Register
Page 1 of 3 123 LastLast
Results 1 to 10 of 26
  1. #1

    BÁT NHÃ TÂM KINH - Dịch và chú giải

    Bài này được trích từ quyển sách LỜI PHẬT DẠY (KINH PHÁP CÚ - THE DHAMMAPADA SUTRA) do LS Đinh Sĩ Trang biên soạn.

    Nguyện đem công đức ghi chép bản dịch và chú giải này hồi hướng đến tất cả các anh linh tử sĩ, chiến sĩ trận vong cùng tất cả đồng bào đã bỏ mình vì tự do, nhân quyền cho Việt Nam trước và sau 30/4/1975. Hồi hướng đến tất cả quân, dân, cán, chính, đồng bào bị tù đày chết chóc, tử nạn trên đường vượt biên, vượt biển tìm tự do sau ngày 30/4/1975.

    Kính,



    Last edited by khúc dương; 05-10-2015 at 12:28 AM.
    Hồi đầu thị ngạn

  2. #2
    BÁT NHÃ TÂM KINH
    PRAJNA PARAMITA SUTRA


    Cụ CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN dịch và giảng giải.

    Lời giới thiệu: BÁT NHÃ TÂM KINH



    "Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa", nghĩa là "Kinh với Trí Huệ đưa người qua bờ bên kia" là bộ Kinh Đại Thừa với nội dung có mục đích hướng dẫn người tu đạt được trí Bát Nhã.

    Đây là bộ kinh ngắn nhất của Phật Giáo Đại Thừa, vì chỉ có 260 chữ, nhưng là cốt lõi của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển.

    Về phương diện văn từ thì kinh này rất giản dị, nhưng về ý nghĩa thì thật là sâu sắc, cho nên " Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh" không phải dễ giải. Hiện tại có khá nhiều bản dịch và chú giải kinh này sang tiếng Việt. Nhưng theo sự thấy biết hạn hẹp của chúng tôi thì bản dịch của cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là rất đầy đủ và dễ hiểu, nên chúng tôi xin mạn phép in lại tóm tắt sau đây để cống hiến quý vị độc giả, trước là làm tài liệu tham khảo, sau là để hiểu thêm ý nghĩa của kinh.

    Trân trọng.
    Đinh Sĩ Trang

    (trích)
    Last edited by khúc dương; 05-09-2015 at 11:52 PM.
    Hồi đầu thị ngạn

  3. #3
    MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA MẬT-ĐA TÂM KINH
    (Hán văn)

    Quán-tự-tại Bồ-Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

    Xá-Lợi-Tử ! Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị.

    Xá-Lợi-Tử ! Thị chư pháp Không-tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố, Không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp; vô nhãn giới nãi chí vô ý-thức giới, vô vô-minh, diệc vô vô-minh tận; nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc.

    Dĩ vô sở đắc, cố Bồ-đề tát-đoả y Bát nhã Ba-la-mật-đa, cố tâm vô quái ngại. Vô quái ngại, cố vô hữu khũng bố, viễn ly điên đảo, mộng tưỡng, cứu cánh Niết bàn.

    Tam thế chư Phật y Bát-nhã Ba-la-mật-đa, cố đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

    Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chơn thiệt bất hư.

    Cố thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú viết :
    "Yết-đế, yết-đế, Ba-la yết-đế, Ba-la tăng-yết-đế, Bồ-đề tát-bà-ha.

    ---------------------------------------------------------------

    TÂM KINH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
    (Dịch nghĩa)

    Khi ngài Quán-tự-tại Bồ-tát thực hành sâu xa pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, qua hết thảy khổ ách.

    Này ông Xá Lợi Phất ! Sắc chẳng khác gì Không, Không chẳng khác gì Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc; Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như thế.

    Này ông Xá Lợi Phất ! Tướng Không của mọi pháp, không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt.

    Cho nên trong "Chân Không" không có Sắc, không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý-thức giới; không có vô minh, cũng không có cái hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có hết cái già chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí-huệ cũng không có chứng-đắc.

    Vì không có chổ chứng-đắc, nên Bồ-tát y theo Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tâm không ngăn ngại.

    Vì không ngăn ngại, nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo, mộng tưởng, đạt đến cứu cánh Niết-bàn.

    Chư Phật trong ba đời cũng y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà được đạo quả Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.

    Cho nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, trừ được hết thảy khổ, chân thật không sai.

    Vì vậy nói ra bài chú Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

    Liền nói bài chú ấy rằng : "Yết-đế, yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la-tăng yết-đế, Bồ-đề tát-bà-ha."
    Hồi đầu thị ngạn

  4. #4
    Chương 1


    TÊN KINH VÀ Ý NGHĨA


    Kinh mang tên nữa Hán nữa Phạn.
    Phần Phạn văn là : Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
    Phần Hán văn là : Tâm Kinh.

    Ma-Ha (maha) nghĩa là Lớn.
    Bát-nhã (prajnà) nghĩa là Trí huệ
    Ba-la-mật-đa (paramita) là "tới bờ bên kia"
    Tâm kinh có nhiều nghĩa, tuỳ người giải.
    Ở đây xin tạm hiểu là "Kinh tâm yếu" (của bộ Đại Bát Nhã).

    Vậy trọn tên kinh có nghĩa : Kinh trọng yếu nói về cái Trí-huệ lớn có năng lực đưa người sang đến bờ bên kia.

    ***

    Theo Đại sư Trí-Giả của Tông Thiên Thai (Trung Hoa) thì Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật-đa Tâm kinh thuộc về loại thuần lý, không có những sự tướng như nhân vật hay sự tích xen vào.

    Vậy có thể nói kinh này là một bài triết học mà mục đích là trình bày một vấn đề triết học trên hai phương diện lý thuyết và kết quả.

    ***

    CHỦ YẾU CUẢ KINH

    Trước khi bắt đầu giải kinh, nghĩ chúng ta nên biết chủ yếu của Kinh. Như đã nói, Tâm Kinh, cũng nhưng nhiều kinh khác cùng trong một trường hợp, có thể ví như một bài triết học, dài vắn không chừng, nhưng mục đích không ngoài việc bàn rộng một đề tài được nêu ra, hoặc rõ ràng hoặc thâm kín.

    Đề tài ở đây là gì ? Là "Bát-nhã Ba-la-mật-đa" hay "cái Sáng suốt có thể đưa người tới bờ bên kia", hay nói theo Đàm Hư Đại Sư, cái "Sáng suốt triệt để".

    Cái sáng suốt ấy như thế nào ? Không thể nói được, vì nó không hình, không tướng. Không thấy được, không thể tả được, nhưng có thể biết nó có và như thế nào, xuyên qua các công dụng của nó.

    Thật vậy, đố ai biết lòng lành (thiện tâm) là gì, nhưng biết có nó là nhờ ở việc làm của người sẵn lòng chia cơm xẻ áo; việc làm ấy là cái dụng của Thiện tâm.

    Vậy công dụng của Bát-nhã như thế nào ? Theo Tâm-Kinh thì công dụng ấy là làm cho Bồ tát thấy "năm uẩn đều không".

    Biết được năm uẩn đều không thì thoát được những "đắng cay, khổ nạn", y như câu đầu kinh nói : "Quán-tự-tại Bồ-Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách".

    Vậy tu tập cho có được "Bát-nhã" là vì cái lợi ích giải thoát.

    Thấy năm uẩn đều không nghĩa thế nào?

    Năm uẩn là : Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

    Sắc uẩn chỉ cái thân xác thịt, vật chất, còn bốn uẩn sau (cảm giác, tư tưởng, tính toán, nhận biết) hợp lại làm phần tinh thần của con người. Vậy ngũ uẩn là một danh từ dùng chỉ "con người", hay rộng ra là chỉ toàn thể nhân loại. Đối với chúng ta, người là vật "thật có", "ta" là "thật có", vậy ngũ uẩn là "thật có", nhưng Phật bảo "thật không" (chiếu kiến ngũ uẩn giai không).

    Quả là hai nhận xét trái ngược nhau, đưa đến hai ảnh hưởng cũng trái ngược nhau. Vì chúng ta nhận ngũ uẩn là thật có, nên chúng ta khổ. Phật và các vị Bồ tát, nhờ sáng suốt triệt để, thấy năm uẩn đều không, người cũng không mà ta cũng không, nên hết khổ não.

    Ta đã là ta, thì ta không phải là người khác, và mỗi người khác cũng tự thấy mình là một cái "ta" riêng biệt, không giống một ai và cũng không có một cái gì chung với người khác, với những cái "ta" khác. Trên mặt đất này, có bao nhiêu triệu người là có bao nhiêu triệu cái "ta" riêng biệt. Đã là riêng biệt thì mạnh ai nấy lo cho mình; lòng ích kỷ do đó mà nẩy sanh. Mà ích kỷ là gì, há không phải là những ý nghĩ, lời nói, việc làm, quy về có một mục đích là bảo tồn sự sinh sống của cái "ta", và hơn nữa, làm sao cho sự sinh sống ấy được êm đẹp, sung sướng càng nhiều càng hay, còn lại những cái "ta" khác thế nào mặc kệ ! Lòng ích kỷ quả là lòng tham không đáy. Có tham là có tranh thủ, dành cái sướng cho mình, để cái không sướng cho người.

    Mong mà được thì vui, mong mà không được thì buồn, được rồi sợ mất nên lo, sợ mà vẫn mất, cái lo trở thành cái khổ. Lắm khi quá bất đắc chí lại sanh giận, trách trời, oán người. Tham lam như thế, oán giận như thế, là tại si mê, là tại tối tăm, không thấy, không biết sự thật. Mà càng si mê, cái tham, cái giận càng tăng, mà tham giận càng tăng, si mê lại càng sâu, như con tằm càng nhả tơ, cái kén càng dày, mà cái kén càng dày thì cái tối trong lòng kén càng tăng.

    Tham, giận và vô minh là ba chứng bệnh căn bản của nhân loại, của chúng sanh mà Phật giáo quả quyết là nguồn gốc của đau khổ. Cái nguồn đã biết, nếu làm cạn được nguồn ấy thì mạch khổ tự nhiên hết chảy. Phật giáo có nhiều phương cách làm cạn nguồn khổ, gồm lại trong thuyết "Bát Chánh Đạo" là tám con đường chánh.

    1. Chánh kiến (thấy đúng).
    2. Chánh tư duy (nghĩ đúng).
    3. Chánh ngữ (nói đúng).
    4. Chánh nghiệp (làm đúng).
    5. Chánh mạng (sống đúng).
    6. Chánh tinh tấn (siêng cần đúng)
    7. Chánh niệm (tư tưởng đúng).
    8. Chánh định (chú ý đúng).
    Last edited by khúc dương; 05-10-2015 at 05:46 AM.
    Hồi đầu thị ngạn

  5. #5
    Tuy là tám, nhưng quan trọng nhất là Chánh Kiến. Thật vậy, nếu thấy sai, như thấy sợi dây nằm cong queo dưới đất mà cho là con rắn, thì tức nhiên phải nghĩ sai, nói sai, làm sai.

    Tâm Kinh giúp chúng ta có Chánh Kiến nhờ Trí Bát nhã. Chánh Kiến là chìa khoá mở cửa địa ngục Tham, Sân, Si, để giải thoát chúng ta ngay trong đời sống hiện tại.

    Phật sở dĩ thành Phật là nhờ thấy đúng. Chư Bồ tát sắp đạt đến ngôi vị Phật là nhờ tập thấy đúng và lần hồi thấy đúng cho tới mức triệt để. Nhưng thế nào là thấy đúng? Đúng với cái gì ?

    Đúng "như thị", nghĩa là vạn vật như thế nào, mình phải thấy như thế ấy, như sợi dây là sợi dây, đừng mê lầm mà thấy là con rắn.

    Đồng một đại ý, Đại sư Suzuki nói :

    "Trạng thái tự tại chỉ thực hiện được khi nào ta không để cho những tư tưởng thuộc về ta, tức là ngã chấp, xen vào trong sự giải thích việc đời, và khi nào thế giới như thế nào ta thấy như thế ấy, chẳng khác mãnh gương kia; gặp hoa thì rọi hình là hoa, gặp mặt trăng thì rọi hình là mặt trăng. Đó là nghĩa của hai chữ "như thị" thường thấy trong kinh điển, mà ý nghĩa được xác nhận thêm trong câu : Việc đời và thế giới như thế nào, đức Phật nhận y như thê ấy, không tìm cách giải thích theo óc tưởng tượng của ngài. Và như thế có phải hay hơn là gán cho sự vật những cái ý nghĩa, những cái giá trị mà chúng không có ? Như cảnh vật là cảnh vật, cớ sao ta lại bảo là có cảnh vui cảnh buồn ? Phải chăng là tại ta đa sự, đem cái buồn cái vui của ta mà gắn cho cảnh để rồi lên án cảnh ? Cũng như người là người, tại sao ta lại chia có kẻ thân người sơ, để rồi ghét sơ mà thương thân ? Lại nữa có hai cái miệng cùng hả, cùng la, nhưng cái thì ta cho là ca hay, hát ngọt, còn cái thì ta cho là mắng chửi đinh tai. Nếu ta " như thị quán ", ta sẽ cười cho cái thấy không đúng của ta. Cái mà ta thích và gọi là tiếng ca với cái mà ta không thích và gọi là tiếng mắng, đều là tiếng, là âm thanh cả, vậy hơn kém nhau chổ nào, há không phải ở cái nghĩa, cái giá trị ta tự ban cho những tiếng ấy sao ?
    Hồi đầu thị ngạn

  6. #6
    Vì thấy như thật, vì vật thế nào thấy như thế ấy nên Bồ tát thấy tất cả sự vật không phải thường còn mà cũng không phải không thường còn, không phải khổ mà cũng không phải vui, không phải có ta, mà cũng không phải không có ta, không phải "có" mà cũng không phải "không". Thấy như thế gọi là thấy với cái "tâm vô phân biệt", với cái tâm hết "vọng tưởng", với cái tâm hết "khởi niệm" nghĩa là không còn nghĩ tưởng gì hết.

    Như trên đã nói, Chánh Kiến là đúng "như thị", vạn vật thế nào phải thấy như thế ấy, đừng tô son bôi lọ, đừng lên án, đừng bình phẩm. Phải thấy thấu tới cái Thực tướng của vạn vật, đó là chủ yếu của Tâm kinh.

    Thực tướng của vạn vật là cái tướng chân thật của chúng.

    Đại thừa Phật Giáo quả quyết vạn vật có hai tướng, một bề ngoài, một bề trong. Cái tướng bề ngoài là cái tướng chúng ta dùng ngũ quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) mà nhận, mà tiếp xúc được, hay dùng cái quan thứ sáu lá Ý mà xét được.

    Tướng bề ngoài là gì ?

    Chúng ta hãy lấy một thí dụ. Chúng ta có một số chai, hũ, vò, ghè, ly, chén, tô ..v.v.. trong đều đựng một thứ nước. Cái hình tướng bề ngoài của những vật ấy thì tròn, vuông, dẹp, ba góc, sáu góc, cao, thấp, sai khác nhau. Không cái nào giống cái nào, do đó mà chúng có những tên cũng sai khác nhau.

    Nhưng trong những cái sai biệt bề ngoài ấy, có một cái chung cho tất cả, đó là nước. Ở đây, nước là cái tướng bề trong chung cho những cái vật chứa đựng nó, có tên là chai, hũ, vò, ghè v.v... Vì cái tướng bề trong ấy là một, không hai, nên gọi là "nhứt bổn" (một gốc).

    Vạn vật trong thế gian, trong vũ trụ, cũng gần như thế. Tất cả đều chung có một cái tướng bề trong, ẩn nấp trong những cái tướng bề ngoài mà chúng ta đặt tên cho là mặt trời, mặt trăng, tinh tú, trái đất, cầm thú, thảo mộc, nhân loại ..v.v... Những cái tướng bề ngoài đó là những chai, hũ, vò, ghè v.v.. trong thí dụ trước. Chúng sai khác nhau, và ai cũng trông thấy, cũng nhận được. Đến cái tướng bề trong thì không một ai trông thấy, trừ những bậc có một trí tuệ triệt để (bát nhã ba la mật đa), vì tướng đó không hình, không sắc, do đó nên gọi là "tướng Không".

    Tuy "Không", nhưng tướng ấy mới là tướng chân thật (Thực tướng) của vạn vật, còn cái tướng bề ngoài mà chúng ta ai cũng thấy lại là cái tướng giả dối.

    Đạo Phật cho cái tướng bề ngoài là giả vì nó biến đổi từng giây, từng phút, rồi cuối cùng lại tiêu tán trong không gian và thời gian. Trái lại với cái tướng không hình sắc, không thấy kia mới là chân thật, vì đời đời kiếp kiếp, từ không biết hồi nào đến bây giờ, và từ đây cho đến không biết chừng nào cho cùng tận, nó như thế mãi, không thêm, không bớt, không trẻ, không già, không sanh, không diệt.

    Cái tướng dị kỳ ấy là gì ?

    Đó là cái gì vừa linh động, vừa sáng suốt hiểu biết, ở mỗi vật, ở mỗi người.
    Linh động là sự sống.
    Sáng suốt, hiểu biết là Trí Huệ, là Tâm.
    Đó là nghĩa của danh từ "Thực tướng" hay "Không tướng" trong Tâm Kinh.

    Sống trong thế gian, chúng ta đeo đuổi theo những cái sai khác bề ngoài để chia rẻ, để lấy bỏ, để thương ghét v.v...làm cho đời đã đắng cay càng đắng cay thêm. Phật thấy rõ cái tướng bề trong duy nhất cho tất cả, nên Phật không còn bị cái bề ngoài lừa gạt, không còn chia rẻ, lấy bỏ, ghét thương, nên Phật hết chịu đắng cay.

    Trong kinh Bát Nhã này, Phật đem cái rõ ấy dạy cho đời, đồng thời Phật chỉ cái công dụng, cái lợi ích về mặt lìa khổ để được vui của "Bát nhã".

    Đến đây, có thể nói là chúng ta đã minh định xong phần chủ yếu của Tâm Kinh và cũng đã có một vài xác nhận về ý nghĩa của những danh từ dùng trong kinh. Từ đây chúng ta sẽ đi sâu vào nội dung.

    Điều cần thiết nên lập tâm ngay bây giờ, là phải cố hiểu kinh theo cái thấy, cái hiểu của Phật. Đừng thấy, đừng hiểu theo lối phàm phu của chúng ta. Sự cố gắng ấy thật là khó, vì ngược với thói quen, với quan niệm, với sự hiểu biết xưa nay của chúng ta. Nhưng có đi ngược mới thấy được sự thật. Chúng ta đã bỏ cả ngày, cả tháng để nghĩ những nước cờ, nước bài hay, chắc chúng ta không ngại gì mà không bỏ mỗi ngày mười lăm hai mươi phút để suy nghiệm những lời Phật dạy.
    Hồi đầu thị ngạn

  7. #7
    Chương 2

    NỘI DUNG

    Chúng ta đã thí dụ Kinh Bát Nhã như một bài triết lý mà đề tài là "Bát-nhã Ba-la-mật-đa". Nhưng trái với thông lệ, ở đây không phải một đề tài để thuyết minh, mà cũng không phải là một luận án để bênh vực, hay một ức thuyết, một giả thuyết hay một nghi vấn để chứng minh, để giải quyết. Từ đầu đến cuối bài, toàn là những quyết đoán mà tự ý người đọc muốn lấy cũng được, muốn bỏ cũng được.

    Nói quyết đoán là khi nào chuyện mình nói đúng với sự thật một trăm phần trăm, dù ai có tin hay không tin cũng mặc. Tại sao? Vì tin, chuyện ấy cũng như thế, mà không tin, nó cũng như thế, biện minh làm gì? Đó là tính cách của toàn bài Kinh mà mỗi câu là một sự quả quyết về Sự Thật mà một hạng người phi phàm gọi là "Bồ tát quán tự tại" đã nhận thấy nhờ các ngài có một lối thấy sáng suốt và bình tỉnh lạ lùng. Có thể ví các ngài như những nhà thám hiểm cung trăng thuật lại những gì họ đã thấy trên đó. Ta không tin, đó là quyền của ta, các nhà thám hiểm kia không làm thế nào cho ta đổi ý được, vì làm sao minh chứng những cái mà chính mắt họ đã trông thấy rõ ràng, nhưng khốn nỗi, không có ở thế gian, và vượt khỏi tầm nhận xét hay quan niệm của người đời? Muốn biết các nhà thám hiểm nói đúng hay sai, chúng ta phải như các ông ấy, lên tận cung trăng. Ở đây cũng vậy, chúng ta phải cố bay lên thượng từng không khí Trí Huệ mà các Bồ tát quán tự tại đã ngao du, đã quan sát mới mong hiểu các ngài. Chuyện ấy không phải dễ. Nhưng không lên được tới mức của các ngài, chúng ta cũng phải cố vươn mình, ngóng cổ dòm lên, hoạ may chúng ta mới thấy một phần nào những cái thấy của các ngài.

    Đa số những nhà chú giải Tâm Kinh đều cho "Bồ tát quán tự tại" là "Quán Thế Âm Bồ Tát". Bảo như thế sợ không đúng lắm, dù rằng hễ "quán thế âm" được thì "quán tự tại" được luôn.

    Ngài Tịnh Mại đời Đường, trong quyển "Bát Nhã Tâm Kinh Sớ" chủ trương rằng "quán tự tại" là một đức không phải chỉ riêng vị Bồ Tát đứng hầu phía tả đức Phật A Di Đà mới có, mà chung cho tất cả các Bồ tát từ sơ địa trở lên.

    Tôi rất đồng ý với ngài Tịnh Mại về chỗ danh từ "Quán tự tại" không phải riêng chỉ Bồ tát Quán Thế Âm, nhưng tôi không dám quả quyết như ngài rằng hễ vào sơ địa là có cái khả năng "quán tự tại". Tôi tin rằng ngoài Bồ tát Quán Thế Âm, còn có nhiều vị Bồ tát khác đã được ngao du trên cái thượng tầng không khí nói lúc nãy, và như vậy, đã cùng "quán tự tại" như nhau.

    Bây giờ chúng ta hãy trở lại nội dung Kinh, tức là những quyết đoán đã nói ở phía trước.
    Hồi đầu thị ngạn

  8. #8
    Bây giờ chúng ta hãy trở lại nội dung Kinh, tức là những quyết đoán đã nói ở phía trước.

    1. Quyết đoán thứ nhứt :

    Quyết đoán này nằm trong câu đầu của bài Kinh : "Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không", mà tôi xin tạm dịch cho dễ hiểu như sau : "Tất cả những gì do vật chất và tinh thần (ngũ uẩn) tổ hợp mà thành, đều là "Không". Đó là một sự thật mà hàng Bồ tát Quán tự tại đã nhận thấy khi các ngài đi sâu vào con đường quan sát sự vật bằng đôi mắt sáng suốt triệt để"

    2. Quyết đoán thứ nhì :

    Lời quyết đoán thứ nhì là : "Độ nhứt thiết khổ ách". Ở đây Kinh chỉ cái công dụng của sự nhận xét lạ lùng ấy là : "Vượt qua tất cả mọi sự khổ não, ách nạn".

    3. Quyết đoán thứ ba :

    Trong lời quyết đoán thứ ba này, Kinh chỉ cái tương quan giữa Ngũ Uẩn và "Không" tức là giữa những cái chúng ta cho là "Có" và cái "Không".

    Không với Có, theo chúng ta, là hai cái chống đối và cách biệt nhau, nhưng Kinh bảo : "Sắc bất dị Không; Không bất dị sắc; Sắc tức thị Không; Không tức thị sắc; Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị". Nghĩa là : "Năm Uẩn không khác cái Không; cái Không không khác Năm Uẩn; những cái này là cái kia, cái kia là cái này" .

    4. Quyết đoán thứ tư :

    Năm Uẩn chúng ta đã biết và cũng hiểu là gì rồi. Còn Không là thế nào ? Kinh bảo : Thị chư pháp "Không - tướng" bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.
    Đây là một lời quả quyết khác mà chúng ta phải tìm hiểu và xin dịch như sau :

    "Cái tướng Không của muôn sự muôn vật không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt" , nghĩa là trước sau như một, không biến đổi, không bị không gian và thời gian chi phối.

    Tới đây chúng ta tạm ngưng việc kể những quyết đoán kế tiếp, để tìm hiểu những gì Kinh nói. Có hiểu được đoạn đầu nầy mới mong hiểu được phần sau.

    Điều chúng ta nên ghi nhớ thứ nhất là lối nhận thấy của các vị Bồ-tát quán-tự-tại không giống lối nhận xét của chúng ta. Chúng ta nhận thấy bằng mắt thịt, các ngài nhận thấy bằng mắt Bát nhã Ba la mật đa, tức là bằng mắt trí huệ sáng suốt triệt để. Hai lối quan sát đã khác, lẽ tất nhiên kết quả cũng trái ngược : Chúng ta thấy có, các ngài thấy không.

    Cái gì có ?

    Năm Uẩn là có, mà Năm Uẩn là thành phần căn bản của con người, của cái "ta" , của vạn vật, vậy đối với chúng ta, "Có" là vạn vật, là "ta", là con người.

    Nhưng cái Có ấy phải "thật có" chăng ?

    Chúng ta quả quyết là thật có vì chúng ta, nếu không lấy được, ngữi được, thì cũng nếm được, sờ được. Nhưng nếu thật có, tại sao có vật thấy đó rồi lại mất đó, vừa thấy dơ rồi lại sạch, hay vừa sạch rồi lại dơ, mới thấy đầy đó rồi lại lưng vơi, hay mới lưng vơi đó rồi lại đầy? Hãy lấy ta làm thí dụ. Hãy lấy những cái "ta" hồi mới sanh, hồi 5 tuổi, 20 tuổi, 50 tuổi mà xét. Bất luận vào tuổi nào, hễ cái "biết" nẩy nở nơi ta thì ta luôn luôn vỗ ngực xưng : Ta đây.

    Sao chúng ta lại có nhiều cái "ta" như thế? Và cái nào thiệt là "ta". Nếu cái "ta" của lúc 5 tuổi thiệt là "ta", vậy cái "ta" của lúc mới sanh là gì? Rồi đến khi 20, 50 tuổi sẽ có những cái "ta" khác nữa! Như vậy quả có nhiều cái "ta" và không có cái nào thiệt cả.

    Đem lối xét nầy mà áp dụng cho tất cả sự vật khác, dầu thuộc vật chất (sắc pháp), dầu thuộc tinh thần (tâm pháp), kết quả đều như thế cả : Có là giả có, không phải thiệt có. Vậy cái gì thiệt có?
    Hồi đầu thị ngạn

  9. #9
    Cái "Thiệt Có" là "Không"

    Cái Thiệt Có đã là Không, thì cái Không nầy nhất định không phải là không-ngơ, (ngoan không hay ngoan hư không), vì nếu thiệt là không-ngơ thì có gì mà bảo là Thiệt Có được? Cũng không phải là cái Không của người bảo chết là hết, là không! Cũng không phải cái không của suy luận, theo thuyết giả danh. Thí dụ chúng ta nói cái xe, nhưng cái xe thật sự là cái gì, và đố tìm ra cái xe ngoài những bánh, thùng, gọng v.v... Hay chúng ta nói "con người", nhưng con người là cái gì thử chỉ xem, trong khi sự thật là bao xương thịt kết cấu với một mớ tình cảm, tư tưởng .... vậy thôi! Vậy những cái mà chúng ta gọi là xe, là con người, toàn là giả danh, không có thật, là "Không". Nhưng cái "Không" nầy cũng không phải là cái "Không" đề cập trong kinh Bát Nhã.

    Vậy cái Không mà Thật Có nầy là một cái gì chúng ta chưa khám phá ra được, mà dầu có khám phá ra được, cũng không biết gọi thế nào cho đúng, nên tạm đặt cho nó cái tên "Không", để chỉ rằng cái ấy khác với cái "Có" của thế tình.

    Vì Không mà Thật, nên gọi là "Chơn Không".

    Vì Không mà lại Có, nên gọi là "Diệu Hữu", một cái "Có" lạ lùng, bí hiểm, huyền diệu.

    Trong cái trứng, đố ai tìm ra con gà, thế mà từ trong cái trứng lại xuất hiện một con gà. Phải chăng con gà là cái "Có" do một cái "Không" mà ra, nghĩa là do một cái gì mình không thấy được. Vậy phải chăng trong cái "Không" ấy có con gà, nhưng có một cách thần diệu lạ lùng, không thể nghĩ bàn.

    Không có cái "Không" kỳ diệu ấy thì không có gì hết. Vậy giữa Không và Có quả có một sự tương quan mật thiết, hay để nói cho đúng, tuy hai mà một, vì như Kinh đã nói: Có tức là Không, Không tức là Có.

    Cái Một ấy khi ẩn và tĩnh, là Không, mà hễ nó hiện và động là Có.

    Tại sao biết "Ngũ Uẩn đều không" thì lướt qua mọi khổ ách?

    Như đã nói, Ngũ Uẩn là thân và tâm, hay là "con người", một cá thể do vật chất và tinh thần hợp thành, hoặc nói rộng ra, là vạn vật trong vũ trụ, vì vạn vật cũng thế.

    Tại sao hễ biết Ngũ Uẩn đều "Không" thì lướt qua mọi khổ ách? Ngài Minh Chánh thiền sư đáp: " Biết con người không thật có, cái "ta" không thật có, thì còn ai đâu mà thọ khổ? Huống chi khổ ách cũng "Không" như cái "ta", thì làm gì mà không lướt khỏi? ".

    Chúng ta thử hiểu theo một lối khác.
    Tất cả những phiền não, lo nghĩ, khổ sở của chúng ta do đâu mà ra, há không phải do cái thân ngũ uẩn mà chúng ta lầm tưởng là "ta" mà ra ư? Thân kêu đói, chúng ta tưởng lầm là "ta thật" đói, thân đòi xem hát, chúng ta cũng tưởng lầm là "ta thật" thèm xem hát. Gặp việc trái với thói quen, với quan niệm, với thành kiến của chúng ta, chúng ta giận và tin rằng "ta thật" giận, nhưng thật ra đó chỉ là một phản ứng hoặc của cơ thể, hoặc của thói quen, và không can cập gì đến cái "ta thật" hết.

    Một tu sĩ Ấn-độ giáo, ngài Vivekananda có thuật một câu chuyện ngụ ngôn cổ như sau: Một con sư tử cái có mang gần ngày sanh, nằm đói xếp ve trong bụi rậm đã mấy ngày. Một đàn cừu đi ngang. Mừng quá, sư tử cái thu hết tận lực lao mình vào đàn cừu. Không dè vì nhảy quá mạnh, chị ta sảo thai và ngã chết. Sư tử con được đàn cừu nuôi dưỡng. Từ ấy, cho đến trưởng thành, sư tử con sống đời sống của cừu, ăn thì ăn cỏ, kêu thì be be. Một hôm, một con sư tử già đi kiếm mồi, khi gặp đàn cừu và vừa muốn ra tay thì cả đàn hoãng hốt phát chạy như giông. Sư tử già dợm đuổi theo bổng thấy trong đám cừu có một sư tử. Hết sức ngạc nhiên, sư tử già cất tiếng kêu. Nhưng anh càng rống, đàn cừu càng chạy bay, luôn cả cái chú sư tử nhỏ thấy trong bầy.

    Sư tử già lập tâm khám phá cho ra cái bí mật nầy. Tình cờ một hôm anh ta gặp chú sư tử con nằm ngủ một mình dựa khe suối. Nhón gót lại gần, và để cho chú chàng đừng kinh khủng, sư tử già mới thò miệng vào tai nói nhỏ: "Mầy là sư tử, sao lại làm thói cừu non như vậy?" Chú chàng tỉnh giấc, mở mắt thấy ông đầu xồm, run lên như cầy sấy: "Lạy ông tha cho, tôi chỉ là một cừu non vô tội". Sư Tử già bèn lôi chú chàng đến sát mé khe và bảo:

    "Mầy thử ngó xuống nước coi!" Chú chàng nhướng đôi mắt nom. Quái! Sao mình cũng giống đầu bờm, cũng nanh nhọn, oai phong lẫm liệt như ông tướng nầy ? À! đúng rồi, mình là sư tử chớ đâu phải cừu. Nghĩ tới đây, sư tử cừu ta gầm lên một tiếng chuyển động núi rừng rồi nhảy một cái vào rừng.
    Thôi rồi đời sống cừu con!

    Toàn thể chúng ta là sư tử mà vì cứ lầm tưởng mình là cừu nên bấy lâu nay đã sống đời cừu. Cứ ngó xuống dòng nước Bát Nhã, sẽ thấy mình không phải cừu phàm phu ngũ uẩn, sống trong sợ hãi ưu phiền, mà là sư tử Phật tánh Chơn không, chúa tể sơn lâm vũ trụ, không gì làm mình phiền sợ được. Hết phiền sợ, mà không bảo là "độ nhứt thiết khổ ách" thì bảo là gì?


    Hồi đầu thị ngạn

  10. #10
    Tại sao Sắc không khác Không, Không không khác Sắc.
    Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng như vậy?


    Đã nói cái Có (ngũ uẩn) là do cái Không mà ra, thì Không là căn bản, là nguồn cội, là bản thể của cái Có.

    Không có cái "Không" thì không có cái "Có". Có cái "Có" là vì có cái "Không".

    Nhưng vì có thể có hai vật không khác nhau mà vẫn riêng biệt nhau nên Kinh lại thêm hai câu sau để chỉ, chẳng những không khác, mà cái nầy còn là cái kia và cái kia là cái nầy (Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc).

    Phàm phu cho sóng là sóng, là một vật riêng biệt và Thực Có, không dè nó là một bóng dáng, một cái gì giả dối nhất thời. Tuy nhiên toàn những cái giả dối ấy đều là nước, vì sóng không khác với nước, cũng như Sắc bất dị Không.

    Theo Đàm Hư Đại sư, Sắc (hay Sắc-Trần) là cảnh vật trước mắt chúng ta, ai cũng thấy, sao lại nói "Sắc" không khác với "Không"?

    Chúng ta đều đồng ý với nhau mà nói mắt thấy vật, không dè tự nó, mắt không thấy gì hết. Sở dĩ chúng ta thấy đuợc vật nầy vật nọ là nhờ một cái khả năng của chúng ta là "tánh thấy". Nếu thật mắt thấy, sao mắt người mới chết, tuy còn nguyên vẹn, mà không thấy gì hết? Người chết, tuy còn mắt mà không còn thấy là vì cái "tánh thấy" ở người ấy đã lìa xác thân rồi. Nhưng cái "tánh thấy" ấy nó là gì, nó ở đâu? Không thể chỉ được, không thể nói được, chỉ suy nghiệm mà biết thôi vì nó không hình không tướng. Vậy nó thuộc về cái thể Không, hay nói cách khác, tánh thấy là một khả năng, một đặc tánh của cái "Không" nói trong Tâm Kinh.

    Tâm ta có thể ví như tấm gương, tánh thấy ví như ánh sáng của gương. Ta nói ta thấy, thật ra không có cái thấy thật, mà chỉ có vạn vật soi bóng vào tấm gương lòng của ta mà thôi, cũng như vạn vật soi bóng vào tấm gương thuỷ tinh. Có soi được là nói có thấy, nhưng soi đuợc hay không soi được là tuỳ có vật hay không có vật, như ông thầy chữa mắt, muốn biết ta thấy hay không thấy, phải đưa bàn tay của ông ra trước mắt ta và hỏi ta có thấy hay không? Vậy "Tánh thấy" tuỳ vật mà hiện ra cái tác dụng của mình, cũng như vật phải tuỳ vào tánh thấy mới phô bày hình dáng của nó được. Nói cách khác, cái thấy, thật ra là kết quả của sự tương phản giữa tánh thấy và vật, bên nầy chiếu qua, bên kia chiếu lại, mới nảy sinh ra cái mà chúng ta gọi là thấy.

    Vậy tuy chia có Tánh thấy và Sắc vật, nhưng hai cái nầy không thể tách rời ra, vì cái nầy nằm trong cái kia, cái kia nằm trong cái nầy. Nhận có muôn vật là đồng thời nhận có Tánh thấy, mà bàn đến Tánh thấy là đồng thời cũng nhận có muôn vật. Nay đã thấy cái thể của Tánh thấy là Không, thì sắc vật kia nằm trong Tánh thấy cố nhiên phải cùng một thể là Không. Do đó Kinh nói: Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc.

    Xét đến bốn uẩn khác là Thọ, Tưởng, Hành, Thức, cái lý cũng như vậy. Tại sao ? Tại vì có thân là Sắc, mới có cảm giác, tư tưởng, lo nghĩ và hay biết. Nay thân (Sắc) đã Không thì bốn cái tuỳ thuộc kia của thân làm gì chẳng Không luôn? Bởi vậy nên Kinh nói: Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị.


    Hồi đầu thị ngạn

 

 

Similar Threads

  1. Dịch Cân Kinh
    By hienchanh tran in forum Sức Khoẻ/Sắc Đẹp
    Replies: 1
    Last Post: 01-08-2015, 06:39 PM
  2. Yếu Tố Thành Công Của Một Chiến Dịch
    By ngocdam66 in forum Nhân Văn
    Replies: 0
    Last Post: 03-18-2012, 09:04 PM
  3. ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM VÀ NỖI KINH HOÀNG thái san
    By ttv2007 in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 0
    Last Post: 03-16-2012, 12:31 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 12:04 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh