Register
Results 1 to 10 of 439

Threaded View

  1. #11
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    862
    Cảm ơn se sẻ Chiều, dulan, hx, anh đèn núi và các bạn ghé ngang ....

    Sang trang mới, trả nợ cũ....
    ----------


    Nợ ...


    Phải có đam mê hoặc bị áp lực không thoát nổi để con ngựa chết trở thành kẻ mộng du, mải miết cho xong một điều gì đó.

    Cả hai trường hợp đều để trả nợ. Nếu vì đam mê là trả nợ cho bản thân mình, cái thôi thúc bên trong như ngọn lửa âm ỉ ngày đêm đốt cháy đến suốt đời. Pháp Khảo ở trong trường hợp này nên tự nguyện hy sinh thời giờ và vật chất cho lý tưởng.

    Cuộc đời chàng ta gắn liền với đám học trò nhỏ như con mọn và những cựu học sinh trường Võ ngày xưa, giờ đã hai màu tóc, như Lãng Tử, như Viết Cao.

    Còn nếu làm điều gì đó, vì áp lực thì có áp lực nào nặng hơn Giả Sơn bên cạnh. ĐÓ là lý do vì sao Lãng Tử đã hăng say âm nhạc đến độ tra tấn mọi người với những sáng tác mà chàng nói dùng cho trẻ con tập hát.

    Lãng Tử xưa đã từng học với Pháp Khảo, dù Pháp Khảo chỉ xấp xỉ tuổi mà đã là giáo sư. Lãng Tử nói xưa lo gạo thi những môn chính, giờ đây sau bể dâu, tù đày khổ ải, mới có thời giờ học lại và sáng tác cho vợ hát...

    Lưu Thủy lần nào gặp Lãng Tủ cũng hết lời khen ngợi và khuyến khích. Nhưng khi Lãng Tử về rồi, cô ta tự hỏi không biết mình có giả dối gì không.

    Cô ta là người không thích khen lấy lòng, nên nhất định là không, vì lúc xưa cô ta vẫn khuyến khích người học trò vong niên của mình làm thơ cho bọn trẻ học.

    Những gương lễ phép, thành thực, hy sinh, rộng lượng, biết đoái hoài kẻ dưới vv...là đề tài cô đã cho bà bạn làm một cách say mê như Lãng Tử bây giờ.

    Giờ đây những sáng tác của Lãng Tử cũng cùng mục đích như thế.

    Lãng Tử khoe đã gom được ba kinh Lạy Cha, Sáng danh, và KÍnh Mừng vào một khúc nhạc. Cô nói sau này nhà thờ hay cho nhạc quê hương nên cần những sáng tác của Lãng Tử cho ca đoàn thay đổi và giáo dân cũng vui thích.

    Đôi khi cô thấy hai vợ chồng Lãng Tử hát ở chùa trong lễ Phật Đản. Người vợ xinh đẹp, hát được giọng ba miền vì Lãng Tử người miền sông Hồng, vợ miền Ngự Bình nhưng lại gặp nhau miền sông Hậu nên mê câu hò, điệu lý rặc Nam kỳ...

    Cô kinh ngạc về sự say mê cải lương của ông Bắc kỳ này nên nói: đúng ra ông phải được sanh ra ở Bạc Liêu hay rừng tràm Cà Mau mới đúng...ông cười thích thú và trở lại giọng Bắc kỳ:

    - Thế mới lạ không cơ chứ !
    ----------


    Nợ thơ...với bà Bắc kỳ...


    Bà già sáu lăm, vừa mê thơ tình, vừa răn đe cô đủ điều sau khi khuyến khích cô làm thơ ...tình cảm cho bà nghe.


    Cố gắng lắm, can đảm lắm để đọc cho bà qua điên thoại viễn liên. Bà soi từng lời, từng ý phóng đại không biết bao nhiêu ngàn lần dưới kính hiển vi làm bằng kinh nghiệm, như cảnh sát khám xét tư tưởng người, mà khuôn thước, mẫu mực, là bản thân mình, cuối cùng bà kết luận:

    - Thơ cô làm còn một cái gì không nói hết, như bị cản trở không thông, khiến người đọc ấm ức...

    Lưu Thủy bực mình vì bản thân mình cũng không làm được để giải tỏa những uất ức mà bà bạn gọi là ấm ức đó, cô ta thấy bà nói đúng tim đen thì giận dỗi trong lòng. Nhưng không thể làm khác hơn.

    Thời gian sau bà bạn già như khám phá điều gì phán bảo:

    - Thôi, cô cứ làm thơ như thế đi, mợ hiểu rồi, đó là sự biết dừng lại, không phóng túng...dù là trong tư tưởng...

    Rồi bà nói tiếp:

    - Cái biết dừng lại khi trên đà tình cảm, khi đã say mê là điều không dễ ai làm được. Nhất là những người bị mang tiếng nghệ sĩ, lãng mạn, mơ mộng và tâm hồn thường mềm yếu thì làm sao dừng lại được.

    BÀ lẩm bẩm tiếng mất tiếng còn trong đầu giây kia:

    - Phải có một sức mạnh nội tâm, có dũng cảm của một chiến sĩ...như mợ ngày xưa cũng đã làm được.

    Có điều thời đại này mợ sợ con người ta phóng túng và quên hết luân lý nhà....


    Trứng không khôn hơn rận. Bà tuổi đáng mẹ, đã góa bụa ở tuổi nửa chừng xuân, nên bà luôn nói đã trải qua hết những gì cô đang và sắp trải qua...

    Bà làm như cô có bổn phận phải làm thơ cho bà đọc và phải nói đúng như tâm trạng của bà, làm cho bà và làm giùm bà...

    Có lần cô hỏi Pháp Khảo khi điều khiển dàn nhạc có thưởng thức được như khán thính giả không. Pháp Khảo nói cái khổ của ông thầy dạy nhạc là bị méo mó nghề nghiệp, chỉ để ý chỗ sai để sửa cho trò...

    Giờ đây Pháp Khảo bỗng dặn cô là không nên quá lệ thuộc vào nốt nhạc. Có lẽ Pháp Khảo nhận thấy được bản chất của cô không thể ép vào khung nhạc mà phải cho một chút kẻ hở để tâm hồn nương theo bài nhạc mà bay lên khỏi chiếc lồng son...

    Nghe Pháp Khảo nói, cô vừa ngạc nhiên vừa mừng. HÌnh như bấy lâu nay, cô đàn không xong một phần cũng vì tự gò ép mình quá đáng cho đúng với bài chăng...

    Pháp Khảo nói:
    - Khi viết cho đàn tranh, Pháp Khảo thường thêm nốt hoặc cao hoặc thấp, cho réo rắt, nên có thể cho qua nếu đàn một nốt cũng không sai...

    Có lẽ Pháp Khảo thấy cô hay có nét mặt khổ sở khi đàn không đúng bài bản nên nhắc khéo. Cô nhớ lúc tập luyện múa quyền cước, cô biết mình sai thế, nhăn nhó khiến Võ Hầu thỉnh thoảng kêu lên:

    - Đừng có nhăn mặt...

    LÚc đó, cô lại thấy nhớ bố hơn bao giờ. Vì đó là nguyên văn của bố mỗi khi cô kể chuyện gì trong lớp cho bố nghe khi xưa...

    --------------------

    đường gươm Nguyên Bá

    Khi viết về hai cây đàn, cô chẳng có ý nghĩ so sánh với ai, hoặc nhân cách hóa gì. Chỉ viết tâm trạng của mình nhưng khi viết xong, đọc lại thấy sao hả lòng và thấy hình như có đã giải cho mình được đến hai thắc mắc.

    Cây đàn cũ đã đứng vững với thời gian là hai mươi năm qua vẫn còn nguyên vẹn, chưa hề bị rạn nứt và bộ móng làm bằng loại sắt dầy và tốt.

    Chỉ có cái thùng đàn do cô vô ý ngã đè lên nên nó bị hở một đầu mà vẫn không làm cho cô chán cây đàn.

    CÓ phải đó là thứ tình cảm đẹp đẽ, nhẹ nhàng nhưng sâu đậm mà cô đã dành cho một người từ buổi chiều gặp đầu tiên.

    CÁi tình cảm mà không bao giờ cô nói ra vì nó chỉ là hương hoa không bao giờ tàn héo vì nó đã biến thành âm thanh, thành ngôn ngữ thành thi tứ...

    Cái tế nhị, sâu sắc mà cô không ngờ đến lúc nào cô hồi tưởng lại và thầm phục cách xử sự của người chỉ hơn mình vài niên kỷ.

    Mới hay sự khôn ngoan của một người cũng độc đáo lắm, có cái vị đặc biệt khó nhận biết, làm người ngạc nhiên tự hỏi và thán phục sự khám phá của mình.

    Còn cây đàn mới tượng trưng cho người nào mới chăng. Vì nó bị nứt quá sớm làm cô thất vọng, chán và nghi ngờ về phẩm chất của hàng được sản xuất sau này. Không lẽ nó tượng trưng cho những gì thuộc thời đại mới...


    Một cây đàn đã chịu qua cái thử thách của thời gian, hai thập niên qua rồi, nó vẫn hoàn hảo, tâm tình còn nguyên vẹn nên cô rất quý trọng.

    CÒn cây đàn mới mang về, cô đã nể nang nó biết bao nhiêu vì sự hùng tráng của nó áp đảo cây đàn nhỏ bé kia, làm cô xách nó đi hơi chao đảo vì sức nặng của nó và thùng đàn hầu như gấp ba lần cây đàn cũ...

    Nhưng tự nó đã làm nó rạn nứt ở một buổi trưa hè. Có tiếng kêu "rắc" gọn như viên đá văng vào kiếng xe nghe rất như một điềm không lành. Cô nhìn dây dàn, tìm xem sợi nào đã đứt nhưng tất cả còn nguyên trên lưng nhạn.

    Cô mừng thầm vì đàn không bị tai nạn gì. Nhưng rồi một tiếng rắc thứ hai thì mới hiện ra một vết nứt trên mặt đàn. Cô gọi đó là đường gươm Nguyên Bá.

    Nguyên Bá đã vì tự ái cá nhân, theo lời thách đố của hoàng tử cũng là vị hôn thê của Thủy Cúc, Nguyên Bá đã rạch mặt người đẹp để chứng minh mình không có tình ý gì với nàng, mình là một trượng phu quân tử...

    Sao cô lại so sánh cây đàn mới và vết nứt là đường gươm Nguyên Bá. đâu ai rạch mặt ai mà là đàn tự nứt mặt. Hay vì có một người vừa tự rạch mặt trong một lúc cuồng nộ nào đó trong lòng khiến cho mọi thứ đều đảo lộn trật tự của nó...

    Cô nghĩ đến bà bạn thơ, bà đã không tuyệt vọng khi chết còn mĩm cười. Bà không biết có người đã phải chứng kiến hai cây cổ thụ, đã bị dây leo quấn cho đến ngã gục...

    Bà vẫn còn một dung nhan xinh đẹp, nguyên vẹn để mang xuống tuyền đài...

    Ngủ ngoan đi, bà già may mắn....

    Cô lẩm bẩm: giờ chỉ còn mình tôi, tôi phải tìm ra cây đàn mới nguyên khác, không để đường gươm Nguyên Bá nào liên lụy...

    --------------


    Câu hỏi


    Chàng hỏi xem nàng làm gì vào những ngày lễ. Nàng định nói lễ hay không chẳng quan trọng gì với nàng vì nàng giờ hoàn toàn không còn lệ thuộc vào thời gian.


    Nhưng thấy chàng đợi chờ câu trả lời, nàng nói tiếp giờ đây nàng hoàn toàn mồ côi, thân phận côi cút rồi...

    Cái điệu tự thương thân phận của nàng khiến chàng thấy ái ngại trong lòng. Nàng chưa từng than van điều gì, nhưng hình như chỉ có sự mồ côi làm nàng nao núng.


    Tại sao nàng không muốn đi đâu. XƯa cũng thế mà giờ cũng thế.

    Sao chàng lại không hiểu cho nàng, lại có thể nhẫn tâm bắt nàng phải chứng kiến cảnh đau lòng như bắt Kiều gãy đàn cho người yêu vui bên tiệc rượu.

    Giờ đây nàng cũng đã giả dụ về người phải quyết liệt một đường gươm chặt bỏ tim mình cho tướng sĩ khỏi bỏ rơi ...


    Chàng biết tấm lòng riêng của nàng đã hóa thành những dòng chữ chất chứa một nỗi đau vời vợi, một uất nghẹn không tan với bao nức nở nghẹn ngào.

    Năm tháng phai ân tình còn mãi...


    --------------
    Kết



    ... Nó là loại văn của người đã nếm trải nỗi bi ai và tâm hồn được nhào nặn để phát ra thứ văn chương ngập ngừng, gần như là ấp úng vì bị sự tra khảo của chính mình mà phát ra những tiếng lòng u uất...



    --------------
    https://www.youtube.com/watch?v=r5lZj1AM5eA

    Vọng Kim Lang, song tấu đàn nhị, đàn tranh
    Last edited by NganHa1; 07-06-2015 at 12:05 AM.

 

 

Similar Threads

  1. trần gian một cõi ...
    By lạc việt in forum Thơ
    Replies: 0
    Last Post: 02-24-2015, 12:42 PM
  2. Replies: 0
    Last Post: 06-29-2014, 10:06 PM
  3. Replies: 0
    Last Post: 01-24-2014, 11:11 PM
  4. Theo Gió Thu Bay
    By Triển in forum Tiếng Hát Đặc Trưng
    Replies: 21
    Last Post: 07-07-2012, 10:08 PM
  5. Không có thời gian
    By Võ Thanh Liêm in forum Âm Nhạc
    Replies: 0
    Last Post: 06-08-2012, 06:40 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:00 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh