng tôi được lệnh vào căn nhà lều lớn còn lại sau khi đám lính kiểm danh xong. Tất cả phải để dép ở bên ngoài lều và tự ý sắp xếp chỗ ngồi chỗ nằm của từng người. Nền lều được trải bằng vải bạt dầy nhưng mùi ẩm mốc lẫn với hơi đất vẫn bốc lên mũi. Một gã lính chỉ chỗ nhà vệ sinh rồi thông báo:

    - Khuya lúc 10 giờ thì máy phát điện sẽ ngừng chạy chỉ còn đèn bão (đèn dầu có bóng che kín chịu được gió mạnh), khi đó các anh phải nằm yên trong lều và giới hạn đi lại. Cấm ngặt nam giới không được bước vào lều của nữ giới dù với bất cứ lý do gì. Bây giờ mời tất cả quý vị tập trung ra ngoài sân để dùng tạm thức ăn, nước uống thay cho bữa chiều.

    Nam nữ chúng tôi kéo nhau ra hết ngoài lều đứng thành hai dãy dài. Các gã lính phát cho mỗi người một gói bánh biscuit và một chai nước lã để lót dạ trước khi ngủ. Vài phụ nữ kể xe bus chở họ đi trước để vào trại dọn dẹp cho sạch hai cái nhà lều dành cho cả bọn. Một bà chu mỏ:


    - Tụi tui làm mệt chết mẹ luôn, hai cái nhà lều lâu rồi có ma nào ở đâu, bụi ơi là bụi... Đàn ông-con trai mấy người đi sau khoẻ ru chẳng phải làm cái gì hết, vô đến nơi có sẵn chỗ ở rồi. Chỉ tụi nầy là cực.

    Không lẽ ở các nước Hồi giáo, nữ giới bị xem nhẹ hơn cánh đàn ông? Hay là việc dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng, phụ nữ làm tốt hơn nam giới?

    Được đám lính cho sinh hoạt thoải mái trước khi máy phát điện ngừng chạy, tôi rảo bước nhìn bao quát chung quanh. Căn trại được ngăn cách với rừng bằng một hàng rào gỗ, rác rưởi vương vãi cùng cây bụi nhỏ mọc từng chùm đây đó trên mặt sân. Tiếng ì ì của máy phát điện nằm dưới một mái che gần bên một rờ moọc đựng nước, loại đã tiếp nước cho cá lớn buổi sáng ở ngoài bãi biển. Hai dãy vừa bàn vừa ghế bằng gỗ rừng nằm dưới hàng cây cao to gần cổng ra vào. Rõ ràng đây là một trại bỏ hoang khá lâu không có người ở. Chỉ còn ít phút nữa phải vào lều đi ngủ, chúng tôi thỏa thuận ngày mai sẽ sắp xếp lại chỗ cho từng người, bây giờ thì nằm tạm. Điện tắt, bóng tối phủ trùm trong tiếng côn trùng rỉ rả khúc nhạc bất tận của rừng đêm. Nửa khuya về sáng trời trở lạnh, không chăn mền đắp ai nên cũng co quắp tay chân sát bên nhau tìm chút hơi ấm. Khác hẳn với lúc ngồi trong cái sân gạch, chúng tôi ở đây ở giữa rừng nhưng không một tiếng muỗi, hình như bọn lính đã xịt thuốc khử cả rồi. Thao thức nhưng rồi cả đám chúng tôi từ từ chìm vào giấc ngủ của đêm đầu tiên ở nước Malaysia.

    Tôi tỉnh giấc khi tiếng chim hót cùng tiếng thú rừng kêu râm ran trong làn sương mờ của buổi ban mai. Ở căn nhà lều nhỏ, mấy gã lính Malaysia vẫn cuộn tròn người trong các tấm võng. Trời còn sớm chưa thể ra bên ngoài được, tôi đành ngồi tại chỗ co duỗi tay chân cho bớt mỏi. Ngồi như vậy cho đến khi có tiếng kẻng báo hiệu mới được ra khỏi lều để làm vệ sinh cá nhân. Đến 8 giờ sáng một xe quân đội khá lớn chạy vào trại, vài đứa nhỏ tò mò đến gần xem. 3 gã lính từ căn nhà lều nhỏ đi ra và phụ sức với 2 gã khác trên xe khiêng xuống những thùng giấy khá lớn. Có lệnh chúng tôi xếp hàng tập trung theo thứ tự để nhận đồ dùng cá nhân.

    Nghe tin xếp hàng để đám lính phát đồ thì lập tức có màn chen nhau dành chỗ đứng đầu dẫn đến to tiếng cãi cọ. Thấy đám lính bực tức giương mắt nhìn, Tám Kiệt rồi ông Thăng cùng vài người khác vội nói:

    - Xếp hàng có thứ tự đi bà con, lần lượt ai cũng có phần hết. Tranh nhau chỗ đứng làm gì, ra khỏi nước rồi mà còn kiểu dành giựt như bên quê nhà tụi lính nhìn vào mang tiếng cả đám đó.

    Nói thì nói, tranh dành vẫn tranh dành và chỉ trật tự khi đám lính can thiệp mới yên. Người nào cũng hai gói một lớn một nhỏ như nhau. Mang phần của mình về căn nhà lều, tôi liền mở gói lớn ra xem thấy có kem đánh răng, bàn chải xúc miệng, xà bông cục, khăn nhỏ, khăn lông tắm, cuộn giấy vệ sinh, ca nhựa có nắp đậy và cái chăn đắp. Gói nhỏ thứ hai gồm bịch bánh biscuit và một bọc trà đường còn âm ấm. Cái chăn tuy mỏng tang nhưng khổ đủ rộng cho một người, dầu sao có cái đắp còn hơn không. Bữa ăn sáng chấm dứt mau lẹ. Một xe hơi nhỏ chạy vào ngừng ở sân, hai người mặc thường phục một già một trẻ bước ra gặp đám lính. Tiếng còi toe toe lại nổi lên, tất cả người lớn chúng tôi được lệnh ra sân tập họp trở lại. Ông Malaysia mới đến hỏi: " Trong quý vị, người nào biết Anh ngữ? ". Vài cánh tay giơ lên, ông ta gật đầu rồi hỏi vài câu tiếng Anh sau đó chỉ định hai người làm leader cho cả đoàn. Một là ông Thăng, người nói giọng Bắc. Hai là ông Phát, người giữ phi nước ngọt trên cá lớn trong suốt chuyến hải hành. Không ai ngờ tuy nhìn vẻ bề ngoài chậm lụt, lù đù nhưng ông Phát lại nói Anh ngữ như sáo với các ông Malaysia. Cả hai leader, kể từ lúc này sẽ nhận lệnh từ đám lính và chịu trách nhiệm quản lý số người Việt.

    - Tôi là Alek, nhân viên bộ Nội Vụ. Bên quân đội báo tin có ghe quý vị ghé vào khu vực cảng Kelang và không thể tiếp tục cuộc hành trình nên họ đưa quý vị tạm dung tại đây từ tối hôm qua. Nay, tôi đến thăm và sẽ cố hết sức để liên lạc với viên chức UNHCR về tình trạng của quý vị. Trong thời gian tạm dung ở đây, mong quý vị giữ gìn nội quy của trại, tôi hứa sẽ liên lạc sớm. Ông Malaysia lớn tuổi nói.

    Một gã lính chờ sẵn, cầm tờ giấy đọc lớn các nội quy cho cả bọn chúng tôi nghe. Y đọc to hai lần từng điều một và lệnh cho hai ông Thăng, Phát phiên dịch những việc mà ai cũng biết sẽ phải theo khi sống trong môi trường tập thể như giữ gìn vệ sinh chung, không được ấu đả, không lấy trộm đồ đạc cá nhân của nhau... Có một nội qui khi nghe ông Phát dịch xong đã làm vài cô gái mắc cở nhưng đám thanh niên lại cười to đó là cấm không được làm tình với nhau khi sống ở trại.

    Phạm Thắng Vũ
    (còn tiếp)

  10. #20
    (tiếp theo)

    Khi hai viên chức bộ Nội Vụ ra về, hai ông Thăng và Phát cho biết tất cả phải đi tắm ngay, đàn ông con trai đi tắm trước xong rồi sẽ đến nữ giới. Được phép đi tắm ai cũng khoái nên vội vã quơ quào quần áo, khăn lông, xà bông theo ngay. Một gã lính tay thủ súng trường M 16 dẫn cả đám nam giới ra khỏi trại hướng vào rừng theo lối mòn cũ. Cây rừng có nơi rậm rạp mọc lấn ra tận ngoài mặt đường, nơi lại thưa thớt toàn lau sậy cùng các vạt đất trống xanh rêu. Dấu chân của loài thú nhỏ hai móng chẻ in trên đất đã khô ở vài chỗ ngay mặt đường. Qua khỏi một đoạn khoảng 200 thước, gã lính rẽ vào lối đi nhỏ cắt ngang đường mòn và chỉ hướng dẫn xuống con suối. Y ngồi ở thân gỗ khá lớn gần ngay đó, tựa cây súng trên đùi và bảo chúng tôi tắm giặt trong vòng một giờ đồng hồ. Con suối khá rộng, nước trong vắt chảy lững lờ uốn cong qua các phiến đá bằng phẳng rồi luồn khuất sau các hàng cây rừng xa xa. Theo một đường dốc thoai thoải, chúng tôi lần lượt đặt chân xuống bờ suối. Không có mặt nữ giới, trong chúng tôi có người cởi bỏ hết quần áo tồng ngồng tắm tự nhiên. Nước buổi ban mai rất lạnh làm ai nấy nổi da gà run rẩy nhưng chỉ lát sau thì quen dần. Sẵn xà bông, chúng tôi thoải mái tắm gội và giặt giũ quần áo bẩn. Có người nhắc lại lời hứa của ông bộ Nội Vụ và về nội quy của trại nhất là điều bị cấm. Một thanh niên vui vẻ:

    - Không được làm tình với nhau dù là vợ chồng. Cấm thì cấm, dễ gì chịu ăn chay hả anh Tám?

    - Nói vậy chứ tao biết anh Tám mình nhát hít hà. Có thèm cũng phải nhịn, sức mấy mà dám mậy. Người khác trả lời.

    Đám thanh niên trẻ cười vang nhưng Tám Kiệt khẽ nháy mắt, kín đáo lấy tay chỉ vào thằng bé con y đang ngồi vộc nước gần đó ngầm ra dấu đừng nói bậy, rồi trả lời nho nhỏ:

    - Mẹ kiếp! Mày làm như chỉ có mình tao là có vợ đi theo chắc. Thiếu gì người trong ghe nha.

    Sau này, tôi mới biết Tám Kiệt không hề là người nhát gan, chính y liều lĩnh đã phá rào bất tuân lệnh cấm của đám lính coi trại.

    Tuy có những đứa con nít khác đang tắm chung với số người lớn nhưng chuyện tầm bậy tầm bạ vẫn được đám thanh niên trẻ tiếp tục kể rồi cười khoái trá với nhau. Suối ở đây, nước từ trong rừng chảy xuống tràn qua một bãi đá bằng phẳng rồi tạo thành một cái hồ nhỏ dưới đáy toàn sỏi cát, người đứng chỉ tới ngực. Tắm táp đã đời bù lại nhiều ngày ở dưới ghe hôi hám, có người còn nằm lăn trên bãi đá để cho nước chẩy tràn trên thân mình. Ánh nắng bắt đầu chiếu xuyên qua các tán lá cây gần bờ suối, cơn lạnh ban mai đã biến mất hẳn, người nào cũng thơm tho mát mẻ và mái tóc không còn bết cứng như trước. Tôi cũng vậy, tắm sạch sẽ và giặt xong quần áo bộ đội của mình cùng hai bộ nhặt được ngoài bãi biển. Ai cũng muốn ở lại tắm nữa nhưng tiếng còi báo hết giờ từ gã lính gác vọng lại khiến cả bọn phải kéo nhau ra về. Đi trên đường, một người thắc mắc, hỏi:

    - Đám phụ nữ cũng tắm ở suối này luôn sao mấy cha. Tắm, theo tôi nghĩ họ sẽ để nguyên áo quần nhưng lấy chỗ nào để thay đồ? Không lẽ phải vào lùm bụi thay như tụi mình hoặc tỉnh bơ ngay bờ suối? Với lại, còn thằng lính gác nữa chứ.

    Thắc mắc cũng phải vì có vợ, con gái họ đi cùng. Hai ông Thăng, Phát cho biết đám lính lệnh đi tắm là đi chứ họ đâu dè ở lộ thiên ngoài suối. Bọn thanh niên quả quyết thể nào tụi lính cũng rình xem lén cho đã mắt nhưng chẳng trách đám lính vì, đang trong tay chúng và thực tế nếu mình là bọn lính thì cũng làm y vậy. Có tội nghiệp mấy cô con gái tre trẻ thôi còn đàn bà sồn sồn lớn tuổi thì ai mà thèm nhìn. Tiếng cười hô hố phụ họa, ông Phát phải cau mặt:

    - Nữ giới tắm suối mà lính canh trên bờ là nam thì kẹt thật nhưng coi vậy chứ dễ gì mà nhòm lén họ được các cha! Có khăn lông, họ che cho nhau hết, mấy bả hay lắm. Mà thôi, đi vượt biên là phải chấp nhận hết mọi thứ chứ.

    Về tới trại, cả bọn nam giới chúng tôi tản ra phơi quần áo trên các sào ngang ở hàng rào cây. Đang lui cui vuốt cho thẳng các bộ đồ ướt, chợt có tiếng nói sau lưng tôi :

    - Anh... Anh! Cho xin lại mấy quần áo của em.

    Một thanh niên tuổi cỡ 22, 23 mỉm cười sau câu nói, lấy tay chỉ tay vào bộ quần áo tôi đã nhặt và vừa giặt sạch sẽ. Ngạc nhiên tôi hỏi: " Cậu nói gì, muốn xin lại bộ đồ này? ".

    Người thanh niên đó ú ớ gật đầu, tôi hỏi tiếp:

    - Sao lúc ngoài bãi biển tôi hỏi ai bỏ thì tôi lấy sao cậu không trả lời? Cậu vất bỏ nó mà, phải không?

    Cậu ta không trả lời câu hỏi mà cứ nằng nặc xin lại bộ quần áo. Nghe tiếng đôi co, một thanh niên mặt bậm trợn khác đứng gần đó tiến lại bênh tôi:

    - Đúng rồi! Khi đó tao có mặt ở đó nè mày. Ông này hỏi hai ba lần mà không ai trả lời. Mày cũng có mặt ở đó, bỏ thì người ta lấy. Giờ đợi người ta giặt sạch sẽ xong xuôi mới đòi xin lại. Đ.M mày tính chơi đểu hả?


    - Em chỉ có hai bộ, tưởng đến trại sẽ được phát quần áo mới, đâu ngờ. Tắm xong em chỉ còn quần đùi nè. Cậu ta lí nhí.


    Tôi đang trần xì độc một quần tà lỏn, khăn lông khoác trên người và nếu không nhặt hai bộ quần áo ngoài bãi biển thì cũng sẽ không khác. Thôi thì! Tôi khẽ gật đầu đồng ý cho cậu thanh niên đó lấy bộ quần áo. Chờ cậu ta bỏ đi, người thanh niên còn lại nhìn tôi, nói:


    - Anh dễ tính quá, phải em là không được. Ban nãy ở ngoài suối nó cũng thấy anh giặt quần áo chứ bộ, sao không mở miệng xin lại đi, tới đâu thì tới em cũng không trả. Anh tên gì, em là Đỉnh.


    - Anh tên Vũ, cám ơn Đỉnh. Tôi trả lời.


    Hai chúng tôi rảo bước về căn nhà lều nam giới. Chuyện vừa xẩy ra làm tôi suy nghĩ vẩn vơ không biết sẽ có ai đến xin bộ quần áo còn lại nữa đây? Nam giới về trại giờ đến lượt phe nữ đi tắm, Đào đi cùng Bẩy vừa thấy tôi liền bước đến hỏi:


    - Anh Vũ. Nghe nói lính họ cho mình tắm ở dưới suối hả?


    Tôi gật đầu xác nhận, hai cô gái nhìn nhau bối rối. Đào tiếp:


    - Trời! Ai mà tắm như vậy được.


    Làm sao mấy cô gái nầy có thể tắm ngoài suối như đám nam giới! Đây đâu phải là một bãi biển đông người mặc quần áo tắm và nhất là có một gã lính đi theo nữa. Dễ gì mà đám đàm bà-con gái tự nhiên được và đã có người dùng dằng nửa muốn đi nửa lại không. Nhưng nếu không đi, phải chờ ngày mai vì nội quy chỉ cho phép ngày tắm một lần.


    - Đám lính ra lệnh đi tắm lè lẹ kìa mấy bà mấy cô, làm ơn nhanh chân lên. Ông Thăng đi tới đi lui thúc giục


    Trong căn nhà lều, ông Thăng ông Phát và Tám Kiệt đã sắp xếp lại chỗ ở cho cả bọn. Nam giới cả thẩy là 64 người lớn và 8 bé trai, cứ chỗ cha con, anh em ở gần bên nhau. Căn nhà lều chúng tôi ở nó lớn như một cái nhà nho nhỏ, sườn là các thân gỗ tròn nối với nhau bằng khoen sắt. Nóc phủ vải bạt nhà binh, vách cũng vậy và được kéo căng bằng các dây cố định ở các cọc. Những năm 1972, 1973 ở vùng Củ Chi-Tây Ninh, chính quyền miền Nam VNCH đã dựng hàng loạt loại nhà lều này cho Việt kiều tránh nạn cáp Duôn hồi hương từ Kampuchia về. Một nhà lều, chỗ tạm trú cho hai hoặc ba gia đình nhưng ở đây với 72 người, chúng tôi đành phải vạch 4 phần trên sàn chia chỗ cho cả bọn. Mỗi phần là chỗ nằm của 18 người. Để tiện đi lại, một khoảng trống nhỏ rộng 40 cm hình chữ thập nằm chính giữa bốn phần.


    - Bên lều nữ giới cũng phải chia như vậy khi họ đi tắm về, ông Phát nói.


    Chỗ tôi và Đỉnh ở sát bên nhau. Tấm bạt nền lều mới toanh thơm mùi thuốc nhuộm lót trên các ván gỗ ép bằng phẳng. Tám Kiệt kể vợ y nói hôm qua vào sớm dọn dẹp hai nhà lều, đã nhặt được các giấy báo cũ tiếng Việt còn sót lại chứng tỏ có thuyền nhân từng tạm trú ở đây. Hai dãy bàn ghế gần cổng trại ước chừng chỉ ngồi được độ 60 người, như vậy trại này dành cho những thuyền vượt biên nhỏ.


    Lần lượt vài phụ nữ đi tắm về trong tay cầm bộ quần áo vừa giặt. Ai cũng trông tươi tắn trong bộ quần áo sạch sẽ và có người lại cầm cả chùm trái chôm chôm vàng tươi. Chôm chôm này ở đâu ra? Một bà đưa vài quả chôm chôm cho thằng bé con trong nhà lều. Hỏi, bà ta trả lời:


    - Cây chôm chôm gần chỗ tắm trái nhiều lắm nhưng còn xanh, tui bứt được ít trái chín ở cành thấp thôi.


    Cây chôm chôm gần chỗ tắm! Như vậy, đám nữ giới chúng tôi đã tắm ở một chỗ khác của con suối.


    Đến trưa, đám lính thổi còi tập hợp khi có một xe nhà binh vào trại. Xe chở cơm cho chúng tôi cùng đám lính gác. Hai thùng nước nóng được chuyền xuống cùng các thùng chứa cơm, canh. Như buổi sáng, trẻ em đứng trước rồi phụ nữ và sau cùng đám nam giới. 3 người lính chia cơm trắng, cá, canh rau đựng trong dĩa và tô giấy cứng. Chỉ có muỗng bằng nhựa đúc. Hai dãy bàn ngồi chật chỗ, người đến sau đành đứng hoặc chồm hổm trên đất. Mỗi người bất kể lớn nhỏ đều một con cá chiên rất dòn. Món canh không ai ngờ, đó là rau Muống nấu với cá cơm nhỏ. Ông Thăng nói.


    - Mấy bà miền Nam hết nói chúng tôi dân Bắc Kỳ rau Muống nghe, thấy người Mã Lai họ cũng ăn rau Muống chưa? ".


    - Họ biết mình người Việt nên nấu canh rau Muống cho mình ăn đó. Một người cãi lại.


    - Thôi đi cha, sao họ biết mình ghé vào mà trồng sẵn rau Muống. Mình là ông nội họ chắc? Tui nghĩ dân Mã Lai cũng ăn rau Muống nhưng khác ở chỗ họ nấu bằng cá cơm thay vì thịt heo hay tôm khô như mình. Người khác đáp lại.


    Cơm ngon nhưng chỉ có một dĩa nên ai cũng thanh toán lẹ làng, đám lính trên xe thu dọn đồ lề rồi rút gọn. Một giờ sau lại có lệnh buộc đám nam giới chúng tôi dọn dẹp sân trại lần nữa và sửa chữa cái hàng rào cùng bàn ghế hư cũ. Ông Thăng, ông Phát liền chia người ra ba nhóm đi vét các rãnh nước chung quanh hai căn nhà lều phòng trời mưa và đào thêm nhà vệ sinh cùng các hố tháo nước. Nhóm còn lại vào rừng chặt một số cây thẳng để gia cố các chỗ hỏng, gẫy mục cho cứng chắc.


    - Không nên một mình vào rừng vì ở đây có cọp, trăn và rắn độc. Gã lính dặn dò nhóm người chặt cây làm hàng rào.


    Phía nữ được ở yên chỗ, một bà thấy chỉ có nam giới phải đi làm nên nói:


    - Tối hôm qua mấy ông ở không, giờ họ bắt làm bù mới công bằng chứ.


    Tôi và Đỉnh ở trong nhóm mười hai người đi vào rừng chặt cây. Gã lính dặn ông Thăng nói chúng tôi phải xong mọi việc trước 5 giờ chiều rồi y lấy ra 3 cây mã tấu cho cả bọn dùng. Đi chung với nhau ai nấy cười đùa vui vẻ, nếu có cọp hay trăn mà gặp đám đông như vầy thì cũng phải chạy tét. Mấy thanh niên cầm mã tấu đi đầu, tay loang loáng chặt các cây nhỏ cản đường. Nói vào rừng chặt cây nhưng thực tế chúng tôi phải đi kiếm mới có loại cần dùng. Cả đám vượt qua các khoảng rừng cây to, có lúc gặp thân cây mục nằm vật ngang giữa đường phải tìm cách trèo qua đi tiếp. Gặp cả những bụi tre rừng rồi qua bãi cỏ tranh thì may sao gặp được một khu vực có cây chồi nhỏ mọc sát thân thẳng tắp. Chúng tôi dừng lại, trong nhóm có người từng có thời đốn cây rừng hầm than góp ý:


    - Mình chẳng ở trại này lâu, theo tôi nên tìm cây tạp đừng lựa cây lá kim gỗ cứng khi chặt sẽ đau tay lắm, phí sức.


    Chúng tôi lựa những cây thẳng, to bằng cườm tay và dài khoảng 3 m vừa tầm với hàng rào. Chớp mắt đã đủ số được giao 3 cây cho mỗi người. Cả đám xong việc sớm ngồi nghỉ, vài người phàn nàn về bữa cơm trưa. Con cá chiên khá lớn và canh nhiều mà cơm lại ít xỉn, người lớn hay trẻ nhỏ gì cũng một dĩa bằng nhau. Chia hết vòng vẫn còn dư cơm mà đám lính cũng không múc thêm cho. Một ông vóc dáng to con, bực bội:


    - Nói thẳng, sức tôi phải hai dĩa thì mới thấm. Mấy người có con nhỏ còn được ké thêm. Cơm dư trong thùng mang về cũng bỏ, không lẽ lính chịu ăn thừa? Vậy mà cũng không cho.


    Có lẽ phần ăn của từng người chúng tôi là như vậy, đám lính chỉ thừa hành lệnh cấp trên.


    Ngồi không, có người đề nghị đi sục sạo kiếm trái cây rừng để ăn cho vui miệng nhưng người khác lại sợ vì lời dặn của đám lính trước khi đi. Rừng Mã Lai có loài cọp nhỏ cỡ con chó lớn nhưng rất hung dữ. Còn trăn? Tuy không có nọc độc nhưng loài này có thể quấn chết rồi nuốt sống gọn một người lớn như chơi. Nhất là loại trăn gió, chúng có thể chuyền từ cây nầy sang cây khác để tìm mồi mà không gây một tiếng động. Ngồi không mãi một chỗ cũng chán, cả bọn quyết định cắt rừng để quay trở về. Gần tới trại, chúng tôi gặp một khoảnh đất trống trải nằm lọt thỏm giữa cây rừng bao chung quanh. Cả đám dừng lại bên cây Thánh giá gỗ có hàng chữ đen Truong Cong Dai mờ nhạt cắm ở một trong các gò đất lúp xúp. Một nghĩa địa người vượt biên từng sống ở đây. Tên là nam giới rõ ràng nhưng Dai là Đại, Đãi hay Đài? Người này chết lâu mau vì không thấy ghi ngày sinh ngày tử? Tuy vậy, nạn nhân vẫn hơn các người khác vì có cây Thánh giá ghi tên. Nằm xuống vĩnh viễn ở rẻo rừng xứ người, chắc gì thân nhân của họ bên quê nhà đã biết tin.


    Gặp nghĩa địa, đám chúng tôi ai nấy cũng cảm thấy buồn buồn trong lòng. Một ông làm dấu đạo Thiên Chúa, miệng lầm thầm nguyện kinh nho nhỏ. Đêm bị tàu hải tặc đuổi, nếu không có cơn mưa đột ngột, số phần chúng tôi chắc không khác những người tị nạn bất hạnh nằm ở đây. So ra, ghe chúng tôi thật may mắn vì đến được xứ người bình an.


    Cây thẳng mang về tới trại, gã lính mang ra búa và đinh cho cả bọn gia cố các chỗ hư hỏng ở hàng rào và ở hai dãy bàn ăn. Hai nhóm kia cũng đã làm xong các việc được giao, căn trại bây giờ trông sạch sẽ hơn. Ai nấy mồ hôi nhễ nhại nên ông Thăng ông Phát xin phép bọn lính cho chúng tôi được đi tắm thêm lần nữa. Đám lính gật đầu, chúng tôi hăm hở lên đường. Đến gần suối, để ý thật kỹ cả bọn mới thấy có thêm một lối mòn khác nằm phía tay trái, ngược với hướng con suối nam giới tắm. Lối mòn đó là hướng đi tắm của nữ giới trong trại.


    Bữa cơm chiều cũng món ăn y như khi sáng nhưng nam giới do làm việc, ai cũng đói bụng nên ăn thật ngon.

    Phạm Thắng Vũ
    (còn tiếp)

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 0
    Last Post: 10-16-2013, 06:31 AM
  2. Replies: 8
    Last Post: 08-20-2013, 06:20 PM
  3. Tháng Tư ngồi xem lại Vượt Sóng
    By Triển in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 0
    Last Post: 04-21-2012, 01:11 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 05:21 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh