TRẠM XÁ


Lưu Thiên Lý

Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, cùng với kế hoạch cưỡng ép lùa dân thành thị ra vùng nông thôn, nhà cầm quyền cộng sản cho thiết lập các “Vùng Kinh Tế Mới” cách xa các thành phố lớn, quảng cáo thật rầm rộ nhằm trấn an chiêu dụ người dân thành thị tự nguyện ra đi khai khẩn đất đai để làm ăn, với sự chăm lo giúp đỡ thuốc men lương thực của nhà nước.
Người dân các thành phố miền Nam tuy không dễ dàng bị đánh lừa, vẫn có một số ít vì không còn cách xoay chuyển hoàn cảnh khó khăn, nên đã bị vướng mắc vào cái bẫy sập “kinh tế mới” của cộng sản.

Riêng về hoạt động y tế, nhà cầm quyền tổ chức các lớp học tập chính trị dành riêng cho thành phần Y, Nha, Dược sĩ thuộc chế độ cũ đang làm việc tại Sài Gòn và các thành phố lân cận, để kêu gọi sự ủng hộ, hưởng ứng các chính sách của cách mạng, tự nguyện xin đi ra phục vụ nhân dân tại các Trạm xá của những vùng nông thôn hay Vùng kinh tế mới.
Không đạt được kết quả.
Cộng sản áp dụng thủ đoạn thanh lọc, căn cứ vào lý lịch, để chỉ định một số bác sĩ phải đi phục vụ tại Vùng kinh tế mới. Ai cưỡng lệnh sẽ bị nhà nước tước quyền hành nghề y sĩ.
Tên của bác sĩ Nguyễn Mạnh nằm trong danh sách đầu tiên được cách mạng chỉ định đi ra vùng kinh tế mới. Nhận lệnh và tuân hành, bác sĩ Mạnh lên đường.

Trạm xá nơi bác sĩ Mạnh đến nhận nhiệm vụ là của một nông trường tập thể được choàng lên cái mỹ danh Khu Kinh tế mới, khá xa Sài Gòn, phải mất nhiều thời gian chờ đợi để đáp hai chuyến xe đò mới đi đến nơi, có khi mất cả một ngày tròn nếu bị lỡ chuyến xe.

Nông trường là một vùng đất cằn cỗi ở về phía đông Sài Gòn thuộc khu vực phong thổ ít mưa, quanh năm khô hạn. Những người dân sinh sống làm việc nơi đây đều đã đến từ thành phố, thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội của chế độ cũ.
Quanh năm họ phải lao động bằng tay chân, canh tác các loại nông phẩm chiến lược như đậu phụng, đậu nành, bắp, sắn, khoai và lúa rẫy.
Đến mùa thu hoạch, sau khi đóng thuế nông nghiệp bằng sản phẩm làm ra, số còn lại họ phải đem bán cho các trạm thu mua của nhà nước với “giá thu mua” do cán bộ cộng sản ấn định thấp hơn giá thị trường, nại ra lý do họ đã được làm ăn trên ruộng đất của nhà nước. Họ bị cấm không được phép chuyên chở nông phẩm ra khỏi nông trường để mua đi bán lại. Trên thực tế người dân khu kinh tế mới làm không đủ ăn lấy đâu ra nông sản để mua bán.

Mức thuế nông nghiệp phải đóng bằng nông phẩm, được tính cố định hằng năm trên diện tích và số mùa vụ canh tác của mỗi hộ dân cư.
Mùa nào thất thu, người dân phải mắc nợ thuế, nợ phân bón, nợ thuốc trừ sâu. Cứ như thế nợ nần với nhà nước chồng chất. Quanh năm suốt tháng lao động quần quật vẫn không đủ trả nợ và nuôi ăn trong gia đình. Dân tình khốn khổ oán than.
Sưu cao thuế nặng thời cộng sản toàn trị đánh vào nông dân so ra còn bóc lột, độc ác gấp bội phần thời kỳ phú hào địa chủ mà “bác kính yêu” đã phát động bạo lực đánh đổ và giết oan hàng trăm ngàn người trong công cuộc “cải cách ruộng đất” tại miền Bắc vào năm 1954.

Cán bộ cộng sản quản lý và thu mua nông phẩm với giá rẻ tại nông trường nhờ vào các thủ đoạn lươn lẹo, gian lận, ăn đầu chặn đuôi rất chuyên nghiệp, chểm chệ hách dịch như những ông thần ban ơn bố đức cho dân,“ngồi mát ăn bát vàng”, làm giàu trên xương máu số dân lành đã trót mắc mưu trở thành nô dịch cho chính sách Vùng kinh tế mới thâm độc.

Trong bối cảnh đó, bác sĩ Mạnh đến Trạm xá nhận nhiệm vụ.

Trạm xá là tên gọi chính thức rất phổ thông, là nơi để người dân sống trong các vùng quê cấp thôn, xã đến xin khám bệnh chích thuốc, băng bó vết thương hoặc xin trợ cấp thuốc men mang về nhà trị bệnh, tương đương với Trạm Y Tế Xã của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước kia.

Một lần, ngày đầu tiên mới đến nhìn thấy tấm bảng hiệu ghi hai chữ Trạm Xá, bác sĩ Mạnh rất thật thà hỏi người Y sĩ quản lý trạm xá đang nhận giấy giới thiệu nhân viên mới đến nhiệm sở,
- Anh à, tại sao mình không ghi trên bảng hiệu là Trạm Y Tế cho thấy rõ ràng là nơi này có chức năng và nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ để cho người dân dễ hiểu.
Viên quản lý nhếch môi cười, cất tiếng nói giọng miền Bắc,
- Theo anh hai chữ ấy có gì khó hiểu ?
Bác sĩ Mạnh tin vào sự cởi mở của người thủ trưởng nhiệm sở, vui vẻ trình bày
- Tôi thấy hai chữ Trạm và Xá đều cùng có chung một nghĩa duy nhất là để chỉ nơi chốn. Thí dụ người ta thường nói “bệnh xá” là nơi chữa bệnh, “thương xá” là nơi buôn bán, “ký túc xá” là nơi trọ của sinh viên. Hoặc “trạm thu thuế”, “trạm kiểm soát”, “trạm thu mua”.
- Anh nói thế là chưa hiểu biết gì về cách mạng cả.
Chú Mạnh giật mình tự trách đã quá nông nỗi đạp nhầm ổ kiến lửa, chú nhỏ nhẹ,
- Thật lòng vì tôi chưa được hiểu nên mới nhờ anh giải thích.
- Này nhé, bọn Ngụy quyền Sài Gòn vì chúng nó thích phô trương nên mới đặt tên gọi là Trạm Y Tế cho có vẻ oai vệ xôm tụ. Còn cách mạng ta rất là thực chất, không cần phô trương y tế, y téo gì cả mà nhân dân vẫn biết rõ đấy là nơi chữa bệnh cho dân, thế mới là đáng quý. Vả lại trong thời kỳ chiến tranh, các cơ sở hoạt động hạ tầng của cách mạng trong lòng địch cần phải được che dấu bảo vệ, có ích lợi gì mà ta phải chỉ rõ chỗ đấy là Trạm y tế. Mình bảo nhau đến trạm xá thì nhỡ cái thằng địch có nghe thấy cũng chẳng thể hiểu được đấy là cái gì. Anh hiểu rõ chửa ?
- Cám ơn anh đã giải thích rất rõ ràng. Tôi hoàn toàn thông suốt.
Bài học đầu tiên đã giúp bác sĩ Mạnh hết sức dè dặt ăn nói trong suốt thời gian làm việc sau đó.

Trạm xá là một căn nhà nhỏ, mái lợp tôn tráng kẽm, nền lát gạch nung, vách trét đất, vuông vức mỗi bề khoảng 5 mét, bên trong ngăn ra thành 4 phòng nhỏ bằng những tấm phên đan tre nứa, có treo tấm màn che ở mỗi khung cửa ra vào. Một phòng làm việc và là nơi ở của viên quản lý. Một phòng khám bệnh. Một phòng nhỏ chứa thuốc men và dụng cụ y khoa. Một phòng đợi của bệnh nhân với bốn năm chiếc ghế đẩu.

Suốt tuần lễ đầu tiên, vì chưa biết rõ đường sá đi lại, phải dùng xe đò đến nhận nhiệm sở, nên bác sĩ Mạnh đã ngủ đêm trên chiếc giường tre dành cho bệnh nhân nằm khám bệnh. Những tuần sau đó ông dùng xe gắn máy để đi làm mỗi ngày. Nhờ đó, việc đi đi, về về dễ dàng thuận tiện hơn.

Công việc khám trị bệnh và giờ giấc làm việc tương đối an nhàn. Lương bổng tuy rất ít ỏi nhưng so ra còn cao hơn nhiều đối với những ngành nghề chuyên môn khác.
Bác sĩ Mạnh tự nhủ thời thế tạo ra khó khăn chung cho toàn đất nước chứ không riêng gì đối với ông, nên cần phải cố gắng nín thở qua sông trong một thời gian, rồi sẽ tìm cách xin chuyển về một bệnh viện tỉnh hoặc quận huyện để được sống gần gia đình.
Ý nguyện của bác sĩ Mạnh khá đơn giản.

Tiếc thay, cơ chế cầm quyền của cộng sản, ngay như trong ngành y tế, xem ra không giản đơn chút nào.
Bởi cái nguyên tắc hồng hơn chuyên vô cùng hồ đồ.
Họ sẵn sàng triệt hạ người có chuyên môn nếu người đó không chịu tuân thủ sự chỉ đạo kém phẩm chất chuyên môn của “cán bộ đỏ”.

Câu chuyện đã khiến cho bác sĩ Mạnh từ bỏ nghề y sĩ cứu nhân độ thế để trở thành người tài xế lái xe đò chạy bằng than, được chính ông kể lại với tất cả niềm cay đắng tiếc nuối của một bậc trí thức đối với hiện tình đất nước đang nằm trong bàn tay những con người cộng sản mù lòa.
Ông ta tự giới thiệu,
- Tôi là bác sĩ Quyết, y sĩ kiêm thủ trưởng trạm xá.
- Còn tôi là Nguyễn Mạnh, bác sĩ toàn khoa, được Sở Y tế thành phố phân công về đây.
- Anh học trường Y khoa nào ra ?
- Trường Y Khoa Huế.
- Tưởng là trường nào chứ trường ở Huế thì thầy bà có đâu mà dạy với học.
Không thấy bác sĩ Mạnh nói năng gì, bác sĩ Quyết giữ vẻ nghiêm nghị hỏi,
- Anh ra trường bao lâu rồi ?
- Mười một năm.
- Hãy vẫn còn trẻ lắm đấy. Thôi được rồi cứ an tâm làm việc. Công việc ở trạm xá này tương đối nhẹ nhàng hơn so với các bệnh viện ở thành phố. Có gặp bất cứ trở ngại nào cứ cho tôi biết sẽ chỉ đạo đúng hướng cho anh giải quyết, nhất là về thuốc men phải hết sức cẩn thận đấy nhé.

Chỉ mới có màn giáo đầu, bác sĩ Mạnh đã cảm nhận những ngày tháng đầy gai góc bắt đầu xuất hiện trước mắt ông.


Một đoàn viên thanh niên xung phong bị nước sôi làm phỏng đùi chân trái được dìu đến trạm xá, bác sĩ Mạnh lau khô vết thương quay vào phòng thuốc lấy ra miếng thuốc đắp trị phỏng, bác sĩ Quyết nhìn thấy chặn lại,
- Không được. Đừng làm thế tốn phí vô ích. Anh ra phía trước hàng rào cây dâm bụt đang trổ hoa, ngắt lấy độ dăm cánh mang vào đây tôi chỉ cách cho anh băng bó vết thương.
Bác sĩ Mạnh im lặng chấp hành mệnh lệnh chỉ đạo.

Lần khác, một bệnh nhân phụ nữ đến khai bệnh cảm ho. Bác sĩ Mạnh khám đo thân nhiệt ghi xuống phiếu điều trị thuốc aspirine. Bác sĩ Quyết theo dõi lập tức ngăn cản,
- Không cần đâu. Cho cô ấy năm sáu viên Xuyên Tâm Liên là khỏi ngay.
Bác sĩ Mạnh ngập ngừng, khó chịu nhưng không dám nói ra, đành ghi xuống phiếu tên thuốc Xuyên Tâm Liên kèm theo dấu ngoặc “bác sĩ Quyết chỉ đạo”.

Một cậu bé học sinh 14 tuổi bị đau bụng tiêu chảy, cha mẹ đưa đến trạm xá xin thuốc. Rút kinh nghiệm những lần trước, bác sĩ Mạnh tham khảo ý kiến, bác sĩ Quyết chỉ đạo,
- 12 viên Xuyên Tâm Liên uống trong ba ngày. Bảo gia đình mua củ cà rốt nấu lấy nước cho uống sẽ cầm tiêu chảy.
Bệnh nhân lãnh thuốc Xuyên Tâm Liên ra về, bác sĩ Mạnh có phần bất mãn cố nén giọng,
- Lần trước anh bảo tôi cho bệnh nhân cảm ho sốt uống thuốc Xuyên Tâm Liên. Lần này thằng bé bị đau bụng, anh cũng cho thuốc Xuyên Tâm Liên khiến cho tôi thắc mắc...
Lập tức, bác sĩ Quyết cau mày tỏ vẻ bực bội cắt ngang,
- Anh chẳng hiểu biết gì về thuốc men cả. Xuyên Tâm Liên là thuốc dân tộc trị bá bệnh rất được ngành y dược học nước ta đánh giá cao về trị liệu.
- Xin lỗi anh, loại thuốc mà anh vừa nói tôi chưa bao giờ được biết đến nên không thể cấp phát chữa trị cho bệnh nhân.
- Anh chưa biết thì bây giờ chịu khó học hỏi sẽ biết.
- Tại sao anh luôn ngăn cản không cho tôi xử dụng các loại thuốc tây thông thường mà tất cả y sĩ đều quen dùng để chữa trị, các loại thuốc ấy hiện đang có đầy đủ trong tủ thuốc của trạm xá.
Bác sĩ Quyết lớn giọng,
- Anh không được phép chất vấn cấp trên nghe chửa !
Tinh thần chịu đựng của bác sĩ Mạnh bị xuống thấp, tỏ ra có chiều hướng chán nản thụ động.


Lần sau cùng, một bệnh nhân đàn ông lớn tuổi bị đau bụng dữ dội được đưa đến trạm xá. Bác sĩ Mạnh quyết định chích thuốc giảm đau và chuyển bệnh nhân lên bệnh xá cấp huyện không xa nông trường khu kinh tế mới.

Bệnh nhân nằm sấp trên giường. Ống thuốc nước giảm đau đã được tra vào ống kim chích. Bác sĩ Mạnh tay cầm ống chích, tay cầm miếng bông gòn thấm rượu sát trùng, chưa kịp xoa rượu sát trùng lên mông bệnh nhân, bác sĩ Quyết xen vào đứng bên cạnh ra vẻ muốn sát hạch tay nghề,
- Anh chích mũi thuốc này vào chỗ nào trên mông bệnh nhân ?
- Anh quên rằng tôi là bác sĩ hành nghề mười một năm, chẳng lẽ không biết chích một mũi thuốc trên mông bệnh nhân hay sao ?
- Lấy gì chứng minh được khả năng hành nghề của anh ?
Bác sĩ Mạnh buông tay cầm ống chích xuống với ý định đi ra khỏi phòng khám bệnh, nhường cho bác sĩ Quyết chích ống thuốc này, lập tức bị gọi giật lại,
- Anh phải chỉ cho tôi biết anh chích thuốc vào chỗ nào. Nếu anh không biết, tôi sẽ chỉ đạo cho anh chích mũi thuốc này.
Bác sĩ Mạnh giận đến run người, cố nén lòng kềm chế. Mặc cho bệnh nhân đau đớn nằm rên hừ hừ, bác sĩ Quyết rút từ trong túi quần ra một tờ giấy bạc đang lưu hành có in chân dung “Bác Hồ”, đặt tờ giấy bạc lên mông đít của bệnh nhân, dõng dạc dạy cho bác sĩ Mạnh,
- Hãy nhìn cho kỹ vào đây. Đặt tờ giấy bạc nằm ngang, góc trên chạm ngay đầu mút của xương cụt, anh sẽ nhìn thấy rõ khoảng mông nhỏ dưới tờ giấy bạc là vùng có thể phóng kim vào để chích mũi thuốc. Anh làm đi cho tôi xem.
Bác sĩ Mạnh dõng dạc từ chối,
- Tôi không thể chích thuốc theo kiểu chỉ đạo của anh.
- Tại sao anh không chấp hành ?
- Có hai lý do. Thứ nhất, tờ giấy bạc đặt lên chỗ chích thuốc là mất vệ sinh, sẽ gây ra nhiễm trùng. Thứ hai, trên tờ giấy bạc có in chân dung “Hồ Chủ Tịt”. Đặt hình của lãnh tụ đảng và nhà nước ta lên mông đít là phản động, tôi không làm. Yêu cầu anh lấy đi tờ giấy bạc, rồi tránh ra cho tôi làm việc.
Đến lượt bác sĩ Quyết giận bầm gan tím ruột, đành phải lấy lại tờ giấy bạc bỏ vào túi quần, hậm hực bước ra khỏi phòng khám.

Chuyển bệnh nhân đi rồi, bác sĩ Mạnh ngồi tịnh tâm tìm lối thoát.

Đề phòng bị vu cáo ám hại, ông cẩn thận kiểm điểm lại số thuốc trị bệnh và y cụ hiện đang còn trong tủ thuốc của trạm xá ghi vào sổ, trước khi quyết định cưỡi xe gắn máy trở về Sở Y Tế thành phố nộp tờ báo cáo xin thôi việc, tự mình chấm dứt hành nghề bác sĩ y khoa trong chế độ cộng sản, chấp nhận sự “đổi đời”, chọn lấy sinh kế mới, chuyển qua sinh sống với nghề lái xe đò chở khách, chạy bằng than cây.


Lưu Thiên Lý
(trích tiểu thuyết Đổi Đời, 2011)