Register
Results 1 to 5 of 5
  1. #1
    Biệt Thự HaiViet's Avatar
    Join Date
    Oct 2015
    Posts
    1,215

    Bút ký của Nam Lộc

    Một sự tình cờ…

    Bút ký của Nam Lộc

    Hôm nay là ngày 25 Tháng Tư. Vào ngày này, 49 năm về trước, tôi bắt đầu bước vào một cuộc đổi đời đầy những cay đắng, xót xa cho thân phận của một người tỵ nạn.

    Ngày 24 Tháng Tư, 1975, lệnh cấm trại 100%, tôi ngồi viết phóng sự và trực suốt đêm tại phòng Báo Chí Quân Đoàn III ở Biên Hòa. Sáng nay về Sài Gòn đem giao một số bài viết cho nhật báo Tiền Tuyến ở Cục Tâm Lý Chiến. Tình hình đất nước đang vô cùng căng thẳng, nhất là sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và các tỉnh miền Trung cho đến một số ở miền Nam gần Sài Gòn cũng đang lần lượt lọt vào tay Cộng sản Hà Nội và quân “Giải Phóng Miền Nam”!




    Ngày 21 Tháng 4, sau mười năm tại vị, Tổng thống Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức. (ảnh: Getty Images)Vào lúc này, người Mỹ đang ráo riết di tản các nhân viên của họ theo kế hoạch của Hoa Thịnh Đốn, trong số đó có gia đình tôi, vì cô em gái làm việc cho Văn Phòng Tùy Viên Quốc Phòng ở Sài Gòn (The Defense Attaché Office-DAO) thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.


    Cô đã đưa cả bố mẹ cùng hầu hết anh chị em (ngoại trừ tôi) vào nơi cô làm việc để được người Mỹ âm thầm chở vào Tân Sơn Nhất trên những chuyến xe bus mầu vàng, chạy liên tục như đàn bướm trong thành phố đầy hoang mang và hoảng loạn, hoảng loạn như chính tâm trạng của tôi và chắc cũng tương tự như của nhiều người lúc bấy giờ.

    Từ tòa soạn Tiền Tuyến, tôi ghé ngang báo Diều Hâu thăm thiếu tá Phạm Huấn, và đại úy Hà Huyền Chi là những người anh thân thiết, đã đỡ đầu chúng tôi trong các buổi Đại Hội Nhạc Trẻ hàng năm để gây quỹ giúp Cô Nhi, Quả Phụ, Tử Sĩ. Ở đây tôi cũng gặp đại úy Lê Cự Phách, tức nhà văn Du Tử Lê ở báo Tiền Phong, biết tôi thích đọc thơ anh, mỗi lần về anh lại cho tôi một quyển. Trước khi rời nơi đây, tôi ghé qua đài phát thanh quân đội thăm trung tá Nguyễn Quang Tuyến tức nhà văn Văn Quang, mà ông đang làm quản đốc.

    Ông Văn Quang vừa họp xong trong phòng bước ra ngoài, vui vẻ chào đón và hỏi thăm tôi về tình hình ở quân đoàn. Tôi tường trình qua loa rồi bước ngay vào mục đích riêng của mình là xin ông một lời cố vấn rằng, nếu có cơ hội ra khỏi Việt Nam thì tôi có nên đi hay không? Tôi nhớ mãi câu trả lời gọn gàng của ông: “Đi được thì cứ đi, các ‘ông lớn’ cũng chuẩn bị cả rồi!” Câu nói của ông làm tôi thêm hoang mang và suy nghĩ!

    Tôi nắm tay ông từ giã, dự định sẽ về nhà ngủ một giấc thật dài để bù lại đêm qua và cũng để quên đi những xao xuyến, giằng co ở trong lòng! Nhưng chợt thấy đói nên ghé ngang Đêm Mầu Hồng rủ Tùng Giang và Lệ Thanh ghé quán Bà Cả Đọi ăn trưa.
    Sau đó cả ba đi bộ đến trụ sở Quốc Hội gặp chị Phúc, người chị cả của gia đình, đang làm việc tại đây, cũng để thăm dò tình hình và nhân tiện nhờ chị tái gia hạn giùm tôi tấm thẻ báo chí để dự thính ở Quốc Hội (đến giờ này tôi vẫn còn lo những sinh hoạt bình thường).

    Chị Phúc nói với chúng tôi, các dân biểu cũng chia làm hai nhóm, người lo tìm đường ra đi, kẻ thì chuẩn bị tham chánh, hoặc đảm nhận các chức vụ quan trọng trong chính quyền mới. Tôi hỏi chị về chuyện ra đi, chị cũng trả lời tương tự như anh Văn Quang: “Đi được thì cứ đi, nhưng cậu Lộc coi chừng đừng để trở thành người đào ngũ.” Câu nói của chị càng làm tôi thêm hoang mang và bối rối!

    Bước qua bên đường, ghé Givral uống cà phê, gặp ông anh Trầm Tử Thiêng, người nhạc sĩ giáo chức mà chúng tôi rất kính nể, và anh cũng là người nghệ sĩ cuối cùng mà tôi gặp mặt trước khi xa Sài Gòn.
    Tôi đưa ra cùng một câu hỏi, nhưng lần này bị Tùng Giang cự nự. “Sao mày lo quá vậy Lộc, hãy cứ để cho số phận an bài đi”. Anh Thiêng bảo. “Nhưng số phận không phải chỉ hoàn toàn là do ở Thượng Đế, mà đôi lúc cũng tùy thuộc vào quyết định của chính mình.” Có ngờ đâu câu nói này đã theo đuổi tôi trong suốt cả cuộc đời còn lại!

    Trở về nhà cô em, nơi tụ họp của gia đình, mọi người đã ra đi. Im lặng và trống vắng, tôi đặt mình xuống giường, ngủ như chết! Đến khoảng 5 giờ chiều bỗng có người vừa bấm chuông, vừa gõ cửa ầm ầm, tôi tỉnh giấc và bước ra ngoài xem ai mà hối hả thế, thì gặp ông VõVV, một giới chức cao cấp làm việc tại Bộ Kế Hoạch, anh Võ đến tìm người em trai của tôi là luật sư Nam Khang.

    Tôi bảo anh, Khang đã vào DAO để chuẩn bị được người Mỹ di tản cùng với gia đình. Anh gật đầu, rồi bất chợt hỏi tôi: “Nam Lộc có rảnh không, đi với tôi vào Tân Sơn Nhất chơi, tiện tôi đi công tác đón một yếu nhân của bộ đi họp ở ngoại quốc về.” Tôi lưỡng lự từ chối, anh Võ lại đốc thúc, ở nhà làm gì, đi thăm dò tình hình xem sao?
    Chợt nghĩ, ừ nhỉ, tại sao không? Tôi rửa mặt vội vàng, mặc chiếc quần jean, không kịp đi giầy, xỏ vào đôi dép da của Mẹ để sẵn ngoài cửa, rồi chui vào chiếc xe Volkswagen Beetle chật chội của anh Võ để ra phi trường. Trên đường đến Tân Sơn Nhất, xe bị quân cảnh, cảnh sát rồi MP Mỹ chặn lại hỏi giấy tờ năm lần, bẩy lượt.
    Lòng tôi cũng hơi bấn loạn, thuộc loại không có tật mà vẫn giật mình, vì tôi có toan tính gì đâu! Nhưng anh Võ đã có sẵn “bùa hộ mệnh”, tấm sự vụ lệnh to tổ chảng của Bộ, với lá cờ VNCH kéo dọc và chéo ngang, nên gặp giới chức công lực nào họ cũng phất tay cho đi.

    Vào đến phi trường, còn sớm giờ đón khách, anh Võ rủ tôi đi vào khu tập trung của những người Việt đang được chính phủ Mỹ di tản, tôi hết hồn khi nhìn thấy một rừng người khoảng cả ngàn, vừa đứng, vừa ngồi chen chúc trong khuôn viên bên ngoài trụ sở cùng khu vực Gym của cơ quan DAO để chờ được gọi tên lên máy bay.
    Rảo vội một vòng, tôi nhận thấy có rất nhiều người quen biết, trong số đó có cả các chính khách dân sự, các sĩ quan chỉ huy cao cấp cùng nhiều quân nhân ở các Sư Đoàn hay Quân Đoàn mà tôi đã gặp. Có các bạn hữu của tôi, và có cả những người đã “hứa là sẽ đưa tôi đi” nếu tình thế khẩn trương, ấy thế mà bây giờ họ đã đứng ở đây? Nhìn cảnh tượng này, khiến tôi lại tăng thêm niềm hoang mang và hoảng loạn.

    Hai anh em trở lại xe, bỗng dưng ông Võ cản tôi: “Nam Lộc ở lại đây đi, chờ gia đình vào rồi nhập bọn để được di tản cùng.” Tôi lắc đầu từ chối, và viện dẫn đủ mọi lý do, nào là không chuẩn bị, không mang theo quần áo, không có đủ giấy tờ, tiền bạc và sau cùng là trách nhiệm trong quân đội…

    Nhưng nói tới đâu, ông lại thuyết phục và đưa ra lời giải thích tới đó, để rồi rốt cục tôi nghe ông và ở lại phi trường. Ông Võ còn hẹn thêm là 9 giờ sáng mai, tức là ngày 26 Tháng Tư, ông trở lại, đưa hai người em vào, đồng thời sẽ ghé nhà cô em lấy mấy bộ quần áo cho tôi. Có ngờ đâu đến 16 năm sau tôi mới gặp lại ông qua chương trình HO, sau hơn 10 năm ông đi tù cải tạo và sáu năm sống vất vưởng ở Việt Nam.

    Trở lại khung cảnh náo nhiệt tại khuôn viên DAO, phi trường Tân Sơn Nhất lúc bấy giờ, tôi không biết mình sẽ phải làm gì, gặp ai và phản ứng thế nào nếu có người nhận ra mình, một quân nhân đang hiện dịch? Rồi đến khi nào thì gặp được gia đình? Nếu bị bắt và bị đưa về quân lao thì có ai biết mà lo lắng cho mình?
    Bên cạnh đó là tiếng cười ròn rã của những người đang chờ đợi các chuyến bay, trộn với tiếng khóc than, oán trách thật bi ai. Tất cả đã đưa tôi từ tâm trạng hoang mang, lo lắng, đến khủng hoảng tinh thần. Tôi chợt nhớ lại câu nói của anh Trầm Tử Thiêng lúc ban chiều:

    “Số phận không phải chỉ hoàn toàn là do ở Thượng Đế, mà đôi lúc cũng tùy thuộc vào quyết định của chính mình”.

    Nhưng hỡi ôi, quyết định của tôi để ở lại nơi đây, vào giờ này, không phải do Thượng Đế, cũng chẳng phải của chính mình mà là của ông Võ! Rồi cuộc đời sẽ đưa tôi về đâu? Có lẽ không lời diễn tả nào thích hợp hơn bằng bài hát Kinh Khổ mà anh Thiêng đã viết, có thể diễn tả tâm trạng vào thời điểm đó của tôi hay của bao người đang dở khóc, dở cười, bên cạnh lời cầu nguyện mà Mẹ tôi và các bà Mẹ Việt Nam khác đang dâng lên Thượng Đế cho tương lai của những đứa con mình?

    (Kỳ tới: Một đêm thật dài)

  2. #2
    Biệt Thự HaiViet's Avatar
    Join Date
    Oct 2015
    Posts
    1,215
    Một đêm thật dài…!

    Bút ký của Nam Lộc
    Hôm nay là ngày 26 tháng Tư, 2024. Tôi tiếp tục câu chuyện từ đoạn ông VõVV, người có nhã ý và trong một sự tình cờ đã đưa tôi vào phi trường Tân Sơn Nhất lúc 5 giờ chiều ngày 25 tháng Tư, 1975, 49 năm về trước.
    Sau cái vẫy tay từ giã của ông Võ khuất trong màn nắng đang nhạt dần của một buổi chiều đầy những âu lo và phiền muộn, tôi bỗng thấy mình như một kẻ lạc loài, cô đơn và yếu đuối.


    Giằng co giữa sự trở về nhà hay ở lại đây! Lúc thì đổ tội là vì nghe ông Võ “xúi dại”, khi thì nhận là do lỗi của mình vì đã không tự quyết. Nhưng thôi nghĩ gì thì nghĩ, thực tế là tính mạng mình đang cheo leo trên biên giới phải chọn lựa, giữa tự do và tù ngục nếu Sài Gòn thất thủ, nhất là đối với vai trò của một phóng viên quân đội.




    Một quầy báo của Sài Gòn trước năm 1975. (Hình: haedc.org)

    Bây giờ là 7 giờ tối, đèn cũng đã bật sáng trong khuôn viên DAO, tôi bắt đầu nhận rõ được nhiều khuôn mặt thân quen đang đứng, ngồi hay nằm dài để chờ chuyến bay di tản khỏi Việt Nam. Có kẻ thì ba hoa chích chòe, có người thì im lặng thở dài! Tôi chợt tỉnh: À thì ra họ cũng như mình thôi, đang chạy trốn họa Cộng sản sắp chụp xuống quê hương.
    Có khác chăng là họ có giấy tờ chính thức để được gọi tên lên các chuyến bay, còn mình thì không, thế nhưng điều đó đâu phải ai cũng biết được? Tự tin như vậy, tôi ngẩng mặt bước vào đám đông “nhận diện bà con.”
    Nhóm đầu tiên là mấy tên nhạc trẻ thân quen gồm có Trung Hành của Mây Trắng, Quang Minh, tức Minh “mập” CBC, Minh “rè” của Keyhole và một vài người khác đã được ông Oliver, một bầu show người Mỹ, đưa vào DAO từ mấy ngày nay và đang chờ chuyến bay.

    Trung Hành cho biết, Trung Nghĩa của The Enterprise và vợ là violist Đoàn Thanh Tuyền đã đi từ ngày hôm qua. Kiểm điểm lại còn biết thêm Kim Anh, Uyên Ly của ban tam ca Ba Con Mèo cũng đã đi từ mấy hôm trước. Ông ca sĩ đầu đàn nhạc trẻ Jo Marcel thì đã rời Sài Gòn từ 19, 20 Tháng Tư gì đó, cùng chuyến với Tổng trưởng Kinh tế Phạm Kim Ngọc, và gia đình bà thượng nghị sĩ “trăng sáng vườn chè” Pauline Văn Thơ.

    Kaxim thì ở lại vì có quốc tịch Ấn Độ, còn Tùng Giang, Tuấn Ngọc, Khánh Hà và gia đình Uptight nghe nói đã được George Esper, Trưởng phòng hãng thông tấn AP ở Việt Nam, đưa vào và đang có mặt ở đây. À thì ra thế, thảo nào cậu Tùng Giang nhìn rất là bình tĩnh lúc gặp tôi và anh Trầm Tử Thiêng ở Givral sáng nay?
    Đảo sang phía bên kia, tôi thấy ông Đỗ Ngọc Yến (cố chủ nhiệm báo Người Việt) trầm ngâm, đầy âu lo đang thì thầm trao đổi với ông Đỗ Quý Toàn, cạnh đó là gia đình vợ con và túi xách, túi mang. Chợt có người vỗ vai, tôi ngoảnh lại thì ra đó là ông nhà báo kiêm thi sĩ Kiêm Thêm. Ông Kiêm Thêm tươi cười hỏi thăm rồi đưa tay chỉ về phía trước, gia đình anh Lê Quỳnh kìa, tôi nhìn qua và vẫy tay chào.

    Khi ở bên ngoài lúc ông Võ rủ tôi vào Tân Sơn Nhất, mình cứ nghĩ là còn quá sớm mà đi đâu? Thậm chí khi anh Văn Quang nói tôi vẫn chưa tin, đến lúc vào trong này mới biết mình là một trong những kẻ muộn màng! Ông Đỗ Ngọc Yến còn chia sẻ “tin nóng” là gia đình Tổng Thống Thiệu và Đại Tướng Khiêm cũng vừa được CIA đưa vào phi trường để đi Đài Bắc tối nay. Còn nhiều gia đình người quen khác nữa, nhưng tôi tò mò muốn đến nơi người ta đang sắp hàng để được gọi tên lên máy bay.

    Từ xa nhìn vào hàng người xếp theo thứ tự, lần lượt nghe đọc tên, rồi họ xướng lên “có mặt,” sau đó xách hành lý vào cân lượng rồi bước lên xe bus để được đưa đến thang phi cơ. Thật tình cờ tôi nhận ra người đọc tên là ông nhạc sĩ Đức Huy, còn người hành khách vừa trả lời “có mặt” lại là ông bạn kiến trúc sư Nguyễn Tường Quý cùng gia đình.
    Thấy không khí thân tình, tôi đánh bạo bước lại gần hơn và la lớn cho anh Quý nghe: “Lên đường bình an nhe anh Quý!” Ông quay lại, nhận ra tôi vẫy tay từ giã vội vàng. Trong khi đó nhạc sĩ Đức Huy cũng nhận ra tôi nheo mắt cười. Và cũng vì hành động này mà một “biến cố lớn” đã xẩy ra trong cuộc đời lưu vong, viễn xứ của tôi!
    8 giờ tối ngày 25 Tháng Tư, 1975. Vừa đọc xong danh sách chuyến bay và hoàn tất việc di chuyển hành khách, Đức Huy bước ra ngoài tìm tôi và đưa ngay vào bên trong nơi Huy đang làm việc, toàn là các sĩ quan US Marines Corps vừa từ Mỹ bay sang, mặt còn đỏ hoe, để điều hành cuộc di tản khẩn cấp này, chỉ có Huy là người Việt Nam duy nhất. Mặc dù tôi và Huy gặp nhau hầu như mỗi ngày, hai đứa vẫn thay phiên dùng xe đi làm vài ngày mỗi tuần.

    Huy đưa tôi đến Quân Đoàn III ở Biên Hòa, sau đó chàng lái xe đi Bình Dương nơi Huy phục vụ tại tiểu khu này. Cả hai chúng tôi đều là các quân nhân đang tại ngũ, vậy thì Huy làm gì ở đây mà giờ này, không những thế, lại còn đứng gọi tên người lên phi cơ? Tôi ngại ngùng không dám hỏi, nhưng giả vờ thân mật nói đùa: “Tao đâu có biết mày làm cho CIA?” Vì chỉ có nhân viên CIA thì giờ này mới dám đứng gọi tên và quyết định cho ai đi, ai ở!

    Huy hì hì cười và tảng lờ hỏi tôi: “Mày có đói bụng không?” Tôi bảo: “Hơi hơi, nhưng mua thức ăn ở đâu?”

    Huy không trả lời, đứng dậy bước vào phía trong rồi đem ra cho tôi một cái hamburger nóng hổi, thơm phức, gói trong giấy foil, cùng một lon Cola-Cola lạnh buốt! Bụng đang đói, trời đang nóng, xực một miếng cái đã, chuyện đâu còn có đó!

    Ăn xong tôi cám ơn Huy và hẹn lúc gia đình tôi đến nơi sẽ tái ngộ. Nhưng Huy kéo tôi lại và hỏi: “Ăn gì nữa không?” Tôi lắc đầu rồi bắt tay từ giã. Huy nói tiếp: “Đâu có dễ thế, chàng ăn no, uống đã rồi, thì bây giờ phải làm việc chứ”. Sau đó Huy giúi vào tay tôi một danh sách mới khoảng 30 gia đình và bắt tôi đọc tên để mời họ lên máy bay.

    Đắn đo và lưỡng lự một hồi, Huy than mệt quá, tôi đành chiều theo ý Huy và bước ra ngoài, giọng nghiêm nghị mời mọi người có tên trong chuyến bay số…, hãy chuẩn bị xếp hàng. Mọi người nghe theo răm rắp. Tôi chợt cười thầm trong bụng: Hai tiếng đồng hồ trước còn là một tên “nhập cảnh lậu” vào DAO, hai giờ sau đã trở thành “thầy chú”! Đúng là một cuộc đổi đời!
    Tối hôm đó tôi làm việc suốt cả đêm, không ngủ, giúp cho Huy chợp mắt vì hắn đã thức trắng mấy đêm hôm trước. Lúc rảnh rang, hai thằng ngồi tâm sự thì mới biết là Huy đã được Bill Fraser (một thành viên trong phái đoàn Hoa Kỳ thuộc Ban Liên Hiệp bốn bên), và cũng là fan trung thành của ban nhạc.

    Bill đã đưa cả gia đình Huy vào Tân Sơn Nhất mấy ngày hôm nay, và trong lúc chờ đợi, họ đã nhờ Huy đọc giùm tên người Việt cho đúng, có vậy thôi. Khi nào Huy đi thì họ lại nhờ người khác. Và người đó, không ai khác, chính là tôi. Và biết đâu nhiều người cũng đã chụp trên đầu tôi cái nón CIA?
    Tuy nhiên tôi chẳng bận tâm, niềm an ủi mà tôi nhận được trong công việc này, là lời hứa của anh chàng thiếu tá Mỹ đen, mọi người gọi anh là Bob. Thấy tôi làm việc khá vất vả, Bob an ủi. Ráng giúp họ đi, khi nào gia đình vào đến DAO, hắn sẽ cho mọi người đi sớm mà không cần phải sắp hàng xin manifest chuyến bay!

    Đêm kéo thật dài, đủ mọi chuyện hỷ, nộ, ái, ố của những nhân vật được (hay có thể là “bị”) tôi đọc tên lên phi cơ, nhất là các sĩ quan cao cấp của Quân Đoàn III và Sư Đoàn 5 hoặc các chính khách mà chúng tôi biết mặt, quen tên. Có người e ngại, có người sợ hãi như đại úy Hùng ở Trung Đoàn 8, SĐ 5, nhìn thấy tôi ông định bỏ về, nhưng tôi gọi ông lại và trấn an: “Việc đi hay ở là không do tôi, ai có tên trong danh sách di tản cùng gia đình và được cấp giấy phép lên phi cơ thì họ có quyền đi.”
    Tuy nhiên hầu hết khi bước qua mặt tôi, mọi người đều mỉm cười thân ái, mang một chút ân tình ở trong đó, đặc biệt là bà vợ và hai đứa con nhỏ của đại úy Hùng, bà gật đầu nhìn tôi và cười trong nước mắt. Những diễn biến đó đã làm cho tôi cảm thấy nhẹ người và quên đi bao nỗi căng thẳng, bàng hoàng của một ngày đầy biến động cùng một đêm dài nhất của 30 năm cuộc đời.
    Trong giây phút giằng co giữa đi và ở, giữa hạnh phúc và khổ đau đó, tôi bỗng nhớ đến Mẹ tôi ngày bồng bế lũ con thơ dại xuống tầu vào Nam tìm tự do 21 năm về trước.

    (Kỳ tới: Giờ này Bố Mẹ ở đâu?)

  3. #3
    Biệt Thự HaiViet's Avatar
    Join Date
    Oct 2015
    Posts
    1,215
    Giờ này Bố Mẹ đang ở đâu…?

    Bút ký của Nam Lộc
    Hôm nay là ngày 27 Tháng Tư. Đúng ngày này, 49 năm về trước, tôi như kẻ đang ngồi trên đống lửa.
    Kể từ khi đặt chân một cách “bất hợp pháp” vào khu tập trung của những người được chính phủ Mỹ di tản theo kế hoạch “Orderly Evacuation Operation” ở phi trường Tân Sơn Nhất đến giờ này cũng đã gần 48 tiếng đồng hồ, mà vẫn không nhận được tin tức gì của gia đình.

    Tôi có mượn điện thoại của văn phòng DAO để gọi về nhà đôi ba lần, nhưng không ai nhấc phone, mà thuở ấy đã làm gì có cell phone để mà liên lạc! Tôi tự an ủi, chắc giờ này mọi người đang ngồi đợi ở một địa điểm nào đó để chờ được bốc lên xe? Mỗi khi có các chuyến bus mầu vàng chở người từ Sài Gòn vào là tôi lại nhờ Đức Huy cover để chạy ra điểm mặt hành khách mới đến xem có gia đình mình hay không, nhưng vẫn biệt vô âm tín!

    “Giờ này Bố Mẹ đang ở đâu…?”, tôi cứ lẩm nhẩm một mình như thằng điên mỗi khi thất vọng, nhìn những chuyến xe bus thả hết người mà vẫn chẳng thấy bố mẹ và các em đâu cả!
    Nhưng tôi biết giờ này trong lòng ông bà cũng lo lắng rộn ràng không kém gì tôi. Mặc dù hiện đang quây quần bên 10 đứa con khác, nhưng chắc chắn là vẫn thắc mắc, không biết số phận thằng con cả của mình giờ này ra sao? Sống chết thế nào, đã thoát được chưa hay đang ngồi tù trong quân lao?

    Tôi biết chắc như vậy vì tình thương vô bờ mà ông bà dành cho các con. 11 đứa mà lúc nào cũng lo lắng, chăm sóc hết sức cẩn thận cho từng đứa một. Tôi còn nhớ lần theo Tiểu Đoàn 3/8 đi hành quân, mùa Hè đỏ lửa 1972, tôi không về thăm nhà hay liên lạc gì với gia đình cả gần ba tuần lễ, bố tôi nóng ruột lái xe xuống phòng báo chí, bộ chỉ huy sư đoàn hỏi thăm thì được biết tôi đang công tác ngoài mặt trận Phú Giáo.
    Thế mà cụ theo con đường tỉnh lộ xuống tận nơi tìm con. Đậu xe ngoài ở ngoài quận, lần mò vào gần bãi chiến trường, bất chấp đạn pháo kích đang dội ầm ĩ. Đến khi gặp được tôi, cụ bảo để bố xin ông tiểu đoàn trưởng cho con về thăm nhà, lâu lắm rồi chưa đi phép! Lúc đó tôi đang ngồi với đại úy Điền, đại đội trưởng, cả bọn cùng cười rồi trấn an và khuyên cụ yên tâm ra về, vì ở đây anh em bảo bọc nhau kỹ lắm!
    Cũng tương tự như thế, khi mẹ tôi vắng bóng thằng con út gần hai tháng không về thăm nhà. Nguyễn Nam Việt, nhập ngũ lúc đôn quân, chuẩn úy mới ra trường vừa tròn 18 tuổi đã “cầm quân diệt giặc.” Nhớ con, cụ năn nỉ nhờ người đưa đi thăm Việt, lúc ấy đang hành quân ở Chơn Thành.

    Nôn nao ngồi đợi con nơi hậu cứ gần sáu tiếng đồng hồ, ông con trai, chuẩn úy mảnh khảnh, gầy gò, trung đội trưởng dẫn một toán quân gần 20 người trở về. Việt kể lại, cụ mừng quá ôm chầm lấy con xoa đầu, xoa tóc, xoa tay, xoa chân xem có mất gì không! Việt bảo, cả trung đội cười vỡ bụng.
    Mà thật ra cũng chẳng phải chỉ có bố mẹ tôi, cha mẹ nào thì cũng thương con như vậy, những đứa con mang nặng, đẻ đau sinh ra trong thời chinh chiến nên các bà mẹ Việt Nam thường “được” khóc nhiều hơn cười!




    Cuộc di cư từ Bắc vào Nam, 1954. (Hình: Pictures From History/Universal Images Group via Getty Images)

    6 giờ chiều ngày 27, thế là đúng hai ngày tôi ở trong căn cứ này. Đêm qua chợp mắt được khoảng ba tiếng đồng hồ thì Đức Huy đánh thức dậy để từ giã ra đi, gia đình nó đã có chuyến bay. Tôi nắm tay Huy, cảm ơn, chúc lên đường bình an và hẹn gặp lại! Thú thật tôi cũng chẳng biết có gặp nhau nữa hay không, và nếu có thì gặp ở đâu? Thế nhưng tất cả các chi tiết đó đều là những điều “xa xỉ” đối với tôi trong lúc này. Tôi chỉ muốn tìm được câu trả lời: “Giờ này Bố Mẹ đang ở đâu…?”
    Huy đi rồi lòng tôi buồn vô hạn, dù công việc vẫn bận rộn và anh thiếu tá Mỹ đen vui tính tên Bob vẫn hay đùa giỡn đem niềm vui đến cho mọi người, nhưng tôi chỉ biết gượng cười. Càng bận rộn gọi tên người tới tấp lên các chuyến bay, tôi lại càng thêm nóng ruột.

    Tất cả những người quen, người bạn mà tôi nhắc đến ngày hôm qua, đều đã lần lượt lên đường, đích thân tôi gọi tên từng người. Tôi lại ước ao, phải chi giờ này bố mẹ và các em đang có mặt ở đây! Không còn nỗi khổ tâm nào hơn khi mình đã tiễn cả ngàn người đi mà không có được một vài người thân trong gia đình!
    Các chuyến xe bus vàng định mệnh của quân đội Mỹ lại đổ thêm hàng trăm người xuống khuôn viên DAO. Lại ồn ào, náo nhiệt, lại tiếng khóc, tiếng cười, tiếng than, tiếng nấc. Niềm an ủi duy nhất đối với mọi người lúc bấy giờ là cuộn băng cassette “Tình Khúc Ngô Thụy Miên” vừa phát hành và được đón nhận rất nồng nhiệt ở khắp mọi nơi. Đây cũng là tác phẩm đầu tay của người nhạc sĩ trẻ này.

    Sài Gòn hay đâu đâu cũng vang lên những bản tình ca êm ả, lãng mạn của Ngô Thụy Miên, nhất là ở đây và trong giờ phút này. Hình như ông Trời đã sắp đặt để Ngô Thụy Miên cho ra đời băng nhạc này như là một liều thuốc an thần để an ủi người dân Sài Gòn trong cơn dầu sôi, lửa bỏng của những ngày tháng chất chứa bao khổ đau đang từ từ ập xuống!
    Ngoài nhạc Ngô Thụy Miên, người ta còn cho phát liên tục bản “Nếu Xa Nhau” của Đức Huy, họ dùng ca khúc này như một lời từ giã. Từ giã người thân yêu hay từ giã nơi chôn nhau, cắt rốn để đến một nơi vô định?





    Tôi may mắn được quen cả hai người nhạc sĩ khả ái này, lại còn là bạn đồng môn của trường Nguyễn Trãi trước khi đổi sang Chu Văn An năm đệ nhị cấp. Nhạc Ngô Thụy Miên và Đức Huy đa số là những bản tình ca êm đềm và thắm thiết. Họ rất ít và hình như không viết về tỵ nạn hay thân phận, ngoại trừ một số tình khúc chia ly nhẹ nhàng nhưng không kém phần chua xót.

    Tin giờ chót: Anh chàng thiếu tá Bob vừa lôi tôi ra một góc kín và nói nhỏ vào tai tôi là, chương trình di tản chắc phải chấm dứt vào khuya hôm nay, vì tin tình báo cho biết, VC sẽ pháo kích phi trường Tân Sơn Nhất vào sáng sớm ngày mai, 28 Tháng Tư 1975. Nghe tin như sét đánh ngang tai, tay chân bủn rủn, rụng rời, tôi lại sống trong trạng thái bàng hoàng của hai ngày trước đó!
    “Giờ này Bố Mẹ đang ở đâu…?” Tôi sẽ phải quyết định ra sao, liệu gia đình tôi có kịp vào đây không? Nếu không thì số phận họ sẽ như thế nào, còn tôi thì sẽ ra sao? Hay chỉ còn biết ngồi gục đầu “khóc một dòng sông”?

    (Kỳ tới: Sài Gòn ơi, vĩnh biệt!)

  4. #4
    Biệt Thự HaiViet's Avatar
    Join Date
    Oct 2015
    Posts
    1,215
    Sài Gòn ơi, vĩnh biệt!

    Bút ký của Nam Lộc
    Hôm nay là ngày 28 Tháng Tư, 2024. Giờ này 49 năm về trước, tôi đã thật sự vĩnh biệt Sài Gòn.
    Vào lúc 7 giờ tối hôm qua, 27 Tháng Tư, 1975, khi ông thiếu tá Bob Smith tiết lộ cho tôi biết tin VC sẽ pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhất sáng 28 Tháng Tư, và các phi vụ di tản gia đình nhân viên sở Mỹ sẽ chấm dứt vào lúc nửa khuya, thì lòng tôi rối như tơ vò, không còn muốn làm gì nữa, cứ đứng ở bến xe bus đổ người chờ xem bố mẹ và các em bằng một phép lạ nào đó, đến được đây vào giờ phút cuối cùng này?


    Xe vẫn đến, khách vẫn xuống, rồi xe lại đi, bóng người thân vẫn biền biệt! Nhưng tôi tiếp tục ngồi lì ở đó, chờ đợi chuyến bus sau, một mình suy ngẫm. Thì ra người Mỹ đã biết trước là họ sẽ bỏ Việt Nam từ cả tháng nay vì thế mới có các kế hoạch di tản bài bản, nhịp nhàng như vậy.

    Kẻ trước người sau, ưu tiên cho ai và sẽ bỏ mặc ai nếu cần, mà một quân nhân bình thường như tôi không thể nào biết được, vì luôn luôn phải bận rộn thi hành quân vụ. Đến giờ phút này, bao chiến hữu của tôi vẫn đang cầm súng chiến đấu ở nhiều mặt trận mà không biết rằng họ đang chống cự trong cơn tuyệt vọng, “người bạn đồng minh” đã phụ chúng ta!
    Nhìn thấy các nhân viên sở Mỹ được ưu tiên di tản, nhìn thấy các “yếu nhân” trong chính quyền âm thầm bỏ nước ra đi, bây giờ nghe họ tiết lộ “tin tình báo” là VC sẽ pháo kích phi trường Tân Sơn Nhất, lại càng cho tôi thấy rõ âm mưu bỏ miền Nam Việt Nam của chính phủ Hoa Kỳ, mà nạn nhân khổ đau nhất sẽ là các quân, dân, cán, chính VNCH bị bỏ lại, và sẽ phải đối mặt với kẻ thù!

    9 giờ tối, Bob đến bãi xe bus tìm tôi, hắn vỗ vai nói: “You got to go, buddy, no more bus drops, we have only two more flights”! Ôi, thật là phũ phàng và đau đớn. Tôi hỏi Bob, hoàn cảnh gia đình tôi đang chờ tại DAO Office ở Sài Gòn thì sao? Bob nói, sẽ có helicopters bốc họ ra ngoài hạm đội! Nghe như chuyện thần thoại vậy, đến lúc này tôi chẳng còn biết có nên tin người Mỹ nữa hay không?




    Trại Pendleton, nơi “Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt!” chào đời. (Hình: Nam Lộc cung cấp)

    Bob kéo tôi trở lại nơi cổng departure, cho tôi mấy miếng sandwiches, một lon nước ngọt, hắn bảo ăn đi, rồi lên đường “if you don’t want to live with VC”! Thật là chua chát! Họ đã bỏ quê hương tôi thật rồi, họ cũng mặc kệ gia đình tôi và hàng ngàn người đang chờ đợi được giải cứu! Hơn bao giờ hết tâm trạng giằng co giữa “đi hay ở” lại đến với tôi!
    Trước mặt tôi còn khoảng hơn 500 người vẫn đang chờ đợi để được gọi tên đi, họ không biết rằng chỉ còn hai chuyến bay nữa mà thôi, đủ chỗ cho chừng 100 người là hết sức. Rồi chuyện gì sẽ đến với họ khi chuyến bay cuối cùng cất cánh? Số phận họ sẽ ra sao lúc sớm mai khi đạn pháo kích của Cộng quân dội xuống địa điểm này?

    Tôi không dám nghĩ tiếp… Thiếp mắt trong ác mộng chờ chuyến bay cuối cùng! Tôi mơ thấy mẹ đưa mấy đưa em gái vào được bên trong, bố và ba thằng con trai kẹt lại ở bên ngoài… Giật mình tỉnh dậy, mồ hôi toát đầy người, thì ra là mộng tưởng!
    Đồng hồ điểm 12 giờ đêm, Bob đưa tôi danh sách cuối cùng gọi tên, khoảng 50 người mệt mỏi đợi chờ, lếch thếch khiêng va-li, túi xách lên đường. Bob nắm tay tôi thật chặt, nhìn tôi thật lâu vỏn vẹn nói hai câu “thank you and good luck”! Tôi như kẻ mất hồn, lủi thủi theo đoàn lữ hành trong đêm khuya ngày 27 rạng sáng 28 Tháng Tư 1975, lần lượt chui vào chiếc C-130 định mệnh đưa tôi vào một cuộc đời vô định hướng.
    12:45 sáng, 28 Tháng Tư, 1975, phi cơ cất cánh, nhìn ra ngoài cửa sổ, Sài Gòn mờ dần trong bóng đêm, leo lét những ánh đèn, nhạt nhòa trong nước mắt, tôi thốt lên “Sài Gòn ơi, vĩnh biệt…!”, rồi cùng khóc với mọi người. Có ngờ đâu đó chính là tựa đề nhạc phẩm đầu tiên mà tôi sẽ sáng tác tại hải ngoại! Nó cũng đã được “thai nghén” vào những ngày cô đơn, sầu tủi trong trại tỵ nạn Pendleton.




    Khánh Ly và Nam Lộc, năm 1976, ngày thu thanh bài “Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt”. (Hình: Nam Lộc cung cấp)

    Tôi còn nhớ đã hát thử cho Trung Hành nghe trong căn lều vải, nằm dưới thung lũng buồn của trại. Chỉ vừa có vài câu đầu thôi mà hắn đã khóc như một đứa trẻ, đâu biết rằng tôi mới viết chưa xong được đến một nửa bài. Cho mãi đến sau này, khi xuất trại, thật sự đối diện với cuộc sống lưu vong, đầy gian truân, mồ hôi và nước mắt với bao nhọc nhằn, tủi nhục trong thời gian đầu, cộng với nỗi thương nhớ gia đình.
    Vào giữa Tháng Mười Một, 1975 tôi mới hoàn tất nhạc phẩm “Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt!”. Khánh Ly thu thanh lần đầu tiên vào mùa Xuân 1976, ông Lê Văn của đài VOA phỏng vấn Khánh Ly và tôi, rồi sau đó phát thanh bài này về Việt Nam vào Tháng Tư 1976 nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Sài Gòn sụp đổ.

    Giã biệt Sài Gòn vào lúc 1 giờ sáng 28 Tháng Tư, sau khoảng ba tiếng đồng hồ trên chuyến bay dài nhất trong đời, chúng tôi được đưa đến căn cứ Không Quân U.S. Clark Air Base nằm trên hòn đảo Luzon của Phi Luật Tân. Đối với tôi, tất cả mọi hành động, mọi suy nghĩ hay quyết định bây giờ hoàn toàn tùy thuộc vào người hướng dẫn. Họ bảo sao thì nghe vậy, bảo làm gì thì làm theo, như một người máy.
    Niềm thương nhớ và lo lắng cho gia đình được thay thế bằng những sinh hoạt bận rộn, bằng chi tiết cùng những cảnh tượng mới lạ chưa từng xẩy ra trong đời. Bằng những chiếc ghế bố được phủ lên tấm drap giường tươm tất, nằm trong khu lều vải dựng vội vàng để đón những kẻ vừa nước mất, nhà tan! Bằng sự ân cần của các sĩ quan Mỹ, cùng sự cung kính của nhân viên người Phi Luật Tân phục vụ trong nhà ăn. Tất cả đã làm nguôi bớt đi niềm khổ đau và oán hận trong tôi.

    Ở đây chỉ 24 tiếng đồng hồ thì chúng tôi được di chuyển đến đảo Guam, và chưa đầy một tuần lễ thì được phi cơ American Airlines đưa từ Guam đến California. Máy bay đáp xuống phi trường quân sự El Toro của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, nằm ngay Orange County, có ngờ đâu lại chính là thành phố mà tôi chọn đế sống những ngày cuối đời mình!
    Một toán lính Marines nghiêm chỉnh đứng chào, họ còn cầu kỳ trải thảm đỏ đón người tỵ nạn và đưa lên những chuyến xe bus quân đội. Lại xe bus quân đội, dấu tích của gia đình và là niềm hy vọng đã trở thành tuyệt vọng của tôi mấy ngày qua. Xe đi vào Xa Lộ 5, tôi nhìn bảng tên đường thấy chữ “San Diego Freeway” rộng thênh thang, xe cộ chạy đầy đường, ngược xuôi như mắc cửi.

    Hai bên lề là những vườn cam vàng ửng trái, cùng các ruộng dâu trùng trùng, điệp điệp. Chưa đầy nửa tiếng đồng hồ thì tài xế rẽ vào một con lộ nhỏ ngoằn ngoèo đưa chúng tôi đến trại Pendleton sau khi đi ngang qua nhà Tổng thống Richard Nixon, tọa lạc tại thành phố San Clemente. Tôi hỏi thầm trong bụng: Có phải vì ông mà chúng tôi đang có mặt ở đây không, ngài tổng thống?
    Bước xuống xe, sắp hàng để nhận lều tạm trú và quần áo. Mỗi người được các ông lính Marines phát cho một cái áo jacket và một đôi giầy nhà binh “one-size-fits-all,” già trẻ lớn bé gì cũng thế, cứ nhận đi rồi hạ hồi phân giải. Sau đó có thiện nguyện viên hướng dẫn đến lều và “giường” của mình.




    Nam Lộc trước “căn nhà đầu tiên” trên đất Mỹ. (Hình: Nam Lộc cung cấp)Đầu

    Tháng Năm rồi, mà sao Cali lạnh thế, không biết lạnh ngoài trời hay buốt giá ở trong lòng? Đặt mình lên chiếc ghế bố vải, tôi bắt đầu nhỏ những giọt lệ đắng cay xuống cuộc đời tỵ nạn. Hôm nay, và bây giờ tôi đã chính thức là một “người di tản buồn”!

    Buồn và xót xa hơn nữa khi được tin toàn bộ gia đình tôi đã bị người Mỹ bỏ rơi, thủ đô Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ, các tướng lãnh và nhiều quân nhân, công chức tuẫn tiết. Cậu em út cùng các chiến hữu của tôi đã bị cộng sản đánh lừa và lùa vào những trại tù cải tạo. Mẹ và các em gái thì đang chuẩn bị đi vùng kinh tế mới…




    Nam Lộc (trái) đi thăm Tùng Giang ở “sở làm”. (Hình Nam Lộc cung cấp)

    Trong khi đó ở bên này bờ đại dương, chúng tôi cũng đang phải phấn đấu với một cuộc sống mới, dù may mắn hơn ở bên nhà, nhưng cũng không kém phần gian truân và tủi nhục. Tôi được nhận vào làm assembler cho một hãng sản xuất giường nước với tiền lương $2.10 một giờ. Anh Jo Marcel làm nghề sửa xe, Tùng Giang thì tìm được job đổ xăng, Khánh Ly làm việc lao công, sau đó được “promote” thành receptionist.
    Và sau những ngày dài vất vả lao động “vinh quang,” trở về căn phòng nhỏ, nằm trong khu phố u sầu, cô liêu, buồn tủi, bên cạnh toàn người xa lạ. Tất cả những nỗi khổ đau, oán hận trên cộng với niềm thương nhớ về gia đình, về quê hương, đất nước đã âm ỉ trong lòng, để rồi tôi cho ra đời nhạc phẩm “Người Di Tản Buồn.”

    (Kỳ tới: Tự do ơi, tôi trả bằng nước mắt)


  5. #5
    Biệt Thự HaiViet's Avatar
    Join Date
    Oct 2015
    Posts
    1,215
    ‘Tự Do ơi tự do, tôi trả bằng nước mắt…’

    Bút ký của Nam Lộc
    Sài Gòn “trong cơn hấp hối”, 30 Tháng Tư, 1975
    Tôi bước đi, khi Sài Gòn trong cơn hấp hối…


    Tôi bước đi, Tân Sơn Nhất lửa khói ngập trời…
    Vâng, đó là những gì mà tôi đã trải qua và được ghi nhận lại trong nhạc phẩm “Xin Đời Một Nụ Cười.” Dù tôi chỉ đủ khả năng và nghị lực để viết được một cách khiêm nhường qua hai mươi dòng nhạc, nhưng phần nào đó đã diễn tả được hình ảnh của cuộc hành trình tìm tự do đầy máu và nước mắt mà dân tộc tôi, đồng bào tôi và gia đình tôi đã phải trả để đổi lấy hai chữ “Tự Do”!

    Tôi bước đi, khu thương xá cửa khép cuộc đời…
    … những con tầu ngơ ngác ra khơi!

    Đâu ngờ rằng trên một trong những “con tầu ngơ ngác” đang chết máy đó có bố tôi, chen chúc cùng hàng ngàn người khác, đợi chờ trong tuyệt vọng để mong một phép lạ, cuối cùng điều đó đã xẩy ra. Tầu Trường Xuân đã đưa bố tôi cùng nhạc sĩ Lam Phương, bạn tôi-anh Elvis Phương và hơn 5,000 người khác đến được bến tự do.
    Ngày 30 Tháng Tư năm ấy, 1975, tôi đang ngồi ở đảo Guam, nghe tin mất nước mà lòng sầu vô tận. Thuở đó không có cell phone như bây giờ nên chẳng biết gia đình sống chết ra sao? Bố Mẹ, anh chị em đang trôi dạt phương nào…?
    Mãi về sau mới biết ông Cụ tôi là người duy nhất trong gia đình thoát được, và phải đợi đến hai năm sau, 1977 thì cậu em út của tôi, Nam Việt, tên sĩ quan trốn “học tập cải tạo,” mới cùng người anh là Nam Ninh, mong manh trên con thuyền nhỏ bé, phải gọi là chiếc ghe thì đúng hơn, vỏn vẹn có bảy người, không kinh nghiệm hải hành, nhưng họ đã quyết định liều chết để sống.

    Chẳng bao lâu, ghe hư máy lênh đênh trên biển cả, mấy ngày sau thì được tầu dầu Kuwait đến cứu và đem cả bọn vào đảo quốc nhỏ bé này tận miền Trung Đông xa xôi, nóng cháy da người. Và cũng từ những năm đó, hàng triệu người Việt đã lần lượt bỏ nước ra đi bằng đủ mọi cách, đủ mọi phương tiện, và đủ mọi hình thức.
    Chỉ nội gia đình tôi, tổng cộng 12 người, cùng mấy đứa cháu, đã phải mất hơn 11 lần vượt biển, vượt biên, vượt ngục và phải trải qua chín quốc gia trên khắp bốn lục địa, ngoại trừ Úc Châu mới đến được bến bờ tự do!




    Thống kê thuyền nhân tị nạn Việt Nam của UNHCR. (Hình: Nam Lộc cung cấp)

    Tôi bước đi, qua đường rừng chông gai, tăm tối…
    Tôi bước đi, như con rết lê lết cuộc đời,
    như thân bướm đôi cánh rã rời…

    Đó là đoạn thứ hai của bài hát, tôi viết cho những người vượt biên bằng đường bộ, trong đó có hai cô em gái, dẫn hai đứa cháu còn nhỏ từ Sài Gòn, xuống Tây Ninh, vượt qua biên giới Cam Bốt. Hơn 10 ngày, 9 đêm đi bộ trong rừng thẳm mới đến được trại tỵ nạn Thái Lan. Sau này còn biết thêm, nhạc sĩ Trúc Hồ cũng là một trong số những “bộ nhân” vào thời điểm đó.

    Tôi nép thân trên mảnh thuyền mong manh, sương gió,
    Như một người tìm đường về nơi đáy mồ…

    Đoạn thứ ba tôi viết cho những thuyền nhân, mà đa số anh chị em của chúng tôi cùng hàng triệu người khác đã dùng phương tiện đầy hiểm nguy này để vượt biển tìm tự do. Tôi còn nhớ, chỉ riêng năm 1979 thôi, nước Mỹ đã nhận hơn 200 ngàn người tỵ nạn Việt Nam đến định cư tại Hoa Kỳ.

    Nhưng dù ra đi bằng cách nào chăng nữa, như chúng tôi, thời điểm 1975, như các thuyền nhân, đường bộ hay đường bay của những vị tù nhân cải tạo đến Hoa Kỳ muộn màng qua diện HO, hoặc gần đầy nhất là các tù nhân lương tâm…, thì người Việt tỵ nạn đã hãnh diện gởi đến cho toàn thế giới một thông điệp mạnh mẽ về lòng quyết tâm và yêu chuộng tự do, dân chủ của chúng ta.

    Tự do ơi tự do! Tôi trả bằng nước mắt,
    Tự do hỡi tự do! Anh trao bằng máu xương.
    Tự do ơi tự do! Em đổi bằng thân xác,
    Vì hai chữ tự do, ta mang đời lưu vong.

    Và đó là tất cả những tâm huyết tôi đặt vào ca khúc “Xin Đời Một Nụ Cười” cùng những bài hát khác mà tôi đã mạo muội chia sẻ cùng quý vị và các bạn mấy ngày qua. Có một chiến hữu, trung úy Sơn “Lai Khê” của Sư Đoàn 5 Bộ Binh đã viết một bài liên quan đến những sáng tác về tỵ nạn của tôi và ông gọi tôi là “người nhạc sĩ của Tháng Tư.” Điều đó không sai!




    Nam Lộc (thứ 5, từ trái) cùng các sinh viên tị nạn Việt Nam tại đại học YALE. (Hình: Nam Lộc cung cấp)

    Quả thật, nếu không có biến cố 30 Tháng Tư, 1975, thì có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ trở thành… “nhạc sĩ.” Nếu không có những khổ đau, gian truân, tủi nhục mà thân phận người tỵ nạn đã phải trải qua và chịu đựng, thì sẽ không bao giờ “Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt,” “Người Di Tản Buồn,” hay “Xin Đời Một Nụ Cười” được thành hình.

    Những bài hát này tôi viết cho chính bản thân tôi, cho gia đình tôi, cho đồng bào tôi và cho dân tộc tôi. Vì thế ai cũng có thể sử dụng được mà không phải trả tiền, bản quyền là của quê hương, đất nước. Tôi đã để lại di chúc cho các con, các cháu để chúng hiểu và thực hiện những ý nguyện đó của tôi nếu mai này tôi ra đi.
    Tôi hãnh diện với thế hệ trẻ ngày nay mà quý vị và chúng tôi, lớp người đi trước đã hy sinh để cho chúng trưởng thành và hiểu biết. Các cháu đã thành nhân, thành những người hữu dụng của xã hội tại khắp các quốc gia tự do trên thế giới đã đón nhận chúng ta. Những giờ phút lao động vất vả mà chúng ta đã trải qua, giọt mồ hôi của người thợ sửa xe hay người đứng đổ xăng, giọt nước mắt của người lao công hay đứng chùi cầu.




    Các cháu tốt nghiệp tại YALE, và căn cước tị nạn ở trên mình. (Hình: Nam Lộc cung cấp)

    Những người thợ giũa móng tay, những tài xế taxi, dọn giường trong khách sạn hay chạy bàn ở nhà hàng…, họ đã dùng đồng tiền mồ hôi nước mắt đó để nuôi nấng bầy con, lũ cháu ăn học thành tài. Và bây giờ chúng sẽ là những nhân tố đóng góp tích cực vào xã hội và các quốc gia mà chúng ta đang tạm dung. Con cháu chúng ta sẽ mãi mãi và muôn đời trả những món nợ ân tình mà các chính phủ cùng những người bảo trợ tốt bụng năm xưa đã giúp đỡ và cưu mang ông bà, cha mẹ của chúng.
    Viết đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói của ký giả George Will trên tuần báo Newsweek năm 2007, viết về một phụ nữ Việt đã có những đóng góp tốt đẹp cho đất nước Hoa Kỳ, ông nói

    “Cám ơn cô đã trả món nợ mà cô nói cô nợ của nước Mỹ. Cô đã hoàn trả đầy đủ, không thiếu một xu nào, lại còn luôn cả tiền lời nữa…”!

    Hôm nay là ngày 30 Tháng Tư, 2024, kỷ niệm 49 năm ngày chúng ta mất quê hương dù vẫn còn tổ quốc, kính mời quý vị và các bạn nghe lại hai phiên bản của nhạc phẩm

    “Xin Đời Một Nụ Cười.”

    Clip đầu được thu thanh đã gần 40 năm trước khi tôi vừa hoàn thành nhạc phẩm này và cùng hát với nữ ca sĩ Khánh Ly.
    Phiên bản sau đó được Trung Tâm Asia thực hiện gần đây để nhắc nhở kỷ niệm xưa, nhưng cũng để gởi lời tri ân đến các xứ sở tự do đã cho chúng ta cùng thế hệ con cháu của chúng ta một tương lai và một kho tàng trí tuệ, sẵn sàng để chia sẻ cùng thế giới và đóng góp cho một Việt Nam tự do của một ngày không xa.



    Ca sỹ Khánh Ly và nhạc sĩ Nam Lộc trong nhạc phẩm “Xin đời một nụ cười.” (Hình: chụp từ YouTube “Người Việt Tự Do”



 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 06:56 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh